- Lời Giới Thiệu Bản Việt Dịch Sách An Sĩ Toàn Thư
- Lời Tựa Đầu Tiên Của Sách Giảng Rộng Bài Văn Âm Chất
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (1)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (2)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (3)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (4)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (5)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (6)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (7)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (8)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (9)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (10)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (11)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (12)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (13)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (14)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (15)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (16)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (17)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (18)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (19)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (20)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (21)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (22)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (23)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (24)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (25)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (26)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (27)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (28)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (29)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (30)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (31)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (32)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (33)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (34)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (35)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (36)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (37)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (38)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (15)
Lễ tháp Phật cứu độ mẹ
Đời Đường có một người họ Phạm. Mẹ ông là Vương thị vốn hoàn toàn không tin Tam bảo, tuy ông đã nhiều lần khuyên giải nhưng mẹ ông không chịu nghe theo. Sau ông đến Đông Đô theo Luật sư Chỉ Khánh ở chùa Quảng Ái xuất gia tu hành, pháp hiệu là Tử Lân.
Khi thầy Tử Lân trở lại quê nhà, người mẹ đã mất trước đó 3 năm rồi. Nhân khi có đến miếu thờ Đông Nhạc Đại Đế, thầy Tử Lân ở đó chí thành tụng kinh Pháp Hoa, nguyện cho gặp được Nhạc Đế để hỏi xem mẹ mình sau khi chết sinh về cõi nào. Một đêm nằm mộng thấy Nhạc Đế hiện đến nói rằng: “Mẹ ông hiện ở trong địa ngục, chịu khổ vô cùng. Ông nên đến Mậu sơn lễ bái tháp vua A-dục ở đó, có thể nhờ công đức ấy cứu thoát được mẹ.” Thầy Tử Lân liền y lời đến lễ tháp vua A-dục. Tại đó, thầy rơi nước mắt mà khấn nguyện, lễ bái rất lâu. Bỗng nghe có tiếng người mẹ tạ ơn rằng: “Nhờ sức con cầu nguyện, nay mẹ đã được sinh lên cõi trời Đao-lợi.”
Lời bàn
Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn hơn trăm năm, vua A-dục ra đời, là vị Thiết luân vương cai quản một cõi Diêm-phù-đề, có khả năng sai sử được quỷ thần. Nhà vua đã tạo 84.000 bảo tháp để tôn trí phụng thờ 84.000 phần xá-lợi của đức Phật để lại. Theo sự phân chia của vua thì cứ nơi nào có 100.000 dân sẽ xây dựng một tháp. Tại Trung Hoa, theo những ghi chép được thấy trong sách vở thì có cả thảy 19 tháp. Tháp ở Mậu sơn là một trong số đó.
Lòng thành cảm động di cốt của cha
Vào đời Hậu Chu, tại làng Quý Trụ ở Trường An có một người họ Lý, vốn thật là người thuộc hoàng triều tông thất đời Đường. Người này lên 7 tuổi đã xuất gia tu hành, pháp danh là Đạo Phi. Năm lên 19 tuổi, gặp lúc vua Đường Trang Tông dời đô về Lạc Dương, Trường An lửa cháy khắp nơi, làng Quý Trụ bị thiêu sạch. Ông liền cõng mẹ chạy vào Hoa sơn. Bấy giờ là lúc lương thực khan hiếm đắt đỏ, Đạo Phi khất thực được rất ít, tự mình không ăn chỉ mang về dâng lên nuôi dưỡng mẹ. Khi mẹ hỏi đã ăn chưa, ông luôn nói là đã ăn rồi.
Mẹ ông thường nói: “Cha con đi đánh trận chết ở Hoắc sơn, hài cốt phơi giữa sương gió, con có thể tìm đem về an táng được chăng?” Vì thế, về sau ông liền tìm đến Hoắc sơn, thu nhặt những hài cốt nơi ấy gom về một chỗ rất nhiều, rồi ngày đêm tụng kinh, vì cha mà sám hối nghiệp giết hại. Ông lại đứng trước số hài cốt đã thu nhặt được mà khấn rằng: “Trong số rất nhiều hài cốt này, nếu quả có di cốt của cha ta thì xin chuyển động.” Khấn như vậy rồi lại nhất tâm trì tụng kinh điển, mắt nhìn vào đống hài cốt không lúc nào xao lãng. Trải qua nhiều ngày như vậy, đến một hôm bỗng có một cái sọ khô nảy vọt ra từ đống xương cốt, rồi lay động rất lâu. Đạo Phi nhìn thấy đầu lâu ấy, đau đớn thống thiết, liền thu nhặt đúng bộ hài cốt từ chỗ đầu lâu nảy ra, rồi mang về. Đêm ấy, người mẹ nằm mộng thấy chồng quay về, đến sáng ra quả nhiên Đạo Phi mang hài cốt về tới.
Về sau, pháp sư Đạo Phi được Hoàng đế ban chiếu triệu thỉnh vào kinh đô thuyết pháp hoằng hóa, danh tiếng ngài vang dội khắp trong triều ngoài nội.
Lời bàn
Sự hiếu thảo có thể phân chia hai loại, hiếu thảo theo pháp thế gian và hiếu thảo theo pháp xuất thế gian. Trường hợp của Pháp sư Đạo Phi là đã bao gồm cả hai loại đó. Đến như pháp sư Đạo Kỷ đời Bắc Tề mỗi lần giảng pháp đưa mẹ đi theo nghe, pháp sư Pháp Vân đời Lương để tang mẹ hình hài gầy ốm suy kiệt, pháp sư Giám Tông đời Đường, vì trị bệnh cho cha mà tự cắt thịt ở hai bắp đùi mình, pháp sư Trí Tụ đời Tùy trong 3 năm để tang mẹ, khóc thương đến nỗi nước mắt chảy ra toàn là máu... những trường hợp hiếu thảo như thế thật rất nhiều, sách vở xưa nay không thể nào ghi chép hết. Nếu nói rằng sau khi đã xuất gia tu hành rồi thì không cần phải lo việc phụng dưỡng cha mẹ, như vậy sao gọi là hiểu được ý nghĩa của câu “hiếu với cha mẹ là trì giới” như trong kinh Phạm Võng đã dạy?
Bảo vệ Chánh pháp để báo ân
Đời nhà Tống có người tên Lữ Mông Chánh, tên tự là Thánh Công. Vào thời Tống Thái Tông, dự thi đỗ tiến sĩ, đứng đầu khoa ấy. Sau làm quan trải qua nhiều lần thay đổi, thăng đến chức Tham tri chính sự, được phong tước Hứa Quốc công.
Lữ công vào thuở thiếu thời hàn vi từng đến nương náu trong tự viện, nhờ đó mới được chuyên tâm đọc kinh thư sách sử. Sau khi đã ra làm quan trong vòng mười năm, những lúc triều đình cấp cho bổng lộc phí tổn để lo việc tế tự ông đều không nhận mà tự mình bỏ tiền ra lo. Hoàng đế hỏi nguyên nhân, ông đáp: “Hạ thần có chút ơn riêng còn chưa báo đáp.” Hoàng đế lại muốn biết rõ nên gạn hỏi tiếp, ông liền đem sự thật trình bày. Hoàng đế nói: “Trẫm thật không ngờ từ nơi tự viện có thể phát xuất được bậc nhân tài như thế này.” Liền truyền ban cho ông áo bào màu tía để tuyên dương tưởng thưởng.
Lữ công nhận được bao nhiêu bổng lộc ân thưởng của triều đình đều mang cúng dường tăng chúng trong chùa để báo đáp ân đức ngày trước. Mỗi ngày ông đều dậy sớm lễ Phật, khấn nguyện rằng: “Nếu là người không tin Phật pháp, xin đừng sinh vào nhà tôi. Nguyện cho con cháu tôi đời đời thọ hưởng bổng lộc phước đức đều sử dụng để hộ trì Tam bảo.”
Về sau, cháu ông là Lữ Di Giản được phong đến tước Thân Quốc công, vào mỗi ngày đầu năm mới, sau khi lễ bái trong nhà thờ gia tộc, đều không quên đốt hương khấu lễ thiền sư Quảng Huệ Nguyên Liễn. Con trai của Lữ Di Giản là Lữ Công Trước sau cũng được phong tước Thân Quốc công, cũng cung kính đối đãi với thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài giống như vậy. Sau đến Lữ Hảo Vấn làm quan Tả thừa, lại cũng đối đãi cung kính với thiền sư Viên Chiếu như vậy. Con trai của Hảo Vấn là Lữ Dụng Trung cũng cung kính đối với thiền sư Phật Chiếu như vậy... Quả đúng như lời nguyện của Lữ Mông Chánh, con cháu đều đời đời được phú quý vinh hiển, phụng sự Phật pháp.
Lời bàn
Kinh Phật dạy rằng: “Ơn đức chư Phật còn hơn cả ơn cha mẹ.” Nhưng công ơn cha mẹ đã gọi là hết sức sâu nặng, nay lại nói ơn đức chư Phật còn hơn thế nữa là ý nghĩa gì?
Nói chung, công ơn cha mẹ tuy sâu nặng, nhưng chỉ giới hạn trong một kiếp sống. Trong khi đó, ơn đức của chư Phật còn xuyên suốt đến tất cả những kiếp sống trong tương lai. Công ơn cha mẹ chỉ là nuôi dưỡng thân thể này, còn ơn đức của chư Phật là cứu giúp sinh mạng trí tuệ, tâm linh của chúng ta. Lại như sự dạy dỗ giáo huấn của cha mẹ, bất quá cũng chỉ là dẫn dắt ta đi lên trên đường danh lợi, nếu mê lầm mà vận dụng sai lệch thì ngược lại tạo thêm nghiệp báo. Chư Phật, Bồ Tát có thể chỉ dạy cho chúng ta pháp môn giải thoát rốt ráo, chỉ cần làm theo lời dạy của các ngài ắt sẽ nhanh chóng thoát khỏi luân hồi. Cha mẹ nếu gặp phải đứa con ngỗ nghịch liền khởi tâm sân hận. Chư Phật, Bồ Tát tuy có gặp những kẻ hủy báng Phật, hủy báng Chánh pháp, vẫn khởi lòng từ bi thương xót vô cùng. Không chỉ là như thế, mà đến như cha mẹ thương yêu con cái cũng không tránh khỏi sự kỳ vọng mai sau sẽ nuôi dưỡng, lo việc hậu sự tống táng, tế tự cho mình. Còn chư Phật, Bồ Tát thì tuyệt nhiên không có chút mong cầu nào, dù cứu độ cho hết thảy chúng sinh, nhưng ngay từ đầu đã không hề thấy có tướng trạng chúng sinh được độ.
Cho nên, trong thế gian này thì bội ân bạc nghĩa nặng nề nhất không gì hơn những kẻ không tin Phật, hủy báng Phật pháp. Lữ Mông Chánh phát lời nguyện cho những kẻ như thế không sinh làm con cháu của ông, quả thật đã có được một nhận thức vô cùng sáng suốt sâu rộng hơn người.
Thực hành rộng khắp theo Tam giáo
Giảng rộng
Hết thảy các bậc thánh nhân trong Tam giáo đều có tâm niệm cứu giúp người đời, chỉ khác nhau ở sự vận dụng các phương pháp khác nhau để thi hành tâm niệm cứu thế đó mà thôi. Nho giáo vận dụng theo những sự việc hòa nhập với thế tục, Phật giáo dạy người thực hành các pháp môn vượt thoát ra ngoài thế tục. Đạo giáo thì mới nhìn có vẻ như cũng theo con đường vượt thoát thế tục, nhưng thật ra thì chưa từng vượt thoát.
Khổng Tử, Nhan Hồi tuy đều là các bậc thánh nhân, nhưng nếu dựa vào học thuyết của các vị ấy để trừ ma diệt quỷ, ắt chỉ là chuyện viển vông không thật. Phật giáo với Đạo giáo tuy là tôn quý cao minh, nhưng nếu muốn dùng vào việc khoa cử để tiến thân trên quan trường, ắt chỉ là chuyện hoang đường, không thể được. Chính vì thế mà Tam giáo tất yếu phải hình thành thế ba chân vạc, cùng hỗ trợ cho nhau trong việc cứu thế. Con người vốn chẳng thể chỉ dùng duy nhất một phương cách mà giáo hóa được, nên sự dạy dỗ của các bậc thánh mới phải phân thành ba đường. Ví như ba vị thầy thuốc giỏi, một người chuyên về nội khoa, một người chuyên về ngoại khoa, một người nữa lại chuyên về nhi khoa. Y thuật của 3 vị tuy khác nhau, nhưng mục đích trị bệnh cứu người đều giống nhau. Nếu như 3 vị này cùng học chuyên một ngành giống nhau, ắt việc trị bệnh cứu người không thể được rộng khắp. Cho nên, sách Thượng thư có nói rằng: “Mỗi người làm việc thiện theo cách khác nhau, nhưng tựu trung cũng đều giúp cho thiên hạ được an ổn.”
Tôi từng đọc qua sách “Đồng Nhân phủ chí” (銅仁府志) của đất Quý Châu, được biết rằng tên đất ấy nguyên trước đây dùng chữ nhân (人) có nghĩa là con người, vì trong địa phương ấy có núi Đồng Nhân (銅人). Sau mới đổi chữ nhân (人) thành chữ nhân (仁) có nghĩa là lòng nhân ái, nhưng tên đất với tên núi ấy từ xa xưa vốn thật là Đồng Nhân (銅人).
Núi nằm giữa một cái đầm rất lớn, dưới chân núi toàn là nước. Có một năm trời hạn hán kéo dài rất lâu, nước khô sạch, người ta nhìn thấy bên dưới núi ấy là khoảng không, có ba tượng người bằng đồng rất lớn cùng đội tòa núi lên, sừng sững mà đứng thẳng như thế. Những trang phục nhìn thấy trên thân 3 pho tượng đồng ấy lại giống hệt như lễ phục phân biệt của Tam giáo. Thiết nghĩ, ngọn núi ấy phải có từ thời khai thiên lập địa, lúc đó cả Tam giáo thậm chí còn chưa có tên gọi. Nhưng các pho tượng đồng vĩ đại như thế quả thật sức người không thể đúc ra được. Thế mới biết rằng Tam giáo vốn thật đã sẵn có từ khi trời đất hình thành. Huống chi như vị thế của Đế Quân vốn siêu việt trên nhân loại, lẽ đâu không biết rằng đạo lớn luân thường của Khổng Nhan vốn dĩ đã chói sáng như mặt trời, mặt trăng đi qua bầu trời, vậy tại sao vẫn muốn kiêm hợp gắn liền cả Phật giáo và Đạo giáo để giáo huấn, răn dạy hàng nho sĩ?
Lại xét rằng, cõi Nam Diêm-phù-đề tuy gọi tên chỉ là một châu, nhưng bao gồm rất nhiều đất nước khác nhau. Mỗi một đất nước đều có các bậc thánh hiền ra đời thiết lập giáo pháp để giáo hóa người đời. Cho nên, những bậc thánh hiền như Khổng Tử, Lão Tử... hẳn là nhiều không thể tính đếm hết, chỉ có điều ở mỗi nước đều dùng danh xưng khác nhau để gọi mà thôi. Đến như văn tự chữ viết, chí ít cũng có đến 64 loại, nay những gì các nhà Nho đọc qua, bất quá cũng chỉ là những sách vở dùng trong khoa cử. Ngoài những thứ ấy ra, chỗ kiến giải của họ liệu có được bao nhiêu? Đến như ba tạng mười hai bộ kinh trong Phật giáo, được cất giữ cẩn thận nơi cung điện của Long vương, chẳng những là nhà Nho không thể được thấy, mà nếu có thấy qua ắt cũng chỉ biết chê bai bài xích. Ấy chỉ vì nếu không chê bai bài xích thì sợ rằng không được xem là người noi theo và giữ gìn truyền thống Nho gia. Những kẻ bài xích như thế, cũng không chỉ dùng lời nói, mà còn trước tác, biên soạn thành sách vở, không khỏi có những lời xuyên tạc lệch lạc, báng bổ, đem thuyết “ý, tất, cố, ngã” của Khổng Tử mà giảng giải theo ý riêng sai lệch, quen thói cổ hủ chỉ biết công kích những ai khác biệt với mình. Nhưng xét kỹ hành vi mà những kẻ như thế ngày đêm thường làm, cho đến những tâm niệm ẩn khuất thường khởi sinh lúc ngồi một mình, thì tất thảy không ra ngoài chuyện tranh danh đoạt lợi, dối đời hại người. Thậm chí còn bôn ba xu nịnh kẻ quyền thế để mưu lợi danh, cờ gian bạc lận đủ việc xấu ác không gì không làm. Những kẻ ấy, đối với cái học sửa tâm chính đáng, rèn ý chân thành, cứu đời giúp người của Nho gia thì họ chẳng bao giờ nói đến, chỉ toàn làm tổn hại thanh danh tốt đẹp của Nho gia, như vậy sao có thể làm sáng tỏ học thuật của Nho gia? Lời dạy của Đế Quân về việc “thực hành rộng khắp theo Tam giáo” quả thật có thể xem như một tiếng chuông cảnh tỉnh giữa đêm dài mê muội.
Người đời có thể học làm đúng theo lời Khổng Tử, ắt là Phật Thích-ca cũng lấy làm vui. Người đời có thể học làm theo lời dạy của Phật, ắt Khổng Tử cũng lấy làm vui. Nếu như cứ nhất định cho rằng chỉ làm theo đúng như đạo của mình mà thành người hiền thiện thì mới vui lòng, bằng như không làm theo đúng như đạo của mình thì cho dù có thành người hiền thiện mình cũng không vui; như thế ắt chỉ giống như tôi tớ quy thuận chủ nhân, quân binh quy thuận tướng lãnh mà thôi, sao có thể gọi là làm đúng theo ý nguyện các bậc thánh nhân của Tam giáo?
Khi nói “thực hành rộng khắp”, đó là nói về phương diện tâm ý, không phải nói về những biểu hiện hình thức nơi vẻ ngoài. Người nào đối với lẽ nhân nghĩa có thể luôn tu tập nghĩ nhớ đến, đó chính là thực hành theo đạo Nho, không nhất thiết phải dựa vào hình thức áo xanh đai mực mới gọi là nho sĩ. Người nào có thể chứng ngộ chân tâm, thấu triệt bản tánh, đó chính là thực hành theo đạo Phật, không nhất thiết phải dựa vào hình thức đầu tròn áo vuông mới gọi là tăng sĩ.
Những kẻ học Nho câu nệ theo cổ lệ, khi nghe đến khái niệm “thực hành rộng khắp” ắt sẽ không hài lòng mà cho rằng như thế là học vấn pha tạp, không tinh thuần, nhưng lại không biết rằng trong sự pha tạp cũng có những chỗ cần phân biệt rõ. Như trong lẽ trời có pha tạp ý muốn con người, trong vương đạo có pha tạp bá thuật, trong lúa gạo có pha tạp cám trấu... những điều ấy nhất định không thể gọi là hỗn tạp. Đến như những lời dạy của Tam giáo thì thảy đều nhằm mục đích mang lại lợi lạc cho thân tâm con người. Ví như Thái sơn không bỏ đất chọn đá, nên mới hợp thành ngọn núi cao lớn sừng sững; biển lớn không loại bỏ các dòng nước nhỏ, nên mới hình thành độ sâu thăm thẳm, há có thể chê bỏ cho rằng những điều ấy là pha tạp được sao? Xét trong một gia đình, ắt phải có cơm ăn áo mặc, có tiền tài vật báu, có người giúp việc, có ruộng vườn v.v... có thể nói là cực kỳ pha tạp. Thế nhưng nếu không có đủ những thứ pha tạp như thế thì nhà ấy chẳng thể gọi là giàu sang. Hoặc xét như những thứ ta ăn vào bụng, ắt là có cơm có cháo, có món canh món nướng, có giấm chua muối mặn, hẳn cũng có thể gọi là cực kỳ pha tạp. Nhưng nếu không có đủ những thứ pha tạp ấy, người ta không thể mạnh khỏe. Vậy sao lại riêng khởi tâm nghi ngờ việc thực hành rộng khắp theo Tam giáo mà cho là hỗn tạp?
Luận về lợi ích của sự thực hành rộng khắp
Giúp vào sự giáo hóa của vua
Trong sự cai trị đất nước, việc giữ cho dân tình yên ổn không dựa vào điều gì khác hơn là khen thưởng và trừng phạt. Muốn làm sáng rõ hình luật, trợ giúp việc giáo hóa nhân dân, ắt cần phải thực hành rộng khắp theo Nho giáo. Thế nhưng, phạm vi của sự thưởng phạt bất quá cũng chỉ giải quyết được một phần trăm, phần ngàn các vấn đề xã hội mà thôi. Như muốn trừ bỏ được những việc xấu ác trong chỗ ẩn khuất mà người khác không ai biết, hay những tâm niệm xấu ác vừa mống khởi, thì dẫu cho mỗi nhà đều có một Khổng Tử, mỗi hộ giao cho một Cao Đào, e rằng cũng không thể làm nổi. Cho nên, người đời thường chỉ sợ hình luật của quốc gia, phần lớn chẳng biết sợ sự trách phạt của lẽ trời. Nhưng nói chung thì hình luật của quốc gia còn có thể tìm cách lẩn trốn, tránh né, mà sự trách phạt của lẽ trời thì không cách gì trốn tránh được. Nếu người đời có thể thực hành rộng khắp theo Phật giáo, Đạo giáo, khiến cho thuyết nhân quả được tỏa sáng rực rỡ trong đời, ắt người thế gian từ nơi chỗ nhỏ nhiệm sâu thẳm trong tâm thức cũng tự nhiên có sự kiêng sợ không dám làm điều bất thiện. Được như vậy thì so với việc Khổng Tử biên soạn sách Xuân Thu khiến cho bọn loạn thần nghịch tử đều kinh sợ, ắt là hiệu quả cũng không hề thua kém.
Lời bàn
Vào thời Lưu Tống, Tống Văn Đế có lần bảo Hà Thượng: “Phạm Thái, Tạ Linh Vận thường nói rằng Lục kinh của Nho gia căn bản là nhằm cứu giúp thế tục, chính đính lòng người. Nếu muốn cầu đạt đến tâm tánh linh diệu sáng suốt, thấu rõ yếu nghĩa chân thật, thì nhất định phải nương theo sự chỉ dẫn của Phật giáo. Giá như nhân dân cả nước đều được Phật pháp cảm hóa, ắt trẫm sẽ có thể ngồi yên mà hưởng cảnh thiên hạ thái bình.”
Hà Thượng đáp rằng: “Từ khi nhà Tấn dời đô qua sông về phương đông đến nay, những người như Vương Đạo, Chu Nghĩ, Dữu Lượng, Tạ An, Đới Quỳ, Hứa Tuân, Vương Mông, Hy Siêu, Vương Thản Chi, cho đến các đời ông cha, anh em của thần không ai là không quy y theo đạo Phật. Xét như trong một làng trăm hộ, nếu có một người thọ trì Năm giới, tức là có một người làm việc thiện; 10 người giữ Năm giới tức có 10 người làm việc thiện. Có người làm một việc thiện tức là trừ bỏ được một việc xấu ác. Trừ bỏ được một việc xấu ác tức là bớt được một hình phạt trừng trị. Mỗi nhà giảm bớt một hình phạt, thì cả nước giảm được hàng vạn hình phạt. Bệ hạ nói rằng có thể ngồi yên hưởng thái bình chính là như vậy. Các nhà Nho sau này do húy kỵ với Phật giáo nên thay dùng những khái niệm ‘quân tử, tiểu nhân’ để bổ trợ cho những chỗ mà sự thưởng phạt không thể đạt đến. Thần cho rằng cách làm như thế thật là thiển cận hẹp hòi.”
Phát triển Nho học chân chánh
Chúng ta đã có chí theo học Khổng Mạnh, nên học lấy chỗ bản lĩnh sâu sắc nhất. Chẳng hạn như học theo quan điểm của Khổng Tử là “không có một bậc thầy cố định nào”, hoặc “đạo của ta chỉ dùng một mối mà quán thông vạn pháp”, hoặc như thuyết “không ý, tất, cố, ngã”, đó chính là những chỗ sâu sắc nhất trong học thuyết của Khổng Tử. Còn như việc nhận rõ và nêu ra các lẽ “tự chế phục bản thân, quay về theo lễ nghĩa đạo lý” hay “chân thành và khoan thứ”, thì chính là chỗ bản lĩnh sâu sắc nhất của các vị Nhan Hồi, Tăng Tử.
Học thuyết của Trọng Ni chuyên nhắm đến sự tự mình tu dưỡng, chế phục bản thân. Vì thế mới có những lời như: “Đạo vốn ở tự tâm, lặng lẽ mà nhận hiểu”, hoặc như: “Ta thật không có thời gian nhàn rỗi để phê phán người khác”, hoặc là: “Thường nghiêm khắc với lỗi lầm của chính mình mà khoan thứ, giảm nhẹ sự trách cứ đối với người khác.” Những lời dạy đầy lòng nhân ái như thế, trong sách Nho lưu lại rất nhiều, một lần không thể kể ra được hết.
Vào thời của Mạnh Tử, tuy vẫn có các thuyết khác của Dương Mặc, nhưng Mạnh Tử đều cương quyết bác bỏ, không chấp nhận. Đó chỉ là vì cho rằng chủ trương lấy sự thương yêu nhường nhịn thay cho hình phạt chế trị tuy rất tốt đẹp, lý tưởng, nhưng trong thực tế không phải điều mà tất cả mọi người đều có thể làm theo. Không giống như những kẻ đời sau đối với học thuyết nỗ lực tự hành của Trọng Ni thì tránh khó tìm dễ, muốn cầu an ổn, nhưng chỉ riêng lấy việc bài xích, chống lại Dương Mặc mà cho rằng như thế đã là hàng môn đệ của thánh nhân, liền phấn khích vỗ tay nhảy nhót; vốn thật đối với sự tu dưỡng thì bỏ khó tìm dễ, ngược lại trong lòng tiếc hận rằng đời nay chẳng có Dương, Mặc để cho mình bài xích. Nhân đó liền soi mói tìm kiếm những điều nhỏ nhặt, khiên cưỡng có đôi chút tương tợ thì lập tức cho đó là thuộc về học thuyết của Dương Mặc. Rồi lại mang những điều thật trong học thuyết của Dương Mặc mà gán cho Phật giáo, Đạo giáo. Những kẻ ấy quả là phí công chạy theo cái học giảng thuật, mà chỗ thực hành tu dưỡng đức hạnh tự thân lại quá sơ sài, cạn cợt. Thật chẳng bằng noi theo tâm lượng chí công vô tư của bậc thánh hiền, chỉ cần nỗ lực hết sức mình, dẹp bỏ những sự công kích đối với kẻ khác, như vậy ắt sẽ tự nhiên mà được thành tựu.
Lời bàn
Ngũ giới của đạo Phật, mới nhìn qua có vẻ như tương tợ với Ngũ thường của Nho gia, nhưng chỉ nên kết hợp để tán trợ cho nhau, không nên có sự công kích hủy báng nhau. Có những nhà Nho không có sự suy xét kỹ càng, vừa nghe giáo pháp “từ bi” xuất phát từ đạo Phật liền lập tức phản bác, công kích, hóa ra chính vì thế mà làm suy vi học thuyết về “đức nhân” của Nho giáo. Lại vừa nghe đến những giới “không trộm cắp, không tà dâm” là xuất phát từ đạo Phật, liền lập tức phản bác, hóa ra vì thế mà làm tiêu vong học thuyết về “nghĩa” của Nho giáo. Lại nghe nhà Phật răn cấm sự nói dối, liền lập tức phản bác, hóa ra vì thế mà làm diệt mất đạo “trung tín” của Nho gia. Như thế chẳng phải là muốn bảo vệ đạo mình, hóa ra lại làm tổn hại cho đạo đó sao?
Xưa có vị học giả cho rằng Phật giáo có hại, đem việc ấy hỏi tiên sinh Tượng Sơn. Tiên sinh liền hỏi lại: “Nếu nói có hại, vậy nói xem có hại ở điểm nào?” Kỳ thật hiện nay gây tổn hại cho đạo lý chính là ở những lời nhàn rỗi công kích của đám người tự khoe mình là học giả đó thôi.
Gửi ý kiến của bạn