Chương 9 : Nghiệp Và Sự Liên Hệ Với Vạn Tượng

13 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 13078)
CHƯƠNG 9
NGHIỆP VÀ SỰ LIÊN HỆ VỚI VẠN TƯỢNG

Trong phần trước nói về diện mạo, chúng ta đã nhận thấy rằng nghiệp đời trước ghi dấu rất rõ nơi diện mạo của mỗi người. Người tạo phước nhiều thì diện mạo rạng rỡ đẹp đẽ. Người tạo tội nhiều thì diện mạo tối tăm xấu xí. Người có trực giác mạnh sẽ thấy được mỗi một nét nhỏ nơi hình dáng nói lên một nghiệp quả như thế nào. Một ánh mắt hung ác nói lên một nghiệp nhân tàn bạo trong quá khứ và cũng báo trước một quả báo bi thảm ở tương lai. Lối đi nghênh ngang lắc vai nói lên thói quen kênh kiệu trong quá khứ và báo trước sự hèn hạ sắp tới.
Rồi theo thời gian dài tích lũy giữa trực giác và kinh nghiệm, khoa tướng số hình thành với cả một hệ thống phức tạp, chi li, chuyên biệt. Nhà tướng số có thể phân tích từng nét lông mày, độ dày của vành tai, độ lớn nhỏ của tròng mắt, màu da sáng tối... để nhìn ra nghiệp quả của mỗi người, và có thể thấy được những nét tổng quát cuộc đời của một người.

Chúng ta đã biết, luật Nghiệp Báo ẩn dấu tận trong Bản Thể, mà Bản Thể thì bao hàm toàn thể vạn hữu vũ trụ. Thế nên dấu vết của nghiệp luôn luôn ghi lại trên mọi hiện tượng, mọi khía cạnh của cuộc đời. Những người có trực giác mạnh, có sự nhận xét tinh tế sẽ nhìn ra một phần nào ý nghĩa của nghiệp khi dựa vào những hiện tượng được bày ra nơi vạn tượng. Trên ý nghĩa đi tìm sự giải thoát, đạo Phật không chú trọng vào việc khám phá dấu vết của nghiệp hiện trên các hiện tượng đó vì e làm mất thì giờ tu tập thiền định. Đó là lý do tại sao trong các kinh điển luôn luôn bài xích các nghề nghiệp như bói toán, xem thiên văn, địa lý, tướng số, xem ngày giờ tốt, xấu, tử vi...

Các nhà địa lý xem tướng nhà, tướng bếp, xem vị trí phong cảnh chung quanh ngôi mộ tổ tiên để đoán được vận mệnh của một gia đình, một dòng họ. Các nhà thiên văn xem tinh tú có thể đoán được sự hưng suy của triều đại, của các nhân vật quan trọng. Các nhà tử vi dựa vào thời điểm ra đời của một người để lập nên một lá số gồm một hệ thống sao sắp xếp quanh 12 cung, rồi từ đó luận đoán ra cuộc đời của người đó.

Những khoa thuật trên là dấu vết đặc thù của văn minh Đông phương mà khoa học ngày nay vẫn chưa chấp nhận vì chưa chứng minh được. Nhưng sự tồn tại của nó theo thời gian mấy nghìn năm cũng nói lên một phần giá trị thực tế của nó. Nếu đứng trên lập trường giải thoát, chúng ta không bận tâm vì những khoa thuật này. Tuy nhiên, trong một luận bản khảo sát về nghiệp, chúng ta cũng phải điểm qua sự liên hệ giữa nghiệp và các dấu hiệu của nghiệp. Còn phương pháp đọc các dấu hiệu đó gọi là các khoa thuật như trên.

Theo Einstein, khi nói đến một sự vật nào, chúng ta phải nói đến một tọa độ “không - thời gian”. Ví dụ như muốn gặp ông A, chúng ta phải biết ông ở đâu, vào lúc nào, chứ không phải chỉ biết địa chỉ (không gian) mà không biết được lúc ông có mặt (thời gian). Như vậy, vũ trụ này là một vũ trụ không-thời gian chứ không phải không gian thời gian là có thể phân ly. Nói đến một sự kiện, một sự vật, một sự việc, một nhân vật... chúng ta phải nói đến nơi chốn và thời gian của nó chứ không thể bỏ qua một yếu tố nào. Sự vật hiện diện bị kết dính chặt chẽ bởi không gian và thời gian.

Cũng vậy, nghiệp cũng ghi dấu lên không gian và thời gian. Đọc được dấu hiệu đó người ta biết được nghiệp quả của con người.

Nếu nghiệp đã in dấu lên diện mạo của một người thì nghiệp cũng in dấu lên thời điểm ra đời của người đó. Khoa tử vi xuất hiện từ luận cứ này. Vào đầu nhà Tống, Hy Di Trần Đoàn đã khám phá ra phương pháp lập một lá số tử vi dựa vào ngày giờ sinh của một người. Hơn 100 ngôi sao sắp xếp quanh 12 cung. Các ngôi sao đó phối hợp lẫn nhau để nói lên các tính chất nào đó. Gọi là sao, kỳ thực chúng ta chỉ nên coi đó là một ký hiệu, một mật mã mà thôi, và sự phối hợp các mật mã đó mới làm thành một câu văn, một ý nghĩa đầy đủ. Ví dụ như trong khoa tử vi nói rằng “Liêm trinh, Tham lang đóng tại cung Tỵ, Hợi thì khó thoát được hình ngục” hoặc “sao Ân quang, Thiên quý đóng tại cung Sửu, Mùi thì lừng danh thiên hạ”...

Các nhà tử vi chỉ chú trọng vào quả báo mà không để ý đến nghiệp nhân chứ thật ra khi quả báo hiện diện tức là nghiệp nhân đã có mặt. Nếu lá số tử vi nói rằng người đó giàu có thì có nghĩa là người này đã từng bố thí rất nhiều trong quá khứ. Nếu lá số tử vi nói rằng người đó sẽ gặp thất bại thì nó cũng có những ngôi sao (ký hiệu) để nói lên rằng người này có tính xấu, ít kiên nhẫn, hẹp hòi.
Một khoa thuật khác cũng được chú ý là khoa địa lý phong thủy. Nhìn phong cảnh chung quanh một ngôi nhà, một ngôi mộ, nhà địa lý có thể biết được vận hưng suy của gia đình, dòng họ đó. Những gò đống chung quanh báo hiệu điều gì, dòng nước chảy ngang nói lên điều gì, con đường cái đi gần đấy báo hiệu điều gì... Các dấu hiệu đó được các nhà địa lý phân tích ý nghĩa để đoán được vận số của những người có liên quan huyết thống.

Tuy nhiên, về sau các nhà địa lý thay vì khách quan tìm hiểu, đã tìm cách can thiệp để mong đạt được kết quả như ý. Họ tìm các vị trí tốt để táng mả và hy vọng rằng con cháu về sau sẽ thành đạt rực rỡ. Nhiều gia đình giàu có đã bao thuê các nhà địa lý rất tốn kém để nhờ các thầy tìm huyệt tốt.

Chúng ta chưa vội phủ nhận hiệu quả của việc làm này, chỉ cho rằng nếu quả thực việc táng mả vào vị trí tốt khiến cho con cái phát đạt thì nó cũng không nằm ngoài luật Nghiệp Báo. Chỉ người có phước mới sinh vào gia đình được mả. Còn những người khổ công tìm mả mà thiếu phước lại sẽ sinh qua dòng họ khác, bỏ cái mả tốt cho người khác hưởng. Cũng vì hiểu được điều này nên các nhà địa lý đã khuyên “tiên tích phúc nhi hậu tầm long”, trước phải tích chứa phúc rồi sau đó mới tìm long mạch.

Nghiệp cũng in dấu vào khung cảnh chung quanh chỗ ở của mỗi người. Khoa thuật đọc các dấu hiệu này gọi là khoa đoán điềm. Khi bước đến chỗ ở của một người, nhà đoán điềm nhìn thấy lối đi, gốc cây, lu nước, cửa, cột, giếng nước, màu sắc,... chung quanh chỗ ở của người đó và có thể đoán được sự may rủi, buồn vui của người đó như thế nào. Ví dụ như thấy lối đi đâm thẳng vào cửa chính họ cho rằng nhà này thường xuyên xảy ra chuyện rắc rối. Hoặc một giếng nước nằm sai chỗ có thể cho biết con trai trộm cướp, con gái bán hoa.

Và cũng như nhà địa lý, họ cũng tìm cách can thiệp bằng cách sửa đổi lối đi, dời bếp, đổi cột,... Nhưng nếu nghiệp của gia đình đó chưa hết thì điềm xấu vẫn hiện ra. Sửa được chỗ này lại phạm phải chỗ khác. Còn những người có phước, tự nhiên khung cảnh chung quanh hiện ra một cách hài hòa hợp lý không cần phải thay đổi gì thêm.

Trong khoa đoán điềm, họ cũng ghi nhận các dấu hiệu khác như tiếng chim lạ từ đâu bay đến, cây cối tự nhiên héo úa, ly tách bỗng dưng vỡ, hoặc những tặng vật của khách đem đến, giếng nước đổi màu... Qua các dấu hiệu đó, họ đoán được điều gì sắp xảy ra.

Người Trung Hoa còn có khoa đoán khẩu khí. Trong những thời điểm quan trọng như dịp lễ hội... nghe một người nói lên một câu, họ có thể đoán được vận mệnh tổng quát của người đó. Khoa này cũng lan sang Việt Nam. Ví dụ khi Thiền Sư Vạn Hạnh nghe Lý Công Uẩn than:

“Đêm khuya không dám dang chân ngủ
Vì ngại non sông xã tắc xiêu”
Ông kinh ngạc vì khẩu khí của một vị vua tương lai.
Hoặc khi nghe Mạc Đỉnh Chi thốt lên câu:
“Hoàng hôn xa lạc Kim ô”
Người Tàu đoán về sau con cháu Mạc Đỉnh Chi sẽ cướp ngôi vua. Quả nhiên về sau Mạc Đặng Dung cướp nhà Lê.
Hoặc nghe người học trò là Nguyễn Đặng đối lại câu:
“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”
(Mưa không trói buộc nhưng có thể giữ khách).
Bằng câu: “Sắc bất ba đào dị mịch nhân”
(Sắc đẹp không phải là sóng gió mà vẫn dìm người).
Ông thầy cho biết Nguyễn Đặng sẽ đỗ trạng nguyên, nhưng sẽ ô danh vì nữ sắc. Điều đó đã xảy ra.
Ở đây, chính vô thức đã báo trước sự kiện bằng những khẩu khí như trên, và người tinh ý có thể nhìn ra.
Trong truyền sử, nhiều khi người ta còn ghi nhận các điềm của trời đất báo hiệu sự hưng vong của một đất nước như cầu vồng lạ xuất hiện, nước sông đổi màu, các sao lạ hiện ra hoặc tắt mất, sự sụp lỡ những ngọn núi truyền thống, sự đổi dòng chảy của sông...
Như vậy, nghiệp của mỗi người và của xã hội đều có liên quan đến vạn tượng và quả thật có biểu lộ ra bằng các dấu hiệu nào đó. Nhiều người đã để tâm nghiên cứu các dấu hiệu này và thành hình những khoa thuật chuyên biệt. Ấn Độ và Trung Hoa là nơi có nhiều khoa thuật loại này hơn cả.
Tuy nhiên, nếu hiểu Nghiệp Báo rồi, chúng ta chỉ bình tâm tu dưỡng đạo đức và tạo phước. Mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Đó là lý do tại sao trong đạo Phật không chú trọng đến các khoa thuật như trên, mặc dù nó không phải hoàn toàn vô lý như một số người đã phủ nhận.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2224)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8277)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3058)