Chương Ix: Thích Uẩn Lập Xứ Giới

20 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 10182)

Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức 
THẾ THÂN BỒ TÁT

CU XÁ LUẬN TỤNG LƯỢC THÍCH I
Nguyên tác Nhật ngữ: Trai Đằng Duy Tín - Bản dịch Hán Văn: Huệ Viên Cư Sĩ 
Bản dịch Việt Văn: Học Tăng Lớp Chuyên Khoa Phật Học Viện Trung Phần 
Biên tập: Thích Phước Viên - Ban Tu Thư Phật Học 2546 - Nhâm Ngọ

Chương IX: Thích uẩn lập xứ giới

Tiết 1: Giải thích uẩn thành lập xứ giới

Đoạn 1: Giải thích sắc uẩn thành lập xứ giới.

A. Giải thích sắc uẩn:
Năm uẩn, sắc, thọ, v.v… đã là pháp hữu vi; như vậy, sắc uẩn là gì?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Sắc giả duy ngũ căn,
Ngũ cảnh cập vô biểu. (6a)

Dịch nghĩa:

Sắc gồm có năm căn,
Năm cảnh và vô biểu. (½ tụng 6)
Đó là trả lời tổng quát.

Năm căn (pañcendriyāni): nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt và thân căn.
Năm cảnh (pañcārthāḥ) : sắc, thanh, hương, vị và xúc.
Vô biểu (avijñapti) : cái sắc không hình, không tượng, không thể biểu thị.

Sắc (rūpa) , có hai nghĩa, biến hoại và biến ngại. Biến hoại là các hiện tượng sanh khởi, biến hóa và hủy diệt. Biến ngại là sự hỗ tương ngăn ngại giữa cái này và cái khác, ví như bàn tay cản trở hòn đá, và hòn đá cản trở hòn đá. Do đó, biết rằng, nghĩa chữ sắc (rūpa) rất rộng, chứ không phải chỉ như các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng… theo quan niệm thông thường. Như thế, các pháp đã nêu ở trước đều được gọi là sắc.

I. Năm căn.

Tướng trạng của năm căn thế nào?

Tụng đáp:

Âm Hán Việt:

Bỉ thức y tịnh sắc,
Danh nhãn đẳng ngũ căn. (6b)

Dịch nghĩa:

Thức kia nương nơi tịnh sắc,
Gọi đó là năm căn, nhãn v.v… (½ tụng 6)

Đó là tướng trạng của năm căn. Nói khác, năm căn là cái sắc thanh tịnh mà năm thức gá vào.

1. Nhãn căn , con mắt, là cơ quan thâu nhận các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng… để gây tác dụng ở nội giới tâm tánh.

2. Nhĩ căn , lỗ tai, là cơ quan thâu nhận các thứ tiếng, như tiếng đờn, tiếng sáo… để gây tác dụng ở nội giới tâm tánh.

3. Tỉ căn , lỗ mũi, là cơ quan thâu nhận các mùi thơm, thúi… để gây tác dụng ở nội giới tâm tánh.

4. Thiệt căn , lưỡi, là cơ quan thâu nhận các vị ngọt, cay…để gây tác dụng ở nội giới tâm tánh.

5. Thân căn , là cơ quan thâu nhận các cảm xúc lạnh, ấm, nhẹ, nặng…để gây tác dụng ở nội giới tâm tánh.

Căn (indriya) có nghĩa là tác dụng tăng thượng thù thắng và khả năng phát sanh. Chẳng hạn, con mắt tiếp xúc với hiện tượng bên ngoài phát sinh tâm thức bên trong và có sức tác dụng tăng thượng thù thắng, cho nên gọi là căn. Như gốc rễ của cây cỏ có khả năng phát sinh, tăng trưởng cành lá và đơm hoa kết trái. Căn gồm có hai loại: thắng nghĩa căn và phù trần căn. Thắng nghĩa căn là cơ quan có khả năng giữ lấy cảnh tượng của cảnh để phát sinh ra thức. Thông thường người ta gọi nó là thần kinh hệ. Phù trần căn là các bộ phận do máu thịt tạo thành. Các bộ phận này là chỗ y cứ và giúp đỡ thắng nghĩa căn phát sinh ra thức. Năm căn ở đây chỉ cho thắng nghĩa căn.

II. Năm cảnh.

Tướng trạng của năm cảnh như thế nào?

Tụng đáp.

Âm HánViệt:

Sắc nhị hoặc nhị thập;
Thanh duy hữu bát chủng;
Vị lục, hương tứ chủng;
Xúc thập nhất vi tánh. (7)

Dịch nghĩa:

Sắc có 2 loại hoặc 20 loại;
Thanh chỉ có 8 loại;
Vị có 6 loại; hương có 4 loại;
Xúc có 11 loại làm tánh chất. (tụng 7)

Đây là tướng trạng của năm cảnh, được giải thích như sau:

1. Sắc (rūpa), cảnh đối tượng của mắt. Có hai loại: hiển sắc, màu sắc hiển hiện một cách rõ ràng, như xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v… Hình sắc, các hình trạng có thể so sánh được, như dài, ngắn, vuông tròn v.v… Từ 2 loại này, có thể khai triển thành 20 loại: xanh, vàng, đỏ, trắng, bóng, sáng nắng, sáng dịu, mây, khói, bụi, mù; dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, ngay và không ngay. Trong đó, 12 loại trước thuộc hiển sắc, 8 loại sau thuộc về hình sắc. Trong phần hiển sắc cần có sự phân biệt rõ ràng giữa sáng nắng (quang) chỉ cho ánh sáng mặt trời và sáng dịu (minh) chỉ cho ánh sáng của mặt trăng, sao, lửa, ngọc, chớp, v.v…

2. Thanh (śabda), tiếng, có 8 loại. Tiếng là cái để nghe. Theo luận Tì-bà-sa (quyển 13), có 2 thuyết:

a. Thuyết thứ nhất, chia thanh làm 8 loại như sau:

a.1. Âm thanh lấy cái có chấp thọ đại chủng làm nhân (upātta-mahābhūta-hetuka), thuộc hữu tình danh (sattvākhya), nghe thích ý (manāpa).

a.2. Âm thanh lấy cái có chấp thọ đại chủng làm nhân, thuộc hữu tình danh, nghe không thích ý (amanāpa).

a.3. Âm thanh lấy cái có chấp thọ đại chủng làm nhân, thuộc phi hữu tình danh (asattvākhya), nghe thích ý.

a.4. Âm thanh lấy cái có chấp thọ đại chủng làm nhân, thuộc phi hữu tình danh, không thích ý.

a.5. Âm thanh lấy cái không có chấp thọ đại chủng làm nhân (anupātta-mahābhūta-hetuka), hữu tình danh, vừa ý.

a.6. Âm thanh lấy cái không có chấp thọ đại chủng làm nhân, hữu tình danh, không vừa ý.

a.7. Âm thanh lấy cái không có chấp thọ đại chủng làm nhân, phi hữu tình danh, thích ý.

a.8. Âm thanh lấy cái không có chấp thọ đại chủng làm nhân, phi hữu tình danh, không thích ý.

Thuyết này trước tiên khai triển một cách tổng quát, sau đó khai triển chi ly hơn, cuối cùng thành ra 8 loại. Trước hết, căn cứ vào nguyên nhân phát sinh ra tiếng, tức khả năng phát thanh, chia làm hai loại: tiếng lấy cái có chấp thọ đại chủng làm nhân. Tiếng có chấp thọ đại chủng làm nhân là tiếng phát xuất từ thân thể của người, thú vật, là những loài có tình cảm. Tiếng không có chấp thọ đại chủng làm nhân là tiếng phát xuất từ các vật phi hữu tình như núi, sông, cây, cỏ, vàng, đá, ngói, sạn, là những loài không có tình cảm vui buồn. Trong 2 loại này, dựa vào tác dụng do tiếng phát ra, mỗi loại lại có chia làm 2, là tiếng có khả năng trình bày sự lý (hữu tình danh) và tiếng không có khả năng trình bày sự lý (phi hữu tình danh). Nhưng đối với ý của người nghe, mỗi loại tiếng lại có hai trường hợp xảy ra: hoặc được ưa thích (khả ý thanh) hoặc không được ưa thích (bất khả ý thanh). Chia chẻ như thế, cả thảy gồm có 8 loại, nếu đối chiếu với cách trình bày của Nhập A-tì-đạt-ma thì cũng giống nhau.

 Xem đồ biểu dưới đây.

Đồ biểu 8: Tám loại tiếng

Hữu chấp thọ đại chủng:
Hữu tình danh 

Phi hữu tình danh
khả ý thanh 
bất khả ý thanh
khả ý thanh
bất khả ý thanh

Vô chấp thọ đại chủng:
Hữu tình danh

Phi hữu tình danh
khả ý thanh
bất khả ý thanh
khả ý thanh
bất khả ý thanh

b. Thuyết thứ hai, cũng chia thành tám loại:

b.1. Âm thanh lấy chấp thọ đại chủng làm nhân, vừa ý.
b.2. Âm thanh lấy cái chấp thọ đại chủng làm nhân, không vừa ý.
b.3. Âm thanh lấy cái không chấp thọ đại chủng làm nhân, vừa ý.
b.4. Âm thanh lấy cái không chấp thọ đại chủng làm nhân, không vừa ý.
b.5. Âm thanh lấy đại chủng của hữu tình số làm nhân, vừa ý.
b.6. Âm thanh lấy đại chủng của hữu tình số làm nhân, không vừa ý.
b.7. Âm thanh lấy đại chủng của phi hữu tình số làm nhân, vừa ý.
b.8. Âm thanh lấy đại chủng của phi hữu tình số làm nhân, không vừa ý.

Thuyết này căn cứ trên nguyên nhân có khả năng phát xuất âm thanh, tức đại chủng, rồi chia thành 4 loại: có chấp thọ và không chấp thọ, hữu tình số và phi hữu tình số. Mỗi loại lại được chia thành vừa ý hay không vừa ý. Tất cả hợp thành 8.

Tiếng được trình bày trong Thuận chính lý luận theo thuyết này. 

Xem đồ biểu dưới

Đồ biểu 9: Tám loại tiếng (thuyết thứ 2)

Chấp thọ đại chủng làm nhân
khả ý thanh
bất khả ý thanh

Không chấp thọ đại chủng làm nhân
khả ý thanh 
bất khả ý thanh

Hữu tình số đại chủng làm nhân
Khả ý thanh 
bất khả ý thanh

Phi hữu tình số đại chủng làm nhân
khả ý thanh

bất khả ý thanh

Chấp thọ và không chấp thọ, hữu tình số và phi hữu tình số, đều căn cứ trên đại chủng phát ra âm thanh mà thành lập. Ở đây, chấp thọ hay không chấp thọ là tùy vào sự có cảm ứng hay không cảm ứng mà phân chia. Hữu tình hay phi hữu tình số là y cứ vào bên trong hay bên ngoài mà phân chia. Vì thế, chấp thọ cùng hữu tình số đối chiếu nhau. Sự đối chiếu đó cho thấy có sự rộng hẹp sai khác. Vì rằng, âm thanh phát xuất từ chấp thọ đại chủng chỉ hạn cuộc nơi cảm giác sướng hay khổ trong thân thể của hữu tình. Âm thanh phát xuất từ hữu tình số thì không hạn cuộc trong những cảm giác sướng hay khổ mà còn bao gồm cả những cảm giác không sướng không khổ, như lông, tóc trong thân thể của hữu tình. Từ đó biết rằng, âm thanh phát xuất từ chấp thọ thì phạm vi hạn hẹp, còn âm thanh phát xuất từ hữu tình số thì phạm vi rộng rãi hơn. Lại nữa, âm thanh phát xuất từ cái không chấp thọ không chỉ hạn cuộc ở những vật vô tình như gió, cây, sông, núi, mà còn bao gồm cả những cảm giác không sướng không khổ trong thân thể của hữu tình như lông, tóc, v.v... của chúng ta. Âm thanh phát xuất từ phi hữu tình số thì chỉ hạn cuộc ở những vật vô tình như gió, cây, sông, núi. Do đó, âm thanh không chấp thọ làm nhân thì phạm vi của nó rộng, còn phát xuất từ phi hữu tình số thì hạn hẹp hơn. Đó là những điểm sai khác của âm thanh. Nay, đối với hai thuyết của Tì-bà-sa được trình bày trên đây, Cu-xá theo thuyết nào? Trường hàng giải thích: âm thanh có 8 loại: phát xuất từ có chấp thọ hoặc không chấp thọ đại chủng, thuộc hữu tình danh hoặc phi hữu tình danh; mỗi loại ấy lại chia ra vừa ý hay không vừa ý, tất cả thành 8 loại.

Âm thanh phát xuất từ chấp thọ đại chủng tức như những âm thanh từ tay phát ra chẳng hạn. Âm thanh phát xuất từ không chấp thọ đại chủng là những âm thanh như từ gió, cây, sông, núi, v.v... phát sinh. Âm thanh từ hữu tình danh là những ngôn ngữ nói lên được ý nghĩa của sự kiện, của động tác, v.v... Âm thanh từ phi hữu tình danh là tất cả những ngôn ngữ không thuộc vào hữu tình danh. Thuyết của luận này không giống với 2 thuyết trên của Tì-bà-sa. Tại sao như vậy? Vì rằng, luận này đối với thuyết thứ nhất của Tì-bà-sa danh tướng tuy tương đồng nhưng sự tổ chức thì sai khác. Tì-bà-sa căn cứ vào hai tổng thể hữu chấp thọ đại chủng và vô chấp thọ đại chủng để lập thành 8 loại. Còn luận này thì căn cứ vào hữu chấp thọ, vô chấp thọ, hữu tình danh và phi hữu tình danh mà lập thành tám loại. Và đối với thuyết thứ hai, một bên thì dựa vào âm thanh để hiển bày tác dụng của nó, tức căn cứ vào hữu tình danh hay phi hữu tình danh để phân chia; một bên thì dựa vào nguyên nhân phát sinh ra âm thanh, tức căn cứ vào hữu tình số hay phi hữu tình số để phân chia. Đó là điểm khác nhau giữa Cu-xá và hai thuyết của Tì-bà-sa.

Nay căn cứ vào tám loại âm thanh theo sự giải thích của văn trường hàng, tóm tắt trình bày theo đồ biểu dưới.

Đồ biểu 10: Tổng hợp tám loại thanh (Thuyết của Cu-xá)

A. Có chấp thọ đại chủng làm nhân: 

(1). Tiếng vừa ý: âm thanh có cảm giác sướng hay khổ phát xuất từ người, thú, nghe êm tai.

(2). Tiếng không vừa ý: âm thanh có cảm giác sướng hay khổ phát từ người, thú, nghe êm tai.

B. Không chấp thọ đại chủng làm nhân:

(3). Tiếng vừa ý: âm thanh không có cảm giác sướng, khổ, phát xuất từ sông, núi, cây, cỏ, nghe êm tai. 

(4). Tiếng không vừa ý: âm thanh không có cảm sướng, khổ phát xuất từ sông núi, cây, cỏ, nghe không êm tai. 

C. Hữu tình danh:  

(5). Tiếng vừa ý: âm thanh có khả năng chuyển tải lý thuyết, sự kiện, được trình bày bằng ngôn ngữ, nghe êm tai. 

(6). Tiếng không vừa ý: âm thanh có khả năng chuyển tải lý thuyết, sự kiện, được trình bày bởi ngôn ngữ, không êm tai. 

D. Vô tình danh:

(7). Tiếng vừa ý: âm thanh không chuyển tải được lý thuyết, sự kiện, không được trình bày bằng ngôn ngữ, nghe êm tai.

(8). Tiếng không vừa ý: âm thanh không chuyển tải được lý thuyết sự kiện, không được trình bày bởi ngôn ngữ không êm tai.

(Đã xong 8 loại thanh).

3. Vị (rasa) có 6. Vị là cảnh được nếm bởi thiệt căn, có 6 loại: đắng, chua, mặn, cay, ngọt, lạt.

4. Hương (gandha), có 4. Hương là cảnh được ngửi bởi tỹ căn, nó có 4: hảo hương, mùi dễ ưa, như hương trầm chẳng hạn; ố hương: mùi khó ngửi, như mùi hành, hẹ v.v... đẳng hương, mùi dễ chịu, gây sự thoải mái cho thân thể; bất đẳng hương, mùi khó chịu, trái với đẳng hương.

5. Xúc (sparśa) có 11 tánh chất. Xúc là cảnh được xúc chạm bởi thân căn. Có 11 thứ: đất, nước, lửa, gió, nhẹ, nặng, trơn, nhám, đói, khát và lạnh. Đất là vật có tánh cứng. Nước là vật có tánh ẩm ướt. Lửa là vật có tánh nóng. Gió là vật có tánh chuyển động. Vật nặng là vật có thể cân được. Vật nhẹ là vật ngược lại. Vật trơn là vật có tánh mềm mại. Vật nhám là vật có tánh thô sáp. Đói là khi muốn ăn. Khát là khi muốn uống. Lạnh là khi muốn ấm. Trong 11 loại đó, bốn loại đầu là xúc năng tạo, gọi là bốn đại chủng (bốn tố chất căn bản và phổ biến). Bảy loại còn lại là những xúc do bốn đại tạo. Bởi lẽ, bốn đại chủng không chỉ có những tánh chất nặng, nhẹ, v.v… mà lại còn có công năng tạo nên mọi vật nữa. Nghĩa là bất cứ những vật nào hiện hữu ở trong vũ trụ, không kể lớn hay nhỏ đều do bốn đại tạo thành. Cái mà người đời nói là lửa, cho rằng lửa ấy chính là hỏa đại, chứ không có đại nào khác. Họ không biết rằng mỗi một vật có đầy đủ bốn loại. Nghĩa là, cái được gọi là lửa, vì trong nó hỏa đại tăng thạnh, nhiệt lực mạnh hơn hết, làm cho tác dụng của ba đại kia ẩn đi không hiện ra được, chứ không phải nó không đủ ba đại kia. Cho nên biết rằng những cái được gọi là đất, nước, lửa, gió, so với những cái tương đương mà người đời thường gọi, thì thật ra có những điểm bất đồng.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc nói trên là năm cảnh. Đó là cảnh giới khách quan làm đối tượng cho năm căn phát sinh ra năm thức.

III. Vô biểu.

Bây giờ nói đến tướng trạng của vô biểu sắc; tướng trạng của nó như thế nào?

Tụng đáp. 

Âm Hán Việt.

Loạn tâm vô tâm đẳng,
Tùy lưu tịnh, bất tịnh,
Đại chủng sở tạo tánh,
Do thử thuyết vô biểu. (8)

Dịch nghĩa:

Loạn tâm, vô tâm, v.v…
Tùy lưu tịnh và bất tịnh,
Tánh chất là đại chủng sở tạo,
Do đó gọi là vô biểu. (tụng 8)

Trong bài tụng này, câu đầu chỉ vị trí của vô biểu. Tùy lưu (anubandha) chỉ tướng trạng của vô biểu. Tịnh (śubha) và bất tịnh (aśubha) chỉ tánh chất của vô biểu. Câu thứ ba nói cái nguyên nhân của vô biểu để tránh sự lầm lẫn. Câu thứ tư là câu kết thúc, gọi vô biểu sắc là một loại trong sắc pháp, nhưng nó chẳng phải là vật cụ thể như năm căn hay năm cảnh. Tuy xưa nay, Tiểu thừa và Đại thừa đều sử dụng, nhưng có nhiều sự giải thích dị biệt. Nay trước hết nói khái quát về vô biểu, rồi sau sẽ giải thích tụng văn.

Vô biểu sắc (avijñaptirūpa) là sắc pháp không biểu thị cho người khác thấy, trái với loại sắc pháp có hiển thị cho người khác thấy. Lúc chúng ta cử động thân thể, nói năng, làm việc thiện hay ác, thì đối với kẻ khác, có sự biểu thị cụ thể khiến cho họ biết đó là thiện hay ác. Sự biểu thị cụ thể ấy được gọi là biểu sắc hay biểu nghiệp. Nhưng sự phát khởi của biểu nghiệp thiện hay ác ấy hoàn toàn nằm trong định luật nhơn quả. Bởi lẽ, thấy rõ nguyên nhân thế nào, tương lai chiêu cảm kết quả sẽ như thế ấy. Do đó có sự kích động phát khởi trong thân của mình. Nguyên nhân phát động không hình tướng, không biểu thị cho người khác thấy, đó được gọi là vô biểu sắc. Thể của nó không phải là tổng hợp của các phân tử cực vi, mà y chỉ vào động tác của thân thể và sự phát động của ngôn ngữ để kích thích phát khởi. Vì tùy theo ngôn ngữ và thân thể, khả năng phát động, là vật chất, nên nó được gọi là sắc. (Vả lại, nếu căn cứ vào sự chuyển động của vô biểu sắc không lệ thuộc vào tâm mà nói, thì quả thực vô biểu sắc ấy nương vào bốn đại chủng. Vì nương vào bốn đại chủng nên được gọi là sắc).

Lại nữa, vô biểu sắc có nhiều loại: luật nghi vô biểu, bất luật nghi vô biểu, phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu.

1. Luật nghi (saṃvara) vô biểu, tánh chất của nó là thiện, gồm có 3 loại:

a) Biệt giải thoát luật nghi (prātimokṣa-saṃvara) vô biểu : nhờ sự xa lánh tội lỗi nơi thân, khẩu của riêng từng giới mà đạt được thể vô biểu. Như đệ tử Phật nhờ thọ trì các phẩm bậc giới luật, 5 giới, 10 giới, 250 giới, 348 giới, v.v… mà đạt được thể vô biểu.

b) Tịnh lự luật nghi (dhyāna-saṃvara) vô biểu : Tịnh lự là định; khi nhập định, tất nhiên xa lìa được tội lỗi nơi thân, khẩu, cho nên đạt được thể vô biểu.

c) Vô lậu luật nghi (anāsrava-saṃvara) vô biểu : Ngay khi phát khởi thiện tâm vô lậu thì theo đó mà xa lìa được tội lỗi của thân, khẩu, đạt được thể vô biểu.

(Hai loại vô biểu sau, tịnh lự luật nghi vô biểu và vô lậu luật nghi vô biểu, còn có tên là “vô biểu tùy tâm chuyển” ngoài ra, các loại khác được gọi là vô biểu không tùy tâm chuyển.)

2. Bất luật nghi (asaṃvara) vô biểu, do hành động thô ác của thân, khẩu nên phát sinh thể vô biểu thuộc ác tánh.

3. Phi luật nghi phi bật luật nghi (naivasaṃvaro nāsaṃvara) vô biểu, đây là loại vô biểu mà tánh chất không nghiêng hẳn về thiện hay ác, mà cũng không dứt khoát thuộc về luật nghi vô biểu hay bất luật nghi vô biểu.

Tụng nói: Loạn tâm vô tâm đẳng, là muốn nói đến địa vị của thể vô biểu.

Chữ “đẳng” (v.v.) có thể đọc là “loạn tâm đẳng, vô tâm đẳng”, vì trong đó còn gồm cả bất loạn tâm và hữu tâm.

Loạn tâm đẳng (vikṣiptāpi), từ các tâm thiện, ác, vô ký, đối chiếu với vô biểu của thiện và ác, hễ cái nào có tánh chất tương đồng thì gọi là “bất loạn tâm”, còn dị biệt thì gọi là “loạn tâm” (vikṣipta). Như vô biểu của thiện thì gọi ác tâm và vô ký tâm là “loạn tâm”, gọi thiện tâm là “bất loạn tâm”, còn vô biểu của ác thì gọi thiện tâm và vô ký tâm là “loạn tâm” gọi ác tâm là “bất loạn tâm.” 

Xem đồ biểu dưới đây.

Đồ biểu 11

A. Thiện vô biểu: 
1.Loạn tâm: 
- ác tâm
- vô ký tâm
2. Bất loạn tâm: 
- thiện tâm
B. Ác vô biểu:  
1. Loạn tâm: 
- thiện tâm
- vô ký tâm
2. Bất loạn tâm: 
- ác tâm 

Vô tâm đẳng (acittāpi). Vô tâm chỉ vô tưởng định (asaṃjñi-samāpatti) và diệt tận định (nirodha-samāpatti). Khi nhập vào các định này, tâm không hiện khởi, cho nên gọi là vô tâm. Ngược lại nghĩa này gọi là “hữu tâm.”

Sự hiện hữu và tồn tại vô biểu sắc thông cả bốn vị: loạn tâm, bất loạn tâm, vô tâm và hữu tâm, cho nên nói là “loạn tâm vô tâm đẳng.”

Nhưng, “loạn tâm - bất loạn tâm” cũng chính là hữu tâm, thế cần gì phải thiết lập thêm vị hữu tâm? Loạn tâm và bất loạn tâm căn cứ vào tám địa ở dục giới mà lập ra; hữu tâm và vô tâm căn cứ vào định địa ở thượng giới mà lập ra, cho nên không phải là trùng lập. 

Như thế, tại sao trong tụng văn không nêu bất loạn tâm và hữu tâm? Bởi vì, thiện vô biểu tồn tại nơi thiện tâm và hữu tâm, còn ác vô biểu tồn tại nơi ác tâm và hữu tâm. Đó là cái lý thông thường không có gì là lạ cả. Nhưng thiện ác vô biểu vẫn tồn tại nơi tánh tương phản của chúng. Nói khác, thiện vô biểu thông cả ác tâm và vô tâm; ác vô biểu thông cả ác tâm và vô tâm. Đây mới chính là chỗ dị biệt. Để chỉ rõ sự dị biệt đó, ở đây, đặc biệt nêu lên loạn tâm và bất loạn tâm v.v…

Tùy lưu (anubandha). Tùy là tùy thuận; lưu là lưu chuyển. Có nghĩa là tương tợ, tương tục. Chính là vô biểu sắc ở nơi bốn vị, loạn tâm, bất loạn tâm, hữu tâm và vô tâm, nó có tính cách tùy thuận tương tợ và lưu chuyển tương tục. Tuy vô biểu sắc tùy thuận lưu chuyển với bốn vị, nhưng cần phải có sự phân biệt, bởi lẽ, nó không trọn vẹn. Chẳng hạn, biệt giải thoát luật nghi vô biểu chắc chắn thông cả bốn vị, còn tịnh lự luật nghi và vô lậu luật nghi vô biểu chỉ hiện hành nơi mỗi một vị hữu tâm mà thôi. Lại nữa, bất luật nghi vô biểu cũng chỉ hiện hành ở hai vị loạn tâm và bất loạn tâm. Bởi vì chúng dựa vào vô biểu mà có sai khác.

Tịnh - bất tịnh (śubhāśubha), hiển thị cái thể của vô biểu. Thể của nó chỉ có hai tính, thiện và ác, không có tính vô ký. Vì thiện cho nên gọi là tịnh (śubha), và vì ác cho nên gọi là bất tịnh (aśubha).

Đại chủng sở tạo tánh (mahābhutāny-upādāya). Đại chủng là 4 đại: đất, nước, lửa và gió. Các pháp khác, có pháp tuy thông cả 4 vị để tùy thuận tương tợ và lưu chuyển tương tục, nhưng tánh chất của chúng không phải do bốn đại tạo ra. Chỉ có vô biểu sắc tùy thuận lưu chuyển nơi bốn vị, lại có tánh chất do đại chủng tạo. Vì chúng không đồng nhau, nên ở đây nêu ra nhân của vô biểu sắc để khỏi lẫn lộn.

Do thử thuyết vô biểu, kết luận về sự thành lập danh từ vô biểu. Chữ “thuyết” ngụ ý, trên đây là thuyết của các luận sư Tì-bà-sa, còn ý Luận chủ thì không tin vô biểu sắc có thực thể riêng biệt. Những điều khác, theo đây có thể biết.

IV. Đại chủng.

Thể tánh của vô biểu sắc là sở tạo của bốn đại chủng; vậy đại chủng là gì?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Đại chủng vị tứ giới:
Tức địa, thủy, hỏa, phong;
Năng thành, trì, đẳng nghiệp;
Kiên, thấp, noãn, động tánh. (9)

Dịch nghĩa:

Đại chủng là bốn giới:
Tức đất, nước, lửa, gió;
Là khả năng thành tựu các nghiệp trì thủ, v.v..
Tánh chất là cứng, ẩm, nóng và động. (tụng 9)

Đại (mahā) có ba nghĩa:

1. Thể đại, vì bốn đại này phổ biến khắp các sắc, không vật nào không được tạo thành từ chúng, cho nên thể của chúng rất bao quát.

2. Tướng đại, đất rộng, núi cao là tướng địa đại tăng thạnh. Sông ngòi, biển cả, là tướng thủy đại tăng thạnh. Bão lốc là tướng phong đại tăng thạnh. Lò lửa phừng phừng là tướng hỏa đại tăng thạnh. Bốn đại tăng thạnh như vậy, là do hình tướng đại.

3. Dụng đại , địa đại có khả năng nâng đỡ mọi vật. Thủy đại có khả năng làm nổi thuyền bè. Hỏa đại có khả năng đốt cháy củi đuốc. Phong đại có khả năng quật ngã cây cối. Đó là tác dụng đại.

Chủng (bhūta). Bởi vì bốn đại là chỗ nương tựa cho tất cả các pháp sở tạo của chúng. Như hư không hiện hữu khắp nơi, tuy có thể là “đại” nhưng không thể gọi là “chủng”. Lại nữa, như hạt giống cây cỏ, tuy có thể sinh ra mầm nhánh nên được gọi là “chủng”, nhưng không thể gọi là “đại”. Nay đây, đất, nước, lửa, gió, không những thể, tướng và dụng đều là “đại” mà còn là “chủng tử” của tất cả sắc pháp, cho nên gọi là “đại chủng”.

Giới (dhātu) có nghĩa là trì giữ. Bốn đại chủng có khả năng giữ gìn tự thể và các sở tạo sắc của chúng, vì thế gọi chúng là 4 giới.

Câu tụng: tức địa thủy hỏa phong, nêu lên số lượng của đại chủng.

Câu tụng: Năng thành trì đẳng nghiệp, nói về tác dụng của các đại chủng. Tức, địa đại có công năng trì thủ các vật; thủy đại có công năng dung nhiếp các vật; hỏa đại có công năng làm thành thục các vật; phong đại có khả năng làm tăng trưởng các vật.

Chữ “đẳng”, bao gồm các nghĩa: trì thủ, dung nhiếp, thành thục và tăng trưởng.

Câu tụng: Kiên thấp noãn động tánh, nói về thể tánh của bốn đại chủng: địa tánh cứng, thủy tánh ướt, hỏa tánh nóng, phong tánh động. Tóm lại, đại chủng có bốn là địa, thủy, hỏa, phong. Bốn đại chủng này, theo thứ tự, có công dụng; trì thủ, dung nhiếp, thành thục và tăng trưởng, và tánh chất là cứng, ướt, nóng và động.

Bốn đại chủng này, so với những loại đất, nước, lửa, gió mà thông tục thường gọi, có khác nhau không?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Địa vị hiển hình sắc,
Tùy thế tưởng lập danh;
Thủy hỏa diệc phục nhiên.
Phong tức giới diệc nhĩ. (10)

Dịch nghĩa:

Địa là hiển sắc và hình sắc,
Tùy theo ý tưởng của thế gian mà lập danh
Thủy hoả cũng như vậy
Phong tức giới, cũng thế. (tụng 10)

Đây là đối với bốn thật đại chủng vừa nói ở trước mà thuyết minh bốn giả đại chủng để trình bày những điểm khác nhau giữa chúng.

Bốn thật đại chủng là cảnh đối tượng được tiếp xúc bởi thân căn, với các tánh chất cứng, ướt, nóng và động. Còn bốn giả đại chủng mà thông tục thường gọi thì không phải vậy.

Trong ngôn ngữ thông tục, địa là hiển sắc và hình sắc mà con mắt có thể trông thấy. Nó lấy hiển sắc và hình sắc làm thể; như màu đất xanh, vàng v.v… là nương nơi hiển sắc để thành lập; hoặc khối đất dài, ngắn, v.v… là nương nơi hình sắc mà thành lập. Thông tục đối với đối tượng sở tạo sắc gồm hình sắc và hiển sắc đó mà gọi là “đất”, địa đại. Đức Thế Tôn tùy thuận theo thói tục nên cũng nói là “đất”, địa đại. Vì thế, tụng văn nói, tùy thế tưởng lập danh.

Thủy đại và hỏa đại cũng tùy theo ý tưởng của thế gian đối với hiển-hình sắc để lập danh. Tụng văn nói: thủy hỏa diệc phục nhiên.

Về phong đại, có hai thuyết:

Thuyết thứ nhất, người đời gọi sự chuyển động là gió. Như vậy không có giả đại chủng của gió, vì tánh động chính là thật đại chủng. Do đó, tụng nói: phong tức giới. Giới nghĩa là thể, và thể của gió là động.

Thuyết thứ hai cho rằng, bởi ba giả đại chủng kia - đất, nước và lửa như đã nói ở trước, chỉ nương nơi hiển sắc và hình sắc mà lập danh, nên phong đại cũng được lập danh như vậy, cũng nói là “gió” thuộc giả đại chủng. Tụng nói: diệc nhĩ, cũng thế. Những thứ mà thế gian gọi là “gió đen” (hắc phong, bão) là đứng về mặt hiển sắc mà nói; hay gọi “gió tròn” (đoàn phong, lốc), đó là đứng về mặt hình sắc.

Tóm lại, những cái mà thông tục gọi là đất, nước, lửa, gió, so với bốn đại chủng trên có chỗ không tương đồng. Bốn đại chủng là các yếu tố năng tạo, tức đối tượng tiếp xúc của thân căn, còn bốn đại chủng thế gian chỉ là sở tạo sắc gồm hiển sắc và hình sắc, tức sắc cảnh do mắt ta trông thấy. Hai bên trái ngược nhau.

B. Thành lập xứ và giới:

Trong sắc uẩn, năm căn và năm cảnh thuộc về xứ nào trong mười hai xứ, và thuộc về giới nào trong mười tám giới?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Thử trung căn dữ cảnh,
Hứa tức thập xứ giới. (11)

Dịch nghĩa:

Trong đó, căn và cảnh,
Được cho là mười xứ và mười giới. (½ tụng 11)

Theo đó, 5 căn và 5 cảnh trong sắc uẩn, đối với 12 xứ, chúng thuộc về 10 xứ; đối 18 giới, chúng thuộc về 10 giới. Mười xứ (āyatana) ở đây là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh, hương, vị và xúc xứ. Mười giới (dhātu), tên gọi cũng như thế, chỉ đối chữ “xứ” thành chữ “giới” mà thôi.

Ở đây, Luận chủ dùng chữ “hứa” (cho rằng), là muốn độc giả biết rằng Tát-bà-đa-bộ (tức Hữu bộ, Sarvāstivāda) chủ trương ba khoa (uẩn, xứ và giới) đều thật, còn Luận chủ thì chủ trương uẩn là giả, xứ và giới mới thật. Đã không chấp nhận năm uẩn là thực hữu mà nay cho rằng căn và cảnh trong năm uẩn, tức 10 xứ và 10 giới, là những cái có thực, đó là lập trường của Hữu bộ, chứ không phải ý của luận chủ.

Đoạn 2: Giải thích thọ tưởng hành thành lập xứ giới.

Trong năm uẩn, đã giải thích sắc uẩn, còn ba uẩn kia, thọ tưởng và hành, như thế nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Thọ, lãnh nạp tùy xúc;
Tưởng thủ tượng vi thể. (11b)
Tứ dư danh hành uẩn.
Như thị thọ đẳng tam,
Cập vô biểu, vô vi.
Danh pháp xứ, pháp giới. (12)

Dịch nghĩa:

Thọ là sự lãnh nạp tùy theo xúc.
Tưởng chấp thủ ảnh tượng là thể. (½ tụng 11)
Ngoài bốn uẩn ra, là hành uẩn.
Như thế, thọ, tưởng và hành,
Và vô biểu, vô vi,
Gọi là pháp xứ, pháp giới. (tụng 12)

Một bài tụng rưỡi này nhắm thuyết minh về các uẩn thọ, tưởng và hành, và cho thấy trong 12 xứ chúng thuộc về pháp xứ, và trong 18 giới chúng thuộc về pháp giới.

Thọ lãnh nạp tùy xúc, thọ (vedanā) là sự lãnh nạp tùy theo xúc. Đây là giải thích về thọ uẩn. Có hai giải thích:

1. Thọ là sự lãnh nạp tùy theo cảnh của xúc.
2. Thọ là sự lãnh nạp tùy theo xúc của thọ.

Cu-xá, quyển 10, nói rằng: “Vì sao nói xúc là hành tướng được lãnh nạp bởi thọ? Vì y cứ theo hành tướng của thọ rất tương tợ với xúc, và vì thọ y cứ nơi xúc mà sanh vậy.” Chánh lý luận, quyển 20, nói: “Tùy xúc mà sanh, lãnh nạp những cái xúc đáng ưa, xúc không đáng ưa, và ngược cả hai. Gọi đó là thọ.” Cũng trong Chánh lý luận, quyển 2, nói: “Lại nữa, các thọ, tóm lược có hai thứ: chấp thủ thọ và tự tánh thọ. Chấp thủ thọ là khả năng lãnh nạp cảnh sở duyên của riêng nó. Tự tánh thọ là khả năng lãnh nạp cái xúc mà chính nó đi theo. Cho đến, cái sở duyên được nhận lãnh bởi thọ, đối với một pháp làm cảnh đối tượng nào đó, tướng trạng sai biệt của chúng rất khó mà nhận thấy. Cho đến, tuy thọ cũng có khả năng lãnh nạp cảnh giới nhưng tự tánh của sự lãnh nạp này cũng khó biết được. Cho nên, lãnh nạp xúc là tự tánh thọ. Tự tánh thọ này không cùng tánh chất với các tâm sở khác; sự sai biệt ấy dễ biết.” Hiển tông luận cũng nói: “Thọ lãnh nạp tùy xúc đó là thế nào? Bởi vì thọ là quả gần của xúc vậy. Chữ “tùy xúc” theo luật biến cách danh từ, chỉ cho ý nghĩa về nguyên nhân vì thọ là tác viên tùy thuận vậy. Thọ có khả năng tùy thuận cái xúc làm nhơn, cho nên nói “thọ lãnh nạp tùy xúc.” Sự lãnh nạp tùy xúc được gọi là thọ.

Dựa vào các đoạn văn trên, cách giải thích thứ hai được coi là đúng. Ở đây, theo cách giải thích này.

Thọ là một trong 46 tâm sở. Tâm sở thọ này, quả thọ (nghĩa là, thọ như là quả), như thế nào? Đó là sự lãnh nạp tùy thuận nơi xúc của riêng nó. Theo nghĩa này, thọ được phân làm ba loại: 1. Khổ thọ , lãnh nạp cái xúc khổ không thích ý. 2. Lạc thọ , lãnh nạp các xúc lạc vừa ý. 3. Bất khổ bất lạc thọ , cái thọ không khổ không lạc. Lãnh nạp xúc có tánh cách trung dung.

Lại nhân vì 6 căn là sở y của tâm sở thọ, nên theo đó mà khai triển thành 6 thọ: Thọ phát sanh bởi nhãn xúc, Thọ phát sanh bởi nhĩ xúc, thọ phát sanh bởi tỹ xúc, thiệt xúc, và phát sanh bởi thân xúc. Trong ấy, 5 cái trước gọi là thân thọ, một cái sau gọi là tâm thọ.

Tưởng thủ tượng vi thể. Đây là giải thích tưởng uẩn (saṃjñā). Tưởng cũng là một tâm sở trong các tâm sở pháp. Tâm sở này lấy sự thủ trước các cảnh tượng sở duyên sai biệt, như khổ, vui, thương, ghét, nam, nữ, v.v... làm thể tánh. Lại nữa, nương vào các căn, tưởng cũng gồm có 6 loại: tưởng phát sanh từ nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân và ý.

Tứ dư danh hành uẩn, ngoài bốn uẩn ra, còn lại là hành uẩn (saṃskāra). Nghĩa là, trong năm uẩn, ngoài sắc, thọ, tưởng và thức ra, còn lại là hành uẩn. Các pháp ngoài bốn uẩn ấy tức là trong 46 tâm sở pháp trừ thọ và tưởng uẩn ra, còn lại 44, cùng với 14 pháp bất tương ưng hành; tất cả gồm 58 pháp. 58 pháp này đều là những hành vi tạo tác, lưu chuyển biến đổi, cho nên gọi là hành uẩn. Tuy nhiên, nói đến hành vi tạo tác, lưu chuyển biến đổi, không phải chỉ hạn cuộc trong 58 pháp này mà các pháp khác không có. Ở đây, vì so với các pháp khác, 58 pháp này đặc biệt hơn nên dùng tên hành uẩn để đặt cho chúng.

Trong đây, 3 câu tụng từ “như thị thọ đẳng tam” trở xuống là đoạn văn thành lập xứ và giới. Nghĩa là, 3 uẩn thọ, tưởng và hành và vô biểu sắc trong sắc pháp, cùng với các pháp vô vi không có tạo tác biến đổi, ở trong 12 xứ và 18 giới chúng thuộc về pháp xứ (dharmāyatana) và pháp giới (dharmadhātu). Sở dĩ gọi là pháp, vì rằng, thọ, tưởng, hành cùng các pháp vô biểu, vô vi đều là cảnh đối tượng của đệ lục ý thức.

Đoạn 3: Giải thích thức uẩn thành lập xứ giới.
Năm uẩn, đã giải thích hết bốn uẩn, còn cái thứ năm là thức uẩn thì như thế nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Thức vị các liễu biệt;
Thử tức danh ý xứ,
Cập thất giới ưng tri.

Lục thức chuyển vi ý. (13)

Dịch nghĩa:

Thức nghĩa là liễu biệt theo từng đối tượng riêng biệt
Thức đó được gọi là ý xứ,
Và bảy tâm giới, nên biết.
Đó là ý căn do sáu thức chuyển thành. (tụng 13)

Thức là tâm vương trong 75 pháp. Có 6 loại, đó là: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Theo thứ tự, sáu thức phân biệt sáu cảnh là: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Nghĩa là, nhãn thức nương nhãn căn phân biệt các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng v.v… nhĩ thức nương vào nhĩ căn phân biệt các tiếng trong ngoài... tỹ thức nương vào tỹ căn phân biệt các mùi thơm, thúi, v.v… thiệt thức nương vào thiệt căn phân biệt các vị ngọt, cay, đắng, v.v… thân thức nương vào thân căn, phân biệt các xúc cứng, ướt, nóng, động, v.v… ý thức nương vào ý căn phân biệt các pháp về sự lý ở trong cũng như ở ngoài. Xem đồ biểu dưới đây.

Đồ biểu 12

1. Nhãn thức – lấy nhãn căn làm sở y – phân biệt cảnh sắc
2. Nhĩ thức – lấy nhĩ căn làm sở y – phân biệt âm thanh
3. Tỷ thức – lấy tỹ căn làm sở y – phân biệt mùi hương
4. Thiệt thức – lấy thiệt căn làm sở y – phân biệt mùi vị
5. Thân thức – lấy thân căn làm sở y – phân biệt sự xúc chạm
6. Ý thức – lấy ý căn làm sở y – phân biệt các pháp

Sáu tâm vương này tuy mỗi cái đối trước cảnh sở duyên, sanh ra tác dụng phân biệt, nhưng tác dụng phân biệt này có ba loại khác nhau, đó là: tùy niệm phân biệt, kế đạc phân biệt và tự tánh phân biệt. 

Tùy niệm phân biệt (anusmaraṇa-vikalpa) là sự phân biệt do nhớ lại sự việc quá khứ mà sanh khởi tác dụng. 

Kế đạc phân biệt (abhinirūpaṇā-vikalpa) không những chỉ do nhớ lại việc quá khứ mà còn nghĩ đến cảnh hiện tại và suy đoán việc tương lai nữa. 

Tự tánh phân biệt (svabhāva-vikalpa) thì không giống hai loại trên. Nó chỉ do tự tánh của tâm thức đối với cảnh hiện tại, tự nhiên vô sự mà phân biệt đồng dị. 

Trong ba loại phân biệt này, năm thức trước, từ nhãn cho đến thân, chỉ có tự tánh phân biệt. Đệ lục ý thức, có hai loại phân biệt: tùy niệm và kế đạc (đương nhiên có tự tánh phân biệt nữa). Suy ra ta biết rằng, tác dụng trước rất đơn giản, chỉ phân biệt cảnh hiện tại mà thôi. Vả lại, trong cảnh hiện tại đó, chúng chỉ trực nhận hữu chất cảnh của ngoại giới, chớ không có tác dụng so sánh, suy lường… Đệ lục ý thức thì không như thế. Nó phân biệt các cảnh một cách rộng rãi, suốt cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai bất luận cảnh ấy là hữu hình hay vô hình, bên trong hay bên ngoài, cùng khắp tất cả.

Sáu thức này, lúc đối trước cảnh sở duyên, sanh ra tác dụng phân biệt, so với các tâm sở, tác dụng phân biệt của hai bên khác nhau như thế nào?

Theo Quang ký, quyển 1, có 4 thuyết:

1. Tâm vương chỉ duyên tổng tướng. Tâm sở chỉ duyên biệt tướng.

2. Tâm vương duyên tổng tướng và biệt tướng. Tâm sở chỉ duyên biệt tướng.

3. Tâm vương chỉ duyên tổng tướng. Tâm sở duyên cả tổng tướng lẫn biệt tướng.

4. Tâm vương duyên tổng tướng là chính; duyên biệt tướng là phụ. Tâm sở duyên biệt tướng của nó là chính, duyên tổng tướng và biệt tướng của cái khác là phụ.

Ở đây, căn cứ vào thuyết thứ ba để giải thích. Tâm vương và tâm sở đều là tâm chủ quan duyên cảnh khách quan. Trong đó cái nào duyên tổng tướng thì chính là tâm vương. Thí dụ, khi chúng ta nhìn màu xanh, cái mà duyên lấy toàn thể màu xanh để phân biệt, thì đó là tác dụng của tâm vương. Nhưng trong lúc đó, không những duyên lấy màu xanh đơn thuần, mà đồng thời ở nơi màu xanh ấy còn duyên lấy cái tướng sai biệt của nó nữa, như là xanh đậm, xanh lợt,… Nếu thích ý thì sanh ra ý niệm mong cầu, nếu không thích ý thì sanh lòng nhàm chán; đó là tác dụng của tâm sở. Vì vậy, nên biết rằng tác dụng của tâm vương và tâm sở khác nhau.

Ba câu tụng: “Thử tức danh ý xứ, cập thất giới ưng tri, lục thức chuyển vi ý” cho biết, đối với 12 xứ, thức này thuộc về ý xứ (mana-āyatana); đối với 18 giới, nó thuộc về bảy tâm giới (sapta citta-chātavaḥ) .

Bảy tâm giới là 6 thức giới (nhãn thức giới cho đến ý thức giới) cọng với đệ lục ý căn ở trong 6 căn. Ý căn giới (mana-indriya-dhātu) là, khi sáu thức lùi về quá khứ chúng có khả năng làm sở y cho thức sau sanh ra, do đó tụng nói: “Lục thức chuyển vi ý.” Ba câu tụng trên đây cho biết rằng thức uẩn thuộc về ý xứ và bảy tâm giới trong 12 xứ và 18 giới vậy.

Thức uẩn chỉ cho sáu thức, nhãn, nhĩ v.v… Ngoài sáu thức này lại còn có ý giới. Vậy, xét cho cùng, những pháp gì mà được gọi là ý giới (mano-dhātu)?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Do tức lục thức thân
Vô gián diệt vi ý. (14a)

Dịch nghĩa:

Do chính sáu thức thân,
Vô gián diệt làm ý giới. (½ tụng 14)

Chữ “thân” có nghĩa là “thể”, tức chỉ cho sáu thức thể, nhãn v.v… vì có khả năng làm chỗ nương tựa cho thức sau phát sinh, giữa quá khứ và hiện tại không có sự gián cách, cho nên gọi là ý giới.

Nếu ngoài 6 thức không có ý giới riêng biệt, lẽ đáng chỉ nên xếp thành 17 giới, hoặc ngoài ý giới không có 6 thức riêng biệt thì chỉ nên xếp thành 11 giới, chứ phiền gì lại phải lập thành 18 giới ?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt: 

Thành đệ lục y cố,
Thập bát giới ưng tri. (14 b)

Dịch nghĩa:

Vì để thành lập sở y cho thức thứ sáu,
Nên biết, có 18 giới. (½ tụng 14) 

Đây có ý muốn nói rằng trong 6 thức, 5 thức trước, nhãn v.v... mỗi thức đều có căn để nương: nhãn thức nương nơi nhãn căn v.v… nhưng vì thức thứ 6 không có căn riêng biệt để làm sở y, cho nên ngoài 6 thức lập thêm một giới để cho nó nương. Đó tức là ý giới.

Câu “thập bát giới ưng tri” có nghĩa là lấy chỗ nương của ý thức lập thành ý giới. Như vậy, căn sở y có 6, thức năng y có 6, cảnh sở duyên có 6, họp thành 18 giới.

Trên đây chỉ nói về 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, như vậy làm sao chúng dung nhiếp được tất cả các pháp? Nay đây, căn cứ vào thuyết phổ thông nhất, 5 vị, 75 pháp, để biểu thị cái tướng tương nhiếp của chúng. 

 Dưới đây là đồ biểu đối chiếu:

Đồ biểu đối chiếu A
5 VỊ 75 PHÁP

1. Sắc 11 Sắc uẩn
2. Tâm Thọ uẩn
3. Tâm sở, 46 Tưởng uẩn 
Hành uẩn (1)
4. Bất tương ưng hành 14 Hành uẩn (2)
1 Thức uẩn

 5. Vô vi 3

3 PHÁP BAO GỒM TỔNG QUÁT

 Sắc uẩn : nhiếp hết tất cả sắc
Ý xứ : nhiếp hết tất cả tâm

 Pháp giới : nhiếp tất cả tâm sở, bất tương ưng hành và

 Vô vi pháp.

Đồ biểu đối chiếu B
5 VỊ 75 PHÁP

Sắc: .......................................................... 11 

5 căn (nhãn xứ … thân xứ)
5 cảnh (sắc xứ... xúc xứ)

1 vô biểu (pháp xứ. 1)

Tâm: ý xứ.................................................. 1 
Tâm sở: (pháp xứ.2).................................. 46 

Bất tương ưng hành: (pháp xứ. 3)............. 14

Vô vi: (pháp xứ.4) ..................................... 3

Đồ biểu đối chiếu C
5 VỊ 75 PHÁP

Sắc: ................................................ 11

5 căn (nhãn giới,… thân giới)
5 cảnh (sắc giới,… xúc giới) 

1 vô biểu (pháp giới.1) 

Tâm: 7 tâm giới................................ 1
Tâm sở: pháp giới (2)........................ 46
Bất tương ưng hành: pháp giới (3) ... 14
Vô vi: pháp giới (4)........................... 3 

Tiết 2: Về tổng nhiếp và khai hiệp

Đoạn 1: Tổng nhiếp

Như trên, cả 5 uẩn, 12 xứ và 18 giới đều khả dĩ dung nhiếp được tất cả các pháp. Vậy sự dung nhiếp đó như thế nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Tổng nhiếp nhất thiết pháp
Do nhất uẩn, xứ, giới;
Nhiếp tự tánh phi dư,
Dĩ ly tha tánh cố. (15)

Dịch nghĩa:

Tổng nhiếp tất cả các pháp,
Do một uẩn, một xứ và một giới;
Chỉ nhiếp những gì cùng tính chất,
Những gì không cùng tính chất thì tách rời nhau. (tụng 15)

Trong tụng văn trên, hai câu trước nói về sự hỗ tương dung nhiếp; hai câu sau nói về giới hạn của sự dung nhiếp đó.

Sự tổng nhiếp tất cả các pháp (trong 2 câu đầu của tụng văn) chính là sắc uẩn trong 5 uẩn, ý xứ trong 12 xứ, và pháp giới trong 18 giới. Vì sao như thế? Mặc dù phạm vi của tất cả các pháp vô cùng mênh mông, nhưng vẫn có thể được thâu gọn lại trong 5 vị và 75 pháp. Trong đó, sắc uẩn tổng nhiếp tất cả sắc pháp; ý xứ tổng nhiếp tất cả tâm pháp và pháp giới tổng nhiếp tất cả tâm sở, bất tương ưng hành và vô vi pháp. Do đó, trong ba khoa, uẩn, xứ và giới chỉ đặc biệt nêu lên sắc uẩn, ý xứ và pháp giới.

Tại sao như vậy?

Mặc dù sắc, ý và pháp nói trên chỉ mới là 1 uẩn, 1 xứ và 1 giới mà thôi, nhưng mỗi loại vẫn có thể tự nhiếp được nhiều pháp khác, nên được đặc biệt nêu ra. Bởi, trong 5 vị pháp nói trên, sắc pháp vốn có 11 thứ: 5 căn, 5 cảnh và vô biểu sắc, tất cả đều thuộc về sắc uẩn. Còn như sắc xứ hay sắc giới, tuy cũng đồng gọi là sắc, nhưng chúng chỉ nhiếp được phần nào trong sắc cảnh chứ không thể thông nhiếp tất cả sắc pháp. Kế đến, ý xứ và thức uẩn đều có thể thâu nhiếp được tất cả tâm pháp, như với sắc pháp đã nêu ra sắc uẩn, nên ở đây, đối với tâm pháp cũng chỉ nêu ra ý xứ mà thôi. Còn về pháp giới, thì nó và pháp xứ cùng có một phạm vi như nhau, nghĩa là đều bao trùm cả tâm sở, bất tương ưng hành và vô vi pháp, nhưng ở đây, vì muốn nói lên sự kiện, uẩn, xứ và giới có thể tổng nhiếp tất cả pháp nên đặc biệt chỉ nêu ra pháp giới mà thôi.

Về giới hạn của sự hỗ tương dung nhiếp (2 câu tụng sau), theo Hóa địa bộ thì các pháp dù có những tính chất dị biệt nhau cũng vẫn có thể hỗ tương dung nhiếp. Ở đây, ngược lại, cho rằng sự dung nhiếp đó chỉ có thể có trong những pháp nào đồng tính chất mà thôi, còn dị biệt nhau thì không thể. Sắc uẩn, nhãn giới và nhãn xứ chẳng hạn, cả ba đều là sắc pháp nên mới có thể dung nhiếp lẫn nhau; còn sắc đối với tâm hay tâm đối với sắc thì cả hai đều có tính chất dị biệt nhau nên tách biệt mà không thể dung nhiếp được. Tụng văn nói: “dĩ ly tha tánh cố” là chỉ cho nghĩa này.

Đoạn 2: Khai hiệp
Trong 18 giới, 3 căn: nhãn, nhĩ và tỹ, mỗi căn đều có hai (2 con mắt, 2 lỗ tai và 2 lỗ mũi), lẽ ra có 21 giới, cớ sao ở đây chỉ nói có 18 giới thôi?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Loại, cảnh, thức, đồng cố,
Tuy nhị giới thể nhất. (16a)

Dịch nghĩa:

Vì loại, cảnh và thức giống nhau,
Tuy hai giới mà thể chỉ có 1. (½ tụng 16)

Loại tức thể loại. Cảnh, cảnh đối tượng. Thức, thức năng y. Ý nói rằng, 3 căn (nhãn, nhĩ và tỹ), chỗ nương của mỗi căn tuy có 2, nhưng vì có 3 điểm giống nhau nên thể chỉ 1. Ba điểm đồng ấy là: 1- Đồng loại, chỗ nương tuy có 2, nhưng cùng đồng là nhãn căn, chẳng hạn. 2- Đồng cảnh, tuy có 2, nhưng cùng có một sắc cảnh đối tượng. 3- Đồng thức, vì cả hai đều là chỗ nương của nhãn thức. Do đó, nhãn giới này, chỗ tuy có 2 mà thể là 1. Đối với tỹ, nhĩ cũng vậy. Cho nên, vẫn là 18 giới.

Như thế, chỗ nương ấy vì cớ gì mà sanh ra hai?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Nhiên vị linh đoan nghiêm,
Nhãn đẳng các sanh nhị. (16b)

Dịch nghĩa:

Nhưng vì để cho đẹp đẽ,
Nhãn, nhĩ và tỹ, mỗi cái sanh ra hai. ( ½ tụng 16)
Về điều này, trong trường hàng có 2 giải thích:

1. Nếu nhãn căn và nhĩ căn mỗi cái chỉ có một, và tỹ căn không có 2 lỗ, thì trông tướng xấu xí. Vì muốn thân tướng đẹp đẽ, cho nên mỗi cái có 2.

2. Theo thuyết trên, cho rằng vì để thân tướng đẹp đẽ thì không đúng. Giả sử từ khởi thủy con người chỉ có 1 mắt, 1 tai và chỉ 1 lỗ mũi thì đâu biết là xấu xí. Hơn nữa, như cú mèo chẳng hạn, có 2 mắt, 2 tai mà thân tướng của nó có đẹp đẽ gì đâu. Như thế, 3 căn ấy vì lý do gì mà mỗi cái lại có 2? Nếu 3 căn đó giống như thiệt căn, mỗi cái chỉ có 1, thì sự thấy, nghe và ngửi không được rõ ràng. Vì để cho thức (nhãn, nhĩ, tỹ thức) đối với sắc, thanh, hương biết được rõ ràng, cho nên các căn của chúng phải sanh ra 2 cái. Luận chủ đồng ý với giải thích thứ 2, lấy nghĩa “để cho sự nhận thức được rõ ràng” là chính.

Lại nữa, Chánh lý luận, quyển 3, cũng có 2 thuyết: nghĩa pháp tánh và căn đẹp đẽ. Nhãn, nhĩ và tỹ của con người, mỗi cái có 2, đó là do sức mạnh của nhơn duyên; pháp tánh tự nhiên là như vậy, chứ không phải làm cho thân tướng đẹp đẽ. Nếu tìm lý do vì sao 3 căn mỗi cái có 2 chỗ thì có thể nói rằng: Vì để cho căn trong khi duyên cảnh đặc biệt được rõ ràng.

Luận Tì-bà-sa có nói tới 4 thuyết, nhưng không ngoài hai thuyết của luận này và hai thuyết của Chánh lý.

Tóm lại, trong các thuyết, Luận chủ không phải phủ nhận nghĩa của pháp tánh, nhưng chỉ cần nghiên cứu rõ lý do, Luận chủ lấy nghĩa thức đẹp đẽ. Chánh lý theo đó mà lập ra thuyết căn đẹp đẽ. Bởi vì Luận chủ là nhà “thức kiến” mà ngài Chúng Hiền là nhà “căn kiến.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn