Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (1)

19 Tháng Chín 201404:01(Xem: 9266)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014


Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (1)

 

Quyển thượng
Côn Sơn – Chu Mộng Nhan, hiệu An Sĩ trước thuật
Ta trải qua mười bảy đời sinh ra làm kẻ sĩ có quyền thế

Giảng rộng:
- Phải tin có đời sau
Trong bài văn này, thảy đều là lời của đức Đế Quân hiện thân thuyết pháp, nên xưng là “ta” để mở đầu. Nói “trải qua mười bảy đời”, là đặc biệt muốn đem phần bản lai diện mục tiềm ẩn trong cái gọi là “thân của ta” này, từ xưa đến nay, trải qua bao kiếp sinh tử vẫn chưa từng hư hoại, mà chỉ rõ cho người sau được biết.
Người đời chỉ vì sinh ra chẳng biết mình từ đâu đến, chết đi cũng chẳng biết về đâu, nên cho rằng chết đi thì thân tâm đều dứt mất, không có đời sau. Do đó mà buông thả mọi hành vi, không chút e dè sợ sệt. Đế Quân vì hết sức lo sợ cho hạng người mê lầm như thế, tự mình sai lầm rồi lại dẫn dắt người khác sai lầm theo, khiến cho sự si mê độc hại ấy không khi nào dứt được, nên đem chuyện của chính tự thân mình đã “trải qua mười bảy đời” mà chính thức nói rõ cho mọi người đều biết. Nếu Đế Quân đã trải qua mười bảy đời, hẳn nhiên tất cả chúng ta cũng từng trải qua mười bảy đời như thế. Do đó, nếu siêng làm việc thiện, nghĩ đến đời sau sẽ được phước báo, ấy là điều tất nhiên. Nếu không làm việc thiện mà nghĩ đến đời sau sẽ được phước báo, ắt là việc không thể có.
Quả thật là:
Người đời chỉ biết đến xuân sau,
Cỏ hoa sinh từ hạt giống cũ.
Nếu biết còn có đời sau nữa,
Nhân thiện tự nhiên gắng sức trồng.
Nếu hiểu đúng được câu mở đầu của bài văn này như trên, xem như đã hiểu được hơn phân nửa bài văn rồi.
- Ta là chủ, thân là khách
Người đời đọc kinh sách, thường do tâm thô thiển, ý vọng động, nên không thể suy xét sâu xa mà tự nhiên lãnh hội. Đối với khái niệm về những danh xưng như “thân” và “ta”, thường không khỏi rơi vào chỗ hoang mang lẫn lộn. Nếu có thể nhận rõ được rằng “thân” có thể chỉ cho “ta” nhưng “ta” không thể chỉ cho “thân”, thì có thể hiểu được rằng “ta” mới chính là chủ, còn “thân” chỉ là khách tạm. Đã là “chủ” thì tất nhiên sẽ thường còn qua muôn kiếp, không hề có sinh có tử; còn đã là “khách tạm” thì hẳn phải có đến có đi, thay hình đổi dạng.
Ví như người đi xa, có lúc chèo thuyền, có lúc ngồi kiệu, lại có lúc cưỡi ngựa, có lúc lái xe... phương tiện thay đổi đủ loại, nhưng người không hề thay đổi. Thuyền, kiệu, ngựa, xe... ấy chính là thân, là khách, mà người chèo thuyền, ngồi kiệu, cưỡi ngựa, lái xe, ấy chính là ta, là chủ.
Lại ví như người được phân vai đóng kịch, có lúc giả làm vua chúa, có lúc giả làm quan lại, cũng có lúc giả làm người ăn mày... thường thay đổi đủ hình dạng, nhưng người thật không thay đổi. Vua chúa, quan lại, ăn mày... ấy chính là thân, là khách; mà người đóng vai vua chúa, quan lại, ăn mày... ấy chính là ta, là chủ.
Nếu chỉ lấy trong một thân hiện tại này mà nói, thì cái khả năng “thấy hình nghe tiếng” chính là thuộc về thân, là khách, mà người “thấy hình nghe tiếng” mới chính là ta, là chủ. Vì thân có sinh có tử, nên về già thì mắt dần mờ, tai dần điếc. Ta là chủ thật không sinh không tử, nên mắt tuy có mờ mà người thấy không mờ, tai tuy có điếc nhưng người nghe không điếc. Cho nên quyết rằng:
Nếu nói thấy, nghe là ta,
Khác nào nhận giặc vào nhà làm con?
Cho nên, người có trí tuệ nương theo tánh thể lớn lao, có thể sử dụng thân giả tạm này làm phương tiện tu tập. Ngược lại, kẻ si mê tự che mờ tánh thể, trở thành nhỏ hẹp, đánh mất đi vị thế chủ nhân nên luôn bị thân giả tạm này sai sử.
- Sống chết qua nhiều đời
Nếu như đã có 17 đời qua, ắt có thể có 70 đời, 70 kiếp sống, thì cũng có thể có vô lượng vô số kiếp sống. Như vậy, cái “ta” của Đế Quân nói đến ở đây là vô cùng, mà cái “ta” của tất cả chúng ta cũng là vô cùng tận. Và nếu Đế Quân đã có thể sinh ra làm “kẻ sĩ”, làm bậc “đại phu”, thì cũng có thể sinh ra làm thân trời, thân rồng... trong 8 bộ, cũng có thể sinh làm thân trong địa ngục, ngạ quỷ... Thân của Đế Quân như thế là không nhất định, thì thân của tất cả chúng ta cũng là không nhất định.
Đế Quân đã thác sinh nhiều đời như thế, tất nhiên mỗi đời đều có cha mẹ, thân thích quyến thuộc, số ấy phải là rất nhiều. Đế Quân đã có thân thích quyến thuộc đời trước nhiều như thế, ắt tất cả chúng ta cũng đã có rất nhiều thân thích quyến thuộc trong đời trước, không khác.
Cho nên, nói “ta” đó chính thật là chủ nhân ông; nói “mười bảy đời qua” đó chính là vô thường sớm tối; nói “làm” thân này thân khác, đó chính là nhân duyên tan hợp; nói “kẻ sĩ có quyền thế” đó chỉ là khái niệm tốt xấu do người dựng lên, khác nào pho tượng gỗ; nói “thân” đó chỉ là cái túi da đựng xương thịt, quả thật rất khó chỉ rõ cho người đời biết được.
- Vì sao nên có thuyết về đời sau
Chuyện đời trước đời sau khác nào như ngày lại ngày qua, mặt trời mọc lặn; chúng sinh lặn ngụp trong luân hồi vốn là sự thật như thế, hoàn toàn không phải do nhà Phật mà có. Ví như các cơ quan lục phủ ngũ tạng đều là sẵn có trong người bệnh nhân, lẽ đâu chỉ vì nghe những tên gọi ấy được nói ra từ miệng thầy thuốc rồi lại cho rằng những thứ ấy hẳn nằm trong giỏ thuốc?
Nếu người ta thật không có đời sau, không lưu chuyển luân hồi, ắt là trong thế gian phải thấy có lắm sự bất bình, mà bao nhiêu luận thuyết của các bậc thánh hiền thảy đều không đủ bằng chứng để tin nhận. Chẳng hạn như đức Khổng tử nói rằng: “Người có lòng nhân được sống lâu”, rồi ngài cũng hết lời ngợi khen Nhan Hồi là người có lòng nhân, thế nhưng Nhan Hồi lại yểu mạng! Kẻ trộm cướp tàn độc như Đạo Chích thật hết sức bất nhân, nhưng lại được sống lâu! Thế thì bậc hiền nhân độ lượng dù nỗ lực làm người hiền thiện cũng chỉ luống công vô ích, mà những kẻ xấu xa nhỏ mọn lại vui mừng hể hả làm người xấu ác. Như vậy có còn gì là nề nếp, trật tự trong đời?
Chỉ nêu lên thuyết về đời sau mới giải tỏa được tất cả những điều đó, vì như vậy thì kẻ làm thiện mới được khuyến khích, kẻ làm ác mới bị trừng trị; trời xanh cũng không mang tiếng là bất công hồ đồ, mà Khổng tử cũng không bị chê bai là người vô trí. Lớn lao thay, chỉ một câu “trải qua mười bảy đời” do Đế Quân nói ra đã nêu rõ thuyết ấy!
- Những cách hiểu sai lầm về đạo Phật
Giáo thuyết “hư vô tịch diệt”, rỗng không vắng lặng của nhà Phật, chẳng phải là chỗ đau đớn căm hận của nhà Nho đó sao? Vì đã căm hận, nên không thể tự mình học hỏi noi theo. Ngày nay, những người mang giáo lý nhà Phật ra giảng giải để khuyên dạy người đời ắt thường nói rằng: “Làm việc thiện được hưởng phước báo, làm việc ác phải gặp tai họa, rõ ràng có nhân có quả, rằng trong chỗ vô hình thật có quỷ thần. Những gì đã qua, ấy là kiếp trước; tương lai chưa đến, ấy là đời sau.” Từng bước từng bước trình bày như thế, đều là có căn cứ đúng thật. Nhưng thử hỏi, đối với hai chữ “hư vô” làm sao có thể thêm gì vào đó?
Những người bài bác đạo Phật thường cho rằng thiên đường địa ngục chỉ là hoang đường bịa đặt, kiếp trước kiếp sau thật mơ hồ mù mịt không thể biết, rằng thân này khi sinh ra chẳng quan hệ gì đến trước đó, chết đi cũng chẳng để lại dấu vết gì. Bình tâm suy xét kỹ, cách nghĩ như thế thật trùng khớp với căn bệnh đã nằm ngay trong hai chữ “hư vô”.
Người học Phật thực sự nói rằng: “Thân tứ đại này tuy có hư hoại, nhưng chân tánh không hề có sinh tử.” Những người bài bác đạo Phật lại nói khác đi rằng: “Không có kiếp trước, chẳng có đời sau.” Phàm khi nói rằng bỏ thân này ắt thọ thân khác, ấy là tuy có “tịch” nhưng không phải dứt mất, tuy có “diệt” nhưng chẳng phải hoại diệt hoàn toàn. Nếu như bỏ một thân này mà sau không thọ thân khác, thì đó là một lần “tịch” sẽ mãi mãi dứt mất, một lần “diệt” sẽ vĩnh viễn không còn. Bình tâm tự xét lại, thử hỏi hai chữ “tịch diệt” đó, rốt cuộc thì ai là người thọ nhận? Than ôi! Thân hình quá to lớn cục mịch, trở lại chê trách phòng lớn của người là nhỏ hẹp, thật sai lầm thái quá!
- Tác hại của việc không tin có đời sau
Cầm dao giết người, bất quá cũng chỉ chém được vào da thịt người. Nếu nói rằng không có đời sau, đó chính là chặt đứt mạng căn trí tuệ của người khác. Chém vào da thịt thì chỉ làm hại một kiếp sống này thôi, nhưng chặt đứt mạng căn trí tuệ là giết người trong nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên phải biết rằng, khuyên người bỏ ác làm lành là chuyện thứ yếu, mà trước tiên cần phải biện minh làm rõ rằng có đời nay ắt phải có đời sau, đó mới là lời căn bản thiết yếu nhất.
Nếu kẻ xấu ác tiểu nhân nói ra lời phản bác rằng không có đời sau, ắt người nghe thảy đều khinh thường bỏ qua. Cũng giống như kẻ muốn hại người nhưng đem thuốc độc bỏ vào thức ăn đã bốc mùi ôi thiu, ắt chẳng mấy ai chịu ăn, nên tai hại cũng không đáng kể.
Nhưng nếu những lời phản bác không có đời sau lại do người có uy tín học thức nói ra, ắt sẽ có nhiều người tôn trọng mà tin theo. Cũng ví như đem chất kịch độc mà bỏ vào các món cao lương mỹ vị, ắt phải có nhiều người ăn, nên tác hại thật là ghê gớm. Như người có khả năng biện bác cứng cỏi rành mạch, một bề giữ tâm cứu người giúp đời, quyết không theo hùa với những lời như thế, ắt sẽ được công đức hết sức lớn lao.
Lợi ích của việc tin có đời sau
Những người từng học sách Nho, không khỏi vẫn còn ảnh hưởng trong tâm tính. Vì thế, khi nghe nói đến thuyết luân hồi, bất luận có tin theo hay không cũng chẳng tự mình nói ra. Nay được nghe thuyết “trải qua mười bảy đời” được ghi trong chính những lời giáo huấn của Đế Quân, quả thật như trải cả gan ruột mà nói với người đời.
Vì sao vậy? Chỉ nói đối với những người không biết có đời sau, bấm tay tính đếm tương lai, ắt thấy chẳng còn được bao lâu. Nay nghe biết rằng thân xác thịt này tuy có chết nhưng chân tánh không diệt mất, có thể ngay đó hiểu rằng tuổi thọ của ta từ xưa đến nay thật dài lâu như trời đất. Cho nên, có thể thay đổi từ thọ mạng ngắn ngủi trở thành trường thọ, chính là thuyết “trải qua mười bảy đời” này.
Lại nói đối với những người không biết có kiếp trước, ắt khi nhìn qua các bậc thiên đế, thiên tiên, đế vương, khanh tướng... trong đời, tự nhiên quay lại thấy mình thật quá nhỏ nhoi hèn kém. Nay được nghe biết có sáu đường luân hồi, cao thấp qua lại lẫn nhau, thì biết rằng những cảnh hào quý cao sang hẳn mình cũng đã từng trải qua trong bao kiếp trước. Cho nên, có thể làm cho phú quý với bần tiện được bình đẳng như nhau, chính là thuyết “trải qua mười bảy đời” này.
Lại nói đối với những người không hiểu được là mọi việc đều có nhân từ trước, hẳn mỗi khi gặp điều trái ý đều không khỏi sinh tâm oán hận. Nay hiểu ra được rằng mọi điều vinh nhục, được mất... trong đời đều do nghiệp đã tạo từ trước mà có, thì cho dù có gặp phải những điều trái nghịch nhiều hơn nữa, cũng có thể an nhiên nhẫn chịu. Cho nên, có thể làm tiêu tan sự tức tối oán hận mà khiến tâm được an hòa bình ổn, chính là thuyết “trải qua mười bảy đời” này.
Lại nói đối với những người không hiểu chuyện họa phước nên không từ bất cứ việc xấu ác nào, nay biết được rằng làm việc thiện thì tự thân được an vui, gây hại cho người khác chính là tự hại mình, ắt là trong chỗ tối tăm mù mịt tự nhiên khởi tâm run sợ trước việc ác, mà ưa thích làm điều lành. Cho nên, có thể biến kẻ tham ác hung tàn thành người lương thiện, chính là thuyết “trải qua mười bảy đời” này.
Lại nói đối với những người không tin nhân quả, nên khi thấy người hiền gặp tai họa, kẻ ác được phước lành, liền cho rằng đạo trời chẳng công bằng. Nay nếu suy xét kỹ chuyện kiếp trước đời sau, ắt sẽ thấy rằng mọi việc thiện ác, phúc họa, căn bản đều không một mảy may sai lệch. Cho nên, có thể chuyển hóa ngu si thành trí huệ, chính là thuyết “trải qua mười bảy đời” này.
Quả thật là:
Một lời, hiểu thấu ý chân thật,
Đâu cần nhọc sức học muôn câu?
Trưng dẫn sự tích

Trời giúp đạo Nho hưng khởi
Đế Quân kể rằng: Ta dạo chơi trong chốn nhân gian, đến vùng Hội Kê, Sơn Âm, nhìn thấy một người ở ẩn, khoảng ngoài năm mươi tuổi, đang thắp hương khấn trời cầu sinh con nối dõi. Khi ấy là giữa mùa xuân, nhằm lúc giữa đêm, tinh tú sáng rực, sao Trương Túc chiếu sáng trên cao, mà người ở ẩn này tình cờ lại mang họ Trương, nên ta hạ sinh vào nhà ấy.
Nơi thôn xóm ta hạ sinh, dân chúng thường cắt tóc xăm mình, vốn theo tập tục thời chưa khai hóa. Ta đến tuổi mười lăm, trong lòng hết sức không vui, liền tìm mũ đội, dép mang, tự mình học làm theo lễ nghĩa văn minh. Người trong làng thấy ta như vậy đều cho là khác lạ, nhưng lâu dần rồi thì số người học làm theo giống như ta ngày càng nhiều hơn, mười phần có đến bảy, tám.
Ngày kia, có một cụ già đến xin gặp cha ta, miệng tụng đọc nhiều lời giáo huấn của Đường Ngu, lại nói rằng: “Trong nước hiện nay có vị sứ giả truyền bá những văn chương này.” Ta thích lắm, theo cụ ấy mà học, chỉ nghe đọc qua liền ghi nhớ không hề bỏ sót. Từ đó, lại có nhiều người nguyện theo cầu học, nên ta trở thành bậc thầy.
Lời bàn
Đức Khổng tử ra đời, ấy là mẹ ngài từng cầu đảo tại Ni Sơn; Đế Quân ra đời, ấy là cha ngài đã khấn nguyện với trời cao. Bậc thánh nhân ra đời, thảy đều khác hẳn kẻ tầm thường. Đức Khổng tử khua vang mõ gỗ vào thời triều Chu suy yếu, nhưng hiển bày những lời sâu xa vi diệu đến tận muôn đời; Đế Quân phô bày văn chương đạo lý lễ nghĩa lúc triều Chu đang hưng thịnh, mà ngấm ngầm ảnh hưởng đến chuyện thiện ác tốt xấu của ngàn năm sau. Đó chẳng phải là sự khác biệt trong phương tiện giáo hóa nhưng cuối cùng vẫn đưa đến một mục đích chung là làm cho thiên hạ được tốt đẹp hơn đó sao?
Can vua giữ tròn đạo nghĩa
Đế Quân kể rằng: Vào đời Chu Thành Vương, ta mang tên họ là Trương Thiện Huân. Thành Vương dùng ta làm quan can gián. Bấy giờ tuy đang thời hưng thịnh, nhưng vì lo nghĩ cho dân cho nước nên ta chưa từng biếng trễ. Lúc Thành Vương còn nhỏ tuổi, Chu Công thay quyền xử lý việc nước, về sau Thành Vương thường lộ ý bất mãn. Ta sợ những kẻ thân cận Thành Vương thừa cơ gièm pha Chu Công, nên thường đem những lẽ tinh tế trong đạo quân thần, họa phúc trước sau mà răn nhắc, nhưng các biểu thư can gián ấy phần nhiều đều đốt cả, nên không ai nhìn thấy. Vì thế, lúc Chu Công đi chinh phạt phương đông, tuy các nước chư hầu có lắm điều tiếng thị phi khiến ông không vui, nhưng cuối cùng rồi tình nghĩa vua tôi vẫn được gìn giữ vẹn toàn. Ta cũng có chút công lao trong việc ấy.
Lời bàn
Họ Trương vốn là hậu duệ của Hoàng Đế. Đế Quân giáng sinh đời Chu Thành Vương vào năm Ất Tỵ, từ đó về sau nhiều lần chuyển thế vẫn thường giữ họ Trương. Người đời truyền rằng ngày 3 tháng 2 là ngày đản sinh của ngài, đó là căn cứ chỉ một lần tái sinh của ngài vào đời Tấn Vũ Đế, niên hiệu Thái Khang năm thứ 8. Nếu xét rằng từ xưa đến nay Đế Quân đã nhiều lần tái sinh, hẳn từ đầu năm cho đến cuối năm, liệu có ngày nào không phải ngày sinh của ngài?
Thương yêu giúp đỡ thân tộc
Đế Quân kể rằng: Ta ở Kinh đô nhà Chu mười năm, xa quê hương đã lâu. Một hôm, đọc bài thơ “Chim cú” của Chu Công, trong lòng xúc động, liền nhân đó xin cáo lão về quê. Về đến quê hương rồi, thấy người trong gia tộc hương thôn đa số nghèo khó, liền xây dựng điền trang lấy thu nhập để giúp đỡ, gọi là nghĩa điền. Từ đó thường cứu giúp những người khốn khó, trị liệu cho người tật bệnh, trai gái đến tuổi trưởng thành thì giúp việc dựng vợ gả chồng, trẻ em thông minh có năng khiếu thì nuôi dưỡng cho học hành.
Nhiều người nghe biết việc làm tốt đẹp như vậy, rủ nhau làm theo. Từ đó việc xây dựng các nghĩa điền ngày càng phát triển khắp nơi.
Lời bàn
Thuở ấy, Đế Quân dùng y thuật trị bệnh cứu người, còn việc xây dựng quản lý các điền trang để lấy thu nhập giúp người, thảy đều do con ngài đảm trách.
Buổi đầu học Phật
Đế Quân kể rằng: Khi ta còn làm quan ở triều đình, từng nghe có người từ phương xa đến nói rằng: “Ở một nước về phía tây, có bậc đại thánh nhân không giới hạn ở lời nói mà người khác tự được giáo hóa, không trói buộc trong việc làm mà tự nhiên thấu triệt chân lý; lấy từ bi làm chủ trương, lấy phương tiện làm cửa vào, lấy việc giữ gìn giới luật làm đạo thường, lấy tịch diệt làm niềm vui, xem chuyện sống chết chỉ như sáng tối thay đổi, ngày qua đêm lại, xem ân oán thân thù đều bình đẳng như nhau, chỉ như sự nhận biết trong giấc mộng, dứt sạch không còn những tình cảm thế tục như buồn, lo, mừng, giận, luyến ái... Thấu biết cõi đời là giả tạm nên chỉ cầu chứng quả vô sanh.”
Ta được nghe rồi, lòng rất ngưỡng mộ bậc thánh nhân ấy. Đến khi ta từ quan về quê, giữa đường bỗng gặp một vị ẩn sĩ, vừa đi vừa hát nơi chốn đông người qua lại. Trong lời ca ta nghe có nhiều điều sâu xa uyên áo thầm khế hợp, liền lập tức dừng xe, đến bái lễ người ấy xin được chỉ dạy. Vị ẩn sĩ ngước mặt nhìn trời rồi truyền tâm ấn, dạy nghĩa lý chân chánh cho ta, lại nói rằng: “Đây là giáo pháp của bậc thánh nhân phương Tây, dạy người đạt đến cảnh giới vắng lặng tịch diệt. Nếu ông luôn nhớ nghĩ mà tu tập theo thì có thể vượt thoát sinh tử, đạt đến cảnh giới của Phật Vô Lượng Thọ. Như đã đạt đến bến bờ giải thoát, ắt có thể viên thành Chánh giác. Bằng như nửa đường thối thất, cũng có thể vào cảnh giới của thần tiên.”
Ta thọ nhận giáo pháp ấy rồi, từ đó về sau duyên trần dứt sạch, trăm mối lo phiền đều nguội lạnh. Ngày kia, vừa đúng kỳ trung thu, ta cho mời thân quyến bằng hữu cùng đến, lưu lại một bài tụng rồi ra đi.
Lời bàn
Có người ngờ rằng đến thời Hán Minh Đế thì Phật giáo mới truyền vào Trung Hoa. Như vậy, vào thời của Đế Quân, làm sao có thể nghe được lời người phương xa như thế? Nhưng xem khắp các ghi chép trong sách sử thì biết rằng vào thời Tây Chu, tại Trung Hoa vốn đã biết đến Phật pháp.
Vào đời Chu Chiêu Vương, ngày mồng 8 tháng 4 năm thứ 26, chính là ngày đức Phật Thích-ca Như Lai đản sinh. Khi ấy, nhìn lên mặt trời thấy có rất nhiều quầng sáng, hào quang ngũ sắc sáng soi, chiếu thẳng vào bên trong triều nội, tỏa rạng bốn phương, cung điện chấn động, nước trong sông hồ ao giếng đều tự nhiên dâng tràn. Chiêu Vương sai quan Thái sử bói quẻ, được quẻ Càn, cửu ngũ, tâu lên rằng: “Đây là điềm hiện có bậc thánh nhân ở phương tây đản sinh. Sau ngàn năm nữa, giáo pháp của ngài sẽ truyền đến đây.”
Vua sai khắc chuyện này lên đá, đặt phía trước điện thờ Nam Giao. (Trích từ các sách Chu thư dị ký -周書異記 - và Kim thang biên - 金湯編)
Sang đời Chu Mục Vương, có người truyền đạo từ Tây Vực đến, có khả năng đi vào lửa nước, xuyên qua vật cứng như kim loại, vách đá, dời núi lấp biển, chuyển dịch thành ấp. Mục Vương cho xây đài Trung Thiên mời vị ấy đến ở. (Trích từ sách Liệt tử - 列子)
Vì thế đến nay có rất nhiều chỗ như núi Ngũ Đài, núi Chung Nam thuộc Sơn Tây, Thương Hiệt Tạo Thư Đài (cách kinh đô Hàm Dương của nước Tần 20 dặm về phía nam), núi Đàn Đài (nằm về phía nam cung Ngọc Hoa đời Đường)... đều còn lưu lại dấu tích của việc Mục Vương xây chùa thờ Phật.
Trong thiên Trọng Ni (仲尼篇) của sách Liệt tử (列子) cũng thấy dẫn lời Khổng tử rằng: “Ta nghe phương tây có vị đại thánh nhân, không trị mà dân không loạn, không nói mà dân tự tin, không giáo hóa mà dân tự làm đúng. Thật lớn lao vĩ đại thay, dân không biết dùng tên gì mà gọi.”
Ngoài ra, khảo chứng lại vào đời Tần Mục Công, có người ở Phù Phong (thuộc Thiểm Tây) tìm được một pho tượng đá. Mục Công không biết là tượng gì, sai người đem vất trong chuồng ngựa. Ngay sau đó, Mục Công bỗng thình lình ngã bệnh, nằm mộng thấy bị thiên thần trách mắng. Mục Công đem việc ấy hỏi triều thần, Do Dư tâu rằng: “Tôi nghe nói vào thời Chu Mục Vương có người truyền đạo đến, nói là đệ tử Phật. Mục Vương tin tưởng vị ấy, cho xây đài Trung Thiên cao hơn ngàn thước mời đến ở, chỗ nền đài ấy hiện nay vẫn còn. Ngoài ra, ở gần Thương Hiệt Đài lại có xây chùa Tam Hợp. Nay bệnh của bệ hạ có liên quan đến việc ấy chăng?”
Mục Công nói: “Gần đây có tìm được một pho tượng đá, y phục không giống như người thời nay, hiện đang bỏ trong chuồng ngựa, chẳng biết có phải là tượng Phật chăng?” Liền cho người mang đến, Do Dư nhìn thấy kinh hãi nói: “Quả đúng rồi!”
Mục Công lập tức thỉnh tượng Phật đặt lên chỗ sạch sẽ. Tượng đột nhiên phóng hào quang sáng rực. Mục Công cho là thần nhân nổi giận, liền giết đủ 3 loài vật là trâu, dê và lợn mang đến cúng tế. Khi ấy có thiện thần xuất hiện mang những vật cúng tế ấy vất ra ngoài xa. Mục Công hết sức hoảng sợ, đem việc ấy hỏi Do Dư.
Dư nói: “Tôi nghe rằng đức Phật là bậc thanh tịnh, không được dâng cúng rượu thịt. Ngài thương xót bảo vệ sinh mạng tất cả chúng sinh như con đỏ. Bệ hạ muốn dâng cúng, xin dùng bánh trái là được.”
Mục Công vui mừng khôn xiết, phát tâm muốn tạo tượng Phật, nhưng không biết tìm người tạc tượng ở đâu. Do Dư liền nói: “Xưa Mục Vương xây chùa tạc tượng, ắt những vùng chung quanh đó có thể tìm được thợ giỏi.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3449)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10157)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4381)