- 1- Khái Niệm
- 2- Hiểu Và Tôn Kính Phật
- 3- Tâm Từ
- 4- Khiêm Hạ
- 5- Chỉ Trích Và Nhận Lỗi
- 6- Nóng Nảy
- 7- Hạnh Chân Thật
- 8- Bình Đẳng
- 9- Nhẫn Nhục
- 10- Cuộc Sống Vị Tha
- 11- Sống Đơn Giản
- 12- Tinh Tấn
- 13- Đố Kỵ
- 14- Giải Thoát Để Làm Gì
- 15- Niềm Tin
- 16- Sự Hoà Hợp
- 17- Kín Đáo
- 18- Làm Chủ Lời Nói
- 19- Hối Hận
- 20- Can Đảm
- 21- Biết Ơn
- 22- Yêu Thiên Nhiên
- 23- Tận Tụy
- 24- Nhường Nhịn
- 25- Giữ Lời Hứa
- 26- Nhu Thuận
- 27- Tham Ái
- 28- Vượt Qua Chính Mình
- 29- Tự Tại
- 30- Tám Muôn Tế Hạnh
Tỳ Kheo Thích Chân Quang
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội - 2004
1. KHÁI NIỆM:
Vị tha là vì người khác.(Tha là tha nhân, là người khác ).
Cuộc sống vị tha là một cuộc sống mà chúng ta sống để làm lợi ích cho người khác, không còn sống cho mình nữa. Đây là một cuộc sống tốt đẹp mà xưa nay tất cả các bậc Thánh đều mơ ước và phấn đấu để đạt được.
Mỗi tôn giáo đều có những tiêu chuẩn nhất định để đánh giá tín đồ của tôn giáo mình. Đạo Thiên Chúa thường làm lễ phong Thánh cho những tín đồ, những tu sĩ có công hạnh đặc biệt theo tiêu chuẩn của họ. Đạo Phật cũng có cách đánh giá những vị tu hành để tôn lên bậc Thánh. Đó là những người chứng ngộ tâm linh, có đời sống đạo hạnh, hay nhờ tu thiền, niệm Phật, họ có được những điều vi diệu trong cuộc sống, có những thần thông, phép lạ, có trí tuệ… làm lợi ích cho mọi người.
Theo tiêu chuẩn của tôn giáo mình, mỗi tôn giáo có rất nhiều vị được xem là những bậc Thánh. Đạo Phật có vô số Thiền sư, những bậc Alahán, những vị Thánh chứng quả, những vị Tổ, những vị Đại Sư… Có những vị không nổi tiếng lắm, nhưng khi tịch, thiêu ra có Xá lợi, cũng được xem như ï đã chứng Thánh. Ở các tôn giáo khác, tùy theo lòng mộ đạo, công trạng đối với đạo mà một người cũng được xem là Thánh.
Trên thế giới, những nhà khoa học, những nhà xã hội học với tâm tình của những người không tôn giáo, có cách đánh giá một bậc Thánh ở những góc độ khác. Vì vậy, những người được phong Thánh theo tiêu chuẩn xã hội thì không nhiều. Chúng ta thấy, thế giới có những Danh nhân, có những Vĩ nhân và chỉ có một vài vị Thánh nhân. Đến nay, những vị Thánh nổi tiếng được cả thế giới công nhận là Thánh Gandhi. Đây là trường hợp rất hiếm hoi. Đức Phật cũng được thế giới coi là một vị Thánh. Chúa Jésu cũng được thế giới xem là vị Thánh. Hoặc Khổng Tử, nhà triết học nổi tiếng cũng được xem như là một vị Thánh. Nghĩa là số người được coi như một vị Thánh rất ít ỏi.
Chúng ta học bài Cuộc sống vị tha là để tìm ra một mẫu số chung về tư cách hay tiêu chuẩn của một vị Thánh trong đạo Phật cũng như trong tâm tình của con người trên thế giới
Cuộc sống vị tha là tiêu chuẩn chung khi đánh giá một vị Thánh, được đạo Phật ca ngợi mà thế giới cũng ngợi ca. Không cần biết người đó theo tôn giáo gì, không cần biết người đó giữ chức vụ gì, chỉ cần thấy họ sống rất từ ái, rất vị tha so với tất cả mọi người, có năng lực lớn để làm được nhiều việc cho cuộc đời, có sức ảnh hưởng rất lớn đến con người và luôn luôn vì con người, vì nhân loại… người ta đã ca ngợi họ là một bậc Thánh.
Dựa vào trình độ tâm linh của đạo Phật, một vị Thiền Sư có thể có sở đắc tâm linh, một đời đi thuyết pháp trong đạo Phật, trong lãnh vực tôn giáo cũng có khi chúng ta gọi là Thánh nhưng thế giới không công nhận. Trong đạo Phật, có vô vàn các Thiền sư, người chứng Đạo. Có thể chúng ta ca ngợi, coi đó là những vị Thánh, nhưng người ngoài đạo Phật chỉ thấy đó là những tu sĩ bình thường. Tiêu chuẩn đánh giá con người khác nhau như vậy.
Gạt ra ngoài vấn đề tiêu chuẩn đánh giá con người, chúng ta thấy cuộc sống vị tha là một cuộc sống đẹp. Người thực hiện được cuộc sống này, có thể thuyết phục được không chỉ đối với người trong tôn giáo mà còn với cả người ngoài tôn giáo. Có thể đời này chúng ta thực hiện cuộc sống vị tha ít, nhưng trên căn bản mỗi người phải sống vị tha. Biết đâu ở những đời sau, chúng ta có năng lực lớn hơn, có cuộc sống vị tha ảnh hưởng nhiều hơn, làm lợi ích lớn lao hơn cho nhân loại.
Vậy, tại sao cuộc sống vị tha là một cuộc sống đẹp mà ai cũng ca ngợi? Bởi vì từ lâu, do bản năng chấp ngã mãnh liệt, chúng ta bị khuynh hướng vị kỷ tồn tại chi phối mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm. Từ đó, trong cuộc sống, chúng ta chỉ biết sống cho mình, làm bất cứ điều gì cũng vì lợi ích của mình trước. Khi còn bé, chúng ta tranh giành miếng ăn, miếng uống, tình thương đối với anh em. Lớn lên, có thể dùng mọi thủ đoạn để tranh giành tiền tài, quyền lực cho mình. Thế giới này đầy ắp khổ đau là vì cuộc sống vị kỷ. Trong Tứ Diệu Đế, khổ được coi là một thực tế, một thực tại của cuộc sống mà nguyên nhân của khổ là do lòng ích kỷ. Cho nên, cuộc sống vị tha là một cuộc sống giúp người ta thoát được đau khổ. Chưa cần tu tập những pháp cao siêu, chỉ cần sống một cuộc sống vị tha, chúng ta đã đem lại cho tâm mình sự an lạc.
Trong cuộc sống này, chúng ta không thiếu những điều phiền muộn, những ray rứt khổ đau, những ưu tư trăn trở. Khi ấy, tìm đến một vị Thầy, chúng ta sẽ được Thầy dạy một cách quán để đối trị đau khổ.
Ví dụ: Khi có chuyện buồn trong gia đình, chúng ta tìm đến một vị Thầy để tìm sự thanh thản. Thầy sẽ dạy ta hãy quán thế gian này là vô thường, thân này là bất tịnh, rồi cũng chôn sâu trong ba tấc đất… Quán như vậy, chúng ta sẽ bớt đi những khổ đau, phiền muộn. Khi than phiền về bệnh tật, Thầy sẽ dạy ta quán thân này là vô thường, hư ảo, ngày nào đó thân rồi cũng mất, chẳng có gì phải phiền muộn, âu lo. Khi tâm sự, trong cuộc sống hay bị người ta ganh tỵ, tranh giành quyền lợi, chúng ta sẽ được quán là hãy xem cuộc đời này như một giấc mộng, phù du, hư ảo…Và khi thực hành, nhờ quán các pháp đều là hư ảo, chúng ta cũng có được đôi chút yên tâm, có được phần nào thanh thản. Nhưng sự thật, những phép quán đối trị phiền não ấy chỉ trị trên ngọn mà không trị được gốc, chẳng khác nào người bệnh uống thuốc tây, hết bệnh này sẽ sinh ra bệnh khác.
Chẳng hạn, khi đối diện với cuộc sống, chúng ta cảm thấy có nhiều điều không như ý, nhiều việc không thành công, nhiều những ganh tỵ oán hờn làm mình mệt mỏi. Nếu ngồi quán thế giới này như một giấc mơ, vô thường không đáng để cho mình đắm luyến, chúng ta thấy lòng cũng bớt đi sầu não. Nhưng thực chất lại xuất hiện một bệnh khác. Đó là tâm trạng thờ ơ lãnh đạm với cuộc đời, dần dần giết chết tâm từ bi của mình. Đây lại là một hệ quả phụ rất nguy hiểm.
Bởi vậy, khi học Bát Nhã, chúng ta phải cẩn thận. Pháp Bát Nhã được ca ngợi là cao tột. Trong lục độ, Bát Nhãù nằm ở giai đoạn cuối cùng. Khi học Kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy quan niệm cho rằng Kinh Pháp Hoa thù thắng hơn tất cả các pháp khác, trừ Bát Nhã Ba La Mật. Nghĩa là ai cũng ca ngợi pháp môn Bát Nhã, pháp môn mà theo đó người tu thấy cuộc đời này là hư ảo, là rỗng không. Tuy nhiên, không phải pháp môn Bát Nhã là tuyệt đối ưu điểm. Nó làm cho chúng ta có vẻ tự tại với cuộc sống này khi nhìn tất cả là hư ảo, nhưng nó vẫn còn phản ứng phụ, phát sinh một bệnh phụ là làm cho chúng ta mất tâm từ bi, thờ ơ lãnh đạm với cuộc sống này.
Người hiểu Bát Nhã sâu, tâm có thể vào định được. Nếu thường xuyên quán thân này là giả, tâm này là giả, cảnh vật chung quanh đều là giả, chúng ta cũng có thể vào định được. Nhưng đó là cái quán cạn của Bát Nhã. Nếu quán sâu hơn nữa, pháp môn Bát Nhã còn nhiều điều vi diệu hơn. Chúng ta có thể đạt được lý thậm thâm Bát Nhã, lý Bát Nhã rất sâu. Người hiểu lý Bát Nhã cực kỳ sâu tự nhiên tâm sẽ vào định, có thể viết thành sáu trăm quyển Bát Nhã khác nhờ những kiến giải vi diệu như vậy.
Bộ Kinh Bát Nhã để lại trong kinh tạng hiện nay là sáu trăm quyển. Một vài vị Hòa Thượng đã dịch ra tiếng Việt Nam nhưng vì văn còn xưa quá nên không được nhiều người hưởng ứng. Bát Nhã có đến sáu trăm quyển, nghĩa là không có Kinh bộ nào dài bằng bộ Kinh Bát Nhã. Người ta nói hoài không hết ý, nói hoài không chán. Chỉ một chữ “không” thôi nhưng nói đi, nói laị, mở rồi đóng cũng không hết ý. Nếu một người ngộ được lý Bát Nhã, có thể tiếp tục viết sáu trăm quyển khác, và tâm tự nhiên vào định. Lý Bát Nhã vi diệu như vậy.
Không một pháp môn nào có đầy đủ tất cả những ưu điểm, sẽ có mặt hay và cũng có những điểm chưa hay. Pháp môn Bát Nhã cũng vậy. Dù được thuyết pháp sáu trăm quyển, ai cũng ca ngợi là cao tột, nhưng Bát Nhã vẫn có những khuyết điểm. Điều quan trọng là chúng ta hiểu và vận dụng như thế nào cho đúng.
Nếu nói quán tất cả là hư ảo, nghĩa là chúng ta chỉ trị bệnh ở ngọn thì thế nào là trị bệnh tận gốc ? Chúng ta cần hiểu một điều, nguyên nhân của mọi đau khổ đều do vị kỷ. Đây là một nguyên lý, một chân lý mà Phật đã nói. Nếu cảm thấy có phiền muộn trong cuộc sống, chúng ta đừng chữa trên ngọn, hãy chữa ngay tại gốc của nó. Đó là chữa tâm vị kỷ của mình. Tất nhiên, chữa từ gốc là điều không đơn giản.
Nếu để xoa dịu nỗi buồn, chúng ta có thể quán cuộc đời là vô thường. Nhưng để thật sự nhổ được cái gốc đau khổ, chỉ có một cách là trị dứt tâm vị kỷ của mình. Để làm được điều này, chúng ta phải có công phu rèn luyện một thời gian dài. Trong thời gian đó, chúng ta sẽ có một cuộc sống vị tha để trị được tâm vị kỷ của mình. Lúc ấy, đau khổ sẽ thật sự vắng bóng.
Cho dù cuộc đời mình đầy bất hạnh, là một người tật nguyền, một người bệnh hoạn hay là một người nghèo khổ, ít học…, nhưng nếu sống một đời thật sự vị tha, không vị kỷ thì những mặc cảm, những nỗi buồn ấy sẽ tan biến trong tâm hồn chúng ta. Vì đời sống vị tha sẽ đối trị, sẽ diệt được vị kỷ. Đó là chân lý mà từ ngày xưa, Phật đã nêu ra trong Tứ Diệu Đế. Bởi vậy, cuộc sống vị tha là cuộc sống cực kỳ đẹp, luôn đem lại lợi ích cho những người xung quanh vì lúc nào chúng ta cũng sống vì họ.
Ở phạm vi nhỏ, xung quanh được hiểu là trong một ngôi chùa, trong lớp học, trong một gia đình, láng giềng, dòng họ, … Ở phạm vi rộng, đó là cả một cộng đồng xã hội, một thế giới. Tùy năng lực mà tâm vị tha, đời sống vị tha của mình ảnh hưởng đến mức độ nào. Như vậy, khi đã có một đời sống vị tha, trước hết những người chung quanh mình đựơc lợi ích, và chính bản thân mình cũng xoá sạch mọi đau khổ.
Vì khuynh hướng vị kỷ chi phối quá mạnh nên chúng ta luôn tìm sự thỏa mãn cho mình những ước vọng từ thấp đến cao. Thấp nhất là ăn được ngon, mặc được đẹp, ở được sang. Cao hơn nữa là thỏa mãn những giá trị tinh thần: được mọi người nể trọng, cung phụng. Cao hơn nữa là được danh tiếng, được quyền uy… Những người trong Đạo thì cầu mong được đắc đạo. Nghĩa là lúc nào cũng muốn “thêm” và “được”: được thành Phật, được đắc đạo, được chứng ngộ, được giác ngộ v…v...
Đó là do trong tận thâm tâm chúng ta vẫn còn tham vi tế. Chúng ta luôn muốn đem lại cho mình lợi ích chứ không muốn mất đi. Nếu nói tu là mất đi, là bỏ đi bớt, thậm chí đánh mất luôn chính mình, chúng ta cảm thấy kinh sợ, vì nó chạm đến lòng tham của mình mạnh quá. Học về pháp Ba La Mật, chúng ta sẽ thấy có hai trường hợp. Có người cho rằng, tu để được đắc đạo, được giác ngộ, được thành Phật.v.v… và đó cũng là lý tưởng của người tu hành. Có người lại hiểu rằng, tu là để mất, mất hết, mất luôn cả chính mình. Trường hợp thứ nhất là người có căn cơ thấp. Trường hợp thứ hai là người có căn cơ cao. Họ có chánh kiến, lòng tham mỏng nhạt, lòng vị kỷ ít và có trí tuệ từ kiếp nào nên khi nghe tu không cần phải thêm mà được bớt đi, họ cảm thấy thích thú.
Như vậy, những cái tham và sự ích kỷ vẫn tiếp tục tồn tại chi phối chúng ta, làm cho chúng ta tiếp tục đau khổ. Ngoài đời, chúng ta đau khổ vì những tham vọng của thế gian, như được tiền bạc, giàu sang, danh vọng, tình cảm. Khi vào Đạo, chúng ta sẽ đau khổ vì những mục tiêu của Đạo: muốn có bằng cấp cao, muốn trở thành Thượng Tọa, Ni Sư, muốn có chùa to, có nhiều đệ tử…Những mục tiêu ấy sẽ làm mình đau khổ. Ngay cả những mục tiêu thuộc về tâm linh, mong mình được đắc Đạo, được giác ngộ, nếu không cẩn thận cũng sẽ làm mình đau khổ. Nói không cẩn thận vì nếu hiểu hai từ giác ngộ, đắc đạo là không thật, chúng ta sẽ không đau khổ. Nếu hiểu đó là thật thì sẽ đau khổ vì nó.
Trong thực tế có những trường hợp như vậy. Trong sử có câu chuyện về sáu vị Tổ ở Trung Hoa. Nơi pháp hội của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có thượng tọa Thần Tú là bậc lãnh đạo đại chúng và ai cũng mong rằng Ngài được Ngũ Tổ truyền Y bát. Y bát biểu tượng cho tâm linh, chỉ có người đã đắc đạo, đã giác ngộ mới xứng đáng được truyền y bát. Khi nghe tin Ngài Huệ Năng đã lãnh được Y bát đó, trong Tăng chúng xảy ra một cuộc chống đối dữ dội. Như vậy, chúng ta thấy gọi là giác ngộ hay đắc đạo, cuối cùng cũng chỉ là một tham vọng trá hình, và làm cho người ta tiếp tục đau khổ.
Thế giới này đầy ắp những đau khổ là do người ta chỉ biết sống cho mình, hướng về mình. Bởi vậy, vị tha là một cuộc sống cao cả, đẹp đẽ mà xưa nay tất cả các bậc Thánh đều ca ngợi, đều tán thán. Tâm vị tha đi ngược lại bản năng chấp ngã, ngược lại khuynh hướng vị kỷ, và làm cho cuộc đời này vơi đi đau khổ. Cuộc sống vị tha có thể chữa được nhiều bệnh tâm lý, nhiều phiền não của chúng ta, và làm cho cuộc sống này hạnh phúc hơn. Trong cuộc sống, có người mang những mặc cảm buồn bã, nếu biết làm nhiều việc từ thiện, vị tha họ sẽ vượt qua được những đau khổ. Còn những pháp Quán đối trị phiền não chỉ là tạm thời.
2. NGƯỜI XUẤT GIA PHẢI THỰC HIỆN BẰNG ĐƯỢC CUỘC SỐNG VỊ THA.
Người xuất gia không thể sống vị kỷ. Hiện nay, tình trạng đạo đức của Tăng Ni bị suy thoái cũng do lối sống vị kỷ chi phối. Khi khoác áo tu hành, bước vào Đạo, chúng ta mang hy vọng đi tìm một đời sống giải thoát. Nếu vẫn sống vị kỷ, chúng ta không xứng đáng sống đời tu hành. Người xuất gia phải sống đời sống vị tha. Lý tưởng giải thoát và cuộc sống vị tha là một vì chung một tính cách vô ngã. Giải thoát là vượt khỏi ngã chấp, đời sống vị tha cũng vượt khỏi ngã chấp. Nếu thiết tha đi tìm đời sống giải thoát, chúng ta phải thực hiện bằng được đời sống vị tha. Dù chưa tu tập được nhiều nhưng từng giờ, từng phút trong cuộc sống này, chúng ta đều sống cho huynh đệ, sống cho mọi người. Sống như vậy là chúng ta đang đi dần trên con đường giải thoát, ngã chấp của chúng ta cũng đang bị đánh phá dữ dội.
Muốn được giải thoát phải vượt qua chấp ngã. Có nhiều con đường để chúng ta vượt qua chấp ngã. Con đường cuối cùng là đi bằng định và tuệ. Nhưng trước khi đi bằng con đường ấy, chúng ta phải có đời sống hết sức vị tha. Nghĩa là luôn luôn sống vì người khác, không còn sống cho riêng mình. Đời sống vị tha cũng chính là kết tinh của một đời sống Đạo đức. Chúng ta đã học rất nhiều về Đạo đức. Dù học bình đẳng, chân thật, học cách góp ý chỉ lỗi, hay học khiêm hạ…và sau này có thể học thêm nhiều nữa, chúng ta cũng nhằm mục đích thành tựu được một điều duy nhất, cuộc sống vị tha.
Đó là một cuộc sống đẹp nhất của con người, cũng là lý tưởng mà người xuất gia phải theo đuổi. Chúng ta phải sống vì mọi người, từ việc rất nhỏ nhặt cho đến những việc rất lớn lao. Dù đang theo đuổi một công trình lớn lao: đem Phật pháp đến cho con người, hoặc cất nhà dưỡng lão, cất trại mồ côi…nhưng chúng ta vẫn nhớ không được bỏ qua những việc rất lặt vặt trong đời sống khi việc đó có lợi cho người xung quanh.
Tận sâu trong tâm hồn mình, chúng ta ghi nhớ điều ấy. Nghĩa là không sợ gian khó cực khổ, không tiếc công, tiếc sức, không cần biết cuộc sống mình an vui hay đau khổ, chỉ cần cho người khác mà thôi. Chúng ta chấm dứt tất cả mục tiêu trong cuộc sống của để từ đây chỉ còn một mục tiêu duy nhất là làm lợi, đem lại an vui cho người khác. Người như vậy sẽ không bao giờ còn đau khổ nữa dù sự vất vả tất bật có thể tăng lên bội phần.
Nếu cho rằng, tu là để đạt sự tự tại, an vui, giải thoát là chúng ta đã bị lừa mị bởi những ngôn từ hoa mĩ ấy. Vì như vậy là chúng ta đang đi tìm cái gì đó cho riêng mình. Người chỉ biết tu để sống một đời an vui tự tại là người đi ngược với đạo Phật. Có những người suốt cuộc đời không hề đi tìm điều gì cho mình, chỉ vất vả lo cho người khác, nhưng chính họ mới thực sự là người đang an vui .
Những người nhập thất phải cẩn thận. Vì khi chưa phải là một người đạt được cuộc sống vị tha, đang bị vị kỷ chi phối, tâm từ bi chưa thật sự rộng mở mà bước vào thất tinh tấn tu hành, đối diện với mình, họ dễ bị vị kỷ, chấp ngã chi phối. Mỗi ngày, chấp ngã cứ lớn dần lên, công đức bị hao tổn mà họ không hay biết. Chỉ có những người công đức quá khứ rất lớn, tâm vị tha rộng mở, đời sống hết sức từ ái, khi vào thất mới thật sự yên tâm. Họ sẽ không phát triển bản ngã hay vị kỷ.
Tục ngữ có câu: “Kính thầy mới được làm thầy”. Muốn có cuộc sống vị tha, chúng ta phải tìm đọc những tấm gương đời sống vị tha của các bậc Thánh trong đạo Phật và trên thế giới để phát khởi lòng ngưỡng mộ, làm Nhân ban đầu cho mình. Nếu chưa bao giờ biết ngưỡng mộ ai về đời sống vị tha, chúng ta sẽ không tìm được đời sống vị tha cho mình. Vì đây là Nhân Quả. Hãy nhớ rằng, kính ai điều gì, chúng ta sẽ thành tựu được điều đó.
Trước hết, chúng ta phải biết ngưỡng mộ Đức Phật. Từ vô lượng kiếp, Ngài đã sống cuộc sống vị tha. Đến bây giờ, tâm Phật vẫn bao phủ và gia hộ cho tất cả những ai có tâm thành. Trong kiếp cuối cùng, Ngài đi tu cũng là thực hiện lý tưởng vì chúng sanh. Cha Ngài là vua Tịnh Phạn đã sợ Ngài sẽ từ bỏ cung điện đi tu nên đã cho Ngài đầy đủ các cuộc vui. Nhưng những cuộc vui xao động của thế gian cuối cùng cũng trở nên nhàm chán. Đức Phật cũng không còn vui khi Ngài hiểu được cuộc sống bên ngoài vô cùng phức tạp và đầy đau khổ. Chúng ta thường nghe kể lại điều này ở câu chuyện ngụ ngôn Đức Phật đi qua bốn cửa thành nhìn thấy sinh, lão, bệnh, tử và trong lòng cảm thấy bất an. Do có phước, Ngài được sống trong Hoàng cung đầy đủ tiện nghi, được mọi người chìu chuộng. Khi bước ra ngoài, Ngài mới thấu hiểu nỗi vất vả, khổ nhọc của người dân. Ngài luôn băn khoăn, phải làm điều gì cho con người đừng đau khổ nữa?
Chính động cơ vị tha đã thúc đẩy Ngài rời bỏ Hoàng cung làm người xuất gia. Không phải bây giờ mà trong vô lượng kiếp trước, tất cả cuộc sống của Ngài cũng chỉ vì chúng sinh. Nếu có Đạo nhãn, chúng ta sẽ nhìn thấy được những kiếp xưa của Đức Phật và lòng ngưỡng mộ của chúng ta sẽ không còn biên giới. Ngài có thể bỏ thân mạng mình cho người khác một cách dễ dàng, có thể hy sinh cả một đời để vì mọi người mà không bao giờ tiếc nuối. Công hạnh tích lũy lòng thương yêu con người với đời sống vị tha của Ngài là vô lượng, vô biên. Đức Phật quả là một tấm gương lớn về đời sống vị tha mà chúng ta phải chiêm nghiệm, phải suy ngẫm, phải tán thán, phải ngưỡng mộ.
Ngay cả các vị Alahán nhiều khi bị hiểu lầm là trầm không trệ tịch, là thụ động sống cho mình cũng là những người có cuộc sống vị tha. Chúng ta thấy ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên sống rất cực khổ, rất vất vả cũng vì lo cho chúng Tăng, cũng vì bảo vệ Tăng đoàn. Ngài chứng Alahán nhưng không hề tiêu cực hay thụ động.
Một lần, Đức Phật gặp ba tôn giả Alahán sống trong khu rừng, sống rất lặng lẽ, Ngài đã khen ba tôn giả sống chỉ vì an lạc, hạnh phúc của Chư Thiên và loài người. Trong khi đời sống các vị rất lặng lẽ, ban ngày đi khất thực, đêm về tọa Thiền bất động, rồi cuối cùng cũng sẽ nhập Niết Bàn. Sống tĩnh lặng như vậy nhưng Đức Phật vẫn khen là sống vì lòng thương yêu đối với chúng sanh. Đây cũng là điều vi diệu mà chúng ta không thể hiểu được. Có lẽ do tâm từ của một vị Alahán lan tỏa rộng lớn nên ngay cả khi Ngài không làm gì nhưng trong thế giới vô hình, biết bao nhiêu chúng sinh vẫn được lợi ích.
Ngài Anan có một cuộc sống vị tha thật là tuyệt vời. Ngài theo hầu Phật một cách nghiêm túc, tôn kính và chu đáo. Chính được Ngài Anan lo toan chu đáo nên Phật không bận tâm nhiều, được tiện nghi trong đời sống để đi thuyết pháp. Như vậy, qua việc hầu Phật, Ngài Anan đã làm lợi ích thật nhiều cho chúng sinh. Khi tiếp xúc với người khác, từng lời nói của Ngài đều đem lại lợi ích cho họ. Lúc chưa chứng Alahán, Ngài đã thuyết pháp làm cho người khác chứng được Alahán. Công đức của Ngài thật lớn lao. Ngài từng xin đức Phật cho người nữ được xuất gia. Đây cũng là một công đức lớn đối với chúng sinh. Vì theo quan niệm của người Á Đông, người nữ nặng nghiệp hơn người nam. Vậy, phải tạo cơ hội cho họ tu hành để hết nghiệp. Nếu không, họ sẽ không có cơ hội để tăng trưởng được phước duyên.
Sau khi Phật tịch, Ngài Anan đã chứng Alahán và được vào hang Tất Bát La để trùng tuyên lại Kinh điển. Sau này, ngài Hư Vân một lần nhập định lên cõi trời Đẩu Suất đã trông thấy ngài A Nan đang theo hầu Bồ Tát Di Lặc, ủng hộ cho Bồ Tát Di Lặc làm việc Phật pháp. Như vậy, Ngài đâu phải bỏ đi, vẫn làm vì lợi ích của chúng sinh.
Gần đây, có hai vợ chồng một gia đình Phật tử đến chùa quy y. Sau đó, người mẹ theo đạo Thiên Chúa sống ở Mỹ cũng về xin quy y. Hỏi nguyên nhân vì sao người đó nói rằng, cha anh ta chết từ năm sáu mươi tám, không hiểu sao hiện về nói bên tai đứa cháu gái tất cả mọi điều. Ông nói chuyện thế gian, chuyện âm phủ, rất rành mạch. Từ đó, bà mẹ chứng kiến và có niềm tin với đạo Phật nên xin quy y . Họ nhờ Thầy Trụ trì làm lễ cầu siêu, lễ quy y cho những người trong gia đình. Người ta kể lại rằng, sau khi làm lễ cầu siêu, người ấy lại trở về, cũng nói bên tai đứa cháu gái lời cám ơn đối với người đã làm lễ trang trọng cho mình. Ông ta còn nói những hương linh chung quanh cũng rất vui mừng, họ cũng đến chúc mừng ông. Từ bây giờ, họ không bao giờ về nhà nữa mà sẽ theo Thầy, nghe giảng đạo để mong khởi được tâm thương yêu tất cả chúng sinh. Chúng ta không có Đạo nhãn để nhìn thấy điều ấy và cũng không biết thực hư ra sao chỉ biết rằng, có người tin và theo Phật để làm lợi ích cho người khác là điều rất quý.
Từ câu chuyện của gia đình người Phật tử trên, chúng ta thấy rằng, các thầy Trụ trì cũng chỉ là người bình thường, nhưng do thành tâm nên nghi lễ cầu siêu đã được linh nghiệm. Vì vậy, chuyện Phật khen ba vị tôn giả Alahán cũng là điều dễ hiểu. Cái tâm từ của một vị chứng ngộ sẽ lan tỏa đem lại lợi ích vô cùng cho chúng sinh, nhất là thế giới vô hình. Thế giới vô hình cảm nhận tâm đó mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Có khi sống gần một vị Thánh chúng ta không biết rõ, nhưng những người chung quanh trong thế giới vô hình lại cảm nhận được điều đó rất mạnh. Nhờ vậy, họ được lợi ích rất nhiều. Ta phải hiểu rằng có khi bên ngoài lặng lẽ, ít làm việc, nhưng kỳ thực các vị Alahán có một cuộc sống rất vị tha.
Gần đây, người ta thường ngợi ca Mẹ Theresa, một nữ tu sĩ Công giáo. Cả một đời, Mẹ sống cho người nghèo, cho người bệnh và tấm gương của bà lan tỏa, ảnh hưởng đến mọi người. Rất nhiều người đã đi tu theo bà,và cũng một đời xả thân để xoa dịu nỗi đau khổ cho cuộc đời. Đó là một tấm gương rất đẹp, rất đáng trân trọng. Khi học theo bà sống đời vị tha, nhiều người cũng chấm dứt được đau khổ. Vì vậy, những nữ tu sĩ theo Mẹ Theresa chắc chắn cũng là những con người rất hạnh phúc, rất an vui. Vì họ không lo gì cho mình, chỉ lo cho người bệnh, người nghèo. Khi bà chết, cả thế giới đều xưng tụng, ngợi ca, có những quốc gia còn để cờ tang.
Tuy nhiên, chúng ta đã biết, cái gốc của đau khổ là do ích kỷ, do kém Đạo đức. Muốn nhổ được gốc đau khổ cho cuộc đời, phải làm sao cho người ta có Đạo đức. Bởi vậy, theo quan điểm của đạo Phật, việc bà làm tuy rất đẹp nhưng chưa thực sự “bứng” được cái gốc đau khổ. Vì bà không đặt nặng vấn đề Đạo đức. Trong đạo Phật chúng ta có Hòa Thượng Hư Vân suốt đời vì Phật pháp, không ở chùa đã hoàn thành, không sở hữu tài sản. Ngài Hư Vân là một tấm gương vị tha vĩ đại. Đời sống của Ngài vô cùng đơn giản. Với những manh áo tầm thường, vài con dao cạo tóc…, Ngài đã đi hết nơi này đến nơi khác làm việc Phật pháp, giáo hóa chúng sinh. Khi thấy dân chúng khổ, Ngài tìm cách ra tay giúp đỡ. Khi thấy hai bên đánh nhau, Ngài khuyên người ta dừng lại binh đao. Những nơi Tổ Đình hoang phế, Ngài tìm cách phục hồi, trùng tu, xây dựng lại Tăng chúng, giữ lại kỷ cương, giữ lại giới luật mà giáo hoá.. .Ngài chẳng bao giờ đến chùa to mà ở. Khi giáo hóa, ngài cũng không phân biệt pháp môn. Gặp người niệm Phật, Ngài dạy niệm Phật. Gặp người thoại đầu, Ngài dạy thoại đầu. Cả một đời, Ngài cứ sống như thế. Và Ngài thọ đến hơn một trăm hai mươi tuổi mới viên tịch.
Khi Trung Hoa lục địa được Đảng cộng sản Trung Quốc giải phóng, Ngài đang ở Hương Cảng (Hồng Kông). Lúc bấy giờ ai cũng lo sợ cho Ngài vì nghĩ rằng người cộng sản Trung Hoa không tin tôn giáo, họ sẽ chống báng và làm khó dễ Ngài. Mọi người khuyên Ngài nên ở lại Hương Cảng. Nhưng Ngài không chịu vì lúc đó ở lục địa chỉ có Ngài là bậc tôn túc. Nếu Ngài không về, Tăng Ni không có chỗ dựa và sẽ tan tác. Mặc dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng Ngài vẫn từ giã Hương Cảng, trở về Trung Hoa lục địa. Quả thật, trong thời gian đầu, vì chưa hiểu, chưa thông cảm, chính quyền đã làm khổ Ngài vô cùng. Họ cho lính đến xét chùa, bắt giam các Thầy, đánh đập rất tàn nhẫn đến nỗi có vài người không chịu được đã chết. Họ cũng giam và đánh đập Ngài, đánh đến gần chết. Hết đánh bằng cây gỗ, họ đập bằng cây sắt. Đánh Ngài từ trên giường rơi xuống đất vẫn chưa thỏa mãn, năm bảy tên lính mang giày đinh giẫm lên người Ngài. Mình mẩy Ngài bê bết máu, trông rất thê thảm. Vậy mà Ngài vẫn thản nhiên, lòng không chút sợ hãi hay oán hờn. Sau khi Ngài lành bệnh, chính quyền ở Bắc Kinh mới hiểu và mời Ngài thành lập Giáo hội Phật giáo. Tuy không giữ chức vụ gì quan trọng nhưng Ngài đứng đó làm chỗ dựa tinh thần cho Tăng Ni. Nhờ vậy, người ta vững tâm tu hành, giữ được giềng mối của Đạo. Ngài có thần thông, biết trước được những thảm nạn khi về Trung Hoa lục địa, nhưng vẫn không sợ. Ngài chấp nhận để giữ được chỗ dựa tinh thần cho Tăng Ni, từ đó tạo điều kiện phát triển Phật pháp. Tấm gương vị tha của Ngài Hư Vân thật quá vĩ đại. Là người xuất gia, chúng ta phải phấn đấu để đạt được đời sống vị tha tuyệt vời như vậy.
Để đạt được cuộc sống vị tha, mỗi khi làm việc gì chúng ta hãy đặt lại câu hỏi. Xuất gia để làm gì? ? Lễ Phật để làm gì? Ăn cơm, uống nước, nghỉ ngơi để làm gì? Đi học để làm gì? Nhìn thấy huynh đệ tự hỏi mình phải làm gì? vv…
Hỏi như vậy và tự trả lời, chúng ta sẽ kiểm soát được mình. Cũng làm những công việc như mọi người nhưng chúng ta đừng nghĩ làm cho mình mà phải nghĩ là làm lợi ích nhiều cho chúng sinh sau này. Chúng ta ăn cơm, uống nước cũng nghĩ rằng để có sức mà lo làm Phật sự. Khi mệt nằm nghỉ, chúng ta dừng nghĩ để cho mình khoẻ mà sức khoẻ này là để cúng dường Tam Bảo, để lợi ích nhiều cho cuộc đời này. Những lý tưởng cao siêu có thể chúng ta chưa làm được, nhưng trong ý nghĩ của mình, chúng ta luôn luôn nghĩ những điều rất thánh thiện, rất vị tha.
Khi nhìn thấy chúng sinh, nghĩ đến thế giới, chúng ta tự hỏi mình phải làm gì ? Chẳng hạn, thấy đạo Phật đang suy thoái, chúng ta phải băn khoăn. Phải nhận ra rằng, chính lối sống của Tăng Ni làm cho đạo Phật yếu đuối. Tăng Ni phải chủ động, phải có sức mạnh để chống đỡ khi có khó khăn trở ngại. Sở dĩ trong thực tế, Hồi Giáo đi đến đâu, đạo Phật suy yếu đến đó là do sức sống của đạo Phật yếu. Nguyên nhân chính là do từng người chúng ta không có tâm vị tha mạnh mẽ. Chúng ta còn sống cho mình nhiều quá. Chẳng hạn, ở Inđônêxia, cộng đồng người Hoa theo đạo Phật khá đông. Nhờ có họ mà đạo Phật hiện diện tại nước này. Vậy mà, ngày nay nhóm Hồi Giáo khủng bố và đuổi hết người Hoa ra khỏi Inđônêxia. Trong tương lai, Inđônêxia sẽ không còn Phật giáo. Trước tình trạng đó, chúng ta sẽ làm gì ? Phải thường xuyên đặt những câu hỏi như thế.
Hoặc nhìn thế giới cứ xung đột, xâu xé lẫn nhau, luôn đem lại sự bất an, chúng ta làm được điều gì ? Nếu không bao giờ ray rứt về những điều đó, chúng ta là người sống vị kỷ. Người có cuộc sống vị tha không bao giờ bình yên, thanh thản được. Họ luôn cảm thấy ưu tư và thấy mình phải có bổn phận, có trách nhiệm đối với cuộc đời này. Đó mới đúng là người Phật tử chân chính.
Chúng ta hãy thành thật tự trách mình mỗi khi thấy tâm mình xuất hiện những tư tưởng ích kỷ. Việc xây dựng tâm hồn vị tha, đời sống vị tha là việc rất khó khăn, phải trải qua một thời gian dài. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng tu tập từng ngày.
Chẳng hạn, đối với người tu, ích kỷ thường biểu hiện ở sự ham muốn mình có được nhiều tiền, có chùa to, có danh tiếng…Hoặc khi nhìn thấy những người xung quanh rơi vào hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta làm lơ, tự nhiên tâm vị kỷ sẽ lớn lên. Khi có chuyện không hay xảy ra, chúng ta lại đổ lỗi cho người khác, đó cũng là biểu hiện của một đời sống vị kỷ. Hãy cứ nhận lỗi về mình, chúng ta sẽ có một đời sống vị tha.
3. CẨN THẬN GIỮA LÝ TƯỞNG VÀ THAM VỌNG.
Về lý tưởng và tham vọng, chúng ta đã được học ở những bài trước. Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu mối quan hệ giữa lý tưởng và tham vọng với cuộc sống vị tha.
Chúng ta nên nhớ rằng, làm phước chưa hẳn là vị tha. Vì đằng sau việc làm phước ấy có thể còn tâm niệm cầu phước. Mà cầu phước là thái độ hoàn toàn vị kỷ. Đôi khi, nhìn bề ngoài, việc làm phước có vẻ như vị tha, nhưng thật sự vị kỷ đang lớn dần lên trong tâm chúng ta. Có nhiều người rất năng đi chùa lạy Phật, nhưng chỉ để cầu cho mình bao nhiêu điều tốt đẹp. Vì vậy, càng đi chùa nhiều càng tăng trưởng vị kỷ.
Chúng
ta cần phân biệt giữa lý tưởng và tham vọng. Người có
lý tưởng và tham vọng đều có chung một điểm là họ đều
có hoài bão lớn, mục tiêu lớn, dự định lớn. Đó có thể
là dự định sẽ cất một ngôi chùa rất lớn, xây một trường
Đại học Phật giáo bề thế nhất Đông Nam Á, hoặc đó
là ước mơ mở được một trại mồ côi để tập trung được
vài trăm ngàn trẻ mồ côi về nuôi dưỡng vv…. Nhưng trong
những hoài bão, những dự định lớn lao đó, đâu là lý
tưởng, đâu là tham vọng? Chúng ta phải hiểu rằng,
nếu thật sự vì Phật pháp, vì chúng sinh, người có những
mơ ước , hoãi bão như vậy là người sống có lý tưởng.
Nhưng nếu làm để cầu mong một điều gì đó cho mình, danh
tiếng, lợi lộc chẳng hạn, thì đó là tham vọng. Nói cách
khác, cả hai có những điểm rất giống nhau nhưng hễ vì
mình là tham vọng, vì người là lý tưởng. Bởi
vậy, khi có những mơ ước, những dự định lớn, chúng ta
phải cẩn thận xét kĩ tâm mình, xem đó là vì mình
hay vì chúng sanh, vì Phật pháp.
4. QUAN ĐIỂM ĐỐI VỚI HẠNH PHÚC.
Chúng ta sống là để đi tìm hạnh phúc. Vì sống mà không có hy vọng, không có hạnh phúc là một cuộc sống vô nghĩa. Nhưng hạnh phúc vốn rất mong manh và không dễ dàng tìm được. Chúng ta phải luôn luôn hy vọng rằng, mình sẽ tìm thấy hạnh phúc trên cuộc đời này. Hy vọng như vậy để chúng ta cố gắng sống, cố gắng vượt qua những khó khăn gian khổ, vượt qua những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời. Chừng nào con người không còn hy vọng, chừng đó họ sẽ bị cuộc đời làm cho ngã gục.
Khi còn nhỏ sống trong vòng tay cha mẹ, chúng ta hy vọng lớn lên sẽ thành đạt, có cuộc sống giàu sang, danh vọng….Càng lớn lên, con người càng hy vọng điều đó. Hôm nay còn khó khăn, người ta hy vọng vài năm nữa rồi cuộc sống sẽ khá hơn, sung sướng hơn. Đến khi gần đất xa trời, không còn hy vọng được nữa, họ lại hy vọng vào kiếp sau. Vì niềm hy vọng về cuộc sống hạnh phúc phía trước mà chúng ta vượt qua tất cả. Nghĩa là chúng ta sống để đi tìm hạnh phúc. Đó là mục đích, là khát vọng lớn lao, mãnh liệt của con người. Ngay cả những người bất hạnh, sống lang thang lê lết bên lề đường xin ăn, họ vẫn yêu vô cùng sự sống và hy vọng vào ngày mai tươi sáng vẫn không lụi tắt trong lòng họ. Nếu đã hoàn toàn tuyệt vọng, họ sẽ không kéo dài cuộc sống của mình trong khổ đau như vậy.
Là đệ tử Phật, chúng ta phải có một quan điểm rõ ràng về hạnh phúc. Chúng ta thừa nhận sống để đi tìm hạnh phúc. Nhưng với người tu hành, hạnh phúc là gì? Chúng ta sẽ đi tìm hạnh phúc cho chính mình, hay sẽ dành cuộc đời này đi tìm hạnh phúc cho người khác? Đặt lại câu hỏi đó một lần nữa, chúng ta suy nghĩ cho thấu đáo để sống một cuộc đời đúng nghĩa.
Rõ ràng, người đệ tử Phật phải sống cuộc sống vị tha, sống là để đi tìm hạnh phúc cho người khác chứ không phải cho bản thân mình. Có thể trước đây, cuộc sống của chúng ta còn nhiều đau khổ, còn những nỗi bất an và chúng ta cũng đã từng hy vọng một ngày nào đó, mình được sống một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng bây giờ, chúng ta không còn hy vọng điều đó nữa. Với người tu hành chúng ta, hạnh phúc lớn nhất là đem lại được hạnh phúc cho người khác.
Như vậy, điều quan trọng là để đem lại hạnh phúc cho người khác, chúng ta phải làm gì ? Trước hết, chúng ta phải hiểu điều này, hạnh phúc là do tâm vị tha chứ không phải do phước. Nói như vậy có vẻ hơi mâu thuẫn, nhưng nghĩ một cách sâu sắc, điều đó hoàn toàn đúng. Chẳng hạn, có những người trước kia hay bố thí, làm phước nên họ được nhiều phước và đời này họ có được cuộc sống giàu sang. Nhưng giàu sang không hẳn là hạnh phúc. Chúng ta đã đọc được điều này rất nhiều trong những cuốn sách viết về Nhân Quả. Có tiền nhiều và có hạnh phúc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhiều người sống trên đống vàng nhưng vô cùng đau khổ. Họ chỉ hơn những người nghèo là có cuộc sống vật chất thoải mái, còn hạnh phúc vẫn thuộc về lĩnh vực của tâm.
Một người nghèo về vật chất nhưng sống một đời vị tha vẫn an vui, hạnh phúc, và họ cũng tạo được phước cho đời sau. Như vậy, người có phước do tâm vị tha, đời này sẽ an vui. Còn người có phước do tâm cầu phước ở đời trước, đời này có thể giàu sang nhưng lại sống bất an. Vì tâm cầu phước là tâm vị kỷ. Chúng ta cần phân biệt được điều đó. Hạnh phúc thật sự vẫn là do tâm vị tha đem lại. Có thể chúng ta chưa làm được điều gì lớn lao, chỉ cần sống vị tha thôi, chúng ta đã thấy mình rất hạnh phúc vì đi đúng nguyên lý Tứ Diệu Đế của Phật.
Vì vậy, chúng ta đừng mất thì giờ tự ám thị mình là người hạnh phúc, luôn mang vẻ mặt an lạc, thoả mãn. Vì hạnh phúc không phải do ám thị mà có, hạnh phúc là do đời sống vị tha đem lại. Nhiều khi chúng ta được dạy, là đệ tử Phật, phải tự tại an vui, đi đứng đoan trang, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi, gương mặt phải thanh thản…Thực ra, đó là lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ về mình. Chúng ta đừng bận tâm về điều đó, đừng tự ám thị mình là người hạnh phúc. Hãy bận tâm đăm chiêu đi tìm hạnh phúc cho phúc cho mọi người. Có thể lúc nào chúng ta cũng tất bật, vội vã nhưng vì tâm mãi lo cho người khác nên không bao giờ đau khổ đến được với tâm mình. Hai chữ tự tại có vẻ thanh thoát, nhưng nếu chỉ đi tìm cái đó cho mình, chúng ta vẫn bị vị kỷ chi phối. Mà vị kỷ có mặt thì sẽ kéo theo những đau khổ, bất an.
Với cuộc sống vị tha, hạnh phúc dần dần tràn ngập mà chúng ta không ngờ được. Suốt cuộc đời lo cho người khác, đến một lúc nào đó tự nhiên chúng ta thấy cuộc đời mình tràn ngập niềm vui. Nhưng đừng bao giờ dừng lại đó để hưởng thụ, hãy tiếp tục bận tâm lo cho mọi người. Nếu tự mãn với hạnh phúc mà mình đang có nghĩa là chúng ta bắt đầu lui bước. Nếu chỉ biết hưởng thụ hạnh phúc, niềm vui dù niềm vui đó do đời sống vị tha lúc trước tạo nên, là chúng ta bắt đầu rơi trở lại lối sống vị kỷ. Như vậy, chúng ta sẽ không đi tới được đời sống vị tha vô lượng, vô biên. Đây là điểm rất khó, rất tinh tế trong tâm mà chúng ta phải tỉnh táo để thoát ra. Sở dĩ một vị Phật thành được Phật quả là do các công hạnh của Ngài vô hạn, vô biên. Ngài làm phước mãi, sống vị tha mãi, không bao giờ dừng lại để hưởng niềm vui .
Người tu theo hạnh Bồ Tát Ba La Mật vô lượng vô biên không bao giờ biết dừng lại để hưởng thụ. Chúng ta cũng vậy, nếu sống đời sống vị tha thì tâm mình tự nhiên xuất hiện niềm vui nhưng đừng bao giờ dừng lại để hưởng niềm vui trong tâm đó, hãy cứ tiếp tục bận tâm để lo cho người khác.
5. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT KHI THẤY THẾ GIỚI NÀY CHƯA BIẾT ĐƯỢC CHÁNH PHÁP.
Trên thế giới này, người biết Đạo không nhiều. Bên cạnh đó, còn không ít người rơi vào tà kiến. Họ chưa tin vào Nhân quả, chưa tin luân hồi, cũng không tin rằng có Niết Bàn tuyệt đối, là nơi giải thoát thật sự. Rất nhiều người trên thế giới chưa biết được điều đó. Bởi vậy, người đệ tử Phật không bao giờ được nghỉ ngơi khi thấy thế gian này chưa hiểu được Chánh pháp. Đây cũng là lời nguyện khi quy y. Một ngày nào đó, quỳ trước tượng Phật, nhận mình là đệ tử Phật, xin nương tựa Phật, tôn thờ Phật, chúng ta phải phát nguyện là sẽ đem Phật pháp đến với mọi người, từ gia đình đến xã hội.
Khi quý Phật tử quy y, ngoài việc thọ trì Tam quy, Ngũ giới, cần phải thọ thêm Thất nguyện (Bảy điều nguyện). Bảy điều nguyện này có thể chúng ta đã được nghe, nhưng phải được xác quyết lại trong buổi lễ quy y. Bảy điều nguyện đó được sắp xếp từ thấp đến cao :
Thứ nhất: Phật tử tập ăn chay dần dần, từ ít ngày lên nhiều ngày.
Thứ hai: Phật tử phát nguyện học hỏi giáo pháp không biết mệt mỏi. Có thể học hỏi trực tiếp từ những vị Thầy, Cô tu hành chân chính, hoặc học từ băng hay, sách hay, không bao giờ biết mệt mỏi.
Thứ ba: Phật tử phải phát nguyện lễ Phật, tọa Thiền, vì đó là sự thực hiện tu hành tâm linh.
Thứ tư: Phật tử phải phát nguyện suốt đời siêng năng làm việc từ thiện.
Thứ năm: Phật tử phát nguyện phải Phật hóa gia đình, làm cho tất cả những người thân trong gia đình, họ hàng mình đều biết Phật pháp, nhất là đối với trẻ em.
Thứ sáu: Phật tử phát nguyện sẽ đem Chánh pháp đến với những người chưa biết, để cho họ tìm được an vui trong cuộc sống này.
Thứ bảy: Phật tử phát nguyện phải kiên cường giữ Đạo trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào.
Đây là bảy lời nguyện khi quy y chúng ta phải thọ trì. Không chỉ là những lời nguyện mà chúng ta phải thực hiện cho bằng được. Người Phật tử ngày đầu tiên đến làm đệ tử Phật nhận được bảy điều nguyện này, sẽ là những người rất năng nổ, tích cực, chân chính. Và nếu tất cả Phật tử đều được như vậy, chúng ta sẽ thấy Phật giáo có nhiều đổi thay, đạo Phật sẽ tích cực hơn, năng động hơn, làm lợi ích cho thế giới nhiều hơn.
Có người cho rằng, người có lòng từ sẽ bận tâm về sự thiếu thốn của những người chung quanh. Như thế, trong lúc ngồi Thiền, sự bận tâm cứ quanh quẩn trong tâm trí, làm sao vào định được. Thực ra, khi ngồi Thiền, chúng ta phải lo nhiếp tâm. Lúc đó, nếu còn bận tâm làm sao có kinh nghiệm Thiền định để dạy cho người khác. Trong đời sống, chúng ta bận tâm rất nhiều chuyện, nhưng khi ngồi Thiền chúng ta chỉ nghĩ đến việc thực hành cho có kinh nghiệm dạy lại cho người khác. Nghĩ về người khác, đó cũng là từ bi, và cái này phải chi phối chúng ta mạnh hơn nên chúng ta sẽ không còn bận tâm đến những chuyện lặt vặt nữa.
Thiền tức là không suy nghĩ. Trong đời sống, chúng ta còn phải lo bao nhiêu việc. Đó cũng là điều khiến chúng ta động tâm. Nếu động tâm vị kỷ, chúng ta sẽ càng lúc càng không vào định được. Còn nếu động tâm trong đời sống là động tâm vị tha, khi ngồi Thiền chúng ta sẽ vào định dễ hơn. Đời sống vị tha sẽ làm cho mình tăng trưởng được Thiền định.
Nói đến cuộc sống vị tha, có người băn khoăn làm sao Phật tử tại gia hiểu rõ, làm phước hữu lậu và phước vô lậu. Hữu lậu là vẫn còn dấu vết của luân hồi, vô lậu là đi ra khỏi luân hồi. Ví dụ, khi bố thí cúng dường, khi làm mọi việc tốt lành cho người mà trong tâm chúng ta còn mong được hưởng phước, là chúng ta chưa ra khỏi luân hồi, vẫn còn dấu vết luân hồi trong việc làm phước đó. Còn nếu luôn làm phước, luôn hy sinh vì cuộc sống của mọi người, mong cho mọi người được giác ngộ, giải thoát mà không cầu phước cho mình là chúng ta đã gieo phước vô lậu. Khi ấy, dấu vết luân hồi không còn vương lại trong việc làm phước của chúng ta.
Chúng ta thường thấy bên tượng Đức Phật Thích Ca có hai vị Phổ Hiền và Văn Thù đứng hai bên, còn tượng Di Đà có Quan Âm và Thế Chí đứng hai bên. Phổ Hiền tượng trưng cho Hạnh và Văn Thù tượng trưng cho Trí. Hạnh tức là Đạo đức và Trí là Trí tuệ. Trí tuệ soi sáng cho Đạo đức và ngược lại, Đạo đức nâng cao Trí tuệ.
Một người đi trên đường giác ngộ phải có Trí tuệ và Giới hạnh. Ngài Văn Thù tượng trưng cho sự soi sáng, còn Ngài Phổ Hiền tượng trưng cho hành động. Muốn hành động phải có trí tuệ soi sáng. Có hành động, có kinh nghiệm lại giúp cho việc soi sáng rõ hơn. Còn Quan Âm tượng trưng cho lòng Đại Bi, Thế Chí tượng trưng cho Đại Lực, cho sự dõng mãnh. Nghĩa là, muốn thực hiện được ý nguyện độ sinh, muốn cứu khổ cho con người, chúng ta phải có sức mạnh. Nếu không có gan dõng mãnh làm sao chúng ta có thể xông pha trong luân hồi để cứu độ chúng sanh?
Trong cuộc sống, có khi chúng ta rất siêng năng, rất muốn giúp người nhưng vì thể lực yếu đuối, bản tính nhút nhát nên không thực hiện được. Bởi vậy, muốn làm việc cứu khổ chúng sanh, chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn.
Có người cho rằng, phải buông tất cả những lo toan để niệm Phật vì nếu cứ lo cho mọi người, tâm sẽ tán loạn vọng tưởng, không thanh tịnh được. Chúng ta đừng nghĩ như vậy. Cứ lo cho người khác, cứ tán loạn vọng tưởng, chúng ta sẽ nhiếp tâm được vì chúng ta đã sống một cuộc sống vị tha. Chúng ta phải hiểu rằng, nhiếp tâm được hay không là do phước. Nếu quan niệm sống buông hết để tu cho thanh tịnh, không cẩn thận, chúng ta sẽ rơi vào lối sống vị kỷ, sẽ không nhiếp tâm được.
Đạo Phật tiến bộ là một đạo Phật rất tinh tấn tu Thiền, nhưng rất siêng năng đem lại lợi ích cho mọi người . Cả hai đều rất quan trọng. Là một đệ tử của Phật, chúng ta phải rất siêng năng tu tập Thiền định và cũng rất siêng năng làm lợi ích cho chúng sanh. Nếu muốn tu Thiền định có kết quả, chúng ta phải yên tâm làm phước, yên tâm sống vì mọi người. Phước là Nhân quả “giấu mặt”, có sự chi phối rất bí mật đến đời sống của chúng ta. Chính phước bí mật đó giúp tâm chúng ta vào định. Đây cũng là một điều bí mật, không giải thích được, nhưng lại là một nguyên lý rất đúng, tuyệt đối đúng.