Thử tìm một hướng đi đích thực trong giáo lý đạo Phật

28 Tháng Hai 201509:22(Xem: 9309)

THỬ TÌM MỘT HƯỚNG ĐI ĐÍCH THỰC TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

Thích Giác Nguyên

 

blankTrong Lời Tựa cuốn Thiền Tông Chỉ Nam (The Compass of Zen) Thiền sư Sùng Sơn có nói: “Đức Phật dạy chúng ta muốn vượt qua đại dương sanh tử cần phải dùng  “Thuyền trí tuệ”(Pràjnã-ship). Cũng giống như tất cả các con tàu đi biển, con tàu này cần có một la-bàn. Nếu không có la-bàn thì không thể nào tìm thấy điểm đến của cuộc hành trình. Điều quan trọng nhất là phải nắm rõ phương hướng. Nếu phương hướng không rõ ràng, bạn sẽ đi lang thang nhiều năm trên các đại dương thăm thẳm. Bạn sẽ dễ dàng bị lạc mất hoặc chìm đắm ở giữa lòng biển khơi, hoặc bạn sẽ hết thực phẩm, bị mắc kẹt trên một số hoang đảo. Vì vậy, không có bất cứ điều gì quan trọng hơn trên cuộc hành trình của bạn, đó là phương hướng…”

Chúng tôi xin mạo muội được triển khai ý nghĩa cụ thể trong Lời Tựa này của Thiền sư để chúng ta cùng trải nghiệm. Muốn tìm hướng đi chính xác, bạn cần có một la bàn hoặc hải bàn. Nếu thủy thủ không có la-bàn thì không thể đến bến cảng mà họ muốn. Mặc dù bạn có sắm con tàu thật to, trên tàu có tích chứa rất nhiều thức ăn, nước uống, quần áo và thuốc men, đây là những đồ dùng cần thiết cho cơ thể của bạn được sống còn. Tuy có bản đồ chỉ rõ và máy định vị thời tiết tuyệt vời, nhưng bạn sẽ không nhận thức được hướng đi, chắc chắn sẽ bị lạc và không đến được bờ kia. Khi sử dụng la-bàn của con tàu này một cách chính xác, bạn có thể tìm thấy Chánh đạo. Sau đó, bạn có thể cảm nhận thực tế trong hiện tại những gì luôn luôn ở ngay trước mắt bạn qua tiêu chí:Đời càng tiến hóa, độ theo thời” cần phải phù hợp với khế cơ khế lý. Không mắc kẹt với những định kiến mà bạn vay mượn từ học hỏi bên này hay bên kia, cũng không bảo thủ cố chấp thành kiến là Phật giáo phải thế này hay thế kia, không bị dính mắc bởi học thuyết thế gian để chịu nhốt trói, hoặc Phật giáo bị lệ thuộc trong lưới rọ quyền uy của mọi xã hội thời đại. Trong khi các pháp vốn Như thị, từ duyên sinh, từ duyên diệt. Đã gọi là duyên thì có sự nối kết và vay mượn. Không vay mượn bên trong cũng vay mượn bên ngoài, không thể tự độc lập mà tồn tại.

Do vậy, nếu muốn thắp sánh niềm tin Chánh pháp cho chính mình và cho mọi người con Phật noi theo, không gì hơn là bổn phận Tăng già: “Thượng cầu Giác ngộ, hạ hóa Chúng sanh”. Trước hết phải hiểu Con Người Thật của chính mình, phải thực hành lời Phật dạy căn bản là Giới Định Tuệ, tam vô lậu học. Nếu một giáo lý, một trường phái, một pháp môn tu mà không có Giới Định Tuệ thì không phải là Giáo pháp của Phật. Một người tu mà không có Giới Định Tuệ là không phải đệ tử của Phật. Có nhiều loại Giáo lý bạn có thể mang theo dọc đường như những hành trang, như những thực phẩm. Có những giáo lý Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Hàn Quốc, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Nam Tông, Phật giáo Bắc Tông, Phật giáo Thiền – Tịnh – Mật, Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Đại thừa v.v…. tất cả hòa quyện vào phong tục tập quán văn hóa của từng quốc gia, từng chủng tộc. Bạn không thể nhất thiết cho rằng phải biến đổi Phật giáo đương đại trở về Phật giáo nguyên chất. Bạn không thể quay ngược lại thời gian. Như vậy bạn vô tình cản đường tiến hóa của nhân loại, cản đường tiến hóa phát triển tâm linh của Phật giáo. Nếu không có giáo lý Phật giáo nguyên thủy thì không có giáo lý Tiểu thừa (Thượng tọa bộ), giáo lý Đại thừa  (Đại chúng bộ) và Giáo lý Thiền tông. Nếu không có Thanh văn thì không có Bồ tát, và ngược lại. Không thể kêu gọi chư Tăng Phật giáo các nước phải ăn mặc và thực hiện cách sống như Phật giáo nguyên chất, không được xây chùa to, thờ Phật lớn, không được đi ô tô, máy bay, không được giữ tiền, có tài khoản trong ngân hàng, phải đầu trần chơn đất, đi khất thực, không cần đọc tụng kinh điển, phải vào rừng hoặc vào những bãi tha ma, những nghĩa địa tu tập thiền quán về Tứ niệm xứ, Tứ diệu đế, Bát Chánh đạo, Thập nhị nhân duyên v.v… chỉ để cầu giải thoát cho mình cách ly với thế giới bên ngoài. Nếu cho rằng Phật giáo nguyên chất là cái hay tuyệt đối, giống như mình có giỏi bơi lội rồi thì mới cứu được người chết đuối, cho nên khi gặp người hoạn nạn, mình chưa biết bơi có thể ngoảnh mặc làm ngơ. Còn Phật giáo Phát triển khi thấy người chết đuối, tuy mình không biết bơi giỏi nhưng vẫn tìm mọi cách kiếm một vật gì như sợi dây hoặc nhánh cây, hoặc khúc gỗ, làm chiếc phao ném xuống để cứu người bị nạn chết đuối may ra còn cho họ sinh lộ sau cùng.

Nếu không có những bậc Thánh tăng, những vị Bồ tát vào đời cứu khổ độ sanh, thay Phật xiễn dương Chánh pháp, nếu không có những vị Tổ sư biện tài vô ngại, những bậc thầy minh triết, những pháp sư, thiền sư du hóa, những nhân sĩ trí thức uyên thâm Phật giáo thì làm sao bảo hộ và truyền thừa Phật giáo, ngăn chận các học thuyết và luận sư ngoại đạo luôn luôn tìm cách triệt hạ Phật giáo? Nếu cứ tu tập đơn thuần Phật giáo nguyên chất chẳng tương quan, tương duyên với quần chúng xã hội, để ngoại đạo và các thế lực thù địch đánh phá hủy diệt Phật giáo như tại Ấn Độ, ngoại bang xâm lượt đất nước, đốt phá chùa chiền quê hương làng mạc như Việt nam thì Phật giáo đi về đâu?

Người xưa từng bảo: “Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy” Nghĩa là mọi vật đều có gốc có ngọn, mọi việc đều có đầu có đuôi. Không nên cho rằng Phật giáo bây giờ đều sai lạc, phải trở về Phật giáo nguyên chất mới đúng, hay là học Thiền phải là Thiền bản địa Việt Nam mới chính xác, không nên vay mượn thiền bên ngoài. Ngay cả một số người cực đoan cho rằng ngài Trần Nhân Tông là Phật hoàng Việt Nam tại sao không tôn vinh, tạc ảnh tượng để thờ, lại đi thờ ông Phật Ấn Độ. Hoặc những người tu pháp môn Tịnh Độ cho rằng chỉ thờ ông Phật A Di Đà, không nên thờ Phật khác như một số chùa xiễn dương. Lại còn có một số nhóm Phật tử tổ chức trợ niệm vãng sanh cho rằng nhà nào không thờ Phật A Di Đà thì không tới trợ niệm. Hoặc bài xích cho Phật A Di Đà là vị Phật không tưởng. Không phải chỉ niệm Phật này tức khắc mọi người đều được vãng sanh mà không cần tu Giới Định Tuệ? Sự truyền bá Phật pháp có cần phải hành động như thế để tự cho mình là ngôi sao sáng giữa cõi đời ?

Xin thưa, muốn xây dựng ngôi nhà Phật giáo vững an, muốn hướng dẫn quần chúng tu tập một cách hiền hòa trong sáng, muốn Tăng già hòa hợp thanh tịnh, sự tranh luận không phải là phương pháp tốt nhất để đem lại thân an tâm lạc. Người xưa bảo: “Làm thầy thuốc mà lầm hại một bệnh nhân, làm địa lý mà lầm hại một dòng họ, làm chính trị mà lầm hại một quốc gia, làm văn hóa mà lầm hại đến muôn đời, còn làm tôn giáo mà lầm thì dẫn chúng sanh vào cõi vô minh”. Do vậy Chân lý của đạo Phật không phải nằm trong ngôn từ biện luận, hoặc những chữ số. Bạn chỉ cần thực nghiệm lời dạy của đức Phật một cách chính xác, với tâm không điên đảo thì dù là giới bình dân hay trí thức tất cả cũng đều thấm nhuần lợi lạc.

Sự thật từ xưa đến giờ theo Phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền, các bậc thầy tổ chúng ta cũng từng áp dụng ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ để hoằng dương Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai, truyền trì mạng mạch. Ngay thế hệ chúng ta  đi vào chùa xuất gia, cũng nhờ thầy tổ của mình hết lòng giáo dưỡng, trao truyền giới thân huệ mạng, nhận lãnh pháp phái truyền thừa, từ đức Phật Thích ca Mâu ni đến tổ tổ tương truyền, tâm tâm tương chứng, nên đạo Phật mới có mặt đến ngày hôm nay. Chư Tổ không bao giờ mạo phạm xưng mình là Phật, mặc dù tâm các ngài là tâm Phật. Pháp các ngài nói  ra là chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật, đâu có phân biệt đạo Phật tổ sư, đạo Phật pháp môn?

Ở đây chúng tôi không dám tranh luận mà chỉ xin góp ý lời Phật dạy trong câu chót của bài kệ Điều giác ngộ thứ ba của Kinh Bát Đại Nhân Giác là “Duy tuệ thị nghiệp.” đó là hành trang của mỗi hành giả tiến tu Đạo nghiệp. Duy Tuệ Thị Nghiệp nghĩa là: Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình. Đó là cách biểu đạt trí tánh Bát nhã ba-la-mật của các bậc thánh nhân và các bậc hành giả chân tu đạt đạo. Còn phàm nhân thì điều đó có nghĩa là lấy việc nâng cao trình độ hiểu biết về kiến thức học thuật làm sự nghiệp trong đời sống, hay nói một cách khác là con người ta phải phấn đấu rèn luyện để có trí tuệ, có được hiểu biết đầy đủ, có nhận thức đúng đắn cho mình và mới làm nên sự nghiệp của đời mình.

Trong tiếng Phạn danh từ Bát Nhã (Prajnà) có rất nhiều nghĩa như: Xa lìa vô minh phiền não, sáng tỏ không mờ tối, thông suốt, thanh tịnh, trong sạch, không nhiễm ô. Bát Nhã có nhiều nghĩa như vậy, nên các vị Tổ ngày xưa khi dịch đành phải để nguyên âm chữ Phạn (Prajnà) là Bát nhã. Tuy nhiên, trong các nghĩa trên đây, chữ trí tuệ thì có phần rõ ràng và sát nghĩa hơn hết. Nhưng đây là một loại trí tuệ đặc biệt, phát sinh từ công hạnh tu hành theo pháp quán về Tánh không mà chứng đắc. Đây là loại trí tuệ thanh tịnh của chư Phật vừa rỗng lặng vừa trong suốt, nhờ đó mà quán chiếu được thật tướng của các pháp và thấy rõ các pháp là không có tự tánh.

Trí tuệ nói chung có bốn loại khác nhau: 

1/- Trí tuệ thế gian tức là trí của phàm phu. Trí tuệ này thường biểu hiện ở những người học giỏi, thông minh, lanh lợi, nhiều kiến thức uyên bác, các nhà bác học, khoa học còn được gọi là trí thức.

2/- Trí tuệ ngoại đạo là trí tuệ của những người không tu theo đạo Phật, do công phu tu luyện mà có, biết được quá khứ hiện tại vị lai, thần thông biến hóa. Nhưng chỉ là trí tuệ ngoại giáo hoặc tà đạo.

3/- Trí tuệ Nhị thừa là trí tuệ của các hàng thánh thanh văn, duyên giác do tu theo pháp Tứ Diệu đế và Thập Nhị nhân duyên mà thành đạo quả A-la-hán. Các vị này cũng thoát khỏi sinh tử luân hồi, thần thông tự tại, biết được việc quá khứ hiện tại và vị lai. Nhưng trí tuệ đó mới chỉ phá được chấp ngã, chưa phá được chấp pháp.

4/- Trí tuệ Bát Nhã là trí tuệ của các bậc đại thừa tu theo pháp Lục độ ba la mật và giác ngộ hoàn toàn. Đó là trí tuệ của chư Phật và của các vị Đại Bồ tát. Công dụng của trí tuệ Bát nhã có thể phá được hết tất cả mọi vô minh vọng chấp. chiếu soi các pháp, loại bỏ hình sắc giả dối chỉ còn lại thể tướng chân thật của các pháp, tức là chân như hay chân lý của vũ trụ hiện bày.

Cho nên trong đạo Phật có hai bậc học là hữu học và vô học. Bậc vô học là trình độ cao hơn bậc hữu học. Hay nói khác đi, về cơ bản có hai loại trí tuệ, trí tuệ hữu lậu và trí tuệ vô lậu, cũng gọi là trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian. Người có trí tuệ hữu lậu (trí tuệ thế gian) là người có tri thức nhưng còn mang đầy phiền não, chấp trước, chỉ có khả năng hiểu biết hiện tượng về hình nhi hạ học bình thường, nhưng còn dính mắc với tham sân si mạn nghi, tà kiến và phiền não. Còn trí tuệ vô lậu (trí tuệ xuất thế gian) thuộc về hình nhi thượng học là trí tuệ thanh tịnh, có khả năng đoạn trừ phiền não không bị nhiễm ô hữu lậu, tức là Trí tuệ Bát nhã đã được chứng ngộ giải thoát, niết bàn. 

Nói một cách đơn giản, trí tuệ hữu lậu là trí tuệ đạt được nhờ sự hiểu biết do   nghe, tụng, đọc (Văn), sau đó tư duy, suy nghĩ (Tư) và sau cùng đem những hiểu biết vào ứng dụng, hành trì (Tu) theo con đường Tam Tuệ học. Còn Trí tuệ vô lậu là Trí tuệ được hành trì qua tu tập, tư duy, quán chiếu, phải do trải nghiệm mà tựu thành, không phải chỉ do cái học bình thường mà hun đúc nên được. Muốn có Trí tuệ xuất thế gian phải có việc tu chứng, tự ngộ bằng cách nghiêm trì giới luật (Giới), công phu thiền định (Định) và quán chiếu tuệ giác (Tuệ) mới thành công được. Đó là quá trình thực hành Giới-Định-Tuệ của Tam vô lậu học.

Ngoài ra  trong kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 1, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, phẩm VIII,  đức Phật dạy Pháp Tứ y như sau:

Y pháp bất y nhân, nghĩa đen là y theo giáo pháp, chẳng y theo theo người. Theo cách giải thích thông thường, Phật pháp là chân lý, quý giá và khó gặp, vì thế không nên đối chiếu, tỵ hiềm nơi tư cách người nói pháp để rồi bỏ lỡ cơ hội nghe pháp, tự thân mất sự lợi lạc. Cứ y theo giáo pháp của Phật mà tu hành, người nói ra giáo pháp ấy tốt hay xấu không quan trọng. Tuy nhiên, kinh Đại Bát Niết Bàn (Sđd, tr.209) nói cụ thể hơn về vấn đề này, y pháp bất y nhân có nghĩa là y chỉ vào Pháp tánh tức Phật tánh, Như Lai vì pháp tánh thường trụ, không y chỉ vào người vì là hữu vi tức vô thường, sanh diệt.

Y nghĩa bất y ngữ, là y theo nghĩa lý, không y theo ngôn ngữ văn tự. Phật thuyết pháp với ý nghĩa sâu xa nhằm biểu đạt và thể nhập chân lý. Ngôn ngữ, văn tự chỉ là công cụ diễn đạt Trung đạo đệ nhất nghĩa, giúp người tu nhận ra chân lý để hành trì và thân chứng, bởi thế không nên bám víu và quá cố chấp vào văn tự, vì “ngôn dĩ tải đạo” mà thôi.

Y trí bất y thức, là y theo trí tuệ, không y theo vọng thức phân biệt. Chỉ có trí tuệ mới nhận chân được chân lý, thực tại còn vọng thức là thấy biết theo nghiệp, có tính tương đối và phần nhiều còn sai lầm. Chỉ có trí tuệ mới đầy đủ công năng quét sạch phiền não, thanh tịnh ba nghiệp. Còn nhận thức dẫu thông minh, nhạy bén và lanh lợi đến đâu đi nữa cũng là sanh diệt, hư vọng và không đủ sức giác quán để chuyển hóa, diệt trừ phiền não. Vì vậy, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” chính là phương châm tu học của hàng đệ tử Phật.

Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, là y theo các kinh điển liễu nghĩa, chẳng y theo các kinh điển không liễu nghĩa. Theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, kinh điển được Phật tuyên thuyết tùy căn cơ chúng sanh nên có cao thấp, khác biệt. Dù mục tiêu cứu cánh vẫn là giải thoát sanh tử, song trên tinh thần phương tiện thì những kinh điển thuyết minh về con đường thể nhập Nhân thừa, Thiên thừa v.v… được gọi là kinh bất liễu nghĩa (chưa nói hết ý nghĩa thâm diệu, toàn triệt của giáo pháp). Những kinh điển nào chỉ thẳng đến quả vị giải thoát viên mãn (Phật thừa) là kinh liễu nghĩa tu chứng Vô thượng Bồ đề, nhằm thành tựu giác ngộ rốt ráo, thành Phật. Chứ đâu phải hạn cuộc trở về Tứ Diệu Đế , Bát Chánh Đạo mà Phật thuyết giáo vào thuở ban đầu. Còn chuỗi thời gian dài suốt 45 năm chả lẽ Phật im hơi lặng tiếng? Do vậy người tu hướng cầu giải thoát không nên câu nệ vào sự chấp trước ngôn từ, chữ số. Việc ứng dụng giáo lý Tứ y vào trong thực tiễn tu tập cực kỳ quan trọng. Chính giáo lý Tứ y đã vạch ra những yếu tố quyết định cần phải nương tựa, y theo và những vấn đề không nên y theo, nhằm vượt qua hết thảy chướng ngại để thành tựu Phật quả. Đó cũng là la-bàn để cho chúng ta nhắm hướng lộ trình mình phải đi. Đâu cần phải phân chia ranh giới Phật Việt Nam, Phật Ấn Độ, hay Phật Tàu?

Như chúng ta đã biết, đạo Phật đã có mặt tại Ấn Độ lâu đời trên hành tinh và lan rộng các nước Đông Nam Á. Đạo Phật tùy duyên bất biến, hòa quyện với bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi nước và hỗ tương cho nhau, làm cho Phật giáo nở hoa trong lòng dân tộc, ăn sâu vào gốc rễ, thấm vào huyết quản con tim, vào tiếng thở cùng chung nhịp đập của hồn thiêng sông núi. Trong đó có quê hương Việt Nam mà người Phật tử Việt Nam hết lòng hộ Đạo kính tin Tam Bảo, hết lòng hộ quốc an dân, nếu không muốn nói nhờ vào ân sâu của Phật và Chư Tổ qua các triều đại Đinh Lê Lý Trần, chả lẽ các ngài không biết ứng dụng Phật giáo nguyên chất?

Hơn nữa Đạo Phật được truyền bá sâu rộng và trải dài thời gian là do Tăng hoằng, đâu cần phải đánh giá số lượng mà bằng tâm lượng. Tâm lượng của người Phật tử dù tại gia hay xuất gia là Bồ đề tâm, được hướng dẫn tu tập theo giáo pháp thích ứng cho mỗi thời đại. Chẳng hạn Giáo lý nguyên thủy cho Tăng đoàn dùng Tam tịnh nhục, nhưng khi giáo lý phát triển tu tập hạnh Bồ tát dạy người khơi mở lòng Từ bi phát nguyện không ăn thịt chúng sanh. Giáo lý nguyên thủy dạy người tự tu, tự ngộ; giáo lý phát triển dạy người tự độ và độ tha mở ra phương tiện nhập thế, đem đạo vào đời phụng sự chúng sanh. Nhà sư có thể làm giáo sư, bác sĩ, y tá; nhà sư có thể lao động sản xuất tạo ra của cải giúp ích cho đời đâu có gì sai lầm, chẳng những thế mà còn phát nguyện “Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ. Con dốc lòng vì đạo hy sinh”. Thiết nghĩ, chánh trị bây giờ là chánh trị liên hành tinh, tôn giáo bây giờ là tôn giáo liên hành tinh, thậm chí đời sống học thuật, mỹ nghệ, văn hóa, ẩm thực, ăn mặc của mỗi người dân cũng… liên hành tinh thì Phật giáo Việt Nam sao lại không học hỏi thu thái những tinh hoa của Phật giáo các nước?

Điều quan trọng là Tăng đoàn có biết cách ứng dụng đạo Phật vào đời sống cộng đồng xã hội hay không? Có chịu khó dấn thân phụng sự và cảm hóa tâm thức cho mỗi người dân từ thành thị đến thôn quê, trong những vùng sâu, vùng xa mà họ đang đói khổ cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần hay không? Hay là cứ lo làm chùa to Phật lớn đầy đủ tiện nghi vật chất, sống thỏa thích trong cung son gác tía, đi xe bóng lộn, hào nhoáng, đến đâu đều có người cầm phướng lọng cung nghinh đón rước lễ bái hầu hạ. Trang sức phẩm phục gấm tía lụa là như vua chúa. Chùa chiền mọc ra như nấm chứ không phải như núi. Nấm thì mau chóng tàn lụi, núi thì mới vững an lâu dài, hiểu được ý nghĩa này thì mới biết được Phật giáo hưng suy.

Đặc biệt ngày nay ở phương Đông cũng như phương Tây, có rất nhiều, rất nhiều chùa am được dựng lên, nhiều pháp môn, nhiều giáo lý. Nhưng một giáo lý sáng tỏ là gì? Một ngôi chùa dựng lên với mục đích gì? Và chức năng của nó ra sao? Làm thế nào chỉ thẳng tâm người? Làm thế nào để giúp họ tìm thấy Chánh đạo, thấu tột Chân lý và sống an nhiên tự tại. Làm thế nào vận dụng Trí Bát nhã và lòng Từ bi phụng sự cho tất cả chúng sanh trên bước đường “Duy Tuệ Thị Nghiệp” chứ không phải “Duy Tự Thị Nghiệp”. Đó chính là trọng tâm của La bàn để giúp người con Phật tìm hướng đi đích thực trên con thuyền tín ngưỡng của mình để hành trình về bến đổ tâm linh.

Thiền sư Sùng Sơn khai thị:

Y lý phương Đông của người xưa từng bảo: “Nhiệt tắc hàn chi, Hàn tắc ôn chi”. Nghĩa là đối với bệnh sốt thì sử dụng thuốc hàn. Đối với bệnh cảm lạnh thì sử dụng thuốc ôn nhiệt. Nếu trong mỗi nhà đều có tủ thuốc gia đình, phòng khi bệnh hoạn xảy ra bất trắc thì đâu phải chỉ có một thứ thuốc. Con người phải chịu bệnh hoạn từ lời nói và suy nghĩ của mình, vì vậy đôi khi lời nói và suy nghĩ của y học có thể giúp họ. Nếu bạn không vướng mắc bởi lời nói và chữ nghĩa, chỉ giữ tâm trong sạch, sáng suốt như hư không, hoàn toàn quét sạch mọi vọng tưởng, sau đó thuốc chữ nghĩa và lời nói trong mọi kinh điển Phật giáo có thể giúp bạn tìm ra Chánh đạo. Bạn có thể tìm thấy tinh yếu lời  giáo huấn của Đức Phật. Nhưng nếu bạn vướng mắc, dù là lời Phật dạy, cũng sẽ đưa bạn thẳng đến địa ngục.

Nếu bạn cho rằng Tiểu thừa Phật giáo là giáo lý Đạo Phật Nguyên Thủy đúng nhất, bạn sẽ có vấn đề (câu nệ, bảo thủ ). Nếu bạn nói rằng Phật giáo Đại thừa là chính xác, bạn sẽ có vấn đề lớn hơn (chấp trước, vướng mắc). Và nếu bạn nói Thiền là trên hết, (thì bạn không thấu hiểu được Tâm Phật). Không giữ ngôn từ nào trong La bàn này. Chỉ có lãnh hội được những gì nó đang giúp cho bạn tìm ra phương hướng, và sau đó bạn chỉ thực hành.”

Vì vậy, Chúng sanh đa bệnh nên Phật thuyết đa kinh, bằng nhiều loại ngôn từ giáo hóa: Ngôn từ Thượng tọa bộ, ngôn từ Đại chúng bộ, ngôn từ Tiểu thừa, ngôn từ Đại thừa, ngôn từ Thiền – Tịnh – Mật. Có lời thật, có lời hư ; có lời  hay, có lời dở. Có rất nhiều, rất nhiều loại ngôn từ diễn xuất bằng “Như Thị Ngã Văn”...  dễ làm cho mọi người nhẹ dạ cả tin. Đôi khi vô ngôn, không có lời nào. Nhưng nếu bạn muốn thắp sáng Chánh pháp, bạn cần phải chắc lọc giáo pháp, thấu đạt Chân ngã, liễu ngộ Tự tánh, không nên dính mắc bất kỳ những lời giảng thuyết nào. Bởi lẽ Đạo Phật không phải là khái niệm mà là thực nghiệm, thực chứng. Nếu cho Đạo Phật là khái niệm thì người đó chưa hiểu đạo Phật. Bởi vì khái niệm là đưa ra một lý luận chặt chẽ về một vấn đề gì đó còn trừu tượng mơ hồ, giúp người nghe và đọc dể hiểu hơn khi họ chưa hình dung ra được.

Nói cách khác, khái niệm là một hình thức tư duy, có chức năng phản ánh những mối quan hệ tương đối bền vững và ổn định ở trong mỗi hiện tượng sự vật thể hiện những thuộc tính, bản chất sự vật ấy. Do đó, khái niệm được hình thành sự hiểu biết của con người về các hiện tượng sự vật được phản ánh. Vì thế mỗi một khái niệm là đánh dấu một nấc thang của sự hiểu biết và là một mắc lưới trong quá trình hình thành nên toàn bộ tri thức nói chung.  Vì vậy đức Phật huấn thị: Chân lý Như lai thực chứng như mặt trăng, những lời Như lai tuyên thuyết giống như ngón tay chỉ trăng, đừng lầm ngón tay là mặt trăng…. Khi ai nói với con bất cứ điều gì dù đó lời Như Lai tuyên thuyết, các con đừng vội tin và cũng đừng nên vội bỏ. Hãy quán sát lời nói ấy đúng với chân lý hay sai chân lý. Đúng với chân lý có nghĩa là điều ấy đem lại lợi ích cho mình, cho tha nhân, cho đa số, cho chư thiên và loài người thì các con cần phải thực hành theo…

Hơn nữa Đạo Phật không buộc con người phải quy phục mù quáng như kẻ nô lệ chỉ có đức tin suông nơi giáo lý của Phật đà, hoặc thứ gì có Như thị ngã văn là cứ tin theo, điều này đã được minh chứng hùng hồn qua bài Kinh Kàlàmà trong Tăng Chi Bộ Kinh I. Trang 337-8 đã từng làm rúng động các giáo phái ngoại đạo cách đây hơn 25 thế kỷ và cho đến nay vẫn còn đầy sức hấp dẫn đối với giới khoa học, trí thức: 

            “Này các Kàlàmà! Chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, Chớ vội tin vì nghe truyền thống, Chớ vội tin vì nghe người ta nói đồn, Chớ vội tin vì được Kinh Tạng truyền tụng, Chớ vội tin vì nhân lý luận siêu hình, Chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, Chớ vội tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, Chớ vội tin vì phù hợp với định kiến của mình, Chớ vội tin nơi xuất phát có uy quyền, Chớ vội tin vì bậc Sa Môn là đạo sư của mình v.v..

“Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, Các pháp này là có tội lỗi, Các pháp này bị người có trí chỉ trích, Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Như vậy thì này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.

  Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, trang 124- 126, tập III có ghi rằng, dù chúng ta có nghe vị Tỳ-kheo nào nói tự thân nghe Đức Phật, tự thân nghe các vị Thượng Tọa, Thủ chúng v.v... nói như vậy là pháp, như vậy là luật. Đức Phật khuyên cũng không được tán thán, đả kích, chấp thuận hay từ bỏ ngay, mà phải so sánh với kinh, đối chiếu với luật, có phù hợp mới được chấp nhận, không phù hợp thời phải từ bỏ. Đạo Phật đòi hỏi sự nhận xét, tìm hiểu suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình hiểu và thấy được Chân Lý. Đức Phật huấn thị : “Này các Tỳ khưu! Khi Như lai Diệt độ, hãy lấy giới luật làm thầy, hãy không nên tu ngoài Giới, Định, Tuệ”. Luận Giải Thoát nói: “Giới, Định, Tuệ gọi là đạo giải thoát.” Giữ giới năng sanh Định, Thường Định năng phát Huệ, Huệ là kết quả của sự minh tâm, kiến tánh. Một khi đã minh tâm kiến tánh, đã giác ngộ thì nói tâm ở dưới gốc cây cũng là đích xác. Còn chưa Giác ngộ, chưa tỉnh thức dù có lý luận tâm ở chỗ nào cũng không đúng. Thiết tưởng những lời dạy như trên cũng đủ cho chúng ta suy nghiệm trong sự tu tập Giác ngộ chân lý.

Hòa Thượng Thích Minh Châu khi dịch tạng Kinh Pali ngài cũng đã than trong Sách Chánh Pháp và Hạnh Phúc, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo (2001): “Ngay cả bên phái Nam tông  tuy tôn thờ Tam Tạng Pàli, nhưng một số  Phật  tử cũng rơi vào nạn tương tự, là chỉ  học Luật tạng và A Tỳ Đàm tạng, bỏ rơi Kinh tạng Pàli, vì xem A Tỳ Đàm tạng mới đề cập  đến Đệ Nhất Nghĩa Đế, còn Kinh tạng chỉ bàn  đến Tục Đế mà thôi. Đây cũng là một lầm lạc hết sức ngây thơ và nguy hiểm. Vì A Tỳ Đàm phát xuất từ Kinh tạng, và bỏ gốc để tìm ngọn thì không khác gì kẻ đi tìm lõi cây, mà chỉ mang về cành lá. Thật sự đạo Phật đâu có phân biệt Tiểu Thừa và Đại Thừa, đâu có chia đôi Chân đế, Tục đế.

Vì đạo Phật là đạo đến để mà thấy, chứ không phải đạo đến để nhờ người thấy hộ, đạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải đạo của người nhắm mắt, đạo của người thấy, của người biết (Passato Ajànato), không phải là đạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.

Nhìn xem Phật giáo Ấn Độ và các nước Phật giáo theo hệ Nam truyền như Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Lào và Cam Bốt chủ trương theo đường lối Nguyên thủy Phật giáo, chuyên dạy người Phật tử tại gia chỉ biết bố thí, cúng dường, làm lành để hưởng phước đời sau được sanh thiên, họ không được chuyên sâu vào biển pháp Kinh văn rộng lớn, để hợp tác với Tăng già truyền bá chánh pháp lợi lạc quần sanh. Thiếu sự đoàn kết, tương thân tương ái, đem đạo vào đời, dấn thân phụng sự, giúp đỡ cho những hoàn cảnh của dân chúng khốn khó, cô đơn, đói nghèo để họ vươn lên. Đôi khi họ còn bị Chính trị lợi dụng tôn giáo cho một mưu đồ riêng tư, khiến Phật giáo cũng bị lắm điều tai tiếng. Cho nên nhìn xem Phật giáo hiện tại đã suy mờ dần, trở thành những mảnh đất màu mỡ cho ngoại đạo có dịp gieo trồng đức tin của họ ăn sâu trong mạch sống người dân các nước ấy, nếu không muốn nói là ngay cả Việt Nam.

Do vậy Kinh Phật nói rất nhiều, nhưng chỉ có ba phần căn bản là Giới, Định, Tuệ. Ba môn này gọi là Tam giải thoát môn. Cũng gọi Giới, Định, Tuệ là Đạo đức xuất thế gian. Nếu chỉ nói về Giới cho là bộ môn đạo đức thì chưa được toàn vẹn. Thí dụ như tên thợ săn rượt bắn con thỏ chạy ngang qua người Phật tử đang hái củi trên rừng, nó chui vào buội rậm gần đó lẫn tránh. Tên thợ săn gặp người Phật tử liền hỏi có thấy con thỏ chạy ngang qua đây không? Nếu người Phật tử vì giữ giới không được nói dối, bèn chỉ lối thỏ núp trốn thì tên thợ săn sẽ giết được thỏ. Như vậy tuy người Phật tử giữ Giới nhưng không có Định và Tuệ dẫn dắt, vô tình phạm giới sát sanh gián tiếp và mất lòng từ bi cứu chúng sanh, nên không được gọi là Đạo đức. Nếu có Định Tuệ, dùng phương tiện thiện xảo chỉ sai lối thỏ chạy để buộc người thợ săn đi hướng khác ắt cứu được thỏ. Đó mới là Đạo Đức chân chính.

Vì vậy muốn Phật pháp trường tồn, muốn Thiền môn hưng thạnh, muốn giải thoát sanh tử phải thực hành Giới, Định, Tuệ. Đó là hướng đi căn bản và đích thực trong Giáo lý Đạo Phật mà Chư Phật ba đời và chư vị lịch đại Tổ sư cũng đều hành trì xưng tán.

Nam mô Hoan hỷ Tạng Bồ tát.

Thích Giác Nguyên

Bài liên quan:
Đức Phật có dạy 84,000 pháp môn không? (Thích Nhật Từ)
Tu học: nói, nghe, đọc, viết…(Nguyên Giác)
Trở về Đạo Phật nguyên chất để phụng sự nhân sinh (Thích Nhật Từ)

Chú thích riêng:
Phần tô mầu là do người phụ trách post bài thực hiện.









Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn