Mở Mang Trí Óc

29 Tháng Chín 201000:00(Xem: 32568)

MỞ MANG TRÍ ÓC

Lời khuyên của Đức Phật là chúng ta nên thoát khỏi những cuồng loạn đó nếu chúng ta muốn chứng nghiệm hạnh phúc. Tuy nhiên sự giải thoát đạt được là do chính sự cố gắng của chúng ta, đến từ nơi chúng ta. Chúng ta không thể đạt được một sự cứu rỗi từ một Đấng Thiêng Liêng, Đức Phật hay Trời. Chúng ta không thể đạt được sự tự do tối hậu từ những yếu tố bên ngoài. Những đấng siêu nhiên không thể giúp gì cho chúng ta để đạt được trí tuệ và sự giải thoát cuối cùng dù chúng ta sùng bái các đấng này đến đâu đi nữa hay tán dương các đấng này qua những hình thức như khổ hạnh, tán tụng, bùa, chú, cầu đảo hay đem hy sinh các súc vật để cúng.

“Chúng ta gặt được kết quả nơi cái gì chúng ta đã làm và chúng ta sẽ có kết quả nơi cái gì chúng ta đang làm”. Hành động điều kiện hoá hạnh phúc hay không hạnh phúc cho chúng ta, và cuối cùng bảo đảm sự cứu rỗi cho chúng ta. Cứu rỗi hay giải thoát là việc của cá nhân, giống như con người phải ăn, uống, tiêu hoá và ngủ nghỉ cho chính mình. Tất cả những hành động của nghiệp được giữ lại một phần trong việc hình thành tâm trí của chúng ta và lưu giữ ngầm tại đấy. Chúng ta quên đi những hành động quá khứ vì lẽ những hoạt động tinh thần khác che mờ tâm trí nên chúng ta không thể nhớ lại hành động quá khứ. Khi chúng ta mở mang tâm trí qua thiền định, chúng ta ngưng những đắm đuối của năm giác quan. Khi tâm trí trong sáng sẽ giảm đi lo âu, tham dục, nóng giận, ghen ghét và ảo tưởng sai lầm. Tâm trí trong sáng trở nên sung mãn và bén nhạy. Đó chính là khi chúng ta có thể tác động được hoạt động tâm thần và phát ra sức mạnh tiềm ẩn to lớn. Đó là sức mạnh tâm linh. Sức mạnh này hiện hữu trong tất cả chúng ta; chúng ta chỉ cần phải học cách phát ra sức mạnh này qua thiền định. Một cách khác có thể tiến cận những hoạt động tinh thần tàng trữ (trong đầu) là thôi miên. Qua thôi miên một số người có thể phát triển một mức độ sức mạnh tâm linh nhưng môn này không được tiến dẫn vì lẽ thôi miên dựa trên một tác nhân khác và không tác dụng đến việc thanh tịnh hoá tâm trí.

Đức Phật khuyên các tín đồ trau dồi và mở mang sức mạnh tiềm ẩn trong con người và chỉ cho tín đồ làm sao sử dụng hữu hiệu nhất sức mạnh của ý chí và trí thông minh mà không cần làm tôi mọi cho một cá nhân nào để mưu cầu hạnh phúc trường cửu.

Không oán trách ai cả, Phật giáo dạy con người chịu trách nhiệm hành động của chính mình. Con người phải đương đầu với thực tại cuộc đời, gánh trách nhiệm và chu toàn nhiệm vụ, bổn phận với bản thân mình cũng như đối với người khác. Đau khổ hay sung sướng do chính mình tạo nên và chính mình có khả năng quét sạch mọi phiền não đau khổ, giữ an lạc, hạnh phúc bởi hiểu rõ những yếu điểm của chính mình và tự gắng sức để vượt qua những trở ngại đó. Tâm trí của con người không được rèn luyện chịu trách nhiệm về tất cả các rắc rối, tai biến , nhiều loạn, bất hạnh và cả đến những thay đổi của môi trường và vật chất. Trái lại tâm trí con người được rèn luyện có thể thay đổi tình trạng bất hạnh trên thế giới và có thể đem lại hoà bình thịnh vượng và hạnh phúc khắp nơi cho mọi người. Việc đó chỉ có thể làm được qua việc thanh tịnh hoá sức mạnh tinh thần.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2224)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8274)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3058)