27- Tham Ái

21 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 13149)

TÂM LÝ ĐẠO ĐỨC
Tỳ Kheo Thích Chân Quang
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội - 2004

THAM ÁI

1. ĐỊNH NGHĨA.

Tham ái là tình cảm thương yêu giữa Nam và Nữ, thường khiến người ta tiến đến hôn nhân và tình dục. Đây là bản năng mạnh thứ hai so với bản năng sinh tồn của con người.

Sống trên đời này, chúng ta bị nghiệp quá khứ cũng như bản năng nơi chính mình thúc đẩy tìm đến tình yêu đôi lứa với người khác phái để rồi từ tình yêu đôi lứa đó, chúng ta tiến đến hôn nhân và tính dục. Tạo hóa đã sắp đặt điều này để cho con người duy trì nòi giống của mình. Không chỉ riêng loài người, các loài vật khác cũng đều như vậy. Tuy nhiên, người tu không được phép nhiễm vào tham ái vì đây là vấn đề thuộc về giới cấm. Vừa thuộc giới cấm vừa do những khía cạnh tế nhị khác nên vấn đề tham ái cũng ít được nói đến. 

Tình yêu nam nữ hay tham ái (gọi theo danh từ trong đạo Phật) là khái niệm thuộc về tình cảm. Chúng ta đã biết, tình cảm là điều không thể định nghĩa được. Trong bài Từ bi, chúng ta cũng đã khẳng định Tâm từ là lòng thương yêu, là cái gì không thể định nghĩa được. Tình cảm nằm ở mức độ sâu hơn ý thức. Ở ý thức, chúng ta có ngôn ngữ gọi tên, có suy luận, có sự diễn đạt. Còn những trạng thái của tình cảm lại nằm ở cấp độ sâu hơn nên ngôn ngữ của ý thức không thể định nghĩa được. Con người chỉ có thể nhận thấy biểu hiện của nó và dựa vào đó biết rằng mình đã yêu. Đối với những lớp tình cảm còn nằm sâu trong vô thức, chúng ta lại càng không thể dùng tâm để điễn tả được.

Ví dụ, trong nhà Thiền, chúng ta thường nghe nói đến trạng thái thiền định, tam muội, đại định…, nhưng những trạng thái ấy không thể suy tư được và ngôn ngữ cũng không bàn đến được. Càng vào sâu, càng chìm sâu vào lớp tâm thức ở phía dưới, ngôn ngữ càng không với tới được. So với những trạng thái này, tình cảm vẫn cạn hơn nhưng lại sâu hơn ý thức. Do đó, ngôn ngữ cũng không định nghĩa được. Đó là lý do vì sao khi nhắc đến tình yêu, người ta đã than: 

Làm sao định nghĩa được tình yêu.

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt. 

Bằng mây nhè nhẹ gió nhẹ hiu hiu.”

 (Xuân Diệu)

Tình yêu muôn đời vẫn là cái gì đó vô cùng bí ẩn mà con người không thể cắt nghĩa được, không thể hiểu hết được. Tagore - ông hoàng của thơ tình thế giới - cũng từng nói đến cái vô biên, vô tận của tình yêu:

 Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim

 Nào ai biết được chiều sâu và bến bờ của nó

 Em là nữ hoàng của vương quốc đó

 Ấy thế mà em có hiểu gì về biên giới của nó đâu.

Cũng như bao nhiêu người khác, Xuân Quỳnh - nữ thi sĩ viết về tình yêu hay nhất trong văn học Việt Nam - cũng đi tìm nguồn gốc của tình yêu nhưng cuối cùng đành bất lực và thú nhận:

 Sóng bắt đầu từ gió 

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau.

Tình cảm là như vậy, phức tạp và bí ẩn. Tuy nhiên, một điều lạ là tuy không định nghĩa được, chỉ cảm nhận thôi nhưng nó lại mạnh hơn ý thức. Phải chăng, cái gì càng hướng về chiều sâu, càng có sức mạnh hơn những cái xuất hiện trên bề mặt ? Ý thức vốn là cái xuất hiện trên bề mặt nên những suy luận của ý thức (chúng ta gọi là lý trí ) thường không chiến thắng được tình cảm.

Trong thực tế, có những mối tình ngang trái, thậm chí vô lý mà người ta vẫn lao vào, bất chấp danh dự, bất chấp sự nghiệp, bất chấp tương lai, bất chấp cả cái chết. Chẳng hạn, một cô gái xinh đẹp, con nhà giàu có lại đi thương một anh chàng “du thủ, du thực”, không đạo đức, không nghề nghiệp, chỉ biết chơi bời lêu lỏng. Mặc dù gia đình ngăn cấm, tình yêu của họ vẫn ngày càng cháy bỏng. Khi người bố hỏi: “Con thấy người ấy có ưu điểm gì?”, cô gái không thể nào trả lời được. Không phải cô gái kia không nhìn thấy những điểm xấu của người yêu mình nhưng lúc này, lý trí đã làm theo sự sai bảo của con tim. Nếu hỏi tại sao lại đi yêu người đó, cô gái cũng không lý giải được. Hoặc có trường hợp, một người phụ nữ đã ở vào tuổi “ngũ thập” vẫn yêu một chàng trai hai mươi tuổi đến say đắm như thời còn vàng son con gái. Đó là tình yêu rất kỳ khôi, bình thường không thể chấp nhận được nhưng họ vẫn cứ yêu, không lý lẽ nào có thể giải thích được. 

Tại sao như vậy? Vì tình yêu luôn luôn mạnh hơn lý trí. Người ta vẫn thường nói: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi”. Đúng như vậy. Sức mạnh của tình yêu vượt lên những lý lẽ thường tình. Chính vì tình cảm có sức mạnh đáng sợ như vậy nên người tu chúng ta phải biết đề phòng. Bây giờ, sống trong môi trường với đại chúng, với giới luật, được quý Thầy lớn và huynh đệ bảo bọc, chúng ta cảm thấy bình yên. Nhưng đây chỉ là sự bình yên tạm thời. Một ngày nào đó, khi ra làm Phật sự, chúng ta sẽ đối diện với không ít những thử thách, có khi có cả sự thử thách của tham ái. Nếu không đề phòng, không cẩn thận, nó sẵn sàng đẩy chúng ta vượt ra ngoài khuôn phép. Do đó, chúng ta phải có sự hiểu biết về tình yêu, hiểu được sức mạnh cũng như nguyên nhân của nó để có phương pháp hoá giải và vượt qua.

Sở dĩ tình cảm có sức mạnh ghê gớm như vậy vì nó thuộc bản năng của con người. Như đã nói ở trên, đây là bản năng mạnh thứ hai so với bản năng sinh tồn của con người. Bản năng sinh tồn là sức mạnh tiềm tàng, thâm sâu trong con người, buộc con người phải duy trì sự sống. Bản năng mạnh thứ hai là bản năng hưởng thụ, là khuynh hướng thôi thúc con người đi tìm hạnh phúc. Và trong những vấn đề mà con người gọi là hạnh phúc ấy, có tình yêu. Tình yêu cũng là một loại hạnh phúc vì trong cuộc sống, con người luôn khao khát yêu thương và khao khát được thương yêu. Sống trên cuộc đời này, nếu không hề thương yêu ai cũng không được ai yêu thương, con người sẽ vô cùng đau khổ. Những người rơi vào hoàn cảnh như vậy thật đáng thương. Thậm chí, có người không chịu đựng nổi sự cô đơn, đau khổ ấy đã muốn tìm đến cái chết. 

Vì là bản năng mạnh thứ hai của con người nên tình cảm, nếu không được thỏa mãn, cũng gây nên những hậu quả đáng sợ. Bình thường, con người phải ưu tiên cho bản năng sinh tồn (duy trì sự sống) trước, sau đó mới đi tìm tình yêu, hạnh phúc. Nhưng có những lúc, tình yêu đã lấn át bản năng thứ nhất, đã tranh giành với bản năng thứ nhất. Nghĩa là đôi khi vì tình yêu mà con người phải tự tử, phải hủy hoại sự sống của mình. Thực tế đã cho thấy điều này. Không ít những chàng trai, cô gái vì thất vọng trong tình yêu đã uống thuốc độc hoặc nhảy xuống sông tự tử. Lịch sử văn học thế giới còn truyền tụng, ngợi ca mối tình bất hủ của chàng Rômêô và nàng Juliet. Bất chấp sự mâu thuẫn, thù địch giữa hai dòng họ, đôi trai tài gái sắc ấy vẫn yêu nhau say đắm. Khi bị người lớn phát hiện và tìm cách chia rẽ, họ đã tìm đến cái chết để được mãi mãi bên nhau. Chính cái chết của họ đã xóa đi ranh giới hận thù giữa hai dòng họ. Câu chuyện về mối tình trong sáng, thủy chung, mãnh liệt của Rômêô và Juliet đã trở thành kiệt tác của văn chương thế giới. 

Tình yêu có sức mạnh thật khủng khiếp. Tình yêu mạnh hơn cả cái chết. Với không ít người, tình yêu chính là sự sống. Vì vậy, khi đã thất bại trong tình yêu, họ sẽ vô cùng đau khổ và sự sống với họ lúc ấy không còn ý nghĩa nữa. Nói điều ấy để chúng ta thấy được sức mạnh khủng khiếp của tình yêu và luôn có ý thức giữ mình. Vì thuộc về bản năng nên tham ái luôn tiềm tàng trong mỗi con người. Trong đó có cả nguyên nhân của sinh lý là nội tiết tố sinh dục. Ở người nam có nội tiết tố nam là Testosterone. Người nữ có nội tiết tố nữ là Estrogen. Khi đến tuổi trưởng thành, những tuyến nội tiết của người nam và người nữ sẽ tiết ra hai nội tiết tố này tạo thành trạng thái tâm lý đặc biệt để người nam đi tìm người nữ và người nữ chờ đợi người nam. Đó là lý do vì sao khi lớn lên, con người lại phải yêu thương nhau. Theo các tài liệu y khoa, chính nội tiết tố nam là Testoterone đã thúc đẩy người nam yêu thích người nữ đã phát triển giới tính. Vì vậy, đứng trước một đứa trẻ khác giới, người đàn ông cảm thấy bình thường. Nhưng khi bé gái ấy đến tuổi dậy thì, tự nhiên người đàn ông sẽ nảy sinh tình cảm khi nhìn nó. Điều ấy diễn ra rất tự nhiên. Với người nam, không có thời điểm đặt dấu chấm hết cho tình yêu, cho sự rung động vì nội tiết tố vẫn còn hoạt động nên họ luôn bị thúc đẩy và vẫn cảm thấy thương yêu khi đứng trước người phụ nữ. 

Trong bộ phim Những con chim ẩn mình chờ chết có một nhân vật nữ rất thương vị linh mục trong khi bà ta đã lớn tuổi mà vị linh mục còn quá trẻ. Tất nhiên, vị linh mục đã từ chối tình yêu của người đàn bà ấy. Ông nói rằng: “Bà đã già rồi”. Bà ta trả lời: “ Tuy tôi già nhưng trái tim tôi không già”. Đó là câu nói rất nghiêm túc, rất chân thật. Đây cũng là điều mà tất cả chúng ta phải cảnh giác. Một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ già nhưng trái tim chúng ta sẽ không bao giờ già đi cùng tuổi tác. Nội tiết tố sinh dục chưa bao giờ chịu ngừng chảy trong máu mỗi người kể cả phụ nữ lẫn nam giới. Và vì thế, chúng ta không bao giờ chấm dứt được tình thương yêu. 

Vậy, làm sao con người biết được mình đang yêu hay đang rung động vì tình yêu? 

Tình yêu là loại tình cảm đặc biệt mà chúng ta chỉ có thể gọi tên chứ không định nghĩa được. Nhưng dựa vào bốn biểu hiện của tình cảm, con người có thể biết được mình đã và đang yêu. 

Thứ nhất, khi gặp người ấy, chúng ta cảm thấy lòng vui sướng .

Thứ hai, khi xa người ấy, chúng ta thấy buồn nhớ và luôn nghĩ về họ. 

Thứ ba, chúng ta luôn muốn giúp đỡ người ấy (vì có tình yêu là do nợ quá khứ, chúng ta muốn giúp đỡ là để trả nợ).

Thứ tư, do khuynh hướng ích kỷ, chúng ta chỉ muốn người đó thuộc về mình.

Nếu thấy trong tim xuất hiện bốn hiện tượng này, chúng ta biết rằng mình đã yêu và ráng mà tìm cách vượt qua. 

Trong tình yêu, ngoài nguyên nhân thuộc về sinh lý còn do nghiệp duyên từ quá khứ. Vì duyên nợ ân nghĩa quá khứ, tham ái đã khiến con người sống kết đôi trong đời sống hôn nhân. Khi thương yêu ai, chúng ta phải hiểu rằng giữa mình và người ấy đã có mối quan hệ từ quá khứ xa xăm. Nếu mạnh mẽ, sự tương quan đó sẽ thúc đẩy chúng ta tìm đến với “người ta” để nên vợ, thành chồng. Chỉ với đời sống vợ chồng, con người mới lo lắng, chăm sóc, giúp đỡ nhau suốt năm này qua năm khác để trả nợ nhau. Nếu nợ quá khứ không nhiều, ơn nghĩa quá khứ không nhiều nhưng có duyên, con người vẫn có tình thương yêu trong một thời gian ngắn. Trong tình yêu, nếu để ý chúng ta sẽ thấy, ai mắc nợ nhiều sẽ thương người kia nhiều hơn.

2. TÌNH YÊU NAM NỮ ĐEM LẠI CẢM GIÁC HẠNH PHÚC CHO CON NGƯỜI. 

Với con người, thương yêu và được yêu thương là một niềm hạnh phúc. Tất nhiên, hạnh phúc chỉ đến trong buổi ban đầu, về lâu dài tình yêu sẽ làm cho con người đau khổ. Nhưng tại sao tình yêu nam nữ làm cho con người có cảm giác rất hạnh phúc? Điều này không thể lý giải được một cách rõ ràng. Nhiều khi chúng ta có cảm giác như đây là một cái bẫy mà tạo hoá đã giăng ra để con người vướng vào. Và một khi đã vướng phải, con người thật khó tìm được lối ra. Trong bài Ta yêu em lầm lỡ, một nhà thơ - nhạc sĩ đã thốt lên:

Ôi chông gai đầy lối,

Cất bước đi về đâu?

Bản chất của tình yêu là vậy. Do Nhân Quả quá khứ nên chúng ta bị thúc đẩy, bị hướng về, bị dồn tâm vào một đối tượng nào đó và tạo thành tình yêu. Trừ trường hợp những người mắc bệnh “đa tình”, hoặc bị đổ vỡ về nhân cách, họ có thể hướng tâm về nhiều người nhưng không theo duyên nghiệp quá khứ mà theo sự thúc đẩy của nội tiết tố. Gặp bất cứ người con gái nào, người đàn ông cũng tán tỉnh, cũng dụ dỗ, cũng muốn chiếm đoạt. Họ chọc ghẹo tán tỉnh, nói lời yêu thương với người khác nhưng đó không phải là tình yêu nghiêm túc. Họ chỉ theo bản năng của nội tiết tố đi tìm niềm vui cho mình để thỏa mãn sự háo thắng, thỏa mãn khuynh hướng chiếm đoạt của một người đàn ông. Đó là những người không có đạo đức.

Chính nội tiết tố đã tạo ra hai khuynh hướng khác nhau giữa người nam và người nữ. Người đàn ông thích chinh phục hay tìm đến, còn người phụ nữ lại chờ đợi sự chinh phục và rất dễ xiêu lòng. Ở các nước phát triển, xã hội ngày càng văn minh, người ta bắt đầu đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ. Nữ giới không chỉ biết chờ đợi mà còn có thể chinh phục nam giới. 

Cảm xúc hạnh phúc trong tình yêu rất mãnh liệt đã tạo nên niềm hứng khởi, nguồn cảm xúc tràn đầy trong các tác phẩm nghệ thuật của thế giới, của nhân loại. Từ xưa đến nay, chúng ta có vô số những thi phẩm, nhạc phẩm nói về tình yêu. Nghệ thuật là sự sáng tạo trên cơ sở của cảm xúc. Tình yêu đã cho người nghệ sĩ cảm xúc và thúc đẩy sự sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ chưa vượt khỏi tình cảm thường tình của con người để tìm đến và có cảm xúc mạnh mẽ đối với những tình cảm cao thượng hơn. Đây là điều đáng tiếc. Thỉnh thoảng, bắt gặp một vài nhạc sĩ, thi sĩ ca ngợi những tình cảm khác ngoài tình yêu, chúng ta trân trọng, quý giá vô cùng. Đó có thể là những bài thơ ca ngơiï quê hương: 

Quê hương là chùm khế ngọt.

Cho con trèo hái mỗi ngày…

Quê hương là con đò nhỏ. 

Êm đềm khua nước ven sông… 

 (Đỗ Trung Quân)

Hoặc tự hào về đất nước: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”. Rồi những bài ca thời kháng chiến dạt dào cảm xúc như: Nương chiều

Chiều ơi! 

Lúc chiều về ngập ánh trăng phai.

Hoặc: 

Chiều ơi! 

Biết chiều nào còn đứng trên nương,

Phố phường nhiều chiều vắng quê hương.

Những câu hát ca ngợi nét đẹp buổi chiều, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi cánh đồng quê thật tuyệt vời. Trước cảnh đẹp ấy, con người bỗng lo sợ một ngày nào đó khi phố phường mọc lên đầy, người ta không còn nhìn thấy quê hương qua hình ảnh nương dâu, rẫy mía… nữa. Nghe những bài thơ, bài hát ấy, tâm hồn chúng ta như được thư giãn, cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Sau một thời gian Nhà nước ngăn cấm không cho phép hát những bài hát tình yêu uỷ mị, trong thời kỳ đổi mới, người ta bắt đầu quay lại sáng tác những bản nhạc tình yêu. Những năm gần đây, một số ca khúc viết về tình yêu cũng được giới trẻ ưa chuộng. 

Khuynh hướng của tình yêu nam nữ luôn tiềm tàng trong con người như một lẽ tự nhiên và người ta xem đó là cái đẹp. Vì vậy, nhiều khi chưa có người yêu, người ta vẫn có thể đưa vào thơ mình những lời bay bướm chỉ dành cho tình yêu. Đây là lời “tự thú” của một Thầy khi nói về thời trai trẻ của mình. Vào năm mười bảy, mười tám tuổi, nhân dịp Tết khi sống một mình trong rẫy, xung quanh chỉ có dòng suối trong uốn lượn, chim hót véo von và sương rơi rơi trên lá, người ấy đã cảm xúc và làm một bài thơ về Tết. Trong bài thơ mùa xuân ấy có đoạn:

Này cô bé có yêu tôi sẽ biết

Trong lòng tôi vui vẻ biết bao nhiêu.

Khi thấy cô đôi má thắm đỏ nhiều

Theo tuổi lớn tình xuân nồng phơi phới.

Thực ra, lúc bấy giờ người ấy vẫn chưa yêu ai. Điều này chứng tỏ rằng, tình yêu nam nữ luôn tiềm tàng, luôn chờ đợi đâu đó trong mỗi con người. Nhưng niềm hạnh phúc cũng như nỗi đau khổ của tình yêu luôn dằn vặt nhân loại qua nhiều thời đại. Sự hưởng thụ hạnh phúc luôn làm phát triển khuynh huớng ích kỷ. Đây là công thức tuyệt đối đúng. Trong bài Ý nghĩa của hạnh phúc, chúng ta đã nói đến vấn đề này. Ở đây, chúng ta không bàn kỹ nhưng nói một cách tổng quát, tâm ích kỷ sẽ làm con người đổ vỡ đạo đức và tạo nghiệp. Khi đã tạo nghiệp, chúng ta sẽ chịu nhiều đau khổ. Mà nguyên nhân tạo thành ích kỷ là sự thụ hưởng hạnh phúc. Tất nhiên, bản thân hạnh phúc không có lỗi nhưng khởi tâm hưởng nó là trong chúng ta bắt đầu phát triển tâm ích kỷ. 

Thực ra, khi biết đạo, chúng ta sẽ sống tốt, thương yêu con người, làm được nhiều việc phước giúp đỡ mọi người. Theo luật Nhân Quả, những điều đó sẽ đem đến cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc vào ngày mai. Nhưng khi hạnh phúc đến, nếu tận hưởng, dần dần chúng ta sẽ trở thành con người ích kỷ. Ngược lại, nếu không hưởng, chúng ta sẽ không rơi vào ích kỷ. Nhưng hạnh phúc đến mà không hưởng là điều rất khó. Điều này đòi hỏi rất nhiềâu ở bản lĩnh tu tập của chúng ta. 

Ví dụ, một cư sĩ do kiếp trước bố thí rộng rãi nên đời này được giàu sang. Khi giàu sang, họ có trong tay tiền muôn bạc vạn, nhà cao cửa rộng, xe cộ xênh xang. Nếu tận hưởng sự giàu sang ấy, họ cảm thấy thích thú vì mình hơn những người khác và đâm ra kiêu ngạo. Rồi họ sẽ trở thành người ích kỷ. Đây là lý do tại sao có những người giàu lại rất ích kỷ. Trong khi đó, những Phật tử có căn lành sâu dày hơn, đời trước làm phước đời này được giàu sang nhưng vẫn biết tu giữ tâm mình. Khi thấy tiền bạc đến, họ không xem đó là vinh quang, không tận hưởng, vẫn biết dùng tiền bạc đó tiếp tục bố thí. Những người như vậy tuy giàu sang vẫn không ích kỷ.

Hoặc do đời trước trồng nhiều căn lành, làm được nhiều việc phước thiện, bây giờ thành công và được nhiều người ca ngợi, xưng tụng, chúng ta cảm thấy sung sướng, hạnh phúc. Đó là quả báo đời trước. Nhưng nếu chúng ta tận hưởng, khởi thích thú tận hưởng thì dần dần sự ích kỷ sẽ xuất hiện. Nếu trước những sự xưng tụng của người khác, lòng chúng ta vẫn bình thản thì ích kỷ sẽ không xuất hiện. Tuy nhiên, phải có bản lĩnh chúng ta mới làm được điều này.

Tương tự như vậy, hạnh phúc trong tình yêu buổi ban đầu luôn làm tăng khuynh hướng ích kỷ của con người vì tình yêu đem lại cảm giác hạnh phúc rất mạnh. Hạnh phúc càng lớn, ích kỷ càng dữ dội. Vì vậy, trong thực tế, chúng ta từng chứng kiến nhiều trường hợp người ta giành giật, ghen tuông với nhau một cách gay gắt và khốc liệt.

Như vậy, tình yêu nam nữ (tham ái) luôn luôn tạo thành sự ích kỷ. Theo Tứ Diệu Đế, ích kỷ là nguyên nhân của đau khổ. Ích kỷ làm đổ vỡ dần Đạo đức, đưa con người đến tham lam, tranh giành, sân hận…Và nghiệp bất thiện cũng được hình thành từ sự ích kỷ đó. Vì vậy, theo giới luật, tu sĩ không được phép yêu thương, luyến ái riêng tư . Và không riêng gì tình yêu, tất cả những gì đưa đến khoái cảm của hạnh phúc, người tu cũng bị cấm. Nếu vướng vào tình yêu, vào những khoái cảm hạnh phúc, người tu sẽ rơi vào ích kỷ, tạo nghiệp rồi đau khổ. Điều này đi ngược lại với mục tiêu Giải thoát của đạo Phật. 

3. THAM ÁI KHÔNG ỔN ĐỊNH.

Một điều chúng ta thường thấy là tình yêu thường không bền vững, dễ thay đổi mặc dù khi yêu, người ta luôn thề non hẹn biển, nguyện yêu nhau đến suốt đời. Sở dĩ như vậy vì bản chất của tình yêu là trả nợ quá khứ và tìm hạnh phúc cho riêng mình. 

Xét theo Nhân Quả, chúng ta thương yêu người nào là có duyên với người đó ở quá khứ. Chính duyên nợ quá khứ thúc đẩy chúng ta phải thương yêu. Xét theo khía cạnh tâm lý, chúng ta thương yêu người khác vì nghĩ rằng khi gắn bó với họ chúng ta sẽ được hạnh phúc. Mỗi người có cách đánh giá, chọn lựa người bạn đời cho mình theo tiêu chuẩn riêng. Thông thường, người nam thích chọn người phụ nữ đẹp. Có thể ban đầu, đẹp là tiêu chuẩn đầu tiên nhưng sống với nhau lâu ngày, người ta lại thích người có tính tốt. Đây là kinh nghiệm chung của không ít người nam. Trong khi đó, người nữ lại thích người có tài, khâm phục người có tài. Tâm lý của người phụ nữ là chỉ thương yêu khi có sự kính phục. Như vậy, xét đến cùng, bản chất của tình yêu vẫn là sự ích kỷ. Dựa trên hai yếu tố đó, chúng ta có thể kết luận tình yêu không có sự bền vững. 

Vì bản chất của tình yêu là trả nợ cũ nên người ta thương nhau khi còn nợ, và khi đã hết nợ, tình thương cũng không còn. Có những cặp vợ chồng yêu nhau say đắm nhưng ở với nhau được bốn, năm năm, tự nhiên tình cảm lạnh như băng không sao hiểu nổi. Điều này chỉ có thể giải thích bằng nguyên nhân do đã trả hết nợ quá khứ. Ví dụ, trong hai người, người vợ là người mắc nợ nên tự nhiên yêu thương say đắm người đàn ông kia và làm quần quật để nuôi ông ta. Người chồng vì có người nuôi nên ỷ lại, sống phè phỡn, suốt ngày chỉ lo ăn nhậu. Người vợ vì còn nợ nên cố gắng làm việc cực khổ nuôi chồng. Nhưng bốn, năm năm sau, khi đã hết nợ, tự nhiên cô ta trở nên lạnh băng băng. Tình yêu của bốn năm trước đã biến mất, không còn một chút nào. Sau đó có thể là một cuộc chia tay. Như vậy, tình yêu không ổn định vì lệ thuộc vào nợ nhiều hay ít của quá khứ. 

Ngoài ra, sự ích kỷ cũng là nguyên nhân khiến cho tình yêu không bền vững. Ví dụ, ngày xưa, khi còn yêu nhau, người đàn ông cảm thấy người bạn đời có thể đem đến cho mình hạnh phúc vì người này vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang. Nhưng sống với nhau một thời gian, ông ta mới phát hiện ra người vợ có những tật xấu như: lười biếng, ích kỷ, hay cằn nhằn, không quý mến gia đình chồng vv… Người chồng cảm thấy chán nản vì người vợ không đem đến cho mình hạnh phúc. Tình yêu trong lòng ông ta cũng biến mất. 

Tình yêu vốn không ổn định và không có gì có thể bảo đảm sự lâu dài, bền vững cho tình yêu kể cả hôn nhân, giá thú. Một khi không còn yêu thương nhau, tờ hôn thú vốn được coi là sự ràng buộc kia cũng chẳng có ý nghĩa gì. Người ta có thể xé bỏ nó hoặc ra tòa xin ly hôn. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thấy sự đời hay vô thường, thay đổi. 

Một yếu tố khác làm nên sự không bền vững của tình yêu là do thiên hướng của người nam và người nữ. Người nam thích chinh phục và cho rằng càng chinh phục được nhiều người càng chứng tỏ mình tài giỏi, đào hoa. Có người còn quan niệm: “Yêu hai mươi, chọn mười, lấy một”. Hoặc chơi với nhau một nhóm, người nào cũng thi nhau có nhiều người yêu để có thành tích bằng nhau. Như vậy, đó chỉ là bản năng, sự háo thắng của người đàn ông chứ không phải là tình yêu. Trong khi đó, thiên hướng của người nữ là dễ xiêu lòng. Người ta thường nói: “ Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai”. Nghĩa là người đàn ông thường bị chinh phục bởi sắc đẹp, còn phụ nữ dễ bị xiêu lòng bởi những lời đường mật. Nhiều người thấy mình tương đối đẹp trai, ăn nói khéo léo nên gặp ai cũng chọc ghẹo và nói lời yêu thương. Những lời nói ấy không chân thật nhưng phụ nữ vốn dễ xiêu lòng nên chấp nhận tình yêu. Cuối cùng, những mối tình ấy nhanh chóng tan thành mây khói. 

Mặt khác, tâm lý thích thú với cái mới cũng ảnh hưởng đến tình yêu và hôn nhân, khiến cho tình yêu, hôn nhân không bền vững. Tâm lý con người là vậy, thích một bản nhạc hay nhưng nghe hoài lại chán; thích một món ăn ngon nhưng ăn liên tục nhiều lần lại cảm thấy sợ. Trong tình yêu cũng vậy, người ta thường hay thích cái mới. Điều này thường gặp ở người nam hơn người nữ. Người phụ nữ thường chung thủy hơn người nam. Người đàn ông dù có vợ con đề huề nhưng ra đường gặp cô nào xinh đẹp cũng để ý, làm quen. Nhiều phụ nữ cho rằng đàn ông mang bản chất của loài bướm, thấy bông hoa nào xinh đẹp, thơm tho cũng sà vào. Đây cũng là vấn đề tế nhị nhưng quả thật, càng ngày người ta càng không tin vào đàn ông. Chính sự không chung thủy, ham thích cái mới, cái lạ ấy của con người đã khiến không ít cuộc hôn nhân bị tan vỡ. Tâm lý ấy cũng do yếu tố nội tiết tố quy định. 

Vì vậy, khi bước vào con đường tình yêu, chúng ta phải hiểu đó là bước vào con đường chông gai, bước vào biển đời sóng gió. Chúng ta đừng nghĩ đơn giản, khi trưởng thành, kết duyên đôi lứa là yên thân, là có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có những người yêu chân thật và đem lại cho tình yêu sự bền vững. Đó là những người có đạo đức và rất thông minh. 

Vì tình yêu thuộc về bản năng, có cảm xúc mãnh liệt và ích kỷ mạnh mẽ nên để có một tình yêu chân chính, bền vững, những người yêu nhau phải đạt những tiêu chuẩn nhất định. Ông Schopenhower từng nói: “ Chỉ có những triết nhân mới có thể sống hạnh phúc trong tình yêu hôn nhân nhưng chỉ tiếc hễ là triết nhân thì không lập gia đình và không yêu ai”. Theo ông, triết nhân có nghĩa là người có đạo đức và rất thông minh. Chỉ những người có đạo đức cao và rất thông minh mới yêu một cách đúng nghĩa. 

Trong cuộc sống, để có một gia đình hạnh phúc, khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình, người ta phải tế nhị, phải chiều chuộng nhau, phải biết hy sinh bản thân mình, biết sống vị tha, quan tâm đến người khác, phải nhận ra những điều còn sâu kín chưa biểu hiện ra bên ngoài, phải biết chịu đựng cực khổ… Tiêu chuẩn cho con người trong đời sống gia đình khó và mệt mỏi như vậy. Cho nên, những người chưa bước vào cuộc sống hôn nhân tốt hơn hết là đem sự thông minh, đạo đức của mình thương yêu tất cả mọi người. 

4. TU SĨ PHẢI VƯỢT KHỎI THAM ÁI. 

Vì tham ái ràng buộc con người trong sự ích kỷ và tạo nghiệp nên người tu phải có bổn phận vượt ra khỏi tham ái. Trên nguyên tắc, Tu sĩ phải giữ tâm không bị tham ái chi phối để khuynh hướng ích kỷ không phát triển và dành trọn tâm hồn thương yêu tất cả chúng sinh, dành trọn cuộc đời lo cho Phật pháp. Chưa nói đến lý tưởng giải thoát đòi hỏi sự trong sạch tuyệt đối, nếu phải bận tâm, yêu thương một người, chúng ta không thể nào mở lòng thương yêu tất cả chúng sinh. Nhưng trên thực tế, Nghiệp tham ái chi phối tất cả mọi người vì đó là bản năng bên trong và nghiệp từ quá khứ. Có thể trong vô lượng kiếp trước, chúng ta đã từng sống đời sống vợ chồng với người này hoặc người kia và bây giờ không biết người đó là ai. Nhân Quả luyến ái ấy vẫn còn ràng buộc, kéo dài đến kiếp này. 

Ví dụ, đời trước, khi là vợ chồng, nếu đối xử với nhau tốt, bây giờ gặp lại, hai người sẽ cảm thấy như bị tiếng sét ái tình làm cho say đắm: “Phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng, lòng đang giá băng bỗng rộn ràng muôn tia nắng”. Nhưng nếu đời trước không đối xử tốt với nhau, trong đời sống hôn nhân thường bực bội, chán chê, gây gổ, cứ muốn bỏ nhau, qua kiếp sau gặp lại có thể hai người có một chút tương quan nhưng rồi sẽ chán chường và chia tay nhau. Nghiệp tham ái trải nhiều đời như vậy nên chúng ta không biết những ai đã từng là vợ là chồng của mình trong những kiếp xưa. Có khi người ấy đang ở đâu đây, rất gần chúng ta và một ngày nào đó bỗng xuất hiện, làm cho chúng ta điên đảo. Đây là điều rất nguy hiểm, người tu chúng ta phải cẩn thận. 

Ngoài nghiệp từ quá khứ, con người còn bị nội tiết tố chi phối nên khó thoát ra được khỏi tham ái. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã già và không còn tham ái. Người ta kể rằng, có trường hợp một cụ già đã bảy mươi tuổi, khi gần chết bỗng nhiên đòi hỏi tham ái mãnh liệt rồi mới trút hơi thở cuối cùng. Đó là những cái nghiệp nằm sâu trong con người, chờ cơ hội thuận tiện sẽ khởi lên trong khi chúng ta lại luôn bị động trước nghiệp do chính mình tạo nên. Một khi nghiệp quá khứ nào đó đã khởi lên, chúng ta sẽ không tránh khỏi vướng vào tham ái. Có thể bây giờ chúng ta không tạo nghiệp nữa nhưng thực ra mình đã bị động vì nghiệp quá khứ. Vì vậy, tuy ngày hôm nay rất trong sạch trước đại chúng nhưng chúng ta vẫn chưa yên tâm tin rằng suốt quãng đời còn lại mình sẽ trong sạch nếu không biết phương pháp. Rõ ràng, trên nguyên tắc chúng ta không được tham ái, nhưng trên thực tế, nghiệp tham ái vẫn luôn luôn chi phối chúng ta. 

Trong đời, chỉ có hai hạng người không bị tham ái chi phối. Đó là người chưa bị nghiệp khởi và người đã chứng Thánh quả. Đối với người đã chứng Thánh quả, nội tiết tố vẫn hoạt động nhưng không tạo thành tâm lý thích thú, yêu thương người khác phái nữa vì sức định của họ rất vững vàng. Người chưa chứng Thánh quả, dù đã có được một phần định, nội tiết tố vẫn tạo thành tâm lý tình yêu.

Đối với chúng ta, những tu sĩ, nếu nghiệp chưa khởi, đừng để khởi. Chúng ta đừng bao giờ chủ quan vì tham ái rất mạnh. Mỗi người phải biết phương pháp, biết đường đi nước bước của nó để ngăn chặn, không cho nó khởi. Khi đã khởi, chúng ta phải biết phương pháp để vượt qua. Ở đây, vì học về tâm lý đạo đức nên chúng ta không kết tội những người phạm vào tham ái như theo quan điểm của giới luật. Chúng ta thương yêu và luôn mong con người vượt qua lầm lỗi. 

Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua tham ái ? Không phải tài năng mà chính công đức là yếu tố quan trọng giúp con người vượt qua tham ái. Ba công đức căn bản mà chúng ta đã học là: Siêng lễ Phật (hoặc niệm Phật) với lòng tôn kính tuyệt đối; Từ bi - trải tâm thương yêu chúng sinh, và Khiêm hạ - lúc nào cũng thấy mình kém cỏi. Đó là ba công hạnh căn bản cũng là ba tiêu chuẩn quan trọng. 

Theo Nhân Quả, tôn kính những bậc Thánh, chúng ta sẽ dần dần xuất hiện những tính chất của bậc Thánh đó. Đức Phật là một bậc Thánh tuyệt đối. Nếu tôn kính Ngài, sự trong sạch, sự vô nhiễm, sự cao thượng của Ngài sẽ dần dần xuất hiện và ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Dù trong quá khứ, chúng ta có những nghiệp gì đó nhưng trong hiện tại, nếu thường xuyên lễ Phật, niệm Phật với lòng tôn kính thì những nghiệp ô nhiễm của thế gian trong chúng ta sẽ dần dần được xoá đi. 

Công hạnh thứ hai - lòng Từ bi - cũng giúp chúng ta vượt qua tham ái. Lòng từ bi thương yêu chúng sinh sẽ hóa giải được tình thương yêu chỉ dành cho một người. Đây là điều rất hay. Có Thầy thú nhận, một lần bị dao động trước một người nữ, Thầy liền khởi quán Từ bi và xóa được sự dao động đó. 

Công hạnh thứ ba - tâm Khiêm hạ- có thể giúp con người vượt lên tham ái vì kiêu mạn làm tham ái khởi rất nhanh. Nếu giữ được tâm Khiêm hạ thì kiêu mạn không khởi và không có điều kiện cho tham ái khởi lên. 

Đó ba công hạnh quan trọng mà chúng ta phải tích lũy suốt đời để giữ không cho tham ái khởi. Nếu một ngày nào đó, tham ái trong lòng mình phát khởi, chúng ta phải hiểu rằng mình đã thiếu ba công hạnh quan trọng này. 

Để tránh được tham ái, chúng ta phải hiểu những yếu tố nào có thể làm cho tham ái khởi lên. Trước hết, kiêu mạn, hơn thua làm tham ái khởi nhanh nhất. Một người chưa biết giỏi hay không nhưng nếu vẫn còn kiêu mạn, lúc nào cũng thấy mình hơn người khác, chắc chắn sẽ có lúc người ấy rơi vào tham ái. Trong thực tế, trường hợp này xảy ra rất nhiều. Chẳng hạn, một người lúc đầu là cư sĩ sau đó xuất gia, có công phu tu hành rất tốt. Ai cũng phải công nhận người ấy có sở đắc trong ngộ thiền rất cao, hiểu sâu sắc Thiền ngữ. Tuy nhiên, người ấy hơi có chút hơn thua trong khi đối đáp Thiền ngữ. Lúc nào anh ta cũng muốn hơn người khác. Nhiều người thấy vậy cũng tỏ ra lo lắng và hy vọng nhờ sở đắc tâm linh, người ấy có thể giữ tâm yên ổn, tu hành chân chính một đời. Nhưng sau mười mấy năm tu tập, người đó đã vấp ngã. Mặc dù công phu vững vàng nhưng theo hệ thống tâm lý nội tiết tố thì sức định chưa cắt được sự chi phối của nội tiết tố nên người ấy đã rơi vào nghiệp tham ái. 

Vì vậy, chúng ta phải cố gắng giữ gìn. Sau này, dù giỏi bao nhiêu, dù thành công bao nhiêu, lúc nào chúng ta cũng tìm một lý luận nào đó để giữ cho mình được khiêm hạ. Có thể chúng ta quán thấy mình là cỏ rác, cát bụi để không khởi tâm kiêu mạn. Không ít người đời này không kiêu mạn nhưng vẫn sụp đổ vì đời trước đã lỡ kiêu mạn. Có thể đời trước họ không cố ý kiêu mạn, tu hành rất tốt, nhưng giáo lý nào đó khiến cho họ kiêu mạn. Nhân Quả là vậy. Nhân Quả khiến cho con người kiêu mạn đời trước đến đời này vẫn bị vấp ngã.

 Một yếu tố khác cũng làm cho tham ái bộc khởi là khi tu thiền được định, chúng ta cho rằng mức thiền định mình chứng được là cao. Nhiều người đã mắc phải điều này. Chúng ta nên nhớ, khi tu thiền, tâm bắt đầu vào định, vô số những điều vi diệu sẽ xuất hiện không thể dùng lời diễn tả được. Lúc đó, chúng ta sẽ rất thích thú vì những điều có được quá mới mẻ. Bao nhiêu năm sống làm người, một người rất bình thường, hôm nay nhiếp được tâm vào định, một chân trời mới mở ra, một cuộc sống mới mở ra vô cùng vi diệu, tự tại, trí tuệ, bình an, hạnh phúc…, chúng ta cảm thấy bị choáng ngợp. Vì bị choáng ngợp trước kết quả mới mẻ đó, chúng ta cứ ngỡ điều mình đạt được quá cao nên tự hào mình đã tự tại, đã chứng được Thánh. Nếu chỉ nói với chính mình thôi, sau này chúng ta sẽ bị tham ái khởi lên. Nếu đem điều này nói cho người khác nghe, sự tu hành của chúng ta sẽ bị sụp đổ hoàn toàn. Đây là điều mà những người tinh tấn tu thiền cần phải cảnh giác. 

Sống không lý tưởng cũng là yếu tố làm cho tham ái bộc khởi. Chúng ta đã biết, mục tiêu lớn của lý tưởng là sống vì người khác, vì lợi ích cho xã hội, cho đất nước, quê hương, cho nhân loại. Nếu một người sống không có lý tưởng, chỉ nghĩ đến bản thân mình, tâm ích kỷ sẽ phát triển và tham ái cũng phát triển theo. Người tu hành cũng vậy. Do nhân duyên đời trước, một người được vào chùa xuất gia tu tập nhưng cứ sống một cách nhàn nhã, không nghĩ gì đến Phật pháp, đến chúng sinh, không nghĩ đến lý tưởng vĩ đại của Phật pháp là sự giác ngộ, giải thoát vô biên, vô lượng... thì tâm ích kỷ sẽ dần dần phát triển và tham ái sẽ đến, không thể tránh khỏi. Đây là điều có thật. Nếu để ý, tiếp xúc với một người tu không có lý tưởng, không có mục tiêu lớn với Phật pháp, không thiết tha tu hành chỉ làm bổn phận hằng ngày của mình một cách bình thường, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh một ngày nào đó người ấy bị một “nàng thơ” xuất hiện và “êm ái trao cho một vết thương”(Thơ TTKH).

Lý tưởng và tham vọng đều là những mục tiêu lớn trong cuộc đời con người. Nhưng mục tiêu lớn của tham vọng là vì chính mình, để được vinh quang cá nhân. Tham vọng, ích kỷ cũng làm tham ái phát triển. Tham vọng của người đời là luôn mong mình có chức vụ cao, giàu có hơn người. Tham vọng của người trong đạo là sẽ trở thành Chánh đại diện tỉnh, Trưởng ban trị sự tỉnh hoặc là Hiệu trưởng, giảng sư nổi tiếng… Đó là những tham vọng cá nhân. Dù là người đời hay người tu, nếu sống vì tham vọng thì không bao lâu tham ái sẽ bộc khởi. Thực tế cho thấy, những vị lãnh tụ chính trị thật sự vì dân vì nước, sống có lý tưởng, không tham vọng, cuộc đời sẽ không vướng vào tham ái, rất nhẹ nhàng, thanh thản. Ngược lại, những vị lãnh tụ có lắm vụ “xìcăngđan”, bê bối trong chuyện tình ái lăng nhăng thường là những người có tham vọng, có mục tiêu phấn đấu để giành quyền lực. Nhờ có phước, họ đã đạt được mục tiêu lớn, bản thân được vinh quang nhưng khi vinh quang đến thì tham ái cũng xuất hiện. Nó chinh phục, chiếm hết tâm hồn khiến họ bị đổ vỡ. 

Vì vậy, sống trên đời, chúng ta phải có mục tiêu lớn nhưng mục tiêu lớn đó phải vì chúng sinh, vì Phật pháp, không được vì bản thân mình. Chúng ta không bao giờ được phép mơ ước một ngày kia mình đắc đạo để mọi người phải cúi đầu bái phục hay mơ ước một ngày kia được trụ trì ngôi chùa lớn nhất thế giới để được nhiều người biết đến vì tham vọng sẽ kéo theo tham ái hủy hoại cuộc đời tu hành của mình. 

Có người chỉ một vài lần thoát được cám dỗ đã vội tưởng mình vững vàng. Điều này cũng làm cho tham ái xuất hiện. Ví dụ, Lúc đầu, một người nào đó xinh đẹp, giàu có đến mời gọi tha thiết, người ấy từ chối được vì nghĩ việc đạo quan trọng hơn. Thời gian sau, một người khác đến cũng tha thiết không kém nhưng người ấy lại khước từ được. Khoảng vài ba lần như thế, họ cảm thấy tự hào là tâm đạo mình đã vững vàng, không bao giờ thối chuyển. Nhưng tình cờ người thứ tư xuất hiện, họ lại không vượt qua được. Đây là điều chúng ta phải cẩn thận. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, ánh nắng vàng rải nhẹ trên ngàn hoa cỏ nội; mây trắng nhè nhẹ vờn bay; chim đầu cành hót ríu rít…, chúng ta phát hiện ra trái tim mình đã thuộc về một người nào đó thì phải hiểu nguyên nhân là do sự chủ quan tưởng rằng mình đã vững. Rõ ràng, điều bất ngờ ấy xuất hiện không phải vì cô gái kia gộïi đầu bằng Pantein V hay tắm bằng Lux tím của các ngôi sao mà vì chúng ta tham vọng, kiêu mạn, chủ quan, tưởng mình đã vững vàng trước mọi cám dỗ. Chúng ta không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh mà phải tự chất vấn để thấy được những lỗi lầm của mình về đạo đức. Vì đó mới chính là nguyên nhân khiến cho tham ái khởi lên. 

Sau những thành công, được người khác ngưỡng mộ, tâm tự hào xuất hiện cũng làm cho tham ái phát khởi. Khi ra ngoài làm việc Phật pháp và gặt hái được nhiều thành công, chúng ta sẽ được nhiều người ngưỡng mộ. Đây là cũng là điều dễ ảnh hưởng đến quá trình tu hành của mình, chúng ta phải cẩn thận. Vì lúc ấy, tâm tự hào dễ xuất hiện và tham ái cũng theo đó mà đến với chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta thường thấy nhiều người khi thành công, lên đến tột đỉnh vinh quang lại bị sụp đổ. Nhìn những người đạt đến thành công mà vẫn giữ được lâu bền, chúng ta biết ngay họ là người có đạo đức sâu dày, có tâm khiêm hạ bền vững. Những người ấy thường có khuôn mặt hiền lành, bình thản. Họ sẽ còn tiếp tục thành công hơn nữa trong cuộc đời. Tất nhiên, giữ cho tâm tự hào không xuất hiện khi được người khác ngưỡng mộ là việc khó vô cùng. Điều này đòi hỏi bản lĩnh tu hành của chúng ta qua nhiều năm tháng trước khi đi đến thành công. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải tu dưỡng đạo đức, tinh tấn thiền định. 

Một yếu tố khác cũng làm cho tham ái khởi là chê bai người bị vấp ngã. Khi thấy người khác bị vấp ngã, chúng ta phải hiểu nguyên nhân là do nhiều nghiệp trước chi phối, đến lúc họ không cưỡng lại nổi vì tham ái có sức mạnh rất mãnh liệt. Tham ái đã khởi lên rồi sẽ dồn người ta vào chỗ không thể thoát ra được. Thậm chí nó khả năng chiến thắng bản năng sinh tồn (như đã nói ở phần trước). Vì vậy, khi thấy một người bị nghiệp tham ái khởi, trở nên mất tự chủ, chúng ta phải có biện pháp giúp họ vượt qua. Chúng ta không nên chê trách vì: “dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời cũng đã muộn rồi” (nhạc Ngô Thụy Miên). Nghĩa là khi thấy người ta vấp ngã, chúng ta phải hiểu đó là Nhân quả, chỉ xót xa và tìm cách giúp đỡ họ. Nếu chê bai họ, chúng ta cũng sẽ bị vấp ngã. Trong bài Khấn nguyện, chúng ta đã từng tha thiết:

Cho con biết im lặng,

Không nói lỗi của người, 

Chỉ lặng lẽ dùng lời,

Cầu cho người hết lỗi.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp những người bên ngoài có vẻ cứng rắn, mạnh mẽ nhưng bên trong lại yếu đuối. Đó cũng là một nguyên nhân làm cho con người vấp ngã. Bên ngoài phải nhu hòa, hiền lành, bên trong phải cương quyết mới có thể giúp con người vững vàng. Điều này rất phù hợp với tính chất của đạo Phật. Thông thường, người nữ vốn mềm mại, dịu dàng; người nam thì cứng rắn. Nhưng nếu tu đúng, hai tính chất này sẽ được dung hòa. Dần dần, người nữ từ nhu hòa trở nên cứng rắn và người nam từ chỗ cứng rắn bên ngoài trở nên nhu hòa hơn. Lúc ấy, cả người nam và người nữ đều có điểm giống nhau: thái độ bên ngoài hiền lành, nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng bên trong cứng như sắt đá. Nếu người nào bên ngoài mềm mỏng, bên trong cũng yếu đuối là tu chưa đúng với tiêu chuẩn của đạo Phật. Những người như vậy rất dễ bị vấp ngã. Chúng ta cũng gặp không ít người làm ra vẻ cứng cỏi, nói năng mạnh bạo, thấy phụ nữ là quay đi có vẻ bất cần nhưng thực chất, bên trong rất mềm yếu. Chỉ cần bị đối tượng “tấn công” là người ấy ngã gục ngay. 

Bởi vậy, sự cứng cỏi bên ngoài hay sự thể hiện ý chí bên ngoài thật nguy hiểm. Người thật sự có ý chí là người cứng rắn ngầm ở bên trong nhưng bên ngoài vẫn mềm mỏng. Không riêng gì nam giới, phụ nữ cũng vậy. Có khi chúng ta gặp một cô gái gương mặt trông rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ, có vẻ rất biết chịu đựng. Nhưng nếu để ý chúng ta sẽ thấy, trước một công việc nào đó, cô gái tỏ ra rất cương quyết. Nếu để công việc đem lại hiệu quả, đỡ phí phạm, cô sẵn sàng chấp nhận cực khổ làm theo cách của mình, không dễ dàng xuôi theo ý người khác. 

Một điều nữa cũng cần lưu ý là khi chịu ơn ai nhiều quá mà không đem giáo pháp đền bù được, chúng ta cũng bị tham ái ràng buộc. Ví dụ, một nữ thí chủ thường xuyên đến cúng dường thầy nào đó. Một hôm, người ấy nói: “Con đã mua một miếng đất rất lớn, con sẽ cất ngôi chùa và xin thỉnh Thầy về. Thầy cứ yên tâm tu hành, những việc khác con sẽ lo hết”. Nhưng sự thực, Thầy không bao giờ yên tâm tu được vì đã chịu ơn người ấy quá nhiều. Nếu không đem được giáo pháp tương xứng để đền bù lại ơn nghĩa ấy thì người chịu ơn phải trả bằng tham ái. Điều này đã xảy ra trong thực tế. Có người kể rằng: Một Thầy đang làm trụ trì rất tốt bỗng hoàn tục với một nữ cư sĩ. Khi được hỏi lý do tại sao, ông ta đã trả lời vì mình chịu ơn người đó quá nhiều. Khi tiếp xúc lâu ngày, tham ái khởi lên quá mạnh cùng với ơn nghĩa quá nhiều, vị thầy kia đã không cưỡng lại được. Đây là điều chúng ta nên cẩn thận. Sau này, trong cuộc đời tu hành, chúng ta đừng để phải chịu ơn người nào đó quá nhiều. Nghĩa là, lúc nào chúng ta cũng phải cố gắng siêng năng tu học để gặp ai, mình cũng có giáo pháp đền trả cho họ. Nếu không tự nói được, chúng ta có thể tìm băng, sách độ cho họ. Đừng bao giờ chịu ơn mà không đền trả, cũng đừng bao giờ chịu ơn một người nhiều quá. 

Tạo điều kiện gần gũi mãi cũng là nguyên nhân để tham ái bộc khởi. Chúng ta thường nghe một câu rất hay: “ Rong đóng đầu cầu (cầu tiêu), nhìn lâu cũng đẹp”. Bởi vậy, những người thường xuyên gặp gỡ nhau, nhìn thấy mặt nhau, dần dần sẽ nảy sinh tình cảm. Có thể trước đây, gặp người ấy, chúng ta cảm thấy bình thường. Nhưng sau một thời gian gần gũi, chúng ta bắt đầu nhận thấy nụ cười người ấy cũng có duyên, nói năng lại nhỏ nhẹ, lễ phép và lòng cảm thấy xao xuyến. Cho nên, trong giao tiếp, chúng ta nên tránh những cuộc tiếp xúc quá dài hoặc quá thường xuyên. 

Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy trong những nguyên nhân khiến tham ái khởi còn có nguyên nhân thuộc về phước. Người bị tổn phước nặng, khi nghiệp tham ái khởi, họ không còn nghĩ đến chuyện thoát ra mà chỉ hướng thẳng tới. Những người như vậy sẽ bị đọa rất lâu, không biết khi nào thoát khỏi. Còn người bị tổn phước nhẹ, khi nghiệp tham ái khởi, họ thường ray rứt, bất an và muốn tìm cách thoát ra. Lúc này, họ bị giằng xé giữa một bên là lý tưởng tu hành với một bên là tình yêu. Nếu biết phương pháp, những người như vậy vẫn thoát ra được khỏi vòng tham ái. 

Điều gì có thể giúp con người thoát khỏi tham ái? Như trên đã nói, ý chí không đủ giúp chúng ta thoát ra tham ái. Phải có thật nhiều công đức lễ Phật, sám hối, công quả một cách âm thầm, chúng ta mới dần dần thoát ra từ nội tâm đến hoàn cảnh. Nói về tham ái, ngoài đời thường xảy ra rất nhiều chuyện đau lòng. Ví dụ, một cư sĩ bao nhiêu năm ăn chay trường và lo việc Phật pháp rất nhiệt tình. Bao nhiêu tài sản, tiền bạc làm ra anh đều dành cho Phật pháp. Anh ta đã có vợ và hai con nhưng vẫn có ý định đi tu. Không ngờ, đúng vào năm anh định xuất gia, tai họa đã ập đến. Anh đã bị người khác trao cho một vết thương lòng. Không còn cách nào khác, anh ta về thú thật với vợ con là bao nhiêu năm nay anh chưa biết yêu. Đây là lần đầu tiên trong đời anh biết thế nào là tình yêu, thế nào là hạnh phúc và sự say nồng của nó. Anh xin phép được ly dị vợ và chia gia tài một cách sòng phẳng. Sau đó, anh ta sống với cô gái kia nhỏ hơn mình hai mươi lăm tuổi. Mặc dù quý Thầy khuyên rất nhiều (vì anh có duyên với các chùa và làm Phật sự rất nhiều) nhưng anh bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên ấy. Anh cho rằng, bao nhiêu năm nay anh không tìm thấy lẽ sống và hạnh phúc và đây mới là lẽ sống của cuộc đời anh. Vì vậy, anh đã bất chấp tất cả để chạy theo tiếng gọi của tình yêu, chạy theo lẽ sống của mình, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm vui buồn của một thời. 

Tham ái có sức mạnh thật kinh khủng như vậy! Một người bao nhiêu năm ăn chay, khắc kỷ làm công đức, có giáo lý rất vững, có thể thuyết về Bát Nhã thao thao bất tuyệt như vậy cuối cùng cũng bị tham ái làm cho ngã gục. Có lẽ anh ta đã tạo nghiệp gì quá nặng. Nhưng chúng ta hy vọng, những việc phước đã làm đối với Phật pháp sẽ có ngày giúp anh thức tỉnh, quay lại với gia đình. Như vậy, muốn thoát khỏi tham ái, chúng ta phải tích lũy thật nhiều công đức. Nhiều người chỉ lo học, không chịu tích lũy công đức sẽ dễ bị tham ái chi phối và khi tham ái đã khởi, họ không thoát ra được. 

Song song với các công đức đó, chúng ta phải tọa thiền đều đặn để tìm cái Định sâu đủ phá được tham ái nằm sâu trong Hành Ấm. Lúc nào đạt được Định có thể cắt được đường nối giữa nội tiết tố và tâm lý, lúc đó chúng ta mới yên tâm rằng mình đã vững vàng, có thể thoát được tham ái thật sự. Nếu chưa có sức Định như vậy, chúng ta phải hiểu kiêu mạn và tham ái trong tâm mình vẫn chưa hết và phải luôn luôn cẩn thận. 

Điều cuối cùng là chúng ta phải kiểm soát tâm vị kỷ thầm kín của mình, đừng bao giờ để tâm vị kỷ lường gạt một cách vi tế. Muốn được như vậy, chúng ta phải dành trọn cuộc đời cho Phật pháp, cố gắng sống hoàn toàn vị tha. Vì nếu sống vì cá nhân mình, tham ái sẽ theo đó mà khởi phát. 

5. NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG BÌNH THƯỜNG.

Đồng tính luyến ái là một hiện tượng không bình thường. Đây là trường hợp người cùng phái thương yêu nhau. Hiện nay, hiện tượng này xảy ra rất nhiều trong xã hội Việt Nam cũng như các nước phương Tây. Ở một số nước, người ta lên án vì cho rằng điều này không hợp với đạo lý, không có đạo đức. Nhưng bản thân những người trong cuộc lại cảm thấy rất bình thường. Họ vẫn yêu nhau say đắm, vẫn ghen tuông, hờn giận mà không cảm thấy có gì tội lỗi. Gần đây, khoa học phát hiện ra đây là một loại tật nằm trong não. Vì là tật nằm trong não nên thương một người cùng giới tính, người ta vẫn thấy bình thường. 

Trong đạo Phật, chúng ta gọi đó là người có nghiệp rất nặng. Vì tham ái đã vượt ra khỏi khuôn phép bình thường. Những người bị bệnh đồng tính luyến ái không được phép xuất gia, trừ những người đã tu tập rất lâu và đã vượt qua điều đó. Thực ra, trong cộng đồng tu sĩ nữ cũng như nam, hiện tượng này đã xuất hiện một cách thầm kín nhưng ít bị phát hiện. Tuy nhiên, những người bị bệnh này phải hiểu là nghiệp rất nặng và không được duy trì, phải sám hối rất nhiều để vượt qua. 

Hiện nay, có những giáo phái cho phép tu sĩ có gia đình. Vì họ nghĩ rằng, việc có gia đình không ảnh hưởng gì đến việc tu, thậm chí còn giúp tu sĩ yên tâm tu hành. Sự thực, điều này không đơn giản như vậy. Nếu bị tổn phước nặng, nghiệp tham ái vẫn khiến người ta vượt khỏi giới hạn cho phép. Có khi họ không chấp nhận cuộc sống một vợ mà còn cưới thêm hai, ba nguời nữa. Nhìn vào cuộc sống của người thế gian, chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Nhà nước cho phép một vợ một chồng nhưng khi đã tổn phước, bị nghiệp tham ái khởi, người ta vẫn vượt ra ngoài khuôn phép, đi tìm thêm người khác nữa. Thậm chí, có cụ già bảy mươi tuổi vẫn đòi cưới vợ lần thứ ba. Đây là nghiệp do làm điều gì đó tổn phước, cũng là một sự trừng phạt chứ không phải là điều hạnh phúc như nhiều người vẫn nghĩ.

Trong cuộc sống, những yếu tố như văn hoá phẩm uỷ mỵ, đồi trụy cũng là một tác nhân đáng sợ. Hiện nay, nhiều cuốn phim “sex” vẫn được lén lút truyền cho nhau xem khiến con người bị kích động, đạo đức sụp đổ, lòng tham muốn tình dục trỗi dậy. Đó là nguyên nhân dẫn đến những vụ tội phạm tính dục như cưỡng dâm, mại dâm, lạm dụng tình dục ở trẻ em… Theo quy luật tình cảm, tham ái xuất hiện trước, tham dục mới đến sau nghĩa là có tình yêu thương mới dẫn đến tính dục. Nhưng với một số người, tham dục nặng đến nổi không cần tình cảm, không cần tình yêu, người ta chỉ dùng sức mạnh bạo lực để thỏa mãn tham dục. Những người như vậy, phước đã tổn rất nặng. 

Nếu những hiện tượng đó lan tràn nghĩa là Đạo đức xã hội đang xuống dốc nghiêm trọng. Là người tu, chúng ta phải thấy trách nhiệm của mình. Nghĩa là phải cố gắng tu hành, không để tham ái chi phối. Mặt khác, chúng ta cố gắng xây dựng Đạo đức cho xã hội. Sở dĩ người ta cứ trôi mãi, trôi mãi trong vòng tham ái, tham dục làm cho xã hội bị xáo trộn vì họ không biết cách tu dưỡng đạo đức, không biết cách nâng cao công đức của mình. Chúng ta phải giúp họ biết lạy Phật, biết thương yêu mọi người, biết sống khiêm tốn, không ích kỷ… Có như vậy, Đạo đức xã hội mới được nâng cao và tránh được những chuyện đau lòng.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2165)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8176)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3007)