- Chương 1. Dẫn Nhập
- Chương 2. Tìm Hiểu Nguồn Gốc Của Tư Tưởng Như Lai Tạng
- Chương 3. Sự Phát Triển Của Thuyết Tâm Tánh Bổn Tịnh
- Chương 4. Sự Phôi Thai Và Hoàn Thành Của Thuyết Như Lai Tạng
- Chương 5. Thánh Điển Sơ Kỳ Của Thuyết Như Lai Tạng
- Chương 6. Dòng Chính Của Như Lai Tạng Học
- Chương 7 Thuyết Như Lai Tạng Của Học Phái Du-già
- Chương 8. Sự Quyết Trạch Về Như Lai Tạng Và Phật Tánh
Nguyên tác: Pháp sư Ấn Thuận
Chuyển ngữ: Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh
DÒNG CHÍNH CỦA NHƯ LAI TẠNG HỌC
1. Pháp môn Như lai tạng trong truyền thuyết
Thuyết Như lai tạng (tathāgatagarbha) có sắc thái thần ngã (ātman), là từ Như lai thường trụ theo lý tưởng, nghiêng về tín ngưỡng mà ra, thông tục nên có thể thích hợp với tâm lý của người thông thường, do đó nhanh chóng được truyền bá rộng rãi. Đối với giới Phật giáo Đại thừa sơ kỳ, nhiều ít sẽ có cảm giác kinh dị. Nhưng đây là tư tưởng được dễ dàng tiếp thu, nên giới Phật giáo Đại thừa lại nhất quyết cho rằng: “Những kinh mà chưa được nghe, sau khi nghe rồi thì tin tưởng tiếp nhận, y theo những lời kinh đã nói mà thực hành; nương tựa nơi pháp, không nương tựa vào lời nói” (văn tự).1 Đối với kinh điển trước nay chưa từng nghe nói qua, gần đây mới truyền bá ra, không thể chê bai phá bỏ một cách kinh xuất được, phải theo pháp nghĩa chính xác, rồi cho chúng sự giải thích hợp lý. Kinh Đại thừa sơ kỳ chính là được lưu truyền ra như vậy, đối với kinh điển Như lai tạng mới xuất hiện, đương nhiên cũng không thể không tiếp nhận ! Vào đầu thế kỷ 3 A.D., kinh điển Như lai tạng lần lượt được lưu truyền ra. Luận điển Trung quán (Madhyamaka) được thành lập vào thế kỷ 3 A.D., vẫn không có đề cập đến thuyết Như lai tạng, nhưng đệ tử của Đề-bà (Āryadeva) là La-hầu-la-bạt-đà-la (Rāhulabhadra), theo truyền thuyết, đã dùng thường, lạc, ngã, tịnh để giải thích bát bất.2 Trong thế kỷ thứ 4 A.D., vị giáo thọ được suy tôn là Phật vị lai – Bồ-tát Di-lặc (Maitreya), xưng là thuộc phái Du-già (Yoga), đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Kinh bộ (Sūtravādin), nhưng đối diện với thuyết Như lai tạng đang lưu hành, cũng không thể không cho nó sự giải thích thông suốt. Từ thế kỷ 4 A.D. về sau, những luận thư hoặc kinh điển của giới Phật giáo Đại thừa đều không thể không đúng với những điều mà thuyết Như lai tạng trình bày. Trong những giải thích này, luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, ở Trung quốc, được xem như đại biểu cho Như lai tạng học. Luận Bảo tánh, so sánh thì thấy tiếp cận với thuyết Như lai tạng sơ kỳ, nhưng chịu ảnh hưởng của học phái Du-già, nên cũng có thể là thoát ra từ phái Du-già để tự hình thành một hệ riêng, cho nên phương pháp giải thích thì gần với phái Du-già, mà lại có sắc thái thần ngã của sơ kỳ, nhưng cũng đã phai nhạt đi rất nhiều. Từ Như lai thường trụ, có mặt khắp nơi, dẫn đến quan điểm chúng sanh vốn có Như lai tạng hoặc Phật tánh (Buddhadhātu), khởi đầu là chân ngã luận, lại cùng với chân tâm luận kết hợp thành một dòng. Giới Phật giáo Đại thừa của Ấn độ có lẽ biết được quan điểm này tương tợ với Phạm-ngã luận quá mức, nên các Luận sư (và kinh điển) đều cho nó phương tiện để thông suốt. Bởi vì thế, nên truyền thuyết của Tây tạng, v.v., nói Phật pháp Đại thừa Ấn độ chỉ có hai dòng lớn là Du-già và Trung quán; kỳ thật, thuyết Như lai tạng của hệ chân ngã và chân tâm có lập trường độc đáo, thật sự có tồn tại ở Ấn độ vậy!
Tiếp cận với thuyết Như lai tạng sơ kỳ, như phái Giác-nang (Jo nan pa) được truyền thừa ở Tây tạng, luận Mật tông đạo thứ đệ3 do Tông-khách-ba viết, nói:
“Kinh Như lai tạng, kinh Đà-ra-ni tự tại vương thỉnh vấn, kinh Đại Bát-niết-bàn, kinh Lợi ích chỉ man, kinh Thắng man sư tử hống, kinh Trí quang trang nghiêm, kinh Vô tăng giảm, kinh Đại pháp cổ, kinh Nhập vô phân biệt đà-ra-ni, kinh Giải thâm mật. Giác-nang-ba nói rằng 10 kinh này là 10 kinh Như lai tạng, là Pháp luân sau, là kinh liễu nghĩa. Ngài cho rằng Như lai tạng mà các kinh ấy nói, cùng với thân tự tánh của Phật, đồng là Đế có thật, thường hằng, kiên cố, vô vi, dùng tướng hảo để trang nghiêm chính mình. Hết thảy hữu tình sanh tử từ vô thỉ (đến ngày nay), ở (trong) lưới phiền não, [nhưng] vốn có đầy đủ [Như lai tạng], dùng 9 dụ, 9 nghĩa để trình bày.”
Kinh Lợi ích chỉ man tức là kinh Ương-quật-ma-la của Hán dịch. Giác-nang-ba cho rằng : Như lai tạng và thân tự tánh (svabhāvakāya) của Phật là có tướng hảo trang nghiêm giống nhau. Thân tự tánh là do tự thể của Phật mà chuyển y (āśraya-parāvṛtti) hiển bày ra; chúng sanh vốn là như thế, chỉ là vẫn còn ở trong phiền não, không có hiển lộ ra mà thôi. Quan điểm này cùng với thuyết Như lai tạng sơ kỳ là phù hợp nhau. Nhưng phái Giác-nang-ba xem kinh Giải thâm mật là thuộc loại kinh Như lai tạng, rõ ràng không được ổn thỏa lắm! Hễ thuộc bộ loại của Như lai tạng, thì đều là nói về Nhất thừa (Ekayāna), với ‘khắp vì những kẻ phát tâm hướng đến Nhất thừa’ của kinh Giải thâm mật là bất đồng. Đây là câu nệ trong ‘ba thời giáo thuyết’ của kinh Giải thâm mật, cho rằng những kinh thuộc thời giáo thứ 3 mới là liễu nghĩa, điều này là so sánh gượng ép với ‘hậu chuyển Pháp luân’ của kinh Giải thâm mật. Nếu như lấy thứ tự (3 thời) thuyết pháp của kinh Đà-ra-ni tự tại vương thì có lẽ sẽ thích hợp hơn nhiều!
Thiền tông của Trung quốc là do Bồ-đề đạt-ma (Bodhidharma) từ Nam Ấn độ truyền đến. ‘Sơ đạt tông cảnh’, có thể là vào trước hoặc sau năm 450 A.D., đã đến được Trung quốc. Hệ thiền pháp này vốn là ‘Như lai (tạng) thiền. Trong quá trình lưu truyền, phương tiện dẫn dắt bất nhất, hoặc cạn, hoặc sâu, nhưng sớm đã có cái được gọi là ‘mật truyền’, ‘tác dụng mật.’ Như Phước Châu Đại An nói: “Mỗi người trong các vị đều tự có viên ngọc lớn vô giá, phóng ra ánh sáng từ con mắt, chiếu soi núi sông đất đai; phóng ra ánh sáng từ lỗ tai, khiến nghe được mọi âm thanh thiện ác. Sáu cửa [giác quan] ngày đêm luôn phóng ra ánh sánh,… tự chính các người không biết được. … Như có người gánh một gánh nặng đi qua chiếc cầu có một cây, cũng không để cho trượt chân, chính do vật gì giữ gìn nên được như vậy! Nếu các ông có tìm kiếm, thì [dù là vật nhỏ như] sợ lông tóc cũng không tìm thấy.”4 Lâm Tế thường nói ‘con người thật không có vị trí’, đó chỉ là tên gọi khác của chân ngã. Theo truyền thuyết, đệ tử của Đạt-ma là Ba-la-đề, khi thuyết pháp cho vua, liền nói rõ rằng: ‘tánh ở nơi tác dụng,’ như Cảnh đức truyền đăng lục(I) nói:
“Hỏi: Phật là gì? Đáp: [Kẻ] thấy được tánh thì là Phật. … Vua hỏi: Tánh ở chỗ nào? Đáp: Tánh ở nơi tác dụng. Vua hỏi: Cái gì là tác dụng?... Ba-la-đề liền nói kệ rằng: Ở trong thai là thân, sống trên đời là người; [tác dụng] ở con mắt thì gọi là thấy, ở lỗ tai gọi là nghe, ở lỗ mũi thì phân biệt được mùi, ở miệng thì đàm luận, ở tay thì cầm nắm, ở chân thì chạy nhảy. Đều hiện khắp nơi thế giới nhiều như cát, thâu tóm trong một vi trần, kẻ giác ngộ thì biết đây là Phật tánh, kẻ chưa giác ngộ thì gọi là tinh hồn.”
Pháp do Giác-nang-ba truyền, tông chỉ phương Nam của Thiền tông, đối với thuyết Như lai tạng sơ kỳ, so sánh những giải thích của các Luận sư và các kinh điển xuất hiện về sau, dường như hẳn là gần gũi nhau rất nhiều vậy!
2. Như lai tạng luận lấy luận Bảo tánh làm chủ
Các Luận sư đối với phương pháp, sự phân tích của thuyết Như lai tạng (tathāgata-garbha) đều có khuynh hướng làm nhạt đi sắc thái thần ngã (ātman). Truyền thuyết nói luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, luận Pháp giới vô sai biệt là do Kiên huệ (Sāramati) tạo, và kinh Vô thượng y,1 so sánh thì chúng gần với ý nghĩa căn bản của thuyết Như lai tạng, đã đại biểu cho dòng cính của Như lai tạng luận học.
1. Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh: 4 quyển (xưa nói có 3 quyển hoặc 5 quyển), Lặc-na-ma-đề (Ratnamati) dịch vào đời Nguyên Ngụy. Theo những kinh lục xưa truyền lại, hoặc nói là Lặc-na-ma-đề dịch, hoặc nói do Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch; hoặc nói hai người dịch ra hai bản riêng biệt, như Khai nguyên Thích giáo lục nói: “Bồ-đề-lưu-chi truyền bản, Lặc-na, Phiến-đa trợ giúp, sau đó,… ba nơi đều phiên dịch, khi xong bèn hiệu đính, trong ấy có phần bị mất, phần còn thì khác nhau, đến khi có chiếu chỉ lệnh liên kết lại các bản khác nhau, người đời sau kết hợp chúng lại, tổng cộng thành một bộ mạch lạc, xem ghi chép của Bảo Xướng (đời Lương), v.v.2 Ngày xưa có hai bản dịch khác nhau, trong quá trình lưu truyền, chỉ còn lại một bộ, truyền thuyết nói là do Lặc-na-ma-đề dịch. Bộ luận này – luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, hoặc nói gọn là luận Bảo tánh; theo Nội điển lục nói: “một (tên gọi là) luận Bảo tánh phân biệt thất (Đại?) thừa tăng thượng.”3 Bộ luận này có bản dịch Tạng văn, cũng còn bản Phạn. Theo Nghiên cứu về luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh (Phạm – Hán đối chiếu) và Nghiên cứu về luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh (Tạng – Hòa đối dịch) do Trung Thôn Đoan Long viết, nói: bản Phạn của luận này tên Ratnagotravibhāgo mahāyānottara-tantra-śāstra, dịch nghĩa là luận Bảo tánh phân biệt Đại thừa tối thượng bí nghĩa, cùng với Bảo tánh phân biệt Đại thừa tăng thượng mà Nội điển lục truyền lại là phù hợp nhau; dịch bản Tây tạng gọi là Đại thừa tối thượng bí luận, không có nói đến ‘Bảo tánh phân biệt’.4 Theo bản dịch Hán văn, chia làm hai phần là ‘phần chánh văn của luận’ [bổn luận] và ‘phần giải thích của luận’ [thích luận]: phần chánh văn của luận là kệ tụng; phần giải thích của luận có phần kệ tụng mà cũng có phần văn xuôi, trong phần giải thích của luận đã bao hàm các bài tụng của phần chánh văn. Theo sự truyền lại của Phật giáo Trung quốc, thì toàn bộ luận này đều là do Bồ-tát Kiên huệ (Sāramati) làm ra; theo bản Phạn và bản Tạng, thì những bài kệ thuộc phần chánh văn là do Bồ-tát Di-lặc (Maitreya) làm, bản giải thích là do Bồ-tát Vô trước (Asaṅga) làm. Truyện Bà-tẩu-bàn-đậu Pháp sư(I) của Chân đế (Paramārtha), nói:
“Sau khi Pháp sư A-tăng-già (tức là Vô trước) viên tịch, Thiên thân mới làm ra các luận Đại thừa, giải thích các kinh Đại thừa. … Giải thích các bộ luận Đại thừa như Nhiếp Đại thừa, Tam bảo tánh, Cam lộ môn, v.v.”
Thiên thân là cách dịch khác của Thế thân (Vasubandhu), đệ tử thân cận của Vô trước. ‘Bảo tánh’ của luận Bảo tánh, là ‘Tam bảo tánh’ gồm Phật – Pháp –Tăng, cho nên truyền thuyết nói Thiên thân giải thích luận Tam bảo tánh, chính là giải thích luận Bảo tánh. Như vậy, phần giải thích của luận Bảo tánh, hoặc nói là do Vô trước làm, hoặc nói là do Thế thân làm. Rốt cục là ai làm? Điều này rất khó khảo xét để xác định vậy! Theo truyện Bà-tẩu-bàn-đậu nói: “Ba anh em gồm Vô trước, Thế thân, v.v., đều gọi là Bà-tẩu-bàn-đậu – Thế thân, đây có lẽ chính là nguyên nhân do sự không đồng nhất của truyền thuyết vậy! Nhưng phong cách và nội dung của luận Bảo tánh thì gần với hệ Du-già, mà trên mặt kiến giải về Như lai tạng, thì có chỗ bất đồng căn bản với hệ Du-già, cho nên truyền thuyết nói là do Vô trước làm, hay Thế thân làm, dường như vẫn không tốt bằng truyền thuyết là do Kiên huệ làm. Còn như do Di-lặc làm, rốt cục chẳng qua cho thấy rằng pháp môn này xuất hiện vào thời Phật vị lai mà thôi!
Yếu tố tổ chức thành luận Bảo tánh, như luận này nói: “Phật tánh, Phật bồ đề, Phật pháp và nghiệp của Phật, những người thanh tịnh ra đời, thì không thể suy lường được;”(a) “thân và sự chuyển của vị ấy, công đức và thành (tựu) nghĩa (lợi), thị hiện ra bốn loại pháp này, duy chỉ thuộc cảnh giới của Như lai.”5(b) ‘Tánh’ (giới - dhātu) mà được Phật nương tựa, trải qua tu hành nên bồ đề (bodhi) được chứng đắc, viên mãn tất cả ‘Pháp’ (dharma) – công đức (guṇa), và sự ‘nghiệp’ (karman) lợi ích cho chúng sanh, bốn pháp này là chủ đề mà phần chánh văn của luận khai thị. Phần giải thích nói: Phật – Pháp – Tăng bảo, tánh, bồ đề, công đức, nghiệp, nói tóm lược về ‘thể’ của luận này, 7 loại câu kim cương,6 đó là phân chia toàn bộ luận ra thành 7 khoa lớn. Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh của Hán dịch, chia làm 11 phẩm; quan hệ của 11 phẩm với 7 loại câu kim cương và 4 pháp, như sau:
Bản Phạn và bản dịch Tạng văn đều thiếu phẩm Giáo hóa, toàn bộ luận chia làm 5 chương: 1. Như lai tạng, đã bao quát 6 phẩm từ phẩm 2 đến phẩm 7; 2. Bồ-đề, 3. Công đức, 4. Phật nghiệp, 5. Tín thắng ích. 18 bài kệ của phẩm Giáo hóa, trình bày về ý nghĩa của việc tạo ra luận này, quở trách về tội ác hủy bài báng Pháp à hủy báng Pháp sư, ý nghĩa cùng với phẩm cuối cùng tương đồng. 18 bài kệ này không có trong bản Phạn và bản Tạng, rất có thể là do người sau bổ sung thêm. Phần Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo trong ‘7 câu kim cang’, tán thán công đức của Tam bảo, dùng câu ‘nên nay con xin kính lễ’ làm kết thúc. Việc tạo luận của Luận sư ở Ấn độ, đa số là lấy sự tán thán Tam bảo, quy kính Tam bảo làm mở đầu, tán thán Tam bảo của luận này, cũng chỉ là quy kính ở phần đầu của luận. Cho nên bản Phạn và bản Tạng chia làm 5 chương, tán lễ Tam bảo là phần phụ thêm vào ở trước của chương đầu, không có ý nghĩa riêng rẽ. Tôi cho rằng, đây là nguyên ý của chính văn của luận; do vì phần giải thích của luận xem trọng ‘Tam bảo tánh’, nên đem toàn bộ luận chia khoa làm ‘7 câu kim cang;’ trong phần giải thích của luận, dẫn kinh Đà-ra-ni tự tại vương, để trình bày thứ tự 7 câu này cho phù hợp với lời kinh nói.7 Thật ra, kinh nói không rõ ràng. Nếu như lấy 60 loại pháp mà Bồ-tát tu hành để phối hợp với Phật tánh – Như lai tạng, dù từ các bài tụng trong chánh văn của luận, cúng với những Kinh Luận có liên quan với phần chánh văn để xét, thì đều không khỏi cảm thấy miễn cưỡng quá mức vậy! Những bài tụng của phần chánh văn của luận, đầu tiên tán lễ Tam bảo, thứ đến bàn về 4 pháp; cuối cùng nói về công đức của pháp môn này để khuyến khích moi người tin tưởng và tu tập, đã đầy đủ hình thức thông thường gồm phần mở đầu, phần chính, phần lưu thông. Bộ luận này, hoặc gọi là Đại thừa tối thượng bí luận, hoặc thêm ‘Bảo tánh phân biệt’ để thành Đại thừa tối thượng bí luận (chi) bảo tánh phân biệt, có thể đã cho thấy ý nghĩa này. Đại thừa tối thượng bí luận chính là thuyết Như lai tạng, là danh tự của phần chánh văn của luận. Do vì lập riêng ra ‘7 câu kim cang’, xem trọng ‘Tam bảo tánh’ nên lại thêm vào những dòng nói về ‘Tam bảo phân biệt’. Trong quá trình lưu truyền, thông thường đều dựa vào bản giải thích để giải thích cho phần chánh văn, xem trọng ‘bảo tánh’ nên trên mặt tên gọi, vẫn giữ lại tên nguyên thỉ của nó là Đại thừa tối thượng bí luận.
2. Kinh Vô thượng y, 2 quyển, do Chân đế dịch vào đời nhà Lương, là một bộ Kinh điển có hình thức Luận điển. Toàn bộ kinh chia làm 7 phẩm: 1) phẩm Hiệu lượng công đức, 2) phẩm Như lai giới, 3) phẩm Bồ-đề, 4) phẩm Như lai công đức, 5) phẩm Như lai sự, 6) phẩm Tán thán, 7) phẩm Chúc lụy. Từ tên gọi của phẩm, thì có thể thấy rằng: từ phẩm thứ 2 đến phẩm thứ 5 – Như lai giới, Bồ-đề, Như lai công đức, Như lai sự, và chủ đề của luận Bảo tánh – Phật tánh, Phật bồ-đề, Phật công đức, Phật nghiệp, là hoàn toàn nhất trí. Phẩm thứ nhất – phẩm Hiệu lượng công đức, vốn là một bộ kinh điển độc lập, tám công đức không thể suy lường của việc xây tháp thờ xá-lợi (śarīra) của Như lai, cùng với kinh Thậm hi hữu mà Đường Huyền trang dịch, v.v., là cùng bản gốc mà bản dịch khác nhau. Xá-lợi của Như lai, giới Phật giáo gọi nó là Như lai đà-đô (tathāgata-dhātu), chính là ‘Như lai giới’, cùng với tên gọi khác của Như lai tạng là ‘Như lai giới’, danh tự tương đồng; cũng như thế, kinh điển mà vốn là xưng thán công đức của xá-lợi giới của Như lai, gắn liền nên xưng thán sự không thể nghĩ lưởng của Như lai (tạng) giới vậy! Phẩm Như lai giới của kinh Vô thượng y, tương đồng với những kinh điển Như lai tạng phổ biến. Phẩm Bồ-đề phân biệt về 10 sự, cùng với nội dung chủ yếu của Phật tánh, Phật bồ đề, đại thể tương đồng. Theo chuyển y (āśraya-parāvṛtti) để giải thích về tự tánh bồ-đề, nói ‘pháp chuyển y có 4 loại tướng;’ nói đến sự không thể suy lường của Như lai vô thượng,8 đều là rút ra từ luận Du-già sư địa, luận Hiển dương Thánh giáo.9 Kinh Vô thượng y không có nói đến 9 thí dụ về Như lai tạng, 9 thí dụ về sự nghiệp của Như lai, cũng không có nói đến ‘Tam bảo tánh’. Trong Như lai tạng học, đây là chú trọng sự phân tích nghĩa lý. Đã tham khảo luận Bảo tánh, luận Du-già, v.v., nhưng không chỉ là biên tập sao chép, mà còn là một bộ (luận) kinh có sự tổ chức riêng của nó. Kinh Thắng thiên vương Bát-nhã (đồng bản với phần thứ 6 của kinh Đại Bát-nhã do Huyền trang dịch), trên phương diện thứ tự và nội dung, có một bộ phận phù hợp với kinh Vô thượng y, như 5) phẩm Pháp tánh, từ đầu phẩm đến ‘thực hành bát-nhã ba-la-mật, thông đạt đúng như sự thật về pháp tánh sâu xa,’ cùng với phẩm Như lai giới phù hợp nhau.10 14) Phẩm Nhị hành, cùng với 6 sự - ‘năm là làm việc, sáu là nhiếp lẫn nhau, bảy là hành xứ, tám là thường trụ, chín là bất cộng, mười là không thể suy lường’ trong 10 sự thuộc phẩm Bồ-đề của kinh Vô thượng y; và phù hợp với phần lớn phẩm Như lai công đức.11 Kệ tụng của 15) Phẩm Tán thán, một phần phù hợp với phẩm Tán thán của kinh Vô thượng y; 16) phẩm Phó chúc, ‘thọ trì tu-đa-la có 10 loại pháp này,’ phù hợp với phẩm Chúc lụy của kinh Vô thượng y.12 Toàn bộ nội dung của kinh Thắng thiên vương Bát-nhã cũng phù hợp với kinh Bảo vân, có thể suy đoán rằng: kinh Thắng thiên vương Bát-nhã là biên soạn từ kinh Bảo vân, kinh Vô thượng y, v.v., mà thành;13 nhưng không biết vì sao lại không có đem nghĩa của kinh Vô thượng y, toàn bộ biên soạn vào! Kinh Vô thượng y được biên tập vào kinh Thắng thiên vương Bát-nhã, luận Phật tánh cũng dẫn chứng bộ kinh này, trong Như lai tạng học, đây hẳn là một bộ kinh (luận) quan trọng. Sự thành lập của kinh Vô thượng y, phải là đã tham khảo bản giải thích của luận Bảo tánh. Tổ chức của 4 phẩm gồm Như lai giới, v.v., là nhất trí với luận Bảo tánh, mà nội dung lại có thêm bớt một ít. Như liên quan đến ‘công đức của Như lai’, luận Bảo tánh dựa theo kinh Bảo nữ, nói có 64 công đức, mà kinh Vô thượng y nói 180 công đức. Luận Du-già nói 140 công đức, luận Hiển dương Thánh giáo nói 190 công đức, [số lượng] công đức của kinh Vô thương y tăng thêm nhiều, có sử dụng khuynh hướng của Du-già học. Liên quan đến ‘sự nghiệp của Như lai’, luận Bảo tánh trích dẫn 9 thí dụ của kinh Như lai trang nghiêm trí huệ quang minh nhập nhất thiết Phật cảnh giới, đặt nặng về sự bất sanh bất diệt của thể của Phật, nên ‘tự nhiên không nghỉ ngơi, thường làm việc giáo hóa chúng sanh.’ Kinh Vô thương y lại lập riêng 18 sự, chính là dựa vào 180 công đức của Phật, các loại Phật sự được khởi lên khác nhau. Hai phẩm Như lai giới và Bồ-đề, không ngại nói là hai bên về đại thể thì tương đồng. nhưng Như lai tạng của luận Bảo tánh thì đã bao hàm Như lai tạng có bổn tánh thanh tịnh, cùng với 9 thí dụ về sự che lấp của phiền não, nên trong kinh Vô thượng y, 9 thí dụ đã được lược bớt. Phẩm Như lai giới của kinh Vô thượng y, tuy có bộ phận tương đồng với luận Bảo tánh, nhưng không có chia môn ra để giải thích, đã giữ lại đặc tính của Khế Kinh. Như lai giới là trong địa vị chúng sanh, vốn đã có chân như mang tính chất cáu bẩn (samalā-tathatā); ‘bồ-đề’ là trong địa vị Phật, tu lập làm hiển lộ ra chân như đã lìa cáu bẩn (nirmalā-tathatā). Như lai giới mà chúng sanh vốn có đủ ấy, luận Bảo tánh lại cho rằng: ‘tin Pháp và bát-nhã, tam-muội, đại bi, v.v.’ làm nhân, 4 pháp này có thể nói là vốn có nhân của Như lai tạng ư? Kinh Vô thượng y giải thích là nhân của Phật bồ-đề, dường như càng thích đáng hơn! Trong luận Bảo tánh, ‘Như lai giới’ lập nên 10 môn, ‘bồ-đề’ lập nên 8 môn; phẩm Như lai giới của kinh Vô thượng y không lập môn (đã bao hàm bộ phận ý nghĩa của luận Bảo tánh), phẩm Bồ-đề lập nên 10 môn: so sánh giữa ‘kinh’ và ‘luận’ như sau:
3. Luận Đại thừa pháp giới vô sai biệt, Bồ-tát Kiên tuệ viết, do Đề-vân Bát-nhã dịch và đời Đường. Bộ luận này hiện nay còn 2 bản: một bản chia làm 12 đoạn, đầu mỗi đoạn là kệ tụng, lại dùng văn xuôi giải thích. Bản khác, liệt kê toàn bộ phần kệ tụng ở phía trước làm ‘thể của luận’, sau đó dùng văn xuôi giải thích. Tuy nhiên, thể tài của 2 bản này là khác nhau, mà nội dung thì nhất trí, đều do Đề-vân Bát-nhã dịch. Nội dung của luận Pháp giới vô sai biệt là “nói tóm lược, tâm bồ-đề có 12 nghĩa,… Vì đó là quả, là nhân, là tự tánh, là tên gọi khác, là không có sai biệt, là phần vị, là vô nhiễm, là thường hằng, là tương ưng, là không làm nghĩa lợi, là làm nghĩa lợi,”14 cùng với phần chánh văn của luận Bảo tánh mà truyền thuyết nói là do Kiên huệ viết, vô cùng gần gũi.15 Nói tổng quát, 2 luận và 1 kinh đã nói ở trên, là thuộc cùng một loại. Luận Bảo tánh và kinh Vô thượng y đã nói đến Phật giới, Phật bồ-đề, Phật đức, Phật nghiệp – 4 chủ đề lớn, rất là đầy đủ. 12 nghĩa của luận Pháp giới vô sai biệt lấy tâm bồ-đề (bodhicitta) làm chủ đề, nội dung đã bao hàm ‘quả’ và tự lợi của ‘Như lai tạng chương’ và ‘Bồ-đề chương’ chương Như lai tạng và chương Bồ-đề của luận Bảo tánh. Trong phẩm Bồ đề của kinh Vô thương y, phân biệt về 10 nghĩa, nội dung đã bao hàm bộ phận của chương Như lai tạng và chương Bồ-đề của luận Bảo tánh. Do vì điểm mà các bộ chú trọng khác nhau nên cũng không thể hoàn toàn giống in nhau được vậy!
3. Những Kinh Luận làm cơ sở cho luận Bảo tánh
Phần chánh văn của luận Bảo tánh, truyền thuyết nói là do Di-lặc (Maitreya) viết, bản giải thích là Vô trước (Asaṅga) viết, hoặc nói là Thế thân (Vasubandhu) viết, nhưng theo truyền thuyết của Trung quốc, thì cả phần chánh văn và giải thích đều do Kiên Huệ viết (Sāramati). Luận Nhập Đại thừa do Đạo Thái dịch vào đời Bắc Lương, cũng là Kiên ý (cách dịch khác của Kiên huệ) viết, trong luận này dẫn: “Trong kinh Mật tạng nói: Pháp thân của Như lai trụ trong thân của tất cả chúng sanh, ánh sáng chiếu ra bên ngoài, giống như viên ngọc ma-ni được bao quanh bằng nhiều màu sắc trong sáng, không bị chướng ngại, che lấp,”1 cũng là thuyết Như lai tạng (tathāgatagarbha). Trong truyền thuyết, luận Bảo tánh là do Di-lặc, Vô trước hoặc Thế thân viết, đã cho thấy mối quan hệ của nó với học phái Du-già (Yoga), chí ít là có liên quan đến Đại thừa trang nghiêm kinh luận. Tác giả của Đại thừa trang nghiêm kinh luận, truyền thuyết nói là Di-lặc, hoặc nói là Vô trước, hoặc nói phần kệ tụng là do Di-lặc tạo, Thế-thân làm tạo bản giải thích; cùng với tác giả của luận Bảo tánh, truyền thuyết rối rắm như nhau. Từ nội dung của luận Bảo tánh để xem xét, thì luận Bảo tánh và luận Trang nghiêm, có một số kệ tụng là nhất trí, như:
Luận Bảo tánh: “Như, thanh tịnh, chân không, đắc vô ngã đệ nhất; chư Phật đắc được cái thể thanh tịnh, đó gọi là đắc được thân to lớn.”
Luận Trang nghiêm: “Thanh tịnh, không, vô ngã – Phật nói là ngã đệ nhất; vì cái ngã của chư Phật là thanh tịnh, nên Phật gọi đó là cái ngã to lớn.”2(a)
Luận Bảo tánh: “Như [hư] không có mặt ở khắp mọi nơi, mà [hư] không thì không có phân biệt, tự tánh là tâm không có dơ bẩn ấy cũng có mặt khắp nơi và không có phân biệt.”
Luận Trang nghiêm: “Như [hư] không có mặt ở khắp mọi nơi, Phật cũng có mặt khắp mọi nơi, hư không có mặt ở nơi các sắc, chư Phật có mặt ở khắp mọi chúng sanh.”3(b)
Lại nữa, như luận Bảo tánh nói: “Niềm tin của Đại thừa là đứa con, Bát-nhã xem nó là mẹ, ở trong thai của Thiền và uống sữa đại bi, chư Phật như là con ruột.”(c) Luận Trang nghiêm y theo phát tâm đệ nhất nghĩa nên nói: “Sự sanh mà thù thắng là do 4 nghĩa: một, chủng tử thù thắng, vì lấy pháp Đại thừa làm chủng tử; hai, người mẹ thù thắng, vì lấy bát-nhã ba-la-mật là người mẹ; ba, bào thai thù thắng, vì lấy niềm vui của thiền định làm bào thai; bốn, sữa mẹ thù thắng, vì lấy sự nuôi lớn tâm đại bi làm sữa mẹ.”4 Tuy văn cú không giống nhau, nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn nhất trí. Ngoài sự tương đồng về văn cú, còn có sự nhất trí về phương pháp luận, như luận Bảo tánh dùng 10 nghĩa để phân tích về Như lai giới (tathāgata-dhātu), sáu nghĩa đầu là: “một là thể, hai là nhân, ba là quả, bốn là nghiệp, năm là tương ưng, sáu là hành.” Lại nói: “sáu cú nghĩa gồm thể, v.v., là trình bày tổng quát về thể tánh của pháp…, theo thứ tự trong ba thời, nói là loại danh tự.”5 Theo luận này nói: “4 nghĩa sau, gồm ‘thời gian sai biệt’, v.v., là căn cứ vào pháp tánh mà được 6 nghĩa trước đã trình bày rõ, lại phân biệt thêm về ‘thời gian sai biệt’, v.v. Phân biệt bằng 6 nghĩa này, chính là phương pháp luận được Đại thừa trang nghiêm kinh luận sử dụng, như:6
1) “Tướng của Phật có 6 loại: một, thể; hai, nhân; ba, quả; 4, nghiệp; 5, tương ưng; 6, sai biệt.”(d)
2) “Quy y có 6 loại sai biệt: tự tánh, nhân, quả, nghiệp, tương ưng, phẩm loại.”
3) “Phân biệt thần thông: tự tánh, tu tập (chính là nhân), quả, nghiệp, tương ưng, sai biệt.”
4) “Pháp giới của chư Phật là thanh tịnh, có 6: tánh pháp giới, nhân pháp giới, quả pháp giới, nghiệp pháp giới, tương ưng pháp giới, vị [trí] pháp giới.”
Phương pháp luận dùng để phân tích của luận Trang nghiêm, là đại để tương đồng với luận Bảo tánh. ‘Pháp giới thanh tịnh’ có 6 nghĩa mà đã được đề cập đến ấy, Nhiếp Đại thừa luận bản do Vô trước viết cũng nói: “Pháp thân của chư Phật…, lại tương ưng với tự tánh, nhân, quả, nghiệp, tương ưng, chuyển công đức còn lại.”7 Lại từ pháp nghĩa để nói: luận Bảo tánh lập nên chân như có cáu bẩn (samalā-tathatā), chân như không có cáu bẩn (nirmala-tathatā); chuyển y (āśraya-parāvṛtti); ba thân – thân thật thể (svabhāvikakāyā), thân thọ lạc (sāṃbhogikakāya), hóa thân (nairmāṇikakāya), hai loại chướng – phiền não, trí (sở tri) chướng (kleśa-jñeya-āvaraṇa); hai loại trí vô phân biệt (xuất thế gian) (dvividha-jñāna-lokottara-avikalpa); vô lậu giới (anāsrava-dhātu), v.v., đều phù hợp với Du-già học. Nhưng pháp nghĩa mà riêng Du-già học có, như 5 pháp, 3 tự tánh, 3 vô tánh, 8 thức, 4 trí, thì luận Bảo tánh không có trích dẫn, đây là điểm khó hiểu, có lẽ duyên cớ là vì luận Bảo tánh chú trọng về thuyết Như lai tạng, chú trọng trình bày về đức của Phật, còn sự phát triển của Du-già học, chú trọng phân tích về tướng của mọi pháp. Nhưng sự bất đồng lớn nhất của luận Bảo tánh là không sử dụng thuyết chủng tử (bīja) của Du-già học, cho nên cũng không lập nên ‘chủng tánh chẳng thể bát-niết-bàn.’ Có thể nói: luận Bảo tánh được làm ra trong thời đại học phong của Du-già đang được khai triển, nên đã chịu ảnh hưởng của Du-già học. Nhưng đối với giải thích về Như lai tạng, thì không lấy thuyết chủng tử của các nhà Kinh bộ Đại thừa ở phương Bắc nói, mà giữ lại lập trường xem (tánh) không là Phật tánh của Phân biệt bộ (Prajñaptivādin) ở phương Nam.8 Tóm lại, bộ luận này có liên quan với Du-già học, nhưng không phải thuộc về phái du-già. Như vậy, liên quan đến tác giả của luận Bảo tánh, không thể là Di-lặc hay Vô trước làm ra. Tác giả của luận Nhập Đại thừa, theo truyền thuyết tại Trung quốc, là Kiên huệ, từng trích dẫn Trang nghiêm kinh (luận).9 Căn cứ theo lời Chân đế (Paramārtha) nói: Kiên huệ ra đời vào thời gian khoảng giữa Long thọ (Nāgārjuna) và Thế-thân. Theo luận Nhập Đại thừa, Kiên huệ đã trích dẫn thuyết Như lai tạng và Trang nghiêm kinh luận, gần với luận Bảo tánh, cho nên tác giả của luận Bảo tánh, rất có khả năng chính là Kiên huệ vậy!
Luận Bảo tánh lập thành 4 chương: Phật giới (buddha-dhātu), Phật Bồ-đề (buddha-bodhi), Phật đức (buddha-guṇa), Phật nghiệp (buddha-karman), có thể thấy là lấy Phật quả làm chủ đề của nó. Bồ-đề của Phật là thể tánh của Phật, thuyết Như lai tạng từ Như lai thường trụ trong đại bát-niết-bàn (mahā-parinirvāṇa) mà có, chú trọng về bát-niết-bàn, luận Bảo tánh dựa vào ‘bồ-đề’ để nói, nên cùng với Du-già học tương đồng.10 Bồ-đề là thể tánh của Phật, Phật đức là đức tướng [những tướng tốt] của Phật, Phật nghiệp là nghiệp dụng [những việc làm] của Phật; cho nên đây là từ thể, tướng, dụng, hoặc thật, đức, nghiệp – ba phương diện để xiển minh quả của Phật. Bộ phận này là dựa vào kinh Đại thừa, như Hoa nghiêm, Đại tập kinh, v.v., để nói. Chúng sanh sở dĩ có thể thành Phật là do vì ‘tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng.’ Mối quan hệ giữa Như lai tạng và Phật, như kinh Thắng man nói: “Như lai thành tựu đầy đủ trí giải thoát và pháp không thể nghĩ lường, nhiều hơn số cát sông Hằng, gọi nó là Pháp thân. Bạch Thế tôn! Pháp thân như thế ấy, [mà nếu khi] không lìa khỏi phiền não, thì gọi là Như lai tạng.”11 Kinh Đại pháp cổ nói: “Tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh với vô lượng tướng hảo trang nghiêm chiếu sáng. … Các phiền não che lấp Như lai tánh, nên tánh không được trong sáng, nếu lìa đám mây che của tất cả phiền não ấy thì tánh của Như lai sẽ sáng như ánh trăng đầy. … Nếu lìa cái tạng của tất cả các phiền não thì tánh Như lai ấy sẽ vĩnh viễn hết phiền não, tướng hảo chiếu sáng, làm nên các Phật sự.”12 Các thí dụ về Như lai tạng ấy đã trình bày Như lai (tathāgata) hoặc Pháp thân (dharma-kāya), khi ở trong phiền não chính là Như lai tạng của chúng sanh; Như lai tạng của chúng sanh nếu như lìa khỏi phiền não thì gọi là Như lai hoặc Pháp thân. Từ Như lai thường trụ, nói đến chúng sanh vốn như thế, nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh – Phật giới, Phật tạng (buddhagarbha), tất cả chúng sanh có Như lai tạng hoặc Như lai giới (Như lai tánh - tathāgatadhātu). Nói một cách khẳng định rằng: thể tánh của Phật và chúng sanh là không có hai, không có khác, chỉ là ở trong sự trói buộc hay đã ra khỏi sự trói buộc mà thôi. Cái mà giải thích luận đề này, chính là Phật giới. Chương 4 của luận Bảo tánh cần được lý giải như thế này:
Luận Bảo tánh là dựa vào kinh để làm thành. Chỗ mà phần chính văn của luận này y cứ, chủ đề ‘Phật giới,’ là dựa theo (9 thí dụ ở trong) kinh Như lai tạng. Ngoài ra, nghĩa ‘nhân’ trong 10 nghĩa của ‘Phật giới’ thì được tìm thấy trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận; nghĩa ‘quả’ được lấy từ kinh Đại Bát-niết-bàn; nghĩa ‘nghiệp’ được lấy từ kinh Thắng man; nghĩa ‘không có sai biệt’ được lấy từ kinh Bất tăng bất giảm: đây đều là điều rõ ràng có thể tìm thấy được. 64 công đức của ‘Phật đức’ là dựa vào phẩm Bảo nữ của kinh Đại tập. 9 thí dụ về ‘Phật nghiệp’ được lấy từ kinh Như lai trang nghiêm trí huệ quang minh nhập nhất thiết Phật cảnh giới. ‘Phật bồ-đề’ lập nên 8 nghĩa: thật thể, nhân, quả, nghiệp, tương ưng, hành, thường, không thể suy lường. Phần giải thích của luận nói: “Cái hành, cái thường, cái không thể suy lường ấy đó là 3 Pháp thân của Phật, từ vô thỉ đến đời nay làm lợi ích cho chúng sanh, luôn luôn làm không dừng nghỉ, không thể suy lường được.”13 Hành, thường, không thể suy lường, cùng giải thích cho 3 thân của Phật, cho nên cùng với phẩm Bồ-đề của Đại thừa trang nghiêm kinh luận dùng tánh, nhân, quả, nghiệp, tương ưng, vị (3 thân) – 6 nghĩa để trình bày ‘pháp giới của chư Phật là (rất) thanh tịnh,’ là hoàn toàn nhất trí.14 8 nghĩa của ‘Phật bồ-đề’ tương đồng với Trang nghiêm kinh luận; mà bài kệ “sanh thù thắng do 4 nghĩa” (tín, bát-nhã, thiền định, đại bi), và “vì tất cả đều không có khác nhau,… gọi là Như lai tạng”15 của Trang nghiêm kinh luận, đều được biên tập vào ‘Phật giới’: luận Bảo tánh xác định là đã tham khảo Trang nghiêm kinh luận. Sự trích dẫn kinh của phần giải thích của luận này lại rộng, có thể kiểm tra thấy được, có:
Kinh Bất tăng bất giảm Kinh Thắng man Kinh Như lai tạng Kinh Đại bát-niết-bàn Kinh Đại Bát-nhã, kinh Kim cang bát-nhã Kinh Phật hoa nghiêm nhập Như lai trí đức bất tư nghì cảnh giới Kinh Như lai trang nghiêm trí huệ quang minh nhập nhất thiết Phật cảnh giới Kinh Pháp hoa Kinh Bảo tích – Phổ minh Bồ-tát hội Kinh Lục căn tụ Kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa Kinh Đại phương đẳng Đại tập – phẩm Đài-la-ni tự tại vương (ở trong phẩm Anh lạc), phẩm Hải huệ Bồ-tát, phẩm Bảo nữ, phẩm Hư không tạng, phẩm Bảo manTừ những Khế kinh đã dẫn, có thể hiểu rằng : luận Bảo tánh không phải bộ luận Như lai tạng có nghĩa hẹp, không chỉ dùng thuyết Như lai tạng là chủ, xiển minh cảnh giới Như lai không thể suy lường về ‘[chúng] sanh và Phật không phải là hai’, lại dẫn rộng rãi các kinh Đại thừa, khiến cho nó cùng với các kinh Đại thừa trình bày được liên kết với nhau; đương nhiên, những kinh điển được dẫn ấy, đa số rất lớn là thuộc về Đại thừa hậu kỳ. Người chú thích luận Bảo tánh đã dẫn kinh Đà-la-ni tự tại vương, thành lập nên 7 kim cang cú nghĩa, và dẫn các phẩm khác của kinh Đại tập, trong các kinh Đại thừa phổ biến, đối với kinh Đại tập, dường như là xem trọng đặc biệt vậy!
4. Phân tích ý nghĩa của luận Bảo tánh
Thuyết Như lai tạng (tathāgatagarbha) lấy luận Bảo tánh làm chủ, từng chịu ảnh hưởng của học phái Du-già (Yoga), nhưng không phải là thuộc về Du-già học. Nghĩa lý mà trong luận ấy biểu đạt, ở đây nói tóm lược vài điểm trọng yếu.
1. Như lai tạng: Như lai tạng là chủ đề của học hệ này. Luận Bảo tánh nói: “Vì vậy nói chúng sanh luôn luôn có Như lai tạng;” “nói mọi chúng sanh đều có Như lai tạng.” ‘Nói’, là từ cần phải chú ý! Từ thế kỷ 3 A.D. về sau, những kinh điển thuộc thuyết Như lai tạng đã được giới Phật giáo truyền ra không ngừng. Do vì thuyết Như lai tạng tương tợ với thuyết Thần ngã của ngoại đạo tại Ấn độ, nên trong giới Phật giáo Đại thừa (sơ kỳ), ít nhiều sẽ phát sanh nghi vấn: rốt cục dựa vào ý nghĩa gì của Phật pháp, mà nói chúng sanh có Như lai tạng vậy? Phật giới – chương Như lai tạng của luận Bảo tánh, có thể nói chính là nhằm giải đáp nghi vấn ấy, như luận này(I) nói:
“Pháp thân có mặt khắp nơi, không có sai biệt, đều có thật Phật tánh, vì vậy nói chúng sanh luôn luôn có Như lai tạng.”
“Tất cả chúng sanh giới đều không lìa khỏi trí của chư Phật; bởi vì nó trong sạch không có cáu bẩn, tánh thể không hai; dựa vào thân pháp tánh bình đẳng của tất cả chư Phật: biết tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng.”
Hai bài kệ dẫn ở trên, theo bản Phạn, thì bài kệ ‘tất cả chúng sang giới’ là ở trước, thuộc phần kệ chánh văn; bài kệ ‘Pháp thân có mặt khắp nơi, không có sai biệt’ là ở sau, thuộc phần kệ chú thích, cũng chính là giải thích bài kệ của chánh văn. Phần văn xuôi của luận(II) giải thích rằng:
“Có 3 nghĩa, vì vậy Như lai nói rằng trong mọi lúc, tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng. Ba nghĩa đó là những gì? Một là, Pháp thân của Như lai có mặt ở trong thân của tất cả các chúng sanh (hoặc có bản nói là ‘tâm thức của chúng sanh’), nên bài kệ nói rằng Pháp thân có mặt khắp nơi. Hai là, thể của chân như của tất cả chúng sanh không có sai biệt, nên bài kệ nói rằng không có sai biệt. Ba là, tất cả chúng sanh thảy đều thật có chân như Phật tánh, nên bài kệ nói thật có Phật tánh. Từ ba cú nghĩa này trở xuống, luận căn cứ vào Như lai tạng tu-đa-la, xin biết cho rằng tôi sẽ trình bày sau!”
“Tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng’ là căn cứ theo ba nghĩa để nói, 3 nghĩa ấy là: Một, Pháp thân (dharmakāya), là có mặt khắp trong thân (tâm) của tất cả chúng sanh. Hai, chân như (tathatā), là tất cả chúng sanh đều không có sai biệt. Ba, Phật tánh – chủng tánh Phật (buddhagotra), là chúng sanh thật sự có. Căn cứ vào ba ý nghĩa này, cho nên có thể nói ‘tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng.’ Ba ý nghĩa này là dựa vào ‘kinh Như lai tạng’, cho nên nói: “căn cứ vào Như lai tạng tu-đa-la, xin biết cho rằng tôi sẽ trình bày sau.” Khi bàn đến 9 thí dụ về Như lai tạng, luận này(III) nói:
“Pháp thân và chân như, Như lai tánh, thật thể, ba loại và một loại, trình bày bằng năm thí dụ.”(a)
‘Pháp thân, ‘chân như,’ ‘Như lai tánh’ (), dùng 9 thí dụ để trình bày. Có 3 thí dụ để thí dụ cho Pháp thân: Phật; mật ong; hạt (ở trong vỏ). Có 1 thí dụ để thí dụ cho chân như, vàng thật (trong đống phân). Có 5 thí dụ để thí dụ cho chủng tánh Phật: (kho báu) chứa trong đất; (chồi) cây (ở trong quả); cái tượng bằng vàng (ở trong tấm vải che); (cô gái nghèo mang thai) Luân vương; cái tượng quí (ở torng chiếc khuôn). Dựa vào 9 thí dụ của kinh Như lai tạng, giải thích là Pháp thân có mặt khắp nơi, chân như không có sai biệt, Phật tánh là có thật. Y theo 3 ý nghĩa, nói ‘tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng,’ đây là thuyết Như lai tạng của luận Bảo tánh.
a) Nghĩa Pháp thân có mặt khắp nơi: Pháp thân là Phật quả cứu cánh viên mãn. Trong kinh Đại thừa, chủ yếu là kinh Hoa nghiêm, đã diễn tả đầy đủ về sự có mặt khắp nơi của thân Phật, không có một chỗ nào mà không có Pháp thân. Pháp thân không ở đâu không có, vậy thì trong thân tâm của chúng sanh cũng không thể nói không có thân Phật. Bài tụng chánh văn của luận nói: ‘Tất cả chúng sanh giới đều không rời khỏi trí của chư Phật,’ cho nên Pháp thân có mặt khắp ở chúng sanh, chính là trí của Phật có mặt khắp ở chúng sanh, như luận này(IV) nói:
“Ở trong chúng sanh giới, không có một chúng sanh nào lìa khỏi Pháp thân của Như lai, hay ở ngoài Pháp thân; lìa khỏi trí của Như lai, hay ở ngoài trí của Như lai. Như các loài hình tượng không lìa khỏi hư không, vì vậy nói kệ rằng: Ví như các hình tượng, không lìa khỏi hư không, như vậy thân chúng sanh, không lìa trí chư Phật. Vì bởi nghĩa như vậy, nên nói mọi chúng sanh, đều có Như lai tạng.”
Ý nghĩa này là từ sự có mặt đầy đủ khắp nơi, không không nơi nào không đến của Pháp thân (hoặc Phật trí) của Như lai, nên nói trong thân và tâm của chúng sanh có Phật trí. Phẩm Như lai xuất hiện của kinh Hoa nghiêm đã nói: “Trí huệ của Như lai, trí huệ vô tướng, trí huệ vô ngại, đều có đầy đủ torng thân của chúng sanh. … Trí huệ của Như lai ở bên trong thân của chúng sanh, cùng với Phật không có khác,”1 chính là ý nghĩa này. Trong thân của chúng sanh có Pháp thân (trí huệ) của Như lai, cùng với Phật không khác, cho nên có thể nói rằng chúng sanh có Như lai tạng vậy! Từ Phật để nói đến chúng sanh, trên mặt trình bày, có ý nghĩa là trí huệ của Phật, (từ bên ngoài nhập vào) bên trong thân của chúng sanh, như kinh Lăng già nói: “Tự tánh của Như lai tạng là thanh tịnh, chuyển thành 32 tướng, nhập vào trong thân của tất cả chúng sanh.”2 Kinh Quán vô lượng thọ nói: “Chư Phật Như lai là thân pháp giới, nhập vào trong tất cả tâm tưởng của chúng sanh.”3 Như phẩm Như lai xuất hiện của kinh Hoa nghiêm, Phạn văn cũng có ý nghĩa ‘tùy nhập’ (anupraviṣṭa). Điều này cùng với sự quán tưởng trong khi tu tập, quán Phật từ bên ngoài rồi đi vào trong thân và tâm của chính mình, tiến đến quán trong chính thân mình có Phật, thân mình là Phật, cũng có quan hệ nhất định.
b) Nghĩa chân như không có sai biệt: Kệ chánh văn của luận nói: “Bởi vì nó trong sáng không có cáu bẩn, thể và tánh không hai.” Bổn tánh hoặc dịch là tự tánh (prakṛti) là thanh tịnh, bất nhị, phần giải thích của luận giải thích là căn cứ vào cái chân như không có sai biệt để nói. Ở chỗ 9 thí dụ, lấy vàng thật để tỉ dụ, như luận này(V) nói:
“Bởi tánh không biến đổi, thể vốn thanh tịnh, nhưng vàng thật không thay đổi, nên nói là dụ chân như.”
“Tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng bình đẳng. Pháp chân như thanh tịnh, gọi là thể Như lai. Vì căn cứ vào nghĩa như thế nên nói tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng.”
Thanh tịnh bất nhị chính là thanh tịnh mà không có biến đổi, bổn tánh là không có sự thay đổi giữa cấu uế và thanh tịnh, mà chỉ là thanh tịnh như vậy như vậy, cho nên dùng sự bất biến của tánh chất của vàng để làm tỉ dụ. Bài kệ sau, bản Hoa dịch có điểm lặp lại, không rõ ràng. Phạn văn của bài kệ này, là cùng với điều mà Đại thừa trang nghiêm kinh luận nói: “Vì tất cả đều không có khác biệt, vì được sự như, thanh tịnh, nên nói các chúng sanh, gọi là Như lai tạng,”4 hoàn toàn tương đồng. Bổn tánh không có sai biệt, là nhằm chỉ bổn tánh của tâm là thanh tịnh mà nói. Bổn tánh thanh tịnh, vì sao có thể gọi là Như lai tạng? Gata hoặc āgata của tathāgata (Như lai), có ý nghĩa là đi đến (hành), đạt đến, đi vào, Như lai là người khế nhập, thể nhập được vào (chân) như, cũng chính là giai đoạn chân như lìa tạp nhiễm để đạt đến sự tối thanh tịnh (pháp giới). Sở dĩ Như lai là chân như thanh tịnh của Như lai, là tất cả đều không có sai biệt, cùng với cái ‘như’ của chúng sanh không có sai biệt gì cả, chỉ là (cái như của) chúng sanh bị phiền não che lấp mà thôi. Như vậy, bổn tánh của chúng sanh vốn thanh tịnh mà bị phiền não che lấp, đương nhiên có thể gọi là Như lai tạng.
c) Nghĩa chủng tánh Phật: chủng tánh (gotra) là một nghĩa quan trọng trong 3 nghĩa của Như lai tạng. Bài kệ chánh văn của luận nói: “Tất cả chư Phật ấy, có thân pháp tánh bình đẳng,” theo bản Phạn, là ‘chủng tánh Phật’. Chủng tánh là danh từ chỉ giai cấp của Ấn độ, như chủng tánh Bà-la-môn, chủng tánh Sát-đế-lợi. Sanh ở trong chủng tánh nào, trên mặt xã hội, thì thuộc vào một chủng tánh. Cho nên chủng tánh có ý nghĩa huyết thống, nếu như huyết thống bất đồng thì không thuộc vào chủng tánh này. Ứng dụng trong Phật pháp, Phật là cao thượng nhất, chúng sanh có thể thành Phật, chúng sanh ấy phải có Phật tánh; chủng tánh Phật là đối với quả Phật mà nói. Trong 9 thí dụ về Như lai tạng, 5 thí dụ sau là thỉ dụ về chủng tánh Phật. Đầu tiên nói: “(Chủng) tánh Phật có 2 loại: một là như kho tàng dưới đất, hai là như quả của cây,” đây là nói theo thông thường. Sau đó theo tượng bằng vàng, Luân vương, ảnh trong kính – 3 dụ, giải thích nhằm phân biệt, như dựa vào chủng tánh để sanh khởi ba thân của Phật. “Bởi dựa vào tự thể tánh của tánh (giới) Như lai trong tạng của các chúng sanh, vì vậy nên nói rằng tất cả chúng sanh có Như lai tạng.” Ý nghĩa ở đây là: dựa vào Như lai giới để nói về (Như lai) tạng của tất cả chúng sanh. Cho nên luận ở trên nói: “Bởi ý nghĩa này, nên nói đến cái nhân (giới) của Như lai tánh. Điều này chứng tỏ ý nghĩa gì? Trong đây chứng tỏ rằng nghĩa của tánh xem như là nghĩa của nhân.”5 Giới của Như lai giới – Như lai tánh, là ý nghĩa của ‘nhân’. Nhờ Như lai giới làm nhân mà có Như lai quả, cho nên chủng tánh là căn cứ vào nhân để nói, căn cứ vào Như lai giới để nói. Trong luận còn dẫn ‘cái tánh (giới) có từ vô thỉ đến nay’ của A-tỳ-đạt-ma Đại thừa kinh, để thuyết minh về chủng tánh; dẫn kinh Thắng man, nói: “Nhờ Như lai tạng nên chứng được niết-bàn; bạch Thế tôn! Nếu như không có cái Như lai tạng ấy, thì không thể chán sự khổ vui để cầu niết-bàn được.” Điều này nhằm thuyết minh rằng: “Như lai tạng: Pháp thân cứu cánh của Như lai là thể tướng chân như không sai biệt, là thể (chủng) tánh rốt ráo chân thật của Phật, ở trong mọi thời, trong mọi thân của chúng san đều không còn dư sót.”6 Như vậy, tuy nói 3 nghĩa, kỳ thật chỉ là một sự. ‘Pháp thân Như lai,’ ‘chân như không sai biệt,’ ‘(chủng) tánh rốt ráo chân thật của Phật’ không phải chính là 3 nghĩa của Như lai tạng ư? Cho nên 3 nghĩa chỉ là một sự, nhưng cách trình bày khác nhau: theo Phật để nói đến sự có mặt khắp trong chúng sanh, là ý nghĩa có mặt khắp nơi của Pháp thân; từ chúng sanh để nói đế sự có Phật tánh, là ý nghĩa của chủng tánh Phật; theo sự bình đẳng của chúng sanh và Phật để nói, là ý nghĩa chân như không có sai biệt. Tuy có 3 nghĩa, nhưng đều nhằm thuyết minh ‘tất cả chúng sanh có Như lai tạng.’
Luận Bảo tánh là dùng 3 nghĩa để thuyết minh Như lai tạng, như trình bày ‘tự thể’ của Như lai tạng, luận này(VI) nói:
“Tự tánh luôn luôn không ô nhiễm, như vật báu, hư không, nước sạch.”
Trong bản dịch tiếng Hoa, 3 thí dụ này bị thiếu. Theo bản Phạn và bản Tạng văn, rõ ràng cũng dựa vào 3 nghĩa này để nói. Sức oai thần của Pháp thân Như lai có khả năng thành tựu cho chúng sanh, như viên bảo châu ma-ni có thể tùy theo ý muốn của chúng sanh mà thành tựu. Chân như không thay đổi, giống như hư không. Chủng tánh Như lai khởi lên tâm từ bi nhu hòa đối với chúng sanh, giống với sự thấm đượm của nước sạch. Tuy có 3 thí dụ, đã thí dụ giống nhau về ‘tự tánh luôn luôn bất nhiễm,’ bổn tánh thanh tịnh, đây chính là tự thể của Như lai tạng.7 Trình bày khác nhau, kỳ thật là liên hệ với nhau. Như trong 4 chương lớn, trình bày Như lai tạng là ‘giới’. Chín thí dụ về Như lai tạng, bản Hán dịch nói: “Chư Phật ấy là dụ cho Như lai tạng;’ thẳng đến ‘cái dụ mò tìm bức tượng là tương tợ Như lai tạng,’ bản Phạn văn đều là Như lai giới. Lại như ‘chân như có cáu bẩn, và xa rời các cáu bẩn,’ chính là 2 chương Phật giới (buddhadhātu) và Phật bồ-đề (buddha-bodhi), thế thì Phật giới và Như lai tạng đều chính là chân như có cáu bẩn (samalā-tathatā). Tóm lại, theo luận Bảo tánh nói, Pháp thân (có mặt khắp trong chúng sanh), chân như (thanh tịnh bất nhị), (chúng sanh có) Như lai giới – chủng tánh, là một thể mà có 3 nghĩa, Như lai tạng là dựa vào đây để lập danh. Bổn tánh thanh tịnh (prakṛti-pariśuddha) của Như lai tạng, ở trong khi bị phiền não che lấp (kleśa-kośa), vẫn là vốn trong sáng. Bổn tánh trong sáng mà vẫn ở trong tạng phiền não, cho nên nói ‘tất cả chúng sanh có Như lai tạng,’ là theo vị trí chúng sanh để nói. Điểm rút ra từ tánh vốn thanh tịnh của trong vị trí chúng sanh, điều tối quan trọng là: Như lai tạng là tánh chất ‘nhân’ để thành Phật.
2. Tự tánh thanh tịnh tâm: những kinh Đại thừa có liên quan đến Như lai tạng, đã nói đến tự tánh thanh tịnh tâm (prakṛti-pariśuddha-citta). Đặc trưng của thuyết Như lai tạng là trong khi chúng sanh bị phiền não che lấp, có Như lai với bổn tánh thanh tịnh. Bổn tánh thanh tịnh mà bị phiền não che lấp, có ý nghĩa chung với ‘tâm vốn thanh tịnh, bị khách trần làm nhiễm ô’ mà kinh Tăng nhất A-hàm đã nói, cho nên kinh điển thuộc thuyết Như lai tạng, cũng sẽ nói đến tự tánh thanh tịnh tâm. Tự tánh thanh tịnh tâm là tên gọi khác của Như lai tạng, nhưng khác với Như lai tạng, trong pháp nghĩa của Phật giáo, có nguồn gốc dài lâu. Kinh Thắng man, khi nói về Như lai tạng, nói như vầy: “(tự) tánh thanh tịnh tâm, khó có thể biết được; tâm ấy bị phiền não làm ô nhiễm, cũng khó biết được.”8 Tự tánh thanh tịnh tâm được nói đến ấy, chính là ‘tự tánh thanh tịnh Như lai tạng.’ Kinh Bất tăng bất giảm nói: “Ta y theo chân như pháp giới thanh tịnh này, vì chúng sanh, nói là bất khả tư nghị pháp tự tánh thanh tịnh tâm.”9 Chân như pháp giới thanh tịnh mà được nói đến ấy, chính là tên gọi riêng của Pháp thân, chúng sanh, Như lai tạng, tự tánh thanh tịnh tâm. Trong luận Bảo tánh, khi nói về Như lai giới, tự tánh thanh tịnh tâm là tên riêng của Như lai tạng; khi nói về bồ-đề của Như lai tạng, cũng chính là tự thể của Phật, như luận này(VII) nói:
“Đề cập đến Pháp thân của Phật, [thì nó là] tự tánh có cái thể thanh tịnh.”
“Sự thanh tịnh ấy, tóm lược có 2 loại, những gì là 2? Một là, tự tánh thanh tịnh; hai là, thanh tịnh do lìa cáu bẩn. Tự tánh thanh tịnh ấy là (tự) tánh giải thoát, không có xả ly thứ gì, bởi nó là tâm thể có tự tánh thanh tịnh, không xả bỏ mọi khách trần phiền não, bởi nó vốn không có tương ưng [với phiền não]. Sự thanh tịnh do lìa các cáu bẩn, nghĩa là đắc được giải thoát. Lại nữa, sự giải thoát ấy không lìa mọi pháp, như nước không rời các cáu bẩn, v.v., mà nói nó trong sạch; bởi tự tánh là tâm thanh tịnh, xa rời khách trần là những phiền não cáu bẩn, không còn sót lại thứ gì.”
Tự tánh thanh tịnh là Như lai tạng – vị trí chúng sanh; sự thanh tịnh do lìa cáu bẩn là địa vị Phật. Kỳ thật, Phật cũng vẫn có tự tánh thanh tịnh, nhân vì tâm từ xưa vốn không tương ưng với phiền não. Lìa phiền não, được giải thoát, cũng chỉ là vốn đã thanh tịnh. Cho nên tự tánh là tâm thanh tịnh ấy, ở trong địa vị chúng sanh không có giảm đi, khi thành Phật cũng không có tăng thêm, như nói: “không giảm một pháp là không giảm phiền não; không tăng một pháp là trong tánh chân như không tăng thêm một pháp nào, vì xả ly cái thể thanh tịnh.”10
Tự tánh thanh tịnh tâm là hợp từ của tâm, tự tánh, thanh tịnh. Tâm (citta) là tâm của tâm – ý – thức. Tự tánh (prakṛti), cũng dịch là bổn tánh, như bổn tánh không (prakṛti-śūnyatā) trong kinh Bát-nhã, hoặc nói gọn là ‘tánh không’, chính là prakṛti. Prakṛti có ý nghĩa là bổn nguyên của sự vật, như 25 đế do Số luận (Sāṃkhya) lập ra, cái tự tánh tương đương với ngã (ātman) chính là prakṛti, là cái bổn nguyên phát triển thành muôn hình muôn vẻ. Trong Phật pháp đặc biệt có từ svabhāva, ý nghĩa là tự có mặt, tự hình thành, thông thường cũng dịch là tự tánh. Tất cả pháp đều không có tự tánh mà pháp môn Bát-nhã nói, chính là không có svabhāva. Tự tánh không (svabhāva-śūnyatā), vô tánh tự tánh không (abhāva-svabhāva-śūnyatā) mà kinh Bát-nhã đã lập nên, Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch là hữu pháp không và vô pháp hữu pháp không; tự tánh và hữu pháp cũng chính là svabhāva. Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) chia chẻ cái giả để thấy cái thật, y cứ vào tướng để lập nên pháp, nên nói tất cả pháp đều có ‘tự tánh’ (svabhāva). Luận Đại tỳ-bà-sa nói: “Như nói, tự tánh, ngã, vật, tự thể, tướng, phần, bổn tánh, nên biết cũng như vậy.”11 Theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, tự tánh (svabhāva) và bổn tánh (prakṛti) được xem như là cùng một ý nghĩa. Kinh Bát-nhã và Long thọ (Nāgārjuna) luận, dựa vào bổn tánh không nên nói vô tự tánh không, là có ý nghĩa đối trị ‘tự tánh’. Đại thừa hữu tông chịu ảnh hưởng của Thuyết nhất thiết hữu bộ, dù là kinh hay luận, đều ứng dụng danh từ ‘tự tánh’ (svabhāva), đôi khi cũng nói svabhāva-śuddha – tự tánh thanh tịnh. Prakṛti và svabhāva tuy được xem là có ý nghĩa liên hệ với nhau, nhưng nói bổn tánh thanh tịnh của tâm thì phần lớn đều sử dụng prakṛti. Sự thanh tịnh của tâm có tự (bổn) tánh thanh tịnh, Phạn văn chủ yếu là prabhāsvara, có nghĩa là thanh tịnh sáng rỡ, như tâm thanh tịnh mà kinh A-hàm (Pāli gọi là pabhassara) và kinh Bát-nhã đã nói. Trong luận Bảo tánh, bổn tánh thanh tịnh tâm mà tương đối với phiền não, cũng ứng dụng thuật ngữ này. Như đối với không thanh tịnh thì nói là thanh tịnh, hoặc nói tất cả pháp đều thanh tịnh, thường dùng śuddha hoặc viśuddha; kinh Bát-nhã nói tất cả pháp đều thanh tịnh, cũng là dùng viśuddha. Còn có pariśuddha, nghĩa là thuần tịnh, cực tịnh, đại để dùng cho sự thể nhập và thấy sự thanh tịnh, chứng đắc thanh tịnh, sự thanh tịnh do sự lìa phiền não hiện ra.
Bổn tánh thanh tịnh tâm, tâm bổn tánh thanh tịnh có nguồn gốc sâu xa từ kinh Tăng nhất A-hàm, là kinh làm tông chỉ của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), Phân biệt luận giả (Vibhajyavādin). Thuyết Như lai tạng nói Như lai thường trụ bất biến ấy, đã dung hợp thuyết tâm tánh bổn tịnh, nên nói ‘(tự bổn’ tánh thanh tịnh tâm.’ Từ kinh A-hàm về sau, tâm tánh thanh tịnh là cách nói đối lập với khách trần phiền não (āgantuka-kleśa), bao hàm có mối quan hệ giữa chủ thể - bổn tánh (prakṛti) và khách tánh (āgantukatva). Phiền não là thứ phụ thuộc, tuy hiện khởi ra tướng nhiễm ô, nhưng không thể làm biến đổi sự thanh tịnh của bổn tánh của tâm. Phiền não vì sao không thể ảnh hưởng đến tâm, mà có thể giữ gìn được bổn tánh thanh tịnh của tâm được? Luận Bảo tánh(VIII) dẫn kinh Thắng man nói:
“Bạch Thế tôn! Tâm thiện sát-ni-ca chẳng bị phiền não làm ô nhiễm; tâm bất thiện sát-ni-ca cũng chẳng bị phiền não làm ô nhiễm. Phiền não không tiếp xúc với tâm, tâm không tiếp xúc với phiền não, thì vì sao pháp không tiếp xúc mà có thể làm tâm bị ô nhiễm được? Bạch Thế tôn! Nhưng, có phiên não, có tâm bị phiền não làm ô nhiễm, cái tâm có tự tánh thanh tịnh mà có nhiễm ô ấy, khó thể hiểu rõ được!”(b)
Mối quan hệ của khách trần phiền não và bổn tánh thanh tịnh, theo lời kinh Thắng man nói, thì có thể hiểu được ít nhiều. Trên phương diện hiểu biết thông thường, tâm của chúng ta, hoặc tương ưng với phiền não, dường như tâm cũng thành nhiễm ô. Đại chúng bộ nói: tất cả pháp chỉ có tánh thiện và tánh bất thiện, không có tánh thứ 3 – tánh vô ký. Luận Bảo tánh cũng nói: “Trong pháp giới, tâm thiện và tâm bất thiện đi với nhau, càng không có tâm thứ 3.”12(c) Theo Thế tục đế nói: tâm không dừng trú trong từng sát-na – sát-ni-ca. Tâm thiện sanh diệt không dừng trú, không tương ưng với phiền não, đương nhiên [phiền não] không thể khiến tâm trở thành nhiễm ô. Tâm bất thiện [sanh diệt] trong từng sát-na, cũng không phải do phiền não làm nhiễm ô, bởi vì tâm không thể thiếp xúc với phiền não, phiền não cũng không thể tiếp xúc với tâm. Vì sao không thể tiếp xúc (hòa hợp)? Tâm và phiền não đồng thời, ngay khi sanh liền diệt, không thể khiến có sanh có diệt, thành nhiễm thành tịnh đồng thời cùng xảy ra. Kinh Tăng nhất A-hàm nói: “mỗi pháp mỗi pháp tự sanh, mỗi pháp mỗi pháp tự diệt, mỗi pháp mỗi pháp tác động nhau, mỗi pháp mỗi pháp tự dừng (định),”13 chính là qui tắc ‘mỗi pháp mỗi pháp không đến với nhau, mỗi pháp mỗi pháp không biết nhau.’ Đây là sanh diệt không dừng trong từng sát-na, ngay khi hiểu ra sự bất động, mỗi pháp mỗi pháp trụ nơi tự tánh của nó, thì làm sao có thể làm nhiễm ô tâm được! Nhưng mà, trong Thế tục đế, có phiền não, có tâm bị phiền não làm ô nhiễm nên trở thành bất thiện (Hữu bộ gọi là ‘tương ưng bất thiện’); gọi là tâm bất thiện, mà tâm lại vẫn là bổn tánh thanh tịnh, điều này thật sự khó hiểu được! Thượng tọa bộ (Sthavira) lập nên tâm vô ký, cho nên không thể nói (bổn tánh) tâm có thiện ác, vì tương ưng với bất thiện nên trở thành tâm bất thiện. Đại chúng bộ không lập nên tâm vô ký, cho nên tuy có hiện tượng của tâm ô nhiễm, nhưng tâm không mất đi bổn tánh thanh tịnh. Từ sự bất lập nên vô ký, bổn tánh và khách tánh để đi lý giải mới có thể lý giải chính xác tâm có bổn tánh thanh tịnh trong thuyết Như lai tạng. Thuyết Như lai tạng tảo kỳ, tâm có bổn tánh thanh tịnh vẫn không phải là thức thanh tịnh thứ 8 hoặc thức thứ 9 được truyền bá, chỉ là 6 thức – bổn tánh của tâm thức bình thường, nhưng do gọi theo thói quen nên mê mờ quên là 6 thức mà thôi. Kinh Thắng man dùng tâm [sanh diệt trong] sát-na để biểu thị cho tâm có bổn tánh thanh tịnh. Như lai tạng thiền (tathāgatagarbha-dhyāna) truyền đến Trung quốc, trở thành Thiền tông, như Đàn kinh của Lục tổ nói: “Chỉ khi nào có thể lìa mọi tướng thì [nhận biết] tánh thể là thanh tịnh.” “Vì bổn tánh của con người không dừng trú trong từng niệm từng niệm,… khi trong từng niệm từng niệm, không trú vào trên mọi pháp. (Nếu có) một niệm trụ thì những niệm khác liền trụ, gọi đó là trói buộc; từng niệm từng niệm không trụ trên mọi pháp thì liền không có trói buộc vậy, lấy vô trụ làm gốc:”14 cũng là trong từng niệm từng niệm không dừng trú mà thấy được bổn tánh. Ở ngoài vọng tâm lập nên chân tâm riêng, e không phải là nghĩa chính xác của Như lai tạng học!
3. Bất không và chủng tánh: kinh Thắng man lập nên không Như lai tạng (śūnya-tathāgata-garbha), bất không Như lai tạng (aśūnya-tathāgata -garbha), như luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh(IX) dẫn kinh nói:
“Kinh Thắng man nói: Bạch Thế tôn! Có hai loại không trí Như lai tạng. Bạch Thế tôn! Không Như lai tạng là sự hoặc lìa, hoặc thoát khỏi, hoặc khác với tạng của tất cả phiền não. Bạch Thế tôn! Bất không Như lai tạng là Phật pháp vượt quá số cát sông Hằng, không lìa, không thoát, không khác, không thể suy lường.”(d)
Luận Bảo tánh kế thừa thuyết của kinh Thắng man. Theo thuyết Như lai tạng, các kinh Đại thừa như Bát-nhã, v.v., nói về ‘không’ là chính xác, nhưng vẫn là thuộc bất liễu nghĩa. Như lai tạng là bổn tánh thanh tịnh tâm, chú trọng vào sự không của khách phiền não. Đối với bổn tánh thanh tịnh tâm mà nói, thì phiền não là khách tánh – là cái vẻ bên ngoài, là phụ thuộc, là vốn khác biệt nên tách rời với tâm tánh thanh tịnh của tâm. Chúng sanh ở trong sanh tử, có phiền não, có nghiệp và khổ ấm, cũng chính là pháp hữu vi (saṃskṛta-dharma). Kinh Đại pháp cổ nói: “Không là tự tánh của tất cả pháp hữu vi kia.”15 Kinh Ương-quật-ma-la nói: “Lìa tất cả phiền não và ấm của trời và người, vì vậy gọi là không.”16 Kinh Đại bát-niết-bàn nói: “Không ấy, nghĩa là không có 25 hữu và các phiền não, tất cả khổ, tất cả tướng, tất cả hành thuộc hữu vi.”17 Đây đều là nói các hành thuộc hữu vi là không. Kinh Bất tăng bất giảm và kinh Thắng man xem Như lai tạng là tự tánh thanh tịnh tâm, cho nên chỉ nói phiền não không, phiền não là căn nguyên của sự tạo nghiệp rồi thọ khổ. Theo thuyết không Như lai tạng, thì Như lai tạng, tự tánh thanh tịnh tâm, chân như, pháp giới cũng có thể nói là không, mà kỳ thật là nói lìa các hành phiền não, các hành phiền não không mà thôi; các hành là không, mà Như lai tạng, tâm thể có tự tánh thanh tịnh chẳng phải không. Như lai tạng có pháp (công đức) của Phật vô số lượng không thể suy lường, tương ưng với Như lai tạng, không khác biệt nên không thể phân ly. Như luận Bảo tánh nói: “Bất không Như lai tạng, nghĩa là Phật pháp vô thượng, không có tướng, thoát khỏi tướng.”18(e) Vô thượng Phật pháp không rời nhau, chính là cái được gọi là tánh công đức, đây không chỉ là có, vả lại còn có tác dụng, như luận Bảo tánh nói: “Nếu không có Phật tánh (giới) ấy, thì không chán các thứ khổ được, không cầu cái vui của niết-bàn, cũng không mong muốn, không ước nguyện.” “Thấy quả khổ, quả vui là do nhờ (chủng) tánh này mà có; nếu không có Phật tánh thì không khởi lên tâm như vậy được.”19 Thấy cái khổ của thế gian nên muốn lìa khổ, thấy cái vui của niết-bàn nên muốn đắc niết-bàn, chán khổ cầu vui nên cái tâm ước nguyện, mong muốn được phát sanh, là động lực căn bản của sự lìa khổ được vui, xả phàm thành Thánh, thành Phật của chúng sanh. Cái khuynh hướng hướng đến ánh sáng, hỉ lạc, tự tại này chính là cái mà thuyết Như lai tạng gọi là nghiệp dụng của tánh công đức. Nghĩa chủng tánh (gotra) trong 3 nghĩa của Như lai tạng, là nghĩa chính của Như lai tạng, chỉ cho pháp công đức của Phật là vô số, không thể suy lường mà tương ưng với Như lai tạng, cũng dựa vào thuyết ‘tất cả chúng sanh đều có Phật tánh’ này. Nhưng Như lai tạng ở trong thân chúng sanh, không nhất định có thể phát tâm bồ-đề, cầu thành Phật đạo, vấn đề ở đây là tuy có động cơ chán khổ cầu vui nhưng không có gặp gỡ, thân cận thiện tri thức, chưa từng tu tập tín tâm về Đại thừa, cho nên hoặc học pháp Nhị thừa, hoặc chỉ cầu cái vui thuộc thế gian, nhưng luôn luôn phải dựa vào Như lai tạng để thành Phật. Luận Bảo tánh dẫn lời của kinh Pháp hoa rằng “thậm chí trong thân chúng sanh có khối tà kiến, v.v., cũng đều có mặt trời Như lai chiếu sáng,”(f) chính là trình bày ý nghĩa này.20 Như vậy, căn nguyên của thế gian, xuất thế gian, xuất thế gian thượng thượng pháp đều là nghiệp dụng của công đức không thể suy lường của Như lai tạng. Là chủng tánh để thành Phật cho nên gọi là Như lai giới (tathāgata-dhātu), giới chính là nghĩa ‘cái nhân’.
Có thể nói Như lai tạng là không, nhưng không là cái chẳng tương ưng với phiền não, v.v., nên tự thể của Như lai tạng là pháp công đức không thể suy lường, tương ưng với Như lai tạng là chắc chắn bất không. Như lai tạng có hai nghĩa là không và bất không, chính là lập trường rằng pháp hư vọng là không, pháp chân thật là bất không. Hoặc giả từ duyên khởi có và tánh không, diệu hữu và chân không để giải thích, hiển nhiên là không phù hợp với ý gốc của Kinh và Luận. Như lai tạng có nghĩa không và bất không, mà kinh Thắng man lại nói: có 2 loại không trí của Như lai tạng.21 Không và bất không đều gọi là không trí (śūnyatā-jñāna), quyển 4 của luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh(X) giải thích rằng:
“Như vậy, những phiền não nào không có ở những chỗ nào, bởi thấy và biết đúng như thật như thế nên gọi là không trí. Lại nữa, những Phật pháp nào có đầy đủ ở những nơi nào, bởi thấy và biết đúng như thật như thế nên gọi là bất không trí. Như vậy hiểu rõ và lìa hai bên hữu và vô, biết đúng như thật về không tướng. … Bởi lìa không trí môn đệ nhất nghĩa, không có phân biệt cảnh giới, không thể chứng đắc, không thể thấy được, vì vậy bậc Thánh giả trong kinh Thắng man thưa: Bạch Thế tôn! Như lai tạng trí được gọi là không trí [của Như lai].”(g)
Cái nào không thì biết là cái đó không, thì lìa hữu biên [chấp hữu] [tức là cái chấp] tăng thêm; cái nào chẳng phải không thì biết cái đó chẳng phải không, lìa vô biên [chấp vô] [tức là cái chấp] giảm bớt. Cũng có thể nói: “Khách trần hư vọng làm ô nhiễm, tự tánh vốn không,’ biết rằng vốn là không, cho nên ‘không giảm một pháp nào’. ‘Bất không Như lai tạng, đó là Phật pháp vô thượng, không rời bỏ tướng,’ vốn có đầy đủ, cho nên ‘trong tánh chân như, không tăng thêm một pháp nào.’ Như vậy, thấy và biết về không và bất không, chẳng tăng chẳng giảm, có thể lìa khỏi được hai bên hữu và vô. Trung đạo mà lìa hai bên ấy, có khả năng biết đúng như thật về không tướng (śūnyatālakṣaṇa), Như lai tạng trí cũng được gọi là không (tánh) trí, tánh không là không có phân biệt về trí và cảnh. Bởi không là không có [vô], nhân vì không nên sự thanh tịnh của tự thể Như lai tạng được hiện rõ, nên gọi là tánh không, cùng với điều mà những người thuộc phái Du-già đã nói giống nhau. Dựa vào sự chứng được cái trí không có phân biện về tánh không đệ nhất nghĩa (paramārtha-śūnyatā), cho nên dẫn ý nghĩa của kinh Ma-ha Bát-nhã, kinh Kim cang Bát-nhã.22 Cái trí căn bản chứng về không tánh đệ nhất nghĩa được gọi là không tánh trí, đã thấu suốt được các kinh điển tương ưng với không [những kinh điển nói về không] của Đại thừa sơ kỳ.
Kinh Đại Bát-niết-bàn nhiều lần nói: “Cái ngã ấy chính là nghĩa của Như lai tạng; tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, tức là nghĩa ‘ngã’.” “Cái chân ngã được gọi là Phật tánh;” “ngã tánh và Phật tánh chẳng phải hai, chẳng phải khác biệt.”23 Ngã (ātman), Phật tánh (buddha-dhātu, buddha-garbha), Như lai tạng (tathāgata-garbha), là cùng một nội dung. Cái ngã mà phần đầu của kinh Niết-bàn đã nói, trừ cái ngã trong thường-lạc-ngã-tịnh của quả vị Phật ra, cái chân ngã là chú trọng vào trong địa vị chúng sanh. Kinh Ương-quật-ma-la cũng nhiều lần nói ‘Như lai tạng ngã.’ Hai bộ kinh này, cùng với Như lai tạng, Phật tánh mà kinh Như lai tạng đã nói, có nhiều sắc thái thần ngã. Kinh Thắng man xem Như lai tạng là bổn tánh thanh tịnh tâm, cho nên nói đến cái thường-lạc-ngã-tịnh của quả vị Phật, mà không nói lại cái (Như lai tạng) ngã của địa vị chúng sanh. Luận Bảo tánh cũng là như vậy, chỉ nói cái thường-lạc-ngã-tịnh của quả vị. Phần giải thích của luận này dẫn bài kệ nói: “Như, thanh tịnh, chân không; đắc đệ nhất vô ngã, chư Phật đắc tịnh thể, nên gọi đặc đại thân;”(h) giải thích đại thân (mahākāya) “là thật ngã của chư Phật Như lai.”24 Bài kệ này tương đồng với bài kệ của Đại thừa trang nghiêm kinh luận, cũng dựa theo Phật quả để nói.25 Tuy nhiên trong địa vị chúng sanh vẫn có thể nói về ý nghĩa của ngã, nhưng trên mặt biểu hiện văn tự, sắc thái tự ngã của Như lai tạng trong kinh đã được làm nhạt rất nhiều rồi vậy! Đây là khuynh hướng chung của chủ luận Bảo tánh và học giả Du-già.
4. Chuyển y: từ sanh tử của chúng sanh đến niết-bàn của Như lai, giới Phật giáo đương thời đã đề xuất một từ chuyển y (āśraya-parāvṛtti). Trong luận Bảo tánh bản dịch Hán, chuyển y được dịch là ‘chuyển thân,’ ‘chuyển’ hoặc ‘chuyển đắc’. Sanh tử là cái thuộc tạp nhiễm, niết-bàn là cái thuộc thanh tịnh, giống như hai cái không can hệ gì nhau, nên không thể nói người nào đó đã thành Phật nên đắc được niết-bàn. Vốn là, từ đời trước đến đời sau, từ sanh tử đến giải thoát, trong khoảng trước và sau có liên quan gì nhau, giữa các bộ phái sớm đã có suy xét đến, có người đề xuất ra cách giải thích bằng cái ngã không thể diễn tả (anabhilāpya-pudgala), cái ngã theo thắng nghĩa (paramārtha-pudgala). Kinh Đại Bát-niết-bàn nói: “Cái gì là ngã ? Nếu pháp nào là thật, là chân, là thường, là chủ, là chỗ nương tựa, tánh của nó không thay đổi, đó gọi là ngã.”26 Ngoại đạo lập nên ý nghĩa của ngã, cũng đại khái là như vậy. Trong các bộ luân như luận Bảo tánh, v.v., đã đề xuất ra thuyết chuyển y. Y (āśraya) là nương tựa, là cái thể làm chỗ nương tựa của sanh tử và niết-bàn; nhờ vào đây, từ sanh tử mà chuyển hóa thành niết-bàn, chính là chuyển y. Thắng man phu nhân hội trong quyển 119 của kinh Đại bảo tích(XI) nói:
“Sanh tử ấy nương tựa vào Như lai tạng; vì Như lai tạng, nên nói tiền tế không thể biết rõ được. Bạch Thế tôn! Vì có Như lai tạng nên có được sanh tử, đó gọi là khéo thuyết. … Như lai tạng ấy là thường hằng không hoại diệt. Vì vậy, bạch Thế tôn! Như lai tạng ấy không rời giải thoát trí tạng, là chỗ nương tựa, là cái duy trì, là cái xây dựng; cũng không rời các pháp hữu vi thuộc trí chẳng giải thoát, là chỗ nương tựa, là cái duy trì, là cái xây dựng.”
Dựa vào Như lai tạng nên mới có thể khéo thuyết rằng chúng sanh có sanh tử và niết-bàn, Như lai tạng là chỗ nương tựa của sanh tử và niết-bàn. Từ sanh tử mà chuyển thành niết-bàn, chính là chuyển y của Như lai tạng – chuyển cái chỗ nương tựa của sanh tử thành chỗ nương tựa của niết-bàn. Kinh Bất tăng bất giảm nói: Như lai tạng “là căn bản của tất cả pháp;” “duy trì tất cả pháp, thâu tóm tất cả pháp,”27 cũng chính là ý nghĩa của sự nương tựa.
Sanh tử dựa vào Như lai tạng, như luận Bảo tánh(XII) nói:
“Đất nương vào nước để trụ, nước lại nương vào gió, gió nương vào hư không, hư không thì không nương vào đất, v.v. … Ấm-nhập-giới giống như đất, phiền não, nghiệp giống như nước, bất chánh niệm giống như gió, tịnh tâm giới giống như hư không. Dựa vào tánh (giới) khởi lên tà niệm, niệm khởi lên phiền não, nghiệp, dựa vào cái nhân là phiền não và nghiệp ấy, có khả năng khởi lên ấm-nhập-giới. Nương tựa vào các pháp gồm 5 ấm, nhập, giới, v.v., có sự sanh diệt của các căn, giống như sự hình thành và hủy hoại của thế giới. Tâm thanh tịnh giống như hư không, nên không có nhân cũng không có duyên, và không có cái nghĩa hòa hợp, cũng không có sanh, trụ, diệt. Giống như cái tâm thanh tịnh như hư không ấy luôn luôn trong sáng không có chuyển biến, vì phân biệt sai lầm nên bị khách trần phiền não làm ô nhiễm.”(i)
Sanh tử là sự sanh khởi và hư hoại của các căn. Tâm thanh tịnh là tên gọi khác của Như lai tạng. Tà niệm, không chánh niệm, tư duy bất thiện đều là cách dịch khác của tác ý không đúng như lý (ayoniśo-manasikāra - bất như lý tác ý). Suy tìm nguồn gốc của sanh tử, đạt đến sự tác ý không đúng như lý, sự tác ý không đúng như lý là dựa vào tâm thanh tịnh. Đây chính là do sanh tử dựa vào Như lai tạng mà có, nhưng Như lai tạng tịnh tâm lại không có nương vào nơi nào cả giống như hư không vậy, cũng không chịu ảnh hưởng của sanh tử mê lầm. Duy-ma-cật sở thuyết kinh nói: thân lấy dục tham làm gốc, dục tham lấy hư vọng làm gốc, sự phân biệt hư vọng lấy cái tưởng điên đảo làm gốc, cái tưởng điên đảo lấy vô trụ làm gốc; “vô trụ thì không có gốc,” “từ cái gốc vô trụ ấy mà lập nên tất cả pháp,”28(j) cùng với ý nghĩa nương nơi Như lai tạng mà có sanh tử là gần nhau. Tất cả đều không lìa khỏi chân như (tathatā), tất cả đều không ra ngoài pháp giới (dharma-dhātu), giống như ngay cả tất cả sắc đều không lìa khỏi hư không vậy. Nhưng trong Như lai tạng học, Như lai tạng là bất sanh bất diệt, thường trụ bất biến, vốn là thanh tịnh, không rời Phật pháp vô biên, lại có đầy nội dung phong phú. ‘Vì phân biệt sai lầm nên bị khách trần phiền não làm ô nhiễm,’ cho nên có sanh tử, nếu như xa rời cái phân biệt sai lầm ấy, thì ra khỏi tạng phiền não, như hư không phục hồi lại cái tính trong sáng vốn có của nó, đó chính là bồ-đề và niết-bàn – chuyển y. Luận Bảo tánh(XIII) nói:
“Cái như mà không có cáu bẩn ấy,… ở trong (pháp) giới vô lậu, xa lìa tất cả các loại cáu bẩn, chuyển cái thân nhơ uế, được cái thân trong sạch vi diệu.”(k)
“Như lai tạng không rời sự trói buộc của tạng phiền não, do xa lìa các phiền não, chuyển thân được thành thanh tịnh, đó gọi là thật thể (chuyển y).”(l)
Phần ‘chân như lìa cáu bẩn’ được luận Bảo tánh nói đó, gọi là phẩm ‘Bồ-đề,’ bản Hán dịch gọi là phẩm ‘Chuyển thân thanh tịnh thành bồ-đề.’ Toàn bộ bộ luận này chia làm 8 nghĩa, cùng với 6 nghĩa ‘pháp giới của chư Phật là thanh tịnh’ của phẩm Bồ-đề trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận, là nhất trí với nhau. Thật thể (tự tánh - svabhāva) mà chuyển y thành thanh tịnh, chính là Như lai tạng mà lìa cáu bẩn được thanh tịnh, như luận Bảo tánh nói: “[Bởi] công đức của Phật không có cáu bẩn, thường hằng và bất biến.”(m) “Thân Phật không xả ly, là pháp thanh tịnh vi diệu chân thật, như hư không, mặt trời, mặt trăng, chẳng phải là hai với cái trí lìa ô nhiễm. Phật pháp vượt hơn số cát sông Hằng, các công đức trong sáng, chẳng tương ưng với pháp được làm ra, không rời cái thật thể ấy.”29(n) Thật thể của chuyển y là không rời tất cả công đức trong sáng, thường hằng bất biến, chẳng phải là pháp được làm ra. Nói đến ‘chuyển thân thành thật thể thanh tịnh,’ có 2 sự thanh tịnh, trong ấy “Cái ly cấu được thanh tịnh, đó là được giải thoát. Lại nữa, sự giải thoát ấy không rời tất cả pháp, như nước không rời các cáu bẩn mà nói là trong sạch, bởi vì tự tánh thanh tịnh tâm xa rời sự dơ bẩn của khách trần là các phiền não, không còn sót lại thứ gì nữa.”30(o) Lìa dơ bẩn được thanh tịnh chỉ là sự thanh tịnh vốn có như thế. Theo cái trí có khả năng chứng đắc mà nói, thì nói 2 loại trí vô phân biệt là ‘nhân;’ theo sự lìa phiền não để chứng đắc mà nói, thì nói sự xa lìa 2 thứ chướng là ‘quả’. Kỳ thật, chỉ là thật thể của ‘cái trí ly nhiễm không có hai’. Luận Bảo tánh(XIV) nói:
“Dựa vào cái quả ấy do lìa cáu bẩn mà được thanh tịnh ấy nên nói… có đủ công đức không có cáu bẩn, hiện rõ chính là cái thể ấy. Sự ngon ngọt của mật con ong chúa, sự cứng chắc, sạch sẽ của vàng thật, cái kho báu, cái quả của cây, cái tượng bằng vàng thật không có dơ bẩn, thân của Chuyển luân thánh vương, cái tượng của Như lai bằng các loại báu vi diệu: các pháp như thế ấy chính là thân Như lai.”(p)
Cái thân Như lai mà do chuyển y đắc được ấy, nêu ra 9 thí dụ của kinh Như lai tạng, đây chính là đã giải thích điều đó, Như lai tạng có đủ tất cả công đức, ra khỏi tạng phiền não, chính là Pháp thân (dharmakāya) của Như lai. Chuyển y, bồ-đề, tất cả công đức là vốn có đầy đủ mà luận Bảo tánh nói ấy, so với học giả Du-già, rõ ràng đã chọn lấy quan điểm bất đồng.1 Đại Bảo tích kinh 112, Phổ minh Bồ-tát hội, T. 11, tr. 632b.
2 Trung quán luận sớ 3, T. 42, tr. 40c.
3 Mật tông đạo thứ đệ (lược) luận, Hiện đại Phật giáo học thuật tùng sang, Mật tông tư tưởng luận tập, tr. 248.
4 Cảnh đức truyền đăng lục 9, T. 51, tr. 267c.
(I) Cảnh đức truyền đăng lục 3, T. 51, tr. 218b.
1 Phật tánh luận là bộ luận giải thích chương Như lai giới của Bảo tánh luận, nhưng nội dung lại tiếp cận Du-già học, cho nên để lại trình bày ở chương sau.
2 Khai nguyên Thích giáo lục 6, T. 55, tr. 540b.
3 Đại Đường nội điển lục 4, T. 55, tr. 269b.
4 Trung Thôn Đoan Long, Phạm Hán đối chiếu Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận nghiên cứu, Tự thuyết, tr. 1-2.
(I) Bà-tẩu-bàn-đậu Pháp sư truyện, T. 50, tr. 191a.
(a) buddhadhātur buddhabodhir buddhadharmā buddhakṛtyam | gocaro ’yaṃ nāyakānāṃ śuddhasattvair apy acintyaḥ || 1 || Ratnagotravibhāgo mahāyānottaratantraśāstram
5 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 846c, 847a.
(b) āśraye tatparāvṛttau tadguṇeṣv arthasādhane | caturvidhe jinajñānaviṣaye ’smin yathodite || 7 || Ratnagotravibhāgo mahāyānottaratantraśāstram
6 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 1, T. 31, tr. 820c.
7 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 1, T. 31, tr. 821b-822b.
8 Vô thượng y kinh, q. thượng, T. 16, tr. 470c-471a, 473b-c.
9 Du-già sư địa luận 74, T. 30, tr. 707a, 707a-b. Hiển dương Thánh giáo luận 8, T. 31, tr. 517a, 517a-c.
10 Thắng Thiên vương bát-nhã ba-la-mật kinh 3, T. 8, tr. 700c-702a.
11 Thắng Thiên vương bát-nhã ba-la-mật kinh 7, T. 8, tr. 722b-723c.
12 Thắng Thiên vương bát-nhã ba-la-mật kinh 7, T. 8, tr. 725a.
13 Xin xem tác phẩm của tôi: Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, tr. 610-612.
14 Đại thừa pháp giới vô sai biệt luận, T. 31, tr. 892a.
15 Trung Thôn Đoan Long, Phạm Hán đối chiếu Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận nghiên cứu, Tự thuyết, tr. 36-42.
1 Nhập Đại thừa luận, q. hạ, T. 32, tr. 49a.
2 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 829c. Đại thừa trang nghiêm kinh luận 3, T. 31, tr. 603c.
(a) Skt: śūnyatāyāṃ viśuddhāyāṃ nairātmyān mārgalābhataḥ | buddhāḥ śuddhātmalābhitvāt gatā ātmamahātmatām || 23 || Mahāyānasūtrā-laṃkāraḥ
3 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 832b. Đại thừa trang nghiêm kinh luận 3, T. 31, tr. 603a.
(b) Skt: yathāmbaraṃ sarvagataṃ sadāmataṃ tathaiva tat sarvagataṃ sadāmatam | yathāmbaraṃ rūpagaṇeṣu sarvagaṃ tathaiva tat satvagaṇeṣu sarvagam || 15 || Mahāyānasūtrā-laṃkāraḥ
(c) Tham khảo: Skt. bījaṃ yeṣām agrayānādhimuktir mātā prajñā buddhadharmaprasūtyai | garbhasthānaṃ dhyānasaukhyaṃ kṛpoktā dhātrī putrās te ’nujātā munīnām || 34 || Ratnagotravibhāgo śāstram
4 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 829b. Đại thừa trang nghiêm kinh luận 2, T. 31, tr. 596b.
5 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 828b; và q. 3, tr. 832a.
6 Đại thừa trang nghiêm kinh luận, T. 31: 1) q. 13, tr. 661c; 2) q. 1, tr. 594a; 3) q. 2, tr. 599b-600a; 4) q. 3, tr. 606a-b.
(d) Skt: atra ṣaḍbhiḥ svabhāvahetuphalakarmayogavṛttyarthair buddhalakṣaṇaṃ paridīpitaṃ | Mahāyānasūtrā-laṃkāraḥ
7 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. hạ, T. 31, tr. 150b.
8 Phật tánh luận 1, T. 31, tr. 787c.
9 Nhập Đại thừa luận, q. hạ, T. 32, tr. 49b.
10 Như Đại thừa trang nghiêm kinh luận dựa vào luận Du-già sư địa để thành lập phẩm Bồ-đề, T. 31, tr. 602a-608b; Nhiếp Đại thừa luận bổn nói lược ‘Quả đoạn phần’ mà giải thích rộng ‘Quả trí phần’, T. 31, tr. 149a-152a.
11 Đại Bảo tích kinh 119, Thắng man phu nhân hội, T. 11, tr. 677a.
12 Đại pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 297b.
13 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 841a.
14 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 3, T. 31, tr. 606a-c.
15 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 2, T. 31, tr. 596b; và q. 3, tr. 604c.
(I) Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 828a-b.
(II) Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 828b.
(III) Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 838b.
(a) Skt: svabhāvo dharmakāyo ’sya tathatā gotram ity api | tribhir ekena sa jñeyaḥ pañcabhiś ca nidarśanaiḥ || 144 || Ratnagotravibhāgo śāstram. “Tự tánh, Pháp thân, Như lai tánh; sẽ được biết bằng thuyết minh ba, một, năm.”
(IV) Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 838c.
1 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 35, T. 9, tr. 623c-624a.
2 Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 2, T. 16, tr. 489a.
3 Quán Vô lượng thọ Phật kinh, T. 12, tr. 343a.
(V) Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 838c.
4 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 3, T. 31, tr. 604c.
5 Văn đã dẫn đều thấy trong Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 839a.
6 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 839b.
(VI) Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 828b.
7 Trung Thôn Đoan Long, Phạm Hán đối chiếu Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận nghiên cứu, tr. 51-52. Tạng Hòa đối dịch Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận nghiên cứu, tr. 73-74.
8 Đại Bảo tích kinh 119, Thắng man phu nhân hội, T. 11, tr. 678a. Thắng man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 222c.
9 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467b.
(VII) Luận Bảo tánh 4, T. 31, tr. 841b.
10 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 840a.
11 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 76, T. 27, tr. 393c.
(VIII) Luận Bảo tánh 2, T. 31, tr. 824c.
(b) Skt: kṣaṇikaṃ bhagavan kuśalaṃ cittam | na kleśaiḥ saṃkliśyate | kṣaṇikam akuśalaṃ cittam | na saṃkliṣṭam eva tac cittaṃ kleśaiḥ | na bhagavan kleśās tac cittaṃ spṛśanti | katham atra bhagavann asparśanadharmi cittaṃ tamaḥkliṣṭaṃ bhavati | asti ca bhagavann upakleśaḥ | asty upakliṣṭaṃ cittam | atha ca punar bhagavan prakṛtipariśuddhasya cittasyopakleśārtho duṣprativedhyaḥ | Ratnagotravibhāgo śāstram.
12 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 2, T. 31, tr. 824c.
(c) Skt: dhātau kuśalākuśalayoś cittayor ekacaratvād dvitīyacittān-abhisaṃdhānayogena | Ratnagotravibhāgo śāstram.
13 Tăng nhất A-hàm kinh 6, T. 2, tr. 575c.
14 Nam tông Đố giáo tối thượng Đại thừa Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh Lục tổ Huệ Năng đại sư ư Thiệu Châu Đại Phạm tự thí pháp đàn kinh, T. 48, tr. 338c.
(IX) Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 840a.
(d) Skt: tata ucyate | śūnyas tathāgatagarbho vinirbhāgair muktajñaiḥ sarvakleśakośaiḥ | aśūnyo gaṅgānadīvālikā vyativṛttair avinirbhāgair amuktajñair acintyair buddhadharmair iti | Ratnagotravibhāgo śāstram. “Vì vậy nói rằng: không Như lai tạng bởi là tạng của tất cả phiền não, lìa khỏi, giải thoát và nhận biết; bất không bởi là Phật pháp vượt quá số cát sông Hằng, bởi không giải thoát và không nhận biết, bởi không thể suy lường.” Trong bản Phạn này không có câu: ‘Bạch Thế tôn! Có hai loại không trí Như lai tạng.’ Tib: དེས་ན་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ནི། རྣམ་པར་དབྱེ་བ་ཡོད་པ། བྲལ་ཤེས་པ། ཉོན་མོངས་པའི་སྦུབས་ཐམས་ཅད་ཀྱིས་ནི་སྟོང་པ་ཡིན་ལ། རྣམ་པར་དབྱེ་བ་མེད་པ། བྲལ་མི་ཤེས་པ། བསམ་གྱིས་མི་ཁྱབ་པའི་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཆོས་གང་གཱའི་ཀླུང་གི་བྱེ་མ་ལས་འདས་པ་ནི་མི་སྟོང་ངོ་ཤེས་གསུངས་སོ།།
15 Đại Pháp cổ kinh, q. thượng, T. 9, tr. 291b.
16 Ương-quật-ma-la kinh 2, T. 2, tr. 527c.
17 Đại Bát-niết-bàn kinh 5, T. 12, tr. 395b.
18 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 840a.
(e) Skt: aśūnyo anuttarair dharmair avinirbhāgalakṣaṇaiḥ || 155 || Ratnagotravibhāgo śāstram. “Bất không là bởi vì tướng [của nó] không rời khỏi pháp vô thượng.”
19 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 831a.
(f) Skt: tatra paścād antaśo mithyātvaniyatasaṃtānānām api sattvānāṃ kāyeṣu tathāgatasūryamaṇḍalaraśmayo nipatanti || Ratnagotravibhāgo śāstram.
20 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 831b.
21 Thắng man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 221c.
(X) Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh 4, T. 31, tr. 840a.
(g) evaṃ yad yatra nāsti tat tena śūnyam iti samanupaśyati | yat punar atrāvaśiṣṭaṃ bhavati tat sad ihāstīti yathābhūtaṃ prajānāti | samāropāpavādāntaparivarjanād aparyantaṃ śūnyatālakṣaṇam … na hi paramārthaśūnyatājñānamukham antareṇa śakyate ’vikalpo dhātur adhigantuṃ sākṣātkartum | idaṃ ca saṃghāyoktam | tathāgatagarbhajñānam eva tathāgatānāṃ śūnyatājñānam |
22 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 2, T. 31, tr. 824b; và q. 4, tr. 842b.
23 Đại Bát-niết-bàn kinh 7, T. 12, tr. 407b; và q. 8, tr. 412c, 409c.
(h) Bài kệ này và phần giải thích đều không có trong bản Sanskrit hay Tibetan hiện tại.
24 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 829c.
25 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 3, T. 31, tr. 603c.
26 Đại Bát-niết-bàn kinh 2, T. 12, tr. 618c.
(XI) Đại bảo tích kinh 119, Thắng man phu nhân hội, T. 11, tr. 677c.
27 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467c.
(XII) Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 832c.
(i) pṛthivyambau jalaṃ vāyau vāyur vyomni pratiṣṭhitaḥ | apratiṣṭhitam ākāśaṃ vāyvambukṣitidhātuṣu || 55 || … pṛthivīdhātuvaj jñeyāḥ skandhāyatanadhātavaḥ | abdhātusadṛśā jñeyāḥ karmakleśāḥ śarīriṇām || 58 || ayoniśomanaskāro vijñeyo vāyudhātuvat | tadamūlāpratiṣṭhānā prakṛtir vyomadhātuvat || 59 ||cittaprakṛtim ālīnāyoniśo manasaḥ kṛtiḥ | ayoniśo manaskāraprabhave kleśakarmaṇī || 60 ||karmakleśāmbusaṃbhūtāḥ skandhāyatanadhātavaḥ | utpadyante nirudhyante tatsaṃvartavivartavat || 61 || na hetuḥ pratyayo nāpi na sāmagrī na codayaḥ | na vyayo na sthitiś cittaprakṛter vyomadhātuvat || 62 ||cittasya yāsau prakṛtiḥ prabhāsvarā na jātu sā dyaur iva yāti vikriyām | āgantukai rāgamalādibhis tv asāv upaiti saṃkleśam abhūtakalpajaiḥ || 63 ||
28 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. trung, T. 14, tr. 547c.
(j) āha: yan mañjuśrīḥ apratiṣṭhānaṃ tasya kiṃ mūlaṃ bhaviṣyati |iti hy apratiṣṭhānamūlapratiṣṭhitāḥ sarvadharmāḥ | Vimalakīrtinirdeśa
(XIII) Luận Bảo tánh 4, T. 31, tr. 841a.
(k) tatra katamā nirmalā tathatā yāsau buddhānāṃ bhagavatām anāsrava-dhātau sarvākāramalavigamād āśraya parivṛttir vyavasthāpyate |
(l) tatra yo ’sau dhātur avinirmuktakleśakośas tathāgatagarbha ity ukto bhagavatā | tadviśuddhir ā śrayaparivṛtteḥ svabhāvo veditavyaḥ |
(m) buddhaguṇair upetam amalair nityaṃ dhruvaṃ ||
29 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 841b.
(n) buddhatvam avinirbhāgaśukladharmaprabhāvitam | ādityākāśavaj jñānaprahāṇadvayalakṣaṇam || 4 || gaṅgātīrarajo ’tītair buddhadharmaiḥ prabhāsvaraiḥ | sarvair akṛtakair yuktam avinirbhāgavṛttibhiḥ || 5 ||
30 Như trên.
(o) vaimalyaviśuddhir vimuktir visaṃyogaś ca vāryādīnām iva rajojalādibhyaḥ prabhāsvarāyāś cittaprakṛter anavaśeṣam āgantukamalebhyo visaṃyogāt |
(XIV) Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 841b-c.
(p) tatra vaimalyaviśuddhau phalārtham ārabhya…
vimalaguṇayutatvād bhāti muktaṃ tad eva || 8 ||munivṛṣamadhusārahemaratna
pravaranidhānamahāphaladrumābham |
sugatavimalaratnavigrahāgrakṣitipatikāñcanabimbavajjinatvam || 9 ||