Chương 4: Tâm

15 Tháng Chín 201618:15(Xem: 4505)

Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
TÂM VÀ TA 
Thích Trí Siêu 
Nhà xuất bản: Phương Đông 2010 

Chương 4: Tâm


Tâm là gì?

Tâm là đầu mối sinh tử.

Tâm là căn bản giải thoát.

Tâm dẫn đầu các pháp.

Tâm là họa sĩ khéo.

Tâm tạo ra ba cõi.

Tâm chấp ngã là chúng sinh.

Tâm vô ngã là Bồ tát.

Tâm ích kỷ là phàm phu.

Tâm vô lượng là pháp thân.

Tâm ô nhiễm là khổ đau.

Tâm thanh tịnh là Niết bàn.

Tâm mê là chúng sinh.

Tâm giác là Phật.

Tâm là tất cả, nhưng tâm là gì? Đã có không biết bao nhiêu loại tâm lý học, học thuyết và triết gia tìm cách trả lời tâm là gì. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu tâm trong phạm vi đạo Phật qua ngũ uẩn, Vi Diệu Pháp, Duy Thức, và Thiền tông.

Theo ngũ uẩn

Đơn giản mà nói, tâm là cái hay biết, biết suy nghĩ, tưởng nhớ, biết vui buồn, lo lắng, thương yêu, giận hờn, v.v... Trước khi nói hay làm một việc gì, người ta đều có suy nghĩ, tính toán. Mọi sự suy nghĩ, tính toán, thương ghét, tình cảm của con người đều do tâm làm chủ.

Cái hay biết (trí năng), biết nhận thức, biết đây là cái bàn, kia là cái ghế, đây là đàn ông, kia là đàn bà, biết đây là người thân, kia là kẻ thù, v.v... cái biết này trong đạo Phật, danh từ chuyên môn gọi là thức, tức là sự biết, nhận thức, phân biệt.

Cái hay suy nghĩ chuyện này chuyện nọ, tính toán lợi hại, mua cái này bán cái kia, làm sao kiếm lời, làm sao được tăng lương, khi nào lập gia đình, mua nhà, mua xe, trả nợ, v.v... trong đạo Phật gọi là hành. Hành có nghĩa là đi, là làm, là lưu chuyển.

Cái hay tưởng nhớ (souvenir, recall), tưởng tượng (imagine), tưởng nhớ những chuyện quá khứ, tưởng tượng những dự án tương lai, v.v... trong đạo Phật gọi là tưởng. Tưởng hơi khác với hành. Hành chỉ là những ý nghĩ không có hình tướng, còn tưởng không phải suy nghĩ mà là hình dung, khi tưởng thì trong tâm hiện ra những hình ảnh quá khứ hoặc tương lai.

Cái biết vui buồn, lo lắng, thương ghét, giận hờn, v.v... trong đạo Phật gọi là thọ, tức sự cảm thọ. Cảm thọ có hai loại liên quan đến thân hoặc tâm. Cái biết đau nhức, nóng lạnh trên thân thể được gọi là thân thọ. Cái biết đau khổ, yêu thương, ganh ghét, giận hờn được gọi là tình cảm hay tâm thọ.

Mặc dù không ai thấy được tâm ra sao, nhưng mọi người đều biết mình có “bốn cái biết” (thức, hành, tưởng, thọ) vừa kể ở trên. Bốn cái biết này được gọi là tâm, hay đúng hơn là bốn công năng của tâm. 

Mỗi khi biết, nhận thức thì đó là tâm biết hay tâm thức.

Mỗi khi suy nghĩ, đó là tâm suy nghĩ hay tâm hành.

Mỗi khi tưởng nhớ, tưởng tượng, đó là tâm tưởng.

Mỗi khi cảm giác vui buồn, sướng khổ đó là tâm thọ.

Con người chỉ là một hợp thể của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Nói gọn lại còn hai phần: tâm và thân, danh từ chuyên môn thường dùng trong Phật giáo Nam tông là danh và sắc. Tâm là danh (nama), thân là sắc (rupa). Liên quan giữa thân tâm và ngũ uẩn như sau:

Thân = sắc

Tâm = thọ, tưởng, hành, thức

Khi tâm suy nghĩ (hành), khởi lên những ý nghĩ, thì người ta gọi là tâm nghĩ hay ý nghĩ, do đó tâm đồng nghĩa với ý. Khi tâm biết nhận thức thì gọi là tâm thức, cho nên người ta cũng gọi tâm là thức, tâm (citta), thức (vinnana), và ý (mano) được xem như đồng nghĩa. Tuy nhiên thức được xem là tâm vương, còn thọ, tưởng, hành là những tâm sở.

Định nghĩa tâm như vậy được xem là giản dị nhất. Nhưng đi xa hơn thì không đủ, bởi vì nếu tâm là thức, tức là một trong bốn uẩn (thọ, tưởng, hành, thức), khi chết năm uẩn tan rã không còn gì hết, vậy chẳng lẽ tâm cũng tiêu tan luôn hay sao? Nếu tiêu hết thì rơi vào đoạn diệt, hư vô, có khác gì người vô thần cho chết là hết? Do đó cần phải định nghĩa thêm chi tiết về tâm.

Luồng tâm

Theo giáo lý Nguyên thủy, tâm không phải là một cục hay một khối cứng ngắc, mà là một luồng tư tưởng hay một chuỗi dài những chập tư tưởng sinh diệt. “Trong tiến trình luôn luôn biến đổi của đời sống, mỗi chập tư tưởng khi diệt, chuyển tất cả năng lực và những cảm giác thâu nhận cho chập tư tưởng kế tiếp. Mỗi chập tư tưởng mới gồm những tiềm năng do chập tư tưởng trước trao lại và thêm vào đó còn có cái gì khác nữa... Luồng tâm như một dòng suối luôn luôn trôi chảy”. Một chập tư tưởng sau không hoàn toàn khác chập trước mà cũng không tuyệt đối là giống. Cũng vậy một chúng sinh kiếp này khi chết chuyển tất cả nghiệp lực sang một chúng sinh kiếp tới. Hai chúng sinh này không hẳn là một mà cũng không phải là khác, bởi vì cùng nằm trong một luồng nghiệp, và một luồng tâm.

Phật giáo công nhận có sự tái sinh nhưng không phải là một cái Ta hay một linh hồn bất biến đi tái sinh. Tái sinh của Phật giáo chỉ là một sự tiếp nối của một luồng sóng (nghiệp lực). Đứng trên bờ nhìn một lượn sóng, ta có cảm tưởng là nó di chuyển trên mặt nước, nhưng thật ra không phải là một lượn sóng mà là nhiều lượn sóng nối tiếp nhau. Một lượn sóng trước lặn xuống, nó chuyển năng lực hay đà trôi của nó vào lượn sóng sau. Khi lượn sóng khởi lên được gọi là sinh, khi lặn xuống thì gọi là chết, nhưng năng lực (đà trôi) của nó không mất. Ngày nào cái năng lực này còn thì các lượn sóng sẽ nối tiếp nhau sinh và diệt. 

Theo Vi Diệu Pháp

Abhidhamma là tạng luận, dịch âm là A-tỳ-đạt-ma (hoặc A-tỳ-đàm), dịch nghĩa là Vi Diệu Pháp, hay Thắng Pháp. Theo lịch sử Phật giáo, vào mùa an cư kiết hạ thứ 7, đức Phật lên cung trời Đao Lợi (Tavatimsa) thuyết về Vi Diệu Pháp để độ cho mẹ là Hoàng hậu Ma Gia (Maya) và chư thiên. Trong thời gian này, ngài Xá Lợi Phất ở gần Phật nên được lãnh hội Vi Diệu Pháp, sau đó truyền lại cho 500 đệ tử của ngài. 

Vi Diệu Pháp trình bày chi tiết về con người trên hai phương diện tâm lý và vật lý. Riêng về tâm lý, nó phân tách tâm ra nhiều loại khá tỉ mỉ, nên được xem như là một môn Tâm lý học Phật giáo. Nội dung của Vi Diệu Pháp gồm bốn phần: tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc pháp (rupa), và Niết bàn (Nibbana).

Tâm là sự biết cảnh hay nhận thức đối tượng. Sự nhận thức này thuần túy, đơn giản chỉ là cái biết, không có tính cách phê phán tốt xấu. Khi có sự phân biệt tốt hay xấu, đó là do các tâm sở phối hợp vào. 

Theo Vi Diệu Pháp có tất cả 89 tâm (hay tâm vương) được phân loại tùy theo phương diện. 

Đứng về phương diện cõi giới thì có 4 loại tâm:

1. Tâm Dục giới (Kamavacaracitta): gồm 54 tâm chạy theo nắm bắt cảnh dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc).

2. Tâm Sắc giới (Rupavacaracitta): gồm 15 tâm thiền, lấy sắc pháp làm đề mục tu thiền.

3. Tâm Vô Sắc giới (Arupavacaracitta): gồm 12 tâm thiền, lấy vô sắc làm đối tượng tu thiền.

4. Tâm Siêu thế (Lokuttaracitta): gồm 8 tâm hướng về Niết bàn làm đối tượng.

Đứng về phương diện hiện khởi qua các căn thì có 6 thức:

1. Tâm nhãn thức: tâm nương con mắt, biết hình sắc.

2. Tâm nhĩ thức: tâm nương lỗ tai, biết âm thanh.

3. Tâm tỷ thức: tâm nương lỗ mũi, biết mùi hương.

4. Tâm thiệt thức: tâm nương cái lưỡi, biết mùi vị.

5. Tâm thân thức: tâm nương thân xác, biết cảm giác xúc chạm (nóng, lạnh, trơn, rít).

6. Tâm ý thức: tâm biết những ý nghĩ khởi lên trong tâm.

“Tâm thức không phải là một cá thể đơn thuần mà là một đơn vị tổng hợp. Một tâm thức khởi lên chắc chắn phải có những thành phần phụ thuộc. Những thành phần phụ thuộc này được gọi là sở hữu tâm (cetasika). Tất cả tâm khi khởi lên đều chỉ có một nhiệm vụ là “biết cảnh”, nhưng được phân chia làm nhiều loại vì chúng có những đặc tính khác nhau. Đặc tính khác biệt ấy là do “sở hữu tâm” gây nên, như cùng đứng trước một cảnh mà sự biết cảnh nầy có đặc tánh ham muốn, sự biết cảnh kia lại có đặc tánh khó chịu, v.v...”

Tâm sở hay sở hữu tâm gồm có 52, chia thành ba loại:

1. Đại đồng hóa tâm sở (có 13): 7 biến hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn) và 6 biệt cảnh (tầm, tứ, thắng giải, tinh tấn, hỷ, dục).

2. Bất thiện tâm sở (có 14): tham, sân, si, vô tàm, vô quý, trạo cử, tà kiến, mạn, tật đố, bỏn xẻn, hối quá, hôn trầm, thùy miên, hoài nghi.

3. Tịnh hảo tâm sở (có 25): tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, hành xả, tịnh thân, tịnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích ứng thân, thích ứng tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, bi, tùy hỷ, tuệ quyền.

Sự phân chia và kết hợp giữa tâm và tâm sở của Vi Diệu Pháp rất phức tạp, ở đây tôi chỉ nêu sơ lược để bạn đọc có chút khái niệm. Điều cần nhớ là tâm không phải là một cá thể, mà là một dòng tâm thức, gồm nhiều loại tâm và tâm sở nối tiếp nhau khởi lên rồi diệt.

Lộ trình tâm

Đặc biệt của Vi Diệu Pháp là nói về Lộ trình tâm (Cittavitthi), tức sự diễn tiến của một dòng tâm sinh diệt. Mỗi khi tiếp xúc với đối tượng hay trần cảnh, các loại tâm xảy ra theo một lộ trình phức tạp tùy theo từng hoàn cảnh. Thời gian khởi lên, trụ, và diệt của một tâm được gọi là sát na tâm (cittakkhana), một đơn vị cực ngắn chưa tới 1/1.000.000 giây. 

Dưới đây là một thí dụ về lộ trình tâm (gồm 17 sát na) khi mắt thấy một đối tượng:

1.   Hữu phần trôi qua (1 sát na)  

2.   Hữu phần rung động (1 sát na)          

3.   Hữu phần dừng lại (1 sát na) 

4.   Nhãn môn hướng tâm (1 sát na)        

5.   Nhãn thức (1 sát na)  

6.   Tiếp thọ tâm (1 sát na)           

7.   Quan sát tâm (1 sát na)

8.   Xác định tâm (1 sát na)

9-15. Tốc hành tâm (7 sát na)

16-17. Ghi nhận tâm (2 sát na)     

 

Khởi đầu khi dòng tâm thức ở trạng thái tĩnh lặng, chưa có tác động của một đối tượng nào thì nó trôi chảy âm thầm lặng lẽ (từ A đến B), ẩn tàng trong chiều sâu của sự sống nên gọi là Hữu phần (bhavanga). 

Ở sát na thứ nhất khi Hữu phần đang trôi chảy êm đềm, chợt có một đối tượng tác động vào khiến Hữu phần này rung động trong một sát na (từ B tới C), và kế đó dừng lại (ở C). Dừng lại có nghĩa là ngưng trôi chảy lặng lẽ để bước sang phần kế, cho nên gọi là Hữu phần dừng lại. Ở sát na thứ 4, tâm hướng về đối tượng qua con mắt. Sát na thứ 5, nhãn thức sinh khởi. Ba sát na kế tiếp (6, 7, 8) tâm bắt đầu tiếp nhận, suy xét, và xác định. Bảy sát na kế tiếp (từ 9 đến 15) là quan trọng nhất vì đây là lúc tâm có thể tạo nghiệp (hành) mới. Nghiệp này có thể tạo quả tức thời trong lộ trình kế tiếp, hay sẽ tạo quả trong tương lai. Hai sát na cuối cùng (16,17) là tâm ghi nhận tất cả tiến trình vừa xảy ra. Sau khi ghi nhận xong, tâm trở về Hữu phần, và sửa soạn tiến sang lộ trình kế tiếp. Hình vẽ từ C tới D tượng trưng cho tiến trình từ sát na thứ 4 đến sát na thứ 17. Ở D, tâm trở về Hữu phần.

Dưới đây là một thí dụ thường được dùng song song với lộ trình tâm ở trên:

1. Người đang ngủ mê (ví như Hữu phần đang trôi chảy).

2. Luồng gió thổi qua (Hữu phần rung động).

3. Xoài rụng làm người kia tỉnh dậy (Hữu phần dừng lại).

4. Người đó hướng về phía trái xoài (nhãn môn hướng tâm).

5. Thấy một vật nhưng chưa biết là gì (nhãn thức).

6. Lượm trái xoài lên (tiếp thọ tâm).

7. Quan sát và ngửi (quan sát tâm).

8. Biết đây là trái xoài (xác định tâm).

9-15. Ăn trái xoài (tốc hành tâm).

16-17. Ăn xong nằm ngủ trở lại  (ghi nhận tâm).

Giáo lý Nguyên thủy chỉ nói đến 6 thức, sau này Duy Thức tông của Vô Trước và Thế Thân nói đến 8 thức, tức là thêm Mạt-na thức và A-lại-da thức. Trên một bình diện nào đó, Hữu phần có thể được xem như tương đương với A-lại-da thức. Bởi vì Hữu phần là phần chìm của dòng tâm thức, giống như vô thức hay tiềm thức, tất cả loại tâm đều khởi lên từ Hữu phần rồi cuối cùng trở về Hữu phần, giống như muôn ngàn đợt sóng khởi lên từ mặt biển rồi lặn trở về biển. Phần chìm này tuy trôi chảy lặng lẽ nhưng nó chuyên chở và chứa đựng trong đó tất cả những nghiệp nhân do các tâm nối tiếp sinh diệt tạo tác, khởi lên chìm xuống, từ đời này sang đời khác.

Trong Vi Diệu Pháp còn có khái niệm về Kiết sinh thức (Patisandhi-vinnana), đó là dòng tâm thức kết nối từ đời này sang đời sau. Khi sống, dòng tâm thức trôi chảy lặng lẽ trong ngũ uẩn dưới trạng thái Hữu phần, nếu không có tâm nào khác khởi lên. Khi chết, dòng tâm thức trở thành “kiết sinh thức”, chập tư tưởng cuối cùng của kiếp trước trở thành chập tư tưởng đầu tiên của kiếp sau, cho nên còn gọi là “thức tái sinh”. Thức này còn có tên là thần thức hay hương ấm. Có ba điều kiện để một chúng sinh thọ thai, đó là tinh cha, noãn cầu mẹ và thần thức (hay kiết sinh thức). Sau khi nhập thai, kiết sinh thức liền trở thành dòng Hữu phần (bhavangasota).

Theo Duy Thức Học

Duy Thức học (Vijnanavada) cũng là một môn tâm lý học của Phật giáo, nhưng thuộc Đại thừa. Đồng nghĩa với Duy thức có các danh từ Duy tâm (Cittamatra) và Duy biểu (Vijnaptimatra). Khoảng 900 năm sau khi Phật nhập diệt, ở Bắc Ấn có hai anh em Bà la môn tên là Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubhandu) xuất gia và đắc quả A-la-hán. Theo truyền thuyết, ngài Vô Trước dùng thần thông lên cung trời Đâu Suất (Tushita) để nghe Bồ tát Di Lặc (Maitreya) giảng dạy về Duy Thức trong vòng bốn tháng, ban đêm đi nghe, ban ngày giảng lại cho đại chúng.  Trong kinh Lăng Nghiêm, phẩm “Gạn hỏi đại chúng về viên thông”, Bồ tát Di Lặc có thưa với Phật là ngài chứng đắc tam muội viên thông nhờ quán thức đại, quán vạn pháp duy tâm thức. Người em là Thế Thân ban đầu tu theo Tiểu thừa, sau nghe lời anh chuyển sang Đại thừa, và đã trước tác các bộ luận về Duy Thức như:

1. Đại thừa bách pháp minh môn luận (Mahayana- satadharma-vidyàdvara-sàstra)

2. Duy Thức nhị thập tụng (Vimsikavijnaptikarika).

3. Duy Thức tam thập tụng (Trimsikavijnaptikarika).

Vô Trước và Thế Thân được xem như là sơ tổ của Duy Thức tông Ấn Độ. Sau này vào thế kỷ thứ 7 Tây lịch, đời nhà Đường bên Trung Hoa, có Tam tạng pháp sư Trần Huyền Trang, phát tâm qua Ấn Độ thỉnh kinh, và thọ giáo môn Duy Thức học với ngài Giới Hiền (Silabhadra) tại tu viện Nalanda. Trở về Trung Hoa, ngài truyền bá môn Duy Thức học và trước tác hai bộ luận: Thành Duy Thức luận và Bát thức quy củ tụng. Ngài Huyền Trang được xem là sơ tổ Duy Thức tông Trung Hoa.

Duy Thức học cũng chia tâm ra thành Tâm vương và Tâm sở, nhưng số lượng khác với Vi Diệu Pháp. 

Tâm vương gồm có 8 thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt-na thức, A-lại-da thức. Một lần nữa ở đây chữ tâm cũng đồng nghĩa với thức, tức là biết, nhận thức. Tám thức này được gọi là tâm vương vì có công năng thù thắng hơn hết, giống như vua có quyền trong nước. Gọi là tâm vương là để đối lại với tâm sở, vì tâm sở là những tâm phụ thuộc vào tâm vương. Tám thức hay tám tâm vương ở đây là tám dạng biết của tâm. Sáu thức đầu (từ nhãn thức tới ý thức) là cái biết của sáu căn. Khi nhãn căn tiếp xúc với sắc trần thì sinh ra cái biết của mắt (nhãn thức). Khi ý căn tiếp xúc với pháp trần thì sinh ra ý thức. Duy Thức phân biệt ý căn là một cơ năng hay giác quan, khác với ý thức là cái biết của ý căn. Do đó ý căn còn có tên là Mạt-na thức. Ý thức phải nương vào ý căn mà phát sinh. Vậy ý căn cũng phải nương vào một thức căn bản để phát sinh, đó là A-lại-da thức.   

Nhìn qua tám thức có vẻ phức tạp, nhưng nói đơn giản thì có một tâm thức căn bản (là A-lại-da) khi hiện hành qua 6 cửa sổ (giác quan) thì phát sinh ra 6 thức. Riêng cái cửa sổ ý căn được xem như là một thức, Mạt-na thức. 

Tâm sở của Duy Thức gồm có 51, chia ra làm 6 nhóm:

1. Biến hành (5): xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư.

2. Biệt cảnh (5): dục, thắng giải, niệm, định, huệ.

3. Thiện (11): tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.

4. Căn bản phiền não (6): tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.

5. Tùy phiền não (20): phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.

6. Bất định (4): hối, miên, tầm, tư.

So với ngũ uẩn thì 8 tâm vương thuộc thức uẩn, 49 tâm sở (trừ thọ, tưởng) thuộc hành uẩn, thọ tâm sở thuộc thọ uẩn, tưởng tâm sở thuộc tưởng uẩn.

Sự định nghĩa tâm vương và tâm sở của Duy Thức cũng không khác gì Vi Diệu Pháp, tâm vương là thức, tức cái biết hay sự nhận thức qua các căn; tâm sở là những tâm phụ thuộc khởi lên cùng với tâm vương. Điều khác biệt cần nhấn mạnh là theo Vi Diệu Pháp, ba danh từ tâm, ý, thức được xem như đồng nghĩa, trong khi đó theo Duy Thức thì ba danh từ này chỉ định ba thức khác nhau, tâm (citta) được xem là thức thứ 8 (A-lại-da thức), ý (manas) là thức thứ 7 (Mạt-na thức), thức (vijnana) là thức thứ 6 (ý thức). Dưới đây xin nói sơ lược về ba thức này.

A-lại-da thức, còn gọi là Tàng thức, có ba nghĩa:

1. Năng tàng: thức này chứa đựng, gìn giữ chủng tử (bija) của các pháp.

2. Sở tàng: thức này bị ươm ướp bởi chính những chủng tử được chứa trong nó.

3. Ngã ái chấp tàng: thức này bị thức thứ 7 bám víu và chấp là Ta (ngã).

Thức này làm nền tảng cho bảy thức kia phát sinh, giống như biển là nền tảng cho những ngọn sóng phát sinh, nên còn được gọi là Căn bản thức (mulavijnana). Nó rộng lớn, tiềm ẩn sâu xa và chứa đựng tất cả chủng tử nghiệp trong dòng tâm thức nên rất giống với tâm Hữu phần của Vi Diệu Pháp. A-lại-da thường hằng không bao giờ tiêu diệt, khi tái sinh thì nó đến trước, khi chết thì nó ra sau cùng, vì vậy nó cũng tương đương với Kiết sinh thức của Vi Diệu Pháp. Tính chất của nó là vô phú vô ký, không thiện cũng không ác, nhưng lại chứa đủ cả hai loại chủng tử thiện và ác. Ngày nào nó còn chứa những chủng tử ô nhiễm phiền não thì nó còn bị Mạt-na chấp là ngã. Khi nào tất cả chủng tử trở thành thanh tịnh thì nó được gọi là Bạch tịnh thức hay Yêm-ma-la thức (amalavijnana), hay Đại viên cảnh trí, nói cách khác nó trở thành Phật, hay Pháp thân. 

Theo Duy Thức, tâm được gọi là thức (vijnana) khi nó còn ô nhiễm, chấp ngã, chấp pháp. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, vô ngã thì được gọi là trí (jnana).

Mạt-na thức là ý căn (organe mental), nơi căn cứ phát sinh ra ý thức (conscience mentale). Cũng như mắt là nhãn căn, nơi phát sinh ra nhãn thức. Thức này còn có tên là “Truyền tống thức” vì nó có công năng truyền các pháp hiện hành vào Tàng thức và tống đưa các pháp chủng tử khởi ra hiện hành. Mạt-na cũng không bao giờ gián đoạn, ngay cả khi cá nhân đã chết, vì nó bám sát theo A-lại-da. Mạt-na được sinh ra từ những chủng tử vô minh của A-lại-da nên bản chất của nó là chấp ngã, nó chấp A-lại-da là ngã. Nói cách khác từ khi tâm bất giác quên mình khởi lên ý niệm về ngã (Ta) thì Mạt na được thành hình. Tất cả những gì liên quan đến cái ngã như ngã si, ngã ái, ngã kiến, ngã mạn, đều bắt nguồn từ nó. Sự chấp ngã của nó là “câu sinh ngã chấp”, tức sự chấp ngã sinh ra cùng lúc với thân mạng. Nói là câu sinh (sinh ra cùng lúc) nhưng thật ra sự chấp ngã này đã có trước khi sinh ra đời, bởi vì Mạt-na không cần phải có năm uẩn mới chấp là ngã, nó đã chấp A-lại-da là ngã rồi.

Ý thức. Khi ý căn tiếp xúc với pháp trần làm phát sinh ra sự nhận thức, sự nhận thức này được gọi là ý thức. Ý thức có ba hình thái nhận thức:

1. Hiện lượng (pramana): sự nhận thức trực tiếp, vô tư, chưa trải qua suy luận phân biệt.

2. Tỷ lượng (anumana): sự nhận thức qua suy luận, phân biệt.

3. Phi lượng (apramana): khi hai sự nhận thức trên phản ảnh sai lầm về thực tại thì gọi là phi lượng.  Thí dụ trong đêm tối, thấy sợi dây tưởng là con rắn.

Khác với hai thức trước, ý thức có lúc bị gián đoạn, không hoạt động trong năm trường hợp sau đây:

1. Trong cõi trời Vô tưởng

2. Trong Diệt tận định 

3. Trong Vô tưởng định

4. Ngủ mê không mộng mị

5. Bất tỉnh nhân sự, ngất xỉu

Ngoài năm trường hợp trên, ý thức luôn luôn hoạt động, ngay cả trong giấc ngủ.

Ý thức cũng chấp ngã, nhưng sự chấp ngã của nó là “phân biệt ngã chấp”, tức do nhận thức phân biệt sai lầm mà ra. Sự chấp ngã này tương đối dễ loại trừ hơn “câu sinh ngã chấp” của Mạt-na.

Tóm lại theo Duy Thức thì tâm là thức, là cái biết, gồm sáu thức quen thuộc và thêm vào hai thức mới. Tuy gọi là mới so với Vi Diệu Pháp nhưng A-lại-da thức đã được nói đến trong các kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già, và Thắng Man. Cũng nhờ thêm A-lại-da và Mạt-na nên người đời sau với căn tánh nhị nguyên, dễ khái niệm được cái gì là tâm, cái gì chấp ngã trong năm uẩn và cái gì đi tái sinh.

Ngoài ra khái niệm A-lại-da thức như Căn bản thức (mulavijnana) rất đáng được đề cập, bởi vì xưa nay khi nói đến thức, đa số đều nói thức phát sinh là do căn và trần tiếp xúc với nhau. Như thế thì thức chỉ là một loại sản phẩm (production) của căn và trần, căn + trần = thức, thí dụ như khi con mắt (căn) thấy sắc (trần) thì phát sinh ra nhãn thức. Bình thường có lý, nhưng xét kỹ thì nó chỉ đúng với sáu thức đầu, bởi vì nếu không có sự tác ý của tâm (căn bản) thì mắt không thể hướng tới vật và thấy vật. Giả sử có người chết mở mắt, nhưng nếu để trước mặt một tấm hình thì mắt đó có thấy không? Con mắt nếu không có “Căn bản thức” tiềm tàng bên trong thì mắt đó không thể thấy gì hết, và đương nhiên là không thể phát sinh ra nhãn thức được. Một cái thân mà không có “Căn bản thức” bên trong thì đó là một xác chết, dù lấy dao chém cách mấy cũng không cảm thọ đau đớn. Do Căn bản thức tiềm tàng bên trong nên khi sáu căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần mới phát sinh ra sáu thức được. Trong thập nhị nhân duyên, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc. Thức ở đây chính là A-lại-da. Từ A-lại-da mới sinh ra danh sắc là ngũ uẩn, trong đó bao gồm sáu giác quan. 

Ngay trong Lộ trình tâm của Vi Diệu Pháp (xem phần trước), ở sát na thứ 4 là “nhãn môn hướng tâm”, tức là tâm hướng về đối tượng qua con mắt, rồi sau đó nhãn thức mới sinh khởi ở sát na thứ 5. Như vậy nhãn thức sinh khởi nhờ có dòng tâm thức (Hữu phần) hướng qua con mắt (căn) mới thấy được trái xoài (trần).

Trong kinh Lăng Nghiêm có nói “nhất tinh minh sinh lục hòa hợp”, tức là có một cái sáng suốt tinh anh sinh ra sáu cái biết hòa hợp không chống trái nhau. Cái sáng suốt tinh anh này là tánh giác, nương nơi sáu căn mà phát sinh ra sáu tánh: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết. Khi trở về với tánh giác thì sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau: “A-Nan, há ông không biết ở trong hội này, ông A-na-luật-đà không có mắt mà thấy, rồng Bạt-nan-đà không có tai mà nghe, thần nữ Căng-già không có mũi mà ngửi biết hương, ông Kiều-phạm-ba-đề lưỡi khác mà biết vị, thần Thuấn-nhã-đa không có thân mà biết xúc, ông Ma-ha-ca-diếp đã diệt ý căn lâu rồi mà vẫn rõ biết cùng khắp”. Như vậy không nhất thiết phải có căn mới sinh ra thức, bởi vì thức đã có sẵn rồi, nó chỉ nương qua căn mà phát hiện. 

Gần đây, sư Viên Minh trong sách “Thực tại hiện tiền” có nói “tâm chính là thức có mặt trong năm uẩn, nó chi phối năm uẩn”.... “Thức dẫn đầu, làm chủ, tạo tác các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức”.... “Có thức tác động lên căn, trần thì sắc uẩn mới thành hoạt dụng. Người chết mắt không thể thấy sắc”. Theo sư, thức không phải chỉ có mặt riêng ở thức uẩn mà có mặt trong toàn bộ năm uẩn. “Sắc uẩn không phải chỉ là sinh lý (căn) hay vật lý (trần) mà còn có sự cộng tác của tâm lý (thức) nữa. Nhưng thức ở giai đoạn này chưa phải là nhận thức”. Như vậy cái thức này có thể xem như là “Căn bản thức” (hay A-lại-da) được không? 

Theo Thiền tông

Giáo lý Nguyên Thủy chuyên nói về ngũ uẩn và danh sắc. Vi Diệu Pháp nói đến 89 tâm. Duy Thức học nói 8 thức. Thiền tông ngược lại, chủ trương “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Ngộ được tâm, thấy được tánh là mục tiêu chính của Thiền tông. Nhưng nếu hỏi tâm là gì thì Thiền tông không nói thẳng mà dùng rất nhiều danh từ để ám chỉ nó như: bổn lai diện mục, ông chủ, tánh giác, bổn tánh, chân tâm, chân ngã, chân không, pháp thân, chân như, v.v... Ở đây chúng ta sẽ bàn về vài danh từ có liên quan đến kinh điển để bạn đọc có thể kiểm chứng và nghiên cứu.

Tâm và tánh

Trước khi đi xa hơn, tôi cần phân tách sự khác biệt giữa tâm và tánh. Tâm (citta) tiếng Anh là mind, tánh (svabhava) là nature hay characteristic có nghĩa là tánh chất, bản tánh, đặc tính. Tâm và tánh là hai thứ khác nhau. Khi nói đến tánh thì phải nói cho đủ là tánh của cái gì (the nature of something). Thí dụ như tánh của tôi hay sân, tánh của anh hay tham, tánh của đất là cứng, tánh của nước là ướt, tánh của gió là di động, tánh của lửa là nóng, tánh của hư không là trống rỗng không ngăn ngại, tánh của thức là biết phân biệt, tánh của muối là mặn, tánh của đường là ngọt, tánh của dấm là chua, tánh của ớt là cay, v.v... 

Khi nói đến tâm tánh, tức là tánh của tâm, tâm là chính, tánh là phụ. Tâm có thể ví như ông A, còn tánh ví như tánh tình của ông A. Khi nói ông A thế này, thế nọ, vui tánh hay hung dữ đó là nói về ông A nhưng cùng lúc cũng nói về tánh của ông A. Bởi thế tâm tánh luôn đi đôi, nói đến tâm tức bao hàm luôn tánh của nó, nói đến tánh thì đó là tánh của tâm, cho nên đôi lúc người ta dùng lẫn lộn cả hai danh từ này, giống như tâm và tánh là một. Nhưng tâm có nhiều tánh: tánh tham, tánh sân, tánh si, tánh ưa, tánh ghét, tánh ghen, tánh kiêu mạn, tánh nghi, tánh xấu hổ, tánh lười, tánh nịnh, tánh ích kỷ, tánh nhút nhát, tánh mắc cở, tánh sợ ma, v.v... Vậy khi nói chỉ thẳng tâm để thấy tánh là thấy tánh nào? Thấy tánh tham có thành Phật được không? Thấy tánh sân có thành Phật được không? Ai cũng thấy những tánh đó nơi mình và người khác, vậy có ai thành Phật không?  Nếu không thì phải thấy tánh nào? 

Thiền tông chủ trương nói về tâm, nhưng thật ra chú trọng về tánh của tâm. Tánh này không phải là những tánh tốt, xấu bình thường của con người mà là một loại tánh đặc biệt, danh từ chuyên môn là tánh giác, bổn tánh. Thấy được và trở về sống với tánh giác chính là ý nghĩa kiến tánh của Thiền tông.

Tánh giác

Tánh giác là một danh từ trong kinh Lăng Nghiêm, khi ngài Phú Lâu Na hỏi “tất cả các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới, v.v... đều là tính thanh tịnh bản nhiên Như lai tạng, thì sao bỗng nhiên lại sinh ra các tướng hữu vi như núi, sông, đất liền, v.v...?” Đức Phật trả lời: “tánh giác là diệu minh, bản giác là minh diệu”. Tánh giác có nghĩa đơn giản là tánh biết, nhưng tánh biết này không phải là cái biết thường tình thế gian như biết phải biết trái, biết yêu biết giận, biết buôn bán làm ăn, v.v... Tánh biết ở đây là tánh giác, là diệu minh. Diệu là năng duyên khởi ra sự vật, minh là nhận biết các sự vật. Tính chất nhận thức của Tánh biết này là hiện lượng (pramana), biết một cách trực tiếp, vô tư, không có vọng tưởng phân biệt, ưa ghét, thủ xả.

Tánh giác là tánh căn bản, thường hằng của tâm, còn được gọi là Phật tánh. Tánh giác này tỏa ra sáu giác quan thành nhiều tánh khác như tánh thấy, tánh nghe, tánh biết, tánh ngửi, tánh nếm. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật khai thị tánh thấy cho ngài A-Nan, rồi sau nhờ Bồ tát Văn Thù lựa một phương pháp cho ngài A-Nan tu tập, đó là quán tánh nghe (nhĩ căn viên thông) của Quán thế Âm Bồ tát, để trở về chân tâm.

Chân tâm, vọng tâm

Chân tâm là khái niệm chính yếu của kinh Lăng Nghiêm, nó còn được gọi là Như Lai tạng (tathagatagarbha). Chân tâm có nghĩa là tâm chân thật (tâm thứ thiệt), không phải là vọng tâm (tâm thứ giả).

Chúng sinh sống với vọng tâm nên trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Muốn hiểu chân tâm là gì thì trước đó phải hiểu thế nào là vọng tâm.

Khi được hỏi tâm là gì, đa số đều trả lời tâm là cái hay suy nghĩ, phân biệt, tính toán, v.v... (giống như ngài A-Nan trong kinh Lăng Nghiêm). Những cái đó đúng là tâm nhưng là vọng tâm.

Vọng tâm là cái tâm hay suy nghĩ, phân biệt, tính toán, lo âu, ưa ghét, ích kỷ, giận hờn, tham, sân, si, v.v... Nói cách khác vọng tâm chính là thức (tâm vương và tâm sở). Hằng ngày tất cả mọi người đều sống với cái tâm đó, tưởng mình là cái tâm đó. Nhưng nhờ Phật chỉ dạy, cái tâm thức đó là vọng tâm, không phải là tánh chân thật của tâm. 

Dưới đây là một thí dụ để hiểu chân tâm và vọng tâm:

Bạn cần uống nước mà có người đưa cho bạn một ly nước đục. Nếu đổ đi thì không còn gì để uống, vậy muốn có nước trong để uống thì bạn phải làm sao? Bạn hãy để cho ly nước đục lắng xuống, đừng có lúc lắc, lay động nó. Sau một thời gian thì bụi bặm lắng xuống đáy, phần trên sẽ hiện ra nước trong. Kế tiếp bạn hãy từ từ rót nhẹ phần nước trong qua một ly khác thì bạn sẽ có ly nước trong. Hoặc bạn có thể dùng một tấm vải để lọc nước. Và khi đó dù bạn có lúc lắc, lay động cái ly cách mấy đi nữa, nước trong ly vẫn trong như thường. 

Tâm chúng sinh cũng giống như ly nước đục, đầy ô nhiễm phiền não nhưng bên trong vẫn có phần trong sạch mà không ai thấy. Khi biết tu, bớt ham muốn, vọng động nên phiền não lắng xuống để lộ ra phần trong sạch. Thấy được phần trong sạch đó là thấy được tánh thật của nước, ví như chân tâm. Tuy nhiên cần phải tiếp tục loại trừ tất cả bụi nhơ đến khi ly nước hoàn toàn trong sạch thì chân tâm hiển lộ 100%.

Nước đục ví như vọng tâm.

Nước trong ví như chân tâm.

“Nước, nước trong, nước đục”, cả ba đều là nước. Khi nước bị bụi thì nước trở thành nước đục. Cùng nước đục ấy, nếu được thanh lọc thì nó trở thành nước trong.

“Tâm, Phật, chúng sinh” cả ba đều là tâm. Khi tâm vọng động, vô minh thì tâm trở thành chúng sinh. Khi tâm giác ngộ, dứt sạch phiền não thì tâm trở thành Phật.

Bổn tánh, hậu tánh

“Bổn tâm thanh tịnh” có nghĩa là cái tâm ban đầu trong sạch, do bổn tâm thanh tịnh cho nên “bổn tánh thanh tịnh”. Nói cho đủ ý nghĩa là “bổn tánh của tâm thanh tịnh”. Nhà Thiền khi nói “kiến tánh” tức là ám chỉ cái bổn tánh của tâm, nhưng trong ngôn ngữ hàng ngày bổn tánh và bổn tâm được dùng lẫn lộn như nhau (như đã nói ở phần trước). 

Tâm ban đầu tánh vốn thanh tịnh, nhưng vì bất giác vô minh, khởi lên muôn ngàn vọng tưởng, phiền não, sinh ra sơn hà, đại địa, tạo ra ngũ uẩn, rồi trôi lăn trong sinh tử luân hồi, dần dần tâm tự quên mất cái tánh ban đầu (bổn tánh) và khoác vào những tánh tham, sân, si, mạn, nghi, v.v... những tánh này được gọi là hậu tánh (tánh huân tập về sau). Nhà Thiền chỉ nói về bổn tánh, chứ không có hậu tánh, “hậu tánh” là danh từ tôi phương tiện tạm đặt ra cho bạn đọc dễ hiểu mà thôi. 

Bổn tánh (của tâm) thanh tịnh = chân tâm.

Hậu tánh (của tâm) ô nhiễm = vọng tâm.

Hậu tánh của tâm là tánh chấp ngã, chấp pháp, tánh phiền não (20 căn bản phiền não trong Duy Thức). Hậu tánh này ai cũng biết, nhưng bổn tánh thì khó ai biết được, ngoại trừ các thiền sư ngộ đạo.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ Huệ Năng khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn khai thị kinh Kim Cang đến chỗ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì đại ngộ thốt lên năm đặc tính của bổn tánh:

1. Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh (hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh).

2. Đâu ngờ tự tánh vốn không sinh diệt (hà kỳ tự tánh bổn vô sinh diệt).

3. Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ (hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc).

4. Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động (hà kỳ tự tánh bổn vô diêu động).

5. Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp (hà kỳ tự tánh năng sinh vạn pháp).

Ngũ tổ biết Huệ Năng đã ngộ được bổn tánh mới bảo rằng: “Chẳng biết bổn tâm, học đạo vô ích, nếu biết được bổn tâm thấy được bổn tánh mình, tức gọi là trượng phu, là thầy của trời người, là Phật”. Biết được bổn tâm tức là thấy được bổn tánh. Nhưng thấy được một bổn tánh chưa chắc biết được bổn tâm, bởi vì tâm có nhiều bổn tánh. Qua lời của Lục tổ, chúng ta biết được năm thứ bổn tánh. Qua kinh Lăng Nghiêm, chúng ta biết được hai thứ bổn tánh, đó là diệu và minh. Tánh diệu là tánh năng sanh muôn pháp, ứng với bổn tánh thứ 5 của Lục tổ. Tánh minh là tánh giác (tánh biết), có thể được xem như là bổn tánh thứ 6 của tâm. Tánh không sanh diệt và không dao động, cũng chính là tánh “hằng chuyển như bộc lưu” của A-lại-da và “lặng lẽ trôi chảy” của dòng Hữu phần (bhavanga).

Nhờ Lục tổ khai thị về bổn tánh, chúng ta có thể tu tập từ bỏ những hậu tánh mà lần mò trở về bổn tánh. Trở về bổn tánh tức là trở về nguồn tâm, bổn tâm, chân tâm.

Nghi vấn về bổn tánh

1. Đạo Phật nói về nhân duyên, các pháp đều do nhân duyên sinh, cái này có vì cái kia có, không có nguyên nhân ban đầu, sao nay lại nói tâm ban đầu trong sạch rồi sau đó tâm bị ô nhiễm?

- Các pháp có hai loại: hữu vi và vô vi. Pháp hữu vi (samskrta) là những thứ do nhân duyên hợp lại sinh ra, như bàn, ghế, nhà cửa, người, vật, v.v... những thứ này chịu luật vô thường, biến đổi và hoại diệt. Pháp vô vi (asamskrta) là những thứ không do nhân duyên sinh như hư không, Niết bàn, chân như, Phật tánh, chân tâm. Đứng trên lý tánh tuyệt đối để tìm một nguyên nhân đầu tiên sinh ra các pháp thì không thể có, vì cái này có là vì nhờ cái kia, và cái kia có là nhờ cái này. Nhưng trên phương diện tương đối thì vẫn có thể nói “ban đầu” khi một sự vật được sinh ra, thí dụ: một người được xem là sinh ra khi rời khỏi bụng mẹ; một chiếc xe được xem là hoàn tất khi đưa ra khỏi hãng chế tạo, v.v...

Chữ “tâm ban đầu” được dịch từ chữ “bổn tâm”. Bổn (hay bản) có nghĩa là ban đầu. Bổn tâm là tâm ban đầu. Bổn tánh là tánh ban đầu. 

Để hiểu rõ ý nghĩa “ban đầu”, xin lấy hai ví dụ: nước và gương.

Nếu có người đưa cho bạn một ly nước ngọt như Coca cola thì bạn có biết được bản chất ban đầu (tối sơ, nguyên thủy) của nó ra sao không? Chất ngọt trong Coca cola không phải là tính chất ban đầu của nước. Chất hơi bọt (gaz) trong đó cũng không phải là bản chất của nước. Màu nâu của Coca cola cũng không phải là tính chất ban đầu của nước. Bản chất (hay bổn chất) của nước là trong, nhạt, không có màu. Sau đó người ta bỏ vào đó chất coca, đường, màu hóa học, chất gaz và nước đó biến thành nước ngọt Coca cola. Dân Mỹ quen uống Coke (coca cola) hoặc nước ngọt nên khi nói đến nước uống thì họ không còn nghĩ đến nước lọc (nhạt nhẽo, vô vị) nữa. Như vậy có thể nói tính chất ban đầu (bổn chất hay bổn tính) của nước là trong, nhạt, không màu được không?

Nếu có người đưa cho bạn một tấm gương đầy bụi để soi thì bạn có dùng được không? Bạn sẽ vứt nó đi hay là bạn đi tìm khăn để lau gương cho sạch bụi. Khi lau gương sạch thì bạn có thể nói là tấm gương ban đầu vốn trong sáng, nhưng vì bụi bám lâu ngày nên gương trở thành mờ được không?

Tâm cũng như thế. Khi được thanh lọc, loại trừ tất cả những phiền não, vô minh, chấp ngã thì bản chất thật sự của tâm hiện ra, đó là tâm thanh tịnh, vô nhiễm. 

2. Tại sao tâm ban đầu vốn thanh tịnh mà lại khởi lên vô minh, phiền não, chấp ngã làm chi để trôi lăn trong sinh tử? Nếu tu thành Phật, được tâm thanh tịnh rồi, thì bất chợt tâm sẽ bị vô minh, phiền não nữa sao?

- Tâm ban đầu có cả hai: tánh giác và vô minh. Nhưng tánh giác thì vô thỉ vô chung (không có khởi đầu và không có chấn dứt), còn vô minh thì vô thỉ hữu chung (không có khởi đầu nhưng có chấm dứt). Sự bất giác vô minh không thể biết nó bắt đầu từ lúc nào, nhưng khi hoàn toàn giác ngộ thì vô minh chấm dứt. Giống như người đi tìm vàng, ban đầu thấy vàng thì vàng bị lẫn trong đất. Sau khi đem về nấu chảy, lọc ra thành vàng ròng thì vàng này vĩnh viễn không còn dính đất nữa. 

Tóm lược

Sau khi trình bày tâm là gì qua nhiều luận thuyết ở trên, không biết bạn đọc còn nhớ được gì không?  Nếu không, tôi xin tóm lược lại.

• Theo ngũ uẩn: Tâm là cái biết, biết suy nghĩ, tưởng nhớ.

• Theo Vi Diệu Pháp: Tâm là sự biết, nhận thức đối tượng, là dòng tâm thức, gồm 89 tâm vương và 52 tâm sở.

• Theo Duy Thức học: Tâm là thức, là sự biết, phân biệt đối tượng, gồm 8 tâm vương và 51 tâm sở. Tâm căn bản là A-lại-da thức, dung chứa cả hai loại chủng tử chân (tịnh) và vọng (nhiễm). Khi mê thì tâm là thức, khi hoàn toàn giác ngộ thì tâm trở thành trí.

• Theo Thiền tông: Tâm có hai hoại, chân tâm và vọng tâm. Chân tâm là tánh giác. Vọng tâm là thức, suy nghĩ, phân biệt.

Qua các định nghĩa ở trên, nói chung tâm là cái biết, hay tánh biết, nhưng quan trọng ở chỗ cái biết này là biết đúng hay sai? 

Khi biết đúng thì gọi là trí, là tánh giác, là chân tâm. 

Khi biết sai thì gọi là thức, là tánh mê, là vọng tâm.

Nhưng thế nào là biết đúng, biết sai? Khi nhìn cái bàn tôi biết đó là cái bàn thì có đúng không? Tôi biết 2+2=4 có đúng không? Tôi biết đi học có bằng bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ thì tôi có biết đúng không? Những cái biết này là đúng với thế gian, là chân lý thế gian, đạo Phật không từ chối và gọi đó là tục đế (samvrti-satya), nhưng nó vẫn là thức (vijnana), là kiến thức vì nó không đưa đến giải thoát sinh tử. Chỉ khi nào trong cái biết không còn bóng dáng của ngã, không còn ngã chấp (Ta biết, cái biết của Ta, kiến thức của Ta) thì đó mới là trí (jnana), là biết đúng, vì nó đưa đến giải thoát sinh tử.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn