Chương 2: Quan Điểm Của Đức Phật Về Sự Thành Đạt

20 Tháng Tám 201000:00(Xem: 30862)

LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Về Sự Thành Tựu Trong Gia Đình, Nơi Công Sở, Ngoài Xã Hội

Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 2010

Chương 2

Quan Điểm Của Đức Phật Về Của Cải Vật Chất

Nghèo khó khiến chúng sanh khổ đau

Vì nghèo, họ phải mang nợ.

Hoàn cảnh này khiến đời sống họ tụt hậu.[1]

Tăng Chi Bộ Kinh

 Quan điểm của Đức Phật về sự phát đạt, sung túc được coi là một trong những khía cạnh thường bị hiểu lầm nhất trong giáo lý của Ngài. Nhiều tác giả đã tuyên bố thẳng hay ám chỉ rằng Đức Phật không khuyến khích người cư sĩ thăng tiến và trở nên giàu có. Quan niệm sai lầm này khiến chúng ta thường nghĩ rằng khi thành đạt hay được sung túc là đi ngược lại với lời dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, chúng ta hãy xét xem Đức Phật thật sự quan niệm như thế nào về sự thành đạt, sung túc của người cư sĩ.

Tự Do Thành Đạt

 Trước hết, Đức Phật chẳng bao giờ áp đặt bất cứ sự hạn chế nào trên các nỗ lực để thành công của hàng cư sĩ; trái lại, Đức Phật còn khuyến khích họ cố gắng đạt được thành công. Dầu trong ‘kinh doanh, nuôi gia súc, làm thủ công, làm công chức, hay bất cứ ngành nghề, công nghiệp nào”, người cư sĩ cũng phải cố gắng để thăng tiến trong lãnh vực ngành nghề nghiệp của mình.[2] Nhất là quyết tâm để đạt được thành công, đó là điều tiên quyết, quan trọng trong cuộc đời của bất cứ ai –và thái độ ‘tôi có công việc làm để kiếm sống là đủ rồi’, không có mặt trong giáo lý của Đức Phật.

 Kế đến, Đức Phật cũng không giới hạn tài sản mà người cư sĩ có thể sở hữu và chẳng bao giờ khuyên hàng cư sĩ tại gia giàu có của Ngài phải dừng lại hay giảm thiểu tài sản của họ. Trái lại, Đức Phật đã dứt khoát khuyên họ phải có kế hoạch, phải biết tổ chức và phải nỗ lực để thành công hơn nữa. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn về những lời dạy này trong những chương sau.

 Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Đức Phật không đặt ra một chế định nào đối với tài sản cá nhân của người cư sĩ. Sử dụng thuật ngữ ‘tài sản lớn’ (ulare bhoge)[3], Đức Phật muốn nói đến số lượng mà ta có thể hướng tới để đạt được –nói cách khác, càng nhiều của cải, tài sản càng tốt.

Sự Thành Đạt Và Mục Đích Của Nó

 Điều quan trọng cần nhớ là sự tự do mà Đức Phật dành cho người cư sĩ, để họ trở nên càng phát đạt, sung túc càng tốt, dựa vào hai điều kiện. Thứ nhất, chúng ta phải tuân theo một số nguyên tắc trong nỗ lực để làm giàu. Thứ hai, ta phải sử dụng tài sản một cách đúng đắn. Nếu hai điều kiện trên không được thỏa mãn, thì “tài sản lớn’ đó sẽ không bao giờ được Đức Phật chấp nhận –như thế “sự tự do vô hạn” để được giàu có, phát đạt, ám chỉ số lượng tài sản chứ không phải phương tiện sử dụng để đạt được nó. Hơn thế nữa, chẳng bao giờ nên coi sự thành đạt, giàu sang là mục đích tối hậu, mà chỉ là một phương tiện để đưa ta đến những mục đích cao thượng hơn. 

 Đức Phật đã nói đến cả hai vấn đề, sự tự do cá nhân để thành đạt và sự quan trọng của việc sử dụng tự do đó một cách đúng đắn như sau:

 Niềm hạnh phúc của việc sở hữu tài sản là gì? (Atthi sukha -the happiness of possessing wealth). Một số người tích lũy tài sản lớn và của cải dồi dào bằng những phương tiện chánh đáng, nỗ lực tinh tấn, và nghĩ rằng, “Giờ tôi đã có của cải, có tài sản bằng những phương tiện chánh đáng”.

 Khi nghĩ như thế, người đó cảm thấy hạnh phúc, hài lòng. Đó là điều mà ta gọi là atthi sukha.[4]

 Rõ ràng là việc sở hữu tài sản cá nhân được chấp nhận, miễn là người cư sĩ đã sử dụng những “phương tiện chân chánh, và tinh tấn nỗ lực”. Để lãnh hội được lời dạy của Đức Phật khi nói đến “phương tiện chân chánh và nỗ lực tinh tấn”, trước hết ta hãy xem xét một vài quan điểm về việc tích lũy tài sản của các vị lãnh đạo tinh thần đồng thời với Đức Phật.

 Một số vị thầy cho rằng việc tôn trọng các giá trị đạo đức là không cần thiết. Họ khuyên người khác, kể cả vị vua đầy quyền lực Ajatasattu, hãy thâu gom tài sản, bằng bất cứ phương tiện nào cần thiết, mà không cần phải quan tâm đến những tác hại mà các phương tiện ấy có thể mang đến cho người khác.[5] Kassapa, một vị thầy nổi tiếng trong thời Đức Phật, không thấy gì sai đối với việc trộm cắp hay lẻn vào nhà lấy của người khác.[6] Một số các vị thầy thực dụng khác như là Ajita và Kaccayana cũng có những quan niệm tương tự, họ không kể đến đạo đức gì trong việc làm giàu. Truyền thống Carvaka, một trường phái tư tưởng Ấn Độ nổi tiếng trong thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đã tóm tắt mọi thứ như thế này: Cách dễ nhất để làm giàu là “suốt đời đi vay mượn, tận hưởng của cải đó mà không cần phải lo đến việc trả lại”.

 Bên cạnh những quan điểm đầy thực dụng tai hại này, chúng ta có thể phân tích để thấy con đường đi đến sự phát đạt, giàu sang của Đức Phật đầy danh dự và hữu ích hơn nhiều. 

 Hút Mật Mà Không Làm Hại Đến Hoa

 Đức Phật đã giới thiệu cho người cư sĩ một hệ thống đạo đức trong quá trình tích lũy tài sản. Dĩ nhiên, các giới luật của Đức Phật nói chung –như kêu gọi lòng từ bi đối với kẻ khác- đều được áp dụng trong bất cứ lãnh vực nào, nhưng Đức Phật cũng đặt ra những điều cụ thể, liên quan đến vấn đề kinh doanh.

 Trước hết, người tham gia vào việc làm ra của cải không được gian dối hay làm hại khách hàng hay bất cứ người nào khác có liên quan. Người đó làm ‘tăng trưởng tài sản dần dần chứ không chèn ép người khác, cũng như các chú ong hút mật mà không làm hại hoa’.[7] Như thế, bất cứ tài sản nào mà ta sở hữu cần phải đạt được “bằng các phương tiện chân chánh”.[8] Công bằng, chân chánh là những yếu tố rất quan trọng trong việc tạo ra của cải, đến nỗi trước khi bắt tay vào việc kinh doanh hay hành một nghề nghiệp đầy hứa hẹn nào, ta cần phải thệ nguyện không lạm dụng người khác.

 Lời dạy của Đức Phật đối với sự chăm sóc cho công nhân, người làm công, càng thể hiển rõ hơn con đường đi đến sự thành đạt, làm giàu một cách danh dự. Cụ thể, Đức Phật đã nói đến năm điều mà người chủ cần phải quan tâm trong việc đối xử với người công nhân của mình:

 -Giao công việc và bổn phận tùy vào khả năng và sức lực của họ.

 -Trả tiền lương phù hợp với công việc và dịch vụ của họ.

 -Có phương tiện chăm sóc sức khỏe cho họ.

 -Tạo thực dưỡng cho họ.

