Quán pháp giới qua giáo lý Thập như thị

19 Tháng Mười Hai 201415:31(Xem: 7357)

Quán pháp giới qua giáo lý Thập như thị

Thích Đức Trí

Giới thiệu giáo lý Thập như thị

Giáo lý Thập như thị xuất xứ ở phẩm Phương tiện, kinh Diệu pháp liên hoa. Đây là bộ kinh Đại thừa xiển dương tinh thần Nhất thừa, con đường hướng đến quả vị Phật. Giáo lý Phật từ thời kỳ đầu gồm 3 thừa: Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát(1). Thanh văn thừa, hành giả tu tập theo pháp Tứ diệu đế, đắc quả A la hán, nhập Niết bàn. Duyên giác thừa, hành giả tu tập theo pháp Thập nhị nhân duyên, đắc quả Duyên giác và nhập Niết bàn. Bồ tát thừa, hành giả tu tập theo tinh thần thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, hành pháp Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ. Đức Phật giảng rằng: Ban đầu ngài tạm dùng ba thừa giáo để độ chư đệ tử, về sau Ngài giảng giáo lý đầy đủ, thâu tóm ba thừa trở về một thừa, gọi là Nhứt thừa, hay Phật thừa. Nội dung Thập như thị được dẫn từ kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện, nguyên văn chữ Hán như sau (Duy Phật dự Phật, nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng. Sở vị chư pháp như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt cứu cánh đẳng). Nghĩa là: "Chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: Tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy".(2)Thực chất các pháp được tồn tại y như bản nguyện của nó với mười đặc tính, hay nói rõ hơn, đó là mười phương diện phản ảnh sự thật của các pháp. Bài viết này trình bày giáo lý Thập như thị, mục đích là để tìm hiểu phương pháp quán tâm, vì tâm là chủ thể của muôn pháp, tỏ ngộ tâm là tỏ ngộ chân lý, đó là mục đích Đức Phật và giáo lý của Phật xuất hiện tại thế gian.

Giải thích ý nghĩa Thập như thị

Người viết xin dẫn các thuật ngữ nguyên chữ Hán và âm Hán Việt để giải thích nội dung cần thiết. Thập như thị , Thập là mười, Pháp hoa huyền nghĩa định nghĩa Như thị rằng: 3) (Bất dị danh như. Vô phi viết thị). Nghĩa là: Như là chẳng khác, chẳng sai biệt; thị là chẳng sai trái, đúng sự thật. Đó là mười đặc tánh chung cho tất cả pháp giới bao gồm thế giới chúng sanh cho đến thế giới của Phật và Bồ tát. Cái chung ấy bao gồm trong nội dung giáo lý Thập pháp giới. Thập là mười, pháp giới được hiểu thông thường là thế giới, nhưng thế giới chỉ mang ý nghĩa hạn lượng, pháp giới chỉ cho toàn bộ cảnh giới chúng sanh, chúng sanh không hạn lượng, thì pháp giới không hạn lượng, cõi Phật cũng không hạn lượng. Thập như thị là nguyên lý tồn tại của tất cả Pháp, đó là: Như thị tướng, Như thị tính, Như thị thể, Như thị lực, Như thị tác, Như thị nhân, Như thị duyên, Như thị quả, Như thị báo, Như thị bổn mạt cứu cánh. Mười đặc tính này sẽ được giải thích cụ thể sau đây.

1.Như thị tướng (tướng như vậy). Tướng là tướng mạo hiện ra bên ngoài có thể nhận thức, phân biệt rõ ràng, bắt đầu từ cảnh giới địa ngục cho đến cảnh giới của Phật trong mười Pháp giới (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A tu la, Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật)(4). Tất cả mười giới đó đều có tướng trạng khác nhau, đấy cũng là đặc trưng hết thảy pháp. Nói dễ hiểu là gồm những gì xuất hiện, nhận thức được tướng mạo, ví dụ tướng người này khác tướng người kia, tướng nam, tướng nữ, tướng vui, tướng buồn và cho đến tướng Phật và tướng chúng sanh.

2.  Như thị tánh (tánh như vậy). Tánh tức là tính chất, tính thuộc bên trong, có sai biệt và định tính. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới có tánh không giống nhau. Mọi hiện tượng hiện ra rõ ràng trước mắt, nhưng mỗi tướng có tính riêng của nó, như tính gió thì lay động, tính lửa thì nóng; tính người ác, tính người thiện, tất cả đều có nguyên nhân huân tập thành định tính tạm thời. Nay nói tạm thời vì ý nghĩa tính đó tùy duyên biến hóa, ví dụ như khi ta nấu một nồi canh, dùng tướng rau cải, tướng bột nêm, tướng đậu hủ góp lại thành nồi canh như ý. Nồi canh rau thì có tính chất nồi canh rau, muốn nấu nồi canh chua thì thêm me hay lá chua vào thì có tính nồi canh chua. Người cũng có tính thiện và tính ác, nếu người ác biết tu tâm, làm điều lợi mình lợi người thì trở thành người có tính thiện. Khi một tướng đã hiện hữu thì có tính của nó.

3.  Như thị thể (thể như vậy). Thể tức là thể chất, từ cảnh giới địa ngục cho đến cảnh giới Phật đều lấy sắc thân làm thể chất. Người và vật đều có cái thể của nó, vũ trụ là đại thể, con người là tiểu thể. Tây phương Cực lạc là một thể. Cá nhân, gia đình, xã hội cũng gọi là thể. Trong một thể thì cũng có tính và tướng của nó. Ví dụ, một gia đình tướng của nó gồm trong cha mẹ, con cái và ông bà, có một thể riêng, nó khác với tướng của một quốc gia, vì quốc gia thể của nó gồm người cả nước hợp lại.

4.Như thị lực (lực như vậy). Lực tức là lực dụng. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới đều có công năng lực dụng riêng biệt. Người và vật đều có năng lực vận động, như con trâu có lực dụng kéo cày, máy bay có lực để bay. Chư Phật có đầy đủ năng lực từ bi và trí tuệ, cứu khổ ban vui, chúng sanh vô minh chấp ngã cũng tạo thành lực cảm quả khổ đau.

5.  Như thị tác (tác như vậy). Tác tức là tạo tác. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới đều có khả năng vận động và tạo tác. Con người muốn tu thành Phật thì việc tu gọi là tác, anh học trò muốn trở thành thầy giáo hay bất cứ ngành nghề nào thì phải theo học đúng hướng gọi là tác. Mọi hành vi cử chỉ con người đều là tác, như làm việc thiện, làm việc ác sai khác.

6.  Như thị nhân (nhân như vậy). Nhân tức là nguyên nhân được tích tập. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới đều có nguyên nhân mà thành, nhân ấy tích lũy không gián đoạn. Người đời thường hiểu rằng gieo nhân lành thì gặp quả lành, gieo nhân ác thì thành quả dữ. Mọi vật trong đời xuất hiện đều có nguyên nhân của nó.

7.  Như thị duyên (duyên như vậy). Duyên là điều kiện, còn gọi là trợ duyên. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới đều có từ pháp duyên khởi kết hợp với các nhân đã có trước. Ví dụ trồng cây nho sẽ được quả nho là nhờ sức trợ duyên tưới nước, bón phân. Có người trồng cây nho mà không được quả nho, vì thiếu trợ duyên tưới nước, bón phân nên cây nho không ra trái. Mọi hiện tượng xuất hiện đều nhờ Nhân-Duyên-Quả theo quy luật tồn tại của nó.

8.  Như thị quả (quả như vậy). Quả tức là kết quả. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, trong mỗi giới đều do có tích tập nhân sau đó mới sanh ra quả. Khi có kết quả xuất hiện biết đó là kết quả của cái gì, hoặc từ đâu mà có. Anh học trò thi đạt điểm tốt, đó là thành quả của cái nhân chăm học. Quán sát kết quả thì sẽ biết được nguyên nhân, Phật dạy nhân quả theo nhau như bóng theo hình.

9.  Như thị báo (báo như vậy). Báo tức là quả báo. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới đều do tích tập nhân, duyên, quả sau đó cảm lấy quả báo. Nghiệp báo của chúng sanh sai khác, cho nên có cảnh khổ lạc sai khác. Đức Phật do tu hành và nguyện độ chúng sanh mà có báo thân là thân Phật và báo độ là cõi Phật trang nghiêm. Con người hay chúng sanh nói chung có cái nghiệp báo chung và nghiệp báo riêng do hành động tạo tác có sai khác. Chúng sanh tạo nghiệp đó là chánh báo, hoàn cảnh môi trường chúng sanh đang sống là y báo. Y báo luôn luôn đi theo chánh báo. Y báo như là chiếc áo của chúng ta đang mặc, nếu người sạch sẽ thường giặt áo quần thì có áo quần sạch sẽ để mặc. Cũng vậy, nếu mọi người cùng làm điều thiện, tôn trọng sự sống của nhau thì quốc gia và thế giới không còn quả báo chiến tranh xung đột.

10. Như thị bổn mạt cứu cánh (trước sau rốt ráo như vậy). Từ Như thị tướng đầu tiên gọi là bổn (trước) cho đến Như thị báo gọi là mạt (sau), trước sau đồng nhất thật tướng, bình đẳng không hai. Một pháp nào xuất hiện cũng diễn biến từ chín đặc tính vận hành và tồn tại, đó là sự thực. Tóm lại mà nói, giáo lý Thập như thị như một công thức chuẩn mực giải trình mọi hiện tượng hiện hữu. Đây là chìa khóa giúp cho con người nhận thức về nhân sinh và vũ trụ.

Quán pháp giới qua giáo lý Thập như thị

Theo thế giới quan Phật giáo thì vũ trụ vạn vật hình thành theo nguyên lý của "pháp". Từ "pháp" trong "pháp giới" vô cùng quan trọng. Pháp là phép tắc, là nguyên lý. Pháp phải hiểu là y nơi pháp mà pháp giới thành lập, hoàn toàn khách quan. Theo lý luận của Thiên Thai tông, trong Pháp hoa huyền nghĩa kinh thì Thập như thị là đặc tính chung toàn Thập pháp giới(5). Trong Thập pháp giới, mỗi pháp giới đều tồn tại trong nguyên tắc nhân quả của Thập như thị. Muôn sự vật thế gian dù nhỏ như cây kim, cọng cỏ, dù to lớn như sơn hà địa đại đều do nguyên lý nhân quả mà hình thành, dòng nhân quả theo ba thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự chuyển biến mọi hiện tượng giống như lúc ẩn, lúc hiện qua trí giác con người, nên thấy rất phức tạp, khó thông suốt. Kỳ thực vạn vật xuất hiện đều có nguyên tắc cả. Con người và sự vật trong các cảnh giới cũng không ngoài nguyên tắc đó. Pháp quy định tính tướng con người. Ví dụ, sáu căn đều hình thành bình đẳng, nhưng mắt để nhìn, tai để nghe, mũi để thở…

Tướng Phật trang nghiêm đầy đủ phúc đức và trí tuệ, khác với tướng chúng sanh, cho đến cõi Phật thanh tịnh khác cõi đời.

Có ba phương diện quán sát mười cảnh giới để thấy rõ sự thật của nó, đó là: tất cả đều Không, tất cả đều Giả, tất cả đều Trung. Ba pháp quán Không, Giả và Trung được định nghĩa như sau: (6) (Không giả trung giả, ly tính ly tướng vị chi không, vô pháp bất cụ vị chi giả, phi không phi giả vị chi trung dã). Nghĩa là: Xa rời tính tướng gọi là Không, đầy đủ tất cả pháp gọi là Giả, chẳng phải không, chẳng phải giả gọi là Trung đạo. Vấn đề đặt ra tại sao Thiên Thai tông đưa ba nguyên lý: Không, Giả, Trung để quán sát mười cảnh giới? Từ cảnh giới địa ngục cho đến cảnh giới Phật, Không, Giả, Trung cũng là đặc tính chung của mọi pháp, đây là cơ sở lý luận chân thật hướng về trung đạo chánh quán theo tinh thần của Đại thừa Phật giáo. Chúng ta đọc kinh Bát nhã thấy có phương thức kiến giải: Chân không - Diệu hữu. Các pháp vốn không tự tính nên nói là Chân không. Từ không tự tính đó sinh khởi ra các tướng trạng nên gọi là Diệu hữu. Chân không và Diệu hữu đều là phản ảnh thực tại trung thực của vạn pháp, bao gồm chúng sanh và các thế giới. Cho nên thực tại không phải dùng tri thức phân biệt nắm bắt được, phải dùng trí tuệ, trí tuệ từ trung đạo chánh quán, còn gọi là Bát nhã trí.

Pháp giới do tâm tạo

Đây là bài kệ quan trọng trong Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh:

"Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhứt thiết Phật

Ưng quán pháp giới tánh

Nhứt thiết duy tâm tạo".(7)

Nghĩa là: "Nếu người muốn thấu rõ, ba đời tất cả chư Phật, quán tính chất pháp giới, tất cả đều do tâm tạo". Mở đầu bài kệ như đặt một giả thiết về vấn đề pháp giới với hai xu hướng của tâm. Đó là thành Phật giải thoát cũng do tâm và thiên đường hay địa ngục cũng do tâm. Cho nên chư Phật hay các bậc Thánh giả ra đời chỉ vì khiến chúng sanh nhận thức đầy đủ về tâm này mà thôi. Kinh luận thường nói: Mê là chúng sanh, ngộ là Phật. Bài kệ nhắc rằng: "Chư Phật ba đời quán tính chất pháp giới do tâm tạo. Chúng sanh nhận thức sai lầm về pháp giới từ đó chịu sanh tử trong luân hồi lục đạo. Muốn dứt trừ vô minh thì phải quán như thật về đặc tính Thập pháp giới".

Khắp mười pháp giới đều do tâm tạo. Quán tâm là quán pháp giới, quán pháp giới là quán tâm. Theo Thiên Thai tông, chủ trương quán tâm: Nhứt niệm tam thiên (??????). Nghĩa là một tâm niệm chúng ta có đầy đủ ba ngàn thế gian pháp. Một niệm có đủ tất cả pháp trong mười cảnh giới. Trong mười cảnh giới này, mỗi cảnh giới thâu nhiếp các cảnh giới khác, do vậy thành một trăm thế gian pháp. Mỗi cảnh giới đều bao hàm Thập như thị(8), thành một ngàn thế gian pháp. Một ngàn pháp thâu nhiếp với ba thời gian: Quá khứ, hiện tại và vị lai; tổng cộng thành ba ngàn thế gian pháp. Một tâm niệm duyên trong ba ngàn thế gian pháp, gọi là nhất niệm tam thiên, ba ngàn pháp ấy là gọi chung tất cả các pháp trong khắp mười pháp giới. Đây quả thực là một phép tính tuyệt vời, chỉ trong một tâm niệm quán thâu tất cả pháp. Cơ sở lý luận của Thiên Thai tông, con đường thực tiễn là giáo lý Nhứt tâm tam quán. Thiên Thai quán kinh sớ định nghĩa rằng: .(Luận vân: Tam trí thật tại nhất tâm trung, đắc kì nhất quán nhi tam quán, quán ư nhất đế nhi tam đế, cố danh nhất tâm tam quán. Loại như nhất tâm nhi hữu sanh trú diệt, như thử tam tướng, tại nhất tâm trung. Thử quán thành thời, chứng nhất tâm tam trí)(9). Nghĩa là: "Luận giải: Tam trí tại trong nhất tâm, thấu thông một pháp quán mà thành tam pháp quán. Quán một đế mà thành tam đế, nên gọi là Nhứt tâm tam quán. Như trong một tâm niệm có ba tướng: sanh, trụ, diệt. Tam tướng đó trong một tâm, quán thành thục chứng đắc tam trí". Tam đế là Không, Giả và Trung. Đó là nền tảng của tất cả pháp bao gồm trong mười pháp giới. Không là tính vắng lặng tịch diệt của vạn pháp, giả là kiến lập tất cả pháp. Trung là thâu nhiếp tất cả pháp. Tam trí là ngôn từ trong Đại Trí Độ Luận, đó là:

- Nhứt thiết trí : Nhứt thiết trí tức là liễu tri tướng trạng các pháp, tướng đó là không, đây gọi là trí tuệ của hàng Thanh văn và Duyên giác.

- Đạo chủng trí : Gọi là Đạo tướng trí, trí thấy biết biệt tướng của tất cả pháp, biệt tướng tức là các món sai biệt của đạo pháp. Trí này gọi là Bồ tát trí.

- Nhứt thiết chủng trí : Gọi là Nhứt thiết tướng trí, trí biết hết tổng tướng và biệt tướng các pháp, tức Phật trí.

Theo Thiên Thai tông, do tu tam quán Không, Giả, Trung mà đắc tam trí. Nhứt thiết trí do Không quán mà chứng đạt, đạo chủng trí do Giả quán mà chứng đạt, Nhứt thiết chủng trí do Trung đạo quán mà chứng đạt. Chúng ta muốn giác ngộ như Phật phải quán tâm này, quán pháp giới do tâm tạo, phải thực nghiệm đúng như chư Phật. Tổ Đạt Ma có dạy:

(Nhược dục cầu Phật đãn cầu tâm, chỉ giá tâm tâm tâm thị Phật).(10). Nghĩa là: Nếu muốn cầu Phật thì phải cầu tâm, chỉ có tâm tâm tâm này là Phật. Đây là yếu chỉ tu hành cũng là tâm yếu của Phật tổ. Nếu muốn cầu làm Phật mà không rõ tâm thì cũng vô ích. "Chỉ có tâm tâm tâm này là Phật", ba chữ Tâm này có nghĩa là tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai. Theo tinh thần kinh Kim cang, ba tâm đều Bất khả đắc, thật khó tìm! Tâm không thể nắm bắt, vì tâm vô tướng mạo, tâm vô tướng làm sao đem tướng ra mà nắm bắt. Tâm vô tướng, tâm vô trụ mới thật là chân tâm, ngộ được tâm ấy là Phật tâm.

Lời kết

Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy: "Vì pháp đó đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo chư Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng Nhứt thiết chủng trí".11

Trí tuệ của Phật là từ tâm chánh định mà lưu xuất, trí tuệ nhìn sự vật thế giới và con người đúng như bản nguyên của nó. Con đường tu tập từ kinh nghiệm về sự giác ngộ của chư Phật, chúng ta muốn giác ngộ như Phật thì phải học tri kiến của Phật, tu theo hạnh của Phật, chứng đạt trí của Phật, Nhứt thiết chủng trí. Giáo lý Thập như thị và Thập pháp giới này giúp ta hiểu được vạn pháp duyên sanh vô ngã tướng; nguyên lý tồn tại của hết thảy pháp trong mười pháp giới theo nguyên tắc Thập như thị. Giáo lý ấy chỉ cho đời biết rằng không có một đấng quyền năng nào sáng tạo ra con người và thế giới cả. Khổ đau hay hạnh phúc đều do tâm tạo. Giáo lý này dập tắt mọi hý luận không đem đến lợi ích cho sự tu tập, giải quyết vấn đề giải thoát khổ đau thông qua tuệ giác, thông qua việc tu học.

Đạo Phật là phương pháp sống cho mọi người, nhận thức lời Phật dạy qua kinh điển là việc thiết thực. Đức Phật, một đời thuyết pháp đâu muốn chúng ta cứ câu nệ một cách hình thức vào giáo lý của Ngài. Giáo lý đạo Phật giúp con người một hướng đi mới mẻ, một hướng đi ngược dòng sống chết do vô minh và tham dục ngự trị. Giáo lý đạo Phật phủ nhận mọi quan niệm giáo thuyết cực đoan xuất phát từ tư duy hữu ngã. Đức Phật và giáo lý của Ngài chưa bao giờ khuyên dụ một ai nhắm mắt vâng theo một cách mù quáng, chưa bao giờ khuyên mọi người an thân với số phận hẩm hiu và đau khổ vốn có trên đời. Như lời khuyên bảo có trí tuệ, giáo lý ấy đánh thức năng lực sống và vươn tới cái hạnh phúc chân thật, đó là cái nhìn cuộc đời đúng như bản chất của nó, nhìn mọi hiện tượng nhân sinh đúng như sự vận hành của vạn pháp đang diễn ra trước mắt mọi người. Do vậy, pháp của Phật hướng về lộ trình quán tâm, chứng ngộ Phật tâm và thành tựu Phật quả.

Thích Đức Trí

(1) Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển. (2) HT.Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện. (3) Trí Khải đại sư, Pháp Hoa Huyền Nghĩa. (4) Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển. (5) Thập pháp giới, tức là mười cảnh giới: Cảnh giới Địa ngục,cảnh giới Ngạ quỷ, cảnh giới Súc sanh, cảnh giới A tu la, cảnh giới Người, cảnh giới Trời, cảnh giới Thanh văn, cảnh giới Duyên giác, cảnh giới Bồ tát và cảnh giới của Phật. (6) Long Thọ Bồ tát, Bồ đề tâm ly tướng luận, q.1. (7) Long Thọ Bồ tát, Bồ đề tâm ly tướng luận, q.1. (8) Thập như thị: Mười đặc tính chân thật: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy. (9) Hán Ngữ, Phật học đại từ điển. (10) Lâm Ngọc Đường Thượng sư, Phá tướng luận. (11) HT.Thích Trí Tịnh dịch, kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn