- Lời Giới Thiệu Bản Việt Dịch Sách An Sĩ Toàn Thư
- Lời Tựa Đầu Tiên Của Sách Giảng Rộng Bài Văn Âm Chất
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (1)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (2)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (3)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (4)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (5)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (6)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (7)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (8)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (9)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (10)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (11)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (12)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (13)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (14)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (15)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (16)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (17)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (18)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (19)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (20)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (21)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (22)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (23)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (24)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (25)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (26)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (27)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (28)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (29)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (30)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (31)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (32)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (33)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (34)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (35)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (36)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (37)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (38)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (8)
Trưng dẫn sự tíchXử án công bình khoan thứ
Niên hiệu Trinh Quán thứ nhất đời nhà Đường, ở Thanh Châu có vụ mưu phản, người bị bắt giam đầy trong ngục, vua ban chiếu sai Tiết Nhân Sư tra xét vụ án này.
Nhân Sư vừa đến liền truyền tháo bỏ hết gông cùm, cho phạm nhân ăn uống no đủ, tắm gội sạch sẽ, sau đó chỉ trừng trị một số tên cầm đầu trong vụ ấy mà thôi. Tôn Phục Già ngờ rằng số người được tha bổng quá nhiều, Nhân Sư liền nói: “Trong việc xử án cần phải lấy điều nhân nghĩa khoan thứ làm căn bản, sao có thể chỉ vì muốn tránh tội cho bản thân mình mà biết người khác bị oan không cứu? Nếu quả như làm thế mà trái ý hoàng thượng, thì dù phải hy sinh mạng sống này tôi cũng vui lòng.”
Sau vua cho người thẩm tra lại vụ án ấy lần nữa, quả nhiên những người được Nhân Sư tha bổng đều đã bị bắt oan.
Lời bàn
Quan Tư Khấu cai quản hình ngục là Cung Chi Lộc dâng sớ tâu lên rằng: “Xưa nay việc xử án sai lầm xử nhẹ hơn so với tội trạng, so ra không nghiêm trọng bằng việc kết án oan sai người vô tội. Nay vâng mệnh khảo xét quan lại phụ trách xử án, thấy trưng dẫn điều luật không phù hợp, kết án qua loa khinh suất thì lập tức luận tội. Xét thấy quan lại chỉ nghĩ đến đường công danh của bản thân họ mà không hề nghĩ đến tính mạng người khác, đối với những vụ án cần phải xem xét nghị án lần nữa, thì lại chọn cách an ổn cho mình nên đẩy phạm nhân vào chỗ chết. Như khi thừa mệnh tra xét quan lại mà thấy quả thật đã để tình riêng làm sai lệch phép nước thì nên trị tội. Còn những trường hợp phán quan xử nhẹ hơn hoặc quyết định tha bổng chưa thỏa đáng thì nên tha thứ, miễn xử phạt. Như vậy có thể khiến cho quan lại bớt đi mối lo lắng khi xử án, mà việc xử án cũng thêm phần nghiêm minh và hợp với đạo lý.”
Tiên sinh Cung Chi Lộc quả thật nhân hậu biết bao! Ngày sau ắt sẽ được hưng long thịnh vượng.
Biện giải cho tù bị oan
Lưu Túc làm quan vào triều Kim, có người ăn trộm lụa là, châu báu trong công khố. Kẻ trộm còn chưa bị bắt, nhưng lại bắt được người môi giới bán châu báu cùng thuộc hạ giữ kho liên đới cả thảy 11 người. Hình bộ thụ lý, quyết định xử tử hình tất cả. Lưu Túc nói: “Trong vụ này vẫn chưa bắt được tội phạm chính, giết những người này như vậy là oan uổng.”
Vua Kim nổi giận không muốn nghe. Lưu Túc nỗ lực hết sức để biện giải sự việc, nhờ đó mà không một người nào phải chết. Về sau Lưu Túc được phong Hình Quốc Công.
Lời bàn
Việc hóa giải oan tình cho kẻ bị hàm oan, có ai lại không muốn? Chỉ là vì không khỏi lo sợ chọc giận cấp trên, lại sợ trái ý gây hiềm khích với quan viên cộng sự, vì thế mà trong lòng muốn nói nhưng không dám nói ra. Huống chi là việc can gián trái ngược ý vua, khác nào như vuốt râu hùm, dám động đến oai trời? Tấm lòng cương trực của Lưu Túc khi dám làm việc ấy, quả không mấy ai sánh nổi.
Ba con đều vinh hiển
Thạnh Cát làm quan Đình Úy vào triều Minh, việc xử án chưa từng để vụ nào phải kéo dài hay oan uổng. Mỗi độ đông về là lúc định lại danh sách tù nhân, người vợ cầm đuốc đứng bên soi cho, Thạnh Cát tay cầm sổ ghi tên tù nhân mà rơi nước mắt. Người vợ bảo ông rằng: “Ông vì thiên hạ giữ việc thi hành pháp luật, không được kết tội oan uổng cho người, mới tránh cho con cháu mai sau không phải gặp tai ương.”
Làm quan Đình Úy được 12 năm, dân chúng đều xưng tụng là công bình, khoan thứ. Một hôm bỗng có con chim khách trắng đến làm tổ nuôi con trên cây đại thụ ngay trước sân nhà Thạnh Cát, mọi người đều cho đó là điềm lành. Sau Thạnh Cát sinh được 3 người con trai, thảy đều vinh hiển.
Lời bàn
Đường Thái Tông từng nói với các quan hầu cận rằng: “Thời xưa khi phải tử hình tội nhân thì bậc quân vương ngưng việc tấu nhạc trong cung, giảm bớt món ăn thường nhật. Ta vốn đã không thường tổ chức vũ nhạc trong cung, nhưng mỗi lần như vậy đều bỏ không ăn thịt uống rượu.” Những kẻ đang làm quan, sao có thể không biết đến việc ấy?
Không bắt bớ phụ nữ
Vương Khắc Kính làm quan Diêm Vận Sứ vùng Lưỡng Triết. Vùng Ôn Châu cho áp giải tội phạm đến, trong số đó có một phụ nữ cũng bị áp giải chung. Vương Khắc Kính nổi giận quát: “Sao có thể áp giải phụ nữ cùng đi trên đường xa ngàn dặm, phải chung đụng với quân binh sai dịch hỗn tạp như thế này? Từ nay về sau không được bắt bớ phụ nữ nữa.” Sau đó liền cho bổ sung thành điều lệnh như thế.
Lời bàn
Một cơn giận của Vương Khắc Kính thật đầy lòng nhân hậu, bảo toàn được cho rất nhiều phụ nữ không phải chịu cảnh ô nhục. Từ đó mà suy ra, không chỉ riêng phụ nữ, mà cả những đối tượng như người già yếu, suy nhược, bệnh tật, tàn phế, cho đến tăng ni, đạo sĩ, những người có danh phận thể diện, hết thảy đều không nên đối đãi khinh suất.
Hành pháp nghiêm khắc không con nối dõi
Vào cuối đời nhà Minh, châu Cao Bưu có người họ Từ, làm quan đến chức Quận thủ, thanh liêm chính trực, nghiêm giữ theo pháp luật. Thuộc cấp dưới quyền mỗi khi sai hạn một ngày đều phải bị phạt chịu đánh 5 trượng. Có một người trễ hạn 6 ngày, theo luật phải chịu 30 trượng, van xin không được, cuối cùng bỏ mạng trong khi bị đánh. Người ấy có đứa con còn nhỏ tuổi, nghe tin kinh hãi, xúc động quá mà chết. Người vợ đau buồn thảm thiết, treo cổ tự vẫn.
Đến khi họ Từ mãn quan về quê, chỉ có một đứa con, hết sức thương yêu. Bỗng nhiên đứa con ngã bệnh, nói với cha: “Có người đuổi bắt con.” Trong chốc lát lại đổi giọng chửi mắng: “Tao có tội gì lớn chứ? Sao giết cả nhà tao ba mạng?” Vừa nói xong thì chết. Họ Từ sau đó không con nối dõi.
Lời bàn
Các quan thanh liêm phần lớn không để lại phước đức cho con cháu, đại thể thường là do giữ theo hình pháp quá nghiêm khắc. Họ Từ khi còn đang làm quan, lẽ nào chẳng tự cho mình là thưởng phạt hết sức nghiêm minh? Thế mà kết quả thuộc cấp dưới quyền cả nhà 3 người phải chết thảm, rồi chính đứa con mình cũng chết theo. Đáng thương thay!
Họ Đậu giúp đỡ muôn người, một cội sinh năm cành quế
Giảng rộng
Giúp người cũng có rất nhiều phương thức. Người đói thiếu thì giúp cho thức ăn, kẻ rét mướt thì giúp quần áo mặc, người có bệnh thì cấp phát thuốc men, người túng quẫn thì giúp cho tiền bạc, gặp khi tối tăm thì giúp đèn lửa, gặp người đấu đá sát phạt nhau thì khuyến khích hòa giải, gặp kẻ ngu khờ thì dẫn dắt theo đường trí tuệ... những việc như vậy đều gọi là giúp người. Mỗi giây mỗi phút đều khởi tâm nhân từ khoan hậu hướng đến muôn người muôn vật, như thế thì không chỉ riêng người giàu sang phú quý mới có khả năng cứu giúp, mà dù nghèo khó cũng vẫn có thể khởi tâm giúp người.
Trưng dẫn sự tích
Bán ruộng giúp người
Vào triều Minh, đất Dự Chương có một thư sinh tên là Nhiêu Thường. Một hôm giữa đường gặp một người cùng quẫn phải bán vợ cho người khác mang đi phương xa, đang lúc vợ chồng từ biệt nhau khóc lóc thảm thiết. Nhiêu Thường động lòng thương, gạn hỏi số tiền người kia đang cần là bao nhiêu, rồi lập tức về nhà bán ruộng mang tiền đến giúp. Nhờ đó mà vợ chồng người kia lại được đoàn tụ.
Đến khoa thi năm đó, vị quan chủ khảo bỗng nhiên nằm mộng thấy một vị thần mặc áo giáp vàng hiện ra bảo rằng: “Vì sao ông lại không chấm đậu cho kẻ bán ruộng giúp người kia?” Quan chủ khảo giật mình tỉnh giấc, lập tức kiểm lại thì quả nhiên phát hiện mình đã bỏ sót một quyển bài thi, bèn mang ra chấm. Bài thi ấy trúng tuyển, được xếp thứ ba, chính là bài thi của Nhiêu Thường. Đến khi dự yến tiệc mừng các vị tân khoa, quan chủ khảo được biết việc Nhiêu Thường bán ruộng giúp người, qua đó mới hiểu được lời của thần nhân trong mộng.
Về sau, Nhiêu Thường có 3 người con trai là Cảnh Huy, Cảnh Diệu, Cảnh Vỹ, đều nối tiếp nhau đỗ đạt.
Lời bàn
Tiền tài ruộng đất, người đời đều quý tiếc như mạng sống của mình, nhưng trong kinh Phật luôn ví những thứ ấy như bóng trăng trong nước, như dáng hoa trong gương, như châu báu trong giấc mộng. Vì sao vậy? Bởi vì trước mắt chỉ tạm thời ôm giữ sử dụng, một mai khi từ bỏ cõi đời sẽ không thể mang theo được gì. Ngày nay, mỗi khi viết giấy bán ruộng đất hẳn đều phải ghi rằng: “Thuận theo giấy làm bằng, vĩnh viễn làm chủ tài sản này.” Than ôi, tài sản hóa ra là chủ, mà thân này chỉ là khách tạm. Chủ nhân còn không thể vĩnh viễn lưu giữ được khách, huống chi là khách làm sao có khả năng giữ mãi được chủ? Nhưng nếu như quả thật muốn mang theo sau khi chết thì vẫn có cách để mang theo. Ấy là hãy dùng tài sản mà làm việc thiện, bố thí cho người, tạo được phước đức thọ sinh trong cõi trời người, ắt sẽ luôn giữ được sự an ổn, giàu có, tôn trọng, hiển vinh. Hiểu rõ được điều ấy ắt thấy rằng việc Nhiêu Thường bán ruộng giúp người, hóa ra chính là cách để giữ gìn sản nghiệp.
Người nào biết giữ gìn sản nghiệp theo cách đó mới có thể nói là “vĩnh viễn làm chủ tài sản này”. Hơn nữa, ai ai cũng có thể làm được như vậy cả.
Thoát chết lại đỗ Giải nguyên
Tỉnh Hà Nam có vị Giải Nguyên họ Phan. Lúc trước, khi lên tỉnh dự kỳ thi Hương, Phan sinh cùng đi với hai người bạn. Đến chỗ trọ lại, có một thầy tướng rất giỏi nói riêng với hai người bạn rằng: “Tôi xem tướng Phan sinh sắp gặp đại nạn, tốt nhất hai người nên khuyên anh ấy lánh đi nơi khác.”
Hai người bạn nghe vậy liền lấy cớ chỗ trọ chật chội quá, mỗi người tặng cho Phan sinh 2 đỉnh bạc rồi bảo anh đi tìm chỗ trọ khác.
Phan sinh nghe lời, đi tìm được một chỗ trọ khác. Đến đêm lại đi dạo ven bờ sông thì bỗng nhìn thấy một người phụ nữ sắp nhảy xuống sông tự vẫn. Phan sinh liền ngăn lại, gạn hỏi nguyên nhân, người phụ nữ ấy kể rằng: “Chồng tôi buôn bán vải lụa, thu gom được một số khá nhiều. Gặp lúc anh ấy vừa đi vắng, có người vào mua tôi bán hết được 4 đỉnh bạc, chẳng ngờ sơ ý không xem kỹ, đều là bạc giả. Chồng tôi trở về nhất định thế nào cũng trách mắng, nên tôi chỉ còn cách tìm đến cái chết mà thôi.”
Phan sinh liền lấy trong tay áo ra 4 đỉnh bạc đưa cho cô ấy để bù vào chỗ bạc bị lừa mất. Sau đó trở về nhà trọ, thiếu tiền chi trả liền bị chủ quán trọ nhiếc mắng nhiều lời khó nghe, đành phải dọn đi, tìm đến xin trú ngụ trong một ngôi chùa.
Đêm ấy, có vị tăng trong chùa mộng thấy nhiều vị thần từ trời hiện xuống. Một vị nói: “Bảng vàng khoa này đã định, nhưng người được chọn đậu Giải nguyên gần đây lại làm việc tổn đức nên bị Ngọc Đế xóa tên rồi, hiện vẫn chưa có người thay thế.”
Một vị thần khác nói: “Phan sinh đang ngụ trong chùa này có thể thay thế được.” Lại nghe tiếng một vị nói: “Tướng của Phan sinh là sắp chết bất đắc kỳ tử, làm sao có thể chọn thay Giải nguyên?” Một thần khác đưa hai tay xoa mặt Phan sinh rồi nói: “Bây giờ chẳng phải đã là tướng Giải nguyên rồi sao?”
Vị tăng ghi nhớ những lời đã nghe, sau đó khoản đãi Phan sinh hết sức trọng hậu.
Sau khi dự thi xong, Phan sinh tìm đến chỗ hai người bạn để cảm ơn. Người thầy tướng hôm trước vừa nhìn thấy Phan sinh đã kinh hãi kêu lên: “Ông làm được công đức gì mà tướng mạo đổi khác thế này? Giải nguyên khoa thi Hương này, ngoài ông ra không thể là ai khác.”
Khi công bố kết quả kỳ thi, quả nhiên đúng vậy.
Lời bàn
Làm một việc thiện, nên tưởng như nước vỡ bờ đê, cuồn cuộn chảy không thể ngăn lại, gấp rút quyết định, như thế mới thành tựu. Phan sinh nếu có mảy may suy đi tính lại chuyện bản thân mình, hiện đang ứng thí mà tiền bạc không đủ, chắc gì đã không bỏ dở việc thiện muốn làm, nửa chừng ngưng lại? Trong lúc ấy Phan sinh thật chỉ biết có người đang cần được cứu, mà không suy tính đến việc riêng của mình, nên việc cứu người mới thành tựu. Nhưng rồi hóa ra chỉ với 4 đỉnh bạc mà thoát được một cái chết bất đắc kỳ tử, sau lại đỗ Giải nguyên.
Nhân đây nhớ lại hồi mùa đông năm Kỷ Tỵ thuộc niên hiệu Khang Hy, tôi đến Trừng Giang dự khoa tiểu thí. Khi ấy, có một người giúp việc ở chỗ các quan khảo thí tên là Chu Quân Ngọc làm mất số tiền lớn của người khác gửi, thật khó có khả năng bồi hoàn nên đau khổ cơ hồ không còn muốn sống nữa. Tôi nghe chuyện như vậy hết sức thương xót, trong lòng muốn trợ giúp cho ông ta đôi chút, nhưng khổ nỗi thấy tiền mang theo chi dụng còn ít quá, nên rốt lại không giúp.
Không bao lâu sau, tôi lại quay về huyện Côn Sơn. Lúc quan khảo thí phân phát quyển bài thi phúc thí của Trường Châu, tôi vốn đã được chấm đỗ hạng nhì, nhưng chỉ được biết thứ hạng, chưa chính thức công bố tên tuổi nên mọi người chưa ai được biết. Rốt lại đến kỳ phúc thí tôi cũng chưa được chính thức nhìn thấy tên mình. Thời bấy giờ ở huyện Côn Sơn không có ai giữ quyển thi của Trường Châu ngoài Chu Quân Ngọc. Họ Chu với tôi lại không quen biết nhau, cũng không biết người đỗ thứ hai chính là tôi. Giá như ngày trước tôi không quá quan tâm đến chuyện sở phí của riêng mình mà quyết lòng dành được chút tiền ít ỏi để giúp đỡ họ Chu, ắt hẳn ông ấy sẽ vì cảm ân nghĩa đó mà lấy quyển thi phúc thí đưa cho tôi xem. Tôi mãi vẫn không được thấy tên mình cho đến 2 năm sau đó. Đem trường hợp của mình mà so với chuyện của họ Phan, tôi thật lấy làm xấu hổ!
Giúp người sau được đỗ đạt
Ở Hoa Đình có người nho sĩ là Lý Đăng Doanh, nhà nghèo chỉ có 2 mẫu ruộng. Người thuê ruộng ấy bị bệnh nên ruộng bỏ hoang, buộc phải bán đứa con để có thể nộp tiền thuê ruộng cho Đăng Doanh. Đăng Doanh nghe biết chuyện động lòng thương, nói với người ấy: “Ông vì bị bệnh nên mới không cày ruộng được, chẳng có lỗi gì. Tôi đây tuy nghèo nhưng vẫn còn có thể tự sinh sống, sao có thể để cho cha con ông phải chia lìa? Ông mau mau mang tiền đến chuộc con về.” Nhưng người chủ đã mua đứa con lại không đồng ý cho chuộc lại. Đăng Doanh liền nói: “Tôi chỉ là nhà nho nghèo túng mà còn có thể không lấy tiền thuê ruộng; nhà ấy giàu có ắt phải biết chuyện tu nhân tích đức, tôi sẽ vì ông mà đến đó thuyết phục.” Nói rồi cùng đi với người thuê ruộng đến nhà chủ đã mua đứa con, liền giúp chuộc được về, cha con đoàn tụ.
Người thuê ruộng cảm ơn đức ấy, ngày đêm thành tâm cầu trời khẩn Phật gia hộ cho Lý Đăng Doanh. Trong khoảng niên hiệu Khang Hy, vào năm Giáp Tý (1684), Lý Đăng Doanh trúng tuyển khoa thi Hương, sang năm Ất Sửu (1685) lại đỗ tiếp luôn kỳ thi Hội.
Lời bàn
Ôi, thật thương thay cho nhà nông, quanh năm quần quật chẳng lúc nào nhàn hạ; cả nhà cùng khó nhọc, không ai được an ổn; hai vai gánh nặng bao gánh phân từ nhà ra ruộng, lại cũng hai vai gánh nặng bao gánh thóc từ ruộng về nhà; năm nắng hạn tát từng gàu nước cứu lúa, ngày đau ốm vẫn phải gắng gượng cày bừa; khom lưng dầu dãi nắng mưa, thắt ruột lắm phen đói thiếu; một khi lúa chín gặt về, nào thuế nào tô đong sạch; nhà bốn vách tiêu sơ, cảnh nghèo không đổi, tám miệng ăn rồi biết dựa vào đâu? Nếu là người có lòng nhân hậu nhìn thấy cảnh này, làm sao có thể chẳng động lòng thương?
Xưa có Chư Cảnh Dương, mỗi lần nghe nhà tá điền có tang sự đều rơi nước mắt, lập tức xuất tiền giúp đỡ. Đinh Thanh Huệ Công đối đãi với tá điền làm ruộng của mình như tình cha con. Tiên sinh Lục Bình Tuyền mỗi năm đến ngày sinh nhật đều cho tá điền được giảm rất nhiều số thóc phải nộp, hoặc mỗi khi được thăng quan tiến chức, hoặc sinh con đẻ cháu, cũng đều có lệnh miễn tô cho tá điền. Những tá điền thuê ruộng cảm ơn đức ấy của tiên sinh nên không khi nào để bê trễ, thiếu hụt các khoản phải nộp. Những điền chủ nhỏ nhen so tính từng ly từng tý với tá điền, trước mắt cứ ngỡ mình thu lợi được nhiều, đâu biết rằng trong chỗ mờ mịt kia còn có sự tính toán cực kỳ tinh vi chính xác của nhân quả, lẽ nào lại không vì thế mà dứt sạch đi bao phước lộc của họ? Xem lại như trường hợp của Lý Đăng Doanh, tuy trước mắt không thu số tiền tô của 2 mẫu ruộng mà về sau lại thu hoạch được quá nhiều hơn số ấy.
Ngược ý trời, hại dân lành
Đời nhà Tống, trong khoảng những năm đầu niên hiệu Thuần Hy, quan Tư Nông Thiếu Khanh là Vương Hiểu, sáng sớm đến hỏi việc nơi chức quan cấp sự là Lâm Cơ. Vợ Lâm Cơ vốn là cháu gái của Vương Hiểu, rơi nước mắt nói với Vương Hiểu: “Họ Lâm sắp diệt mất rồi.” Vương Hiểu nghe nói kinh hãi, gạn hỏi nguyên do, vợ Lâm Cơ nói: “Lúc trời vừa gần sáng, cháu nằm mộng thấy một thần nhân mặc áo đỏ, cầm cờ hiệu của Ngọc Đế, hiện xuống bảo rằng: ‘Lâm Cơ làm ngược ý trời, hại dân lành, nay Ngọc Đế có sắc chỉ tiêu diệt cả nhà. ’ Cháu tỉnh dậy rồi đến giờ vẫn còn như phảng phất nhìn thấy mọi việc.”
Vương Hiểu nói: “Chuyện mộng mị đã chắc gì là tai họa mà cháu phải sợ.” Nhân đó liền ở lại dùng cơm, đợi họ Lâm về rồi gạn hỏi về nội dung tấu thư đã trình lên triều đình trong những ngày gần đây. Lâm Cơ nói: “Đất Thục (Tứ Xuyên) gần đây bị hạn hán, quan địa phương có biểu tấu trình lên xin 100.000 thạch lúa để cứu tế. Triều đình đã có chiếu chỉ chấp thuận y theo số đó, nhưng cháu xét thấy số lượng lương thực quá lớn, đường đi đến đất Thục rất khó khăn, nên đề nghị hãy tạm ngưng thi hành chờ khảo sát đúng thực tế rồi sau đó hãy cho vận chuyển lương thực. Hoàng thượng nghe lời đã truyền lệnh cho Tể tướng rằng: ‘Đường sang đất Thục xa xôi, đi về hơn vạn dặm, nếu đợi cho người tra xét sự thật rồi báo về thì e là không kịp việc cứu tế, thôi hãy tạm cấp một nửa số ấy thôi.’ Gần đây chỉ có duy nhất một việc ấy.”
Vợ Lâm Cơ nghe xong thì khóc lớn, đem việc nằm mộng kể lại. Lâm Cơ nghe qua rồi trong lòng lo sợ bồn chồn không yên, chẳng bao lâu vì thế mà sinh bệnh, từ quan về quê. Trên đường về đến Phúc Châu thì qua đời. Hai đứa con sau đó cũng theo nhau chết sớm, nhà họ Lâm không còn ai nối dõi.
Lời bàn
Lòng trời vì dân lành mới lập nên vua chúa. Vua chúa lại vì dân mà lập ra quan viên các địa phương. Dân là con đỏ của quốc gia, là nền tảng căn bản của sơn hà xã tắc. Giá như vua nói không cứu tế cho dân, quan cấp sự cũng phải thuyết phục vua phải cứu tế. Giá như vua nói chỉ nên cứu tế ít thôi, quan cấp sự cũng phải thuyết phục vua cứu tế nhiều hơn. Giá như vua nói sưu thuế không thể thiếu hụt, quan cấp sự cũng phải thuyết phục vua giảm nhẹ. Làm quan giúp mưu lược cho vua được như vậy có thể nói là tận trung, đem phước lành đến cho khắp cả thiên hạ, lưu tiếng thơm đến muôn đời sau. Người như vậy tuy đã được sống lâu trường thọ, hưởng phước an vui, cháu con nhiều đời vinh hiển, nhưng vẫn chưa đủ xứng với phần công đức đã tạo.
Ngược lại, ví như vua nói việc thúc giục sưu thuế nên hòa hoãn giảm nhẹ, quan giúp việc lại khuyên nên đổi ý vì nhu cầu của quốc gia không thể thiếu; vua nói rằng dân quá khốn khổ nên linh hoạt giảm bớt số lượng sưu thuế, quan giúp việc lại nói rằng hạn mức đã định rất khó thay đổi; làm quan mà hành xử như thế gọi là siểm nịnh, là muốn bảo vệ chức quan, chỉ lo cho gia đình, vợ con của riêng mình. Người làm quan như vậy là kết thành oán thù với dân, chính là mang tai họa đến cho đất nước; cho dù tự thân có chịu cảnh lưu đày, dòng họ bị tuyệt diệt, cũng chưa đủ đền bù cho tội lỗi đã gây ra. Vết xe đi trước bị đổ còn rành rành ra đó, người đi sau phải thận trọng né tránh chớ đi vào.
Tống Giao cứu đàn kiến, trúng tuyển trạng nguyên
Giảng rộng
Chuyện của Tống Giao, nhiều người cho rằng chẳng qua chỉ một việc thiện nhỏ mà được báo ứng quá lớn lao nên sinh ra nghi ngờ. Thế nhưng, nghĩ như thế là thật chẳng biết rằng, đó mới chỉ là nêu việc trước mắt, thấy cứu đàn kiến thì nói cứu đàn kiến, thấy đỗ trạng nguyên thì nói đỗ trạng nguyên. Nếu luận việc này cho rốt ráo thì việc làm của Tống Giao đã cứu sống ít nhất là hàng vạn sinh linh, nên đời sau ắt phải có hàng vạn sinh linh cảm ơn cứu mạng mà ra sức báo đáp. Như thế thì chỉ riêng một việc đỗ trạng nguyên làm sao xứng tận được phước báo của việc làm ấy? Huống chi việc đỗ trạng nguyên bất quá cũng chỉ là một chút hư danh bên ngoài; ba tấc hơi vừa dứt, mạng sống không còn, liệu có còn trạng nguyên nữa chăng? Cho nên, nếu ai nói việc báo ứng như vậy là quá lớn lao, quả thật đã sai lầm.
Đặt cành trúc làm cầu cứu đàn kiến, ấy chính là cứu nạn lũ lụt. Nhưng mạng sống của loài kiến không chỉ riêng chết vì lũ lụt, nên việc cứu kiến cũng không chỉ giới hạn nơi việc đặt cành trúc làm cầu. Ví như có người giúp việc trong nhà mình muốn dùng nước sôi, lửa nóng để diệt tổ kiến, thì phương cách để cứu sống đàn kiến lúc ấy là phải dùng đạo lý giảng giải cho người nghe, lại cũng dùng thế lực của mình để ngăn cấm không cho làm.
Chó, mèo trong nhà cũng có thể giết hại loài kiến, khi có thức ăn như thịt, cá... rơi vãi trên mặt đất làm cho kiến đánh hơi tụ tập bám vào rồi bị chó mèo ăn lẫn với thức ăn đó. Vì thế, để cứu loài kiến không bị giết hại thì sau mỗi bữa ăn nên quét dọn sạch sẽ thức ăn rơi vãi trên mặt đất, chôn lấp đi để không trở thành mồi nhử kiến.
Đốt vàng mã, giấy... các thứ cũng có thể làm chết loài kiến, phần lớn là vì đốt vào sáng sớm không nhìn thấy rõ. Để cứu loài kiến không bị chết vì cách này, nên quét sạch mặt đất trước khi đốt, rải nhiều tro nguội lên trước làm nền rồi mới đốt bên trên nền tro ấy.
Khi uống trà có thể làm chết loài kiến, phần lớn là do đổ nước thừa lên mặt đất. Để cứu loài kiến không bị chết vì cách này, nên dùng bồn, chậu để chứa nước thừa mà không đổ lên mặt đất.
Gần bếp nấu ăn cũng thường có nhiều tổ kiến, vì chúng ngửi thấy mùi thức ăn mà tụ tập đến rồi làm hang ổ. Để cứu loài kiến không bị chết vì cách này, khi làm bếp nấu ăn nên dùng đá vôi lót kín mặt đất chung quanh...
Chỉ đơn cử một vài trường hợp, có thể từ đó suy rộng ra việc bảo vệ sinh mạng cho hết thảy các loài côn trùng, sâu kiến... cũng đều phải có lòng từ bi thương xót như thế.
Trưng dẫn sự tích
Cứu kiến được tăng tuổi thọ
Vào thời đức Phật còn tại thế, có một vị tỳ-kheo đã chứng đắc lục thần thông, quán sát thấy trong số đệ tử mình có một chú sa-di chỉ trong 7 ngày nữa ắt phải chết. Vì lòng từ bi, ngài liền bảo chú sa-di ấy về quê thăm cha mẹ, đến ngày thứ 8 hãy trở lại chùa. Đó là thầy muốn cho chú sa-di ấy được gặp cha mẹ trước khi chết cũng như được chết tại quê nhà. Không ngờ đúng ngày thứ 8 chú sa-di vẫn còn sống trở lại chùa.
Vị tỳ-kheo liền nhập định quán sát nguyên do, mới biết chú sa-di lúc đang trên đường về quê bỗng gặp một tổ kiến sắp bị nước dâng tràn vào, lập tức cởi áo cà-sa đắp chặn xung quanh để cứu, nhờ đó mà cả đàn kiến được thoát chết. Nhờ việc này mà chú sa-di chẳng những không chết yểu, về sau lại sống thọ đến 80 tuổi, chứng quả A-la-hán.
Lời bàn
Chuyện sống lâu hay yểu mạng của con người, có thể là yếu tố quyết định trước mà cũng có thể không định trước. Ví như Nhan Uyên, Bá Ngưu đều chết sớm, đó là những trường hợp mà thọ mạng đã quyết định do nghiệp quả. Văn Vương thọ trăm tuổi, Võ Vương sống đến chín mươi, những trường hợp ấy là nghiệp quả chưa định trước. Chư thiên cõi trời hiện năm dấu hiệu suy vi hoặc lớn hoặc nhỏ, cũng giống như vậy. Lại nói như trường hợp trong bốn cõi thiên hạ, phần lớn chúng sinh trong ba châu đều không có nghiệp quả quyết định, chỉ riêng ở châu Bắc Câu-lô là tất cả đều phải chịu nghiệp quả quyết định trước. Việc chú sa-di được tăng thêm tuổi thọ, tất nhiên là thuộc trường hợp nghiệp quả không quyết định trước.
Gửi ý kiến của bạn