1. Tổng Thuyết

12 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 16876)
TỔNG THUYẾT

I.- PHẬT GIÁO

Thế nào gọi là Phật giáo. Là giáo pháp do đức Phật Thích Ca lập ra vậy.

Người lập ra giáo pháp, ấy là đức Phật Thích Ca. Giáo pháp của Phật nói ra gọi là Pháp. Những vị Tỷ-kheo theo giáo pháp mà tu hành, mà truyền bá gọi là Tăng. Phật, Pháp, Tăng gọi là Tam bảo.

Phật : Nói cho đủ theo tiếng Phạn là Phật-đà (Bouddha). Trung Hoa dịch là Giác giả, nghĩa là bậc đã giác ngộ. Phật đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành, tự mình đã giác ngộ hoàn toàn, lại đem phương pháp giác ngộ ấy, dạy người tu hành để được giác ngộ như mình. Phật có vô lượng phước huệ, vô lượng công đức, vô lượng giác hạnh đã đầy đủ. Phật không như người phàm phu tâm còn mê muội, luân hồi trong cõi trần lao; cũng không như bậc Tiểu thừa, chỉ có thể giải thoát cho mình, chứ không thể giải thoát được tất cả chúng sinh đương chìm đắm; lại cũng khác với Bồ-tát, vì Bồ-tát tuy vẫn tự giác ngộ phần mình, và cũng giác ngộ cho người, nhưng chưa được viên mãn. Chỉ có Phật là Bậc tự giác, giác tha, giác hạnh, viên mãn, nên gọi là Phật.

Pháp : Tiếng Phạn gọi là Đạt-ma (Dharma), nghĩa là phương pháp. Phật nói ra vô lượng pháp môn, để chúng sinh noi theo mà tu hành, diệt trừ các sự mê muội khổ não, chứng được cõi thanh tịnh yên vui, nghĩa là được giác ngộ thành Phật. Như ba tạng; Kinh, Luật, Luận, đều gọi là pháp cả.

Tăng : Nói cho đủ theo tiếng Phạn là Tăng-già (Shanga), nghĩa là một đoàn thể - chỉ riêng các vị Tỷ-kheo-thường ở cùng nhau, hòa hiệp cùng nhau, cùng nhau y theo giáo pháp của Phật dạy mà tu hành, mà truyền bá nên gọi là Tăng.

II.- ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

Đức Phật Thích-ca-Mâu-ni, nguyên là vị Thái tử ở nước Ca-tỳ-la (Kapilavastu), Trung Ấn Độ. Phụ hoàng tên là Tịnh Phạn (Suddhodana), Mẫu hoàng tên là Ma-da (Maya). Họ Ngài là Kiều-đáp-ma (xưa dịch là Cù Đàm), tên là Tất-đạt-đa (Siddhartha), Còn chữ Thích-ca (Sakya) cũng là cái tên của một chủng tộc, dịch nghĩa là Năng-nhơn ([1]) Mâu-ni Muni là tiếng khen ngợi, dịch nghĩa là Tịch-mặc ([2]). Ngài lúc nhỏ có trí huệ sáng suốt, và các tài năng phi thường. Lớn lên Ngài nhìn thấy nhơn sanh là thống khổ, thế cục là vô thường, nên Ngài quả quyết xuất gia tu đạo, tìm đường giải thoát cho mình và cho người, hầu dẫn dắt tất cả chúng sinh lên bờ giác ngộ. Sau khi khổ hạnh([3]) sáu năm trong non tuyết (Hy-mã-lạp-Hymalaya), Ngài tự biết nếu chỉ biết tu khổ hạnh cũng chưa đạt được mục đích cứu kính, nên Ngài đi qua núi Kada, ngồi dướI gốc Bồ-đề, và thề rằng : “Nếu ngồi tu luyện đây mà không thành đạo, Ta thề quyết không bao giờ chịu đứng dậy”. Vì chí khí hùng vĩ, cương quyết ấy nên Ngài tu chưa bao lâu đã chứng rõ được chơn tướng của vũ trụ, thành đạo Bồ-đề. Từ đó, Ngài bắt đầu nói pháp độ sanh, trải 45 năm ([4]) . Sau ở thành Câu-thi-na, trong rừng Ta-la song thọ, mà nhập Niết-bàn. Ngài thọ thế được 80 năm.
 

([1]) Hay làm điều nhơn từ.
([2]) Tánh ưa về sự yên tĩnh.
([3]) Tu hành các pháp rất khó nhọc.
(4) Có thuyết nói 49 năm nay theo thuyết về Nam Phương Phật giáo (lịch sử Phật giáo có nhiều thuyết).
 

III.- KIẾT TẬP KINH ĐIỂN

Sau khi Phật nhập Niết-bàn, các đệ tử nhóm họp lại biên tập những lời Phật dạy để truyền bá cho đời. Chia ra bốn thời kỳ:

Thời kỳ thứ 1 : Chúng đệ tử chừng 500 người, nhóm họp ở nước Ma-kiệt-đà thành Vương-xá, núi Kỳ-xà-quật, do ngài Ca Diếp chủ trì. Ngài A-nan thuật lại kinh giáo của Phật đã dạy từ trước mà ngài đã cố sức nhớ, giữ gìn đành rành không sai một mảy; còn Ngài Ưu-ba-ly thì thuật lại những giới luật của Phật đã chế khi Phật còn ở đời. Thời kỳ này gọi là thời kỳ kiết tập thứ nhất, cũng gọi là thời kỳ ngũ bách La-hán kiết tập, vì thời kỳ kiết tập này, có 500 vị đệ tử dự đều là những vị đã tu hành chứng được quả A-la-hán.

Thời kỳ thứ 2 : Sau đó 100 năm, các vị Tỳ-kheo cũng nhóm nhau lại được 700 người tại thành Tỳ-xá-ly, để kiết tập lời Phật dạy. Thời kỳ kiết tập này, chỉ chuyên giải quyết về những nghi án trong giới luật mà thôi.

Thời kỳ thứ 3 : Sau 100 năm nữa, khi vua A-dục tức vị, triệu tập cả thảy 1000 vị đại đức Tỳ-kheo ở nơi thành Hoa Thị, tổ chức biên tập thành giáo điển. Kỳ kiết tập này do ngài Mục-kiền-liên làm Chủ tịch.

Thời kỳ thứ 4 : Trải qua ba thời kỳ ấy, nghĩa là sau khi Phật nhập diệt chừng 500 năm, vua Ca-nị-sắc-ca cũng triệu tập 500 vị Bồ-tát, 500 vị Tỳ-kheo cùng 500 người tại gia cư sĩ, nhóm nhau nơi thành Ca-thấp-di-la, cũng là kiết tập lời Phật dạy; kỳ này ngài Hiếp Tôn giả và ngài Thế Hữu làm Chủ tịch.

Kỳ kiết tập thứ 1 chưa cần đến sự biên chép, nghĩa là chỉ nhóm chúng lại, rồi đọc tụng để xét định câu kéo, lời lẽ, mạch lạc đó thôi. Thời kỳ thứ hai cũng vậy. Đến thời kỳ thứ ba với thứ tư mới dùng văn tự biên chép thành sách vở. Sau hai lần kiết tập này, kết quả kinh điển của Phật thành 2 thứ văn là: văn Pali và văn Phạn.

Các kinh điển về văn Pali thì truyền bá qua Nam phương, lấy đảo Tích Lan (Sri-Lanka) làm trung tâm điểm. Còn lại thì rải rác qua các nước Miến Điện, Xiêm La (Thái Lan), Lào, Cao Mên (Campuchia), v.v... gọi là Nam phương Phật giáo.

Còn kinh điển về chữ Phạn thì truyền bá qua Bắc phương, lấy Trung Ấn Độ (hiện nay là Népal), Tây Tạng, và các nước ở Ấn Độ cùng Trung Quốc làm trung tâm điểm, rồi truyền lần đến các nước Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam v.v... gọi là Bắc phương Phật giáo.

Sở dĩ gọi là Nam phương Phật giáo, Bắc phương Phật giáo, là theo địa lý mà nói, chứ ý nghĩa không phải vạch chia Nam phương là Tiểu thừa, Bắc phương là Đại thừa. Chẳng qua Phật giáo ở Bắc phương phần nhiều đi về lối tung hoành, phát triển, mà Nam phương thì hình như theo lối đời nguyên thỉ của Phật giáo - tức là Phật giáo lúc ban đầu.

Cũng vì trong các thời kỳ kiết tập, dùng lời nói, câu văn không giống nhau, và lối truyền bá ra các nơi khác nhau, nên đối với kinh điển kiếp tập của hai bên - tuy chỗ nghĩa lý cốt yếu thì vẫn như nhau - thoảng hoặc cũng có chỗ khác nhau. 
 

IV.- BA TẠNG KINH ĐIỂN

Kinh điển của Phật giáo chia ra làm ba loại, người ta thường gọi là Tam tạng: Kinh, Luật, Luận.

Kinh là những pháp về giáo, lý, gỉải, hạnh do Phật nói ra, hợp với chơn lý, hợp với căn cơ, để dạy cho các đệ tự tu hành, dứt trừ phiền não. Luật là những giới luật của Phật chế ra, cũng để cho các đệ tử răn bỏ các điều dữ, tu tập các điều lành, cần giữ thân tâm thanh tịnh. Luận là bàn luận, là những sách phần nhiều do các đệ tử Phật làm ra, để phát huy lý nghĩa mầu nhiệm trong kinh luật, hoặc quyết đoán tánh, tướng([1]) của các pháp, phân biện những lẽ phải chẳng của chánh đạo và tà đạo, khiến cho người học đạo khỏi nhận lầm.

Kinh, Luật, Luận sở sĩ gọi là Tam tạng, vì chữ “tạng” là trùm chứa, nghĩa là nói trong ba tạng kinh điển, trùm chứa đủ toàn bộ giáo lý của Phật giáo vậy.

Trong ba tạng, chỉ riêng về giáo pháp của Phật thuyết ra, thì gọi là Kinh (chữ kinh theo nghĩa hẹp), còn bao nhiêu thì hoặc gọi là Luật hay Luận. Nhưng ba tạng đều là kinh điển của Phật giáo, đều có quan hệ với lời của Phật thuyết, nên cũng thường gọi là Tạng kinh (chữ kinh theo nghĩa rộng), ấy thế, nên lại có những danh từ thông thường gọi là Nhất thế kinh hoặc Đại tạng kinh v.v...

([1]) Các pháp có tánh tướng khác nhau, tánh là thế tánh Ẩ tướng là sự tướng. Ví dụ: Tánh ước của nước là thể tánh, sóng mới là sự tướng. 

V.- 12 BỘ

Trong ba tạng kinh điển của Phật, y theo thể tài, có thể chia ra làm 12 bộ loại, Trung Hoa thường gọi là “Thập nhị bộ phần giáo”.
 

1.- Tu-đà-la Sutra : Trung Hoa dịch là kinh, hoặc khế kinh. Chữ ‘khế’ nghĩa là hiệp, là nói kinh điển của Phật dạy, rất hiệp với chân lý và căn cơ của chúng sinh. Lại cũng gọi là trường hàng tục ta thường gọi là tản văn, văn xuôi, nghĩa là một lối văn chỉ nói ngay những ý nghĩ của mình, tùy theo nghĩa lý mà đọc ra câu văn dài hay ngắn; những lối văn ấy không sửa soạn lắm như những lối văn từ phú.

2.- Kỳ dạ (Ceya), hoặc gọi là trùng tụng : lối văn này chỉ thuật lại những ý nghĩa của văn trường hàng nói trên. Lối văn này lấy cùng 8 chữ làm một câu, 4 câu làm một bài gọi la “bài kệ”. Lại có khi dùng 5 chữ, 7 chữ làm một câu tùy ý.

3.- Thọ ký, là những kinh Phật thọ ký chứng nhận cho các vị Bồ-tát, các bậc Thanh văn đệ tử, sẽ được làm Phật sau này. 

4.- Dà-đà (Dâthâ), hoặc gọi là phúng tụng, hay là cô khỉ, nghĩa là không thuật lại những văn trường hàng như trên, mà chỉ làm ngay từng bài kệ mà thôi. Lối văn này lấy bốn câu làm một bài kệ.

5.- Ưu-đà-na (Udâna), Trung Hoa dịch là Vô vấn tự thuyết, nghĩa là những kinh do Phật lấy trí huệ xem xét căn cơ chúng sinh, rồi Ngài tự nói pháp ra, không đợi phải có người thưa thỉnh yêu cầu mới nói.

6.- Ni-đà-na (Nidâna), Trung Hoa dịch là nhơn duyên, là những kinh văn nói về nhơn duyên gặp Phật nghe pháp, hoặc nói những chỗ có nhơn duyên mà Phật đến hóa độ, hơn nữa là những kinh văn Phật dạy về lý căn bản duyên khởi của vũ trụ.

7.- A-ka-đà-na (Avandâna), nghĩa là ví dụ. Pháp của Phật nói ra rất mầu nhiệm, người căn trí thấp khó mà thấu đặng, nên phải ví dụ cho người dễ hiểu, tức như những lời ví dụ trong các kinh điển.

8.- Y-đế-mục-ba-dà (stvtaka), Trung Hoa dịch là bổn sự, là những kinh văn Phật nói chỗ tu nhơn của các vị Bồ-tát, đệ tử về những đời quá khứ vậy.

9.- Xà-đà-dà (Jataka), Trung Hoa dịch là bổn sanh, là những kinh văn Phật dạy về nhơn duyên thọ sanh từ đời quá khứ của Phật và các Bồ-tát đệ tử vậy.

10.- Tỳ-phật-lược (Vaipulia), Trung Hoa dịch là Phương quảng, nghĩa là những kinh điển thuộc về Đại thừa phương đẳng, đủ cả nghĩa lý rộng lớn cao thượng và thâm thúy.

11.- A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma), Trung Hoa dịch là Vị tằng hữu, là những kinh văn nói về thần lực của Phật thị hiện những việc bất tư nghị trong những khi nói pháp, là những cảnh giới mà trí người phàm không thể hiểu được.

12.- Ưu-ba-đề-xá (Upadésa), nghĩa là luận nghị, là lối văn có tánh cách vấn đáp và biện luận cho rõ các lẽ tà chánh vậy.

Tuy chia làm 12 bộ như trên, nhưng chỉ có Tu-đa-la, Kỳ-dạ và Dà-đà, 3 bộ ấy là thể tài chính thức của các kinh giáo, còn 9 bộ kia chẳng qua là theo các điều kiện chép ở trong kinh mà lập ra vậy thôi.

Trong 12 phần giáo này, không phải kinh nào cũng đủ cả, mà có kinh chỉ có 1, 2 phần, có kinh có đến 5, 6 phần chẳng hạn; ấy là tùy theo thời tiết cơ duyên mà có sai khác vậy.
 

VI.- ĐẠI THỪA, TIỂU THỪA: NHỊ TẠNG

Căn cơ của chúng sinh có cao thấp khác nhau, nên pháp của Phật cũng tùy theo đó mà chia ra có Đại thừa và Tiểu thừa.

Chữ “thừa” nghĩa là chuyên chở, nghĩa là nói: Giáo lý của Phật dạy đủ các công năng, phương pháp, dắt đường chỉ lối, và chuyên chở chúng sinh từ nơi cõi trần lao phiền não, bước tới cảnh giới thanh tịnh yên vui, từ trong biển luân hồi cho tới Niết-bàn giải thoát, nên gọi là “thừa”.

Những kinh điển về Đại thừa, thì gọi là Bồ-tát tạng; những kinh điển về Tiểu thừa, thì gọi là Thanh văn tạng; cho nên gọi là nhị tạng.

Đại thừa và Tiểu thừa đều có kinh, luật, luận. Kinh Đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v... Luật Đại thừa như Phạm Võng, Đại thừa Giới kinh v.v... Luận Đại thừa như Khởi tín luận, Đại thừa A-tỳ-đạt-ma Tạp tập luận, Đại trí độ luận v.v... Còn những kinh về Tiểu thừa, như kinh Trường A-hàm, Tăng Nhất A-hàm; về Luật như Tứ phần luật, Ngũ phần luật, và Thập tụng luật v.v... Luận như Luận Câu-xá, Luận Thành thật v.v...

Đại thừa và Tiểu thừa sở dĩ vạch chia làm hai, là vì tâm lượngg của Tiểu thừa quan niệm chỉ cầu sự giải thoát riêng về phần mình mà thôi. Còn Đại thừa thì tâm trí rất rộng lớn, hy sinh mình vì sự lợi người, hoàn toàn y theo chủ nghĩa từ bi bình đẳng của Phật mà cứu độ tất cả chúng sinh.

Lại nữa, người tu Tiểu thừa phần nhiều tâm trí chán sự khổ não sanh tử, cầu vui đạo Niết-bàn giải thoát; còn Đại thừa đủ có trí tuệ rõ biết phiền não sanh tử là như huyễn hóa, nên không bị nó ràng buộc hay bị xoay chuyển ở trong vòng sanh tử như chúng sinh, không an vui cảnh Niết-bàn như Tiểu thừa, nên thường độ sanh mà tâm bao giờ cũng thanh tịnh, hạnh nguyện rộng lớn không bao giờ nghỉ.

Vả lại, Tiểu thừa tu hành, chỉ phá trừ được ngã chấp - là cái chấp có ta - chứ chưa trừ được các pháp chấp - cái chấp sự vật trong vũ trụ là thật có - Đến như Đại thừa thì khác hẳn: phá trừ cả ngã chấp và pháp chấp trực nhận sự sự vật vật trong vũ trụ đều do tâm mình biến hiện. Nên cực quả của Tiểu thừa chứng đến A-la-hán là cùng, mà Đại thừa thì đến quả Phật, viên mãn cứu kính.
 

VII.- NHỊ THỪA, TAM THỪA VÀ NHẤT THỪA

Trong Tiểu thừa lại chia ra làm hai là: Thanh văn và Duyên giác. Những người nào trực tiếp hay gián tiếp nghe âm thanh của Phật hoặc học theo giáo pháp của Phật về Tứ đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) mà tù hành, mà chứng ngộ thì gọi là Thanh văn. Còn những người tự mình đủ có trí tuệ, hoặc nương nơi giáo pháp, xét biết trong từ thân tâm mình, ngoài đến tất cả sự vật trong vũ trụ, không một vật gì không có nhơn duyên mà sanh ra nên y theo pháp quán Thập nhị nhơn duyên mà tu hành, mà chứng ngộ, thời gọi là Duyên giác.

Nay lược thuật những chỗ đồng, dị của Thanh văn, Duyên giác như dưới này:

1.- Những chỗ dị - Căn cơ của Thanh văn thì ám độn, mà Duyên giác thì lành lợi nên Thanh văn phải theo giáo pháp của Phật dạy mà chứng ngộ, còn Duyên giác thì phần nhiều tự nương trí mình mà giác ngộ. Thanh văn tu pháp Tứ đế, Duyên giác thì tu phép quán Thập nhị nhơn duyên([1]), Thanh văn chia ra 4 quả (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán), mà Duyên giác chỉ có một quả vị thôi, là Duyên giác, hay Tịch chi Phật([2]).

2.- Những chỗ đồng - Thanh văn và Duyên giác đồng diệt trừ phiền não chướng, đồng ngộ lý sanh Không (tức là phá trừ được ngã chap), đồng chứng đạo quả Niết-bàn.

Trong kinh điển của Phật hay gọi là nhị thừa, tức là chỉ cho hàng Thanh văn và Duyên giác vậy.

Nhị thừa lại có chia ra làm 2 loại : 1.- Những người trong đời này tu Tiểu thừa, chỉ chuyên vui cảnh giới Niết-bàn của mình mà không phát tâm tu học Đại thừa, thì gọi là ngu pháp nhị thừa (còn pháp chấp) hay độn A-la-hán. 2.- Còn như người biết hồi tâm theo pháp Đại thừa, phát nguyện ra làm việc lợi ích cho chúng sinh, lấy sự vui khổ của chúng sinh làm sự vui khổ của mình mà tự mình không bị sự vui khổ ràng buộc, tức là tu hạnh vị Bồ-tát, thì gọi là bất ngu pháp nhị thừa (không còn pháp chap), hoặc là hồi tâm A-la-hán.

Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, gọi chung là tam thừa. Sở dĩ có tam thừa, chẳng qua là phương tiện của Phật. Tùy theo tâm trí chúng sinh sáng tối khác nhau mà nói ra đó thôi, kỳ thật đều qui về một Phật thừa cả. Nên kinh Pháp Hoa có câu : “Trong mười phương các cõi Phật, chỉ có pháp nhất thừa mà thôi, không 2 cũng không 3, trừ ra khi Phật dùng phương tiện nói ra”. 

Lại có câu : “Các đức Phật dùng phương tiện, trong một Phật thừa mà phân biệt nói ra có 3”.

Cho biết Phật ra đời nói pháp, cái đích ý là cốt dạy cho chúng sinh pháp nhất thừa mà thôi. Nhưng vì căn cơ không đồng nên mới phân chia như vậy.
 
 

([1]) Thập nhị nhơn duyên ở sau phần Câu-xá có giải.

([2]) Các danh từ này Ở sau phần Câu-xá cũng có giải.
 

VIII.- CÁC BỘ PHÁI VỀ TIỂU THỪA

Nguyên do Tiểu thừa chia thành bộ phái, là vì trong thời kỳ kiết tập thứ 2, về vấn đề giới luật có chỗ không đồng ý, nên Tăng chúng mới chia ra làm 2 phái: một phái phần nhiều là các bậc Trưởng lão, gọi là Thượng tọa bộ (Sthavira). Một phái nhơn số rất nhiều gọi là Đại chúng bộ (Mathâsamghia).

 Theo lối truyền bá của Bắc phương Phật giáo, về thời kỳ kiết tấp thứ nhất đã có tôn Thượng tọa và Đại chúng rồi, nhưng chưa sanh ra tranh chấp đó thôi.

Cứ như ngài Huyền Trang pháp sư đời Đường, dịch bồ Dị bồ tôn luân luận, thì sau khi Phật Niết-bàn chừng 100 năm đến 200 năm, trong khoảng thời gian ấy, Đại chúng bộ lần lượt chia ra các bộ phái; Lần thứ nhất chia ra Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dẫn bộ. Lần thứ 2 chia ra Đa văn bộ. Lần thứ 3 chia ra Thuyết giả bộ. Lần thứ 4 chia làm Chế đa sơn bộ, Tây sơn trụ bộ, Bắc sơn trụ bộ; tức là một bộ phái căn bổn, chia làm 8 bộ phái chi nhánh.

Trong khoảng thời gian ấy, thì Thượng tọa bộ lui ẩn trong núi Ca-thấp-di-la, hai bên vẫn dung hòa nhau không tranh chấp gì; sau vì ảnh hưởng phân phái của Đại chúng bộ mà Thượng tọa bộ phải rung động Nhơn thế, Thượng tọa bộ lần thứ 1 chia ra: Thuyết Nhất thế hữu bộ (tức là Tát-bà-la bộ). Lần thứ hai từ Hữu bộ chia ra Độc tử bộ. Lần thứ 3 Độc tử bộ chia ra làm 4 bộ; là Pháp thượng. Hiền trụ, Chánh lượng, Mật lâm. Lần thứ tư lại từ nơi Hữu bộ chia ra Hóa địa bộ. Lần thứ 5 từ Hóa địa bộ chia ra Pháp tạng bộ. Lần thứ 6 lại từ Hữu bộ chia ra Ẩm quang bộ. Lần thứ 7 lại cũng từ Hữu bộ chia ra Kinh lượng bộ, ấy là một bộ, ấy là một bộ phái căn bổn, chia thành mười bộ phái chi nhánh.

Sau khi Thượng tọa bộ chia ra Thuyết Nhất thế bộ, thì thế lực có hơi yếu, phải dời qua ở Tuyết sơn, nên cũng gọi là Tuyết sơn bộ.

Tổng cộng cả căn bản và chi mạc của Đại chúng và Thượng tọa thành ra 20 bộ phái. Nay muốn tiện cho độc giả, xin làm bản đồ dưới này cho dễ nhớ.

IX. LỐI TRUYỀN BÁ CỦA ĐẠI THỪA
 
Giáo lý Đại thừa do đức Thích Ca nói ra, về sau lần lược truyền bá hình thành 2 nẻo đường :

1.- Trực tiếp truyền bá : là các vị Đại Bồ-tát đã trực tiếp học giáo lý Đại thừa, như ngài Mã Minh, ngài Long Thọ, ngài Vô Trước, ngài Thế Thân v.v... đối với chúng sinh các ngài đem giáo pháp Đại thừa mà trực tiếp hoằng dương giáo hóa.

2.- Gián tiếp truyền bá : là ở trong bộ phái của Tiểu thừa, cũng có người tín ngưỡng về giáo lý Đại thừa, như ngài Chơn Đế Tam Tạng nói: Tín đồ của Đại chúng bộ ở nơi Vương-xá thành cũng truyền bá những kinh điển Đại thừa như kinh Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Thắng man, Duy ma, Kim quang minh, Bát-nhã v.v...

Trong bộ phái này có người tin kẻ không, bèn chia làm hai; về phái tin lại chia ra làm 3 bộ : 1.- Nhất thế bộ, 2.- Thuyết nhất thế bộ, 3.- Kê dẫn bộ.

Tuy rằng nhiều người, nhiêu bộ phái như vậy, nhưng giáo lý Đại thừa sở dĩ hãy còn truyền bá, ảnh hưởng Đại thừa giáo còn đến ngày nay là nhờ có ngài Mã Minh, ngài Long Thọ, ngài Thế Thân, ngài Vô Trước bốn ngài ấy là động cơ phát khởi mạnh hơn hết.

Ngài Mã Minh sanh vào thế kỷ thứ 1, đầu tu theo ngoại đạo, ngài có tài biện bác, sau luận lý bị thua ngài Hiếp tôn giả, nên mới qui y về Phật pháp, từ đó ngài hết sức truyền bá chánh pháp của Phật, làm ra những bộ Đại thừa Khởi tín luận, Đại thừa Trang nghiêm kinh luận v.v... Phật giáo ở Nam Ấn Độ nhờ đó mà lần lần thạnh vượng.

Ngài Long Thọ Bồ-tát sanh vào thế kỷ thứ 2, ở nước Tỳ-đạt-la Nam Ấn Độ, ngài có thiên tư rất tốt, lúc còn nhỏ đã thông hiểu những kinh giáo của Bà-la-môn và Phệ-đà. Lại còn biết đến thiên văn, địa lý, y học, số học là khác nữa, sau trở tín ngưỡng về Phật giáo, tu học theo Tiểu thừa. Kế đó, ngài nghiên cứu qua giáo lý Đại thừa và nguyện vọng của ngài đến đây mới được thỏa mãn. Về sau ngài du lịch các nước và hàng phục các ngoại đạo. Nhơn ngài nghĩ; Giáo lý mầu nhiệm của Phật trong các kinh điển chưa phát minh hết được, ngài mới làm bộ Đại bất tư nghì luận để giải kinh Hoa Nghiêm, hiện nay đương lưu truyền; bộ Thập trú Bà Sa luận, tức là một bộ phận trong luận ấy vậy. Ngài lại làm bộ Đại trí độ luận 100 quyển để giải kinh đại phẩm Bát-nhã; làm Trung luận, Thập nhị môn luận, để phá trừ tà chấp, chỉ rõ chánh lý, nêu bày thể tánh Bát-nhã chơn không. Ngài thực là một vị khai tổ về Tánh tôn ở Ấn Độ. Lại nhơn ngài trước kia đắc truyền kinh Đại nhật với ngài Kim Cang Tát Đỏa ở nơi Thiết Tháp về xứ Nam Thiên Trúc, nên cũng gọi ngài là bậc khai tổ về Mật tôn.

Ngài Vô Trước Bồ-tát và ngài Thế Thân là 2 anh em, sanh vào thế kỷ thứ 4. Hai ngài nguyên là người tu theo giáo Bà-la-môn, sau quy y theo Phật. Ngài Thế Thân bắt đầu học Tiểu thừa, kế đến nghiên cứu giáo lý Đại thừa làm các bộ luận như là; Hiển dương thánh giáo luận, Nhiếp Đại thừa luận v.v... cả hai ngài đều chủ trương về Duy thức, biệt bõ cái lý Ềtam giới duy tâm, vạn pháp duy thứcỂ nên học thuyết của ngài gọi là Pháp tướng Duy thức học, ngài là một vị khai tổ về Pháp tướng Duy thức học vậy.

X.- PHẬT GIÁO TRUYỀN QUA TRUNG HOA

Đời nhà Hán vua Minh Đế niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10, ngài Ca Diếp Ma Đằng và ngài Trúc Pháp Lan, từ Ấn Độ qua Trung Hoa, ở nơi chùa Bạch Mã thuộc về đất Lạc Dương, dịch kinh Tứ thập Nhị chương, và kinh Thập Trụ Đoạn Kiết, ấy là lần đầu tiên dịch kinh điển chữ Phạn ra chữ Hán. Về cuối đời nhà Hán có ngài Chi Lâu Ca Sấm và ngài An Thế Cao ; thời Tam Quốc có ngài Khương Tăng Hội; đời Tây Tấn có ngài Trúc Pháp Hộ, đều nhiệt liệt về việc dịch kinh truyền bá giáo lý; qua đời Phù Tần có ngài Tăng-già Bạc Trừng, Tăng-già Đề-bà dịch các kinh luận về Tiểu thừa; Triều Bắc Lương có ngài Đàm Vô Sấm dịch kinh Đại Bát-nhã; đời Diêu Tần có ngài Cưu-ma-la-thập dịch các kinh về bộ Bát-nhã và kinh Pháp Hoa, Đại trí độ luận v.v... Đời Đông Tấn có ngài Phật-đà Bạt-đà-la dịch kinh Hoa Nghiêm; từ đó các kinh điển về Phật giáo Đại thừa mới lần lượt truyền bá. Truy lại thì những kinh điển của ngài La Thập dịch, văn nghĩa được thông suốt và lưu loát hơn, nên sự lưu thông rất rộng. Đến thời Lục Triều đời Tống có ngài Câu-na Bạc-đà-la; đời Lương có ngài Bồ-đề-lưu-chi; đời Tần có ngài Chơn Đế, sự phiên dịch kinh điển về những thời kỳ ấy cũng rất thịnh hành. Đến đời Đường niên hiệu Trinh Quán năm thứ nhất, ngài Huyền Trang Tam Tạng du học Ấn Độ, trải qua trên 100 nước - các nước nhỏ Ấn Độ. Sau về dịch ra kinh luận trên 1500 quyển. Còn từ đời Đường vua Huyền Tôn niên hiệu Khai Nguyên về sau, như Ngài Thiện Vô Úy, ngài Kim Cang Trí, ngài Bất Thông lần lượt qua Trung Hoa truyền dịch các kinh điển về Mật tôn.

Từ đời Tống thì Tăng chúng ở Ấn Độ Tây vực và Trung Quốc thường thường qua lại với nhau một cách mật thiết, nên sự phiên dịch kinh giáo, truyền bá Phật giáo chóng được phổ cập.

XI. TẠNG KINH

Tạng kinh cũng có chỗ gọi là Nhất thế kinh, nghĩa là tổng quát cả toàn bộ giáo điển của Phật giáo vậy.

Tạng kinh, thì có tạng kinh về văn Pali văn Phạn, nay đây chẳng qua chỉ nói về bản văn Trung Hoa.

Trong bộ Quảng Hoằng minh tập chép; đời Ngụy có thâu ba bộ Nhất thế kinh nguyên văn của nước Bắc tề; bởi thời Lục Triều các chùa lớn đã bắt đầu an trí tạng kinh, nhưng còn đương ít. Đời Tùy vua Văn Đế niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 1, các chùa ở nơi đất kinh sư và các thành ấp lớn, cũng đều có để những kinh do các quan lại viết ra. Lại có một cái nhà gọi là Bi Các để an trí những kinh bằng chữ viết ấy.

Qua đời Đường vua Huyền Tôn niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 18, ông Trí Thăng làm cuốn sách đề là Khai Nguyên Thích giáo lục, chép định số mục của các kinh. Cả thảy được 5048 quyển, toàn bộ đóng lại là 480 pho. Hán kinh của đất Thục đời Bắc Tống cũng theo bản này.

Đời Tống vua Thái Tổ niên hiệu Khai Bảo năm thứ 4, vua sắc lịnh ông Trương Tùng Thiện qua Ích Châu khắc Đại tạng kinh, đến triều vua Thái Bình, niên hiệu Hưng Quốc năm thứ 8, bản kinh nơi thành, gọi là Thục bản; ấy là đầu tiên khắc lại Đại tạng kinh.

Đến triều vua Thần Tôn niên hiệu Nguyên Phong năm thứ ba, chủa Đông Thuyền ở tỉnh Phước Chân; và triều vua Huy Tôn niên hiệu Chánh Hòa năm thứ 2, chùa Khai Nguyên tỉnh Phước Châu cũng lần lượt khắc tạng kinh, đều phải trải qua một thời kỳ 20 năm mới thành. Bản kinh này truyền qua Nhật Bản, đến nay vẫn còn hiệp chung với Thục Bản làm thành một tạng.

Đời Nam Tống, vua Cao Tôn niên hiệu Thiệu Hưng năm thứ 2, cả một họ Vương Vĩnh Tùng ở đất Hồ Châu, phát nguyện khắc tạng kinh ở chùa Viên Giác đất Tư khê, nhơn gọi là Tư Khê bản. Tạng này sau cũng truyền qua Nhật Bản. Toàn tạng so với Thục Bản tức là bản mà triều Khai Nguyên đã chép dịch nhiều hơn 840 quyển ; Tống Tạng, về “súc soạn tạng kinh” ở Nhật Bản tức là tạng này.

Triều vua Lý Tôn niên hiệu Thiện Định, viện Nhiên Thánh ở đất Tích Sa cũng khắc Tạng kinh đến cuối đời Nguyên mới xong gọi là Tích Sa bản, vua Thế Tôn đời Nguyễn niên hiệu Chí Nguyên năm thứ 14, cũng khắc Tạng kinh tại chùa Đại Phổ Minh thuộc về huyện Dư hàng, đến năm thứ 27 mới thành, cả thảy là 6017 cuốn, gọi là Nguyên tạng.

Qua đời Minh vua Thái Tổ niên hiệu Hồng Võ năm thứ 5, ngài triệu tập các vị Cao Tăng ở đất Tưởng Sơn để kiểm duyệt Tạng kinh, về sau mới khắc thành Nam tạng bản. Vua Thánh Tổ niên hiệu Vĩnh Lạc năm thứ 18, lại khắc Bắc tạng bản ở tại Bắc Đình. Đến triều vua Anh Tôn niên hiệu Chánh Thống năm thứ 5 mới thành, cả thảy 6361 cuốn.

Về triều Thần Tôn niên hiệu Vạn Lịch năm thứ 14 đời nhà Minh, có ngài Mật Tạng và ngài Đạo Khai ấn hành Tạng kinh tại núi Ngũ Đài, toàn tạng là 6361 cuốn, thời ấy người ta gọi là Vạn Lịch bản, cũng gọi là Kỉnh Sơn bản (nhơn có một thời kỳ phải dời qua núi Kỉnh Sơn). Hiện nay thông thường người ta gọi là Minh tạng, phần nhiều là chỉ cho Tạng kinh này.

Ở Nhật Bản, ngài Thiết Nhãn, Đạo Quang cũng khắc lại Tạng kinh này tại chùa Vạn Phước núi Hoàng Nghiệt, nhơn gọi là Hoàng Nghiệt bổn, cũng gọi là Thiết Nhãn bổn. Đời Thanh triều vua Thế Tôn niên hiệu Ửng Chánh năm thứ 13, cùng khắc Long tạng, đến triều vua Cao Tôn niên hiệu Càn Long năm thứ 3 mới thành, cả thảy là 7.838 cuốn. Về sau, từ triều vua Hiển Tôn cho đến vua Văn Tôn ở Cao Ly, y cứ vào Thục bản khắc Tạng kinh cả thảy là 5.924 cuốn, ngoài Tống bản ra lại còn gia nhập các thứ mới khác, rồi chẳng may bị nạn binh lửa cháy cả, đến đời vua Cao Tôn năm thứ 23 mới khắc lại, cả thảy chỉ được 6.557 cuốn. Lần khắc Tạng kinh này hiệu đối rất kỹ càng, nên người ta thường gọi là Ly tạng.

Triều vua Minh Trị nước Nhật Bản ở Hoàng giáo thư viện ấn hành Tạnh kinh, y cứ vào Ly tạng và lấy các bản về đời Tống, Nguyên, Minh, xét định kỹ lưỡng và chú rõ những chỗ dị đồng, và đem những Kinh, Luật, Luận, Sớ thích từ đời Tống sắp xuống, cùng các sách của người Nhật đã soạn thuật đều thâu vào cả, cộng là 8.562 cuốn.

Cuối đời nhà Thanh, ở Tầng-già tinh xá Thượng Hải, ấn hành Tạng kinh, theo Hoằng giáo bổn, chẳng qua có thêm bớt trong đôi chỗ, cả thảy là 8416 cuốn. Tạng kinh do thư viện ở Nhật Bổn ấn hành, Chánh Tục tạng kinh lấy dấu hiệu bằng chữ (vạn), Chánh tạng do một nhà sư Nhật Bổn tên là Nhẫn Trung sắp đặt, sửa đổi bản kinh Hoàng Nghiệt làm gốc; còn như Tục tạng cả thảy bảy ngàn một trăm hơn bốn mươi cuốn, trong ấy có những sách của các ngài ở Trung Hoa làm mà chưa đem vào Tạng, nhất nhất đều đem vào hết. Gần đây lại có Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (cũng gọi là Đại chánh Nhất thiết kinh), Chánh biên là 55 pho, hơn 9.000 cuốn, Tục biên được bao nhiêu nữa chưa rõ số. Tạng này về sự hiệu đối biên chép có nhiều cái đặc điểm đủ giúp cho người học tham khảo.

Về Tạng kinh do Tầng-già tinh xá ở Thượng Hải xuất bản, hội Lưỡng Xuyên Phật học và hội Từ Bi Âm ở Nam kỳ nước ta đều có thỉnh. Còn về Tạng kinh Tích Sa bản, hội An-nam Phật học Trung kỳ có thỉnh một bộ.

XII.- PHẬT GIÁO TRUYỀN SANG VIỆT NAM

Việt Nam ta khi còn là nước Giao Chỉ, thì Phật giáo đã truyền qua rồi, về thời ấy do các người đi buôn từ Ấn Độ, Trung Hoa truyền vào, với lại một phần do các vị Tăng sĩ Trung Hoa đi qua Thánh địa (chỗ Phật Thích Ca), ngang qua đường Bắc Kỳ, họ lưu trú một thời gian để giáo hóa.

Xem trong các sách mà người An-nam ta theo đạo Phật viết hồi thế kỷ XIII - XIV có chép rằng; về đời nhà Hán (thế kỷ II - III) đã có các vị tu sĩ ngoại quốc đến ở Bắc Kỳ, như ông Majjvaka, Kang-Song-Houei, Ralya-ruoi, Meou-Po.

Lại theo những tích trong cuốc Đại Đường Tây Vực cầu pháp Cao Tăng truyện chép; có 12 vị tu sĩ có phần quan hệ đến Phật giáo ở Bắc Kỳ, là những vị; Minh Viễn, Huệ Minh, Vô Hành, Đàm Nhuận, Tri Hoằng, Tăng Già Bạc Ma và sáu vị tu sĩ An-nam là Vận Kỳ, Mộc Xa Đề Bà, Khuy Sung, Huệ Diện (đều người ở Giao Châu), Trí Hành, Đại Thặng Đăng (người Thanh Hóa).

Trong cuốn Đại Nam Thiền uyển truyền đăng ngữ lục có chép rằng; ỀNăm 1096 trong bữa yến tiệc đãi các vị Cao Tăng, bà Hoàng Thái Hậu nhà Lý có hỏi : “Phật giáo truyền qua An-nam lúc nào ?” Có ngài Thông Biện Thiền sư trả lời rằng: Sau đời nhà Hán (thế kỷ I) ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đem Phật giáo qua Trung Hoa, có Ngài Bồ-đề Đạt Ma đi truyền bá khắc các nước Lương, Ngụy ... cho đến khi phái Thiên Thai thạnh hành, có lập trường dạy về giáo lý; rồi sau xa nữa có phái Tào Khê cũng lập trường dạy. Sau hai trường ấy đều có người đi qua truyền bá ở An-nam, như ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruei) lập trường dạy giáo lý đầu tiên ở An-nam, đến ngài Vô Ngôn Thông lập trường thứ hai([1]).

Khi đến đời Lý, đời Trần thì có các ông vua hoặc thâm tín Phật, hoặc xuất gia tu đạo, nên Phật giáo rất là thạnh hành.

Bước qua đời Hậu Lê triều vua Chánh Hòa, ngài Nguyên Thiều người tỉnh Triều Châu qua phủ Qui Ninh (Quy Nhơn, Bình Định ngày nay) khai sơn chùa Thập Tháp, sau ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung và lên Huế lập chùa Quốc Ân; ấy là Phật giáo chích thức truyền vào Trung kỳ. Ngài có ba vị đệ tử thượng túc : 1.- Ngài Minh Pháp Bửu, 2.- Ngài Minh Hoằng Tử Dung, 3.- Ngài Minh Vật Nhất Trí.

Ngài Minh Hải sau ở tỉnh Quảng Nam khai sơn chùa Chúc Thánh. Ngài Minh Hoằng ở Huế khai sơn chùa Từ Đàm. Ngài Minh vật ở Nhạn tháp sơn Bắc kỳ.

Kế có ngài Liễu Quán, đệ tử đắc pháp với ngài Minh Hoằng, khai sơn chùa Thuyền Tôn, được vua phong là “Chánh giác Viên ngộ Thiền sư”.

Như chuyện vừa kể trên, đủ biết Phật giáo truyền qua An-nam ta rất sớm, và cũng có nhiều thời kỳ rất thạnh; nhưng có một điều là văn hóa nước ta lúc trước đa phần ảnh hưởng Trung Hoa, Hán học thành một nền Quốc học, nên Phật giáo tuy truyền qua mà sự phiên dịch kinh điển thành một vấn đề cần yếu, sở dĩ ít thấy có ngài nào đem kinh sách mà dịch thành tiếng Quốc văn ta đến. Đến bây giờ thì Hán học suy đồi, Tam tạng kinh điển hãy còn in nguy đó, chẳng hay các nhà chấn hưng Phật giáo ngày nay có thấy chỗ khuyết điểm ấy không.

 ([1]) Những đoạn trên lược trích ở báo Viên Âm số 6.

XIII.- 10 TÔN PHÁI Ở TRUNG HOA

Phật giáo ở Trung Hoa do lối phiên dịch kinh điển mà truyền bá, tùy theo căn cơ mà lập ra các phương pháp vì thế nên mới dựng thành các tôn phái; trong mỗi tôn đều có đặc điểm riêng nhưng không bao giờ vượt ra ngoài giáo pháp của Phật cả.

Những tôn rất hiển trước và còn ảnh hưởng đến bây giờ, cả thảy có 10 tôn phái, là; Cu-xá tôn, Thành Thật tôn, Luật tôn, Pháp Tướng tôn, Tam Luận tôn, Thiên Thai tôn, Hoa Nghiêm tôn, Mật tôn, Thiền tôn và Tịnh Độ tôn.

Trong 10 tôn này, Cu-xá tôn và Thành Thật tôn chủ trương về Tiểu thừa, Luật tôn thì thông cả Đại thừa và Tiểu thừa, còn 7 tôn kia thiên về Đại thừa.

Nghĩa lý của các tôn rất là mầu nhiệm, kinh điển cũng nhiều, người muốn cho thấu đáo cần phải chuyên môn nghiên cứu tu học mới được. Các tôn chép sau này, chẳng qua là nêu danh tướng, và giải sơ qua nghĩa lý, để cho người sơ học có chỗ nhập môn vậy thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn