Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (9)

20 Tháng Chín 201422:32(Xem: 7887)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014 

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (9)

Vua kiến trả ơn 
Huyện Phú Dương thuộc đất Ngô có người tên Đổng Chiêu, một hôm đi thuyền qua sông Tiền Đường bỗng nhìn thấy dưới sông có con kiến bò trên một thân cây lau trôi giữa dòng nước, muốn vớt thân cây lau lên thuyền để cứu con kiến nhưng không làm được, liền dùng một sợi dây buộc vào cây để kéo đi theo thuyền, cuối cùng đưa được con kiến vào bờ. 
Đêm đó, Đổng Chiêu nằm mộng thấy một người mặc áo đen đến gặp mình để tạ ơn, nói rằng: “Ta là vua kiến, do bất cẩn mà rơi xuống sông, hôm nay nhờ được ông cứu giúp. Sau này ông có lúc nguy cấp, xin hãy đến báo cho ta biết.”
Trải qua hơn mười năm sau, Đổng Chiêu bị người khác vu cáo là ăn trộm, bị bắt giam vào ngục. Chiêu nhớ lại lời vua kiến đã nói trước đây trong giấc mộng, trong lòng muốn báo tin nhưng chẳng biết cách nào. Có người biết chuyện liền bảo: “Sao ông không bắt lấy vài ba con kiến, đặt trong lòng bàn tay rồi nói chuyện này với chúng thử xem.” Đổng Chiêu làm theo lời, quả nhiên đêm ấy mộng thấy người mặc áo đen đến bảo: “Ông hãy gấp rút trốn đi, tìm đến núi Hàng Sơn của ta, có thể thoát được nạn này.”
Đổng Chiêu thức giấc, lập tức bỏ trốn. Quả nhiên trốn thoát được, rồi chẳng bao lâu sau có lệnh triều đình đại xá, nhờ đó được miễn tội. 
Lời bàn
Một con rùa khi còn sống vốn chẳng tự biết được chuyện sống chết của chính mình. Thế mà sau khi chết thịt da hư hoại, chỉ để lại riêng cái mai rùa lại có khả năng dự đoán được những chuyện tốt xấu, lành dữ cho người đời. Bàn về lý lẽ của những chuyện như thế, dẫu đến thánh nhân cũng có chỗ vẫn còn chưa biết, huống chi như chuyện vua kiến trả ơn thì có gì đáng ngờ?
Thúc Ngao chôn xác rắn, sau làm tể tướng
Giảng rộng
Loài rồng có 4 tính độc làm chết người. Có khi do bị cắn mà chết; có khi do chạm phải mà chết; cũng có khi do nhìn thấy mà chết; hoặc có khi do nghe âm thanh của chúng phát ra mà chết. Loài rắn cũng có 4 tính độc tương tự như thế. Con rắn mà Thúc Ngao nhìn thấy đó ắt là thuộc loại có thể khiến người ta nhìn thấy mà chết.
Cứ theo lời của người nước Sở nói lại thì đến nay loài rắn hai đầu đó vẫn còn tồn tại. Rắn này có thân hình màu vàng, dài chừng một thước, khi di chuyển có thể bò tới hoặc bò lui đều được, rất giống với loài giun đất. Thoạt nhìn thấy nó cũng không có hại, hẳn nay đã là một loài khác đi rồi, bởi muôn loài đều theo thời gian mà biến hóa. Chẳng hạn như các loài cầm thú vào thời thượng cổ đều nói được tiếng người nhưng ngày nay chẳng có loài nào biết nói. Trong tâm thức hàm chứa những sự ác độc thì đa phần sẽ biến hiện ra thành các loài rắn, rết, bò cạp... Người có tâm từ bi lân mẫn, ắt không thể bị các loại độc làm hại. Nếu không được vậy, ắt là khi bên ngoài có điều độc hại, ta cũng dùng sự độc hại để đáp lại, đó là một con rắn bên ngoài lại thêm một con rắn trong tâm. Ta đã không có khả năng cảm hóa rắn độc, lẽ nào lại để cho bản thân mình bị rắn độc đồng hóa, trở thành độc hại như rắn?
Rắn độc là con vật hại người, vì thế mà Thúc Ngao chôn rắn đi để tránh cho người khác không nhìn thấy. Ví như theo đó mà suy rộng ra, thì hết thảy những gì làm hại người khác đều có thể xem như rắn độc. Khi chúng ta làm được những việc trừ tàn diệt bạo, ấy chính là chôn đi những con rắn độc biết đi bằng hai chân. Cố gắng sửa đổi những sai lầm đã phạm trong quá khứ, tu tập hướng đến những việc hiền thiện trong tương lai, đó chính là chôn đi con rắn độc trong tự tâm mình. 
Kể từ câu “Vu Công xử án” cho đến câu này trong chính văn, Đế Quân lược nêu lên những trường hợp làm việc thiện được hưởng phước báo để chỉ dạy cho người đời. Một người làm thiện được hưởng phước báo, thì tất cả mọi người làm thiện cũng đều sẽ được hưởng phước báo. Cũng giống như nếm thử một quả trên cây thấy ngọt thì biết tất cả những quả trên cây ấy đều ngọt, đâu cần phải nếm thử tất cả quả trên mỗi cành cây?
Trưng dẫn sự tích
Tùy phương tiện phạm giới sát 
Vào thời đức Phật Nhiên Đăng, có 500 thương nhân ra biển tìm châu báu. Cùng đi với họ lại có một kẻ xấu ác, rất giỏi võ nghệ, xưa nay vẫn thường làm những việc trộm cướp. Tên này có ý muốn giết hết 500 thương nhân để một mình lấy hết số châu báu đã có được trên thuyền. Nhưng 500 thương nhân này đều là những vị Bồ Tát đã phát tâm Bồ-đề không còn thối chuyển, nếu giết các vị thì tội ác sẽ cực kỳ lớn lao đến mức không thể đo lường, do đó mà phải đọa vào địa ngục rất lâu. 
Bấy giờ, trên thuyền có người hoa tiêu dẫn đường tên là Đại Bi, đoán biết được ý niệm của kẻ xấu ác kia, liền tự nghĩ rằng: “Nếu giết kẻ xấu ác này, ắt ta phải chịu quả báo đọa vào đường dữ. Nhưng nếu ta không giết ông ấy, ắt 500 người hiền lương này đều sẽ bị hại, mà tự thân ông ta rồi cũng sẽ đời đời bị đọa trong địa ngục. Bằng như ta nói rõ việc này ra với mọi người, ắt sẽ khiến cho cả 500 thương nhân đều khởi lên tâm sân hận xấu ác, do đó rồi cũng sẽ phải thọ quả báo khổ não.” Suy tính như vậy rồi liền sinh tâm thương xót tất cả, quyết định tự mình nhận lấy tội lỗi để cứu vớt nhiều người. Liền đâm chết kẻ xấu ác kia. 
Đức Phật Thích-ca kể chuyện này xong, dạy rằng: “Đạo sư tên Đại Bi đó, chính là tiền thân của ta; 500 thương nhân ngày ấy, chính là 500 vị Bồ Tát trong Hiền kiếp này.”
Lời bàn
Việc này gọi là tùy theo cơ duyên mà phải phạm vào việc giết hại, nhưng điều quan trọng nhất là trước hết đã khởi lên tâm niệm thà tự mình nhận lấy tội lỗi để có thể cứu vớt người khác, thì sau đó mới có thể tùy phương tiện mà hành xử theo phương thức quan trọng này. Ngược lại, nếu như khởi tâm tham muốn công đức, lại muốn tránh không phải chịu quả báo tội lỗi, thì tâm niệm như thế vốn đã là không thể chấp nhận, làm sao còn có được phước báo?
Giết rắn phải đền mạng 
Ở huyện quê tôi, trước đây có một người làm quan Lễ bộ Thượng thư tên Cố Tích Trù, sống tại Ôn châu, bị viên phó tướng là Hạ Quân Nghiêu giết hại. Không lâu sau, người ấy giáng cơ nơi nhà của một gia nhân là Trương Điều Đỉnh, nói rằng: “Trong đời trước ta có lỡ tay giết chết một con rắn. Con rắn ấy nay chính là Hạ Quân Nghiêu, vào ngày 16 tháng 6 vừa qua đã hại chết ta ở giữa dòng sông. Việc nhân quả đời trước nay phải gánh chịu, hãy nói với 2 con ta đừng nghĩ đến việc báo thù.”
Họ Trương khi ấy chưa hề nghe tin Cố Tích Trù đã chết, nên lập tức cho người đến Ôn châu tìm hiểu tin tức. Khi ấy có Ngô Quốc Kiệt là người huyện Thái Thương, đang ở tại Ôn châu, có mời Cố Tích Trù đến dự tiệc trên thuyền ở giữa sông. Sáng sớm nghe tin Cố Tích Trù đã bị hại chết, liền sai rất nhiều ngư dân lặn xuống dò tìm thi thể, nhưng không tìm được. Đêm ấy nằm mộng thấy Cố Tích Trù đứng thẳng trong nước mà nói rằng: “Ta ngày trước là một vị tăng ở núi Thiên Đài, có đánh chết một con rắn, nay phải đền mạng. Ông có ý tốt với ta, vì trong đời trước vốn từng là môn đồ của ta. Nay ông chỉ cần cho người đến tìm bên ngoài dòng nước xoáy ở chỗ này, chỗ này... thì sẽ tìm được.” Ngô Quốc Kiệt y theo lời chỉ dẫn trong mộng, quả nhiên tìm được xác, liền đưa linh cữu về Côn Sơn mai táng. 
Lời bàn
Cố Tích Trù ngày trước là một vị tăng ở núi Thiên Đài, nay tái sinh làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng thư, tất nhiên văn chương tiết tháo, đức hạnh nghĩa khí đều phải trác tuyệt hơn người, đáng để lưu truyền hậu thế. Như thế mà còn khó tránh được quả báo của việc giết rắn ngày trước, huống chi những kẻ tầm thường, so ra còn kém xa họ Cố đến muôn vạn lần? Người đời khởi tâm xấu ác giết rắn, chớ nên đem chuyện Thúc Ngao ra mà biện hộ cho việc làm của mình. 
Muốn tạo ruộng phước rộng sâu, phải dựa vào một tấm lòng này
Giảng rộng
Câu này chính là nêu lên một cương lĩnh thiết yếu. Trước đó đã kể rõ những sự kiện có thật về nhân quả báo ứng, đến câu này mới làm sáng tỏ đạo lý nhân quả. Tâm địa, hay lòng người, đó chính là nhân, mà ruộng phước kia chính là quả. Các nhà nho ở đời chẳng tin nhân quả, chẳng qua chỉ vì chưa đủ khả năng nhận hiểu đúng được sách vở của Nho gia. Chính vì thế mà khi nói đến những việc như “nhà làm việc thiện ắt có niềm vui, nhà làm nhiều việc ác ắt gặp tai ương” thì có thể tin nhận, nhưng khi bàn đến những chuyện nhân quả báo ứng thì lại không tin. Như thế có khác nào chỉ biết gọi là “mặt trời” mà không biết mặt trời ấy cũng còn được gọi là vầng thái dương!
Người tin nhân quả thì tâm lo sợ quả báo của việc ác nên không dám phạm vào. Người không tin nhân quả thì tâm thường buông thả nên không kiêng sợ bất kỳ việc ác nào. Một người vì tin nhân quả, sợ quả báo nên làm một việc lành, vạn người như vậy thì thế giới này tăng thêm được vạn điều lành. Một người không tin nhân quả, buông thả phóng túng nên làm một việc xấu ác, vạn người như vậy thì thế giới này tăng thêm vạn điều xấu ác. Cho nên nói rằng: “Người người đều rõ biết nhân quả, đó là con đường an lành tốt đẹp cho xã hội. Người người đều không tin nhân quả, đó là con đường đại loạn của xã hội.”
Trong thế gian có 7 việc chẳng đồng, đều do tâm tạo ra
1. Tuổi thọ 
- Tuổi thọ ngắn ngủi là do: mong cầu cho người khác phải chết, giết hại chúng sinh, xây dựng đền thờ dâm thần.
- Tuổi thọ lâu dài là do: thương yêu hết thảy các loài, phóng sinh cứu vật, sống thanh tịnh tích tụ phước đức.
2. Bệnh tật
- Thân thể nhiều bệnh là do: gây hại cho chúng sinh, không giúp đỡ người bệnh khổ. 
- Thân thể được ít bệnh là do: thường lễ bái Tam bảo, cung cấp thuốc men cho người bệnh khổ. 
3. Dung mạo
- Thân hình, dung mạo xấu xí là do: thường khởi tâm sân hận, tranh chấp với người khác; che lấp, ngăn cản ánh sáng Phật pháp; cười nhạo hình dung xấu xí của người khác. 
- Thân hình, dung mạo đoan trang, đẹp đẽ là do: thường khởi tâm nhẫn nhục, nhu hòa; tu sửa, kiến tạo hình tượng chư Phật; bố thí thức ăn cho người khác. 
4. Uy thế đối với người khác
- Không tự có uy thế đối với người khác là do: đối với sở hữu của người khác sinh lòng ghen ghét, đố kỵ; không thường tu tích phước. 
- Tự có uy thế đối với người khác là do: không ôm lòng ghen ghét, đố kỵ người khác; luôn giữ lòng thành tín, không dối gạt người. 
5. Thân phận cao quý hay hèn mọn
- Thân phận sinh ra hèn mọn, bị người khinh miệt là do: kiêu ngạo, lăng nhục người khác; thiếu nợ tiền bạc, tài sản của người khác không trả; khinh rẻ, không kính trọng chư tăng ni. 
- Thân phận sinh ra cao quý, được người tôn kính là do: kính tín, phụng sự Tam bảo; thường nỗ lực làm việc thiện; đối xử khiêm cung, hòa nhã với mọi người. 
6. Sở hữu tài vật
- Chịu cảnh nghèo khó bần cùng là do: keo kiệt, bủn xỉn, không tu hạnh bố thí; trộm cướp, lường gạt tài sản của người khác. 
- Được hưởng giàu sang phú quý là do: thường khởi tâm hiền thiện bố thí cho người; không nợ nần người khác. 
7. Tri thức tốt xấu
- Tri thức xấu ác, tà kiến là do: gần gũi những người xấu ác; ngợi khen, tán dương các pháp xấu ác; xan lận không chia sẻ, thuyết giảng Chánh pháp cho người khác. 
- Tri thức hiền thiện, chân chánh là do: thường tu tập trí tuệ chân chánh, gần gũi các bậc sa môn, thọ nhận và hành trì Chánh pháp. 
Chánh báo và dư báo do 10 điều ác chiêu cảm
Chánh báo của 10 điều ác chính là ba đường dữ. Nếu được sinh làm người thì sẽ chiêu cảm 2 loại nghiệp báo nặng hoặc nhẹ theo như mô tả dưới đây. 
Ba điều ác của thân: (1) giết hại, (2) trộm cướp, (3) tà dâm
Chiêu cảm nghiệp báo: 
- Thường chịu bệnh tật
- Tuổi thọ ngắn ngủi
- Nghèo khổ túng thiếu
- Sở hữu tài sản chung cùng, không được tự do quyết định
- Vợ (hoặc chồng) không chung thủy, chân thành
- Thân bằng quyến thuộc không được như ý muốn 
Bốn điều ác của khẩu: (1) nói dối, (2) nói thêu dệt, (3) nói hai lưỡi gây hiềm khích chia rẽ, (4) nói lời ác độc
Chiêu cảm nghiệp báo: 
- Thường bị người khác phỉ báng
- Thường bị người khác khinh miệt
- Lời nói ra không được người khác tin nhận
- Lời nói không rõ ràng, minh bạch
- Thân bằng quyến thuộc thường chịu cảnh ly tán
- Sinh ra trong gia tộc xấu ác, tồi tệ
- Thường phải nghe những âm thanh khó chịu, xấu ác
- Lời nói ra thường bị tranh cãi, kiện tụng
Ba điều ác của ý: (1) tham lam, (2) sân hận, (3) si mê
Chiêu cảm nghiệp báo
> - Trong lòng chẳng bao giờ biết đủ
- Những điều mong cầu thường bị thiếu thốn, dứt tuyệt
- Chỗ đòi hỏi của người khác khó đáp ứng
- Thường bị người khác gây khó khăn, làm hại
- Sinh ra trong gia đình chịu ảnh hưởng của tà kiến
- Tâm ý gian trá, dua nịnh, không trung thực

27 loại quả báo thiện ác khác biệt
Luận giải về tâm địa
Có quả báo tốt đẹp nhưng không thể thụ hưởng 

Một số người tuy có lụa là gấm vóc chất đầy trong rương, nhưng trên thân thể chẳng qua chỉ khoác lên đôi ba mảnh vải thô xấu, có vàng ngọc châu báu chứa đầy trong tủ, nhưng miếng ăn hằng ngày chẳng qua cũng chỉ dùng những món hơn kẻ bần hàn đôi chút, cho rằng như thế là an nhàn; lại ưa thích những việc làm lụng cực nhọc, cho đó là thích thú, khoái lạc. Những người như thế, chỉ thấy họ suốt ngày ưu tư phiền muộn, rõ ràng có được phước báo tốt đẹp nhưng không thể hưởng dụng như người khác. Đó là do đời trước tuy làm việc bố thí nhưng không phát tâm chí thành, hoan hỷ, chỉ do có người khuyến khích, khuyên bảo nên mới miễn cưỡng mà bố thí. Hoặc nếu không phải thế thì là sau khi bố thí lại sinh tâm tiếc nuối, hối tiếc việc đã làm. 
Được thụ hưởng nhưng không có quả báo tốt đẹp
Có những người gia cảnh bần hàn, nhưng lại thường được sống trong nhà cao cửa rộng của người khác; bữa ăn ở nhà mình thì canh rau qua bữa, nhưng lại thường được dùng những món sơn hào hải vị do người khác chiêu đãi. Người như thế tuy được hưởng thụ nhưng không gọi là có phước báo. Đó là do đời trước không tự mình làm việc bố thí, chỉ biết khuyên bảo, khuyến khích người khác làm việc phước thiện; hoặc do khi nhìn thấy người khác làm việc bố thí liền sinh tâm hoan hỷ, ngợi khen tán thán. 
Trước giàu sau nghèo
Kinh Nghiệp báo sai biệt dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước nghe theo lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí, sau lại sinh tâm hối tiếc; do nhân duyên như thế, người ấy đời sau sẽ được giàu có một thời gian, nhưng sau đó lại phải chịu cảnh bần hàn.”
Trước nghèo sau giàu
Kinh cũng dạy rằng: “Lại nữa, nếu có chúng sinh nào, do nghe lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí nhỏ nhoi, nhưng sau khi bố thí rồi sinh tâm hoan hỷ. Người ấy đời sau sinh ra làm người, trước chịu nghèo khổ nhưng sau được giàu có.” 
Giàu có nhưng phải lao nhọc
Giàu có là nhờ gieo nhân giàu có; nhưng phải lao lực khổ nhọc cũng là do gieo nhân lao khổ. Như trong kinh dạy rằng: “Người cúng dường trai tăng ắt sẽ được giàu có vô hạn, ấy là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, nếu có người thỉnh chư tăng đến nhà mình để cúng dường, khiến cho chư tăng phải nhọc sức đi lại vất vả, rồi sau mới dâng cúng thức ăn, người ấy đời sau tuy vẫn được giàu có vô hạn, nhưng lại phải lao nhọc cần khổ.”
Nhàn hạ mà được giàu có 
Nếu người phát tâm cúng dường chư tăng, mang thức ăn đến tận am viện, chùa chiền, khiến cho chúng tăng có thể an nhàn thọ dụng, người ấy sẽ được phước báo đời sau sinh ra trong hai cõi trời người, tự nhiên được thụ hưởng mọi điều khoái lạc. 
Nghèo khổ nhưng có thể bố thí
Kinh văn cũng dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước đây từng làm việc bố thí nhưng không gặp được những bậc là ruộng phước của thế gian, mãi lưu chuyển trong luân hồi sinh tử. Những chúng sinh ấy khi được sinh ra làm người, do không được gặp bậc phước điền nên việc bố thí chỉ mang lại phước báo rất nhỏ nhoi, thoạt có thoạt không chẳng lâu bền. Tuy nhiên, do đã từng tu tập quen theo hạnh bố thí, nên khi sinh ra dù sống trong cảnh nghèo khó vẫn thường có thể làm việc bố thí.” 
Giàu có nhưng không bố thí
“Lại có những chúng sinh vốn không thường làm việc bố thí, nhân gặp bậc thiện tri thức khuyên bảo nên nhất thời cũng bố thí được một lần, may mắn lại gặp được bậc phước điền đức cao đạo trọng. Nhờ công đức cúng dường bậc phước điền cao trọng, nên đời sau sinh ra được giàu có sung túc. Tuy nhiên, bởi không tập quen hạnh bố thí, nên dù sống trong cảnh giàu sang mà tâm thường keo lận, không làm việc bố thí.” 
Bố thí nhiều, được phước ít
Kinh Bồ Tát bản hạnh dạy rằng: “Nếu có chúng sinh làm việc bố thí nhưng không hết lòng, hoặc cúng dường mà không có lòng cung kính; hoặc khi bố thí, cúng dường mà tâm không hoan hỷ; hoặc khi bố thí lại khởi tâm kiêu mạn, tự cao tự đại; hoặc bố thí cúng dường cho những kẻ theo tà kiến điên đảo. Bố thí cúng dường như thế cũng giống như người gặp phải mảnh ruộng cằn cỗi bạc màu, tuy gieo giống xuống rất nhiều mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu.” 
Bố thí ít, được phước nhiều
Trong kinh này lại cũng dạy rằng: “Nếu vào lúc thực hành bố thí có thể khởi tâm hoan hỷ, tâm cung kính, tâm thanh tịnh, chẳng mong cầu được phước báo, hoặc được cúng dường cho các bậc Bồ Tát, thánh tăng. Bố thí cúng dường được như thế cũng giống như người gặp đám ruộng tốt, tuy gieo giống ít cũng thu hoạch được rất nhiều.” 
Buồn phiền như nhau, thọ báo khác nhau
Sách Pháp uyển châu lâm nói rằng: “Ví như có hai người, một người nghèo khổ, một người giàu có. Có kẻ đến cầu xin được giúp đỡ, cả hai người này đều sinh tâm buồn phiền. Người giàu có nhiều của cải buồn phiền vì sợ người kia nài nỉ xin xỏ, hao tốn tiền bạc của mình. Người nghèo khổ lại buồn phiền vì rất muốn giúp người mà không có tiền bạc để giúp. Về sau, người nghèo khổ ấy được sinh lên cõi trời, còn người giàu có kia phải đọa vào cảnh giới ngạ quỷ. Tuy cả hai người đều sinh tâm buồn phiền nhưng lại thọ quả báo khác nhau.” 
Tuổi thọ khác nhau, quả phước giống nhau
Ví như một người sống vào thời tuổi thọ lên đến ngàn năm, suốt đời thọ trì Năm giới, thực hành Mười điều lành, so với một người sống vào thời tuổi thọ chỉ được mười năm, cũng suốt đời thọ trì Năm giới, thực hành Mười điều lành, thì phước báo của cả hai người này đều giống như nhau, không khác. 
Làm việc ác cuối đời được kết quả tốt đẹp
Ví như có người làm việc ác nhưng cuối đời lại được hưởng kết quả tốt đẹp, ấy là vì nghiệp quả của việc ác đã làm trong đời này còn chưa chín muồi, mà nghiệp quả của những việc thiện đã làm trong đời trước lại chín muồi trước. Xưa có một người trong 7 đời đều làm việc giết dê, không đọa vào ba đường dữ. Nhưng sau đó rồi thì tất cả những tội giết hại đã tạo ấy đều dần dần phải chịu quả báo thường bồi, không sót một trường hợp nào. 
Thông thường, khi thấy có những người làm việc ác mà được hưởng phước báo thì nên hiểu là như vậy. 
Làm việc thiện cuối đời chịu kết quả xấu ác
Có người suốt đời thường làm việc thiện, nhưng cuối đời phải gánh chịu những kết cục bi thảm, ấy là vì nghiệp quả của những việc thiện đã làm trong đời này còn chưa chín muồi, mà nghiệp quả của những việc ác đã làm trong đời trước lại chín muồi trước. Hơn nữa, tuy thấy có vẻ như đang chịu quả xấu mà thật ra chẳng phải quả xấu. Như xưa kia có chú bé chăn trâu, một hôm hái hoa dâng cúng Phật, trở về giữa đường bị trâu húc chết, thần thức lập tức sinh lên cảnh trời Đao-lợi. Lại có một con khỉ nhìn thấy vị tăng, sinh tâm hoan hỷ, liền đến gần mượn lấy áo cà-sa thử khoác lên thân, ngay lúc ấy bất ngờ sẩy chân ngã xuống vực sâu mà chết, thần thức lập tức sinh lên cõi trời. 
Nói tóm lại, nếu do làm việc thiện mà phải bỏ mạng, chưa hẳn đã là không được quả báo tốt lành, chỉ là trong nhất thời mắt thịt của người phàm không thể thấy biết mà thôi. 
Thân an vui, tâm không vui
Người phàm tục tu phước, trong đời này mọi việc đều được như ý, có thể gọi là thân được an vui. Tuy nhiên, không học pháp xuất thế, chưa thoát khỏi luân hồi, rốt lại trong tâm vẫn không tránh khỏi mối lo rơi vào ba đường dữ. 
Tâm an vui, thân không vui
Bậc chứng quả A-la-hán đã chấm dứt không còn phải tái sinh, có thể xem như vĩnh viễn thoát ba đường dữ, ra khỏi sáu cõi luân hồi, có thể gọi là tâm được an vui. Tuy vậy, ví như trước đây không thường tu phước thì sẽ không nhận được sự cúng dường như ý muốn. 
Bố thí lớn lao, phước báo nhỏ
Kinh Bát-nhã dạy rằng: “Nếu vị Bồ Tát chỉ buông xả tài bảo trân quý nhưng không phát tâm cầu quả Phật để cứu độ tất cả chúng sinh, thì dù tu tập trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng cũng chỉ được phước báo rất ít.” 
Bố thí nhỏ nhoi, phước báo lớn lao
Kinh Bát-nhã cũng dạy rằng: “Nếu vị Bồ Tát trong khi thực hành bố thí có thể hồi hướng cầu quả Vô thượng Bồ-đề để cứu độ tất cả chúng sinh trong mười phương, thì cho dù việc bố thí có nhỏ nhoi cũng vẫn được phước đức vô lượng.” Đối với vị Bồ Tát này, từ lúc phát tâm cho đến khi thành tựu quả Phật, tâm địa không có gì tăng thêm, mà ruộng phước cũng không có gì tăng thêm, vì vốn đã viên mãn.
Gặp hoàn cảnh thuận lợi, chính là lúc nên tu phước
Khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, nên tự suy nghĩ như thế này: “Nhà ta nay được giàu có, nhất định là đời trước đã thường tu hạnh bố thí, nên đời này lại càng phải cứu người giúp vật nhiều hơn nữa. Thân thể ta không có bệnh tật, nhất định là đời trước đã thường tu tập từ bi, nên đời này lại càng phải tránh sự giết hại và làm việc phóng sinh nhiều hơn nữa.” Cũng giống như khi đã thắp lên một ngọn đèn sáng, cần phải tiếp tục châm thêm dầu thì mới có thể duy trì ánh sáng.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2224)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8263)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3057)