 -Cho họ được nghỉ phép (vacation) vào thời điểm thích hợp.[9]

 Các tư duy mới mẻ, tốt đẹp này lần nữa xác định rằng giáo lý của Đức Phật đã dạy, người kinh doanh không đáng được có của cải, tài sản nếu họ không tuân theo các nguyên tắc kinh doanh đạo đức. Trong bất cứ nỗ lực để sinh lợi nào, người chủ cần phải kiềm chế không ép buộc người khác phải lao động nặng nhọc quá sức. Phải trả đồng lương xứng đáng cho công nhân của mình và tạo điều kiện để họ được chăm sóc sức khỏe miễn phí, được ăn uống đầy đủ và được nghỉ ngơi. Dựa trên quan điểm của Đức Phật, những ai không tạo điều kiện tốt đẹp, không chăm sóc cho công nhân của mình thì không xứng đáng được giàu sang, lợi lộc.

 Nói chung, các vị doanh nhân, những người muốn tạo ra của cải, muốn thăng tiến được nhắc nhở phải chánh niệm về đạo đức của họ. Các vị doanh nhân, trong vai trò lãnh đạo, phải làm hài lòng khách hàng của mình, đồng thời phải bảo vệ quyền lợi của công nhân. Nếu họ tuân theo những điều này, ít nhất họ cũng phần nào xứng đáng để được phát đạt hơn. Một điều kiện khác nữa để được phát đạt là việc sử dụng tài sản một cách đúng đắn.

Tài Sản Giống Như Mưa Nuôi Dưỡng Cuộc Sống

 Việc sử dụng tài sản đúng đắn có thể được làm rõ hơn khi so sánh với những gì mà các vị đồng thời với Đức Phật tuyên dạy. Đối với một số vị, việc thỏa mãn dục lạc cá nhân là mục đích quan trọng nhất trong việc tạo ra của cải và ngày nào còn sống thì họ cần sử dụng tất cả những phương tiện có thể để đạt được điều đó. Nếu dựa theo quan điểm đó, thì không việc gì người ta phải làm từ thiện cả. 

 Đức Phật lại có quan điểm hoàn toàn khác. Đức Phật nhấn mạnh rằng tài sản mà người ta có được bằng những phương tiện chân chánh, cần được sử dụng để mang lại lợi ích cho người và cho bản thân:

 Người cư sĩ đã tích lũy được tài sản lớn bằng nỗ lực, khả năng, tinh tấn, và quan tâm đến việc sử dụng đúng đắn [tài sản đó] để thỏa mãn nhu cầu bản thân và tự tại trong lòng. Khi sử dụng tài sản đó, người đó có được hạnh phúc trong cuộc đời. Đồng thời, người đó khiến cho cha mẹ, gia đình [chồng hay vợ và con cái], và những người làm cho mình cũng được hạnh phúc và thỏa mãn.

 Kế đến, người đó phải dùng tài sản của mình để giúp đỡ bạn bè và đồng sự. Vị ấy cũng phải dùng tài sản của mình để làm vừa lòng thân quyến và những người cần được giúp đở, để cúng kiếng các thân quyến đã qua đời, để làm tròn bổn phận công dân đối với chính phủ, và để thực hiện các nghi lễ.

 Cuối cùng, vị ấy cần sử dụng của cải của mình để cúng dường cho các vị tỳ kheo và bà-la-môn, những người đã dốc cả cuộc đời cho mục đích thanh tịnh bản thân và đạt được Giác Ngộ.[10]

 Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng sự nỗ lực của một người cần có ý nghĩa đối với bản thân, đối với những người cùng chung sống, và nói rộng hơn, là đối với cả xã hội. Việc “sử dụng tài sản một cách đúng đắn” thể hiện giáo lý căn bản này của Đức Phật.

 Người không sử dụng của cải, tài sản của mình một cách khôn khéo như thế sẽ không được Đức Phật chấp nhận. Vua Kosala đã bạch với Đức Phật rằng ông (nhà vua) đã vừa được sở hữu tài sản khổng lồ của một doanh nhân, người vừa qua đời mà không có con cái thừa tự. Chỉ riêng vàng của vị đó là vô cùng giá trị; nhưng bản thân vị đó, lúc nào cũng mặc áo vá, ăn gạo hẩm, sử dụng phương tiện xe cộ đơn sơ, và chẳng bao giờ sử dụng của cải của mình vì ích lợi của người khác. Nghe chuyện, Đức Phật nói rằng người mà không sử dụng tài sản của mình để làm lợi ích cho bản thân và tha nhân, đã sống một cuộc đời vô nghĩa.[11]

 Trái lại, những người sử dụng tài sản, của cải của mình để làm lợi ích cho bản thân và người khác thì được Đức Phật tán thán. Giống như “mưa rào để nuôi dưỡng cuộc sống”, có được tài sản cá nhân lớn lao là để sử dụng, và bảo dưỡng cho số đông người.[12]

 Mục đích của chúng ta trong việc tạo ra tài sản là để sử dụng chúng cho có ích. Người nào biết tuân giữ điều này, Đức Phật cho rằng người đó có quyền nỗ lực hết sức để được có thêm của cải.

 Tam Tạng Kinh không cho ta chứng cứ gì về việc phải dành bao nhiều phần trăm tài sản để dùng cho bản thân, cho con cái và cho tha nhân. Tuy nhiên, Đức Phật đã khuyên ta cần chia tài sản của mình làm bốn phần bằng nhau: hai phần để kinh doanh, một phần để tiết kiệm, và phần còn lại là cho phí sinh hoạt.[13] Đức Phật không khuyên ta dùng hết tài sản của mình vào việc tiêu xài và bố thí. Ngài coi việc tiết kiệm là điều cần thiết vì “tiền tiết kiệm có thể được sử dụng trong trường hợp có tai nạn hay những điều bất trắc không ngờ trước xảy ra”.[14]

 Chỉ một trong bốn phần của tài sản là được khuyên nên sử dụng cho các chi phí cá nhân và bố thí. Nói cách khác, Đức Phật khuyên chúng ta chỉ nên dùng một phần tài sản để làm thỏa mãn bản thân và người khác, chứ không phải tất cả những gì ta có được.

 Câu trích ở trên cũng công nhận rằng việc chăm sóc con cái, bảo vệ quyền lợi của người làm, và trả một phần lợi tức cá nhân cho chính phủ (đóng thuế) là những điểm chính trong việc chi tiêu đúng cách. Những kẻ không tuân theo các nguyên tắc này không đáng được phát đạt hơn nữa. Do đó việc hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với xã hội cũng là một phần thực hành quan trọng của người cư sĩ và việc dành một phần tài sản của mình cho xã hội biểu hiện cách thực hành này.

 Một câu cú quan trọng trong kinh Parabhava cho ta thấy rõ hơn về sự nhấn mạnh của Đức Phật rằng rằng tài sản cá nhân không chỉ dành cho bản thân. Khi nhắc đến những dấu hiệu tha hóa của người cư sĩ, Đức Phật nói: “Nếu một cá nhân sở hữu nhiều tài sản, vàng bạc và thực phẩm mà chỉ dùng chúng cho bản thân, thì người đó đang trên đường tụt hậu”.[15]

 Câu nói trên xác nhận việc Đức Phật không chấp nhận một người giàu có mà không quan tâm đến xã hội. Sử dụng tài sản “cho bản thân”, hàm ý chỉ việc sử dụng tài sản riêng cho cá nhân hay cho những người thân thiết của mình. Vì người được giàu có chắc chắn là phải mang nợ xã hội mới có được sự sản, nên bắt buộc là họ phải đóng góp trở lại cho xã hội thay vì chỉ sử dụng tài sản đó riêng cho bản thân.

 Một câu hỏi khác cần được làm rõ là bằng cách nào và đến mức độ nào người ta có quyền thỏa mãn bản thân bằng tài sản kiếm được một cách chân chánh. Một số người tưởng rằng vì tài sản tạo ra bằng những phương tiện chân chánh, nên họ có quyền tự do thỏa mãn bản thân. Nhưng suy nghĩ này rõ ràng đi ngược lại với những lời dạy của Đức Phật về việc sử dụng tài sản cá nhân.

 Đức Phật chẳng bao giờ tán đồng lý thuyết cho rằng việc thỏa mãn các lạc thú trước mắt, là mục tiêu của việc kiếm tiền. Trái lại, Đức Phật tán thán những người “tích lũy tài sản lớn, nhưng không bị đắm chìm trong đó”,[16] trong khi những kẻ vượt quá giới hạn của việc thỏa mãn dục lạc, “sau này sẽ khổ đau do những hậu quả tai hại mà nó mang đến”.[17] Ý thức đến giới hạn của việc thỏa mãn dục lạc là ý thức đến mức độ mà hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc được có sức khỏe và sống lâu. Lời khuyên của Đức Phật với vua Kosala về việc ăn uống điều độ đã xác nhận quan điểm này:

 Vua Kosala là một người luôn tìm mọi cách để thỏa mãn dục lạc, nhất là trong vấn đề ăn uống. Ông nổi tiếng về vòng bụng quá lớn và bản tính dễ dãi. Tuy nhiên, nhà vua có quan hệ thâm giao với Đức Phật. Lần kia, sau một bữa ăn thịnh soạn, ông đến viếng thăm Đức Phật trong một trạng thái thân không bình ổn, thở hổn hển. Nhìn thấy tình trạng của vua Kosala, Đức Phật đã nói một bài kệ tán thán sự ăn uống điều độ, và Ngài cho rằng người biết ăn uống điều độ sẽ không bị thân hành và có thể tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài. Dĩ nhiên, những lời khuyên này có thể áp dụng cho bất cứ thứ dục lạc nào. Điều cốt yếu ở đây là “mức độ vừa phải”: mức độ vừa phải là giới hạn giúp ta có được sức khỏe, thân không bịnh hoạn, tâm thư thái và được xã hội chấp nhận.

TÓM TẮT

 Đức Phật đã trình bày cặn kẽ về việc chúng ta nên có thái độ như thế nào về tài sản, và hướng dẫn ta tận dụng một cách đúng đắn những lợi ích của tài sản. Đức Phật nhấn mạnh rằng tài sản là nguồn hạnh phúc của người cư sĩ. Tuy nhiên, để đạt được hạnh phúc đó, người cư sĩ phải làm ra của cải, tài sản bằng những phương tiện chân chánh và sử dụng nó một cách hữu hiệu nhất. Tiền bạc hay tài sản không phải chỉ để tích trữ hay sử dụng để thỏa mãn dục lạc cho riêng bản thân; chúng cần được sử dụng để mang lại hạnh phúc và thỏa mãn cho bản thân cũng như tha nhân. Khi sử dụng tài sản cho bản thân, hành giả cần ý thức đến mức độ vừa phải trong việc thỏa mãn dục lạc. Theo quan niệm của Đức Phật, của cải, tài sản là phần thưởng cho những ai biết tuân theo những nguyên tắc đạo đức đã được Đức Phật đề ra.




[1] Câu trích từ: Tăng Chi Bộ Kinh VI: Phẩm Dhammika: Kinh Ina

[2] Tăng Chi Bộ VIII: Phẩm Gotami: Kinh Vyagghapajja

[3] Tương Ưng Bộ Kinh I: Kosala Samyutta: Kinh Pathama Aputtaka, 182-183

[4] Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Pattakamma: Kinh Anana

[5] Trường Bộ Kinh I: 2: Kinh Samannaphala; 1253-125

[6] Như trên.

[7] Trường Bộ Kinh III: 3.1 Kinh Sigalovada, 461-469

[8] Tương Ưng Bộ Kinh VIII: Phẩm Yamaka: Kinh Dutiya Sampadaancabhoga Adiya

[9] Trường Bộ Kinh III:31: Kinh Sigalovada; 461-469

[10] Tăng Chi Bộ Kinh V. Phẩm Mundaraja : Kinh Pancabhoga Adiya.

[11] Tương Ưng Bộ Kinh I: Kosala Samyutta: Kinh Pathama Aputtaka; 182-183

[12] Tăng Chi Bộ Kinh V: Phẩm Mundaraja : Kinh Sappurisa.

[13] Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469

[14] Như trên

[15] Kinh Tập: Phẩm Uraga

[16] Tương Ưng Bộ Kinh I: Kosala Samyutta: Appaka Sutta; 169-170

[17] Như trên

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn