Phần Thứ Hai: Định - Chương X: Định - Các Vô Sắc Xứ

15 Tháng Hai 201100:00(Xem: 13085)

THANH TỊNH ĐẠO 

Luận sư Bhadantacariya Buddhaghosa (Phật Âm)
Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải


Chương X

Định - Các Vô Sắc Xứ
(Aruppa - niddesa )
-ooOoo-

1- Không Vô Biên Xứ

1. Về bốn vô sắc xứ tiếp theo bốn phạm trú, một người muốn tu tập không vô biên xứ trước hết, thấy nguy hiểm trong sắc pháp thô qua sự vót gậy gộc. v.v... do câu: "Chính vì sắc pháp mà có vót gậy, đao, các cuộc đấu tranh, luận tranh, khẩu chiến xảy ra; việc này không hiện hữu trong vô sắc giới", và với sự mong mỏi ấy, hành giả đi vào đạo lộ vô dục đối với các sắc pháp, đối với đoạn diệt và chấm dứt sắc pháp." (M. i, 410), và hành giả cũng thấy nguy hiểm trong sắc pháp qua ngàn thứ ưu não khởi đầu là bệnh đau mắt. Bởi thế, để vượt qua sắc pháp hành giả nhập tứ thiền với bất cứ kasina nào trong 9 kasina khởi từ kasina đất, loại bỏ kasina khoảng trống có giới hạn.

2. Mặc dù đã vượt khỏi sắc thô nhờ tứ thiền thuộc sắc giới, tuy thế hành giả còn muốn vượt luôn cả kasina sắc (tế) bởi vì nó là tướng tương tự với sắc thô. Vị ấy làm việc này như thế nào?

3. Giả sử một người nhát gan bị một con rắn đuổi trong một khu rừng, nó trốn khỏi rừng và chạy bán sống bán chết ra khỏi rừng, khi ấy bất kỳ đến đâu, hễ trông thấy một ngọn lá chuối có vằn vện, hay một cây leo, hay một sợi dây, hay một đường nứt nẻ trên mặt đất, là nó sợ hãi bất an, và không muốn nhìn chỗ ấy. Lại, ví như nó sống trong một khu làng có một người oan gia thù hiềm, ngược đãi nó và khi bị kẻ ấy hăm dọa đánh đòn nó, nó bèn bỏ đi sống tại một làng khác. Khi ấy nếu tại đây nó gặp một người khác có nét mặt tương tự, giọng nói và cử chỉ tương tự, thì nó đâm ra sợ hãi, bất an không muốn nhìn người ấy.

4. Áp dụng ví dụ trên, thì thời gian vị tỳ kheo lấy sắc thô làm đối tượng là thời gian người kia bị đe dọa bởi con rắn và kẻ thù. Thời gian vị tỳ kheo vượt khỏi thô sắc nhớ từ thiền thuộc sắc giới, là như người trốn khỏi rừng, và người đi làng khác ở. Sự quán sát của vị Tỳ kheo và thấy rằng ngay cả sắc của Kasina cũng là tướng tương tự với thô sắc, và muốn vượt luôn cả kasima ấy nữa, là giống như người trông thấy ngọn lá có vằn v.v... và như người trông thấy dáng mặt của một người giống kẻ thù mà không muốn nhìn vì lo âu sợ hãi.

Và ở đây, tỉ dụ về con chó bị báo vồ, và về con quỉ pisàca với người nhát gan cũng cần được hiểu như thế.

5. Bởi vậy khi hành giả đã trở nên nhàm chán đối với các sắc của Kasina, đối tượng thiền thứ tư, và muốn tránh xa nó, thì hành giả thành tựu sự làm chủ ở 5 phương diện. Rồi khi xuất khỏi tứ thiền đã quen thuộc phạm vi sắc giới hành giả thấy nguy hiểm trong thiền này như sau: "Thiền này có đối tượng là sắc pháp mà ta đã chán ngấy" "nó có hỷ là kẻ thù gần" và "nó thô hơn các Giải thoát" (peaceful liberations). Tuy nhiên ở đây không có tính (tương đối) thô phù của những thiền chi (như trong trường hợp của bốn thiền sắc giới), vì những vô sắc có cùng hai thứ thiền chi như thiền thuộc sắc giới này.

6. Khi hành giả đã thấy nguy hiểm trong thiền thứ tư thuộc sắc giới như vậy, và chấm dứt ràng buộc với nó, vị ấy tác ý đến không vô biên xứ cho là an tịnh. Rồi khi hành giả đã trải rộng Kasina đến giới hạn bầu vũ trụ hay đến mức xa như ý muốn, vị ấy bỏ kasina sắc nhờ tác ý đến không gian mà sắc ấy chạm đến, nhìn nó như là không gian hay "không vô biên".

7. Khi bỏ kasina, hành giả không xếp nó lại như cuộn một chiếc chiếu, cũng không rút nó đi như lấy một cái bánh ra khỏi hộp. Chỉ có nghĩa là hành giả đừng tác ý đến nó, chú ý quan sát nó, mà chỉ chú ý đến khoảng không gian mà kasina chạm đến, xem là "khoảng không", "khoảng không", thì mới gọi là hành giả đã bỏ kasina.

8. Và khi kasina bị bỏ, nó không cuộn lên lăn đi. Gọi rằng kasina đã bị bỏ chỉ vì hành giả không chú ý đến nó, vì sự chú ý bây giờ hướng đến khoảng không, khoảng này được quan niệm như là khoảng trống để lại khi dời bỏ kasina (sắc). Dù nó được gọi là "khoảng không" để lại do sự từ bỏ kasina hay "khoảng không do kasina chạm đến" hay "khoảng không tách biệt với kasina", nó đều ám chỉ cùng một chuyện.

9. Hành giả tác ý đến tướng khoảng không ấy nhiều lần là "khoảng trống, khoảng trống", đánh vào nó bằng tầm tứ. Khi hành giả tác ý vào nó nhiều lần, đánh vào nó với tầm và tứ, thì những triền cái được chế ngự, niệm được an trú và tâm hành giả trở nên định tĩnh trong cận hành định. Hành giả tiếp tục tu tập tướng ấy, làm cho sung mãn.

10. Khi hành giả tiếp tục tác ý đến tướng hư không như vậy, chú ý đến nó liên tục theo cách ấy, thức thuộc về không vô biên xứ khởi lên nơi hành giả ở trong định với đối tượng là hư không, như thức thuộc về sắc giới đã khởi lên trong trường hợp quán biến xứ đất (kasina) v.v... Và ở đây cũng thế, trong giai đoạn đầu có 3 hay 4 tốc hành tâm thuộc dục giới liên hệ đến cảm thọ xả trong khi tốc hành tâm thứ tư hay thứ năm thì thuộc về vô sắc giới. Phần còn lại cũng giống như trường hợp kasina đất. (Ch. IV, 74).

11. Tuy nhiên, có sự khác biệt này. Khi thức thuộc vô sắc giới đã khởi lên như thế, vị Tỳ kheo từ trước đến đây đã nhìn dĩa kasina bằng con mắt thiền, tự thấy mình chỉ nhìn khoảng trống sau khi tướng ấy đột nhiên biến mất, do sự tác ý đã hình thành trước đây là "hư không hư không". Vị ấy giống như người đã dùng một miếng giẻ màu nhét vào lỗ trống trong một chiếc xe bít kín, trong một cái thùng hay cái bình, và đang nhìn vào chỗ ấy, rồi bỗng do cơn gió mạnh hay một tác động nào khác, miếng giẻ bị rớt ra và người kia thấy mình đang nhìn hư không.

(Kinh Văn Và Giải)

12. Và ở điểm này, Luän nói: "Với sự hoàn toàn vượt qua sắc tưởng, với sự biến mất những chướng ngại tưởng không tác ý sai biệt tướng, biết rằng "Hư không là vô biên", vị ấy chứng và trú "Không vô biên xứ" (Vbh.245).

13. Hoàn toàn có nghĩa là, về mọi phương diện. Vượt qua sắc tưởng: ám chỉ cả hai (a) các thiền thuộc sắc giới được nói ở đây dưới đề mục "tưởng" và (b) những đối tượng của các thiền này. Vì (a) thiền về sắc giới được gọi là "sắc" trong những đoạn kinh như "Nội hữu sắc vị ấy quán ngoại sắc" (M. ii,12) và (b) "sắc" cũng chỉ cho đối tượng của thiền sắc giới, trong những đoạn kinh như: "vị ấy thấy các ngoại sắc... xấu và đẹp" (M. ii,13) Do đó ở đây danh từ sắc tưởng (rùpa - sannà) trong nghĩa "tưởng về sắc" được dùng để chỉ (a) thiền sắc giới được gọi như vậy dưới đề mục là "tưởng". Và nó cũng chỉ (b) nó có nhãn hiệu (sannà) "sắc" cho nên đối tượng của thiền được đặc nhãn hiệu là sắc. Điều muốn nói ở đây là "sắc" là tên của nó. Bởi vậy cần hiểu rằng đây cũng một danh từ để chỉ (b) cái liệt vào kasina đất v.v. đối tượng của thiền ấy.

14. Với sự vượt qua: Với sự đoạn diệt, tịch diệt. Có nghĩa là sự đoạn dứt, tịch diệt của những sắc tưởng này, kể như thiền, gồm 15, với thiện, dị thục và duy tác (mỗi cái 5) (profitable, resultant and functional) và của cả những vật có nhãn hiệu sắc, kể như đối tượng của những tưởng ấy, gồm chín thứ với kasina đất v.v. (đoạn 1), hành giả chứng và trú không vô biên xứ. Vì vị ấy không thể chứng và trú không vô biên xứ nếu không hoàn toàn vượt qua các tưởng về sắc.

15. Ở đây không có sự vượt qua các tưởng này ở nơi một người mà tham đối với các đối tượng của các tưởng ấy chưa đoạn diệt; và khi những sắc tưởng này đã được vượt qua thì đối tượng của chúng cũng được vượt qua. Vì thế cho nên trong Vibhanga chỉ nói đến sự vượt qua các tưởng mà không nói đến sự vượt qua các đối tượng. Ở đây, những tưởng về sắc là gì? Đó là tưởng tri nơi một vị đã đạt đến một thiền chứng thuộc về sắc giới hay nơi một vị đã được tái sinh ở sắc giới, hay nơi một vị trú lạc thuộc sắc giới ngay trong đời này. Đây là những gì được gọi là tưởng về sắc. Những tưởng về sắc này được vượt qua, siêu việt, nên nói là "với sự hoàn toàn vượt qua sắc tưởng" (Vbh. 261). Nhưng luận giải này cũng cần được hiểu là đề cập đến cả sự vượt qua đối tượng, bởi vì những thiền chứng này phải được đạt nhờ vượt qua đối tượng, chúng không được đạt nhờ giữ lại đối tượng ấy như trong sơ thiền và các thiền kế tiếp.

16. Với sự biến mất đối ngại tưởng: Đối ngại tưởng là những tưởng khởi lên do căn tiếp xúc với trần tương ứng, đây là một danh từ chỉ tưởng về các vật có hình sắc thấy được (rùpa) v.v. như Luận nói: "Ở đây, gì là các chướng ngại tướng? Tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc - đó là đối ngại tưởng"(Vbh. 261). Có nghĩa là sự biến mất hoàn toàn, sự từ bỏ, không sinh khởi của 10 thứ đối ngại tưởng này, gồm 5 thiện dị thục và 5 bất thiện dị thục.

17. Dĩ nhiên những tưởng này cũng không được có ở nơi một người đã nhập sơ thiền v.v. vì thức khi ấy không sinh khởi do cái cửa năm căn. Nhưng sự nhắc đến các tưởng ấy ở đây nên hiểu như là một sự giới thiệu về thiền này với mục đích gợi sự quan tâm đối với nó, cũng như trong trường hợp tứ thiền có nhắc đến lạc và khổ đã được xả bỏ ở thiền trước đấy, và trong trường hợp đạo lộ thứ ba có nhắc đến ngã kiến v.v. đã được từ bỏ trước đấy.

18. Hoặc, mặc dù những tưởng này cũng không được có nơi một người đã đạt đến sắc giới, nhưng sự không có mặt của chúng ở đây thì không phải vì chúng đã được từ bỏ, vì sự tu tập (thiền) sắc giới không đưa đến sự đoạn diệt tham đối với sắc, và sự phát sinh các thiền sắc giới ấy thực sự phụ thuộc vào sắc. Nhưng sự tu tập về vô sắc này đưa đến đoạn tận tham đối với sắc. Bởi vậy, có thể nói được rằng chúng thực sự được từ bỏ ở đây.

19. Kỳ thực, chính vì chúng đã không được bỏ trước đấy, mà đức Thế Tôn dạy rằng: Âm thanh là cây gai đối với người có sơ thiền (A.v.135). Và chính vì chúng được từ bỏ ở đây mà bất động thuộc về các vô sắc và trạng thái giải thoát an tịnh của chúng được nói đến (M. i,33), và Alàra Kàlàma không thấy 500 cỗ xe đi qua sát vị ấy mà cũng không nghe tiếng chúng trong khi vị ấy đang ở trong một thiền chứng vô sắc (D. ii,130)

20. Không tác ý các tưởng sai biệt: Có hai nghĩa: Thứ nhất là: Các loại tưởng thuộc ý giới (mind element) và ý thức giới (mind - consciousness element) nơi một người chưa chứng đắc, như Vibhanga nói: "Ở đây gì là các tưởng sai biệt? Sự tưởng tri, nhận thức nơi một người chưa đắc mà có ý giới hoặc ý thức giới, đây gọi là "các tướng sai biệt" (Vbh. 261) - những loại tưởng ấy sinh khởi có đối tượng khác nhau (đủ loại) là sắc, thanh v.v. - Thứ hai, vì bốn mươi bốn loại tưởng nghãi là, tám loại tưởng thiện thuộc dục giới, mười hai loại tưởng bất thiện, mười một loại dị thục thiện thuộc dục giới, hai dị thục bất thiện và mười một loại tưởng duy tác thuộc dục giới - chính chúng có sự sai biệt đủ loại; có bản chất khác nhau.

21. Và hai điều cần được hiểu: Trước hết, sự vắng mặt của tưởng sai biệt được nói ở đây theo hai cách là "vượt qua" và "biến mất", vì các sắc tưởng và các đối ngại tưởng ở trước không hiện hữu ngay cả trong loại hữu phát sinh do thiền này lúc tái sinh, nói gì đến khi thiền này được chứng và trú trong hữu ấy, và Thứ hai, trong trường hợp những tưởng sai biệt, sự "không tác ý" đến chúng được nói vì hai mươi bảy loại tưởng - nghĩa là, tám loại tưởng thiện dục giới, chín loại tưởng duy tác (functional), và mười loại tưởng bất thiện - vẫn còn hiện hữu trong loại hữu phát sinh bởi thiền này. Vì khi hành giả chứng và trú thiền này, vị ấy làm thế bằng cách không tác ý đến chúng, nếu còn tác ý đến chúng thì không đạt được.

22. Và ở đây nên hiểu vắn tắt rằng sự từ bỏ sắc giới được ám chỉ bằng câu "với sự vượt qua các sắc tưởng" và sự từ bỏ, không tác ý đến tất cả tâm và tâm sở dục giới được án chỉ bằng câu "với sự biến mất các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt".

23. Hư không vô biên được gọi như thế là vì biên giới sinh và biên giới diệt của nó không được biết đến, cái khoảng không còn lại sau khi dời bỏ kasina gọi là "hư không". Và ở đây, tính chất "vô biên" cần được hiểu là ám chỉ các sự tác ý nữa, bởi vậy Vibhanga nói: "Vị ấy đặt, để tâm trong khoảng không ấy, vị ấy biến mãn không giới hạn, nên gọi là "hư không vô biên" (Vbh.262)

24. Vị ấy chứng và trú Không vô biên xứ: Nó không có biên giới (anta) nên gọi là vô biên (ananta). Cái gì không có giới hạn trong không gian (àkàsamanantam) thì gọi là hư không vô biên. Hư không vô biên ấy là một "xứ" (àyatana) trong ý nghĩa nó là một trú xứ cho thiền có bản chất liên hệ với nó, như "thiên xứ" là trú xứ dành cho chư thiên. Vị ấy chứng và trú hư không vô biên xứ sau khi đạt đến xứ ấy, tức không vô biên, sau khi làm cho nó phát sinh, hành giả trú với sự trú (gồm trong bốn uy nghi) phù hợp với nó.

Đây là giải thích chi tiết về không vô biên xứ kể như một đề mục thiền.

(2) Thức Vô Biên Xứ

25. Khi hành giả muốn tu tập thức vô biên xứ, trước tiên cần phải đạt đến sự làm chủ theo năm cách, trong thiền chứng về không vô biên xứ. Rồi hành giả cần thấy nguy hiểm của không vô biên xứ như sau: "Thiền này có sắc thiền là kẻ thù gần, và nó không được an tịnh như Thức vô biên xứ". Bởi thế sau khi chấm dứt ràng buộc của hành giả đối với không vô biên xứ, vị ấy hãy tác ý thức vô biên xứ như là an tịnh hơn, tác ý nhiều lần "Thức, thức với thức biến mãn không gian làm đối tượng. Hành giả nên tác ý, quán sát nó, tác động trên thức ấy bằng tầm và tứ, nhưng không nên chỉ tác ý theo cách nầy "vô biên, vô biên" (nghĩa là hoặc tác ý "vô biên" không)

26. Khi hành giả hướng tâm thiền nhiều lần trên tướng ấy như vậy, những triền cái được từ bỏ, niệm được an trú và tâm trở nên định tĩnh trong cận hành định. Hành giả tu tập tướng ấy nhiều lần, làm cho sung mãn. Khi hành giả làm như vậy, thức thuộc về thức vô biên xứ khởi lên trong định, với cái thức biển mãn hư không làm đối tượng cũng như cái thức thuộc về không vô biên xứ đã khởi lên với khoảng không làm đối tượng. Phương pháp giải thích tiến trình đắc định ở đây cần được hiểu theo cách đã tả.

(Kinh Văn Và Giải)

27. Ở điểm này, kinh nói: "Hoàn toàn vượt qua không vô biên xứ, biết rằng "Thức là vô biên", vị ấy chứng và trú "Thức vô biên xứ". (Vbh.245)

28. Ở đây, "hoàn toàn": Như đã giải thích. Vượt khỏi không vô biên xứ: Thiền ấy được gọi là không vô biên xứ như đã nói ở đoạn 24, và đối tượng của nó cũng được gọi như thế. Vì đối tượng cũng là hư không vô biên theo cách đã nói (đ. 24), và bởi vì nó là đối tượng của thiền vô sắc đầu tiên, (lược). "Vượt không vô biên xứ" bao gồm cả thiền lẫn đối tượng của nó, vì thức vô biên xứ chỉ được chứng và trú nhờ vượt qua, nhờ không tác ý đến, làm cho không sinh khởi, cả thiền lẫn đối tượng về không vô biên.

29. Thức vô biên: Điều muốn nói là, hành giả tác ý như sau: "Thức là vô biên" đối với cái thức đã khởi lên biến mãn lấy hư không làm đối tượng, là không vô biên. Hoặc, "vô biên" ám chỉ sự chú ý. Vì khi hành giả chú ý không ngừng đến cái Thức có hư không làm đối tượng thì sự chú ý của hành giả hướngđến hư không ấy cũng là "vô biên".

30. Vì điều này được nói trong Vibghanga: "Thức là vô biên": hành giả tác ý đến hư không được biến mãn bởi thức, vị ấy biến mãn một cách vô giới hạn, do đó mà nói là "Thức vô biên". (Vbh.262). Nhưng trong đoạn văn Tam yevàakàsamvinnànena phutam (bởi chính cái thức đã biến mãn hư không ấy) sử dụng cách "bởi thức" phải được hiểu theo nghĩa đối cách (accusative), vì đó là cách các vị Luận sư đã giải thích. Điều muốn nói trong câu "Vị ấy biến mãn vô giới hạn"là, vị ấy tác ý đến cái Thức đã biến mãn hư không ấy.

31. Hành giả chứng và trú Thức vô biến xứ: (lược) Thức này là "xứ" bởi vì nó là nền tảng cho thiền có bản chất liên hệ với nó v.v Những gì còn lại cũng như lối giải thích ở phần trước.

Đây là giải thích chi tiết về Thức vô biên xứ.

(3) Vô Sở Hữu Xứ

32. Khi hành giả muốn tu tập Vô sở hữu xứ, trước hết, cần phải thành tựu sự thiện xảo (làm chủ) theo năm cách trong thiền chứng về Thức vô biên xứ. Rồi hành-giả nên thấy nguy hiểm trong thức vô biên xứ như sau: "Thiền này có Không vô biên xứ là kẻ thù gần của nó và nó không được an tịnh như vô sở hữu xứ." Sau khi đã từ bỏ sự bám víu vào Thức vô biên xứ, hành giả nên tác ý Vô sở hữu xứ xem là an tịnh. Hành giả nên tác ý đến sự phi-hữu (hiện tại) sự trống rỗng, khía cạnh viễn ly của chính cái Thức (quá khứ) thuộc về Không vô biên xứ đã trở thành đối tượng của (thức thuộc về) Thức vô biên xứ . Hành giả thực hiện điều này như thế nào?

33. Không còn tác ý đến thức này nữa, bây giờ hành giả phải chú ý nhiều lần như sau: "Không có gì cả " hoặc "Không, không" và quán sát nó, tác động lên nó với tầm và tứ.

34. Khi hành giả hướng tâm đến tướng như vậy, thì những triền cái bị áp đảo, niệm được an trú, và tâm hành giả tập trung ở cận hành định. Hành giả tu tập tướng ấy nhiều lần, làm cho nó sung mãn.Khi làm như vậy, thức thuộc về vô sở hữu xứ khởi lên trong định, đối tượng của nó là trạng thái không, phi hữu, viễn ly của Thức đã biến mãn hư không trước đấy, cũng như thức thuộc Thức vô biên xứ đã lấy cái Thức biến mãn hư không làm đối tượng, (Nói tóm lại, thì: Không vô biên xứ có đối tượng là Không vô biên, Thức vô biên xứ có đối tượng là cái Thức đã quán Không vô biên, và Vô sở hữu xứ thì có đối tượng là cái phi hữu, trống rỗng của cái Thức đã quán không vô biên vậy.)

Và ở đây cũng vậy, phương pháp giải thích định là như cách đã nói trước.

35. Nhưng có sự khác nhau này. Ví như một người thấy một đoàn thể tăng chúng nhóm họp tại một phòng hội họp,thấy xong thì bỏ đi chỗ khác. Sau buổi họp, khi chúng tăng đã đứng lên ra về, người kia trở lại, và khi anh ta đứng ở bực cửa nhìn lại phòng họp chỉ thấy đó là một khoảng không, chỉ thấy nó vắng vẻ, chứ không nghĩ "Bao nhiêu tỳ kheo ấy đã chết, bao nhiêu tỳ kheo ấy đã đi khỏi vùng này. Đúng hơn, người ấy chỉ thấy "Đây đã vắng vẻ, trống không" - cũng vậy, sau khi bằng con mắt thiền thuộc về Thức vô biên xứ, vị ấy đã trú và quán cái Thức đã khởi lên lấy hư không làm đối tượng, bây giờ khi Thức đó đã biến mất do vị ấy tác ý "Không có gì" từ trước trong công việc chuẩn bị, thì hành giả chỉ trú và quán sự phi hữu của nó,nghĩa là sự ra đi của thức ấy, khi Thức thuộc vô sở hữu xứ đã khởi lên trong định.

(Kinh Văn Và Giải)

36. Và tại điểm này, kinh nói: "Hoàn toàn vượt qua Thức vô biên xứ, biết rằng "Không có gì", hành giả chứng và trú Vô sở hữu xứ" (Vbh. 245).

37. "Hoàn toàn" đã được giải thích. "Vượt qua thức vô biên xứ": Ở đây cũng thế, thiền này được gọi là "xứ" theo cách được giải, và đối tượng của thiền ấy cũng được gọi như vậy. Bởi vì đối tượng cũng là "thức vô biên" theo cách đã nói, và vì là đối tượng của thiền vô sắc thứ hai, là "xứ" của nó theo ý nghĩa chỗ trú, như "chư thiên xứ" là chỗ ở của chư thiên, do vậy, đấy là một trú xứ bằng thức vô biên. Cũng vậy, nó là "thức vô biên", và bởi vì nó là nhân cho thiền thuộc loại ấy nên nó là căn cứ địa của thiền này theo nghĩa trú xứ, như Kambojà là căn cứ địa hay trú xứ của ngựa. "Căn cứ địa" bằng Thức vô biên cũng thế. Bởi vậy, phải hiểu rằng "hoàn toàn vượt qua Thức vô biên xứ" là bao gồm cả thiền lẫn đối tượng của nó, vì "căn cứ địa" này, xứ này, gồm trong Vô sở hữu xứ, cần phải được chứng và trú bằng cách vượt qua, thành phi hữu, không tác ý đến thiền thức vô biên xứ, cả thiền lẫn đối tượng.

38. "Không có gì cả" (nakhi kinci): Điều muốn nói ở đây, là hành giả tác ý như sau: "Không có gì cả" Hành giả làm cho chính cái Thức ấy thành phi hữu làm cho nó vắng mặt, biến mất, thấy rằng không có gì cả, do đó nói là vô sở hữu (Vbh. 262) được diễn tả theo cách giống như là sự hiểu biết (với tuệ giác) tính chất dễ đi đến hoại diệt. Tuy nhiên, ý nghĩa cần được hiểu theo cách đã nói trên.Vì câu "Vị ấy làm cho Thức ấy trở thành phi hữu, làm cho nó vắng mặt, làm cho nó biến mất" là nói về một người không tác ý đến Thức ấy, không chú ý, quán sát nó, mà chỉ chú ý đến sự phi hữu của nó, tính trống rỗng của nó, sự viễn ly của nó; câu này không có ý nghĩa khác (xem Ch.XXI, đ. 17)

39. Vị ấy chứng trú vô sở hữu xứ: "xứ" này không có sở hữu (kincana) nên gọi là vô sở hữu (akinncana). Ám chỉ sự biến mất của Thức thuộc về không vô biên xứ. Vô sở hữu này là "xứ" trong nghĩa nó là nền tảng cho thiền ấy. Còn lại thì như trước.

Trên đây là giải thích chi tiết về vô sở hữu xứ.

(4) Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ

40. Khi hành giả muốn tu tập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thì trước hết phải thiện xảo theo năm cách, về sự chứng đắc vô sở hữu xứ. Rồi vị ấy cần phải thấy nguy hiểm trong vô sở hữu xứ và lợi lạc trong cái gì cao hơn như sau: "Thiền này có Thức vô biên xứ là kẻ thù gần của nó, và nó không được an tịnh như Phi tưởng phi phi tưởng xứ" hoặc: "Tưởng như bệnh, như cục bướu, như mũi tên... cái này là an tịnh, cao cả, đó là phi tưởng phi phi tưởng xứ". (M. ii, 231): Bởi vậy sau khi đã từ bỏ bám víu vô sở hữu xứ, vị ấy nên tác ý đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ xem là an tịnh. Hành giả nên tác ý nhiều lần đến thiền chứng về vô sở hữu xứ đã phát sinh, lấy phi hữu làm đối tượng cho thiền ấy, tác ý đến nó là "an tịnh; an tịnh", và hành giả nên chú ý đến nó, quán sát nó, tác động trên nó với tầm và tứ.

41. Khi hành giả hướng tâm nhiều lần đến tướng ấy theo cách trên, những triền cái được áp đảo, niệm được an trú, và tâm hành giả trở nên tập trung trong cận hành định. Hành giả tu tập tướng ấy nhiều lần làm cho nó sung mãn. Khi hành giả tu tập như vậy, thức thuộc về phi tưởng phi phi tưởng xứ phát sinh, lấy bốn uẩn tạo nên thiền chứng về vô sở hữu xứ làm đối tượng của nó, cũng như Thức vô sở hữu xứ đã lấy sự biến mất của thức trước nó làm đối tượng. Và ở đây cũng vậy, phương pháp giải thích định cần được hiểu theo cách đã nói.

(Kinh Văn Và Giải)

42. Và ở điểm này, kinh nói: "Bằng cách vượt qua hoàn toàn vô sở hữu xứ, hành giả chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ." (Vbh, 245)

43. "Hoàn toàn" như đã giải thích. "Vượt qua Vô sở hữu xứ" ám chỉ vừa thiền vừa đối tượng "vô sở hữu"

44. Phi tưởng phi phi tưởng xứ: khi ấy nơi hành giả, có cái tưởng mà, với sự có mặt của nó, thiền chứng này được gọi là "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" và trong Vibhanga, để chỉ con người chứng ấy, một người trước hết được xác định là người không có tưởng cũng không không tưởng," có nói: "vị ấy tác ý đến cùng một đối tượng vô sở hữu xứ ấy xem là an tịnh, tu tập thiền chứng với các hành còn dư tàn do đó mà gọi là "người không tưởng cũng không phi tưởng". (Vbh. 263)

45. Ở đây, "vị ấy tác ý... là an tịnh" có nghĩa, vị ấy chú ý đến thiền này là an tịnh vì tính cách an tịnh của đối tượng như sau: "thiền chứng này thực an tịnh làm sao, vì nó có thể làm cho ngay cả phi hữu biến thành đối tượng của nó, mà vẫn tồn tại."

Nếu hành giả tác ý đến nó như là "tịch tịnh", thì làm sao có sự vượt qua? Bởi vì không có ước muốn thực sự muốn đạt đến nó. Vì, mặc dù hành giả tác ý đến nó là "tịch tịnh", nhưng nơi vị ấy không có mối quan tâm hay phản ứng hay sự tác ý như "Ta sẽ tác ý đến thiền này" hoặc "Ta sẽ đạt đến thiền này" hoặc "Ta sẽ quyết định về độ dài thời gian của nó" hoặc "Ta sẽ xuất khỏi nó" hoặc "Ta sẽ quán sát nó" Tại sao không? Bởi vì Phi tưởng phi phi tưởng xứ là an tịnh hơn và tốt hơn Vô sở hữu xứ.

46. Ví như một ông vua đang tuần tự du hành qua một đường phố với nghi vệ của vua chúa, cỡi trên một thớt voi lẫm liệt, và ông đang nhìn những thợ thuyền chỉ vận một chiếc khố và một chiếc khăn bịt đầu, đang làm những thủ công nghệ như chạm trổ ngà voi,v.v... tay chân họ lấm đầy bụi của bột ngà voi v.v... Bấy giờ trong khi vua hài lòng với tài khéo của họ và nghĩ: "Những người thợ thủ công nghệ này thật là thiện xảo. Chúng đã luyện được nghề khéo thay." Nhưng vua không có nghĩ rằng: "Ôi ước gì ta có thể từ bỏ vương vị và trở thành một người thợ thủ công nghệ như thế; vì sao? Vì những lợi-lạc lớn trong uy vệ của ngôi vua. Ông ta để lại sau lưng những người thợ và tiếp tục du hành, - cũng vậy, thiền giả này mặc dù tác ý thiền chứng ấy là "tịch tịnh", nhưng nơi ông không có sự quan tâm, phản ứng hay sự chú ý như "Ta sẽ tác ý đến thiền này" hoặc "Ta sẽ đạt đến thiền này" hoặc "Ta sẽ quyết định trú thiền trong bao lâu" hoặc "Ta sẽ xuất khỏi nó" hoặc "Ta sẽ quán sát nó".

47. Khi hành giả tác ý đến thiền này như là "tịch tịnh" theo cách đã nói, vị ấy đạt đến định- tưởng tối thượng vi tế do tưởng này, vị ấy được gọi là " người không phải có tưởng không phải vô tưởng" và về vị ấy, ta nói là "vị ấy tu tập thiền chứng này với các hành còn sót lại."

"Thiền chứng với các hành còn dư tàn" là chỉ thiền chứng thuộc vô sắc thứ tư ở đó các hành đã đạt đến một mức độ vô cùng vi tế.

48. Bây giờ để chỉ rõ ý nghĩa của loại tưởng đã đạt đến, do tưởng này mà thiền này được gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vibhanga nói:"Phi tưởng phi phi tưởng xứ là những trạng thái tâm hay tâm sở nơi một mgười đã đạt đến phi tưởng phi phi tưởng xứ hoặc nơi một người đã được tái sinh tại đấy, hoặc nơi một người trú lạc phi tưởng phi phi tưởng ngay trong đời này". (Vibhanga 263) .Cái gì muốn nói ở đây là những trạng thái tâm và tâm sở nơi một người đã chứng đắc.

49. Ý nghĩa danh từ ở đây là: thiền ấy, với các trạng thái liên hệ của nó, không có tưởng mà cũng không phi tưởng do bởi vắng bóng những thô tưởng và có mặt những tưởng vi tế, nên gọi là " phi tưởng phi phi tưởng". Nó là "phi tưởng phi phi tưởng" và là một "xứ" vì nó được gồm trong ý xứ và pháp xứ.

50. Hoặc: Tưởng ở đây không phải là tưởng, vì nó không thể làm nhiệm vụ quyết định của tưởng, mà nó cũng không phải là phi tưởng, vì nó hiện diện trong một trạng thái vi tế, như một hành còn sót lại, nên nó là "phi tưởng phi phi tưởng", lại là một xứ với nghĩa là nền tảng cho những trạng thái khác, nên nó là "phi tưởng phi phi tưởng xứ".

Và ở đây không phải chỉ có tưởng mới là như vậy, mà thọ cũng là phi thọ phi phi thọ, thức cũng là phi thức phi phi thức, xúc cũng là phi xúc phi phi xúc, và cũng vậy đối với các pháp liên hệ còn lại.

51. Và nên làm sáng tỏ ý nghĩa này bằng những ví dụ khởi đầu là sự bôi dầu trên bát. Một chú tiểu bôi dầu đầy cái bát rồi dẹp nó lại. Vào lúc uống nước cháo, một vị thượng tọa bảo chú đem bát lại. Chú nói:"Bạch đại đức có dầu trong bát". Nhưng khi thượng tọa bảo chú: "Này chú tiểu, hãy đem dầu lại đây để ta đổ vào ống dầu." Thì chú trả lời: "Bạch đại đức không có dầu". Ở đây, như trường hợp nói có dầu với ý nghĩa trong bát có bôi dầu không thể đổ cháo vào, và nói không có dầu là nghĩa không có để đổ vào ống dầu. Cũng vậy, tưởng này không phải tưởng vì nó không thể làm nhiệm vụ quyết định của tưởng, và nó cũng không phải phi tưởng vì nó hiện diện dưới một hình thái vô cùng vi tế như là một hành còn sót lại.

52. Nhưng cái gì là nhiệm vụ của tưởng muốn nói ở đây? Đấy là sự nhận biết đối tượng, và phát sinh ly dục nếu làm đối tượng cho tuệ. Nhưng nó không thể làm cho nhiệm vụ nhận thức có tính cách quyết định, cũng như sức nóng trong nước hâm hẩm không có thể làm nhiệm vụ luộc chín và nó không thể phát sinh ly dục bằng cách quán đối tượng với tuệ theo cách mà tưởng có thể làm trong trường hợp các thiền chứng khác.

53. Quả vậy, không có tỳ kheo nào có thể đạt đến ly dục nhờ quán năm uẩn liên hệ đến phi tưởng phi phi tưởng xứ nếu vị ấy chưa làm cái việc phân tích đối với các uẩn khác (xem Chương XX đoạn 2 và kế tiếp). Và hơn nữa, dù cho ngài Xá Lợi Phất hay một người bẩm chất rất thông tuệ và có khiếu về tuệ giác như ngài, có thể làm được chuyện ấy, thì vẫn phải làm bằng cách quán theo nhóm như: "Như vậy, những pháp này trước kia không mà nay có, và sau khi hiện hữu chúng biến mất". (M. iii,28) chứ không phải bằng tuệ giác trực tiếp thực sự đối với từng pháp một khi chúng sanh khởi, đó là mức tinh tế mà thiền chứng này đạt đến.

54. Và ý nghĩa này cần được làm sáng tỏ bằng ví dụ về nước trên đường, cũng như ví dụ về sự bôi dầu trên bát. Một chú tiểu đang đi trước một vị đại đức khi du hành.Chú thấy một ít nước và bảo: "Bạch đại đức có nước, đại đức hãy bỏ dép ra." Khi ấy vị đại đức bảo, "Nếu có nước thì hãy đem áo tắm lại để ta tắm." Nhưng chú tiểu lại nói: "Bạch đại đức, không có." Ở đây, "có nước" là trong nghĩa nó làm ướt giày. Còn "không nước" là trong nghĩa nước để tắm. Cũng vậy, tưởng này là "phi tưởng" vì nó không thể làm cái việc nhất định của tưởng, và nó cũng không là "phi tưởng" vì nó hiện diện dưới hình thức vi tế như một hành còn sót lại.

55. Và ý nghĩa này cần được làm sáng tỏ không những chỉ với những ví dụ này mà còn bằng những ví dụ thích ứng khác nữa.

"Chứng" và "trú" đã được giải thích.

Trên đây là giải thích chi tiết về phi tưởng phi phi tưởng xứ kể như một đề mục thiền.

[Tổng quát]

56. Như vậy,

Đấng Cứu thế vô song đã nói:
Bốn cõi vô sắc
biết những điều tổng quát này
Sẽ không phải là vô ích.

57.
Vì các thiền vô sắc
Kể về sự vượt qua đốitượng
thì gồm có bốn thứ
Bậc trí không nhận sự vượt qua các thiền chi.
58. Trong bốn vô sắc này, vô sắc đầu là do vượt qua những tướng về sắc pháp, vô sắc thứ hai là do vượt qua hư không, vô sắc thứ ba là do vượt qua thức phát sinh với hư không làm đối tượng, và vô sắc thứ tư là do vượt qua sự biến mất của thức lấy hư không làm đối tượng ấy. Bởi thế, chúng cần được hiểu là có bốn về số lượng, cùng với sự vượt qua đối tượng trong mỗi trường hợp. Nhưng bậc trí không chấp nhận một sự vượt qua nào của các thiền chi, vì ở bốn thiền vô sắc này không có sự vượt qua những thiền chi như trong trường hợp các thiền chứng thuộc sắc giới. Mỗi thiền vô sắc này chỉ có hai thiền chi là xả và nhất tâm.
59.
Vì vậy, chúng tuần tự vi tế dần
Mỗi thiền vi tế hơn thiền trước nó
Có hai hình ảnh làm sáng tỏ
Đó là chiều dài vải, và tầng lầu.
60. Ví như có một lâu đài bốn tầng, trên tầng đầu có đủ năm thứ dục lạc dưới hình thức rất vi tế như thiên vũ, thiên ca và thiên nhạc, thiên hương hoa thực phẩm, giường nệm y phục v.v. và trên tầng thứ hai những thứ này còn vi tế hơn, tầng thứ ba càng vi tế và tầng thứ tư thì vi tế nhất, tuy vậy chúng vẫn là những tầng lầu và không có sự khác biệt giữa chúng về phương diện bản chất, chỉ có sự tuần tự vi tế của năm món dục lạc mà tầng này vi tế hơn tầng dưới nó. Lại nữa, ví như có những đoạn vải dày một lớp, hai lớp, ba lớp, bốn lớp, dệt bằng thứ chỉ thô, tế, tế hơn và rất tế bởi một phụ nữ, tất cả bốn tấm đều cùng một kích tấc, thì mặc dù con số là bốn đoạn chúng chỉ khác nhau về tính cách êm dịu vi tế và đắt giá. Cũng thế mặc dù chỉ có hai thiền chi trong cả bốn vô sắc, là xả và nhất tâm, nhưng mỗi thiền cần được hiểu là vi tế hơn thiền trước nó do sự tuần tự vi tế của các thiền chi.

61 Và về sự kiện mỗi thiền vi tế hơn thiền trước nó có hình ảnh như sau.

62. Có một cái lều dựng trên một chỗ dơ dáy. Một người đi đến, nhờm gớm sự dơ uế nên tựa hai tay vào lều như đu. Một người thứ hai đến tựa vào người ấy. Người thứ ba đến và nghĩ, cả hai người kia không khá được, vì nếu cái lều sụp thì chúng chắc chắn ngã. Vậy ta sẽ đứng ngoài. Do vậy thay vì tựa vào người thứ hai, anh ta đứng ngoài. Rồi một người thứ tư đi đến, và vì thấy sư bất ổn của hai người đầu, nghĩ rằng người đứng ngoài vững hơn, anh đứng tựa vào người ấy.

63. Cái khoảng không mà từ đấy kasina đã được dời bỏ, ví như căn lều dựng chỗ dơ uế. Thức thuộc không vô biên xứ, lấy không gian làm đối tượng, do chán ghét các sắc vi tế, là giống như người đầu bám vào cái lều vì nhờm gớm đồ dơ. Thức thuộc thức vô biên xứ, mà sự sinh khởi nương vào thức thuộc không vô biên xứ, là ví như người tựa vào người bám cái lều. Thức thuộc vô sở hữu xứ, thay vì lấy cái thức thuộc không vô biên làm đối tượng, lại lấy sự phi hữu của thức ấy làm đối tượng, ví như người thứ ba sau khi xét thấy bất ổn nơi hai người trước, không tựa vào người thứ hai, mà đứng ngoài. Thức thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ, phát sinh nương nơi thức thuộc vô sở hữu, cái thức ra ngoài, nghĩa là ở nơi phi hữu của thức trước đấy - thì ví như người đứng tựa vào người thứ ba, sau khi đã xét thấy bất ổn ở hai người đầu, và nghĩ rằng người đứng ngoài đã khéo đứng.

64.
Và trong khi khởi lên như vậy,
Thức này lấy đó làm đối tượng
Vì không có cái nào tốt bằng
Cũng như người nương tựa vào vua để sống
Dù thấy những lỗi lầm nơi ông.
65. Vì mặc dù thức thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ đã thấy lỗi ở vô sở hữu xứ như sau: "Thiền này có Thức vô biên xứ làm kẻ thù gần, mặc dù vậy, nó vẫn lấy đó làm đối tượng vì không có cái nào khác. Giống như người ta vì sinh mạng phải lệ thuộc vào một ông vua có những lỗi lầm mà họ thấy được. Cũng vậy, Thức thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ lấy Vô sở hữu xứ làm đối tượng mặc dù vẫn thấy những lỗi của nó, và sở dĩ như vậy là vì không tìm thấy đối tượng nào tốt hơn.

66.
Như người leo thang cao
Nương vào các điểm tựa
Như người đi trên núi
Tựa vào đỉnh ngọn núi
Như người đứng trên vực
Nương vào hai đầu gối
Mỗi thiền dựa thiền trước
Cũng y hệt như vậy.
Chương mười gọi là "Mô tả về các Thiền Vô Sắc" trong Luận về Định tu tập thuộc luận Thanh Tịnh Đạo, được soạn thảo vì mục đích làm cho những người lành được hoan hỷ. 
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn