Phải Chăng Phật Giáo Là Một Tôn Giáo?

02 Tháng Tám 201616:55(Xem: 6237)

ĐẠI CƯƠNG
TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO
Thích Nữ Tịnh Quang biên soạn & tuyển dịch
Buddhist Nun Association in California Publishes 2016

2.  KHÁI NIỆM CĂN BẢN CỦA PHẬT GIÁO

 

Phải Chăng Phật Giáo Là Một Tôn Giáo?

           

Nói đến tôn giáo, không ai không nhận ra rằng đó là một hệ thống được hợp thức hóa qua niềm tin của con người, đặt niềm tin làm căn bản, mà niềm tin đó vượt ra ngoài giới hạn giác quan và sự suy tưởng. Phật giáo cũng là một bộ phận trong đại bộ phận của Tôn giáo - như một hình thái cần phải có của xã hội, vậy phải chăng Phật giáo là một tôn giáo như bao nhiêu Tôn giáo khác?

 

Để xác minh điều này là phật tử chúng ta không thể không biết được chủ thuyết mà mục đích của Phật giáo đã hơn hai nghìn năm truyền bá và phát triển. Căn cứ vào định nghĩa thông thường thì danh từ tôn giáo được xuất hiện sớm nhất trong tiếng Latin là “religio - Anh ngữ là “religion” - được giải thích rằng: “an organized system of beliefs and rituals centering on a supernatural being or beings,” nghĩa là: Tôn giáo là một hệ thống có tổ chức thuộc về tín ngưỡng và lễ nghi mà con người đặt trọn niềm tin vào một Đấng siêu nhiên hoặc những Thần linh mà họ chưa bao giờ thấy được. Với ý nghĩa này, thì tôn giáo chỉ là niềm tin – tin tường vào một điều ngoài khả năng nhận thức thông thường của con người – cho nên đối tượng của lòng tin này vốn có một trong hai: Một là Monotheism - nhất thần giáo; hai là Polytheism - đa thần giáo. Nhất thần giáo là tôn giáo của những tín đồ chỉ tin vào một thần linh hoặc một đấng sáng tạo duy nhất; Đa thần giáo là niềm tin dựa vào nhiều thần linh có khả năng ban bố phúc lành xuống cho tín hữu. Vậy thì nếu theo nghĩa tôn giáo như trên thì Phật giáo là Nhất thần hay Đa thần giáo? Và chủ thuyết của Đạo Phật là Monism-Nhất thần luận hay Pluralism-Đa thần luận?

 

Phật giáo không Nhất thần hay Đa thần, Đạo phật mời chúng ta đến để mà thấy không phải để mà tin. Ngay buổi đầu lập giáo – giáo lý “Tam chuyển thập nhị hành” mà Đức Phật đã giảng cho năm anh em Kiều Trần Như đã chứng minh được điều ấy, đó là Thị chuyển, Khuyến chuyển  và  Chứng chuyển:

 

          Lần thứ nhất, Ngài trình bày rõ ràng về pháp Tứ đế - Bốn sự thật tại vườn Lộc Uyển gọi là “Thị chuyển”:

                    “Này các ông

                    Đây là khổ,

                    Đây là nguyên nhân khổ đau,

                    Đây là Niết bàn,

                    Đây là con đường dẫn đến Niết bàn.”

 

          Lần thứ hai, Ngài khuyên anh em Kiều Trần Như cần hiểu rõ về pháp Tứ Đế, gọi là “Khuyến chuyển”.

                    “Đây là khổ các ông nên biết,

                    Đây là nhân khổ các ông nên đoạn,

                    Đây là Niết bàn các ông nên chứng,

                    Đây là đường đến Niết bàn các ông nên tu.”

 

          Lần thứ ba, Ngài chứng minh rằng Ngài đã thể nhập pháp Tứ Đế, gọi là “Khuyến Chuyển”:

                    “Đây là khổ ta đã biết,

                    Đay là nhân khổ ta đã đoạn,

                    Đây là Niết bàn ta đã chứng,

                    Đây là đường đến Niết bàn ta đã tu.”

 

          Như thế “Tam Chuyển Thập nhị hành” đã phổ quát toàn bộ giáo lý Đức Phật, thấy biết như thật. Niết bàn là Diệt đế, là hết khổ não, và Đạo đế là đường đến Niết bàn bằng tám con đường chân chánh, trong đó Chánh kiến – cái thấy đúng như thật được tiêu biểu vị trí hàng đầu; sự thật như thế nào thì Phật giáo yêu cầu hàng Phật tử phải thấy như thế ấy. Vậy thì sự thật đó là gì? Là vô thường, khổ và vô ngã. “Vô thường” là mọi vật không cố định. Luôn luôn thay đổi, “khổ” là vì con nguời tạo nghiệp, không chấp nhận sự thay đổi đó. “Vô ngã” là cái “tôi” và sự vật không có một chủ thể độc tôn, độc lập tồn tại. Khi nào chúng ta buông xả hết sự tham đắm vào cái “tôi” thì đó là Niết bàn hiện hữu. Do đó Phật giáo không có đối tượng tín ngưỡng, có chăng chỉ là bóng dáng của tâm lưu xuất. Lòng tin của người Phật tử là sự tin vào chính khả năng giác ngộ của mình, Đức Phật từng nói: “Anh hãy tin như tôi nắm trái xòai trong lòng bàn tay tôi,” khi bàn tay được mở ra thì niềm tin không còn vấn đề nữa.

         

Nói thế không có nghĩa là chúng ta tự mãn, tin vào khả năng ý chí là tin vào tác động của lý nhân quả vì nhân và quả là hai yếu tố then chốt làm nên cảnh giới khổ đau hay an lạc của con người, mở đầu trang Kinh Pháp Cú Đức Phật đã thuyết:

 

                    “Tâm dẫn đầu các pháp

                    Tâm làm chủ tạo tác

                    Nếu nói hay hành động

                    Với tâm tư ô nhiễm

                    Khổ não sẽ theo sau

                    Như xe theo vật kéo.

                    Nếu nói hay hành động

                    Với tâm tư thanh tịnh

                    Hạnh phúc sẽ theo sau

                    Như bóng không rời hình.” (Bản dịch của HT. Minh Châu)

 

          Lý nhân quả được soi sáng qua Kinh điển không ngoài sự khởi động của tâm ý, và thế giới được hình thành đều qua nhận thức của tâm. Một chúng sanh nhỏ nhoi hay một vị Phật quang minh chiếu diệu đều bắt nguồn từ bản tâm vô tướng đó:

 

                    “Càn khôn tận thị mao đầu thượng

                    Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.”

 

          Cả càn khôn đều ở trên đầu một sợi lông, và trong một hạt cải hàm chứa hết thảy trăng sao, mặt trời tinh tú…do đó Phật tánh vốn không có sự phân chia và ngăn ngại. Nói như Platon: “Vũ trụ đều có một nguồn gốc chung,” và Đức Phật từng tuyên bố: “Ta là Phật đã thành còn chúng sanh là Phật sẽ thành” đã hàm chứa lòng tự tin mãnh liệt.

 

          Trong kinh Kalmata kể rằng: Một hôm có người đến tìm Phật và hỏi Ngài: “Bạch Đức Thế Tôn các thầy Bà la môn và ngoại đạo họ đều nói với chúng con,rằng chỉ có lời họ là đúng chân lý mà thôi. Bạch Ngài, chúng con vô cùng phân vân không biết đâu đúng đâu sai, và nên theo bên nào và bỏ bên nào?” Đức Phật bảo: “Ngươi đừng vội tin theo ai cả, những gì mà ngươi đã thực nghiệm sâu xa và hợp lý trí xét đoán của ngươi, có thể đem lại hạnh phúc cho bản thân và người khác thì đó là chân lý!”

          Phật giáo chủ trương “duy tuệ thị nghiệp” lấy trí tuệ làm sư nghiệp - sự nghiệp đó là gì? Là giải thoát tất cả nổi khổ đau do vô minh vụng dại của con người gây ra, và chính con người phải tự đứng lên chứ không ai cứu rỗi được hết. Pascal nói: “Trong tất cả các tôn giáo, Phật giáo đồng duy nhất trong lịch sử nhân loại bác bỏ sự hiện hữu của cái gọi là ‘linh hồn,’ bản ngã hay ‘Atman’. Ngài từng nói, tin tưởng vào linh hồn là nguyên nhân của tất cả mọi phiền não bắt nguồn từ cái ta. Vì những quan điểm sai lầm này mà tất cả tội lỗi đã xảy ra trên thế giới.”

 

Tinh thần của Đạo Phật vốn Vô ngã cho nên không có một giáo điều nào gọi là tuyệt đối. Đức Phật là vị thầy dẫn đường – kinh điển không phải là tối hậu thư mà chỉ là phương tiện. Vì để thích ứng trong nhân gian nên Phật giáo cũng hình thành như một tôn giáo với ba bộ phận là: Triết học, Huyền thoại và Nghi lễ. Tuy nhiên triết học của Phật giáo là triết học thực tu, thực chứng và thực kiến, không phải là dấu hỏi chấm lửng. Huyền thoại của Phật giáo là những sử tích và chứng tích về lòng vô ngã vị tha của chư Phật và Bồ tát. Nghi lễ của Phật giáo chỉ là phương tiện, tùy cơ, chứ không cứu cánh. Và người xuất gia phải có bổn phận giải thích cho hàng Phật tử rằng hình thức kính lễ Tam bảo chính là sự cởi bỏ vọng tưởng của bản ngã, giúp hành giả an tịnh trong trạng thái nhất tâm thuần khiết – ngay đây khổ não được đoạn trừ.

 

          Đức Phật dạy:

                    “Sanh là khổ liên miên bất tận

                    Diệt ngã mạn đó là hạnh phúc tối cao!”

 

          Vậy chúng ta không cần thắc mắc Đạo Phật là Tôn giáo hay không Tôn giáo; Phật giáo nói theo sự đơn giản của từ ngữ là giáo lý Giác ngộ, giáo lý của một vị thầy có sự hiểu biết toàn diện, và giúp cho con người phải tự mình thấy được sự thật của đời sống, và làm thế nào chính mình giải thoát được nổi khổ đau trầm luân ấy bằng cái thấy chân thật , chứ không phải là sự tin tưởng bâng quơ. Đức Phật khuyên các hàng đệ tử rằng: “Đừng vội tin tưởng những điều gì được lập đi lập lại nhiều lần, đừng vội tin tưởng một đìều gì được nhiều người đồn đãi, đừng vội tin tưởng một điều gì dù đó là luật lệ đặt ra tự ngìn xưa, đừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là quyền năng của bậc thầy hoặc là quyền lực của một nhà truyền giáo, đừng vội tin tưởng một điều gì đó dù là bút tích của Thánh Nhơn….và này các ông: hãy tự mình làm hòn đảo, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” (The Anguttara Nikaya).

 

Qua những lời dạy trên, chúng ta thấy rằng Phật giáo không phải là tôn giáo Thần quyền, Thần khải…Đạo Phật là tôn giáo với chủ trương tôn vinh trí tuệ, mở ra một cuộc cách mạng vĩ đại lâu dài để chuyển hóa toàn bộ tâm thức, phát động một cuộc lên đường bằng công phu nỗ lực của tự tâm, tin tưởng vào khả năng tốt đẹp của chính mình và không trông cậy vào một thế lực vu vơ bên ngoài. Chính vì thế hơn hai mươi lăm thế kỷ trôi qua, Đạo Phật luôn luôn thích ứng với thời đại, với căn cơ con người mà nội thân giáo lý chưa bao giờ bị biến dạng hay đồng hóa với bất kỳ ảnh hưởng nào.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2169)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8182)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3011)