Chương 7 : Nghiệp Và Kết Quả Xuất Thế Gian

13 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 12387)
CHƯƠNG 7
NGHIỆP VÀ KẾT QUẢ XUẤT THẾ GIAN

1. Ý NGHĨA CỦA GIẢI THOÁT

Người ta chỉ đặt vấn đề giải thoát khi họ ý thức được sự ràng buộc và đau khổ mà mình phải chịu đựng. Nhưng không dễ gì con người ý thức được sự ràng buộc và đau khổ đang tồn tại từng giây phút của cuộc sống hiện hữu này. Đôi khi rơi vào nghịch cảnh khó chịu, con người cảm thấy cuộc đời có đau khổ. Nhưng khi đạt được vài ước nguyện như ý, họ vẫn cảm thấy cuộc đời còn nhiều hạnh phúc. Và mục đích của con người là suốt đời “tránh né đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc”. Để thực hiện cho bằng được sự nghiệp “tránh khổ tìm vui”, mồ hôi và máu của mọi người đã thấm đầy lòng đất.
Cái đau
khổ mà con người phải sợ hãi tránh né mãi đó là đói khát, bệnh tật, xấu xí, nghèo khổ, tai nạn, bị ghét bỏ,địa vị thấp, mong ước không toại nguyện, tình yêu đổ vỡ, xa cách người thương, gần gũi kẻ oán, căng thẳng thần kinh, sống trong môi trường không hợp ý, chiến tranh, bị kỳ thị, cô độc... Ngược lại với vô số điều trên là ý nghĩ hạnh phúc mà con người khát khao tìm kiếm đó là no đủ, khoẻ mạnh, đẹp đẽ, giàu sang...
Nếu xét kỹ, chúng ta thấy rõ sự tránh khổ tìm vui của con người chỉ lẩn quẩn trong không gian vật lý.
Họ chưa tìm thấy sự nhiệm mầu của không gian tâm linh và càng không biết gì về Bản Thể Tuyệt Đối. Tất cả mục đích của con người trong không gian vật lý đều phải chịu sự chi phối của luật Nghiệp Báo. Một người đã gây nghiệp nghèo khổ thì không thể nào cảm nhận được cái sung sướng của sự giàu sang. Một người đã gây nghiệp đối xử kỳ thị thì bắt buộc phải chịu sự bất bình đẳng trở lại. Nếu không tin hiểu luật Nghiệp Báo để bắt đầu gây những nhân lành, con người sẽ vĩnh viễn chịu nhiều đau khổ hơn nữa. Chỉ khi nào họ tin hiểu Nghiệp Báo, rồi từng bước tích lũy phước thiện, về sau, họ sẽ gặp nhiều may mắn dễ chịu.
Ở đây, luật Nghiệp Báo là chìa khóa mở ra cho họ con đường bằng phẳng êm ả để họ đi lang thang trong luân hồi sinh tử bớt đau khổ hơn, có vẻ thoải mái hơn.
Tuy nhiên, họ chỉ vẫn lẩn quẩn trong không gian vật lý, rong ruỗi trong luân hồi, và cái chấp ngã sâu kín trong vô thức còn nguyên vẹn. Một khi chấp ngã chưa hết, sự phân biệt thương ghét là điều tồn tại, chắc chắn họ vẫn còn phạm sai lầm, còn gây nghiệp bất thiện và vẫn phải đối diện với đau khổ ở mai sau.
Thế nên, với luật Nghiệp Báo, con người mong muốn tạo thật nhiều thiện nghiệp để tránh khổ tìm vui là điều không thật sự bứng hết cội rễ của sự đau khổ, không thật sự đạt được sự toàn thiện tối thượng, không thật sự an trụ trong niềm vui vĩnh hằng tuyệt đối.
Cần phải có một con đường khác hơn, siêu việt hơn, cao thượng hơn để đưa con người thoát khỏi trò đùa sinh tử, thoát khỏi ngã chấp nhỏ hẹp, thể nhập vào Bản Thể Tuyệt Đối với sự cảm ứng vô biên cùng vạn hữu. Tuy nhiên, ý nghĩa của Bản Thể Tuyệt Đối quá cao siêu trừu tượng, vượt ngoài khả năng diễn tả của ngôn từ và ý tưởng, khó có thể hấp dẫn được đa số mọi người khi mà họ chỉ đủ sức cảm nhận được những trò vui tạm bợ của khoái cảm thế gian. Một ly rượu nồng, một mái ấm đêm đông, một gia tài đồ sộ, một địa vị cao sang, một cuộc vui nghiêng ngửa... có vẻ cụ thể hơn, dễ dàng đạt tới hơn. Còn sự siêu thoát thanh tịnh mênh mông, không hình tượng, không phân biệt, chỉ còn có trí tuệ vô hạn, lòng đại bi vô biên, sức cảm ứng phủ trùm của Bản Thể Tuyệt Đối vẫn là cái gì xa lạ đối với mọi người.
Chỉ có những kẻ có căn lành nhiều đời, hôm nay tâm họ có cái “trực cảm” tế nhị sâu sắc, tuy chưa chứng được Bản Thể Tuyệt Đối, nhưng họ đã cơ hồ cảm nhận được, tin tưởng được, và âm thầm khát khao sự chứng đạt viên mãn về Bản Thể Tuyệt Đối đó. Giữa thế gian dày đặc con người này, có được bao nhiêu người có cái “trực cảm” mẫn tiệp kia để có thể chuẩn bị cuộc đời mình đi về một hướng khác, một hướng ra khỏi không gian vật lý nặng nề, ra khỏi không gian tâm linh chủ quan và thể nhập vào tuyệt đối?
Chỉ những con người có cái trực cảm sâu sắc đó mới có thể ý thức được sự ràng buộc và đau khổ đang hiện hữu trên thế gian này, cũng như chỉ những ai đã từng trông thấy bầu trời tự do mới ý thức được cái nhà tù chật hẹp mà mình đang bị giam giữ.
Người ta mê mười đồng vì không biết có cái một triệu đồng. Người ta quay cuồng trong các trò vui giả tạm vì không biết cái hạnh phúc vô biên của TUYỆT ĐỐI. Khổ nỗi, không có ngôn từ để diễn tả được cái hạnh phúc chân thật của Bản Thể Tuyệt Đối. Buổi đầu, Đức Phật cũng tránh nói nhiều đến Bản Thể Tuyệt Đối này. Ngài chỉ cho thấy bản chất của thế gian là đau khổ (khổ đế). Nhưng làm sao cho mọi người ý thức được sâu sắc cái bản chất ràng buộc và đau khổ của thế gian thì đòi hỏi phải có sự so sánh, cũng như chỉ khi đặt màu trắng bên cạnh, người ta mới thấy rõ hơn màu đen. Cũng vậy, khi muốn cho con người thấy rõ sự đau khổ và ràng buộc thì phải so sánh với Bản Thể Tuyệt Đối vốn thênh thang, thanh tịnh, giải thoát, vĩnh hằng. Các kinh điển Đại Thừa về sau đã bổ túc lý luận của Đạo Phật bằng cách đã diễn tả nhiều về tính chất của Bản Thể giải thoát, và gọi bằng nhiều tên như Phật tánh, Chơn tâm, Pháp thân... Khi các tính chất ưu việt của Bản Thể Tuyệt Đối được tuyên thuyết giảng rộng, mọi người bỗng cảm thấy những cái mà mình đang nắm giữ, ham muốn như tiền tài, danh lợi, yêu đương... thật là lố bịch, nhỏ nhoi, tạm bợ, và chỉ là đau khổ triền miên không lối thoát.
Từ đó, trong lòng họ nhen nhúm một sự khát khao giải thoát !
Tuy nhiên, sự giải thoát viên mãn, nghĩa là thể nhập hoàn toàn vào Bản Thể Tuyệt Đối, vượt khỏi không gian vật lý và không gian tâm linh là điều cực kỳ khó khăn. Không phải ai cũng đủ PHƯỚC, đủ dũng lực, đủ phương pháp để đạt đến. Đa số những người tu hành đi tìm giải thoát cũng chỉ đạt được giải thoát một phần nào đó mà thôi. Rất ít người đến được giải thoát viên mãn.
Ví dụ, do biết tu hành, một người trước kia có một nhân cách kém cỏi, nay đã trở nên cao cả. Thay vì nhỏ mọn, ích kỷ, họ dễ rộng rãi bố thí, dễ tha thứ hơn; thay vì hay nổi nóng, họ dễ trầm tĩnh hơn; thay vì hay xúc động, họ dễ bình thản hơn. Tâm từ bi của người này được tăng trưởng. Họ biết xem nhẹ của cải vật chất và biết quý trọng những giá trị tinh thần. Người như vậy cũng là đã giải thoát được khỏi nhân cách kém cỏi.
Hoặc một người, do biết tu hành, nên chấp ngã mỏng nhẹ. Họ ít cố chấp ý kiến của mình, thường biết sống thuận theo ý kiến của mọi người, giống như lời bày tỏ của tôn giả Anuruddha :
“Con không sống bằng tâm của con mà con sống bằng tâm của huynh đệ”
Họ không còn thấy mình là quan trọng, không còn thấy ý kiến của mình là giá trị. Và hạnh phúc cao cả mà họ tìm thấy là sự vô ngã thanh tịnh. Những kẻ hiếu động, thích tranh đấu, ắt là sẽ phê phán thái độ thụ động kỳ lạ này. Tại sao phải sống theo ý người khác? Tại sao chấp nhận sự ức hiếp? Tại sao không đầu tranh cho quyền lợi của mình ? Ở đây không có câu trả lời thừa thải cho kẻ không có chiều sâu tu tập. Chỉ những ai đã khổ công tu hành thiền định, tâm đượïc thanh tịnh rỗnh rang mới thấy được cái hạnh phúc quý giá của đời sống vô ngã tùy thuận theo tâm của mọi người. Người như vậy là đã giải thoát được một phần ngã chấp.
Hoặc một người, do biết tu hành nên có cái nhìn minh triết sâu thẳm, thấy rõ cả vạn hữu như trò huyễn hóa hư vô. Cả sự hiện diện bản thân họ cũng đều là trò chiêm bao mộng ảo. Họ vẫn sống bình thường như mọi người, vẫn bình thản làm các bổn phận của mình, vẫn nhìn thấy rõ luật Nghiệp Báo sinh hóa vô tận, nhưng vẫn thấy tất cả là ảo ảnh không thật có. Do đạt được cái nhìn minh triết cùng cực nhu vậy nên tâm người này rời khỏi mọi cố chấp, phiền muộn âu lo, luôn luôn đạt được trạng thái tỉnh giác, thanh tịnh (chánh niệm). Người như vậy là đã giải thoát được một phần chấp trước.
Hoặc một người, do biết tinh tấn thiền định đúng phương pháp (chúng tôi xin nhấn mạnh đúng phương pháp, vì sai phương pháp rất nguy hiểm)nên tâm được an trụ, không mộng tưởng suy nghĩ lang thang. Họ hưởng được trạng thái hỷ lạc của nội tâm an tịnh. Người như vậy là đã giải thoát được một phần tâm thức loạn động.
Hoặc một người do biết tu tập, nhiếp tâm vào định sâu thẳm, vượt khỏi ý thức ràng buộc với không gian vật lý, nhập được vô thức của không gian tâm linh, và có thể khởi thần thông tác dụng theo ý muốn. Họ có thể phân thân, khinh thân, tàng hình, tiên tri, chữa bệnh, thấu thị, thần nhỉ... Họ có thể phá vỡ các quy luật vật lý khách quan và thực hiện thần thông theo ý muốn chủ quan của mình. Người như vậy là đã giải thoát khỏi tâm ý thức, đã đạt được tâm vô thức. Tuy nhiên, ở đây vãn chưa phải là giải thoát viên mãn vì “Vô thức là hang ổ của ngã chấp”. Họ chưa ra khỏi hang ổ của ngã chấp, chưa đạt được Bản Thể Tuyệt Đối !
Cần phải tiến lên một bước nữa là vượt khỏi tâm Vô thức, vượt khỏi không gian tâm linh chủ quan và hòa nhập vào Bản Thể Tuyệt Đối, trở thành duy nhất với toàn thể vạn hữu. Ở đây, bản ngã hoàn toàn biến mất, cái biết nhỏ hẹp được thay thế bằng cái cảm ứng vô lượng vô biên.
Nhiều người lầm tưởng rằng trạng thái Niết Bàn của Phật giáo là tịch diệt, hư vô, có vẻ khô khan buồn tẻ, và cho rằng đạo Phật là thụ động tiêu cực chỉ đi tim cái trống vắng.

Thật ra nơi Bản Thể Tuyệt Đối, tận cùng của cái Không là vô cùng của cái Có. Ngay nơi cái thanh tịnh tuyệt đối cũng là cái cảm ứng trùm không gian, vượt thời gian. Vì đã giải thoát, đã thể nhập Bản Thể Tuyệt Đối thì “dường như” không còn là chính mình nữa mà đã trở thành toàn thể vũ trụ, đã trở thành từng hạt bụi nhỏ, từng chiếc lá rơi, đã trở thành mây trời, gió mát, đã trở thành các tinh tú lấp lánh, thành vạn hữu vô biên.
Nơi cái nhìn của không gian vật lý, một hòn gạch đặt ở bên này và một con kiến đang bò bên kia dường như ít có tương tác với nhau, chúng có vẻ rời rạc riêng rẻ. Nhưng nơi Bản Thể Tuyệt Đối, tất cả đều chung đồng trong cái thanh tịnh, trong cái cảm ứng và vẫn không lẫn lộn với nhau. Tất cả đều mầu nhiệm và tràn đầy sáng tạo.
Chỉ những người may mắn có được cái Trực cảm kỳ diệu, dù chưa thực sự chứng ngộ, vẫn mơ hồ cảm nhận được tính chất siêu việt, tuyệt vời của Bản Thể. Chỉ những con người như thế mới xuất hiện từ bên trong niềm khát khao giải thoát, mới ý thức rõ rệt tính chất tạm bợ, giả dối, đau khổ, phù ảo của thế gian cháy bỏng này.
Đối với những người như thế, các trò vui ngây ngất của thế gian không lừa gạt được họ. Tất cả những gì làm cho tâm hồn xao động đều là đau khổ dù đó là xao động buồn hay xao động vui. Chỉ có nội tâm thanh thản bình an mới thật là hạnh phúc. Một lời khen làm ta sung sướng, một sự thành công làm ta hớn hở...Những cái xao động sung sướng, hớn hở như thế đều là bất an, đều là bình đẳng như những cái xao động buồn bã thất vọng,
Kẻ phàm phu sợ hãi cái xao động buồn bã để đi tìm cái xao động hớn hở. Nhưng đối với người đã ý thức sự cao cả của GIẢI THOÁT, cả hai loại xao động đó đều là ràng buộc, đều là đau khổ.
Đức Phật, một người đã hoàn toàn giải thoát, đã tuyên dương ca ngợi sự giải thoát và kêu gọi mọi người hướng về một mục đích cao cả cuối cùng. Dù là một ông vua, một kẻ ăn mày, ai cũng phải lang thang mãi trong luân hồi sinh tử. Rồi trong vô số kiếp tiếp nối đó, có chắc chúng ta sẽ giữ mãi được đạo đức ban đầu ? Có chắc chúng ta sẽ không gây ác nghiệp ? Mà một khi ác nghiệp đã sinh ra thì nẻo đường luân hồi thật chông gai mờ mịt vì quả báo khổ sẽ đến.
Chỉ có sự giải thoát mới thật sự là mục tiêu cuối cùng của chúng ta. Nơi ý nghĩa giải thoát này, chấp ngã hoàn toàn tan biến, tâm đại bi thương yêu mọi người hiển lộ. Còn ngôn ngữ nào có thể diễn ta chõ cao siêu vi diệu này, ngoài sự tu chứng đích thực của chúng ta?

2.CÔNG ĐỨC QUÁ KHỨû

Hai người bạn cùng đi nghe giảng Thiền, nhưng một người thờ ơ nghe xong rồi bỏ đi, còn một người bỗng cảm thấy khát khao mãnh liệt, muốn đi tìm chứng ngộ đích thực của Thiền. Hai tâm trạng khác nhau này phát sinh từ hai nghiệp nhân khác nhau trong quá khứ.

Một nghiệp nhân được chú ý nhiều nhất là sự KÍNH TRỌNG bậc giác ngộ.
Theo luật Nghiệp Báo, khi ta khởi tâm kính trọng một nhân cách nào, về sau nơi chúng ta xuất hiện một nhân cách tương tự.Nếu trong một tiền kiếp xa xưa, chúng ta đã từng găp gỡ một vị Thánh Giác ngộ, rồi chúng ta khởi tâm kính trọng, cúng dường, đảnh lễ, tán thán. Thế là hạt giống giải thoát Giác ngộ đã rơi vào DÒNG NGHIỆP của chúng ta. Chúng ta đã có mầm mống của SỰ GIÁC NGỘ tiềm ẩn. Chính cái hạt giống Bồ-đề này đã âm thầm thôi thúc chúng ta làm nên nhiều chuyện kỳ diệu.

Người xưa vẫn nói: ”Kính Thầy mới được làm Thầy” cũng là ý này. Có chân thành kính trọng bậc Giải thoát, chúng ta mới đủ PHƯỚC để trở thánh bậc Giải thoát. Thiếu sự kính trọng này, không bao giờ chúng ta đủ phước để trở thành kẻ giác ngộ. Rất nhiều câu chuyện trong kinh Bổn Sanh, Trưởng Lão Tăng Kệ, đều ca ngợi một vị ALaHán, do biết cung kính cúng dường các Đức Phật quá khứ, nên đời này được chứng đạo quả vô lậu.
Có những người khi nghe đến sự tu chứng cũng rất là ham thích, cũng nỗ lực tinh tấn, dụng công tu hành, nhưng không có kết quả hoặc có kết quả rất ít. Lý do đơn giản chỉ vì họ không đủ phước để làm một vị Thánh. Không phải ai trên đời này cũng đã gieo đủ duyên phước để làm Thánh. Có người gieo đã đủ, có người còn thiếu. Một khi phước chưa đủ thì đường tu hành của chúng ta gặp nhiều trở ngại .

Trong câu chuyện kể về Trưởng lão Losaka Tissa, kinh nói : “Như ngọn đèn ở trong chiếc ghè, điều kiện để trở thành ALaHán cháy đỏ trong tim của đứa bé “ nghĩa là dù đứa bé phải chịu nhiều gian nan cực khổ, nhưng phước để làm một vị ALaHán đã đầy đủ. Sau khi trả xong Nghiệp Báo cũ, đứa bé sẽ chứng ALaHán dễ dàng ( Kinh Bổn Sanh ) và trở thành trưởng lão Losaka Tissa.
Tuy nhiên, để đủ gọi là sự KÍNH TRỌNG, nó phải được thể hiện ra những hành vi cụ thể sau đây : Đảnh lễ, cúng duờng, tán thán và làm theo lời dạy đối với vị Thánh đó.

Chúng ta quỳ xuống dưới chân của một bậc giải thoát, dâng trọn tâm hồn mình, đầu ta cúi sát đất để biểu lộ rằng chúng ta vô cùng nhỏ bé kém cỏi, còn vị chân sư thì vòi vọi như núi cao biển rộng bởi tâm chứng huyền nhiẹâm sâu xa. Trong giây phút thiêng liêng đó, cái ngã mạn tự cao âm thầm bên trong bị lay động dữ dội bởi vì chúng ta ý thức được sự thấp kém của mình, bởi vì trước chúng ta là một con người cao cả sáng chói như ánh mặt trời rực rỡ.

Nếu trong vô lượng kiếp về trước, đã một lần chúng ta được cúi mình đảnh lễ một Đức Phật, một vị ALaHán với trọn lòng kính tin như thế, nghĩa là chúng ta đã tự có một chút phước để làm một vị Thánh đời sau. Dĩ nhiên, đây mới chỉ là nhân ban đầu. Cần phải có rất nhiều công đức khác mới đủ hình thành sự nghiệp giải thoát một cách viên mãn.

Thứ hai, do lòng kính trọng quý mến vị Thánh, chúng ta đã tìm cách cúng dường giúp đỡ về đời sống để cho vị Thánh đó không phải bận rộn về vấn đề sinh kế. Như vậy, ngài có thể có nhiều thì giờ để giáo hóa mọi người. Do sự cúng dường của chúng ta mà nhiều mọi người khác được lợi ích. Cái phước này tích lũy thêm cho kết quả làm thánh của chúng ta về sau. Hơn nữa, sự cúng dường cho một vị thánh luôn luôn tạo thành kết quả muôn vạn lần. Bậc thánh như một miếng ruộng mầu mỡ. Ai gieo một sẽ hưởng gấp bội lần. Vì sao ? Bởi vì từng giây phút trong cuộc sống, các ngài luôn luôn sống bằng nội tâm bình an, thanh tịnh, từ bi và trí tuệ. Một ngày của các ngài là một ngày tràn đầy tự lợi và lợi tha, khác với kẻ phàm phu tầm thường sống qua từng ngày với tham lam thù hận, không lợi mình cũng không lợi người. Do từ bi, chúng ta có thể giúp đỡ một người qua cơn khó khăn túng thiếu. Tuy nhiên, với tính chất công bình của luật Nghiệp Báo, sự giúp đỡ cho một kẻ phàm phu không bao giờ đem lại phước báo giống như đối với một vị thánh. Nếu trong tiền kiếp chúng ta đã một lần cúng dường cho bậc chân tu đạt đạo thì chúng ta có thể yên trí rằng vĩnh viễn nhiều kiếp sau chúng ta không bao giờ gặp phải cảnh đói kém nữa.

Thứ ba, là sự tán thán bậc Thánh. Trên bình diện Nghiệp Báo, khi chúng ta khen ngợi ai về điều nào, về sau chúng ta cũng thành tựu ưu điểm giống như vậy. Nếu chúng hay ca ngợi vẻ đẹp của người láng giềng, lòng vị tha của người bạn cũ, sự đoan chánh của cô gái đầu ngõ, thì sau này những tính chất đó tập trung đầy đủ nơi chúng ta . Do tính chất này nên khi chúng ta ca ngợi bậc Thánh về sự giác ngộ nội tâm, lòng từ bi vô hạn, sức trí tuệ ngời sáng, thì về sau những yếu tố đó hội đủ nơi chúng ta. Hơn nữa, do sự ca ngợi này mà nhiều người được biết đến bậc chân sư cao cả, họ tìm đến học hỏi và được lợi ich lớn lao. Sự tán thán của chúng ta khiến cho nhiều mọi người được gặp gỡ chân lý. Cái phước này thật là lớn lao không thể tính kể.

Thông thường, do lòng đố kỵ và ích kỷ, chúng ta ít chịu chấp nhận cái hay của người khác. Người khác được nổi bật làm cho chúng ta lu mờ. Chúng ta khó chịu trước ưu điểm của người và dễ dàng thờ ơ phớt lờ coi như không biết. Ngược lại, một chút khuyết điểm của người cũng dễ dàng bị chúng ta phát hiện. Chúng ta vui mừng khi tìm thấy khuyết điểm của người, vì người khác bị lu mờ làm cho chúng ta có cảm tưởng còn lại mình là kẻ nổi bật. Do tâm lý vị kỷ đó chi phối nên chúng ta dễ dàng rơi vào lỗi “ tán kỷ, hủy tha “ (chê người, khen mình ).
Để vượt khỏi lỗi lầm này, chúng ta cần phải xoay quan điểm lại, hãy cố gắng nhìn thấy ưu điểm của người để ca ngợi hơn là cứ bươi móc khuyết điểm của người, chúng ta sẽ thấy tình thương yêu được phát triển nhiều hơn. Chúng ta sẽ yêu thương mọi người nhiều hơn trước.

Nếu đối với nhiều người bình thường xung quanh mà chúng ta còn có thể tìm ra cái hay để ca ngợi , thì đối với bậc thánh giải thoát, sự ca ngợi đó còn cảm hứng biết dường nào. Đôi khi sự cảm hứng đó kết thành những vần thơ, những khúc nhạc tuyệt diệu lưu truyền đến muôn đời. Công đức tán thán như thế thật là vô biên vô lượng. Người nào biết ca ngợi bậc thánh bằng sự rung cảm chân thành đủ sức kết thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo và truyền sự rung cảm đó qua vô số mọi người, quả báo dành cho họ là đời đời nổi danh lừng lẫy, tiếng tốt đồn xa, dù có chết đi vẫn được mọi người nhắc nhở.

Thứ tư, là làm theo lời dạy. Tất cả những công đức ban đầu như đảnh lễ, cúng dường, tán thán chỉ là chuẩn bị cho công đức thứ tư, làm theo lời dạy. Rõ ràng không thể gọi là sự kính trọng nếu chúng ta chưa thực hành theo sự hướng dẫn của bậc chân sư. Con đường đi đến giải thoát viên mãn thật là trừu tượng, tế nhị và phức tạp. Nếu không nhờ vào sự hướng dẫn của một chân sư đầy kinh nghiệm, hầu như chúng ta không thể tự mình đi đến mục đích. Chỉ trừ những người đủ phước độc giác, họ có duyên từ nhiều đời khiến cho đời này không nhờ Thầy vẫn có thể chứng ngộ. Mặc dù ở kiếp cuối cùng không có thầy, kỳ thật, nhiều kiếp trước họ vẫn siêng năng học hỏi với một bậc chân sư nào đó rồi. Họ đã tích lũy đầy đủ mọi công đức để được giải thoát. Đời này dù không có Thầy bên cạnh, kết quả vẫn phải xuất hiện, họ vẫn đạt được giác ngộ giải thoát.
Làm theo lời dạy của thầy bao hàm ý nghĩa là cố gắng thực hành tu tập để đạt được trình độ tâm chứng thực sự, không đứng kẹt mãi trên kiến giải và lý luận. Tuy nhiên, có hai cực đoan cần nên tránh.

Một là, nô lệ hoàn toàn vào kinh nghiệm của Thầy. Công đức, nhân duyên và thể tạng của Thầy không giống như đệ tử. Đôi khi một phương pháp thích hợp với Thầy lại không thích hợp cho đệ tử. Đây là một sự thật mà ai có trải qua đều nhận thấy.
Hai là, quá chủ quan vào những sáng kiến của riêng mình mà bỏ qua hoàn toàn phương pháp căn bản của Thầy. Đây cũng là bệnh ngã mạn thầm kín. Vị Thầy thật sự đạt đạo thì nhất định có một pháp môn độc đáo. Trên căn bản đó, pháp môn đó là đúng. Sự chối bỏ hoàn toàn đường đi của Thầy cũng đồng nghĩa chối bỏ kết quả của Thầy, người đệ tử sẽ lạc vào sai lầm nghiêm trrọng.
Làm theo lời dạy của thầy nghĩa là tinh tấn tu tập dựa vào pháp môn căn bản của Thầy và vận dụng khéo léo với thể tạng, nhân duyên và công đức của riêng mình. Đó là trung đạo.
Trong trường hợp một vị Thầy cực kỳ sáng suốt sẽ khéo léo hướng dẫn uyển chuyển từng đệ tử riêng biệt mặc dù vẫn dựa vào một đường lối chung. Vị Thầy như vậy không lấy kinh nghiệm của riêng mình áp đặt cho đệ tử mà biết quan sát căn cơ, thể tạng của từng đệ tử để chỉ dạy thích hợp. Gặp được một vị Thầy như vậy, thật là hạnh ngộ lớn cho chúng ta.

Nếu trong quá khứ, chúng ta đã từng gặp một vị chân sư đạt đạo và đã thực hiện đầy đủ bốn công đức: đảnh lễ, cúng dường, tán thán và làm theo lời dạy, xuất phát từ sự kính trọng cao tột, chắc chắn kết quả giác ngộ cũng gần kề đâu đây .
Một công đức khác được đề cập đến là, nếu từ những kiếp quá khứ, chúng ta đã từng giúp đỡ cho những VỊ CHUYÊN TU THIỀN ĐỊNH, chúng ta đã xây thất, tiếp cơm, bảo vệ những vị chuyên tu không bị khách quấy rầy... khiến họ yên tâm rảnh rang nhiếp tâm vào thiền định. Công đức đó vô cùng lớn lao khiến cho sau này khi chúng ta bắt đầu tọa thiền sẽ nhanh chóng vào sâu trong chánh định.
Đôi khi chúng ta phải nói rằng quả thật thiền định cũng đòi hỏi năng khiếu bẫm sinh như những bộ môn khác. Ai không có năng khiếu, không có đam mê sẽ không thành công trong việc tu tập thiền định. Tuy nhiên năng khiếu ở đây chính là phước từ quá khứ. Ai đã từng giúp đỡ những vị chuyên tu, người đó sẽ dễ dàng nhiếp tâm vào định. Ngược lại, nếu trong quá khứ chúng ta đã từng gây bất an cho kẻ khác bằng cách gây náo loạn, gây chiến tranh, hạ nhục, gây đau khổ... thì quả báo là tâm ta luôn bị bất an, khó nhiếp vào định. Vì thế, một người tin hiểu Nghiệp Báo sẽ sống dè dặt, tránh gây bất an cho kẻ khác dù với một lời nói nhỏ nhặt. Họ sẽ sống với phương châm:
“Vào rừng không khua lá,
vào nước không dậy sóng”.
Họ không để cho kẻ khác bận tâm về mình. Họ hiện diện đấy mà như chưa hề có mặt.

Đa số mọi người thích được chú ý, thích nỗi bật nên thường “quậy” lên một cái gì đó. Nhưng điều này bất lợi cho những ai muốn đi tìm công đức giải thoát. Làm cho kẻ khác bận tâm, ta sẽ bị quả báo bất an, khó nhiếp vào định.
Hãy giữ cho mọi người được yên tĩnh tức là tránh cho chúng ta cái quả báo bất an. Một tiệm nước mở máy nhạc inh ỏi suốt ngày gây ồn ào cho hàng xóm. Một cuộc cãi lộn làm náo động cả khu vực. Một tên cướp gây án làm điên đầu những nhân viên điều tra... Vô số nghiệp nhân gây căng thẳng bất an cho mọi người mà chúng ta vẫn gây ra hằng ngày nhưng chúng ta không thấy hậu quả về sau khiến tâm ta luôn luôn bị dằn vặt, căng thẳng, làm trở ngại cho công trình tu tập thiền định . 

Ngoài việc tránh gây bất an cho mọi người, chúng ta còn phải giúp cho mọi người tìm được thanh thản trong tâm hồn bằng cách khuyến hóa, khuyên bảo họ thực hành tu tập thiền định. Thêm được một người nghe lời chúng ta tu tập thiền định tức là chúng ta thêm được một số phước rất lớn. Nếu suốt đời chúng ta đã khuyên bảo rất nhiều người thực hành thiền định, phước chúng ta vô cùng lớn, có thể tác thành những kết quả tu chứng rất vi diệu ở mai sau.

Tuy nhiên, thù thắng hơn cả vẫn là công đức ủng hộ người chuyên tu. Trong công việc này, chúng ta phải xây dựng am thất, cung cấp vật thực đều đặn và bảo vệ họ thoát khỏi sự quấy rầy bên ngoài. Quả báo của công đức này được viên mãn trên nhiều phương diện. Thứ nhất là quả báo vật chất sung mãn vì chúng ta đã tốn công của để xây dựng am thất và cung dưỡng vật thực thường xuyên. Sự giàu sang ở những kiếp sau là điều không tránh khỏi. Thứ hai, là quả báo an ổn vì chúng ta đã bảo vệ người chuyên tu khỏi những xao động bên ngoài. Suốt nhiều kiếp sống về sau cuộc đời chúng ta luôn luôn bình an không bị sóng gió. Quả báo cuối cùng là tâm chứng trong thiền định. Sự thành công của những vị được chúng ta ủng hộ sẽ trở thành sự thành công của chính chúng ta ở vị lai. Họ đắc định sâu chừng nào, chúng ta cũng sẽ đắc định bằng hoặc hơn như thế.

Đa số các Phật tử ngày nay chỉ tạo phước hời hợt ở bên ngoài. Họ chỉ gây được những cái phước để tạo thành sắc đẹp, tài sản, nhà cửa, danh vọng cho kiếp sau. Họ không biết ủng hộ những người chuyên tu để tạo thành công đức giải thoát cho chính họ ở mai sau.

Chúng ta mong ước nhiều thiền viện chuyên tu được thành lập, trong đó có thanh quy nghiêm túc, hợp lý, có các tu sĩ quyết chí cầu giải thoát, có đường lối tu tập minh bạch rõ ràng phù hợp với Phật pháp và khoa học. Những thiền viện chuyên tu như thế mới thật là phước điền cho mọi người gieo trồng căn lành giải thoát. Ngôi chùa có thể bị tàn hoại theo thời gian, hình tượng có thể bị hư mục theo năm tháng và công đức của người tô đắp cũng theo đó mà biến mất. Nhưng một người chuyên tu được đắc đạo thì vĩnh viễn không có sự thối chuyển, không có sự thay đổi. Thế nên, giúp đỡ cho một người chuyên tu được đắc đạo, ủng hộ cho một thiền viện chuyên tu có nhiều người chứng đạo, công đức của thí chủ là vô cùng vô tận ở mai sau, không bao giờ bị biến mất.
Tuy nhiên, công đức này ít có người nhận thức sâu sắc. Phần đông họ chỉ tạo những phước nghiệp dễ thấy qua các lễ hội linh đình, qua các hình thức đẹp đẽ. Còn một đạo tràng chuyên tu thầm lặng ít có ai để ý, nhưng không ngờ đó mới là phước điền chân thật cho mọi người. Chính những người chuyên tu thầm lặng mới là người giữ gìn giá trị đích thực cho Phật pháp bởi sự chứng ngộ tâm linh sâu xa huyền nhiệm. Chỉ bởi những con người có tâm chứng thực sự, đạo Phật mới không bị trống rỗng trên hình tướng và lý luận. Chỉ bởi những con người có tâm chứng thực sự, suối nguồn giải thoát mới lan tràn mạnh mẽ vào trong nhân loại để đánh thức mọi người khỏi đêm dài vô minh tăm tối. Thế nên việc góp công góp sức để xây dựng những thiền viện chuyên tu là một công đức cực kỳ quan trọng. Nó đem lại sinh khí mới cho đạo Phật và đem lại phước lành vô lượng cho thí chủ.

3. TÂM NGUYỆN CHO VỊ LAI

Ngoài hai công đức quá khứ đã kể trên, trên hành trình tu tập, hành giả còn phải tích lũy thêm một công đức quan trọng khác, đó là tâm nguyện cho vị lai.
Hành giả luôn luôn ý thức cao độ rằng từng giây phút tu tập hôm nay chỉ vì để đủ đạo lực giáo hóa mọi người ngày mai, chỉ vì để chuyển hóa thế giới này trở nên thánh thiện đẹp đẽ mãi mãi. Mọi người si mê chìm trong những thú vui giả tạm, những giá trị ngắn ngủi, những văn minh hào nhoáng bề ngoài, những tiện nghi xa hoa lòe loẹt. Đạo đức loài người luôn luôn bị đe dọa bởi chính ngã chấp của họ, bởi vô số văn hóa đồi trụy và sự lôi kéo của khoái lạc chung quanh. Cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, giữa triền phược và giải thoát, giữa ham muốn và từ bỏ mãi mãi là cuộc chiến đấu gay gắt quyết liệt. Trong cuộc chiến đấu này, người chứng ngộ sẽ là tấm gương tiên phong sáng chói để lôi cuốn con người trở về với sự toàn thiện. Những nhà tư tưởng, những triết gia cũng góp phần khá nhiều vào công cuộc xây dựng cái thiện cho thế giới, bởi lý luận sắc bén uyên bác của họ. Nhưng dù sao lý luận cũng không có sức thuyết phục bằng sự chứng ngộ tâm linh chân thật. Người có tâm chứng sâu thẳm tự nhiên có sức lôi cuốn mãnh liệt với mọi người, làm cho mọi người phát khởi niềm tin đối với sự giải thoát.

Nhận thức được điều này, hành giả không còn có mục đích chỉ tu cho sự giải thoát của chính mình mà đã hướng về một mục đích rộng lớn hơn, đó là tâm nguyện giáo hóa tất cả mọi người cùng đạt được giác ngộ.
Một hành giả mỗi khi tọa thiền đã tự nhủ thầm với chính mình rằng:
“Từng giây phút tỉnh giác thanh tịnh này là để cho thế giới được chuyển hóa trở nên thánh thiện hơn ở mai sau.”
Nhờ tâm nguyện đó ông cảm thấy tăng thêm sức mạnh của nội tâm và công phu tu hành cũng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Hoặc một thiền sư khi còn tu tập đã tự nhắc nhở rằng:
“Sở dĩ Phật pháp còn tồn tại vì còn có người tu chứng”.
Do tâm thiết tha muốn tu chứng đó cho Phập pháp tồn tại mãi, ngài đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn để thành tựu đạo quả.

Như vậy, cái động cơ thúc đẩy chúng ta tu tập là vì sự nghiệp cứu độ mọi người chứ không phải là vì sự giải thoát của riêng mình, không phải vì cái vinh quang của kẻ đắc đạo, không phải vì muốn tìm sự kính ngưỡng của mọi người. Chúng ta cần phải cẩn thận xét nét tâm mình thoát khỏi sự lừa gạt của bản ngã khi dụng công tu tập. Mặc dù rất tinh tấn, nhưng có thể tâm chúng ta len lén khởi lên sự mơ tưởng về một tương lai xa khi chúng ta được đắc đạo. Chúng ta mơ tưởng rằng chúng ta sẽ được nhiều người ca ngợi, lễ bái, cúng dường, trọng vọng, chúng ta sẽ thuyết pháp như mây như mưa và nổi danh khắp nơi. Chính những ước mơ vị kỷ thầm kín đó đã phá hủy công đức tu hành bấy lâu nay mà ta không hề hay biết. Đến khi phước đã hết tội đã nặng, một dạng thiền bệnh sẽ xuất hiện mà người ta quen gọi là tẩu hỏa nhập ma. Có người thường xuyên bị một tiếng nói bí mật bên trong thúc đẩy hành động. Có người thường thấy vô số ảo ảnh lạ lùng trước mặt như thấy quỷ thần đến nói chuyện và họ cũng lảm nhảm trả lời khiến cho mọi người bảo họ bị điên. Có người tự nhiên nội tâm bị kích động lạ lùng luôn luôn muốn nổi nóng la hét hoặc muốn cười cợt nói năng huyên thuyên. Rất nhiều dạng thiền bệnh phức tạp tùy theo nghiệp duyên của từng người. Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến loại nghiệp duyên do ước mơ vị kỷ tạo thành. Chúng ta tinh tấn tu hành vì cái vinh quang của địa vị làm thánh chứ không phải vì sự nghiệp cứu độ tất cả mọi người. Động cơ đó là động cơ vị kỷ và hậu quả của nó là sự thất bại trên bước đường tu tập.

Vì thế, để chuẩn bị cho quá trình tu tập lâu dài, chúng ta phải tạo cho mình một động cơ hoàn toàn vị tha, không bao giờ để cho tâm tư khởi lên một ước vọng tu để tìm ích lợi và vinh quang của bản thân mình, luôn luôn nghĩ đến nỗi khổ đang giăng bủa khắp thế gian và thiết tha muốn chuyển hóa cuộc đời được thánh thiện hơn bằng con đường đạo đức. Và dĩ nhiên để cho lời tuyên dương đạo đức của chúng ta được nhiều người chấp nhận, chúng ta phải đạt được trình độ tâm chứng sâu thẳm. Đó là lý do tại sao chúng ta phải khổ công tinh tấn nhiếp tâm thiền định trong từng phút giây hôm nay.

Để củng cố tâm nguyện vị lai này, đôi khi một hành giả lập thệ nguyện một cách cụ thể. Hành giả sẽ phát lên lời thệ nguyện mỗi khi bắt tréo chân kiết già tọa thiền như:
“Con nguyện tinh tấn tu hành để đủ đạo lực cứu độ mọi người đều được an vui thoát khổ, để chuyển hóa thế giới này thành cõi đời thánh thiện đạo đức, chứ con không vì cái vinh quang của địa vị làm thánh”.
Tùy theo tâm nguyện riêng, mỗi người tự lập cho mình nhiều lời nguyện khác nhau, miễn sao những lời nguyện đó tràn đầy tính vị tha, hoàn toàn vắng bóng những ước mơ vị kỷ.
Công đức của tâm nguyện cho vị lai rất lớn, sẽ giúp hành giả vượt qua nhiều trở ngại để tiến tu mãi mãi.

4. ĐỨC HẠNH TRONG HIỆN TẠI

Giải thoát cũng đồng nghĩa với vô ngã. Vô ngã và giải thoát là một. Thế nên muốn đạt được quả báo giải thoát, chúng ta phải gieo nhân vô ngã. Thế nào là nhân vô ngã? Đó là một đời sống đạo đức xả kỷ, quên mình để sống trọn vẹn vì mọi người chung quanh.
“Tôi có mặt và lớn lên giữa lòng nhân loại
Nên tình người bao phủ trái tim tôi.
Nên đời tôi đã nguyện hiến dâng rồi
Cho hạnh phúc của loài người yêu mến”... (20 tuổi)

Đời sống xả kỷû vị tha được coi là một đức hạnh cao đẹp nhất của con người. Dù chúng ta chưa chứng được trạng thái vô ngã thực sự, nhưng trong từng phút giây, từng tâm niệm, chúng ta biết từ bỏ những lợi ích của mình để lo cho lợi ích của mọi người thì ngã chấp bên trong đang bị đốn phá dữ dội. Nó chuẩn bị cho sự chứng ngộ vô ngã chân thật ở mai sau.

Nào giờ chúng ta chỉ nghĩ đến những nhu cầu của mình như mình hãy còn thiếu đôi dép đẹp, còn thiếu chiếc xe tốt, chưa cất thêm được tầng lầu... mà quên đi nhu cầu của mọi người chung quanh. Ngày nay để gieo nhân giải thoát, chúng ta biết xoay ngược khuynh hướng đó lại, là hãy nghĩ đến nhu cầu của người chung quanh trước và xem nhẹ những sự đòi hỏi của mình. Đôi dép của người bạn đã cũ, cây viết của đứa em đã hư, nét mặt của cha mẹ có vẻ không vui, sức khỏe của người láng giềng dường như suy kém... Tất cả những biểu hiện đó đều bị chúng ta phát hiện nhanh chóng. Trước kia mãi lo cho bản thân mình, vô số nhu cầu người chung quanh bị phai nhạt. Hôm nay khi quên được mình, tự nhiên tình trạng của người chung quanh hiện rõ trong tầm mắt chúng ta. Và khi thấy được điều đó chúng ta sẽ cố gắng đáp ứng được cho họ, giúp cho họ qua được cơn khó khăn buồn khổ.

Một đức hạnh khác đựơc đề cập đến là đặt mình vào hoàn cảnh người để cảm thông sâu sắc với họ. Đa số chúng ta chỉ biết đứng ở vị trí mình để phê phán người khác, không biết đặt mình vào hoàn cảnh họ để thông cảm. Mà đứng yên ở vị trí chủ quan của mình tức là ngã chấp được cũng cố, còn quên đi vị trí của mình, tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác tức là phá dần ngã chấp.

Một anh công an hỏi cung một thanh niên bị bắt quả tang phạm tội móc túi ở bến xe. Thông thường, nếu đứng yên ở vị trí người bảo vệ an ninh xã hội, trước tang chứng không thể chối cải, người công an có thể khởi tố gã thanh niên vài tháng tù giam. Nhưng anh công an điềm tĩnh đi tìm hoàn cảnh, động cơ phạm tội. Thì ra người thanh niên là người tốt, rơi vào hoàn cảnh gia đình không may, đi thăm cha ở xa về hết tiền, không muốn bán chiếc quần dài lấy tiền mua vé, nên bất đắc dĩ đã tìm cách móc túi. Người công an tha bổng. Vài tháng sau anh được thư cám ơn của người thanh niên báo vào vụ mùa này, anh thu hoạch được ba tấn bắp. Người công an thầm nghĩ, nếu anh không thông cảm, tống giam người thanh niên ấy thì xã hội mất đi ba tấn lương thực.

Rất nhiều, rất nhiều khuyết điểm của người khác mà ta chỉ biết trách móc chê bai. Nếu ta bình tâm đặt mình vào hoàn cảnh của người, thì có khi sự tình đã xảy ra ngược lại, kẻ kia hành động đúng chứ không sai lầm như ta nghĩ. Hoặc có khi lỗi của họ còn lại rất ít, những yếu tố khác buộc họ phải hành động như thế. Biết đặt mình vào hoàn cảnh của người, lòng ta sẽ cảm thấy khoan dung độ lượng hơn.

Một đức hạnh khác cũng làm cho ngã chấp mỏng nhạt là tâm tùy hỉ, biết vui theo sự thành công của người khác. Bản chất vị kỷ nào giờ sản sinh ra tâm trạng đố kỵ. Chúng ta cảm thấy khó chịu trước sự vinh quang của kẻ khác. Sự thành công của họ làm cho ta bị lu mờ. Sự khó chịu đó được gọi là sự tật đố. Khi tâm tật đố quá mạnh, chúng ta có thể tìm cách mưu hại gièm pha để phá hủy sự thành công của người, để hạ bớt uy tín của họ. Tâm đố kỵ làm cho ngã chấp tăng trưởng, làm cho đường về giải thoát mất lối. Ngược lại, tâm tùy hỉ là biết quên mình để đồng hóa niềm vui của người làm niềm vui của mình. Nó góp phần làm hóa giải ngã chấp.

Thật ra sống trên cuộc đời này, niềm vui của mỗi người thật ít ỏi hiếm hoi. Vui bằng niềm vui của mình thì không có đáng là bao. Nếu chúng ta biết vui theo niềm vui của mọi người, đồng hóa niềm vui của mọi người làm niềm vui của mình thì thật cả cuộc đời ta bỗng thừa thải hạnh phúc.

Ngoài ra Phật bảo biết tùy hỷ với phước nghiệp của người khác, ta cũng được công đức tương đương. Thấy người đắp được đoạn đường, bố thí cho kẻ nghèo, giúp đỡ người chuyên tu... lòng ta vui mừng như chính mình làm được những điều đó, vui mừng vì kẻ nghèo hết khổ, người tu được ủng hộ, đường sá được sửa sang. Cái phước phát sinh từ sự tùy hỉ này cũng rất lớn.

Ở phần trước chúng ta đã nói đến các nhân khiêm hạ đưa đến quả báo địa vị cao sang. Đó là nói trên phước nghiệp thế gian. Thêm nữa, khiêm hạ là biểu hiện rõ nét của sự vô ngã. Người ít ngã chấp luôn luôn thấy mình không quan trọng, mặc dù không phải là mặc cảm tự ti. Khiêm hạ và mặc cảm tự ti khác nhau. Mặc cảm tự ti là mặc cảm khi nhận thấy thân phận kém cỏi của mình trong khi mình vẫn thầm kín ao ước vươn lên một vị trí cao cả. Còn khiêm hạ là không thấy mình quan trọng, không có nổi buồn âm ỉ, không có tham vọng đạt địa vị cao. Do không thấy mình quan trọng nên một tâm lý mới xuất hiện : Tôn trọng mọi người. Thật vậy, khiêm hạ và lễ độ luôn luôn đi đôi. Người khiêm hạ luôn luôn biết tôn trọng mọi người và sự tôn trọng đó được biểu hiện qua cử chỉ, lời nói để biến thành lễ độ.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng ở những chế độ xã hội có văn hóa, sự lễ độ là điều không bao giờ thiếu. Con người biết biểu lộ sự tôn trọng lẫn nhau bằng các tập quán địa phương của họ. Trong đạo Phật, chấp tay xá chào và đảnh lễ là những hình thức thể hiện sự lễ độ.

Có một số người hiểu sơ sơ về thiền và chủ trương rằng tất cả mọi người đều bình đẳng nơi Phật tánh. Vì bình đẳng nên ai cũng như ai, không cần phải đối xử lễ độ với ai hết. Với lý luận như vậy họ ngông cuồng tự đại, xem thường mọi người, đánh mất lễ độ đáng quí của một con người.
Thật ra, sở dĩ Phật tánh bình đẳng vì có tính vô ngã. Nếu có ngã, Phật tánh trở thành sai biệt. Bởi vì mang tính vô ngã nên ai càng thể nhập Phật tánh càng trở nên khiêm cung lễ độ hơn lúc trước. Họ càng tiến tu càng trở lên hiền lành nhẹ nhàng. Cái tự cao ngày xưa dần dần biến mất.

Một đức hạnh khác đề cao sự vô nhiểm. Vô nhiễm là không chìm đắm vào các trò vui tạm bợ của thế gian để giữ lòng thanh thản dồn hết cho sự tu tập thiền định. Mỗi ngày, mỗi thời đại con người cứ sáng chế ra hết thú vui này đến thú vui khác để hưởng thụ. Từ khúc hát êm dịu, đến bức tranh đẹp đẽ, tiến đến những thú vui dữ dội như rượu nồng, ma túy... Thời đại máy tính cũng phát sinh ra những trò chơi khác để kích động những con người giữa thế gian đầy dẫy những sự mời gọi hưởng thụ. Khó có ai giữ được sự vô nhiễm để dành tâm hồn cho sự tu tập giải thoát. Sự hấp dẫn của thú vui trần gian giăng bẩy khắp nơi. Người thật lòng muốn tránh né đôi khi còn bị vấp ngã huống hồ là kẻ không hề tránh né. Họ lao vào khoái lạc trần gian và mãi mãi chìm đắm vào đó để bị dày vò, dằn vặt, xao xuyến, bất an. Tấm huy chương của khoái lạc, cuối cùng, mặt trái của nó vẫn là đau khổ, ràng buộc.

Chính vì thấy bản chất của trò vui thế gian nên các tôn giáo có chiều sâu tâm linh đều đưa ra nhiều giới răn để ngăn cản tu sĩ hưởng thụ hầu giữ được sự vô nhiểm quí giá. Mỗi người chúng ta đều phải tự xét nét, giữ mình trong sạch vì thời đại hôm nay, sự cám dỗ quá nhiều, những tiêu chuẩn giới luật cũ không còn đủ để ngăn cấm nữa. Chúng ta phải tự lập cho mình một tiêu chuẩn mới, một hệ thống mới, để hoàn thành giới hạnh, điều chủ yếu là thoát khỏi sự cám dỗ chung quanh.

Vô số những đức hạnh làm NHÂN cho vô ngã, trợ duyên cho quá trình tu tập trong hiện tại mà những ai hướng tới sự giải thoát đều phải tự trang bị cho chính mình. Một vài đức hạnh nêu ra nơi đây chỉ là sự gợi ý nhỏ bé. Mỗi người phải tự thắp đuốc trí tuệ để sáng tạo từng giây phút thành muôn nghìn tế hạnh. Và chính những đức hạnh trong hiện tại này là nhân tố quan trọng đưa hành giả bay cao vào bầu trời giải thoát mai sau.

5. TU TẬP THIỀN ĐỊNH

Bao nhiêu công đức từ quá khứ, tâm nguyện cho vị lai và đức hạnh trong hiện tại sẽ không bao giờ đưa đến giải thoát nếu thiếu một công hạnh cuối cùng, đó là thiền định. Thiền định là bước đi cuối cùng để mọi người đạt được giải thoát. Mỗi một sự tiến bộ trong công phu thiền định chính là một phần của sự giải thoát hiển lộ. Khi công phu thiền định được hoàn thành viên mãn cũng là lúc hành giả đạt được giải thoát rốt ráo.

Trong phạm vi của luận bản này, chúng tôi không đủ thì giờ nói chi tiết về công phu thiền định chỉ nêu ra một số khái niệm căn bản để đánh giá rằng thiền định là nhân duyên cuối cùng để kết trái giải thoát.

Hầu hết các giáo phái của Đông phương đều lấy sự định tâm làm tông chỉ, tức là lấy sự nghiệp tu tập thiền định làm pháp môn cốt lõi. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ bên trong, chúng ta sẽ thấy sự sai biệt hiện ra trùng điệp. Ai cũng đề cao sự định tâm, nhưng phương pháp để định tâm và mục đích của sự định tâm lại khác nhau rất xa.

Có những giáo phái chủ trương tu tập thiền định để xuất hồn vân du các cõi. Có giáo phái chủ trương đạt được thần thông phép lạ. Có giáo phái đi tìm sự trường xuân của hình hài. Ngay cả các thầy bùa, thầy ngãi, thầy bói,... cũng cần có sức định để tăng hiệu quả công việc của mình. Thầy bói mà thiếu trực giác, chỉ dựa vào lý số, quẻ toán sẽ bói không hay. Thật vậy, khi đã có sức định ở nội tâm rồi, họ sẽ bói hay hơn vì năng lực tâm linh có tính chủ quan triệt để, luôn luôn khởi tacù dụng theo ý muốn của con người.

Đối với đạo Phật sức định được dùng để đi đến giải thoát, vậy mà các tông phái của đạo Phật vẫn có những sắc thái khác nhau rất nhiều,đôi khi dường như mâu thuẫn lẫn nhau. Như Tịnh Độ Tông dùng câu niệm Phật để định tâm với mục đích vãng sinh về nước cực lạc của Phật ADIĐÀ. Mật tông dùng câu thần chú để định tâm với mục đích đạt được quyền năng mầu nhiệm. Thiền tông chủ trương kiến tánh đốn ngộ rồi nương theo sức ngộ để vào định và được trí tuệ. Nếu được hỏi về mục đích giải thoát nằm ở chỗ nào thì các tông sư cũng đưa ra nhiều lý luận độc đáo để chứng tỏ rằng tông phái của họ không mâu thuẩn với lý tưởng giải thoát của đạo Phật, cuối cùng mọi người đều được giải thoát !
Ở đây chúng ta không đi sâu vào từng tông phái, chỉ đứng trên bình diện của luật Nghiệp Báo để nhận xét rằng muốn có kết quả giải thoát cần phải tu tập những công hạnh nào mà thôi.
Một công hạnh quan trọng để chuẩn bị sự thực hành thiền định là TRÍ TUỆ PHÁ CHẤP.

Trí tuệ phá chấp là khả năng nhìn vào thật tướng của vạn hữu để xem bản chất của nó có cái gì có bền chắc không, có cố định không, có thật hữu không. Kinh điễn của Phật giáo đại thừa gọi khả năng này là trí bát Nhã.
Khi nhìn thẳng vào bản chất của vạn hữu, chúng ta ngạc nhiên khi thấy rằng tất cả đều vô thường, thay đổi, không cố định, trống rỗng, chỉ hiện hữu trên hình tướng và tên gọi mà không có thực thể. Những vật cụ thể như cái nhà, viên đá, cội hoa... đều tương đối, biến dị, hư rỗng. Những cái trừu tượng như không gian, thời gian, sự di chuyển... cũng chỉ là tương đối, không thật có. Toàn thể vũ trụ hiện bày như một giấc chiêm bao!

Hành giả nhìn ra được điều này nên lìa được mọi chấp trước, tâm không bám vào sự vật, sự việc, và dần dần đi vào tỉnh giác thanh tịnh thường xuyên. Mặc dù tâm có chuyển biến tốt nhưng hành giả vẫn thấy kẻ đang tu đang chuyển hóa, vẫn chỉ là người trong mộng tu pháp mộng mà thôi. Như vậy hành giả không chấp vào kết quả của mình (vô sở đắc), không ngã mạn vì thành quả tu tập của mình. Đây là điều rất cần thiết vì đa số hành giả tu thiền khi đạt được một số kết quả ban đầu, thường xuất hiện tâm trạng tự cao thầm kín bên trong.

Giải thoát là siêu việt khỏi mọi chấp trước của ngã và pháp (chủ thể và đối tượng). Thế nên trí tuệ phá chấp là một nhân duyên quan trọng trong tiến trình đi đến giải thoát. Có lẽ vì tầm quan trọng đó mà bộ kinh Đại Bát Nhã của Phật giáo Bắc Tông dài ngót 600 quyển. Thiếu sự chuẩn bị của trí tuệ Bát Nhã để phá các kiến chấp tàng ẩn trong vô thức, khi sâu vào thiền định, các kiến chấp kia sẽ âm thầm phá rối công phu tu tập của chúng ta, bởi vì khi ý thức chìm lặng, vô thức sẽ hoạt động rất mạnh. Ví dụ từ lâu một vị sư mơ ước đắc được cái định có tên là Lăng Nghiêm tam muội (chấp danh) mơ ước có Thiên nữ mang hoa cõi trời đến cúng dường. Sư từ bỏ thành phố để về tu trên núi Cấm Thất Sơn. Sư tinh tấn thiền định và đạt được nhiều kết quả tốt, có thể tọa thiền từ sáng sớm đến chiều tối. Nhưng rồi các mơ ước cũ trong vô thức chưa được dọn sạch, nên một lần trong cơn định, một ảo ảnh hiện ra. Sư thấy có Bồ Tát đến xoa đầu khen sư đắc được Lăng Nghiêm tam muội. Sư thấy các thiên nữ mang hoa đến cúng dường. Một cô cầm vòng hoa đến tròng vào cổ sư siết chặt làm sư thất kinh. Từ đó sư mất bình tĩnh, nhân cách bị rối loạn và sau vài năm đi lang thang, cuối cùng sư tịch khi tuổi đời hãy còn trẻ.

Chính những công phu quán chiếu Bát nhã một cách sâu sắc (thậm thâm Bát nhã), toàn diện và miên mật nên hành giả gột rửa rất nhiều kiến chấp, tham vọng thầm kín còn ẩn núp trong vô thức. Đến khi sự tu tập thiền định có kết quả tốt, ý thức lắng yên, vô thức sẽ không khởi ra ảo ảnh để phá vỡ công phu đang tiến triển tốt.

Thiền định bao gồm hai phương pháp chính yếu: Chánh niệm và chánh định.
Trước hết hành giả phải tập điều thân trong tư thế ngồi kiết già. Ngồi giữ thân bất động và mềm mại. Luôn luôn BIẾT RÕ khắp toàn thân đến từng ngón tay, ngón chân, thớ thịt. Nhẹ nhàng quán thân này là vô thường hư ảo. Tập rất kỹ lưỡng vài tháng liên tiếp chứ không nên vội bước vào điều tâm quá sớm. Nếu công phu điều thân không thuần thục, về sau sẽ phát sinh nhiều trục trặc nguy hiểm. Phải ngồi bất động mà vẫn mềm mại được hơn nửa giờ rồi hãy tu chánh niệm kế tiếp. Sau này có nhập vào những mức thiền cao hơn, cái điều thân vẫn luôn luôn cần thiết.

Chánh niệm là tâm tỉnh giác, thanh tịnh, rỗng rang thường xuyên trong mọi phút giây của cuộc sống. Tâm chánh niệm là tâm vô trụ, không bám vào một phương tiện nào, không nhiếp vào một đề mục nào, không trụ vào một đối tượng nào. Tuy không dùng phương tiện, nhưng hành giả vẫn khéo giữ tâm không loạn động, vẫn thường xuyên tỉnh giác không bị lầm theo vọng tưởng. Khi vọng tưởng vừa dấy khởi, lập tức cái tỉnh giác của nội tâm nhìn thấy rõ cái vọng tưởng (cái suy nghĩ) chỉ là đối tượng bên ngoài, không phải là thật ta. Do thấy rõ vọng tưởng chỉ là đối tượng hư dối bên ngoài nên hành giả không chú ý theo vọng tưởng, không chạy theo vọng tưởng, không chìm trong vọng tưởng, không trôi miên man lang thang theo vọng tưởng, và như thế nên vọng tưởng mất sức mạnh, không thể tương tục kéo dài, đành phải tắt sớm. Rồi một vọng tưởng khác lại khởi lên, lại bị sức tỉnh giác vô trụ biết rõ và lại tắt nghỉ. Trong chánh niệm, cái biết và cái suy nghĩ được tách ra làm hai. Cái biết luôn luôn biết rõ cái suy nghĩ. Người có kinh nghiệm kiểm soát tâm sẽ thấy vọng tưởng khởi lên từ vùng não phía sau, do đó hành giả thường xuyên để ý ở vùng não phía sau để theo dõi tâm.

Thiền sư Quách Am với kinh nghiệm tu tập sâu dày đã vẽ 10 bức tranh chăn trâu để khéo léo diễn tả tiến trình tu tập chánh niệm này.

Ở bức tranh thứ nhất, hình chú bé đi về phía trước nhưng mặt quay ngược về phía sau tượng trưng cho sự điên đảo, chìm theo vọng tưởng.

Bức tranh thứ hai, hình chú bé nhìn thấy dấu chân trâu. Tượng trưng cho giai đoạn mới tập tu, vọng tưởng đã đi qua khá xa, hành giả bị trôi theo một đoạn rồi mới sực tỉnh: “Chết cha, nãy giờ bị vọng tưởng gạt” !

Bức tranh thứ ba, hình chú bé nhìn thấy phần đuôi con trâu. Tượng trưng cho giai đoạn có tiến bộ một chút. Một ý niệm khởi lên, trôi qua một đoạn, nhưng đến cuối ý niệm hành giả mới tỉnh giác, tách cái biết và cái suy nghĩ ra. Cũng muộn mất một phần.

Bức tranh thứ tư, hình chú bé cầm dây vàm, vất vả giữ con trâu lại, con trâu đã hiện nguyên hình từ đầu đến cuối. Tượng trưng cho giai đoạn khá hơn, hành giả hết sức cố gắng tỉnh giác thấy rõ từ đầu niệm đến cuối niệm, không còn bị chìm theo vọng tưởng nữa.

Bức tranh thứ năm, chú bé thong thả cầm dây vàm, nắm đầu trâu đi theo. Tượng trưng cho giai đoạn dụng công đã nhẹ nhàng, ý niệm vừa chớm khởi âm thầm, chưa thành lời, đã bị biết và chấm dứt. Sức tỉnh giác của nội tâm hành giả rất sáng. Hành giả thấy tâm mình như chiếc thùng không đáy, vọng tưởng khởi rồi tự mất mà dường như hành giả không cần cố gắng nhiều. Sự dụng công rất nhẹ nhàng thảnh thơi. Đức hạnh bắt đầu xuất hiện. Đây là giai đoạn phá được Năm triền cái.

Bức tranh thứ sáu, hình chú bé ngồi trên lưng trâu ung dung thổi sáo, tượng trưng cho giai đoạn không còn dụng công mà tâm vào định dần dần, vào định dần dần. Hành giả hoàn toàn làm chủ vọng tưởng. Chỉ khi nào có việc cần phải khởi ý sắp xếp thì sử dụng đến tâm niệm, còn ngoài ra vọng tưởng không khởi một cách thô lậu, chỉ còn những vọng tưởng rất tế nhị như bụi bặm nhỏ nhiệm nhưng bị sức tỉnh giác của tâm thường xuyên hóa giải dần. Đây là trạng thái chứng Sơ thiền.

Từ bức tranh thứ bảy trở đi là đã thuộc về chánh định, sẽ nói về sau.

Trong phương pháp chánh niệm này, hành giả chỉ thuần sử dụng một sự dụng công duy nhất là tách cái biết và cái suy nghĩ ra làm hai, cái biết thấy rõ vọng tưởng là đối tượng hư dối bên ngoài, không chấp nhận cái suy nghĩ và thế là vọng tưởng không còn được cung cấp sức mạnh để có thể kéo dài, nó phải chấm dứt. Tâm hành giả không trụ vào một điểm nào, không dựa vào một phương tiện nào, thường xuyên tỉnh giác rỗng rang. Một số các thiền sư Trung Hoa gọi trạng thái này là chơn tâm, là ông chủ, là kiến tánh.

Trong mọi phút giây của cuộc sống, hành giả thường xuyên miên mật giữ gìn trạng thái tỉnh giác như thế. Khi làm các công việc mặc dù chỉ lo giữ tâm, không màng đến công việc, nhưng hành giả rất khéo léo, làm việc rất chu đáo ít sơ sót vì không nghĩ ngợi lung tung. Không chăm chú vào công việc nhưng từng thao tác hiện ra rõ ràng vì tâm không vẩn vơ nghĩ các chuyện khác. Chỉ giữ cái gốc tâm thế mà tự nhiên không lơ đểnh nơi việc làm. Việc làm rất cẩn trọng.
Khi bước đi, từng bước chân chạm đất như thế nào luôn luôn được biết rõ mặc dù hành giả chỉ lo giữ tâm chứ không chủ trương chú ý vào bước chân.
Có một số người kêu gọi làm việc gì phải chú ý vào công việc đó, là sai ! Nhiều người nghe lời khuyên này nên cắt lúa, cuốc đất, cưa cây gì cũng lo chú ý vào công việc. Tối đến tọa thiền, những hình ảnh làm việc trong ngày khởi lên chập chùng trước mặt bởi vì sự chú ý đã làm cho việc làm ghi đậm vào tâm.

Người tu chánh niệm chỉ lo giữ gốc tâm, không lo chú ý vào công việc nhưng công việc tự nhiên chu đáo kỳ lạ. Ở giai đoạn ban đầu khi còn phải chăn trâu cực khổ, chỉ lo giữ gốc tâm, có khi hành giả bị xao lãng nơi việc làm. Nhưng đừng sợ, cứ lo giữ tâm. Đến khi tâm thuần thục, tự nhiên việc làm sẽ chu đáo hơn trước bội phần.

Phương pháp thứ hai là chánh định. Chánh định là giai đoạn rốt ráo cuối cùng trong Bát chánh đạo. Yêu cầu của chánh định gắt gao hơn chánh niệm. Nếu chánh niệm chỉ yêu cầu biết rõ vọng tưởng, tách cái biết khỏi vọng tưởng để không lầm theo vọng tưởng thì yêu cầu của chánh định là hoàn toàn không khởi vọng tưởng.

Hành giả không được dằn ép nhưng phải làm sao vừa nhẹ nhàng, vừa chăm chú, làm cho vọng tưởng hoàn toàn không khởi.
Chánh Niệm và Chánh Định luôn luôn hỗ trợ cho nhau.
Chánh niệm đòi hỏi phải tu trong từng phút giây của cuộc sống trong khi chánh định đòi hỏi phải tu trong tư thế kiết già.
Chánh niệm sử dụng tâm vô trụ, không phương tiện trong khi chánh định trụ tâm vào hơi thở, có sử dụng phương tiện. Phương tiện trụ tâm trong hơi thở giúp cho sức nhiếp tâm mạnh hơn rõ rệt.
Chánh niệm giúp cho hành giả dễ vào chánh định và ngược lại, chánh định giúp cho hành giả thuần thục chánh niệm trong đời sống bình thường. Chánh niệm theo dõi tâm từ phía sau giúp hành giả hình thành được căn bản Đạo Đức ban đầu. Chánh định an trụ hơi thở giúp hành giả đi sâu vào định. Hành giả phải tu tập chánh niệm kỹ lưỡng để tạo thành Đức hạnh làm nền tảng cho suốt cuộc đời tu hành của mình, không được vội vàng đi sớm vào tu tập chánh định sẽ đổ vỡ về sau.

Với phương pháp chánh định hành giả có thể vượt khỏi Năm ấm trong thời gian ngắn hơn là sử dụng chánh niệm đơn thuần.

Trong phương pháp chánh định, hành giả phải tập điều thân trong tư thế kiết già. Phải làm sao cho thân ngồi bất động, không nhúc nhích nhưng vẫn nhẹ nhàng thoải mái và lưng không bị chùng xuống. Không một ngón tay hay một thớ thịt nào được nhúc nhích hay gồng cứng. Bất động và nhẹ nhàng. Khi điều thân, tự hành giả kiểm soát khắp châu thân, thường xuyên để ý ở thắt lưng đừng để bị mỏi rồi chùng xuống, để ý ở hai vai có bị lệch hay không có thả đều nhẹ nhàng hay không, để ý từng bắp tay bắp chân, ngón tay có nhúc nhích hay gồng cứng hay không, mắt có nhìn xuống một chỗ hay còn láo liên đảo tròng hay không. Hành giả phải kiểm soát được thân trong tư thế kiết già như vậy suốt 30 phút mà hoàn toàn đạt đúng những yêu cầu như trên thì mới bắt đầu tập nhiếp tâm vào hơi thở để bắt đầu tu chánh định. Nếu công phu điều thân chưa vững vàng, về sau hành giả sẽ bị một số bệnh về thiền. Sau khi xã, hành giả xoa bóp khắp châu thân. Có thể kết hợp với phương pháp thở bụng để củng cố nội lực. Hít vào phình bụng ra; thở ra hóp bụng lại.

Sau một thời gian điều thân thuần thục, cái tỉnh giác trở nên mạnh mẽ tràn đầy. Hành giả bắt đầu tách được cái Biết và cái Suy nghĩ ra với nhau. Những ý nghĩ khởi lên liền bị phát hiện kịp thời và trở thành đối tượng hư ảo bên ngoài. Tâm luôn luôn tỉnh giác biết rõ vọng tưởng, không bị vọng tưởng lừa gạt dẫn đi lang thang nữa. Đây là thành tựu Chánh Niệm. Nhưng hành giả cần phải tiếp tục an trụ Chánh Niệm này lâu dài để đủ sức phá trừ Năm Triền Cái. Không nên vội vàng muốn nhiếp sâu vào định.

Khi đang an trụ Chánh Niệm, hành giả phải khéo tác ý trừ diệt ái dục, trừ diệt sân hận, trừ diệt kiêu mạn. Đừng nghĩ rằng khởi tác ý là động tâm. Những tác ý chân chính hỗ trợ rất tốt cho việc tu hành lâu dài về sau. Phải khởi những tác ý chân chính để hóa giải những tập khí xấu còn tồn tại trong tâm mình.

Sau một thời gian dài an trụ Chánh Niệm và phá trừ các Triền Cái, sức mạnh của công phu Điều Thân vẫn tiếp tục tăng trưởng làm cho cái tỉnh giác, cái Biết sáng hơn trước kia bội phần. Vọng tưởng dường như không còn khởi. Lúc này, hơi thở hiện ra!

Tự nhiên hành giả Biết Rõ Hơi Thở từng chút một. Hơi thở vào, biết rõ hơi thở vào; hơi thở ra, biết rõ hơi thở ra; hơi thở dài, biết hơi thở dài; hơi thở ngắn, biết hơi thở ngắn...

Khi hơi thở vào, vẫn có cảm giác khắp toàn thân của công phu Điều Thân; khi hơi thở ra vẫn có cảm giác khắp toàn thân của công phu Điều thân. Trong kinh NIKAYA, Đức Phật dạy phép tu hơi thở như sau, “cảm giác toàn thân tôi thở vào; cảm giác toàn thân tôi thở ra...” Hành giả phải luôn luôn nhẹ nhàng biết rõ toàn thân mình dù đang dụng công như thế nào. Cái biết rõ toàn thân tạo nên sức mạnh tinh thần giúp cho việc nhiếp tâm.

Càng biết rõ hơi thở chừng nào thì tâm càng đi sâu vào định chừng nấy.
Hành giả phải chủ động điều khiển hơi thở theo ý mình chứ không được để cho hơi thở tự do ra vào, tự do nhiều ít mạnh yếu. Hành giả phải điều khiển hơi thở dài hơn một chút, êm hơn một chút, sao cho chính mình cảm thấy sảng khoái dễ chịu, tâm có yên lặng rõ ràng theo từng hơi thở. Như vậy hơi thở với cường độ đó đã hợp với thể tạng của mình, cứ giữ hơi thở như thế mà tiến tu về sau.
Nếu hành giả không chủ động điều khiển hơi thở, về sau khi tâm bắt đầu vào định, hơi thở sẽ tự động dừng lại và hành giả đứng kẹt tại đó, không thể đi sâu vào các mức định khác nữa. Phải chủ động điều khiển hơi thở khi ra, khi vào, dài như thế nào êm như thế nào hoàn toàn theo ý mình để giữ sự chủ động cho đến ngày viên mãn quá trình tu tập, không buông lơi hơi thở tự do.

Không nên nghe lời một số người cho rằng phải ráng hít thật đầy bụng, đầy phổi. Vì như vậy sẽ gây choáng. Chỉ cần hơi thở dài hơn một chút, êm hơn một chút sao cho mình thấy rõ hơi thở đó làm cho thân mình dễ chịu, tâm mình yên lắng đó là hơi thở phù hợp với thể tạng của chính mình, không bắt chước ai hết.
Ở đây không có sự đè nén vọng tưởng, không có sự trừ diệt vọng tưởng, chỉ là khi chú tâm biết rõ hơi thở, điều khiển hơi thở, tự động vọng tưởng không khởi. Đây là bí quyết quan trọng.

Các nhà tâm thần kinh cũng xác nhận điểm này rằng, khi thần kinh thở trong trạng thái tập trung hưng phấn thì các vùng thần kinh khác đi vào trạng thái yên nghỉ.

Ý nghĩa của chánh định là hoàn toàn không khởi vọng tưởng trong khi nhiếp vào hơi thở.

Phạm vi tác phẩm này không cho phép chúng tôi đi quá sâu vào công phu thiền định. Trên đây là những nét căn bản để gieo duyên cho những ai muốn tạo nghiệp nhân xuất thế gian, vì thiền định là nhân duyên cuối cùng, giống như trái trên cây còn cần một chút dinh dưỡng, ánh nắng để chín rụng. Thiếu công phu thiền định, dù đã tạo phước rất nhiều, một người vẫn không thể giải thoát.

6. Ý NGHĨA TÍCH CỰC CỦA SỰ GIẢI THOÁT

Một số tín đồ các tôn giáo Tây phương đã công kích rằng đường lối của đạo Phật là ích kỷ, vì chỉ đi tìm sự giải thoát cho chính mình, trong khi tôn giáo của họ tích cực triệt để hoạt động từ thiện để cứu giúp mọi người.
Lời phê phán đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa của giải thoát.
Như phần trước đã nói, giải thoát có nhiều mức độ. Có khi một người được giải thoát khỏi thói hư tật xấu. Có khi một người được giải thoát khỏi những vọng tưởng thô lậu. Có khi một người giải thoát khỏi ý thức để thể nhập vô thức. Hoặc có người giải thoát khỏi vô thức để thể nhập Bản Thể Tuyệt Đối.
Dù cho người đó được giải thoát ở mức độ thấp hay mức độ cao, bản thân họ vẫn có lợi ích và mọi người chung quanh cũng có lợi ích lây. Chỉ cần một người bỏ được một số thói quen nóng nảy, ích kỷ, trở nên hiền lành vị tha thì không cần phải nói nhiều, những người chung quanh cũng thở phào nhẹ nhõm. Đó là chưa nói đến người giải thoát hẳn ngã chấp, chứng đạt Bản Thể, hoàn toàn vô ngã, từ đây tất cả mọi bóng dáng ích kỷ đều biến mất, chỉ còn tâm đại bi trùm phủ thương yêu mọi người. Lúc đó họ dấn thân vào cuộc đời để làm lợi ích cho mọi người mà không còn ngăn ngại, không còn sợ khó sợ khổ. Họ thường xuyên yêu cả người tốt lẫn người xấu, họ bình thản trước vinh quang cũng như trước nghịch cảnh.

Không bao giờ có hành vi từ thiện hoàn hảo nếu một người chưa thoát được ngã chấp. Có thể họ cũng tích cực hoạt động từ thiện, nhưng vì còn ngã chấp, họ vẫn còn ấp ủ một ước mơ thầm kín cho tự kỷ. Có thể đó là một danh tiếng, một sự đền bù, hoặc một sự ban ơn của thần linh. Bản ngã luôn luôn đòi hỏi một quyền lợi trở lại cho chính nó. Đôi khi với lý luận tinh tế, người ta cũng chứng tỏ hành vi từ thiện của mình là vô vụ lợi, là lòng vị tha bác ái. Nhưng một khi ngã chấp chưa hết, hành vi đó vẫn dấu diếm một sự lừa gạt của bản ngã. Bản ngã lừa gạt chúng ta trong từng giờ phút mặc dù nó được che đậy rất kỹ bằng nhiều chiêu bài tốt đẹp bên ngoài. Nó tương tự như câu chuyên sau này. Một viên chức nhà nước phê chuẩn cho phép thực hiện thi công một nhà hát cao cấp với lý do để phục vụ sinh hoạt văn hóa vui chơi cho nhân dân. Kỳ thực, khi được trúng thầu để thi công, nhà thầu đã phải lót tay cho ông quan nọ một số tiền rất lớn. Chiêu bài đưa ra là phục vụ văn hóa cho dân chúng, nhưng động cơ thực sự là khoản hối lộ cho cá nhân của ông quan.

Cũng vậy, nếu xét thật kỹ động cơ thật sự của việc làm từ thiện, đôi khi chúng ta giật mình vì rõ ràng bản ngã vẫn mĩm cười ngạo nghễ. Nó vẫn có một cái lợi gì đó.

Tuy nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi ai cũng phải diệt sạch chấp ngã rồi mới làm việc từ thiện, vì xét cho cùng, việc làm từ thiện và việc trừ diệt ngã chấp hỗ trợ lẫn cho nhau. Nhờ biết diệt trừ chấp ngã, việc làm từ thiện sẽ hoàn hảo hơn và ngược lại, nhờ việc làm từ thiện mà chấp ngã mau chóng được trừ diệt hơn. Chỉ có những người thiên lệch một chiều mới là đáng trách. Hoặc họ chỉ biết nói là diệt trừ ngã chấp mà không bao giờ chịu làm lợi ích cho ai. Hoặc họ chỉ biết làm việc từ thiện mà không bao giờ biết quay lại để diệt trừ chấp ngã.

Mẫu người lý tưởng là người vừa biết tu tập để hóa giải bản ngã, vừa biết làm việc từ thiện. Hai khía cạnh đó là đôi cánh đưa chúng ta bay đến mặt trời chân lý. Thiếu một bên, chân lý chỉ là ước mơ suông.
Chúa Jésus phán một ẩn dụ.
“Như một hạt giống rơi xuống đất, nếu nó không bị nát vỡ ra, mầm cây sẽ không mọc. Nếu nó nát vỡ ra, mầm cây sẽ nẩy nở.”
Khi bản ngã nát vỡ ra, chân lý sẽ xuất hiện. Nếu bản ngã không nát vỡ, chân lý sẽ dấu mặt.

Nhiều người lầm tưởng rằng kẻ giải thoát là kẻ coi như vắng mặt khỏi trần thế bụi bặm này. Họ không thể cảm nhận được rằng Bản Thể Tuyệt Đối là sự cảm ứng tuyệt đối với tất cả mọi người, với tất cả vạn hữu. Bậc giải thoát đã chan hòa đễ trở thành tất cả mọi người, thường xuyên cảm ứng và ấp ủ mọi người trong lòng từ bi vô hạn của mình. Tuy nhiên không phải vì thương yêu mọi người mà bậc giải thoát trở thành một vị thần linh chuyên đáp ứng những nhu cầu vị kỷ của mọi người.

Luật Nghiệp Báo vẫn là chân lý tối hậu chi phối tất cả, con người phải thực sự là thượng đế của chính mình trong việc tạo cho mình một đời sống tốt đẹp bằng cách tu tạo phước và đức. Không ai có thể đem lại cho mình hạnh phúc ngoài chính mình. Chỉ có chính mình bằng cách tạo ra nhiều nghiệp phước, bằng cách đem niềm vui đến cho mọi người, mới làm cho mình trở lên an vui hạnh lạc.
Sự thương yêu và gia hộ của bậc giải thoát chỉ có tính cách hộ trợ mà thôi,vai trò trách nhiệm chính vẫn thuộc về trách nhiệm của mọi người.

7. TU SĨ

Có một số tôn giáo hoàn toàn không có giới tu sĩ chuyên biệt như Hồi giáo, Khổng giáo, Cao Đài giáo... Tất cả các tín đồ đều như nhau, vẫn sống đời sống bình thường với gia đình, trong đó một vài người được cử ra, nhận thêm trách nhiệm trong việc cúng lễ, giữ gìn đền thờ. Còn một số tôn giáo khác thì có tổ chức một hệ thống tu sĩ chuyên biệt, thoát ly gia đình, sống chan hòa trong khuôn khổ để dành trọn đời đi theo lý tưởng của đạo như đạo Phật, đạo Thiên Chúa...

Đối với tôn giáo có tổ chức hệ thống tu sĩ, thì vai trò của tu sĩ khá quan trọng trong việc duy trì tổ chức tôn giáo, giảng dạy giáo lý và nêu gương lành cho các tín hữu. Và để đáp lại, tu sĩ luôn luôn nhận được sự quí mến giúp đỡ rất nồng nhiệt của tín đồ.

Ở đây chúng ta không đề cập đến hạng người đi tu vì mong muốn hưởng thụ sự cung kính giúp đỡ của tín hữu. Chúng ta chỉ nói đến nghiệp duyên nào đã khiến cho một người phải trở thành tu sĩ mà thôi.

Điều hiển nhiên là đời sống tu sĩ giúp cho vị này thuận tiện trong việc tu hành hơn là đời sống tại gia. Người tu sĩ hầu như chỉ sống nhờ vào sự giúp đỡ của tín hữu, không bận tâm về sinh kế nên có khá nhiều thời giờ dành cho đạo. Với điều kiện thuận tiện như vậy, người tu sĩ sống nghiêm trì giới luật, nghiên cứu giáo điển, thực hành tâm linh để trở thành tấm gương sáng chói giữa cuộc đời làm chỗ dựa cho các tín hữu. Người tín hữu tại gia cảm thấy kính trọng một vị tu sĩ như vậy nên không hề tiếc rẽ trong việc giúp đỡ cúng dường vị đó.

Hầu như vai trò của tu sĩ được đề cao quá mức đến độ trở thành thiêng liêng thần thánh. Các tín đồ dễ tin thì cúi đầu vâng phục không thắc mắc. Các tín đồ đa nghi thì xét lại phẩm giá từng vị. Còn những người vô thần thì công kích tối đa.

Có một số tu sĩ, do phước đời trước nên hiện diện tại một xứ sở mà người tín đồ ở đó trọn lòng tin kính và vị này sống suốt một đời tu sĩ đầy đủ, sung túc.
Có vị, do nghiệp đời trước đã từng gây khó khăn cho người tu, nên đời này cảm quả báo làm tu sĩ tại một xứ sở chính quyền và dân bản xứ có ác cảm với tôn giáo khiến cho đời sống tu hành không được thoải mái.

Nhưng để được làm tu sĩ, một người trong quá khứ phải đã từng biết kính trọng tu sĩ. Có kính trọng và giúp đỡ người tu, chúng ta mới gieo nghiệp nhân trở thành tu sĩ mai sau. Một số người hiểu đạo, hiểu thiền cũng muốn đứng vào vị trí tu sĩ, nhưng chưa gieo nhân đủ để làm tu sĩ lâu dài nên cuối cùng dù có được xuất gia, vẫn phải gặp trở ngại để quay lại với hình thức tại gia cư sĩ. Phước làm tăng của họ quá ít, không đủ kéo dài suốt đời còn lại.

Người làm tu sĩ lâu hay mau là do phước làm tăng của họ đã gieo đời trước nhiều hay ít. Có người đức hạnh cũng tốt, nhưng đời trước gieo phước làm tăng quá mỏng nên đời này không đủ để đi trọn đời. Trái lại, có người đức hạnh khiếm khuyết nhưng đời trước đã gieo phước làm tăng rất nhiều nên đời nay vẫn ung dung làm tu sĩ hết kiếp.

Trong “Tưởng Lão Tăng Kệ” có kể chuyện Tôn giả Sumangala hoàn tục bảy lần trước khi chứng Alahán. Nguyên nhân được tìm thấy là trong một tiền kiếp xa xưa, tôn giả đã khuyến khích một tôn giả hoàn tục khi huynh đệ đó đang buồn nản. Như vậy, sự trợ duyên khuyến khích cho người khác đi tu, cũng là cách gieo phước làm tăng, và ngược lại, sự cản trở chống đối việc xuất gia của người khác cũng làm cho mình mất phước làm tăng.

Tuy nhiên, việc này không thể nhìn một chiều. Chúng ta phải chín chắn khuyến khích một người đi tu khi thấy người đó có khả năng trở thành một tu sĩ chân chính mẫu mực, đủ sức để làm rạng danh cho Phật pháp. Được như vậy phước của chúng ta rất lớn. Còn những người không thể làm tu sĩ chân chính, hãy khuyến khích họ tập tu trong hoàn cảnh tại gia cư sĩ để chuẩn bị thêm. Đừng rủ rê lôi kéo họ vào vị trí tu sĩ một cách nông nổi vội vàng để rồi họ trở thành kẻ phá đạo, làm mất tín tâm của mọi người, và phước của người rủ rê cũng tổn giảm trầm trọng.

Hãy làm sao cho trong đạo pháp, thà ít tu sĩ, nhưng là những tu sĩ chân chính cao thượng, hơn là nhiều mà tạp nhạp lôi thôi.

Khi một người đã đứng vào vị trí tu sĩ đương nhiên họ nhận được sự kính trọng và giúp đỡ của các tín đồ. Họ đang hưởng những cái phước mà đã từng gieo trong quá khứ. Nếu họ không tạo phước tiếp tục, phước cũ sẽ hết. Hoặc là phước đó hết quá sớm, họ phải hoàn tục trong kiếp này. Hoặc là phước đó hết muộn, họ phải trở lại làm cư sĩ tại gia ở kiếp sau và phải làm lụng vất vả để đền bù sự thụ hưởng ở kiếp trước.

Nhưng cách tạo phước của người tu sĩ có khác với người tại gia. Người tu sĩ không cần phải làm kinh tế kiếm tiền để bố thí cúng dường, vì chuyện đó thuộc về lãnh vực của cư sĩ. Người tu sĩ cần phải sống với giới hạnh đẹp đẽ, thông suốt giáo lý, đạt được tâm chứng sâu xa, và cuối cùng là tuyên giảng giáo pháp cho mọi người. Chính việc rao giảng giáo pháp mới là công đức quan trọng của người tu sĩ. Nó chuyển hóa tâm hồn của mọi người trở nên thánh thiện đạo đức. Ích lợi của nó còn lớn hơn sự bố thí cúng dường tài vật. Với một số tiền, người ta có thể sống qua một thời gian rồi hết. Nhưng khi hạt giống đạo đức đã gieo vào tâm hồn họ rồi thì nó sẽ nảy nở mãi từ kiếp này sang kiếp khác. Với đạo đức đó họ sẽ làm được nhiều việc thiện và hạnh phúc tràn ngập cuộc đời họ. Hơn nữa, giáo pháp còn dạy họ hướng về giải thoát giác ngộ. Đây mới là nguồn hạnh phúc an lạc vĩnh hằng tuyệt đối. Công đức của vị thầy truyền bá giáo lý giải thoát là vô lượng vô biên, không bút mực nào tính kể hết đựợc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2229)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8279)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3058)