Chương Iv - Những Trường Phái Đại Thừa

30 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 15073)


SẮC TƯỚNG VÀ THẬT TƯỚNG

Vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo
Prof. Guy Newland, Ph.D.
Tâm Hà Lê Công Đa chuyển ngữ

CHƯƠNG IV
NHỮNG TRƯỜNG PHÁI ĐẠI THỪA
Ngài A Đề Sa trong một tác phẩm quan trọng, “Bồ Đề Đạo Đăng”, đã phân loại người đời ra ba hạng có căn cơ khác nhau. Hạng hạ sĩ chỉ biết suy nghĩ đến những phúc lợi tạm thời, những an vui, dục lạc trong cuộc sống luân hồi sinh tử. Họ bám chặt với đời sống thế gian và không muốn từ bỏ nó. Đối với hạng người này,ï phần đông chỉ biết đi tìm kiếm những dục lạc trong cuộc sống thế tục hoặc nếu có theo tôn giáo thì cũng chỉ hời hợt bên ngoài; thản hoặc có một số khác gồm những người biết quan tâm đến chuyện tu hành thì cũng chỉ ở mức độ thấp nhất tức là chỉ tu phước, tu chỉ để mong cầu được tái sanh vào một kiếp sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Hạng hạ sĩ vì thế chưa có khả năng bước chân vào lộ trình giải thoát. Ngược lại, hạng trung sĩ chỉ tìm kiếm giải thoát cho riêng cá nhân mình ra khỏi vòng luân hồi sinh tử, lòng chăm chăm hướng đến niết bàn. Tuy nhiên họ đang đi trên con đường Tiểu thừa bởi vì chỉ quan tâm đến phúc lợi của riêng mình mà không chia sẻ gánh nặng cứu vớt chúng sanh. Trong khi đó hạng thượng sĩ với tâm nguyện vị tha rộng lớn, họ chỉ luôn nghĩ đến việc mang lại hạnh phúc cho muôn loài. 

Khi họ nhận ra khả năng có thể đạt đến giác ngộ, và biết được rằng những năng lực của một vị Phật có thể giúp đỡ tha nhân một cách hữu hiệu hơn, trong ý nguyện độ sanh cao cả, họ quyết định lựa chọn con đường tinh tấn tu tập cho đến bao giờ có thể đạt thành Phật quả. Lòng quyết tâm này là một hạnh nguyện Bồ tát và những ai mang những hạnh nguyện này vào đời, đang bước đi trên con đường của Đại thừa.

Như vậy sự khác nhau giữa Tiểu thừa / Đại thừa là sự khác nhau giữa hai lộ trình tu chứng. Đường tu của Tiểu thừa được thúc đẩy bởi ý nguyện vượt thoát vòng luân hồi sinh tử và đạt đến đạo quả an tịnh giải thoát. Con đường của Đại thừa được thúc đẩy bởi tâm từ bi rộng lớn thương xót toàn thể chúng sanh nhằm đạt đến quả vị viên mãn, cực lạc, nhất thiết trí của một vị Phật. Tuy nhiên một điểm khác cũng cần được lưu ý là ngay từ phần đầu của cuốn sách này ta cũng đã từng đề cập đến sự khác nhau giữa hai thuyết phái Tiểu thừa và Đại thừa. Thế nên chúng ta không nên lẫn lộn giữa hai sự khác biệt này. Một cách ngắn gọn, lộ trình tu chứng của Tiểu thừa và Đại thừa được phân biệt trên căn bản động cơ và ý nguyện tu tập; trong khi đó hai thuyết phái Tiểu thừa và Đại thừa không phải khác nhau do động cơ thúc đẩy mà là trên quan điểm về vô ngã, hay không tánh.

 Không giống như những thuyết phái Tiểu thừa chỉ giảng dạy về vô ngã của con người, thuyết phái Đại thừa giảng dạy rằng bản tánh rốt ráo của thực tại, thể vi tế và quan trọng nhất của vô ngã là vô ngã, hay tánh Không, và đó là bản tánh rốt ráo của mọi hiện tượng giới. Họ khẳng định rằng Bồ tát do hạnh nguyện vị tha cao cả thúc đẩy, đã thiền quán sâu xa trên tánh Không của toàn thể pháp giới, và như thế đã chuẩn bị để bước vào tình trạng nhất thiết trí của Phật quả.

Một vài thuyết phái Đại thừa cho rằng những hành giả của phái Tiểu thừa đã không hề nhận chân được tánh Không của pháp giới và do đó không thể nào vượt qua khỏi những chướng ngại nhằm đạt đến nhất thiết trí. Tuy nhiên, thuyết phái cao nhất, Quy Mậu Biện Chứng phái của Trung Quán Tông, nhìn nhận rằng các hành giả của Tiểu thừa thực chứng được tánh Không, tuy nhiên lộ trình tu chứng này không thể đưa họ đến tình trạng nhất thiết trí bởi vì trí tuệ của họ không được trang bị bởi tấm lòng vị tha cao cả cũng như đã không được thúc đẩy bởi những hạnh nguyện ba la mật như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, v.v...

NHỊ ĐẾ NHƯ LÀ MỘT NHẤT THỂ

Những thuyết phái Đại thừa đưa ra kết luận rằng cái tánh Không vi tế và sâu sắc thực chứng được trên con đường Bồ tát đạo là một Chân đế. Chân đế này là một hiện tượng giới khiển trừ, và hoàn toàn vô ngã (tức là không xuất hiện như một loại hữu thể nào đó). Tuy nhiên những trường phái Đại thừa đã bất đồng quan điểm về loại hữu thể mà tánh Không phủ định.

Cụ thể như trường phái Duy Thức cho rằng tánh Không là không có sự khác nhau giữa đối thể và chủ thể nhận thức (tâm) đang nắm bắt nó, của một thực thể; trong khi đó Quy Mậu Biện Chứng phái của Trung Quán Tông quan niệm rằng tánh Không là không có hiện hữu tự thân. Tuy nhiên cho dù định nghĩa tánh Không như thế nào đi nữa, các thuyết phái Đại thừa đều đồng ý rằng cái tánh Không rất vi tế này trước tiên là một Chân đế, và là một phẩm tánh hiện hữu trong toàn thể mọi pháp giới. Điều này có nghĩa là, bất cứ cái gì hiện hữu -kể cả tánh Không- đều trống rỗng về bất cứ loại hữu thể nào mà tánh Không phủ định.

Những tục đế bao gồm mọi pháp giới ngoại trừ tánh Không, như cái bàn, cái ghế, v.v... Tất cả những hiện tượng giới này đều rỗng không. Chúng tự nó không phải là những tánh Không, tuy nhiên chúng rỗng không bởi vì chúng thiếu một cách thế hiện hữu nào đó. Khi Tục đế mang phẩm tính rỗng không cũng như khi tánh Không là một Chân đế, ta đi đến một kết luận rằng Chân đế và Tục đế là những hiện tượng giới khác nhau, nhưng hổ tương khiển trừ, và bao dung lẫn nhau như là một thực thể đơn thuần bất khả phân.

Kinh Giải Thâm Mật (Unravelling the Thought) đã so sánh mối liên hệ giữa Nhị đế với mối liên hệ giữa vỏ sò trắng và tánh trắng của nó, tiêu và tánh cay của nó, bông gòn và tánh xốp của nó và những cặp tương tự. Trong mối liên hệ giữa vỏ sò trắng và tánh trắng của nó, tánh trắng không phải là vỏ sò, cũng như vỏ sò không phải là tánh trắng; thế nhưng cái vỏ sò trắng là luôn luôn trắng (1). Tương tự như thế, Hoàng Mạo phái biện giải rằng không hề có chuyện nghịch lý khi Nhị Đế có thể hổ tương giao tiếp toàn diện ở trong cùng một cá thể đơn thuần. Cũng giống như tánh trắng và cái vỏ sò trắng, chúng là đặc tánh và đặc tánh sở đắc. Tánh Không là phẩm tánh cao nhất, là bản tánh rốt ráo của toàn thể pháp giới.
 

CHÚ THÍCH

(1) Kinh Giải Thâm Mật - Sutra Unravelling the Thought (Samdhinirmocana-sutra). P774. Vol. 29. Bản dịch của John Powers (Wisdom of Buddha). Dharma Publishing, 1995.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2166)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8178)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3008)