Niết Bàn

22 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 12617)


 PHÁP GIÁO NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn


NIẾT BÀN

 

Người học Phật đều quen thuộc với từ ngữ này. Nhưng khi đặt ra những câu hỏi như “Niết-bàn là gì?” “Niết-bàn là như thế nào?”... vẫn là vấn đề lôi cuốn sự tranh cãi của nhiều người. Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào về vấn đề này?

Một cách đơn giản, mọi người Phật tử đều hiểu rằng đó là cảnh giới giải thoát của các bậc chứng ngộ, đắc đạo. Như vậy, Niết-bàn được hiểu theo nghĩa đối đãi với cảnh giới phàm tục, cảnh giới của những người chưa đạt được giải thoát.

Khi chưa giải thoát, con người chìm đắm trong khổ não, nên Niết-bàn hẳn là cảnh không còn khổ não. Khi chưa giải thoát, con người phải chịu sanh già bệnh chết, nên Niết-bàn hẳn là cảnh không còn sanh già bệnh chết... Tương tự như vậy, mọi người hiểu Niết-bàn theo như cách ngược lại với cõi thế tục này...

Điều này cũng khá dễ hiểu. Bởi vì chưa từng ai trong thế gian này đã từng bước vào cảnh giới Niết-bàn, trừ ra các bậc đã chứng ngộ. Mọi người đều chỉ hiểu Niết-bàn một phần dựa vào sự truyền đạt lại của những bậc chứng ngộ, và một phần nữa là dựa vào sự suy luận của chính mình.

Đối với các bậc chứng ngộ, các ngài cũng thường rất hạn chế không mấy khi nói về Niết-bàn. Tuy nhiên, việc các ngài lựa chọn từ bỏ chốn sanh tử ô trược mà an trụ nơi Niết-bàn đủ nói lên rằng đó là một cảnh giới an lạc, không còn những khổ não như chốn thế gian này. Nhưng Niết-bàn an lạc, yên vui như thế nào, chỉ có khi chứng ngộ rồi người ta mới có thể tự cảm nhận lấy mà thôi.

Thế nhưng có nhiều người chẳng hiểu được điều ấy. Họ không lo chuyên tâm tu tập, mà lại chỉ lo chú trọng đến việc tìm hiểu xem Niết-bàn là gì, hoặc về những sự bí ẩn của vũ trụ... Điều đó có lần đã bị chính đức Phật quở trách. Trong kinh điển vẫn còn ghi chép lại câu chuyện thú vị sau đây.

“Một hôm, đại đức Mlounkypoutta tự nghĩ rằng, còn có rất nhiều vấn đề sâu xa mà đức Phật chưa dạy cho đệ tử. Vì thế, đại đức liền đến lễ Phật và bạch rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Vũ trụ là vĩnh viễn hay là có giới hạn trong thời gian? Vũ trụ là vô cùng hay hữu hạn trong không gian? Sau khi nhập Niết-bàn, Thế Tôn có sẽ còn sống hay không? Xin đức Thế Tôn giảng giải cho con hiểu những điều ấy.”

“Đức Phật đáp lại rằng:

“Này Mlounkypoutta! Lúc ngươi chưa xuất gia, ta có nói với ngươi rằng, nếu nhận ngươi làm đệ tử, ta sẽ dạy cho ngươi biết vũ trụ là vĩnh viễn hay không, là vô cùng hay hữu hạn, là Phật còn sống hay không sau khi nhập Niết-bàn... Ta có hứa sẽ dạy cho ngươi những điều ấy hay chăng?

“Bạch Thế Tôn, ngài không có hứa như vậy.”

“Này Mlounkypoutta! Hay là khi chưa xuất gia, ngươi có nói như như thế này: Nếu tôi làm đệ tử của ngài, xin ngài dạy cho tôi biết vũ trụ là vĩnh viễn hay không, là vô cùng hay hữu hạn, là Phật còn sống hay không sau khi nhập Niết-bàn... Ngươi có nói như vậy chăng?”

“Bạch Thế Tôn, ngài không có nói như vậy.”

“Phật lại dạy rằng:

“Có người kia bị một mũi tên độc. Cha mẹ, bà con liền rước đến một vị danh y. Người ấy nói như thế này: Hãy cho tôi biết ai đã bắn tôi rồi hãy trị vết thương này, tôi muốn biết xem người ấy là dòng vua quan hay Bà-la-môn, thương gia hay trưởng giả... Hoặc người ấy nói: Tôi chưa muốn trị vết thương, tôi muốn biết cây cung đã bắn tôi làm bằng loại gỗ gì, lớn hay nhỏ... Này Mlounkypoutta! Ngươi nghĩ thế nào về việc ấy?”

“Bạch Thế Tôn, những câu hỏi thật là vô ích. Kẻ ấy sẽ phải chết vì những câu hỏi ấy.”

Đức Phật dạy:

“Này Mlounkypoutta! Vì sao Phật không dạy các đệ tử rằng vũ trụ là cùng tận hay vô cùng vô tận, rằng đức Phật sau khi nhập Niết-bàn còn sống hay không còn sống...? Bởi vì, dù biết những điều ấy cũng không có ích gì cho sự tiến bộ về đạo đức, không giúp được gì trong sự an lạc và giác ngộ. Phật chỉ dạy những điều gì giúp ích cho sự an lạc và giác ngộ. Đó là Tứ diệu đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Này Mlounkypoutta! Điều gì cần phải dạy, ta sẽ nói ra ngay. Những điều gì ta không dạy, ta sẽ không nói ra.”

Qua câu chuyện, chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa của vấn đề.

Niết-bàn là cảnh giới như thế nào, Niết-bàn là gì... Những điều ấy hoàn toàn không cần thiết đối với chúng ta khi còn đang chìm đắm trong những đau khổ của cuộc đời. Điều tối thiểu chúng ta cần biết chỉ là: Niết-bàn là cảnh giới an lạc của giải thoát, của các bậc chứng ngộ, và nếu chúng ta kiên trì tu tập, bản thân chúng ta cũng sẽ có thể tự mình chứng đắc vào cảnh giới ấy. Thay vì để tâm tìm hiểu Niết-bàn là gì, chúng ta nên chuyên tâm vào việc học tập và hành trì lý Tứ đế, thực hành Bát chánh đạo... Một khi đã tự mình chứng ngộ, chúng ta sẽ tự mình hiểu rõ Niết-bàn là gì, không cần phải nhọc tâm tìm hiểu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2168)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8181)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3009)