Thức Ăn Để Tồn Tại

27 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 44829)

THỨC ĂN ĐỂ TỒN TẠI
Thích Tuệ Sỹ

Vậy, những loại thực phẩm nào trưởng dưỡng, đưa đến trạng thái điều hòa giữa nội giới và ngoại giới, là điều kiện tất yếu cho sự phát triển của sinh vật trong nấc thang tiến hóa? Khế kinh nói có bốn loại thực phẩm:

1. Đoàn thực hay đoạn thực
2. Xúc thực
3. Ý tư thực
4. Thức thực

Tùy trình độ phát triển của từng bậc mà thực phẩm được chia thành bốn loại như vậy. Thức ăn nào cũng cần sự tiêu hóa, nghĩa là thực phẩm sau khi được dung nạp phải qua một quá trình chuyển hóa thì mới thành thức ăn thật sự.

Đối với các Thánh như A-la-hán thì các loại thức ăn này không cần thiết nữa. Tuy nhiên, các vị Phật, các vị Thánh giả khi chưa nhập Niết-bàn, còn tồn tại thân xác, vẫn cần đến bốn loại thức ăn này.

1- Đoàn thực hay Đoạn thực

Tiếng Phạn là kavaḍikārāhāra. Trong đó, từ kavaḍa, nghĩa là một miếng; và kavaḍi-kārā: làm thành một miếng. Trong chữ Hán, chữ đoàn có nghĩa là vo tròn lại. Gọi là đoàn thực vì ở Ấn Độ có cái tục ăn bốc, người Ấn Độ thường vo tròn thức ăn lại rồi bốc ăn, nên các vị ngày xưa mới dùng hình tượng ăn bốc để chỉ chung cho tất cả thức ăn vật chất. Ngay cả nước thường là uống bằng ly nhưng nước dưới sông cũng có thể vốc vào tay rồi uống; do vậy, nói thức ăn (thực phẩm) là bao gồm cả thức uống. Nhưng ý nghĩa này không phù hợp với phong tục, tập quán người Hán, nên ngài Huyền Trang dịch lại là đoạn thực, chỉ thức ăn bằng phiến đoạn, có thể chỉ cắt thành từng phần đoạn.

Nói chung, đoàn thực hay đoạn thực là loại thực phẩm vật chất được tác thành bằng bốn đại chủng; chúng hợp thành ba loại đối tượng của giác quan: hương, vị và xúc. Xúc được dung nạp qua xúc giác, hương được dung nạp qua khứu giác, và vị được dung nạp qua vị giác. Cả ba yếu tố này, sau khi được dung nạp phải trải qua quá trình chuyển hóa mới trở thành dưỡng chất để làm năng lượng duy trì và tiến hóa của sự sống. Cơ bản, tất cả chúng sinh đều cần đến loại thức ăn là thức mà ta có thể gọi là bản năng sinh tồn, nhưng trong quá trình tiến hóa của sinh vật, có loài chỉ có đoạn thực là thức ăn duy nhất được biết đến. Chẳng hạn, loại chúng sinh chỉ có một căn, tức mạng căn là quan năng duy trì sinh mạng tồn tại, vì thức thực thuộc về bản năng tự nhiên của sinh vật nên không được xét đến. Loại chúng sinh này vì không có các quan năng khác nên không có xúc thực; chúng cũng không có ý thức nên không có ý tư thực.

Tất cả chúng sanh trong Dục giới, kể cả chư Thiên cho đến một phần chúng sinh trong địa ngục đều cần có đoạn thực.

Đoàn thực có hai loại: thô và tế. Thô là thức ăn, thức uống. Tế là sự tắm rửa, áo quần che chắn… Nhưng thô tế còn tùy theo loại, vì đối với loại này là thô nhưng lại là tế đối với loại kia. Đối với chúng ta, cơm, gạo là thô; nước và những cái khác là tế; đó là tính cách tương đối của thô, tế. Ở đây, chúng ta không bàn luận về tính chất thô tế của thực phẩm mà chỉ chú trọng bản chất của nó thôi.

Vậy, bản chất này là gì? Theo định nghĩa kinh điển, cái gì làm trưởng dưỡng và tăng ích các căn, thì cái đó mới được gọi là thực phẩm (dưỡng chất).

Trong ba yếu tố tạo thành đoạn thực, xúc là cái được nạp thọ bởi thân. Đói và khát là 2 trong 11 loại xúc. Đói là muốn ăn, khát là muốn uống (định nghĩa của Câu-xá). Yếu tố thứ hai là hương, tức mùi hương. Hương có tác dụng tăng ích nếu đó là mùi thơm. Mùi thối thường gây tổn hại nên không được kể là thực phẩm. Thứ nữa là vị; thực phẩm có 6 vị: mặn, nhạt, chua, cay, đắng, ngọt. Những thứ chúng ta ăn vào như ngũ cốc, rau trái các thứ, chưa được kể là thực phẩm, mà các yếu tố hương, vị, xúc hàm chứa trong đó mới đáng nói đến.

Thật ra cả ba yếu tố xúc, hương và vị cùng được nạp thọ một lần như là một tổ hợp, nhưng để cho dễ hiểu nên chúng ta phân tích thành xúc riêng, hương riêng và vị riêng. Cụ thể, khi chúng ta đưa thực phẩm vào miệng (thân căn), thì lưỡi là phần thứ nhất của thân căn xúc chạm thức ăn, với cảm xúc là cứng hay mềm, nóng hay lạnh; thứ đến ta có cảm giác mặn, lạt, chua, cay, ngọt, đắng... đó là vị; đồng thời cũng cảm nhận được mùi của nó là thơm hay thối, khó ngửi hay dễ chịu, đó là hương.

Xúc, hương và vị sau khi được dung nạp phải biến hoại thì khi đó mới trở thành dưỡng chất. Biến hoại ở đây không phải là tiêu hoại theo nghĩa vô thường mà là tiêu hóa metabolism). Nếu không tiêu hóa được, thì cái được ăn vào không những không trưởng dưỡng và tăng ích các căn mà có khi còn gây tác hại. Do vậy, chúng ta sau khi ăn tuy cảm thấy hết đói, nhưng thực phẩm đó cũng chưa chắc trở thành dưỡng chất, nếu nó không được tiêu biến.

Cần lưu ý, xúc của đoạn thực chỉ là xúc của thân căn thôi. Do vậy, sắc xứ không phải là đoạn thực.

Sắc xứ là gì? Nói riêng biệt, sắc xứ chỉ cho những gì là đối tượng của mắt nhìn. Duyên mắt (căn) và sắc (cảnh) mà thức con mắt phát sinh. Tai và tiếng, cho đến thân và cái được xúc chạm cũng vậy. Tổ hợp ba gồm căn, cảnh và thức là xúc. Xúc này không phải là yếu tố trong đoạn thực. Chính nó là xúc thực. Con mắt cần xúc thực để tồn tại và tăng trưởng; vì nó cần phải nhìn những gì thích hợp mà không bị tổn hại, như đối tượng không sáng quá hoặc tối quá. Các cõi từ Sơ thiền trở lên có xúc nhưng không có hương và vị, tức là không có khứu giác và vị giác, do đó không có đoạn thực. Mặc dù chúng sanh ở đó được nói là vẫn có mũi và lưỡi nhưng chỉ là hình thức để trang trí cho đẹp chứ không có tác dụng gì cả. Điều này có nghĩa là đoạn thực chỉ có trong Dục giới mà thôi, còn từ Sắc giới trở lên không còn cần đến nó nữa.

2- Xúc thực

Thức ăn do tiếp xúc, do xúc chạm. Hình thái của xúc là tiếp xúc ngoại cảnh, tức căn và cảnh tiếp xúc nhau ngay khi đó nhận thức khởi lên. Căn, cảnh, thức, ba thứ này hòa hiệp thành tổ hợp xúc.

Căn-cảnh-thức hoạt động theo hướng tích lũy. Nói chung, tất cả các loại thực đều do tích lũy mà có tác dụng tăng ích – bản chất sự vật là như vậy. Nhưng sự tích lũy cũng có giới hạn của nó; hơn nữa vật chất có sanh diệt, chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi hủy. Cái này diệt là điều kiện (duyên) cho cái khác sinh. Hiện tượng áp suất là một minh họa cụ thể. Xúc thực cũng vậy, vì bản chất của nó là vật chất.

Xúc có hai loại: xúc hữu lậu và xúc vô lậu. Tất cả chúng sanh từ Dục giới cho đến Vô sắc giới đều tồn tại bằng xúc thực. Với hạng phàm phu, khi con mắt nhìn cảnh thì nhãn thức khởi lên, và tạo thành tổ hợp xúc hữu lậu, nhưng với một vị A-la-hán thì tổ hợp này là xúc vô lậu.

Thai nhi chỉ có thân xúc và ý xúc, còn các xúc kia chưa có vì các căn chưa phát triển đầy đủ. Thân xúc của thai nhi là những điều kiện bảo vệ của người mẹ như nhiệt độ nóng, lạnh điều hòa, ăn uống những chất bổ dưỡng; đây là xúc thuận ích. Nếu điều kiện bảo vệ (thân xúc) này thiếu hay không điều hòa hoặc người mẹ bị va chạm mạnh thì thai nhi sẽ không trưởng thành hoặc sẽ bị hủy; đây là xúc tổn hại.

Tuy các căn chưa phát triển đầy đủ nhưng thai nhi cũng có ý xúc, vì ý lúc này chính là ý tiềm tàng từ trong chủng tử phát khởi, nó gồm có hai phần: thức mạt-na và thức thứ sáu. Thức thứ sáu dựa trên thân thức. Như vậy, khối vật chất danh sắc tồn tại tối thiểu bốn thức: Thức A-lại-da (thức thứ tám), thức mạt-na (thức thứ bảy), thức thứ sáu (ý thức) và thân thức (năm thức trước). Nói chung, khối vật chất danh sắc chứa đựng ba tầng hoạt động của thức. Tầng sâu nhất là thức thứ tám, tầng trung gian là thức thứ bảy, tầng ngoài cùng là thức thứ sáu và năm thức trước. Chính xúc thực đã làm cho các tầng thức này phát triển. Sự phát triển này chung cho tất cả chúng sanh từ Dục giới cho tới Vô sắc giới. Đối với thai nhi chỉ có sự xúc chạm là những điều kiện bảo vệ, cho đến khi phát triển đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi. Thai nhi sau khi được sinh ra, các căn đều cần có xúc, bấy giờ tự nó xúc (xúc chạm) lấy để phát triển.

Giai đoạn phát triển của khối vật chất chỉ có sáu xúc vì sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý phải luôn luôn có xúc mới tồn tại và phát triển. Nếu tính cả chu kỳ phát triển của sự sống thì phải đủ cả tám xúc.

Nói rộng, bất cứ cái gì cũng cần có xúc để phát triển, như cây cối cũng cần sự xúc chạm của nhiệt độ ấm, nóng hay thậm chí cả âm nhạc để phát triển, nhưng sự phát triển này không thuộc loại chấp thọ đại chủng, mà xúc ở đây là sự tích lũy trong trạng thái quan hệ hòa hiệp của các pháp. Các pháp hòa hiệp nhau thì phát triển tồn tại, nếu nghịch nhau thì nó rã ra. Tụ và tán, đó là của quy luật tồn tại, chứ không phải là xúc thực. Xúc trong căn, cảnh, thức mới là xúc thực.

Trong bốn loại thực phẩm, thức ăn của con mắt thuộc loại xúc thực chứ không phải đoạn thực. Khi con mắt nhìn sắc, sắc này đương nhiên cũng biến hoại vì bản chất của nó là như vậy. Nhưng nó không biến hoàn toàn như vật thực được tiêu hóa trong dạ dày. Cho nên, sắc xứ như xanh, vàng, đỏ, trắng các thứ không thể thành thực phẩm như dạng vật thực, mà thành thực phẩm theo dạng xúc. Đây là chỗ cần phân biệt giữa đoạn thực và xúc thực.

Căn-cảnh-thức hiệp lại tạo thành xúc. Xúc đưa tới thọ. Thọ là cảm giác, trong thọ có khổ thọ, lạc thọ và xả thọ (phi khổ phi lạc thọ).

Lạc thọ là cảm giác thoải mái, đưa tới sự phát triển, gọi là tăng ích thọ và xúc đưa tới sự phát triển là thuận ích xúc, tức là xúc làm cho vật chất hài hòa. Khổ thọ là trạng thái khó chịu, luôn gây tổn hại, làm cho các căn va chạm nhau rồi dẫn đến tan rã. Khổ thọ thật ra là trạng thái không điều hòa giữa vật chất và tinh thần, tức trạng thái mất quân bình, không cân bằng giữa căn, cảnh khi tiếp xúc với nhau. Trạng thái không cân bằng này tạo ra sự thoái hóa, ban đầu các căn (phần vật chất) bị hỏng nhiều hay ít. Như khi chúng ta ăn phải chất độc (đoạn thực), cơ thể sẽ phản ứng làm chúng ta buồn nôn khó chịu hay bị ngộ độc; đây gọi là ngộ độc thức ăn. Con mắt cũng có sự ngộ độc bởi xúc, nhưng vì nó chịu ảnh hưởng tác hại bên trong, không thể nhìn thấy. Xả thọ cũng gồm hai phần: xả thuận ích (xả bình thường) và xả tổn hại (không khổ không lạc).

Cảm thọ lạc đưa đến sự tiến hóa. Như người thiền định, thì cảm thọ lạc trong thiền định càng ngày càng tăng. Lạc thọ của thiền định là một loại thức ăn nuôi dưỡng cơ thể. Nhưng, vật chất có giới hạn, nên cơ thể con người phát triển cao và nặng tới mức nào đó thôi, nếu như phát triển quá mức thì sẽ trở thành bệnh, như bệnh béo phì. Trái lại, khi cảm thọ trong thiền định tăng lên sẽ phát triển khả năng duy trì thân thể đó nên không cần ăn mà vẫn tồn tại, đồng thời cảm thọ còn phát sinh thêm một loại khác nữa mà chúng ta không thấy, đó là quan năng của giác quan phát triển đến mức mắt có thể nhìn thấy những vật rất tinh vi mà không cần kính hiển vi; đây là sự khuếch trương căn mà chúng ta gọi là thiên nhãn. Điều này nghe có vẻ thần bí nhưng trong lý luận chúng ta thấy thích hợp với sự phát triển tự nhiên của quy luật tiến hóa, giống như con vật bốn chân có thể đứng được trên hai chân, để rồi chạy nhảy và dần dần tiến hóa lên có thể bay được.

Như đã giải thích, thức nào khởi lên cũng đều có xúc cả, A-lại-da thức cũng có xúc. Do vậy, có tất cả tám xúc, nhưng ý nghĩa thực phẩm (xúc thực) của ý thức là nổi bật hơn hết. Năm thức trước hoạt động có giới hạn. Trong quá trình tiến hóa, từ sơ thiền trở lên năm thức trước bị mất dần, còn thức thứ sáu thì tồn tại trong cả ba cõi. Lại nữa, khi tiếp xúc với cảnh thô hiển bên ngoài, ý thức thu nhận cảm thọ hỷ, lạc và xả thuận ích, mà cả ba loại cảm thọ này đều có khả năng duy trì và phát triển, trong khi thức thứ bảy lấy đối tượng là thức thứ tám quá vi tế và thức thứ tám chỉ tương ưng với xả thọ.

Do tính chất phổ biến trong ba cõi và ý nghĩa dinh dưỡng của thức thứ sáu nổi bật hơn các thức khác nên ý nghĩa thực phẩm (xúc thực) của nó cũng nổi bật hơn cả. Ở đây chỉ nói đến sáu xúc vì chỉ giới hạn trong ba cõi. Xúc thực lên cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Vô sắc giới, lên một bậc nữa là Diệt tận định, xúc này không còn. Vô sắc giới tuy không có con mắt nhưng vẫn còn ý phân biệt, tức là trong cảm thọ của tầng thiền định cao nhất vẫn còn xả thọ, song xả thọ này là thuận ích, tức cảm thọ đưa đến sự điều hòa để duy trì tồn tại. Vô sắc giới không có sắc nên đây là tồn tại với ý thức và căn của ý thức.

Hiện tại, chúng ta được nuôi dưỡng bằng thực phẩm cơ bản là đoạn thực và có thể có đủ khôn ngoan để lựa chọn loại đoạn thực thích hợp, vừa ngon vừa bổ dưỡng, nhưng với xúc thực thì chúng ta chỉ như trẻ nít cho gì ăn nấy, không phân biệt tốt xấu. Cho nên kinh sách Hán nói: “Nhãn bị sắc khiển quy ngạ quỹ; nhĩ tùy thanh khứ nhập A-tỳ” (Mắt bị sắc lôi vào đường ngạ quỷ; tai bị tiếng dẫn xuống địa ngục A-tỳ). Những ai đã từng có kinh nghiệm lạc thọ của thiền định đều có thể biết rõ ý nghĩa tăng ích và tổn hại của loại xúc thực này.


3- Ý TƯ THỰC


Thức ăn bằng ý tư, bằng tư tưởng, ý chí; nói chung, nó là hy vọng tương lai. Người ta thường nói: sống là hy vọng. Nhưng chính xác hơn nên nói: sự sống được duy trì bằng hy vọng và ý chí.

Tư là tư duy, tư tưởng. Ý là ý chí. Hoạt động của ý thức có hai phần, tư duy và có ý chí. Bằng tư duy, ý thức duyên đến những cái trừu tượng liên hệ đến sự vật hay sự việc trong ba đời. Còn ý chí thì luôn luôn hướng đến tương lai và quyết định nên làm gì để tồn tại.

Cơ bản hình thái của tư là hy vọng và quyết định, là thức hữu lậu cùng hoạt động song hành với dục, nghĩa là tư khởi lên thì dục cũng khởi lên theo.

Cần lưu ý, có 2 từ Sanskrit là chanda và kāma mà Hán dịch chỉ một từ là dục. Dục được nói ở đây, tiếng Phạn là chanda, chỉ hy vọng, ước muốn; chứ không phải kāma: dục vọng, ham muốn vật chất, tham muốn dục lạc. Có năm yếu tố tạo thành kāma: sắc (sắc đẹp), thanh (tiếng hay), hương, vị, xúc. Những cái hưởng thụ dục lạc này mang tính hiện tại, vì sắc, thanh, hương, vị, xúc chỉ có tác dụng trong hiện tại. Còn dục chanda là hy vọng, ước muốn, mong muốn một sự kiện gì đó xảy ra; thành ra đối tượng của cái dục này là tương lai. Ý tư là ý chí sinh tồn, là nguồn hy vọng duy trì sự sống, mất hy vọng thì mất năng lực duy trì. Do vậy, ý tư là một loại thức ăn.

Tư khởi lên cùng với ý thức để mong cầu cái gì đó ở tương lai. Khi chúng ta muốn làm việc gì đó, như ăn cắp, ăn trộm hay bố thí, phóng sanh, thì ý chí, động lực của ý muốn sẽ thúc đẩy hành động khởi lên, lúc đó tư trở thành thực phẩm. Còn tư theo ý nghĩa nhớ lại quá khứ, nó là tư niệm. Niệm hoạt động với tư, niệm tư này không thể trở thành thực phẩm.

Cùng tương ưng sáu thức, có sáu nhóm tư (lục tư thân), và đều có thể làm thức ăn, nhưng nổi bật nhất là tư của thức thứ sáu (ý tư). Vì đặc sắc của ý thức là hy vọng, trước một cảnh vật, một đối tượng, mong cầu một đối tượng sẽ đến trong tương lai. Năm thức trước chỉ hoạt động trong hiện tại, không có hy vọng. Ý thức là hoạt động cả ba thời, cho nên sự mong cầu với đối tượng tương lai là ở thức thứ sáu.

Trong kinh có dẫn một câu chuyện về ý tư thực như sau:

Trong quá khứ trước thời đức Phật, một gia đình nọ có ba bố con, gặp lúc trời hạn mất mùa đói kém, người bố lại thất nghiệp không kiếm được việc làm, nhà đã mấy ngày hết gạo, ba bố con không có gì ăn uống cả. Bấy giờ, người bố lấy một cái bao đựng toàn cát treo lên trần nhà và nói với hai đứa nhỏ rằng, “Gạo bố để dành đây. Hai con hãy ngồi đợi bố ra ngoài tìm thức ăn, khi về bố sẽ nấu cơm cho các con ăn”. Thật ra người bố đi tìm gạo. Hai đứa nhỏ ở nhà cứ nhìn lên bao cát và nghĩ rằng có gạo ở trong đó và chờ bố về lấy xuống nấu cơm, nên chúng cứ hy vọng là sẽ có cơm ăn. Do hy vọng đó mà hai đứa trẻ đã có thể sống được trong khi người bố đi tìm gạo không được và cứ đi mãi. Thời gian sau, không rõ là bao lâu, có người hàng xóm tới (chắc cũng đi tìm thức ăn), hỏi hai đứa nhỏ: “Bố các con đi đâu rồi, có gì ăn không?” Đứa trẻ trả lời: “Thưa, có gạo. Nhưng bố con treo cao quá nên không lấy xuống được”. Người hàng xóm nghe vậy cũng mừng và nghĩ là gạo thật nên vội vàng lấy xuống. Không ngờ mở bao ra chỉ toàn là cát. Hai đứa trẻ bấy giờ nhìn thấy toàn cát, mất hết hy vọng được ăn, liền ngã lăn ra chết.

Qua câu chuyện trên đây, chúng ta có thể suy luận và nhận thấy rằng, ý muốn, hy vọng tuy không trưởng dưỡng, không nuôi lớn sự sống, nhưng cũng duy trì được sinh mạng trong một thời gian nào đó, cho nên hy vọng cũng là thức ăn. Hy vọng này không phải là khát ái, mà là một loại tin tưởng, là niềm tin và rất cần thiết cho sự sống.

4- THỨC THỰC

Thức ăn là thức hay là thức ăn bởi thức, và hình thái hoạt động của nó là chấp trì.
Chấp trì thế nào? Cơ thể sau khi dung nạp đoạn thực vào, thể lực được tăng trưởng làm cho thức (hữu lậu) cũng tăng. Xúc thực, ý tư thực cũng vậy, đều nuôi dưỡng các căn và làm cho thức tăng trưởng. Đoạn thực, xúc thực và ý tư thực duy trì hiện tượng tồn tại và sự tồn tại này luôn luôn hướng đến tương lai. Xúc thực vừa duy trì hiện tượng tồn tại và phóng tới tương lai; nó làm tăng trưởng thức. Mà hoạt động cơ bản của thức là duy trì, chấp trì cái hiện tại, nên nói thức thực có khả năng chấp trì. Khi thức tăng trưởng, nó trở lại nuôi dưỡng, duy trì năm căn và duy trì cả ý căn.

Ngoài ra, Kinh nói: Thức thực là phiền não. Dòng liên tục của thức là tự ngã. Có tồn tại ý niệm về tự ngã thì mới có khả năng duy trì sự sống, nên thức ăn của thức chính là phiền não, bởi nó nuôi dưỡng và làm tăng trưởng chấp thọ, hướng đến tương lai và tác thành một đời sống tương lai. Như vậy, thức thực duy trì ái, và tất cả các thứ khác. Nó duy trì tồn tại hiện tại và phát triển các thủ (uẩn) trong tương lai; do đó nói thức thực chính là phiền não.

Sự sống được nói ở đây là sự sống của hữu tình chứ không phải là của cây cỏ; tuy nhiên trong thế giới này, các loại hữu tình hay vô tình đều có cấu trúc sự sống cơ bản tương đồng là vật chất hay sắc pháp được tạo thành bởi các đại chủng. Nơi loài vô tình, các đại chủng này thuộc loại phi chấp thọ; trong khi nơi các loài hữu tình, chúng là đại chủng có chấp thọ, tức có khả năng tiếp nhận kích thích dẫn đến cảm thọ khổ hay lạc. Từ thọ khởi lên tham ái trong quá trình duyên khởi xúc, thọ, ái, thủ, hữu; quá trình tác thành sự sống có ý thức, diễn tiến trật tự theo quy luật tự nhiên, gọi là duyên khởi.

Yếu tố tạo nên sự sống là công năng, tức chủng tử hay gọi là tập khí. Tập khí có ba nhóm: danh ngôn tập khí, ngã chấp tập khí và hữu chi tập khí.

Trong quá trình nhận thức, khi căn, cảnh, thức hòa hiệp thì sinh ra xúc, tùy xúc mà có thọ; tùy theo thọ mà tưởng khởi lên với sự can thiệp của ý thức. Nó cấu trúc và phân loại các đặc điểm được ghi nhận từ đối tượng thành các ấn tượng cá biệt, và mỗi ấn tượng được lưu trữ bằng một tên gọi. Sau đó, chỉ gợi lên tên gọi, kéo theo nó là toàn thể ảnh tượng của đối tương bao gồm toàn bộ hình thái được nhận thức trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là danh ngôn tập khí, cơ sở để ký ức được tích lũy. Ký ức được tích lũy tác thành ý niệm phân biệt sự tồn tại của tự ngã, một tự thể tồn tại liên tục từ trước đến hiện tại và có thể lưu tồn trong suốt tương lai; đó gọi là ngã chấp tập khí. Nhưng thật ra không có một tự ngã liên tục thường hằng, mà chỉ là dòng sinh diệt liên tục không gián đoạn của năng lực chủng tử, được ý thức cấu trúc phân biệt thành hình ảnh một tự ngã thường hằng. Công năng chủng tử được cấu trúc phân biệt như vậy tạo thành động lực tái sinh; gọi đó là hữu chi tập khí.

Trong ba loại tập khí này, nguồn gốc tạo nên sự sống là nhận thức và hành động. Nhận thức chính là phân biệt tập khí. Hằng ngày, chúng ta nhận thức các đối tượng qua các giác quan, rồi ý thức cấu trúc chúng lại thành các hợp thể, sau đó lưu vào bộ nhớ và trở thành tập khí tồn tại dưới dạng công năng được gọi là chủng tử. Bộ nhớ này chính là thức thứ tám. Còn hành động tức là nghiệp cảm. Nghiệp là hành động do tham-sân-si, hay đối nghịch lại là vô tham - vô sân - vô si, ý muốn thiện hay bất thiện khởi lên thúc đẩy. Tất cả những hành động như vậy lưu lại thành tập khí. Rồi những tập khí này tạo thành dòng sống tiếp nối liên tục từ đời này sang đời khác do được chấp trì bởi thức thứ tám. Như vậy, ngoài sáu thức, tồn tại một bản chất tạo thành sự sống. Bản chất này là do chúng ta tạo ra chứ không phải ai ban cho. Bản chất này ô nhiễm hay thanh tịnh là tùy theo chúng ta tạo ra những tập khí tốt hay xấu; do vậy, đời sống khổ đau hay hạnh phúc là tùy thuộc vào chủng tử mà chúng ta tạo ra, chứ không có một thứ quyền năng hay Thượng đế nào có thể can thiệp được.

Quay trở lại danh sắc, bốn thức ăn này làm cho danh sắc phát triển tức là trong danh sắc đã có thức rồi nhưng thức phát triển chưa đầy đủ vì căn phát triển chưa đầy đủ. Căn càng ngày càng phát triển thì thức ăn cũng ngày càng phát triển. Từ danh sắc phát triển dần cho đến khi thành hình đầy đủ một hữu tình thì bốn loại thức ăn cũng theo đó và tùy theo cấp bực mà phát triển.

Đoạn thực chỉ hữu dụng ở Dục giới. Trong Sắc giới chỉ tồn tại xúc thực. Xúc và ý tư thực tuy phổ biến cả ba giới nhưng do y trên thức mà hoạt động nên tùy theo thức mà có mặt hay không. Nói chung, cả ba cõi đều có xúc thực, nhưng ở Sắc giới xúc thực nổi bật nhất, vì trong Sắc giới có Tứ thiền và xúc trong Tứ thiền có hỷ, lạc và xả. Khi lên Vô sắc giới, xúc ở đây rất vi tế, chỉ có xả (xả thọ) và thức mà thôi, trong đó cũng có ý tư thực. Ba loại thức ăn trước, từ đoạn thực, xúc thực cho đến ý tư thực, đều có tác dụng phát triển các căn và đồng thời làm tăng trưởng thức. Khi thức phát triển thì tham ái phát triển. Rồi đến lượt chính tham ái khởi ý muốn đi tìm thức ăn để duy trì sự sống, duy trì sự tồn tại của các căn. Đây là mối quan hệ hỗ tương giữa bốn loại thức ăn.
Chúng sanh cần thức ăn cũng giống như xe cần năng lượng chất đốt. Thức ăn là nguyên nhân tạo thành ba cõi và dẫn chúng sanh đi lòng vòng trong sanh tử. Chỉ khi nào năng lượng chất đốt không còn thì xe mới ngừng chạy. Nói cách khác là trong thế giới vật chất, chúng ta bị khống chế bởi thân thể vật lý, nên đi đứng nằm ngồi đều bị chướng ngại bởi mưa gió, nhiệt độ nóng lạnh, lúc thì cảm thấy khỏe, lúc thì cảm thấy mệt mỏi; đây là những chi phối căn bản không ai thoát được, ngay cả bậc Thánh nếu còn thân thể thì cũng còn bị chi phối bởi thân xác đó. Càng lên cao thì thân thể không còn tác dụng gì đối với tâm lý, như người nhập tầng định cao thì dù uống phải chất kịch độc vẫn tỉnh táo bình thường không hề thấy đau đớn, vì đã dùng sức thiền định trấn áp; đây gọi là công phu hàm dưỡng. Công phu hàm dưỡng càng cao thì sức khống chế vật chất càng cao nên có thể vượt qua mọi trở ngại vật lý như đói khát, mưa gió, đau bệnh, nhưng khi ra khỏi thiền định, trở lại thân thể bình thường thì vẫn phải chịu tác động của quy luật vật lý như thường. Song, vì là pháp hữu vi, yếu tố tâm vẫn chịu quy luật của pháp hữu vi; đó là quy luật sanh diệt.

Sự hình thành ba cõi dựa trên nhiều yếu tố, một trong những yếu tố không thể thiếu được là thức ăn. Thức ăn vật chất tạo thành Dục giới. Thế giới vật chất gồm năm thứ gọi là năm tố chất dục vọng. Năm yếu tố này tạo ra năm sợi dây ràng buộc thế giới vật chất. Cao hơn một bậc là loại thức ăn hỷ lạc của thiền định. Thức ăn bằng cảm thọ (hỷ lạc) này càng lúc càng tinh vi cho đến cao nhất chỉ còn lại hai yếu tố tưởng và thọ. Nói chung khi lên cao cảm thọ tinh vi, tế nhị và kéo dài hơn. Cuối cùng chỉ còn lại thức là tầng Diệt tận định. Sau rốt, loại thức ăn thức nào cũng không còn nữa và nhập Niết-bàn; đó là cấp bậc của các vị A-la-hán.

Thức ăn nào cũng có biên độ và giới hạn của nó, vượt qua biên độ này nó không còn tác dụng, nên người nhập thiền ăn bằng cảm thọ hỷ lạc chỉ đến mức nào đó thì chìm xuống. Vượt qua mức đó, trở lại sắc thân bình thường cũng cần ăn, cần thở, tức là từ trạng thái cao nhất của cõi cao nhất rồi chìm xuống các cõi thấp, trở lại Dục giới. Từ đó tạo thành khái niệm luân hồi.

Liên quan đến vấn đề thức ăn, trong Kinh có một câu chuyện như sau: Một gia đình nọ có hai bố mẹ và một cậu quý tử. Hai vợ chồng này mang đứa con trai duy nhất đi qua sa mạc. Họ nghĩ rằng số lương thực đem theo là đủ dùng cho chuyến đi. Nhưng chưa ra khỏi sa mạc họ đã hết thực phẩm. Hai vợ chồng biết rằng tất cả ba người sẽ cùng chết nếu không tìm ra cái gì để ăn. Bấy giờ, hai người cùng bàn với nhau rằng, thay vì cả ba cùng chết thì chi bằng nên ăn thịt đứa con để giữ được mạng sống, sau này rời khỏi sa mạc sẽ lại sanh đứa khác. Và thế là họ phải đành tâm ăn thịt đứa con để sống mà ra khỏi sa mạc. Họ vừa ăn thịt con, vừa đi, vừa kêu khóc: “Con tôi đâu?”

Đây là bi kịch của cuộc sống chúng sanh. Ăn để sống; sống để hưởng thụ. Vì thiếu trí tuệ nên không nhận thức được thứ gì tăng ích hay tổn tại. Và cũng vì bị bức bách bởi khát ái nên ăn bất cứ thứ gì vớ được mà không có khả năng lựa chọn. Thế gian đau đớn vì ngộ độc thức ăn; chúng sinh đau khổ vì ngộ độc phiền não. Để có được một đời sống an lạc thật sự, chúng ta cần phải tu tập để phát triển khả năng tâm linh của mình, phát triển trí tuệ để có khả năng lựa chọn. Trạch pháp hay khả năng lựa chọn đúng sự thật là một trong 7 thành tố của trí giác, tức khả năng biết rõ pháp gì thiện, pháp gì bất thiện.

Đức Phật dạy: “Trong đời sống hằng ngày, trong khi tiêu thụ, chúng ta cũng phải biết thức ăn của mình được tạo ra bằng sự đau khổ của kẻ khác, của những loài sinh vật khác”. Và do vậy, chúng ta cần phải tu tập để giải thoát khỏi bốn loại thức ăn này, như lời đức Phật dạy: “Bốn loại thức ăn là cái đáng nhàm tởm; các ngươi cần phải nhàm chán thức ăn”.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn