Chương Iv: Văn Nghĩa Của Phần Tựa

20 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 10853)

Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức 
THẾ THÂN BỒ TÁT

CU XÁ LUẬN TỤNG LƯỢC THÍCH I
Nguyên tác Nhật ngữ: Trai Đằng Duy Tín - Bản dịch Hán Văn: Huệ Viên Cư Sĩ 
Bản dịch Việt Văn: Học Tăng Lớp Chuyên Khoa Phật Học Viện Trung Phần 
Biên tập: Thích Phước Viên - Ban Tu Thư Phật Học 2546 - Nhâm Ngọ

Chương IV: Văn nghĩa của phần tựa

Tiết 1: Quy kính và phát khởi

Phần tựa chia làm hai phần: Quy kính và phát khởi. Vậy, qui kính bậc hữu đức như thế nào? Và phát khởi phần chánh tông ra sao?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt: 

Chư nhất thiết chủng chư minh diệt
Bạt chúng sanh xuất sanh tử nê
Kính lễ như thị Như lý sư
Đối pháp Tạng luận ngã đương thuyết

Việt dịch: 

Các đấng đã dứt trừ nhất thiết chủng minh và chư minh,
Cứu vớt chúng sanh ra khỏi bùn sanh tử;
Kính lễ bậc Thầy Như lý như thế;
Tôi sẽ nói luận Đối pháp tạng.

Giải thích:

Trong bài tụng trên đây, ba câu đầu là tựa quy kính. Câu còn lại là tựa phát khởi

Chư, chỉ đức Thế Tôn.

Vì sao gọi đức Thế Tôn là “Chư[1]” (những vị)? Sở dĩ gọi đức Thế Tôn là “chư” (những vị) mà không nói thẳng danh hiệu Ngài, như Thích Ca Mâu Ni chẳng hạn, là vì Luận chủ muốn tránh lời chê bài của ngoại đạo, sợ họ cho rằng học trò thiên vị mà tán thán đức độ của thầy mình chứ không phải hết lòng yêu chuộng chân lý. Nay nêu chữ “chư” lên đầu là nhằm nói rằng bất luận thầy của mình hay của ngoại đạo, nếu vị nào đầy đủ trí tuệ đức, đoạn hoặc đức và đại bi đức thì Luận chủ đều quy kính. Tuy nhiên, bậc mà đầy đủ ba đức đó không ai khác hơn là đức Phật. Cho nên, nói “chư” chính là chỉ cho đức Phật vậy.

Nhất thiết chủng chư minh diệt:

Hai chữ “minh diệt” gồm tán thán qua hai phương diện: nhất thiết chủng[2] minh diệt và chư minh diệt. Vì rằng, “minh” (andhakāra, sự mờ ám) có hai thứ:

1. Nhất thiết chủng minh (sarvathā-andhakāra) tức liệt huệ. Liệt huệ này đối với tất cả sự lý không thể hiểu biết một cách rõ ràng. Nó thường làm cho tư tưởng của chúng ta hôn mê mờ ám. Đối với vạn sự vạn vật, lẽ ra chúng ta có thể hiểu biết một cách trọn vẹn, nhưng vì không có trí tuệ viên mãn cao thượng, cho nên đối với chúng, chúng ta không thể hiểu hoặc hiểu một cách mù mờ. Sở dĩ như vậy chính do liệt huệ làm chướng ngại.

2. Chư minh (sarva-andhakāra) tức phiền não. Phiền não chính là cơ năng làm nhiễu loạn thân tâm, khiến cho chúng ta mê ám đối với tất cả sự lý.

Nhất thiết chủng minh được gọi là bất nhiễm ô vô tri. Chư minh được gọi là nhiễm ô vô tri.

Sự khác biệt giữa nhiễm ô và bất nhiễm ô như thế nào?

Tánh chất của tâm có thể được chia làm hai loại:

* Chia làm 3 tánh thì có thiện, ác và vô ký.

* Chia làm 2 tánh thì có nhiễm ô và bất nhiễm ô.

Phần nhiễm ô chính là tánh ác (thuộc hữu phú vô ký) trong ba tánh. Phần bất nhiễm ô là tánh thiện (thuộc vô phú vô ký) trong ba tánh. Nay, nhất thiết chủng minh, tức liệt huệ, tánh chất của nó là thiện và một phần vô ký cho nên gọi là bất nhiễm ô. Chư minh, tức phiền não, tánh chất của nó là ác và một phần vô ký cho nên gọi là nhiễm ô.

Tóm lại, nhất thiết chủng minh hay chư minh đều là minh ám. Tuy nhiên, căn cứ theo tánh chất của chúng, chư minh thuộc về phiền não, có sự nhiễm ô, cho nên gọi là nhiễm ô vô tri. Nhất thiết chủng minh thuộc liệt huệ, không có sự nhiễm ô, nên gọi là bất nhiễm ô vô tri. Xin xem, đồ biểu dưới đây.

Đồ biểu 4

*Thiện tánh
Nhất thiết 
chủng minh 
(tức liệt huệ)
Hữu phú vô ký
Vô phú vô ký 
* vô ký tánh
Ba tánh
*Ác tánh

Chư minh 
(tức phiền não)
* Nhiễm ô
* Bất nhiễm ô
Hai tánh

Diệt (hata) tức khả năng diệt, chia làm hai lớp:

1. Diệt nhất thiết chủng minh: đức Thế Tôn đã xả trừ tất cả liệt huệ, chứng đắc trí tuệ cao thượng viên mãn, hiểu biết cùng tột tất cả các pháp một cách như thật, do đây mà thành tựu được Trí đức,

2. Diệt chư minh: Đức Thế Tôn lại đoạn trừ tất cả phiền não, do đó thành tựu được Đoạn đức.

Nói cách khác, “diệt nhất thiết chủng minh” chính là Trí đức, và “diệt chư minh” chính là Đoạn đức.

Theo bản cựu dịch, luận Cu-xá, câu này được dịch là: “Nhất thiết chủng trí diệt chư minh”, nghĩa là đặt chữ “diệt” dưới chữ “nhất thiết chủng trí” và trên “chư minh”, ý nghĩa bị hạn hẹp. Còn bản dịch này đặt chữ “diệt” ở cuối câu, ý nghĩa bao quát và hàm súc hơn.

Vì sao? Vì “diệt” có hai - nghĩa về thể và nghĩa về dụng. Về dụng thì hiển bày nghĩa năng diệt. Về thể thì hiển bày nghĩa trạch diệt và phi trạch diệt.

Trong văn trường hàng giải thích rằng, “Diệt chư cảnh nhất thiết phẩm minh”, diệt sự mê mờ đối với các cảnh và tất cả sự lý, tức là khả năng diệt trừ hai thứ mê ám. Đây là hiểu nghĩa về dụng. Trường hàng lại nói tiếp: “Ư nhất thiết cảnh minh, nhất thiết chủng minh, chứng bất sanh pháp cố xưng vi diệt”, ngay nơi tự thể của nhất thiết chủng minh và nhất thiết cảnh minh mà chứng đắc pháp vô sanh cho nên nói là “diệt”; tức y vào sự diệt trừ hai thứ minh ám mà chứng đắc trạch diệt và phi trạch diệt. Đây là hiểu nghĩa về thể.

Chữ “diệt” ở trong tụng văn cũng bao gồm 2 nghĩa. Do đó, bản cựu dịch là “Nhất thiết chủng trí diệt chư minh.” Nếu đem chữ diệt đặt lên trên và đọc là: “Nhất thiết trí diệt nhất thiết chủng chư minh”, đó chỉ là nêu lên được cái nghĩa về dụng mà thôi. Còn bản dịch này dịch, “Chư nhất thiết chủng chư minh diệt”, tức đặt chữ diệt ở cuối câu, thì bao gồm được cả hai nghĩa bao quát và hàm súc hơn.

Thế nào là trạch diệt và phi trạch diệt? Trạch diệt tức dùng trí lực có khả năng giản trạch mà đoạn trừ tất cả phiền não để chứng đắc diệt lý. Phi trạch diệt, không giống như diệt lý được chứng đắc bởi trạch diệt; diệt này do thắng duyên hiện tại khiếm khuyết, các phiền não không sanh, nên chứng được pháp bất sanh một cách cùng tột.

Nay nói “diệt chư minh” tức nhờ vào trí lực có khả năng giản trạch mà đạt được trạch diệt. “Diệt nhất thiết chủng minh” tức những thắng duyên làm sở y cho liệt huệ bị khiếm khuyết không sinh khởi được, do đó chứng đắc phi trạch diệt.

Bạt chúng sanh xuất sanh tử nê:

Chúng sanh (skt: jagad, thế gian) là tên gọi khách của hữu tình, là loài có nhiều tính chất sinh tử. Tam giới, ngũ thú là nơi mà tất cả chúng sanh đang bị chìm đắm, thực khó thoát khỏi, nên gọi là bùn sanh tử (saṃsāra-paṅka). Vì từ vô thỉ đến nay, chúng sanh cứ mãi lặn hụp trong đó không biết lúc nào ra khỏi, nên đức Phật thương xót vô hạn. Ngài truyền trao Chánh pháp để cứu độ tất cả; đó là đức tự lợi và lợi tha của Ngài. Đức lợi tha trong hai đức, chính là ân đức trong ba đức.

Kính lễ như thị Như lý sư:

Kính lễ (namaskṛta): là cúi đầu đặt sát chân Phật; tức đem phần tôn quí của mình mà đặt vào chỗ thấp nhất của Ngài, để biểu lộ tấm lòng tôn kính cùng tột.

Như thị (tasmai): nhắc lại những gì đã nói ở hai câu đầu. Hai đức tự lợi và lợi tha cũng chính là ba đức: đoạn, trí và ân.

Như lý sư (yathārthaśāstṛ): Đức Phật khéo léo nói pháp đúng như lý để cứu vớt chúng sanh. Ngôn giáo như lý ấy dạy dỗ khuyên răn đúng như sự thật, không điên đảo, lại hợp lý, hợp thời và hợp cơ, làm lợi lạc cho hữu tình. Cho nên trong văn trường hàng giải thích rằng, lời nói của bậc thầy Như lý biểu thị đức lợi tha.

Tóm lại, ba câu trên nói rằng, bậc nào diệt trừ nhất thiết chủng minh và chư minh thì đầy đủ ba đức. Bậc mà đầy đủ ba đức nơi chính mình, ban bố ân đức vô biên như thế, không ai khác hơn là đức Thế Tôn. Đó là nơi mà Luận chủ đem hết lòng qui kính hướng đến.

Trước khi tạo luận, tại sao Luận chủ tán thán các đức của đức Phật như thế, và tỏ bày sự kính lễ ấy? Theo thông lệ, luận sư nào khi tạo luận trước hết cũng đều tán thán các đức của đức Phật, hoặc qui kính Tam bảo, chứ không riêng gì luận này mới như vậy. Chẳng hạn, luận Thành duy thức, luận Khởi tín, v.v… trước tiên đều có bài tựa qui kính. Nhưng ý qui kính ấy như thế nào?

Nếu đức Phật không nói Pháp thì pháp đâu mà chúng ta nghe? Nay may mắn gặp được giáo pháp tối thắng của Ngài, chúng ta cần phải báo đáp ân đức ấy.

Lại nữa, công nghiệp tạo luận quá lớn lao, nếu không nhờ Phật gia hộ thì khó mà hoàn thành. Cho nên, thỉnh cầu Ngài gia hộ để đạt đến mục đích ấy.

Vì trí tuệ của Luận chủ không đầy đủ, nếu đem kiến thức của mình để tạo luận, e mọi người không tin, nên trước phải qui kính đức Phật để tạo lòng tin, và nói lên ý Luận chủ chỉ là người thừa tiếp.

Ở đời, bậc tôi trung hay người con hiếu thảo muốn làm việc gì trước tiên tâu với vua hoặc thưa cùng cha mẹ. Là đệ tử Phật, Luận chủ phải qui kính Ngài để biểu lộ phần lễ nghi của mình.

Đức Phật là vua trong tất cả các Thánh, trước tiên qui kính Ngài để nói lên rằng Ngài là bậc cao cả nhất.

Các ý trên đây đều cần có trong phần tựa qui kính. Nhưng nay Luận chủ qui kính Phật, chính vì Ngài là bậc cao cả nhất. Cho nên văn trường hàng giải thích rằng: Nay muốn tạo luận này để làm sáng tỏ thực thể cao quí siêu việt hơn các Thánh của Thầy mình, nên trước hết tán thán các đức, rồi sau mới tỏ bày sự kính lễ.

Đối pháp tạng luận ngã đương thuyết:

Câu này là văn ý của phần tựa phát khởi. Lý do qui kính bậc đầy đủ ba đức như vậy là để làm gì? Để Luận chủ thuyết giảng A-tì-đạt-ma Cu-xá. Đây là đầu mối phát khởi cho phần chánh tôn của bộ luận.

Tóm lại, hai phần tựa qui kính và phát khởi chính là lời tựa của bộ luận này.

Tiết 2: Danh và thể của đổi pháp

Luận chủ giảng luận Đối pháp tạng này, trong đó, chữ “Đối pháp” có ý nghĩa gì và thể của nó ra sao?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Tịnh huệ tùy hành danh đối pháp
Cập năng đắc thử chư huệ luận

Việt dịch: 

Tịnh huệ, tùy hành gọi là đối pháp; 
các huệ và các luận có công năng đưa đến tịnh huệ và tùy hành ấy đều được gọi là Đối pháp.

Đoạn văn này trả lời cho vấn đề được đặt ra ở trên.

Liên quan đến danh xưng Đối Pháp (Abhidharma), kinh Phân biệt công đức có hai cách giải thích, luận Đại tì-bà-sa có 24 cách giải thích, luận Nhiếp đại thừa của ngài Thế Thân có 2 cách giải thích, và văn trường hàng của luận này cũng có 2 cách giải thích. Ngoài ra còn có rất nhiều cách giải thích khác, ở đây không thể nêu lên hết được. Nay, y cứ vào bản luận để thuyết minh nghĩa của Đối pháp.

Chữ “đối” có hai nghĩa: đối quán và đối hướng. Đối quán nghĩa là tâm và cảnh đối nhau; tức đem tâm chủ quan cùng với cảnh khách quan đối nhau để quan sát cảnh giới khách quan. Đối hướng nghĩa là nhơn và quả đối nhau; tức từ nguyên nhân này hướng đến kết quả kia để tiến bước tu hành.

Chữ “pháp ”, theo văn trường hàng giải thích, chỉ có một nghĩa nhiệm trì mà thôi. Nhưng căn cứ theo lời văn thì lẽ đáng phải đủ cả hai nghĩa: nhiệm trì tự tánh và quĩ sanh vật giải. Phàm bất cứ sự vật gì tồn tại, dù hữu hình hay vô hình, có hiện tượng hay không hiện tượng, đều có tự tánh riêng của chúng, không mảy may lẫn lộn, cho nên nó có nghĩa “nhiệm trì tự tánh.” Ví dụ như cây tùng; nó vẫn giữ lấy tự tánh của cây tùng, dù trong trường hợp nào cũng không bỏ mất tánh chất của nó là tùng. Cây mai giữ lấy tự tánh của cây mai, dù trong trường hợp nào vẫn không bỏ mất tánh chất của nó là mai. Nghĩa nhiệm trì là như vậy. Thế nhưng, mọi vật không chỉ giữ lấy tự tánh của chúng, mà còn có một khuôn khổ qui tắc nhất định, nhờ đó chúng ta có thể biết ngay đó là vật gì, cho nên còn có nghĩa “quĩ sanh vật giải” nữa. Như cây tùng, cây mai không chỉ giữ lấy tự tánh của chúng mà đồng thời còn khiến cho chúng ta biết được đó là cây tùng, cây mai. Vì thế, danh từ “Pháp” (dharma) trong Phật giáo được dùng để chỉ chung cho vạn vật. Nhưng chữ “pháp” được nói ở đây chính là Lý pháp tức “Khổ-tập-diệt-đạo” và quả pháp “Niết-bàn”. Lý “Khổ-tập-diệt-đạo” là đạo lý của “nhơn quả mê ngộ.” Khổ là quả của mê; Tập là nhơn của mê. Diệt là quả của ngộ; Đạo là nhơn của ngộ. Bởi người đời ở trong cảnh ngộ mê lầm, luôn luôn bị sự nguy hiểm của luật vô thường đe dọa mà không có được niềm vui an tịnh chơn chánh, cho nên gọi kết quả của mê là khổ. Phiền não hiện khởi hay tiềm phục trong tâm thức và những thứ nhiễm nghiệp phát động nơi thân và khẩu chúng ta, chúng có khả năng chiêu tập kết quả mê lầm, cho nên gọi nguyên nhơn của mê là Tập.

Diệt có nghĩa là bất sanh. Khi chúng ta giác ngộ cảnh giới Niết-bàn thì tất cả các hoặc nghiệp bị tiêu trừ. Mà đã tiêu trừ rồi thì không còn làm phát sanh sự nguy hiểm của mê lầm trở lại, cho nên gọi là Diệt. Đạo là khả năng đi suốt. Muốn đạt đến quả vị Niết-bàn, chúng ta phải tu giới-định-huệ để làm nhơn cho khả năng đi thông suốt đó, cho nên gọi là Đạo.

Lý Tứ đế được nêu trên là tánh và tướng của tất cả các pháp và được gọi là “pháp tướng pháp .” Còn quả Niết-bàn, tánh của nó là thiện, là thường nên gọi là “thắng”, có thật thể nên gọi là “nghĩa.” Vì vậy, nó còn được gọi là “Thắng nghĩa pháp ”. Như vậy, “đối” có hai nghĩa; “pháp” cũng có hai nghĩa. Nói là “đối pháp” vì nó không ngoài hai nghĩa đối quán lý Tứ đế, và đối hướng quả Niết-bàn. Đối quán là tâm và cảnh đối nhau. Đối hướng là nhơn và quả đối nhau.

Nhưng khả năng đối quán lý Tứ đế và đối hướng quả Niết-bàn ấy như thế nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Tịnh huệ tùy hành danh đối pháp
Cập năng đắc thử chư huệ luận

Dịch nghĩa:

Tịnh huệ, tùy hành, gọi là Đối pháp;
Các huệ và các luận có công năng đưa đến tịnh huệ đều được gọi là Đối pháp.

Đây chính là đoạn văn nêu lên thể của Đối pháp vậy.

Thể của Đối pháp có hai: 1. Thắng nghĩa đối pháp thuộc vô lậu; 2. Thế tục đối pháp thuộc hữu lậu.

Trong bài tụng, câu “tịnh huệ, tùy hành danh đối pháp”, chỉ cho Thắng nghĩa đối pháp. Câu “cập năng đắc thử chư huệ, luận” chỉ cho Thế tục đối pháp.

Tịnh huệ (prajñāmāla) là trí tuệ vô lậu thanh tịnh, không mảy may ô nhiễm, có thể giản trạch các pháp về sự cũng như về lý một cách rõ ràng.

Tùy hành (sāmucāra) là tâm, tâm sở, đắc, bốn tướng hữu vi và vô biểu sắc tương ưng với tịnh huệ mà sanh khởi. Tịnh huệ vốn ví như người chủ, tùy hành được ví như tôi tớ. Khi người chủ tịnh huệ dấy khởi, thì đồng thời một bọn tôi tớ gồm tâm, tâm sở, v.v… cùng dấy khởi theo. Bộ phận tôi tớ ấy được gọi là tùy hành. Đó là Thắng nghĩa đối pháp.

Nhưng không những chỉ tịnh huệ và tùy hành mới được gọi là Đối pháp mà các huệ và các luận có công năng đưa đến tịnh huệ ấy cũng gọi là Đối pháp nữa. Đó là các huệ và các luận.

Các huệ là sanh đắc huệ, văn huệ, tư huệ và tu huệ. Sanh đắc huệ (upapatti-jñāna) là trí huệ cùng có một lần với lúc sanh. Văn huệ (śruta-maya-jñāna) là trí huệ phát sanh nhờ nghe kinh, luật, luận. Tư huệ (cintā-maya-jñāna) là trí huệ phát sanh nhờ quán sát tư duy. Tu huệ (bhāvanā-maya-jñāna) là trí huệ phát sanh nhờ sức thiền định. Các luận chỉ cho các luận Lục túc và Phát trí, liệt kê dưới đây.

Lục túc  (sáu luận làm bộ phận chân):

1. Tập dị môn túc luận (Saṅgītiparyāyapāda-śāstra), tác giả là ngài Xá-lợi-phất (Sāriputra), Huyền Trang dịch Hán, 1 vạn 2 ngàn bài tụng, 20 quyển.

2. Pháp uẩn túc luận (Dharma-skandha-pāda-śāstra), 6 ngàn bài tụng, tác giả là ngài Đại Mục-kiền-liên (Mahā-Maudgalyana), Huyền Trang dịch, 12 quyển.

3. Thi thiết túc luận (Prajñaptipāda-śāstra), 1 vạn 8 ngàn bài tụng, tác giả Ca-đa-diễn-ni-tử (Kātyāyanīputra), Huyền Trang thỉnh về, chưa dịch.

4. Thức thân túc luận (Vijñāna-kāya-pāda-śāstra), 10 ngàn bài tụng, tác giả Đề-bà Thiết-ma (Devaśarma), sau Phật diệt độ khoảng 10 năm), Huyền Trang dịch, 16 quyển.

5. Phẩm loại túc luận (Prakarana-pāda-śāstra), tác giả Thế Hữu (Vasumitra, sau Phật 300 năm), Huyền Trang dịch, 18 quyển.

6. Giới thân túc luận (Dhātu-kāya-pāda-śāstra), tác giả Thế Hữu, 6 ngàn bài tụng, Huyền Trang dịch, 3 quyển.

Thân luận (luận làm bộ phân thân):

Phát trí luận (Jñānaprathāna-śāstra), Ca-đa-diễn-ni-tử (Kātyāyanī-putra), Huyền Trang dịch, 20 quyển.

Các huệ và các luận này chẳng phải là đối pháp của Thắng nghĩa vô lậu, mà là phương tiện tư lương cần có để được Thắng nghĩa đối pháp , cho nên gọi chúng là Thế tục đối pháp .

Hai loại Đối pháp, Thắng nghĩa và thế tục, nếu phân tỉ mỉ hơn thì có bốn loại:

* Tự tánh đối pháp , tức là tịnh huệ;
* Tùy hành đối pháp , tức là quyến thuộc của tịnh huệ;
* Phương tiện đối pháp là 4 huệ hữu lậu;
* Tư lương đối pháp là các luận.

Hai loại đầu thuộc thắng nghĩa đối pháp. Hai loại sau thuộc thế tục đối pháp. Nếu gồm chung cả sở đối quán và sở đối hướng mà nói, thì có sự khác biệt giữa cảnh đối pháp (lý tứ đế) và quả đối pháp (quả Niết bàn). Tuy nhiên, cái chính yếu mà luận này muốn giải thích là năng đối pháp của 4 loại đối pháp đã nói trước. 

Xin xem đồ biểu. 

Đồ biểu 5
ĐỐI PHÁP:

1. Thắng nghĩa đối pháp:

 a) Tự tánh đối pháp........................ tịnh huệ
b) Tùy hành đối pháp...................... tùy hành

2. Thế tục đối pháp:

 a) Phương tiện đối pháp.................. chư huệ
b) Tư lương đối pháp......... chư luận

Trên đây chỉ mới giải thích khái quát về tụng văn. Còn như thể của tùy hành, tức là tâm, tâm sở, bốn tướng hữu vi và vô biểu sắc của đạo cọng giới tương ưng với tịnh huệ như thế nào? 

Tịnh huệ không sanh khởi một mình mà còn có tâm vương, tâm sở cùng khởi theo.Tâm vương ở đây là đệ lục ý thức. Tâm sở ở đây là 9 đại địa pháp (vì đã trừ huệ tâm sở), 10 đại thiện địa pháp, 2 bất định địa pháp (tầm tứ). Vì sao chúng tương ưng với tịnh huệ? Tâm sở đại địa bất luận hữu lậu hay vô lậu, lúc tâm khởi thì chúng liền tương ưng sanh khởi theo. Tâm sở đại thiện pháp lúc thiện tâm dấy khởi thì chúng cùng khởi. Tầm là suy cầu, tứ là nghiệm xét; tính chất của chúng bao gồm cả hữu lậu và vô lậu.

Ngoài ra, các thứ không cùng tương ưng với tịnh huệ gồm có 24 món. Đó là 6 phiền não địa pháp, 2 bất thiện địa pháp, và 6 bất định địa pháp. Vì các tâm sở này chỉ thuộc về hữu lậu chứ không thuộc về vô lậu. Vậy thì, lúc tịnh huệ dấy khởi những tâm sở tương ưng cùng sanh khởi với nó chỉ 21 món như các tâm sở thuộc đại địa pháp v.v... mà thôi.

Đắc : hiểu là năng đắc. Đã có pháp sở đắc thì đương nhiên phải có pháp năng đắc đi theo. Nay tịnh huệ sở đắc đã dấy khởi thì năng đắc không thể không đi theo. Bốn tướng hữu vi cũng vậy. Hễ là pháp hữu vi, thì đương nhiên phải chịu biến đổi qua bốn giai đoạn sanh, trụ, dị và diệt. Tịnh huệ cũng là pháp hữu vi cho nên 4 tướng ấy cùng đi theo.

Đạo cọng giới không giống như biệt giải thoát giới. Vì biệt giải thoát giới có tác pháp và giới thể. Còn đạo cọng giới thì tùy theo chân trí vô lậu mà dấy khởi, tự nhiên xa lìa được tội lỗi ở nơi thân và khẩu, cho nên gọi là đạo cọng giới vô biểu. Nó là bạn tùy hành của tịnh huệ. 

Xem đồ biểu dưới đây.

Đồ biểu 6
TÙY HÀNH: 

Sắc pháp...................................... đạo cọng giới vô biểu
Tâm pháp................................................ đệ lục ý thức

Tâm sở pháp:

- đại địa pháp............ thọ, tưởng, tư, xúc, dục, niệm, tác

 ý, thắng giải, tam ma địa.

- đại thiện địa pháp. tín, cần, hành xả, tàm, quí, vô tham,

 vô sân, bất hại, khinh an.

- Bất định địa pháp......................................... tầm, tứ.

Tâm bất tương ưng hành pháp.. đắc, sanh, trụ, dị, diệt.

Tiết 3: Giải thích chữ “TẠNG”

Như trên, đã giải thích danh từ Đối pháp. Vậy, thế nào là Đối Pháp tạng?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Nhiếp bỉ thắng nghĩa y bỉ cố
Thử lập đối pháp Cu-xá danh.

Dịch nghĩa:

Vừa thâu thắng nghĩa kia, vừa căn cứ vào đó,
Vì thế, bản luận được mệnh danh là Đối Pháp Cu-xá.

Tụng văn trên đây, câu trước giải thích về chữ “Tạng”, câu sau giải thích về nhan đề của luận này.

Tạng (kośa) có 2 nghĩa:

1. Năng nhiếp : khả năng thâu tóm. Luận này bao hàm giáo nghĩa đặc thù của Đối pháp như đã được thuyết minh trong các luận Lục túc và Phát trí, cho nên gọi là “Tạng.” Ví như cái hầm và cái kho có công năng chứa giữ các giống lúa và tài sản.

2. Sở y : giáo nghĩa Đối pháp được thuyết minh trong các luận Lục túc và Phát trí là nơi căn cứ cho luận này; mặc dù có vài chỗ bị bài bác nhưng vẫn là sở y. Ví như cái bao đựng gươm là sở y của gươm, cho nên được gọi là “bao gươm”

Năm chữ “nhiếp bỉ thắng nghĩa y bỉ” trong tụng văn là chỉ cho hai nghĩa năng nhiếp và sở y nói trên. Theo đó, “nhiếp bỉ thắng nghĩa” diễn tả ý nghĩa năng nhiếp và “y bỉ” diễn tả ý nghĩa sở y.

“Tạng” đã có hai nghĩa thì khi luận này được gọi là Đối pháp tạng cũng có hai nghĩa.

1. Theo nghĩa năng nhiếp, Đối pháp là pháp được thâu tóm. Trong kho tàng của luận này chứa đựng thắng nghĩa của các luận Lục túc và Phát trí, do đó gọi là Đối pháp tạng (Abhidharma-kośa). Theo văn pháp Sanskrit, đây là giải thích tập hợp danh từ theo luật y chủ (tat-puruṣa).

2. Theo nghĩa sở y, “Đối pháp tạng” cũng chỉ chung cho các luận Lục túc và Phát trí chứ không phải đặc biệt của luận này. Đây là giải thích tập hợp danh từ theo luật hữu tài (bahu-vrīhi).

Do đó, 8 chữ “cố, thử lập Đối pháp Cu-xá danh” lẽ ra phải được đọc hai lần:

1. Nhiếp bỉ thắng nghĩa cố thử lập Đối pháp Cu-xá danh;
2. Y bỉ cố thử lập Đối pháp Cu-xá danh.

Tiết 4: Trình bày ý nói và người nói

Danh từ Đối pháp tạng đã được giải thích xong. Song, người đặt danh xưng ấy có ý gì, và trước đó đã có ai đề cập đến chưa?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Nhược ly trạch pháp định vô dư
Năng diệt chư hoặc thắng phương tiện
Do hoặc thế gian phiêu hữu hải
Nhân thử truyền Phật thuyết Đối pháp.

Dịch nghĩa:

Nếu lìa trạch pháp thì nhất định không còn
Phương tiện thù thắng nào khác có khả năng diệt trừ mê hoặc.
Do mê hoặc mà thế gian trôi nổi trong biển Hữu;
Vì vậy, truyền thuyết cho rằng chính Phật đã nói Đối pháp.

Trong tụng văn trên đây, 3 câu đầu và 5 chữ “nhơn thử (...) thuyết Đối pháp” của câu 4, trả lời cho ý thú của luận; còn 5 chữ “truyền Phật thuyết Đối pháp” của câu 4 trả lời cho câu hỏi về người tạo luận. Vì vậy, 3 chữ Đối pháp tạng phải được đọc theo 2 cách như trên.

Trạch pháp (dharma-pravicaya) là trí tuệ, vì trí tuệ có khả năng giản trạch các pháp. Chư hoặc (kleśāḥ) là phiền não làm phát sanh và tăng trưởng ác nghiệp, chính là loại phiền não mê lý và mê sự mà ở địa vị kiến đạo và tu đạo mới đoạn trừ được.

Thế gian (loka) có hai: hữu tình thế gian và khí thế gian. Ở đây chỉ đề cập đến hữu tình thế gian, tức chúng sanh trong thế giới mê vọng. Hữu hải (bhāvārnava) là biển sanh tử của ba cõi (dục, sắc và vô sắc). Sự xoay vần trong ba cõi, nhơn quả không mất, nên gọi là tam hữu. Chúng sanh sống và chết trôi nổi trong đó nên gọi là biển sanh tử.

Ý đoạn văn này nói rằng, nếu lìa trí huệ có công năng giản trạch các pháp thì quyết định không có cách nào khác hơn để đoạn trừ phiền não. Nếu phiền não không bị đoạn trừ, thì sức mạnh của nó làm chúng sanh trôi nổi trong biển sanh tử của ba cõi. Ở đây, vì muốn chúng sanh đạt được trí huệ vô lậu có công năng biện biệt các pháp, cho nên nói Đối pháp. Song, Đối pháp này trước đó đã có ai nói chưa? – Có. Đức Thế Tôn đã nói rải rác trong các thời thuyết pháp. Về sau, các đệ tử mới kết tập các lời đó, truyền lại cho đời sau, cho nên trong tụng văn nói: “truyền Phật thuyết Đối pháp.” Chẳng hạn, vào khoảng 300 năm sau Phật nhập diệt, có ngài Đạt-ma-đa-la (Dharmatrāta: Pháp Cứu) kết tập những bài tụng của Phật nói về vô thường thành phẩm “Vô thường”, kết tập những bài tụng nói về “Không, Vô ngã” thành phẩm “Không, Vô ngã” để truyền lại cho đời sau.

Đoạn trên, đã giải thích văn nghĩa của phần tựa.

[1] Bản Hán chư được dịch từ đại từ, nhân xưng thứ ba, số ít ya của Skt.- TS

[2] Nhất thiết chủng 一切種, Hán dịch bất biến từ (trạng từ) sarvathā của Skt.- TS

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 2016(Xem: 5570)
Trong điều thứ nhất, thế nào gọi là người làm sự giết hại?[1] Như Thế Tôn nói[2]: “Có người nào giết hại, tàn ác, tay đẫm máu, đam mê giết hại đối với các hữu tình: chúng sinh và thắng loại, không hổ thẹn[3], không xót thương, dưới cho đến các loài côn trùng, sinh vật nhỏ bé, đều không lìa bỏ sự giết hại, như thế gọi là người làm việc giết hại”[4].
21 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6213)
Như vậy cái gì mà « không tồn tại » (vô thể) tức là nơi cái ấy do quán sát hết thảy giống như thực ở kia là Không Tính ; cho nên, ngoài ra cái gì mà « tồn tại » (hữu thể) , cái ấy cũng sẽ được nhận biết giống như thật là « tồn tại». Tức là «không bị lộn ngược » hiển thị « tự thể của Không».
22 Tháng Tám 2015(Xem: 6168)
Sĩ dụng quả là pháp được tác thành do bởi hành vi của con người; hay nói cách khác pháp mà tác động của nó như hành vi của con người và được sinh khởi do thế lực của nhân và pháp, pháp ấy chính là Sĩ dụng quả vậy
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 6041)
Thể chứng được Đẳng lưu tính, còn có công năng phá tan tà kiến, kiến thủ sai lầm về nhận thức, chẳng hạn như cho rằng tổ tiên của loài người là loài họ Hominidae (great ape): khỉ dạng người loại lớn, hay từ loại vượn cổ theo học thuyết tiến hóa Darwin, hoặc một số học thuyết khác: từ lươn, từ cá, từ loài chó v.v... Căn cứ theo đặc tính trước sau giống nhau, cùng một loại của Đẳng lưu, thì dù cá, lươn, vượn lớn dạng người, hay vượn tối cổ gì đi chăng nữa, thì loài noài chỉ có công năng sinh ra loài nấy, chứ không thể tiến hóa hay sản sinh ra loài người được.
11 Tháng Bảy 2015(Xem: 5986)
Ly hệ quả là quả trạch diệt. Trạch là trí tuệ; diệt là lậu tận. Do lấy trí tuệ làm nhân tu tập, thoát ly và tận diệt mọi sự trói buộc của tham ái, khiến thành tựu Diệt đế. Nên, Diệt đế là quả ly hệ. Trạch hay trí tuệ là tu nhân và diệt hay giải thoát là kết quả. Nên, quả ly hệ là quả trạch diệt hay là quả Niết-bàn
07 Tháng Bảy 2015(Xem: 6972)
Nếu có người con trai, người con gái gia đình hiền lành nào, thọ nhận, hành trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, thì người này do tội nghiệp đời trước đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt, sẽ đạt được quả Tuệ giác tối thượng đích thực
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5655)
Như vậy, qua vài ý tưởng viện dẫn từ kinh văn ở trên, chúng ta thấy rằng, đức Thế-Tôn dạy rằng: giai cấp Sát-lợi là chủng tánh tối tôn hay giai cấp bậc nhất trong bốn giai cấp. Nhưng vấn đề này không nhất thiết cố định, tùy vào căn cơ, quốc độ hay thời điểm mà Thế Tôn sẽ diễn thuyết sai biệt.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6093)
Tóm lại, Evaṃ mayāśrutaṃ, hay Như Thị Ngã Văn 如是我聞, không thể dịch là: Đúng thật như thế tôi nghe, chính xác như thế tôi được nghe, như thực tôi nghe v.v.. hay những cách dịch tương tự như vậy đều là đi ngược lại và nhầm lẫn với nghĩa gốc của nó.