Tỳ Kheo Thiện Túc Phá Giới

31 Tháng Tám 201200:00(Xem: 19806)

TỲ-KHEO THIỆN TÚC PHÁ GIỚI
Toàn Không

 

Một hôm đức Phật vào thành A-Nậu-Di khất thực, nhưng vì còn sớm, nên Ngài ghé vào vườn chỗ cư ngụ của Phạm-chí Phòng-già-Bà, để đợi đến giờ rồi mới đi khất thực; lúc đó, Phạm-Chí từ xa trông thấy đức Phật đi đến liền ra nghênh đón và nói:

- Chào Cù-Đàm, qúy hóa thay đức Cù-Đàm; từ lâu không đến, nay Ngài chiếu cố chắc là có chuyện gì, kính mời Ngài ngồi chỗ này.

Khi đức Phật tiến đến chỗ ngồi và an tọa tại đấy rồi, Phạm-chí Phòng-già-Bà ngồi xuống một bên và nói:

- Chiều hôm qua có Ly-xa-Tử (là Tỳ-Kheo Thiện-Túc) đến chỗ tôi và nói như sau: “Này Đại-sư, tôi không còn theo Cù-Đàm để tu phạm hạnh nữa, vì Ngài đã bỏ rơi tôi”. Ông ta nói lỗi của Ngài, dù nói như thế nhưng tôi không tin.

Đức Phật nói với Phạm-Chí:

- Tôi biết những lời nói của Thiện-Túc và ông không bao giờ tin. Hồi tôi du hóa ở thành Tỳ-xá-Ly, Thiện-Túc đến nói với tôi: “Như-Lai bỏ rơi con, con không theo Như-Lai tu phạm hạnh nữa, vì Như-Lai không vì con mà thị hiện thần thông biến hóa”.

Lúc ấy tôi nói: “Trước đây Ta có yêu cầu ông ở trong giáo pháp của Ta tu phạm-hạnh, rồi Ta sẽ hiện thần thông biến hóa không?” Hoặc ông có nói với Ta rằng: “Như-Lai phải vì ông thị hiện thần thông biến hóa rồi sau đó ông mới tu phạm-hạnh không?”.

Bấy giờ Thiện-Túc nói: “Thưa Thế-Tôn, không có”.

Tôi bảo Thiện-Túc: “Theo ý ông có cho rằng Như-Lai có thể hiện thần thông hay không? và pháp của Ta nói ra có thể làm cho ông vĩnh viễn xa lià các khổ và được giải-thoát không?”

Thiện-Túc trả lời: “Đúng như vậy, Như-Lai có thể hiện thần thông chứ chẳng phải không, và giáo pháp của Thế-Tôn có thể làm cho người được giải-thoát, xa lià vĩnh viễn các khổ chứ chẳng phải không”.

Tôi lại hỏi Thiện-Túc: “Này Thiện-Túc, nếu giáo pháp của Ta có thể làm cho người tu phạm-hạnh được giải-thoát, có thể hiện thần thông chứ chẳng phải không; vậy ông ở trong giáo pháp này còn mong nuốn điều gì nữa?”

Thiện-Túc đáp: “Thưa, Thế-Tôn không thể tùy thời dạy con, Thế-Tôn biết hết bí thuật nhưng lại tiếc không dạy hết cho con”.

Tôi bảo Thiện-Túc: “Ta có từng bảo ông ở trong pháp Ta, rồi sau đó Ta sẽ dạy các bí thuật không? Hoặc ông có từng yêu cầu Ta dạy bí thuật, rồi sau đó ông mới ở chỗ Ta tịnh tu phạm-hạnh không?”

Thiện-Túc trả lời: “Thưa không”.

Tôi còn bảo Thiện-Túc: {{Trước kia ở lãnh thổ Bạt-Xà, ông dùng vô số phương tiện để khen ngợi Như-Lai, khen ngợi chính-pháp, khen ngợi chúng Tỳ-Kheo khiến cho mọi người ưa thích. Nay ông thối chí, người đời sẽ nói: “Tỳ-Kheo Thiện-Túc là đệ-tử gần gũi Như-Lai, mà không thể trọn đời tu phạm-hạnh, lại xả giới hoàn tục ở vào địa vị thấp kém, hành động xấu xa”}}; hôm ấy tôi đã giảng giải đủ điều, nhưng Thiện-Túc vẫn không chịu nghe cứ xả giới hoàn tục.

Hồi tôi ở trên nhà giảng Pháp bên ao Nhĩ-bầu, bấy giờ có Ni-kiền tên là Già-la-Lâu đang cư ngụ gần đó, được mọi người trong vùng tôn kính là người trí thức, có danh tiếng đồn xa. Một hôm, Thiện-Túc vào thành Tỳ-xá-Ly khất thực, lần hồi đi đến chỗ Ni-kiền Già-la-Lâu; Thiện-Túc đem ý nghiã sâu xa để hỏi, ông ta không đáp được bèn sinh tâm tức giận, Thế rồi Thiện-Túc tự nghĩ: “Ta khuấy rối người này, sẽ không có qủa báo về khổ não”.

Sau khi khất thực xong, Thiện-Túc đi đến chỗ tôi, nhưng không mang sự kiện trên thuật lại, tôi nói: “Ông là kẻ vô trí, ông đâu có thể tự xưng là Sa-môn Thích-tử được”.

Thiện-Túc hỏi lại: “Thưa Thế-Tôn, vì lý do gì Thế-Tôn lại nói con là đồ ngu, và con không nên xưng là Thích-tử?”

Tôi trả lời: {{Vì ông đã làm cho Ni-Kiền tức giận, và khi ấy ông còn tự nghĩ: “Nay Ta khuấy rối Ni-Kiền này sẽ mãi mãi không có qủa báo về khổ não”, ông có nghĩ như vậy không?}}.

Thiện-Túc nói: “Ông ta là La-Hán thì vì lý do gì lại có tâm sân hận và ganh tị?”

Tôi bảo Thiện-Túc: “Đã là La-Hán không vì lý do gì lại có tâm sân hận và ganh tị, vả lại, ông tự cho người ấy là La-Hán, nhưng thực tế ông ta chỉ có bảy pháp khổ hạnh. Đó là trọn đời không mặc quần áo, không uống rượu, không ăn thịt, không ăn cơm, không ăn mì khô, không phạm phạm-hạnh, và không ra khỏi bốn tháp đá của thành Tỳ-xá-Ly, nhưng ông ta đã phạm cả bẩy điều trên. Vì đã làm trái với bảy điều thề nguyện trên, ông ta ví như con dã-can, mắc bệnh ốm yếu, lở lói và thác ở ngoài gò mả”. Rồi tôi bảo Thiện-Túc: “Nếu không tin lời Ta, ông nên đến đó xem là tự nhiên biết”.

Hai ngày sau, Thiện-Túc vào thành khất thực, khi xong ra khỏi thành, đến nơi gò mả, thấy Ni-kiền Già-la-Lâu đã chết tại đó, thấy xong, Thiện-Túc đến nơi tôi, nhưng không đem sự kiện trên nói lại với tôi, bấy giờ tôi hỏi Thiện-Túc: “Thế nào, Ta đã dự ký về Ni-kiền Già-la-Lâu, sự việc có như lời Ta nói không?”

Thiện-Túc đáp: “Đúng như vậy, đúng như lời Thế-Tôn đã nói”.

Tôi thường vì Thiện-Túc mà hiện Thần thông như thế, nhưng ông ta vẫn nói rằng: “Thế-Tôn không vì con mà hiện thần thông”.

Lại nữa, có một lần tôi du hóa ở ấp Bạch-thổ thuộc nước Minh-Ninh, ở đó có một vị Ni-Kiền tên Cứu-la-Đế được mọi người tôn kính, danh tiếng đồn xa; một hôm, Thiện-Túc đi khất thực theo sau tôi, vừa trông thấy Ni-kiền Cứu-la-Đế ở trên đống phân, đang ăn bã rượu, Thiện-Túc liền có ý nghĩ: “Các hàng La-Hán trong thế-gian đều không bằng được vị Ni-Kiền này, vì đạo vị của vị này thật là thù thắng, bởi tu khổ hạnh như thế mới trừ được tâm ngã mạn”.

Ông biết không? lúc đó tôi quay lại bảo Thiện-Túc: “Ông là kẻ vô trí, đâu có thể tự xưng là Thích-tử được”.

Thiện-Túc nói: “Vì lý do gì Thế-Tôn nói con như vậy?”

Lúc ấy tôi bảo Thiện-Túc: {{Vì khi ông vừa trông thấy Ni-Kiền kia ngồi trên đống phân, đang ăn bã rượu, ông liền nghĩ rằng: “Các hàng La-Hán trong thế-gian đều không bằng được vị Ni-Kiền này, vì đạo vị của vị này thật là thù thắng, bởi tu khổ hạnh như thế mới trừ được tâm ngã mạn”; Ông có nghĩ như vậy không?}}.

Thiện-Túc thưa: “Thật con có nghĩ như vậy, nhưng tại sao Thế-Tôn đối với vị La-Hán mà còn sinh tâm ghen tị?”

Tôi bảo Thiện-Túc: “Ta không bao giờ sinh tâm ghen tị đối với một vị La-Hán. Ông là kẻ vô trí, nên cho rằng Ni-kiền Cứu-la-Đế là La-Hán. Người này sau bảy ngày sẽ mắc chứng bệnh bụng to mà qua đời, và sẽ sinh vào loài Ngạ-qủy Khả-thi thường khổ sở vì đói khát. Hơn nữa, sau khi ông ta chết, người ta dùng dây tơ bó lại rồi bỏ ngoài gò mả, nếu ông không tin thì cứ đến báo trước cho ông ta”.

Bấy giờ Thiện-Túc liền đi đến chỗ Ni-Kiền và nói những lời y như tôi đã nói về cái chết của Cứu-la-Đế. Thiện-Túc còn căn dặn Ni-Kiền: “Ông nên bớt ăn và phải cẩn thận, chớ để lời nói của Cù-Đàm trở thành sự thật”.

Thiện-Túc co lóng tay đếm từng ngày, khi hết bảy ngày, Thiện-Túc liền đi đến chỗ của người lõa thể ấy; không thấy Cứu-la-Đế, Thiện-Túc hỏi thăm những người trong xóm, được biết ông ta đã mắc phải bệnh bụng to mà chết rồi, và xác đã đem bỏ ngoài gò mả. Thiện-Túc liền đi đến gò mả, trông thấy tử thi Cứu-la-Đế bị bó bằng dây tơ, Thiện-Túc nói với ý hỏi tử thi: “Này Cứu-la-Đế, ông đã chết thật rồi ư, do bệnh gì, ông sinh về đâu?”

Bỗng nhiên tử thi cử động và nói yếu ớt: “Ta đã chết rồi vì bụng xưng to và sinh vào loài Ngạ-qủy Khả-thi. Ông tuy xuất gia, nhưng không lợi ích gì, vì Sa-môn Cù-Dàm đã nói việc này như thế mà ông không tin”, khi nói xong lời này, tử thi nằm yên không còn cử động nữa.

Khi Thiện-Túc đi đến chỗ tôi, không đem việc ấy kể lại, tôi bèn hỏi Thiện-Túc: “Thế nào, Như Ta dự ký về Cứu-la-Đế, có thật như vậy không?”

Thiện-Túc trả lời: “Thật vậy, đúng như lời Thế-Tôn đã nói”.

Một lần khác, lúc đó có Phạm-chí tên Ba-lê-Tử đang sống gần khu tôi trú ngụ, Phạm-chí này được nhiều người cung kính, danh tiếng đồn xa, có nhiều lợi dưỡng. Một hôm, ông ta đứng giữa đại-chúng trong thành Tỳ-xá-Ly nói như sau: “Sa-môn Cù-Đàm tự xưng có đại trí-tuệ, ta cũng có đại trí-tuệ; Sa-Môn Cù-Đàm tự xưng có thần-túc, ta cũng có thần-túc; Sa-môn Cù-Đàm tự xưng được đạo siêu-việt, ta cũng được đạo siêu-việt. Ta sẽ cùng Sa-môn Cù-Đàm hiện thần-túc, Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai, Sa-môn hiện hai ta sẽ hiện bốn, Sa-môn hiện bốn ta sẽ hiện tám; tùy theo Sa-môn hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi”; lúc ấy Tỳ-kheo Thiện-Túc đi khất thực, nghe thấy phạm-chí Ba-lê-Tử ở giữa đại-chúng nói những điều như thế.

Sau khi khất thực xong, Thiện-Túc đi đến chỗ tôi, và nói lại những điều mà Ba-lê-Tử đã nói giữa đại-chúng; tôi nói với Thiện-Túc: “Nếu Phạm-chí Ba-lê-Tử ở giữa đại-chúng không bỏ lời nói ấy, không bỏ kiến giải ấy, không bỏ sự kiêu mạn ấy, mà đi đến chỗ Ta, thì hoàn toàn không có sự kiện ấy”.

Bấy giờ Thiện-Túc nói: “Thế-Tôn nên giữ lời, Như-Lai nên giữ lời, vì ông Ba-lê-Tử có đại oai-thần-lực, có đại công-đức, thoát khỏi đời sau; ông ta sẽ không trông thấy sự hư dối của Thế-Tôn ư?”

Tôi bảo Thiện-Túc: “Như-Lai có bao giờ nói hai lời không, và vì cớ gì ông lại nói Như-Lai nên giữ lời?”

Thiện-Túc đáp: “Thưa, Như-Lai không bao giờ nói hai lời, nhưng Thế-Tôn tự biết ông Ba-lê-Tử hay vì chư Thiên đến nói chuyện chứ?”

Lúc ấy tôi bảo Thiện-Túc: {{Ta tự biết, chư Thiên cũng đến nói cho Ta biết. Về trường hợp Đại-tướng A-do-Đà trong thành Tỳ-xá-Ly này, sau khi chết sinh lên cõi trời Đạo-Lợi, tướng A-do-Đà đến nói với Ta như sau: “Ông Phạm-chí Ba-lê-Tử chẳng biết hổ thẹn, phạm giới vọng ngữ, ông Ba-lê-Tử ở giữa đại-chúng trong thành Tỳ-xá-Ly, nói lời chê bai như thế này: Đại-tướng A-do-Đà chết rồi sẽ sinh vào loài Qủy Khởi-thi, nhưng thực ra sau khi qua đời ở cõi trần tôi được sinh lên cõi trời Đạo-Lợi”, về việc ông Ba-lê-Tử thì Ta đã biết trước, và các vị Trời cũng đến nói với Ta. Này Thiện-Túc, kẻ vô trí, ông không tin lời Ta nói, thì vào thành Tỳ-xá-Ly, tùy ông muốn nói gì thì nói; ngày mai, sau khi khất thực, thụ trai xong, Ta sẽ y như lời mà đến chỗ ở của ông Ba-lê-Tử}}.

Hôm sau Thiện-Túc vào thành khất thực, và hướng về những chúng Bà-la-Môn, Sa-Môn, Phạm-Chí, nói đầy đủ những lời như sau: {{Hôm qua, ông Phạm-chí Ba-lê-Tử ở trong đại-chúng đã nói những lời như sau: “Sa-môn Cù-Đàm tự xưng có đại trí-tuệ ta cũng có đại trí-tuệ, Sa-môn Cù-Đàm tự xưng có thần túc ta cũng có thần túc, Sa-môn Cù-Đàm được đạo siêu-việt ta cũng được đạo siêu-việt. Ta sẽ cùng Sa-môn Cù-Đàm hiện thần-túc, Sa-môn hiện một ta sẽ hiện haị, Sa-môn hiện hai ta sẽ hiện bốn, Sa-môn hiện bốn ta sẽ hiện tám; tùy theo Sa-môn Cù-Đàm hiện nhiều hay ít, thì ta đều hiện gấp đôi”; bởi thế cho nên Sa-môn Cù-Đàm sẽ đến chỗ ở của ông Ba-lê-Tử sau khi khất thực xong trưa nay, vậy mọi người có thể đến đó sau buổi trưa này}}.

Bấy giờ Phạm-chí Ba-lê-Tử đang đi trên đường, Thiện-Túc trông thấy ông ta vội đến gặp và nói: “Ngày hôm qua, ở giữa đại-chúng, ông đã nói những lời khiêu khích, thách đố đối với Sa-môn Cù-Đàm; Sa-môn Cù-Đàm đã nghe những lời ấy rồi, nay sẽ đến chỗ ở của ông vào sau buổi trưa hôm nay, vậy ông nên mau trở về ngay đi”.

Phạm-chí Ba-lê-Tử trả lời Thiện-Túc: “Ta sẽ về, ta sẽ về”, nói xong lại tự hoảng sợ, chẳng dám về chỗ ở của mình, mà đến rừng của Phạm-chí Đao-đầu-Ba.

Sau khi thụ trai xong, tôi cùng nhiều chúng Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-Môn, Phạm-chí, v.v.., đến chỗ ở của ông Ba-lê-Tử. Mọi người chờ đợi không thấy ông Ba-lê-Tử về, tôi bảo: “Hiện tại ông ta đang ngồi trên giường dây (giống như võng) trong rừng của ông Đao-đầu-Ba”.

Bấy giờ mọi người đều bảo ông Phạm-chí Giá-La là bạn của Ba-lê-Tử: “Ông Giá-La nên đi đến rừng của ông Đạo-đầu-Ba, và ông vui lòng nói với ông Ba-lê-Tử rằng: chúng tôi gồm Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm-chí, Cư-sĩ; mọi người đều tập hợp nơi rừng của ông Ba-lê-Tử, và bàn luận về việc ông Ba-lê-Tử đã nói những lời thách thức đối với Sa-môn Cù-Đàm, vậy ông Ba-lê-Tử nên trở về ngay kẻo mọi người mong đợi”.

Ông Giá-La liền đi đến rừng Đạo-đầu-Ba gặp Ba-lê-Tử, và nói những lời đại chúng đã dặn bảo, Ba-lê-Tử trả lời rằng: “Tôi sẽ về, tôi sẽ về”.

Khi nói xong lời này, ở trên giường dây xoay trở không yên, dường như giường dây dính chặt vào chân, khiến ông ta không thể rời khỏi giường, huống chi là về; khi ấy ông Giá-La nói với Ba-lê-Tử: “Chính ông là kẻ vô trí, chỉ có lời nói suông là sẽ về sẽ về, tự mình còn không thể rời khỏi giường, thì làm sao có thể đi về gặp đại chúng?”

Quở trách Ba-lê-Tử xong, ông Giá-La liền trở về nói với đại-chúng những sự việc xẩy ra như thế, bấy giờ ông Lệ-xa Nhất-đầu-Ma đang ngồi trong đại-chúng liền đứng dậy, trịch áo (trệ) bầy vai phải, qùy gối chắp tay mà thưa với đại-chúng: “Xin qúy vị hãy đợi một lúc, tôi xin đi đến đó, đem ông Ba-lê-Tử về đây”.

Khi đó tôi bảo Lệ-xa Nhất-đầu-Ma rằng: “Ông ta nói những lời như thế, kiến chấp như thế, kiêu mạn như thế, mà muốn ông ta về đây, thì không có sự kiện này. Dù ông lấy dây buộc nhiều vòng, cho bầy trâu kéo, chỉ làm cho thân ông ta tan nát, chứ ông ta cũng nhất định không thể về. Nếu ông không tin, cứ đến đó sẽ tự biết”.

Ông Lệ-xa Nhất-đầu-Ma đi đến chỗ Ba-lê-Tử và nói: “Đại-chúng đang nóng lòng chờ đợi ông về vì việc ông đã nói có liên quan đến Sa-môn Cù-Đàm. Vậy ông phải trở về ngay lập tức, không thể vì lý do gì mà trì hoãn được nữa”.

Ba-lê-Tử cũng đáp: “Tôi sẽ về, sẽ về”.

Nhưng ông ta ở trên giường dây, toàn thân rúng động, mặt mũi nhăn nhó, thân dính chặt vào giường, khiến ông ta không thể rời khỏi giường (rõ ràng bị Phật hành vì kiêu mạn nói bậy).

Bấy giờ Lệ-xa Nhất-đầu-Ma nói với Ba-lê-Tử rằng: “Chính ông là kẻ vô trí, chỉ có lời nói suông là sẽ về sẽ về, mà chính mình không thể rời khỏi giường dây, làm sao có thể đi về chỗ đại-chúng được?”

Lệ-xa nói tiếp: {{Những người có trí nhờ thí dụ mà hiểu. Về qúa khứ thật lâu xa, có một con Sư-tử là vua của các loài thú sống trong rừng sâu; con Sư-tử này, vào mỗi buổi sáng sớm, vừa ra khỏi hang, vươn vai ngó quanh bốn phiá, kêu to ba tiếng, rồi mới dạo đi lựa thịt mà ăn. Vua Sư-tử của các loài thú ấy khi ăn xong bỏ đi chỗ khác, thường có một con Dã-can theo sau tự đằng xa nhìn trộm. Khi vua Sư-tử ăn xong bỏ đi liền đến ăn thứ dư thừa còn sót lại, nhờ thế mà khí lực Dã-can được đầy đủ, Dã-can tự nói: “Sư-tử kia là thứ gì mà có thể hơn ta được, nay ta có thể đi săn mồi riêng tại một khu rừng”. Sau đó Dã-can tìm đến một khu rừng, và ở riêng tại đó; vào sáng sớm, ra khỏi hang, kêu to ba tiếng, dù muốn bắt chước tiếng kêu của Sư-tử, nhưng vẫn là tiếng của Dã-can}}.

Ông Lệ-sa Nhất-đầu- Ma nói tiếp: “Này Ba-lê-Tử, ông cũng giống như thế, nhờ ân đức của đức Cù-Đàm, nên được sống còn ở thế gian, được người cung kính cúng dường, có nhiều lợi dưỡng, thế mà nay lại muốn cạnh tranh cùng đức Cù-Đàm”.

Nói xong, Lệ-xa Đầu-Ma dùng kệ để trách cứ Ba-lê-Tử như sau:

Dã-can xưng Sư-tử,
Tự cho là vua thú,
Muốn rống tiếng Sư-tử,
Lại ra tiếng Dã-can.
Ở rừng vắng một mình,
Tự cho là vua thú,
Muốn rống tiếng Sư-tử,
Lại ra tiếng Dã-can.
Qùy đất tìm hang chuột,
Moi mồ kiếm tử-thi,
Muốn rống tiếng Sư-tử,
Lại ra tiếng Dã-can.

Lệ-xa Đầu-Ma quở trách Ba-lê-Tử xong, trở về thưa với đại-chúng sự việc xẩy ra như trên, và xác nhận những lời tôi đã nói; bấy giờ tôi cùng với đại chúng nói các thứ pháp, chỉ bảo những điều lợi ích an vui. Hôm ấy, trong đại-chúng ấy, tôi đã rống tiếng rống Sư-tử, rồi thân bay lên hư không, lại trở về chỗ cũ nhẹ nhàng; tôi đã hiện thần thông như thế, Thiện-Túc cũng thấy như thế, do đó ông biết Thiện-Túc là người như thế nào rồi.,.

Toàn Không

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2166)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8177)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3007)