Chương Vi Duy Tâm Tịnh Độ

31 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 22775)


VẠN PHÁP QUI TÂM LỤC

Thiền Sư Tổ Nguyên 
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Đắc Pháp


CHƯƠNG VI

DUY TÂM TỊNH ĐỘ

Tăng hỏi: Tông môn (Thiền Tông) dạy tham thiền để minh tâm kiến tánh. Pháp môn Tịnh Độ dạy niệm Phật cầu vãng sanh. Hai pháp môn nầy độ khắp tất cả chúng sanh. Do đâu hàng học giả bên Thiền Tông lại tự qui “Duy tâm tịnh độ”?

ĐÁP: Tông chỉ của Thiền môn là “Liễu ngộ tự tâm”, một niệm tâm tịnh tức Phật độ tịnh, chẳng bàn Đông Tây mà chỉ tự tâm mình thôi.

HỎI: Khai thị thế nào lại không tịnh độ?

ĐÁP: Ông lại chẳng nghe kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật và niệm Phật, thì hiện giờ và về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng nhờ phương tiện tự được tâm khai”. Như có người học, sáu căn đều nhiếp, một niệm thuần chơn, tâm tịnh sáng suốt một mình, tức là hiện tại thấy Phật. Cho nên nói “cách Phật chẳng xa”. Kinh nói: “Chẳng nhờ phương tiện, tự được tâm khai”. Hai chữ “tâm khai” nầy có thể hiểu là Duy tâm vậy.

HỎI: Có người niệm Phật khi lâm chung Di Đà tiếp dẫn, việc nầy không hư ngụy chứ?

ĐÁP: Người niệm Phật nhứt tâm chẳng loạn, chuyên giữ Phật hiệu, thuần chơn không vọng. Như nước lóng trong, trăng Phật tự nhiên. Trăng vốn chẳng đến, nhơn nước trong nên thấy hiện. Khi lâm chung Phật nghinh tiếp là tâm hiện Phật.

HỎI: Nếu là Phật do tự tâm mình hiện, thì bản nguyện của A Di Đà chẳng thật sao?

ĐÁP: Thân Phật trạm nhiên không có đến có đi, niệm phật cơ cảm, nương nguyện lực của Phật, do tự tâm biến hoá, Phật đến tiếp dẫn, như nước hiện trăng, chẳng có chẳng không. Thế nên biết, sự thật thì chăng có Phật đến. Tất cả đều do thời cơ, đúng hợp với tịnh nghiệp đã thuần thục thì mắt thấy thân Phật. Như ở đời quả ác sắp thành, tâm hiện ra địa ngục để chịu khổ. Há chẳng nghe người có phước nắm gạch thành vàng? Còn kẻ mang nghiệp bần hàn thì biến vàng thành gạch.Cho nên sự thiện ác chỉ có tâm, khổ vui do tâm biến hoá. Những kẻ ôm lòng nghi làm sao hiểu được ý chỉ nầy?

HỎI: Kinh nói: “Qua khỏi mười muôn ức cõi Phật về phương Tây có thế giới của Phật tên là Cực Lạc”. Lời nói nầy là hư, là thật?

ĐÁP: Sự tuy như thế nhưng mà lý vốn ở trước mắt. Chẳng làm mười nghiệp ác, thắng vượt mười vạn ức. Ba nghiệp thanh tịnh cực lạc ở trước mắt.

HỎI: Cảnh Thánh nơi Tây phương nào là vàng bạc trải khắp mặt đất, lầu gác bao lơn, trang sức đẹp đẽ bằng bảy báu, hoa sen năm màu, nước tám công đức, chim lạ nhả xương, cây báu diễn pháp, sự ăn mặc nhà cửa, tuỳ ý hoá thành, tất cả nhân dân được niềm vui lớn. Như những điều thù thắng và kỳ lạ nầy quả thực có vậy.

ĐÁP: Phật lúc tu nhơn,hành đạo Bồ tát, phát nguyện lực lớn, thành tựu chúng sinh, không sao tính hết sự nhọc nhằn, làm lợi ích nhiều cho mọi loài. Trải qua bao kiếp xa, rộng tu phúc huệ, công đức tròn đầy chứng vào Phật vị. Kẻ học đời sau thành tín niệm Phật, nương vào bi nguyện của Phật lặng niệm hợp cơ, tâm hiện cảnh thù thắng, chẳng phải từ ngoài đến.

HỎI: Cảnh Thánh ở Tây phương vốn từ tâm mình hiện như vậy việc vãng sanh thực có lý nầy hay không?

ĐÁP: Sanh, nhất định là có sanh. Đi, vốn không đi (vổn vô khứ).

HỎI: Thế nào là sanh, nhất định có sanh, đi vốn không đi?

ĐÁP: Sanh ấy là niệm sanh, tâm hiện ra nước Phật. Đi ấy là không đi, vì tánh vốn chẳng động.

HỎI: Tôi thấy người niệm phật, dự biết được lúc đến, ngồi thoát đứng chết, mùi hương lạ đầy nhà. Việc nầy đâu phải là tâm hiện?

ĐÁP: Trời Đế Thích chẳng tu nghiệp trời, cung điện làm sao mà theo bên mình được? Vua chuyển luân không gieo nhơn vua, thất bảo không do đâu mà tu tập. Người niệm Phật, tịnh nghiệp thuần thục, cảm được thắng duyên bên ngoài, do tâm biến hiện.

HỎI: Phật và Tâm không hai, ngoài tâm không Phật. Tại sao lại lập pháp môn niệm Phật?

ĐÁP: Chỉ vì chúng sanh căn cơ bậc trung bậc hạ, chẳng tin tự tâm mình là Phật, nên phương tiện khiến niệm Phật tu quán, cột tâm vào một duyện, niệm lặng thuần chơn, thì tự tâm Phật hiện, hợp nhất với ánh sáng của Phật. Nếu là bậc Thượng trí chẳng hướng bên ngoài mà cầu, mà quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy.

HỎI: Pháp môn tịnh độ khẳng định là có hay là không?

ĐÁP: Nếu nói là không, thì thế giới cực lạc, Di đà thuyết pháp, nhiếp thọ chúng sanh. Điều nầy từ kim khẩu của Phật Thích Ca truyền ra, chư Tổ từ Ấn độ đến Trung Hoa đều xiển dương là sao? Nếu nói là có, thì pháp thân chư Phật thể như thái hư, chẳng có chẳgkhông. Tự tâm của chúng sanh xưa nay là không tịch, đồng một thể với Phật, không thiếu cũng không thừa, là sao? Phải ngộ được lý sự viêndung mới có thể phân biệt được tịnh và uế.

HỎI: Lại có những tăng sĩ và cư sĩ niệm Phật một đời, khi lâm chung không Phật đến tiếp dẫn là sao?

ĐÁP: Bản tâm của chúng sanh đồng một thể với Phật, miêng tuy niệm Phật mà tâm ý tán loạn, như nước dơ động, nên ánh trăng không đứng, chớ chẳng phải trăng không đến ấy là do nước không lặng. Nếu một niệm thuần chơn thì tâm Phật tự hiện, dụ như nước đứng trăng hiện, thế nên biết, chẳng phải từ bên ngoài vào. Nếu ngộ lý nầy, lý Duy tâm chẳng lầm.

HỎI: Ngài đã khai thị tâm yếu như thế, thì tham thiền và niệm Phật không hai?

ĐÁP: Vốn không hai lý.

HỎI: Thế nào là lý không hai?

ĐÁP: Tham thiền cốt yếu phải như mèo bắt chuột. Niệm Phật quyết phải nhứt tâm bất loạn. Nếu nhứt tâm chẳng loạn, dù bỏ tham thiền cũng lo gì chẳng ngộ?

Nếu như mèo bắt chuột dù bỏ niệm Phật, tâm Phật cũng tự hiện. Cổ Đức có kệ rằng:

Tham thiền niệm Phật bổn lai đồng, 
Khán phá phân minh tổng thị không.
Công đáo tự nhiên toàn thể hiện,
Xuân lai y cựu bách hoa hồng.

DỊCH:

Tham thiền niệm Phật lý vốn đồng,
Rõ ràng xem kỹ thảy đều không,
Công đến tự nhiên toàn thể hiện,
Xuân về như trước trăm hoa hồng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2166)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8177)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3008)