1 Phía Sau Thân Xác Và Giới Tính Là Sự Thèm Khát...

02 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 23381)

1
Phía sau thân xác và giới tính
là sự thèm khát...

Phippe Cornu
Hoang Phong chuyển ngữ

 Phật giáo không áp đặt một quy luật nào cho xã hội con người, không hề làm luật cũng không thiết đặt một nền luân lý mang tính cách tập thể nào cả. Phật giáo hướng vào cá nhân con người, khuyên con người nên chọn cho mình cách sống như thế nào và cách tu tập ra sao để diệt trừ khổ đau và tự giải thoát khỏi những trói buộc của sự hiện hữu. Vì thế những lời giáo huấn của Đức Phật (thế kỷ thứ V trước Giê-su) có nói đến tính dục, đấy là những lời khuyên bảo mang tính cách cá nhân, tuyệt nhiên không phải những phán lệnh áp đặt cho toàn thể xã hội con người.

 Theo giáo lý của Phật giáo cổ truyền (nguyên thủy), tính dục cũng như tất cả những gì liên hệ đến thân xác và lạc thú phát sinh từ giác cảm đều được nhìn dưới khía cạnh của sự thèm khát và bám víu phát sinh từ sự ham muốn, khổ đau sẽ phát sinh từ những thứ xúc cảm ấy không tránh khỏi được. Tính dục thường được nêu lên như là một mối nguy hiểm hoặc như mặt đất trơn trợt xô con người rơi vào sự đày đọa của dục vọng và khổ đau.

Quy luật vô thường

  Đức Phật nêu lên khái niệm về Bốn Sự thật Cao quý (Tứ Diệu Đế) làm nền tảng cho giáo lý của Ngài, giáo lý đó nhấn mạnh trước hết đến bản chất của khổ đau bàng bạc khắp nơi và không thể nào tránh khỏi (sự thật thứ nhất). Sau đó Ngài giải thích nguồn gốc làm phát sinh ra khổ đau (sự thật thứ hai), đấy là sự thèm khát, trong đó có sự ham muốn quá độ các lạc thú tính dục, mong muốn tìm được mãi những lạc thú ấy, kể cả sự ham muốn tìm thấy sự hủy-diệt và sự phi-hiện-hữu [tức mong muốn loại bỏ những gì mình không thích và những gì tệ hại có thể xảy ra]. Tại sao Phật giáo lại kết án sự thèm khát ? Vì Phật giáo xem đó là sản phẩm của vô minh - có nghĩa là không hiểu mình và bản chất của sự hiện hữu của chính mình là gì. Tác động của vô minh mang lại một thứ cảm tính về một "cái ngã" tự tại, cảm tính đó được củng cố vững chắc thêm dựa vào các kỷ niệm, thói quen, những thứ tình cảm quen thuộc thường xảy ra trong tâm thức và nhất là sự bám víu vào thân xác của mình. Thế nhưng tất cả những thứ ấy thật phù du, vì thế để cưỡng lại sự phù du ấy ta càng tìm cách củng cố thêm cảm tính về "cái tôi" trường tồn bằng cách gia tăng thêm các cảm nhận lạc thú và luôn phóng nhìn vào tương lai. Tiếc thay cách kéo dài và bảo vệ "cái tôi" ấy chỉ hoài công, bởi vì không thể nào tránh né được quy luật của vô thường. Già nua, bệnh tật và cái chết cho thấy vô thường lúc nào cũng hiển nhiên ra đó.

 Tính dục liên hệ trực tiếp đến sự cảm nhận của thân xác. Thế nhưng thân xác lại là sản phẩm phát sinh từ nghiệp trong quá khứ, tức là hậu quả phát sinh từ các hành động của mình từ trước. Thân xác thường được ví như một cỗ xe quý giá, một phương tiện đưa đến giác ngộ, thế nhưng thân xác cũng được mô tả như một gánh nặng hay nguyên nhân làm phát sinh dâm dục và mọi thứ lo lắng khác, cản trở đời sống tâm linh của chính mình. Vậy hai cách hình dung ấy có mâu thuẫn với nhau hay không ? Hoàn toàn không ! Bởi vì mọi khó khăn đều phát sinh từ sự bám víu do chính mình tạo ra cho thân xác nhưng tuyệt nhiên không phải thân xác tự tạo ra những khó khăn ấy cho nó. Thân xác nhờ có ngũ giác nhận biết được sự tiếp xúc phát sinh từ sự cảm nhận, dù đấy là sự cảm nhận thích thú, khó chịu hay trung hòa, vì thế tự nó thân xác chỉ đơn giản là một cửa ngõ tiếp nhận các thứ giác cảm. Trong số đó giác cảm tính dục là một trong những thứ giác cảm thích thú nhất mà thân xác có thể mang lại cho ta. Sự kiện cảm nhận thích thú không có gì tệ hại cả..., nếu như sự cảm nhận ấy không gây ra bám víu và thèm khát quá đáng : tức muốn được thích thú nhiều hơn nữa. Vì thế mọi thứ khó khăn xảy ra là do phản ứng của ta đối với sự thích thú, nhưng tuyệt nhiên không phải do chính sự thích thú, tóm lại sự thèm khát thích thú và muốn tiếp tục được cảm nhận sự thích thú mới chính là nguyên nhân của khổ đau. Sự thèm khát và ham muốn đó làm phát sinh một loạt đủ mọi thứ dục vọng - chiếm giữ, ghen tuông , tức giận, oán hờn - chúng thay nhau hành hạ ta và khiến ta bị mù quáng. Đấy là các thứ dục vọng gây ra tội lỗi. Thế nhưng tội lỗi phát sinh từ đâu ? Từ trong tâm thức của chính mình.

 Điểm then chốt trong giáo lý Phật giáo là thân xác gánh chịu sự kiểm soát của tâm thức. Thân xác và lạc thú tính dục không giữ một vai trò chủ động nào cả. Chính sự bám víu của tâm thức là nguyên nhân làm bùng lên đủ mọi thứ dục vọng, và dục vọng là nguyên nhân của khổ đau. Sự thèm khát là động cơ chủ yếu tạo ra các phản ứng trong tâm thức. Dù cho chữ "ham muốn" (thèm khát, khát vọng, ước mong : désir - desire) trong ngôn ngữ Tây phương phản ảnh khá trung thực ý nghĩa của chữ Phạn "râga", thế nhưng cũng cần phải hiểu đối với Phật giáo chữ "râga" (ham muốn, thèm khát) không hề mang sắc thái tích cực như trường hợp của chữ "ham muốn" (désir - desire ) trong ngôn ngữ Tây phương. Kinh sách định nghĩa chữ "râga" như sau : " Đấy là sự ham-muốn-bám-víu, có nghĩa vừa là sự bám-víu cực mạnh vào sự hiện hữu và các vật thể chiếm hữu khác vừa là sự thèm-muốn do tất cả các thứ ấy tạo ra. Tác động của nó làm phát sinh mọi thứ khổ đau". Cách định nghĩa trên đây cho thấy tính cách cảnh giác khía cạnh tiêu cực trong ý nghĩa của chữ ham-muốn. Thế nhưng trong tư tưởng Tây phương, ham-muốn (désir - desire) được hiểu như một trạng thái căng thẳng thúc đẩy con người hành động, trạng thái ấy trên một khía cạnh nào đó có thể mang lại sự sáng tạo và những phẩm tính thượng thặng, chẳng hạn như sự "mong-muốn của Trời" hay của người nghệ sĩ khi sáng tạo, nhưng đồng thời ham-muốn (désir - desire) cũng có nghĩa là một động lực xô ta vào khổ đau của dục vọng. Vì thế ý nghĩa của chữ ham-muốn trong ngôn ngữ Tây phương không được minh bạch, thí dụ như "ham muốn tình yêu" có thể hiểu như một sự khích lệ, dù rằng hậu quả do sự ham-muốn đó mang lại lắm khi chỉ là sự tàn phá. Giáo lý Phật giáo luôn chú trọng đến phương pháp phân tích và cho rằng ham-muốn-bám-víu chỉ là một thứ nọc độc của tâm thức, tuy nhiên Phật giáo rất cẩn thận và cũng nghĩ đến một trường hợp khác là ham-muốn-khát-vọng tức là một yếu tố tâm thần tương tợ với ý nghĩa ham-muốn-thúc-đẩy của người Tây phương.

 Tính dục tự nó không có gì để chê trách, chính tâm thức mới là những gì phải lên án khi nó bị lạc thú làm mù quáng và biến nó thành một mảnh đất thuận lợi giúp các thứ nọc độc tâm thần phát sinh. Tính dục là một thể dạng trao đổi giữa hai con người mang lại cơ hội thuận lợi giúp cho họ đón nhận nhau, chỉ khi nào có sự chiếm hữu, thèm khát quá đáng và ham muốn thỏa mãn xen vào thì khi đó tính dục mới trở thành ích kỷ và làm phát sinh ra khổ đau. Đấy là thông điệp chính yếu của Phật giáo. Phật giáo không quan tâm đến việc nối dõi tông đường hay hôn phối vì đấy chỉ là các thể dạng trói buộc trong cuộc sống, các mối tương giao giữa con người và sự khống chế của sinh lý. 

 Dưới nhãn quan Phật giáo, hôn nhân không mang tính cách thiêng liêng, không cần đến các lễ nghi ban phép lành. Giáo lý nhà Phật chỉ đòi hỏi phải có sự tương kính, hy sinh cho nhau và tránh mọi hung bạo. Phật giáo không hề xem thân xác và thế giới này là những gì xấu xa, Đức Phật chủ trương con đường trung đạo bác bỏ mọi hình thức khổ hạnh và hành xác có nghĩa là giữ đúng vị thế giữa hai thái cực, một bên là đời sống thế tục một bên là sự khắc nghiệt của khổ hạnh, sự khắc nghiệt ấy chỉ đày đọa thêm cho thân xác nhưng không mang lại một sự giải thoát nào. Ý thức được bổn phận của mình tức là cách giữ gìn đạo đức tính dục, hôn nhân không phải là một sự chiếm đoạt. Đối với những người chưa thấu triệt đạo lý, đời sống tính dục sẽ biến thành động cơ chính yếu thúc đẩy sự vận hành của khổ đau trong chu kỳ hiện hữu (thế giới ta-bà), đấy là điều mà Phật giáo chủ trương phải ra thoát. Dựa trên quan điểm đó người Phật giáo tại gia phải biết kính trọng mình và người khác và người tu hành khi đã xa lánh cuộc sống thế tục phải tuyệt đối tránh các hành vi tính dục. Thế nhưng Phật giáo Đại thừa có vẻ cởi mở hơn so với sự khắt khe của Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông). Trong học phái Tan-tra thừa tính dục được chuyển thành một hình thức tập luyện Du-già và được xem như một phương pháp mang lại Giác ngộ. Nói chung Phật giáo giữ một thái độ rất phóng khoáng đối với vấn đề tính dục.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2224)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8274)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3058)