Chương 8 : Chuyển Nghiệp

13 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 13550)
CHƯƠNG 8
CHUYỂN NGHIỆP

Một khi đứa bé vừa lọt lòng mẹ, nó đã được đặt vào định mệnh do chính nó tạo ra từ kiếp trước. Chúng ta dùng “định mệnh” nghe có vẻ nặng nề; kỳ thực sự tình cũng không khác bao nhiêu. Đây là một định mệnh không do thần linh áp đặt mà do chính mỗi người tự tạo lấy cho mình.

Với những nghiệp đã hình thành, chúng ta bị sức mạnh của nghiệp cuốn trôi khó cưỡng lại nổi. Phải nhìn nhận rằng sự tự do của chúng ta trong việc định hướng cuộc đời mình rất là ít ỏi. Mọi sự dường như đã được an bài. Ở phần trước chúng ta đã đưa ra thang giá trị tượng trưng có ý nghĩa Định và Bất định của nghiệp, trong đó hoàn cảnh được qui định hầu như 100%, hành động được qui định 70%, chỉ còn 30% để chúng ta còn cân nhắc lần cuối. Chỉ có trong tư tưởng, sự qui định của nghiệp là 50%, còn 50% để chúng ta tự do chọn lựa tư tưởng tốt xấu mà suy nghĩ.

Hiểu được điều này chúng ta có một nhân sinh quan khá ổn định, không bận tâm nhiều về sự may rủi thành bại trong đời. Điều đáng cho chúng ta phải bận tâm là giữ vững được 50% tự do trong tư tưởng để chiến thắng hẳn 50% tập khí để lại. Chúng ta phải bắt đầu chuyển nghiệp bằng cách chuyển hóa nội tâm mình trước đã, rồi hành động và hoàn cảnh sẽ dần dần thay đổi theo sau.

Từ nhiều kiếp, tâm ta tích lũy những khuynh hướng vị kỷ, tham lam, thù hận, đố kỵ, hơn thua, kiêu kỳ... Bây giờ những khuynh hướng đó vẫn còn tồn đọng và luôn luôn thôi thúc lập lại trong hiện tại .Nếu chúng ta dễ duôi buông thả, những khuynh hướng cũ sẽ chiếm ưu thế và kéo chúng ta mãi mãi vào tối tăm tội lỗi. Nhưng điều may mắn là trong tư tưởng, sức mạnh của khuynh hướng quá khứ chỉ có 50%. Chúng ta còn 50% để cưỡng lại, để tạo cho mình một khuynh hướng đạo đức mới, chiến thắng hẳn những khuynh hướng vô minh từ trước.
Muốn chuyển hóa nội tâm mình trước hết chúng ta phải tìm đọc nhiều về cuộc đời của những bậc hiền thánh khắp Đông Tây kim cổ. Cuộc đời cao cả của những vị đó sẽ gợi ý cho ta nhiều điều hay lẽ phải để suy nghĩ. Chính những điều đáng suy nghĩ đó là khởi điểm của công cuộc chuyển hóa nội tâm. Ví dụ, khi chiếm được xứ Syrie, Đại đế Alexandre le Grande nghe danh nhà hiền triết Diogène, Nhà hiền triết này không có một tài sản nào ngoài một cái bát để uống nước. Ông ngủ trong một cái thùng gỗ ở ven đường. Khi Alexandre le Grande cùng với tùy tùng đến thì Diogène đang phơi nắng buổi sáng. Ông bình thản ngồi phơi nắng mặc dù trước mắt ông là một hoàng đế chinh phục cả phần lớn đất đai từ Hy Lạp sang Ấn Độ. Thái độ bình thản của Diogène làm cho Alexandre le Grande phải nể phục và hỏi ông có mong muốn điều gì.

“Có” Diogène đáp “Tôi mong muốn ngày hãy làm ơn tránh ra xa một bên đừng che khuất ánh nắng mặt trời mà tôi đang phơi.”
Alaxandre quay lại nói với tuỳ tùng :
“Nếu ta không là Alexandre, ta sẽ là Diogène.”
Về sau Diogène chết bằng cách nhập định, dừng hơi thở lại.

Có bao nhiêu điều đáng cho chúng ta phân tích suy gẫm từ câu chuyện trên đây ? Chúng ta so sánh mình còn bao nhiêu điều kém cỏi cần phải sữa đổi.

Hoặc một câu chuyện khác. Nhiều nhà hoạt động xã hội chủ trương rằng muốn cải cách ruộng đất, muốn san bằng bớt tài sản sở hữu của mọi người thì cần phải dùng đến bạo lực. Nhưng nhà hiền triết Vinoba-Ấn Độ đã chủ trương dùng tình thương để cải cách tình trạng này. Ông đi bộ với manh áo đơn sơ, cầm chiếc đèn lồng từ vùng này đến vùng khác. Ông đến gặp các địa chủ tại đấy, và với gương mặt hiền lành phúc hậu, với ánh mắt từ ái yêu thương, với cử chỉ lễ độ từ tốn Ông đã gây một ấn tượng tốt đẹp với chủ nhà. Ông nói nhiều về sự cực khổ của các nông dân phải vất vả làm lụng nhưng không bao giờ đủ ăn, vì không có đất đai sở hữu, phải làm thuê, làm mướn, đóng địa tô. Ông kêu gọi lòng trắc ẩn của các địa chủ, ông dùng đến tín ngưỡng với sự chứng giám của ơn trên. Cuối cùng ông nói:

“Thưa ông, ông có sáu người con. Xin ông hãy xem tôi như người con thứ bảy và cho tôi bớt một phần đất của ông để tôi chia lại những nông dân nghèo khổ ở đây!”

Với phương pháp này ông đã xin được từ các địa chủ rất nhiều đất đai. Ông gọi những nông dân tại đó đến và chia cho họ. Rồi ông lại lên đường đi đến nơi khác.

Có bao nhiêu điều đáng cho chúng ta suy gẫm từ câu chuyện trên đây. Phải chăng tình thương sẽ chuyển hóa thế giới hiệu quả hơn là bạo lực ?

Còn bản thân chúng ta có một phần tâm từ ái nào giống như ngài Vinoba chưa? Chung quanh chúng ta có bao nhiêu chuyện đau lòng, bất công, và bao giờ chúng ta cũng dùng tâm thương yêu, sức kiên nhẫn của mình để hóa giải chưa ?
Hoặc một câu chuyện khác. Mạc Đỉnh Chi tuy làm Trạng Nguyên cả hai nước nhưng rất nghèo vì thanh liêm. Vua Trần Minh Tông biết chuyện nên sai người nửa đêm đến lén để trước nhà ông một túi vàng. Sáng ra nhặt được, ông lại đem trình với vua. Vua cười bảo nếu không biết của ai thì vua cho phép sử dụng.
Đúng là thời n
ào cũng vậy, làm quan mà sống vỏn vẹn với đồng lương của mình thì không thể giàu được. Nhưng giữ được sự thanh liêm cao độ như Mạc Đỉnh Chi thì có mấy người. Nếu chúng ta đứng ở địa vị của ông, liệu chúng ta có giữ được sự liêm khiết như vậy chăng ?

Vô số câu chuyện của các bậc hiền thánh đáng để cho chúng ta suy gẫm và soi rọi lại cuộc đời của mình. Chính những giây phút suy gẫm và soi rọi lại cuộc đời của mình, Chính những giây phút suy tư về đời sống và các lời nói của danh nhân là bước đầu để chuyển hóa nội tâm của ta, để ta thắng lướt hoàn toàn 50% tập khí xấu xa còn âm thầm đọng lại. Và sự chuyển hoá nội tâm là nền tảng vững chắc cho sự chuyển nghiệp kế tiếp.

Nhiều người nhận thấy cuộc đời của mình kém may mắn, thường gặp trái ý nghịch lòng. Do có tin hiểu Luật Nhân Quả Nghiệp Báo nên họ công nhận rằng từ những kiếp trước họ ít biết làm phước và có lẽ họ tạo nhiều nghiệp bất thiện. Họ khát khao muốn chuyển nghiệp. Nhưng họ không biết chuyển nghiệp từ căn bản nội tâm. Họ vội vã lo đi các đền chùa cầu nguyện sự gia bị của thần thánh. Họ cúng món tiền nhỏ và mong được mối lợi gấp bội phần. Hoặc họ cũng chịu khó làm việc phước như đắp đường, đào giếng công cộng, góp tiền in kinh... Nhưng dù làm rất nhiều việc thiện, nội tâm tham lam ích kỷ vẫn còn nguyên vẹn. Họ làm việc thiện vì quả báo cho chính họ chứ không phải tình thương yêu đối với mọi người. Họ xây lâu đài phước thiện trên bãi cát vì nó không xuất phát từ nội tâm thuần thiện cao cả. Đời sau họ sẽ là người gặp nhiều may mắn, nhưng bản chất ích kỷ tham lam vẫn hiện diện đồng thời. Rồi chính bản chất ích kỷ tham lam sẽ thúc đẩy họ làm các nghiệp bất thiện khác.

Người biết chuyển nghiệp phải biết chuyển hóa từ nội tâm trước đã. Sau đó hành động sẽ chuyển theo.

Như đã nói, những việc làm của chúng ta đã được quyết định hết 70% từ kiếp trước, chỉ còn 30% là bất định. Vào thời gian nào ta sẽ xây một ngôi nhà, vào lúc nào ta sẽ tạo một việc thiện, lúc nào sẽ tạo ác. Gặp ai ta sẽ giúp đỡ, gặp ai ta sẽ mưu hại... Tất cả điều đó dường như đã an bài hết 70%. Nhưng nếu nội tâm ta được chuyển hóa mạnh mẽ, đã thắng lướt 50% tập khí cũ, ta đã hoàn toàn tự do giữ vững tư tưởng thánh thiện trong lòng mình, thì chúng ta sẽ đủ sức mạnh để cưỡng lại sự an bài 70% của hành động. Chúng ta sẽ đủ sức mạnh để sử dụng 30% bất định còn lại để chọn hành động khôn ngoan nhất, hợp lý nhất và đạo đức nhất.

Ví dụ gặp ông Thành, do túc duyên oan trái đời trước, lẽ ra ông Hải sẽ tìm cách trù dập, công kích vì tự nhiên ông Hải cảm thấy ác cảm kỳ lạ. Nhưng vì ông Hải đã thuần thục trong việc chuyển hóa nội tâm nên khi từ trong vô thức ra lệnh thúc đẩy ông ta mưu hại ông Thành, ông đã nhanh chóng trừ diệt những ý niệm bất thiện đó. Nghiệp thúc đẩy chúng ta hành động tận trong vô thức, mà sức mạnh của vô thức rất vĩ đại. Thế nên hầu như chúng ta khó cưỡng lại sự an bài 70% của hành động được tạo bởi nghiệp đời trước. Chỉ khi nào chúng ta đã dùng ý chí tỉnh giác để huân tập những tư tưởng thiện thường xuyên. Rồi những tư tưởng thiện mới mẽ này được tích chứa trong Thức Aám (xem Năm Aám Là Gì) để dành đối phó với sự thúc đẩy bất thiện, lúc đó chúng ta mới không bị nghiệp thôi thúc làm việc bất thiện.

Ngoài ra, do nội tâm đã được chuyển hóa thuần thiện, chúng ta sẽ siêng năng tạo nhiều công đức, tác nhiều phước nghiệp. Những công đức đó như khuyến khích mọi người tu dưỡng đạo đức, giúp người nghèo khổ, an ủi người buồn rầu... và một khi quá nhiều phước nghiệp được tác thành, không những nó đủ khả năng tạo ra một kiếp sống tràn đầy tốt đẹp ở vị lai, mà ngay trong hiện tại, nó cũng đủ sức làm thay đổi một phần hoàn cảnh, mặc dù dường như hoàn cảnh đã được quy định 100%.

Ví dụ nghiệp đã quy định ông Tám sẽ bị cháy nhà vào năm tới. Nhưng trước đó ba năm ông đã tạo được nhiều thiện nghiệp. Đến thời điểm phải cháy nhà, lửa cũng đã bốc lên, nhưng đã được dập tắt rất sớm khiến cho ông không bị thiệt hại nhiều. Những thiện nghiệp của ông đã chuyển đi một phần hoàn cảnh trong kiếp hiện tại và còn để dành cho ông nhiều may mắn ở kiếp sau.

Như đã nói, tất cả quả báo đều đã được sắp đặt từ trong Bản Thể. Luật Nghiệp Báo tận trong Bản Thể giống như một máy siêu điện toán đã phối hợp tất cả nghiệp nhân của mỗi người và đã hình thành xong quả báo về sau. Tuy nhiên do được cung cấp thêm nhiều thiện nghiệp mới tạo trong hiện tại nên đáp số đã bị biến dạng. Lẽ ra ba cộng với năm sẽ là tám, nhưng vì bất ngờ người ta đã đưa vài con số chen vào nên kết quả đã khác lúc trước. Không còn là tám nữa mà là hai mươi.

Nghe nói như vậy, nhiều người sẽ cho rằng vậy thì trong thang giá trị, hoàn cảnh được quy định 100 % không còn đúng nữa rồi.

Vâng, không còn đúng với người biết tin hiểu luật Nghiệp Báo, thiết tha muốn chuyển nghiệp, và biết chuyển hóa bắt đầu từ nội tâm của mình. Ngoài ra với tất cả mọi người khác. Hoàn cảnh được qui định 100 %, không ai có tài gì thay đổi được, dù đó là thiên tài Khổng minh Gia Cát Lượng.

Tuy nhiên, người ta chỉ chuyển được một số chi tiết chứ không thể chuyển toàn bộ nét chính của hoàn cảnh. Ví dụ nhà ông Tám phải bị cháy, đó là nét chính. Còn cháy nhiều hay ít là do ông có chuyển được nghiệp hay không. Ví dụ, anh Sáu phải bị tai nạn xe. Đó là nét chính, còn tai nạn nặng hay nhẹ là do anh có chuyển được nghiệp hay không.

Cái sườn chính, cái nét đại cương về hoàn cảnh của cuộc đời như những khi gặp may, những khi gặp rủi, khi thăng chức, giáng chức, chọn nghề, đổi nghề, đối tượng hôn nhân, những người con sẽ sinh vào gia đình ta, những bạn bè tốt xấu, các thời kỳ thăng trầm... đã được an bài sẵn bởi nghiệp nhân của nhiều đời trước chứ không phải ngẫu nhiên của đời này. Vì hoàn cảnh của đời này là hệ quả tích lũy của nhiều đời trước nên nó dường như cố định, rất khó thay đổi. Dù chúng ta có tạo phước rất nhiều, nó cũng chỉ thay đổi một số chi tiết phụ thuộc mà thôi, còn những nét chính vẫn lặng lẽ đi theo sự quy định của nghiệp.
Nếu một người có ý muốn chuyển đổi hoàn cảnh nên đã tạo phước như bố thí viện mồ côi, bố thí người nghèo, người bệnh, in kinh,... Thì chỉ có khoảng 1/5 phước đó ảnh hưởng vào hoàn cảnh hiện tại, còn 4/5 phước đó để dành qua kiếp sau. 1/5 phước đó làm cho các bệnh tật, tai nạn được giảm một chút, chứ không thể xóa hết hoàn toàn Nghiệp Báo cũ.

Cành cây vẫn phải rớt xuống khi ông Năm đi ngang qua. Nhưng thay vì nó rớt trúng đầu để làm ông chấn thương sọ não, nó chỉ rớt trúng tay ông làm ông bị sưng một tháng mà thôi, chỉ vì trước đó ông có mua chim phóng sanh rất nhiều. Quả báo cứ vẫn phải hiện ra để báo cho chúng ta biết rằng chúng ta đã từng làm một ác nghiệp hay thiện nghiệp trong quá khứ. Nếu chúng ta không chuyển nghiệp, quả báo sẽ hiện ra nguyên vẹn, xứng đáng với nghiệp nhân mà chúng ta đã gây ra. Nếu chúng ta đã tạo phước chuyển nghiệp, nó sẽ hiện ra với mức độ nhẹ hơn. Nhưng nó phải hiện ra, không bao giờ bị xóa mất hoàn toàn, để báo cho chúng ta biết những gì chúng ta đã làm trong quá khứ.

Như vậy trong tiến trình chuyển nghiệp, chúng ta phải chuyển hóa nội tâm làm căn bản để thắng lướt 50% tập khí cũ. Khi nội tâm đã thuần thiện, chúng ta mới đủ sức thắng luôn sự thôi thúc 70% của nghiệp quá khứ buộc chúng ta phải hành động một cách thiếu đạo đức. Khi hành động đã được kiểm soát kỹ lưỡng, chỉ còn có hành vi thiện chứ không còn có hành vi ác, thì hoàn cảnh sẽ thay đổi những nét chi tiết, tai nạn sẽ giảm nhẹ hơn, sự may mắn sẽ đến nhiều hơn. Còn nét chính của định mạng vẫn không thay đổi.

Tín đồ của các tôn giáo đặt niềm tin vào sự cầu nguyện rất nhiều. Họ tin rằng sự cầu nguyện với ơn trên, họ sẽ được ơn trên gia hộ cho họ thoát được những tai nạn, tăng thêm may mắn và mọi chuyện sẽ xảy ra theo sự mong ước của họ. Họ sẽ cầu nguyện ơn trên cho họ thi đậu, trúng số, mua bán lời nhiều, lấy chồng giàu, đẻ con ngoan, đi đường bình yên, thăng quan tiến chức... Để đáp ứng những lời cầu xin này mà vô số hình thức tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện. Các đền, miếu, dinh đã mọc như nấm với vô số các thần linh, bà chúa, ông Thánh, ông Trạng được thờ phượng với bổn phận là lắng nghe và đáp ứng sự cầu nguyện của các kẻ đến cầu nguyện. Người đến cầu nguyện cũng thành tâm mang theo hoa quả, nhang đèn, tiền bạc để dâng lễ tỏ lòng thành đối với thần linh tại đó. Thu nhập của các đền miếu nổi tiếng linh thiêng rất lớn. Thậm chí các tượng thần còn được đeo cả dây chuyền ngót mười lạng vàng. Còn sau một dịp cúng hội, tiền mặt được dâng cúng nhiều không kể xiết.

Nếu các số tiền đó được ban thủ tự dùng vào các việc công ích như cứu tế, đắp đường, bố thí,... thì người dâng cúng sẽ được phước. Nếu số tiền đó bị chia chác riêng tư thì chẳng ai có phước. Còn sự cầu nguyện thầm kín của mỗi người có được Thần linh đáp ứng đầy đủ hay không thì chưa có con số thống kê rõ ràng.

Tuy nhiên, trên quan điểm của luật Nghiệp Báo, sự thành tâm cầu nguyện của con người không phải hoàn toàn khonâg có tác dụng. Tâm cầu nguyện chân thành tha thiết khiến cho năng lực của tâm thức trổi dậy. Sức mạnh của vô thức rất lớn lao mầu nhiệm, có thể tạo ra hiệu quả không ngờ. Ví dụ, một người mẹ đau khổ vì đứa con lêu lỏng, đã cầu nguyện cho đứa con hồi tâm hướng thiện. Sau một thời gian dài, đứa con thay đổi rõ rệt, đã từ bỏ khá nhiều thói hư tật xấu lúc trước. Ở đây sự cầu nguyện tha thiết của bà mẹ có tác dụng giống như sự thôi miên ám thị từ xa. Lâu ngày nó đủ sức làm chuyển biến nội tâm của con bà. Hơn nữa, những bậc thánh giải thoát an trú trong Bản Thể tuyệt dối, luôn luôn cảm ứng với tất cả mọi người. Tâm thành cầu nguyện điều lành luôn luôn được chư Phật gia hộ, vì tâm nguyện lành đã là một nghiệp nhân thiện rồi, nó xứng đáng được hưởng kết quả tương xứng.

Hiểu được điều này chúng ta có thêm một phương pháp chuyển nghiệp cho mọi người từ sự đau khổ của mình.

Mỗi khi chúng ta gặp nghịch cảnh, đừng cầu nguyện ơn trên gia hộ cho mình tai qua nạn khỏi, mà phải cầu nguyện cho tất cả mọi người tránh được nghịch cảnh đó. Tâm nguyện vị tha này làm xuất hiện phước nghiệp lớn lao hơn là lời cầu xin vị kỷ cho riêng mình. Một người bị rơi vào cảnh thất nghiệp, nghèo khổ, do biết tin hiểu Nghiệp Báo nên anh đã cầu nguyện ơn trên gia hộ cho mọi người đừng thất nghiệp nghèo khổ, ai ai cũng có công ăn chuyện làm. Rồi tâm nguyện tốt của anh được đền bù xứng đáng. thời gian sau anh kiếm được việc làm dễ dàng.

Như vậy từ nay chúng ta mong muốn được điều gì, hãy tha thiết cầu nguyện cho tất cả mọi người đạt được điều đó trước, nếu chúng ta né tránh đau khổ nào, hãy tha thiết cầu nguyện cho tất cả mọi người thoát khỏi đau khổ đó. Thế là chúng ta vừa biết chuyển nghiệp, vừa biết tăng trưởng tâm vị tha của mình.
Trở lại sự cầu xin của nhiều người khi đến viếng đền miếu. Họ cầu xin tài lộc, địa vị, hôn nhân. Có những người sẽ đạt được và những người không đạt được tất cả đều do nghiệp chi phối. Ai đã từng tạo nhiều phước trong quá khứ, lời cầu nguyện sẽ có kết quả. Ai thiếu phước sẽ không được như ý nguyện hiện tại.
Rất đông tín đồ đạo Phật đặt niềm tin vào Bồ Tát Quan Thế Âm, mà theo Phẩm Phổ Môn của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, ngài có khả năng nghe lời cầu nguyện của mọi người để cứu khổ. Họ tạc bức tượng của Bồ tát như hình ảnh của một người mẹ hiền thương yêu tất cả mọi người sẳn sàng cứu vớt mọi người ra khỏi tai nạn. Rất nhiều giai thoại về sự linh ứng của Bồ Tát Quan Thế Âm. Nhiều người cho rằng đã tự thân kinh nghiệm việc này khi gặp tai nạn. Họ đã thành tâm niệm danh hiệu Bồ Tát và đã thoát hiểm một cách kỳ lạ không thể tưởng tượng được.

Một bà đi sông bị cướp uy hiếp giết hại cả chồng và con. Bà bị đập đầu thả xuống sông. Nhưng nhờ niệm danh hiệu Bồ Tát nên bà không bị chìm, đã trôi vào bờ được dân làng cứu sống.

Một người như có ai xách lên quăng ra khỏi xe đò trước khi chiếc xe lật xuống ruộng. Người này đã lẩm nhẩm niệm danh hiệu Bồ Tát trong khi đi đường xa.
Một người thanh niên bị cướp đuổi rượt, đã niệm danh hiệu Bồ Tát. Đến bờ sông, chợt một ông lão chèo chiếc ghe đến rước anh sang bên kia bờ bỏ bọn cướp nhìn theo tức tối. Lên bờ, anh quay lại cả ông lão và chiếc ghe đều biến mất như trong chuyện thần thoại.

Thật ra kinh Pháp Hoa là một bộ kinh bí ẩn nhất của Phật Giáo Bắc Phương. Lời lẽ của kinh đều ẩn chứa nhiều nghĩa. Mỗi người tùy theo căn cơ của mình mà hiểu sâu cạn khác nhau. Trong kinh có rất nhiều ẩn dụ khó hiểu mà phẩm Phổ Môn là một thách đố lớn cho những ai muốn nghiên cứu về giáo nghĩa của kinh này. Phạm vi của tác phẩm này không cho phép chúng ta đi lạc sang giáo nghĩa của kinh Pháp Hoa vốn rất mênh mông uẩn áo, chỉ tóm tắt trên lập trường của Nghiệp Báo rằng chính NIỀM TIN và PHƯỚC LỰC đã đem lại kết quả như trên. Hơn nữa, trong khi bối rối mà con người có thể nhớ tới danh hiệu Bồ Tát để niệm thì ắt hẳn người đó biết tu tập, biết tạo phước chứ chẳng không. Chính phước quá khứ đã theo sự cầu nguyện để hóa giải bớt nạn khổ của họ.
Một số học giả chỉ trích rằng thuyết Nghiệp Báo đã khiến cho con người cam chịu những bất công. Người nghèo khổ bị bóc lột không hề nghĩ đến việc phải đấu tranh giành quyền lợi vì họ cho rằng nghiệp đã sắp đặt cho họ số phận như thế. Sự tin tưởng vào nghiệp đã khiến cho họ cam chịu, chấp nhận và khuất phục. Tính cách đó không phù hợp với công việc cải cách xã hội vốn cần có những con người gan dạ đấu tranh hy sinh vì quyền lợi tập thể.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể xem lại một ít lịch sử.

Trong thời gian các bạo chúa nắm quyền như Néron, Tần Thủy Hoàng, Hitler... Có rất nhiều người muốn nổi lên chống lại. Nhưng khi phước của các bạo chúa vẫn còn, tội của dân chưa hết mọi âm mưu chống đối đều bị tiêu diệt. Đến khi phước của các bạo chúa đã cạn, đất nước đã đến lúc phục hưng, tự nhiên các bạo chúa bị sụp đổ một cách dễ dàng. Có khi là một cái chết do bệnh, có khi chỉ là một cuộc mưu sát đơn giản.

Trong tương quan Nghiệp Báo, số phận của đất nước và lãnh tụ liên quan với nhau. Khi đất nước đến kỳ hưng thịnh, tự nhiên lãnh tụ là người tài đức vẹn toàn. Khi đất nước suy vong, tự nhiên lãnh tụ là người hôn ám độc đoán mà nắm quyền rất vững, không ai làm cho nhúc nhích được. Trong âm thầm, nghiệp vẫn chi phối tất cả.

Thêm nữa, trong lịch sử, sau các cuộc đấu tranh, đảo chính thành công, đời sống dân chúng nhiều khi còn đói kém hơn trước thời kỳ đấu tranh. Sự đấu tranh bằng bạo lực chưa phải là nguồn gốc đem lại sự sung túc cho xã hội. Chính đạo đức xương minh mới làm cho xã hội hưng thịnh.

Trong xã hội có đạo đức, con người biết lo cho việc chung và quên đi cái riêng. Họ sẽ cố gắng làm việc có hiệu quả cao. Tất cả mọi người đều như vậy thì xã hội sẽ chuyển mình nhanh chóng. Giống như Nhật Bản sau 1945. Tất cả mọi người Nhật đều tủi nhục và cùng chung một ý muốn phục hồi danh dự của Tổ Quốc. Họ đã miệt mài lao động (là một thiện nghiệp) cho đất nước. Bây giờ họ đang chuẩn bị “mua cả thế giới” bằng đồng tiền từ lao động đó.

Chính đạo đức làm cho con người no ấm, làm cho xã hội tiến bộ chứ không phải bạo lực làm được điều đó. Một bài trong báo Công An TP.HCM đã ghi tiêu đề rằng: “Tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội bằng việc làm từ thiện” (tức thiện nghiệp) cũng là phù hợp với ý nghĩa này. Hãy xây dựng một nền tảng đạo đức vững chắc cho xã hội, rồi chúng ta sẽ thấy đất nước chuyển mình. Nếu phải đấu tranh, chúng ta phải đấu tranh với sự ích kỷ của mình trước đã, còn việc đấu tranh bên ngoài có khi còn làm tăng thêm sự ích kỷ của mình. Cái mà làm con người bóc lột lẫn nhau chính là tâm vị kỷ của họ. Khi bị bóc lột, họ đấu tranh giành quyền lợi. Sau khi đấu tranh thành công, không khéo họ lại trở thành kẻ bóc lột bởi vì họ chưa chiến thắng được sự vị kỷ tiềm ẩn trong lòng mình.

Chính chỗ này làm cho chúng ta thấy giá trị của việc tin hiểu luật Nghiệp Báo. Người tin hiểu luật Nghiệp Báo không phải là kẻ an phận trước bất công, bởi vì họ đang đấu tranh với một cái bất công ghê gớm nhất: đó là sự vị kỷ. Bất công chính là muốn chiếm đoạt thật nhiều về cho mình mà không nghĩ đến người khác. Bất công và vị kỷ cũng là một. Chúng ta muốn xã hội không còn bất công. Tốt lắm. Nhưng trước hết hãy đấu tranh với cái bất công đang còn ngự trị ở trong lòng mình. Ai cũng biết như vậy thì xã hội sẽ hết bất công.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2250)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8379)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3077)