Trang 01

21 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 12725)


TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM

Lâm Thanh Huyền - Người dịch: Minh Chi
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003

VÌ HIỆN TẠI HÃY LÀM MỘT CHÚT GÌ ĐÓ
(Thay lời tựa)


Một ngày, tôi đi dạo chơi ở đường phố Đôn Hoa Nam, bỗng một phụ nữ chạy theo gặp tôi, cô ta vừa thở vừa nói: “Xin hỏi, ông có phải là Lâm Thanh Huyền không”

Tôi nói: Phải.

Cô vui vẻ nói: “Tôi muốn gọi điện thoại đến nhà xuất bản gặp ông, ngờ đâu lại gặp ông trên đường đi”.

Tôi nói: “Cô có việc gì đấy?”

“Tôi ...à”. Cô ta muốn nói nhưng lại thôi, rồi lại mạnh dạn nói: “Tôi cảm thấy là trước khi học Phật tôi rất vui, nhưng bây giờ lại sống rất khổ, không biết có phải là do tự mình hay không?”.

Sau đó, chúng tôi cùng đi dạo dọc đường Đôn Hoa Nam, giữa hai hàng cây trùng dương. Tiếng người và tiếng xe cộ chạy qua bên cạnh. Dòng xe chạy ngược xuôi này, từ đâu đến và đi đâu tôi không biết. Tôi có cảm giác như đang xem một đoạn phim về một đoạn đường, khi thì dồn dập, vội vàng , khi thì yên tĩnh vắng lặng.

Vị nữ sĩ trung niên, đi bên cạnh tôi, nói về sự xung đột, va chạm, khổ đau, giữa học Phật và cuộc sống.

“Tôi mỗi ngày đều lên khóa lễ sớm và chiều. Mỗi lần tụng kinh một giờ. Vì khóa lễ sớm và chiều cho nên tôi không thể đưa con đi học, cũng không đi đón con về nhà. Chồng tôi rất không bằng lòng, cho rằng tôi đã bỏ quá nhiều thì giờ vào một công việc không có ý nghĩa.

Các con tôi rất thích nghe loại âm nhạc sôi động, nhưng nhà chúng tôi chỉ có một dàn máy mà thôi. Nếu tôi lên khóa lễ, thì các con tôi không nghe nhạc được, do đó mà có tranh chấp, cũng do đó mà các con tôi không tin Phật giáo. Khi chúng nó nói thì tỏ ra bất kính Phật và Bồ tát. Tôi nghe chúng nó nói mà càng thêm khổ.

Bà tôi, chồng tôi và cô em tôi đều theo tín ngưỡng dân gian. Năm mới hay gặp ngày lễ thì giết gà vịt để cúng. Tôi không thể làm như vậy được, vì làm như vậy sẽ mâu thuẫn với tín ngưỡng của tôi. Nhưng nếu không làm thì lại sanh ra cãi vã, mâu thuẫn, trong nhà không được yên.

Tôi muốn hóa độ cho họ, nhưng họ bài bác tôi và bài bác cả Phật giáo. Giữa tôi với họ, không thông cảm với nhau được. Lâm tiên sinh xem tôi nên giải quyết thế nào?”

Càng nói về sau, đụng chạm đến chỗ thương tâm của cô, cho nên mắt cô đỏ hoe.

Tôi nói: “Vì sao cô học Phật?”

Cô ta nói: “Đời người là biển khổ. Tôi hy vọng sau khi chết được vãng
sanh về cõi Cực Lạc phương Tây.”

“Thế thì vì sao cô lên khóa lễ sớm chiều?”. Tôi lại hỏi.

Cô nói với giọng chí thành: “Bởi vì tôi cảm thấy nghiệp chướng rất nặng, cho nên phải theo khóa lễ để sám hối nghiệp chướng đời trước của mình.”

“Cô có bao giờ nghĩ rằng, cô chỉ lo lắng cho quá khứ và tương lai, còn đối với hiện tại cô có nên làm đôi chút gì chăng?”. Cô ta đứng ngẩn người ra, không nói được nửa lời. Bởi vì, đúng là trong quá trình học Phật, cô ta hoàn toàn không nghĩ tới vấn đề hiện tại .

Tôi nói với cô ta: “Hãy đối xứ với chồng tốt hơn. Đó chính là khóa lễ rất tốt đấy. Hằng ngày, quan tâm đến con, đưa nó đến trường và đón nó về nhà. Đó cũng là khóa lễ rất tốt đấy. Hãy thử đừng có tranh cãi với người khác, và khéo tùy thuận họ. Lại là một khóa lễ rất tốt nữa. Thậm chí, cùng với các con nghe nhạc sôi động khiến các con cảm thông với tình yêu của mẹ, chúng nó sẽ không còn sợ hãi.

Đó cũng là một khóa lễ rất tốt nữa. Các hạnh Bồ Tát như bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự đều là những việc làm như thế cả! Nếu chúng ta thể nghiệm được “nhà nào cũng có bộ kinh khó tụng”, mà lại đem bộ kinh đó đọc tụng được, đọc thuộc được, đọc thông được thì việc thể nghiệm Phật pháp chân thực sẽ rất giản đơn.

“Bởi vì, bộ kinh ở trong nhà đó, cũng sâu sắc, khó nghĩ bàn như các bộ kinh trong chùa vậy.”

Tôi thấy mắt cô bạn như sáng ra và cô nói: “Đúng vậy! Vì sao trước đây, tôi không có nghĩ hay làm một chút gì đó cho hiện tại?”. Này, Lâm tiên sinh, dưới lầu công ty Bách Hóa Viễn Đông này có quán cà phê, bán cà phê rất ngon. Tôi mời ông uống cà phê và giảng thêm cho tôi một tí. 

Chúng tôi đi uống cà phê. Loại cà phê ở đây rất đặc biệt, nước cà phê đen váng sữa trắng, lấy thìa con khuấy lên, mùi thơm bay khắp, nhất là vào một buổi chiều thu như hôm nay, lòng con người có cảm giác êm dịu.

Tôi hỏi cô ta “Cô có biết thuyết 12 nhân duyên không?”

“Biết chứ”. Tôi nói tiếp: 12 nhân duyên giống như 12 giờ, ghi trên mặt đồng hồ đeo tay của tôi đây, chúng ta hãy viết trên đó:

Đó là cái bí mật của sự luân chuyển của chúng ta trong vòng sanh tử luân hồi? Vô minh và hành là hai cá nhân phiền não thuộc đời sống quá khứ, chúng ta dựa vào thức mà tái sanh ở thế giới này. Khi chúng ta mới tái sanh, chúng ta còn ở trạng thái bào thai mới thành hình gọi là danh sắc. Trong thai mẹ, sáu cảm quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý dần dần hoàn bị gọi là sáu xứ. Sau khi lọt lòng mẹ, mới 2, 3 tuổi thì mới có cảm xúc, gọi là xúc. Từ 4, 5 tuổi đến 14 tuổi, 15 tuổi mới cảm thọ được thế giới này gọi là thọ.

Vô minh, hành là hai cái nhân của “đời sống quá khứ”.

Thức, danh sắc, sáu xứ, xúc thọ là “năm quả của đời sống hiện tại”. Ái là gì? Từ 16 tuổi, 17 tuổi trở đi, cảm giác ái dục bắt đầu mạnh mẽ. Đó là ái.

Vì có ái cho nên tham cầu, muốn chiếm hữu được cái này, cái kia. Đó là thủ.

Do ái, thủ mới tạo ra các nghiệp, gọi là hữu.

Ái, thủ, hữu là “ba cái nhân của đời sống hiện tại”. Ba cái nhân đó là chỗ dựa để chúng ta tái sanh ớ đời vị lai. Do đó mà có sanh. Đã có sanh thì có già chết (lão tử). Tiếp đó, lại theo thứ tự như trên mà quay một vòng nữa, dựa vào vô minh, hành mà tái sanh. Tôi giảng qua 12 nhân duyên, khiến cho bầu không khí giữa chúng tôi trở thành trang nghiêm.

“Trên hình thức, cuộc sống chúng ta hình thành một đường thẳng quá
khứ, hiện tại, vị lai. Thực ra, thì đó là một sự quay vòng như trên mặt đồng hồ đeo tay vậy. Do đó, kinh nghiệm hiện tại có thể đã từng là kinh nghiệm quá khứ, và những kinh nghiệm đó sẽ lặp lại nhiều lần trong vị lai. Chúng ta không cách nào hiểu biết được các nhân từ vô minh đến thọ, cũng không quản được 2 nhân sanh và lão tử ở vị lai. Làm gì cho hiện tại đây, tức là với thái độ chân thực, xem xét khâu ái dục của chúng ta, khâu tham cầu của chúng ta, và nghiệp của chúng ta. Đó là những điều mà hàng ngày chúng ta đều có thấy, cảm thọ và đổi mới được!”

Vị nữ sĩ xem đồng hồ đeo tay của tôi bỗng kêu lên một tiếng “Tôi phải về nhà đón con tôi và làm cơm!”

Tôi nói “Không phải là những việc ấy chồng cô là m cả sao?”

Cô ta cáo từ với giọng niềm nở “Tôi hiện nay hiểu rồi, phải làm chút
gì đó cho hiện tại chứ.”

“Nếu có thời giờ rỗi, cô cũng đừng quên khóa lễ ở bàn thờ Phật đấy! Nếu hiểu rõ đuợc hiện tại, hiểu rõ được chân giá trị của giờ phút này thì lên
khóa lễ sớm và chiều mới có sự phát hiện sâu sắc hơn.”

Nhìn thấy cô ta đi khuất sau thang lầu tôi mới nhớ rằng mình đã quên không hỏi tên cô.

Tôi ngồi trong hàng cà phê, suy xét và thưởng thức 2 chữ thần kỳ “hiện tại”. Hiện 現 là vương kiến, nghĩa là cái thấy của quốc vương. Cũng tức là cách hiểu biết trọng yếu nhất, thù thắng nhất. Tại tức là “tôi đang ở”.

Dùng một kiến giải trọng yếu nhất để nhìn rõ cảnh giới, nơi thâm tâm tôi đang tồn tại, thấy rõ thân tâm mình khởi và diệt như thế nào, thấy rõ thân
tâm như như bất động như thế nào!

Đó là sự thể nghiệm thân thiết và chân thực biết bao!

Tin rằng trong quá khứ, chúng ta đã tạo nhiều tội nghiệp mà không biết, nhưng làm sao mà thay đổi đặng!

Cũng tin rằng, trong vị lai sẽ có một thế giới mới tốt đẹp, nhưng nếu như chúng ta hiện nay, ngay một bát cơm, một chén trà cũng không thưởng thức được thì làm sao sẽ thưởng thức được cái tốt đẹp ở cõi Tịnh Độ?

Chúng ta trở về xem xét hiện tại, đó là “tĩnh giác”, cũng tức là trở về Phật Pháp, bở i vì Phật Pháp không hướng về quá khứ, cũng không hướng tới tương lai mà cầu tìm. Phật pháp vốn là ở đây Phật tánh là vốn có. Chỉ vì chúng ta không tĩnh giác, xem thường cho nên mới thấy xa vời.

Hàng đàn chim ở trong rừng, không bằng một con chim ở trong tay mình... nước đầy ở đại dương không bằng nước ở trong chén. Tiệc lớn ngày hôm qua không giúp ích gì cho cơn đói ngày hôm nay. Bộ áo mới hôm nay, đến mai sẽ không còn mới nữa.

Tôi cũng đứng dậy, chuẩn bị đi đón con ở trường về, đó cũng là khóa lễ hàng ngày của tôi.

Trong một thời gian rất ngắn, rất ngắn, trong vườn lớn của nhà chúng tôi, trồng các cây đa, cây táo và cây long nhãn, bọn trẻ con thay phiên nhau phụ trách quét sạch lá rơi trong vườn.

Cha chúng tôi dạy chúng tôi một phương pháp rất tốt để quét sạch lá vườn, tức là sáng sớm, trước khi lấy chổi quét vườn thì hãy dùng sức lay từng cây một. Ông nói: Như vậy là để quét luôn những lá sẽ rụng ngày mai, và như vậy sẽ tiết kiệm sức cho ngày mai.

Do đó, trước khi quét vườn, chúng tôi đều lay gốc cây để cho lá rụng, nhưng điều rất lạ là mặc dù dùng sức đến đâu, ngày mai vẫn có lá rụng.

Thậm chí, đối với cây vừa mới lay gốc không lâu, qua một cơn gió thổi, lá lại rụng nữa.

Như vậy, cứ lay gốc cây mãi. Một ngày cây táo ở gần giếng bị lay mạnh đến bật rễ mà chết.

Lúc đó, tôi mới thể nghiệm rằng, ngày hôm nay chỉ cần quét sạch lá trên đất này là được, vì ngày mai nhất định sẽ còn có lá rụng.

Điều quan trọng là trong quá trình quét sân, phải quét tử tế, có để tâm. Như vậy, hàng ngày đều giữ vườn được sạch sẽ. Trong tâm mình cũng nhờ quét vườn mà được thanh thản. 

Lá rơi trên đất vừa quét sạch, lại nổi bật lên như còn tươi, thậm chí lại còn đẹp nữa.

Các khâu ái, thủ, hữu bị rơi rụng trong đời sống con người, cũng như lá vàng lúc ban đầu nhìn cũng chướng mắt. Nhưng nếu con mắt biết quan sát mà xem, thì vẫn có khía cạnh đẹp của chúng.

Vì hiện tại hãy làm một chút gì vậy!

Hãy làm chút gì cho cuộc sống vô thường, ngắn ngủi, trôi nổi bất định này!

Ngày ngày tỉnh giác, ngày ngày có sự chuẩn bị trong sáng, đó là khóa lễ vĩ đại nhất!

Tinh thần cơ bản của cuốn sách “Tin tức từ biển tâm” là giải thích việc trở về với giờ phút này, trở về hiện tại, để lắng nghe những tin tức tựa hồ như huyền ảo.

Tiếp theo các tập “Thân tâm an tịnh”, “Trên trời có một vì sao”, “Thắp đèn lên giữa trời xanh”, đây là tập bài diễn giảng thứ tư của tôi. Khi sửa chữa bản thảo, tôi có cảm tưởng phảng phất như trở lại đứng trên bục giảng. Thời gian cũng đã trôi qua rồi! Xuất bản tập bài giảng này, chỉ là để kỷ niệm những dòng suy nghĩ của khoảng thời gian đó. Tôi bôn ba đó đây, ngày này qua ngày khác, cũng là để thể hiện nguyện vọng ban đầu của tôi là mong đánh thức được những tiếng nói, những tin tức đến từ biển tâm của mọi người.

Đặc biệt cảm tạ hai vị Phùng Quý Mi và Dương Bạch Húc đã bỏ ra nhiều tâm huyết để chỉnh đốn lại các bài giảng tùy cơ, tùy duyên này.

“Tin tức từ biển tâm” là khó nghĩ bàn, rộng lớn, vô biên. Nhưng vẫn mong mọi người lắng nghe, vớt lên một ít nước từ biển tâm, để uống hay tắm rửa, làm dịu bớt cơn nhiệt não bức bách con người trong cái nhà đang cháy là thế gian này!

Trong cuộc đời, tiếng cười và nước mắt đan xen này, buồn và vui quyện nhau này, hãy vì hiện tại mà làm một chút gì!

Lâm Thanh Huyền
Năm 1991, mùa thu ở Đài Bắc
 
 

TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM

Chủ đề giảng hôm nay là “Tin tức từ biển tâm”, đó là đầu đề một bài ca đang lưu hành, nội dung có liên hệ đến vấn đề ái tình. Có rất nhiều người được nghe bài ca đó. Hôm nay, chúng tôi mượn đầu đề bài ca đó để bàn về vấn đề chú ng ta nên đối xử như thế nào những tin tức đến từ biển tâm, nhờ đó mà trí tuệ được rộng mở.

Gần đây, tôi có viết một cuốn sách, nhan đề “Bồ đề là bụi trần”, trong đó viết rất nhiề u bài dùng đầu đề là các bài ca đang lưu hành. Có nhiều người hỏi tôi, vì sao lại lấy đầu đề các bài ca để giảng Phật Pháp. Tôi nghĩ rằng, một quan điểm trọng yếu của tôi là hy vọng mọi người có một thái độ thoải mái hơn, tự tại hơn để tìm hiểu Phật Pháp, chứ không nên học Phật với thái độ quá nghiêm túc và cứng nhắc.

Rất nhiều người đã từng đi ca hát ở các quán Karaoke. Ca hát ở đây rất thích thú. Vì sao? Vì anh có thể ca hát thoải mái. Ca hát lên tâm tình của mình, mà không cần chú ý tới người khác. Anh ca hát lên mà không có mong cầu gì hết. Cũng không sợ vì ca hát mà bị thám tử phát hiện. Vì trong lòng thoải mái, cho nên cũng có thể ca hát rất vui vẻ. Học Phật cũng vậy, nên giữ tâm tình thoải mái, không mong cầu gì không sợ người khác biết, giữ thái độ thoải mái, thì sẽ nhanh chóng được lợi ích trong việc học Phật.

Hôm nay, nói đề tài “Tin tức từ biển tâm” cũng là với hy vọng mọi người hãy có thái độ thoải mái và tình cảm để lắng nghe những tiếng nói đến từ cõi lòng mình.
 
 

HỌC TẬP PHẬT PHÁP VỚI THÁI ĐỘ TỰ TIN

Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn luôn đề xướng quan điểm: Trước khi làm một người Phật tử thì hãy làm cho được một người chân chánh bình thường, tức là một người sống tự tại trong cuộc sống của mình. Hôm qua, buổi tối, có khoảng một chục bạn bè học Phật đến nhà tôi chơi. Trong đó có một nữ sĩ nói với tôi “Phật giáo dạy người ta phải biết tiết chế dục vọng, cho nên người xuất gia mặc áo thâm đen hay áo trắng bạc, vào ngày Bát quan trai thì không ai được xức nướchoa, làm đầu cho đẹp, không được cài hoa trên tóc, không được ca hát, khiêu vũ. Không được nằm giường cao, rộng”.

Cô ta nói với giọng khổ sở : “Còn tôi thì có lúc rất muốn diện quần áo đẹp, tô môi son, đeo vòng tay. Nhưng lại không dám vì sợ người hhác phê bình là Phật tử mà còn ăn diện”. Tôi nói với cô ta “Chúng ta cần nhận thức người tại gia khác với người xuất gia. Xuất gia là người chuyên nghiệp tu hành. Còn tại gia là người tu hành nghiệp dư, cho nên so với người xuất gia, có thể sống thoải mái rộng rãi hơn. Ví dụ như tôi đây là một nhà văn chuyên nghiệp, cho nên yêu cầu của tôi đối với viết văn nghiêm khhắc chặt chẽ hơn. Nếu anh là một nhà văn nghiệp dư thì mỗi năm chỉ cần viết 2, 3 chương sách là được.

Nghĩa là yêu cầu viết văn đối với anh có thể rộng rãi và dễ dãi hơn. Tu hành cũng theo một đạo lý như vậy. Một người Phật tử, không cần thiết ngày nào cũng phái mặc áo trắng quần đen. Sắc mặt nhợt nhạt, đi ra đường với thái độ nghiêm túc tựa hồ như đội trên đầu cái bảng đề năm chữ: Tôi là Phật tử đây! Nếu đúng là như vậy thì người khác sẽ không dám gần gũi chúng ta. Thật ra nguời Phật tử há lại không thể mặc áo đẹp, bôi môi son, đeo vòng ở tay hay sao? Tôi đưa cho cô nữ sĩ ấy xem một bức ảnh Bồ Tát Quan Thê' âm mà nói rằng: “Này cô xem Bồ Tát Quan Thế Âm đẹp biết dường nào. Đầu tóc Bồ tát chải rất đẹp, tướng báo trang nghiêm.Ngài cũng đeo đôi khuyên ở tai mà có ai coi thường Ngài đâu!”

Có một cô gái kể chuyện cho tôi nghe một câu chuyện bí mật: Cô ta ưa nghe ca hát hơn là nghe tụng kinh; cô ta nghĩ rằng việc tu hành của mình có vấn đề, cho nên cảm thấy khổ não hổ thẹn. Tôi nói với cô ta: “Nếu cô thấy nghe âm nhạc thích thú thì cứ đi nghe nhạc, cô thấy nghe đọc kinh không thích thú bằng nghe ca hát, có thể vì cô chưa hiểu hết ý nghĩa trong kinh, hoặc là hhi nghe đọc kinh, nội tâm của cô chưa cảm động, chưa được khai mở. Về căn bản, nghe đọc kinh và nghe ca hát đều đáng thích thú, nếu không tức là có thái độ phân biệt.”

Tôi từng có hai lần nghe ca hát mà vô cùng cảm động. Một lần là ở trong chùa, nghe Tăng sĩ hát bà i “Tam Bảo ca”do đại sư Hoằng Nhất viết lời ca, đại sư Thái Hư phổ nhạc. Bài ca bắt đầu bằng các câu “Trời và Người trong đêm dài, vũ trụ mờ mịt, ai cho ta ánh sáng đây!”. Tôi nghe cảm động đến chảy nước mắt. Một lần khác, tôi nghe Sư phụ Sám Vân tụng Chú Đại Bi. Giọng của ngài, thái độ của ngài, có sức mạnh của lòng từ, lòng bi làm tôi cảm động vô cùng. Ngài tụng Chú Đại Bi theo một tiết tấu mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Tôi rất lấy làm lạ sao giọng tụng kinh nghe hay đến thế!

Chúng ta nghe tụng kinh mà không ưa là vì chúng ta chưa lãnh hội được ý nghĩa trong kinh. Lúc bấy giờ tôi bày cho cô gái một phương pháp, tức là khi nghe người khác ca hát, thì hãy nghe với cái tâm nghe tụng kinh; khi tâm của con người thật vắng lặng trong sáng, thì có thể dùng cái tâm tình nghe tụng kinh như vậy để nghe các bài ca đang lưu hành. Họ sẽ thấy cảm động vô cùng, giống như khi nghe bài “Kỳ thực, anh không rõ lòng tôi”. Khi nghe ngâm bài thơ của Hàn Sơn Tử:

“Ngô tâm tựa thu nguyệt,
Bích đàm thanh hạo khiết,
Vô vật kham tỷ luân
Giáo ngã như hà thuyết”.

Nghĩa là:

“Tâm tôi giống trăng thu,
Như nước ao trong sáng thanh tịnh,
Không vật gì có thể so sánh bằng,
Hãy dạy tôi nói sao đây!"

Nói cách khác, khi nghe người khác tụng kinh , có thể dùng tâm tình nghe ca hát, tức là cái tâm tình hoan hỷ, đợi chờ, thì sẽ cảm thấy nghe đọc kinh rất là thú vị. Có lần tôi được nghe Pháp sư Kiến Như xướng bài “Khấu chung ký” (Bài đánh chuông), tôi cũng chảy nước mắt bởi vì Pháp sư xướng hay quá, hay không khác gì các bài ca đang lưu hành, thậm chí còn hay hơn.

Tôi muốn nói là chúng ta không cần phải gạt bỏ tất cả những gì chúng ta gặp trong cuộc sống, đừng khiến cho tất cả những gì trong cuộc sống sinh ra mâu thuẫn, đối lập với Phật pháp. Có một lần tôi đưa con đi xem bộ phim “Truyện Lục Tổ Huệ Năng”. Xem xong, con tôi nói “Không hay bằng bộ phim của Thành Long.” Tôi cũng đồng ý với con tôi, điều này không có nghĩa là Lục Tổ Huệ Năng không làm chúng tôi cảm động, mà là vì người đạo diễn đã dùng một hình thức cố định, đơn điệu, bảo thủ cho nên người xem khô ng thích thú.
 
 

CỞI BỎ SỰ RÀNG BUỘC CỦA HÌNH THỨC

Học tập Phật Pháp, ra sức tu hành, không phải là để biến hình thức bên ngoài của chúng ta thành ra tướng báu trang nghiêm, như như bất động, mà là để cho nội tâm chúng ta có sự đổi mới. Sự đổi mới nội tâm ấy cũng như một sự biến đổi vật lý làm cho tâm tình chúng ta được nâng cao, siêu việt, trở thành ôn hòa, cao cả, cũng tức là làm cho tâm tình chúng ta cởi bỏ được mọi ràng buộc và trở thành tự do.

Tâm chúng ta bị rất nhiều hình thức ràng buộc; trong những hình thức đó có cả những hình thức Phật giáo; chúng ta không dám phê bình mọi sự tình trong đạo Phật, không dám suy xét biện lẽ, vì vậy mà khiến cho rất nhiều hình thức của đạo Phật đến nay vẫn như thế, không sao thay đổi được.

Hãy đưa ra một vài thí dụ như ấn tống kinh sách. Kinh sách ấn tống rẻ và không đẹp chất đầy chùa, khi mua đem về cũng không được mọi người kính trọng. Đối với phóng sanh cũng vậy, động vật gì cũng phóng sanh, làm cho cảnh trí và núi rừng bị ô nhiễm, phá hoại. Những việc như vậy đều do chúng ta không dùng thái độ đúng đắn để kiểm nghiệm, không chịu phá bỏ hình thức, để tâm chúng ta được tự do.

Nếu sau khi theo tín ngưỡng Phật giáo mà cảm thấy bị ràng buộc nhiều hơn, không được tự do, thì phải điều chỉnh, giảm bớt hình thức, khiến cho nội tâm được tự do hơn. Ngoài ra, phải cởi bỏ những vướng mắc trong tâm, để cho tâm được tự tại, để thấy được tất cả mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Như thế nào là thấy được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống? Phải có được đôi mắt tốt, với đôi mắt tốt thì có thể giúp chúng ta nhận thức, cải cách, sáng tạo đối với nội tâm, làm cho tâm tình thăng hoa, đó chính là căn bản của học tập Phật Pháp.

Hôm qua, đông bạn bè đến thăm tôi khi chia tay, một vị đứng trên lầu cao 15 tầng ngó xuống thành phố Đài Bắc, nói lên với giọng cảm khái: “Không ngờ cảnh Dài Bắc ban đêm xinh đẹp dường này”. Tôi nói “Nếu anh có một cặp mắt tốt, tâm tình tốt, thì nhìn cảnh ban đêm ở đâu cũng sẽ thấy rất xinh đẹp”. Đó là do tâm tình chúng ta có đổi mới và sáng tạo, cho nên cuộc sống cũng giảm bớt nhơ bẩn đi.

Tôi nói với người bạn là văn sĩ tên Mạnh Đông Ly, anh ta mới dịch xong cuốn sách tựa đề “Con đường Tô Phi”. Nội dung cuốn sách nói chuyện tu hành. Trong sách có chép một truyện cổ tích làm tôi rất cảm động, truyện kể ngày xưa có một vị Hòa Thượng rất nghèo, chỉ có một cái bình vỡ đựng nước và một tấm chăn rách, ông giữ vững nếp sống nghèo. Kết quả là người trong làng đều cho rằng ông tu hành rất tốt. Gần đấy, có một vị Hòa Thượng khác, rất giàu có, ăn, mặc đều rất đẹp. Mọi người đều cho rằng ông này hưởng thụ quá mức của một vị Hòa Thượng.

Một ngày có một người đến gặp vị Hòa Thượng nghèo và hỏi: “Xin hỏi sư phụ: Ngài có thể hay không nói về sự tu hành của vị Hòa Thượng giàu có kia. Phải chăng sự tu hành của ông ấy có vấn đề?”. Vị Hòa Thượng nghèo trả lời: “Vị Hòa Thượng giàu có kia tu hành siêu việt hơn tôi, vì ngài đã không còn chấp trước giàu hay nghèo và hình thức bề ngoài nữa. Còn tôi đang giữ nếp sống nghèo khổ, là vì tôi không có biện pháp chống đối sụ mê hoặc của vật chất.”

Khi đọc truyện này, tôi liên tưởng nghĩ tới đại sư Tịnh Vân. Rất nhiều người phê bình là sản nghiệp của đại sư ở núi Phật Quang quá to lớn. Nhưng cá nhân tôi lại rất thán phục ngài. Tôi cảm thấy Ngài đã hoàn toàn thoát khỏi sự phiền nhiễu của sự vật bên ngoài, kể cả giàu và nghèo. Ngài không còn bị vướng mắc, chấp trước nữa. Khi chúng ta có thể nhìn rõ hình thức bề ngoài, khô ng bị ô nhiễm bởi hình thức đó thì chúng ta mới biết được thế nào là tâm chân chính.

Mật tông hay nói chuyện trang nghiêm. Chúng ta thấy có rất nhiều vị Đại Lạt Ma, đội mão giát vàng, dệt kim tuyến. Nhiều vị pháp vương mặc lễ phục rất đẹp. Cá c vị ấy đi trên thảm đỏ rộng 50 mét. Nếu chúng ta còn chấp trước hình thức thì chúng ta sẽ không thể chấp nhận hình thức đẹp đẽ tráng lệ bề ngoài của họ. Sự thật là có rất nhiều vị Đại Lạt Ma đã siêu việt lên trên mọi chấp trước giàu hay nghèo.

Là người Phật tử hay người tu hành, chúng ta có thể sùng bái các vị Lạt Ma như Đế Nhược Ba, hay là Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa). Tôi thường xem truyện ký của Lạt Ma Milarepa và nhiều lần cảm động chảy nước mắt. Tôi không khi nào tu theo được nếp sống khổ hạnh như Ngài. Ngược lại, anh cũng có thể sùng bái Bồ Tát Liên Hoa Sanh và Đại sư Tsong Ka Pa. Hai vị này đều khác với Lạt Ma Milarepa, vì họ ăn mặc rất là đẹp đẽ, trang nghiêm. Do đó có thể nói, một người chỉ cần tu hành trung thực, nhận thức được tâm mình, thì hình thức bề ngoài sẽ không thành vấn đề quan trọng nữa. Cũng như nói: Chúng ta có thể chọn hình thức tu hành nào cũng được, khổ hạnh hay lạc hạnh cũng được.
 
 

XA RỜI TÂM THÌ KHÔNG CÓ PHẬT

Trong đạo Phật có câu chuyện có liên quan đến sự tu hành của Phật Thích Ca và Phật Di Lặc. Phật Thích Ca và Phật Di Lặc từ xưa vốn là anh em cùng học một thầy, nhưng vì sao Phật Thích Ca lại thành Phật sớm hơn Phật Di Lặc? Đây là vì Phật Thích Ca tu khổ hạnh, vì vậy mà mau chóng thành Phật. Còn Bồ Tát Di Lặc vì sao đến nay vẫn chưa thành Phật? Đó là vì Bồ Tát chọn tu theo lạc hạnh. Ngài cho rằng, trong khoái lạc, người ta vẫn có thể tu hành.

Chúng ta nhận thấy Bồ Tát Di Lặc, vì quá khoái lạc, cho nên hình thù béo mập. Bồ Tát Di Lặc đến lúc nào mới thành Phật? Đáp án là sau 56 ức 7.000.000 năm mới thành Phật. Phật Thích Ca thường hay ca ngợi Phật Di Lặc là rất khéo tu hành. Bởi vì Ngài Di Lặc dùng một thái độ thoải mái, vui vẻ, thung dung mà vẫn có thể siêu việt và tu hành Phật Pháp. Đương nhiên, giữa khổ hạnh và lạc hạnh có một khoảng cách thời gian đến 56 ức bảy trăm vạn năm. Nhưng đối với một người tu hành mà nói thì 56 ức bảy trăm vạn năm chỉ là thời gian một nháy mắt.

Khi chúng ta đã có thể thấy được tự thân mình, hiểu biết được tự tâm mình, thì dù có phải trải qua một trăm ức năm mới tu thành Phật được cũng không đáng sợ. Nếu chúng ta hoàn toàn không thấy được tự thân mình, thì dù là thời gian rất ngắn, cũng cảm thấy sợ hãi.

Nhớ có lần tôi đi thăm Ngài Thái Tích Độ Nhân Ba Thiết. Ngài được người ta xem là Bồ Tát Di Lặc hiện thân. Ngài nói rằng: “Hiện nay có rất nhiều người muốn tu hành có kết quả ngay. Có lần có một Tăng sĩ đến nói với Ngài: Xin sư phụ cấp cho tôi một chứng chỉ là Sơ Địa Bồ Tát để tôi treo trong chùa cho tín đồ được xem.” Ngài trả lời với Tăng sĩ ấy rằng: “Tôi còn chưa chứng Sơ Địa Bồ Tát thì làm sao cấp chứng chỉ cho ông được.”

Nếu chúng ta thấy rõ được tự tâm mình, thì sẽ không vội vã cầu kết quả. Nếu không thấy rõ được tự tâm thì có nóng vội cũng vô ích. Ngài Thái Tích Độ Nhân Ba Thiết nói với tôi rằ ng: “Nếu chúng ta từ đời trước, tái sanh vào thế giới này, bắt đầu tu hành với điểm cơ sở là 0 phần (không phần) thì trải qua tu hành lâu dài trong một đời này, mở mang trí tuệ, bồi dưỡng lòng từ bi, mà được thêm một phần thì cũng đã tốt lắm rồi.

Thời gian 100 đời người có dài lắm đâu! Bất quá chỉ hơn 1 vạn năm, nếu so sánh với thời gian Bồ Tát Di Lặc tu thành Phật thì nhanh hơn nhiều”. Vì vậy mà nói rằng, không nên nóng vội. Đời này, so với đời trước, siêu việt hơn một điểm; nhận thức tự tâm mình rõ hơn một điểm là tốt rồi. Nhìn rõ tức là không mê. Thường có người hỏi tôi mê là thế nào. Mê 迷 là chữ mễ 米 thêm bên phải chữ Sước (gọi là quai sước), ý tứ là đem bát gạo đổ trên đất, rồi lượm lại từng hạt. Mê là sự tán loạn. Tâm tán loạn như bát gạo đổ ra trên đất. Vậy thì ngộ 悟 là thế nào? Ngộ là trong khi bát gạo bị đổ xuống đất, thấy rõ là bát gạo, không nên đem đổ xuống đất như vậy!

Giữa mê và ngộ có một điều rất trọng yếu; đó là đừng để bị ô nhiễm. Vì vậy, cô muốn ăn mặc đẹp thì hãy mua áo đẹp về mặc, muốn bôi môi son thì cứ bôi, muốn đeo vòng tai thì cứ đeo. Cô muốn trang nghiêm cho thân mình thì cứ tô điểm và làm trang nghiêm cho thân mình. Chỉ cần đừng để bị ô nhiễm là tốt.

Các vị Bồ tát đều rất trang nghiêm. Vì sao vậy? Bởi vì Phật giáo là một tôn giáo giảng về tâm. Trong kinh sách, dùng hai chữ để hình dung Phật Pháp, tức là tâm pháp. Phật Pháp cũng là chánh pháp. Chánh pháp là cầu ở trong tâm. Còn cầu đạo ở ngoài tâm là ngoại đạo. Vì vậy trong việc học Phật, có một điều hết sức trọng yếu phải chú ý là lắng nghe tin tức đến từ biển tâm của mình.
Phật là “người giác ngộ triệt để”.

Giác ngộ là mình thấy rõ được tâm của mình. Một người mà thấy rõ được tâm của mình tức là Phật. Do đó, có thể kết luận: “Xa rời tâm linh sẽ không có gì gọi là Phật nữa.” Khi chúng ta tụng kinh mà tâm không hiểu, thì cái mình tụng đọc không phải là Phật Pháp. Cũng như vậy, khi lễ Phật mà không có tâm; thì đối tượng mình lễ cũng không phải là Phật. Khi sám hối mà không có tâm, thì điều mình sám hối cũng không phải là Phật Pháp. Ngược lại, cười mỉm với người khác mà có tâm thì đó là Phật Pháp, đi dạo mà có tâm thì đó là Phật Pháp, tâm tức là tất cả Phật Pháp .
 
 

TƯỞNG NIỆM VÀ SỰ TRÌNH HIỆN CỦA TÂM

Tiếp theo đây, chúng ta hãy dùng một số câu đơn giản trong Phật giáo để xem tâm là thế nào? Trong kinh Hoa Nghiêm có câu “Tam giới sở hữu, duy thị nhất tâm.” Nghĩa là thế giới này tuy biểu hiện bao nhiêu dáng vẻ khác nhau, rộng lớn vô cùng, đều là một tâm. Kinh lại viết: “Tam giới duy nhất tâm, tâm ngoại vô biệt pháp, tâm Phật cập chúng sanh, thị đẳng vô sai biệt.” Ý tứ câu kinh là: Ba giới đều do tám hiển hiện, ngoài tâm ra không có gì gọi là Pháp; tâm chúng ta cùng với Phật và chúng sanh, đều bình đẳng, không có gì sai khác.

Tâm Phật và chúng sanh đều là một, không có tâm nào đặc biệt. Cái gọi sai biệt chỉ là vì Phật là bậc Giác ngộ. Tâm chúng ta hiện nay, cùng với tâm mê loạn của chúng sanh cũng là không có sai khác; điều sai khác chỉ là chỗ chúng ta đã bắt đầu giác ngộ, cầu nhập đạo Bồ đề , nhưng về bản chất cũng chỉ là một mà thôi.

Trong kinh Bát Nhã có câu: “Đối với tất cả các pháp, tâm đều khéo dắt dẫn. Nếu biết được tâm, thì sẽ biết rõ các pháp. Tất cả các pháp thế gian, đều do ở tâm sanh ra.” Đối với tất cả các pháp, tâm là kẻ dắt dẫn chỉ đường khéo léo nhất. Nếu biết được tự tâm mình, thì có thể biết được tất cả Phật Pháp. Cũng như khi luộc rau, nếu có thể biết được tâm mình, thì rau mình luộc cũng là Phật pháp, người ăn sẽ khai mở trí tuệ. Vì vậy nếu biết được tâm mình thì sẽ biết được tất cả Phật Pháp. Bới vì tất cả Phật pháp đều sanh ra từ tâm .

Kinh Lăng Nghiêm viết: “Nếu có thể chuyển được vật thì không khác gì Phật; Phàm phu thì bị vật chuyển, Bồ tát thì có thể chuyển vật.” Tâm một người mà chuyển được vật thì người ấy không khác gì Như Lai. Còn nếu bị vật chuyển thì đó là phàm phu. Phật Thích Ca và chúng ta giống nhau ở chỗ có bệnh, có đau, có chết, nhưng khi có bệnh, đau và chết, tâm của Phật không có chuyển biến. Đó là chỗ vĩ đại của Phật. Vì vậy, chúng ta phải học tập “chuyển”, chứ không phải vì học tập như thế nào để không sanh bệnh, không đau, không chết. Bởi vì, đó là điều không thể có được.

Trong kinh “Tâm địa quán” có câu: “Trong ba giới, tâm làm chủ, người quán thấy được tâm, thì sẽ được giải thoát triệt để, người không quán thấy được tâm, sẽ vĩnh viễn bị chìm đắm. Tâm chúng sanh cũng giống như đất lớn, 5 ngũ cốc và năm loại hoa quả đều từ đất lớn sanh ra; Tâm pháp ấy làm nhân duyên, cho nên mới có chúng sanh xuất hiện ở thế gian, sanh vào 5 cõi thiện hay ác, có các bậc xuất thế, hàng hữu học và vô học, hàng Độc giác và Bồ Tát, cho đến Như Lai. Vì cả ba giới đều do ở tâm, cho nên tâm gọi là ‘đất lớn’” .

Ý tứ của đoạn kinh trên là trong ba giới, tâm đều là chủ nhân; Nếu một người có thể quan sát thấy rõ được tự tâm của mình thì sẽ được vĩnh viễn giải thoát. Người mà không quan sát được tự tâm của mình thì cuối cùng nhất định sẽ bị chìm đắm. Tâm chúng sanh cũng như đất lớn vậy, 5 loại ngũ cốc, 5 loại hoa quả đều do ở đất lớn mà sanh ra. Vì vậy, tâm có thể sanh ra tất cả các pháp thiện và pháp bất thiện, thế gian và xuất thế gian, sanh ra chúng sanh trong 5 cõi, cho tới Độc giác, A La Hán, Bồ Tát và Phật. Do nhân duyên đó mà nói 3 giới duy tâm, và tâm gọi là đất.

Qua những câu lời trích dẫn trong kinh điển, chúng ta có thể biết, tất cả Phật Pháp đều lấy tâm làm chủ, lấy tâm làm vua, vì vậy kinh Phật gọi tâm là tâm vương (vua tâm). Do đó, chúng ta có thể xác định, điều trọng yếu nhất trong việc học Phật Pháp là làm cuộc cách mạng tâm linh. Ba phương pháp tu hành Giới, Định, Tuệ của Phật giáo đều nhằm làm cho tâm chúng ta được kiên cường hơn, sâu sắc hơn và rộng lớn hơn, và được khai ngộ .

Từ ở các kinh sách trên, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận:
* Tâm là căn bổn của Phật Pháp; bỏ rời tâm thì không có Phật pháp.
* Phật, ta và tất cả chúng sanh đều cùng có một tâm như nhau.
* Tâm nếu có thể tiến không ngừng trên con đường giác ngộ thanh tịnh, thì đó chính là con đường đạo Bồ đề căn bổn nhất.

Thế nhưng, khi chúng ta nói tâm, chúng ta rất dễ mô tả hời hợt. Vì sao? Vì rất khó giải thích và biểu lộ tâm. Phật Thích Ca nói: “Tâm không thể nói lên được và không thể nghĩ bàn được.” Trong Thiền Tông, cũng hay nói “Tâm là không thể biểu lộ được.” Thế nhưng, không phải vì tâm không thể biểu lộ, không thể nghĩ bàn mà đến nỗi không hiểu biết được tâm. Chúng ta có thể dùng một phương pháp đơn giản để tìm hiểu tâm là gì?

Trước hết, có thể quán bộ mặt bình diện của tâm, để tìm hiểu và kiểm nghiệm tâm chúng ta. Cái thứ nhất có thể giúp kiểm nghiệm tâm chúng ta gọi là tưởng niệm. Tưởng niệm là gì? Kinh Viên Giác viết: tâm có tưởng niệm bèn thành sanh tử, tâm không tưởng niệm tức là Niết Bàn. Tâm một người mà có tưởng niệm, thì sẽ sanh tử không ngừng. Nếu hoàn toàn không có tưởng niệm, ở trong trạng thái thanh tịnh, thì tức là Niết Bàn.

Chúng ta hãy phân tích chữ Tưởng 想 là tướng của tâm. Phân tích chữ Niệm là tâm của hôm nay (Kim thiên đích tâm 念 ). Tưởng niệm là bộ mặt do tâm trình hiện hôm nay. Vì sao, có tưởng niệm là có sanh tử? Bởi vì, tưởng niệm khiến dấy lên dục vọng của chúng ta. Cũng như chúng ta không ra phố thì không có vấn đề gì. Một khi ra phố thì dục vọng khởi lên, nghĩ mua cái này cái khác, chiếm vật phẩm thành sở hữu của mình. Lúc bấy giờ chúng ta có thể dùng hai quan điểm để quan sát cái tâm đó.

Một, đó là cái tâm hôm nay. Vì, hôm qua anh không ra phố, không nghĩ chuyện mua y phục. Hôm nay ra phố mới nghĩ chuyện mua y phục. Cũng không dễ dàng gì! Họ quyết tâm mua về mặc ba ngày rồi lại không mặc nữa. Vì cảm thấy bộ quần áo này cũng không đẹp như mình thấy lúc mua! Vì sao? Vì đó là cái tâm vị lai. Cái tâm hôm nay, thì anh lập tức cảm nhận được. Đó là niệm.
Hai: là tướng của tâm. Vì tôi thích màu hồng, cho nên tôi mua bộ áo màu hồng về nhà để mặc.

Bản thân y phục cũng không phải đẹp hay xấu, rẻ hay đắt. Nếu nó cảm ứng với tâm chúng ta thì chúng ta thấy là đẹp hay là rẻ tiền. Ví dụ như, tôi mỗi ngày đều cảm thấy cái gì công ty Bách Hóa bán cũng đều rất đắt, đó là vì tôi không cảm ứng với các thứ hàng do công ty bán. Nhưng, nếu có người có tiền, lại có cảm ứng với các thứ hàng hóa đó, thì họ lại thấy rẻ, không đắt. Do đó, có thể nói, bộ áo đó chỉ là sự trình hiện của tâm mà thôi. 

Năm nay, tôi có về làng ở vài ngày. Anh tôi dẫn tôi đi thăm chợ ban đêm. Tôi thấy áo quần bán ở chợ đêm đều rất xấu. Nhưng anh tôi lại nói, nghề bán y phục ở đây rất có lãi. Bởi vì người địa phương cho rằng quần áo bán ở đây rất đẹp. Loại quần áo này nếu xuất cảng sang châu Âu nhất định sẽ bán không được. Ngược lại, quần áo ở châu Âu nếu đem đến đây cũng không bán được. Y phục thì chỉ là y phục mà thôi. Nó còn do trí tưởng tượng chúng ta trình hiện ra nữa. Vì vậy, y phục không chỉ là y phục, mà còn là tâm của anh. Tất cả những gì do anh sử dụng, đều là do tâm trình hiện, đều cũng là tưởng niệm.

Nếu một người được huấn luyện về thẩm mỹ, có con mắt siêu việt, thì sẽ biết lựa chọn những cái tương đối tốt hơn. Vì sao? Bới vì đó là sự trình hiện của tâm người ấy. Nội tâm một người chưa được cải cách, thấy những cái tầm thường thô tục cũng cho là đẹp. Cũng như Hòa Thượng Hư Vân nói: “Con chó không bỏ ăn cứt được.” Vì không có sự thăng hoa chân chính, cho nên anh không có cách nào để thưởng thức cái tốt đẹp đó là cảm ứng, cũng là một loại tưởng niệm.
 
 

LẤY GIÁC VÀ SÁU THỨC ĐỂ NHẬN RÕ TỰ TÂM

Trong kinh Phật nói: “Tưởng niệm như thác chảy, niệm trước niệm sau không thấy nhau, niệm niệm nối đuôi nhau.” Chính niệm niệm nối đuôi nhau tạo ra cuộc sống của chúng ta, toàn bộ cuộc sống của chúng ta là do giòng tưởng niệm không dứt đoạn tạo thành. Cuộc sống chúng ta là bị giòng tưởng niệm đó chiếm hữu hoặc là thích ứng với sự vật bên ngoài, hoặc là bị sự vật bên ngoài chuyển động, rồi mang theo cho tới giờ phút chết.

Thí dụ, có người sống cả đời ở Đài Loan cảm thấy rất khổ, bèn nghĩ cách di cư sang Canada, nhưng không được như nguyện. Khi chết cũng nghĩ tới Canada. Sau đó được tái sanh ở Ottawa (Canada). Như vậy, sanh tử cũng là do tưởng niệm. Bất quá là tưởng niệm không nhất định được thực hiện, bởi vì còn có tác dụng của nghiệp lực nữa.

Tưởng niệm là cái rất dễ kiểm nghiệm. Thí dụ, tưởng niệm cha mẹ, chỉ cần nhắm mắt lại là có thể tưởng tượng ra hình dáng cha mẹ. Tưởng niệm bạn bè, người yêu cũng như vậy, chỉ cần nhắm mắt lại là có thể tưởng tượng ra hình dáng của họ ngay, và tình cảm cũng lập tức có phản ứng. Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta một phương pháp giản đơn để xét nghiệm tưởng niệm. Tức là nhắm mắt lại nghĩ tới me chua, lập tức chảy nước bọt. Lại nghĩ tới mình đang đứng trên bờ vực sâu, lập tức thấy hai chân mềm nhũn. Nghĩ tới quan hệ trai gái, lập tức má ửng đỏ. Qua đó mới biết uy lực của tưởng niệm là to lớn.

Trong cuộc sống chúng ta gặp phải rất nhiều trường hợp như vậy. Có một ngày tôi đi xem chợ ban đêm ở phố Nhiêu Hà, gặp một người đang bán quả thanh mai, nhưng lại gọi là quả người tình. Tôi hỏi người bán tại sao lại gọi quả thanh mai là quả người tình? Ông ta trả lời: Khi nghĩ tới quả thanh mai hay nghĩ tới người tình, miệng anh đều chảy nước bọt, cho nên mới gọi quả thanh mai là quả người tình. Trong cuộc sống còn có những phương pháp kiểm nghiệm khác.

Thí dụ, anh nằm mơ thấy mình leo núi, sáng hôm sau dậy nhất định thấy mỏi gối, lưng đau, giống như mình đã leo núi vậy. Có lần con tôi nửa đêm bò dậy bảo tôi rằng, nó nằm mơ thấy đang bơi lội trong biển. Lý do là vì nó đái dầm ra quần. Khi chúng ta tưởng niệm đồng thời lại tỉnh giác, thì có thể kiểm nghiệm được tưởng niệm của mình. Nghĩa là ở trong nội bộ của tưởng niệm, còn có một cái thâm trầm hơn, không khởi diệt tùy theo tưởng niệm. Cái đó gọi là giác cũng gọi là tâm.

Cũng như hôm nay, có nhóm người lập ra đảng Kim Quang rao truyền rằng, họ gá bạc rất là ngốc xuẩn. Ai có tiền đánh bạc với họ nhất định có lãi to. Có người bị lừa, bỏ vốn vào, đó cũng là do lòng tham mới bị đảng Kim Quang lừa bịp. Mọi người đều biết là không nên có tâm tham nhưng lúc bấy giờ không ngăn được cái tâm tham nó khởi lên. Vì sao? Vì không “tỉnh giác”. Khi tưởng niệm khởi lên thì sự tỉnh giác cũng phải khởi lên đồng thời.

Có khi tưởng niệm của chúng ta không nhất định là trong sáng và hướng thiện, điều này không quan hệ, miễn chúng ta có tỉnh giác là được.
Phương pháp thứ hai để kiểm nghiệm tâm là dùng 6 thức. Tức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Sáu thức này tương thông với nhau. Phật Thích Ca đã từng giải thích về sự tưởng niệm thông qua 6 thức trong kinh Lăng Nghiêm: “Phật lấy một cái khăn thắt làm sáu nút, và nói với học trò rằng: ‘Khi cái khăn được thắt làm sáu nút thì chỉ thấy 6 nút mà không thấy được cái khăn’.

Phật hỏi: ‘Bây giờ làm thế nào để thấy rõ đây là một chiếc khăn?’. Học trò trả lời: ‘Chỉ cần mở nút ra’. Phật lại hỏi: ‘Mở nút nào trước?’ Học trò trả lời: ‘Mở nút nào trước cũng được’. Cũng tức là nói: Từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý đều có thể mở thắt nút, để thấy rõ chiếc khăn vốn như thế nào. Chiếc khăn đó tức là tâm của chúng ta.”

Nói thêm một điểm nữa, tức là giữa mắt, tai, mũỉ, lưỡi, thân, ý có một cái gì đó nối liền. Cái nối liền đó, Thiền tông gọi là “Một con khỉ, sáu cửa sổ”. Tức là một gian phòng có sáu cửa sổ và trong phòng có một con khỉ. Bất cứ anh vào phòng bằng cửa sổ nào đều có thể bắt được con khỉ. Điều này có nghĩa là giữa tâm chúng ta và sáu thức, có một quan hệ rất mật thiết. Do đó, muốn nhận thức được rõ tâm chúng ta, có thể thông qua sự kiểm nghiệm của sáu thức.

Trong cuộc sống, chúng ta còn có thể dùng một số phương pháp khác để kiểm nghiệm. Thí dụ, chúng ta nhìn thấy một cái gì đẹp, ăn một thức ăn gì ngon, nghe một điệu nhạc hay, thì thân thể cảm thấy khoan khoái. Nghĩ chuyện tốt đẹp, chúng ta cảm thấy thư thái. Ngược lại, nếu nửa đêm nghe còi xe cứu thương rú lên hay là thấy một chuyện gì chẳng lành xảy ra thì trong tâm cũng có phản ứng tương tự. Ở cư xá tôi ở, tầng dưới mở một phòng “khám tai mũi họng kiêm nội khoa.” Có ngày, người bác sĩ phụ trách nói với tôi rằng: Tai , mũi và toàn thân liên kết chặt chẽ với nhau. Tai đau nhiều khi là do viêm mũi.

Cổ họng đau cũng có khi là do mũi. Cho nên chúng ta biết rằng mắt, tai, mũi, lưỡi thân là giống nhau và phải thông qua ý mới có khả năng tác dụng. Chúng ta biết có nhiều người, 5 cảm quan đều tốt nhưng phát huy tác dụng không lớn, là do thiếu “ý”. Có thể nói, các cảm quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không hoạt động riêng lẻ, độc lập được. Còn ý là gì? Ý 意 là do ba chữ lập, nhật, tâm tạo thành, nghĩa là đứng dậy để nhìn rõ tự tâm mình. Ý khác với tưởng niệm.

Tưởng niệm mà kèm theo cứng nhắc, cố chấp thì biến thành ý. Cũng như nhìn thấy một bộ y phục đẹp không mua chịu không nổi, sinh ra biếng ăn, lười uống. Tưởng niệm mà cố chấp như vậy, gọi là ý. Sự cố chấp của ý so với tưởng niệm, thực là đáng sợ. Nhưng trái lại, so với tưởng niệm thì ý có thể giúp chúng ta dễ dàng nhìn thấy được tâm mình. Ý có thể làm chúng ta vui vẻ, đau khổ, làm chúng ta sanh, cũng làm chúng ta chết!

Cách đây không lâu, tôi cùng vài người bạn văn sĩ, nhân rỗi rãi, bàn chuyện nữ sĩ Tam Mao tự sát. Trong số người bạn, có một người là bác sĩ. Anh ta nói: Người treo cổ chết thì da mặt có màu đen và lưỡi lè ra ngoài. Thế nhưng, Tam Mao chết thấy không có hiện tượng đó. Một người bạn khác là nhà báo nói: Cái đinh đóng ở tường không cao quá đầu người, Tam Mao không thể thắt cổ chết được, nhưng Tam Mao đã dùng một giải lụa thắt cổ. Diện mạo cô ấy sau khi chết vẫn đẹp, hoàn hảo.

Vì vậy, kết luận của mọi người là “cô ta bị ý niệm giết chết, khác với người bình thường khác tự sát.” Đương nhiên đây là một quan điểm cần được kiểm chứng lại. Bất quá điều đó có thể xác định là, nếu không bị ý niệm thúc đẩy, thì một người không đến nỗi phải tự sát. Mà ý niệm thì có khi như là bùng dậy lên bất ngờ. Triết gia Nietzche đã từng nói: “Trên thế giới chỉ có một người không từng bao giờ nghĩ chuyện tự sát, người đó là một thằng ngu.”

Rất nhiều người đã nghĩ muốn tự sát nhưng vì sao lại không tự sát? Bởi vì khi ý niệm tự sát khởi lên, thì đồng thời ý niệm tĩnh giác cũng khởi lên, đối kháng với ý niệm tự sát. Nếu mất tỉnh giác, thì toàn bộ con người sẽ bị ý niệm tù hãm, lôi cuốn. Mà bồi dưỡng “giác” phải được làm hằng ngày. Chúng ta phải ngày ngày kiểm tra sự tỉnh giác của chúng ta. Khi có một ý niệm xấu khởi lên, chúng ta phải biết mà không đi theo nó. Và khi có một ý niệm tốt khởi lên, chúng ta phải có thái độ đúng đắn để thực hành ý niệm tốt đó.

Hôm nọ là một ngày nghỉ ngơi, một người bạn tôi đến thă m và kể lại một vụ án rất nổi tiếng về phương diện tâm lý học. Có một cai ngục đâm một nhát dao vào tay một phạm nhân. Sau đó, vặn nước ở vòi nước, cách bên kia tường cho chảy từng giọt, rồi bảo phạm nhân rằng: “Huyết quản trên tay ngươi đã bị cắt. Ngươi có nghe tiếng máu chảy từng giọt, từng giọt hay không. Khi máu chảy hết thì ngươi sẽ chết.” Phạm nhân khẩn trương lại giường nằm, không dám cử động, bên tai cứ nghe giọt nước rơi từ vòi nước, cạnh bên kia tường.

Kết quả là ngày thứ hai, phạm nhân bị phát hiện đã nằm chết trên giường. Tại sao vậy? Vì phạm nhân tưởng rằng, chính máu của mình đã chảy rơi từng giọt và mình nghe thấy được. Chính ý niệm của phạm nhân đã giết chết phạm nhân. Cách đây không lâu, tôi có đọc cuốn sách “Màu đen, màu đen là nhan sắc đẹp nhất” của nữ văn sĩ Nhĩ Hoa Linh.

Trong sách viết: Trước đây, người Đức lùa người Do Thái vào phòng khí độc để giết hại, có những người Do Thái đã bị chết ngay trước khi khí độc thoát ra. Đó là do ý mệm đã giết chết họ.
Vì vậy ý niệm là chuyện rất đáng sợ. Anh muốn bớt béo đi. Hàng ngày trong tâm cứ nghĩ làm sao để gầy bớt, trở thành xinh đẹp. Chỉ cần mỗi ngày nghĩ như vậy, thì nhất định sẽ trở thành xinh đẹp. Trái lại, nếu trong người anh có chuyện rất u uất, thì anh nhất định sẽ ngày càng xấu đi. Điều này chứng tỏ, ý niệm trong cuộc sống hằng ngày có tác dụng rất lớn.

Từ đó, nảy sinh ra quan điểm trọng yếu này: Phải chú ý tới 6 thức của chúng ta. Phải để cho mắt thấy cái đẹp tai nghe âm thanh hay, lưỡi nếm mùi vị tự nhiên v.v... nghĩa là chú ý tới sáu thức, giữ chúng ở trạng thái bình lặng; như vậy, tâm chúng ta sẽ dễ dàng tỉnh giác. Nhờ quan sát không ngừng sáu thức mà chúng ta sẽ tương đối hiểu được tự tâm của chúng ta, dẫn đến mở các thắt nút ra, và có ngày sẽ phát hiện cái khăn vốn có của chúng ta có những màu sắc đẹp đẽ vô cùng. 

Vì các tưởng khác nhau do tâm và ý niệm làm nảy sinh ra, sách Phật (Nhiếp Đại Thừa Luận) có đề xuất một quan điểm lý thú. Cuốn sách lấy nước làm ví dụ: ác quỷ thấy nước là máu, cá thấy nước là nhà của mình. Người thấy nước là nước, loài Trời thấy nước là cõi đất trang nghiêm, vì vậy mà nước nơi Long Vương ở gọi là Long Cung; nước nơi loài Trời ở là Thiên Cung; Người nhập cõi định Hư Không vô biên xứ thì thấy nước và hư không không khác gì nhau.

Và vì họ hoàn toàn ở trong định, cho nên họ ở dưới nước, không cần hô hấp cũng sống được; còn Bồ Tát thì thấy nước là đất nước mát mẻ, thấy nơi nào cũng là nước trong mát, Bồ tát và người đều thấy nước là nước, chỉ có điểm khác nhau là Bồ Tất thấy nước đều trong mát, và mọi sự vật dưới con mắt của Bồ Tát cũng đều là trong mát như nước vậy, uống vào có thể không còn đói khát.
Do đó, tướng dạng của sự vật hoàn toàn theo ý niệm của chúng ta mà thôi.

Khi ý niệm chúng ta thay đổi, thì tướng của sự vật cũng tùy theo mà thay đổi, đất nước chúng ta cũng tùy theo mà thay đổi. Vì vậy, tâm trong sạch thì đất nước trong sạch, Tâm của một người mà trong sạch thì đi đến nơi nào, nơi ấy cũng trong sạch. Chúng ta hãy thường xuyên kiểm điểm như vậy. Nếu tỉnh giác được như thế, thì sẽ hiểu biết được tự tâm mình như thật. Trong kinh Đại Nhật có câu: “Nếu biết được tự tâm mình như thật thì tức là Bồ Đề”. Nếu như thực hiểu biết tự tâm mình, thì dù cho khởi lên tưởng niệm hay dục vọng gì cũng đều là Bồ Đề .

Xem Tiếp: Trang 02
WP: Mỹ Hồ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2170)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8182)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3011)