Niết Bàn

06 Tháng Tư 201516:16(Xem: 9701)

NIẾT BÀN

Mãn Tự

Niết Bàn là cảnh giới cứu cánh sau cùng mà những hành giả tu hành mong muốn được bước lên sau một thời gian dài công phu hay cũng có thể là cả cuộc đời.

Trong kinh tạng dù Đại Thừa hay Nguyên Thủy cũng đều công nhận cảnh giới Niết Bàn, như Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, chư Vị A-La-Hán nhập Niết Bàn. Tuy nhiên đó là cảnh giới như thế nào, có thể đạt được trong thời gian hiện tại, hay sau khi thân hoại mạng chung mới có? Nó có nơi có chốn để đến, hay tất cả tan biến vào hư vô mà gọi là Niết Bàn? Nếu có nơi chốn để đến thì chẳng khác gì di cư từ hành tinh này qua hành tinh khác, mà cái gì đi đến trong khi tất cả kinh điển từ Đại Thừa cho đến Nguyên Thủy đều phủ định cái Ngã. Còn không thì sự tu hành suốt cả cuộc đời là phí công hay sao? Còn nếu chờ thân hoại mạng chung mới được thì chẳng khác nào đem cả cuộc đời ta ra cá cược mà phần thắng thì không có được một phần trăm.

Niết Bàn là một ẩn số của bài toán không có đáp án, là sự mong cầu cháy bỏng của tất cả những hành giả dấn thân trên con đường đạo pháp, là sự nghi ngờ to tát của các bậc thức giả tri thức muốn đem nó ra để phân tích bình luận.

Vậy có hay không Niết Bàn? Xin trả lời là “Có”. Nhưng đừng hiểu chữ “Có” này theo nghĩa thông thường bằng sáu quan năng là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - đối với sáu trần cảnh là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, Vì sao? Vì Niết Bàn là “Quả” nên không có nhân đối. Không có nhân đối như thế nào? Thí dụ như có người đào giếng, chỉ cần đào đến một độ sâu nào đó thì có nước mà nước thì có sẵn, có đào thì nó hiện ra còn không đào thì nước không hiện; hay như người đào hầm đào ra bao nhiêu đất thì có bao nhiêu không gian mà không gian không ra không vào vì nó là “Quả” mà không cần nhân.

Thí dụ ở trên để nói lên rằng Niết Bàn không phải ở bất cứ nơi nào mà thân tâm chúng ta đang sở hữu đây chính là Niết Bàn. Tuy nhiên muốn thấy nó, muốn được nó thì phải có phương tiện như cuốc xẻng, phải có công phu như người đào giếng. Mà phương tiện công phu cũng có loại đúng chính xác, cũng có loại chạy lòng vòng bên ngoài không đi sâu vào được. Thế nào là phương pháp đúng? Đức Như Lai Thế Tôn là Vị đã thực hành, đã chứng đã biết đã đến được rồi đem chỉ dạy lại cho chúng ta, nên theo lời chỉ dạy của Ngài mà thực hành hay học theo cái hạnh của Ngài thì chắc chắn sẽ được kết quả như ta mong muốn.

Còn chạy lòng vòng như thế nào, đó là những vị đạo sư chưa từng đi đến chưa từng chứng biết, vì vậy những gì họ chỉ dạy chỉ là do suy đoán tưởng tượng, phân biệt mà có. Nên dù có tu tập có thực hành thì kết quả cũng chỉ đi lòng vòng mà thôi.

Vậy nếu thân tâm này là Niết Bàn thì sao tất cả mọi người không được. Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Thế giới Ta bà chúng ta đang sống hình thành bằng năm loại ô nhiễm mà thân tâm mỗi con người chúng ta đều mang lấy, do mang lấy ô nhiễm như vậy nên chúng ta mới hiện hữu ở thế giới Ta bà này và đó là cộng nghiệp chung của chúng ta, còn những vị không ô nhiễm thì không thể hiện hữu được, giống như hư không thì thực vật không thể sinh trưởng được.

Năm loại ô nhiễm đó một cái là sắc có thể thấy biết được bằng năm giác quan, còn bốn cái là vô hình không thể nhận ra bằng năm giác quan.

-       Thứ nhất: Sắc - là vật chất hữu hình.

-       Thứ hai: Thọ - là cảm thọ, cảm giác.

-       Thứ ba: Tưởng - là tư tưởng.

-       Thứ tư: Hành - là tư tưởng tâm sở vận hành luân chuyển bên trong.

-       Thứ năm: Thức - là tri thức, sự hiểu biết, phân biệt, nhận xét.

Thứ nhất: Sắc ô nhiễm-thân thể chúng ta không phải duy nhất mà nó là cộng sinh, nó tồn tại nhờ vào ăn uống mà sự ăn uống của loài người trên trái đất này thì rất là đa dạng, vì vậy thân thể chúng ta là một cộng thể chứ không là đơn thể. Sắc thân ta nói riêng, vạn vật trên thế giới này nói chung, nó là một cộng tướng dưới cái thấy của Nhãn quan, vì vậy nó mất đi tính chất đơn thuần nên gọi nó là ô nhiễm.

Thứ hai: Thọ - cảm thọ của chúng ta không trung thực, vì trước khi thọ là xúc, do xúc chủ đạo nên thọ không trung thực. Không trung thực như thế nào? Thí dụ cùng một câu chê hay khen nhưng nếu là người thân thì cảm thọ nó khác, còn ngược lại nếu là người xa lạ hay là người ta không thích thì cảm thọ của ta lại khác tuy cũng đồng một câu chê hay khen đó. Thọ không có độc lập mà phải nương vào xúc vì tính chất không đơn thuần nên nó ô nhiễm.

Thứ ba: Tưởng - không có thật tánh nó nương vào những việc đã qua để tưởng ra những gì chưa đến, vì vậy tính trung thực lệch đi nên nó là ô nhiễm.

Thứ tư: Hành - là sự luân chuyển vận hành không ngừng nghỉ của nhiều sự hiểu biết, nhiều dòng tư tưởng được hấp thu qua vô lượng thời gian được tích chứa bên trong. Vì vậy hầu hết, khi ta nhận ra sự vật gì thì không còn đơn thuần ngay thực tại, mà nó là sự cung cấp của nhiều thông tin ở phía sau. Hành nó ô nhiễm là vậy.

Thứ năm: Thức - là sự phân biệt, tính toán, so sánh, đối chiếu, nhưng nó phân biệt, so sánh, đối chiếu được là nhờ những cái sẵn có, nó dùng pháp này để so sánh, đối chiếu với một pháp khác để cho ra thành quả là một pháp thứ ba rồi cứ như vậy mà nó tăng lên nên kinh nói: “Tam giới duy Tâm, vạn pháp duy Thức”. Thức không có tự tánh riêng biệt, nó chỉ nương vào phân biệt mà có tên nhưng chúng ta không biết tưởng nó là thật nên chấp vào nó.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Thế Tôn giảng về cái Thức bằng thí dụ như vầy: “Ví như có một người lấy cái bình trong đựng đầy hư không bịt kín miệng bình đem xa ngàn dặm tặng cho người khác, nên biết Thức ấm cũng như vậy….”

Nói chung, tất cả chúng ta ai cũng có Niết Bàn, nhưng vì năm sự ô nhiễm đó mà ta không đến được. Năm sự ô nhiễm thân tâm của chúng ta giống như một khúc cây còn tươi, nếu bỏ xuống nước thì nó lững lờ cũng không chìm hẳn cũng không nổi lên hoàn toàn, còn đem đốt lên thì rất khó bén lửa. Vì vậy, muốn được Niết Bàn thì chúng ta phảo biết thanh lọc thân tâm loại trừ ô nhiễm thì Niết Bàn hiển hiện giống như cây khô thì dễ dàng bén lửa, còn bỏ vào nước thì sẽ nổi lên.

Tự tánh Niết Bàn bình đẳng không phân biệt là cho người này không cho người kia, hay người này ít người kia nhiều. Nhưng con người nhân gian vì căn cơ, vì nghiệp lực bất đồng, nên Niết Bàn cũng chia ra Thượng, Trung và Hạ.

Tóm lại có ba loại cảnh giới Niết Bàn.

Thứ nhất bậc hạ: Gồm những người không có giáo pháp, không được chỉ dạy phương thức thực hành thiền định một cách đúng đắn, những vị đạo sư ngoại đạo.

Thứ hai bậc trung: Đó là các Vị Thánh theo học với Đức Thế Tôn là các Vị Thanh văn-Duyên giác.

Thứ ba bậc thượng: Là các Vị Đại Bồ Tát.

Niết Bàn bậc hạ cảnh giới cảm thọ như thế nào? Đó có thể là những bậc thức giả, những vị đã chán đường danh lợi bon chen, những người bị thất bại trong cuộc sống. Nói chung là những vị đó có những biến cố vì lẽ này hay lý nọ tác động mà họ tìm đến thiền định để khuây khỏa lãng quên những phiền toái của cuộc đời hay có những vị muốn tìm hiểu thêm cho rộng kiến thức. Nhưng tựu trung mục đích của các vị đó không mong cầu sâu xa, đơn giản. Dù là như vậy, tuy nhiên cũng có nhiều vị thực hành một cách bền bỉ lâu dài, nhờ sự bền bỉ lâu dài mà đến một thời gian nào đó tình cờ thì chư vị đó cũng nhận được phút giây an lạc của thân tâm. Tuy nhiên trạng thái cảm thọ đó rất là ngắn ngủi có thể là nửa phút, một phút và nhiều lắm cũng chỉ vài ba phút mà thôi. Dù thật sự là ngắn ngủi nhưng cảm thọ đó vô cùng ấn tượng sâu xa vì nó vượt qua những gì mà vị đó đã từng biết, từng trãi nghiệm. Các vị đó nếu biết được thì những lần sau thiền định đừng có mong ước chờ mong nó xuất hiện thì may ra sẽ có được lần hai, ba hay hơn nữa. Còn nếu chăm chăm chờ mong thì sẽ không có phát sinh lần thứ hai. Như trên gọi là cảm thọ Niết Bàn nó có là do chuyển cảnh.

Tất cả chúng ta ai cũng có Niết Bàn, nhưng muốn nó hiển hiện thì phải có công phu, phải có phương tiện khéo léo thì mới có được, còn không thì nó không bao giờ xuất hiện ra trước giác quan.

Mỗi con người chúng ta cấu tạo bởi hai thành phần là tâm lý và vật lý kết hợp. Thân thể vật lý là một cộng tướng, còn tâm lý là do huân tập mà có. Hai thành phần này cùng hoạt dụng trong một hợp tướng không một thành phần nào chấp nhận với nhau. Trong một hợp tướng này luôn luôn mâu thuẫn chống đối lẫn nhau, đôi khi tâm lý muốn thế này thì vật lý không đáp ứng, hay đôi khi vật lý như thế kia thì tâm lý lại như thế khác, vì vậy mà trong cuộc sống luôn luôn mâu thuẫn.

Sắc tướng này nó hiện hữu theo một quy luật bất biến là “Thành trụ dị diệt”. Dù ta có muốn hay không thì đường đi của nó không người nào có thể quay ngược lại được. Do lực đẩy vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ của “Thành trụ dị diệt” nên cái hợp tướng này chưa có một sát-na hay một phần tỉ giây được đứng yên, vì vậy trong kinh Lăng già có một đoạn như sau: “Ví như sóng biển cả, là do gió thổi mạnh, sóng to vỗ biển rộng, chẳng có lúc ngừng nghỉ, biển tạng thức thường trụ, gió cảnh giới lay động, mỗi mỗi làn sóng thức, ào ạt mà nổi dậy…”

Vì sao thiền định thì có Niết Bàn, như trên đã nói, thân tâm chúng ta là một tổ hợp từ khi hiện hữu cho đến lúc dị diệt thì nó chưa có phút giây nào chấp nhận lẫn nhau. Dưới sự xô đẩy của thành trụ dị diệt và cũng do chính nó nên chưa có phút giây yên nghỉ. Thiền định là một phương pháp làm cho thân tâm này có được phút giây ngơi nghỉ cho đến “Sắc-không” được giây phút nhận ra nhau bớt đi mâu thuẫn, cho đến tột cùng không còn mâu thuẫn thì câu thần chú Tâm kinh “Sắc tức thị không-Không tức thị sắc” được hiển bày.

Chư vị hạ căn thiền định thì xa rời cảnh duyên ồn náo phải biết phương pháp ngồi thiền, phải có lòng kiên nhẫn, phải thực hành thường xuyên, phải học phương pháp biết điều thân biết điều tâm, hay cho đến biết điều hơi thở.

Do biết điều thân nên thân không còn thô động, thân không thô động nên tâm được yên lặng có thể giống như một giấc ngủ sâu. Tuy nhiên khác biệt là giấc ngủ sâu thì mất đi ý thức, còn thiền định thì vẫn còn sự tỉnh thức, hay ngược lại tâm được yên lặng thì thân được nhẹ nhàng vì thân tâm ảnh hưởng với nhau vậy. Điều hơi thở nhờ hơi thở sâu dài nhẹ nhàng nên khí huyết vận hành trong thân phần nào chậm lại giống như nước và gió, gió càng mạnh thì biển càng động, còn gió nhẹ thì sóng biển chỉ lăn tăn hay yên lặng.

Thiền giả có được cảm thọ cảnh giới như vậy thì gọi là Niết Bàn cảm thọ. Vì sao gọi là Niết Bàn? Vì nó không lệ thuộc vào ngoại cảnh, không phải từ bên ngoài đưa đến, nó có được là do tự thân tâm này chuyển biến nên nó là Niết Bàn.

Còn chư vị đạo sư ngoại đạo cho dù cấp độ thiền định có sâu xa hơn nhưng vẫn không rời tâm sở. Khi thiền định các vị đó hướng tâm tìm cầu, mong muốn, hoặc được thác sinh vào nơi giàu sang quyền quý, hay sanh vào các cõi trời dục giới để được hưởng thọ những dục lạc thượng diệu, hay nhiều vị mong cầu được sanh vào cõi sắc giới để được sống lâu được có thân thù thắng.

Hay có vị chứng được từ sơ thiền cho đến diệt tận định, nên nhớ diệt tận định của chư Vị A-La-Hán đệ tử của Đức Thế Tôn khác nơi diệt tận định của các vị đạo sư ngoại đạo. Diệt tận định của các Vị A-La-Hán vì có diệt đế nên có được Niết Bàn hữu dư khi sắc thân còn hiện hữu và vô dư Niết Bàn khi rời bỏ sắc thân. Còn chư vị ngoại đạo vì không có diệt đế nên không biết đế lý, vì không biết đế lý nên không chứng được đạo đế. Diệt tận định của các đạo sư ngoại đạo là diệt thọ tưởng định nên vô tưởng thiên là cảnh giới đến của các vị đạo sư ngoại đạo.

Nói chung chư vị đạo sư ngoại đạo cũng có Niết Bàn nhưng vô thường vì không rời tâm sở. Nếu chư vị đó nhận ra cảnh giới mà chư vị đạt được cũng chỉ là do tâm sở biến hiện ra nên trong kinh có câu: “Tam giới duy tâm - vạn pháp duy thức” là vậy.

Còn Niết Bàn của các Vị Thanh văn Duyên giác, xin trích dẫn một đoạn trong kinh Lăng Già - Đức Thế Tôn chỉ dạy cho ngài Đại Huệ Bồ tát: “Lại nữa Đại Huệ, Niết Bàn của Thanh văn Duyên giác dựa theo khổ, không, vô thường, vô ngã, quán sát các pháp tự tướng, cộng tướng vốn chẳng thật thể, quán thập nhị nhân duyên cũng thế, đều là cảnh giới náo động chẳng ưa thân cận, ham chỗ tịch lặng tri kiến chẳng điên đảo thì vọng tưởng chẳng sanh, vì chư vị Thanh văn Duyên giác chẳng thể chuyển Thức thành Trí, thấy chỗ tịch lặng của thức uẩn an trú mà cho đó là Niết Bàn. Tuy nhiên đó thật ra chẳng phải là cứu cánh”. Các vị Thánh Thanh văn Duyên giác thấy còn có thân để bỏ, còn có Pháp để giữ. Mà thật ra thân tâm không phải là hai, các Vị đó không thấy được Tự Tướng mà chỉ thấy được Tha Tướng mà thôi.

Ở trên là ba cấp độ Niết Bàn. Một là các hành giả căn cơ thô sơ tu thiền thì được Niết Bàn cảm thọ. Còn các vị đạo sư ngoại đạo thì có được Niết Bàn cảnh giới. Còn các vị A-La-Hán Thanh văn Duyên giác thì có được Niết Bàn tịch diệt hữu dư-vô dư.

Còn Thượng Niết Bàn là chỉ cho các Vị Đại Bồ Tát, Chư Đại Bồ Tát này cấp độ đã thấy được chơn như, đã nhận ra pháp giới này đến đi như vậy, vì vậy các Ngài thong dong du hành trong tam giới cứu độ những hành giả căn cơ thành thục, với các hành giả trên đường thực hành thì khuyến tấn khích lệ không phân biệt ta người. Với nhân gian thì các Ngài hòa hợp, ái ngữ, đồng hành luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ. Các Ngài sống trong ái dục mà ái dục không ô nhiễm các Ngài, các Ngài sống trong nhân gian giống như mọi thành phần nhưng sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp không vướng bận, không ràng buộc được các Ngài. Tuy thân ở trong nhân gian nhưng các Ngài đã ly thế gian. Không phải bỏ nhân gian mới gọi ly thế gian, mà phải như thật thấy thế gian thì không cần ly mà nó tự ly, đó gọi là Như Lai Thiền. Như Lai Thiền là bên trong thường tịch tịnh thì gọi là Mâu Ni là Căn bản trí là thiền, bên ngoài với sáu trần thấy biết một cách chân thật thì gọi là định hay gọi Hậu đắc trí.

Nếu Vị nào đó có đủ thiền và định như vậy, có được căn bản trí - hậu đắc trí có được thể-dụng không hai thì 108 câu hỏi của Ngài Đại Huệ trong kinh Lăng Già, hay cho dù có vô lượng hằng hà sa chúng sanh trong một lúc mỗi chúng sanh đặt ra hằng hà sa câu hỏi. Như vậy chúng sanh rất là nhiều - câu hỏi rất là nhiều. Tuy nhiên Vị Đại Bồ Tát đó chỉ cần một câu hay một chữ thì trả lời tất cả. Cũng như Đức Thế Tôn chỉ một chữ “Phi” mà đã trả lời hết 108 câu hỏi của Ngài Đại Huệ Bồ Tát. Thật ra câu hỏi của chúng sanh có nhiều thật nhiều hơn nữa thì cũng chỉ là Thế lưu bố tưởng mà thôi.

Như Lai thiền như thật biết tự thân, vì như thật biết tự thân nên như thật biết tha thân, vì như thật biết tự thân-tha thân nên không cần rời thân mà thân tự rời. Như Lai thiền như thật biết tự tâm, vì như thật biết tự tâm nên như thật biết tha tâm, vì như thật biết tự tâm-tha tâm nên không cần rời tâm mà tâm tự rời. Như Lai thiền như thật biết tự tướng cộng tướng, vì như thật biết tự-tự tướng cộng tướng nên như thật biết tha-tự tướng cộng tướng, vì như thật biết tự tha tự tướng cộng tướng nên cảnh duyên không cần rời mà nó tự rời.

Các Ngài đi trong tam giới không phải để cầu giải thoát, không phải để cầu chứng Niết Bàn, không phải lấy bỏ phiền não thô phù bên trong bên ngoài, mà để giải trừ tập khí vi tế nên các Ngài luôn luôn đi trong các loài. Tập khí rất là vi tế không dễ nhận ra vì nó không làm nên phiền não mà nó chỉ làm chướng hậu đắc trí. Vì vậy muốn viên mãn Đại viên cảnh Trí thì phải giải trừ tất cả tập khí.

Thế nào là tập khí vi tế? Thí dụ các hành giả tu thiền, khi chứng được sơ thiền thì có hỷ phát sanh, nhị thiền có lạc, tam thiền thì có cả hỷ lạc, tứ thiền thì xả bỏ khổ-lạc ở trạng thái bất khổ bất lạc và an trụ ở đó. Có thể chứng được cảnh giới tứ thiền là cảnh giới lý tưởng, chẳng những của các vị đạo sư ngoại đạo mong cầu mà các vị Thánh Thanh văn Duyên giác cũng cầu đi đến. Tuy nhiên, không khổ không lạc với các Vị Đại Bồ Tát lại là tập khí cần phải giải trừ, vì nó là vô ký pháp, là biến dịch, tuy nó không trực tiếp hiện hành nhưng nó âm thầm làm nên cái quả. Cũng giống như thân thể chúng ta nó âm thầm vận chuyển ta không nhận ra nhưng cái quả dị-diệt không một sinh vật nào tránh được.

Chư Đại Bồ Tát không cầu chứng Niết Bàn không có nghĩa là các Ngài không có Niết Bàn, mà Niết Bàn của các Ngài không giống như ba loại Niết Bàn ở trên là cảm thọ, cảnh giới và tịch diệt. Niết Bàn của các Ngài là do Trí tuệ là do đại hạnh Bi-Trí-Dũng mà thành nên nó thậm thâm vi diệu vô cùng thù thắng thật không diễn tả bằng ngôn từ.

Tất cả kinh điển lưu truyền từ Nguyên Thủy hay Đại Thừa đều ghi lại là Đức Thế Tôn Như Lai nhập Niết Bàn vào lúc Ngài tám mươi tuổi sau bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh, có thật vậy không? Bây giờ chúng ta tự đặt câu hỏi; Khi Giác ngộ Chánh đẳng Chánh giác dưới cội Bồ đề thì Ngài ở cảnh giới nào, và Ngài bốn mươi lăm năm du hành thuyết pháp độ sinh trong thời gian đó thì Ngài ở cảnh giới nào. Tại sao đến lúc đó mới gọi là nhập Niết Bàn. Cho nên biết rằng Đức Như Lai Thế Tôn chưa từng nhập Niết Bàn. Mà Niết Bàn tất cả kinh điển lưu truyền từ Nguyên Thủy cho đến Đại Thừa nói về Thế Tôn nhập Niết Bàn thì cũng chỉ là Thế lưu bố tưởng mà thôi.

 

Mãn Tự
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn