TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM
Lâm Thanh Huyền - Người dịch: Minh Chi
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003
QUÉT TRỪ MÊ CHƯỚNG ĐỂ THẤY TỰ TÁNH
TỰ TÁNH CHÍNH LÀ ĐẦU MỐI
Vật báu ở trong chúng ta là gì? Đầu mối của bảy tình ở trong chúng ta là gì?
Theo đạo Phật thì vật báu nội tại, đầu mối nội tại chính là tự tánh, chính là Phật tánh.
Phật tánh là đầu mối cuối cùng của tất cả.
Bảy báu và bảy tình cũng giống như mây trên trời. Một người muốn nhận thức được tự tánh thì đầu tiên phải nhận thức được ở sau đám mây có khoảng trời, phải quét sạch đám mây đi thì sẽ thấy được bầu trời rộng lớn.
Bất quá, khi chúng ta chưa nhìn thấy được bầu trời ở sau đám mây, chúng ta vẫn nhận định: dù có mây đen bao phủ, dù có mưa lớn sầm sập, nhưng ở đằng sau vẫn là một bầu trời quang đãng không có thay đổi; bầu trời đó, tự tánh đó cuối cùng là như thế nào? Có kinh điển nào mô tả rõ nét “tự tánh” hay không?
Có một bộ kinh mô tả “tự tánh” rất rõ ràng, có lớp lang minh bạch. Bộ kinh đó là Tâm kinh. Tâm kinh được gọi là Kinh vương, là vua của kinh điển, được quý trọng phi thường. Tuy có rất nhiều người hàng ngày đọc tụng Tâm kinh rất nhiều lần, thế nhưng hiểu biết đúng đắn ý nghĩa của “Tâm kinh” thì lại có rất ít người.
Nói một cách đơn giản, nội dung của “Tâm kinh” là giảng về cải cách và sáng tạo tâm linh.
Quán chiếu thế giới và tự thân, khai phát ở chỗ sâu nhất. Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời (Tâm kinh), nghĩa là: Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu sắc trí tuệ Bát Nhã...
Thường thường nghe người ta tụng “Tâm kinh”, đoạn cuối có câu “Yết đế yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha”. Ý tứ đoạn câu này là gì? Tôi hỏi hàng trăm người, không có người nào trả lời được.
Hằng ngày đọc tụng mà không hiểu ý tứ câu kinh, phải chăng là uổng công. Thực sự, “Tâm kinh” ngắn và giản dị, dễ hiểu, ý nghĩa hàm súc tinh vi. Đó là điều người học Phật không được bỏ qua.
Dưới đây là sự giải thích giản đơn của tôi đối với Tâm kinh, không dám so sánh với sự giải thích có mạch lạc của các bậc sư phụ.
Câu thứ nhất của “Tâm kinh” là Bồ Tát Quán Tự Tại.
Bồ Tát Quán Tự Tại tức là Bồ Tát Quán Thế Âm.
Nếu ởtrong cửa hàng đồ cổ, anh thấy tượng một vị Bồ tát, một chân duỗi ra ngoài, một chân xếp bằng trên hoa sen, thì đó là Bồ Tát Quán Thế Âm.
Vì sao Bồ Tát Quán Tự Tại lại có tư thế đặc biệt như vậy. Một chân hướng ra ngoài, đó là tư thế của Bồ Tát sẵn sàng đi cứu giúp chúng sanh.
Vì sao cả hai châ n đều không duỗi ra ngoài? Nếu cả hai chân duỗi ra ngoài, thì tốc độ đi giải cứu chúng sanh sẽ nhanh hơn chứ? Nguyên do là, cái chân xếp tròn trên hoa sen là bất động. Dù là trong tâm Ngài thấy có chúng sanh, Ngài vẫn an trú bất động. Nhưng thoạt nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh, Ngài liền nhanh chóng đứng dậy đi cứu chúng sanh.
Trong nhà tôi, cũng có thỉnh một tượng Bồ Tát Quán Thế âm như vậy.
Mỗi người đều biết Bồ Tát Quán Thế Âm, sở dĩ có danh hiệu “Quán Thế Âm” là vì Ngài quán chiếu âm thanh trong thế gian, tùy theo âm thanh mà cứu khổ chúng sanh. Một danh hiệu khác của Ngài là “Quán Tự Tại”, cũng thường bị người ta bỏ quên. “Quán Tự Tại” là quán chiếu thế giới nội tâm của mình mà được tự tại.
Trong phẩm “Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ Tát”, có sự mô tả rõ ràng sức quán chiếu rộng lớn của Bồ Tát.
Chân quán, thanh tịnh quán
Bi quán cập từ quán.
Quảng đại trí tuệ quán ,
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.
Dùng văn Bạch Thoại, giải thích các câu trên như sau:
Quán chiếu thế giới này một cách chân thực và thanh tịnh. Quán chiếu thế giới này với trí tuệ rộng lớn.
Quán chiếu thế giới này với lòng bi, lòng từ.
Thường thường có nguyện vọng như vậy.
Mỗi người đều có thể tiến vào cảnh giới của Bồ Tát Quán Thế Âm. Năm phép quán đó gọi là “Bồ Tát Ngũ Quán”.
Nếu biết quán chiếu một cách rộng lớn và sâu sắc như vậy, cuối cùng sẽ được tự tại
Câu thứ hai của “Tâm kinh” là: “Hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời”.
Hành thâm là càng đi, càng tiến sâu vào thế giới nội tâm.
Trong các truyện của Thiền Tông, có truyện của Thiền Sư Hy Vận Hoàng Bích làm tôi hết sức cảm động; trước đây Thiền sư Hoàng Bích Hy Vận và mẹ sống nương tựa vào nhau. Nhưng sau khi Ngài xuất gia tu hành, Ngài phải rời khỏi mẹ. Sau khi người con độc nhất của mình ra đi tu hành, bà mẹ ngày đêm nhớ con than khóc, đến nỗi thành mù lòa. Bà quyết tâm tìm và đoàn tụ lại với con mình, nhưng tìm sao được vì không biết con mình ở phương xa nào mà mình thì già cả mù lòa. Bà nghĩ một cách: Dựng một quán trà trên đường trước nhà; có Tăng sĩ đi qua bà đều bưng nước trà mời, và giúp Tăng sĩ rửa chân. Vì Hoàng Bích chân trái có một nốt u bà hy vọng có thể bằng cách này tìm lại được người con của mình chăng? Nhiều năm đã trôi qua như vậy.
Hoàng Bích sau khi xuất gia cũng rất nhớ mẹ . Có một ngày, ông tự nhiên, khô ng cố ý đi trên đường trở về nhà. Thấy có quán trà, bèn dừng lại vào quán, ông thấy bà mẹ đã bao năm xa cách.
Mẹ ông bưng trà cho ông uống, sau đó lại giúp ông rửa chân. Hoàng Bích do dự hồi lâu mới đưa chân phải cho mẹ rửa. Khi mẹ ông giúp ông rửa chân, ông nói Phật Thích Ca Mâu Ni rất là vĩ đại. Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ gia đình là vì nguyên nhân gì. Bà mẹ rửa xong chân phải cho Hoàng Bích, muốn rửa chân trái, thì Hoàng Bích nói: “Chân trái của tôi bị thương, không để cho bà rửa được”. Nói xong bèn đứng dậy rút lui. Hoàng Bích đi rồi, có người nói với mẹ ông: “Người vừa mới đi ra chính là vị Thiền sư rất vĩ đại hiện nay là Hoàng Bích Hy Vận”. Bà mẹ khổ quá vì không đoàn tụ được với con, bèn nhảy xuống sông tự tử.
Hoàng Bích khi biết chuyện này, chỉ nói một câu: “Chỉ khi được giải thoát mới thật sự đền ơn”.
Ôi! Tôi đọc xong truyện Thiền sư Hoàng Bích mà toát mồ hôi như tắm. Chỉ khi được giải thoát mới thật sự là đền ơn. Hoàng Bích đúng là một nhà tu hành vĩ đại phi thường.
Đó mới thực là “hành thâm”. Thiền sư Hoàng Bích tuy trong nội tâm còn do dự, nhưng vẫn giữ được cảnh giới bất động.
Nếu một người không có biện pháp “hành thâm” cũng rất dễ thể nghiệm.
Nhớ lại lúc nhỏ, thường theo cha lên núi Lục Quy Sơn để hái hoa lan dại. Chúng tôi mỗi người đeo một cái thúng đi suốt hai ngày một đêm. Cậu bé nhỏ tuổi như tôi không cách nào hiểu được vì sao cha mình phải leo núi hai ngày một đêm chỉ để hái hoa lan dại!. Tôi hỏi cha tôi: Ba hái hoa lan dại để làm gì?
Ông trả lời: “Để về nhà thưởng thức” .
Tôi nói: “Hoa nào mà không thưởng thức được. Cần gì phải leo núi hai ngày một đêm liền để hái hoa lan dại?”
Cha tôi đáp: “Đấy là vì có rất nhiều người trước đây chưa từng biết đến hoa lan dại đẹp tuyệt vời thế này. Vì vậy, phải hái về cho họ thưởng thức. Chỉ có đi nhiều ngày đêm, đến những nơi không có vết chân người mới hái được thứ hoa lan dại rất đẹp và rất quý báu này”.
Kinh nghiệm này làm cho tôi hết sức động tâm, phải đến tận chỗ không có chân người mới thấy được cái mà người khác không có.
Thiền Tông gọi đó là “Hướng vạn lý vô thốn thảo xử hành khứ”. Nghĩa là đến nơi xa hàng vạn dặm không cỏ mọc. Cũng nói: “Cao sơn đỉnh lập, thâm thâm hải đế hành” . Một mình đi trên núi cao, và đi dưới đáy biển sâu. Cũng nói: “Độc tọa đại hùng phong thượng”. Nghĩa là một mình ngồi trên đỉnh núi cao.
Có lầ n tôi đi thăm người bạ n ở Bỉnh Đông. Bạn tôi dẫn tôi đi xem các cây chè dại. Loại cây chè này cao bằng tòa nhà một lầu. Ở những nơi khác, các cây chè đều thấp bé. Bởi vì hàng ngày, chúng bị người ta hái lá, cho nên chúng không có cơ hội để lớn lên.
Cũng phải đi quãng đường nhiều ngày mới đến nơi có cây chè dại mọc trên núi cao. Loại cây chè này mọc ở đây đã hơn 100 năm rồi. Nó cho tôi một nhận thức sâu sắc: đó là “hành thâm”, đi đến nơi sâu thẳm để có được nhận thức mới. Đương nhiên, đó chỉ là sự phát hiện ở bên ngoài. Thế giới nội tại cũng là như vậy. Nó cũng là không cùng tận. Hãy đi sâu hơn nữa vào nội tâm để tìm tòi. Đó chính là hành thâm.
“Bát Nhã” là trí tuệ . “Ba la mật” là đến bờ bên kia. “Bát Nhã ba la mật” là trí tuệ đạt tới bờ bên kia. Còn chữ “thời” là thế nào? Khi anh hết sức chú ý làm một việc nhất định, chuyên chú tới mức quên mình, thành ra vô tâm thì tức là anh đã nhập vào trong thời gian. Trong cuộc sống, cũng không khó thể nghiệm trạng thái “Vô tâm” đó.
Mùa hè nóng bức, làm việc bận rộn suốt một ngày rồi được về nhà, tắm nước nóng, ngồi trên ghế dài rất tiện nghi đọc một cuốn sách hay và nghe âm nhạc. Lúc ấy chính là nhập “thời” tức là một tình trạng hết sức vô tâm, vì cả toàn thân của anh đều thư giãn. Trên thực tế, anh đã tiến vào một thời gian khác, một không gian khác, nó chồng lên trên cuộc sống bình thường của anh, nhưng ở một cấp độ khác.
Tình trạng vô tâm này, dù là rất cao quý hay rất bình thường, đều có thể xuất hiện. Trong cuộc sống, có rất nhiều thời điểm như vậy.
Trong “Tâm kinh”, chữ “thời” là chỉ thời điểm sanh khởi ra trí tuệ đến
bờ bên kia (cũng tức là trí tuệ thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt, trong mát; phàm là trí tuệ tốt đẹp, đều có thể gọi là trí tuệ đến bờ bên kia) sanh khởi ra cảnh giới tốt đẹp, thì tức là anh tiến vào thời điểm ấy.
Nhận thức rõ nhân duyên khởi diệt đều là tướng không, thì sẽ siêu việt được khổ đau tai nạn (Tâm kinh).
“Quán chiếu ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Quán chiếu 5 uẩn đều là không, thoát khỏi mọi khổ ách.
Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Sắc là hình dáng, màu sắc, hình tượng.
Thọ là cảm thọ, cảm giác.
Tưởng là do cảm giác mà sanh ra ý niệm.
Hành là do cảm giác, ý niệm mà sanh ra động tác, hà nh vi, cũng gọi là mạng sống nối tiếp không dứt.
Thức là trạng thái ý thức, nảy sinh trên cơ sở bốn uẩn nói trên.
Hãy đưa ra một ví dụ đơn giản: Trên núi, anh thấy một đóa hoa bách hợp. Nếu anh không biết đó là hoa bách hợp, thì anh cũng thấy đó là loài hoa màu trắng, hình dáng giống như cái loa. Anh thấy màu sắc và hình dáng của hoa. Đó chính là sắc.
Rồi anh cảm giác thấy đóa hoa trong sạch thuần khiết xiết bao? Đó là thọ.
Anh lại suy nghĩ: Đóa hoa thuần khiết này thật là đẹp, tôi rất là ưa thích. Đó là tưởng.
Đóa hoa đẹp này, hãy hái nó đưa về nhà, thực là tốt. Rồi anh hái hoa. Đó là hành.
Anh đưa đóa hoa về nhà. Người nhà nói cho anh biết đấy là hoa bách hợp. Anh bèn đem đóa hoa hòa hợp với từ “bách hợp”, sanh ra nhận thức đó là hoa bách hợp. Đó là thức.
Năm uẩn che mất tự tánh của chúng ta, cũng như đám mây che bầu trời. Muốn thấy được tự tánh, phải chiếu kiến 5 uẩn đều là không. Khi nhìn đóa hoa bách hợp, anh chỉ thấy hoa bách hợp, không để bị ảnh hướng bởi một cái nhìn thế tục cố định nào. Giả sử chúng ta đánh giá một đóa hoa bách hợp. Sự đánh giá của chúng ta không làm cho hoa ấy tăng hay giảm vẻ đẹp của nó một chút nào. Thực tướng của nó là không thay đổi. Do đó mà năm uẩn của chúng ta, sắc, thọ, tưởng, hành, thức đối với đóa hoa là không có tác dụng. Như vậy có thể thấy rõ, 5 uẩn chủ quan của chúng ta, sắc, thọ, tưởng, hành, thức đối với mọi sự vật khách quan là không có tác dụng. Năm uẩn đó là “tánh không” không thể nắm bắt. Do đó, chúng ta có nhận thức: Năm uẩn là tướng không, nó khởi và diệt, nó không có thực thể.
Từ hoa bách hợp, tôi liên tưởng đến cái cây, tôi trồng ở nhà, gọi là “cây bà cô” (Cô Bà Diệp). Cây này có lá to bản. Gọi nó là cây bà cô, vì nó giống như các cô các bà, sanh sản rất nhanh! Bà mẹ tôi lấy làm lạ hỏi: Đó là loại cây không ai cần đến cả. Con trồng nó để làm gì?
Ngày nay, cây bà cô không có giá trị, không ai hỏi mua nó. Nhưng, ngày xưa lá của nó có ích. Người làng dùng lá của nó để bọc thịt lợn. Một lá bà cô có thể tách làm 2, 3 mảnh, đem bọc các miếng thịt lợn. Dùng xong vứt xuống đất, rồi về nhà một cách tự nhiên.
Bây giờ, toàn dùng bao ny lông. Mua 10 gói miến là đem 10 bao nylon về nhà. Đâu đâu cũng tràn ngập bao nylon, thực là đáng sợ. Về mặt đó mà nói, lá cây bà cô rất có giá trị. Nhưng nếu nhìn theo góc độ khác, thì nó lại không có giá trị. Thế nhưng, dù cho anh nhìn nó như thế nào, nó không có thay đổi, nó vẫn là lá cây bà cô. Cây lá bà cô vẫn sinh sản nhanh, mọc khắp các nơi.
Nếu chú ng ta thấy được nhân duyên khởi diệt như thế nào, chúng ta sẽ thấy được bầu trời ở đàng sau đám mây 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức,
và sẽ tiến được vào cảnh giới, thấy 5 uẩn đều là không.
***
Độ nhất thiết khổ ách (Tâm kinh) nghĩa là siêu việt, vượt qua mọi thống khổ và khó khăn.
Con người thấy được 5 uẩn đều là không thì sẽ vượt qua lên trên mọi thống khổ và khó khăn.
Bởi vì thấy rõ được nhân duyên khởi diệt như thế nào thì siêu việt thống khổ và khó khăn sẽ rất dễ dàng.
Gần đây, trên một tờ báo, tôi có đọc một báo cáo của Thị trưởng Đài Bắc là tiên sanh Hoàng Đại Châu. Ô ng kể chuyện ngày xưa ông thi đại học, năm thứ nhất không may, làm bài không tốt, hỏng thi. Năm thứ hai lại thi đỗ vào trường Đại Học Nông Nghiệp Đài Bắc. Ông nói, nhờ thi lại năm sau nên được quen biết giáo sư Lý Đăng Huy, gây ấn tượng tốt với giáo sư Huy. Cho nên về sau, khi giáo sư Huy nhậm chức chủ tịch tỉnh, thì mời ông làm bí thư trưởng ở phủ chủ tịch. Và hiện nay ông chuyển sang làm thị trưởng Đài Bắc.
Từ giác độ rộng lớn của nhân sanh mà xét, nhân duyên khởi diệt phải chăng là chuyện khó nghĩ bàn. Thành công và thất bại, tiêu chuẩn là gì đây?
Người ta thường nói: “Thất bại là mẹ của thành công”. Kỳ thực, thành công cũng là cha của thất bại. Câu thứ hai này cũng quan trọng, và thường hay bị lãng quên. Nếu không có thành công, sẽ không có thất bại. Bản chất của hai cái đó là một.
SẮC VÀ KHÔNG ĐỀU CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA KHAI NGỘ
“Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”. (Tâm Kinh)
Mỗi lần đọc Tâm Kinh đến câu “Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”, tôi cảm thấy lòng bỗng nhiên ấm áp. Tiếng gọi “Xá Lợi Tử” của đức Phật như là văng vẳng bên tai chúng tôi. Như chính đang nhắn nhủ và kêu gọi chúng tôi.
Xá Lợi Tử là tên Phật gọi học trò của mình, cũng như trong kinh Kim Cang, Phật gọi Tu Bồ Đề, này Tu Bồ Đề. Cũng như Phật gọi chúng ta: Này thiện nam tử, thiện nữ nhân! Nghe rất là thân thiết, cảm động, không khác nào Phật nói bên tai chúng ta vậy, để hướng dẫn tâm linh chúng ta đi theo con đường của Ngài.
Xá Lợi Tử là vị đệ tử đứng hàng đầu về trí tuệ của Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca giảng “Tâm Kinh” cho Xá Lợi Tử nghe, điều này chứng tỏ Tâm Kinh là bộ kinh bao hàm trí tuệ rất cao siêu phi phàm.
Tên Xá Lợi Tử là do người mẹ, khi có thai ông, bỗng nhiên trí tuệ bộc phát, trở thành thông minh lạ thường, lại nói năng biện luận rất hoạt bát. Vì vậy người ta gọi bà là Xá Lợi. Xá Lợi chữ phạn là mắt con chim linh thứu. Linh thứu là con chim ưng bay cao trên hư không, có con mắt rất sắc sảo dù bay ở độ cao hàng nghìn thước vẫn nhìn thấy được con người và chuột chạy trên thảo nguyên. Do đó , đem mắt con linh thứu ví với trí tuệ sáng suốt vô cùng. Bà Xá Lợi sanh ra con trai gọi là Xá Lợi Tử (con trai bà Xá Lợi), cũng là người có trí tuệ phi thường..
Phật nói với ông Xá Lợi Tử rằng: Sắc và không là hai mặt của một thể.
Hãy trở lại với ví dụ hoa bách hợp. Khi chúng ta nhìn đóa hoa bách hợp, thì trên thực tế cũng đã thấy nó khô héo. Vì sao nói như vậy? Vì đóa hoa ấy do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, và khi nhân duyên ly tán thì nó cũng mất. Do có đủ nhân duyên trong một thời điểm nhất định mà có đóa hoa. Đóa hoa ấy trên sự thật là không có thực thể.
“Sắc tức thị không, không tức thị sắc” hai cái đó không có phân biệt, không có sự khác biệt về tầng thứ cao thấp. Tất cả đều xuất phát từ hư không
và sẽ trở vào hư không.
Ngộ được đạo lý ấy sẽ nắm được tâm mình.
Biết được sắc là không, cho nên sẽ không bị sắc chuyển. Vì biết rằng mọi vật chất và hình tướng, tất cả đều là không.
Biết được không tức là sắc, thì sẽ không xem nhẹ vật chất và hình tướng. Đó là điều rất trọng yếu. Nếu chỉ biết sắc tức là không, thì đó là thấy cây mà không thấy rừng.
Kinh “Hoa Nghiêm”, đem thế giới chia làm ba thế gian: Thế gian thứ nhất là khí thế gian, là thế gian vật chất, thế gian của sắc. Thế gian thứ hai là thế gian hữu tình, là thế giới có cảm tình. Thế gian thứ ba là thế gian chánh giác (sự giác ngộ chân chánh), là thế gian không tánh.
Kỳ thực, sắc tức là thế gian vật chất. Không tức là thế gian chánh giác. Còn hữu tình thì nằm ở giữa sắc và không, nếu hữu tình mà có thể chuyển được khí, thì có thể nhập vào thế gian chánh giác; nếu mà hữu tình lại bị khí chuyển thì nó nhập vào thế giới của sắc.
Sắc và không vốn là hai mặt của cùng một thể. Nhưng, sắc cũng có giá trị của sắc, không thể đoạn trừ nó toàn bộ được. Tất cả những hình dáng và vật chất của thế gian này đều có thể được dùng để giúp cho chúng ta khai ngộ.
Tập “Truyện Tỷ Kheo Ni” có câu chuyện sau đây, có khả năng giúp chúng ta khai ngộ:
Có một thiếu nữ xinh đẹp muốn tu hành. Nhưng cô đẹp tới mức bản thân cô cũng lo lắng sợ mình không tu hành được. Do đó, cô lấy than nung đỏ hủy sắc đẹp của mình đi, để có thể chuyên tâm tu hành.
Đọc câu chuyện trên, tôi rất là cảm động, nghĩ rằng cô thiếu nữ đã xử sự quá ư cực đoan.
Có bộ mặt đẹp, ai thấy cũng ưa thích, có phải là rất tốt không? Đáng tiếc là cô ta chỉ thấy một chiều sắc tức thị không, sợ mình quá đẹp, sợ sắc đẹp của mình gây họa cho thế gian, cho nên không tiếc mà hủy bộ mặt của mình! Hãy nghĩ xem! Bộ mặt sau khi bị hủy, trở thành đáng sợ, khiến ai thấy cũng khiếp? Như vậy lại càng gây tai họa.
CHUYỂN NGU MUỘI THÀNH TRÍ TUỆ
Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm (Tâm Kinh)
Thọ, tưởng, hành, thức cũng là như vậy. Này Xá Lợi Tử, đó là các pháp có tánh không sinh, không diệt, không bẩn, không sạch, không tăng, không giảm...
Đối với cảm thọ, tưởng niệm, hành vi, ý thức cũng giống như màu sắc tướng mạo không được bỏ qua mà cũng không được chấp là có thực.
Trong kinh điển Phật giáo, biến 5 độc thành 5 trí, cho rằng 5 độc và 5 trí không khác gì nhau. Đem 5 độc, tức tham, sân, si, mạn, nghi của chúng ta chuyển thành trí tuệ. Bởi vì khi chúng ta nhìn rõ được tham, sân, si, mạn, nghi của chúng ta thì có thể nói đó là bước tiến bộ lớn về trí tuệ rồi.
Vì vậy đừng có sợ tham, sân, si, đó là bước tiến bộ lớn về trí tuệ rồi.
Chỉ có điều đáng tiếc là người ta thường bị vướng mắc vào tướng giả dối của tham, sân, si, mạn, nghi không có cách nào thoát ra được. Thậm chí, vướng mắc ngày càng nặng, đến mức đánh mất cả lý trí.
Có câu chuyện hài hước về một người phụ nữ tính rất hay ghen tuông. Cô ta không bao giờ an tâm khi chồng đi ra ngoài. Mỗi lần chồng đi đâu thì cô ta hết sức lo lắng, chỉ sợ chồng có bồ. Mỗi lần chồng về, cô lập tức tra hỏi, kiểm tra trên người có sợi tóc dài nào của phụ nữ không, có dấu môi son không. Chỉ cần tìm ra được dấu vết dù là nhỏ xíu, cô ta cũng làm toáng lên.
Về sau, cô ta không tìm thấy trên quần áo chồng một sợi tóc hay một vết son môi nào nữa nhưng cô vẫn không chịu, tiếp tục kiểm tra thêm bảy ngày nữa, cùng không có gì. Nhưng cô vợ đã không vì vậy mà được an ủi, lại còn khóc rống lên. Người chồng không hiểu lý do và hỏi cô: “Em vì sao mà khóc to dữ vậy, đáng lẽ em phải vui thích mới đúng chứ. Em thấy độ này anh tốt đấy chứ, có đi ra ngoài tìm hoa thơm cỏ lạ gì đâu”. Nào ngờ cô vợ càng khóc to hơn và nói: “Nào ngờ anh đọa lạc đến mức cả đàn bà hói tóc mà anh cũng yêu được”.
Tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện đùa không xứng đáng để bàn! Chỉ cần nhớ rằng, khi một người đã vướng mắc vào lòng ghen tuông thì có thể trở thành một người hoàn toàn mất trí khôn.
Do đó, chúng ta cần luôn giữ thái độ rất sáng suốt. Đó là thái độ tốt đẹp nhất.
Thọ, tưởng, hành, thức... kỳ thực đều là không. Điều này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ mới.
Sáng suốt thấy rõ bản thân mình.
Trước khi sanh và sau khi chết.
“Thị cố, không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh diệc vô vô minh tận. Nải chí vô lão tứ, diệc vô lão tử tận. Vô khổ tập diệt đạo. Vô trí, diệc vô đắc” (Tâm Kinh).
Dịch: “Vì vậy ở trong không, không có sắc không có thọ, tuởng hành, thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới cho đến ý thức giới. Không có vô minh, cũng không có sự đoạn tận vô minh. Cho đến không có già chết, cũng không có sự đoạn tận già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí, cũng không có gì sở đắc”.
Một người, nếu có thể đột phá được sắc thọ, tưởng, hành, thức tức là 5 uẩn thì sẽ không bị lay chuyển bởi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng sẽ không bị lay chuyển bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Hoàn toàn không bị lay chuyển, tức là nhập vào cảnh giới không sinh, không diệt, không sạch, không bẩn, không tăng, không giảm, cũng không có việc đoạn tận vô minh, không có việc đoạn tận già chết, cũng không có trí, và không có gì là sở đắc. Không có một cái gì đặc biệt gọi là trí tuệ, không có một cái gì đặc biệt gọi là sở đắc. Tất cả đều là không, đều ở trong phạm vi không.
Tiến vào phạm vi vô tâm và tánh không, quét sạch mọi chướng ngại về tư tưởng, ý thức, hành vi, cảm thọ, hình dáng, màu sắc và sẽ phát hiện tất cả chỉ là biến chuyển, vô thường và sinh diệt mà thôi.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất là trong cái sanh diệt biến chuyển vô thường đó, vẫn có một cái gì không thay đổi, đó là tự tánh.
Người phụ nữ, thức dậy buổi sáng, thường chải tóc trước gương. Không biết có một người phụ nữ nào cầm cái gương và tự hỏi: “Con người trong gương có phải là ta không?”
Nếu trả lời khẳng định là phải, thì người phụ nữ làm sao mà biết được người trong gương chính là cô ta. Sự thực, từ khi sinh ra cho tới nay, 20 tuổi, 30 tuổi, cô ta đã thay đổi quá nhiều rồi. Và sự thay đổi ấy nay vẫn tiếp tục.
Theo các nhà khoa học nghiên cứu, thì cứ qua 7 năm, tất cả tế bào trong thân người đều chết, và đổi mới hoàn toàn. Nói một cách khác, cứ 7 năm một lần, thân chúng ta có một sự thay đổi hoàn toàn, không còn có một tế bào nào của cái thân 7 năm trước tồn tại nữa.
Thân và tâm biến đổi mau lẹ như vậy, con người dựa vào đâu mà nói rằng “Đây là ta”.
Có lần tôi về làng, mẹ tôi đưa cho tôi xem một số bức ảnh cũ, bảo tôi tìm xem trong đám trẻ con chụp chung trong bức ảnh, ai là tôi? Tôi tìm mãi không ra. Đó là 18 anh chị em rất giống nhau. Tôi tìm hồi lâu mà không biết ai là mình trong đám trẻ con. Cuối cùng tìm được mừng rỡ, chỉ cho mẹ xem “Đây là con!” Bà mẹ nói: “Không phải, người đứng bên cạnh mới là con!”.
Thay đổi nhiều như vậy, đến bản thân mình cũng không nhận ra nữa!
Nếu anh không tin thì hãy làm thử xem! Anh lấy một bức ảnh của anh lúc còn nhỏ, đưa cho người khác xem và hỏi họ ai đấy. Chắc chắn, không ai biết người trong ảnh chính là anh, trừ phi là người biết rõ anh, đã theo dõi anh lớn lên như thế nào.
Bởi vì, khi lớn lên, con người chúng ta có sự thay đổi rất lớn.
Ở đây chúng ta dựa vào đâu để nói: “Chúng ta tồn tại?”. Để nói, con người thấy trong gương mỗi buổi sáng đú ng là ta?
Dựa vào một cái trước không sanh, không diệt, không tăng, không giảm.
Đáng tiếc là, người ta tuy biết là cái đó tồn tại, nhưng lại không nhận thức được rõ.
Cái đó là tự tánh. Nó ẩn sâu ở trong chúng ta: Chúng ta cảm thọ được nó, biết nó, nó chính là cái thật của chúng ta.
Dù chúng ta có béo lên 10 cân, chúng ta vẫn biết đó là chúng ta. Trên thế giới, không có một người nào, sau khi điều trị gầy đi lại không còn nhận ra mình nữa!
Từ 1 tuổi đến 100 tuổi, trong quá trình lớn lên đó, chúng ta biết có một cái ta. Tự tánh của chúng ta không có thay đổi và tăng giảm. Nó không những không tăng giảm, không sinh diệt, mà còn vĩnh viễn duy trì trạng thái vốn có của mình.
Hãy suy nghĩ xa thêm nữa! Trước khi ta sinh ra, nhất định cái ta đó vẫn thế, và sau khi ta chết đi, thì cái ta đó vẫn như thế!
Thấy được cái ta trước khi cha mẹ sinh ra, tức là thấy được “bộ mặt vốn có của mình trước khi cha mẹ sinh ra”, tức là thấy được cái ta, trước khi chúng ta sinh ra ở thế giới này.
Thấy rõ được cái ta sau khi chết, tức là biết được nơi tái sanh tương lai của ta, biết được cái ta vị lai, nơi chúng ta thừa nguyện mà đến.
Thấy biết được cái ta trước khi sanh và sau khi chết, tức là giác ngộ cứu kính, tức là không sanh, không diệt nữa. Ngay khi chúng ta không còn ở thế giới này nữa, tự tánh của chúng ta vẫn tồn tại.
ĐI TÌM CẢNH GIỚI VÔ TÂM
“Dĩ vô sớ đắc cố, Bồ đề tát đỏa, y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quá ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu kính Niết Bàn”.
Dịch: “Vì không có sở đắc, cho nên vị Bồ Tát, nhờ dựa vào trí tuệ Bát Nhã ba la mật, mà tâm không bị chướng ngại, không có lo sợ, xa rời mọi điên đảo mộng tưởng, đạt tới cảnh giới Niết Bàn cứu kính”.
Mỗi lần đọc lại đoạn “Tâm Kinh” này, tôi đều tán thán, ca ngợi đoạn này thực là hay!
Bồ đề tát đỏa là Bồ tát. Dịch nghĩa là chúng sanh hữu tình được giác ngộ. Chúng sanh hữu tình, dựa vào trí tuệ thanh tịnh, hoàn thiện, nên trong tâm không bị chướng ngại gì nữa, vì không có chướng ngại cho nên tâm cũng không có lo sợ, và do đó không có vọng tướng điên đảo.
Không bị chướng ngại, không có lo sợ. Sự thực, đó là điều rất dễ hiểu. Đối với một vật gì không gây trở ngại đối với chúng ta thì chúng ta không còn sợ hãi đối với vật ấy nữa.
Cũng giống như con gái nhỏ của tôi, đi công ty Bách hóa, thấy có món hàng rất ưa thích, muốn mua nhưng tiền trong túi không đủ. Chạy về nhà lấy đủ tiền ra thì có người khác mua mất rồi. Cứ tiếc mãi, sao lúc ban đầu ra cửa hàng Bách hóa lại không mang đủ tiền. Tại sao lòng cô bé lại hối tiếc, là vì trong tâm của nó có vướng mắc (với món hàng nó thích mua). Nếu không có vướng mắc thì sẽ không còn sợ hãi, hối tiếc nữa.
Tôi thi vào đại học ba năm liền. Năm đầu thi hỏng, rất khổ tâm. Năm thứ hai thi hỏng nhưng không có khổ tâm gì, vì trong tâm không còn vướng mắc nữa, không còn lo sợ. Năm thứ ba, thi đỗ đúng vào bộ môn mình ước mong tức là khoa điện ảnh. Về nhà, tôi mua bánh pháo dài, treo từ lầu 4 xuống, đốt lên để khao! Anh, chị em tôi đều đến chúc mừng, vì tôi thi đỗ vào bộ môn mà tôi thích.
Nhưng trên báo chí, có thể đọc tin học sinh thi vào đại học, không trúng vào môn học ưa thích của mình mà cũng nhảy xuống sông tự sát! Đó là do trong tâm có vướng mắc. Vì vướng mắc cho nên sanh ra lo âu, sợ hãi và cuối cùng chọn con đường chết. Thật là sự kiện đáng tiếc.
Vì vậy đối với sự vật càng không vướng mắc, thì càng khỏi lo âu sợ hãi nữa.
Làm thế nào để bớt vướng mắc? Câu trả lời là phải có trí tuệ Ba la mật, tức là tâm thanh tịnh, trí tuệ thanh tịnh “đến bờ bên kia” (đáo bỉ ngạn). Nếu trí tuệ của anh rất rộng lớn thì anh sẽ bớt bị vướng mắc vào những chuyện nhỏ. Mất đi một viên đá kim cương, anh cũng không hối tiếc. Vì thật ra đối với người có trí, đá kim cương cũng như đá thường có khác biệt gì nhau. Kinh “42 chương” nói rất hay: “Đối với bậc có trí thì xem vàng và đá như nhau” (Kim thạch đồng nhất quán). Người có trí tuệ thì xem viên đá thường và đá kim cương cũng như nhau mà thôi.
Có viên đá kim cương, anh sẽ lo lắng bị mất, có viên đá thường, anh sẽ không lo lắng gì hết.
Tôi rất thích sưu tập các hòn đá. Có khi cùng con về làng, tải một bọc đá đem về nhà, cùng nhau rửa ở sân. Tôi hỏi con tôi: “Hòn đá này đẹp không?”. Con tôi nói không đẹp. Thế là tôi vứt đi. Nó cũng cầm một hòn đá lên hỏi tôi: “Hòn đá đẹp không ba?”. Tôi nói không đẹp, nó cũng vứt ra một bên. Nếu cả hai đồng ý cho là đẹp, thì giữ hòn đá lại. Trong quá trình chọn đá, tôi không bị vướng mắc vào cái gì hết. Không có chuyện vứt một hòn đá mà không đành, giữ một hòn mà không muốn.
Các hòn đá được giữ lại rất nhiều, các bạn bè xem ai cũng ưa.
Tôi lại cùng với bạn bè đi nhặt các hòn đá, và cùng nhau lựa chọn. Bạn tôi rất ưa thích các hòn đá, cho nên sưu tầm và chọn lựa rất là cao hứng, nhiệt tình. Còn tôi thì bỏ hòn đá nào cũng được, tôi không có thắc mắc, vì các hòn đá đối với tôi không có gì là quan trọng.
Tôi yêu cuộc sống, nhưng cuộc sống cũng không làm tôi vướng mắc, bởi vì nội tâm tôi thanh tịnh trong sáng.
Nếu tâm thanh tịnh thì không có vướng mắc. Không vướng mắc thì không lo sợ xa lìa điên đảo vọng tưởng. Nhờ đó mà ngủ rất ngon và rất ngon giấc.
Không để tâm nơi ngủ thì ngủ sẽ rất tốt. Nếu để tâm nơi ngủ thì sẽ mất ngủ. Điên đảo mộng tưởng là do có để tâm. Có để tâm thì sẽ không thanh tịnh.
NIỆM CHÚ,
KHÔNG BẰNG ĐẦU TIÊN HÃY MỞ MANG TRÍ TUỆ NỘI TẠI CỦA MÌNH
“Tam thế chư Phật, y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề. Cổ tri Bát nhã ba la mật đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ. Chân thực bất hư, cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú. Tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha”.
Dịch: “Cho nên chư Phật trong ba đời đều dựa vào trí tuệ Bát Nhã ba la mật mà chứng được đạo Bồ đề vô thượng. Cho nên biết rằng trí tuệ Ba la mật là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, là câu chú không gì so sánh được; có thể đoạn trừ mọi đau khổ, chân thực không hư vọng. Vì vậy mà nói câu chú Bát Nhã ba la mật đa, nói câu rằng: Yết đế, yết đế, ba 1a yết đế ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha”.
Chư Phật ba đời, đại biểu cho tất cả các chư Phật đã từng tồn tại ở thế
gian này, đang tồn tại ở thế giới này, và cả các chư Phật sẽ thành đạo trong tương lai.
Tất cả các đức Phật trong ba đời đều dựa vào Trí tuệ Bát Nhã ba la mật đa, trí tuệ thanh tịnh “Đến bờ bên kia” để chứng đạo Bồ đề vô thượng (Vô thượng chánh đẳng chánh giác), là sự giác ngộ thanh tịnh, cao nhất, tức là cảnh giới Niết Bàn.
Theo Phật giáo thì quá trình vãng sanh qua cõi Tịnh Độ rất là nhanh chóng, cõi này mất, cõi kia (Tịnh Độ) hiện ra trước mắt.
Hoa sen biểu trưng cho tâm, Hoa sen của một người ớ bờ bên này (bờ sanh tử, bờ khổ đau) diệt thì hoa sen ở bờ bên kia sinh ra. Thực ra, đó là cùng một đóa hoa sen.
Bờ bên kia cũng là bờ bên này, không có phân biệt. Hoa sen của chúng ta ở đây mềm mại, thơm tho thì hoa sen ở Tịnh Độ cũng mềm mại, thơm tho như thế. Đó là do cõi này mất thì cõi kia hiện, giữa hai bên không có sự khác biệt về thời gian và không gian.
Các đức Phật trong ba đời, vì đã đoạn trừ sự khác biệt về bờ bên này, bờ bên kia, thời gian, không gian mà chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Cho nên, biết được Bát nhã ba la mật đa là đại thần chú có thể đoạn trừ mọi thống khổ, là chân thực, không hư vọng. Phật Thích Ca dạy chúng ta rằng Bát nhã ba la mật đa là trí tuệ đến bờ bên kia, là trí tuệ cao nhất, sáng suốt nhất, không có gì hơn, không có gì để so sánh đặng, nó có thể giải thoát chúng ta ra khỏi mọi thống khổ. Dù chúng ta có niệm thần chú gì cũng không quan trọng bằng khai phát trí tuệ “đến bờ bên kia” tức là trí tuệ hoàn thiện.
Trí tuệ “Đến bờ bên kia” chính là câu thần chú tốt đẹp nhất. Nếu chúng ta muốn niệm chú, thì không gì bằng trước hết chúng ta hãy khai phát trí tuệ nội tại của chúng ta.
Chúng ta thường niệm chú “úm ma ni bát mê hồng”, dịch theo tiếng Bạch Thoại là: Cầu cho hoa sen nở ra. Ý nghĩa câu chú này thực là tốt đẹp. Không có một câu thần chú nào tốt hơn việc mong cầu khai mở hoa sen trong nội tâ m chúng ta.
Dù cho hiện nay, anh niệm câu thần chú gì, lên khóa lễ sớm chiều như thế nào, tụng kinh gì, trước hết là phải khai phát trí tuệ, trí tuệ thanh tịnh dẫn
tới bờ bên kia.
THỂ NGHIỆM,
THỂ NGHIỆM,
THỂ NGHIỆM NGÀY CÀNG SÂU SẮC
“Cố thuyết Bát Nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” (Tâm Kinh)
Dịch: “Cho nên nói câu chú Bát Nhã ba la mật đa, tức nói câu chú rằng: yết đế, yết đế... tát bà ha”.
Yết đế, chữ Phạn nghĩa là thể nghiệm. Ý tứ của câu chú là : “Thể nghiệm, hãy thể nghiệm, thể nghiệm theo chiều sâu, thể nghiệm sâu sắc hơn nữa”.
Bồ đề là trí tuệ. Tát bà ha là câu xưng thán.
Câu xưng thán hay nhất là gì? Đại khái là: “Muôn năm, muôn muôn năm!”
Bồ đề muôn năm! Muôn muôn năm! Câu chú thật là tốt đẹp!
Thể nghiệm là phương pháp duy nhất để khai phát trí tuệ Bát Nhã ba la mật đa, không còn có phương pháp nào khác. Đó là luận điểm rất trọng yếu, kết thúc bài “Tâm Kinh” không được quên!
Thể nghiệm là gì?
Thể nghiệm cuộc sống của anh! Thể nghiệm những thất bại mà anh đã gặp phải, thể nghiệm sắc, thọ, tưởng, hành, thức của anh, thể nghiệm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của anh, thể nghiệm sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp của anh, thể nghiệm tất cả những cảnh ngộ anh gặp phải trên thế gian này.
Sau khi thể nghiệm rồi, vẫn chưa đủ. Phải tiếp tục thể nghiệm nữa. Thể nghiệm sâu hơn nữa tất cả những sự kiện đó xem có ý nghĩa gì?
Thể nghiệm ý nghĩa của tất cả những sự kiện đó rồi lại đi sâu phát hiện giá trị của chúng là gì, và dùng giá trị đó để khai phát trí tuệ.
Sau khi anh thể nghiệm sâu sắc và thể hội được tánh không của những sự kiện đó, anh sẽ hô to: Bồ đề muôn năm! Muôn năm, muôn muôn năm!
Bồ đề có rất nhiều ý nghĩa. Nó nói lên sự giác ngộ, lòng từ bi, trí tuệ quang minh, vô lượng. Tất cả những trí tuệ đó đều gọi là Bồ đề. Thực là chuyện phi thường, khiến chúng ta không thể không ca ngợi, và hô: muôn năm, muôn năm, muôn muôn năm! Vì vậy, chúng ta hãy theo gót chân Phật, tiến tới cảnh giới Bồ đề!
ĐỪNG NHÌN PHẬT GIÁO QUA HÌNH TƯỚNG
Giải thích “Tâm Kinh” một cách đơn giản phi thường như vậy, là hy vọng mọi người, thông qua sự giải thích đó mà hiểu được “Tâm” là điều hết sức quan trọng.
Trong số kinh điển bàn về “Thực tướng của Tâm”, hai bộ “Tâm Kinh” và “Kim Cương Kinh”là tương đối đơn giản nhất.
Về thực tướng của tâm thì trong kinh Kim Cương có câu: “Phàm sở hữu tướng, giai thuộc hư vọng”. Nghĩa là cái gì có tướng trạng, đều thuộc hư vọng, cũng phù hợp với nội dung của “Tâm Kinh”. Nó dạy chúng ta không được chấp thủ “tướng” của sinh mạng và sinh hoạt. Bởi vì tất cả mọi tướng đều là hư vọng. Thậm chí, cũng không được chấp tướng của cõi Tịnh Độ, vì rằng tướng của cõi Tịnh Độ cũng là hư vọng. Bờ này tức là bờ kia, không có khác biệt.
Thiền sư Không Hải có để lại một số câu gây ấn tượng rất sâu sắc: “Không có bờ này, cũng không có bờ kia. Trốn bỏ đời sống này, sẽ không có đời sống kế tiêp. Bờ này tức là bờ kia”.
Cũng giống với câu trong kinh Kim Cương: “Tất cả các pháp hữu vi đều như mộng huyễn, bóng nước, như ảnh trong gương, như chớp nên quan sát như vậy”.
Chỉ cần suy nghĩ câu kệ đó theo chiều sâu thì sẽ thấy Bát nhã ba la mật đa là ở đấy!
Trong kinh Kim Cương, còn có một câu nữa rất hay: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”.
Ý tứ câu kệ là : “Nếu các người dùng tướng để thấy Ta, dùng âm thanh để cầu Ta, thì tức là các người muốn đi con đường vòng, không đúng và sẽ không thấy được Như Lai”. Bởi vì cái Ta thực, tức Như Lai không phải thuộc loại màu sắc, tướng trạng, không phải là một thứ chủ nghĩa hình thức, không phải là cội nguồn đem lại cho chúng ta đau khổ. Như Lai chính là Phật tánh, là cái Ta thực vốn có của chúng ta.
Giả sử có một người học Phật mà lại bị đau khổ, vì vướng mắc vào chủ nghĩa hình thức, thì người ấy hãy tụng “Kinh Kim Cương”, tụng “Tâm Kinh” , sẽ hiểu được ý nghĩa chân thực của những kinh đó, đoạn trừ được sự chấp thủ đối vớí sinh mạng, thấy được tánh không là cái cơ bản nhất, cũng tức là thấy tự tánh.
Nếu thấy được tự tánh thì trên thế giới này, sẽ không có cái gì ràng buộc được chúng ta, áp bức được chúng ta, làm chúng ta mất tự tại. Chúng ta đã tiến vào cảnh giới tự do, tự tại.
Xem Tiếp: Trang 05
WP: Mỹ Hồ