Lộ Trình Chứng Đắc Chân Lý

16 Tháng Giêng 201400:00(Xem: 12389)

Lộ trình chứng đắc chân lý
Thanh Liên

lo-trinh-chung-dacĐức Phật, trong khi không đồng tình với thái độ nhẹ dạ cả tin của một số tín đồ các tôn giáo khác trong việc theo đuổi đức tin thiếu cơ sở chứng thực1, đã nêu ra phương pháp tiếp cận và chứng đắc chân lý gồm 12 bước đi hết sức căn bản và sáng suốt. Ngài cho rằng, trí tuệ (annà) hay chân lý (saccam) - đồng nghĩa với sự giác ngộ, giải thoát khổ đau hay Thánh quả A-la-hán – không đến với con người ngay lập tức nhưng đến do học từ từ (anupubbasikkhà), hành từ từ (anupubbakiriyà), thực tập từ từ (anupubbapatipadà), trên cơ sở các suy cứu và thực nghiệm khoa học. Phương thức tiếp cận và chứng đắc chân lý do Ngài đề xuất gồm các bước:

1. Khởi lòng tin (saddhà): niềm tin hay lòng quý trọng phát sinh thông qua việc tìm hiểu đầy đủ về phẩm hạnh của vị đạo sư và giáo pháp do vị ấy thuyết giảng2;

2. Đến gần (upasamkamanam): tiếp xúc, gần gũi với vị thầy để học hỏi giáo pháp;

3. Tỏ sự kính lễ (parirùpàsanà): có thái độ tôn trọng đối với vị thầy;

4. Lóng tai (sotàvadhànam): chú tâm lắng nghe lời thầy khuyên dạy;

5. Nghe pháp (dhamma-savanam): lắng nghe và ghi nhớ đầy đủ những gì vị thầy giảng dạy;

6. Thọ trì pháp (dhammadhàranà): tiếp nhận và nắm bắt đầy đủ những gì vị thầy trình bày;

7. Suy tư ý nghĩa các pháp (atthupapàrikkhà): suy xét nghĩa lý từng lời dạy hay pháp môn do vị thầy thuyết giảng;

8. Chấp thuận các pháp (dhammanijjhàna): đồng tình với các pháp do vị thầy giảng dạy;

9. Sanh khởi ước muốn (chanda): khởi lên ước muốn thực hành theo hay sống theo giáo pháp mà mình đã được học hỏi;

10. Nỗ lực (ussàha): thu xếp công việc và dành nhiều thời gian cho việc hành trì giáo pháp đã được tiếp thu;

11. Cân nhắc (tulàna): xem xét và lựa chọn (trạch pháp) pháp môn tu tập phù hợp với điều kiện sinh hoạt và khả năng phát triển tâm thức của mình;

12. Tinh cần (padhàna): ngày đêm nhiệt tâm tu tập và hành trì giáo pháp đã được học hỏi và tiếp thu, ngụ ý sự chuyên tâm thực hành pháp môn thiền quán (vipassanà) để chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát3.

Kinh Phật mô tả như vầy về ý chí nhiệt tâm tinh cần của một vị đệ tử đã thiết lập lòng tin vững chắc nơi giáo pháp của bậc Đạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy: “Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô héo, mong rằng sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu nhẫn nại, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng”4.

Bậc Đạo sư xác nhận rằng do tinh cần (padhàna), tức sự nỗ lực chuyên tâm hành trì giáo pháp đã được học hỏi và tiếp thu đầy đủ hay sự luyện tập, tu tập, hành tập nhiều lần giáo pháp ấy (dhammànam àsevanà bhàvanà bahulìkammam), nên một vị sa-môn tự thân chứng được sự thật tối thượng (paramasaccam sacchikaroti), và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy (pannàya tam ativijjhati), vị ấy thấy (passati)5: “Đây là những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên. Ở đây, những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên được trừ diệt, không có dư tàn. Do chấp thủ được diệt ở ta, nên hữu diệt; do hữu diệt, nên sanh diệt; do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt trừ. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”6.

Trên đây là lộ trình chứng đắc chân lý gồm 12 bước nỗ lực, khởi từ lòng tin cho đến tinh cần hay sự chuyên tâm hành trì giáo pháp do vị đạo sư giảng dạy. Đáng chú ý là tiến trình này cũng bắt đầu bằng lòng tin, tức sự tin tưởng vào phẩm hạnh của vị thầy và giáo pháp do vị thầy thuyết giảng, nhưng tiếp theo đó là cả một chuỗi các nỗ lực khác đòi hỏi người tìm cầu chân lý phải tự mình thực hiện. Xem ra thì đức tin chỉ là bước sơ khởi trong đường lối tu tập đầy công phu của người học Phật, vì bên cạnh lòng tin còn có các bước nỗ lực khác mà người tu học Phật pháp cần phải hoàn thiện. Đức Phật nói đến lòng tin như là điều kiện căn bản cho sự sinh khởi và vận hành của tiến trình thực nghiệm chân lý gồm nhiều bước nỗ lực, và như vậy, nếu người học Phật chỉ dừng lại ở đức tin không thôi thì không đủ để thực nghiệm hay chứng đắc chân lý. Nói cách khác, ngoài niềm tin, người Phật tử còn phải nỗ lực tu học thật nhiều nữa mới có thể đạt được mục đích cứu cánh là sự chứng đắc chân lý hay giải thoát khổ đau. Sau đây là luận chứng về tiến trình chứng đắc chân lý của Đức Phật7:

“Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hanh từ từ, thực tập từ từ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, một vị có lòng tin, đi đến gần; sau khi đến gần, vị ấy tỏ sự kính lễ; sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy lóng tai; sau khi lóng tai, vị ấy nghe pháp; sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì pháp; sau khi thọ trì pháp, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì; sau khi suy tư ý nghĩa, các pháp được chấp thuận; sau khi các pháp được chấp thuận, ước muốn sanh khởi; sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực; sau khi nỗ lực, vị ấy cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần. Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy”.

Nhìn chung, phương pháp chứng đắc chân lý hay giải thoát khổ đau mà Đức Phật đã đề xuất là hết sức cụ thể và rõ ràng. Đó là hướng đi của niềm tin chân chánh hướng thiện gắn liền với sự nỗ lực học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ về những gì mà tự thân đã được tiếp xúc, lắng nghe, học hỏi, suy cứu và cân nhắc. Không hề có“tín điều”hay sự nhẹ dạ cả tin trong phương pháp hành trì của người Phật tử. Đức Phật nói đến lòng tin nhưng không chấp nhận thái độ dễ duôi trong cách tiếp cận và thể nghiệm chân lý. Trong các bản kinh của Ngài, Đức Phật từng khuyên môn đệ mình phải xét kỹ những lời dạy, thậm chí tư cách giác ngộ của Ngài, để đoán chắc con đường mà mình đi theo8. Ngài xác nhận giáo lý của Ngài có khả năng làm sạch tâm cấu uế và khuyên người hành trì cần phải khéo léo từng bước thử nghiệm để đạt cho được mục tiêu rốt ráo là chứng nghiệm sự thật hay giải thoát khổ đau, giống như người thợ kim hoàn cần phải khéo léo trong các khâu đãi lọc và nung nấu quặng vàng để cuối cùng lấy cho được thỏi vàng tinh luyện9.

Nghiên cứu về đạo Phật, giáo sư T. W. Rhys Davids đánh giá cao thái độ tinh thần rất khoa học này của Đức Phật khi nói rằng người ta cần phải lưu ý tới mục đích lẫn phương pháp của nó khi so sánh đạo Phật với các hệ thống tôn giáo khác để thấy rõ vị trí đúng đắn của Phật giáo trong lịch sử tôn giáo của Ấn Độ và thế giới nói chung10. Theo Rhys Davids, “Phật giáo là một trong số các “tôn giáo kinh viện”. Khi chúng ta nghe rằng nó được thành lập khoảng 500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, chúng ta có thể nghĩ Phật giáo quá cổ điển, – xa xưa, sơ khai, sơ đẳng, giống như các bộ môn nghệ thuật và khoa học của thời đại xa lơ xa lắc ấy. Thế nhưng, nói một cách nghiêm túc, Phật giáo là một trong các sản phẩm mới mẻ nhất của tâm thức con người”11.

Bên cạnh phương pháp tiếp cận và thực nghiệm chân lý gồm 12 bước nỗ lực mà Rhys Davids đã xem là “sản phẩm mới mẻ nhất của tâm thức con người”, hẳn là còn nhiều vấn đề thiết thực và sâu sắc khác trong giáo lý đạo Phật đáng để cho người ta tiếp tục khám phá, ngạc nhiên và trân trọng lời Phật dạy.

Chú thích:
1. Kinh Cankì, Kinh Subha, Trung Bộ; Kinh Tevijjà,
Trường Bộ.
2. Kinh Cankì, Trung Bộ.
3. Kinh Nhất dạ hiền giả, Trung Bộ.
4. Kinh Kìtàgiri, Trung Bộ.
5. Kinh Kìtàgiri, Kinh Cankì, Trung bộ.
6. Kinh Màgandiya, Trung Bộ.
7. Kinh Kìtàgira, Trung Bộ.
8. Kinh Upàli, Kinh Tư sát, Trung Bộ.
9. Kinh Kẻ lọc vàng, Tăng Chi Bộ, Kinh Giới phân biệt, Trung Bộ.
10. T. W. Rhys Davids, Indian Buddhism, tr. 11.
11. T. W. Rhys Davids, Indian Buddhism, tr. 11.
(Văn Hóa Phật Giáo)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn