Lời Thưa Về Việc Hiệu Đính (1)

14 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 21519)

Bodhicaryàvatàra
NHẬP HẠNH BỒ TÁT
Sàntideva (Tôn giả Tịch Thiên)
Việt dịch: Nguyên Hiển - Hiệu đính: Lê Triều Phương
TUỆ QUANG FOUNDATION
-Ấn bàn điện tử, Xuân 2009-


Lời thưa về việc hiệu đính
(1)

Tập Luận „Nhập Hạnh Bồ Tát,“ của Tôn giả Santideva, do cư sĩ Nguyên Hiển dịch sang Việt ngữ năm 2005, theo thể kệ, đã đến tay tôi trong một hoàn cảnh đầy kỷ niệm. Năm 2005, chúng tôi bị một bệnh nặng hành hạ suốt nửa năm dài. Hàng ngày đau nhức vô cùng. Chúng tôi chưa đồng ý để bác sĩ mổ và kham nhẫn chịu đựng. Hàng ngày niệm Phật và thỉnh thoảng đọc phẩm Phổ Môn.

Một ngày nọ, năm người bạn từ phương xa đến thăm vì muốn „tiếp sức“ cho chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi đang nằm ở bệnh viện trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Các bạn phải trò chuyện cùng nhau nơi hành lang của bệnh viện. Cuối cùng chúng tôi gặp mặt nhau khoảng 15 phút rồi chia tay. Riêng đạo hữu Nguyên Định đã đem theo để tặng và khuyên chúng tôi nên đọc tập Luận nói trên. Chúng tôi đọc lướt qua và thấy nội dung vô cùng ý nghĩa.

Một buổi tối, sau bữa ăn chiều, chúng tôi đọc lại tập Luận kỹ hơn. Bỗng dưng trong đầu chúng tôi vang lên âm thanh như dòng nhạc của những câu kệ trong phẩm Phổ Môn, ví dụ như 

Bi thế giới lôi chấn,
Từ ý diệu đại vân,
Chú cam lồ pháp vũ 
Diệt trừ phiền não diệm“
(Lòng từ bi như sấm,
Ý tứ diệu dường mây,
Xối mưa pháp cam lồ,
Dứt trừ lửa phiền não)
(Bản dịch của HT Trí Tịnh)

 hoặc 
Diệu âm, Quán thế âm,
Phạm âm, hải triều âm,
Thắng bỉ thế gian âm, 
Thị cố tu thường niệm“. 
(Diệu âm, Quán thế âm,
Phạm âm, hải triều âm,
Tiếng hơn thế gian kia,
Cho nên thường phải niệm)
(Bản dịch của HT Trí Tịnh)

Lòng chúng tôi bỗng nổi lên cảm hứng chỉnh sửa ngay lại một số câu trong bản dịch của cư sĩ Nguyên Hiển, với ước muốn mình có riêng một bản Luận đọc nghe êm nhẹ hơn, dù không bằng những câu ví dụ trong phẩm Phổ Môn. 

Chúng tôi vừa đọc vừa ghi chép cho đến khi cảm thấy buồn ngủ. Kim đồng hồ cho biết đã hơn 2 giờ khuya. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc: Tại sao mình đã mất cảm giác đau nhức và mệt mỏi suốt 6 tiếng đồng hồ? Có gì linh thiêng và huyền nhiệm tỏa ra từ những dòng kệ „Nhập Hạnh Bồ Tát“chăng? Chúng tôi đi ra hành lang bệnh viện để kiểm lại thì giờ. Đồng hồ cho biết đã hơn 2 giờ khuya.

Hôm sau, đạo hữu Nguyên Châu, trong nhóm những người đã đến thăm chúng tôi, gọi điện thoại hỏi về bệnh tình. Chúng tôi thuật lại chuyện kỳ diệu đã trải qua trong đêm. Đạo hữu liền kể ngay cho tôi biết lược sử của Tôn giả Santideva và cho biết Phật tử Tây Tạng rất sùng kính Luận „Nhập Hạnh Bồ Tát“ như Phật tử châu Á sùng kính phẩm Phô Môn. Nhiều Phật tử đã cảm nhận được sức mạnh thiêng liêng toát ra từ tập Luận. Cuối cùng đạo hữu đã khuyên chúng tôi nên cố gắng „đánh bóng“ công trình việt dịch của cư sĩ Nguyên Hiển vì điều này vừa giúp cho bản thân chúng tôi giảm được sự đau khổ của thân xác trong lúc đau bệnh và biết đâu bạn bè nhờ đó mà có được một bản dịch dễ tụng hơn. Chúng tôi đã hứa sẽ theo đuổi việc „đánh bóng“ ấy. Động cơ quan trọng nhất đã thúc đẩy việc làm của chúng tôi là đạo hữu Nguyên Hiển đã cho phép chúng tôi hiệu đính lại bản dịch của anh.

Những ngày hôm sau chúng tôi lần lượt nhận được 5 bản dịch khác do bạn bè gởi đến với lời khuyến khích làm công việc hiệu đính. Đó là bản Đức ngữ „Eintritt in das Leben zur Erleuchtung“ do G.S. Ernst Steinkellner chuyển ngữ năm 1981, ba bản Việt ngữ gồm có: „Bồ Tát Hạnh“, do Thượng Tọa Thích Trí Siêu (Pháp) dịch năm 1990, „Nhập Bồ Tát Hạnh“ do Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch năm 1998 và „Một tia chớp sáng trong đêm tối“ do đức Dalai Lama giảng giải và do Đoàn Phụng Mệnh dịch năm 1999 và bản Anh ngữ „Engaging in Bodhisattva Behavior“ do ông Alexander Berzin dịch năm 2005. Sáu bản dịch rất công phu với những chú giải rõ ràng mà chúng tôi đọc được, đã soi sáng cho chúng tôi thấy được nội dung và ý nghĩa của con đường đi của các bậc Bồ Tát. Nơi đây, chúng tôi chân thành bày tỏ sự tri ân sâu sắc của chúng tôi đến tất các vị dịch giả và giảng giải.

Hôm nay, sau gần một năm rưởi, chúng tôi hoàn thành bản hiệu đính với tâm trạng khinh an, mặc dù vẫn còn nhiều khuyết điểm. Chúng tôi xin hồi hướng công đức đến tất cả chúng sinh và cầu mong cho tất cả đều đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát.

Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự cám ơn sâu sắc đến hiền nội và bằng hữu đã khuyến khích và hỗ trợ việc hiệu đính, hỗ trợ tìm tài liệu, đánh vi tính và sửa lỗi chính tả.

Göttingen, Germany, ngày 14.01.2007
Lê Triều Phương 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2237)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8334)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3067)