Phụ Trương

23 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 11426)


ĐẠO LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn


PHỤ TRƯƠNG

A.
Luận về bể khổ sông mê

Tu là cội phúc,

Tình là dây oan!




Đoạn này tuy luận về sự khổ với con người, nhưng có có quan hệ với giáo lý từ bi cứu thế của đạo Phật.

Không đợi đứng trong vòng đạo đức, ai cũng có thể nhận rằng cái khổ là tự mình gây ra, do bởi cái tâm xao xuyến, ham mê. Rồi vì sự ham mê mà tạo ra lắm nỗi đau thương. Càng được càng tham, càng tham càng khổ!

Trải qua lắm cơn nguy khổ bởi mình, con người mới biết nghĩ đến luật tự nhiên của Trời Đất mà sợ sệt vô cùng, bèn vái lạy đủ điều.

Cao thượng thay cho tín đồ nhà Phật, gác mình ra khỏi vòng danh lợi, cái tâm đã vững chắc, con người an lạc, hiền hòa, bèn không màng đến cát bụi trần gian. Chẳng những tự mình giữ sạch, lại còn đem đuốc lành mà rọi sáng cho chúng sanh đặng cho họ khỏi sa vào nơi mê tối và dắt họ ra khỏi đường lầm lạc.



Khổ là gì mà ta thường nghe người than thở rất bi ai, hết khóc đất lại kêu trời, rồi tự trách mình lôi thôi, dở dang? Khắp năm châu bốn bể, từ những nước văn minh, cường thịnh cho đến những xứ tồi tàn, bạc nhược, trong gia đình từ bậc giàu sang đến hạng nghèo hèn, trong những tâm trí, hoặc cao, hoặc thấp, thảy đều chất chứa những nỗi khổ đau! Hay là khổ là luật tạo hóa, luật chung của đời người đâu đâu cũng là khổ, không ai tránh khỏi cái luật của Hóa công?

Khổ là luật của Hóa công! Câu ấy nghe cũng lạ. Những người kính oai Trời bèn nói rằng: “Lẽ nào Trời sanh ta ra lại làm cho ta khổ, thế chẳng trái hẳn với chân lý sao?” Ngẫm lại thì thấy hóa công bày sắp hoàn mỹ vô cùng, tốt đẹp vô cùng. Như là người thanh lịch, vật đẹp xinh, trăng trong, gió mát; thật có lắm cái hứng thú thâm trầm. Trông ra, thấy ánh sáng buổi mai trên mặt nước, thấy bóng dương đỏ đỏ hồng hồng tỏa khắp thành thị, thôn quê, thì ai dám bảo thợ Trời là vụng? Xem trong vườn, thấy cành hoa mùi thơm, bóng đẹp, phất phơ trên ngọn gió êm với con bướm bay liệng gần bên, thì ai còn cho rằng không tốt đẹp? Nghĩ trong thân có đủ ngũ quan, tánh tình rất đoan trang, vẹn vẽ, thì còn chi mà kêu gọi đấng Tạo vật đặng than phiền? Trời đã làm cho cả thảy đều được thuần túy, sao lại làm cho cái khổ nó nảy ra cho loài người?

Song cuộc đời là bể khổ: khổ của đứa bé vừa lọt lòng mẹ thì đã khóc “oa oa”; khổ của hạng thiếu niên thất vọng về công danh, duyên nợ; khổ của bậc trưởng thành gặp những cuộc tang thương và những bước đường nguy hiểm; khổ của kẻ tuổi già hối hận vì những điều lầm lỡ lúc xuân xanh; khổ của thiếu phụ một mình dưới ngọn đèn tàn, nhớ bạn, khóc chồng; khổ của người chiến binh sắp chết giữa chiến trường, xa vợ, xa nhà, chẳng được sống mà rửa hờn cho quê cha đất tổ; khổ của nhà chí sĩ chẳng đạt được ý nguyện; khổ của kẻ lao động không tìm được việc làm; khổ của kẻ cơ hàn áo không đủ mặc, cơm chẳng đủ ăn, lại nuôi lấy bầy con nheo nhóc; khổ của kẻ bịnh nặng đang cầu Trời cho mau mạnh, hoặc muốn thác cho rồi; khổ của người hiền lâm nạn, kêu oan chẳng thấu cửa công; khổ của kẻ rủn chí, chán đời, của kẻ lao tâm nhọc trí mà chẳng được thỏa lòng.

Ngẫm đời người cũng có lắm lúc vui cười sung sướng. Nhưng cuộc vui ngắn ngủi vô cùng. Cái vui chưa dứt, cái sầu đã lộ ra. Cái khóc là phần nhiều, cái cười là phần ít. Khóc là bảy, cười chỉ là ba thôi. Ấy khóc là sự cố nhiên, thật tình của ta, là luật chung của tạo hóa. Nên chi hễ gặp cảnh khổ thì con người đành khóc mà cam chịu cho qua. Nhưng cái khổ ở đâu mà đến cho ta? Ta có muốn khổ chăng? Có lẽ ta không muốn khổ mà ta cũng không muốn bày nó ra mà làm gì. Là bởi hễ ta nghe nói đến khổ thì ta đã sợ lắm rồi, ta đã toan trốn tránh rồi! Hay là cái khổ ở lòng Trời mà ra chăng? Trải qua bao đời, các nhà triết học đã toan giải về cội nguồn sự khổ, nhưng chưa mấy ai giải rõ rệt, hoàn toàn.

Có nhiều vị bảo rằng hễ có người thì có khổ, cuộc đời có thì tự nhiên cảnh khổ phải có, tựa hồ như hễ có cây thì có hoa và có quả vậy.

Ta không phải sanh ra trên địa cầu đặng mà chịu khổ, vì ta sợ nó lắm, ta tránh nó mãi. Ta đành chịu khổ là khi nào ta không còn biết nơi đâu mà tránh vậy thôi!

Vậy thì Trời bày ra cái khổ đặng hại ta chăng? Có người nói rằng: “Kìa một bà mẹ mới sanh được một đứa con, hết sức lo lắng cho con, săn sóc cho con, vừa hôn con vừa cười. Ấy là mẹ thương con, và bảo bọc cho con. Trông bà mẹ ấy, rồi ta lại trông lên Trời mà nói một mình rằng: “Một bà mẹ kia còn biết thương mến con, gìn giữ con, huống chi Trời đã sanh ra ta, mà lại không thương ta hay sao?”. Bởi Trời là đấng cha mẹ của ta, hằng bảo bọc cho ta, nên ta mới có cơm mà ăn, có khí mà thở, có hoa quả mà dùng, chớ có đâu đã sanh ta rồi lại muốn đặt ra những lối chông gai mà ngăn trở, mà làm cho ta đau khổ?”

Thế thì cái khổ ở đâu mà ra vậy? Cụ Nguyễn Du có nói rằng: “...phúc họa đạo Trời, cội nguồn cũng ở lòng người mà ra”. Ấy vậy họa phúc là kết cuộc của ta, ta ngay thẳng thì được phúc, còn ta ác tâm thì vướng họa, nên cái họa đến để trừng trị tội lỗi mà ta đã làm.

Theo đạo Gia Tô, khi hai đấng Cha Mẹ của cả thế gian mới sanh xuống cõi trần, thì chưa biết khổ là gì. Cái khóc của bà Eve chẳng phải là cái khóc đời bây giờ, thương mà khóc, vui mà khóc, chớ nào phải khóc như ta ngày nay. Còn ông Adam thì làm việc một cách rất dễ dàng, êm ái, chớ nào phải làm việc cực khổ như ta bây giờ. Kế đến Thượng đế hiện xuống mà bảo rằng: “Này con! Cha khuyên con chớ ăn trái này. Nếu con vâng theo cha thì con thương cha và cha sẽ tin lòng con. Vả lại trái này có độc, nếu con ăn nó vào thì con sẽ chết”.

Ông và bà không tin, bà xúi ông ăn vào. Thế thì ông làm liều rồi! Vừa đó, cái kết quả và cái trừng trị nó ứng lên mà bắt người tội nhân. Cái khổ nó bắt từ đấy mà nảy sanh ra vậy. Ngày nay cái khổ đã thành luật rồi, ta phải cam chịu cái luật ấy. Vậy thì ta hãy tuân theo đạo Trời, hầu mong tránh khỏi những điều đau khổ. Ta sở dĩ mang tai họa là vì ta phạm tội không xử tròn bổn phận làm người.

Đạo Lão và đạo Phật cũng có chỉ rõ cội nguồn của các điều tai họa mà dạy người xa lánh. Lão Tử khuyên người không nên trái với lẽ tự nhiên. Phải lấy nhân ái, giản dị và khiêm nhượng mà đối đãi với anh em trong xã hội đặng không tranh giành nhau, không ghét lẫn nhau, không tranh chấp mà cũng không tham lam. Kết quả là được sung sướng, an nhàn. Liệt Tử, một hiền nhân trong đạo Lão nói rằng: “Ta sở dĩ không được vui, là vì ta vướng bốn cái lo, bốn điều muốn: muốn thọ, muốn danh, muốn tước, muốn giàu. Danh lợi mà chi, phú quí mà chi, đã sanh ra cạnh tranh, oán thù, tự cao, tự đắc, ỷ quyền, ỷ thế, rồi khi chết cũng thành một đống xương tàn vậy thôi?”.

Phật pháp dạy rằng: Cuộc đời là sông mê bể khổ, sanh là khổ, đau bệnh là khổ, già là khổ, chết là khổ, mà gần với người mình không ưa hay là xa cách người yêu thương cũng là khổ. Cái nguyên thủy của sự khổ là do nơi đâu? Chính là do bởi cái tánh khao khát và ham muốn không bao giờ cho vừa. Muốn tiêu trừ các điều khổ ấy, tức phải giữ cho trong sạch, thanh tịnh về thân, miệng, ý. Phải hành đạo Bát Chánh là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Nếu ta dằn cái lòng tham của ta, ta sẽ được tánh tình an lạc, ta sẽ gặp cảnh ngộ cao thượng luôn luôn. Chừng ấy, ta không còn sầu não chi nữa, không còn thầm trách chi mữa, ta sẽ được thỏa thích một cách thâm trầm, thanh thú. Trong đạo Phật có lý nghiệp quả, nghiệp báo, rất phù hợp với luật tự nhiên trong vũ trụ. Mọi hành vi ở đời của ta, hoặc bằng thân, hoặc bằng miệng, hoặc bằng ý, đều tạo ra nghiệp hết. Luật nghiệp quả, đối với sự hành động của ta rất mật thiết, cũng như cái bóng đeo theo hình, hình ngay thì bóng thẳng, hình cong thì bóng vạy. Như ta ở đời làm việc quấy, việc ác thì tạo ra nghiệp xấu, tức là ta tạo nên tội lỗi, sự đau khổ về sau. Trái lại, nếu ta ăn ở thanh tịnh, thơm lành, từ ái thì ta tạo ra nghiệp tốt, ta không phải bị cái khổ hành hạ, mà ta sẽ được sự phúc hậu đền đáp, tiếp rước, tôn trọng ta. Cho nên kẻ hiền từ, ái mẫn thường được bình yên, vô sự; mà người ác nghịch, xấc xược thường bị nguy hại, khổ thân. Song trên thế giới, người lành thì ít, kẻ dữ lại nhiều, nên sự êm đềm, thuần hậu thì ta ít thấy, mà việc khổ não, tàn khốc thì ta thấy trước mắt bên mình trong mỗi giờ mỗi phút.

Từ khi cái khổ phát hiện ra, từ đời vô thỉ, cả trên mặt đất đâu đâu cũng đều rền rĩ khóc than; dân tộc ta, nước nhà ta cũng thế. Đã trải qua bao lần dâu bể rồi mà giọt nước mắt khổ hãy còn đầm đìa chan chứa, giọng não nùng ai oán hãy còn trách Trẻ tạo chưa thôi. Ôi! cái khổ với sự sống, cái họa với cuộc đời, thật rất thân mật nhau và liên hợp nhau lắm.

Đã cho rằng họa chẳng phải tại Trời, mà chính là bởi người đời gây nên, chính là cái kết quả đau đớn của tội lỗi và hình phép trừng trị, để đổi thay tâm trí người, nên tai họa là một món thuốc để trị bịnh cho tâm tánh, tinh thần. Khi ta ở ăn không vệ sinh, đứng đi không cẩn thận, làm việc quá sức, quá thì giờ thì ta thường vướng bịnh, hoặc ngoại cảm, hoặc nội thương. Ta liền rước lương y mà cho thuốc ra toa đặng trị thân thể ta, hoặc trong, hoặc ngoài. Còn khi ta lêu lỏng, chơi bời, gian tham, quỷ quyệt, đi phá hại người mà dục lợi cho mình, thấp thì dùng lối thấp, cao thì hại thế cao, chừng ấy ông thần lương tâm phải le lưỡi lắc đầu mà chạy mặt, không còn phương pháp đặng giảm trừ. Tức nhiên ông lương y tai họa phải bươn bả bước vào mà đưa thuốc men cho. Nếu căn bịnh về tánh tình ấy mà thuyên giảm thì thầy tai họa chậm rãi ra đi. Còn bịnh không dứt, cứ nặng nề mãi thì sẽ có phương pháp trầm trọng mãi cho đến khi bịnh nhân chết; bấy giờ ông lương y về tinh thần ấy có lẽ cũng chưa chịu thôi đâu! Vậy thì sự khổ chẳng phải là không có ích cho ta.

Ta có nếm đến mùi khổ, ra mới biết nó bổ ích. Nó tỏa cái ánh sáng vào lương tâm u ám của ta. Trong gia đình cho tới ngoài xã hội, đâu đâu thiên hạ cũng đều xao xác, bồn chồn, ganh ghét nhau, hại lẫn nhau, không mấy ai còn biết điều gì là cao thượng, liêm sỉ!

Ôi! Đời người là giả, tạm; chẳng khác luồng khói, vầng mây, mới ngó thấy đã thoáng qua! Mà người ta cứ ham mê mãi, tranh giành mãi, lấy chức làm vinh, lấy giàu làm sướng, lấy thọ làm mừng. Rồi họ gây ra mãi nào là tự cao tự đại, nào là thất vọng oán đời, nào là đánh giết lung tung, cướp phá tưng bừng!

Cuộc đời là chỗ tạm; danh dự lợi quyền, giàu sang phú quý đều là của tạm, là phù vân, chỉ để gạt gẫm, hại phá người mà thôi. Ông thần khổ làm cho người hồi tâm mà không còn ham mê mấy điều tạm nơi sông mê bể khổ. Vì ham mê mấy cái danh, phú, tước thọ kia, con người sa đắm với đời, cho nó là chỗ vui sướng, nào có tưởng nó là giả đặng chán đi. Họ nào có nghĩ cho là bể khổ bến mê cần phải thoát ra. Họ cứ chìm đắm nơi đó một cách gớm ghê, dữ dội. Rồi ra, loài người mới định trí tỉnh hồn mà trông lên các điều cao thật sau khi bị các nạn khổ hành hạ! Ban đầu là một cái ham mộ bất thành, một mối vọng tưởng tiêu tan, một bàn tay buông xuôi, một tấm lòng lạnh lẽo, hững hờ, một cái gia thế suy đồi. Như vậy, họ còn chưa hiểu thì cái khổ nó phạt thêm. Nó ẵm một đứa bé trong nôi, nó đào một cái huyệt bên nhà. Rồi lần lần, nó giũ sổ từng người một trong gia đình. Sau, nó lại quét sạch cả tông môn. Đến chừng ấy, con người đã vướng lắm tai họa, hết phương thế vẫy vùng. Bể trần tràn ngập quá lắm, họ mới chịu ngước đầu mà trông lên, mà ước nguyện những cái hứng thú thanh cao, những cái vui sướng thâm trầm. Bấy giờ ngó trở xuống, họ sợ hoảng cả người.

Những bã danh lợi kia, ngày xưa đeo đuổi trong mấy mươi năm. Những điều ham muốn sai mục đích kia, ngày xưa vọng tưởng mong cầu. Những cuộc vui nhỏ nhặt kia, ngày xưa cho là phước lộc cao sang. Những của tạm gởi kia, nay tất cả đều phơi cái mặt nạ ra thấy mà buồn cười!

Ấy vậy sự đau khổ vừa hành phạt ta, nó lại vừa làm cho sáng rỡ tinh thần, tánh trí của ta nữa. Sự khổ nó lại làm giảm bớt cái khí tự cao tự trọng của ta đi. Người đời hễ gặp được cảnh ngộ may mà hưng thịnh một vài phen thì thường cho mình là tài ba lỗi lạc, nên dọc ngang, tàn bạo, chẳng biết trên đầu có ai. Liền đó cái họa, cái khổ nó đến ngay, mà trừng trị một cách xứng đáng. Rồi ra, cái tâm tánh kia cứng cỏi bao nhiêu lại mềm mỏng bấy nhiêu. Cái lòng dạ kia mới hôm rồi hãy còn tự tôn tự đại, bây giờ lại quì lạy mà cầu xin. Cái người dọc ngang kia hôm qua đâu có nhớ đến Luật tạo hóa, nay lại cho rằng khắp cả vũ trụ đâu đâu cũng nhờ Trời Phật giữ gìn, chở che. Nên họ kêu cầu rằng: “Trời ôi! Nỡ hại tôi sao? Xưa kia tôi dại mà lỗi lầm, bây giờ tôi đã hối hận rồi, tôi nguyện không dám ác tâm nữa. Vì biết lưới Trời bủa khắp bốn phương, không ai thoát khỏi...”

Như thế, sự khổ giảm được tánh tự cao, làm cho sáng rỡ tâm trí, làm cho con người trở nên nhu nhuận, trong sạch, thanh bai.

Người đời thường có lòng ích kỷ, chỉ biết thương thân, chớ không biết thương người. Lòng khao khát không bao giờ đầy, càng được thì lại càng tham. Lắm lúc vì chút lòng tham mà họ đành gây nên nhiều cái thảm trạng gớm ghê. Nhưng nào họ có suy xét, miễn thỏa dạ thì họ vui sướng lắm rồi.

Nhất là về bên dục tình thì cái lòng tham nó phát hiện ra một cách mạnh mẽ khôn ngần: thân mạng chỉ còn xác thịt chớ không có một điểm tinh thần, tánh tình tốt đẹp đã lu mờ đi rồi, lương tâm đã u ám, không còn biết phân biệt điều chánh đáng với sự ác tà. Nghị lực mềm yếu không còn sức để chống ngăn. Tất cả tâm thần đều bị cái xác thịt kia làm chủ, nó lấn lướt, phá hủy, đập nát hết. Người như thế làm khổ nhục cho gia đình, làm tổn giọt nước mắt của cha mẹ, vợ con, lại làm não đến lòng Trời, trái Luật tự nhiên, tạo đầy nghiệp ác. Cái họa nó phải ra tay, lấy một cái đầu óc mới mà thay vào. Lần hồi như vậy, ngày kia kẻ tội nhân sẽ ghê sợ mà chán đi, không còn theo đuổi phần dục về xác, mà biết hướng theo đạo đức nhân từ. Thế thì sự đau khổ nó gội sạch đầu óc và tánh tình ta đó.

Chẳng những nó làm sáng rỡ tâm trí kẻ tội nhân, nó lại còn sửa đổi cho thành tâm trí mới mẽ, vẻ vang; nó trao lại những tánh chất quí hóa đã mất tự bao giờ. Những công cuộc như thế chẳng phải trong một hai ngày mà xong. Cần phải có sự đau khổ nó tái lại năm phen bảy bận mới mong hoàn toàn được. Cái khổ tựa hồ như nhựa trong cây, làm cho lá tươi bông đẹp. Cái khổ nó phát hiện xuống trong một cái tâm trí thì thấy sự ngay thật lộ ra mà theo đường đạo đức.

“Anh ơi! Trước khi khổ, anh đã làm được điều gì thích đáng chưa? Lúc bấy giờ, trên đời, anh có biết ai khác hơn anh chăng? Anh chỉ thương lấy anh thôi. Trước khi khổ, anh có lau chùi một giọt nước mắt nào chưa, trợ giúp một cảnh khốn khó nào chưa? Anh có để ý rằng chung quanh anh là kẻ bần cùng bữa no bữa đói, kẻ tật nguyền, kẻ thất nghiệp chăng? Mấy điều đó chắc hẳn rằng anh chưa được biết, là vì anh chưa hề than khóc, chưa hề bị hành hạ vậy. Về sau, cái khổ nó xúc động đến lòng anh mà làm cho anh lấy giọt thương tâm mà rưới trên những cảnh ngộ nguy cấp quanh mình. Anh chỉ chia buồn không thì chưa đủ, anh hãy làm điều phải cho người.”

Sự khổ bố ích cho ta nhiều. Nó khôi phục cho ta những tánh tình tốt đẹp khi xưa, nó lại còn nâng cao ta lên. Nhờ nó, ta ăn ở giản dị, nhân từ.

Mặt đất có phải là nơi vui sướng của ta chăng? Có phải là nơi có lắm cảnh để được thỏa thích chăng? Không, toàn cả trên mặt đất đều là một cái bể thẳm mà thôi. Tiếng khóc, tiếng than, tiếng sầu, tiếng tủi đều rên rĩ cả ngày. Ôi! Cõi trần là cõi khổ, người trần phải chia một phần khổ với nhau. Khổ cho đến nhìn lên bóng trăng cũng có vẻ âu sầu như chứa chan những giọt não nùng!

Nhưng ai dám chắc rằng cái khổ lại chẳng có lắm phương pháp rất hay, để khuyên nhủ tâm hồn? Mùi trần làm cho tinh thần phải tối tăm, u ám; đau khổ giải thoát cho ta, làm cho ta trông thấy thêm sáng suốt, cao rộng. Tánh tự tôn tự trọng nâng ta lên sai lẽ tự nhiên; sự đau khổ để cái ô nhục vào mà làm cho ta trở lại địa vị cũ, chính là dứt đường lầm lạc của ta vậy. Cái tánh thích vui quá độ nó xô ta vào những thảm trạng rất nguy, nào tiền tài, nào danh giá đều trôi theo cuộc vui đầy tháng, trận cười thâu đêm; sự đau khổ lại làm cho ta trong sạch như xưa, tuồng như nó lấy một cái tâm tánh mới mà thay vào cho ta. Những tội lỗi của ta đối với xã hội và gia đình làm cho ta mất cái bổn phận, cái phẩm cách con người; cái đau khổ liền đến đặng dạy cho ta biết lấy nhân đạo, bác ái mà ở đời...

Nhưng ở khắp nơi đều vang tiếng than phiền rằng sao người hiền lại vướng họa, còn kẻ dữ hay được an vui. Người hiền cũng gặp khổ, kẻ dữ cũng mang tai, chẳng phải do bởi sự dữ, hiền hiện thời. Kẻ dữ với người hiền cũng đều là người, hễ đồng làm người thì tức nhiên phải chịu khổ. Cái khổ có duyên cớ từ những đời đã qua. Chính xưa kia mình đã gieo sự tội lỗi nên nay phải trả quả khổ. Dẫu cho cái nghiệp riêng mình chẳng có, chớ cũng tránh đâu khỏi cái nghiệp chung của chúng sanh. Những nỗi sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ là những nỗi khổ chung; hiền, dữ cũng đều phải chịu.

Lại nữa, cái khổ trên đời có khác chi những viên đạn bay chỗ chiến trường, trúng ai nấy chịu. Đối với loài người, cái khổ cũng thế, nó cũng như viên đạn bắn ra, thường hại những chiến sĩ đi đầu. Những chiến sĩ đi đầu chính là những kẻ ác. Cái họa phải trừng trị chúng nó một cách gớm ghê, nặng nề mới được.

Sự đau khổ vướng cho những người hiền chẳng phải là vô ích đâu. Vì ta đã biết rằng nó khuyên dạy người. Đã sanh ra ở cõi trần, mấy ai thật hiền lành cho toàn vẹn? Đành rằng hiện thời họ hiền, song trước kia họ chưa hiền, bấy giờ họ từng có lúc làm ác, nên nay cái quả ấy đến, nó gây vạ cho họ, chạy đâu cho khỏi? Lại có khi sự làm của họ là hiền, mà tâm ý của họ thì chưa lành, chưa sạch, nên họ phải chịu chút ít sự rầu buồn, áo não để đền bù. Và cho họ có dịp mà bồi đắp tâm trí của họ, nâng cao tư tưởng của họ. Lại tưởng rằng họ cũng nên chia sớt sự khổ với chúng sanh, với đời.

Lắm bậc từ bi đại độ, ra thân gánh lấy sự thảm khổ của chúng sanh, vì lòng thương tràn trề! Lắm vị coi thân mình là thân của chúng sanh, mạng mình là mạng của chúng sanh, đời mình là đời của chúng sanh, bèn ra làm việc cho chúng sanh. Bấy giờ tai, mắt, mình mẩy của các ngài đều là của chúng sanh, các ngài dốc lòng tế độ cho chúng sanh, nhọc nhằn vì chúng sanh, cam bề khổ cực vì chúng sanh, không bao giờ để ý đến bản thân mình, sống vì mình.

Như vậy chẳng phải là cao thượng sao? Cái khổ của người mà mình vui lòng nhận lấy, bèn hóa ra cái sướng, nó trở nên thâm trầm, vi diệu lắm. Chớ cái sướng của người mà mình giành, mình giựt, hay cái khổ của mình mà đem gán cho người, thì cái sướng đó trở nên khổ, mà cái khổ đó lại tăng thêm.

Ai ơi, hãy sống vì đời, hãy giúp chúng sanh, hãy nhận lấy cái khổ của người.

Trong vũ trụ mà có nhiều bậc giữ cái cử chỉ ấy thì đích đáng biết bao! Xã hội, cảnh đời sẽ không còn là chốn “sông mê bể khổ” nữa.

B. Tiểu thuyết tôn giáo

 

KIẾP ĐOẠN TRƯỜNG


Sương sa mù mịt, gió thổi hắt hiu, vùng trời phẳng lặng. Ngồi trông ra, thấy cảnh êm đềm, khó giải lấp cơn buồn. Tôi bèn mặc áo, trùm đầu, mang hia, xách gậy, bước ra ngoài đi dạo cho qua cái thì giờ lạnh lẽo lúc tàn canh. Cảnh lặng như tờ. Trông lên những cụm sương đang bao phủ mấy đỉnh núi, dường như một bức tranh vẽ mà họa sĩ đã bôi xóa bằng cọ. Trong khi một mình thơ thẩn, tôi bỗng nghe tiếng gì nho nhỏ gần đó. Lắng rõ ra là tiếng đàn bà. Thật vậy, nếu như nhằm lúc cảnh trong trời sáng, tôi nào có để tâm đến. Nhưng đang cơn gió lạnh cảnh buồn, giọt sương trắng xóa mênh mông, tiếng ấy lọt vào tai tựa hồ như tiếng rền rĩ khóc than của một bầu trời đau khổ. Tôi lần đến, thấy dạng một cô gái đang ngồi trên một hòn đá bên đường. Tóc dã dượi phất phơ trên gương mặt rầu rầu vì bị nắng táp mưa sa cho nên ra màu sạm nắng. Và cái tiếng từ từ trong tâm trí điên khổ của cô mà lộ ra ngoài đầu môi thê thảm, làm cho hiểu rằng cô đã quá để lòng mong mỏi, và nay đã thất vọng rồi. Nên cô muốn thở than trong lúc thanh tĩnh êm đềm, trước cảnh thiên nhiên, hầu cho nguôi được tấc dạ não nề của kẻ khổ tâm.

Tôi bèn hỏi thăm rằng: “Cô là ai? Vì sao lại tủi phận một mình trên khoảng đường vắng tanh, trong lúc mọi người hãy còn an giấc nơi nệm ấm chăn êm?...”

Cô ngước cặp mắt dã dượi lên nhìn tôi rồi ngó xuống, không trả lời. Tôi thấy vậy, lại hỏi luôn rằng: “Chẳng hay cô thấy tôi đến thình lình mà nghi ngờ, sợ sệt chăng?”

Cô nghe tôi nói, thốt rằng: “Thưa ông! Đã lâu lắm rồi, tôi không còn biết sợ là gì. Tôi cũng không còn biết nghi ngờ, e lệ chi nữa. Thưa ông! Tôi nhắc đến thì tôi lại chạnh nhớ cái tiểu sử lúc xuân xanh của tôi nó đau đớn vô cùng. Cái khổ là cái chi chi mà mọi người đều mang lấy? Đã sanh ra làm phận đào thơ liễu yếu. Sao lại còn gặp những bước đường trắc trở, những buổi phải lăn lóc trong cuộc đoạn trường? Ôi! Nào xưa kia đầm ấm, vui vầy nơi chốn tường cao cổng kín, mà ngày nay lại một mình thui thủi, chẳng khác hoa trôi bèo dạt?...”

Tôi bèn hỏi rằng:

“Cô có cần dùng điều chi mà tôi giúp được, tôi sẵn lòng ngay, xin cô đừng ngại.”

Cô nghe nói, chăm chăm nhìn tôi, lộ ra cái sắc đẹp, cái cảm tình đằm thắm vô cùng. Cô ra vẻ niềm nở đáp rằng:

“Thưa không! Tôi cám ơn ông, tôi chỉ than phiền mà thôi. Vì tôi đây là công chúa con ông hoàng Sô-lam ở xứ Ba-tra-ông thuộc cõi Ấn Độ...”

Trời ơi! Cô ấy là con của một ông hoàng. Thế mà thân cô phải lưu lạc như kẻ khốn cùng, lang thang lướt thướt, nay đầu đường, mai góc chợ như vậy sao?

Tôi bèn vòng tay xá, mà rằng: “Tôi cam lỗi muôn phần, xin nhờ lượng trên tha thứ!”

Công Chúa lấy làm đẹp dạ, đưa tay ra ngoắt bảo tôi ngồi trên tảng đá một bên cô: “Thưa ông! Xin ông nghỉ chân nơi đây mà đàm đạo với tôi. Ông đã đoái đến tôi thì tôi lấy làm hân hạnh mà tỏ bày tâm sự cùng ông...”

Tôi trông cô có vẻ trang nghiêm, tưởng mình không xứng ngồi một bên, trên cái tảng đá ướt át rong rêu kia, khi nãy thật tôi không muốn để ý, bây giờ coi nó quí hóa như ngai vàng của một vị thiên tử. Tôi hãy còn do dự mà chưa dám ngồi. Tôi chậm rãi hỏi rằng:

“Dám thưa công nương! Ai làm cho công nương lại nên nông nỗi này! Tôi thật buồn vì thấy công nương chẳng được an nghỉ nơi màn loan trướng phụng, lại phải chịu đói rét giữa màn trời chiếu đất như thế này.”

Hoa Lang – tên Công chúa – để tay lên trán, ra tuồng suy nghĩ. Đoạn cô nhỏ nhẹ đáp rằng:

“Ông ơi! Ai làm cho thân tôi phải ra nông nỗi này, tôi khó mà đáp cho xuôi câu ấy. Ông hỏi thế tuồng như ông muốn bảo tôi chỉ rằng ai làm cho sa mù bao khuất cái núi trước ta đây vậy! Những điều tai họa của tôi, tôi xin thú rằng tôi không hiểu nguyên nhân tại đâu mà ra!”

Tôi vừa nghe qua, muốn phân giải một đôi câu, nhưng nghĩ chẳng nhằm lúc lấy triết lý ra mà luận biện, nên đành nói xuôi cho hợp ý cô.

“Công nương phân như thế là phải lắm. Việc họa phước thật quá mênh mông. Ta là người đời thấp thỏi, yếu hèn, trông gì dò cho cùng cho tận những lối cao xa, bí thiết.”

Hoa Lang mỉm cười mà rằng:

“Quyển tiểu thuyết về cái kiếp đoạn trường của tôi ngày nay nó vừa mới dứt. Như ông muốn nghe, tôi sẵn lòng lược thuật, may ra cũng giải bớt nỗi sầu.”

Tôi vội vã thưa rằng:

“Tôi được nghe lời công nương, tưởng không có chi hữu hạnh bằng. Xin công nương thuật đi, tôi xin ngồi mà hầu...”

Hoa Lang suy nghĩ giây lát, đoạn cô thuật cái lịch sử của cô, giọng thanh như ngọn gió êm lơ thơ lẩn thẩn trên một cánh đồng lúc lúa chín phất phơ những lượn sóng vàng.

“Tôi là dòng nhà vua ở thành Đề-ly, đã đúng tuần cập kê mà chưa người đem dâng lễ sính. Muốn có một ông chồng danh cao giá trọng như mình, chẳng phải là một chuyện dễ dàng. Có ông hoàng xứ Lữ-nu muốn xin ra mắt, và ngấm nghé vào. Phụ vương tôi hãy còn dụ dự thì gặp lúc giặc loạn nổi lung tung, làm cho dân Ấn Độ thảy đều lầm than...”.

Tôi vừa nghe, vừa ngó cô Hoa Lang. Tiếng cô thật êm ái, làm cho tôi trông cô mà tâm trí dường như phảng phất ra xa, nào là nhớ đến nỗi nọ niềm kia, nào là tưởng tượng những đền đài bên Mông Cổ cao mấy mươi từng, những ngựa giỏi đang nhảy nhót giữa chiến trường một cách oai nghiêm lẫm liệt, những viên quan văn võ đang tung hô dưới bệ vàng, những áo bằng gấm nhiễu phất phơ lòe loẹt nơi đô hội thị thành, tuồng như tranh nhau mà phơi những màu đẹp, trắng, hướng dưới gương trong mắt sáng của muôn người.

Hoa Lang tiếp chuyện rằng:

“Thành của chúng tôi ở gần mé sông Châu-mục-nã giao cho một tướng Bà-la-môn tên Kiều-hoa-liên canh giữ đặng ngăn ngừa những cơn bối rối lúc ban đêm...”.

Cô Hoa Lang nhắc đến tên Kiều-hoa-liên thì gương mặt lộ vẻ ưu sầu. Cô phải ngưng giây phút đặng gượng làm tỉnh táo. Tôi chăm chỉ ngó cô, sút tay làm cho cây gậy rớt nằm trên đất.

“Chàng Kiều-hoa-liên ơi! Chàng Kiều-hoa-liên ơi! Người bên phái Bà-la-môn! Chàng giữ đạo một cách sốt sắng, hẳn hòi. Trời vừa rạng đông, tôi ra trông nơi cửa sổ đã thấy chàng dưới bãi sông Châu-mục-nã mà tư tưởng, mình cởi trần dưới trời lạnh lẽo, còn mắt thì ngó sững vầng thái dương sắp từ từ lộ ra, đặng tỏa thêm cái sáng cho những người có tín ngưỡng cao xa, thành thật. Chàng thường hay ngồi trên một tảng đá dưới mé sông. Quần áo thấm ướt đẫm mà nào chàng có nghĩ đến, cứ lầm thầm khấn vái và niệm kinh cho đến khi trở gót quay về. Bấy giờ chàng lại ngâm một vài bài kệ ca tụng đạo chàng.

“Còn tôi là người theo đạo Hồi, nhưng tôi chưa có dịp nghiên cứu, tôi cũng không biết niệm kinh và cầu khẩn chi cả. Hồi ấy, người có tín ngưỡng đạo Hồi phần đông toàn là những kẻ lêu lỏng chơi bời, nay trà đình, mai tửu điếm. Đền thờ lập ra cho lấy có. Họ mải miết vui say với hầu non gái đẹp, không còn biết tôn giáo là chi nữa. Nhưng dù vậy, tôi hằng vọng tưởng đến những sự hiển hiện linh thiêng. Nhất là khi tôi trông thấy chàng Kiều-hoa-liên chào mặt trời sắp mọc, và bắt từ trên mà lần xuống đến dòng sông Châu-mục-nã, thì dường như cả lòng dạ tôi đều thơ thái, nở nang mà ôm ấp sự tín ngưỡng vào.

“Tôi có một con hầu. Mỗi khi gà gáy tàn canh, nó đi ra mé sông Châu-mục-nã, theo chàng Kiều-hoa-liên mà hứng lấy bụi cát dấy lên trong khi chàng dời gót. Tôi trông ra thấy cảnh tượng ấy thì lấy làm vui vẻ. Nhưng vừa vui lại vừa thấy một cái buồn nó nảy ra, buồn vì chẳng được như con hầu ấy mà gần chàng một vài chút thì giờ, dẫu cho ngắn ngủi đi nữa, tôi cũng đẹp lòng.

“Mỗi khi đến ngày lễ, con hầu cúng dường cho mấy thầy Bà-la-môn một cách trọng hậu. Tôi thường cho nó tiền đặng cung cấp mấy sư Bà-la-môn. Và một hôm, tôi bảo nó đi thỉnh Kiều-hoa-liên mà dự yến tiệc của nó bày. Nó nhìn tôi ra vẻ không bằng lòng và đáp rằng: “Thưa công nương, chàng Kiều-hoa-liên chẳng hề thọ lãnh vật gì của ai hết”.

“Tôi thấy không thể tỏ lòng mộ đạo của tôi cùng chàng, tôi đã không phép giáp mặt với chàng, mà cũng không phép nhắn nhủ với con hầu, cho nên buộc phải lặng thinh mà chịu. Tôi nhớ lại ông tôi có kết duyên với một người đàn bà bên phái Bà-la-môn. Nên tôi lấy làm hân hạnh mà nghĩ rằng tôi cũng chung máu mủ với dòng Bà-la-môn. Tôi thường cho rằng Kiều-hoa-liên và tôi không xa lạ chi mấy. Từ đây tôi ham mộ nghe con đòi thuật lại những chuyện cổ tích và truyền kỳ về thánh thần một cách rõ rệt, êm đềm của phái Bà-la-môn. Tôi càng nghe thì càng thích, càng thích lại càng ham mến cái nền văn minh của người Bà-la-môn. Nào là tượng thần tiên, nào là tiếng chuông mõ trong chùa, nào là nhang đèn nghi ngút, nào là mùi hoa pha với mùi trầm bay lên ngào ngạt, nào là cách nhân từ trong sạch của những thầy tu, nào là những bức ảnh vẽ hình những vị thần tiên giáng thế, cả thảy đều chất chứa trong trí tưởng của tôi, làm cho tôi nghĩ ra một cái thế giới viễn vọng, mênh mông, đầy tinh thần văn minh của Ấn Độ tức là của đạo Bà-la-môn.

“Tâm trí tôi nghĩ ra như thế, tựa hồ như tôi là một con chim đương bay vẩn vơ phòng này qua phòng kia, trong một cái đền cổ to tát, tối tăm.

“Lúc bấy giờ, giặc loạn dấy lên dữ dội. Tôi và con hầu ở trong thành Ba-tra-ông, thật ưu sầu. Phái Bà-la-môn đối nghịch với đạo Hồi. Hai bên quyết tranh nhau đặng làm chúa cả nước Ấn Độ. Phụ vương tôi tức là ông hoàng Sô-lam, là một người khôn ngoan bặt thiệp, đã từng xung đột chống quân Anh. Ông lại tự nghĩ rằng: ‘Giống da trắng này, họ làm được nhiều việc lạ thường. Có lẽ ở Ấn Độ, không một dân tộc nào đối địch lại họ. Vậy thì ta không nên làm liều mà mất thành Ba-tra-ông. Ta quyết không giao chiến với quân Anh đâu.’ Cha tôi tính như thế, chúng tôi đều không vui. Vì trong thành, từ những bậc trai tráng, cho chí những kẻ da mồi tóc bạc đều xao động không một ai muốn dàn hòa với quân Anh.

“Kiều-hoa-liên vẫn là người theo đạo Bà-la-môn, thế là người nghịch với cha tôi, mà giữ cả binh quyền trong thành. Một hôm chàng đến trước cha tôi, khẳng khái nói rằng: ‘Ông Sô-lam! Nếu ông không quy hàng theo chúng tôi, tôi định sẽ chiếm thành này mà ngăn chống với quân nghịch và không dung ông đâu.’

“Cha tôi nghe vậy không để lòng lo, vì ông sắp giao hòa và tác hợp với quân Anh, đặng đánh bọn Bà-la-môn. Nên khi Kiều-hoa-liên xin phát lương tiền cho quân lính thì cha tôi cũng chuẩn cho, nhưng trao ra một số nhỏ nhặt lắm. Tôi thấy tình trạng của quân lính thì động lòng. Tôi bèn cởi đồ nữ trang của tôi từ chân chí cổ mà giao cho con hầu, bảo nó đưa qua cho chàng Kiều-hoa-liên. Khi hay rằng chàng đã lãnh lấy thì chân tay đầu cổ tôi không còn một hột ngọc, một chút vàng, nhưng mà nhẹ nhàng khoan khoái hơn xưa nhiều. Chàng Kiều-hoa-liên cũng sắp ra tay, bèn chùi súng cũ, tuốt gươm xưa đặng có xông vào trường huyết chiến.

“Một buổi chiều, thình lình có một viên Thống chế vào thành Ba-tra-ông với một đội binh Châu Âu sắc phục đỏ hồng chói rỡ. Mới hay rằng cha tôi mật thơ cho quan Thống chế bảo trừ Kiều-hoa-liên, vì chàng muốn dấy lên mà hạ thủ mình. Tựa hồ như tim phổi tôi đã rã ra từ miếng, tôi đã mang nhục lắm rồi, tôi đã khổ lắm rồi, cho đến đỗi tôi không có một giọt lụy lưng tròng.

“Tôi liền lấy y phục của anh tôi, mặc vào mà giả trai, đoạn lén bước ra khỏi thành. Khi nãy đây quân reo inh ỏi, trống đánh tưng bừng, khói bay mịt trời, súng vang dậy đất. Bây giờ vùng trời trở nên phẳng lặng, tựa hồ như cái chết bay phớt trên vũ trụ, trông ra ghê gơm bắt rùng mình. Bóng tà dương chói đỏ trên sông Châu-mục-nã tuồng như kẻ lâm chung nằm trên vũng máu. Bên trời, vừng trăng bạc lộ ra, tỏa cái sáng trong của nó trên khoảng đồng rộng mà mới rồi đây trận chiến kịch liệt đã xảy ra. Bây giờ đây, những kẻ nằm chồng chất với kẻ hấp hối đang mơ màng về nỗi vợ tình con, chạnh bấy cho những kẻ dựa cột bên màn! Tôi trải qua những khúc đường thảm thiết đau thương như vậy là can đảm lắm rồi. Nghĩ cho thân gái một mình trong đêm vắng, thấy muôn vạn kẻ tử trận bên mình, thấy cái chết bay bên tai trước mắt, mà chẳng chút rụt rè, e sợ, thì lạ lắm nào! Tôi thật không còn biết sợ là gì, như đã thành ra một kẻ mất hồn. Ngoài ra cái hy vọng tìm cho được chàng Kiều-hoa-liên, tôi chẳng biết ước ao điều chi khác nữa. Mãi đến gần nửa đêm, tôi mới được gặp Kiều-hoa-liên. Mà gặp chàng nơi đâu?

“Chính tôi gặp chàng nằm mê man bất tỉnh dưới cội một cây xoài, gần sông Châu-mục-nã. Ôi! Cái tình thương tưởng của tôi đã lâu rồi, nảy ra bao nhiêu thì lại dằn giấu bấy nhiêu mà để qua một bên lòng, nay nó bùng vỡ cả ra. Tôi không thể chứa chất nó hoài trong lòng. Tôi không thể làm chủ nó nữa. Cho nên nó bắt tôi phải nhào lăn trên chân Kiều-hoa-liên, giũ cả tóc tôi ra mà chùi bụi trên chân chàng, và ôm lấy chân chàng mà hôn. Lúc bấy giờ, giọt lụy tôi cố không cho tràn mà cũng tràn ra và nhỏ xuống chân chàng. Kiều-hoa-liên bèn cựa mình. Một tiếng than nho nhỏ thoảng qua đôi môi tái ngắt của chàng. Cặp mắt còn nhắm khít, chàng mở miệng muốn xin một hớp nước mà uống. Tôi liền đứng dậy, lần xuống sông Châu-mục-nã, lấy một vạt áo nhúng dưới nước và trở lên để trên môi chàng. Kế tôi xé một chéo áo mà đắp lên mắt bên tả của chàng, vì nơi ấy bị một lưỡi gươm đâm. Đoạn thấy nơi đầu chàng bị một vết sâu, tôi bèn đắp lại kỹ và rưới nước trên mặt chàng. Lần lần, chàng tỉnh lại. Tôi hỏi chàng có muốn điều chi nữa chăng, chàng nhìn tôi và hỏi tôi là ai. Không dè dặt, tôi đáp rằng: “Thưa chàng! Em là con của ông hoàng Sô-lam!”

Tôi trả lời như thế là mong rằng chàng đoái đến chút tình, chớ có dè đâu vừa nghe qua thì chàng vùng la lên rằng: ‘Trời ơi! Mi tệ lắm nào, mi ác lắm nào! Ta đã đến giờ lâm chung mà mi lại đành làm cho ô uế, nhơ nhớp cả một đời của ta nữa.’ Chàng nói thế rồi đánh vào gò má bên tả của tôi một cái rất mạnh làm cho tôi tối tăm mặt mày.

“Ông ơi! Lúc ấy tuổi tôi vừa mới hai tám, và là lần thứ nhất mà tôi ra khỏi hoàng thành. Chân chưa hề dời xa một khoảng đường không xe, không kiệu. Mắt chưa hề trông thấy những thảm trạng trên đường trường. Tôi lại đành bỏ cha xa mẹ, dứt đi một mình một bóng, chẳng quản muôn dặm nhọc nhằn; mà chừng gặp rồi lại được tiếp rước như vậy. Thế thì Trời xét thương cái lòng từ thiện, khoan hồng của tôi như vậy đó!”

Tôi mải nghe cô Hoa Lang thuật cái tiểu sử của cô, tuồng như tôi đương mơ màng trong giấc mộng. Cho đến đỗi điếu thuốc trên tay tôi cháy tàn mà tôi hãy còn chưa hay. Vì sao tôi lại mộ nghe đến thế? Hoặc là giọng nói thanh như tiếng đàn? Hoặc vì cái tiểu sử khổ não kia nó làm cho tâm trí tôi lấy làm thích thú? Thật khó mà đoán cho ra vậy. Lúc ấy, tôi chỉ ngồi lặng thinh mà nghe. Khi cô thuật đến đây, tôi ngất cả người và thốt lên lời trách chàng Kiều-hoa-liên rằng: “Khốn nạn lắm thay! Lòng người đâu mà bạc tình đến thế?”

Cô Hoa Lang bèn chậm rãi trách tôi một cách nhỏ nhẹ rằng: “Ông quá lời đó.”

Tôi vội trở lời mà rằng: “Ấy cũng là cao thượng lắm vậy”. Nhưng cô liền bỏ đi mà rằng: “Ông cho thế là cao thượng sao? Nếu quả là cao thượng, thì đâu có từ những điều trân trọng mà lòng nhân này xin hiến cho chàng?”

Nghe vậy rồi, không thể chê mà cũng khó nỗi khen, tôi đành làm thinh để nghe cô tiếp chuyện.

“Ông ơi! Ban đầu tôi thất vọng lắm, tâm trí tôi rối loạn, khổ nhục lắm. Tôi thầm trách rằng: ‘Chàng ơi! Bạc tình chi lắm vậy! Người có của muốn trao ra mà chàng điềm nhiên chẳng tưởng. Một cô gái có tánh đức, cốt cách đoan trang để lòng mong mỏi mà chàng chẳng chút đoái hoài! Chàng tự cao chăng? Chàng coi người đời như tro bụi chăng, nên mới đành không nghĩ chút thân này?’

“Khi Kiều-hoa-liên ngó qua thấy ai là người cửa các phòng khuê mà nay một mình lúc canh khuya đêm vắng lại quì lạy bên chàng, có lẽ chàng cảm xúc chăng? Nhưng nét mặt chàng vẫn tự nhiên, không lộ vẻ cảm động cùng ngạc nhiên chi cả. Chàng nhìn tôi giây lát, kế nhẹ lần ngồi dậy. Tôi đưa tay ra hầu nâng đỡ chàng. Nhưng chàng vẹt ra và rán lần xuống mé sông một cách thiết tha, đau đớn. Nơi ấy có một con thuyền trống, không bạn bè. Chàng bước qua thuyền, ngồi vào trong mà cho trôi theo dòng nước! Ôi! Lúc ấy tôi thẹn biết dường nào! Nghĩ mình như một đóa hoa đương xuân lại lìa cành, đem giao cả cái khối tình, cả cái tuổi thanh xuân, cả những điều ao ước vào Kiều-hoa-liên. Chàng lại đành bước xuống thuyền mà tách theo dòng nước biếc. Năm ba phen, tôi định nhảy xuống sông trầm mình cho rồi. Nhưng có một cái mãnh lực khác thường nó ngăn không cho tôi trầm châu đắm ngọc. Vầng trăng lộ trước chân trời, lằn đen sậm của những cây bên sông Châu-mục-nã, những dinh trại thăm thẳm ở xa, gần một đôi cụm xoài, tất cả tưởng như hiệp nhau mà lộ vẻ ưu sầu, làm cho cái bãi chiến trường trông ra càng thêm ghê gớm. Tôi mải ngó theo con thuyền đương rong ruổi theo những bờ bến lờ mờ, thì có một mối hy vọng mơ hồ nó từ từ nảy ra, khiến cho tôi không nỡ lìa đời, không đành dứt đi trong cảnh tịch mịch dưới bóng trăng thanh.

“Tôi bèn chậm bước lần theo mé sông, trải qua những cỏ lau rậm rạp, những lối bùn lầy, khi lội ngang ao vũng, lúc lại trèo trên những bờ gay go, trắc trở.”

Hoa Lang thốt đến đây lại ngừng. Tôi cũng lặng thinh, không muốn làm rộn trí cô. Cô nín một chút, rồi tiếp rằng: “Những bước đường, những việc xảy ra từ trước tới sau, tôi khó thuật lại cho rõ rệt, gọn gàng, vì là những lối não nề cho tôi lắm vậy.

“Ông ơi! Khi cặp mắt tôi trông hết thấy con thuyền của Kiều-hoa-liên, tôi bước chân ra đi, nhưng tựa hồ đi trên một cái đồng vắng mênh mông, không biết đâu là đâu cả. Những khúc đoạn trường của tôi nay chất chứa dẫy đầy trong trí tôi, nên tôi không biết nói đến đâu là cùng và chưa rõ phải thuật sao cho ông nhận là thật.

“Trong mấy năm nay, đã từng lăn lóc nơi biển khổ, tôi biết rằng trên đời, không có cái gì là khó và không có cái gì là không làm được. Họ tưởng rằng một nàng công chúa ra khỏi hoàng thành thì không khi nào chịu lận đận lao đao được lâu dài... Ấy họ lầm. Sở dĩ ta xen vào một đám đông rồi ta muốn ra, tức nhiên ta ra được; dầu khó dầu dễ, không mau thì lâu, ta cũng tìm được đường ra. Đường đời có khác nào đường ở đám đông. Tuy nó không phải đường của một vị công nương, một cô kín cổng cao tường, nhưng dầu thế nào nó cũng là một con đường dắt người đến nhiều nẻo khác nhau, hoặc cao hơn hoặc thấp, đường quanh co thăm thẳm, có lắm điều vui mà cũng có lắm điều buồn, có lắm bước dễ dàng mà cũng có lắm bước gian truân. Dầu thế nào, nó cũng là một con đường.

“Cái lịch sử lưu lạc của tôi trên con đường mà mọi người đều để bước, cái bộ phiêu lưu tiểu thuyết của tôi thật là không vui. Và có lẽ nếu thuật với ông thì tôi thuật hết không được. Nói tóm một lời, tôi trải qua biết bao cơn khổ lúc nguy, nhưng Hóa công hãy còn vùi dập mãi chưa thôi. Thân tôi tuồng như ngọn lửa, càng cháy thì càng cao, tôi gặp càng nhiều cảnh ngộ gian nan, tôi lại càng vượt lên khỏi đám người trên đường đời vậy. Hễ tôi biết được thanh cao, thì dầu có cái khổ sâu xa bao nhiêu, tôi cũng không để ý. Nhưng vừa khi tôi được hiểu rằng ngọn lửa khốn cùng nó đưa lên ngọn lửa hân hạnh nhất, cả hai đều nguội lạnh hết, tôi đã kiệt sức rồi. Ngày nay, tôi không còn tự vùi dập, không còn bay nhảy trong chốn bụi trần. Và cái lịch sử tôi cũng dứt đi nhằm lúc này...”

Hoa Lang thuật đến đây rồi nín lặng.

Nhưng tôi lắc đầu mà cho rằng chưa thật dứt, tôi nhỏ nhẹ rằng:

“Thưa công nương! Tôi cam lỗi xin công nương thuật thêm cho rõ đoạn cuối cùng, ấy là công nương trao gởi cho tôi một cái ách nặng, ấy là cô muốn cho tôi chia sầu sớt thảm với cô vậy.”

“Từ khi Kiều-hoa-liên đi rồi, tôi cứ lần theo tìm chàng mãi. Một đôi khi dọ được tin chàng, nhưng chưa hề giáp mặt. Chàng rày đây mai đó, thoáng qua như ngọn gió vầng mây, khi đến Đông, lúc qua Tây, rồi lại ra đi chớ không nhất định ở nơi nào. Tôi mặc đồ ni cô Bà-la-môn, và qua thành Bình-an-kinh, vào một cảnh chùa kia mong được tin chàng. Vì tin tức trong cõi Ấn Độ đều dồn về nơi đó cả. Tôi lấy làm lo lắng, buồn rầu mà nghe thuật những chiến trận xảy ra. Ban đầu còn được một đôi khi thấu tin, lần lần không còn nghe biết chi nữa. Những vị anh hùng kia với Kiều-hoa-liên mà tên tuổi lừng lẫy khắp nơi, bây giờ đều lu mờ tiêu tán trong đám lửa khói một cách tối tăm, mờ mịt. Đoạn tôi từ giã ông sư trong chùa mà đi tìm chàng. Tôi sang nhà này rồi đến nhà kia, hết xứ này rồi qua xứ khác, nhưng chưa gặp chàng. Một vài người biết chàng, số ấy ít lắm, đều nhận rằng chàng đã bỏ mạng nơi chiến trường, hoặc là bị quân nghịch xử tử lúc tàn binh. Nhưng, bên lòng tôi lại có một tiếng nhỏ nó từ từ phía trong mà lên, bảo tôi rằng Kiều-hoa-liên hãy còn sống. Chàng Bà-la-môn ấy, cái lòng trong sạch ấy, cây hương thơm tho ấy nó chưa thật dứt đâu, nó còn chờ người trinh bạch đến dâng cả tâm hồn đặng khêu cho nó thêm sáng ra!

“Ngẫm ra, có lắm kẻ cơ hàn nhờ gia công cầu nguyện nên theo được đạo Bà-la-môn, chớ chưa từng thấy người theo Hồi giáo mà muốn qua đạo Bà-la-môn. Tôi tưởng còn chờ lâu mới mong hiệp mặt với chàng; và trước tôi phải theo đạo Bà-la-môn. Ôi thôi! Tính ra đã trên ba mươi năm rồi. Ngày nay, về tinh thần, về tánh nết, tôi đã hóa hẳn ra là một cô sư Bà-la-môn rồi. Cái giọt máu Bà-la-môn kia, khi xưa bà tôi truyền lại, bây giờ nó chảy khắp trong thân tôi và làm cho thư thái cả chân tay tôi. Tôi thường cho rằng nếu gặp được Kiều-hoa-liên thì tôi không chút ngại ngùng, vội lăn bên chân của người yêu nhất trong buổi xuân xanh mà trao vừa tâm hồn vừa hình vóc. Tôi tưởng đến thế nên hăng hái lắm! Tôi thích nghe thuật những công lao của Kiều-hoa-liên chốn sa trường, nhưng tôi không cảm xúc, không động tình nhiều. Tôi chỉ nhớ trong trí rất rõ ràng, chàng Kiều-hoa-liên trong chiếc thuyền con, dưới bóng trăng trong, nhè nhẹ theo dòng nước êm trên sông Châu-mục-nã. Ngày và đêm, tôi hằng vọng tưởng, thấy chàng một mình một bóng rong ruổi theo con đường bí thiết của hóa công.

“Một hôm, tôi hay được tin chàng, vì muốn lánh nạn nên qua xứ Nê-bạc-nhĩ. Tôi ở đó cũng lâu mới được biết rằng chàng ra đi đã được nhiều năm rồi, bây giờ không rõ ngụ nơi nào. Từ đó, tôi không ngã lòng, cứ đi tìm chàng mãi. Có khi gần nhiều dân tộc tôn giáo khác, cách sinh hoạt khác, nhưng tôi giữ không cho phai lợt cái tín ngưỡng đạo Bà-la-môn, đặng không hổ mặt với chàng, vì biết rằng con thuyền nay gần đỗ bến rồi.

“Thế thì làm sao mà đỗ, làm sao mà gần? Khi nãy, khi nãy đây, chính là sau ba mươi tám năm xa cách, ba mươi tám năm lưu lạc, tôi mới thấy được Kiều-hoa-liên...”

“Sao? Công nương lại gặp được chàng?” Tôi hỏi như vậy vì tôi nóng nghe.

Hoa Lang liền nhỏ nhẹ đáp rằng: “Ông biết tôi gặp thế nào chăng? Tôi gặp chàng da mồi tóc bạc, hình vóc ốm gầy, ngồi trong sân làng mà lảy bắp với một cô vợ, chẳng phải đạo Bà-la-môn. Chung quanh là một bầy trẻ đang chơi đùa”.

Cái lịch sử thuật đến đây là cùng. Tôi muốn thốt vài lời hầu giải cho cô được ít phần sầu. Tôi khuyên rằng:

“Công nương ơi! Một chàng Bà-la-môn bềnh bồng, lưu lạc trong ba mươi tám năm trời, dễ gì mà giữ đạo cho vẹn toàn. Phần thì chung chạ với những dân tộc khác tôn giáo, khác tín ngưỡng, phần thì phải lo mà trốn tránh đặng bảo tồn tánh mạng, ắt phải đổi hẳn tôn giáo đi mới tiện.”

Cô đáp:

“Tôi cũng chán biết lắm. Nhưng tôi không hiểu vì sao tôi cứ tưởng chàng là sốt sắng về đạo Bà-la-môn hoài. Tôi cũng không hiểu vì sao lúc tôi còn thơ, tôi lại đem hết lòng dạ mà hiến cho chàng. Té ra nay tôi mới rõ được rằng cái sốt sắng của chàng khi xưa chẳng phải do bởi lòng thành, bởi trí tưởng, mà lại là bởi thói quen đó thôi! Tôi ngỡ chàng đắc chân lý, được tín ngưỡng thanh cao. Chớ không thì đâu đến đêm khuya thân gái dặm trường, tìm được chàng rồi lại bị ố nhục vào mặt. Ấy là cách chàng tiếp đãi một cô gái tuổi vừa hai tám, mới lần đầu bỏ lầu đài, dinh thự, bỏ mẹ cha, anh chị mà tách dặm tìm chàng, chẳng nệ khó khăn chi cả. Ôi! Kiều-hoa-liên, té ra nay chàng cũng đổi hẳn tôn giáo đi rồi. Thế thì tiện cho chàng. Chớ như tôi, vì ai mà bỏ trọn một đời, bỏ trọn cả tuổi thanh xuân, rồi biết lấy đâu mà thế, mà bù vào?”

Cô đứng dậy, chào tôi bằng tiếng Bà-la-môn. Nhưng cô lại đổi đi mà dùng tiếng đạo Hồi. Cô chào bằng tiếng Hồi giáo. Cô chào bằng tiếng Hồi giáo là cố ý từ giã những tín ngưỡng Bà la môn giáo ngày nay đã rã rời như tro bụi... Tôi chưa kịp trả lời thì cô đã ngã ra trên lộ, gần núi Hy-mã-lạp.

Tôi nhắm mắt giây lát mà ôn lại cái kiếp đoạn trường ấy. Cô gái ngồi trong dinh, trên tấm khảm nhung, tay chống cằm, dựa cửa sổ mà trông ra, thấy chàng Bà-la-môn chào vầng thái dương dưới mé sông Châu-mục-nã. Kế thấy cô một mình một bóng trải qua muôn dặm đường xa. Đoạn thấy cô nhìn vào cái gia đình ấm áp, yên vui của chàng kia, hai hàng lệ bắt từ trong mà lăn ra đầm đìa. Sau rốt, tôi thấy cô vì thất vọng, không nhà, không bạn, ngồi dưới trời.

Tôi bèn mở mắt ra. Sương đã tan dần trên hòn núi chói ra trắng xóa dưới ánh mặt trời. Cô Hoa Lang đi đã lâu rồi. Trên đường, thương khách lại qua. Ai nấy đều lấy làm lạ mà thấy tôi ngồi một mình trên tảng đá dựa lề đường.

(Dịch thuật từ nguyên tác của thi hào

Rabindranath Tagore)


C. LỜI PHỤ CỦA NGƯỜI DỊCH


Ái tình về đạo đức, cao thượng thay! Nhưng bao người lầm về ái tình! Anh chàng đạo đức vì cảnh ngộ mà thay đổi lòng tín ngưỡng. Nhưng ai kia vì tình nên phải khổ tâm. Mới biết đạo đức cũng là một trò chơi, một hồi quen tánh của một ít hạng người. Tội nghiệp! Cái khối tình kia nào thấu nỗi lối giả dối trong tâm con người.

Ái tình thành thật cũng cao thượng như đạo đức thâm trầm. Ái tình tự trong tâm cũng đáng kính như lòng đạo tốt lành. Nhưng ái tình về tâm chí mà đạo đức về tánh nết thời hai bên nghịch hẳn nhau. Bên kia cao thượng bao nhiêu, bên này lại thấp thỏi bấy nhiêu! Lấy đạo đức mà làm quen tánh, thì con người ấy ai cầu làm chi? Đạo đức không phải là sự thật trong tâm làm cho ta được thêm chân chính, an hòa, lại chỉ là những cảnh ngộ, lễ giáo, tập tục ở ngoài, thì còn nói làm chi?

Chàng kia lúc trước chưa phải là hành đạo chân thành, lại về sau lạc đạo, bấy giờ cô công chúa mới nhận biết thì muộn rồi. Cao thượng thay và khổ hạnh thay cho ái tình với đạo đức chân thật.

Đ. T. C.


D. TƯ TƯỞNG GIÚP ĐỜI


Ta giữ công lý mà tìm của cải. Khi đã tìm được của cải theo công lý, ta bèn đem ra mà thí theo công lý cho một người, hai người, ba người, trăm người.

Magha-sutta



Phật dạy: “Như ngươi muốn săn sóc ta, hãy săn sóc những người bịnh hoạn đi.”

Mahvagga –Kinh Phạm Võng



Muốn thờ Phật, hãy theo gương kiên tâm bền chí và nhẫn nhục của Phật.

Fo-sho-hing-tsan-king



Giả như có ai noi theo lối hiền đức nhân từ mà đi, vậy người ấy có khi nào cố ý làm ác chăng?

Sha-mi-lu-i-yao-lio



Những kẻ trong lòng chứa sự ác mà ngoài môi nói ngọt ngào thật giống như cái bình trét nhụy ở ngoài mà bên trong đựng đầy thuốc độc

Lalita Vistara



Điều vui khoái lớn hơn hết là khắc phục được tư tưởng duy kỷ về bản ngã.

Udanavarga



Kẻ bạc ác làm hại tôi thì tôi trả cái hại lại cho họ, vừa lấy lòng từ bi của tôi chở che đùm bọc cho họ. Họ càng làm ác cho tôi, tôi càng làm điều tốt cho họ.

Tứ thập nhị chương kinh



Như ngươi có ghê sợ sự khổ, không vui gì với nó, thì đừng có làm quấy, dù trong lúc chán chường hay khi chẳng có ai nhìn thấy.

Udnavarga



Có người bố thí đặng mua tiếng có nhân, có người bố thí đặng nhờ sự lợi, cũng có người bố thí đặng mong phần phước trên trời. Ngươi hãy bố thí mà không có những ý tưởng ấy, vui mà bố thí, như vậy mới thật là cao thượng.

Fo-sho-hing-tsan-king



Ngươi nói: người ta còn trẻ thì phải chơi cho sướng thân, đến chừng già mới lo tu hành. Nhưng mà cái chết có khác nào kẻ cướp nó cầm gươm lén theo rình rập bên ta, một miếng mồi mong mỏi của nó. Như vậy, làm sao ngươi chắc mà chờ đến già đặng đưa tâm trí qua đường đạo đức?

Fo-sho-hing-tsan-king



Không có ai làm cho người khác trong sạch được, tự mình làm trong sạch lấy mình mà thôi.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Lòng tín nhiệm là dây liên lạc tốt hơn hết trong sự thân thích.

Dhammapada – Kinh Pháp cú





Loài thú kia còn biết lấy sự cung kính, tín nhiệm, lịch sự mà đối đãi nhau. Vậy các anh em hãy phát hiện cái ánh sáng bên trong của các anh em và cư xử với nhau như cách đó vậy.

Cullavagga



Tham dục là nguồn gốc sự buồn thảm, khổ sở. Nó đến với ta tuồng như một người bạn, mà thật nó là kẻ đại nghịch của ta đó.

Fo-sho-hing-tsan-king



Được sang chớ quên lúc hèn.

Jitsu-go-kiyo



Cái tâm tự túc, có chừng mực lúc nào cũng vui vẻ luôn luôn.

Fo-sho-hing-tsan-king





Lỗi kẻ khác mình dễ thấy, lỗi mình mình khó thấy.

Udanavarga



Người ta hài tội kẻ khác gần như là sàng trấu, mà chính tội của họ thì lại giấu nhẹm cũng như tay cờ bạc lận ém bài.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Thà chết trong sự công bằng, chớ chẳng sống trong sự bất công.

Loweda-Sangtahaya



Nếu đem cái ý định của cái trí ra khỏi cách cư xử của mình thì những sự hành động chẳng qua là cây mục mà thôi. Phải để cho cái trí quản trị tất cả, nhờ đó mà cái thân sẽ theo đường chánh.

Fo-sho-hing-tsan-king



Chớ làm điều phải mà rồi lại chẳng vui.

Mahammangala-sutta



Ai làm việc công chánh không sợ gì hết.

Udanavarga



Kẻ nào bây giờ bố thí cho người, về sau sẽ hưởng cái mình đã gieo; kẻ nào thí một chút nước cho người, về sau sẽ hưởng như biển cả.

Sermon 20



Tật xấu lan ra rất dễ.

Bia đá vua A-dục



Ai đến xin lỗi mình, không nên xua đuổi.

Mahvagga – Kinh Phạm Võng



Không nên làm buồn kẻ đến xin lỗi mình.

Lalita-Vistara



Ta hãy vui sướng, không ghét những kẻ ghét ta. Ở chung với những người oán ta, ta đừng oán họ.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Không thể lấy oán mà diệt oán, phải lấy lòng thương mà diệt oán thù, ấy là định luật từ ngàn xưa.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Kẻ nào có thể tin chắc lấy mình thì được khỏe mạnh và vui.

Fo-sho-hing-tsan-king



Không phải khóc lóc than tiếc mà được an lạc trong tâm.

Salla-sutta



Ai có xin mình thì hãy cho, dầu cho ít mấy cũng nên cho.

Udanavarga



Hãy giữ mình cho tinh khiết và ăn ở với người tinh khiết.

Dhammacariya-sutta



Không có người bạn nào hiền lành cho bằng lòng bố thí trong sạch.

Fo-sho-hing-tsan-king



Nhà sư khất thực đang thấm nhuần những tư tưởng hiền đức, có thể nhận chịu các sự nóng lạnh, đói khát, nhọc xác, khổ hạnh, dẫu cho khó nhọc đến đâu người chịu cũng nổi hết.

Sabbava-sutta



Dù thắng được hàng ngàn giặc nghịch, nhưng không bằng kẻ thắng được chính mình. Đó thật là đại thắng.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Chẳng nên nói với ai bằng lời cộc cằn.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Dẫu đương cơn giận, chớ nói tiếng cộc cằn.

Sariputta-sutta



Một lời mắng nhiếc cũng làm cho súc sanh đau đớn nữa.

Suttavandonaaniti



Cũng như kẻ ham sống tránh thuốc độc, hiền nhân thánh triết tránh điều ác.

Udnavarga



Vạn vật đều mong sự vui sướng, vậy ngươi hãy trải lòng từ bi ra khắp nơi cho chúng sanh.

Mahavanisa



Việc gì làm cho mình đau khổ thì mình chớ làm cho người khác.

Metta-sutta



Tôi dùng tư tưởng trong sạch và lòng bác ái mà gieo ra cho người, cũng như tôi giúp vào cho tôi.

Lalita-vistara



Hãy dùng cái thiện mà thắng cái ác.

Udanavarga



Kẻ đệ tử của Phật không hề cố ý giết một mạng sanh linh, cả đến loài côn trùng.

Mahvagga



Tự tay mình giết, sai người giết, hay là vui mà thấy người giết, đều là phạm vào tội sát sanh.

Sha-mi-lu-i-yao-lio



Ăn ở hiền đức là sung sướng, khoái lạc.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Diệt lòng ích kỷ, tức là an nhàn.

Udanavarga



Cái mà ta gọi là tên tuổi và gia đình chỉ là tên gọi mà thôi.

Vasettha-sutta



Việc gì đáng trọng thì ngươi nên trọng, chớ không phân biệt là của ai.

Ta-chuang-yan-king-lun



Phán đoán một người theo hiện tượng bề ngoài của họ e không được đúng.

Sermon 3



Người sanh ra trong nhà kẻ hèn hạ mà có trí huệ, cũng như hoa sen mọc dưới bùn.

Jitsu-go-Kiyo



Lời của Phật dạy dầu cho có nghiêm khắc cũng chứa đầy sự từ bi, như lời cha dạy con.

Kinh Na-tiên Tỳ-kheo



Phật không có ban phước cho những kẻ dâng cúng cho ngài, mà cho kẻ xứng đáng kia.

Kinh Na-tiên Tỳ-kheo



Muốn dứt tuyệt cái khổ, hãy năng nổ mà làm việc từ thiện.

Buddagosha



Tôi muốn rằng sự bất công phải bị khinh bỉ.

Mahvagga



Ăn ở hiền lành theo phong hóa đạo nghĩa thì sung sướng lắm, được ngủ giấc ngủ yên và khi thức giấc lại vui vẻ.

Udanavarga



Ta không mong sự ban thưởng gì, ta không mong được sanh lên cõi trời, nhưng ta quyết làm lợi cho người đời là dắt kẻ lạc đường, soi sáng kẻ lầm trong chỗ tối... tránh cho nhân loại các nguồn gốc sự buồn rầu đau đớn.

Fo-pen-hing-tsih-king



Thấy người than khóc, hãy chia buồn với người; thấy người sung sướng, hãy chia vui với người.

Jitsu-go-kiyo



Em ơi! Hãy thuật chuyện buồn của em với ta, vì san sớt thì sẽ bớt buồn và dễ chịu.

Nagananda



Tôi nguyện không bao giờ phạm tội sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và ăn thịt uống rượu, cho đến trong giấc mộng của tôi cũng vậy.

Attanagalu-vansa



Chẳng nên kết bạn với những kẻ làm bậy; hãy chọn bạn những người lành.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Ta có thể nhận làm bạn với người như thế này: thấy ta làm quấy, người bảo trước cho ta tránh; thấy ta làm phải; người giúp sức ta; thấy ta bối rối hoạn nạn, người khuyên ta và giải cứu ta, như vậy mới thật là bạn quí.

Fo-pen-hing-tsih-king



Ta tự xét những tội lỗi của ta, thấy có điều gì xấu, ta phải bỏ ra, ta phải làm điều lành không mà thôi.

Jataka – Kinh Bổn hạnh



Kẻ nào làm hại người vô hại thì sự hại quay lại với kẻ ấy cũng như bụi nhỏ bị gió tống đi.

Kokaliya-sutta



Ngu mà biết mình ngu thì còn khôn chút ít; ngu mà ngỡ mình khôn mới thật là quá ngu.

Dhammapada – Kinh Pháp cú



Ôi! Sự giận nó đổi gương mặt thùy mỵ một cách lạ kỳ, nó làm mất vẻ thanh lịch của con người quá nhiều.

Fo-sho-hing-tsan-king



Kẻ quấy mà giận lại dùng lắm lời để lấn lướt người ta, bao giờ cũng thua người nhẫn nhục.

Udanavarga



Đạo là gì? Là làm quấy càng ít, làm phải càng nhiều, làm điều lành, thương người và ăn ở cho trong sạch.

Bia đá vua A-dục





Không nên hành lễ theo mê tín, nhưng tử tế với tôi tớ và kẻ dưới, lịch sự với kẻ đáng kính, vừa tự trọng vừa trọng mạng sống của chúng sanh, những đức tánh ấy và mấy cái đức tánh tương tợ như vậy mới thật là cuộc lễ nên thi hành cho trọn vẹn.

Bia đá vua A-dục



Phải nhìn tội lỗi của mình một cách thẹn thuồng.

Sian-chi-kwan



Đừng hỏi gốc gác cha mẹ của một người, mà hãy hỏi tánh tình của họ đã.

Sundarikabhradvja-sutta



Ta mong được hoàn toàn để tế độ người.

Fo-pen-hing-tsih-king



Kẻ tín đồ nhà Phật không nên sợ quở trách, cũng không nên tự cao vì được khen.

Tuvataka-sutta



Có bốn cách nhận rằng kẻ nịnh hót là một người bạn giả dối: nó hoan nghênh mình khi mình làm quấy, nó hoan nghênh mình khi mình làm phải, nó nói tốt mình trước mặt, nó nói xấu mình sau lưng.

Sigalavada-sutta – Kinh Thi-ca-la-việt



Tự mình không có lỗi mới có thể chỉ trích người. Tự mình có lỗi mà trách người thì chỉ làm cho người khác chê cười.

Phật ngôn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn