Phần Thứ Năm - Các Khuynh Hướng Triết Học

07 Tháng Sáu 200900:00(Xem: 32343)

LƯỚI TRỜI AI DỆT?
Tiểu Luận Về Khoa Học Và Triết Học
Nguyễn Tường Bách
Nhà Xuất Bản Trẻ TP. HCM 2004

Phần thứ năm
CÁC KHUYNH HƯỚNG TRIẾT HỌC
CÓ HAY KHÔNG CÓ
CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI IMMANUEL KANT
LÝ THUYẾT KHOA HỌC CÓ MÔ TẢ ĐƯỢC THỰC TẠI?
HAI TRƯỜNG PHÁI DUY THỰC VÀ CÔNG CỤ TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CÁI BIẾT VÀ CÁI THẤY
THẾ GIỚI ĐƯỢC XÂY DỰNG BẰNG Ý THỨC?


CÓ HAY KHÔNG CÓ

Thế kỷ thứ 20 đánh dấu những bước tiến vĩ đại của ngành vật lý. Đặc trưng của ngành khoa học này là tin nơi một thế giới vật chất khách quan, độc lập với ý thức của con người. Lên đường đi tìm thực tại đó tức là nghiên cứu về các gọi là “vật chất”, tìm những yếu tố tạo nên vật chất, những gì làm chúng gắn chặt với nhau để tạo thành những gì làm chúng gắn chặt với nhau để tạo thành thế giới, tìm những qui luật về sự vận động của chúng.

Thế kỷ vừa qua đã mang lại những tri kiến chính xác nhất về vật chất, so với hàng thiên niên kỷ trước. Với nền vật lý hạt, con người đến được một mức độ là xác định những viên đá bé nhỏ nhất xây dựng nên thế giới vật chất. Thế giới của hạt là một không gian vô cùng bé, hoàn toàn nằm ngoài khả năng giác quan của con người. Chỉ thông qua những thiết bị tinh tế, con người mới suy đoán được một cách gián tiếp sự hiện diện của những phần tử được gọi là hạt đó. Đồng thời nhiều hạt trong số các hạt cơ bản nói trên tồn tại vô cùng ngắn ngủi. Sự hiện diện của chúng chỉ được đo bằng phần triệu của giây đồng hồ. Ngoài ra các hạt cơ bản cũng có khả năng biến thành những hạt khác một cách hết sức sinh động. Chúng chuyển hóa qua lại một cách quá dễ dàng, câu hỏi về tính “cá thể” của nó dường như không thể đặt ra. Trong giới các nhà vật lý, chỉ những điều này đã gây nên sự băn khoăn, liệu những hạt như thế có được gọi là “tồn tại” thực sự hay không.

Ngoài ra trong ngành vật lý hạt cũng xuất hiện khái niệm các hạt “giả”, sự tồn tại của chúng được xem là do có một sự phân hủy và hấp thụ một cách giả thiết. Trong những trường hợp đó, người ta cũng đặt vấn đề “có-không” một cách nghiêm túc, liệu tất cả khái niệm và lý thuyết đều chỉ là trò chơi của tư duy hay thiên nhiên “thực sự” vận hành như thế.

Ngoài luận đề có-không vô cùng phức tạp, cơ học lượng tử còn nêu lên một ý niệm khác nữa là, vật chất “đích thực” không phải là sóng cũng chẳng phải là hạt. Sóng hay hạt chỉ là dạng xuất hiện của vật chất khi người ta tìm hiểu và tra vấn nó. Như một ngôi tháp, sự vật hình như có niều mặt. Ta phải đến với nó và đi quanh nó và sẽ thấy nhiều mặt khác nhau. Mỗi bộ mặt đều là ngôi tháp nhưng không phải là tất cả ngôi tháp. Đó là cách nhận thức của triết học Ấn Độ. Chỉ khi ta hiểu nhiều mặt khác nhau của sự vật, ta mới hiểu sự vật đích thực. Vì lẽ đó mà ta có thể nói vật chất không phải là sóng, không phải là hạt; nhưng cũng có thể nói, vật chất vừa là sóng, vừa là hạt. Nguyên lý này được Niels Bohr phát hiện một cách hoàn toàn độc lập mà ông gọi là “nguyên lý bổ túc”. Chỉ vì ta đồng hóa sự vật là sóng hay hạt, thấy sóng hay hạt là “tự tính” của vật, ta mới thấy mâu thuẫn. Mâu thuẫn xuất hiện là do quan niệm của ta chứ không phải do sự vật. Cũng như điện có thể sinh ra hơi nóng, phát ra hơi lạnh. Nóng và lạnh mâu thuẫn với nhau nhưng chúng đều là “dụng” của điện, không phải tự tính của điện. Hiểu như thế thì không ai thấy điện “mâu thuẫn” cả.

Cũng trong ngành vật lý hạt, một vấn đề vô cùng lớn được đặt ra là tính chất xác suất của chúng. Vận tốc và vị trí của các hạt không phải là một con số chính xác nữa mà là một nhóm số mang tính xác suất được gọi là ma trận. Thế thì những gì là “chắc chắn” trong thế giới hạ nguyên tử? Không có gì cả ngoài tính chất thống kê cho một số lượng lớn những hạt. Khái niệm “có, không” bị đặt lại thành “có thể có, có thể không”.

Tính chất xác suất của hạt đưa đến một nhận thức luận vô cùng đáng ngạc nhiên. Đó là vật chất “khách quan”, khi nó vận động mà không ai biết đến nó, thì như thế nào? Theo cơ học lượng tử, trường phái Copenhagen, thì sự vận động là tổng hợp của mọi sóng xác suất, tất cả đều là khả năng. Chỉ khi con người truy tìm vật chất thì quan sát viên mới chính là tác nhân làm “sụp đổ” các phương trình sóng xác suất, biến một trong những khả năng đó thành hiện thực.

Điều xem ra thật khó hiểu này được Schrödinger cụ thể hóa thành “nghịch lý con mèo” nổi tiếng: Một con mèo bị giam trong một cái lồng có bình chứa acid. Giả định bình acid bị vỡ hay không chỉ vì một sự phân hủy nguyên tử duy nhất. Sự phân hủy nguyên tử này được giả định là tác nhân mở khóa đập vỡ bình và xác suất vỡ bình là 50%, xác suất nguyên vẹn là 50% trong vòng một tiếng đồng hồ. Nếu bình vỡ, con mèo sẽ chết.

Theo trường phái Copenhagen, khi người ta chưa mở lồng ra, chưa xem xét con mèo sống hay chết thì trạng thái của nguyên tử nọ là sự tổng hợp của hai sóng xác suất nói trên, trạng thái của nó không được xác định. Điều đó có nghĩa là số phận con mèo trong thời gian đó là sự tổng hợp của xác suất “nửa sống nửa chết”. Với hành động mở lồng, người ta xác định số phận con mèo là chết hay sống.

Theo đó thì con mèo chết hay sống chỉ vì hành động mở lồng. Nhưng “thực tế” là nếu con mèo chết thì nó đã chết trước đó. Đó là nghịch lý con mèo nổi tiếng của Schrödinger mà ngày nay người ta còn bàn cãi. Bản thân Schrödinger, một nhà sáng lập quan trọng của cơ học lượng tử, là người đã viết nên các phương trình sóng cũng “khổ sở” với các hệ quả triết học nghịch thường của lượng tử. Ông từng nói: “Tôi không ưa nó (cơ học lượng tử), thật đáng tiếc là tôi đã từng làm việc với nó”.

Nghịch lý con mèo được Schrödinger nêu lên là để công kích trường phái Copenhagen. Quan điểm của trường phái này được Bohr và Heisenberg phát biểu: “Thuyết lượng tử nói về sự vận hành của tự nhiên trong lĩnh vực nguyên tử, cho thấy nó (tự nhiên) phản ứng thế nào khi được các thiết bị đo lường xem xét”. Trường phái này xem “thiết bị đo lường” có một vai trò trung tâm. Theo quan niệm này, khi không “đo lường” (tức là không mở lồng ra xem xét con mèo) thì con mèo không phải là đối tượng của nền vật lý lượng tử. Cho nên họ không quan tâm con mèo sống hay chết trước khi mở lồng. Họ chỉ quan tâm đến những gì quan sát và đo lường được.

Ngày nay ta biết rõ hơn, thái độ vật lý được gọi là “thực chứng” này chứa đựng một nội dung sâu sắc hơn nữa. Đó là quan niệm thế nào là có và không. Quan niệm này cho rằng khi sự vật không nằm trong tương tác với ý thức con người thì nó “không có”. Nếu con mèo đã không có thì làm gì có con mèo sống hay con mèo chết.

Bởi quan niệm trên của Niels Bohr và Heisenberg phải được phát biểu là “Thuyết lượng tử nói về sự vận hành của tự nhiên trong lĩnh vực nguyên tử, cho thấy nó (tự nhiên) phản ứng thế nào khi được nhận thức bởi một chủ thể có ý thức”. Và nếu phát biểu về thuyết lượng tử như thế thì ta đến rất gần với quan điểm của vị giám mục Berkeley “Ess est percipi, thực tại là thực tại được nhận thức”. Câu này nghe qua khó hiểu nhưng nếu nói một cách khác, ta có thể phát biểu” “không có người quan sát thì không có vật được quan sát”. Không có chủ thể thì không có khách thể.

Nội dung của phát biểu vừa rồi có vẻ khá “điên rồ” nhưng thật ra nó rất phù hợp với quan điểm Trung quán của Phật giáo mà ta sẽ nói đến sau. Ngày nay có nhiều nhà vật lý đã nhìn thực tại theo quan điểm nói trên. Nhà vật lý người Anh cùng thời với chúng ta John Gribbin từng nói, các hạt như nhân nguyên tử và electron cũng không hề có trước thế kỷ thứ 20 vì trước đó không ai thấy chúng cả.

Thế nhưng ngoài trường phái Copenhagen còn có nhiều quan niệm triết học “điên rồ” hơn nữa. Trường phái “đa thế giới” sẽ nói gì về con mèo trong lồng? Đối với quan điểm này thì có hai con mèo, một con sống và một con chết. Chúng nằm trong hai thế giới khác nhau. Theo phép diễn dịch này thì sự phân hủy nguyên tử đã buộc con mèo lẫn tất cả các thiết bị thí nghiệm phải tách ra làm hai thế giới, trong thế giới này thì con mèo sống, trong thế giới này thì con mèo sống, trong thế giới kia thì con mèo chết. Nếu chúng ta tìm cách biết con mèo sống hay chết thì bản thân chúng ta cũng bị tách đôi, trong thế giới này thì ta thấy con mèo sống, trong thế giới kia ta thấy con mèo chết. Sau người thứ nhất, nếu có thêm mười người nữa muốn biết con mèo sống hay chết thì cả mười người bị tách đôi. Trong thế giới này thì cả mười một người đồng thanh nói con mèo sống, thế giới kia thì họ đều thấy con mèo chết. Nếu có ai nói khác với những người còn lại thì người đó bị đưa vào “nhà thương điên”.

Nhưng chưa hết, giả định sau đó con mèo sống bị đưa vào một tình huống với khả năng xảy ra năm tình trạng khác nhau thì lập tức có năm con mèo “tách ra” và nằm trong năm thế giới mới. Còn con mèo chết kia thì sao? Nó nằm ngoài khả năng nhận thức của người ở thế giới này nhưng nó vẫn có thật. Các con mèo đều có số phận khác nhau, đó là lý do mà quan niệm đa thế giới được Hawking và Gell-Mann gọi tên là thuyết “đa số phận”.

Theo tinh thần của thuyết đa thế giới thì trong vũ trụ mọi thứ đều có, nhưng chỉ có một số biến cố lọt vào trong thế giới riêng lẻ của từng con người. Đó là quan điểm “tất cả đều có”, một thuyết đã từng có mặt trong triết học phương Đông, thí dụ của phái Nhất thiết hữu bộ.

Thú vị thay, các trường phái diễn dịch cơ học lượng tử nêu lên những nhận định cực kỳ khó tin và một số trong đó lại trùng hợp với những luận đề tưởng chừng như phi khoa học, như của Berkey, của Trung quán luận, của Nhất thiết hữu bộ. Chúng ta sẽ còn trở lại những luận điểm này.

Cơ học lượng tử cũng như những phát triển mới nhất của ngành vật lý còn vạch rõ ra một điều cơ bản nữa. Đó là cách suy tư và tất cả những khái niệm của chúng ta đều bị qui định bởi không gian và thời gian đặc biệt của con người. Đó là một không gian ba chiều và thời gian một chiều. Thiết bị máy móc của chúng ta cùng để đo lường cũng bị qui định trong khuôn khổ đó. Nghĩa là khái niệm và thiết bị của chúng ta vốn luôn luôn “cổ điển”, còn đối tượng của chúng ta – thí dụ thế giới hạ nguyên tử - thì tuân thủ các nguyên lý lượng tử. Sự khác biệt cơ bản là, vật bị quan sát và người quan sát nằm ở trong hai bình diện khác hẳn nhau. Và khi đo lường và nhận thức những vận động của cơ học lượng tử, con người không những dùng khái niệm cổ điển để xem xét chúng mà còn dùng để mô tả và diễn dịch chúng. Hành động mô tả và diễn dịch cũng phải dựa trên ngôn ngữ, khái niệm, tức là dựa trên sản phẩm của một thế giới quan cổ điển ba chiều. Đó là cái khó cơ bản nhất của con người khi có tham vọng tìm hiểu tự tính của thực tại. Tức là toàn bộ nhận thức của con người về thế giới “khách quan” không thể đúng như nó (thế giới) là, mà bị phụ thuộc vào chính số phận “ba chiều” của mình.

CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI IMMANUEL KANT

Các phát triển mới nhất của ngành vật lý đều giả định thế giới khách quan có nhiều kích chiều hơn thế giới của con người. Đó là một thực thể mà về mặt nguyên tắc con người không thể nhận thức được một cách toàn triệt. Điều mà con người có thể thấy là phản ánh của thế giới đó trong thế giới ba chiều của chúng ta. Tham vọng của các lý thuyết mới là, xuất phát từ những gì chúng ta nhận thức được trong thế giới ba chiều, suy ngược ra được tự tính của thế giới đích thực. Đây hẳn là tham vọng lớn nhất, đồng thời là điều đáng ngờ nhất, liệu có một ngày nào đó con người phát hiện và mô tả được đến đó không. Nếu được thì thực tại mà con người phát hiện và mô tả ra chắc chắn chỉ là một mô hình trừu tượng của toán học, không thể là đối tượng của cảm quan thông thường của con người.

Hiện nay người ta cho rằng vật chất trong vũ trụ phần lớn là vật chất tối, thứ vật chất không hình thành từ proton, neutron và electron như của chúng ta. Với một khái niệm đó thôi thì nó đã nằm ngoài khả năng nhận thức của cảm quan, nếu có thì nó chỉ được chứng nghiệm một cách gián tiếp. Thực tế là toàn bộ lý thuyết hạt trong bản thân thế giới hạ nguyên tử cũng chỉ được chứng nghiệm một cách gián tiếp, và thông qua ngôn từ và khái niệm cổ điển của chúng ta. Nếu ta so sánh nhà khoa học với chàng thám tử tìm cách bắt cướp thì trong thế giới hạ nguyên tử, chàng chỉ đoán biết nhưng không bao giờ còng tay được thủ phạm cả.

Vấn đề nói trên thật ra là một luận đề triết học quan trọng. Hãy giả định có một thế giới khách quan và đích thực - ở đây ta hãy gọi là thực tại – với nhiều kích chiều phức tạp hơn của chúng ta, và những gì ta thấy chỉ là phản ánh của nó, liệu ta “suy ngược” ra được tính chất của thực tại, liệu lý tính của chúng ta có thể nắm bắt được nó? Nói chung, liệu con người có thể thấu hiểu được tự tính của thực tại?

Trong lịch sử triết học phương Tây, có một triết gia người Đức nổi tiếng trả lời dứt khoát: “Không”. Đó là I.Kant.

Xuất thân từ một gia đình chất phác nhưng mới 16 tuổi Kant đã vào đại học. Ông ghi tên theo toán học, khoa học tự nhiên, triết học và thần học. Ông đọc các tác phẩm của Newton và quan tâm đến các vấn đề triết học đặt ra cho ngành vật lý. Kant kiếm tiền ăn học bằng cách đi dạy kèm và với một cái tài mọn là đánh bi-da ăn tiền. Ngày nay người ta không biết liệu hình ảnh của những trái banh bi-da có đóng vai trò gì trong tư duy của ông về các thiên thể, nhưng thực tế là Kant viết một công trình về thiên văn học nói về sự hình thành của vũ trụ và thái dương hệ, được công bố năm 1755.

Thế nhưng, Kant để lại tên tuổi vang dội cho hậu thế không phải với một công trình về thiên văn học mà với nhận thức luận của ông, với một nền triết học nói về khả năng nhận thức con người, tìm hiểu liệu con người có thể nhận thức được sự vật đích thực - mà Kant gọi là “vật tự nó” - hay không. Ông cho rằng, với tầm nhìn của con người, ta không bao giờ nhận thức được từ tính đích thực của sự vật. Vì lẽ, thế giới là thế giới hiện lên cho chúng ta, đó là một sự trình hiện đúng như khả năng và mức độ của con người.

Tư tưởng của Kant thật sự là một bước ngoặt trong triết học về tự nhiên, tương tự như thế giới quan của Copernicus trong ngành thiên văn. Với Copernicus, trái đất quay xung quanh mặt trời chứ không ngược lại. Trước Kant, người ta cho rằng ý thức chạy theo để tìm hiểu sự vật, thì nay với Kant, sự vật được hình thành bởi ý thức quan sát của con người, nay “sự vật chạy theo ý thức”. Chỉ với hành động nhận thức mà con người tạo nên thế giới của mình.

Điều thú vị nhất là, tư tưởng của Kant – vốn là một hệ thống triết học – ngày nay có thể soi sáng cho những vấn đề vật lý đang bức xúc đặt ra cho con người.

Trong tác phẩm Die Einheit der Natue, nhà vật lý người Đức C.F.Weizsäcker đã quả quyết: Không thể hiểu cơ học lượng tử nếu trước đó không đọc Kant. Weizsäcker là giáo sư vật lý và cũng là giáo sư ngành triết học tự nhiên đã tự nhận rằng, cứ mỗi khoá dạy, “lòng kính sợ của tôi đối với Kant lại mỗi tăng lên”. Là một triết gia của thế kỷ thứ 18, của thời đại mà nền vật lý còn đi những bước dò dẫm trong thế kỷ tự nhiên, Kant đã nêu một nhận thức luận có thể làm bó đuốc để soi sáng cho những vấn đề của lý thuyết tương đối, thuyết lượng tử và các nỗ lực của kỷ nguyên ngày nay trong việc đi tìm một lý thuyết chung cho vũ trụ.

Những dòng trên nghe ra rất to tát nhưng thuyết của Kant lại rất khiêm tồn – cùng như con người của ông. Theo Kant, như đã nói, con người không thể nhận thức được “vật tự nó”, tức là tự tính đích thực của sự vật. Con người không thể dùng lý tính để nhận thức được cái mà ta gọi là thực tại. “Thực tại” có thật hay không cũng là điều không thể biết được, từ “thực tại” chỉ là khái niệm của đầu óc bày ra.

Thế nhưng Kant không phải là người theo thuyết “bất khả trị”. Ông chỉ nói con người không thể nhận thức được “vật tự nó” với tính cách là một nhận chứ khoa học. Còn sự vật mà ta gọi là “khách quan” hiện ra trước mắt con người chỉ là “hiện tượng” xuất hiện với chúng ta, dựa trên khả năng và cơ sở của chúng ta. Đó là một thế giới cho chúng ta và vì chúng ta. Muốn nhận thức thế giới đó ta cần “cảm năng”, các giác quan của ta phải được kích thích, vì thế nguồn gốc của nhận thức trước hết là kinh nghiệm. Thế nhưng kinh nghiệm giác quan chưa đủ, chúng phải được giác tính suy tưởng và sắp xếp. Một khi giác tính đã hoạt động thì hiện tượng được giác tính xác định sẽ trở thành đối tượng của nhận thức.

Các kinh nghiệm giác quan được thâu gồm vào trong các quan nhiệm hay phạm trù của giác tính bởi một quan năng mà Kant gọi là “năng lực phán đoán”. Điều quan trọng nhất là Kant thấy trong cả ba quan năng – cảm năng, giác tính và năng lực phán đoán – đều có một cơ sở mà Kant gọi là yếu tố siêu nghiệm. Trong cảm năng thì yếu tố siêu nghiệm là không gian - thời gian; trong giác tính nó là các phạm trù; trong năng lực phán đoán nó là các “niệm thức và các nguyên tắc của giác tính thuần tuý”. Trên cơ sở đó Kant xây dựng một nền “triết học siêu nghiệm” để lý giải tại sao chúng ta lại thấy thế giới “khách quan” như cách chúng ta đang thấy. Những yếu tố siêu nghiệm này có nguồn gốc “trước kinh nghiệm” (tiên nghiệm) và nó quyết định chúng ta nhận thức thế giới như thế nào. Nói theo Kant: “Lý tính chỉ nhận thức được đối tượng bằng những gì do chính nó trước đó đã đặt vào trong đối tượng”.

Thế nên thế giới tưởng như khách quan mà chẳng khách quan gì cả, nó mang nặng dấu ấn của chính chúng ta. Triết học của Kant có tính chất hoài nghi của David Hume, tức là con người không thể nhận thức được tự tính của sự vật – nói chi đến “thực tại” – và con người bị hạn chế trong thế giới hiện tượng hiện lên với nó. Triết học của Kant là một siêu hình học mà ở đây là triết học siêu nghiệm, nhưng nó chứa đầy tính chất khiêm tốn của một con người như Kant. Ông chỉ dừng lại trong sự mô tả chứ không có tham vọng đặt cơ sở “tối hậu” như các triết gia duy tâm về sau. Khi nói về tự tính của thực tại, ông cho rằng, chỉ Thượng đế, thần linh mới có một “trực giác trí tuệ” để nhận thức được nó. Con người không thể có quan năng đó. Trong ngôn ngữ thông thường của lý tính, nếu có ai nói đến “tự tính đích thực” thì đó chỉ là khái niệm giả tạo.

Chính sự khiêm tốn và tính mô tả của Kant làm triết học của ông được các nhà vật lý hiện đại chú trọng. Các nhà vật lý cũng đã từng có (và còn có) tham vọng nắm bắt tự thân của sự vật, để làm sao chỉ dùng một mô hình mà có thể mô tả toàn bộ tự thân của thế giới. Và đến khi các nhà vật lý chỉ mới thấy sự mâu thuẫn giữa hai trạng thái sóng và hạt của các hạ nguyên tử, thì họ liền bị lúng túng, lý do đơn giản là nhà vật lý nghĩ rằng các hạt hạ nguyên tử là những vật thể “khách quan”, tự tính của nó có thể như thế này hoặc thế khác, nhưng phải dứt khoát cụ thể. Do đó câu nói của Kant “Lý tính chỉ nhận thức được đối tượng bằng những gì do chính nó trước đó đã đặt vào trong đối tượng bằng những gì do chính nó đã đặt vào trong đối tượng” hiện lên như một sự nhắc nhở về phép nhận thức, gần 150 năm trước khi cơ học lượng tử ra đời. Áp dụng câu nói đó của Kant thì ta có thể phát biểu, nếu ta xét ánh sáng như hạt thì nó hiện ra như hạt, nếu ta xét nó như sóng thì nó hiện ra như sóng. Và vì thế mà Heisenberg mới tỉnh ngộ: “Điều mà ta quan sát thấy không phải tự tính đích thực của thiên nhiên mà là thiên nhiên hiện ra dưới cách vấn hỏi của ta”.

Ngày nay, khi nhà vật lý tiên đoán rằng thực tại là một thể nằm trong một không gian 10 chiều (lý thuyết dây) hay 11 chiều (lý thuyết siêu trọng trường) hay 18 chiều như trong các thuyết gần đây và thế giới mà ta đang nhận thức là phản ánh của thực tại đó trong thế giới ba chiều không gian của con người thì quan niệm của Kant về không gian và thời gian – các mô thức tiên nghiệm của trực quan – có thể là một lý giải quan trọng. Đó là thế giới của chúng ta mang đầy tính chất chủ quan của con người, một thế giới do các yếu tố siêu nghiệm của con người xây dựng nên, một thế giới trình hiện lên đúng như khả năng của ta. Kant viết: “Điều kiện để nhận thức cũng là điều kiện để hình thành nên đối tượng nhận thức”. Nhưng các yếu tố siêu nghiệm – theo cách dùng chữ của Kant – là gì, chúng có nguồn gốc từ đâu?

Như thế thì con người thấy sự vật như nó muốn (hay có khả năng) thấy. Trong hình dưới đây ta có thể thấy đó là một cô gái hay một bà già, tất cả tùy chúng ta. Bức hình này là một bức tiêu biểu của loại hình “đa nghĩa”, có thể được dùng như ẩn dụ cho nhiều vấn đề vật lý và triết học. 
 Khi nhìn lâu tấm hình này, trước hết ta sẽ thấy khi thì nó hiện lên như một cô gái, khi thì như một bà già. Thế nhưng có một điều bất ngờ nữa là mới đầu, nó hiện lên một cách tự nhiên là cô gái hay bà già, không theo ý muốn của ta. Sau đó, với sự cố gắng nội tâm, ta mới thấy hình ảnh kia. Sau đó nữa, khi đã biết tấm hình đa nghĩa này, hình ảnh cô gái hay bà già cứ hoán chuyển cho nhau mà ta không hoàn toàn chủ định được.

Bức hình này là một ẩn dụ cụ thể cho thấy, những gì ta thấy, sự vật mà ta nhận thức, là một sản phẩm tổng hòa của thực tại bên ngoài và hoạt động vô thức nội tại. Thế giới qủa là sự trình hiện của thực tại cho chúng ta, theo cách mà chúng ta nhìn nó một cách vô thức.

Hơn thế nữa, bức hình này còn gợi nhiều suy tư về “thực tại tự nó” và về luận đề có-không nói trong chương trước. Cụ thể, ta có thể hỏi, “bức hình tự nó” là gì, là cô gái hay bà già. Hãy vận dụng hai phép diễn gải Copenhagen và “đa thế giới” của vật lý lượng tử để nhìn bức tranh. Theo phép diễn giải Copenhagen, cô gái hay bà già đều không có nếu không có ai nhìn đến bức tranh. Khi có kẻ nhìn bức tranh và nhận ra là một cô gái thì cô gái đó có và có với người đó. Cũng tương tự như thế nếu có ai thấy hình bà già. Cô gái và bà già không hề mâu thuẫn lẫn nhau, hai hình ảnh đó chỉ “hiện ra dưới cách vấn hỏi của ta”, nói như Heisenberg. Còn theo phép diễn giải đa thế giới thì ta có thể cho cả cô gái lẫn bà già đều có mà không cần có ai ngó ngàng gì đến hay không. Hơn thế nữa bức hình này tự tách ra thành hai bức hình, hay hai thế giới, một của cô gái, một của bà già. Người xem tranh như chúng ta cũng bị tách ra làm hai phiên bản, một phiên bản thấy cô gái, phiên bản kia thấy bà già.

Hai trường phái diễn dịch của cơ học lượng tử khi áp dụng vào con mèo Schrödinger xem ra cả hai đều vô lý, thế nhưng khi vận dụng trong bức tranh cô gái-bà già dường như không còn quá vô lý nữa. Hơn thế nữa cả hai trường phái cũng không tỏ ra hoàn toàn mâu thuẫn lẫn nhau, hình như chúng chỉ khác nhau về vấn đề định nghĩa về “có-không”.

Với bức tranh cô gái-bà già ta dễ đến một nhận định là, thực tại hình như có nhiều bộ áo ngụy trang khác nhau. Và con người thấy thực tại bằng những gì nó quen thấy, nói như Kant là “bằng những gì do chính nó trước đó đã đặt và trong đối tượng”.

Triết học của I.Kant một mặt đang làm nền tảng cho những lý giải quan trọng của nền vật lý hiện đại, mặt khác nó làm ta sớm nghĩ đến triết học Phật giáo. “Kinh nghiệm giác quan” và “giác tính” của Kant có thể so sánh với sự vận hành của “”ngũ uẩn” của Phật giáo. “Trực giác trí tuệ ” của Kant làm ta nhớ đến “cái biết, cái thấy” của các vị Phật và Bồ-tát được mô tả trong Kinh Lăng Nghiêm. Sự tương đồng giữa triết học siêu nghiệm của Kant với Duy thức học thật là rõ rệt. “Tác giả” của thế giới hiện tượng này chính là ý thức con người. Các yếu tố siêu nghiệm là nền tảng, là cơ sở của nhận thức. Đó là những nhận định chủ yếu suy ra từ triết học của Kant, chúng hết suc tương tự với quan niệm chiêu cảm biến hiện của tâm, với khái niệm chủng tử của Duy thức.

Vì những lẽ đó, ta không hề ngạc nhiên khi biết rằng, Schopenhauer, một triết gia người Đức có quan niệm rất gần với Phật giáo, tự nhận mình là người tiếp nối công trình của Kant. Schopenhauer xem thế giới hiện tượng chính là “sự tự nhận thức” của một chủ thể có ý niệm.

LÝ THUYẾT KHOA HỌC CÓ MÔ TẢ ĐƯỢC THỰC TẠI?

Trong thời đại này, một câu hỏi được nêu lên từ thời cổ đại bỗng trở nên hết sức hiện đại. Đó là, liệu các lý thuyết khoa học, các định luật vật lý, các mô hình về vũ trụ bao la, về thế giới vi mô như nguyên tử, hạ nguyên tử…, liệu tất cả những thành tựu vật lý đó từ 25 thế kỷ qua phản ánh đúng thực tại như nó là, hay chúng chỉ là các mô hình hay lý thuyết nhắm xếp đặt cho hợp lý các kinh nghiệm giác quan của con người.

Câu hỏi này là một luận đề triết học rất căn bản, nó sinh ra hai quan niệm triết học trong khoa học. Đó là – nói một cách sơ lược – quan niệm duy thực, nếu cho rằng lý thuyết của con người phản ánh đúng thực tại khách quan, chúng nói lên bản thể của sự vật. Thứ hai là quan niệm công cụ, cho rằng các lý thuyết và qui luật vật lý chỉ là phương tiện để lý giải những gì quan sát được; còn liệu chúng có phản ánh đúng một thực tại bên ngoài hay không thì ta không thể trả lời.

Nhiều nhà vật lý rất ngỡ ngàng với vấn đề vừa nêu. Đối với họ, phải có một thế giới khách quan bên ngoài và các lý thuyết vật lý phải mô tả thực tại đó. Họ là những người theo quan niệm duy thực mà không hề biết. Thật ra thì đại đa số các nhà vật lý đều vô thức quan niệm duy thực cả; và chỉ những đều óc quan tâm đến ý nghĩa triết học trong khoa học hay các nhà vật lý linh mẫn nhất mới có một cái nhìn tự phản tỉnh. Họ tự hỏi phải chăng thực sự có một thực tại khách quan, phải chăng các qui luật vật lý mô tả thực tại đó, phải chăng chúng nói lên tính bản thể của thực tại.

Dĩ nhiên các vị đó nêu lên một vấn đề chẳng những không đơn giản mà còn có tính siêu hình. Nơi đây mỗi người đều có một câu trả lời cho riêng mình và câu trả lời đó lại dựa trên một niềm tin nhất định. Đây chính là lý do làm phần lớn các nhà vật lý không muốn tiếp cận với vấn đề này. Einstein, thiên tài của thế kỷ 20 cũng đặt câu hỏi đó và cuối cùng ông chọn một thái độ duy thực. Ông là người tin nơi một thực tại khách quan độc lập với ý thức con người và các qui luật vật lý hiển nhiên phải mô tả thực tại đó. Trước thế kỷ 20, quan niệm duy thực hầu như chiếm lĩnh trận địa trong triết học của khoa học tự nhiên.

Với Max Plank, Einstein, quan niệm này có trong hàng ngũ những nhà khoa học xuất chúng. Đồng thời hai vị này là hai nhà kiến trúc sư của nền vật lý hiện đại. Thế nhưng, điều bất ngờ là quan niệm duy thực dần dần mất ảnh hưởng, ngược lại quan niệm công cụ ngày càng có nhiều người thừa nhận mà một đại biểu của nó là trường phái Copenhagen của cơ học lượng tử.

Thực ra quan niệm duy thực và công cụ đã hình thành trong buổi bình minh của lịch sử khoa học và thực tế là trong quá trình nghiên cứu, nhiều nhà vật lý trong ngành khoa học cũng không biết mình đổi đi đổi lại hai quan niệm đó vì chúng rất dễ bị trộn lẫn vào nhau. Trong quá khứ xa xưa hai chủ trương này chưa xuất hiện một cách rõ nét, chúng chỉ nói lên quan niệm của các nhà vật lý về mô hình lý thuyết, về các khái niệm vật lý và về các công thức phương trình toán học áp dụng trong vật lý. Ngày nay, một vấn đề được đặt ra là, liệu thực tại trước mắt ta là thực như nó là hay không; vì thế hai quan niệm duy thực và công cụ trở thành luận đề chủ đạo trong ngành vật lý. Chúng nói lên cả thái độ của nhà vật lý trước một câu hỏi thuộc về bản thể học.

Trên nguyên tắc, mỗi nhà vật lý phải tự biết mình quan niệm thế nào về một thực tại bên ngoài, phải chăng thực tại tồn tại khách quan và hệ qủa của quan niệm đó là tính chất của lý thuyết mình sẽ đưa ra, đó là tính chất duy thực hay công cụ.

Từ thời Hy Lạp, trong các nhà tư tưởng đã manh nha hai quan niệm khác biệt về thế giới hiện tượng và vai trò của lý thuyết. Aristotle thấy cần phải giải thích tại sao hiện tượng lại là như thế, bản chất của nó là gì. Còn Euxodus thấy chỉ cần “lý giải được hiện tượng”, nêu lên được bài toán vận động của thiên thể và tiên đoán sự vận động đó. Euxodus không thấy cần phải hiểu thực chất của sự vận động là gì, đối với ông giải thích được hiện tượng là đủ. Aristotle là người có quan niệm duy thực, trong lúc Euxodus là người đầu tiên theo quan niệm công cụ, mặc dù nó xuất phát từ một nguyên nhân hết sức thô sơ.

Phần lớn các nhà triết học Hy Lạp đều có quan niệm duy thực mà kẻ nổi bật nhất phải là Democritus, người đầu tiên nêu quan niệm về những hạt cơ bản cấu tạo thành vật chất. Ông tin rằng có một thực tại độc lập với ý thức con người, nó được cấu tạo bởi những hạt nhỏ li ti. Thế nhưng một người Hy Lạp khác cũng có quan niệm công cụ vì thấy rằng có nhiều lý thuyết khác nhau, thế nhưng lại lý giải một cách đúng đắn một hiện tượng duy nhất. Đó là Hipparchus, ông nêu lên nhiều mô hình về sự vận hành của mặt trời quanh trái đất. Mặc dù tất cả mô hình của Hipparchus đều sai cả - so với quan niệm ngày nay – nhưng chúng đều lại tiên đoán đúng về một số hiện tượng.

Bởi thế ngay trong thời cổ đại đã có hai quan niệm duy thực và công cụ; và cũng trong thời đó, sự khác biệt giữa hai bên đã tỏ rõ: trong quan niệm duy thực, vì lý thuyết phải mô tả đúng thực tại nên chỉ có một lý thuyết là đúng, không thể có nhiều lý thuyết dùng đúng. Còn với quan niệm công cụ, mỗi mô hình, mỗi lý thuyết đều chỉ là phương tiện mô tả kinh nghiệm và tiên đoán những gì sẽ xảy ra nên rất có thể có nhiều mô hình, lý thuyết cùng đúng đắn.

Hiển nhiên, mỗi nhà vật lý, khi đã nỗ lực tìm hiểu và mô tả thiên nhiên, đều chờ đợi công trình mình phải phản ánh đúng bộ mặt thực của tạo hóa. Ngoài ra tâm lý thông thường của mỗi người đều nghĩ hiện tượng trước mắt mình phải là thực tại khách quan, ít nhất nó cũng xuất phát từ một thực tại độc lập với ý thức mình. Vì những lẽ dó mà dù trong thời cổ đại đã xuất hiện hai thái độ khoa hoạc, quan niệm duy thực luôn luôn thắng thế. Tại phương Tây, kể từ thời kỳ phục hưng của khoa học, chủ trương duy thực hầu như ngự trị trong cộng đồng vật lý.

Đến thế kỷ thứ 16, quan niệm duy thực được củng cố mạnh mẽ với Copernicus. Ông tin rằng một lý thuyết chỉ đúng nếu giả định của nó đúng với thực tại. Kepler tiếp thu hệ thống “mặt trời là trung tâm” lẫn quan niệm duy thực của Copernicus. Và Galileo, cha đẻ của nền vật lý thực nghiệm, là người khẳng định trước cả Giáo hội Thiên chúa giáo về một thực tại khách quan, không lệ thuộc vào ý thức con người.

Trong thời bấy giờ, bất ngờ thay, giáo hội Thiên chúa giáo lại lấy một quan niệm công cụ trong khoa học. Nếu suy nghĩ kỹ, ta sẽ thấy đều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Họ phải xem khoa học chỉ là phương tiện để lý giải các hiện tượng, còn tự tính của hiện tượng của thực tại phải là một điều gì thiêng liêng thuộc về Thượng đế. Cũng vì thế mà Giáo hội Thiên chúa giáo có một quan niệm công cụ nhưng với một ý đồ khác, đó là không để cho khoa học xâm nhập vào một lĩnh vực mà họ cho là bất khả xâm phạm của Thượng đế. Cũng vì quan niệm công cụ đó mà thuyết của Copernicus một thời được chấp nhận trong các đại học nhưng khi Giáo hội nhận ra “nguy cơ” của thuyết duy thực trong đó thì lập tức mô hình tiến bộ của hệ thống Copernicus bị cấm đoán.

Với Newton thì sự việc lại rất bất ngờ. Người ta phải nghĩ rằng Newton là một nhà duy thực tuyệt đối với những phát hiện vĩ đại của ông. Ông đã thống nhất qui luật của “thế gian” và của thiên thể chung với nhau trong một nguyên lý trọng trường duy nhất. Ông đã trả lời thắc mắc của Aristotle vốn cho rằng giữa con người và “trên trời” phải có những qui luật khác nhau. Thế nhưng thiên tài của Newton nằm ở chỗ, ông khiêm tốn nói rõ không biết nguồn gốc trọng trường là từ đâu, tự tính của nó là gì. Ông cho Thượng đế là nguồn gốc của lực trọng trường. Tư tưởng này làm cho Leibniz – người đả kích Newotn – xem luận giải Priciples của Newton chỉ là những phép toán học nhằm giải thích hiện tượng, chứ không nói đến tự tính của thực tại. Leibniz chê Newton là một nhà khoa học theo quan điểm công cụ.

Nguyên lý trọng trường là một thí dụ rất sáng tỏ để giải thích hai quan niệm duy thực và công cụ. Nội dung của nguyên lý này nói rõ, giữa hai vật có khối lượng sẽ sinh ra một sức hút lẫn nhau, sức hút đó là nguyên ủy của mọi vận động của các thiên thể trong vũ trụ, của thái dương hệ, của mặt trời mặt trăng. Sức hút này cũng chính là lực kéo trái táo rơi xuống đất. Đứng trước nguyên lý này con người sẽ có hai thái độ. Một là, với thái độ duy thực, ta sẽ nghĩ rằng “sức hút giữa các vật có khối lượng” là có thực, là tự tính của vật chất, là nguyên lý khách quan không lệ thuộc vào đầu óc con người. Có con người hay không có con người trên trái đất thì trái đất vẫn bị mặt trời hút và bản thân trái đất vẫn hút quả táo.

Hai là, với thái độ công cụ, ta sẽ nghĩ “sức hút giữa các vật có khối lượng” chỉ là phương tiện để giải thích hiện tượng, để thiết lập một công thức toán học, để tiên đoán những hiện tượng sắp xảy ra. Người theo thái độ công cụ cho rằng khối lượng hay sức hút đều chỉ là cấu trúc do đầu óc con người sinh ra, chúng không có thực trong thiên nhiên. Thế thì thái độ của Newton là gì? Newton hẳn không phải là người theo thuyết công cụ như Leibniz nói, vì trong các tác phẩm khác của ông như Opticks, ta đọc thấy ông cũng đi tìm chất nội tại của vật chất, đi tìm một chất ê-te nhằm giải thích được sự hiện diện của trọng trường, của ánh sáng và nhiệt. Nhưng cuối cùng Newton vẫn không lý giải nổi do đâu mà có một sức hút giữa các vật, một loại sức hút cách không và tác động tức thì. Ông đành cho nó có nguồn gốc từ Thượng đế.

Đầu thế kỷ thứ hai mươi, Einstein chứng minh không có ê-te mà cũng chẳng có một sức hút trọng trường cách không và tức thì. Ông giải thích trọng trường bằng không gian cong trong thuyết tương đối tổng quát. Với thuyết này, quan điểm công cụ trong thuyết trọng trường đánh dấu một bước thắng lợi cục bộ: sức hút không hề có thực trong thiên nhiên, nó chỉ là sản phẩm do con người nghĩ ra. Thế nhưng mô hình “sai” đó vẫn lý giả một cách xuất sắc mọi hiện tượng của thiên thể. Và ngày nay, sức hút (tức là sự tương tác) giữa các vật thể được lý giải như hệ quả của không gian cong hay như sự trao đổi hạt. Có nhiều mô hình khác nhau nhưng quả thật chúng lý giải đúng đắn một hiện tượng duy nhất. Phải chăng tất cả chỉ là những cấu trúc của tư duy. Phải chăng quan niệm công cụ đang giành thắng lợi.

Không đơn giản như thế. Lịch sử tư duy của phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng của Aristotle, đó là quan niệm luôn luôn cho rằng thế giới có thực, độc lập, con người có thể tìm hiểu được tự tính của thế giới. Vì lẽ đó mà quan niệm duy thực luôn luôn ngự trị trong khoa học và cả triết học. Mà thật ra đó cũng chính là cứu cánh của ngành vật lý, là động cơ để con người nỗ lực đi tìm thực tại. Nếu không tin rằng có một thực tại nằm ngoài ý thức con người và con người có thể nằm bắt nó thì có lẽ đã không có nền vật lý của ngày nay.

Vì lẽ đó triết học và về khoa học tự nhiên tại tây Phương luôn luôn là một triết học duy thực, tin rằng có một thực tại có thể nắm bắt bằng lý tính. Người đại diện xuất sắc nhất cho nền triết học đó chính là Descartes. Hiển nhiên ông là người duy thực nhưng lại còn duy lý, tức là tin rằng chỉ lý tính mới nắm bắt được sự vật, kinh nghiệm chỉ là nguồn cung cấp thông tin đơn thuần. Descartes vẽ một đường ranh chắc chắn giữa “linh hồn” con người với sự vật và dĩ nhiên ý thức không thể có tác động lên thế giới vật chất được. Tư tưởng này ngự trị tại châu Âu các hai thế kỷ sau Descartes. Thậm chí khoảng từ năm 1850, nền khoa học tại Đức bị sa vào một thứ chủ nghĩa duy vật cơ giới trầm trọng, theo đó hiện tượng không nhưng chỉ tồn tại độc lập, thực có mà còn vận động theo các qui luật của cơ học thuần túy. Đó là một quan niệm “duy thực giản đơn”. Trong thời gian này người ta nghĩ rằng lý thuyết khoa học phản ánh đúng như thực tại, không mang bất cứ một khái niệm chủ quan nào của đầu óc cả.

Tình hình kéo dài như thế đến lúc E. Mach, nhà vật lý người Áo nêu lại một quan điểm thực chứng về lý thuyết khoa học. Theo ông, khoa học không khác gì hơn là lý thuyết về những gì xác nhận được bằng giác quan. Chỉ những gì giác quan thừa nhận được mới có chỗ đứng trong khoa học. Hiển nhiên, đầy là một dạng của quan điểm công cụ vì nơi đây khoa học chỉ lý giải kinh nghiệm giác quan, nó không có tham vọng nói gì về bản thể của thực tại.

Với sự phát hiện đện từ trường của Maxwell, người ta bắt đầu thấy thực tại dường như tinh tế hơn, sự vận động của nó không thể phù hợp với chủ nghĩa duy vật cơ giới. Quan trọng nhất, các nhà vật lý thấy một biến cố hay sự vật có thể phát biểu bằng nhiều thuyết khác nhau. Đó là luận cứ mạnh nhất của thuyết công cụ từ xưa đến nay. Điều này đi ngược lại với quan điểm duy thực vì nhà duy thực thấy mỗi thực tại chỉ có thể được phát biểu bởi một lý thuyết nhất định.

Sự thành công vang dội của lý thuyết trường điện từ không những mở đầu cho một kỷ nguyên mới của vật lý sau Newton, nó còn đưa vào khoa học một khái niệm mới, đó là trường. Khái niệm này còn gây khó khăn hơn nữa cho quan niệm duy thực vốn tồn tại cả ngàn năm nay. Lý do là, rất nhiều hiện tượng vật lý vốn được lý giải bằng nền vật lý cơ giới nay được mô tả bằng những hình dung hoàn toàn mới mẻ. Điều này chỉ giúp cho chủ nghĩa công cụ thêm những nền tảng vững chắc.

Từ một góc cạnh khác của khoa học, nhà toán học Pháp nổi danh Poincaré đến với một quan điểm được gọi là “qui ước” trong vật lý. Theo chủ trương “qui ước”, mọi lý thuyết không đúng cũng chẳng sai – đúng, sai nếu so với thực tại – chúng chỉ giúp chúng ta xếp đặt cho có lý những quan sát về thiên nhiên cua chúng ta. Mọi không gian đều có giá trị như nhau, chúng đều là “qui ước”, miễn sao thuận tiện cho lý thuyết là được. Đây chính là quan điểm của phái công cụ.

Thế nên, trong đầu thế kỷ thứ 20, quan điểm công cụ đã bắt đầu vươn dậy với ba nhà khoa học Mach, Maxwell và Poicaré. Như chúng ta sẽ thấy, hai trường phái triết học duy thực và công cụ sẽ phát triển song hành với sự phát triển của vật lý để đẫn đến một phạm trù vô cùng then chốt của triết học loài người.

HAI TRƯỜNG PHÁI DUY THỰC  
VÀ CÔNG CỤ TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Như chúng ta đã biết, vấn đề lớn nhất của triết học là câu hỏi, thế giới này từ đâu mà có, thực chất của nó là gì. Nhà triết học băn khoăn thế giới này có thật hay không, tự tính của nó là gì. Ngược lại, phần lớn các nhà vật lý đều tự động hiểu thế giới tồn tại độc lập với con người, ý thức con người có thể hiểu được thế giới đó, thế giới chính là đối tượng nhận thức của vật lý. Những người đó đều theo quan niệm duy thực cả.

Trong lịch sử nhận thức, bản thân phái duy thực cũng có nhiều bước phát triển, từ thô sơ đế tinh tế. Phần lớn con người đều cho rằng thế giới mình thấy chính là thực tại. Hoa lá cỏ cây trong vườn chính là thực tại độc lập. Họ cho rằng khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, thì đó chỉ là những giác quan thụ động. Màu sắc và âm thanh có thật trong thiên nhiên đúng như họ cảm nhận. Đó là quan niệm “duy thực giản đơn”.

Thế nhưng chỉ cần suy nghĩ xa hơn một chút, ta sớm thấy màu sắc hay âm thanh ta nghe là sự cảm nhận của con người, còn thực tại tự nó phải là một cái gì khác. Nếu cho rằng thực tại tự nó là một cái gì có thật, độc lập, nằm sau bức màn của hiện tượng thì ta thuộc về trường phái “duy thực siêu việt”. Theo trường phái này, muốn nhận thức được thực tại, con người phải vượt lên hiện tượng do giác quan mang lại, mới hòng đạt được nó.

Còn nếu ta nghĩ màu sắc âm thanh là do giác quan cảm nhận, nhưng cái có thật và độc lập với giác quan là những thể tính vật lý như sóng ánh sáng, sóng diện từ, sóng âm thanh... thì như thế ta có quan niệm của “duy thực khoa học”.

Từ xưa đến nay, quan niệm duy thực khoa học ngự trị trong đầu óc của nhà vật lý. Trong các giáo trình, điều đó hiển nhiên tới mức mà người ta cũng không mấy khi tháo luận đề tài này. Đối với họ những khái niệm cơ bản như khối lượng, lực, năng lượng, điện tích, sóng âm thanh... đều là có thật trong thiên nhiên. Nhà duy thực khoa học cho rằng, lý thuyết của vật lý nói lên sự vận hành đích thực của sự vật trong thiên nhiên. Nó nói về bản chất của sự vật, nó có tính bản thể học.

Trong quá trình phát triển của vật lý, các khái niệm nói trên cũng không đứng yên, nội dung của chúng bị thay đổi theo. Thí dụ những mô hình hay khái niệm mới được phát sinh, như không gian cong trong thuyết tương đối hay electron, các hạt cơ bản trong vật lý hạt nhân. Thế nhưng nhà duy thực vẫn dễ dàng thay đổi theo, họ cho rằng mình đã tinh tế hoá các khái niệm và tin rằng có không gian cong, có electron thực sự. Thậm chí một thời người ta tưởng có chất ê-te; và nhiều mô hình cũng như lý thuyết được xây dựng trên tính chất của một chất liệu ê-te giả định. Ngày nay vật lý khẳng định không có chất ê-te giả định. Ngày nay vật lý khẳng định không có chất ê-te trong thiên nhiên, tất nhiên các mô hình đó bị đào thải.

Trong khoảng giữa thế kỷ 20, lúc mà người ta háo hức sắp khẳng định đâu là những chất liệu cuối cùng tạo nên thế giới vật chất thì lạ thay, bộ mặt thật của một thực tại khách quan bỗng nhiên lu mờ. Sự phát hiện các qui luật trong cơ học lượng tử làm cho người ta đặt lại vấn đề. Đó là thiên nhiên được quan sát dường như không phải là một thực tại độc lập mà nó đang tương tác với ý thức vốn đã tra hỏi về nó. Những đơn vị cuối cùng của thế giới vật chất như nguyên tử, các hạt cơ bản... hành xử rất kỳ lạ. Chúng có nhiều bộ mặt và tính chất hoàn toàn mâu thuẫn lẫn nhau, nếu lấy phép tư duy thông thường của chúng ta mà xét. Heisenberg nói: “Nguyên tử không phải là vật”. Bohr, nhà vật lý lượng tử xuất sắc, tổng kết sau nhiều năm làm việc với nền khoa học này: “Không hề có một thế giới lượng tử, chỉ có một sự mô tả lượng trừu tượng”. Với nhận định này, Bohr cũng như trường phái Copenhagen đã từ bỏ thái độ duy thực trong khoa học mà lấy thái độ công cụ. Đó là thái độ xem lý thuyết chỉ là phương tiện để giải thích hiện tượng, nó không thể nói gì về tự tính của hiện tượng, nó không thể nói gì về tự tính của hiện tượng, tự tính của thế giới.

Trong quan niệm công cụ, tất cả mọi khái niệm vật lý như khối lượng, năng lượng, điện tích, sóng, hạt... đều chỉ là cấu trúc của tư duy. Theo triết gia xuất sắc nhất hiện nay của phái công cụ – Basvan Fraassen – thì “mục đích của khoa học là cho ta những lý thuyết tương thích với thực nghiệm; và khi chấp nhận một lý thuyết tức là tin rằng nó tương thích với thực nghiệm. Một lý thuyết là tương thích chính xác với thực nghiệm nếu những gì nó nói về những vật thể và biến cố quan sát được trong thế giới là đúng đắn”.

Các lý thuyết hay cụ thể hơn, các khái niệm vật lý chỉ là “công cụ” của tư duy nhằm mô tả một cách thuận tiện nhất các hiện tượng trước mắt. Thực tế là các lý thuyết và các khái niệm bị thay đổi liên tục, nhất là trong thế kỷ 20, nên quan niệm công cụ ngày càng được chấp nhận. Thí dụ, khối lượng trong thời đại Newton được hiểu như một chất liệu hoàn toàn cứng nhắc, không thay đổi theo thời gian và không gian. Ngày nay, trong vật lý tương đối, khối lượng được xem là năng lượng đang “đứng yên”. Trong vật lý hạt, tính cứng chắc của vật thể được xem là hệ qủa của tương tác điện từ.

Nền vật lý hiện đại cho thấy, ta có thể giải thích một hiện tượng duy nhất bằng nhiều mô hình khác nhau và điều đó làm quan niệm công cụ thêm thuyết phục. Các khái niệm cổ điển của vật lý dần dần được thay đổi về nôi dung, thậm chí bị xem xét lại một cách cơ bản. Nhà vật lý đoạt giải Nobel, Richard Feynman, cho thấy mọi sự đều “có thể hiểu như là các nguyên tử đang tương tác với nhau đúng theo qui luật của vật lý”. Ông còn cho rằng qui luật bảo toàn năng lượng – một qui luật được xem như “bất khả xâm phạm” trong ngành vật lý – chỉ là một nguyên lý toán học, chủ không phải là “sự mô tả cơ học hay bất cứ cái gì cụ thể cả”. Ông còn đi xa hơn và nói rằng “Thật là quan trọng khi biết rằng, trong nền vật lý ngày nay, chúng ta không biết năng lượng là gì cả”. Cả Feynman cũng xem năng lượng chỉ là một sự trừu tượng. Đã thế thì qui luật bảo toàn năng lượng còn có nghĩa gì? Nhà thiên văn danh tiếng Sir A. Eddingdon cho rằng “Trong thế giới bên ngoài không có qui luật nào có khuynh hướng gìn giữ không cho thay đổi các thực thể nằm trong đó; nhưng ý thức (con người) trong lúc miệt mài tìm hiểu đã lựa ra những cấu trúc khả dĩ, chúng chỉ có tính bất biến trong các cấu trúc này, và bằng cách cho chúng một trị số, bằng cách bỏ qua những cái còn lại, ý thức đã dựng lên một qui luật bảo toàn các trị số đó”.

Trong nền vật lý hiện đại, khi con người đang nêu lên những mô hình mới nhất về thế giới và vũ trụ, người ta bắt đầu thấy các khái niệm cũ về vật chất dường như ngày càng mất giá trị. Khi đã thấy rằng thế giới mà ta đang nhận thức, kể cả thế giới cực tiểu cũng như dực đại chỉ là phản ánh của một thực tại to lớn lên trên thế giới với không gian ba chiều của con người, thì nhiều nhà vật lý phân vân không biết liệu con người – với không gian ba chiều và cách tư duy đặc biệt do không gian đó sinh ra – ngày nào đó có thể nhận thức được thực tại như nó là hay không. Liệu các khái niệm vật lý có tính bản thể, thực sự hiện hữu trong thiên nhiên hay chúng chỉ là do con người bày ra. Nói cách khác, quan niệm duy thực đang bị thử thách nặng nề và thái độ công cụ dần dần được nhìêu người thừa nhận.

Về mặt lịch sử thì thuyết công cụ có sự tương đồng nhất định với quan niệm thực chứng mà người sáng lập được xem là triết gia người Pháp, A. Comte. Theo Comte, đối tượng của khoa học chỉ được hạn chế trong những hiện tượng có thực, cái có thực, rõ rệt được kinh nghiệm thừa thận, được xem là vật khách quan đích thực. Mô hình, lý thuyết hay công thức khoa học chỉ có thể được xây dựng trên các khái niệm đó thôi. Tất cả mọi khái niệm có nguồn gốc siêu hình, không thể kiểm chứng, chúng không có chỗ đứng trong khoa học. Trong thế kỷ 19 và 20, quan niệm thực chứng có nhiều ảnh hưởng trong giới vật lý mà nhà khoa học người Áo, Mach, là một đại biểu nổi tiếng.

Thuyết công cụ và thuyết thực chứng chỉ quan tâm đến những hiện tượng có thể quan sát được, không chủ trương đi tìm “tự tính” của sự vật nên có nhiều điểm tương đồng. Thậm chí có nhiều người sử dụng lẫn lộn hai từ này. Hiện nay, nhiều người xem là thuyết thực chứng đã được thuyết công cụ thay chỗ khi nói về một chủ trương nhất định trong ngành vật lý. Chủ trương đó là không quan tâm đền tự tính của thực tại nữa, mà xem mọi lý thuyết và mô hình chỉ là phương tiện của đầu óc nhằm lý giải hiện tượng.

Trong thời đại hiện nay nhà vật lý được xem là xuất sắc nhất là Stephen Hawking. Hawking cùng viết chung một cuốn sách với một nhà vật lý nổi danh khác là Roger Penrose. Trong tác phẩm nổi tiếng này, ông tranh luận với đồng tác giả cuốn sách – và cũng là một người bạn thân mến – về vật lý và thực tại. Hawking nói: “... sự khác biệt giữa Roger và tôi hết sức rõ ràng. Anh ta là một người theo phái Plato còn tôi là một người theo quan niệm thực chứng. Anh ta lo lắng cho con mèo Schrödinger ở trong một trạng thái lượng tử, nơi đó nó nửa sống nửa chết. Thế nhưng điều này không làm phiền tôi. Tôi không đòi hỏi một lý thuyết phải ăn khớp với thực tại vì tôi không biết thực tại là gì cả. Thực tại không phải là một mức độ mà bạn có thể thử nghiệm với que thử bằng giấy. Tất cả mọi thứ mà tôi quan tâm là lý thuyết phải tiên đoán được kết quả của sự đo lường. Thuyết lượng tử thực hiện được điều này rất thành công...”.

Thế nên, trong khung cảnh mới mẻ của vật lý hiện đại, tư tưởng I.Kant – xem con người không thể nhận thức được “sự vật tự nó” một cách khoa học, thế giới chỉ là hiện tượng xuất hiện ra với con người – trở lại với khoa học hiện đại như ánh sáng soi đường. Tư tưởng của Kant ngày nay trở thành nền tảng triết lý của chủ thuyết công cụ trong khoa học. Đó là một quan niệm hết sức khiêm tốn cho rằng, con người chúng ta chỉ nhận thức và lý giải được thế giới hiện tượng đang trình hiện trước mắt ta. Còn tự tính của thế giới đó là gì, tầm nhìn của con người không thể vươn tới.

CÁI BIẾT VÀ CÁI THẤY

Thái độ “công cụ” trong khoa học xem mọi lý thuyết, khái niệm vật lý đều là do tư tưởng của con người bày ra để diễn đạt thiên nhiên, chúng không nhất thiết phải là bản chất của thực tại. Chủ trương này mới nghe qua có vẻ hiền lành và khiêm tốn nhưng thật ra nó chứa đựng một nội dung rất sâu sắc và triệt để.

Thật ra, đứng sau thái độ công cụ có nhiều loại tư duy khác nhau về triết học. Tất cả đều công nhận lý thuyết và mô hình chỉ để lý giải hiện tượng chứ không nói lên bản chất của hiện tượng. Thế nhưng cũng có hai trường phái chính trong chủ thuyết công cụ, “mềm dẻo” và “cứng rắn”.

Trường phái thứ nhất cho rằng, tuy ta không nắm bắt được tự tính của hiện tượng nhưng hiện tượng vẫn là một thể khách quan. Trường phái thứ hai thấy rằng hiện tượng cuối cùng đều chỉ là sự phản ánh của tư duy con người, chứ không gì khác cả. Trong khuynh hướng thứ hai, có nhiều nhà khoa học nghiêm túc đặt câu hỏi, giữa giấc mộng và “thực tại” có cái gì khác, cái gì giống. Nơi đây, câu trả lời là, cái giống nhau giữa giấc mộng và thực tại là cả hai đều có tác động lên con người. Còn cái khác nhau là, giấc mộng thì chỉ có một người thấy, còn “thực tại” thì nhiều người thấy. Thế thì phải chăng cái được gọi là “khách quan” chỉ là cái được nhiều người cùng thấy? Và câu hỏi quyết liệt tiếp theo là phải chăng cái khách quan chẳng qua là một sự “tưởng tượng tập thể”? Suy nghĩ này làm ta nhớ tới khái niệm “cộng nghiệp” của Duy thức tông trong Phật giáo.

Quan niệm xem khách quan “là phản ánh của nhận thức” nói trên tuy xa lạ với nền vật lý cổ điển nhưng thật ra đã hiện diện từ lâu tại phương Tây. Đó là quan điểm cho rằng thế giới mà con người nhận thức được chỉ là hình ảnh của chính bản thân con người. Henri Poincaré, một nhà toán học lớn của Pháp, người được xem là nhà bác học “vạn năng” – xuất sắc trong mọi ngành kho học và triết học – cuối cùng của thế kỷ 20, một người thuộc phái công cụ, đã ví chúng ta như những người tiền sử ngồi trong hang động. Họ nhìn bóng hình mình do ánh sáng bên ngoài chiếu lên vách hang và cho những hình bóng đó là “thế giới khách quan”. Ẩn dụ của Poincaré đã quá rõ ràng thế giới chỉ là tâm thức của con người đang phản chiếu.

Đối với quan niệm công cụ, câu hỏi của bản thể học “bản thân thế giới là gì” không quan trọng, thậm chí vô nghĩa. Poincaré cho rằng “một thực tại hoàn toàn độc lập với tinh thần mà tinh thần lại nhận thức nó, thấy nó hay cảm nó, nếu nó có thật, thì chúng ta cũng không bao giờ tiếp cận được”.

Trong nền vật lý hiện đại, khi con người bắt đầu cảm nhậtn rằng, phải chăng thực tại là một thể tính nằm “cao” hơn không gian ba chiều của chúng ta, phải chăng thế giới mà ta cảm nhận chỉ là sự phản ánh của thể tính đó trong không gian của loài người, quan niệm công cụ trong khoa học dần dần được coi trọng. Con người bắt đầu thấy rằng, khi nhìn thế giới “bên ngoài”, ý thức đóng một vai trò quan trọng chứ không hoàn toàn thụ động. Ta nhớ rằng, trong thời Trung cổ, con mắt được xem như một chiếc hộp tí hon và hoàn toàn thụ động, nó “in” hình ảnh của thế giới bên ngoài lên thần kinh thị giác. Ngày nay hình ảnh về con mắt đã khác hơn xưa.

Trong khoảng thế kỷ 19, vai trò thụ động của con mắt đã biến mất. Người ta sớm biết rằng, thế giới “thực có” ở bên ngoài chỉ là nguyên tử, phân tử, hạt và sóng; và chính con mắt là nhân tố cảm nhận màu sắc và “làm nền” màu sắc. Tương tự như thế, ý thức con người nói chung – và sản phẩm của ý thức là các lý thuyết và mô hình vật lý nói riêng – không phải là nơi thu nhận và tổng kết một cách thụ động hình ảnh của “bên ngoài” mà là tác nhân đưa đường dẫn lối cho ta “thấy” thế giới hiện tượng. Cả các nhà vật lý duy thực cũng phải dần dần thừa nhận vai trò tích cực của ý thức con người trong các lý thuyết vật lý. Chính Einstein, nhà duy thực kiên trì nhất của thế kỷ 20 đã chỉ cho Heisenberg – lúc Heisenberg mới là một nhà khoa học trẻ và đại diện cho quan niệm thực chứng, chỉ quan tâm đến những gì “quan sát được” – rằng “chính lý thuyết là yếu tố quyết định con người quan sát được những gì trong thiên nhiên”. Nơi đây ta thấy tính biện chứng hết sức đối xứng trong vật lý. Đó là lý thuyết được xây dựng từ thông tin, kinh nghiệm, trị số đo lường trong thiên nhiên; và ngược lại, lý thuyết lại là yếu tố cho phép ta đo lường và xem xét những gì của thiên nhiên. Cần nói thêm, bản thân các thiết bị đo lường, nhất là trong ngành vật lý hạt, đều được suy nghiệm và triển khai từ lý thuyết và mô hình cả.

Một trong những vấn đề gây khủng hoảng trong nhận thức luận của vật lý ngày nay là vai trò của ý thức con người đối với thiên nhiên. Nó thụ động hay chủ động; và nếu chủ động thì chủ động đến mức nào. Ý thức chỉ là tác nhân tiếp nhận thôi hay nó tác động lại lên thiên nhiên. Câu hỏi ngược lại, thế thì thiên nhiên là gì, thiên nhiên “tự nó” là gì, sự vật là có hay không có. Cuối cùng phạm trù “có-không” lại hiện nguyên hình buộc cộng đồng vật lý phải trả lời. Đây lại là luận đề mà con người nêu lên từ nhiều ngàn năm trước, câu hỏi về “cài đầy và cái không”.

Thế nhưng cái khác vói thời kỳ của Plato và Aristotle là ngày nay người ta đã tìm đến với những đơn vị nhỏ nhất của vật chất, của cái mà người ta cho là “có”. Và tại đơn vị cơ bản nhất của cái “có”, tức là lĩnh vực của thế giới hạ nguyên tử, người ta thấy vật chất dường như vừa có vừa không. Vật chất có hai mặt, mặt sóng và mặt hạt. Ngày nay sóng được hiểu là “khả năng” xuất hiện của sự vật, còn hạt là sự vật đã xuất hiện thật, khi sự vật bị con người quan sát. Đây là cốt tủy cách diễn dịch cơ học lượng tử của trường phái Copenhage, cách diễn dịch được thừa nhận nhất hiện nay.

Cách diễn dịch này làm quan hệ “có-không” thêm phức tạp. Như thế phải chăng “có” là do con người quan sát mới có. Phải chăng khi không có cái tôi quan sát thì không có sự vật? Điều này cũng hết sức vô lý, xem ra không thể chấp nhận được. Con mèo của Schrödinger nếu không ai quan sát nó thì phải chăng nó vừa sống vừa chết? Trước thế kỷ 20 không có nguyên tử lẫn electron vì chưa ai biết đến chúng?

Các phạm trù “có, không”, “khách quan, chủ quan”, “vật chất, ý thức”, “khả năng, hiện thực” ngày nay tụ hội trong ngành vật lý một cách tinh tế, sâu sắc và gay gắt. Chúng là những phạm trù triết học cơ bản nhất của con người, chúng đã được sinh ra từ ngày con người biết suy tư. Xưa nay, trả lời những câu hỏi xung quanh từng vấn đề này tức là nêu lên hẳn cả một trường phái tư tưởng. Với ngành vật lý, dần dần con người đã tiếp cận triết học bằng cách nêu lên những phạm trù này, nhưng xuất phát từ một tầm nhìn khác. Trong thời đại mới, triết học và khoa học gần nhau tới mức chúng không còn có thể được phân biệt. Song song, các phạm trù mới này cũng có nhưng nội dung rõ nét hơn với những phát hiện quan trọng của vật lý. Trong triết học những mặt mâu thuẫn nói ở trên tưởng như chỉ là trò chơi của tư duy thuần túy. Nay, với cách đặt vấn đề mới của vật lý, chúng trở thành phép nhận thức cụ thể, cách xem xét vật chất đang vận động trước mắt con người.

Ngoài ngành vật lý với những phát hiện về những tính chất lạ lùng của vật chất trong thế giới vi mô, con người còn đến với những nhận thức mới trong ngành thể chất học. Đó là một ngành khoa học mới mà đối tượng của nó là mối liên hệ giữa thân và tâm, sự hình thành của cái thấy, cảm xúc, nhận thức, tư duy. Ngành khoa học ngày nay đã trở thành một lĩnh vực không thể không viết đến, khi tìm hiểu về vật lý và triết học. Nó chính là cầu nối giữa một bên là “vật chất”, bên kia là “tinh thần”, giữa khách thể và chủ thể. Trong thời đại này người ta tìm thấy vô số công trình, tài liệu… về ngành thể chất học và hầu như không ai có được một tầm nhìn toàn thể, có tính chất kết luận về đề tài này. Thế nhưng, nhìn chung, người ta đi đến với sự nhất trí rằng, mối liên hệ giữa thân và tâm là phức tạp hơn hẳn so với những gì người ta biết đến trong những thế kỷ trước, chúng có một mối quan hệ mật thiết và có tính chất “tương tác” lẫn nhau. Kết luận quan trọng nhất là tâm không phải là một thể thụ động, chò đợi vật chất tác động lên, mà nó “tương tác” với vật chất để sinh ra mọi cái mà ta gọi là nhận thức, cảm xúc, tư tưởng.

Cái gì làm ta thấy ly sữa là ly sữa chứ không phải là một thế giới như các vi sinh vật có thể thấy? “Ý niệm” về ly sữa hẳn phải có khi ta thấy ly sữa. Thế nhưng ý niệm đó có từ bao giờ, từ ngày ta còn là một trẻ sơ sinh? Một khán giả không có “ý niệm” về lỗi việt vị trong bóng đá sẽ không bao giờ “thấy” lỗi việt vị. Thế thì phải chăng ý niệm có trước, cái thấy có sau? Cái thấy do dâu mà có, nó đến từ “vật chất bên ngoài” hay từ “ý niệm bên trong”? Ý niệm là một thế giới khách quan thực có hay nó có tính chủ quan của mỗi người? Và nếu nó là chủ quan thì ta là tiên nhiên có trước hay sau khi con người sinh ra, do cha mẹ và môi trường giáo dục? Nơi đây, ta gặp những quan niệm cổ điển nhất của Plato và những phát hiện mới mẻ nhất trong khoa học.

Peter Medawar, giáo sư y khoa lãnh giải Nobel y học năm 1960, nhắc ta đừng quên rằng, “… những gì (con người) thấy mới đầu không chuyển tải thông tin gì cả, mãi cho đến lúc nó biết những gì nó chờ đợi sẽ thấy”. Con người biết trước khi nó thấy, nó thấy những gì nó muốn thấy. Điều này làm ta nhớ đến ý nghĩa những gì Einstein nói với Heisenberg: “chính lý thuyết là yếu tố quyết định con người quan sát được những gì trong thiên nhiên”. Niels Bohr cũng nói điều tương tự khi phát biểu: “… Trên tất cả mọi thứ, chúng ta phải nhớ và xem như một điều hiển nhiên rằng, mọi kinh nghiệm mới mẻ hiện ra cho chúng ta trong khuôn khổ của những quan niệm và củng những dạng nhận thức quen thuộc”.

Thật ra, nhận thức của Medawar không phải mới mẻ, cái mới chỉ vì ông là một giáo sư y khoa, vốn được các nhà khoa học trọng vọng hơn, nếu so với “người điên” Nietzsche. Triết gia người Đức Nietzschem đã từng viết: “mọi thứ mà ta ý thức được đều đã được thu xếp, giản lược, cho vào khuôn khổ, được lý giải”.

Cái biết nội tâm và thông tin từ ngoại cảnh tương tác với nhau để sinh ra nhận thức, đó là kết luận xem ra được thừa nhận nhất hiện nay trong khoa học. Thông tin ngoại cảnh (như sóng hay hạt) đến với ta, chạm vào các giác quan như mắt, tai. Các giác quan này tương tác với những thông tin đó mà sinh ra màu sắc, âm thanh hay cảm xúc nóng lạnh.

Thiết bị đo lường của con người thật ra cũng thế. Có thể chúng là nhiệt kế, thiết bị đo áp suất hay đo hiệu điện thế nhưng tất cả chúng đều tương tác với thông tin bên ngoài và tùy theo cấu trúc bên trong của chúng mà sinh ra những con số hay dấu hiện nhất định. Rồi con người đọc những con số và dấu hiệu đó và lý giải theo cách mà con người hiểu biết về sự vật. Thế nên những tương tác giữa con người và ngoại cảnh cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, được xây dựng trên nhiều quá trình “trao đổi” khác nhau. Trong thế giới hạ nguyên tử, vấn đề lại càng rắc rối hơn. Khi con người không thể tận mắt thấy được các hạt vật chất tí hon, khi con người phải phụ thuộc vào nhiều thiết bị mà bản thân của chúng cũng được cấu tạo bởi nhiều tầng tương tác thì ta càng không được quên rằng mọi nhận thức đều nhuộm tính chủ quan của người nhận thức và của cấu trúc nội tại của thiết bị đo lường.

Bởi thế, nơi đây ta có thể lý giải một cách giản lược về sự nghịch lý của sóng và hạt. Đó là ta phải xem thực tại là một thể chẳng phải sóng chẳng phải hạt và nó xuất hiện bằng cách tương tác với thiết bị. Khi thiết bị chỉ có thể “thấy” sóng thì thực tại xuất hiện với tính chất của sóng và ngược lại.

Vài trò chủ động của cái biết, của ý thức, của quan sát viên khi nhận thức thế giới ngày nay đã được khoa học thừa nhận. Kể cả thiết bị cũng thế, nó được xem là sự tinh tế hóa của người nhận thức, là cánh tay nối dài của quan sát viên.

Với những phát hiện trên, ngành thể chất học đã đặt lại vấn đề khách thể và chủ thể, một vấn đề quan trọng nhất của triết học phương Tây và là then chốt trong khoa học kể từ Descartes. Màu sắc, âm thanh, nóng lạnh… vốn được xem là khách quan thì nay bị đưa vào phạm trù chủ quan. Thế giới của chủ quan đang mở rộng phạm vi của mình về hướng hiện tượng. Đường phân cách giữa chủ thể và khách thể nay đã được vẽ lại. Ngày nay người ta còn đang xem nguyên tử và các hạt của chúng là khách thể. Liệu chúng là khách thể tồn tại độc lập với con người, hay chúng cũng thuộc chủ thể nốt; hay liệu chúng chỉ là sản phẩm của đầu óc con người; hay tất cả thế giới đều là hoạt động của tư duy. Tất cả những câu hỏi này đều là những luận đề thú vị nhất, mà tại đó triết học, vật lý, thể chất học, tâm lý học, bản thể học… đều đang tụ hội.

Trong vật lý hiện đại, con người vẫn tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và phát minh ở mọi lĩnh vực, thế nhưng, người ta biết rằng, tình hình này đòi hỏi một sự bừng tỉnh lớn lao trong vật lý, một cuộc cách mạng về nhận thức. Chỉ một sự đảo lộn về tư duy mới họa chăng có thể giải quyết một lúc những mâu thuẫn nói trên.

THẾ GIỚI ĐƯỢC XÂY DỰNG BẰNG Ý THỨC?

Một trong những phát hiện lớn nhất và sinh ra nhiều suy luận triết học nhất của nền vật lý hiện đại là cơ học lượng tử. Nền cơ học này có một ý nghĩa hết sức to lớn ở chỗ, nó tìm hiểu tính chất của thế giới vật chất nội tại “cái nôi” của vật chất, tức là nghiên cứu các phần tử cuối cùng cấu tạo nên vật chất.

Tại đó, người ta thấy vật chất không gì khác hơn là một khoảng không bao la, trong đó có vài phần tử được mệnh danh là “hat”. Kỳ lạ hơn nữa các “hạt” tí hon trong khoảng không đó vừa có tính liên tục của sóng, vừa có tính phi liên tục của hạt. Nhưng khó hiểu hơn tất cả mọi thứ là vai trò của con người. Chỉ khi nào con người tìm cách đo lường, quan sát các hạt đó thì đối tượng mới tự “cụ thể hóa” bằng những hạt hẳn hoi, còn nếu không có quan sát viên thì sự vật tự nó là gì, đó là câu hỏi con người không thể trả lời được. Câu hỏi này, mới nghe qua thì ta có thể tưởng nó chỉ là một vấn đề phụ, thế nhưng nó sớm dẫn đến phạm trù triết học lớn nhất của loài người, đó là sự vật “có” hay “không”. Và nếu “có” thì cái gì làm cho nó là “có”.

Từ khoảng 80 năm qua, các vấn đề của cơ học lương tử đã sinh ra những luận giải triết học lớn trong giới các nhà vật lý. Có thể nói một cách chắc chắn, các nhà vật lý tầm cỡ của thế kỷ 20 đều là việc với các phạm trù triết học then chốt nhất của con người như tính liên tục và phi liên tục của vật chất, tính ngẫu nhiên và tất yếu, tính khách quan và chủ quan, vật chất và ý thức, mối quan hệ giữa khả năng và hiện thực, thế giới có thực hay không có thực... các vấn đề đó liên hệ với nhau rất chặt chẽ và thu hút những bộ óc tinh mẫn nhất của thời đại.

Ngày nay ta có thể tìm thấy vô số sách báo, tài liệu về các luận đề đó và hầu như không ai có thể tìm đọc hết và phân loại chúng. Nếu ta có cố gắng tìm hiểu những luận điểm triết học của ngành vật lý hiện đại thì có lẽ điều nổi bật nhất là chúng rất khác nhau, không để cho ta xếp loại trong những trường phái có thể định nghĩa chính xác được. Thế nên, một đặc tính nữa trong vật lý hiện đại là nếu các khái niệm cổ điển được thống nhất một cách bất ngờ, thì ý nghĩa triết học của nó lại bị phân kỳ một cách không thể cứu vãn được. Do đó người ta thường nói đến một cuộc khủng hoảng trong nhận thức luận của vật lý học.

Dù vậy, ta thử tìm một vài manh mối quan trọng nhất của triết học và bản thể học của ngành vật lý hiện đại. Dĩ nhiên ở đây ta phải chấp nhận sự khái lược hóa tối đa để có thể đơn giản hóa vấn đề: Trong các luận đề triết học nói trên thì dường như cốt tủy hơn cả là mối quan hệ giữa ý thức và vật chất. Làm sáng tỏ được mối quan hệ đó tức là trả lời được một phần các vấn đề còn lại. Thế nhưng trong vấn đề này thì ý kiến giữa các nhà vật lý lại càng xa nhau một trời một vực.

Ý kiến chính thống ngày nay của ngành vật lý là, thực tại một thể khách quan, không phụ thuộc vào ý thức con người. Tuy nhiên, có thể là con người không bao giờ nắm bắt được thực tại đó, con người chỉ tiếp cận được dần dần, ngày càng chính xác hơn. Vì thể tư tưởng chính thống của vật lý có thể chấp nhận triết học của Kant và Popper.

Một loại tư tưởng khác coi trọng vai trò của ý thức hơn là những suy tư của Wheeler, Wigner, Gribbin, R. Penrose… Giữa các nhà vật lý này cũng có rất nhiều khác biệt trong tư tưởng nhưng nói chung, họ xem thế giới mà chúng ta đang nhận thức là sản phẩm của một sự tương tác qua lại giữa thế giới vật chất và thế giới của ý thức. Cho nên thực tại mà ta tưởng là khách quan thực chất là có sự “tham dự” của ý thức mà ta không hề biết.

Một tư tưởng khác, thừa nhận triệt để hơn nữa vai trò của ý thức được đề xuất bởi H.Stapp, hiện nay là giáo sư vật lý tại đại học Berkeley, Mỹ. Xuất phát từ bản thể luận của Heisenberg về sóng và sự “sụp đổ” của sóng để sinh ra hạt, Stapp phố hợp với tư tưởng của Whitehead và Von Neuman để đề ra một quan niệm về vai trò của ý thức trong sự hình thành thế giới. Theo ông, có một chất liệu mà từ đó cả vật chất lẫn ý thức bắt nguồn. Vũ trụ là một phương trình sóng khổng lồ của chất liệu đó, phương trình đó diễn tả mọi khả năng xảy ra của sự vật. Mỗi khi phương trình sóng bị sụp đổ là một biến cố thực đã xảy ra. Mỗi lần, mỗi phương trình sóng bị sụp đổ là mỗi lần nó ảnh hưởng đến toàn bộ cả vũ trụ. Và kẻ làm cho phương trình sóng bị sụp đổ chính là ý thức, là sự quan sát, nói chung là cái biết, là hoạt động của ý thức. Mỗi người chúng ta là một “người biết”, một kẻ có quyền làm phương trình sóng sụp đổ, tức là kẻ chủ động gây nên một biến cố trong vũ trụ và nó có ảnh hưởng lên toàn bộ thế giới. Theo Stapp, “tình trạng của vũ trụ là một tập hợp khách quan của mọi cái biết chủ quan”. Mỗi tác động là do chủ quan nhưng tập hợp các tác động chủ quan đó là một trạng thái khách quan. Cũng như mỗi người đi bầu cử có một phiếu, mỗi sự lựa chọn là chủ quan nhưng tập hợp của tất cả cử tri là một tình trạng khách quan.

Điểm thiết yếu của quan niệm này của Stapp là, vũ trụ chính là những gì ta biết về nó và ý thức con người là tác nhân biến khả năng thành hiện thực, ý thức con người là tác nhân biến khả năng thành hiện thực, ý thức là yếu tố xây dựng nên thế giới. Thực tại vật lý là một chuỗi những biến cố xếp lại với nhau, mà những biến cổ lại do con người dùng ý thức để làm sụp đổ các phương trình sóng của các khả năng. Và cứ mỡi biến cố hình thành là cái biết của con người lại gia tăng. Và cứ mỗi biến cố hình thành là cái biết của con người lại gia tăng và cái biết đó trở lại quyết định biến cố nào sẽ hình thành. Theo Stapp quá trình này diễn ra qua ba giai đoạn: 
- Quá trình Schrödinger trình bày tất cả mọi khả năng có thể xảy ra, chúng tuân thủ qui luật nhân quả, có tính chất quyết định luận. Đó là phương trình của các xác suất. 
- Quá trình Heisenberg là gian đoạn mà con người – vì cần hiểu biết – đặt thiên nhiên một câu hỏi. Khi câu hỏi đó được đặt ta, thiên nhiên sẽ trả lời bằng một biến cố do sự sụp đổ các phương trình Schrödinger. Qua đó con người sẽ tác động để một biến cố xảy ra thực và nhờ đó mà tạo tác thế giới. 
- Quá trình Dirac là giai đoạn trả lời của thiên nhiên, đó là một câu trả lời có tính ngẫu nhiên, không tuân thủ qui luật nhân quả. Một biến cố sẽ xảy ra nhưng không nhất thiết theo đúng những gì con người muốn, do đó con người chỉ có thể tạo tác thiên nhiên trong một mức độ nhất định.

Quan điểm của Stapp về thế giới chính là một dạng mới của chủ thuyềt của Berkeley, thường được gọi là “duy tâm chủ quan”. Đó là thế giới mà ta đang nhận thức không phải là thế giới tự nó mà cái biết của ta về thế giới, cái biết đang hiện trước mắt ta. Stapp còn cho rằng mỗi người đều tác động lên thế giới chung đó bằng cái biết của mình, một người nhận thức sẽ tác động lên nhận thức của tất cả những người còn lại.

Thế nhưng Stapp còn đi xa hơn Berkeley một mức, ông cho rằng ý thức con người là động cơ làm thế giới chuyển động từ trạng thái này qua trạng thái khác, nó chính là tác nhân biến khả năng thành hiện thực. Theo Stapp, thế giới (mà ta đang nhận thức) không phải được xây dựng bằng những hạt vật chất độc lập với con gười mà bằng một “cấu trúc mang nhận thức”. Stapp dựa vào quan niệm của William Jame để cho rằng “nhận thức” là một quá trình đang vận động, như một “tấm lưới được buộc chặt, đan kết bới tư duy và ý nhiệm, chúng đẩy lẫn nhau như những con cờ đô-mi-nô”. Và Stapp đủ táo bạo để quả quyết rằng “những qui luật của sự đan kết đó chính là những qui luật lượng tử; và nói một cách chính xác, chúng chính là qui luật toán học phát biểu cái biết của chúng ta đan kết với nhau như thế nào”.

Cả Jame lẫn Stapp đều có một thái độ rất mới về nhận thức luận, họ cho rằng, sự vận động tương tự như những con cờ đô-mi-nô đẩy lẫn nhau, cái đã xảy ra đẩy cái đang xảy ra, cái đang xảy ra đẩy cái sẽ xảy ra. Có sự vận động nhưng không có người nằm sau sự vận động, có sự nhận thức nhưng không có người nhận thức. Nhận thức luận này rất gần với thuyết vô ngã của đạo Phật mà ta sẽ nói đến sau. Quan niệm của Stapp, cho ý thức là nguồn gốc của thế giới và tính vô ngã nói trên làm người ta liên tưởng đến triết học Phật giáo. Điều thú vị là Stapp lại là một giáo sư ngành vật lý đương thời.

Quan niệm triết học của Stapp hiện nay không được nhiều người trong cộng đồng vật lý thừa nhận, mặc dù thật ra nó chính là cách lý giải về cơ học lượng tử của trường phái Copenhagen được đẩy tới mức cuối cùng.

Gribbin, Penrose cũng như Stapp đều là những nhà vật lý xuất sắc của thời đại chúng ta và đều đến với những kết luận khá kỳ lạ vế vai trò của ý thức trong vũ trụ. Nó làm nhiều người có cảm giác nhiều nhà vật lý trở lại với thuyết duy ý niệm của Plato hay với chủ thuyết duy tâm. Những vấn đề này làm cộng đồng vật lý rất khó chịu, họ cho rằng chúng sẽ đưa vật lý vào con đường của tôn giáo, của mê tín. Họ cần có một thực tại khách quan để tự khẳng định mình, tự tách mình ra khỏi chiếc nôi thần bí của tôn giáo. Nhưng ngược lại, nếu nhất định đòi hỏi một “thực tại khách quan”, người ta hầu như bị buộc phải chấp nhận thuyết “đa thế giới”. Thuyết này lại càng khó tin hơn nữa. Trong mọi trường hợp, cái gọi là “thực tại” ngày càng mờ nhạt và không thể định nghĩa.

Ngày nay nền vật lý đã tới một điểm là, nếu không có một sự bừng tỉnh lớn lao của tư duy thì dường như những kết qủa thực nghiệm không thể lý giải được. Heisenberg, Penrose, Stapp hay Everett, Feynman, Gell-Man, Hawking, Weinberg cũng như nhiều nhà khoa học trong tương lai đều cố gắng nêu những mô hình, chúng phải ăn khớp càng nhiều càng tốt các kết quả thực nghiệm, nhưng đồng thời chúng dựa trên một số giả định mới nghe qua có thể rất xa lạ. Thật ra đó là phương pháp khoa học mà ngày xưa Max Plank, Einstein hay Dirac cũng đã làm. Lịch sử ngành vật lý đã luôn luôn minh chứng rằng, một sự bừng tỉnh của tư duy thường được khởi đầu bằng sự từ bỏ một định kiến triết học.

Sau khoảng 25 thế kỷ, khoa học vật lý đứng trước một tình hình rất lạ thường. Xuất phát từ một giả định có tính bản thể học – thế giới hiện tượng là một thực tại độc lập với ý thức của con người – nhà vật lý đã đi một khoảng thời gian rất dài, với hàng trăm thế hệ các nhà khoa học xuất chúng, phát hiện những bí ẩn hết sức bất ngờ của thiên nhiên, đến với những thành tựu về khoa học và kỹ thuật vĩ đại. Trong thời đại ngày nay, khi người ta có cảm giác nền vật lý sắp tiến đến tri kiến chung cuộc về thế giới, ta lại đứng trước một câu hỏi về bản thể học. Đó là thế giới hiện tượng trước mắt ta thực chất nó là gì, nó liên hệ thế nào với ý thức con người. Tại điểm xuất phát và cũng là điểm “kết thúc” này thì những luận đề của vật lý chính là triết học. Và chúng ta thừa biết triết học thì không thể có kết thúc.

Tại tâm điểm của khoa học và triết học thì cái thấy, cái biết có khi phải dựa trên cái tin. Thế nên nơi đây những luận đề của tôn giáo về bản thể học trở nên hấp dẫn đối với nhà vật lý. Ngày nay nhiều nhà vật lý đã nhất trí với nhiều nhà triết học là sự vật tự nó không thể được tiếp cận bằng tư duy, bằng lý tính thuần túy. Người ta tự hỏi “trực giác trí tuệ” của Kant là gì, nếu lý tính bó tay chịu thua. Đó cũng chính là quan niệm “bất khả tư nghì” cảu đạo học phương Đông, mặc dù các nhà đạo học đến với thực tại vằng một con đường hoàn toàn khác.

Cả hai đều nói về một thực tại nằm ngoài khả năng nắm bắt của đầu óc luận lý. Phải chăng hai bên có những điểm chung?

Vì những lẽ đó, phần sau của cuốn sách này sẽ đi vào một số luận đề về thực tại, do triết học Phật giáo nêu lên. Hiển nhiên, triết học Phật giáo cũng lại là một hệ thống vô cùng bao quát và phức tạp, không mấy ai đủ sức để trình bày một cách đầy đủ và chính xác. Thế nhưng, nhằm tập trung vào nhận thức luận do vật lý hiện đại đề ra, ta có thề thử đi tìm vài luận điểm chung.

WP: Hoàng Ngọc Anh

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3526)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10332)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4600)