5. Pháp Tướng Tôn

12 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 16959)
PHÁP TƯỚNG TÔN

I.- DUYÊN KHỞI LẬP TÔN

 Tôn này phân biệt tánh, tướng các pháp trong vũ trụ, nên gọi là Pháp tướng tôn, gọi vắn tắt là Tướng tôn; vì tôn này chủ trương muôn pháp đều do thức biến, nên cũng gọi là Duy thức tôn. Đưc Di Lặc Bồ-tát ứng theo lời thỉnh cầu của ngài Vô Trước, nói luận “Du-đà-sư-địa”, ngài Vô Trước lại làm ra luận : “Hiển dương Thánh giáo” và luận “Nhiếp đại thừa”. “Duy thức Tam thập tụng”, “Duy thức Nhị thập tụng” v.v... ấy là nguồn gốc phát khởi ra tôn này. Tôn này ở Ấn Độ gọi là Du-già tôn; đờI Đường ngài Huyền Trang du học nước Ấn Độ, học luận Du-già với ngài Giới Hiền luận sư, khi về ở đất Tràng An, truyền lại cho đệ tử là ngài Quy Cơ; ngài Quy Cơ làm Bộ “Thành duy thức luận thuật ký” và mấy bộ trọng yếu khác, để giải rõ lý nghĩa về Tướng tôn, và thạnh hành truyền bá.

II.- NHỮNG KINH ĐIỂN Y CỨ CỦA TÔN NÀY 

 Những kinh điển của Pháp tướng tôn nương theo mà thành lập có 6 kinh và 11 luận. 6 kinh là: Kinh Hoa Nghiêm, kinh Giải thâm mật, kinh Như Lai xuất hiện công đức trang nghiêm, kinh A-tỳ-đạt-ma, kinh Lăng-già và kinh Hậu Nghiêm (tức là kinh Mật Nghiêm). 11 luận là: luận Du-già sơ địa, luận Hiển dương thánh giáo, luận Đại thừa, luận Trang nghiêm, luận Tập lượng, luận Nhiếp Đại thừa, luận Thập địa kinh, luận Phân biệt Du-già, luận Quán sở duyên duyên, luận Duy thức Nhị thập tụng, luận Biện trung biên và Tập luận. Trong 6 kinh thời kinh Như Lai xuất hiện và kinh A-tỳ-đạt-ma chưa truyền dịch ra văn Trung Hoa, kinh Hậu Nghiêm tức là đồng một bổn với kinh Mật Nghiêm. Trong 11 luận thì bộ Phân biệt Du-già cũng chưa dịch.

III.- 100 PHÁP

 Tôn này đối với vấn đề vũ trụ và hiện tượng tâm lý của nhơn sanh cùng các loài hữu tình, lập ra năm loại cọng thành 100 pháp để thuyết minh ; nay làm bản đồ kể như dưới đây : (Sơ đồ trang 104, của sách)

 Tâm pháp : Tôn này gọi rằng ngoài tâm ra không một pháp gì thành lập được, sắc pháp chẳng qua là cái giả pháp trong tâm hiện ra đó thôi, cho nên để tâm pháp làm đầu, không đồng với tôn Cu-xá nói rằng ngoài tâm ra thật có sắc pháp, tâm và tâm sở nương theo sắc pháp mà phát khởi ra. Trong tám pháp tâm vương, ngoài sáu thức như Cu-xá tôn, tôn này lập thêm Mạt-na là thức thứ bảy và A-lại-da là thức thứ tám, làm thành tám thức. Tiếng Phạn gọi là Mạt-na (Manas), Trung Hoa dịch là Ý, ý nghĩa là suy nghĩ hay so lường. Mạt-na làm cái gốc cho thức thứ 6 (ý thức), ở trong thường duyên A-lại-da thức mà chấp ngã, chấp pháp, cái tánh chấp ngã chấp pháp ấy là cái căn bản làm cho hết thảy chúng sinh phải bị luân hồi sanh tử. Tiếng Phạn gọi là A-lại-da (alaya), Trung Hoa dịch là Tạng thức. Chữ tạng là chứa để hay trùm chứa, nghĩa là nói thức ấy trùm chứa những chủng tử (công năng hay là hột giống) các pháp trong vũ trụ, cho nên gọi là tạng thức. Nói rõ thời chữ tạng có ba nghĩa: Năng tàng, sở tàng và chấp tàng: 1. Năng tàng: nghĩa là hay trùm chứa chủng tử của các pháp, tức chủng tử là sở tàng, mà thức thứ là năng tàng. 2. Sở tàng, nghĩa là thức thứ tám do bảy thức trước, thường thường huân tập chủng tử của các pháp, vì nó bị huân tập cho nên gọi nó là sở tàng. 3. Chấp tàng, nghĩa là nói thức thứ tám bị thức thứ bảy chấp làm thiệt ngã và thiệt pháp, lấy nghĩa bị chấp trì (giữ gìn), cho nên gọi thức thứ tám là chấp tàng. 
 


 

Tâm sở pháp : Tâm sở pháp chia ra 6 loại : 

1.- Biến hành tâm sở, nghĩa là trong các tâm vương, tâm sở này thảy đều tương ưng được cả, cho nên gọi biến hành. 

2.- Biệt cảnh tâm sở, nghĩa là các tâm sở này đều duyên mỗi mỗi cảnh khác nhau, như dục tâm sở là duyên cái cảnh mà khi mình ưa muốn, huệ tâm sở là duyên cái cảnh mà khi mình quan sát, chứ không phải như biến hành hễ một khi mống lên thì nhiều tâm sở trong biến hành đồng thời sanh khởi, đồng duyên một cảnh. Hai loại kể trên cọng là 10 loại tâm sở, tức là Thập dại đại pháp bên Cu-xá tôn. 

3.- Thiện tâm sở, nghĩa là nói tâm sở này chỉ có tương ưng với tâm lành, và chỉ phát sanh trong khi làm lành mà thôi, tức là Đại thiên địa pháp bên Cu-xá tôn, chẳng qua Cu-xá tôn đem vô si mà nhiếp vào huệ tâm sở, cho nên chỉ có 10 pháp, tôn này thêm vô si vào thành ra 11 pháp. Trong này có 1 tâm sở gọi là hành xả, là nói sự xả của hành uẩn trong 5 uẩn, chớ không nói về sự xả của thọ uẩn; vì xả có 2 loại : sự xả về thọ uẩn, là chỉ trong khi tâm mình lãnh nạp những cảnh trung bình không trái không thuận, xa lìa sự vui khổ, gọi là xả thọ, cũng gọi là bất khổ bất lạc thọ ; nay đây là chỉ cái tánh xa lìa tối tăm lay động của các tâm niệm thuộc về hành uẩn, cho nên gọi là hành xả. 

4.- Phiền não tâm sở, nghĩa là hay khiến chúng sinh phiền não rối loạn. Sáu tâm sở này làm cái cội gốc cho các phiền não khác, hay sanh ra các điều mê lầm cho nên gọi là tùy miên. Trong này về ác kiến lại chia ra làm năm : a.- Tát-ca-da kiến (Thân kiến), b.- Biên chấp kiến, c.- Tà kiến, d.- Kiến thủ, e.- Giới cấm thủ. Năm điều này cùng với năm điều trước, gọi là thập hoặc (10 điều mê lầm), tức là 10 điều tùy miên bên Cu-xá tôn. 75 pháp bên Cu-xá dùng ác kiến cho là ác tác dụng của huệ tâm sở, cho nên không cần phải lập riêng như tôn này. 

5.- Tùy phiền não tâm sở, cũng gọi là tùy hoặc, nghĩa là tùy căn bổn phiền não mà khởi ra, 20 tâm sở này chia ra làm ba loại: từ phẫn hận cho đến tật đố, chỗ phát khởi của 10 điều ấy mỗi mỗi riêng nhau, nên cũng gọi là tiểu tùy phiền não, tức là tiểu phiền não địa pháp bên Cu-xá; vô tàm, vô quí hai tâm sở ấy, là khắp cả các tâm niệm không lành, gọi là trung phiền não, tức là đại phiền não địa pháp bên Cu-xá; bất tín, giải đải... tám điều ấy khắp cả các nhiễm tâm, gọi là đại tùy phiền não, cùng với đại tùy phiền não bên Cu-xá giống nhau, chẳng qua tôn ấy trừ điệu cử, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri ra, mà thêm vô minh vào (vô minh tức là si) gọi là sáu phiền não lớn. Trong đây nói rằng thất niệm, nghĩa là đối cảnh mà không có tánh ghi nhớ, hay trở ngại đến chánh niệm, làm cho tâm tán loạn nhơn đó mà mống lên. Tán loạn nghĩa là hay khiến tâm mình buông lung, hay trở ngại chỗ chánh định và làm chỗ y cứ cho ác huệ. Bất chánh tri nghĩa là sự hiểu biết sai lầm đối với cảnh mình đã nghe thấy, nó hay trở ngại sự hay biết chơn chánh. 

6.- Bất định tâm sợ nghĩa là nó không nhất định thiện hay ác, như các loại trên, nên gọi là bất định.

 Sắp pháp : Sắc pháp có 11, cùng với Cu-xá giống nhau, chẳng qua là đổi cái danh từ vô biểu sắc gọi là pháp xứ sở nhiếp sắc đấy thôi. Pháp xứ là một bộ phận trong thập nhị xứ, là chỉ về cái cảnh đối tượng của ý căn mà nói, vì sắc ấy - vô biểu sắc - vốn thuộc pháp xứ, cho nên gọi là pháp thú sở nhiếp sắc. Sắc pháp này lại chia ra làm năm loại : cực lược, cực hoánh, thọ sở dẫn, định sở sanh, và biến kế sở khởi. 

1.- Cực lược sắc, nghĩa là phân tích cái thiệt sắc của năm căn và khí giới (sự vật) cho đến khi không thể phân tích được nữa, khi ấy trong trí quán tưởng của mình hiện ra những tướng cực vi phần tử rấy nhỏ, cho nên gọi là cực lược sắc. Cu-xá tôn gọi cực vi ấy là thiệt sắc, tôn này chỉ cho là giả sắc. 

2.- Cực hoánh sắc, nghĩa là nói khi phân tích các ánh sáng mà nhận rõ từng công năng hoạt động của các điển lực. 

3.- Thọ sở dẫn sắc, nghĩa là nói nhơn khi mình thọ giới mà sanh khởi ra các công năng bỏ dữ làm lành, tức bên Cu-xá gọi là vô biểu sắc, tôn này gọi là sự tác dụng riêng của từ tâm sở, mới gọi là sắc... 

4.- Định sở sanh sắc, là nói sắc tượng do sức thiền định mà biến hiện ra của người tu hành khi thức thứ sáu tương ưng với cảnh thiền định. 

5.- Biến kế sở khởi sắc, là nói cái sắc giả dối do sự phân biệt sai lầm của thức thứ sáu mà hiện ra như long rùa và hoa đốm v.v...

 Bất tương ưng hạnh pháp : Loại này có 24 pháp : 14 pháp trước cùng với Cu-xá giống nhau, chỉ đổi cái danh từ phi sắc làm dị sanh tánh đó thôi; dị sanh nghĩa là nói kẻ phàm phu không chứng được thánh đạo, là vì chủng tử phiền não khiến phải xoay vần trong lục đạo, đầu thai vào các loài, đều y vào cái công năng chủng tử ấy, nên gọi là dị sanh tánh; lại bên Cu-xá về sanh trụ, dị, diệt, tức tôn này gọi là sanh, trụ, lão, vô thường; tôn Cu-xá gọi bất tương ưng hạnh pháp mỗi mỗi đều có thể tánh khác nhau, mà tôn này thời nói các pháp ấy toàn là cái danh từ suông do sắc, tâm đối đãi mà có, chớ không có gì đáng gọi là thiệt khổ cả; lưu chuyển, là nói do các pháp sắc, tâm, mà gây ra nhơn quả, nhơn quả chuyền nối mãi mãi; định dị, là nói về nhơn quả chuyền nối mãi mãi; định dị, là nói về nhơn quả thiện ác không sai, nghĩa là nói người gây nhơn dữ thì chịu quả dữ, làm nhơn lành thì hưởng phúc lành không thể xen lộn; tương ưng là nói sự gây nhơn trả quả thường tương ưng với nhau; thế tốc, nghĩa là nói sự vô thường nhanh chóng, là niệm niệm sanh diệt vô thường của các pháp; thứ đệ, là nói về sanh diệ trước sau, thuận theo thứ lớp; phương, tức là không gian; hòa hiệp tánh, là nói nhơn duyên hòa hiệp của các pháp thuộc về sắc hay tâm không trái nhau ; bất hòa hiệp tánh, tức là mặt trái của hòa hiệp tánh, là sự trái ngược trong các trường hợp của các pháp.

 Vô vi pháp : Pháp vô vi là không sanh không diệt, không có tạo tác, tức là thể tánh của các pháp, cho nên cũng gọi là pháp tánh; vì nó xa lìa tướng hư vọng, không có thay đổi, nên cũng gọi là chơn như. Pháp vô vi tuy có 6 loại, nhưng 5 loại trước đều nương theo chơn như mà lập thành tôn, không có tự thể riêng, mà dù cho hai chữ vô vi cũng chẳng qua cái danh từ để gọi đó thôi, vì thể tánh ấy là cái cảnh của các bậc hiền thánh dùng trí vô phân biệt mà trực nhận, không phải dùng sự bàn bạc suy nghĩ mà thấu đáo được. 6. pháp vô vi : 

1.- Hư không vô vi, là nói cái thể tánh chơn như, xa lìa các điều chướng ngại, ví như hư không, ấy là dùng ví dụ mà đặt tên ; 

2.- Trạch diệt vô vi, nghĩa là nói nhờ có cái sức lựa chọn của trí huệ vô lậu mà dứt được sự phiền não nhiễm trước đến chỗ chứng ngộ cứu kính, cho nên gọi là trạch diệt ; 

3.- Phi trạch diệt vô vi, nghĩa là nói cái pháp tánh không phải nhờ có sức lựa chọn diệt trừ các phiền não rồi mới thanh tịnh, mà chính thể tánh ấy xưa nay vốn là thanh tịnh không có nhiễm uế, nên gọi là phi trạch diệt ; vả lại, các pháp hữu vi thiếu nhơn duyên thì không sanh, thể tánh tịch diệt hiện tiền, nên cũng gọi là phi trạch diệt ; 

4.- Bất động vô vi, nghĩa là nói xa lìa các sự phiền não, về cõi tịnh lự thứ ba thuộc về cõi sắc giới, dứt bỏ những sự chịu khổ chịu vui, thường tương ưng cùng thọ, cho nên gọi là bất động ; khi ấy thể chơn như bày ra, cho nên gọi là bất động vô vi ; 

5.- Tưởng thọ diệt vô vi, nghĩa là nói khi đã xa lìa sự phiền não, nơi cõi thứ ba thuộc về vô sắc giới, tưởng, thọ các tâm sở đều tịch diệt không còn hiện hành nữa, khi ấy thể chơn như hiện ra, nên gọi là tưởng, thọ, diệt vô vi ; 

6.- Chơn như vô vi, nghĩa là quán tưởng thân ta và vạn vật trong vũ trụ đều không, lìa bỏ cả ngã chấp pháp chấp lý thể chơn như hiện tiền, gọi là chơn như vô vi; ấy là chính nơi bản thể chơn như mà lập nên.

IV.- CHỦNG TỬ

 Chủng tử là cái công năng sanh quả ở trong thức thứ tám. Chủng tử có hai loại : 

1.- Bổn hữu chủng tử, nghĩa là từ vô thỉ đến giờ, thức thứ tám vốn sẵn có các công năng sai biệt hay sinh ra uẩn, xứ, giới các pháp trong vũ trụ, trong kinh thường gọi là bản tánh trụ chủng. Kinh Vô tận ý nói rằng: Hết thảy loài hữu tình, từ vô thỉ đến giờ đều sẵn có các chủng tử sai biệt như chùm trái ác-xoa (tương truyền ác-xoa là tên cây ở Ấn Độ, thường ba trái dính lại một chùm). 

2.- Tân huân chủng tử[1], nghĩa là nói bảy chuyển thức trước (từ Nhãn thức đến Mạt-na thức) từ vô thỉ đến giờ thường thường hiện hạnh, huân tập mà thành chủng tử, những chủng tử ấy, chứa vào thức thứ tám nó hay nuôi lớn cái công năng sanh quả về sau, nên cũng gọi là tập sở thành chủng. Kinh Đa giới (tức trong kinh A-hàm quyển 46) nói rằng : “Cái tâm của các loài hữu tình vì sự huân tập của các pháp nhiễm, tịnh nên có không biết bao là chủng tử dồn chứa ở trong”. Hai chủng tử ấy hiệp lại mà sanh ra các pháp hiện hạnh[2] nhưng vẫn không xen lộn; như chủng tử tân huân gặp duyên thời do chủng tử tân huân mà phát sanh ra, như bổn hữu chủng tử gặp duyên thời do bản hữu chủng tử mà phát sanh ra chủng tử.

 Lại có hữu lậu và vô lậu khác nhau; chủng tử hay chứng được Thánh đạo gọi là vô lậu, trái lại gọi là chủng tử hữu lậu.

V.- LỐI NƯƠNG NHAU SANH KHỞI CỦA
CHỦNG TỬ VÀ HIỆN HẠNH

 Những chủng tử chứa đủ sẵn trong thức thứ tám, khi gặp nhơn duyên thời hiện ra, gọi là chủng tử sanh hiện hạnh - năng sanh là chủng tử, bị sanh tức là sự hiện hạnh của bảy thức trước; chủng tư năng sanh là nhơn, hiện hạnh bị sanh là quả. Sự hiện hạnh của bảy thức trước, lại hay huân tập làm thành chủng tử chứa vào trong thức thứ tám, ấy là do hiện hạnh huân đúc thành chủng tử, thời năng huân tức là hiện hạnh của bảy thức trước, bị huân tập tức là chủng tử mới huân tập thành; sự hiện hạnh của năng huân làm nhơn, các chủng tử sở huân là quả, cho nên thức năng huân khi theo chủng tử mà sanh ra, thời năng tức là nhơn rồi lại huân thành chủng tử, ba pháp (chủng tử năng sanh, hiện hạnh bị sanh chủng tử sở huân) uyển chuyển với nhau, nhơn quả đồng thời, như tim đèn sanh lửa sáng, lửa sáng lại đốt cháy tim đèn; lại như bó lau, cây này nương với cây kia mà đứng vững. Đến như chủng tử niệm trước sanh ra chủng tử niệm sau, ấy là tự loại tương sanh (chủng tử loại nào sanh loại ấy), nhơn quả dị thời, không như nghĩa chủng tử và hiện hạnh đối nhau, nhơn quả đồng thời vậy.

VI.- BỐN PHẦN

 Trong tâm và tâm sở đều có bốn phần : 

1.- Tướng phần, tướng tức là tướng trạng, là chỉ cảnh sở duyên mà nói, tức là cái ảnh tượng hiện ra trong khi tâm thức người ta đối với cảnh. 

2.- Kiến phần, kiến nghĩa là thấy rõ, là chỉ tánh năng duyên mà nói; tâm tánh mình sáng suốt hay soi rõ cảnh vật, nên gọi là kiến phần. 

3.- Tự chứng phần, chứng nghĩa là chứng biết, hay chứng biết tánh soi rõ của kiến phần, gọi là tự chứng phần; tự chứng phần là cái thể tánh cho ba phần kia, nên cũng gọi là tự thể phần. 

4.- Chứng tự chứng phần, tức là cái công năng hay chứng biết chỗ mình đã chứng biết, lấy một cái ví dụ mà chỉ rõ: như trong khi chúng ta thấy mặt trăng, cái bóng mặt trăng dọi ở trong tâm trí ta tức là tướng phần, mình hay thấy được cái bóng dọi ấy là kiến phần, mình lại tự biết mình thấy mặt trăng ấy tức là kiến phần, mình lại tự biết mình thấy mặt trăng ấy tức là tự chứng phần, mình lại hay chứng biết chỗ nhận biết mình đã thấy mặt trăng đó tức la chứng tự chứng phần. Lại ví như khi thức mình duyên cảnh cũng như người lấy thước đo vải, tướng phần là vật bị đo, như vải; kiến phần là cái dùng để mà đo, như thước; tự chứng phần là cái kết quả của sự đo, như số lượng thước tấc v.v..., chứng tự chứng phần là sự kết quả của công việc đã đo, như đem thước tấc mình đã biết mà ghi vào sổ sách vậy.

VII.- BA LOẠI CẢNH

 Cái cảnh của chúng ta duyên trong hàng ngày, đại khái, có ba loại : 

1.- Tánh cảnh, tánh là thể tánh, cảnh này do thiệt chủng mà sanh ra, có thiệt thể thiệt dụng, cái tâm năng duyên của mình trực tiếp nhận được sự tướng của cảnh ấy, cho nên gọi là tánh cảnh. 

2.- Độc ảnh cảnh, là cái cảnh bóng dáng trong ý niệm mình, cảnh ấy không nương vào cảnh ở ngoài làm bổn chất, chỉ cái tâm năng duyên của mình tự nói biến hiện ra thôi, tức như cảnh tưởng tượng, cho nên gọi là độc ảnh cảnh. 

3.- Đới chất cảnh, cảnh này là mượn cảnh ngoài làm bổn chất, nhưng tâm năng duyên của mình không trực tiếp nhận được cái tự tướng của cảnh, cho nên gọi là đới chất cảnh. Nói tóm lại, ba loại cảnh ấy đều là tướng phần của tâm thức, mà tướng, kiến, tự chứng, chứng tự chứng bốn phần đều là sự tác dụng của tâm thức; do đạo lý ấy, cho nên ngoài tâm không cảnh, muôn pháp đều duy thức, đã không thiệt pháp mà cũng không có thiệt ngã vậy. 

VIII.- NGÃ CHẤP VÀ PHÁP CHẤP

 Cái thiệt ngã và thiệt pháp của chúng sinh vọng chấp, gọi là ngã, pháp hai chấp. Hai chấp ấy mỗi chấp đều có hai loại: câu sanh và phân biệt. Câu sanh tức là nói cái tánh chấp do sức nội nhơn huân tập của thức thứ sáu và thức thứ bảy, từ vô thỉ đến giờ thường cùng với thân đồng sanh, không đợi phải có tà giáo hay tà phân biệt, cho nên gọi là câu sanh; còn phân biệt nghĩa là nói tánh chấp ấy không phải cùng với thân thể đồng sanh một lần, mà lại phải đợi có tà giáo hay phân biệt rồi mới sanh ra cho nên gọi là phân biệt. Câu sanh ngã chấp và câu sanh pháp chấp lại chia ra làm hai loại : 

1.- Thức thứ bảy thường duyên thức thứ tám mà chấp là thiệt ngã thiệt pháp, thường chuyền nối luôn không khi nào xen hở. 

2.- Thức thứ sáu duyên vào các tướng của năm uẩn, chấp là thiệt ngã, hoặc duyên vào các tướng uẩn, xứ, giới, mà chấp là thiệt pháp những cái chấp ấy có khi gián đoạn, không chuyền nối luôn như thức thứ bảy kia. Còn phân biệt ngã chấp và phân biệt pháp chấp chỉ thuộc về thức thứ sáu mà thôi. Phân biệt ngã chấp là vì duyên theo tà giáo nói về uẩn tướng hoặc ngã tướng rồi phân biệt so lường, chấp trước cho là có thật ngã; phân biệt pháp chấp là vì duyên theo tà giáo nói về tướng của uẩn, xứ, giới, hoặc tự tánh v.v... mà phân biệt đo lường cho là có thiệt pháp. Chúng sinh vì những lòng chấp ấy che lấp tâm tánh sáng suốt, làm cho mình không ngộ được chơn lý của vũ trụ, vì thế mà phải luân hồi sanh tử, khổ não đời đời.

IX.- BA TÁNH VÀ BA VÔ TÁNH

 Tôn này giảng rõ cái nghĩa chơn, vọng, tóm tắt lập ra ba tánh.

 1.- Tánh biến kế sở chấp : Biến kế nghĩa là sự đo lường bao khắp, biến kế sở chấp là chỉ các hiện tượng do lòng chấp mê lầm của chúng sinh mà hiện ra, như tuồng có thiệt ngã, thiệt pháp; Sắc pháp và tâm pháp do nhơn duyên mà sanh ra, lòng mê lầm chấp trước cho là thiệt có ngã thiệt có pháp, như trong đêm tối thấy giây, tưởng lầm là con rắn, thấy gốc cây trụi tưởng là người, nên gọi là tánh biến kế sở chấp. 

 2.- Tánh y tha khởi : Tha là chỉ cho cái tanh nhơn duyên, nghĩa là nói các pháp hữu vi đều nương theo nhơn duyên hòa hiệp mà sanh ra, như lấy gai làm nhơn, nhân công làm duyên, rồi mới làm thành sợi giây. Các pháp trong vũ trụ cũng vậy, đều do các nhơn duyên hòa hiệp mà sanh, nên gọi là tánh y tha khởi.

 3.- Tánh viên thành thật : Tức là nói cái tánh thành thật viên mãn của các pháp. Cái tánh ấy là do chứng được chơn lý của ngã không và pháp không mà biểu lộ ra, ấy là chỉ cái tánh chơn như mà nói; chơn như là thiệt tánh của duy thức, cũng như thiệt chất của sợi dây là gai, nên gọi là tánh viên thành thật.

 Y theo ba tánh ấy mà lập ra ba vô tánh : 

1.- Tướng vô tánh, nghĩa là nói các pháp về biến kế sở chấp là do tâm chấp trước mê lầm mà hiện ra không có thể tướng chơn thật, như hoa đốm giữa hư không nên gọi là tướng vô tánh. 

2.- Sanh vô tánh, nghĩa là nói các pháp y tha khỉ là nương các nhơn duyên mà sanh ra, chớ không phải tự nhiên mà có, tuy nhơn duyên sanh, nhưng vốn không tự tánh, nên gọi là sanh vô tánh. 

3.- Thắng nghĩa vô tánh, tánh này sau khi chứng được ngã không pháp không, vượt ra ngoài các tình chấp, xa lìa tướng trạng, tức là do sự xa lìa cái tánh biến kế chấp thiệt có ngã thiệt có pháp, mà nhận được tánh viên thành thật ; tánh viên thành thật ấy, bản thể vốn là chơn không, cho nên gọi là thắng nghĩa vô tánh.

X.- BA LƯỢNG

 Khi tâm mình duyên cảnh, có hiện lượng, tỉ lượng, phi lượng ba loại sai khác nhau, thông thường gọi là ba lượng.

 Hiện lượng là trực tiếp duyên các cảnh hiện tiền, thân chứng được tự thể của các pháp, rõ ràng không chút gì mê loạn; tỉ lượng nghĩa là nói khi mình duyên cảnh, do thức phân biệt mà nhận biết, như thấy khói thì biết có lửa, thấy hoa phân biệt là đẹp v.v... Phi lượng tức là giống như hiện lượng mà không phải là tỉ lượng, nghĩa là nói sự phân biệt mê lầm trong tự hiện lượng và tự tỉ lượng. Trong bộ Tôn cảnh có dẫn lời giải của bậc Cổ đức rằng : “Hiện lượng, chữ hiện nghĩa là hiển hiện, tức là rõ ràng chứng cảnh, không mướn danh ngôn, không dùng tâm đo lường, trực nhận pháp thể, xa lìa sự mê lầm phân biệt, gọi là hiện ; chữ lượng nghĩa là đo lường, cũng có nghĩa là xác định, là nói trong khi tâm đối với cảnh, hay đo lường xác định, tự tướng của các pháp, không chút sai lầm, gọi là lượng. Tỉ lượng, tỉ nghĩa là so sánh, lượng nghĩa là đo lường, dùng sự so sánh đo lường mà nhận biết, gọi là tỉ lượng, Còn phi lượng là nói khi mình duyên cảnh, đối với cảnh tâm rối loạn, chỗ nhận thức sai lầm, trí hiểu biết không rõ ràng, cảnh không xứng với tâm, nên gọi là phi lượng”. Trong tám thức, năm thức trước và thức thứ tám chỉ là duyên về cảnh hiện lượng ; thức thứ sáu thông cả ba lượng, còn thức thứ bảy ở vào vị hữu lậu[3] chỉ là phi lượng.

XI.- THIỆN, ÁC, VÔ KÝ BA TÁNH

 Thiện, ác, vô ký, thông thường gọi là ba tánh. Vô ký, ý nghĩa là không lành không dữ, tức là tánh trung bình. Vô ký lại chia ra hữu phú, vô phú có hai loại. Chữ phú có hai nghĩa, một là phú chướng, nghĩa là nói hay chướng ngại đạo Bồ-đề; hai là phú tế, là nói các nhiễm pháp hay che lấp tâm tánh, khiến phải nhơ đục, hữu phú vô ký tánh chất của nó tuy là nhiễm ô, nhưng không phải là thiện ác; vô phú vô ký, tánh chất của nó không phải nhiễm ô, cũng không phải thiện ác. Ở trong tám thức, sáu thức trước là thông cả ba tánh, thức thứ bảy thuộc về hữu phú vô ký, thức thứ tám thuộc vô phú vô ký.

XII.- NĂM TẦNG DUY THỨC QUÁN

 Phép tu quán của tôn này, từ thô quán đến diệu quán, cọng có năm tầng, gọi là năm tầng duy thức quán.

 1.- Khiển hư tồn thiệt thức, khiển nghĩa là trừ bỏ, hư là chỉ cái tánh biến kế sở chấp mà nói. Cái thiệt ngã thiệt pháp về biến kế sở chấp, ở về tính chấp mà nói thời có, mà đối vớI cảnh thiệt thời không, chỉ là giả dối, không có thiệt thể thiệt dụng, cho nên phải khiển trừ; còn chữ tồn nghĩa là lưu lại, chữ thiệt là chỉ cái tánh y tha khởi và cái tánh viên thành thật mà nói; y tha khởi là nói các pháp do nhơn duyên hòa hiệp mà sanh, là cái cảnh giới nhận thức về hậu đắc trí của Phật; viên thành thật là cái thiệt tánh của các pháp, là cái cảnh giới trực nhận về căn bổn trí của Phật; hai cái tánh ấy đều có thể thiệt dụng, cho nên phải lưu lạ. Chúng sinh từ vô thỉ đến giờ, chấp trước ngã, pháp cho là thật có, bác sự lý là không, cho nên trong phép quán tưởng này có cái khiển trừ có cái lưu lại. Khiển trừ là thuộc về không quán, để phá trừ chỗ chấp có ; lưu lại là thuộc về hữu quán, để trừ bỏ sự chấp không, có với không đối nhau, ấy là phép quán Duy thức về tầng thứ nhất.

 2.- Xã lạm lưu thuần thức, nghĩa là nói trong các thức về y tha, khi có cảnh có tâm, cảnh thuộc về tướng phần trong bốn phần, tâm là thuộc về kiến phần, tự chứng phần và chứng tự chứng phần. Tướng phần là cảnh sở duyên, hai phần sau là tánh năng duyên; ở đây nói tướng phần là nói cái cảnh ở trong do tâm biến ra của tánh y tha khởi, khác với cái cảnh ở ngoài (ngoài tâm mà có) của người ta chấp trước cho là ngoài tâm có thiệt pháp; nhưng cũng đều thuộc về sở duyên. Sợ xen lộn nghĩa ấy, cho nên pháp quán này bỏ cái cảnh tướng phần ở trong thuộc về nội thức, mà chỉ quán tưởng về chỗ thuần túy là tánh năng duyên của ba phần sau, cho nên gọi là xã lạm lưu thuần thức; ấy là tâm với cảnh đối nhau, là pháp quán Duy thức về tầng thứ hai.

 3.- Nhiếp mạt qui bổn thức, nghĩa là nói kiến phần và tướng phần, hai phần ấy đều y theo tự chứng phần mà khởi ra, tự chứng phần là thể tánh, cho nên gọi là bổn (gốc), kiến phần và tướng phần là dụng, cho nên gọi là mạt (ngọn), nay đem dụng về nơi thể, tức là thâu các nhánh nhóc về nơi cội gốc, mà quán Duy thức; ấy là thể và dụng đối nhau là phép quán Duy thức về tầng thứ ba.

 4.- Ẩn liệt hiển thắng thức, nghĩa là nói ba tầng trước tuy đã về bản thể tự tánh, nhưng trong bản thể tự tánh có tâm vương và tâm sở khác nhau, tâm vương và tâm sở đều hay biến hiện, nay dùng tâm vương là hơn, tâm sở là kém, cho nên ẩn phần kém bày phần hơn, mà quán về Duy thức; ấy là tâm vương và tâm sở đối nhau, là phép quán Duy thức về tầng thứ tư.

 5.- Khiển tướng chứng thánh thức, nghĩa là nói bốn tầng trước kia, tuy chỉ còn tâm vương, nhưng tâm vương có sự tướng và lý tánh, sự tướng thời nên khiến trừ, mà lý tánh thời nên thân chứng; ấy là sự lý đối nhau, là phép quán duy thức về tầng thứ năm. Bốn tầng quán duy thức trước gọi là tướng Duy thức, tầng thứ năm gọi là tánh Duy thức.

XIII.- NĂM CHỦNG TÁNH

 Tôn này y theo năm thừa mà lập ra năm chủng tánh : 

*.- Năm thừa là : Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa, Thiên thừa, Nhơn thừa. 

*.- Năm chủng tánh là : Bồ-tát định tánh, Độc giác định tánh, Thanh văn định tánh, Tam thừa bất định tán và Vô tánh. 

Nếu đúng về pháp xuất thế gian mà nói thì là ba thừa (Thanh, Bồ, Duyên) năm chứng tánh; trong hữu tình giới, thời chủng tánh của năm thừa, mỗi mỗi đều có sai khác: Phàm những người tu hành có thể được đạo tam thừa, là trong bổn thức (A-lại-da) từ vô thỉ đến giờ đã sẵn có chủng tử vô lậu của tam thưa; còn như người không có chủng tử vô lậu thời gọi là vô tánh. 

Trong năm tánh : 

1.- Bồ-tát định tánh, cũng gọi là Bồ-tát thừa tánh, lại gọi là quyết định Đại thừa chủng tánh (chủng tánh quyết định về Đại thừa), chúng sinh về loại ấy, sẵn có chủng tử vô lậu trí, soi rõ lý ngã không và pháp không, chứng đặng bốn trí, thành tựu quả Phật, thiệt không có chủng tử Thanh văn, Độc giác, một mặt quyết định thẳng vào Đại thừa. 

2.- Độc giác định tánh, cũng gọi là Độc giác thừa tánh, lại gọi là quyết định Độc giác định tánh; chúng sinh về loại này chỉ sẵn có một phần chủng tử vô lậu trí, đoạn trừ phiền não, chứng lý ngã không, quyết định đi vào bậc Độc giác, khôi thân đoạn trí (thân tâm đều tịch diệt) yên hưởng cảnh Niết-bàn, chứ không chịu vào bậc Đại thừa. 

3.- Thanh văn định tánh, cũng gọi là Thanh văn thừa tánh, lại gọi là quyết định Thanh văn chủng tánh, về loại chúng sinh này cũng chỉ sẵn có một phần vô lậu trí, đoạn trừ phiền não, chứng được lý ngã không của quả Thanh văn, quyết thành bậc A-la-hán, cũng không thân đoạn trí, yên hưởng cảnh Niết-bàn, mà không chịu tu vào bậc Đại thừa tích cực. 

4.- Tam thừa bất định tánh, cũng gọi là bất định thừa tánh, lại gọI là bất định chủng tánh; chúng sinh về loại này gồm có hột giống đoạn trừ phiền não của tam thừa, trước chứng được quả thấp, rồi sau tu vào Đại thừa. Ngoài ra lại có chúng sinh gồm đủ chủng tử về Bồ-tát và Độc giác, cũng có chúng sinh gồm đủ chủng tử của Bồ-tát và Thanh văn, lại cũng có chúng sinh gồm đủ chủng tử của Độc giác và Thanh van; ba loại chúng sinh này, hai loại trước thuộc về bậc định tánh loại sau thuộc về nhị thừa, chứ không vào Đại thừa. 

5.- Vô tánh hữu tình, lại có chỗ gọi là nhơn thiên thừa tánh; chúng sinh thuộc về loại này không có chủng tử đoạn trừ phiền não như bậc tam thừa, chỉ làm điều lành ở đời, rồi sau được hưởng quả báo tốt đẹp mầu nhiệm nơi cõi ngườI hay cõi trời mà thôi. Lại những chúng sinh không tin chánh lý nhơn quả, một mặt tạo ra ác nghiệp, khiến phải đọa vào đường tội ác, loại này cũng gọi là vô tánh hữu tình.

XIV.- QUẢ VỊ TU CHỨNG CỦA TAM THỪA

 Tôn này giải rõ quả vị tu chứng của tam thừa, cùng với tôn Cu-xá hơi giống nhau. Thanh văn thừa và Duyên giác thừa như trong Cu-xá tôn đã nói, nay khỏi phải thuật lại; chỉ có quả vị tu chứng của Đại thừa, tôn này tông lập ra 41 vị, tức là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa và Diệu giác. Có chỗ lập ra 51 vị, nhưng chẳng qua là lấy bậc sơ trụ trong thập trụ mà chia ra làm thập tín đó thôi; nếu đem bậc mãn tâm trong thập địa, lập thêm bậc Diệu giác, thời lại thành ra 52 vị; nay dùng bảng đồ kê như dưới này 

Thập trụ : 

1.- Phát tâm trụ, 
2.- Trị địa trụ, 
3.- Tu hành trụ, 
4.- Sanh qui trụ, 
5.- Phương tiện trụ, 
6.- Chánh tâm trụ, 
7.- Bất thối trụ, 
8.- Đồng chơn trụ, 
9.- Pháp vương tử trụ, 
10.- Quán đảnh trụ. 

Mười bậc này đều gọi là trụ, nghĩa là chỗ của các vị Bồ-tát an trụ tâm, đối với sự tu hành vê lục độ chưa được rốt ráo mầu nhiệm, cho nên chỉ gọi là trụ. Bậc phát tâm trụ, là cái thời kỳ thứ nhất trong ba đại kiếp ; bậc Bồ-tát phát tâm Bồ-đề (trên thời cầu chứng được quả Phật, dưới thời hóa độ chúng sinh), an trụ nơi bậc này mà tu hành. 

Thập tín : 

1.- Tín tâm, 
2.- Tinh tấn tâm, 
3.- Niệm tâm, 
4.- Định tâm, 
5.- Huệ tâm, 
6.- Thí tâm, 
7.- Giới tâm, 
8.- Hộ tâm, 
9.- Nguyện tâm, 
10.- Hồi hướng tâm. 

Mười bậc này đều lấy đức tin làm gốc cho nên gọi là Thập tín.

 
Thập hạnh : 

1.. Hoan hỷ hạnh, 
2.- Nhiêu ích hạnh, 
3.- Vô nhuế hạnh, 
4.- Vô tận hạnh, 
5.- Ly si loan hạnh, 
6.- Thiện hiện hạnh, 
7.- Vô trước hạnh, 
8.- Tôn trọng hạnh, 
9.- Thiện pháp hạnh, 
10.- Chơn thiệt hạnh. 

Mười bậc này chú trọng tu hành về pháp lục độ hơn các hạnh tu khác, cho nên gọi là hạnh.

 
Thập hồi hướng : 

1.- Cứu độ chúng sinh ly chúng sinh tướng hồi hướng (cứu giúp chúng sinh mà không chấp trước về việc cứu giúp). 
2.- Bất hoại hồi hướng (không bao giờ thối lui lòng cứu giúp chúng sinh). 
3.- Đẳng chư Phật hồi hướng (lòng từ bi cứu giúp chúng sinh đã bằng như Phật). 
4.- Chí nhất thế xứ hồi hướng (lòng cứu giúp chúng sinh mỗi việc đều chu đáo). 
5.- Vô tận công đức tạng hồi hướng (tích chứa công đức vô tận). 
6.- Tùy thuần nhất thế kiên cố thiện căn hồi hướng (thuận theo hết thảy căn lành bền chặt). 
7.- Đẳng tâm tùy thuận nhất thế chúng sinh hồi hướng (đem tâm bình đẳng tùy thuận hết thảy chúng sinh). 
8.- Như tướng hồi hướng (làm các công đức đều hồi hướng về tự tánh chơn như). 
9.- Vô trước vô phược giải thoát tâm hồi hướng (không chấp trước, không ràng buộc, một lòng giải thoát). 
10.- Pháp giới vô lượng hồi hướng (hồi hướng về vô lượng pháp giới). 

Mười bậc này đều gọi là hồi hướng, vì những sự tu hành của các vị Bồ-tát về bậc ấy, đều vì đem công đức mà hồi hướng vậy. 

Hồi nghĩa là xoay về, hướng tức là xu hướng về nơi ba chỗ : 

1.- Xoay sự về lý, lấy chơn như thực tế mà làm chỗ chứng. 
2.- Xoay nhơn về quả, lấy đạo vô thượng Bồ-đề làm chỗ sở cầu. 
3.- Xoay mình về nơi người, nghĩa là một lòng bình đẳng, phổ độ hết thảy chúng sinh vậy.

 Thập trụ, thập hạnh và thập hồi hướng gọi là tam hiền, là vì ba bậc ấy đều nhất tâm xu hướng về đạo vô thượng Bồ-đề, tu tập những công đức mầu nhiệm; công đức ấy là lương đống, nên gọi là tư lương vị. Trong thập hồi hướng, bậc thứ mười cũng gọi là Mãn tâm, nghĩa là tâm hồi hướng đã đầy đủ; nhưng lại phải tu tập tứ thiện căn - noãn, đãnh, nhẫn, thế độ nhất - bốn bậc này là gần kiến đạo, một mực gia công tu hành, nên gọi là gia hạnh vị. Từ chỗ tu hành về bậc sơ trụ tới đây, là phải trải qua một Đại kiếp A-tăng-kỳ kiếp.
 
Thập địa : 

1.- Hoan hỷ địa, 
2.- Ly khổ địa, 
3.- Phát quang địa, 
4.- Diệm huệ địa, 
5.- Nan thắng địa, 
6.- Hiện tiền địa, 
7.- Viễn hành địa,
8.- Bất động địa, 
9.- Thiện Huệ địa, 
10.- Pháp vân địa. 

 Mười bậc này đều gọi là địa, vì tóm thâu các công đức hữu vi (tri năng chứng) và vô vi (chơn lý sở chứng) dùng làm tự tánh, cùng làm chỗ nương dựa chắc chắn hơn cả cho sự tu hành, khiến hay sanh trưởng, cho nên gọi là địa. Trong thập địa, mỗi mỗi đều có ba tâm: nhập, trụ, xuất. Khi vửa bước vào một bậc nào, gọi là nhập tâm; trong lúc ở yên nơi bậc ấy mà tu, gọi là trụ tâm; sau khi tu tập lâu rồi, gần bước qua bậc khác, gọi là xuất tâm. Ba tâm ấy đều phải trải qua trăm ngàn số kiếp - từ khi nhập tâm về bậc sơ địa, đã thấu triệt thể chơn như, chẳng qua vì mới soi thấu lý tánh, cho nên gọi là kiến đạo. Kiến đạo lược nói có hai: một là chơn kiến đạo, là chứng được tánh Duy thức (tức chứng thể chơn như), hai là tướng kiến đạo, tức là chứng tướng Duy thức, nghĩa là nhận rõ sự tướng vũ trụ đều Duy thức biến. Chơn kiến đạo là nhiếp về căn bản trí; tướng kiến đạo là nhiếp về hậu đắc trí; chơn kiến đạo và tướng kiến đạo đều gọi là thông đạt vị, tức là chỗ thấy lý của các bậc ấy được thông suốt. Từ bậc trụ tâm về sơ địa cho đến bậc xuất tâm về thập địa, đều gọi là tu đạo, nghĩa là thường thường tu tập trí vô phân biệt, dứt trừ sự mê lầm, chứng rõ chơn lý, cho nên gọi là tu tập vị. Kiến đạo và tu đạo danh từ tuy đồng với Cu-xá, nhưng tôn ấy chia sự mê lầm trong ba cõi làm hai loại, là mê sự và mê lý. Mê lý thì khi tu đến bậc kiến đạo đã dứt trừ được, còn mê sự thời tu hành đến bậc tu đạo mới đoạn trừ hẳn. Tôn này đối với hết thảy sự mê lầm cũng chia làm hai loại là phân biệt khởi[1] và câu sanh khởi[2]. Sự mê lầm về phân biệt khởi khi đến bậc kiến đạo thì đã đoạn trư hẳn, còn sự mê lầm về câu sanh khởi thời bậc tu đạo mới đoạn tuyệt. Từ sơ địa đến thất địa thuộc về kiếp A-tăng-kỳ thứ hai; từ bát địa đến thập địa thuộc về kiếp A-tăng-kỳ thứ ba. Bậc mãn tâm về thập địa lại gọi là Đẳng giác, vì địa vị đã gần đến quả. Phật.

Diệu giác tức là Phật quả. Tự mình đã giác ngộ, lại giác ngộ cho người, trí giác ngộ, công tu hành đều được đầy đủ, không thể nghĩ nghị nên gọi là Diệu giác; do chuyển phiền não mà chứng được đạo Đại Niết-bàn, chuyển sở tri chướng mà chứng được bậc Vô thượng giác, nên cũng gọi là quả nhị chuyển y. Bậc này nhiếp vào Cứu kính vô lậu giới, nên cũng gọi là cứu kính vị. Cứu kính có hai nghĩa : Một là đối với bốn vị trước (trụ, hạnh, hướng, địa), bậc này gọi là cứu kính; hai là đối vớI chỗ cực quả của nhị thừa nên gọi bậc này là cứu kính[3]. Bậc này các lậu nghiệp đã hết sạch, không pháp gì học nữa, nên cũng gọi là vô học đạo.

XV.- BA THỜI GIÁO LÝ

Tôn này chia giáo lý trong một đời của Phật làm ba thời kỳ, nghĩa là nói Phật ứng theo căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp, căn cơ đã có ba bậc, thời giáo lý cũng chia ra làm ba thời kỳ, thời kỳ đầu tiên gọi là hữu giáo; thời kỳ thứ hai gọi là không giáo; thời kỳ thứ ba gọi là trung đạo giáo.

1.- Hữu giáo là nói chúng sinh mê chấp có ngã, móng tâm mê lầm, gây các nghiệp chướng, khiến phải xoay vần trong vòng sanh tử luân hồi. Khi đức Phật mới thành đạo, đến nơi vườn Lộc giả vì những người phát tâm, muốn tu đến quả Thanh văn, nên Phật y pháp Tứ đế nói kinh Tứ A-hàm, phá trừ lòng chấp trước có thiệt ngã khiến những ngươi căn trí nhỏ hẹp được lầm hồi tu đến bậc Thánh. Các bộ về Tiểu thừa đều nhiếp vào giáo lý về thời kỳ ấy. 

2.- Không giáo, là vì những người căn trí hẹp hòi, nghe Phật nói pháp Tứ đế, tuy đã dứt bỏ lòng chấp ngã, nhưng còn chấp về sự sự vật vật trong vũ trụ cho là thiệt có; Phật muốn phá trừ pháp chấp ấy, nên ở nơi núi Thứu Lãnh, muốn đưa người đến bậc Đại thừa, mới nói các pháp trong vũ trụ đều không, tức như kinh “Đại phẩm bát-nhã” v.v... khiến người căn trí bậc trung, bỏ chỗ xu hướng hẹp hòi về Tiểu thừa, mà bước vào Đại thừa họ nghe được lý nghĩa mầu nhiệm và ý thú của đức Thế Tôn nói lý “không”, phá trừ chấp sự vật đều có, lại báo tánh tướng hai đế đều không, cho là giáo lý vô thượng, 3. Trung đạo giáo, là nói hai bậc kể trên chỉ là thiên về có hay là thiên về không, chứ chưa hiệp lý trung đạo, nên đến thời kỳ thứ ba ở nơi hội Giải thâm mật, Phât mới giải rõ giáo lý liễu nghĩa: nói hết thảy pháp đều bởi tâm thức biến hiện, ngoài tâm không pháp, để phá trừ sự chấp có trước kia; không phải là không cò nội thức, để phá trừ chấp không thời kỳ thứ hai; không phải có không phải không, xa lìa hai bên - có không - an trụ vào lý Trung đạo. 

XVI.- HAI TRÍ

Hai trí là căn bản trí và hậu đắc trí. Trí căn bản cũng gọi là trí chánh thể, trí vô phân biệt v.v..., nghĩa là nói người tu hành trực chứng lý ngã không, pháp không, thể tánh chơn như tỏ bày, lý và trí một thể bình đẳng, chấm dứt sự mê lầm và các phiền não chướng ngại, cho nên gọi là trí rõ thấu hết thảy pháp đều tức là chơn như, cảnh và trí không khác, như người nhắm mắt, không phân biệt cảnh vật ở ngoài. Do trí vô phân biệt ấy, hay sanh ra món món phân biệt, cho nên gọi là trí văn bản. Trí hậu đắc cũng gọi là trí hậu đắc sai biệt, nghĩa là nói cái trí sau khi chứng được thật tánh của y tha (tức chơn như) mà hiện ra, trí ấy rõ biết các pháp y tha khỉ đều như huyển như hóa, không sanh lòng chấp trước, mê muội có thiệt ngã thiệt pháp, món món phân biệt, cảnh trí khác nhau, như người mở mắt, các sắc rõ bày, vì do căn bản y trí mà có trí này cho nên gọi là hậu đắc trí.

XVII.- BỐN TRÍ

Bốn trí là: Đại viên cảnh trí, bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí, thành sở tác trí. Bốn trí ấy thâu nhiếp hết thảy công đực hữu vi vô lậu ở nơi Phật quả.

1.- Đại viên cảnh trí là chuyển các chủng tử hữu lậu trong thức tứ tám mà thành. Trí này đối với hết thảy cảnh tượng, sáng suốt tỏ rõ, không ngu không mê, tánh tướng thanh tịnh, xa lìa các tập nhiễm phiền não, thấu suốt trong ngoài, hiện ra các pháp, dụ như đài gương sáng lớn, nên gọi là đại viên cảnh.

 2- Bình đẳng tánh trí là chuyển hữu lậu phiền não ở thức thứ bảy mà thành, quán hết thảy pháp cùng là mình, người cho đến các loài hữu tình chúng sinh, đều là bình đẳng, dùng lòng đại bi, tùy theo căn cơ người, thị hiện mà dắt dìu dạy bảo, khiến đều được chứng vào Trí bình đẳng tức là lý chơn như; trí này duyên đạo lý ấy, cho nên gọi là bình đẳng trí; thức thứ bảy ở trong nhơn đã sẵn có cái tánh chấp ngã sanh ra mình người sai khác, nay ngã chấp đã không, thì hết thảy đều bình đẳng. 

3.- Diệu quan sát trí là chuyển chủng tử phiền não nơi thức thứ sáu mà thành, khéo hay quan sát tự tướng[4] và cọng tướng[5] của các pháp, không bị gì trở ngại, lại biết rõ cái cội gốc ưa muốn của các loài hữu tình, ở trong đại chúng hay biểu hiện không lường sự tác dụng sai khác, nói ra các pháp mầu nhiệm, dứt trừ những sự nghi ngờ cho công chúng, khiến đều được lợi vui. 

4.- Thành sở tác trí là do chuyển hữu lậu phiền não ở năm thức trước mà thành, vì muốn lợi vui cho các loài hữu tình, nên khắp cả mười phương thế giới, tùy cơ thị hiện các phép thần thông biến hóa, thành tựu bản nguyện đối với các việc đáng làm, cho nên gọi là thành sở tác trí.

XVIII.- BA THÂN

Ba thân : Tự tánh thân (pháp thân), thọ dụng thân (báo thân), và biến hóa thân, (ứng thân).

1. Tự tánh thân là pháp giới chơn tịnh của các đức Như lai, làm chỗ sở y bình đẳng cho thọ dụng và biến hóa, xa lìa sắc tướng, vắng lặng thanh tịnh bặt dứt các điều hý luận, đầy đủ không lường chơn thường công đức, ấy là thiệt tánh bình đẳng của hết thảy các pháp, cũng gọi là pháp thân, vì chỗ y chỉ của pháp công đức lớn. 

2.- Thọ dụng thân có hai : 

a.- Tự thọ dụng, nghĩa là nói các đức Như lai trải qua ba đại kiếp, tu tập không lường tư lương về phước đức chơn thật, với sắc thân đầy đủ thanh tịnh, thường được vắng lặng, cho đến đời vị lai vô cùng vô tận, tự mình hưởng dụng pháp lạc rộng lớp mầu nhiệm ; 

b.- Thọ thọ dụng, nghĩa là nói các đức Phật do trí bình đẳng, thị hiện cái thân thanh tịnh, mầu nhiệm đầy đủ các công đức, ở cõi Tịnh độ, vì các bậc Bồ-tát đã an trụ vào bậc Thập địa, hiện đại thần thông, chuyển bánh xe chánh pháp, giải quyết lưới nghi cho đại chúng, khiến các bậc Bồ-tát được thọ dụng pháp lạc của Đại thừa - gồm hai loại ấy, gọi là thọ dụng thân. 

3.- Biến hóa thân, là nói các đức Phật do cái trí thành sở tác biến hiện ra không lường thân theo từng loại mà hóa độ, ở cõi tịnh hoặc cõi uế, vì các vị Bồ-tát chưa đăng địa và nhị thừa, cùng các loại chúng sinh, xứng theo cơ nghi, hiện thần thông nói pháp mầu nhiệm, khiến các loài chúng sinh đều đặng những lợi vui, cho nên gọi là biến hóa thân.
 
 

[1] Do sự phân biệt đời này mà khởi ra.
[2] Sẵn có từ vô thỉ đến giờ.
[3] Tuy chứng đến bậc A-la-hán là cực quả của nhị thừa, nhưng đối với Phật chưa thể gọi là cứu kính, chỉ có Phật mới là bậc cứu kính.
[4] Tướng chon thật của các pháp-cảnh bất tư nghị của Đại thừa.
[5] Là các tướng do nghiệp duyên hòa hiệp mà sanh khởi ra, như ngủ uẩn, tứ đại v.v...
 

[1] Chủng tử mới huân tập trong mỗi đời. 
[2] Tức là các hiện tượng trong vũ trụ.
[3] Khi còn làm phàm phu chúng sinh đủ các nghiệp chướng phiền não.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn