Tham Đắm Mùi Vị

22 Tháng Sáu 201419:26(Xem: 5962)
THAM ĐẮM MÙI VỊ
Quảng Tánh

blank

Từ xa xưa cho đến tận ngày nay, người tu tập vốn rất nhiều nhưng người thành tựu Thánh quả thì thật hiếm hoi. Điều này cũng dễ hiểu vì chúng sanh phước mỏng nghiệp dày mà phiền não thì vô lượng, nên dù đã phát tâm hướng thượng nhưng không phải người tu nào cũng đi hết lộ trình, có không ít người phải dừng lại hoặc chuyển hướng vì đường tu hành quá đỗi gian nan.

Ấy vậy mà trong pháp thoại dưới đây, Thế Tôn nói việc tu hành nghe sao khá dễ. Dễ đến mức là trong vô số phiền não, người tu chỉ cần diệt một pháp thôi thì sẽ đắc thần thông, thành A-la-hán. Pháp đó chính là diệt trừ sự tham đắm mùi vị. Bình tâm để lắng nghe Thế Tôn dạy về pháp tu đơn giản mà kết quả thật diệu kỳ:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy diệt một pháp, Ta sẽ chứng cho các thầy thành quả thần thông, các lậu được dứt. Thế nào là một pháp? Đó là tham đắm mùi vị. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy diệt sự tham vị này, Ta sẽ chứng cho các thầy thành quả thần thông, các lậu được dứt.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Chúng sanh đắm vị này/ Chết đọa trong đường ác/ Nay nên xả dục này/ Liền thành A-la-hán.

Thế nên, các Tỳ-kheo thường nên xả bỏ ý tưởng tham đắm vị này. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Lợi dưỡng,

VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.153)

Thì ra, tu tập không nhất thiết là ngồi thiền nhập định, cũng không cứ là niệm Phật nhất tâm… mà có thể tu ngay nơi cái mũi và cái lưỡi của mình. Pháp tu này còn gọi là tu căn, tức làm chủ các giác quan. Mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị mà tham đắm khởi lên thì sẽ hướng chúng sanh đi vào đường ác. Ngược lại mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị mà không tham đắm thì tự khắc được thảnh thơi, giải thoát.

Nói đến mùi vị thì đầu tiên chúng ta nghĩ ngay đến đồ ăn thức uống mà mình thọ dụng hàng ngày. Dĩ nhiên ăn món lạ và ngon thì ai cũng thích nhưng quá nuông chiều theo sở thích mùi vị đã khiến cho nhiều người phải khổ nhọc. Điều quan trọng là mùi thơm và vị ngon của một số món ăn đôi khi lại không liên quan gì đến dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta thật sự cần. Cho nên, người không có tiền để ăn rồi suy dinh dưỡng, bệnh tật thì đã đành nhưng người thừa tiền ăn uống thoải mái rồi sinh bệnh cũng không phải ít.

Muốn tu cái mũi và cái lưỡi thì hãy bắt đầu bằng tuệ giác về ẩm thực, nên ăn uống những gì cơ thể cần hơn là thọ dụng những gì mà chúng ta thích để tiết chế tâm tham đắm mùi vị. Người tu thường ăn ít (có người chỉ ăn một bữa trong ngày), chỉ vài món đạm bạc nhưng nhờ họ ăn chậm, nhai kỹ và chú tâm nên tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt.

Với người tu, cách ăn quan trọng hơn cả món ăn. Ẩm thực là lễ nghi, có cả một Nghi thức Quá đường đàng hoàng rất trang nghiêm và cẩn mật. Cách ăn này thật chậm rãi trong yên lặng hoàn toàn, ăn với chánh niệm cao độ, cảm nhận rõ ràng những hương vị thiên nhiên tinh khiết của thực phẩm đồng thời biết ơn sâu sắc những người đã dày công tạo ra thực phẩm cho mình. Người biết cách ăn uống có chánh niệm như vậy thì sự tham đắm mùi vị được loại trừ.

Mặt khác, mùi và vị không đơn giản chỉ hạn cuộc nơi đồ ăn thức uống mà còn nhiều thứ khác nữa. Nói chung những gì mà mũi và lưỡi cảm nhận và yêu thích đều gọi là hương trần và vị trần. Tùy theo nghiệp của mỗi người mà có sự tham đắm về mùi và vị khác nhau. Mùi thơm của thực phẩm, hoa trái cây cỏ, hương liệu; mùi của người nam (nữ); mùi hương của ký ức (tâm tưởng)… chính là hương dục. Vị cũng vậy, vị ngon ngọt, vị cay đắng, vị nồng nàn… tất cả hương và vị dục đều khiến cho con người tham đắm, không dứt ra được.

Thực ra thì hương và vị vốn không có lỗi. Lỗi ở chỗ tâm chúng ta tham đắm và dính mắc vào hương trần và vị trần. Nên phải duy trì chánh niệm thường trực để ngửi hương biết rõ mùi mà không say, nếm vị biết rõ vị mà không đắm. Nếu làm được vậy thì chúng ta “xả dục”, dù sống trong hồng trần mà chẳng vướng bụi trần. Căn thanh tịnh thì chắc chắn nghiệp thức sẽ thanh tịnh, đây là cơ sở của “thành quả thần thông, các lậu được dứt, thành A-la-hán”.



blankKINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
(PL.2549 - 2005 sửa chữa và bổ sung)

13. PHẨM LỢI DƯỠNG

http://dieungu.org/p13273a31620/3/mot-phap
Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nhận lợi dưỡng người thật là không dễ. Nó làm con người không đến được nơi vô vi. Vì sao vậy? Nếu [571b01] Tỳ-kheo Tu-la-đà[402] không tham lợi dưỡng, thì không bao giờ ở trong pháp của Ta mà bỏ ba pháp y làm người cư gia. Tỳ-kheo Tu-la-đà vốn tu hạnh a-lan-nhã, đến giờ thì khất thực,[403] tại một nơi ngồi một lần,[404] hoặc ăn đúng ngọ, ngồi dưới bóng cây, ngoài trời, thích nơi trống vắng, khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y, hoặc thích nơi gò mả, cần thân khổ hạnh, hành hạnh đầu đà này. Rồi khi ấy, Tỳ-kheo Tu-la-đà thường nhận sự cúng dường thức ăn trăm vị cung cấp hằng ngày của Quốc vương Bồ-hô[405].”

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nhiễm ý nơi thức ăn này, dần dần bỏ hạnh a-lan-nhã, như đến giờ thì khất thực, tại một nơi ngồi một lần, hoặc ăn đúng ngọ, ngồi dưới gốc cây, ngoài trời, thích nơi trống vắng, khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y, hoặc thích nơi gò mả, cần thân khổ hạnh. Đã bỏ hết hạnh này rồi, bỏ ba y, trở về làm bạch y, ông giết bò, sát sinh không thể kể hết; khi thân hoại mạng chung, sinh vào địa ngục.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, nhờ phương tiện này mà biết lợi dưỡng thật là nặng, làm cho con người không đến được đạo Vô thượng Chánh chơn. Nếu lợi dưỡng chưa sinh, hãy chế ngự chớ để nó sinh; đã sinh rồi tìm cách khiến diệt. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

blankĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thanh Từ - Hiệu đính: Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - PL 2541 - TL 1997

XIII. Phẩm Lợi dưỡng

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nhận lợi dưỡng của người thật chẳng dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi. Vì sao thế? Nếu Tỳ-kheo Tu-la-đà không tham lợi dưỡng thì đã không ở trong pháp mà xa ba pháp y để làm cư sĩ. Tỳ-kheo Ta-lu-đà vốn tu hạnh A-lan-nhã, đến giờ khất thực, ở một nơi, ngồi một chỗ, hoặc ăn chính ngọ, ở dưới gốc cây, ngồi ngoài trời, thích chỗ nhàn cư, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc thích ở gò mả, khắc khổ thân thể, hành hạnh đầu đà này. Lúc này, Tỳ-kheo Tu-la-đà thường nhận sự cúng dường của quốc vương Mãn Hô, hàng ngày cung cấp món ăn trăm vị.

Bấy giờ Tỳ-kheo kia ý nhiễm thức ăn này, dần dần bỏ hạnh A-lan-nhã, đến giờ khất thực, ở một nơi, ngồi một chỗ, ăn chính ngọ, ở dưới gốc cây, ngồi ngoài trời, ở chỗ nhàn cư, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc thích ở gò mả, khắc khổ thân thể. Bỏ hết những điều này, bỏ ba pháp y; vị ấy trở lại làm người bạch y, giết trâu sát sanh chẳng thể tính kể, khi thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục.

Các Tỳ-kheo, do phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất nặng, khiến người chẳng đắc đạo Vô thượng Chánh chân. Nếu chưa sanh lợi dưỡng, hãy chế ngự khiến cho chẳng sanh; đã sanh thì tìm phương tiện khiến tiêu diệt liền. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2015(Xem: 5295)
Chúng ta đều biết, đạo Phật có nhiều truyền thống cũng như vô lượng pháp môn tu. Nhưng dù tu theo bất cứ pháp môn nào, cách thức nào thì nội dung tu tập vẫn không ngoài Chỉ và Quán. Nhờ có Chỉ và Quán mà từng bước thành tựu Giới, Định, Tuệ; chứng đắc giải thoát, Niết-bàn.
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 5685)
Rõ ràng, trong thời hiện đại hiếm có người tu nào giữ được một, hai hay trọn hết các hạnh đầu-đà. Tuy vậy, công hạnh của bậc Thánh Đầu-đà đệ nhất nhắc nhở chúng ta về một đời sống giản dị, thanh bần, muốn ít và biết đủ. Làm sao để trong đời sống tu hành không bị vướng mắc nhiều quá vào ăn, mặc, ở hay ngũ dục, ngũ trần nói chung
06 Tháng Bảy 2015(Xem: 5078)
Nhân có sáu loại là năng tác nhân (kāraṇahetu), câu hữu nhân (sahabhūhetu), đồng loại nhân (sabhāgahetu), tương ưng nhân (saṃprayuktakahetu), biến hành nhân (sarvatragahetu), dị thục nhân (vipākahetu).
05 Tháng Bảy 2015(Xem: 5441)
Sẻ chia, cho đi một phần mình đang có, là hạnh tu phổ biến của hàng Phật tử. Nhờ cho đi, không cố nắm giữ mà thành tựu phước báo đủ đầy, an vui trong hiện tại và vị lai.
29 Tháng Sáu 2015(Xem: 6621)
Chúng ta sinh ra trong cõi Dục nên ái dục vốn sẵn trong thân tâm của mình. Ái dục nam nữ là nghiệp dĩ bình thường của chúng sanh. Trong đời sống thế tục, ái dục đem đến hạnh phúc khiến cho họ gắn kết không rời, có người không chỉ yêu thương nhau trong đời này mà còn nguyện ước gắn kết trong các đời sau.
22 Tháng Sáu 2015(Xem: 5826)
Lễ bái là một pháp tu phổ biến trong đạo Phật. Thường thì chúng ta lễ Phật, các vị Bồ-tát, chư vị Tổ sư để thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn, nguyện học tập theo công hạnh của các Ngài, nhất là để dẹp trừ bản ngã nhằm tiến tu đạo nghiệp.
15 Tháng Sáu 2015(Xem: 5152)
Hãy có tâm từ đối với đàn-việt; hằng lấy lòng từ hướng về đàn-việt; thân hành từ, miệng hành từ, ý hành từ, khiến cho vật bố thí của đàn-việt trọn không bị phí bỏ, được quả báo lớn, thành tựu phước đức lớn
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 6166)
Say đắm lợi danh, rõ ràng là đi ngược với đạo giải thoát. Người tu mà vướng vào lợi danh càng nhiều thì tâm trí bị che phủ và u ám càng nặng, vì như Thế Tôn đã dạy, “bốn kết che đậy tâm người không khai mở được”. Từ xa xưa, Thế Tôn đã từng tha thiết: “Này các Tỳ-kheo, hãy cầu phương tiện diệt bốn kết này”.
28 Tháng Năm 2015(Xem: 6193)
Trước khi xác định Phật Giáo như là một hệ thống tư tưởng triết học (Buddhism as a philosophy) hay như là một tôn giáo (Buddhism as a religion), chúng ta sẽ tìm hiểu triết học là gì ? và Phật giáo là gì ?
13 Tháng Năm 2015(Xem: 6021)
Ở đời có năm món hấp dẫn, khiến người ta đắm say, vui thích là tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ (ngũ dục). Cùng với ngũ dục là ngũ trần, năm khoái lạc của giác quan, mắt thích sắc đẹp, tai say tiếng hay, mũi mê hương thơm, lưỡi đắm vị ngon, thân ưa xúc chạm êm ái.