- Kinh Bất Tăng Bất Giảm

27 Tháng Hai 201100:00(Xem: 24431)


TÂM NHƯ - TRÍ THỦ TOÀN TẬP

Hoà Thượng Thích Trí Thủ


KINH BẤT TĂNG BẤT GIẢM

LỜI NÓI ĐẦU

Tinh tú vốn tích lũy ánh sáng và thường xuyên phát ra ánh sáng. Anh sáng luôn luôn có, vì tinh tú luôn luôn thường tại. Những đêm ba mươi hay giữa trưa đứng bóng, ánh sáng ấy không hề có thêm có bớt. Có thêm có bớt chỉ vì nó bị che khuất nhiều hay ít mà thôi.

Chơn tâm thường ở nơi mỗi chúng sanh cũng như vậy. Đó là một nguồn phát sanh ánh sáng, một thứ ánh sáng riêng của nội giới. Chơn tâm ấy ở nơi kẻ ngu cũng không vơi lưng bớt đi, mà ở nơi người trí cũng không tràn đầy thêm ra. Có vơi có đầy là chỉ bởi nó bị ngăn che dày hay mỏng mà thôi.

Ngăn che ánh sáng bằng cách bôi cho lớp vỏ kia mỗi ngày một dày thêm là giam hãm chơn tâm trong lao ngục nghiệp chướng. Lần theo cái ánh sáng chơn tâm ấy để phóng thích nó ra, thì gọi là tu.

Xưa có một vị Bồ tát tu theo cái hạnh phát huy chơn tánh ấy nơi mọi người. Gặp ai vị ấy cũng lễ bái xưng tán: "Tôi rất kính trọng các người, không dám khinh mạn, vì các người sẽ đều làm Phật". Có kẻ nghe nói như vậy nhiều lần không chịu nổi, tức giận mắng nhiếc đánh đập tàn tệ, ngài trốn chạy mà miệng vẫn không ngớt nói với lui "Tôi không dám khinh mạn ...". Vị Bồ tát được những kẻ kiêu mạn tặng cho danh hiệu hài hước là Bồ tát Thường Bất Khinh. Về sau, được lục căn thanh tịnh, ngài chứng quả và rộng nói kinh Pháp Hoa cho tất cả mọi người nghe. Mọi người nhờ nghe lời nói ấy gieo vào trong tạng thức mà cũng đều thành Phật cả.

Hạnh nhẫn nhục của Bồ tát Thường Bất Khinh, tự nó đã là một giá trị cao cả về mặt đạo đức. Hơn nữa, cái hạnh cao cả ấy lại được hướng về một mục đích duy nhất: Phát huy Phật tánh trong mọi chúng sanh. Phương tiện là đạo đức mà cứu cánh đạt được lại là chơn lý. Cao đẹp thay!

Vâng, "Mọi loài đều có Phật tánh" là chân lý tối thượng mà chỉ có Phật giáo mới thừa nhận và thuyết minh. Có Phật tánh, có khả năng thành Phật và cần phải phát huy khả năng ấy, đó là điều mà Phật giáo đã long trọng xác nhận qua thiên kinh vạn quyển của giáo điển. Có Phật tánh, có khả năng thành Phật, nhưng điều quan trọng không kém là cần phải phát huy khả năng ấy trong khắp mọi người, dù là hạng người mà xã hội đang khinh rẻ, cho là ngu si ti tiện, ngay đến cả những người chính tự họ đánh rơi lòng tự tín, trở lui khinh miệt mình.

Với tất cả, cần phải giác tỉnh họ để gieo vào lòng họ một hy vọng, trả lại họ một địa vị xứng đáng dưới ánh sáng mặt trời, trong ngày nay hay ngày mai. Để tất cả sống một đời sống tích cực, không ỷ lại thần trời, không oán người trách đời. Tóm lại, một đời sống lành mạnh trong thanh bình an vui, không luyến tiếc vang bóng của ngày qua, không sân hận nghịch cảnh ở hôm nay. Thế nào cho mỗi cố gắng mới của họ không phải là một hy sinh mà là một thành quả xây dựng rạng rỡ, cả hôm nay và ngày mai.

Có phát huy được trọn vẹn Phật tánh nơi mỗi con người, mới trả lại hết giá trị của con người cho con người.

Phật tánh ấy, trong kinh Phật thường đem ví với viên ngọc quý bỏ quên lâu ngày trong chéo áo, mà sở hữu chủ của nó chính là chúng sanh, đã không tự biết để mang ra dùng. Trong giáo điển nhà Phật, Phật tánh ấy còn có nhiều tên gọi khác: chơn tâm, chơn như, chơn tánh, như lai tạng, tự tánh bồ đề, giác tịnh minh tâm, chúng sanh giới, nhứt giới, v.v... Danh từ có nhiều, là vì "nó" vốn có nhiều khía cạnh. Nhưng dù khía cạnh nào đi nữa thì cái bản lai diện mục của nó vẫn không ngoài bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Đem ví dụ rộng ra, Phật tánh ấy tức như mật ngọt trong bộng ong, vàng ròng rơi trong hầm xí, bào thai quý tử nằm trong dạ con của người bần nữ v.v... mà các độc giả Phật tử sẽ gặp trong kinh ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG NHƯ LAI TẠNG phiên dịch sau đây.

Lại nữa, Phật tánh ấy không vì ở nơi sang chốn hèn, kẻ trí người ngu mà có tăng có giảm. Có tăng có giảm khác nhau chẳng qua chỉ tại cái vỏ bọc ngoài; thực chất bên trong không hề có sai biệt. Tất cả đều cùng một thể, Đều từ nhứt giới mà có lưu xuất và đều quy hiệp thành nhứt giới. Nhứt giới vốn hằng thường, bất biến, bình đẳng, bất nhị, không thể đem trí phân biệt để ức đoán, giảo lượng như đối với các pháp bị tạo khác. Đó là trọng tâm kinh BẤT TĂNG BẤT GIẢM tiếp theo.

Phiên dịch hai Kinh trên đây, tôi tự biết văn tài chưa đủ để phô diễn hết ý tứ sâu kín trong kinh; chỗ nào còn sót lọt, mong các bậc Thiện tri thức và thế hệ ngày mai bổ khuyết lần hồi cho. 

Mục đích duy nhất của tôi chỉ cốt đóng góp phần nào công sức vào sự nghiệp hoằng pháp phát huy Phật tánh, hầu mong hàng Phật tử sơ cơ phát tâm dõng mãnh thuận theo Phật tánh ấy mà tu học và tin chắc vào thành quả sẽ gặt hái được như lời ngài Lục tổ Huệ Năng đã dạy:"Này các Thiện tri thức! Tự tánh bồ đề bản lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy tức nhiên thành Phật". Hay như kinh Phạm Võng dạy: "Nếu Đại chúng thành tín rằng: các người là Phật sẽ thành, còn ta là Phật đã thành, và nếu thường giữ được chánh tín ấy, thì giới phẩm đã đầy đủ" ... Hoặc: "Chúng sanh thọ Phật giới, tức là đã vào được địa vị chư Phật".

Đó là mục đích để dịch hai cuốn kinh này. Mong thay!


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Thiền thất, Quý Thu Canh tý (2504)

THÍCH TRÍ THỦ 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn