4. Luật Tôn

12 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 18036)
LUẬT TÔN

I.- DUYÊN KHỞI LẬP TÔN

 Tôn này dùng luật làm chỗ căn cứ, cho nên gọi là Luật tôn. Khi Phật còn ở đời, nhơn gặp các việc mà chế ra các giới luật, tùy thời cơ mà thuyết pháp không nhất định. Sau khi Phật Niết-bàn, ngài Ưu-ba-ly kiết tập, lên pháp tọa đọc tụng đến 80 lần, nên gọi là “Bát thập tụng luật” ; ấy là kỷ nguyên đầu tiên về Luật tạng. Sau đó hơn 100 năm, nhơn sự chia rẽ về các bộ phái của Tiểu thừa, nên luật cũng lần lượt chia ra làm hai bộ phái, cho đến hai mươi bộ phái. Hai bộ phái là: Bộ Thượng tọa và bộ Đại chúng. Năm bộ phái là : 

1.- Bộ Tát-bà-đa, tức là bộ luật “Thập tụng” ; 
2.- Bộ Đàm-vô-đức, tức là bộ luật “Tứ phần” ; 
3.- Bộ Đại chúng tức la bộ luật “Tăng kỳ” ; 
4.- Bộ Di-sa-tắc, tức là bộ luật “Ngũ phần”; 
5.- Bộ Ca-diếp-di, tức là bộ luật “Giải thoát”. 

Trong 5 bộ ấy, ở Trung Hoa chỉ phiên dịch và truyền bá bốn bộ trước mà thôi; đến như bộ Ca-diếp-di thời chỉ truyền những điều căn bổn về giới, chứ chưa truyền những lý nghĩa rộng của Phật. Đời Đường ngài Tri Thủ luật sư chú giải năm bộ luật, học trò của ngài là ngài Đạo Tuyên luật sư ở Chung Nam Sơn, cho bộ Luật tứ phần là thích hiệp với căn cơ người Trung Hoa, nên chuyên môn y theo bộ luật ấy mà thuyết minh giới thể và lập hành tướng; ngoài ra, lại có ngài Pháp Lệ về Hữu tướng bộ, ngài Hoài Tố ở Đông Pháp, đối trí với ngài Chung Nam Sơn, gọi là ba tôn phái về Tứ phần luật; nhưng chỉ luật tôn của ngài Chung Nam Sơn là thạnh hành hơn hết, và truyền bá còn đến bây giờ, vì nó dung hòa cả Đại thừa và Tiểu thừa, giải hạnh cân nhau vậy.

II.- CHỈ TRÌ VÀ TÁC TRÌ

 Tôn này giải rõ giới có hai loại là: chỉ trì và tác trì. Chỉ trì là về phương diện ngăn bỏ điều dữ. Tác trì là về phương diện làm các điều lành; chỉ trì và tác trì là thâu nhiếp hết thảy giới pháp. Trong Luật tứ phần, hai bộ giới bổn ở trước là chỉ trì, còn một phần sau là thuyết minh 20 kiền độ thuộc về tác trì. Hai bộ giới bổn tức là Tăng bộ và Ni bộ. Tăng bộ tức là những giới luật của thầy Tỳ-kheo; Ni bộ tức là những giới luật của các Tỳ-kheo-ni. Những giới luật của hai bậc ấy, cũng gọi là Cụ-túc giới. Giới luật của các bậc Tỳ-kheo có 250 giới, Tỳ-kheo-ni có 341 giới, thêm bảy điều diệt tránh nữa thời thành ra 348 giới. Kiền độ dịch nghĩa là bộ phận hay là phẩm (phẩm loại), hoặc là tụ, cả thảy có 20 : 1.- Thọ giới kiền độ ; 2.- Thuyết giới kiền độ... cho đến kiền độ thứ 20 là Tạp kiền độ. Tạp nghĩa là nói chung các pháp trong sự giữ giới luật vậy. Nhưng trong “tác” có “chỉ”, trong “chỉ” có “tác”, thường tương thông với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, không thể thiên bỏ bên nào; lại chỉ trì và tác trì có tổng, biệt khác nhau, tổng thời các điều lành đều thuộc về hai món trì : chỉ trì và tác trì; mà biệt thời chỉ nói riêng về giới luật giải bày từng điều sai khác.

III.- CỤ TÚC GIỚI

 Giới cấm của Tăng Ni đều có ba tầng lớp: giới cấm về bên Tăng nếu nói rộng ra thì vô lượng, như lấy về bậc trung thì có 3.000 oai nghi, 60.000 tế hạnh; còn như nói sơ lược thời có 250 giới. Giới cấm bên Ni cũng vậy, nếu nói rộng ra thì cũng vô lượng, như lấy về bậc trung mà nói thời 80.000 oai nghi, 120.000 tế hạnh, còn nói sơ lược thời 348 giới. Ngài Đạo Tuyên luật sư nói rằng : “Ước cảnh mà giải bày giới tướng, thời là vô lượng, nay chỉ dùng 250 giới làm cái giềng mối cho sự trì, phạm đó thôi”. Giới cấm của các Ni cô cũng vậy. Cho nên Tăng, Ni hai bên sau khi thọ giới Cụ-túc, đều được không lường không ngăn Giới hạnh, lượng sánh như hư không, cảnh khắp pháp giới, thảy đều đầy đủ cho nên gọi là Cụ-túc giới; đến như 5 giới, 8 giới, 10 giới và 6 pháp v.v... đều là ở trong giới Cụ-túc mà lựa ra những điều thiết yếu để tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của mỗi người, khiến cho họ nương theo đó mà lần đến Cụ-túc giới vậy.

IV.- BẢY CHÚNG

 Năm giới là giới của những người tu tại gia - Ưu-bà-tắc (thiện nam), Ưu-bà-di (tín nữ), hai chúng Tám giới (tức là bát trai giới, cũng gọi là bát quan trai), là hai chúng tại gia thọ giới xuất gia trong một ngày một đêm để gieo cái giống chánh nhơn về xuất thế. Mười giới là giới luật của các bậc Sa-di. Sáu pháp là pháp luật của các trẻ thiếu nam thiếu nữ nhập đạo học pháp, thông thường gọi là “Thất-xoa-ma-na”. Nói tóm lại thì người trì giới, đại khái chia làm bốn bậc: Năm giới, tám giới, mười giới, và Cụ-túc giới, thêm sáu pháp vào thời thành ra năm bậc, cũng gọi la năm loại; bảy chúng trong Phật giáo là y theo đó mà kiến lập. Bảy chúng là : Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thất-xoa-ma-na, Sa-di va Sa-di-ni, là năm chúng xuất gia ; Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hai chúng tại gia, hiệp lại gọi là bảy chúng trong Phật pháp.

V.- NĂM GIỚI VÀ TÁM GIỚI

 Giới cấm về Luật tạng rất nhiều, nay chỉ thuật năm giới và tám giới về hai chúng tại gia hầu cho người thấy qua một chút. Năm giới : 1.- Không sát sanh, 2.- Không trộm cắp, 3.- Không tà dâm, 4.- Không nói dối, 5.- Không uống rượu. Bốn điều trước là tự tánh tội, gọi là tánh giới, nghĩa là không luận người tại gia hay xuất gia, hễ phạm các điều ấy, quyết phải sa vào đường tội ác ; còn một giới ở sau là thuộc về điều ngăn ngừa, cho nên gọi là giá tội. Tám giới : Năm giới đầu cùng với năm giới nói trên kia giống nhau, chẳng qua đổi tà dâm là bất dâm, 6.- Không được ướp dầu thơm hay là son phấn, 7.- Không đượi coi hát nghe ca, 8.- Không đượng ngồi giường cao tốt đẹp, 9.- Không được ăn phi thời. Tám giới trước chính là giới luật, còn điều thứ chin không được ăn phi thời (quá ngọ không dùng bữa), chẳng qua là điều răn phụ thuộc, không phi thời gọi là trai, cho nên gọi là bát trai giới, lại gọi là bát quan trai, ý nghĩa là trừ cấm được tám tộI lỗI, không bị hủy phạm, cùng hay đóng chặt cửa tội ác vậy.

VI.- BỐN KHOA

 Giới cấm chia ra làm bốn khoa : 1.- Giới pháp, tức là giới luật của Phật chế ra, như không giết hại, không trộm cắp v.v...; 2.- Giới thể, nghĩa là khi người thọ giới, trong tâm giữ được cái thể tánh công năng ngăn điều quay bỏ điều dữ ; 3.- Giới hạnh, nghĩa là hết thảy hành vi đều thuận theo cái công năng giữ giới trong tâm niệm mình mà hiện ra nơi thân, khẩu, ý ba nghiệp, mỗi mỗi đều không trái phép ; 4.- Giới tướng, nghĩa là nói người trì giới thường biểu lộ ra nói sự tướng, đủ có khuôn phép, oai nghi, khiến người trông thấy đều biết là người trì giới vậy.

VII.- HÓA GIÁO VÀ CHẾ GIÁO

 Tôn này gọi rằng Phật có hóa giáo và chế giáo: Hóa giáo nghĩa là dùng giáo lý mà hóa độ chúng sinh, tức là những pháp môn về định, huệ, như trong các kinh luận đã nói. Còn chế giáo nghĩa là Phật dùng lời răn cấm để, ngăn ngừa những điều quay của các đệ tử, tức là pháp môn giới học như trong luật tạng đã nói - Pháp Tam vô lậu học (giới, định, huệ) cũng dùng giới cấm làm đầu, vì rằng giới hạnh trong sạch, thời định và huệ mới thành lập, để dứt trừ phiền não, chứng đạo Đại Bồ-đề.

VIII.- VIÊN DUNG TAM HỌC

 Đại thừa và Tiểu thừa đều có giới, định, huệ, thông thường gọi là pháp tam học. Tôn này gọi là Đại thừa viên dung tam học: vì giới pháp tức là tam tụ tịnh giới: giới thể thời dùng tạng thức chủng tử làm thể: còn giới hạnh tức là hạnh mầu nhiệm về định huệ: giới tướng tức là vận dụng cả chỉ và quán. Chỉ là làm cái thể tướng chỗ tâm thiền định, quán là làm cái công dụnh cho trí huệ, nên giới tức là định huệ, không một pháp nào là không phải định huệ. Định, huệ tức là giới, không một pháp nào là không phải giới cấm; cho nên gọi là viên dung cả pháp tam học vậy.

IX.- TAM TỤ TỊNH GIỚI


Tam tụ tịnh giới : 

1.- Nhiếp luật nghi giới : nghĩa là các điều dữ thảy đều dứt bỏ. 

2.- Nhiếp thiện pháp giới : nghĩa là các điều lành thảy đều vui theo mà làm. 

3.- Nhiếp chúng sinh giới : nghĩa là đối với hết thảy chúng sinh đều đủ lòng từ bi tế độ, làm sự bố thí lợi ích. Nói rằng tam tụ cũng như nói tam loại (ba loại), ba loại này thông dụng cùng nhau như giới cấm không được giết hại là đủ cả ba loại, vì không giết loài sanh mạng, tức là nhiếp luật nghi giới, nhơn đó mà lòng lành ngày càng thêm lên, ấy là nhiếp thiện pháp giới; đem lòng từ bi không giết hại, lợi ích cho chúng sinh, tức là nhiếp chúng sinh giới. Các giới cấm khác cũng vậy, tùy khi giữ một giới mà ba giới đều đủ, tuy làm một việc mà rộng khắp muôn việc, viên dung không còn chỗ chướng ngại.

 Nhiếp luật nghi giới lại chia ra làm ba loại là biệt giải thoát giới, định cọng giới và đạo cọng giới.

 1.- Biệt giải thoát giới, như là năm giới, tám giới, mười giới và cụ túc giới v.v... Nhơn khi tác pháp (khi đối trước Phật, trước các vị Hòa thượng mà thọ giới) mà giữ đặng giới, mỗi mỗi đều có cái công năng ngăn ngừa điều quấy nơi thân, khẩu, mà mỗi mỗi đều được giải thoát, nên gọi là biệt giải thoát giới.

 2.- Định cọng giới, là trong khi tu tập thiền định, tự đặng vô tác giới thể không để tâm trì giới mà vẫn không phạm giới cùng với định tương ưng, cho nên gọi là định cọng giới.

 3.- Đạo cọng giới, là khi chứng được đạo vô lậu thời được xa lìa những điều tội ác nơi thân, khẩu, mà được giới thể vô tác ; giới thể ấy cùng với đạo đồng sanh, cho nên gọi là đạo cọng giới.

 Trong biệt giải thoát giới thời có các giới cấm để giữ về thân, khẩu, ý; hai giới cấm về thân, khẩu, có cọng và bất cọng khác nhau; còn giới cấm về ý nghiệp thời thuộc về bất cọng. Cọng là nói các giới cấm ấy thông cả bậc Thanh văn và Bồ-tát đều phải giữ. Bất cọng là nói gới cấm về ý nghiệp chỉ bậc Bồ-tát giữ mà thôi; cho nên giới cấm của bậc Thanh văn là chỉ có một phần chung thuộc về thân, khẩu. Trong Tứ phần luật nói: Giới tướng cũng thuộc về nghĩa cọng; duy có ngài Đạo Tuyên luật sư chủ trương tứ phần luật cũng có một phần thông về giới cấm của ý nghiệp, nên tôn này dùng nghĩa giới cấm chung cả Tiểu thừa và Đại thừa mà nhập vào trong Tam tụ tịnh giới, đem về Đại thừa; ấy là dùng chung giới hạnh của Tiểu thừa đem làm tam tụ viên đốn Đại thừa, chớ không phải ngoài Tiểu thừa mà có hành tướng khác, trọn một pháp viên đốn, ấy là yếu chỉ của Nam sơn Luật tôn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn