Giác ngộ và giải thoát

24 Tháng Năm 201608:45(Xem: 7115)

GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT
MÃN TỰ

       

hoa sen 3Trong những bộ Kinh chúng ta học thường thấy hai từ Giác Ngộ và Giải Thoát. Tất cả người tu học đều lấy hai từ đó làm cứu cánh để đi tới. Đạo Giác Ngộ nếu không có hai từ Giác Ngộ- Giải Thoát thì cũng giống như tất cả các Tôn Giáo trên thế gian này đặt hết niềm tin vào Ngoại giới để mong cầu hay thần phục hay được hội nhập vào những gì mà chính những người sáng tạo ra cũng ù ù cạc cạc mông lung mơ hồ, lý luận trường uốn để lung lạc những thành phần hiểu biết nông cạn. Họ đem sách vở lời nói của thời xa xưa để minh chứng rằng đó là sự thật; tuy nhiên nếu hỏi rằng ông đã đến đó chưa- đã gặp Đấng đó chưa thì không một ai trả lời được, vì sao? Vì thật ra những gì họ truyền bá ra chỉ là sản phẩm trong tưởng tượng mà thôi. Một vài dòng ở trên để tóm tắt về sự mong cầu ngoại giới của các vị tu hành mà không tự tin vào chính mình, không đủ ý chí dũng mãnh để thắng được chính mình.

Giác Ngộ hay Giải Thoát là tự thân trãi nghiệm, là thành quả nỗ lực thực hành tu tập, là sự dám đem thân tâm này ra làm thí nghiệm, là sự thấy biết như thật sự vận hành- sự chuyển biến của thân tâm này, từ ô nhiễm đến thanh tịnh, từ trói buộc đến Giải thoát, từ vô minh đến Giác ngộ; không mơ hồ- không hý luận, không trường uốn quanh co. Do tự thân trãi nghiệm nên những gì các Vị Giác Ngộ hay thật Giải Thoát nói ra giống như diễn tả màu sắc trái táo trong lòng bàn tay hay chỉ tay trong bàn tay của Họ vậy.

Vậy Giác Ngộ và Giải Thoát là giống nhau hay khác nhau? Nếu khác nhau thì khác nhau như thế nào; còn nếu giống nhau thì giống nhau điểm nào. Để rõ ràng cấp độ sai biệt của hai từ đó thì không từ nào thích hợp hơn là từ “Vô Minh”. Vô Minh là nói chung cho tất cả chúng sanh trong thế giới Ta Bà này, tuy nhiên thế giới Ta Bà mà chúng ta đang sống vô cùng đặc thù trong Pháp giới này vì Nó dung nhập nhiều tầng lớp nhiều cấp độ khác nhau; có thể là ô trược có thể là thanh tịnh hay vừa thanh tịnh vừa uế; nó cũng không chống đối; không giống như các Cõi trời hay các Cõi địa ngục; hay có thể lấy nước Mỹ để hình dung, vì nước Mỹ có thể dung chứa tất cả các chủng tộc trên quả địa cầu này.

Vì căn cơ bất đồng như vậy nên Vô Minh cũng có dầy có mỏng. Khi Đức Như Lai xuất hiện ban Pháp thì cũng tùy theo trình độ mà ban Pháp cho kế hợp; Với cấp độ căn cơ Nhị Thừa thì Vô Minh, Thế Tôn ban Pháp Vô Minh diệt là Giải Thoát vì Vô Minh sanh ra cây mười hai nhân duyên nên sinh tử tiếp nối; hay Tứ Thánh Đế -Khổ Tập Diệt Đạo; nhờ Khổ Tập “Diệt” nên thấy được Đạo Bát Chánh; Vì sợ chán cái khổ của thân tâm này nên cầu Niết Bàn, vì Tâm loạn động không yên nên cầu an lạc thanh tịnh, không dám xả Pháp vì sợ tập khí nhiều đời tu tập giáo pháp Bà la môn trở lạ. Vì vậy, nên biết rằng sự tu hành trình độ Nhị Thừa chỉ Diệt cái Ngã mơ hồ cùng Vô Minh không thật; còn Pháp thì giữ lại để đối trị.

Còn những Vị có tâm thương xót chúng sinh bị mê mờ chìm trong sinh tử, tâm từ bi vô lượng nguyện chịu khổ thay cho chúng sinh, nguyện độ tận chúng sinh cho đến lúc không còn một chúng sinh nào để độ. Với các Vị có tâm kiên cường ý chí dũng mãnh, với tâm nguyện mênh mông bao la, không ngại sinh tử chẳng màn Niết Bàn, mà chỉ vì cứu khổ vì Đại Bi Tâm mà dũng mãnh đi tới. Với các Vị đó, Đức Như Lai ban Pháp Bồ Tát Đạo Bát Nhã Tánh Không, nhờ tu học Bát Nhã Tánh Không các Vị Bồ Tát Giác Ngộ thấy ra thật tướng các Pháp nên Tâm các Ngài không lay động, dũng mãnh tinh tấn bước đi, quyết chí hoàn thành tâm nguyện Vô Thượng Bồ Đề dù có trãi qua bất khả tư nghị vô lượng thời gian.

Vì Giác Ngộ Tánh Không nên các Ngài thấy thật tướng thế gian không có gì là thật; Nó giống như mộng ảo như chiêm bao, như hoa đốm trong không gian khi dụi mắt; Sắc thân tuy có nhưng tuyệt nhiên không có người làm chủ vì Tánh tứ đại không dừng trụ. Có cái khổ nhưng không người chịu khổ vì tâm ba thời luôn luôn chuyển động, có nghiệp báo nhưng không người thọ lãnh vì nghiệp báo không tự tánh do chấp thủ mà ra; có sự trói buộc nhưng không người bị trói, vì trói buộc do lãnh nạp mà có.

Các Vị Bồ Tát từ Sơ hoan hỷ địa đến đệ thất Viễn hành địa thì việc làm của các Ngài là từ cái nhân, nghĩa là đã thấy được tâm niệm vận hành luân chuyển bên trong hay Tâm hiện lượng theo Lăng Già. Tuy là như vậy nhưng đó vẫn là Hữu công dụng hạnh vì còn gia công đối trị, cho đến khi bước lên đệ bát Bất Động địa thì mới hoàn toàn tự tại việc làm của các Ngài là Vô công dụng hạnh vì đó là nhân trong nhân.

Còn Giải Thoát là các Vị tu hành thấy “Thật có” thân-tâm-pháp, thế giới- các cõi- ta người..v.v… Vì thấy thật có như vậy nên bị thật có trói buộc, vì bị trói buộc nên mới cầu giải thoát đến Niết Bàn. Dù rằng có Giải Thoát Niết Bàn nhưng không thật vì giống như sóng và nước. Thật ra từ lâu xa các vị đó chỉ thấy sóng mà không nhận ra nước, nếu nhận ra rằng sóng không từ đâu mà có nếu không có nước, thì cũng chẳng cầu Giải Thoát Niết Bàn.

Đó là sự khác nhau giữa Giác Ngộ và Giải Thoát. Giác Ngộ là từ Căn Bản Trí thấy được thật tánh của Chơn Thức. Thật tánh của Chơn Thức (hay thật tánh các Pháp) là không đến không đi, không sinh không diệt, không một không hai, không có không không, không tịnh không uế, không còn không mất..v.v… ba thời bình đẳng tất cả chúng sinh đều đầy đủ, cho đến các bậc Thánh, Đại Bồ Tát, Chư Như Lai cũng không hai không khác. Nó ung dung tự tại vận hành không một ai có thể nắm bắt trì kéo lại được cũng như mặt trời du hành từ đông sang tây vậy. Vì thật tánh các Pháp như vậy nên Đức Thế Tôn nói rằng: “Có chư Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện thì Pháp Tánh vẫn là Như”.

Còn Giải Thoát là cảm giác mình bị trói buộc, tuy nhiên để tìm ra nguyên nhân đầu mối xiềng xích trói buộc thì mịt mờ không thể biết nó từ đâu đến, là quá khứ là hiện tại, là hữu hình là vô hình, là thân là tâm là pháp, là thế giới là ngã là Thần linh, là có là không..v.v…

Trong thời Thế Tôn có 96 Triết thuyết của 96 Triết gia đạo sư Ấn giáo. Tuy nhiên để giải đáp nguyên nhân của sự trói buộc và sự chấm dứt trói buộc thì không một vị nào biết được. Vì bị trói buộc luẩn quẩn trong cái thức luận lý nên mỗi vị đưa ra Triết thuyết khác nhau. Có vị cho rằng là Phạm Thiên làm ra, có vị lại quả quyết rằng không phải Phạm Thiên mà Tự Tại Thiên, có vị lại cho là Đại Ngã, có vị lại phủ định tất cả mà cho rằng tự nhiên như vậy..v.v… Còn Lão Tử Trung Hoa thì nói rằng là Đạo làm ra, còn Thiên Chúa Giáo thì tin rằng đó là sự tình cờ của Thượng Đế.

Trong Giáo Pháp điều phục chúng sinh của Thế Tôn gồm có ba loại: Một nói về Nhân, hai nói về Quả, ba nói về Nhân Quả. Các Vị tu sĩ vào thời Thế Tôn xuất hiện hầu hết đều từ đạo Hindu Ấn giáo mà trình độ thì ở trong đám mây huyền bí thần quyền. Với trình độ căn bản như vậy thì không thể nào nhận được Giáo Pháp thâm sâu huyền diệu nên Thế Tôn tùy thuận giảng giải về Quả trong Quả là Khổ- khổ khổ- hành khổ- hoại khổ. Tuy nhiên vì sự mong cầu khác nhau nên các tu sĩ đó thực hành nhiều hạnh khác nhau theo niềm tin của đạo Hindu. Thí dụ như để được kiếp sau sinh vào gia đình giàu sang, quyền lực quý phái trong nhân gian, hay được sinh lên các cỏi Trời để thọ hưởng ngũ dục thượng diệu thì phải thực hành khổ hạnh như hạnh con chó, con bò, con công, con trĩ..v.v… Còn như muốn được sinh lên các cỏi Trời cao hơn, thượng diệu thù thắng hơn như Phạm Thiên, Tự Tại Thiên thì phải biết thiền định và giết dê trừu tế lễ cầu xin. Còn có một số vị thật tâm tu hành mong cầu Giải Thoát, họ lìa bỏ thế gian tìm nơi thanh vắng núi sâu rừng rậm để thiền định quyết tâm đạt được quả vị A-la-hán. Dù rằng trong giáo lý Hindu có danh từ Quả vị A-la-hán mà Pháp tu hành đến Quả vị A-la-hán thì không, nên mỗi vị tu sĩ phải tự mình mò mẫm mà đi. Vì vậy từ lâu xa, không có vị nào thật sự chứng Quả A-la-hán đúng nghĩa của nó trong đạo Hindu; mà chỉ thành Tiên thiên ngoại đạo như A-tư-đà hay Uất-đầu-lam-phất chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ; hay cũng có những vị chứng được Quả vị thứ ba là A-NA-HÀM. Tuy nhiên, cũng chỉ ngơ ngơ ngẩn ngẩn ở cỏi Trời Bất Hoàn với tâm thức tam thiền mà thôi.

Ban đầu, Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân tại vườn Lộc Uyển độ bốn anh em tu sĩ Kiều Trần Như với bài Pháp Khổ-Tập-Diệt-Đạo mà sau này là Tứ Thánh Đế. Khi nghe xong thời Pháp thì bốn anh em tu sĩ Kiều Trần Như  đều được Giải Thoát. Vậy trong bài Pháp Khổ-Tập-Diệt-Đạo sao gọi là Chuyển Pháp Luân và Giải Thoát chỗ nào?

Giải Thoát có nghĩa là từ lâu bị trói buộc, bây giờ được mở ra; hay bị kẻ thù bắt giam nhốt tù đày, bây giờ được cứu thoát; hay như con chim bị nhốt trong lồng, bây giờ phá được lồng bay ra được tự do tự tại; hay trong tâm tư bị trói buộc trong định kiến chấp thủ, bây giờ được thiện tri thức có trí tuệ khai mở nên gút mắt được tiêu tan..v.v… Còn Chuyển Pháp Luân có nghĩa là bài Pháp chuyển đổi được ý nghĩ, chuyển đổi được tư duy, chuyển đổi được tâm thức và chuyển đổi được tư tưởng..v.v… Nên nhớ phá bỏ và chuyển đổi là hai sự việc khác nhau; vậy Khổ-Tập-Diệt-Đạo ở đâu là Chuyển Pháp Luân.

Khi mang lấy sắc thân vật lý này không một ai trốn tránh được cái Khổ; tuy nhiên để giải thoát cái khổ thì có thiên hình vạn trạn muôn màu muôn vẽ; dù vậy vì không biết nguyên nhân hay nguồn gốc tạo nên cái Khổ, nên mọi triết thuyết đều mang tính cách tiêu cực mù mờ. Chỉ riêng về Hindu Ấn giáo hầu hết cho rằng Khổ là do làm nhiều điều không tốt ở kiếp trước, là do Đại ngã làm ra, là vi trần là Phạm thiên là tự nhiên..v.v… mà tất cả đều gán cho ngoại giới mà Ta là nhân tố chính thì lại không có chút phần nào trong đó hết.

Không như những đạo sư Vệ đà, khi có người hỏi Thế Tôn là gì? Là Thượng Đế, là Thần Linh, là Quỉ..v.v… theo niềm tin của Ấn giáo, thì Ngài trả lời dứt khoát rằng: “Tất cả đều không phải, mà Ta là người Giác Ngộ”; vì Giác Ngộ nên Thế Tôn thấy nguồn gốc và nguyên nhân phát sinh cái Khổ, không phải như kinh sách hay niềm tin của nhiều trường phái hướng ngoại diễn tả; mà nguyên nhân nguồn gốc của cái Khổ là do “Tập” và muốn chấm dứt cái Khổ là phải “Diệt” cái Tập.

Chuyển Pháp Luân trong Tứ Thánh Đế là Tập-Diệt; hai từ Tập-Diệt đánh bại và vô hiệu hóa tất cả triết thuyết lấy ngoại giới làm cứu cánh của đạo Hindu. Tập-Diệt là dũng mãnh quay về tự thân, dũng mãnh nhận lấy những gì mình tạo ra thì chính mình giải quyết lấy; không mơ màng, không cầu xin, không van lạy.v.v… Vì có bao giờ người khác ăn mà ta no, người khác uống mà ta hết khát. Tập-Diệt là một tiếng sấm đánh động phá vỡ tất cả những tế bào từ lâu bị tiêm nhiễm bởi giáo điều thần quyền hướng ngoại thần phục dâng hiến. Tập-Diệt là Giải Thoát vì mở ra Chánh Kiến mà từ lâu nó bị che bởi giáo điều trói buộc. Tập-Diệt là dựng lại một con người chân chính đúng nghĩa mà từ lâu bị đánh mất bởi ươn hèn vị kỷ bởi vô minh tham ái.

Nơi vườn Lộc Uyển, Đức Thế Tôn Chuyển Pháp Luân lần đầu về Tứ Thánh Đế thì bốn anh em tu sĩ Kiều Trần Như được Giải Thoát cũng nhờ hai chữ Tập-Diệt; làm sao biết như vậy? Chính là bài kệ bốn câu, một trong bốn anh em Ngài Kiều Trần Như đáp lại câu hỏi của Ngài Xá Lợi Phất và giúp Ngài Mục Kiền Liên cũng được Giải Thoát nên sau này vị tu sĩ nào cũng thuộc nằm lòng đó là “Vạn Pháp nhân duyên sinh, cũng theo nhân duyên diệt”.

Trước thời Thế Tôn xuất hiện thì các vị Đạo sư Vệ đà bằng thiền định sâu xa quyết tâm suy tìm các nguyên nhân đầu tiên phát sinh ra vũ trụ này, vô minh từ đâu mà có, sự đau khổ trên thế gian này ai làm ra, con người sau khi chết là còn hay không còn, vũ trụ này là hữu biên hay vô biên, có thế giới khác hay không có thế giới khác..v.v… Cuối cùng là cho ra một mớ triết thuyết hỗn độn rối mù. Cũng như khoa học ngày nay cũng phát minh ra cổ máy để mong tìm ra hạt nguyên thủy hay hạt của Chúa mà họ nghĩ tưởng là nguyên nhân hình thành vũ trụ sau một vụ nổ lớn.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Thế Tôn Như Lai chỉ ra rằng “Khi còn sinh tử mà nói về Niết Bàn thì Niết Bàn cũng là sinh tử”. Các Đạo sư Vệ đà thời xa xưa cũng như các nhà khoa học ngày nay đều cùng chung ý tưởng là tìm ra nguyên nhân đầu tiên. Tuy nhiên dù có tìm ra nguyên nhân đầu tiên theo các vị đó nghĩ thì cũng chỉ là “Lấy nó nhận nó” mà thôi; vì không rời cái Thức mà Thức là cái biết phồn tạp ôm đồm tổng hợp không có gốc gác.

Trong kinh Giải Thâm Mật, Bồ Tát Di Lặc hỏi Thế Tôn rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, Ấn tượng chánh định của Quán cùng với tâm thức chánh định nên nói là khác hay không khác”. Thế Tôn dạy rằng: “Nên nói không khác”. Thưa Thế Tôn vì sao không khác? Thiện nam tử, Như Lai nói cái gì thức biết thì cái ấy chỉ do thức hiện. Bạch Thế Tôn nếu ấn tượng tâm thức không khác tâm thức thì làm thế nào tâm thức trở lại nhận lấy tâm thức. Thiện nam tử! ở đây không có chút Pháp nào nhận lấy chút Pháp nào mà chính tâm thức khi sinh ra như thế nào thì hình thành ấn tượng như thế đó.

Một đoạn Kinh trên cho thấy rằng, dù là hành giả ở trong chánh định xâu xa vẫn bị lầm lẫn mơ hồ không nhận ra cái thức vi tế, huống hồ những học giả tri thức không có chánh định sống trong cái thức thô phù mà nói cái nằm sau tâm thức thì đúng là bất khả vô phương.

Khi còn sống trong tâm thức thì chỉ là lấy cái biết mà nhận lấy cái bị biết, rồi nghĩ tưởng rằng ta biết cái này cái kia. Với “Nguyên nhân” đầu tiên thì dù là Thiền định hay khoa học hiện đại cho đến vị lai thì cũng không thể nào tìm ra. Vì thật ra không có cái đầu tiên, không khoảng giữa cũng không có chấm hết. Tuy nhiên, khi Giác Ngộ thì thấy ra Pháp Giới Tánh bất cứ ở đâu cũng là đầu tiên cũng là chấm dứt. Hai từ Tập-Diệt trong Tứ Thánh Đế là mở trói cho các vị tu sĩ trình độ nhị thừa được giải thoát, còn Tập-Diệt trong Tứ Diệu Đế là Giác Ngộ Pháp Giới Tánh của Bồ Tát. Trong Kinh dù Nguyên Thủy hay Đại Thừa, Đức Thế Tôn Như Lai chỉ cho chúng ta cái Nguyên nhân và chấm hết đó là Tập-Diệt.

Là Vô Thượng Giác nên Tâm Như Lai vô cùng bình đẳng với tất cả mười hai loài chúng sinh không phân biệt. Tuy nhiên, vì chúng sinh là tâm thức nên mới có nhiều tầng lớp khác nhau, nhận thức khác nhau nên Kinh điển mới phân ra Nguyên Thủy- Đại Thừa. Nếu đứng trên Thế tục đế thì rõ ràng có hai, còn đứng trên Đệ nhất nghĩa đế thì không hai không sai biệt.

Câu chuyện trong Kinh sau đây nói lên sai biệt và không sai biệt- tuyệt nhiên không Đại Thừa- Tiểu Thừa gì hết mà chỉ là trình độ căn cơ. Câu chuyện như thế này! Có vị Trường Trảo Phạm Chí muốn tranh luận Pháp với Thế Tôn mà giá cho cuộc tranh luận hơn thua là thủ cấp của vị Phạm Chí nếu như bị thua. Còn Thế Tôn thì không được xưng là Nhất Thiết Trí nữa nếu bị thua.

Câu vị Phạm Chí đưa ra là: “Tất cả các Pháp Tôi đều không thọ”. Câu hỏi lại của Thế Tôn là: “Cái không thọ đó Ông có thọ không?”. Theo trong Kinh khi Thế Tôn hỏi lại thì vị Phạm Chí phất tay áo bỏ đi một thời gian ngắn Ông cảm nhận mình thua nên quay lại dâng đầu… và không lâu sau Ông đắc Quả A-La-Hán.

Câu “Cái không thọ đó Ông có thọ không?” nói lên hai cấp độ tùy theo căn cơ để nhận lãnh, như vị Phạm Chí nhờ câu hỏi đó mà được “Giải Thoát” khỏi tâm chấp thủ “không thọ” đó là cấp độ thứ nhất.

Còn cấp độ thứ hai là cũng câu hỏi “Cái không thọ đó Ông có thọ không?”; nếu có vị nào đọc lên câu đó mà có đáp án tức thì không qua suy nghĩ thì đó gọi là Vị “Giác Ngộ”… Giác Ngộ- Giải Thoát là như vậy!!!

 

MÃN TỰ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn