Phẩm 06 - Quán Về ô Nhiễm, Người ô Nhiễm

02 Tháng Tám 201000:00(Xem: 18037)

TRUNG LUẬN 
(MADHYAMAKA SASTRA)
Tác giả: Nagaruna
Dịch và chú giải: HT Thích Thiện Siêu
Nhà xuất bản: TP. Hồ Chí Minh 2001

Phẩm 6

Quán về ô nhiễm, người ô nhiễm

Hỏi: Trong kinh nói tham dục, sân giận, ngu si là căn bản của thế gian. Tham dục có các tên: Đầu là ái, tiếp là đắm trước, tiếp nữa là nhiễm, tiếp nữa là dâm dục, tiếp nữa là tham dục. Các danh tự ấy chúng là kiết sử, nương ở nơi chúng sinh. Chúng sinh gọi là kẻ nhiễm, tham dục gọi là pháp nhiễm. Vì có pháp nhiễm, người nhiễm nên có tham dục. Sân giận và ngu si cũng như vậy. Có pháp sân giận thời có người sân giận, có pháp ngu si thời có người ngu si. Do nhân duyên của ba độc ấy mà khởi lên ba nghiệp, do nhân duyên của ba nghiệp mà khởi thành ba cõi. Thế nên có hết thảy pháp?

Đáp: Kinh tuy nói có danh tự ba độc, song tìm tính thực của nó thì không thể có, vì sao ?

1. Nếu lìa ngoài pháp ô nhiễm, trước đã tự có người ô nhiễm, nhân nơi người ô nhiễm tham dục ấy nên mới sinh ra pháp ô nhiễm.

2. Nếu không có pháp ô nhiễm, thời làm sao có ô nhiễm. Trước người ô nhiễm, hoặc có hoặc không có pháp ô nhiễm đều không thành; người ô nhiễm cũng như vậy.

Nếu trước quyết định đã có người nhiễm, thời không còn phải dính nhiễm, vì người nhiễm trước đã dính nhiễm rồi. Nếu trước quyết định không có người nhiễm, thời lại cũng không thể khởi nhiễm, vì phải trước có người nhiễm, vậy sau mới có khởi nhiễm, chứ nếu trước không có người nhiễm, thời không có người chịu sự nhiễm; pháp nhiễm cũng như vậy. Nếu trước đó tách lìa người nhiễm mà chắc chắn có pháp nhiễm, thời pháp nhiễm ấy không có sở nhân, tức là không chỗ dựa thì làm sao khởi làm nhiễm, như lửa không có củi. Nếu trước đó chắc chắn không có pháp nhiễm, pháp nhiễm không có thời người nhiễm không có. Thế nên trong bài kệ nói: Hoặc có hoặc không có pháp nhiễm, người nhiễm cũng như vậy hoặc có hoặc không.

Hỏi: Nếu pháp nhiễm và người nhiễm trước sau đối đãi nhau mà phát sinh, việc ấy không thể được, vậy nó cùng sinh ra trong một lúc có lỗi gì ?

Đáp:

3. Người ô nhiễm và pháp ô nhiễm, cả hai cùng thành lập trong một lúc là không đúng, vì người ô nhiễm và pháp ô nhiễm cũng có trong một lúc, thời không có sự chờ đợi đối đãi nhau.

Nếu pháp nhiễm và người nhiễm cùng sinh một lúc, thời như vậy là không nương chờ nhau, không nhân người nhiễm mà có pháp nhiễm, không nhân pháp nhiễm mà có người nhiễm, hai thứ pháp và người như vậy là có thể thường, vì nó không nhân đâu mà thành ; nếu thường thời có nhiều lỗi, không có phương pháp gì để giải thoát được.

Lại nữa, nay sẽ dùng pháp một và khác để phá pháp nhiễm và người nhiễm:

4. Người ô nhiễm và pháp ô nhiễm là một, một pháp thời làm sao hợp nhau. Còn người ô nhiễm và pháp ô nhiễm khác nhau, khác nhau thời làm sao hợp.

Pháp nhiễm và người nhiễm, là hoặc do cùng một thể hợp lại hay do hai thể khác nhau hợp lại. Nếu là một thể thời không thành hợp, vì sao ? Vì một pháp thể làm sao mình hợp với mình. Như đầu ngón tay không thể chạm đầu ngón tay ; nếu do khác pháp thể mà hợp là không thể được, vì sao ? Vì hai bên đã thành khác nhau, nếu đã thành khác nhau rồi, thời không cần phải hợp lại, tuy hợp mà vẫn khác.

Lại nữa, một thể và khác thể đều không được, vì sao ?

5. Nếu một pháp mà có hợp được, thời tách lìa bạn ra cũng có thể hợp được; nếu khác pháp mà có hợp được, thời tách lìa bạn ra cũng có thể hợp được.

Nếu pháp nhiễm và người nhiễm là một, nhưng gượng gọi là hợp, thế thì có thể lìa ngoài các nhân duyên vẫn có pháp nhiễm và người nhiễm.

Lại nữa, nếu là một thể, thời không nên có hai tên gọi là nhiễm và người nhiễm. Nhiễm là pháp, người nhiễm là người. Nếu người và pháp là một, thời là đại loạn. Nếu pháp nhiễm và người nhiễm khác nhau mà nói là hợp, thời không cần các nhân duyên khác vẫn có hợp lại, và nếu khác nhau mà có hợp, thời dầu ở xa cũng có thể hợp, nước và lửa có thể hợp.

Hỏi: Một thể không thể hợp, điều đó có thể chấp nhận được, còn như mắt thấy sắc, đó là hai pháp khác nhau mà có hợp ?

Đáp:  

6. Nếu pháp khác nhau mà có hợp, như vậy pháp ô nhiễm và người ô nhiễm hợp lại thành ra việc gì. Vì hai tướng pháp và người ấy trước vốn đã khác nhau, sau gượng ép nói đó là tướng hợp vậy thôi.

Nếu nhiễm và người nhiễm trước đã quyết định có tướng khác nhau, mà sau hợp lại, thì cũng không hợp, vì sao ? Vì hai tướng ấy trước đã khác nhau rồi, sau chỉ gượng nói là hợp chứ thật sự không hợp.

Lại nữa,

7. Nếu pháp ô nhiễm và người ô nhiễm, trước đã thành mỗi tướng khác nhau, nó đã thành tướng khác nhau như thế, làm sao mà nói hợp.

Nếu nhiễm và người nhiễm, trước đã thành tướng riêng biệt, cớ gì nay ông gượng nói đó là tướng hợp.

Lại nữa,

8. Vì tướng khác nhau không thành, nên ông muốn nói hợp ; tướng hợp rốt ráo không thành, ông lại nói tướng khác nhau.

Ông nói tướng nhiễm và tướng người nhiễm khác nhau không được, nên ông lại nói tướng nó hợp. Nói tướng hợp có lỗi là không thành nhiễm và người nhiễm. Ông vì muốn thành lập tướng hợp nên lại nói là tướng khác. Ông tự cho là quyết định mà nói ra bất định, vì sao ?

9. Vì tướng khác nhau không thành, nên tướng hợp cũng không thành, vậy đối với tướng khác nhau nào mà ông nói là tướng hợp.

Trong đây nói tướng nhiễm và người nhiễm khác nhau không được, nên nói tướng hợp cũng không thành, ông đối với tướng khác nào mà muốn nói đó là tướng hợp.

Lại nữa,

10. Như vậy, pháp ô nhiễm và người ô nhiễm chẳng phải hợp thành, chẳng phải không hợp thành, các pháp khác cũng giống như vậy, chẳng phải hợp thành chẳng phải không hợp thành.

Giống như tham nhiễm, chẳng hợp chẳng không hợp thành, sân giận và ngu si cũng không thành như vậy. Và ba độc như vậy, nên biết hết phiền não và hết thảy pháp cũng như vậy, đều do nhân duyên tựu thành, chẳng phải trước chẳng phải sau, chẳng phải hợp chẳng phải tán.

Tóm tắt: Phẩm VI. Quán nhiễm, người nhiễm.

Kinh dạy: "Tham dục, sân nhuế, ngu si là cội gốc của thế gian" như vậy phiền não là pháp ô nhiễm là thật có, và thật có người ô nhiễm, đưa đến hậu quả ô nhiễm, là xứ, uẩn, giới. Tại sao ba phẩm trên kia xét về xứ, uẩn, giới cho là nó không có tự tính thật. Vì vậy nên có phẩm này xét về tính thật có của pháp ô nhiễm và người ô nhiễm. Để ý trong đây có các chỗ nói người, như đi và người đi, thấy và người thấy, làm và người làm, lãnh thọ và người lãnh thọ. Nên hiểu người đây là giả ngã do duyên khởi chứ không phải là thật có tự tính.

Phẩm này: 1. Xét về pháp ô nhiễm và người ô nhiễm có trước có sau không thành (kệ1,2). 2. Xét về pháp và người có mặt cùng lúc không thành (kệ 3). 3. Xét về pháp và người hòa hợp không thành (kệ 4,5). 4. Xét về pháp và người khác nhau hòa hợp không thành (kệ 6 đến kệ 9). 5. Xét về hết thảy pháp không thành (kệ 10).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Sáu 2014(Xem: 8858)
20 Tháng Ba 2014(Xem: 11920)
Phật Thừa Tôn Yếu luận là một trong nhiều tác phẩm của Đại sư Thái Hư, mang ý nghĩa bao quát nội dung giáo nghĩa Đại thừa Tiểu thừa. Đại sư lại có lối nhìn sâu rộng suốt thông về một hệ thống quan Phật giáo, bao gồm chủ quan khách quan, nhân sinh vũ trụ, tư tưởng, học thuật, triết lý, khoa học…
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 14236)
10 Tháng Mười 2010(Xem: 11392)