Chương 4 : Bản Thể Tuyệt Đối

13 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 12373)
CHƯƠNG 4
BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI

Dùng ngôn ngữ tương đối để nói về Bản Thể Tuyệt Đối là một điều khó khăn, dễ gây hiểu lầm và đôi khi phản bội chân lý. Ngôn ngữ có thể tải được đạo lý, nhưng chính ngôn ngữ cũng là chướng ngại cho sự thực chứng chân lý. Niết bàn vốn không tên nhưng người ta đã đặt tên Niết Bàn. Phật tánh vốn không tên nhưng người ta đặt tên Phật tánh. Rồi chính cái tên gọi này trì giữ con người đứng lại tại đó, không vượt qua được để đến với chỗ tâm linh mầu nhiệm không ý không lời.

Nhưng nếu không nói về chân lý cứu cánh này thì chư Phật mắc tội bỏn xẻn giống như là còn có đôi bàn tay nắm lại. Phải tuyên dương về đạo lý tột cùng này cho mọi người thú hướng, chấm dứt sự tự mãn với những giai đoạn nửa chừng. Với người lấy ý thức lý luận làm sự nghiệp, cần phải tạo ra cho họ biết còn có vô thức sâu kín với những tác dụng to lớn phi thường. Tác dụng của vô thức có thể phá vỡ những qui luật của không gian vật lý.

Với người đạt được định sâu thẳm, thâm nhập vào được thế giới vô thức, phải cho họ biết còn có Bản Thể Tuyệt Đối của vạn hữu vũ trụ. Nơi Bản Thể này mới là tận cùng con đường của người đi tìm chân lý.

Một vài tôn giáo cho rằng có một thần linh tối cao mà con người chỉ có tuân phục chứ không thể nào bình đẳng được. Con người phải thờ phượng, cầu xin để được vị thần linh tối cao đó ban ân sủng.

Trong đạo Phật và một vài tôn giáo Đông phương phủ nhận quan điểm này. Bởi vì cái tối cao không phải là một thần linh mà chính là Bản Thể Tuyệt Đối. Ai cũng có thể chứng đạt Bản Thể Tuyệt Đối để giải thoát viên mãn và bình đẳng với nhau. Đức Phật là người đã chứng đạt và dạy lại con đường. Ai đủ ý chí và đi đúng đường đều sẽ thành Phật.

Không gian vật lý có tính khách quan triệt để vì những quy luật của nó tồn tại ngoài ý muốn của con người. Ngược lại, không gian tâm linh có tính chủ quan triệt để vì tác dụng của nó hoàn toàn dựa vào ý muốn của con người.

Ở không gian vật lý, nếu con người muốn bay lên cao, họ phải dựa vào các qui luật khoa học để chế tạo ra các thiết bị bay có cánh tựa vào không khí, có lực đẩy, lực nâng... nghĩa là ý muốn của họ phải dựa vào quy luật. Còn trong không gian tâm linh, nếu đủ năng lực tâm linh, họ chỉ khởi ý muốn bay là có thể bay lên, không đếm xỉa gì đến trọng trường của quả đất. Ở đây, ý muốn của họ là yếu tố quyết định. Nhiều nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu không gian tâm linh một cách khách quan, bỏ quên tính cách chủ quan triệt để của nó, và họ đã lạc lối, không tìm ra chìa khóa của vấn đề. Họ đưa ra các lý thuyết về không-thời gian nhiều chiều, về nhiều loại vũ trụ để giải thích và họ đã đi quá xa.

Còn Bản Thể Tuyệt Đối vừa có tính chủ quan vừa có tính khách quan.

Bản Thể có tính khách quan vì ai đã thoát hẳn chấp ngã mới có thể chứng đạt được. Không có chấp ngã nên Bản Thể không có tính chủ quan, có vẻ như khách quan thật sự. Trong Bản Thể không có cái TA riêng rẽ, tất cả đều chung đồng hòa hợp. Nơi không gian vật lý, mọi thứ đều hiện bày sự sai biệt của riêng nó, nó hiện diện riêng rẽ và tác dụng vào môi trường theo tương quan vật lý. Một cái cây mọc chơ vơ một mình, không giống gì với xung quanh, nhưng có ảnh hưởng vào môi trường, vì hoạt động lọc khí, hấp thụ ánh sáng... Còn trong Bản Thể tất cả đều hòa hợp cảm ứng lẫn nhau. Không còn riêng rẽ, không phải là tương tác vật lý khô khan.

Người hòa nhập vào Bản Thể ngay lúc đó đã trở thành toàn thể vũ trụ, không còn là tương tác vật lý khô khan.

Người hòa nhập vào Bản Thể ngay lúc đó đã trở thành toàn thể vũ trụ, không còn là cá thể biệt lập nữa.

Đứng ở không gian vật lý, ta thấy cái cây và cục đá là hai thứ tách rời. Còn trong Bản Thể cái cây và cục đá là một. Nói là một, chúng ta đừng hiểu là không còn cái cây không còn cục đá, đừng hiểu là cái cây và cục đá biến mất. Chúng vẫn hiện hữu, vẫn không lẫn lộn, nhưng vẫn chung đồng duy nhất với nhau. Ngôn ngữ không diễn tả được chỗ này. Người chứng ngộ thì “thấy” rõ ràng, người chưa chứng ngộ thì phải có trực giác để cảm nhận phần nào chỗ vi diệu đó.
Toàn bộ không gian và thời gian đều chung đồng nơi Bản Thể.

Ở không gian vật lý chúng ta thấy không gian trải rộng vô biên, và thời gian kéo dài vô hạn. Nhưng trong Bản Thể mọi vị trí đều chung đồng với nhau, không còn xa cách, mọi thời điểm đều tụ hội không xa xôi. Nói như thế không có nghĩa là mọi vị trí, mọi thời điểm đều biến mất. Không, chúng vẫn hiện hữu, không lẫn lộn. Nhưng vẫn “như là” ở một chỗ với nhau trong Bản Thể kỳ diệu này. Mặt trời vẫn là mặt trời. Sao Lalande vẫn là sao Lalande (cách nhau 8 năm ánh sáng) không lẫn lộn nhưng vẫn “như là” ở một chỗ với nhau trong Bản Thể.

Thời gian cũng vậy, năm 1990 vẫn là 1990 không lẫn lộn với năm 2000, nhưng vẫn như là một chỗ với nhau trong Bản Thể.

Bộ phim khoa học giả tưởng “Trở về tương lai” của Mỹ trình bày một nhà bác học chế được một cái máy để đưa con người sống trở lại quá khứ. Ông và người bạn trẻ sống lại thời gian cách đây gần 100 năm. Họ mang quan điểm, tư tưởng, y phục của thế kỷ này để sống lẫn lộn với những người đang sống thế kỷ trước. Sau nhiều rắc rối, họ tìm cách trở về tương lai, nơi họ đã xuất phát.

Tư tưởng của bộ phim thật là táo bạo, trong đó, người viết kịch bản đã xem thời gian như là không gian, nếu có phương tiện, người ta có thể đi từ thời điểm này sang thời điểm khác.

Thật ra, đối với Bản Thể, điều này không thích hợp vì đã có sự lẫn lộn giữa con người vượt thời gian đó. Cách đây một thế kỷ, đã có người đó sống với tư tưởng, quan điểm y phục của thời bấy giờ. Không thể nào xóa nhân vật đó để đưa con người tương lai sau một thế kỷ thay chỗ với tư tưởng, quan điểm, y phục khác biệt. Như vậy là lẫn lộn giữa vấn đề, cùng một con người, nhưng ở một quá khứ bị xóa mất, thay vào đó là người tương lai nhờ máy móc trở lại quá khứ để sống.

Nơi Bản Thể có sự hòa hợp chung đồng nhưng không có lẫn lộn.

Hoặc một phim thần thoại HongKong tựa Hoa Sơn Thánh Mẫu. Để tiêu diệt Hoa Sơn Thánh Mẫu, Ma Vương đã tìm lại thời gian 500 kiếp trước để tiêu diệt tiền thân của bà. Nếu tiền thân bị tiêu diệt, lập tức thân hiện tại bị tan vỡ. Đây cũng là một lối hiểu sai lầm vì đã lẫn lộn về thời gian. Trong Bản Thể, mọi thời điểm đều nằm chung một chỗ, nhưng thời điểm nào vẫn là thời điểm ấy. Người ở thời điểm này không thể lộn qua con người ở thời điểm kia. Ma Vương ở thời điểm hiện tại không thể đem ý đồ ác độc của mình để trở lại 500 đời trước vì lúc đó hắn đã từng có mặt với một tư tưởng khác.Chúng ta chỉ có thể trở lại quá khứ bằng cái Biết mà thôi.

Chúng ta nói Bản Thể vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan, bởi vì Bản Thể là vô ngã (Giống như Hòa thượng Thiện Siêu nói vô ngã là Niết Bàn) nên có tính khách quan; nhưng trong cái vô ngã đó vị đạt đạo vẫn có cái cảm ứng thấu rõ tất cả sự kiện gì nếu vị ấy muốn. Thế nên, Bản Thể vẫn có vẻ mang tính chủ quan. Ví dụ vị đạt đạo muốn biết một hành tinh xa xôi, vị ấy, từ nơi cái tịch diệt tuyệt đối của Bản Thể, xuất hiện cái cảm ứng siêu việt, nơi cái cảm ứng này vị ấy trở thành duy nhất với hành tinh kia và thấu rõ về hành tinh kia như “xem một trái xoài trong lòng bàn tay”. Ở đây, cái cảm ứng giống như là cái biết, nhưng nơi cái biết này, người biết và đối tượng bị biết không chia ra làm hai, biết mà vẫn vô ngã.

Chính vì có cái “biết-cảm ứng” này mà Bản Thể như có tính chủ quan, nhưng vì vô ngã nên như có tính khách quan.

Ở không gian vật lý, chúng ta thấy thời gian trôi mãi không ngừng. Hàng tỷ tỷ năm đã trôi qua và còn tỷ tỷ năm nữa sẽ đến. Những gì của quá khứ xa xăm dường như đã mất hút, tan hoại, thay đổi. Những gì của tương lai lâu dài về sau dường như mờ nhạt, không rõ ràng, chưa có. Nhưng thật ra trong Bản Thể, tất cả đều “dường như” ở tại một chỗ không chia cách với nhau. Do đó, một vị đạt đạo có thể an trụ tại Bản Thể Tuyệt Đối này để tìm hiểu những gì đã qua hoặc những gì sẽ đến một cách rõ rệt.

Đứng ở không gian vật lý, con người có cái nhìn khách quan, họ vô tư đi tìm mọi quy luật của vũ trụ. Đó là điểm đáng quý của khoa học hôm nay. Họ không thể dùng ý muốn của mình để thay đổi các quy luật đó. Đôi khi họ có phỏng đoán nhưng họ sẽ kiểm chứng lại. Ví dụ như người xưa từng cho rằng mặt trời quay quanh trái đất. Nhưng người nay đã kiểm chứng lại rằng trái đất quay quanh mặt trời. Hoặc trước kia Le Verber dựa vào chuyển động nhiễu loạn của Thủy tinh để lập luận rằng có một hành tinh đặt tên Vulcain ở giữa thủy tinh và mặt trời. 
Nhưng rồi Einstein đã phủ nhận và ông dùng thuyết Tương đối để giải thích nhiễu loạn của Thủy tinh bởi các nguyên nhân khác. Ở không gian vật lý này, con người không thể dùng ý muốn của mình để thay đổi quy luật. Họ chỉ áp dụng những quy luật đó mà thôi.

Nhưng khi bước sang không gian tâm linh, sự tình bỗng thay đổi ngược lại, ý muốn của con người sẽ tạo ra tất cả. Với một năng lực tâm linh mạnh mẽ, con người có những thần thông phép lạ. Họ có thể bay lên cao, có thể hóa giải khối lượng, di chuyển đồ vật từ xa không cần chạm đến, có thể đoán biết ý nghĩ người khác, có thể thôi miên sai khiến người khác, có thể tiên tri, chữa bệnh... Vô số hình thức thần thông biến hóa sẽ xuất hiện theo ý muốn chủ quan của con người. Thậm chí, khi muốn có một linh hồn xuất ra khỏi thân thể để bay dạo khắp nơi, lập tức một linh hồn sẽ thành hình. Thậm chí, khi tin và muốn có một thiên đường lộng lẫy, lập tức, một cõi thiên đường sẽ thành hình. Vì thế ở không gian tâm linh, niềm tin và ý muốn chủ quan của con người lại che lấp sự thật. Nếu từ trước họ được cung cấp một niềm tin xác quyết rằng có một vị trời tên là Krish đã tạo ra vũ trụ và đang cai quản vũ trụ. Sau này khi tập trung được tinh thần có một định lực mạnh, năng lực tâm linh xuất hiện, người này muốn gặp vị Krish đó, lập tức tâm linh chủ quan sẽ hiện ra đấng Krish với khung trời rực rỡ vinh quang.

Chính vì tính chất chủ quan cực độ này dễ che lấp chân lý làm phát sinh tà kiến, nên các bậc đạo sư sáng suốt đều cảnh giác đệ tử phải cẩn thận về các tín điều đã được mớm từ xưa, phải hóa giải hết các ước muốn thầm kín, chỉ lấy giới hạnh (giới,) tâm thanh tịnh (định) và vô ngã (huệ) là tôn chỉ trong suốt quá trình tu hành. Chỉ khi nào họ vượt khỏi ngã chấp, chứng đạt Bản Thể Tuyệt Đối, không còn bị các ước muốn chủ quan thôi thúc, họ mới không bị lầm lẫn về vũ trụ và con người.

Những tín điều từ trước như cho rằng mỗi con người đều có linh hồn bất biến, hoặc cho rằng trong vũ trụ có nhiều cõi siêu hình là nơi cư ngụ của các thần linh, những tín điều đó luôn gây nguy hiểm khi con người bước vào không gian tâm linh. Năng lực tâm linh sẽ theo niềm tin và ước muốn để tạo ra tất cả. Đó là lý do tại sao trên thế giới có quá nhiều tín ngưỡng, quá nhiều thần linh được thờ phụng, quá nhiều giáo điều lạ lùng. Hầu hết được tạo ra từ không gian tâm linh của vị giáo tổ, mà mỗi vị giáo tổ đều có niềm tin riêng, ước muốn riêng và sức tưởng tượng phong phú riêng.

Khoa học dựa vào không gian vật lý với các quy luật khách quan nên dù ở bất cứ nơi đâu, người ta cũng lập lại được các thí nghiệm giống nhau. Còn đối với tín ngưỡng dựa vào không gian tâm linh với tính chất chủ quan cực độ nên không có kinh nghiệm của người nào giống người nào. Bởi vì mỗi người có ý muốn khác nhau.

Chỉ khi nào vượt qua được chấp ngã, chứng đạt Bản Thể, cái thấy biết của họ không còn sai lầm vì không còn bị niềm tin và ước muốn chi phối.

Bản Thể còn là chỗ tựa cho vạn hữu trong vũ trụ.

Giống như bao nhiêu hoa, lá, cành đều phải dựa vào gốc, cũng vậy, vạn hữu sinh hóa vô tận đều dựa vào Bản Thể. Giống như xe cộ chạy dựa vào mặt đất, cũng vậy, vạn hữu sinh hóa vô tận đều tựa vào Bản Thể, không tách rời Bản Thể. Bản Thể là chỗ dựa vô hình, là gốc chi phối vô hình cho mọi sự sinh hóa trong không gian tâm linh và không gian vật lý.

Chúng ta đừng tưởng một chiếc lá rơi, một con kiến bò không có dính líu gì tới Bản Thể. Thật ra không một hạt bụi nào không tựa vào Bản Thể để tồn tại. Tất cả đều chung đồng, hòa hợp, tương tác lẫn nhau, dù đó là một giọt nước, một hòn sỏi, một con trùng hay một ý nghĩ.

Không gian vật lý này có vẻ biến động ồ ạt, thay đổi nhanh chóng. Dòng nước đang chảy, mây đang bay, hành tinh đang di chuyển, các sinh vật đang phát triển và hoại diệt.

Không gian tâm linh thì có vẻ yên lặng hơn, vô hình hơn, phi thường hơn nhưng vẫn bị chị phối bởi niềm tin và ước muốn của mọi người để khởi tác dụng.

Đến Bản Thể thì chỉ còn sự tịch lặng tuyệt đối và cái “biết cảm ứng” vô lượng vô biên. Nhưng chính nơi chỗ tịch lặng tuyệt đối này lại là chỗ tựa vững chắc cho các vật thể, các tác dụng, các hiện tượng nơi không gian vật lý và không gian tâm linh.

Cái biến động làm cho tâm hồn con người nhỏ hẹp, thiển cận, không thể nhìn vấn đề bao quát. Càng đi sâu vào thanh tịnh, tâm hồn con người càng trở nên rộng lớn hơn, sáng suốt hơn và sắc bén hơn. Và khi hoàn toàn tịch lặng thì con người trở thành toàn thể vũ trụ. Đây là giá trị nhân bản cao cả nhất mà không ai có thể phủ nhận. Đối với không gian vật lý, con người chỉ là một hạt bụi nhỏ bé vô nghĩa so với vũ trụ bao la. Nhưng “đi vào” Bản Thể, con người nhỏ bé đó bỗng chính là vũ trụ.

Vì vậy ai chỉ biết nhìn con người theo không gian vật lý, họ sẽ xem thường con người, đánh giá con người như một công cụ của guồng máy chung, như một cái vốn của tài sản chung. Nếu nắm lấy quyền hành, họ sẽ sử dụng con người như một món đồ vật cao cấp để phục vụ cho tham vọng của họ. Khi cần, họ loại trừ những đồ vật kém giá trị.

Nhưng nếu đứng trên lập trường Bản Thể, con người đã ẩn chứa một giá trị tuyệt đối sẵn có. Vấn đề còn lại là làm sao cho tất cả mọi mọi người đều đạt đến giá trị tuyệt đối bằng cách thực hành thiền định sâu thẳm để chứng nhập Bản Thể.

Nếu quan điểm này được phổ biến sâu rộng, con người sẽ yêu mến nhau hơn, tôn trọng nhau hơn và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Tình thương sẽ thật sự hiện hữu khi con người biết được rằng tất cả đều có khả năng trở thành tuyệt đối. Không gian vật lý này chỉ là một bề mặt cạn cợt trong cấu trúc vũ trụ, nó thay đổi bất thường, dòn bỡ, dễ tan hoại. Dựa vào nó để sống, con người phải chịu nhiều bất an, xao xuyến và đau khổ. Chỉ có Bản Thể Tuyệt Đối, là bề sâu trong cấu trúc vũ trụ, là chỗ tựa vững chắc của vạn hữu, là tịch lặng tuyệt đối và cảm ứng vô biên, mới đúng là chỗ sống đích thực của con người. Nơi đây, tất cả mọi người đều giao hòa, chung đồng với nhau. Không cần nói đến hai chữ tình thương mà tình thương vẫn bát ngát tràn đầy.

Từ xưa đến nay, các bậc hiền triết đều kêu gọi con người yêu mến nhau. Ở mức độ ban đầu, trong tình thương này vẫn còn chia làm hai: người thương yêu và kẻ được thương yêu. Chỉ khi nào đạt được Bản Thể, ngã chấp tan biến, con người sẽ biết thương nhau với một tình thương mới, không bị chia làm hai người thương và kẻ được thương. Trong đó người thương và kẻ được thương đã trở thành duy nhất. Đó là Tâm Từ xuất phát từ Bản Thể Tuyệt Đối.

Bản Thể là tịch lặng tuyệt đối. Chính vì tịch lặng tuyệt đối nên nó cũng là cái Biết tuyệt đối (Cảm ứng), nó cũng là tình thương tuyệt đối (từ bi) và nó cũng là công bình tuyệt đối.

Nơi tính chất công bình TUYỆT ĐỐI này, luật Nghiệp Báo vận hành chi phối tất cả.

Chúng tôi muốn kể lại câu chuyện ông Già Chồn vì ý nghĩa thâm thúy của nó.
Trong những lần thuyết pháp, Thiền sư Hoài Hải Bá Trượng thường thấy một ông già lạ theo đại chúng vào nghe. Một lần sau buổi thuyết pháp, đại chúng đã lui ra mà ông già vẫn nán lại.

Bá Trượng hỏi:
- Ông là ai?
Ông già đáp:
- Bạch Hòa Thượng! Con không phải là người, con là con chồn ở sau núi. Năm trăm đời trước thời Đức Phật Ca Diếp, con cũng là một vị tu hành. Có một người hỏi con:
“Bậc đạt đạo có còn ở trong Nhân Quả chăng?”
Con đáp:
“Không còn ở trong Nhân Quả”
Từ đó con đọa thân chồn đến nay đã năm trăm đời mà vẫn không biết chỗ sai của mình ở đâu. Con mong Hòa Thượng chỉ dạy để con thoát được chỗ hiểu sai và thoát được thân chồn.
- Vậy ông hỏi lại ta.
- Bạch Hòa Thượng! Bậc đạt đạo có còn ở trong Nhân Quả chăng?
Ngài Bá Trượng đáp:
- Không còn lầm Nhân Quả! (Bất muội Nhân Quả,không còn hiểu sai về Nhân Quả)
Ngay đó ông già đại ngộ, thưa:
- Bạch Hòa Thượng, thế là từ nay con thoát thân chồn, xin Hòa Thượng tống táng con theo nghi lễ dành cho Tăng.

Nói xong ông già biến mất.

Sau buổi cơm trưa, ngài Bá Trượng dẫn chúng vòng ra hang sau núi, lấy gậy khều xác con chồn cho đem về làm lễ trà tỳ.

Có một người tu thiền, nghe nói tất cả đều không, cuối cùng đưa đến phủ nhận Nhân Quả. Họ cho rằng luật Nghiệp Báo chi phối kẻ phàm phu chứ không thể chi phối bậc thánh. Tà kiến này không đúng.

Thật ra, luật Nghiệp Báo xuất phát từ Bản Thể sâu kín. Người chỉ biết có không gian tâm linh thì chưa thấy được luật Nghiệp Báo rõ ràng. Vị đạo sư chứng nhập Bản Thể mới có thể tận tường đường đi của Nghiệp Báo. Bất cứ một hạnh nghiệp nào đều có quả báo của nó, dù đó là hạnh nghiệp của bậc Thánh hay của phàm phu. Các Bồ tát đã chứng đạo, thị hiện vào sinh tử để hóa độ mọi người đều cũng phải dựa vào luật Nghiệp Báo. Các Ngài phải gieo duyên lành với mọi người để được mọi người thương mến, sau đó mới dùng đạo lý để dạy dỗ họ. Muốn cho họ được thiền định sâu thẳm để giải thoát, Bồ Tát phải hướng dẫn họ tạo phước ban đầu ra sao, tu tập thế nào chứ không thể dùng thần thông của mình để làm cho họ nhập định. Không có một sơ hở nào nơi hành động của một Bồ Tát. Mọi hành động của Bồ Tát đều dùng để tạo quả báo lành về sau. Không bao giờ các ngài hành động bừa bãi, bởi vì từ khi chứng đạt Bản Thể, Bồ Tát đã thấy rõ luật Nghiệp Báo lưu xuất thế nào.

Triết gia Spinoza (1632-1667, Hòa Lan) cho rằng Bản Thể là tập hợp các quy luật của khoa học khách quan của vũ trụ. Điều này đúng bởi vì cả không gian vật lý, không gian tâm linh đều dựa vào Bản Thể để vận động. Tuy nhiên, hai không gian đó đều chưa có quy luật Nghiệp Báo. Từ trong Bản Thể, luật Nghiệp Báo âm thầm chi phối sự vận hành của Vạn hữu trong không gian vật lý và tâm linh. 

Nhưng quy luật Nghiệp Báo lại dấu mặt tận trong Bản Thể. Vạn hữu vận hành theo bàn tay sắp xếp của luật Nghiệp Báo nhưng chúng ta không hề thấy rõ luật Nghiệp Báo đó mặt mày, hình dáng ra như thế nào. Chính vì thế, con người ít chịu chấp nhận luật Nghiệp Báo. Các quy luật khoa học khác thuộc không gian vật lý đều đang được dần dần tìm thấy. Nhưng luật Nghiệp Báo không thể được tìm thấy nếu người ta không “đứng” trong Bản Thể.

Con đường còn rất xa để cho khoa học tìm thấy luật Nghiệp Báo bởi vì khoa học còn đứng ở trong không gian vật lý, chưa bước sang không gian tâm linh, và chưa hề nghĩ đến Bản Thể Tuyệt Đối. Thật ra không cần phải đi hết không gian này rồi mới bước sang không gian khác. Khoa học vẫn có thể cùng lúc nghiên cứu cả ba lãnh vực (vật lý, tâm linh và Bản Thể) và sự nghiên cứu ở lãnh vực này trợ giúp cho sự nghiên cứu ở lãnh vực kia mau chóng hơn.

Tuy nhiên, nhiều nhà đạo học sẽ không đồng tình khi nghe nói đem vấn đề tâm linh và Bản Thể ra làm đối tượng để nghiên cứu, bởi vì tâm linh thì vô cùng chủ quan và Bản Thể thì tịch lặng tuyệt đối không có chỗ bám.

Nói nghiên cứu, không có nghĩa là nghiên cứu vấn đề tâm linh, Bản Thể giống như nghiên cứu vật lý. Mỗi lãnh vực có cách nghiên cứu riêng. Miễn là có người đi trước nắm được vấn đề rõ ràng để giúp cho nhân loại có thêm tri thức, có thêm hướng đi và có thêm ích lợi.

Khi nhân loại có thêm sự hiểu biết về không gian tâm linh và Bản Thể, họ sẽ sống sâu sắc hơn, thâm trầm hơn, thanh tịnh hơn và đạo đức hơn.

Theo những thông tin về sự tiếp xúc với người ngoài hành tinh, chúng ta được biết họ có khả năng tâm linh rất mạnh, có thể thôi miên sai khiến chúng ta, có thể xóa trí nhớ chúng ta về cuộc gặp gơ,õ có thể biết ý nghĩ chúng ta, có thể truyền tư tưởng vào tâm chúng ta. (Tổng hợp nhiều tài liệu nước ngoài, Con người và Trường Sinh Học của Nguyễn Hoàng Phương)

Phải chăng một nền văn minh đích thực là một nền văn minh có sự phát triển cao độ về cả ba lãnh vực Khoa học, Thiền định và Đạo đức ? Thiết bị bay của họ chứng tỏ sự tiến bộ vượt bực về khoa học vật lý nơi hành tinh họ, khả năng tâm linh của họ chứng tỏ sự thông thái về tâm linh. Còn vấn đề họ có khái niệm gì về Bản Thể hay không thì rất khó đánh giá. Nếu họ có kiến thức, có khái niệm về Bản Thể, họ sẽ hiểu rõ luật Nghiệp Báo và đương nhiên họ sẽ có một nền đạo đức cao độ. Nếu quả thực nơi hành tinh của họ có nhiều người chứng đạt Bản Thể thì chúng ta sẽ kinh ngạc vô cùng khi kinh điển đạo Phật đã từng nói đến những bậc giác ngộ ở mười phương thế giới.

Một hành động thiện vừa xuất hiện, ngay lập tức một kết quả vui được thành lập trong Bản Thể. Một hành động ác vừa xuất hiện, ngay lập tức một kết quả khổ liền được hình thành trong Bản Thể.

Trong Bản Thể, quá khứ, hiện tại và vị lai đều ở chung một chỗ và không lẫn lộn với nhau. Một hành nghiệp ở hiện tại, ngay lập tức đã có liền một quả báo ở vị lai. Tất cả vẫn còn ở trong Bản Thể. Nhưng để ứng ra trong không gian vật lý, hiện tại đi đến vị lai là cả một thời gian dài chia cách.

Ví dụ, vì thương xót cảnh cháy nhà khổ sở của người láng giềng, ông Tư Quạu đem tặng họ một số tiền lớn mà ông đã chắt chiu dành dụm từ lâu nay. Lập tức trong Bản Thể đã hình thành xong một kết quả là vào thời điểm bốn mươi năm sau, khi ông Tư Quạu được hai mươi tuổi ở kiếp kế tiếp, ông được trúng số độc đắc.

Ví dụ bà Hai Nhăn vì ganh ghét đứa con riêng của chồng, đã bí mật giết nó rồi phi tang. Lập tức trong Bản Thể xuất hiện hai quả báo, một bà bị giết chết khi còn nhỏ ở kiếp sau, hai là qua kiếp sau nữa, con bà bị giết chết khiến bà vô cùng đau khổ.

Vì toàn bộ thời gian đều ở chung một chỗ nên một nghiệp nhân vừa có mặt là lập tức một quả báo xuất hiện. Tuy nhiên, để ứng hiện ra không gian vật lý này, chúng cần một khoảng cách khá xa.

Đôi khi chúng ta có thể ví Bản Thể giống như một máy siêu điện toán, vừa đưa bài toán vào liền có đáp số, vừa đưa dữ kiện vào liền có phương án để thực hiện. Nhà lập trình đưa vào các dữ kiện về phân bố quy hoạch vùng nông nghiệp, lập tức máy điện toán đưa ra các phương án tối ưu để thực hiện. Nhưng để thực hiện phương án đó, bộ nông nghiệp cần nhiều thời gian. Bản Thể cũng vậy, một nghiệp nhân vừa được gây tạo, lập tức một quả báo được hình thành.
Tuy nhiên, nghiệp duyên của mọi người rất phức tạp. Một hành vi bố thí liền hình thành một quả báo giàu sang. Sau đó người này còn gây nhiều nghiệp thiện ác kế tiếp. Những nghiệp sau làm biến dạng quả báo giàu sang trước đó. Ví dụ, do hành vi bố thí thuần thục, ông Sáu cảm được quả báo giàu có. Bên cạnh hành vi bố thí, ông Sáu còn có lòng hận thù với người láng giềng và hại họ chết tức tưởi. Sau đó ông hối hận tìm đến chùa để quy y, tụng kinh tập tu dần dần. Quả báo hình thành cho ông là đời sau trong đời sống giàu có, vợ con ông bị chết vì tai nạn. Ông đau khổ bỏ nhà đi xuất gia làm tu sĩ. Rồi qua một đời khác nữa, chính ông bị giết hại mới trả hết nghiệp cũ.

Từng nghiệp, từng nghiệp của hiện tại vẽ lên bức tranh của đời sống vị lai. Mỗi nghiệp giống như một nét vẽ. Tùy theo nét vẽ khéo hay vụng, bức tranh vẽ đẹp hay xấu. Tùy theo nghiệp ác hay thiện, cuộc đời sẽ khổ hay vui.

Mỗi người tự gây rất nhiều nghiệp, tạo nên rất nhiều quả báo phức tạp chồng chéo làm biến đổi lẫn nhau. Một hành động ác kết thành một quả báo để dành sẵn trong Bản Thể. Nhưng những hành động Thiện kế tiếp làm cho quả báo khổ kia bị hạn chế, biến dạng không còn giống như ban đầu.

Ví dụ một người đi lạc vào rừng sâu bị thiếu nước uống, thiếu thức ăn và tránh né thú dữ một cách vất vả. Cái chết đã chập chờn trước mặt. Nhưng rồi anh ta được một nhóm thợ săn cứu sống.

Có lẽ đời trước anh gây một nghiệp ác đáng lẽ phải bị chềt vì đói, vì thú dữ trong rừng sâu. Nhưng sau đó anh tạo nhiều nghiệp thiện khiến cho quả báo bị biến dạng và anh được cứu sống.

Nếu chúng ta có thể chế tạo một máy siêu điện toán để tính ra quả báo, rồi đem hết hạnh nghiệp thiện ác của một người từ hành vi, lời nói và ý nghĩ vào cho máy tính toán, có lẽ máy sẽ cho chúng ta thấy một bức tranh quả báo ở vị lai vô cùng thú vị, trong đó các nghiệp trừ cấn lẫn nhau làm thành muôn màu muôn vẻ phong phú vô cùng.

Nhưng chưa hết phức tạp, ngoài nghiệp riêng của mỗi người còn có tương quan giữa mọi người với nhau. Được gọi là thiện khi chúng ta làm lợi ích cho con người. Được gọi là ác khi chúng ta gây đau khổ cho người. Như vậy khi tạo nghiệp thiện hay ác tức là ta tác động vào mọi người chứ không phải tác động vào hư không. Một nghiệp được gây tạo luôn luôn có liên hệ với người khác. 
Nghiệp thiện ác trở thành tài sản phước tội của riêng chúng ta, để dành riêng cho tương lai ta; nhưng sự liên hệ giữa ta với mọi người tạo thành cái DUYÊN cho đời sau. Nghiệp và Duyên luôn luôn đi đôi.

Chúng ta đã tạo vô số nghiệp cũng có nghĩa là tạo ra vô số Duyên với mọi người. Do duyên đó, những đời sau ai sẽ là cha mẹ, ai sẽ là bạn bè, đều được sắp xếp ngay từ bây giờ trong Bản Thể.

Máy điện toán luôn luôn có giới hạn trong khả năng tính toán. Nó không thể tính một bài toán quá phức tạp vượt khỏi khả năng xử lý của nó. Còn với Bản Thể thì khả năng này là vô hạn. Có vô số mọi người, mỗi mọi người tạo vô số nghiệp, vô số duyên chồng chéo đan xen lẫn nhau; rồi nghiệp mới làm biến dạng thay đổi quả báo của nghiệp cũ. Bản Thể vẫn khách quan sắp xếp tất cả một cách chặt chẽ để tạo thành một bức tranh toàn xã hội, toàn thế giới, toàn vũ trụ không một chút lầm lẫn, xã hội sẽ thịnh hay suy, thế giới sẽ tiến hay lùi, vũ trụ sẽ ổn định hay rối loạn... đều do nghiệp chung của tất cả mọi người tạo nên.

Nói “Bản Thể sắp xếp tất cả”, chúng ta đừng hiểu Bản Thể trở thành một vị thần linh mới để làm việc này, bày việc nọ... Bản Thể vẫn là tịch lặng tuyệt đối, vô ngã hoàn toàn. Trong Bản Thể không còn có ý muốn chủ quan của riêng ai. Không gian tâm linh là riêng của mỗi người vì chưa hết ngã chấp. Nhưng Bản Thể không còn riêng rẻ vì ngã chấp đã hết. Ai chứng đạt thiền định thì thể nhập Bản Thể có sẵn này. Lúc đó vị ấy trở thành toàn thể vũ trụ, cảm ứng với tất cả mọi người.

Trong Bản Thể chứa đựng quy luật Nghiệp Báo âm thầm chi phối vạn hữu. Mọi người gây nghiệp nhân và tự động Bản Thể hình thành sẵn quả báo để dành cho vị lai. Đúng thời điểm thì quả báo hiện rõ nơi không gian vật lý. Chúng sanh gây vô số nhân thì Bản Thể tự động hình thành vô số quả. Còn Bản Thể vẫn tịch lặng và vô ngã. Không có ý muốn của ai chen vào sắp xếp trong đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2242)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8373)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3068)