Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (14)

21 Tháng Chín 201405:48(Xem: 7880)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (14)


Phụ đính về sự sâu xa uyên áo của Phật pháp 
Ngài A-nan kết tập kinh điển 
Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, vì muốn kết tập lại tất cả những lời thuyết giảng của Phật trong 49 năm, nên hai cõi trời, người cùng nhau hội tập. Ngài A-nan lên tòa cao ngồi, thân đắp y của Như Lai. Đại Phạm Thiên vương cầm lọng làm bằng bảy món báu, theo hầu che bên trên ngài A-nan. Thiên Đế thích dâng lên bàn bảy báu, bày trước mặt ngài A-nan. Vua La-hầu của loài a-tu-la hay tay bưng lò hương bảy báu đến trước ngài A-nan. Thiên vương cõi trời Tha hóa tự tại cũng dâng lên bảy món báu, số lượng rất nhiều. Ma vương Ba-tuần cầm cây phất trần bằng bảy báu dâng cho ngài A-nan, sau đó cùng với Đế thích đứng hầu hai bên tả hữu. Bốn vị Đại thiên vương đứng hầu quanh bốn chân tòa báu. 
Sau khi kết tập kinh điển thành tựu, vua A-xà-thế sao chép được 5 bản, Phạm vương sao chép 3 bản, Đế thích sao chép 7 bản, Long vương Bà-kiệt-la sao chép được 80.000 bản, tất cả đều dùng vàng bạc, bảy báu in ấn lưu truyền. 
Lời bàn
Đức Phật dạy rằng: “Ở châu Diêm-phù này, chỉ có 32 nước có chúng sinh căn lành lớn, có khả năng lưu hành giáo pháp do Phật truyền lại. Châu Phất-bà-đề phương đông có 260 nước, châu Cù-da-ni phương tây có 130 nước, chúng sinh ở đó cũng có khả năng thực hành theo giáo pháp do Phật truyền lại. Còn hết thảy chúng sinh ở những nơi khác đều bạc phước, không đủ sức để nghe và nhận lãnh Phật pháp.” 
Kinh Phật đến Trung Hoa 
Triều Đông Hán, Minh Đế sai nhóm các ông Thái Âm, Tần Cảnh, Vương Tuân... cả thảy 18 người, sang nước Thiên Trúc, khi trở về cung thỉnh được các vị tăng người Thiên Trúc là Ma Đằng, Trúc Pháp Lan, cùng với nhiều tranh tượng Phật và Kinh điển.
Hán Minh Đế hỏi: “Đấng Pháp vương ra đời, vì sao giáo pháp không đến xứ này?” Ngài Ma Đằng đáp: “Nước Thiên Trúc nằm giữa cõi Đại thiên thế giới này, nên chư Phật ra đời đều chọn nơi ấy. Ngoài ra những nơi khác đều là xa xôi thiên lệch nên Phật không ra đời. Tuy nhiên, sau Phật nhập diệt trăm ngàn năm, sẽ có các vị thánh nhân truyền giáo pháp đến để hóa độ chúng sinh.” Bấy giờ, Hán Minh Đế hết sức vui mừng. 
Vào sáng sớm ngày mồng một tháng Giêng niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 14, có một nhóm các đạo sĩ từ năm ngọn núi lớn như Chử Thiện Tín v.v... gồm 690 người, dâng biểu lên hoàng đế xin được cùng các vị tăng sĩ Thiên Trúc tranh tài biện luận để phân biệt những điểm đúng sai tốt xấu của Phật giáo và Đạo giáo. Hán Minh Đế sai quan Thượng thư lệnh là Tống Tường vào ngày rằm tháng Giêng năm ấy mở đại hội nơi cửa phía nam chùa Bạch Mã. 
Các đạo sĩ thiết lập 3 đàn tràng, mang kinh sách Đạo giáo gồm 369 quyển đặt lên đàn tràng phía tây, mang các sách được biên soạn bởi 27 vị danh gia đạo sĩ gồm 235 quyển đặt ở đàn tràng trung tâm, bày biện phẩm vật cúng tế trăm thần ở đàn tràng phía đông. 
Hán Minh Đế cho lập hành cung, đích thân ngự tại phía tây chùa Bạch Mã, tôn trí xá-lợi Phật cùng với Kinh điển Phật giáo tại đây. 
Các đạo sĩ cho dùng cỏ khô, lau sậy chất kín quanh đàn tràng có bày kinh sách của họ, rồi đứng trước kinh sách khóc tế rằng: “Hoàng đế hiện nay tin theo tà giáo, thế đạo suy vi sắp mất. Nay chúng tôi xin đặt kinh sách Đạo gia tại đàn tràng này, dùng sức lửa để chứng minh thật giả.” Khấn vái như vậy rồi liền nổi lửa đốt kinh sách. Kết quả tất cả đều cháy rụi thành tro, dù cả bọn thi nhau niệm chú nhưng chẳng thấy hiệu nghiệm gì. Các đạo sĩ đều hốt hoảng nhìn nhau tái mặt. Quan Thái phó là Trương Diễn liền nói với bọn họ: “Chú thuật của các ông hoàn toàn không linh nghiệm, nay các ông nên xuống tóc xuất gia theo Phật.” Nhóm đạo sĩ Chử Thiện Tín v.v... xấu hổ quá đành lặng thinh không đối đáp gì được. 
Lúc bấy giờ, xá-lợi Phật bỗng nhiên tỏa hào quang năm sắc, phóng chiếu lên không trung hình thành một quầng sáng như cái lọng, che khuất ánh mặt trời, chiếu ánh sáng năm sắc từ đó xuống trùm khắp mọi người trong đại hội, thật là việc xưa nay chưa từng có. Thiền sư Ma Đằng khi ấy hóa thân bay lên không trung, hiện các phép thần biến tự tại. Pháp sư Trúc Pháp Lan lên tòa thuyết pháp, giảng dạy những điều mà đại chúng từ trước đến nay chưa từng được nghe. 
Khi ấy có Âm phu nhân ở hậu cung, quan Tư không Lưu Tuấn, nhóm các ông đạo sĩ Lữ Huệ Thông v.v... cộng cả thảy hơn ngàn người, đều xin xuất gia tu hành theo đạo Phật. Hán Minh Đế chuẩn thuận tất cả. Sau đó vua cho xây mới 10 ngôi chùa, rộng truyền Phật pháp. 
Lời bàn
Vào triều Tấn, trong khoảng niên hiệu Kiến An, Đinh Đức Thận làm huyện lệnh ở huyện Ngưng Âm, có một người phụ nữ ở Bắc Giới bỗng nhiên nói ra toàn một thứ ngôn ngữ lạ như tiếng nước ngoài, người đến xem vây quanh đông như họp chợ. Sau đó người này lại yêu cầu mang giấy bút đến, rồi viết lên giấy cũng bằng loại chữ viết lạ, thoắt chốc đã viết được 5 trang giấy. Đưa cho mọi người đọc, nhưng không ai đọc hiểu được gì. Có một đứa trẻ khi ấy đang tình cờ đứng gần, người phụ nữ bỗng chỉ tay vào đứa trẻ mà nói: “Đứa trẻ này có thể đọc hiểu.” Liền đưa mấy trang giấy cho đứa bé, nó vừa xem bỗng đọc lên thành tiếng nước ngoài. Những người chung quanh thấy vậy ai nấy đều kinh ngạc. 
Đinh Đức Thận liền sai người thu lấy 5 trang giấy ấy, mang đến chùa Hứa Hạ, đưa cho một vị tăng người Ấn Độ xem. Vị tăng xem qua kinh ngạc nói: “Đây chính là những lời trong kinh Phật. Khi Kinh điển truyền đến xứ này, ngẫu nhiên bị mất đi một số dòng, tôi đang lo lắng vì đường quá xa e là không thể trở về Ấn Độ chép lại những trang kinh bị mất.” Liền lưu lại những trang giấy ấy rồi sao chép bổ sung vào chỗ bị thiếu mất trong kinh Phật. 
Thoát khỏi vào thai lừa 
Xưa có vị Thiên Đế thích, khi năm đức tốt mất dần không còn nơi thân, liền tự biết thọ mạng của mình sắp hết, sau khi chết sẽ thác sinh làm con lừa ở nhà một người thợ làm đồ gốm, vì thế nên hết sức lo buồn. Đế thích lại suy nghĩ rằng, trong Ba cõi chỉ có đức Phật là bậc duy nhất cứu thoát mọi khổ ách cho chúng sinh. Nghĩ như vậy rồi, liền tìm đến chỗ đức Phật, cúi đầu quỳ lạy sát đất, cung kính đảnh lễ quy y Phật, quy y Chánh pháp, quy y thánh chúng Tăng-già. 
Trong lúc quỳ lạy còn chưa đứng dậy thì đột nhiên mạng sống chấm dứt, thần thức lập tức nhập vào thai lừa. Ngay lúc ấy, con lừa mẹ lại giẫm chân làm hư hỏng một số đồ gốm chưa nung khiến người chủ nổi giận đánh nó rất mạnh, liền bị sẩy thai. Thần thức Đế thích do đó lại rời khỏi thai lừa, quay về nhập vào thân cũ, trở thành Thiên Đế thích như trước. Đức Phật dạy: “Lành thay, ông có thể ngay trong lúc sắp chết biết quy y nương về Tam bảo.” Phật liền vì Đế thích mà thuyết pháp. Nghe xong, Thiên Đế thích chứng quả Tu-đà-hoàn. 
Lời bàn
Kinh Đại Bát Niết-bàn dạy rằng: “Tuy được sinh làm Phạm thiên, cho đến sinh vào các cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, nhưng đến lúc mạng chung vẫn có thể đọa vào ba đường dữ.” 
Thoát khỏi vào thai lợn 
Tại cung trời Đao-lợi có một vị trời thọ mạng sắp hết, năm tướng suy đã hiện, tự biết mình sau khi chết sẽ thác sinh vào thai của một con heo nái đang bị ghẻ lở, tại nước Câu-di-na-khát. Vị trời này hết sức buồn khổ nhưng không biết phải làm gì để thoát khổ nạn. Có một vị trời khác liền nói: “Hiện nay đức Phật đang ở cung trời này vì mẹ thuyết pháp, sao ngài không đến cầu Phật cứu độ?”
Vị trời sắp chết kia lập tức tìm đến chỗ đức Phật, cúi đầu sát đất chí thành kính lễ. Đức Phật liền vì vị ấy mà truyền thọ Tam quy. Vị này lại y theo lời Phật dạy mà chí thành thực hiện trong 7 ngày. Khi ấy, thọ mạng cõi trời đã hết, mạng chung liền tái sinh làm con một vị trưởng giả ở nước Duy-da-ly. 
Lời bàn
Những người giàu sang phú quý tột cùng, đến lúc lâm chung sắp phải từ bỏ quan tước, tiền tài, báu vật, ruộng đất, vợ con... liền thấy đau đớn khó khăn như cắt bỏ da thịt trên thân thể. Nỗi khổ ấy thật là vô cùng! 
Chư thiên đến lúc thọ mạng sắp dứt cũng khổ sở giống như vậy. Kinh Chánh pháp niệm dạy rằng: “Nếu trong đời trước một vị trời có tạo nghiệp trộm cướp, khi lâm chung liền thấy có các vị thiên nữ hiện ra cướp đoạt hết những thứ trang nghiêm quý báu của mình, trao cho các vị trời khác. Nếu trong đời trước có tạo nghiệp nói dối, các vị thiên nữ liền nghe hiểu những lời vị trời ấy nói ra một cách sai lệch, rồi buông lời thóa mạ, mắng nhiếc. Nếu đời trước từng nhục mạ người trì giới, hoặc tự mình phá giới, uống rượu, khi lâm chung liền rơi vào trạng thái mê loạn, đánh mất chánh niệm, đọa vào địa ngục. Nếu đời trước có tạo nghiệp giết hại chúng sinh, thọ mạng liền ngắn ngủi, chẳng mấy chốc đã phải qua đời. Nếu đời trước có tạo nghiệp tà dâm, liền thấy các vị thiên nữ đều xa lánh mình mà đến với các vị trời khác, cùng họ vui đùa thỏa thích. Những điều hiện ra như thế gọi là năm tướng suy của chư thiên.” 
Quyển kinh cứu thoát dân trong một thành 
Vào triều Tấn, có Lưu Độ là người Liêu Thành, Bình Nguyên, thuộc Sơn Đông. Trong làng ấy có đến hơn một ngàn gia đình, thảy đều cung kính thờ phụng Phật pháp, cúng dường chư tăng ni. Bấy giờ người của một bộ tộc từ phương bắc bỏ xứ trốn đến nơi ấy rất nhiều, đa số đều trốn trong nội thành. Thủ lãnh của bộ tộc ấy giận lắm, muốn kéo quân đến vây giết hết cả thành. Lưu Độ vừa nghe biết việc ấy, liền chủ xướng tất cả nhân dân già trẻ lớn bé trong thành, cùng nhau đồng thanh niệm thánh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm.
Niệm như vậy chưa bao lâu thì viên thủ lãnh của bộ tộc ấy bỗng nhìn thấy một vật gì đó từ trên không trung rơi xuống, bay thẳng vào trong cung điện rồi xoay quanh cây cột chính. Ông ta lập tức cho người đến xem đó là vật gì, liền thấy đó là một quyển kinh Phật, chính là phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa. Viên thủ lãnh gặp được việc này thì trong lòng hết sức vui mừng, nhân đó bỏ ý định cũ, nhân dân cả thành nhờ vậy mà được thoát chết. 
Lời bàn 
Lúc bình thường đã biết gieo trồng phước đức, khi nguy nan lại có thể chí thành cầu khẩn Bồ Tát, viên thủ lãnh kia hồi tâm chuyển ý cũng là lẽ đương nhiên phải vậy. 
Gông cùm tự thoát 
Triều Tấn, đất Hà Nội có người tên là Đậu Truyền. Trong khoảng niên hiệu Vĩnh Hòa đời Tấn Mục Đế, ông làm chức bộ khúc trong quân đội dưới quyền quan thứ sử Tịnh châu, bị Lữ Hộ bắt làm tù binh cùng với đồng đội khoảng 6, 7 người khác, giam chung trong một nhà ngục, ấn định ngày rồi sẽ mang ra giết. 
Đậu Truyền nhất tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm cầu cứu giúp, trong suốt 3 ngày 3 đêm không hề mỏi mệt. Khi ấy, gông cùm trên thân thể bỗng tự nhiên dần dần nới rộng, cho đến lúc rơi cả xuống, toàn thân được tự do. Đậu Truyền tuy trong lòng hết sức mừng rỡ, nhưng nhìn lại các bạn đồng ngục vẫn còn bị giam, không nỡ một mình bỏ trốn. Liền khuyên bảo rồi cùng với những người đồng ngục chí thành cầu nguyện. Đột nhiên, gông cùm trên thân của mọi người khác cũng nối nhau rơi xuống hết. Cả bọn liền mở cửa ngục cùng nhau thoát ra, vượt thành đang đêm chạy trốn. Chạy xa được khoảng 4, 5 dặm đường rồi mới tìm vào một đám cây cối rậm rạp mà trốn. 
Sáng hôm sau, Lữ Hộ cho người ngựa truy đuổi lùng sục khắp nơi, lại nổi lửa đốt hết những chỗ cây cối hoang dã rậm rạp, nhưng chỉ riêng bao quanh chỗ Đậu Truyền đang trốn ước chừng một mẫu đất là không người ngựa nào tìm đến, mà lửa cũng không cháy tới. 
Lời bàn
Đây chính như lời kinh đã dạy: “Nhờ sức niệm Quán Âm cứu độ, liền tự nhiên được thoát ngục tù.” Đến như những trường hợp rơi xuống nước mà chẳng chết chìm, gặp lửa dữ mà không chết thiêu, đủ điều linh nghiệm, có thể xem trong các sách khác ghi chép rất nhiều, ở đây không sao kể hết. 
Vị tăng làm Thiên vương 
Đời Tùy, ở Tương Châu có Pháp sư Thích Huyền Cảnh, tên Thạch, vốn là người Thương Châu thuộc Hà Bắc. Sư ngưỡng mộ kinh điển Đại thừa, tụng đọc không ngừng nghỉ. Sau, sư có bệnh nằm trên giường suốt 3 ngày, bỗng nói với người thị giả: “Ý ta muốn được gặp Phật Di-lặc, sao nay lại phải làm Thiên vương Dạ-ma?” Rồi lại tự nói rằng: “Khách đến đông lắm, việc tiếp đãi phải lo chu đáo.” Tăng chúng thưa hỏi là chuyện gì, liền nói: “Không phải việc các ông biết được. Hiện có các vị thiên chúng đến đây nghênh đón rồi.” Liền có mùi hương thơm lạ xông tỏa khắp phòng, lưu lại rất lâu. Lúc ấy là vào tháng sáu, niên hiệu Đại Nghiệp thứ hai. 
Đại sư có để lại di ngôn, bảo mang thi hài ngài táng vào sông Tử Bách, ở nơi nước sâu nhất. Ba ngày sau trở lại xem, bỗng thấy giữa dòng nước nổi lên một gò đất cao, khiến con sông phải chảy phân đôi thành hai dòng. 
Lời bàn
Các vị Bồ Tát ở Phát quang địa vẫn thường hiện thân làm Thiên vương Dạ-ma. Đã như vậy, chúng ta làm sao biết được mà dám đo lường chỗ tu chứng của Pháp sư?
Người mù được thấy 
Vào đời Hậu Chu có Trương Nguyên, tên tự là Hiếu Thủy, năm lên 16 tuổi thì ông nội bị mù mắt. Trong suốt 3 năm, Trương Nguyên ngày đêm lễ Phật, cầu phước đức. Một hôm đọc kinh Dược Sư, thấy trong đó có nói đến việc “người mù được thấy”, liền y theo trong kinh dạy, thỉnh 7 vị tăng, thắp 7 ngọn đèn, trong 7 ngày 7 đêm liên tục tụng đọc kinh Dược Sư, vừa bái lạy vừa khóc, khấn nguyện rằng: “Lạy đấng Thiên Nhân Sư, Trương Nguyên này làm đứa cháu bất hiếu, khiến cho ông nội phải mù lòa. Nay nguyện mang ánh sáng đèn rộng thí khắp cõi pháp giới, nguyện cho chính con chịu mù lòa thay, để mắt ông nội được sáng.” Tha thiết ân cần lễ bái khấn nguyện như vậy trải qua 7 ngày, đêm ấy nằm mộng thấy có một ông lão dùng kim vàng khơi vào tròng mắt cho ông nội mình, lại bảo Trương Nguyên: “Con đừng lo, sau 3 ngày mắt ông nội con sẽ sáng lại.”
Trương Nguyên trong mộng vui mừng phấn khích vô cùng. Lúc tỉnh giấc liền đem sự việc kể lại với mọi người trong nhà. Ba ngày sau, ông nội Trương Nguyên quả nhiên được sáng mắt. 
Lời bàn 
Thầy thuốc giỏi ra tay trị bệnh, không ngoài việc tùy bệnh chứng mà cho thuốc. Người bị mù lòa, phần lớn đều là do đời trước phỉ báng Phật, phỉ báng Chánh pháp. Cho nên, muốn cứu độ người mù quáng không tin Phật pháp, ắt phải vì người ấy mà chỉ bày chánh kiến chánh tín. Kinh Đại tập (大集經) dạy rằng: “Nếu có chúng sinh trong đời quá khứ hủy báng Chánh pháp, hoặc hủy báng bậc thánh nhân; hoặc gây chướng ngại khó khăn cho người thuyết giảng Chánh pháp; hoặc khi sao chép kinh văn lại cẩu thả hay cố tình làm mất mát câu chữ, sai lệch văn nghĩa; hoặc làm mất mát hư hỏng những sách vở ghi chép giáo pháp, hoặc cố tình che giấu những quyển kinh văn của người khác; do những nghiệp đã tạo như thế, trong đời này sẽ bị mù lòa.”
Ngoài ra, trong kinh Phó pháp tạng cũng nói rằng: “Nếu gây trở ngại cho việc xuất gia tu hành của người khác, ắt phải đọa vào các đường dữ. Chịu đựng xong tội nghiệp trong các đường dữ rồi, khi được sinh trở lại vào cõi người lại phải chịu kiếp mù lòa.” 
Trong trường hợp này, có thể nói là Trương Hiếu Thủy đã tùy theo bệnh chứng mà cho đúng thuốc rồi vậy. 
Báo đáp bốn ơn sâu nặng
Giảng rộng
Bốn ơn sâu là: ơn cha, ơn mẹ, ơn Phật, ơn thầy thuyết giảng pháp Phật. Cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng ta để có được hình hài này; đức Phật và bậc thầy thuyết giảng Phật pháp đã nuôi dưỡng trí tuệ chân chánh của ta; đó đều là những ơn sâu nặng nhất, thật khó báo đáp hết được. Kinh Quán Phật tướng hải dạy rằng: “Nếu có ơn mà không báo đáp, đó chính là nhân đọa vào địa ngục A-tỳ.” Thế nhưng, việc báo đáp bốn ơn sâu nặng, há có thể nhanh chóng sơ sài được sao?
Báo đáp ơn cha mẹ, phải hết lòng hết sức phụng dưỡng, làm cho cha mẹ được vui lòng, lại phải dẫn dắt cha mẹ vào đường tu tập giáo pháp xuất thế, thoát khỏi luân hồi, được như vậy mới có thể xem là trọn vẹn. 
Báo đáp ơn thầy truyền dạy Chánh pháp, phải nỗ lực làm đúng theo lời thầy dạy, lại phải cung kính cúng dường hết thảy mọi nhu yếu như thực phẩm, y phục, thuốc men, chỗ ở... được như vậy mới có thể xem là trọn vẹn. 
Đến như ơn đức của Phật, thật khó có thể nói đến việc báo đáp cho trọn, chỉ biết phải nên phát tâm Bồ-đề, lập nguyện sâu rộng cứu độ chúng sinh, cung kính học theo hạnh nguyện của hàng Bồ Tát. 
Đại sư Liên Trì dạy rằng: “Cha mẹ thoát ly được sinh tử luân hồi thì đạo hiếu của người con mới có thể được xem là thành tựu.”
Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Đem tấm lòng thành sâu xa này phụng sự hết thảy chúng sinh trong vô số thế giới nhiều như số hạt bụi nhỏ, như vậy gọi là báo đáp ơn Phật.”
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2169)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8182)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3011)