Chương 5 : Luân Hồi

13 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 11969)
CHƯƠNG 5
LUÂN HỒI

Theo các tôn giáo Ấn Độ, đời sống hiện tại không phải là đời sống duy nhất của con ngươi. Trước đời sống này chúng ta đã từng có vô số đời trước, và nếu không tu tập đến giải thoát viên mãn, còn có vô số đời sống chờ đợi chúng ta ở phía sau.

Khi đời sống này chấm dứt, chúng ta sẽ tái sinh qua một đời sống khác. Đó là luân hồi.

Luân hồi được nói đến rất nhiều trong đạo Phật, trở thành một trong những giáo lý quan trọng trong tôn giáo này. Giáo lý mười hai nhân duyên giải thích rõ nguồn gốc luân hồi bắt đầu từ tế đến thô như thế nào, từ tâm tế trong vô thức đến hành vi bên ngoài như thế nào.

Gần đây, bác sĩ Edgar Cayse, trong khi đi tìm nguyên nhân bệnh tật của người bệnh, đã nói về nhiều kiếp luân hồi.

Một người da trắng có tư tưởng căm thù người da đen kinh khủng, bởi vì một kiếp trước ở Trung Đông, anh ta bị những người da đen bắt và giết chết trên một chiếc ghe.

Một người bị bệnh thiếu máu mạn tính, bởi vì trước kia chiến đấu ở trận tuyến, anh đã làm đổ máu nhiều người.

Có những người khi được thôi miên đã nói lại các tiền kiếp của mình với nhiều chi tiết nhỏ.

Một số người khác nằm mơ thấy lại một số đoạn đời trong những kiếp trước.
Những vị Lạt Ma Tây Tạng khi còn bé thường kể về tiền kiếp của mình. Gần đây báo chí thế giới có đưa tin về em bé Tenzin Osel Rinpoche, người Tây Ban Nha, mới 6 tuổi nhưng đã có một đạo hạnh vững chắc và trí thức như vị sư Tây Tạng ở Los Angeles (Hoa Kỳ) mất năm 1984. Em sinh năm 1985 trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Madrid. Em có tư thái rất lạ từ lúc mới lên ba. Năm tuổi, em đã có thể ngồi Thiền suốt 2 giờ không nhúc nhích. Em kể lại tiền thân, người ta kiểm tra thì thấy khớp với tiểu sử của Lạt ma Tây tạng Thubten Yeshe. Nhà sư Thubten di cư đến Mỹ từ năm 1959 và chết ở Los Angeles năm 1984.

Em bé này liền được một nhà sư Tây ban Nha là Basili Lloria bảo trợ nuôi dạy và cho xuất gia. Trong một lần cùng với Basili Lloria đi qua các nước phương Đông để chiêm bái Phật Tích, em đã đến Kuala Lumpur (Malaysia) tại trung tâm Phật Giáo Thean-Hou. Em thuộc nhiều kinh Phật, thuyết pháp và cầu nguyện cho tín đồ Malaysia hoàn toàn như một cao tăng. Người ta hy vọng em Tenzin sẽ trở thành một vị Lạt Ma uyên bác kỳ tuyệt của thế kỷ 21.

Nhiều người Tây phương đã bắt đầu tin có luân hồi tái sinh. Một đoạn Phúc âm sau đây cho thấy tư tưởng về vấn đề tái sinh cũng đã có xuất hiện từ thời Chúa Jésus.

”Nicodem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở lại bụng mẹ và sanh lại lần thứ hai sao?

Chúa Jésus đáp: ... Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với người: Các ngươi phải sanh lại. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động nhưng chẳng biết gió từ đâu đến, và cũng không biết đi đâu... Quả thật, quả thật, ta nói cùng người, ta nói điều mình biết, xác quyết điều mình đã thấy. Còn các ngươi chẳng hề nhận lấy lời chứng của ta. Ví bằng ta nói các việc thuộc về đất (cụ thể) các ngươi còn chẳng tin, huống hồ ta nói các việc thuộc về trời (trừu tượng) thì các ngươi tin sao được...” (Jean).

Tuy nhiên, tư tưởng này không được khai triển tiếp và vấn đề tái sinh trở nên rất xa lạ với người Thiên Chúa Giáo.

Đối với luật Nghiệp Báo thì luân hồi tái sinh là một điều khẳng định.

Tất cả đều thay đổi biến dị. các sinh vật đều đi theo những giai đoạn giống nhau. Phát sinh, tăng trưởng, già nua và chấm dứt sự sống. Cây cỏ cũng vậy và động vật cũng vậy. Tuy nhiên trong đó, nghiệp được hình thành không đơn giản giống nhau. Ví dụ, một tia sét đánh chết một người khác với tên cướp giết chết một người. Tia sét không có tâm. Nó chỉ là hiện tượng vật lý đơn thuần và phát sinh do nhiều điều kiện như nhiệt độ, sự va chạm các luồng điện tích khác chiều (âm và dương) trong các đám mây. Ngoài những điều kiện vật lý, nó còn bị chi phối bởi luật Nghiệp Báo trong Bản Thể. Do người kia đến lúc phải thọ quả báo nên nghiệp lực vô hình thúc đẩy các điều kiện vật lý tụ hội lại đúng lúc. Ở đây chỉ có người thọ quả báo mà không có người gây Nghiệp Báo.

Như vậy, trong định nghĩa thứ nhất, nghiệp là hành vi (hay lời nói, ý nghĩ) được tạo nên từ một chủ thể có cố tâm và có ý thức rõ rệt. Một cành cây khô rớt trúng đầu người bộ hành, cành cây khô này không có cố tâm và không có ý thức nên nó không có tạo nghiệp, chỉ là người bộ hành thọ quả báo mà thôi.

Một viên đạn làm gãy cánh tay của cô gái. Viên đạn không có cố tâm nên không có nghiệp. Nhưng chính người lãy cò có chủ tâm, có ý thức thì nghiệp đã hình thành.

Rồi một người bị bệnh tâm thần, trong cơn khủng hoảng đã giết vợ của mình. Có nghiệp hay không ? Theo luật pháp xã hội thì nếu có đủ chứng cứ về bệnh trạng, đương sự được miễn trách nhiệm hình sự, nghĩa là coi như không có tội. Nhưng theo luật Nghiệp Báo thì rõ ràng trong khi giết vợ, hắn biết rất rõ việc mình làm và có chủ tâm. Cơn khủng hoảng tâm thần và cơn nóng giận giống nhau, chỉ khác mức độ. Người trong cơn nóng giận giết người và người trong cơn bệnh tâm thần giết người, trạng thái tâm lý có chủ tâm và có ý thức giống nhau. Họ biết rõ việc mình làm và quyết làm cho bằng được. Như vậy nghiệp đã hình thành !
Tuy nhiên, bệnh tâm thần là bệnh do nghiệp từ quá khứ. Khi bệnh đã hình thành, những tâm lý bất thường như muốn giết người, muốn đốt nhà cứ bí mật khởi lên mà ý thức không kềm được. Đôi khi ý thức còn chạy theo ý muốn kỳ lạ đó để tăng sức mạnh cho nó. Và khi có ý thức tham gia, nghiệp hình thành.

Trong bộ truyện Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung tiên sinh, nhân vật Cừu Thiên Nhậm là một kẻ ác đã giết nhiều người, sau này theo xuất gia với Nhất Đăng đại sư Đoàn Nam Đế. Nhưng dù đã thọ sát giới, Cừu Thiên Nhậm thỉnh thoảng vẫn bị tập khí cũ khởi lên mãnh liệt là muốn giết người. Những lúc đó ông tự trói mình lại để đề phòng ý thức không kềm được, đã thuận theo tập khí và ra tay giết người. Cơn khủng hoảng khởi lên dằn vặt con người ông dữ dội. Nhất Đăng đại sư chỉ đứng một bên ân cần khuyên bảo để giúp cho ý thức của ông đủ sức mạnh kềm chế tập khí cũ. Sau nhiều lần ý thức chiến thắng được tập khí cũ, ông trở nên hiền lành như một tu sĩ bình thường, tập khí không còn khởi lên nữa.

Cũng vậy, người bệnh tâm thần do cấu trúc của não bất bình thường (bẩm sinh hoặc chấn thương hoặc khủng hoảng) nên ý thức yếu đuối không kềm chế được những thôi thúc ác độc từ trong vô thức tuôn ra. Rồi ý thức thuận theo để gây nghiệp. Nếu người nào biết tu thiền, biết tách đôi ý thức tỉnh giác khỏi những ý nghĩ vọng động kia, không cần kềm chế cũng không thuận theo, chỉ lặng lẽ nhìn thấy rõ những ý nghĩ khởi và diệt như là nhìn một đối tượng bên ngoài, thì những ý nghĩ bệnh hoạn ác độc sẽ lu dần và hết hẳn. Ví dụ, từ trong vô thức bệnh hoạn, một ý nghĩ khởi ra là phải đốt nhà hàng xóm; Ý thức bình tỉnh nhìn thấy ý nghĩ đó như là một đối tượng xa lạ, giả dối, nên không thuận theo, và ý nghĩ đó tự biến mất.

Có một tu sĩ trước kia rơi vào trạng thái tâm thần kỳ lạ. Thỉnh thoảng, từ trong vô thức, những thôi thúc bí mật khiến thầy phải đánh đá dữ dội, múa những bài quyền chưa từng học, ý nghĩ “đánh nó! giết nó!” vang vang đầy cả đầu y như một chiến sĩ đang đánh với quân địch ngoài chiến trường. Nhưng nhờ hiểu thiền, thầy cứ cố gắng ý thức tỉnh giác, không chạy theo những tâm lý quái đản bí mật kia. Lâu dần bệnh chấm dứt. Không có ý thức chạy theo để gia tăng sức mạnh. tập khí cũ yếu dần.

Như vậy, một ý nghĩ bất chợt, rời rạc từ đâu khởi lên thì chưa thành nghiệp. Nhưng một khi có ý thức nhập cuộc, chạy theo, thì nghiệp thành hình. Và nghiệp có mặt thì quả báo đã xuất hiện ngay theo đó - từ trong Bản Thể.

Bây giờ trường hợp một người trong cơn mộng du, ý thức hoàn toàn vắng mặt, chỉ có vô thức điều khiển hành động, đã giết người. Có nghiệp hay chăng? Trong trạng thái hiện tại, hành động của người này giống như một cái máy vô tư, không có ý thức, chỉ có vô thức trực tiếp điều khiển cơ thể hành động. Nhưng từ đâu vô thức hướng đến hành vi giết người ? Chính vì trước kia (kiếp này hoặc kiếâp khác) ý thức người đó đã nuôi nấng những ý nghĩ thù hận mưu hại... Những ý nghĩ này sôi sục nhưng bị đè nén lại bị ghi giữ trong vô thức. Đến lúc chín muồi, khi ý thức vắng mặt, vô thức đã trỗi dậy để hành động. Như vậy, tuy trong lúc giết người, ý thức không có, nhưng trước kia ý thức đã có ý muốn giết người rồi. Nghiệp vẫn được hình thành bởi ý thức trước đó cộng với hành động sau này.

Rồi một người vô ý ném tàn thuốc vào một giỏ rác, hậu quả là lửa thiêu rụi mấy chục căn nhà và vài nhân mạng. Người này không cố tâm, không biết được hậu quả sẽ như thế nào. Có nghiệp hay không ? Trước hết, đây là quả báo của những gia đình kia đến lúc phải trả. Nhưng sẽ hoàn toàn không có nghiệp mới nếu đó là một cơn gió mạnh bất ngờ thổi văng cây đèn dầu xuống sàn nhà rồi lửa bốc cháy. Ở đây ngọn lửa bốc từ hành vi của một người. Người này không có mục đích gây nên hậu quả cháy nhà, nhưng sự ngu dốt, sự bất cẩn của anh ta đã gây nên hậu quả đó. Nếu xét cho kỹ ta sẽ thấy sự bất cẩn của anh phát sinh từ sự thiếu tôn trọng mọi người. Do thiếu tôn trọng mọi người nên anh ta thờ ơ với việc kiểm soát hậu quả của mình có gây thiệt hại cho mọi người hay không. Thật ra người biết tôn trọng mọi người sẽ cẩn thận từng lời ăn tiếng nói. Và nghiệp thành hình từ sự ngu dốt, bất cẩn, thiếu tôn trọng mọi người này !
Tuy nhiên, có những trường hợp không thể nào biết trước và không cần phải biết trước. Luật hình sự Việt nam cũng không truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Ví dụ một người lái xe trên đường, tuân thủ đầy đủ luật lệ giao thông. Bất ngờ trong căn nhà lề đường có hai vợ chồng đang gây gỗ; người chồng rượt đánh vợ khiến người vợ vụt chạy ngang ra đường. Xe đụng phải ! Không ai có thể biết trước chuyện này và không cần phải biết trước. Người lái xe không có tạo nghiệp, chỉ là gặp rắc rối chút đỉnh về việc điều tra của công an. Nghiệp thuộc về người chồng thô bạo.

Có rất nhiều nghiệp khó biết vì thiếu kiến thức như việc phá hủy môi trường sống của Địa cầu. Người tiều phu tàn phá rừng không thương tiếc, người chủ xí nghiệp cho khói bay mịt mù vào không gian; Người nông dân cho thuốc trừ sâu vào nước ruộng khiến các loài thủy sinh vật chết sạch; y học cho sử dụng thuốc DDT tràn lan rồi mấy chục năm sau mới thấy hậu quả tai hại của nó.

Trong truyện ngắn nổi tiếng “Bút Máu” của nhà văn Vũ Hạnh, nhân vật Lương Sinh vì không hiểu hết sự tình, bị viên quan tổng trấn họ Lý mua chuộc khéo léo nên đã dùng thơ văn ca ngợi công đức của hắn. Nhờ thế tên tổng trấn thoát được cuộc thanh tra của triều đình vì quan thanh tra tin vào văn thơ của Lương Sinh hơn là đơn tố cáo của người dân. Sau khi quan thanh tra ra về, Lý tổng trấn cho bắt giết sạch những ai đã tố cáo hắn. Cách đó hơn trăm dặm Lương Sinh lâm bệnh, thấy như vô số oan hồn về báo oán. Sinh cầm đến bút mực thì mực trở màu đỏ như máu tươi và bốc mùi tanh tột độ. Sinh không biết oan trái này đến từ đâu. Sau nhờ sự góp ý của người cậu, Sinh lặng lẽ tìm về vùng đất ghé chơi ngày trước của tổng trấn họ Lý để tìm hiểu, mới biết rằng ngòi bút của mình đã che chở cho tên tổng trấn ác độc và đã gây nên cái chết của nhiều người. Chàng hối hận không nguôi.

Sinh tạo nghiệp vì “thiếu hiểu biết”, lỡ ca ngợi một tên quan ác độc nhiễu hại dân lành khi chưa tìm hiểu cặn kẽ vấn đề. Trong khi dân tình lầm than đang đệ đơn tố cáo lên triều đình, quan thanh tra đang đi đến tìm hiểu, thì những bài thơ của Sinh như một bờ lũy bảo vệ ngôi vị của tên tổng trấn để hắn tiếp tục gây tội ác. Sinh không cố ý, nhưng đã góp phần tạo nghiệp. Cái thiếu hiểu biết rồi tạo nghiệp cũng giống như cái thiếu kiến thức gây ô nhiễm môi trường. Tùy theo hậu quả nặng nhẹ mà quả báo sẽ lập thành một cách thích ứng. Gần đây trên báo chí cũng nêu ra một số vị giám đốc cơ quan kinh doanh nhà nước, vì thiếu kiến thức đã gây thiệt hại cho công quỹ nhiều tỷ đồng.

“Thiếu hiểu biết” cũng là một trong những nguyên nhân gây tội.

Người lãnh đạo một tập thể, một đất nước mà thiếu hiểu biết, gây thiệt hại cho người dưới, quả báo sẽ rất nặng nề.

Như vậy, những hành vi, lời nói, ý nghĩ được gọi là nghiệp (có khả năng tạo thành quả báo) khi:

- Có cố tâm, có ý thức, có dự tính.
- Có cố tâm, có ý thức trong cơn khủng hoảng do nóng giận, khủng hoảng do tâm thần.
- Không có ý thức lúc hành động, do vô thức điều khiển, nhưng có ý muốn trước kia.
- Không cố tâm, nhưng thiếu hiểu biết gây hậu quả nghiêm trọng.

Hành động với một trong bốn trường hợp đó được xem đủ tiêu chuẩn để tạo thành nghiệp, và mỗi nghiệp liền có một (hay nhiều) quả báo tương xứng, có một (hay nhiều) Duyên tương quan, và TẬP HỢP TOÀN BỘ quả báo, nhân duyên đó, chúng ta có được một bức tranh rõ nét về các kiếp sống tiếp theo.

Việc hình thành một cuộc đời về sau rất là phức tạp. Ví dụ, ông Thanh có đủ duyên để sau này làm cha của anh Tâm. Nhưng kiếp kế tiếp quả báo dành cho ông Thanh là người giàu mà quả báo dành cho anh Tâm là sinh trong gia đình nghèo. Có duyên với nhau mà phước không đồng nên duyên cha con đành khất lại kiếp khác, lúc mà phước của họ tương xứng với nhau.

Phải chọn lựa toàn bộ tội phước của mọi người, nhân duyên giữa mọi người rồi mới lắp ráp tất cả lại, thật ăn khớp để hình thành những kiếp sống kế tiếp. Công việc này của luật Nghiệp Báo còn hơn cả khả năng của một máy siêu điện toán tối tân nhất.

Mỗi chặng thời gian ở kiếp sau, chúng ta sẽ gặp gỡ những ai, sẽ thăng trầm vui khổ thế nào, thành công thất bại ra sao, tư tưởng bị chuyển biến thế nào... đều có liên quan đến nhiều người. Cho nên việc hình thành một bức tranh kiếp sau của một người phải là sự phối hợp với vô số nhân duyên của những người khác. Chỉ có luật Nghiệp Báo ở Bản Thể mới đủ sức, vừa tịch lặng, vừa chặt chẽ, điều động toàn bộ công việc đó.

Thật ra, chính chúng ta, qua trung gian luật Nghiệp Báo, đã tự vẽ lấy bức tranh cuộc sống ở kiếp sau của chính mình. Mỗi nghiệp là một nét vẽ, một vết mực điểm lên dần dần để hoàn thành bức tranh đó. Một lời nói thiện vừa buông ra, lập tức một niềm vui đã hình thành cho kiếp sau. Một hành vi ác vừa thực hiện xong, lập tức một nỗi khổ đã có mặt cho kiếp sau. Đời sống ở kiếp sau với bao nhiêu khổ đau và hạnh phúc, cay đắng và vinh quang đã hình thành xong từ kiếp trước.
Chúng ta sẽ sinh vào gia đình nào với cha mẹ, anh chị em, thân quyến, láng giềng... Chúng ta sẽ có bạn bè nào, học ở trường lớp, đạt được bằng cấp, giữ những địa vị... Chúng ta sẽ trải qua những cơn bệnh, những tai nạn, sẽ đón nhận những dịp may, những lời khen... Tất cả đều đã sắp sẵn bởi nghiệp của đời trước, không có gì là ngẫu nhiên.

Đời sau đã có đủ chi tiết bởi nghiệp đời trước.

Có một vài lý thuyết, cũng tin vào sự tái sinh, nhưng lại cho rằng sau khi chết, thần thức mọi người thoát ra khỏi thân và lang thang đi tìm bào thai để nhập vào. Điều này không đúng! Không hề có sự lựa chọn tìm tòi ở thân đời sau, bởi vì thân đời sau đã có sẵn, có sẵn gần như một định mệnh. Nhưng định mệnh này không phải do thần linh quy định mà do chính con người tự tạo lấy.

Ví dụ một người hiện ở Việt Nam, nhưng toàn bộ nghiệp và duyên mà anh ta đã tạo đã sắp sẵn cho anh một kiếp sau ở Ấn Độ. Sau khi bỏ thân ở Việt Nam, sự sống mới được thành lập tiếp theo tại Ấn Độ. Không có vấn đề đi tìm kiếm gì cả.
Ở đây, chúng ta phân biệt hai loại nghiệp.

- Ý nghiệp tức là những tư tưởng, những ý muốn chưa khởi ra hành động và lời nói, chưa có tác dụng vào mọi người chung quanh một cách cụ thể, chỉ có sự lây nhiễm vô hình vào tâm hồn người khác một cách yếu ớt mà thôi.

Thân nghiệp và khẩu nghiệp (hành vi và lời nói) có tác dụng vào mọi người chung quanh một cách cụ thể, làm cho họ vui buồn, lợi ích hay thiệt hại.
Thân nghiệp và khẩu nghiệp vì có tác dụng với mọi người nên nó là một loại nghiệp rõ nét, có đủ sức để tạo thành một quả báo vui khổ về sau.

Một người làm ăn cướp giết người. Nghiệp cụ thể này tạo thành quả báo nghèo khổ chết thảm về sau.

Một người làm việc từ thiện, giúp đỡ trẻ em mồ côi, giúp đỡ người bị thiên tai, giúp đỡ những bậc chân tu... Nghiệp cụ thể này tạo thành quả báo vinh quang huy hoàng về sau.

Một viên chức nhà nước tận tụy phục vụ nhân dân, luôn hoàn thành trách nhiệm một cách chu đáo. Quả báo về sau là địa vị lớn hơn nữa.

Người tu sĩ chuyên thuyết pháp giáo hoá đạo đức cho mọi người. Nghiệp cụ thể này tạo thành quả báo làm thánh hoặc ở địa vị xã hội cao có nhiều thuộc hạ tài giỏi, đạo đức cộng sự.

Thân nghiệp và khẩu nghiệp vì có tác dụng với mọi người nên nó là NGUYÊN NHÂN tạo nên QUẢ BÁO khổ vui về sau. Tuy nhiên, thân nghiệp và khẩu nghiệp lại chính là kết quả của ý nghiệp. Ý nghiệp là NGUYÊN NHÂN của thân khẩu nghiệp. Tâm có nghĩ thì miệng mới nói, tay mới làm. Điều này ai cũng biết vì nó rõ ràng trong đời sống. Tuy nhiên, trong luật Nghiệp Báo, ý nghĩ của đời này tạo thành hành vi và lời nói ở đời sau. Tại sao kẻ kia chọn nghề ăn cướp giết người ? Vì đời trước hắn đã suy nghĩ, khởi ý muốn về vấn đề này rất nhiều.

Tại sao ông nọ thích làm việc từ thiện ? Vì đời trước ông đã suy nghĩ, ham thích về việc này rất nhiều.

Tại sao người kia trở thành tu sĩ ? Đời trước ông đã đầy ắp tư tưởng từ bỏ trần thế bụi bặm.

Hành vi của một người là kết quả của tư tưởng đời trước. Đó là lý do tại sao chúng ta khó chuyển hóa nhân cách của một người. Nhiều gia đình có giáo dục nề nếp, nhưng vẫn lọt những đứa con ngỗ nghịch độc ác, dạy gì cũng không sửa đổi. Vì sao? Vì hành động đời này của nó là kết quả của tư tưởng đời trước. 
Thành ngữ Việt nam có câu “Cha mẹ sinh con Trời sinh tánh” để nói lên cái bất lực trong việc dạy dỗ một người. Có những người dường như đã đầy đủ đạo đức từ trong bụng mẹ. Có những người đã độc ác từ khi chưa chào đời. Cũng có những người lững lờ không có lập trường rõ rệt. Tất cả nhân cách đó đều do tư tưởng đời trước tạo thành.

Muốn chuyển hóa nhân cách một người, chúng ta phải thông minh, có phương pháp và rất cực nhọc vì phải gieo những tư tưởng mới để xóa hết những tư tưởng cũ đã bắt rễ quá sâu. Giáo dục đạo đức là việc có thể làm được, nhưng rất khó khăn.

Một vài người cho rằng nhân cách, tư tưởng, khuynh hướng của một người là do hoàn cảnh xã hội tạo nên. Điều này chỉ đúng một phần nhỏ. Sự hình thành lớn nhất của nhân cách là do tư tưởng từ kiếp trước tạo ra.

Nếu chúng ta muốn có một nhân cách phi thường ở đời sau, thì ngay bây giờ hãy nuôi dưỡng kỹ lưỡng những tư tưởng cao thượng, loại trừ những tư tưởng thấp hèn. Hãy luôn luôn nghĩ đến việc yêu thương tất cả mọi người. Hãy tâm niệm dù đứng trước hiểm nguy, nghịch cảnh cám dỗ vẫn không bao giờ từ bỏ đạo đức. Hãy khởi ước vọng đạt được thiền định thâm sâu. Hãy phát nguyện sẽ mang chân lý đi lang thang trong luân hồi để giáo hóa mọi người không mệt mỏi... Còn những tư tưởng ích kỷ, thù hận hãy nghiêm khắc loại trừ.

Ví dụ, người có tính nóng nãy, mỗi khi gặp việc trái ý, bây giờ muốn không còn nóng nãy nữa, thì khi còn bình tĩnh chưa gặp việc trái ý, hãy tự nhủ với lòng sẽ giữ bình thản dù cho có người chửi mắng, dù cho mọi người không làm đúng theo ý mình... Khi thường xuyên tự nhủ như vậy, bất ngờ gặp việc trái ý, tâm ta sẽ bình thản hơn xưa.

Như vậy, thân nghiệp và khẩu nghiệp tạo thành kết quả khổ vui ở đời sau, còn ý nghiệp tạo thành nhân cách ở đời sau. Kết hợp cả hai loại kết quả này - khổ vui và nhân cách - chúng ta có một bức tranh ở đời sau khá rõ nét.

Có người cho rằng thân, khẩu, ý nghiệp luôn luôn đi đôi. Nếu người nào làm việc thiện, nói lời thiện chỉ vì tâm hồn họ suy nghĩ điều thiện. Ba nghiệp đều thiện thì ắt hẳn đời sau họ vừa sung sướng, vừa có nhân cách khả kính. Sự thực không đơn giản như vậy! Chúng ta thấy nhan nhãn trong cuộc đời, nhiều người rất giàu có, quyền quý nhưng lại ác độc, ích kỹ; cũng có người nghèo khổ nhưng tốt bụng độ lượng. Kết quả như vậy bởi vì thân khẩu nghiệp làm một đường mà ý nghiệp nghĩ một nẻo.

Ví dụ một nhân viên vì tuân thủ mệnh lệnh cấp trên và phấn đấu để thăng chức, đã siêng năng tổ chức việc xây dựng một cây cầu lớn. Hành vi lợi ích cho mọi người này đem đến cho ông một đời sống thoải mái ở kiếp sau. Tuy nhiên, ý ông nghĩ khác, ông chỉ lo cho ông mà thôi. Kiếp sau trong hoàn cảnh sung túc, ông vẫn là con người ích kỹ.

Nếu nói rằng thân khẩu nghiệp là nguyên nhân của hoàn cảnh khổ vui ở kiếp sau thì ý nghiệp chính là nguyên nhân cho thân khẩu nghiệp. Nếu kiếp này chúng ta thường làm việc từ thiện chỉ bởi vì kiếp trước chúng ta đã suy nghĩ về việc này rất nhiều. Như vậy, ý nghiệp là nguyên nhân của thân khẩu nghiệp. Thân khẩu nghiệp là nguyên nhân của hoàn cảnh.

Ý nghiệp > Thân khẩu nghiệp > Hoàn cảnh.

Chúng ta vẫn còn đang sống ở kiếp này nhưng đang tự tay vẽ ra dần dần bức tranh ở đời sau cho mình. Bức tranh của đời sau đó được gọi là HỮU trong giáo lý Mười hai nhân duyên.

Giáo lý Mười hai nhân duyên thuyết minh rằng HỮU dẫn đến SINH (... Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh... ).

Có Hữu rồi mới có sự tái sinh ở đời sau. Khi chúng ta đã tạo ra đủ nghiệp duyên cho đời sau, đã vẽ xong bức tranh của kiếp kế tiếp. Đó cũng là lúc chúng ta chấm dứt sự sống này để bước qua sự sống mới. Kiếp sau không còn gì để lựa chọn nữa, nó đã được quy định rõ ràng từng chi tiết nhỏ rồi ! Thế nên sự sống tâm linh sau khi chết không phải là yếu tố quan trọng cho tái sinh
Tuy nhiên, như đã nói khi chấm dứt cuộc sống này, chúng ta lập tức “bước sang” cuộc sống kế tiếp. Vậy cái gì “bước sang” có phải một linh hồn, một thần thức gì đó chăng? Có phải một thần thức đã rời thân này nhập vào thai kia để nối liền hai kiếp sống với nhau chăng ?

Trong kinh tạng Nikàya nguyên thủy, Đức Phật nói rằng “Chết ở đây và sinh ở kia.”

Câu nói đơn giản này cần được giải thích thêm bởi cái lý luận của người sau.
Có người cho rằng phải hiểu ý nghĩa của câu nói đó là khi một người vừa trút hơi thở ở đây, cũng là lúc vừa lọt lòng mẹ bên kia. Lời giải thích này có một điểm hở là như vậy, thời gian ở trong thai là người nào ? Không lẽ bào thai chưa phải là một mọi người sao ?

Abhidhamma giải thích rằng: “Khi tử tâm tối hậu chấm dứt, lập tức kiết sinh Thức tối sơ xuất hiện”, tâm thức cuối cùng của Thân cũ vừa hết thì một tâm thức ban đầu vừa hình thành ở thân mới.

Như vậy, tâm thức vừa mất ở thân này, lập tức xuất hiện ở thân sau. Hay nói rõ hơn, sự sống vừa chấm dứt ở thân này, lập tức một sự sống mới vừa xuất hiện ở thân sau. Một người vừa chết ở thân này, ngay lúc đó tinh trùng của cha lọt vào tiểu noãn của mẹ để cho một bào thai được hình thành. Sự sống được nối tiếp không một sát na gián đoạn.

Không cần có một tâm thức nào để nhập vào thai kia, vì thân sau đã có sẵn trong Nhân Quả Nghiệp Báo. Trường hợp đời sống tâm linh hiện hữu sau khi chết một thời gian nào đó, nó sẽ tắt mất khi bào thai của thân sau vừa thành hình. Khi tinh trùng cha vừa lọt vào tiểu noãn mẹ, lập tức thần thức cũ tan biến.
Trên không gian vật lý, hai kiếp sống bị ngăn cách bởi một khoảng không gian khá xa. Có thể người chết ở Việt Nam và tái sinh ở Thụy Điển, chết ở Trung Hoa và tái sinh ở Nam Dương... Chính vì bị cái khoảng cách của không gian vật lý “bịt mắt” nên người ta không thấy được sự liên tục của dòng sống, cứ tưởng là hễ bị ngăn cách bởi không gian thì sự sống cũng phải gián đoạn theo. Có một sự tồn tại của đời sống tâm linh sau khi chết tùy theo nhân duyên của mỗi người. Có người vừa chấm dứt sự sống ở thân này liền lập tức hiện diện ở bào thai mới. Có người lại tồn tại bằng một sự sống tâm linh thêm một khoảng thời gian nữa.

Xét về phương diện thời gian, hai kiếp sống là liên tục không gián đoạn. Còn về phương diện không gian vật lý, có một khoảng cách nhất định giữa hai kiếp với nhau. Sự sống Tâm linh sau khi chết vẫn thuộc về kiếp trước.

Ở không gian vật lý, khoảng cách xa và gần là một phạm trù có ý nghĩa quan trọng. Để đi từ Moskva đến Tokyo, con người cần nhiều phương tiện tốn kém. Nhưng đối với luật Nghiệp Báo trong Bản Thể thì khoảng cách đó hoàn toàn vô nghĩa. Tất cả vị trí không gian đều ở một chỗ mà vẫn không lẫn lộn với nhau. Thế nên, việc chết ở thân này và tái sinh ở thân sau, dù cho hai thân có xa nhau cách mấy vẫn không có gì quan trọng đối với luật Nghiệp Báo, không có gì phải tốn công đi tìm và mất chút thì giờ nào cả. Chỉ vì chúng ta không hiểu sâu luật Nghiệp Báo, chỉ nhìn theo không gian vật lý nên mới tưởng tượng rằng phải tốn nhiều công sức để đi từ một vị trí này sang đầu thai ở một địa điểm khác.
Tuy nhiên, thế nào là chết ?

Chúng ta cần phân biệt hai loại chết: cái chết lâm sàng theo y học và cái chết thực sự.

Theo y học, biểu hiện lâm sàng của cái chết được đánh giá theo sự ngừng hoạt động của não, kéo theo là tim ngừng đập, phổi ngừng thở, thân nhiệt hạ dần. Vì thế đối với bệnh nhân tình nguyện hiến tặng các bộ phận của cơ thể sau khi chết, các bác sĩ theo dõi sự hoạt động của não, nếu thấy não vừa dừng hoạt động là lập tức họ cho giải phẫu cơ thể để lấy đi các bộ phận còn tốt rồi đem ghép với những bệnh nhân khác. Đó là cái chết lâm sàng.

Nhưng giữa cái chết lâm sàng và cái chết thực sự có một khoảng cách khá xa. Chết nghĩa là đình chỉ hoàn toàn mọi hoạt động của sự sống, trong đó, hoạt động của não là quyết định, mà hoạt động của não còn có nghĩa là hoạt động của tâm thức. Hoạt động của tâm thức rất phức tạp. Những hoạt động của ý thức thì dễ đo được bằng máy móc. Còn những hoạt động của vô thức đã trở nên “tàng hình” đối với máy móc. Phải là những máy siêu nhạy mới bắt được những rung động của tâm vô thức. Còn loại tâm thức mà Abhidhamma gọi là tử tâm tối hậu thì cực kỳ nhỏ nhiệm. Đó là một hoạt động tâm thức cuối cùng để rồi chấm dứt hẳn. Tâm tối hậu này quá mịn, quá nhỏ, hầu như máy móc hiện đại chưa ghi nhận được.

Đôi khi một người đã có những biểu hiện của cái chết lâm sàng như người đã trở lạnh, tim đã ngừng đập, não (phần thô) đã dừng hoạt động. Nhưng thật ra họ đang chìm trong dạng tâm thức nhỏ nhiệm cuối cùng chứ chưa chấm dứt hẳn. Theo y học và theo luật pháp, người này đã chết. Nhưng theo định nghĩa về luân hồi, thì người này chưa chết vì chưa qua cái tử tâm tối hậu. Đôi khi, từ cái tâm yếu ớt cuối cùng này, bỗng nhiên tâm thức hoạt động mạnh trở lại, và, họ hồi sinh! Báo chí cũng đăng tải một số đạo sĩ Ấn Độ, Tây Tạng, các bộ tộc ở Châu Phi có khả năng làm cho người chết sống lại, miễn là đừng chết quá lâu. Đừng chết quá lâu nghĩa là chưa vượt qua cái ngưỡng tử tâm tối hậu, còn trong dạng tâm thức yếu ớt gần chết (cận tữ tâm). Rồi bằng năng lực tâm linh của mình, các đạo sĩ thêm sức mạnh cho não người chết tăng khả năng hoạt động trở lại. Đối với cái chết lâm sàng thì đây quả thực là một cuộc hồi sinh mầu nhiệm. Nhưng thực ra người này chưa chết thực sự. Nếu đã vượt qua tử tâm tối hậu thì người này không thể sống lại được nữa .

Có một số người trong cơn gây mê để giải phẫu, hoặc bị chấn thương mê man gần như chết, đã thấy mình thoát ra khỏi thân xác bay đi chơi vơi trong một thế giới kỳ lạ có nhiều hình ảnh lạ lùng, có những con đường hầm để đi sang thế giới bên kia. Thậm chí còn có người quay lại nhìn thấy rõ ca giải phẫu cái xác của mình. Một số nhà nghiên cứu gọi đó là hiện tượng Near Dead Experiment - Kinh nghiệm gần kề cái chết. Đối với số người này ý thức bị mê man, nhưng vô thức còn hoạt động mạnh. Họ chưa chết hẳn nhưng khối tâm linh đã một lần tách rời khỏi thân vật lý.

Nếu thực sự vượt qua cái ngưỡng tử tâm tối hậu, lập tức một “tâm thức tối sơ” vừa xuất hiện ở bào thai khác khi tinh trùng của cha lọt vào tiểu noãn của mẹ. Hai sự kiện này luôn luôn trùng nhau. Tử tâm tối hậu chấm dứt luôn luôn đồng thời với lúc tinh trùng lọt vào tiểu noãn của mẹ. Một kiếp sống mới bắt đầu ! Trạng thái tồn tại trong thế giới vô hình vẫn thuộc về kiếp trước. Khi bắt đầu sự sống ở thai mới, sự sống Tâm linh đó` sẽ biến mất.

Kinh Địa Tạng Trung Hoa cho rằng sau khi chết 49 ngày, người đó mới lọt vào thai mới. Con số 49 ngày chỉ là biểu tượng, ám chỉ cho thời gian từ cái chết lâm sàng đến cái chết thực sự. Thời gian này không giống nhau ở mọi người. Có người từ lúc chết lâm sàng đến lúc chết thực sự chỉ có vài giờ, có người vài ngày, có người vài tháng. Thậm chí những người tu luyện định lực sâu, khi chết họ nhiếp tâm trong định, thời gian “cận tử tâm” có thể kéo dài nhiều năm rồi mới chết hẳn.

Một vài cụ già kinh nghiệm ở miền Bắc Việt Nam cho biết rằng. Khi một người đã chết (lâm sàng) chờ mãi mà xác họ vẫn không cứng (chết thực sự) để có thể đem liệm, thì chỉ việc đặt xác họ trực tiếp với đất, xác sẽ lạnh cứng nhanh sau đó.

Điều này có thể giải thích rằng trong khi cái chết lâm sàng, người này đang chìm trong cận tử tâm chứ chưa chết hẳn. Não họ vẫn còn tích một ít điện để nuôi dưỡng sự hoạt động của cận tử tâm. Bây giờ để cơ thể họ tiếp đất tức là làm cho một ít điện đó xuống “masse” hết hẳn. Không còn điện để hoạt động, cận tử tâm chấm dứt, người này chết thực sự.

Ngược lại khi thấy người chết rồi mà cơ thể không lạnh cứng, ta phải nghĩ ngay người này còn trong trạng thái cận tử tâm (NDE - Near Dead Experiment). Nếu ai có thể truyền sinh lực sang, để tăng cường hoạt động của não, người này có thể sống lại.

Nhà hiền triết Platon (428-348 trước CN) có thuật chuyện một chiến binh tử trận, nhưng 10 ngày sau, khi được khiêng xác về nhà, người ta thấy xác đó vẫn lành lặn không thối vữa, song cứ mang tiếp về bản quán. Tối ngày thứ 12, lúc gia đình bắt đầu cử hành tang lễ thì người lính bỗng sống lại, tuy không đủ sức rời xa đống lửa hỏa thiêu. Người lính đó tên là Ehr, con ông Armerius, quê ở Pamphilic.

Thế kỷ thứ tám, tu sĩ Bede, Anh quốc kể lại một người tên là Canninghame tại Northambryans đã ngã bệnh, yếu dần yếu dần, cho tới lúc nguy kịch và tắt thở vào một đêm khuya. Nhưng rạng sáng, anh bỗng nhổm dậy trước sự hoảng hốt của mọi người đang than khóc quanh giường. Họ bỏ chạy tán loạn. Chỉ có người vợ rất mực yêu chồng vẫn đứng lại nhưng hãi hùng đến mức toàn thân run bắn lên.

Cựu ước kinh, phần Vua, cuốn 2, chương 4, có kể chuyện tiên tri Élisée (850-800 trướcCN) đã cứu sống con trai thiếu phụ Sunam.
“Élisée đi vào nhà - Kìa! Thằng nhỏ chết rồi, nằm bẹp trên giường ! Vào hẳn bên trong, ngài đóng chặt cửa, chỉ còn lại mình với đứa bé [...]. Ngài nằm sấp lên mình đứa trẻ, miệng ấp miệng, mắt ấp mắt, tay ấp tay. Ngài ấp lấy mình đứa trẻ. Bỗng cơ thể con trẻ vụt ấm lại. Rồi ngài trở xuống, đi tới đi lui trong nhà, đoạn trèo lên ấp thêm. Bỗng đứa trẻ hắt hơi bảy lần, mở choàng mắt [...] Ngài bảo [bà mẹ]: “Hãy bồng con bà lên”.Bà tới ôm lấy chân ngài, sấp mình thờ kính, rồi ẳm con trai ra ngoài.

Rõ ràng đây là phương pháp truyền sinh lực làm hồi sinh.

Sử gia Hy Lạp Philostrate (175-249) kể về triết gia Apollonius de Tyane (khoảng 1 thể kỷ sau CN).

Trong một lần sang Roma, nhà hiền triết bỗng gặp đám tang một trinh nữ thuộc gia đình thế tộc. Thấy cảnh than khóc, Apollonius động lòng trắc ẩn, bèn phán: ” Hạ quan tài xuống vì ta có phép làm ngưng những dòng lệ các người trào tuôn cho người trinh nữ xấu số kia!”. Đoạn, ông hỏi tính danh nàng. Nhiều người đinh ninh ông định đọc một bài điếu thường được nghe vào những dịp đưa tang để xoa bớt những buồn thương của thân bằng quyến thuộc. Nhưng không, Apollonius nâng đầu thi thể trinh nữ dậy, khẻ thì thầm vào tai nàng... Vậy mà trinh nữ vụt bừng tỉnh, ngơ ngác thốt lên những lời hỏi han, rồi ngồi dậy, quay về dinh cơ cha mẹ.”

Qua câu chuyện này ta thấy các nhà hiền triết ngày xưa có năng lực tâm linh rất mạnh, không phải chỉ thuần là kẻ lý luận mà thôi.

Hàng trăm nhân chứng bị chết lâm sàng, về sau được các bác sĩ cứu sống, có thể xác nhận về trạng thái tâm linh gần chết (cận tử tâm). Tiến sĩ Raymond Maudy trong cuốn “Sống lại sau khi tắt thở” (mới công bố gần đây) đã đưa ra hàng trăm lời tường thuật của các ca tương tự. Họ cho biết họ nghe rõ hết những lời trao đổi của các chuyên gia và thân nhân, cảm nhân được đầy đủ những biến cố kề cận mình trong thời gian nằm tại phòng hồi sức.

Một bác sĩ kiêm nhà du lịch Mỹ George Wright viết trong cuốn “nhân chứng của các pháp thuật” (1970) từng tận mắt chứng kiến tại Benin (Phi Châu) một ca hồi sinh.

“Một người chẳng còn dấu hiệu nào của sự sống nằm ngữa trên mặt cát.
Tôi nhờ một bạn đồng hành người địa phương đưa tới bên anh ta rồi nói: “Tôi là một thầy thuốc. Tôi muốn được khám nghiệm để biết đích xác anh ta đã chết hẳn chưa?” Họ vui vẻ nhận lời. Tôi ngồi xuống vạch mí mắt người chết, thử phản xạ đồng tử theo phương pháp Argyll-Robinson. Mắt vẫn đờ đẫn và tim hoàn toàn ngừng đập... Rồi viên pháp sư vẫy tay ra hiệu cho đám đông bắt đầu cất tiếng ca hát. Âm hưởng điệu hát nửa như kêu gào, nửa như nức nở khóc than. Họ hát mỗi lúc một nhanh thêm, một cao giọng hơn. Dường như những âm điệu đó cũng được chính người chết nghe thấy hết. Tôi sững sờ bởi chưa bao giờ chứng kiến chuyện tương tự trong đời.

Người chết vụt đưa tay lên vuốt ngực, cố nghiêng người lại. Tiềng la hét của đám đông bỗng hóa thành tiếng rú dài. Trống chiêng bắt đầu khua vang, càng lúc càng gấp gáp hơn. Rốt cuộc, người chết trở mình được, gập hai chân lại, rồi thong thả nhỏm dậy, ngồi xổm trên cát. Hai mắt anh ta vài phút trước đây còn đờ đẫn khi bị chiếu thẳng đèn pin vào, giờ bỗng mở to nhìn chòng chọc vào đám người vây quanh...”

Dân Benin còn cho G.Wright biết thêm các thuật sĩ xứ họ có thể hồi sinh nhiều người, miễn là kẻ xấu số chưa chết quá lâu. Nhiều người da trắng cư ngụ lâu năm ở đó đã công nhận hoàn toàn lời họ, vì nghi lễ kia tháng nào cũng có cử hành.

Ở đây, không phải âm thanh làm cho người chết sống dậy, mà chính là ước muốn chủ quan mạnh mẽ của mọi người, tức là năng lực tâm linh, đã làm thức dậy một não bộ đang yên nghỉ ở cận tử tâm. Tuy nhiên, điều lạ là tại sao nằm trên cát mà họ không bị mất đi phần điện ít ỏi cuối cùng như ở Việt Nam.
Cũng có một số người trong thời gian cận tử tâm thấy đi dạo chơi ở địa ngục (chứ không bị hành hạ) hoặc dạo chơi ở thiên đường gặp các vị thánh ngày xưa. Đến khi hồi sinh họ kể lại điều đã thấy và làm tăng thêm niềm tin về thế giới siêu hình cho mọi người.

THÂN TRUNG ẤM

Trong Phật Giáo Đại Thừa, khái niệm Thân Trung ấm được nêu ra để chỉ cho giai đoạn mà một người đã chết, sự sống nơi thân vật lý không còn tồn tại, nhưng tồn tại một sự sống trong thế giới vô hình. Cái Ngã nơi Thân Trung ấm này cũng vẫn là cái Ngã nơi sự sống lúc còn gắn nơi thân vật lý. Trước khi chết người này là Đậu, con ông Xoài, thì ở Thân Trung ấm người này vẫn thấy mình là Đậu con ông Xoài. Cho đến khi duyên đã hết, phải sinh về một kiếp khác, Thân Trung ấm tan biến, sự sống thành hình ở bào thai mới, lúc đó cái Ngã cũ chấm dứt hoàn toàn. Cái giây phút mà Thân Trung ấm tan biến luôn luôn đồng thời với cái lúc tinh trùng cha lọt vào noãn của mẹ. Abhidhamma thuộc Kinh Tạng Nguyên Thủy gọi là “khi Tử tâm tối hậu chấm dứt thì Kiết sinh thức tối sơ xuất hiện”. Cái Ngã cũ đã hết nên người này không còn thấy mình là Đậu con ông Xoài nữa. Chuyện kiếp trước bị quên, người này mang một hình hài mới, tên họ mới, dòng tộc mới, số phận mới.

Do nghiệp đã tạo sẵn nên kiếp sắp tới của một người sẽ sinh vào gia đình nào là điều chắc chắn, không có gì thay đổi được nữa. Lúc tử tâm tối hậu chấm dứt cũng là lúc tinh trùng lọt vào noãn sào và một kiếp sống mới bắt đầu trong hình thức một bào thai nhỏ bé mà mắt thường không thể trông thấy.

Trong 500 triệu tinh trùng của người cha, có những tinh trùng chỉ mang nhiễm sắc thể X, nếu kết hợp với tiểu noãn sẽ cho ra một bào thai nữ; có những tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y, nếu kết hợp với tiểu noãn sẽ cho ra một bào thai nam. Nhưng do nghiệp của chính người đó sẽ mang thân nam hay nữ nên khiến cho tinh trùng loại nào sẽ lọt vào tiểu noãn.

Lúc tiểu noãn thụ tinh, các nhiễm sắc thể (chromosome) của tinh trùng và của trứng phối hợp thành 46 cái, một số lượng cần thiết để sự sống có thể xuất hiện. Con người, lúc bấy giờ mặc dù chỉ là một tế bào, nhưng định mệnh đã bao trùm lấy nó, vì những nhiễm thể của người cha và người mẹ đã định đoatï giới tính, màu tóc, màu mắt cũng như vóc dáng của hài nhi tương lai. Cũng chính nhiễm thể này khiến trẻ con sẽ được sinh ra trở thành một vĩ nhân hoặc một kẻ ngu đần.

Những nhiễm sắc thể có hình xoắn giống một dây ngọc hoặc một dây có thắt nơ và chứa hàng nghìn phân tử di truyền (gènes), cấu tạo bởi Acid Désoxyribo Nucleic (ADN), một chất hóa học chứa đựng bí mật về sự sống và sự sinh trưởng của con người. Hiện nay các nhà khoa học đang tìm cách giải mã từng gène để biết được nhiệm vụ của chúng một cách chắc chắn.

Những nhiễm sắc thể chứa hàng ngàn phân tử di truyền, có nhiệm vụ rõ rệt trong từng giai đoạn, trong việc sinh trưởng. Mỗi phân tử di truyền tự hoạt động riêng rẽ hoặc cộng tác với phân tử di truyền khác. Một số phân tử di truyền ấn định màu mắt, một số khác ấn định về màu da và một số nữa ấn định chiều dài của xương.

Con người hưởng thụ 1/2 số lượng nhiễm thể của cha và 1/2 của mẹ (tổng cộng 46). Sự kiện này là nguồn gốc của sự khác biệt giữa những cá thể trong nhân loại.

Khi những cặp nhiễm thể của tiểu noãn được phân làm hai, sự ngẫu nhiên (theo luật Nghiệp Báo bí mật chi phối) sẽ định đoạt nhiễm thể nào của mỗi cặp sẽ ở lại, và nhiễm thể nào sẽ bị loại bỏ. Do đó người phụ nữ có thể truyền lại cho con mình màu mắt, trí khôn đã thụ hưởng từ tổ tiên và cả bệnh tật. Và cũng chính sự ngẫu nhiên theo nghiệp sẽ phân chia và chọn lựa nhiễm thể của người cha. Tất cả đều diễn biến tương tự một cuộc xổ số vĩ đại vì những nhiễm thể của tiểu noãn và của tinh trùng có thể được phân chia theo tám triệu kiểu khác nhau.
Chính nghiệp của đứa bé đã sắp xếp cuộc tạo dựng nhỏ nhiệm và quan trọng này.

Đầu tiên, nghiệp của đứa bé đã quy định nó sẽ làm con của bậc cha mẹ nào để có thể nhận lấy tính di truyền về sức khỏe, trí khôn, hình dáng của dòng họ đó. Rồi nghiệp tiếp tục chi phối sự phối hợp, phân chia các gène để cho nó có những tính chất khác hẳn anh chị em của nó.

Nếu đời trước nó thường chăm sóc sức khỏe cho mọi người, hoặc dùng sức lực để làm việc thiện, thì nội việc chọn lựa các gène, nó sẽ thừa hưởng được các gène tạo thành sức khỏe tốt.

Nếu đời trước nó hay truyền đạt kiến thức, dạy học tận tâm, xây cất trường học, thì bây giờ nó được hưởng các gène tạo nên bộ óc thông minh.
Nếu có nhiều phước, nó được sinh trong gia đình giàu có, từ nhỏ đã đầy đủ tất cả.

Ở đây, luật Nghiệp Báo đã “thò tay” sắp xếp từng gène cho đứa bé.

Khi tinh trùng đã kết hợp với tiểu noãn, một tâm thức tối sơ xuất hiện. Lúc này đồng thời với cái chết thực sự ở thân cũ. Trước khi tinh trùng kết hợp với tiểu noãn, mỗi bên đã có 23 cặp nhiễm sắc thể chứa đựng các gène (các đoạn phân tử ADN) ấn định sự phát triển về sau. Các nhiễm sắc thể đã có tạo thành một vùng không gian tâm linh vô cùng nhỏ nơi giao tử (trứng hoặc tinh trùng), nhưng chưa đủ để gọi là tâm thức tối sơ. Tính chất tinh thần của tinh trùng hay tiểu noãn quá ít ỏi và đơn giản nên không đủ để định nghĩa đó là một mọi người. Chỉ khi nào tiểu noãn và tinh trùng đã kết hợp, năng lực tâm linh tại đó được nhân bội lên vì đã hình thành các gène (các đoạn phân tử ADN) để ấn định sự phát triển của bộ não, lúc đó tâm thức tối sơ của một mọi người mới thật sự hình thành.

Tâm thức này càng lúc càng phát triển phức tạp dần dần theo sự phát triển của các tế bào não. Ban đầu, phôi (trứng đã thụ tinh) dường như chỉ có một tâm thức tối sơ cao cấp hơn bản năng sinh tồn của tế bào bình thường một chút. Đến khi các tế bào não phát triển theo hai cơ cấu: thần kinh động vật và thực vật; theo hai bán cầu; theo các trung khu, lúc đó tâm thức cũng phát triển theo hai cơ cấu: ý thức và vô thức.

Qua hai tháng, não bộ đã phát triển hoàn chỉnh với 15 tỷ tế bào. Ý thức và vô thức đã được thành lập xong. Tuy nhiên, não bộ vẫn trong tình trạng hoạt động thầm lặng đơn giản, bào thai ngủ nhiều hơn thức. Thỉnh thoảng bào thai cũng thức dậy vui đùa chút ít rồi lại chìm vào giấc ngủ say sưa. Song, nơi cái não bộ trinh trắng đó, thật ra đã mang đủ các mầm mống thiện ác phức tạp do ý nghiệp đời trước tạo nên. Những tư tưởng đời trước đã quy định nhân cách, tính tình cho đời sau.

Một số người cho rằng nếu tư tưởng đời trước tạo ra tư tưởng đời sau, vậy phải chăng có một loại tâm thức nào đó không bị tiêu diệt theo cái chết, đã giữ nguyên các hạt giống tư tưởng đời trước để nhập qua bào thai mới ? Và như vậy người thông minh sẽ tiếp tục thông minh, kẻ ngu dốt sẽ tiếp tục ngu dốt ?
Thật ra, vấn đề không đơn giản như vậy. Có thể một người đời trước là một bác học. Nhưng ông luôn đố kỵ với kẻ có tài vì sợ họ giỏi hơn mình. Kiếp sau, ông là một người ngu dốt. Có thể một người nông dân ít học, nhưng ông biết lo lắng việc học hành của con cái, thường hay phụ giúp xây cất trường học trong làng. Kiếp sau ông là một người thông minh học giỏi.

Không có tâm thức nào rời thân cũ nhập qua thai mới để mang theo các hạt giống tư tưởng cũ. Chỉ có luật Nghiệp Báo từ trong Bản Thể quy định tất cả. Nếu đời này chúng ta có được tư tưởng tốt lành, nhân cách trác việt, chỉ bởi vì đời trước chúng ta thường xuyên tán thán một bậc thánh nào đó, hoặc hơn nữa chúng ta thường tâm nguyện sẽ đạt được sự cao cả của vị thánh đó.

Luật Nghiệp Báo sắp xếp tất cả mà không bị ngăn cách bởi không gian vì trong Bản Thể, tất cả vị trí đều chung một chỗ, nhưng không lẫn lộn với nhau.

Trong thế giới sinh vật, người ta quan sát thấy những hiện tượng biến dị không theo truyền thống. Ví dụ trong một bầy chim lông vàng chợt xuất hiện con chim lông xám, mặc dù chúng cùng sự di truyền từ cha mẹ. Những biến dị này có nhiều nguyên nhân, hoặc do môi trường, nhiệt độ, hóa chất, tâm lý.

Trong loài người cũng vậy, không phải hể là anh chị em thì phải giống nhau. Sự biến dị lạ lùng đã khiến cho anh chị em vẫn có sự sai khác về tính tình, hình dáng, tài năng. Ở đây, chính nghiệp riêng đời trước đã đạo diễn nên sự sai khác này. Họ có duyên làm anh chị em với nhau những vẫn cưu mang nghiệp riêng biệt của mình từ vô lượng kiếp trước.

Rồi thêm nữa, gène không phải đã là đại biểu cho luật Nghiệp Báo. Nó cũng chỉ là một mắc xích trong chuỗi Nhân Quả mà thôi. Ví dụ một người bị dư một nhiễm sắc thể, 47 thay vì 46 như mọi người, nên mắc hội chứng Down. Người này ngu đần, yếu ớt, mặt mày bị biến dạng. Do nghiệp đời trước nên trong quá trình tạo thành trứng hoặc tinh trùng của cha mẹ, một giao tử đã dư một nhiễm sắc thể để dành sẵn cho kẻ xấu số kia. Đúng vào lúc trứng đó rụng, nó được thụ tinh và đứa bé ra đời với định mệnh khắc nghiệt. Vì là bệnh từ trong nhiễm sắc thể nên rất khó chữa. Biết đâu sau này do phước của người bệnh đến lúc tốt đẹp, y học sẽ tìm được phương pháp bỏ bớt một nhiễm sắc thể tai hại kia.
Các nhà khoa học đang lần mò vào từng gène để thay đổi số phận của con người. Những người bệnh do gène tức là do nghiệp cố định khó chuyển, biết đâu đến khi đủ phước, y học sẽ can thiệp vào gène để chuyển nghiệp cho họ.
Chỉ có một cái cố định, đó là luật Nghiệp Báo. Một nghiệp chắc chắn sẽ có một quả báo. Phần còn lại là do mỗi chúng ta tự chọn cho mình loại quả báo nào bằng cách gây nghiệp ra sao. Nếu muốn cuộc đời mình được nhiều tốt đẹp, hãy cố gắng tạo nhiều nhân lành và gạn lọc tư tưởng của mình thường xuyên.
Có một số tôn giáo không tin có luân hồi tái sinh, có một số người nghiên cứu khoa học cũng không tin có luân hồi. Nhưng cũng có một số nhà khoa học đang khách quan tìm hiểu vấn đề này một cách nghiêm túc.

Bác sĩ Mỹ Ian Stevenson, tác giả cuốn “Hai mươi trường hợp về luân hồi”, sau nhiều năm nghiên cứu ông đã tin rằng “Có thể có sự sống sau khi chết đi”. Ông bắt đầu tìm cách chứng minh Thuyết luân hồi từ năm 1961 trong chuyến đi Ấn Độ lần thứ nhất. Dùng máy vi tính phân tích 1200 trường hợp được coi là đầu thai, Bác sĩ Stevenson tuyên bố: “Không có lý do để coi thuyết luân hồi là mê tín, ngược lại nó đáng được nghiên cứu một cách nghiêm túc.” Ông cho một số trường hợp những nốt ruồi, mụn cóc trên mình trẻ sơ sinh có thể là dấu vết dao đâm, đạn bắn trong tiền kiếp.

Ở Hy Lạp, các triết gia Empedocles, Pythagore và Plato đã giảng giải về đầu thai. Ngay các giáo phẩm cao cấp của nhà thờ Kitô buổi đầu cũng tin ở việc đầu thai. Mãi đến năm 553, hội đồng Constantinople dưới sự chủ tọa của giáo hoàng Vigilins mới phán rằng luân hồi là tà thuyết. Nhiều triết gia cận đại bênh vực thuyết luân hồi, trong đó có Kant (1724-1804) và Schopenhower (1788-1860).
Rồi ngay cả những người tin ở thuyết luân hồi cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng ngoài việc tái sinh ở thân người hoặc thú, một người theo nghiệp của mình có thể tái sinh ở một thế giới siêu hình của các thần linh, hoặc tái sinh ở địa ngục, ma quỷ. Như vậy họ tin rằng ngoài không gian vật lý này còn có các thế giới siêu hình cũng có tính khách quan như không gian vật lý. Ở đó các sinh vật không mang thân xác vật lý mà có một hình dáng đặc biệt, khó thể trông thấy bởi đôi mắt của người trần gian.

Hầu hết các tôn giáo đều chấp nhận có các cõi giới siêu hình tồn tại khách quan ngoài ý muốn con người. Chúng ta cần phân biệt cái không gian tâm linh do Bản năng sinh tồn của sinh vật tạo nên có tính chủ quan triệt để, với các thế giới siêu hình tồn tại khách quan theo quan niệm của tôn giáo.

Nơi không gian tâm linh chủ quan, mọi thần thông, tác dụng đều xảy ra theo ý muốn và niềm tin của con người. Thậm chí một số ảo ảnh về thiên đường, địa ngục, ảo ảnh về các bóng ma cũng được tạo ra từ nơi đây. Hơn nữa, mặc dù không gian tâm linh có vẻ kỳ diệu hơn, cao cấp hơn không gian vật lý nhưng nó vẫn liên quan với không gian vật lý bởi vì nó được hình thành từ cấu trúc của tế bào sinh vật, từ cấu trúc của các ADN. Như vậy do cấu trúc cao cấp của vật chất, tế bào hình thành, ADN hình thành và bản năng sinh tồn hình thành, đồng thời không gian tâm linh cũng từ nơi cấu trúc đó mà xuất hiện. Ở mỗi tế bào sống đều có một vùng không gian tâm linh nhỏ bé bao phủ. Toàn bộ tế bào của cơ thể tạo thành một vùng không gian tâm linh lớn bao quanh cơ thể. Riêng những sinh vật có não bộ, nhất là người, thì không gian tâm linh mạnh hơn vì tế bào não tạo thành không gian tâm linh mạnh hơn tế bào thường.

Chúng ta có thể ví dụ không gian tâm linh với điện trường chung quanh một dây dẫn điện. Khi có dòng điện chạy qua một dây dẫn, lập tức chung quanh dây điện xuất hiện một vùng điện từ trường. Trường điện từ này vô hình nhưng có tác dụng lớn lao trong các kỹ thuật hiện đại như Radar, vô tuyến viễn thông... Người ta ứng dụng tính chất của trường điện từ trong vô số lĩnh vực nhưng thật ra bản chất thực sự của cái gọi là trường này nghĩa là gì thì vẫn còn là bí mật.

Một số nhà bác học đã dùng lại khái niệm Éther để tạo cơ sở cho một cái nền của không gian. Khái niệm này từ lâu đã bị bác bỏ, nhưng lại bắt đầu được nhắc đến.

Trường điện từ cũng do vật chất mà có. Trường không gian tâm linh của sinh vật cũng vậy, cũng từ vật chất mà có, nhưng phải là một cấu trúc hết sức đặc biệt của ADN mới đủ sức tạo thành một trường không gian tâm linh phát ra chung quanh.

Như vậy, không gian tâm linh vẫn phải dựa trên vật chất mà có. Tinh thần và thể xác không thể tách rời. Tinh thần và thể xác có tính chất khác nhau rất xa nhưng vẫn dựa vào nhau để tồn tại. Người nào tách đôi tinh thần và thể xác sẽ phạm sai lầm. Chính vì lý do này nên khi có người hỏi Đức Phật :

“Ngã (tinh thần) và Thân (thể xác) là một hay khác?”

Đức Phật im lặng.

Theo tính toán, các nhà vật lý vũ trụ cho rằng phải cần số lượng vật chất gấp nhiều lần số lượng vật chất đang có trong vũ trụ thì mới phù hợp với vận tốc chuyển động của các thiên thể. Và các nhà khoa học kết luận rằng phải tồn tại một loại “vật chất vô hình”rất lớn trong vũ trụ. Ở đây chúng ta thấy bắt đầu có sự nối tiếp trùng hợp giữa lý thuyết khoa học và lý thuyết về các cõi giới siêu hình của tôn giáo như cõi trời,cõi địa ngục. Một ngày nào đó, khoa học mở rộng phạm trù về môi trường sống sang các thế giới vô hình và chúng ta sẽ xem thế giới vô hình cũng là một dạng tồn tại để đi đến sau cái chết của cuộc đời này.
Tuy nhiên chúng ta nên cẩn thận vì một cõi trời thật sự và một cõi trời do ảo ảnh của tâm hiện ra rất khó phân biệt. Nhiều người đã trở nên mê tín, tà kiến vì quá chú trọng vào cõi siêu hình và thường hay có ảo ảnh thiên đường trong giấc mơ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2167)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8179)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3009)