8. Hạnh Cứu Khổ Của Bồ-tát Quán Thế Âm

24 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 15349)

8. Hạnh cứu khổ của Bồ-tát Quán Thế Âm

Trong kinh Đức Phật dạy rằng: "Nếu đời không có khổ sanh lão bệnh chết, không có khổ ân ái xa lìa, không có khổ oán thù gặp gỡ, không có khổ vì cầu mong không được thì Ta đã không ra đời". Như vậy Đức Phật ra đời là vì lòng từ bi cứu khổ cho chúng sanh. Đức Quán Thế Âm thể hiện lòng từ bi đó của Đức Phật, nên ngài đã quyết chí tu hành và đã trở nên một vị Bồ-tát với một tâm nguyện từ bi rộng lớn, cứu khổ cho tất cả chúng sanh trong mọi trường hợp và trong mọi thời đại như ngài đã nguyện.

Trong kinh Phổ Môn nói:

Lúc bấy giờ Bồ-tát Vô Tận Ý chắp tay bạch đức Thế Tôn rằng: Bồ-tát Quan Âm vì lý do gì mà có danh hiệu ấy? Đức Phật dạy: Vô số trăm ngàn vạn ức chúng sanh chịu đủ khổ não, nếu nghe danh hiệu Bồ-tát Quan Âm một lòng xưng niệm thì Ngài liền nghe được âm thanh ấy và làm cho họ đều được giải thoát.

Người nào trì niệm danh hiệu của ngài, dù có rơi vào đống lửa dữ dội, lửa không đốt cháy do vì thần lực của Quán Thế Âm. Nếu bị cuốn trôi bởi dòng nước lớn, mà niệm hồng danh Bồ-tát Quan Âm, thì liền gặp được chỗ đất khô cạn. Giả sử có trăm ngàn vạn ức người vì kiếm vàng bạc, lưu ly xà cừ mã não san hô, hổ phách, trân châu và những ngọc quý, mà vào biển lớn, rồi bị trật gió hắc ám cuồng phong thổi giạt thuyền buồm sa vào nước quỷ. Nếu trong đoàn ấy dù chỉ một người, xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Âm, thì cả mọi người đều được giải thoát khỏi tai nạn qủy dữ. Vì duyên cớ ấy mà danh hiệu của ngài là Quan Thế Âm. Lại nếu có người sắp bị hành hình mà niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Âm, dao gậy trong tay người kia đang nắm gẫy ra từng đoạn và kẻ tội nhân liền được giải thoát. Giả sử trong cõi đại thiên thế giới đầy dẫy qủy dữ Dạ xoa, La sát muốn hại người nào, mà nghe người ấy xưng niệm hồng danh Bồ-tát Quan Âm, thì các qủy dữ còn không thể đem con mắt dữ dằn mà nhìn người ấy, huống hồ làm hại. Lại nữa những người có tội hoặc không, đang bị gông cùm xiềng xích thân thể, mà niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Âm, thì những gông xiềng đều bị hư hỏng, làm cho người ấy liền được giải thoát. Trong cõi đại thiên đầy dẫy giặc thù, có người dẫn đầu một đoàn lái buôn mang các báu vật đi qua đường hiểm, trong đoàn có kẻ nói lên lời rằng, này các bạn ơi, đừng có sợ hãi, hãy chuyên một lòng trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Âm, vị Bồ-tát ấy thường đem cho ta sự không khiếp sợ, nếu các anh niệm danh hiệu Bồ-tát thì sẽ thoát được nạn giặc cướp nầy. Những người lái buôn nghe nói đồng thanh cất tiếng: Nam Mô Quan Âm Bồ-tát, mà được giải thoát. Nầy Vô Tận Ý, Thần lực uy lực Bồ-tát Quan Âm rất lớn lao. Người nhiều dâm dục, nếu thường cung kính niệm hiệu Quan Âm thì lìa dâm dục, người nhiều giận dữ nếu thường cung kính niệm hiệu Quan Âm thì lìa được giận dữ, người nhiều ngu si, nếu thường cung kính niệm hiệu Quan Âm, thì lìa được ngu si Bồ-tát Quan Âm có sức oai thần rất lớn lao nên làm cho chúng sanh được nhiều lợi ích. Bởi thế mọi người thường nên tâm niệm đến ngài. Nếu có nữ nhân cầu sinh con trai, lễ bái cúng dường Bồ-tát Quan Âm thì liền sinh được con trai đầy đủ phước đức trí tuệ, gốc rễ phước đức, mọi người yêu kính. Bồ-tát Quan Âm thần lực như vậy, người nào cung kính lễ bái Bồ-tát, được phước rất nhiều không phải công suông. Bởi thế mọi người nên niệm danh hiệu Quan Âm Bồ-tát. Nầy Vô Tận Ý, giả sử có người trì niệm danh hiệu sáu mươi hai ức hằng sa Bồ-tát, lại thêm suốt đời cúng dường đồ ăn, thức uống, y phục, đồ nằm, dược phẩm, ý ông nghĩ sao? Công đức của người cúng dường như vậy có được nhiều không? Vô Tận Ý bạch đức Thế Tôn, thật là nhiều lắm. Đức Phật lại dạy, như nếu có người thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quan Âm, lễ bái cúng dường dù chỉ một thời, phước đức hai người bằng nhau không khác, ngàn vạn ức kiếp hưởng phước không cùng. Nầy Vô Tận Ý, thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quan Âm phước đức vô lượng vô biên như vậy. Ngài Vô Tận Ý lại bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát Quan Âm du hành trong cõi thế giới Ta bà bằng cách nào, và thuyết pháp cho cả chúng sanh bằng cách ra sao?

Đức Phật dạy: Người ở nước nào đáng dùng thân Phật để mà giáo hóa, Bồ-tát Quan Âm liền hiện thân Phật. Đáng được hóa độ bằng thân Duyên giác, Bồ-tát liền hiện ra thân Duyên giác. Đáng được hóa độ bằng thân Thanh văn, Bồ-tát liền hiện ra thân Thanh văn. Đáng được hóa độ bằng thân Phạm vương, Bồ-tát liền hiện ra thân Phạm vương. Đáng được hóa độ bằng thân Đế-thích, Bồ-tát liền hiện ra thân Đế-thích. Đáng được hóa độ bằng thân Tự Tại, Bồ-tát liền hiện thân trời Tự Tại. Đáng được hóa độ bằng Đại Tự Tại, Bồ-tát liền hiện trời Đại Tự Tại. Đáng được hóa độ bằng thân hình của Thiên đại tướng quân, Bồ-tát hiện thân Thiên đại tướng quân. Đáng được hóa độ bằng Tì-sa-môn, Bồ-tát liền hiện thân Tì-sa-môn. Đáng được hóa độ bằng thân Tiểu vương, Bồ-tát liền hiện thân hình Tiểu vương. Đáng được hóa độ bằng thân trưởng giả, Bồ-tát liền hiện thân hình Trưởng giả. Đáng được hóa độ bằng thân cư sĩ, Bồ-tát liền hiện thân hình cư sĩ. Đáng được hóa độ bằng thân Tể quan, Bồ-tát liền hiện thân hình Tể quan. Đáng được hóa độ bằng thân Bà-la-môn, Bồ-tát liền hiện thân Bà-la-môn. Đáng được hóa độ bằng các loại hình: Tỳ-kheo-tăng, Tỳ-kheo-ni, hoặc Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di, Bồ-tát liền hiện các loại thân ấy. Đáng được hóa độ bằng thân phụ nữ của các trưởng giả, cư sĩ tể quan, hay Bà-la-môn, Bồ-tát liền hiện thân hình phụ nữ. Đáng được hóa độ bằng thân đồng nam hay thân đồng nữ Bồ-tát liền hiện thân đồng nam đồng nữ. Đáng được hóa độ bằng các loài trời, rồng hoặc Dạ-xoa, hay Càn-thát-bà hoặc A-tu-la hoặc Ca-lâu-la, Ma-hầu-la-dà, người hoặc phi nhân, Bồ-tát liền hiện các loại thân kia. Đáng được hóa độ bằng thần Kim Cang, Bồ-tát liền hiện thần Chấp Kim Cang. Bồ-tát Quan Âm đã thành tựu được công đức như vậy, dùng đủ loại hình du hành thế gian cứu vớt chúng sanh, bởi thế các ngươi hãy nên nhất tâm cúng dường Bồ-tát. Vị Bồ-tát ấy bậc đại hữu tình, thường có năng lực đem lại can đảm trong lúc nguy cấp, trong nỗi kinh hoàng, trong chốn tai nạn, cho nên mọi người trong cõi Ta bà mệnh danh Bồ-tát là Người ban bố sự không khiếp sợ.

Như vậy, lòng từ bi của đức Quán Thế Âm không phải thuộc dạng hình thức mà lòng từ bi hiến thân khắp tất cả mọi hình dạng; lòng từ bi không phải vì tướng mà luôn cả vô tướng; không phải hữu tình mà luôn cả vô tình. Cho nên lòng từ bi đó mới lan khắp tất cả mọi nơi mà trong kinh gọi là Phổ môn thị hiện (thị hiện khắp mọi nhà): nhà Tể Tướng, nhà Sa-môn, Bà-la-môn, nhà cư sĩ, nhà phụ nữ, nhà trần trục, mọi nhà. (Cho nên gọi là Phổ môn thị hiện). Vì phổ môn thị hiện nên đã cảm ứng tất cả chúng sanh và chúng sanh cũng cảm ứng đến ngài, nên dù có gặp tai nạn thì cũng được qua khỏi. Nhờ gặp tai nạn mà qua khỏi đó, nên tượng ngài luôn luôn được tôn thờ và được mọi người nhớ và niệm đến.

Chính ngay tại đất nước Việt Nam chúng ta cũng đã có hai mẩu chuyện về đức Quan Thế Âm, đó là chuyện Quan Âm Thị Kính và chuyện Nam Hải Quan Âm. Chuyện Quan Âm Thị Kính tôi thiết tưởng rằng đa số các vị đều đã hiểu, tuy nhiên để hiểu cho cặn kẽ hơn, chúng ta hãy nghe Giáo sư Hoàng Như Mai thuật lại trong Tập Văn số 32 (1995) như sau:

"Truyện Quan Âm Thị Kính là một truyện Nôm hay trong kho tàng truyện Nôm của ta. Cốt truyện hấp dẫn, ý nghĩa sâu sắc, văn chương trang nhã.

Đây là sự tích đức Quan Âm Bồ-tát theo truyền thuyết dân gian có câu thành ngữ: "Oan như oan bà Thị Kính", ấy là truyện này.

Thị Kính là một phụ nữ ở nước Cao Ly (nay là Triều Tiên). Kiếp trước là trai và đã tu được chín kiếp, còn một kiếp nữa, kiếp thứ mười thì thành công quả. Để thử thách, đức Thích-ca Mâu-ni hiện ra làm một cô gái đẹp đến quyến rũ. Chàng trai khước từ nhưng lại lỡ lời nói câu:

Có chăng kiếp khác họa là.

Tuy là lỡ lời, nhưng điều này chứng tỏ là có động tâm phát sinh ý niệm. Về điểm này, khoa tâm lý ngôn ngữ học cũng xác minh: Lỡ lời nói nhầm không phải là một sự lỡ nhầm mà có nguyên nhân trong tư duy, có ý nghĩ nhưng giấu diếm, ý nghĩ ấy bộc lộ trong những trường hợp lỡ lời nói nhầm.

Nào ngờ phép Phật nhiệm thay
Lỡ lời mà đã vịn ngay lấy lời.

Đức Thích-ca thấy người này cần phải trải qua một kiếp nữa để tu dưỡng thêm.

Kiếp sau ấy là Thị Kính, con gái duy nhất của nhà họ Mãng. Tại sao từ là trai, lại đầu thai thành gái? Bởi vì kiếp trước người này đã có biểu hiện xiêu lòng vì một cô gái, cho nên kiếp này người này mang thân gái và chịu những sự khổ não vì tình duyên là để hiểu thấu: Tình là khổ.

Tình là khổ lần thứ nhất: Thị Kính đến tuổi lấy chồng. Nhà họ Sung có con trai tên là Thiện Sĩ, muốn cầu hôn.

Thị Kính vì đạo hiếu không muốn đi lấy chồng, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, nhưng lại cũng vì đạo hiếu mà khi cha mẹ khuyên bảo, Thị Kính vâng lời lấy Thiện Sĩ.

Bước đi một bước là sa vào đường tình và ngày càng đắm đuối.

Một đôi tài sắc vừa xinh
Đố tang đồ vẽ bức tranh nào bằng
Có đêm thề thốt dưới trăng
Một rằng thế thế, hai rằng sinh sinh
Đá kia tạc lấy lời mình
Vàng kia thếp lấy chữ tình mà trao.

Cuộc tình xem như rất tốt đẹp. Nhưng đó chỉ là giả tướng. Trong bông hoa tươi đã có con sâu, nó sẽ làm cho hoa héo rũ. Sự thế vốn là vô thường.

Một buổi tối, Thiện Sĩ ngồi học và Thị Kính ngồi kề bên may khâu. Thiện Sĩ đọc sách đến khuya, mỏi mệt dựa vào vợ ngủ. Thị Kính chợt trông thấy ở dưới cằm chồng có sợi râu mọc ngược, cho là điềm gở liền sẵn con dao cầm trên tay, toan cắt sợi râu ấy đi. vừa lúc ấy, Thiện Sĩ giật mình tỉnh giấc, tưởng vợ định giết mình, nên la to lên.

Cha mẹ chàng chạy vào, chứng kiến sự việc, nghi là Thị Kính có tư tình toan hại chồng, không tin lời minh oan của nàng nên mời sui gia sang trả Thị Kính về nhà cha mẹ.

Về nhà Thị Kính rất buồn vì nỗi chưa báo đáp được chút gì mà lại làm rầu lòng cha mẹ. Nàng nghĩ chỉ có dốc lòng tu để độ cho cha mẹ thì mới đền đáp nghĩa sinh thành được thôi.

Nhưng nàng không dám ngỏ ý với cha mẹ, sợ cha mẹ thương không cho đi tu. Nàng bèn trốn nhà, cải dạng nam trang đến xin tu ở chùa Văn Tự. Sư phụ đặt tên cho là Kính Tâm.

Kính Tâm tưởng đã được yên tâm tu hành, bỏ hết mọi chuyện phiền não.

Thanh gươm trí tuệ mài đây
Bao nhiêu khổ não cắt ngay cho rồi
Hương xông pháp giới ngùi ngùi
Thông rung trống kệ, trúc hồi mõ kinh.
Nào ngờ lại xảy ra sự việc.

Trong làng có nhà giàu, cô con gái tên là Thị Mầu thường đến lễ chùa ngày rằm, mồng một. Thị Mầu nhìn thấy tiểu Kính Tâm đẹp trai liền mê và tìm cách quyến rũ. Nhưng tiểu Kính Tâm hoàn toàn không động lòng. Thị Mầu càng nặng lòng tương tư và không tự kềm chế được đã tư tình với đứa ở trai trong nhà và mang bầu.

Bị làng tra hỏi, không thể chối cãi được và lại nhân câu dỗ dành của làng:

Phải ai thì thú thực tình,
Luật cho đoàn tụ cũng thành thất gia.

Thị Mầu bèn khai là đã trót tư tình với Kính Tâm. Thế là làng bắt Kính Tâm đem ra đánh đòn.

Thấy Kính Tâm bị đòn đau quá, sư phụ thương tình xin nộp khoán cho làng, lĩnh Kính Tâm về răn dạy. Dù thương, nhưng vì Kính Tâm đã phạm giới luật nên Sư phụ không thể để Kính Tâm tu trong chùa được nữa, khuyên Kính Tâm ra ở ngoài cổng chùa và cố gắng hối cải.

Đủ ngày đủ tháng, Thị Mầu đẻ ra một đứa con trai. Bị cha mẹ đay nghiến "Con ai thì trả cho người ta", Thị Mầu đành mặt dạn mày dầy đem con lên đặt ngoài cổng chùa. Kính Tâm thương đứa hài nhi, bồng lên nuôi nấng. Làm thế khác nào nhận đứa trẻ đích thực là con mình; Sư phụ cũng hoài nghi và mọi người thì chê cười. Kính Tâm nhẫn nhục nuôi đứa trẻ khôn lớn. Cháu nhỏ được ba tuổi thì Kính Tâm lìa trần. Đến khi khâm liệm, người ta mới phát hiện ra Kính Tâm là gái và bấy giờ mới rõ Thị Kính đã bị chịu tiếng oan bấy lâu nay.

Kiếp tu thứ mười này đã viên mãn, Thị Kính được thành Phật: đó là đức Quan Âm Bồ-tát".

*

Kế đến truyện Nam Hải Quán Thế Âm, truyện nầy còn có tên thông thường là truyện Bà Lại Chúa Ba. Diệu Thiện tài sắc đức độ hơn cả hai chị, lại khước từ việc lấy chồng và xin đi tu theo đạo Phật, vì nàng rất mộ đạo. Vua bảo thế nào nàng cũng không chịu nghe, nên nàng đã bị vua cha tức giận hành hạ. Sau đó nàng đã trốn lên núi Yên Tử tu hành cho đến ngày thành chánh quả, tức là đức Quán Thế Âm mà trong Quan Âm Nam Hải đã nói như thế này:

Chơn như đạo Phật rất mầu,
Tâm Trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được song thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.
Linh trong nghìn mắt nghìn tai,
Cũng trong một điểm linh đài mà ra 
Ngẫm trong biển khổ nam ta
Phổ môn cứu khổ Phật bà Quan Âm.

*

Cho nên đối với tất cả chúng sanh ngài là một bậc Bồ-tát thí vô úy như trong kinh Phổ Môn đã nói. Ở trong các độ thì bố thí độ là ban bố sự không sợ hãi. Do đó, chúng sanh trong Ta-bà thế giới xưng niệm danh hiệu ngài là bậc bố thí vô úy. Bố thí trong nhà Phật có ba thứ: Một là tài thí, hai là pháp thí và ba là vô úy thí. Vô úy thí là cách bố thí cao nhất. Đức Quán Thế Âm đã thành tựu tài thí, pháp thí cho nên ngài cũng thành tựu vô úy thí.

Sự sợ hãi của chúng sanh lan khắp nơi bất cứ giờ nào, bất cứ khi nào cũng có thể xảy ra cho tất cả. Nhưng làm sao để tránh sự sợ hãi đó? Tức nhiên là phải có sự nỗ lực tự thân của mình, nhưng đồng thời cũng phải có sự hỗ trợ của các đấng từ bi. Cho nên khi gặp những lúc khổ não, mà niệm đến đức từ bi của ngày Quán Thế Âm thì liền được cảm ứng. Cảm ứng đó vừa là tự lực, vừa là tha lực. Niệm đức Quán Thế Âm, tức tâm ta đã hướng về Ngài. Ngay giờ phút đó ta không còn lo trở ngại gì cả, không còn lo tai nạn, không còn lo tâm hồn bị khủng bố, không còn lo tâm vị ngã mà ta và tâm ta hòa quyện cùng tâm từ bi của đức Quán Thế Âm và đức từ bi của Ngài cũng cảm ứng đến ta, mà hình thành một sự độ thoát cho chúng ta khi lâm tai nạn.

Hiểu rõ ý nghĩa đức từ bi của ngài luôn luôn độ thoát cho chúng sanh, nên trong kinh dạy: Niệm Quán Thế Âm, tu theo hành đức Quán Thế Âm thì cái niệm của chúng ta mới được thành tựu như ý nguyện. Vì vậy chúng ta niệm đức Quán Thế Âm để tu tập hạnh Quán Thế Âm, bất cứ ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, ngài cũng cảm ứng, hộ trì; khi ấy cái nguyện của chúng ta mới có kết quả viên mãn theo ý nguyện của chúng ta. Vì lòng từ bi lớn lao ấy cho nên nghe tới đức Quán Thế Âm thì chúng ta liền tưởng đến lòng từ bi của ngài. Ngài luôn luôn nhìn xuống chúng ta, tức là đem lòng từ bi ấy phủ trùm cho chúng ta, và chúng ta khi ngước lên nhìn ngài cũng với lòng tôn kính. Đó là một cái nhìn độ lượng, cái nhìn có sự cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

Tôn trí tượng Quán Thế Âm để thờ cũng là do sự cảm ứng đạo giao nan tư nghì đó. Tượng Quán Thế Âm đã đi vào tâm hồn chúng ta, vào trong nhà của chúng ta, đi vào văn học dân gian của dân tộc ta. Cũng là do cái sự cảm ứng đạo giao nan tư nghì đó. Cho nên Phật tử chúng ta thờ đức Quán Thế Âm với tâm tưởng sáng suốt, với một tâm từ bi quảng đại bao la, do đó chúng ta luôn luôn được sự gia hộ của đức Quán Thế Âm bất cứ lúc nào.

Hôm nay là ngày vía của đức Quán Thế Âm, tôi lược qua hạnh nguyện từ bi của ngài cũng để cầu nguyện cho tất cả chúng ta, gia đình, xã hội, đất nước chúng ta đều được an lành và cầu nguyện cho tất cả chúng ta luôn được sự gia hộ của đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn