Trưởng Giả Chất Đa La

04 Tháng Sáu 201300:00(Xem: 8529)

TRƯỞNG GIẢ CHẤT-ĐA-LA
Toàn Không

 

 Trưởng-giả Chất-đa-La đã quy-y và học Phật tại rừng Am-La, sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn rồi, Trưởng-giả thường hay đến chỗ các Tôn-giả thảo luận, và học hỏi Phật pháp. Các Tôn-giả thường nói Pháp, chỉ dạy, soi sáng, và làm cho Trưởng-giả vui mừng.

 Một hôm, Trưởng-giả Chất-đa-La đến phòng của Tôn-giả Na-già-Đạt-Đa chào và hỏi thăm sức khoẻ xong, Tôn-giả nói với Trưởng-giả:

- Đức Phật nói: “Có vô lượng tâm tam-muội, vô tướng tâm tam-muội, vô sở hữu tâm tam-muội, không tâm tam-muội”, thế nào Trưởng-giả, vì Pháp này có các thứ nghĩa nên có các thứ tên, hay chỉ một nghĩa có các thứ tên?

 Sau khi suy nghĩ đắn đo, Trưởng-giả trả lời Tôn-giả Na-già Đạt-Đa như sau:

- Có Pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều vị; có Pháp chỉ có một nghĩa mà nhiều câu, nhiều vị.

 Thế nào là Pháp có nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều vị? Tâm cùng hợp với Từ, không oán, không ghét, tâm khoan dung rộng rãi, tu tập nhiều lần, trải khắp một phương; cũng như thế phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, phương trên, phương dưới, tất cả thế-gian, duyên trụ tất cả; đó gọi là vô lượng tâm tam-muội.

 Thế nào là vô tướng tâm tam-muội?, nghĩa là đối với tất cả các hình tướng không nhớ, không nghĩ trong hết thảy thời gian, tự thân tác chứng đầy đủ; đó gọi là vô tướng tâm tam-muội.

 Thế nào là vô sở hữu tâm tam-muội?, nghĩa là vượt qua tất cả các thức, trụ nơi tâm vô sở hữu; đó gọi là vô sở hữu tâm tam-muội.

 Thế nào là không tâm tam-muội?, là quán sát như thật thế-gian là không, pháp thường trụ không biến đổi là chẳng phải ngã, tức chẳng phải ta, chẳng phải ngã sở, tức chẳng phải cái của ta, đó gọi là không tâm tam-muội; tất cả các pháp nêu trên gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, và nhiều vị vậy.

 Thế nào là Pháp chỉ có một nghĩa, mà có nhiều câu, nhiều vị? Thí dụ như tham lam là có tướng, sân hận là có tướng, ngu si tà kiến là có tướng, không tránh (tranh) là vô tướng. Tham, sân, si là sở hữu, là có cái ta, có cái của ta; không tránh là vô sở hữu, là không đối với tham, sân, si; vô tránh là không đối với thường trụ chẳng biến đổi, là không đối với phi ngã, phi ngã sở; đó là Pháp chỉ có một nghĩa mà có nhiều câu, nhiều vị vậy.

 Sau khi nghe sự giải thích của Trưởng-giả, Tôn-giả Na-già Đạt-Đa hỏi:

- Trưởng-giả vừa nói ý nghĩa ấy vì ông đã được nghe giải thích trước rồi chăng?

- Không, thưa Tôn-giả, con chưa hề được nghe ai đã giải thích trước đây.

- Trưởng-giả, ông được lợi ích lớn nơi Phật Pháp sâu xa, hiện tại ông được tuệ nhãn của bậc Hiền-Thánh.

- Cám ơn Tôn-giả đã qúa khen ngợi.

 Một ngày khác, Trưởng-giả Chất-đa-La đến thăm Tôn-giả Ca-Ma, sau khi chào và thăm hỏi sức khoẻ, Trưởng-giả hỏi :

- Thưa Tôn-giả, thế nào là hành, có mấy loại hành, và ý nghĩa của hành như thế nào?

 Tôn-giả Ca-Ma đáp:

- Có ba loại hành là thân hành, khẩu hành, và ý hành; hơi thở ra vào là thân hành, có giác (biết) có quán (thấy) gọi là khẩu hành, có tưởng (nhớ) có tư (nghĩ) gọi là ý hành, vì sao? Vì hơi thở ra vào là pháp của thân, do nơi thân, thuộc nơi thân, nương nơi thân chuyển, do đó hơi thở ra vào gọi là thân hành. Vì có biết, có thấy nên miệng diễn tả nói năng ra, do đó có giác có quán gọi là khẩu hành. Tư tưởng, suy nghĩ nương nơi tâm, thuộc nơi tâm chuyển, do đó tưởng, tư gọi là ý hành. 

 

 Một hôm, Trưởng-giả mời các vị Tôn-giả đến nhà thụ chay, sau khi thọ trai và nói Pháp xong, các Tôn-giả ra về, Trưởng-giả đi cùng các Tôn-giả đến Tịnh-xá. Trên đường đi, lúc ấy vào cuối mùa xuân đầu mùa hạ, trời nóng bức, đi đường rất khó chịu, có một Tôn-giả nhỏ nhất trong các vị ấy tên là Ma-ha-Ca nói:

- Thưa các Sư-huynh Tôn-giả, hôm nay qúa nóng nực, con muốn nổi mây và gió mát có được không?

- Hiền-giả làm được như vậy thì tốt lắm.

 Tôn-giả Ma-ha-Ca liền nhập tam-Muội Như-chính-thụ, liền lúc đó mây nổi, mưa nhỏ như bụi, gió mát thổi đến làm cho mọi người cảm thấy dễ chịu; khi mọi người đi tới cửa Tịnh-xá, Tôn-giả Ma-ha-Ca hỏi:

- Thưa các Sư-huynh Tôn-giả, việc làm gió mát này dừng lại được chưa?

 Các Tôn-giả đều đáp:

- Hãy ngừng đi, đủ rồi. 

 Lúc ấy Tôn-giả Ma-ha-Ca liền dừng thần-thông và trở về phòng của mình, trong khi đó Trưởng-giả Chất-đa-La nghĩ thầm rằng: “Vị Tỳ-kheo nhỏ nhất ở đây mà còn có thần-thông lớn như thế, huống chi là bậc khác”. Nghĩ như thế, Trưởng-giả liền vái chào các Tôn-giả, rồi đi theo Tôn-giả Ma-ha-Ca vào phòng và nói:

- Thưa Tôn-giả, tôi muốn được thấy Tôn-giả biến hóa hiện thần-túc siêu việt.

 Tôn-giả Ma-ha-Ca nói:

- Trưởng-giả, chớ nên thấy, sẽ sợ hãi.

 Ba lần Trưởng-giả yêu cầu, ba lần Tôn-giả từ chối như thế, Trưởng-giả lại năn nỉ yêu cầu nữa:

- Xin Tôn-giả vui lòng thương xót cho tôi xem thần-thông biến hóa.

- Thôi được, ông hãy ra ngoài lấy cỏ và củi khô gom lại một đống, rồi đem tấm vải trùm phủ lên, khi nào xong cho tôi hay.

 Nói xong, Tôn-giả lấy một tấm vải trao cho Trưởng-giả; Trưởng-giả y theo lời chỉ bảo, ra ngoài, gom cỏ củi khô xếp thành một đống, phủ vải lên trên, rồi đi vào phòng nói với Tôn-giả:

- Thưa Tôn-giả, tất cả củi cỏ đã được chuẩn bị xong đúng như lời Tôn-giả đã nói.

 Tôn-giả Ma-ha-Ca liền nhập định, sau một lúc, Tôn-giả bảo Trưởng-giả:

- Ông ra coi có gì xẩy ra cho đống cỏ củi không?

 Nghe lời Tôn-giả, Trưởng-giả đi ra chỗ đống cỏ củi, một lúc, ông trở vào mang trả lại Tôn-giả miếng vải và nói:

- Thưa Tôn-giả, con đã nhìn thấy cỏ củi cháy mà miếng vải ở bên trên không cháy, thật là lạ, thật là kỳ đặc! Tại sao thế?

- Tôi đã dùng Hỏa-quang tam-Muội, xuyên qua khe cửa, ánh sáng đốt rụi cỏ củi, mà không cho đốt cháy tấm vải ở bên trên. Ông nên biết, thần-thông này do không buông lung làm gốc, việc này cùng với công-đức khác, tất cả đều do không buông lung làm gốc mà thành.

 Cho tới một ngày nọ, Trưởng-giả Chất-đa-La đã lớn tuổi rồi và bị yếu mệt, trong đêm khuya gần về sáng, có nhiều vị Trời đến bảo Trưởng-giả:

- Này Trưởng-giả, ông nên phát nguyện làm Chuyển-luân Thánh-Vương (Đại-Vương), sẽ tuỳ nguyện đắc qủa, vì ông có dư đủ công-đức để sẽ là một vị Đại-Vương ở đời sắp tới.

 Trưởng-giả trả lời chư Thiên:

- Nếu làm Chuyển-luân Thánh-Vương, cũng vẫn có vô thường, biến dịch, và khổ, ý tôi không muốn làm Chuyển-luân Thánh-Vương.

 Các vị Trời khuyên bảo Trưởng-giả không thuận, nên biến mất, ngày hôm sau, Trưởng-giả nói với quyến thuộc vây quanh:

- Đã có nhiều Chư Thiên đến đây nói với tôi: “Ông nên phát nguyện được làm Chuyển-Luân Thánh-Vương, sẽ tuỳ nguyện đắc qủa”, tôi đã trả lời chư Thiên là: “Đại Thánh-Vương cũng lại vô thường, biến dịch, khổ, nên tôi không muốn”.

 Các quyến thuộc hỏi Trưởng-giả:

- Nay ông dụng tâm như thế nào?

- Nay tôi tâm nguyện rằng: {{Chỉ không còn thụ sinh vào bào thai nữa, chẳng thèm mồ mả, chẳng thọ nhận khí huyết, như Thế-Tôn đã nói: “Năm hạ phần kiết-sử, Ta không thấy có ngã, tự thấy chẳng một kiết nào mà chẳng đoạn; như thế sẽ sinh lên cõi Trời một lần (hóa sinh) rồi nhập Niết-Bàn, không còn tái sinh ở cõi nhân-gian này nữa”}}. Nói xong: Trưởng-giả từ giường nằm ngồi dậy, ngồi kiết-già, giữ chính niệm, và nói kệ về hạnh bố-thí cúng-dàng được phúc báo sinh lên cõi Trời; nói kệ xong, Trưởng-giả liền qua đời, sinh đến cõi Trời Vô Phiền (Đây là cõi Trời Sắc giới vượt trên Tứ Thiền).

 Tại cõi Trời, Thiên tử Chất-đa-La nghĩ rằng: “Ta nên đến Diêm-phù-Đề để lễ bái các Tôn-giả”. Nghĩ rồi, chỉ trong khoảnh khắc, Thiên-tử Chất-đa-La dùng sức Thiên-thần, hiện đến rừng Am-La bên ngoài Tịnh-xá, phóng hào quang từ thân Trời, chiếu sáng khắp rừng Am-La. Khi ấy có một vị Tỳ-kheo Tôn-giả ra khỏi phòng, đi kinh hành, trông thấy ánh sáng kỳ diệu chiếu khắp rừng cây, liền nói kệ:

Sắc Trời nào vi-diệu?
Trụ ở giữa hư không,
Giống như núi vàng rực,
Chiếu sáng Diêm-phù-Đàm.
Thiên-tử Chất-đa-La nói kệ đáp:
Tôi là Vua Trời Người,
Là đệ-tử Cù-Đàm,
Trong rừng Am-La này,
Trưởng-giả Chất-đa-La.
Nhờ tịnh giới đầy đủ,
Hệ niệm tự tịch tịnh,
Thân giải thoát đầy đủ,
Thân trí tuệ cũng thế.
Tôi biết pháp nên đến,
Nhân giả cần nên biết,
Nên nơi Niết-Bàn kia,
Pháp này pháp như thế.

Thiên-tử Chất-đa-La nói kệ xong liền biến mất..,.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2166)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8178)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3008)