Duyên Sanh Và Từ Bi

20 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 58440)

DUYÊN SANH VÀ TỪ BI
Nguyễn Thế Đăng

1. Từ duyên sanh đến từ bi và ngược lại.

Sự hiện hữu của mỗi chúng ta hiện giờ và ở đây là do, từ, bởi, nhiều nguyên nhân và điều kiện. Tôi có mặt ở đây là nhờ cha mẹ tôi đã lấy nhau, nhờ gia đình nuôi dưỡng, nhờ xã hội dạy dỗ, ngôn ngữ tiếng nói nhờ vào dân tộc này. Tôi hiện hữu bây giờ cũng là nhờ đang có không khí, đang có mặt trời, đang có đất để đi đứng, đang có nước để uống và tắm rửa. Sự có mặt của tôi là do được cho. Cha mẹ tôi cho tôi sự sống, đặt cho tôi một cái tên, cho tôi sự khổ nhọc nuôi dưỡng, xã hội cho tôi sự giáo dục, cơm gạo, cho tôi đủ sống và yên bình.

Khi nhìn ra tất cả hiện hữu của mình là do rất nhiều cái khác cho mình, tự nhiên chúng ta có lòng từ bi. Cái nhìn duyên sanh- tôi sống là nương dựa vào, tùy thuộc vào mọi cái khác- đưa chúng ta đến lòng từ bi.

Chúng ta ít khi thấy được sự rộng lớn, sự nương dựa lẫn nhau, sự kết nối lẫn nhau của đời sống. Chúng ta sống trong chủ nghĩa quy giản (reductionism). Chính vì sự quy giản này, chúng ta dễ dàng sống bằng thương ghét, lấy bỏ, đào sâu thêm hố cách biệt giữa “ta” và “cái chẳng phải ta”… Dần dần xa cách đời sống đích thực, đó là sự bất hạnh của chúng ta.

Không có cái nhìn duyên sanh, chúng ta dễ dàng gán tên, gán nhãn hiệu, vội vàng phê phán, kết án. Thậm chí một điều xấu của một người nào, đâu phải hoàn toàn do người ấy, mà còn do gia đình, do xã hội, do hoàn cảnh. Nhìn rộng ra theo duyên sanh, chúng ta dễ thông cảm, khoan dung, tha thứ. Chính trên tấm lòng rộng mở này chúng ta mới có cơ hội làm người ấy chuyển hóa.

Duyên sanh hay nhân duyên sanh cho ta cái nhìn rộng mở hơn, không cố chấp, về đời sống để thấy rằng đời sống là vô vàn tương quan, vô vàn liên hệ, vô vàn kết nối lẫn nhau. Duyên sanh cho chúng ta thấy đời sống là một toàn thể được cấu thành bằng sự có mặt của tất cả. Cái đời sống toàn thể ấy nương dựa vào, liên hệ với những phần tử của nó và một phần tử liên hệ với tất cả những phần tử khác. Chính từ cái nhìn mọi sự đều liên hệ với nhau, kết nối với nhau, chúng ta có từ bi.

Công việc kết nối, hài hòa tất cả những hiện hữu của đời sống là lòng từ bi. Bỏ đi những cái phá hoại mối liên hệ tương quan của đời sống như tức giận, tham lam giành giựt, mê mờ cho rằng đời này chỉ có ta và bồi dưỡng sự thân thiện, thiện cảm, thiện ý trong những mối liên hệ ấy là lòng từ bi. Như thế một người từ bi sống không chỉ trong một cuộc đời của riêng mình, mà còn sống trong những cuộc đời khác. Cuộc sống người ấy được mở rộng qua những cuộc đời khác. Nhờ lòng từ bi, cuộc đời của một người được rộng ra, trải khắp trong mọi sự sống khác, trong tất cả những hiện hữu khác, nghĩa là cuộc sống của người ấy có tầm mức vũ trụ.

Ngược lại, nếu phát khởi từ bi chúng ta sẽ nhìn rộng ra hơn để thấy những liên hệ, những tương quan tạo thành xã hội. Từ bi làm cho chúng ta thấy rộng ra, thấy một thế giới duyên sanh.

Duyên sanh và từ bi hỗ trợ lẫn nhau.

Từ bi là sự mở ra, sự thông cảm, sự thấu cảm khi chúng ta nhìn thấy tính chất duyên sanh, vô tự tánh của người khác và của chính chúng ta. Nếu ta và người khác là có tự tánh, là những sự thể kín bưng tự hiện hữu độc lập, thì chẳng thể nào có sự tương thông, thấu cảm được. Nếu ta và người không là vô ngã, vô tự tánh thì không có tương giao nào cả ngoài những thành kiến, những cố chấp, những phê phán và kết án. Những tương giao đã chết trong mớ ý nghĩ chấp chặt chết cứng đó.

Như vậy không có tự tánh- ở cả chủ thể và đối tượng- từ bi mới có thể hiện hữu, hoạt động, thông thấu. Vô tự tánh hay tánh Không là môi trường, là điều kiện cần và đủ cho từ bi phát khởi, hoạt động và bao trùm. Nhờ tánh Không mà lòng bi trở nên vô ngại, như chúng ta vẫn thường tụng, “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni”.

Từ bi thực sự, khách quan thì nhìn thấy tính chất duyên sanh, vô tự tánh, không vĩnh viễn như vậy, của con người. Nếu không thấy vô tự tánh của ta và người thì tình thương chỉ là thương “ta và cái của ta”. Đây là “đại bi ái kiến”, như Kinh Duy Ma Cật nói:

“Nếu khởi đại bi ái kiến thì phải lìa bỏ. Tại sao thế? Bồ tát đoạn trừ phiền não khách trần (phiền não khách trần là không thấy các sự vật là vô tự tánh) mà khởi đại bi. Nếu có đại bi ái kiến thì đối với sanh tử có sự mệt mỏi chán ngán. Lìa được lòng bi ái kiến mới không có tâm mệt mỏi chán ngán. Dầu sông ở chỗ nào cũng không bị ái kiến che lấp. Sống không bị trói buộc mới có thể vì chúng sanh nói pháp để cởi mở trói buộc cho họ”.

2. Tánh Không và đại bi

Khi thực sự thấy một người nào là do nhân duyên sanh, không có tự tánh, không có chủ thể, là vô tự tánh, là tánh Không, tức khắc đại bi xuất hiện. Khi thấy người khác không cái gì cả, không cái gì cả, lập tức đại bi bùng phát.

Chúng ta hãy nhìn một người thân của mình. Khi thấy người ấy không cái gì cả, không cái gì cả, lập tức một thương xót nổi lên, một lòng bi không thể chịu đựng nổi. Khi chúng ta thấy người ấy là một hợp thể duyên sanh làm mồi cho sanh lão bệnh tử, lòng bi tự động khởi lên, không gì chặn đứng nổi, không gì ngăn cản nổi.

Chính sự “chiếu kiến ngũ uẩn đều Không” khi nhìn vào người khác làm khởi lên lòng bi. Chính cái nhìn thấy vô tự tánh, nhìn thấy tánh Không của người khác làm khởi lên đại bi.

Ngài Duy Ma Cật nói về sự vô tự tánh của thân thể, và với lòng đại bi, ngài khẩn thiết kêu gọi hãy tìm thấy và thể nhập Pháp thân không có bệnh sanh lão bệnh tử:

“Các nhân giả! Thân này vô thường, không sức mạnh, không kiên cố, là thứ mau hư hoại, chẳng thể tin được. Nó là khổ, là não, chỗ chứa các nhóm bệnh tật.

“Các nhân giả! Cái thân này đây người sáng suốt không bao giờ nương cậy nó. Thân này như bọt đọng, không thể cầm nắm. Thân nầy như bong bóng nước, không thể còn lâu. Thân này như ngọn lửa, do khát ái sanh. Thân này như cây chuối, bên trong không cứng đặc. Thân này như huyễn, từ điên đảo khởi. Thân này như mộng, do hư vọng mà thấy ra. Thân này như ảnh, theo duyên nghiệp hiện. Thân này như tiếng vang, tùy thuộc các nhân duyên. Thân này như mây nổi, chốc lát biến mất. Thân này như tia chớp, niệm niệm chẳng dừng ở. Thân này không có chủ, như đất vô tri. Thân này không có ngã, như lửa tự cháy. Thân này không có thọ mạng, như gió đừng tan. Thân này không có người, như nước chảy xuôi. Thân này chẳng thật, bốn đại làm nhà. Thân này là không, chẳng có ta và cái của ta…

“Các nhân giả! Thân này đáng lo đáng chán, hãy nên ưa muốn Phật thân. Bởi vì sao? Phật thân là Pháp thân vậy. Thân ấy từ vô lượng công đức trí huệ sanh, từ giới định huệ giái thoát giải thoát tri kiến sanh, từ Từ Bi Hỷ Xả sanh, từ Sáu Ba la mật sanh…”

Quả thật, khi nhìn thấy thân tâm người khác là không có tự tánh như vậy, không cách gì không khởi lòng bi, không cách gì không mong muốn và tìm cách đưa người khác vào con đường thể nghiệm sự bất tử của chính họ.

Con đường Đại thừa kết hợp tánh Không và lòng bi ngay từ đầu bằng việc phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là hạnh nguyện đạt đến trí huệ viên mãn soi thấu suốt tánh Không để cứu giúp chúng sanh bằng lòng bi. Thế nên với người đi con đường Đại thừa, khi phát Bồ đề tâm là đã xem người khác quan trọng hơn mình, thì tánh Không luôn luôn đi liền với đại bi. Chính nhờ tánh Không mà thấu hiểu thế giới này, và nhờ đại bi mà ôm trọn được thế giới này. Như mặt trời, ánh sáng của nó là trí huệ và sức chiếu tỏa của nó là đại bi. Vì tánh Không ở khắp tất cả mọi hiện hữu và không có trung tâm nên lòng bi cũng ở khắp tất cả chỗ và không có trung tâm. Sự trọn vẹn của trí huệ và đại bi cũng là sự trọn thành của con đường Bồ tát.

(Văn Hóa Phật Giáo số 141)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn