Một Phật Tử Suy Niệm Về Cái Chết

09 Tháng Mười 201416:02(Xem: 7978)
      Một Phật Tử Suy Niệm Về Cái Chết
        (A Buddhist Reflects On Death) 
       Tác giả : Vijaya Samarawickrama
        Dịch giả: Phạm Xuân Quang

 

blankĐiều bí ẩn vĩ đại của cuộc sống 

Có những câu hỏi khó nhất đối với nhân loại chưa được trả lời một cách thỏa đáng, đó là: Tại sao chúng ta được sinh ra? Tại sao chúng ta lại phải chết? Con người tin rằng họ đã từng tồn tại như là một loài sinh vật cao cấp khác biệt với những loài khác được khoảng 2 triệu năm. Con người đã trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài trong suốt khoảng thời gian này.

Từ thuở sơ khai, những nhu cầu căn bản thiết yếu để tồn tại của nhân loại cũng giống như những loài sinh vật khác, cụ thể như việc tìm kiếm thức ăn, chỗ ẩn náu và sinh sản. Tuy nhiên, con người đã phân biệt chính họ với những loài sinh vật khác thông qua cách nhận thức rằng, bên cạnh những nhu cầu căn bản, họ cần phải có nhiều nhu cầu khác để phát triển như là một sự tiến hóa từ trạng thái này đến trạng thái khác. Có lẽ trạng thái tiến bộ này sẽ được giải thích một cách tốt nhất qua biểu đồ của Maslow, biểu đồ này diễn tả những thứ bậc trong nhu cầu của con người : ( Ở đây chúng ta diễn tả các thứ bậc nhu cầu theo hàng ngang – từ nhu cầu thấp nhất đến cao nhất- ND ). 

Thức ăn, nơi ẩn náu và sinh sản (nhu cầu căn bản và thấp nhất ) → an ninh → tình yêu và khoái cảm → được kính trọng → ham hiểu biết → có địa vị xã hội và xinh đẹp → thị dục huyễn ngã hay cá tính thị dục huyễn ngã hay cá tính là nhu cầu cao nhất).

Từ biểu đồ trên, chúng ta nhận thấy rằng, thậm chí nếu tất cả những nhu cầu về vật chất và tinh thần của chúng ta đã được thỏa mãn, nhưng tâm trí của chúng ta vẫn chưa bao giờ được thanh thản một cách hoàn toàn, bởi vì nó luôn luôn tìm cách đi xa hơn để tự hỏi về lý do và ý nghĩa của hiện hữu. Nói cách khác, con người luôn luôn tự hỏi rằng tại sao mình lại sống và sống để làm gì ? Chúng ta gọi nhu cầu này là thị dục huyễn ngã hay cá tính – Self Actualization. Theo Đức Phật, con người không thể nào tìm kiếm được sự thỏa mãn trong việc giải thích trạng thái hiện hữu của chính họ - như là nguyên nhân của tất cả những nổi khổ đau và sợ hãi. Chừng nào vẫn còn sống trong vô minh thì chừng đó, con người vẫn chưa có khả năng thỏa mãn được 3 câu hỏi dưới đây:

1. Tôi là ai?
2. Tôi làm gì ở đây?
3. Tôi có cần thiết không?    
        
Chúng ta sẽ tiếp tục bị rơi vào cái vòng sanh tử và tái sanh bất tận được gọi là luân hồi. Xuyên qua những thời đại khác nhau, trí thông minh của nhân loại đã cố gắng làm sáng tỏ sự bí ẩn của sanh tử. Người ta đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau đối với những hiện tượng này. Qua nhiều thiên niên kỷ, các nhà tư tưởng đã cung cấp cho nhân loại rất nhiều câu trả lời được kết hợp một cách chặt chẽ và hệ thống hóa trong các tổ chức tôn giáo. Đa số các tôn giáo này đều dần dần tiến đến chỗ được điều khiển bởi các tu sĩ – những người đã tuyên bố về đặc quyền hành động của họ với tư cách là người đại diện cho Đức Chúa Trời. Họ đã tuyên bố rằng tất cả những gì họ công khai thừa nhận đều là chân lý và những người dám thách thức họ đã bị loại bỏ một cách không thương xót. Những nổ lực ban đầu trong việc tìm kiếm những lối giải thích sự bí ẩn của sanh tử đã được thực hiện bởi những thành viên được gọi là nguyên thủy- primal hay xã hội sơ khai – early societies. Bởi vì vào thời đó, người nguyên thủy chưa có được những lập luận thích hợp mang tính khoa học. Vì vậy, họ đã cho rằng hiện tượng sanh tử là công việc bí ẩn của những thần linh vô hình sống trong vũ trụ- những người sau đó đã được đồng hóa như là các vị thần. Một sự ghi chép thú vị trong mối kết giao với các vị thần là vào những năm 60 của thế kỷ XX, một tu sĩ tên là Anglican, giám mục xứ Woolich đã đưa ra một lý thuyết về sanh tử bằng cách thảo luận về một khái niệm được gọi là Những khoảng trống của Chúa – God of the Gaps, bất cứ điều gì mà chúng ta chưa biết hay chưa giải thích nổi đều được cho là phát xuất từ thần thánh. Theo cách đó, những vị tổ tiên nguyên thủy của chúng ta đã nghĩ rằng những hiện tượng tự nhiên như : Sấm, ánh sáng, mưa, động đất…là những công việc của nhiều vị thần khác nhau. Đến khi nhân loại đã phát triển, những vị thần này không còn đóng vai trò chính yếu nữa, họ đã bị thay thế bởi Đức Chúa Trời - OmnipotentThượng Đế - OmniscentNgười có mặt khắp nơi – OmnipresentChúa Toàn Năng – Almighty God … là người thực hiện các công việc trông coi vũ trụ và dân cư sinh sống trong trật tự của những công việc đó. Vì vậy, từ chỗ có niềm tin vào rất nhiều vị thần ( tức thuyết đa thần – polytheism), cuối cùng người ta chỉ còn tin vào một vị thần duy nhất, đó là thuyết nhất thần – Monotheism. Tuy nhiên, có một nguyên lý đồng nhất vẫn còn lưu lại, đó là hễ có bất cứ một điều gì mà chúng ta chưa giải thích được thì điều ấy sẽ trở thành trách nhiệm của thần thánh. Mặt khác, khi kiến thức về thế giới vật lý của nhân loại đã phát triển, chúng ta đã tiến đến chỗ nhận thức được rằng, những hiện tượng tự nhiên không phải là công việc của một vị thần nào cả. Chúng chỉ đơn giản là những hiện tượng tự nhiên mà thôi. Những hiện tượng này vận hành theo những qui luật của vũ trụ, chúng không phải là vũ khí của lòng ghen ghét và đố kỵ hay sự biểu lộ ý muốn trả thù của các vị thần nhằm trừng phạt con người bằng những ý định độc ác… Những hiện tượng tự nhiên sẽ trở nên dễ hiểu khi kiến thức của nhân loại đã phát triển và gặt hái được thêm nhiều khả năng để làm chủ một cách hoàn toàn bản năng tin tưởng của mình vào các vị thần. Nói cách khác, khi quyền lực độc tôn của những vị thần này đã bị giảm sút đi, chúng ta sẽ ngày càng hiểu rõ những qui luật vận hành của vũ trụ. Những tổ tiên nguyên thủy của loài người đã tin tưởng vào khái niệm thần thánh nhằm giải thích rất nhiều điều bí ẩn của cuộc sống và những vách ngăn che lấp nó.

Họ muốn biết con người đã sanh ra như thế nào và tại sao lại sanh ra. Điều gì đã xảy đến khi chúng ta sanh ra? Sự sanh đó đến từ đâu? Tại sao chúng ta lại già đi? Và dĩ nhiên, vào đoạn cuối của cuộc đời tại sao chúng ta lại phải chết? Chúng ta sẽ chết như thế nào? Tổ tiên của chúng ta đã ghi chép lại rằng khi người ta sanh ra, đã có một cái gì đó làm nên một bào thai có sự sống, khi người ta chết thì có một cái gì đó ra đi và để lại đằng sau là một thân thể không còn sự sống. Từ đó, họ đã trở nên nhận thức được tối thiểu cũng là 2 thành phần của một con người : Thứ nhất là cái vỏ giả tạo của thân thể vật chất, thứ hai là một cái gì đó mà lúc ban đầu họ đã đồng nhất hóa nó với hơi thở. Sau đó, họ cho rằng thành phần thứ hai này là tâm trí, linh hồn hay sự nhận thức. Con người đã phác họa ra một khái niệm rằng, linh hồn đã đi vào trong thân thể, cư trú trong thân thể thông qua sự sống và sẽ ra đi khi người ta qua đời. Vì không có khả năng tìm hiểu sâu xa hoặc miễn cưỡng, họ đã cho rằng linh hồn là do thần sáng tạo ra – thần là người có quyền năng tuyệt đối trong việc điều khiển con người. Vì vậy, tất cả mọi người điều phải biết vâng lời Ngài. Bởi vì người nguyên thủy chưa thể biết được điều gì sẽ xảy ra sau khi người ta chết đi. Vì vậy, họ đã rất sợ hãi cái chết. Họ luôn luôn cầu mong được sống mãi hay có được sự bất tử. Thậm chí, khi thân thể đã hết sự sống. Họ lại nghĩ rằng, khi đang còn sống, nếu thực hành theo một lối sống nào đó thì sau khi chết, người ta sẽ được bảo đảm tiếp tục sống trong một cảnh giới hạnh phúc vĩnh viễn. Khái niệm này đã trở nên rất thông dụng bởi vì khi nó vừa ra đời, xã hội loài người đã bắt đầu phát triển. Lúc đó, nó đã là một thành tố rất cần thiết trong việc làm chủ cung cách ăn ở hay lối sống của từng cá thể trong xã hội nhằm mục đích mang lại lợi ích cho cộng đồng. Những gì mang lại lợi ích cho cộng đồng được cho là tốt, là thiện lành và ngược lại là xấu ác. Từ đó, những qui tắc sống đã được phát minh, tiếp đến người ta cho rằng công việc của thần thánh là những câu trả lời cho các câu hỏi có tính chất cao siêu và khó hiểu. Vì vậy, khái niệm về tội lỗi cũng được sáng tạo ra qua những hình thức ghê rợn và khủng khiếp. Bất cứ một điều gì chống lại những qui tắc sống nói trên đều được cho là tội lỗi và có thể làm cho thần nổi giận. Những người chống đối những qui tắc sống này sẽ bị trừng phạt một cách nghiêm khắc sau khi chết. Từ đó, khái niệm địa ngục đã được khai sinh. Dĩ nhiên, nếu một người có lối sống thiện lành thì khi chết đi linh hồn của người này sẽ được lên thiên đàng – nơi mà trạng thái hạnh phúc của họ đã được bảo đảm một cách vĩnh viễn. Cách ăn ở của con người trên trần gian được giám sát bởi các tu sĩ – những người tuyên bố rằng thần đã trao cho họ quyền được hành động với tư cách là người đại diện cho Ngài. Nổi sợ hãi cái chết và tính vô minh của loài người về những điều sẽ xảy ra sau khi chết đã mang lại cho giới tu sĩ và những nhà cai trị những quyền hạn to lớn để điều khiển cuộc sống trong xã hội. Tình trạng này đã kéo dài qua nhiều thế kỷ, khi giới tu sĩ và những người thống trị cứ nói rằng họ là những người đại diện cho thần và thần sẽ ban thưởng cho những ai chịu phục tùng ý chí của Ngài. Khi phân tích những học thuyết đã phát triển trên một nền tảng gọi là linh hồn – Soul và nguồn gốc của nó, William Wordsworth – một nhà thơ người Anh đã nói:

                 Sự sanh của chúng ta là một giấc ngủ quên lãng.
                 Linh hồn đã mọc lên trong chúng ta,
                 sự sống của chúng ta là những vì sao.
                 Nó được sắp đặt tại một nơi nào đó
                 và đã đến từ một nơi rất xa lạ.

Những học thuyết khác cho rằng, Đấng đã tạo ra linh hồn sẽ trở lại phán xét nó sau khi người ta chết đi. Giai đoạn đầu khi linh hồn được tạo ra, nó chỉ có tính nhất thời, nghĩa là cuộc sống mà chúng ta đang sống hiện nay chỉ là tạm bợ mà thôi. Sau đó, khi linh hồn đã chịu sự phán xét cuối cùng, nó sẽ thực hiện một chuyến hành trình dài và cuối cùng trở lại với một thân thể vật chất không có linh hồn đã được bảo quản kỹ lưỡng. Lúc đó, thân thể vô tri vô giác này sẽ đón nhận nó. Theo quan niệm của người Hy-lạp cổ đại, nếu không được một thân thể vật chất nào tiếp nhận thì linh hồn sẽ đi vào chỗ tranh tối tranh sáng giống như địa ngục. Linh hồn sau khi rời khỏi xác cũng có thể trở thành linh hồn của tổ tiên và liên hệ với những người thân đang còn sống như con cái, cháu chắt… Khi phân tích những học thuyết nói trên một cách kỹ lưỡng, người ta nhận thấy rằng chúng đã sản sinh ra các hình thức lễ nghi cực kỳ phức tạp. Những lễ nghi đó đã mang lại một nguồn lợi khổng lồ cho giới tu sĩ – những người đã thực hiện chúng. Những hình thức lễ nghi nói trên đã tạo ra một sự bảo đảm rằng, linh hồn sẽ tìm thấy được hạnh phúc cùng tột như nó đã từng cầu xin khi đang còn sống trong một thể xác nào đó. Dĩ nhiên, trong kiếp sống kế tiếp sau khi thân xác chết đi, linh hồn sẽ được giàu sang và có nhiều quyền lực hơn kiếp sống trước. Linh hồn cũng tin chắc rằng nó đã được bảo đảm bởi một hành động đúng đắn ( qua các hình thức lễ nghi ) để được yên nghỉ một cách vĩnh viễn. Có lẽ khủng khiếp nhất đối với trí tuệ của chúng ta trong thời đại văn minh ngày nay là các nghi lễ đám tang vào thời cổ đại. Những nghi lễ này phát xuất từ những học thuyết thịnh hành vào thời đó. Trong lễ tang, người ta sẽ thực hiện lễ hiến tế sống bằng cách giết chết những người đang còn sống để linh hồn của những người bị giết có thể hộ tống cho linh hồn đã lìa khỏi xác trước đó, trong cuộc hành trình cuối cùng của nó. Ví dụ, các nhà khảo cổ đã khai quật một ngôi mộ ở Trung Quốc, nơi có hàng trăm bộ xương đã được tìm thấy. Những bộ xương này đã được xếp đặt một cách ngăn nắp chung quanh quan tài của một vị hoàng đế. Có lẽ những người đó đã tình nguyện chết theo vua hoặc có thể đã bị giết theo cái chết của chủ nhân họ. Một vị hoàng đế khác cũng được mai táng với những người vợ của mình – những người đã không có con với vị hoàng đế này khi ông ta còn sống. Thật đúng là một cách trả thù dã man. Trong quá khứ ở Nam Mỹ, trẻ em đã bị giết và hiến tế cho các vị thần để cho những vị thần này an ủi chúng, có em đã được 8 tuổi. Ngày nay, vì lòng nhân từ đối với đồng loại, những cách thực hành tôn giáo nói trên đã chấm dứt. Tuy nhiên, người ta vẫn còn tiếp tục đốt những hình nộm bằng giấy để thay thế cho người thật. Ngày nay hình thức cúng tế bằng cách đốt hình nộm không phải là hiếm trong một số bộ phận người dân Mã-Lai-Á. Ví dụ những hình nộm mang dáng vẻ của các thiếu nữ Nam-Dương và Phi-Luật-Tân vẫn thường được người ta đốt kèm với giấy vàng bạc để phục vụ cho người chết. Những loài vật tội nghiệp vẫn còn bị người ta xử dụng làm vật hiến tế sống để nuôi những linh hồn trong kiếp sống kế tiếp. Chúng ta nên có lối suy nghĩ rằng hiến tế thú vật sống là những hành động man rợ và đáng kinh tởm đối với nền văn minh trí tuệ ngày nay của nhân loại. 
 
Quan điểm của một vài nhà tư tưởng vĩ đại về cái chết  

Không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng chấp nhận mê tín dị đoan và bị các tu sĩ buộc phải thực hành chúng. Họ cũng không bị ràng buộc bởi các nhà lãnh đạo của nhiều tôn giáo khác nhau. Trong tất cả mọi xã hội, nếu con người sống trong những xã hội đó có trí tuệ, họ sẽ dám đứng lên thách thức những học thuyết cổ hủ và ngờ nghệch để có thể vượt qua được những chân lý được khám phá bởi thần thánh. Có một vài người trong số những người có thái độ phản kháng và thách thức nói trên đã bị tra tấn và giết chết. Họ bị gán cho tội có hành động chống đối lại những niềm tin đang hiện hành trong xã hội. Tuy nhiên, các hình phạt tàn khốc cũng không thể dập tắt được ý chí của những người dũng cảm – những con người dũng cảm đó đã giúp cho chúng ta hiểu được rằng, sống và chết là những hiện tượng tự nhiên mà nhân loại phải nên chấp nhận chúng bằng trí tuệ và lòng tự trọng của chính họ. Chúng ta nên nghĩ rằng, sống và chết chỉ là những bộ phận trong qui trình tự nhiên của cuộc sống. Đã có rất nhiều câu chuyện thú vị và thâm thúy kể về các nhà triết học với những quan niệm sống chết của họ. Trong những câu chuyện đó, tôi thích nhất là câu chuyện kể về Trang-Tử ( Chuang-tzu)- một nhà triết học vĩ đại sống theo học thuyết của Lão-Tử ( Taoist) vào thế kỷ thứ IV trước CN. Câu chuyện như sau : Khi vợ của Trang-Tử chết, những người bạn của ông tìm đến để an ủi đều bị một cú sốc tâm lý gây choáng váng khi họ thấy ông đang ngồi hát bên ngoài túp lều của mình, tay vừa gõ nhịp lên một cái chậu. Lúc đó Huệ-Tử ( Hui-tzu, bạn tri kỷ của Trang-Tử) đã la lên : “ Ông đã sống với người ta, người ta nuôi con trai cả của ông khôn lớn thành người, đến khi người ta chết, ông không rơi một giọt nước mắt trên thi hài của người quá cố. Như vậy còn chưa đủ xấu xa sao? Cơ sự đã như thế, lại còn ngồi gõ nhịp lên chậu mà hát”. “Không có gì cả” ,Trang-Tử đáp. “ Khi bà ấy đã chết rồi, tôi không thể nào giúp cho bà ấy sống lại được. Tuy nhiên, tôi cũng nhớ rằng trước khi được sanh ra, bà ấy đã từng hiện hữu trong một trạng thái không có hình thể như là một điều kiện bản năng hay thậm chí là không thuộc về một loại vật chất nào cả. Vật chất đã kết hợp với tinh thần để làm ra một hình thể giả tạm và cuối cùng bà ấy được sanh ra. Bây giờ, sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần đã thay đổi và bà ấy chết. Sự chết của bà ấy giống như trạng thái thay đổi từ tuần trăng này sang tuần trăng khác, giống như trạng thái luân phiên của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Khi bà ấy đang nằm ngủ vĩnh viễn ở đó, nếu tôi khóc lóc và than van thì không khác gì việc tôi tự tố cáo mình là dốt nát trước những qui luật tự nhiên này.Vì vậy tôi đã hát”. Đây là một quan điểm rất phổ biến của người Phật tử đối với cái chết, là một sự biểu lộ của lòng trung kiên với tôn giáo của mình mà chúng ta gọi là tính vô thường – Anicca ( Impermanence). Một nhà tư tưởng vĩ đại khác là William Shakespeare - một kịch tác gia nổi tiếng của Anh Quốc đã dựng lên một quan điểm tiêu biểu về cái chết khi ông công diễn vở “Julius Caesar” :

  Trong tất cả những điều kỳ diệu
  mà tôi đã từng nghe được,
  có một điều dường như làm tôi kinh ngạc nhất,
  đó là việc con người sợ hãi trước cái chết.
  Khi cái chết đến, họ cần phải hiểu rằng
  chết là một điều tất yếu phải xảy ra.

William Shakespeare cũng đã từng nói rằng:

  Người hèn nhát sẽ trải qua nhiều lần chết,
  Người hiệp sĩ không bao giờ nếm thử để biết
  mùi vị của cái chết và chỉ trải qua một lần chết mà thôi.

Trong vở “ Hamlet”, nhà vua khuyên người cháu trai của mình đang để tang cho cái chết của cha như sau:

   Con nên biết rằng cha của con cũng đã từng mất một người cha,
   Người cha đó mất đi, đã làm mất đi cái của ông ấy.
   Người còn sống, khi thực hiện bổn phận của mình
   với tư cách là con cái để đền đáp công ơn của cha mẹ
   phải biết tự kiềm chế bản thân, không nên qui lụy và khóc than.
   Nếu không chịu nghe lời khuyên của ta mà cứ khăng khăng chấp chặt
   những lời chia buồn và nuối tiếc là bất kính với Chúa.
   Đau buồn sầu khổ là điều không đáng với
   tư cách của một người đàn ông.

Hamlet cũng đã trầm tư về tính vô minh của con người qua những điều đã xảy ra sau cái chết – những điều đó là nguyên nhân dẫn đến sợ hãi tột cùng:

   Người muốn mang gánh nặng,
   cứ lẩm bẩm và ướt đẫm mồ hôi vì mệt lã.
   Bởi vì sợ hãi điều gì đó sau khi chết,
   vì chưa tìm được quê hương từ biên giới của quê hương đó.
   Không có người lữ hành nào trở lại? Một câu hỏi khó trả lời
   đã làm cho chúng ta càng thêm sợ hãi.
   Những điều đó là sự bất hạnh mà chúng ta đã có.
   Rồi thì chúng ta sẽ bay đến những nơi xa lạ nào?

Một cách tương tự, Omar Khayyam đã tự hỏi:

   Thật kinh ngạc, có phải nó không?
   Vô số những người sống trước chúng ta
   đã xuyên qua cánh cửa của bóng tối.
   Không một người nào quay lại nói cho chúng ta
   biết về con đường mà họ đã khám phá,
   con đường mà rồi chúng ta cũng phải đi qua.

Vẫn còn rất nhiều ý nghĩ tốt đẹp giống như những quan niệm vừa nêu trên đã được các nghệ sĩ và nhà tư tưởng lưu lại trong suốt 3 ngàn năm qua. Tất cả những điều đó đã giúp cho chúng ta hiểu biết về cái chết như là một sự chấp nhận nó với trí tuệ và lòng dũng cảm đã có được.

Quan niệm của những người Phật tử đối với cái chết

Một sự thật không thể phủ nhận rằng, trí tuệ giác ngộ của Đức Phật đã đại diện cho đỉnh cao thành tựu mà nhân loại đã đạt được. Ngài là người độc nhất vô nhị đầu tiên đã tự mình phát triển được một trí tuệ sắc bén để khảo sát trạng thái hiện hữu của con người đúng như nó đang là. Không một vị thầy hướng dẫn, Đức Phật đã dũng cảm nhận ra rằng Đức Chúa Trời, Thượng Đế, Đấng xuất hiện trong vạn hữu và toàn năng, Đấng Sáng Tạo… chỉ là những sự tưởng tượng. Ngài đã hiểu rằng những gì mà con người lãnh hội được thực sự là một ảo tưởng. Đức Phật chấp nhận sự đối lập giữa linh hồn và thân xác. Tuy nhiên, Ngài chỉ miêu tả chúng như là tinh thần và vật chất. Cái quan trọng hơn cần phải tìm hiểu chính là thực thể của tinh thần và vật chất. Đức Phật đã hiểu rằng, tinh thần và vật chất chỉ đơn thuần là một tiến trình biểu hiện trạng thái khởi lên và tan hoại đi của các điều kiện. Mặt khác, khi những điều kiện đã bị loại bỏ hay không còn hiện hữu, tức tinh thần và vật chất đã không còn tồn tại thì bản ngã cũng chấm dứt theo,  kể từ khi 2 yếu tố này đã không còn nương tựa vào nhau và tồn tại. Điều này có thể giải thích bằng cách quan sát một ngọn nến đang cháy.

Lửa của ngọn nến này chỉ tồn tại khi có ngọn nến. Lửa là một hiện tượng được cấu thành bởi sáp, tim nến và oxygen. Nếu thiếu vắng những yếu tố này thì lửa cũng không thể xảy đến được hay sẽ chấm dứt trạng thái hiện hữu. Tương tự như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ chấm dứt nếu chúng ta buông bỏ những yếu tố làm nguyên nhân hiện khởi của trạng thái tinh thần và vật chất. Khi tất cả những yếu tố tạo nên tinh thần và thân xác của chúng ta đã hoàn toàn chấm dứt, chúng ta sẽ không bao giờ còn tái sanh nữa. Đức Phật đã khám phá ra rằng, không hề có một vị thần hay Chúa nào dính dáng đến tiến trình sống của nhân loại. Ảo tưởng của chúng ta về một thực thể hiện hữu và thường còn được thể hiện qua tư tưởng chỉ là sản phẩm của tính vô minh hay dốt nát. Tư tưởng vô minh lại quay trở lại để làm nên một bản ngã tưởng tượng. Tiến trình này cứ tiếp diễn trong cái mà chúng ta gọi là luân hồi – Samsàra. Cái chết đơn thuần chỉ là một trạng thái chấm dứt tiến trình hiện khởi của năng lượng thuộc về vật chất và tinh thần đã tạo nên chúng ta. Tiến trình hiện khởi này được chúng ta gọi là cuộc sống của con người trong luân hồi. Thật ra, không có một cuộc sống nào tan vỡ cả hay không có ai chết cả. Đức Phật dạy rằng, nếu phát triển năng lực hiểu biết và trí tuệ của chính mình đến một mức nào đó, chúng ta sẽ hiểu được một cách thông suốt tính ảo tưởng hay vô minh của nhân loại để thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Khi đã hiểu được rằng, tính vô minh của con người chỉ là một trạng thái tái tạo ảo tưởng về một tự ngã thì đến lúc đó, chúng ta sẽ bắt đầu có khả năng phá hủy tiến trình tái sanh của chính mình. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Đức Phật đã giáo huấn cho con người thật sự hiểu được bản chất cuộc hiện hữu của chính họ. Ngài đã loại bỏ được tính vô minh bao phủ chung quanh những điều bí ẩn về sanh tử. Hai hiện tượng sanh và tử đã được giải thích như là những tiến trình tự nhiên. Một cuộc sống nào đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những cuộc sống khác như là kết quả của nó trong một chu kỳ bất tận. Từ đó, nổi sợ hãi về cái chết của nhân loại đã bị loại bỏ. Chúng ta đã được Đức Phật chỉ cho thấy và nắm bắt được cách thức để làm chủ cuộc sống của chính mình, đồng thời Ngài cũng đã trang bị cho chúng ta những công cụ phòng ngừa cần thiết để thoát khỏi sợ hãi đối với bất cứ một điều gì tất yếu phải xảy đến, cụ thể ở đây là cái chết có thể ập đến vào bất cứ lúc nào. Bởi vì Đức Phật là một người đã đạt tới tự do tối thượng từ sự nhượng bộ bất đắc dĩ và khó chịu đối với thần thánh hay áp lực của những tu sĩ. Những lời dạy của Ngài đã giúp cho chúng ta chiến thắng được cái chết bằng cách loại bỏ nổi sợ hãi khi đối diện với nó. Vì vậy, chúng ta hãy thử khảo sát một vài lời dạy của Đức Phật dưới đây.
 
Những lời giáo huấn của Đức Phật về cái chết

Một trong những phẩm chất giác ngộ vĩ đại nhất của Đức Phật, Ngài không chỉ gặt hái được kiến thức siêu phàm về trạng thái đang vận hành của vũ trụ mà còn có khả năng truyền đạt sự hiểu biết đó cho những người khác một cách rõ ràng và hiệu quả. Đức Phật Cồ-Đàm có thể giúp cho những người điên rồ trở nên có trí tuệ sáng suốt bằng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Vì vậy, Ngài đã giáo huấn cho một vài đệ tử chọn lọc những giáo lý cao siêu, trừu tượng, rất khó hiểu bằng cách xử dụng các ví dụ minh họa cho những lời dạy của Ngài. Đức Phật đã giảng dạy về cái chết cho những người thế tục như thế nào? Chúng ta hãy suy ngẫm về một vài ví dụ của Ngài.

Câu chuyện của Kisa Gotami

Đây là một câu chuyện nổi tiếng và có thật mà tất cả những người Phật tử đều biết đến. Kisa Gotami là một phụ nữ trẻ có một đứa con trai chưa đến 7 tuổi đã chết. Một điều rất tự nhiên, nàng đã thương tiếc và quyến luyến con của mình trong một tâm trạng sầu khổ cùng cực. Nàng bế đứa con đã chết đi khắp làng và cầu xin mọi người hãy làm cho nó sống lại. Cuối cùng, Gotami đã tìm đến với Đức Phật. Lúc đó, Đức Phật biết rằng Gotami là một người đang bị quẫn trí và chắc chắn nàng sẽ không bao giờ chịu lắng nghe những lời giải thích trí tuệ của Ngài về bản chất của cái chết. Thay vào đó, Đức Phật đã mong muốn rằng, chính bản thân nàng cần phải nhận thức được sự thật này. Vì vậy, Đức Phật đã nói là Ngài sẽ giúp cho Gotami cứu sống đứa con của nàng nếu như nàng có thể mang về cho Ngài một nắm hạt cải trắng ( tức những hạt mù tạc – mustard seeds- ND ) từ nhà của một người nào đó chưa từng bị mất đi người thân yêu của mình. Kisa Gotami đã đi từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác và mọi người đều hoan hỷ trao cho nàng những hạt cải trắng. Tuy nhiên, những người đó cũng đã nói với Kisa Gotami rằng, tất cả họ tối thiểu cũng đều trải nghiệm qua cái chết của một người thân đã từng sống với mình. Khi ngày sắp sửa trôi qua, Kisa Gotami đã trở nên thấm mệt, nổi sầu khổ cùng cực của nàng phần nào cũng đã dịu bớt đi. Bây giờ tâm trí của Gotami đã có thể hiểu được rằng, cái chết là một hiện tượng tất yếu trước sau gì cũng phải xảy đến đối với bất cứ một người nào đã sanh ra trong cuộc sống này. Con trai của nàng đã được sanh ra và đã chết đi, đây là một điều rất tự nhiên. Thậm chí, nếu Đức Phật có làm cho con trai của Gotami sống lại thì cuối cùng rồi nó cũng phải chết theo một cách nào đó. Khi đã nhận thức được như vậy, Gotami bắt đầu hiểu rằng sự hiện hữu của con người chẳng có một ý nghĩa nào cả. Sau đó, nàng đã mai táng đứa con trai của mình rồi quay lại tìm Đức Phật. Sau đó, Gotami đã trở thành một Tỳ-kheo Ni. Tiếp đến, nàng đã nhanh chóng nhận thức được niềm hạnh phúc cùng tột. Chính cái chết của con trai mình đã làm cho Kisa Gotami nhận thức được niềm hạnh phúc này. Nàng đã nhận thức được rằng, cái chết vẫn luôn song hành với sự sống và xảy đến rất nhanh liền sau sự sống. Vì vậy, giống như người đao phủ, cái chết luôn luôn cố tìm cho được cơ hội để tự thể hiện nó. 

Patacara

Câu chuyện của mệnh phụ phu nhân này cũng nói về cái chết tương tự như câu chuyện trước. Tuy nhiên, nó khác ở chỗ người phụ nữ trong câu chuyện lại bị mất chồng thay vì mất con trai. Cú sốc tâm lý đột ngột đã làm cho người mệnh phụ trở nên điên loạn. Bà đã hoàn toàn khỏa thân và bỏ chạy từ nơi này đến nơi khác trên khắp miền quê nơi bà đang ở. Nhiều lần bà đã bị người ta lợi dụng. Khi đang bỏ chạy khắp nơi như một người mất trí, bà chạy vào một tu viện - nơi Đức Phật cư trú và xông vào căn phòng mà Ngài đang ngồi. Lúc bấy giờ, mọi ngưòi trong tu viện đó ra sức đuổi người mệnh phụ đi chỗ khác nhưng Đức Phật đã ngăn họ lại. Ngài đã nói chuyện với bà rất tử tế và gọi bà là “chị”. Khi nghe những lời nói điềm đạm của Đức Phật, người mệnh phụ đã nên khá hơn và lần đầu tiên bà đã nhận thức được trạng thái đang khỏa thân của chính mình. Tiếp đến, Đức Phật đã yêu cầu một vài mệnh phụ khác đưa cho người phụ nữ bất hạnh này áo quần để mặc vào và mời bà ngồi xuống. Chỉ đến khi người mệnh phụ bị mất chồng đã hoàn toàn bình tĩnh, lúc đó Đức Phật mới tiếp tục nói chuyện với bà. Ngài giải thích cho bà hiểu rằng, cái chết là một điều không thể tránh được và không có bất cứ một lời than van nào có thể thay đổi được bản chất hiện hữu của con người. “Cuộc sống của mỗi người trong chúng ta trước sau gì cũng đi tới chỗ chấm dứt giống như một luồng ánh sáng vừa lóe lên rồi chợt tắt. Cuộc sống ấy như bọt nước, như giọt sương trên lá, như đường lằn được tạo ra trên mặt nước, giống như một kẻ thù đang có ý định giết ta. Cái chết là điều không bao giờ tránh được”.

Uraga Jataka

Một trong những phương pháp giáo huấn có hiệu quả nhất của Đức Phật là kể chuyện để minh họa cho quan điểm mà Ngài muốn đưa ra. Rất nhiều câu chuyện theo kiểu này của Đức Phật đã được ghi lại trong Túc sanh truyện –Jataka do chính Đức Phật kể lại về kiếp sống cuối cùng của Ngài trong thân xác hoàng tử Sĩ-Đạt-Ta ( Siddhara ). Loại chuyện này được gọi chung là Uraga Jataka hay chuyện sanh ra của con rắn (The snake birth story ). Trong thời Đức Phật còn tại thế, có một người rất đau buồn vì cái chết của đứa con trai mình. Đức Phật đã an ủi người này bằng cách kể cho ông ta nghe một câu chuyện rằng, Ngài đã từng sống và chết trong nhiều kiếp sống ở quá khứ của mình. Trong một kiếp sống ở quá khứ nọ, Đức Phật là một nông dân. Ngài là chủ của một gia đình gồm có vợ Ngài, con trai, con gái, con dâu và người tớ gái. Một ngày nọ, khi họ đang làm việc trên những cánh đồng thì người con trai bị rắn cắn chết. Khi người cha ( Đức Phật trong tương lai ) trông thấy con trai của mình chết, ông liền đặt thi hài của con mình nằm dưới một bóng cây và nhờ một người bạn tình cờ đi ngang qua trở về báo tin cho vợ của ông rằng : “ Hôm nay chỉ mang một suất ăn ra đồng mà thôi, thay vì 2 suất như thường lệ, khi ra đồng thì cả nhà cùng đi luôn”. Khi người vợ nhận được tin nhắn này, bà đoán rằng đã có một chuyện gì đó xảy ra và làm theo lời nhắn của chồng. Người nông dân dùng bữa ăn của mình xong liền đi rữa ráy chân tay và mình mẩy, ông cũng làm việc đó cho người con trai đã chết trong im lặng để chuẩn bị làm lễ hỏa táng cho anh ta. Lúc bấy giờ có một vị Trời đầy quyền uy gọi là Đế-Thích (Sakka) nhận thấy sự khác thường của gia đình này bèn quyết định tìm hiểu thật hư ra sao. Vị Trời liền hóa thân thành một ẩn sĩ và nói với người nông dân:

“Ta nhận được tin báo rằng ông đang chuẩn bị đốt một cái gì đó. Ông đang có ý định thui một con nai phải không?"
Người nông dân đáp: “Không thưa Ngài, tôi đang chuẩn bị làm lễ hỏa táng cho người con trai của tôi vừa mới chết.”
“Ta không thể hiểu nổi việc làm khó chịu này của ông, có lẽ con trai của ông là một đứa con xấu xa lắm phải không?”.
Người nông dân lại nói: “Ồ không ! Nó là một đứa con tốt nhất mà bất cứ một người cha nào cũng đều mong muốn”.
“Tại sao ông lại không khóc?”.
Người nông dân là Đức Phật trong tương lai lại đáp : “Khi thân xác giả tạm của con người chết đi thì cuộc sống của họ đã là quá khứ. Giống như tập quán của loài rắn, rắn già rắn lột xác và vất bỏ lớp da đã cũ kỹ của nó đi. Không có một lời than van nào có thể tác động đến đống tro tàn của người quá cố. Tại sao tôi phải khóc than? Con trai của tôi đã đi xa rồi”.
Người vợ cũng hoàn toàn bình tĩnh với một phẩm cách rất đáng trân trọng để đáp lời Đế-Thích như sau : “Khi đến đã không báo trước và đột ngột ra đi. Con trai của tôi đã tự đến với chúng tôi và nó cũng đã tự ý ra đi không một lời nhắn gửi. Có lý do gì để cho tôi phải đau buồn? Không có một lời than van nào có thể tác động đến đống tro tàn của người quá cố. Tại sao tôi lại phải khóc than? Con trai của tôi đã đi xa rồi”.
Người đàn bà góa vừa mất chồng, chị gái và thậm chí là người tớ gái của người quá cố, tất cả cũng đều thể hiện một sự hiểu biết sâu sắc của họ về bản chất của cái chết. Sau đó Đức Phật đã tuyên bố : “Tất cả những pháp hữu vi đều là đối tượng của cái chếtkhông có bất cứ một cái gì trên cuộc đời này có thể duy trì được trạng thái hiện hữu của nó một cách mãi mãi mà không thay đổiTất cả sự sống đều là đối tượng của cái chết. Tất cả những gì được cấu tạo nên bởi nhiều yếu tố đều là đối tượng của trạng thái tan hoại”.
  
Chuẩn bị cho cái chết như thế nào

Do vô minh,  nhiều người đã  không chỉ sợ hãi trước cái chết của chính họ mà còn sợ hãi đối với cái chết của những người khác. Họ vin vào những cách thực hành vô lý và mê tín dị đoan. Họ tin tưởng vào các thông tin được cung cấp bởi những người lãnh đạo tôn giáo vô minh. Chúng ta đã từng nghe rất nhiều câu chuyện kể về những con người vô minh và sợ hãi trước cái chết.Ví dụ khi có một người sắp chết thì người ta sẽ tiến lại gần người đó và hứa với người đó rằng : Ông, bà, cô… sẽ được lên thiên đàng nếu ông, bà, cô… chịu thể hiện sự tin tưởng vào một vị thần nào đó. Tiếp liền sau hành động phục tùng của người đang hấp hối, người ta sẽ nói với người này rằng : Ông, bà, cô… đã “được tha thứ mọi tội lỗi”. Bất cứ một người nào trong chúng ta có óc xét đoán đều có thể nghiệm ra rằng đây chỉ là một lời hứa có tính lố bịch hay buồn cười. Làm thế nào để một người khi còn sống đã thực hiện những điều xấu xa tội lỗi có thể xóa hết những điều đó bằng cách đơn giản là tự nhận mình đã tin tưởng vào một tha lực nào đó trong phút lâm chung? Ví dụ, một kẻ đã từng giết người đang ở trong phút lâm chung có được tha thứ theo cách như vậy hay không? Phật Giáo chắc chắn sẽ không bao giờ thực hiện hành động tha thứ và lời hứa lầm lạc giống như vậy. Đức Phật đã dạy rằng, đúng theo luật nghiệp báo, “người ta sẽ phải gặt lấy những gì mình đã gieo”. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn chú ý quan tâm đến hậu quả có thể xảy đến của bất cứ một điều gì mà mình đang làm, bởi vì chúng ta đã hiểu biết một cách đầy đủ rằng không có một ai có thể giúp đỡ mình sau khi đã chết. Do đó, người Phật tử sẽ tự bảo vệ và bảo đảm cho chính mình trong mọi khoảnh khắc, tự mình kiêng cữ việc sát hại kẻ khác và khuyến khích người khác không nên làm điều đó. Chúng ta cần phải tìm cách ngăn chặn những hành động lầm lạc có thể xảy đến hơn là hỏi xin sự tha thứ sau khi đã thực hiện những hành động lầm lạc đó. Hơn nữa, chúng ta nên nhớ rằng, Phật Giáo không phải là một tôn giáo đặt nền tảng trên Thuyết định mệnh – Faltalitism. Phật Giáo dạy rằng, chúng ta luôn luôn bị đau khổ vì những hành động lầm lạc mà mình đã thực hiện. Từ đó, chúng ta tin rằng những hành động sai trái mà mình đã thực hiện sẽ được ghi lại trong tiềm thức . Những kiếp sống trong tương lai của bạn sẽ được quyết định bởi nhiều điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, với sự siêng năng cần mẫn, bạn sẽ làm cho tâm trí của chính mình trở nên tinh khiết. Sau đó, tác động của những nghiệp bất thiện của riêng bạn sẽ giảm bớt hay bị loại bỏ dần dần.

Vì vậy, bạn không thể quan tâm một cách hời hợt đối với những nghiệp bất thiện mà mình đang có sau khi đã tạo ra những nghiệp này. Thay vào đó, bạn cần phải tự thân nổ lực để tinh khiết hóa tâm thức của chính mình. Không có bất cứ một vị thần nào có thể giúp bạn thoát khỏi tác động hay kết quả của nghiệp nói chung. Chúng ta phải luôn tự nhớ rằng, có một cách thức thực hành chắc chắn có thể loại bỏ được những nghiệp bất thiện, đó là :

Suy niệm về cái chết.

Có một niềm tin mê tín rất phổ biến cho rằng, chúng ta không nên nói hay suy nghĩ về cái chết, bởi vì nếu khi làm như vậy thì những điều xấu xa sẽ xảy đến với chúng ta. Ngược lại, cách thức tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết là luôn luôn quan tâm đến nó. Chỉ bằng cách đó, bạn sẽ buông bỏ được những thói quen tư duy lầm lạc không cần thiết, buông bỏ được cảm giác sợ hãi khi phải đối diện với cái chết. Bằng cách đó, bạn sẽ có khả năng sống một cuộc đời hoàn thiện cho đến khi cái chết xảy đến. Bạn có thể cầm chắc rằng, hạnh phúc trong tương lai của chính mình đã được bảo đảm. Tiến trình suy niệm về cái chết có thể bị phủ nhận chỉ khi nó đi kèm với trạng thái tâm sợ hãi. Đức Phật đã từng khuyên rằng, hãy suy niệm về tất cả những hiện tượng đang xảy ra trong và chung quanh ta một cách bình thản, điềm đạm và khách quan. Khi thực hành như vậy, bạn sẽ tìm ra một phương pháp để tự quan sát và nhận biết được rằng, mọi hiện tượng cấu thành không sớm thì muộn, rốt cuộc rồi cũng phải đi đến chỗ hoại diệt.

Có sống tất nhiên phải có chết và cái chết là một bộ phận không thể thiếu được trong tiến trình sống của nhân loại. Bạn cứ tiếp tục quan sát và sẽ nhận ra được một vài khía cạnh thật sự thuộc về bản chất của cái chết, để sẵn sàng đối diện với nó. Cái chết cũng không dính dáng gì đến những hành động tội lỗi mà chúng ta đã thực hiện trong những kiếp sống ở quá khứ. Trong khi đó, có rất nhiều người khác vẫn còn sợ hãi cái chết, bởi vì vẫn còn một số người đang sẵn sàng sát hại đồng loại của họ để tranh giành sự sống - những người vẫn ngày đêm vun bồi tính tham lam và bám víu vào những gì đang hiện hữu trên thế giới này. Đức Phật dạy chúng ta rằng, trạng thái được mãn nguyện là thành tựu cao nhất của con người. Nếu chúng ta có thể sống một cuộc đời tri túc, cùng với tất cả mọi người khác, chúng ta hãy tập trung vào một lối sống đơn giản và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Từ đó, chắc chắn đến khi qua đời, chúng ta sẽ chấp nhận cái chết một cách trầm tĩnh với tất cả chân giá trị của chính mình. Bởi vì đến lúc đó, bạn sẽ không còn nuối tiếc về bất cứ một điều gì nữa. Bây giờ, chắc chắn bạn sẽ nghĩ rằng :  “Ồ ! thật dễ dàng để nói đến mọi chuyện khi vẫn đang còn khỏe mạnh, đang được bạn bè và những người thân quan tâm chăm sóc, yêu thương… Tuy nhiên, khi ta đã già yếu và cô đơn thì cái gì sẽ xảy ra?” Bạn có thể làm được cái gì nữa không, nếu bị mắc một chứng bệnh nan y như ung thư chẳng hạn, mặc dù đang còn trẻ tuổi? Lúc đó, liệu bạn có thể bình tĩnh được không?” Đây là một quan điểm đúng đắn. Khi mọi chuyện đang còn tốt đẹp, bạn không nên nghĩ rằng những tình trạng đó sẽ bền vững mãi mãi. Ngược lại, chúng ta nên hiểu về nguyên lý vô thường – Anicca ( Impermanence) của vạn hữu.

Bạn không thể nào chạy thoát khỏi nguyên lý này. Sanhlãobệnhtử là những điều khó tránh trong một kiếp người, chỉ có người điên mới nghĩ rằng họ được miễn nhiễm trước tác động của những hiện tượng này. Cũng như thật điên rồ khi làm ra vẻ mình chẳng bao giờ trở thành nạn nhân của sanh, lão, bệnh, tử. Trong thực tế, chúng ta cũng không nên tỏ ra quá đau khổ khi những hiện tượng nói trên xảy đến, bởi vì điều đó là không cần thiết.

Mặt khác, người khôn ngoan sáng suốt sẽ biết chuẩn bị cho bản thân mình, không những trên phương diện tinh thần, mà còn trên phương diện vật chất để giảm thiểu tối đa trạng thái khổ đau đến từ sanh, lão, bệnh, tử. Không có một lời cầu nguyện thần thánh nào, một lời ước nguyền nào, một sự hiến tế nào, một phép màu nào có thể giúp chúng ta tránh được sanh, lão, bệnh và tử. Như Shakespeare đã từng nói : “ Hãy sẵn sàng đón nhận tất cả”, Đức Phật cũng đã nói : “ Không có một cái gì được sanh ra mà không chết đi”. Thậm chí, sanh, lão, bệnh, tử là bản chất tự nhiên của muôn loài chúng sanh. Đúng là khi quả đã chín mùi thì luôn sợ bị rơi rụng, ai ai cũng thường sợ hãi cái chết. Đến mức đó, thế giới luôn luôn chịu sự tác động sâu sắc bởi tuổi già và cái chết. Vì vậy, những người khôn ngoan sẽ không bao giờ đau buồn trước cái chết. Thay vào đó, họ nhận biết được một cách đúng đắn cách thức hoạt động của thế giới.  Nếu biết tận dụng những hoàn cảnh thuận lợi khác để suy niệm về cái chết thì điều này sẽ giúp chúng ta có khả năng sống tốt hơn. Theo Phật Giáo, khi du hành qua chu kỳ sinh diệt bất tận trong luân hồi, chúng ta có thể bị sanh vào 1 trong 6 cảnh giới được gọi chung là Lục Đạo,  bao gồm : Trời, người, A-tu-la, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục.

Sáu cảnh sống này lại được chia thành những trạng thái nhỏ hơn để làm thành 31 cõi sống trong toàn vũ trụ. Tất cả những cõi sống này đều là những trạng thái bất như ý. Tốt nhất là được sanh vào cõi người. Bởi vì cuộc đời của một con người là tương đối ngắn ngủi. Do đó, bạn có thể quan sát được những hiện tượng sanh diệt luôn luôn xảy ra chung quanh chúng ta. Khả năng quan sát đó sẽ giúp bạn hiểu được tính vô thường và ý nghĩa hiện hữu của chính mình. Nhiều lần trong kiếp sống làm người, chúng ta đã trải nghiệm được hạnh phúc và khổ đau. Nhờ đó, chúng ta sẽ nhận thức được tại sao mình cần phải thoát khỏi luân hồi- Samsàra. Trong những cảnh sống khác, mọi sinh vật ở đó chỉ trải nghiệm trạng thái sống chết trong nổi cô đơn. Họ không thể trải nghiệm được luân hồi một cách trọn vẹn. Do có thể chứng kiến được tính vô thường của cuộc sống, con người có thể suy niệm về cái chết, quán tưởng về tính ích kỷ, ghét bỏ hay sân hận… của chính họ đã được hình thành như thế nào. Một khi đã có khả năng quán tưởng trên những tính xấu đó, bạn sẽ dễ dàng có được lòng khoan dung và trắc ẩn đối với những người khác. Chỉ trong một thời gian ngắn suy niệm về cái chết, chắc chắn bạn sẽ làm cho chính mình trở thành một con người tốt đẹp hơn.

Mái tường của cái chết

Người ta không thể phủ nhận rằng, cái chết của một người thân của họ là một sự trải nghiệm cực kỳ khổ đau và khó chịu đựng nổi. Thật ra, không có vấn đề gì khó khăn khi chúng ta cố gắng đối diện với cái chết một cách thông minh, kiểm soát được cảm xúc một cách tốt hơn, có khả năng kiềm chế để chấm dứt trạng thái phản ứng lại với những nổi đau buồn và sự thất vọng. Cảm xúc là một hiện tượng rất tự nhiên, chúng ta không cần phải cảm nhận mỗi khi trải nghiệm chúng. Bạn chỉ cần chú ý và hiểu được cảm xúc. Sự thật, các nhà tâm lý học đã từng khuyên rằng hãy để cho cảm xúc của chúng ta tự biểu lộ chính nó, bởi vì ngăn chặn cảm xúc là một hành động có hại cho sức khỏe. Khóc là một hành động tốt bởi vì hành động này giúp cho người ta giảm bớt nổi đau. Tuy nhiên, đau buồn quá mức là thiếu sự hiểu biết. Sau khi để cho nổi đau lúc ban đầu và cú sốc tâm lý đã giảm bớt cường độ, chúng ta phải bắt đầu tập trung tư tưởng và chuẩn bị để tiếp tục sống. Bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn khi phải trải qua một trạng thái hoàn toàn không có nơi nương tựa, không còn năng lực để làm bất cứ một việc gì. Đó là lý do tại sao, trí tuệ mà tổ tiên của chúng ta đã để lại trong mọi nền văn hóa ngày nay, có rất nhiều hình thức lễ nghi cần phải thực hiện khi có một ai đó qua đời. Những lúc như vậy, người thân và bạn bè của người quá cố tập trung lại chung quanh người này để chuẩn bị công việc tẩm liệm, thông báo những điều cần thiết, đọc Kinh và hỏa táng…Tất cả những hoạt động này mang lại cho chúng ta một cái gì đó để vật chất hóa nỗi đau. Tổ tiên của loài người cũng đã để lại nhiều hình thức nghi lễ mà thực tế đã được thực hiện trong các đám tang và các ngày lễ tôn giáo. Những hình thức nghi lễ này có hiệu quả chữa bệnh bởi vì chúng có thể làm cho người ta thoát khỏi những cảm giác khổ đau. Những truyền thống này mang lại lợi ích bởi vì nhờ chúng mà mọi người biết cách đối xử tốt với người khác, cũng như có khả năng giảm bớt những vấn đề rắc rối trong xã hội. Tuy nhiên, bạn không nên để cho chính mình trở thành kẻ nô lệ cho truyền thống. Chúng ta nên loại bỏ những hủ tục vô nghĩa đã lỗi thời, cũng như không nên thực hành những hình thức nghi lễ nào nếu cảm thấy chúng không còn thích hợp với tư tưởng hiện đại ngày nay của nhân loại.

Cách thức nhận biết để chỉ đạo một đám tang

Bây giờ chúng ta hãy tóm tắt những quan điểm về cái chết của người Phật Tử. Những quan điểm này có thể xử dụng để thảo luận về việc người ta nên làm cái gì khi có một người thân qua đời. Chúng ta nên chống lại tính vô minh về bản chất của hiện hữu đã làm phát khởi những hình thức mê tín tàn ác khi quan niệm về cái chết. Thật vô ích khi chúng ta nói chuyện hay giải bày với những con người ngây thơ đã trở thành nạn nhân của những nhà lãnh đạo tôn giáo vô liêm sĩ - những người đã thu vào một số tiền rất lớn khi chỉ đạo một đám tang và thực hiện những lời tuyên bố thiếu căn cứ rằng, họ có thể bảo đảm cho linh hồn của người chết được hạnh phúc thông qua những lời cầu nguyện và những nghi lễ mà họ đã thực hiện. Đã có nhiều người khác chống lại tính khoan dung vô minh của những người lớn tuổi và người thân của họ, khi những người lớn tuổi tuyên bố họ biết rằng tất cả những nghi lễ do tổ tiên để lại là nên thực hiện để bảo đảm an toàn cho việc chuyển sang một thế giới khác của linh hồn người chết. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với các điều cấm kỵ và những phong tục vô nghĩa, người ta đã đúc kết kinh nghiệm sống và làm nên một hình thức đám tang theo kiểu Phật Giáo.Từ đó, nhiều đám tang được tổ chức theo kiểu Phật giáo đã được thực hiện theo Giới bất tổn sinh. Tuy nhiên, người ta vẫn còn khóc than một cách vô lý và không cần thiết trước những vấn đề không cần phải làm như vậy. Những cách thực hành tôn giáo vô lý cũng phần nào mang lại tiếng xấu cho Phật Giáo và tạo cơ hội cho những tôn giáo khác chế nhạo và giễu cợt.

Sau đây là một số ví dụ về những cách thực hành có tính mê tín dị đoan mà Phật Giáo sẽ không bao giờ thực hiện:

1. Tháo dỡ những bức tranh đang treo trên tường nhà –nơi đặt thi hài của người chết.
2. Không hỏa táng người chết vào ngày thứ sáu hay thứ ba.
3. Di chuyển quan tài của người chết đi vòng quanh mộ phần 3 vòng để làm cho linh hồn quên mất đường đi và ngăn chặn không cho nó quay trở lại.
4. Không mang thi hài của người chết vào nhà nếu người quá cố trước đó đã không chết trong nhà của mình.
5. Đổi hướng quan tài của người chết khi nó được mang ra khỏi nhà.
6. Phun nước hoa lên thi hài người chết trước khi đóng nắp quan tài.

Những cách thực hành vô lý nói trên và nhiều cách thực hành vô nghĩa phát xuất từ các truyền thống tôn giáo khác đã len lỏi vào bên trong Phật Giáo. Một điều quan trọng mà những người Phật tử cần phải biết là một đám tang của Phật Giáo được tổ chức rất đơn giản, rất ít lễ nghi. Kinh phí cho một đám tang theo kiểu này được chi ra một cách hợp lý và biết tiết kiệm đúng mức. Thậm chí trong thời Đức Phật còn tại thế, những đám tang cũng thường được tổ chức một cách đơn giản và được đặt trên một sự hiểu biết căn bản rằng, thân xác không khác gì một đống vô tri vô giác như đất, lúa, ngũ cốc…đã được cấu thành từ những yếu tố không có gì đáng tôn quí. Người ta có thể chọn một hình thức mai táng nào đó mà họ cho là hợp lý và thuận tiện. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người chuộng hình thức hỏa táng bởi vì hình thức này rất tốt cho việc bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là các vùng đô thị. Không cần thiết phải mua một cỗ quan tài đắt tiền bởi vì trước sau gì chúng ta cũng sẽ đốt nó đi hay mai táng bằng một hình thức nào đó. Tro hỏa táng có thể được rải xuống biển hay đem chôn đi, tùy theo mong ước phát xuất từ gia quyến của người quá cố. Khi đám tang đang diễn ra, tốt nhất là gia quyến của người quá cố cần phải biết né tránh biểu lộ sự đau buồn một cách quá đáng. Cách tốt nhất là toàn thể gia đình nên quây quần lại một cách yên tĩnh và đọc những loại sách tôn giáo. Họ cũng có thể lắng nghe tiếng tụng kinh của các Tỳ-kheo đã được ghi lại trong các loại băng từ, đĩa CD, MP3… Cách tốt nhất là kiêng cữ những cuộc tranh luận, cãi cọ không cần thiết về cách tổ chức đám tang giữa các thành viên trong gia đình. Những ý tưởng nhạy cảm cần phải đem ra bàn bạc và thông qua sự đồng ý của tất cả mọi người để rút ra được cách thức thực hiện tối ưu, tránh tình trạng ồn ào hay lớn tiếng giữa đám tang. Những điều gì đã được mọi người quyết định thì phải giữ nguyên và cứ theo đó mà thực hiện. Nếu quí vị còn ngờ vực hay cảm thấy chưa hiểu rõ về một điều gì đó thì có thể tham vấn ý kiến từ một tu sĩ Phật Giáo để nhận được những lời khuyên. Thật vô nghĩa khi có rất nhiều vòng hoa tang to lớn và đắt tiền được gửi đến cho nhà có đám tang. Những vật dùng để biểu lộ tình cảm với người chết nên có là một vài bông hoa, một ít nến và nhang đặt ở đầu quan tài ( có nơi lại đặt ở phía chân quan tài). Bằng cách này, người ta sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn. Sau đó, họ có thể xử dụng số tiền tiết kiệm được vào những công việc hữu ích như : Giúp đỡ người nghèo, xuất bản sách Phật Giáo để hồi hướng cho người chết, chi dùng vào các công việc gia đình sau lễ tang…Theo phong tục thông thường trong quá khứ, tang chủ sẽ cung thỉnh các Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo Ni đến nhà của mình để sắp đặt và chỉ đạo những nghi thức tang lễ.  Trong những dịp này, các tu sĩ thường có các buổi nói chuyện để khiến cho mọi người có thể quán tưởng về bản chất của sự sống và chết, tính vô thường và những công việc thiện lành cần phải thực hiện khi đang còn sống. Tuy nhiên, khi vì một lý do đặc biệt nào đó, các Tỳ-kheo không thể tổ chức thuyết Pháp hay nói chuyện được thì gia quyến của người quá cố cũng không nên hốt hoảng, hoang mang. Những người có kiến thức tốt có thể tổ chức đám tang một cách đơn giản. Những nghi lễ tang ma trong quá khứ của Phật Giáo cũng rất đơn giản, không kéo dài, không có những hình thức hành lễ cầu kỳ, ràm rà và kiểu cách. Giản dị và trầm lặng trong lễ tang của Phật Giáo là nét đặc trưng mà chúng ta cần phải ghi nhớ.

Những nghi lễ sau khi mai táng

Ngay lập tức sau lễ mai táng, những bạn bè và thân bằng quyến thuộc của người quá cố lại quay trở về nhà vừa có đám tang để tham dự một bữa tiệc đơn giản. Mục đích chính của bữa tiệc này là mọi người quây quần lại để an ủi và thể hiện sự cảm thông với gia quyến của người quá cố. Bữa tiệc này cũng là khoảng thời gian dùng để tổ chức tụng Kinh và thực hành thiền.

Một tập quán lâu đời của những gia đình Phật Tử là tổ chức những buổi lễ tưởng niệm người chết một tuần, ba tháng hay một năm sau lễ mai táng.

Một vài người rất xem trọng việc tính toán một cách chính xác các mốc thời gian nói trên. Tuy nhiên, kể từ khi Phật Giáo được xem là một tôn giáo của lý trí. Tất cả những nghi lễ tưởng niệm người chết rườm rà và phiền phức đã được giảm thiểu một cách linh hoạt. Trong những dịp này, một vị Tỳ-kheo sẽ viếng thăm gia đình vừa có đám tang nói trên để thuyết Pháp hay tụng kinh, bạn bè và người thân quen với người quá cố cũng đến tham dự.

Nghi lễ truyền thống để vinh danh người chết thường được tổ chức trong vòng 2 ngày, bắt đầu từ đêm đầu tiên khi những Tỳ-kheo Phật Giáo viếng thăm để thuyết Pháp hoặc tụng đọc những bài Kinh thiêng liêng của Phật Giáo.Mục đích của nghi lễ này là khiến cho mọi người đang hiện diện có khả năng tâm niệm rằng, cái chết là một điều không thể tránh được và điều cần thiết là chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng đón nhận nó. Bằng cách bỏ thời gian để quán niệm về cái chết, tâm trí của chúng ta sẽ được tinh khiết, nâng cao trí tuệ và gặt hái phước báu. Quán niệm về cái chết mang lại cho chúng ta cảm giác trầm tĩnh, yên bình và hạnh phúc. Buổi sáng ngày hôm sau, những Tỳ-kheo lại đến viếng thăm và thọ dụng buổi điểm tâm tại gia đình vừa có ngưòi chết. Tiếp đến sau buổi ăn trưa, lại có một chương trình thuyết Pháp khác. Có rất nhiều người đã nhầm lẫn khi nghĩ rằng mục đích của buổi lễ này là nhằm để phục vụ nhu cầu thọ thực của các Tỳ-kheo.Thật ra là không phải như vậy. Mục đích viếng thăm của các Tỳ-kheo là chia xẻ bữa ăn một cách tượng trưng để đón nhận sự ủng hộ và tôn kính của chúng ta đối với họ. Theo cách này, những Tỳ-kheo sẽ có khả năng tiếp tục chăm sóc phần trí tuệ của cộng đồng một cách tốt hơn. Nói tóm lại, đối tượng chính được ưu ái trong những buổi lễ sau đám tang là những người thế tục chứ không phải là các Tỳ-kheo. Quả thật, các Tỳ-kheo phải dành phần ưu ái cho những người thế tục và tạo cho họ có được cơ hội để thực hành tính khoan dung, nhân bản và thiện chí…Điều quan trọng là chúng ta cần phải có Chánh kiến ( tức sự hiểu biết đúng đắn) khi thực hiện những nghi lễ có ý nghĩa mà chúng ta gọi là bố thí. Tính hoài nghi là một trở ngại lớn trong quá trình nâng cao năng lực hiểu biết mà chúng ta cần phải loại bỏ khi có thể. Một sự nhận thức lầm lạc khác của rất nhiều người Phật tử là bằng một cách thức nào đó, người chết sẽ thọ dụng được vật thực mà chúng ta dâng cúng khi tổ chức lễ bố thí. Do đó, trong buổi lễ đám tang hay tưởng niệm người đã chết, người ta thường có thói quen nấu những món ăn mà khi còn sống, người quá cố rất thích xử dụng chúng để dâng cúng. Thỉnh thoảng, tập quán được kế thừa này đã gây ra sự tốn kém to lớn và bất tiện cho gia quyến của người quá cố. Tuy nhiên, sự hiểu biết của người Phật Tử có thể được thăng tiến khi họ biết thực hành bố thí một cách đúng đắn. Từ những khoảnh khắc đầu tiên, kể từ khi một người nào đó đã quyết định bố thí thì người này cần phải có thiện chí, lòng biết ơn và tính rộng lượng. Những trạng thái tâm lý tốt đẹp này cần phải được duy trì một cách liên tục cho đến khi hành động bố thí đã hoàn tất để có thể gặt hái được lợi ích một cách tối đa. Phật Giáo là một tôn giáo được hình thành trên nền tảng của lý trí, những giáo lý phổ biến của tôn giáo này dạy rằng tính giản dị, lòng tự trọng và đứng đắn là những điều tối cần thiết cho cuộc sống của con người.Những quan niệm sống chết hợp thời sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa. Văn hóa tinh thần của người xưa mà chúng ta đã thừa kế thừa thường bị áp đặt phải đem ra áp dụng trong các công việc xã hội. Có trường hợp những người thân và bạn bè của người quá cố không phải là Phật Tử thường không thực hiện các nghi lễ tôn giáo trong một đám tang.Tuy nhiên, họ vẫn cúng dường các loại thức ăn ngon cho người quá cố, vẫn cười nói tự nhiên, thậm chí khi các Tỳ-kheo có Giới đức đang hành lễ. Lối cư xử đó làm cho những người Phật Tử cảm  thấy khó chịu, thậm chí là chán ghét. Nếu một người nào đó được mời đến dự các buổi lễ đám tang theo kiểu Phật Giáo thì tối thiểu người này cũng phải giữ sự im lặng để tỏ ra biết tôn trọng mọi người chung quanh. Mặt khác, anh ta hay cô ta cũng nên lưu lại để cùng mọi người tham dự lễ.

Bổn phận đầu tiên của người tổ chức các nghi lễ cho thân quyến của người quá cố là phải hiểu rằng, người đã chết cần phải được tưởng nhớ với tinh thần tôn kính và đúng mực. Những thành kiến xã hội không cần thiết phải được vứt bỏ để có thể thực hiện những nghi lễ Phật Giáo chân chính. Một người ngay thẳng và thành thật cần phải biết loại bỏ những hủ tục lỗi thời và trái ngược với luân thường đạo lý khi thực hiện các nghi lễ tôn giáo của họ. Trong một đám tang, người chết là trung tâm và ngoài ra không một ai có vai trò quan trọng cho bằng người này.Những người khác trong đám tang cần phải có thiện chí và thành thật tỏ lòng tôn kính để tưởng nhớ đến người quá cố. Sau khi thực hiện các nghi lễ cần thiết trong một đám tang, gia quyến của người quá cố sẽ có những hoạt động gọi là hồi hướng phước báu cho người chết. Theo Phật Giáo, khi một người đã chết thì người này có thể đã tái sanh vào một trong 31 cõi sống trên toàn vũ trụ một cách ngay lập tức. Có một số người sau khi chết đã trở thành Chư Thiên do tác động của những nghiệp thiện lành đã tạo. Bên cạnh đó, một số người khác đã bị tái sanh vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh do đã tích lũy những nghiệp bất thiện. Tuy nhiên, có một cảnh giới trung gian nằm giữa cõi sống ở hiện tại và cõi sống mà người chết sẽ tái sanh vào. Một số người sau khi chết đi có thể tái sanh vào cảnh giới này và khi đang còn ở đó, họ đang ở trong một trạng thái không thể tạo nghiệp, dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Do đó, những người còn sống có thể thực hiện các hành động thiện lành như bố thí, cúng dường… để hồi hướng phước báu cho họ. Hồi hướng thực chất là một hành động phát các tín hiệu tinh thần thiện lành đến với những người đã chết nhưng chưa tái sanh được mà vẫn còn ở trong cảnh giới trung gian nói trên.

(Cảnh giới trung gian vừa nói chính là thân trung ấm. Đối với vấn đề này, một số trường phái Phật Giáo Nguyên ThủyTheravàda đã phủ nhận cảnh giới trung gian này. Trong khi đó, truyền thống Phật Giáo Đại Thừa-Mahayana và một vài truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy khác vẫn luôn cho rằng có thân trung ấm. Vì vậy, họ thường có hình thức nghi lễ được gọi là cúng tuần cho người chết. Nghi lễ này thường diễn ra trong 7 tuần liên tiếp, mỗi tuần cúng một lần, kể từ tuần đầu tiên khi một người nào đó qua đời – ND). Theo quan niệm về thân trung ấm, khi những người bất hạnh đã chết nhưng đang còn ở trong cảnh giới trung gian nói trên, họ sẽ rất hạnh phúc khi nhận thức rằng mình đã được những người đang còn sống tưởng nhớ. Do lực thúc đẩy này, họ sẽ được tái sanh vào những cảnh sống tốt đẹp hơn. Cách thực hành này được gọi là hồi hướng phước báu. Nó thường được thực hiện qua biểu tượng thảy nước cúng hay đổ một lượng nước từ một thùng chứa lớn sang một thùng chứa nhỏ hơn. Khi đang thực hiện hành động này những người đang còn sống phải hội tụ tâm ý để hướng về người quá cố, kể từ khi nghi lễ được bắt đầu cho đến khi đã hoàn toàn kết thúc. Tại các quốc gia như Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan, lễ hồi hướng phước báu được tổ chức nhằm giúp cho người chết được tái sanh vào một cảnh giới nào đó. Dĩ nhiên, không có ai có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, một người chết nào đó đã tái sanh ở đâu sau khi được hồi hướng phước báu. Tuy nhiên, nếu những người đã chết được tái sanh vào một cảnh giới thì đó là một điều lợi ích cho họ. Mặt khác, nếu người đã chết được tái sanh vào một cảnh giới tốt đẹp thì đây chính là kết quả của những hành động thiện lành mà người đó đã từng thực hiện trong quá khứ. Trong trường hợp này, người quá cố không cần những người còn sống hồi hướng phước báu cho mình. Lúc đó, chính những người còn sống sẽ hưởng được phước báu bởi vì họ đã mang lại lợi ích cho nhiều người khác. Một người nào đó có thể thường xuyên thực hiện việc hồi hướng phước báu cho những người đã quá cố nếu thấy thích làm như vậy. Tuy nhiên thông thường, người ta sẽ thực hiện việc này vào thời điểm mà thân nhân của họ đã qua đời được 1 tuần, 3 tháng hay 1 năm. Theo một quan niệm khá phổ biến, lễ hồi hướng phước báu cũng thường được tổ chức hàng năm vào những dịp thuận tiện nào đó. Tuy nhiên, các buổi lễ hồi hướng phước báu được tổ chức hàng năm là không có tính bắt buộc. Có một cách thực hiện các hành động phước thiện vì lợi ích của người chết khác, đó là : Thực hành theo những lời dạy của Đức Phật, quan tâm chăm sóc cho những người lớn tuổi, người tàn tật... Như vậy cũng là một cách hồi hướng phước báu cao thượng.Thông thường, sau khi một người qua đời thì gia quyến và bạn bè của người đó sẽ đóng góp tiền của để xuất bản các loại sách Phật Giáo nhằm mục đích hồi hướng phước báu. Các loại sách này thường được phát hành dưới dạng ấn tống hay Pháp thí. Bố thí tứ vật dụng cho người nghèo, cúng dường tiền của hay công sức để xây dựng các ngôi đền thờ Phật, phóng sanh …cũng là những cách hồi hướng phước báu cao thượng. Trong mọi trường hợp, chúng ta cần nhớ rằng số tiền bạc hay của cải mà những người muốn hồi hướng phước báu phải chi ra để thực hiện lễ này là hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí, lòng hảo tâm và khả năng của họ, không có một qui định nào được đặt ra để bắt buộc họ phải chi trả bao nhiêu và bao nhiêu…Điều quan trọng là các thí chủ phải cảm thấy hoan hỷ khi tham gia vào các hoạt động cúng dường để hồi hướng phước báu, đồng thời họ cũng không nên tỏ ra hối tiếc hay quyến luyến đối với tài sản mà mình đã bỏ ra để thực hiện lễ này. Nếu một người nào đó muốn hồi hướng phước báu cho người đã quá cố nhưng không có điều kiện về mặt tài chánh thì người này có thể cúng dường sức lao động với tâm thức thiện nguyện hay tham gia vào các hoạt động có tính từ thiện khác.

Kết luận

Những người Phật tử nên có quan niệm về hiện tượng chết dựa trên nền tảng của lý trí và xem nó như là một điều tự nhiên, là một bộ phận không thể thiếu của đời sống. Họ nên duy trì tính điềm tĩnh để đối diện với cái chết, không nên khóc lóc om sòm vì quá yêu thương người quá cố. Họ nên tổ chức đám tang cho người chết bằng những nghi lễ giản dị, có phẩm cách cao quí và ý nghĩa thiết thực. Họ không mù quáng tin tưởng và tuân thủ bất cứ một “giới luật vô lý” nào cả. Hình thức khóc mướn để tỏ lòng yêu thương đối với người chết đã phổ biến từ lâu đời trong đại chúng cần phải được chấm dứt, bởi vì nó thật sự không có một ý nghĩa nào cả.

------------------------------------------------------------
(Nguồn: http://sugiachanh.com/ - Pháp Âm Cứu Khổ)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn