Chương 6: Từ ta về tâm

15 Tháng Chín 201618:17(Xem: 4274)

Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
TÂM VÀ TA 
Thích Trí Siêu 
Nhà xuất bản: Phương Đông 2010

Chương 6: Từ ta về tâm

 

Đưa tâm trở về

Tâm bắt đầu đi hoang từ lúc bất giác vô minh khởi niệm chấp Ta (ngã), tự quên mình là ai, quên mất tự tánh diệu minh, năng khởi, năng biết, nên chìm đắm trong thế giới vật chất do chính nó tạo ra. Muốn chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi thì tâm phải lên đường trở về. Trở về đâu? Trở về bổn tánh của nó, trong đó không có một cái ngã nào hết. Trên đường trở về có ba thứ mà tâm cần phải giải quyết: phiền não, ái dục, và vô minh. 

Tâm bị dính vào cái thân nên phải chịu sinh, già, bệnh, chết. Nếu không muốn tái sinh thì tâm phải ngừng tạo nghiệp (hữu), bởi vì tạo nghiệp nên mới bị nghiệp lực dẫn đi luân hồi. Muốn ngưng tạo nghiệp thì đừng ái, thủ. Vì có yêu, ghét nên mới sinh ra thủ, xả và phiền não. Có thủ, xả (lấy, bỏ) là có tạo nghiệp. Có yêu thì có thương, có nhớ, muốn ở gần, muốn chiếm hữu, muốn đủ thứ. Ở gần không được, muốn chiếm hữu không được thì buồn khổ (ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ). Khi ghét thì muốn tránh xa, muốn bỏ đi. Tránh xa hoặc bỏ đi không được thì bực tức, khó chịu (oán tắng hội khổ). Vì thế hễ tâm có yêu ghét là có phiền não theo sau. Muốn hết phiền não thì tâm đừng yêu ghét, đừng ái dục. 

Vấn đề khổ đau của con người là phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ganh ghét, buồn, nhớ, giận hờn, v.v...). Nguyên nhân gần sinh ra phiền não là ái dục, nguyên nhân xa là vô minh. Cho nên muốn hết phiền não thì phải diệt trừ ái dục và vô minh.

Làm thế nào để hết ái dục? Có nhiều người cho rằng muốn hết ái dục thì phải tránh xúc và thọ, vì có tiếp xúc qua lại nên cảm thọ mới phát sinh, nên họ xa lánh thế gian đi vào rừng núi. Nhưng đó chỉ là tránh tiếp xúc với loài người, chứ sáu căn vẫn tiếp xúc với sáu trần như thường, mắt vẫn thấy hình sắc, tai vẫn nghe âm thanh, mũi vẫn ngửi mùi, khi ăn lưỡi vẫn biết vị, thân vẫn biết nóng lạnh, trơn ngứa, v.v... 

Theo 12 nhân duyên thì thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả của quá khứ nên không thể diệt trừ. Ngay cả đức Phật và các vị A-la-hán cũng có lạc thọ, khổ thọ và xả thọ khi tiếp xúc với trần cảnh. Khi gặp trời nắng hay mưa, các ngài cũng bị nóng lạnh, bệnh hoạn, thọ khổ nơi thân nhưng tâm của các ngài vắng lặng, không có thọ khổ. Khi được ăn uống đầy đủ, khí hậu mát mẻ, thân thể khỏe mạnh các ngài cũng không vui thích cảm giác khoái lạc nơi thân. Ngoài ra thọ cũng là một uẩn cấu tạo nên con người, cho nên không thể dứt trừ ái bằng cách từ bỏ xúc và thọ.

Muốn dứt trừ ái dục thì phải tìm về cội nguồn xem Ai ái dục? Người thích ái dục là Ai để loại trừ, đó tức là tu tập vô ngã, chứ không phải tránh né xúc và thọ.

Từ bỏ ái dục

Ái dục gồm có ái và dục. Ái có nghĩa là yêu thương thuộc tình cảm, dục là ham muốn thuộc thể xác. Dục gồm có lục dục hay ngũ dục. Lục dục là sự ham muốn của sáu căn đối với sáu trần; mắt thích nhìn sắc đẹp, tai thích nghe âm thanh dễ chịu, mũi thích ngửi mùi thơm, lưỡi thích nếm món ngon vật lạ, thân thích xúc chạm da thịt êm ái, ý thích nghĩ tới cái gì thỏa mãn sự thèm khát. Ngũ dục là năm thứ ham muốn của người đời: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ. Ái bao gồm đủ loại tình cảm: yêu, thương, nhớ, mến, ưa, ghét, giận, hờn, buồn, lo, v.v... Phần đông đàn bà thích ái (tình), đàn ông thích dục. Một bên cần tình, một bên cần dục, hợp nhau lại thì say mê chìm đắm trong ái dục. 

Nhiều người tu theo đạo Phật, muốn giải thoát, muốn hết khổ nhưng không muốn từ bỏ ái dục. Đây là điều rất mâu thuẫn, giống như muốn sạch sẽ nhưng không muốn ra khỏi vũng bùn, muốn thành Phật nhưng cũng muốn hưởng thụ dục lạc thế gian.

Thái tử Siddharta xưa kia nếu không từ bỏ cuộc sống vương giả, cung phi mỹ nữ hầu hạ, để ra đi tầm đạo thì làm sao thành Phật? Tại sao ngài không tiếp tục ở lại cung thành với vợ con, chỉ cần tu tâm tích đức, không làm việc ác, ăn hiền ở lành, thương yêu dân chúng cũng được, tội gì phải bỏ ra đi cầu đạo? 

Tại sao cần phải từ bỏ ái dục? Vì ái dục là dây xích trói buộc tâm chúng sinh trong luân hồi. Ái dục làm cho tâm lún sâu vào đầm lầy vật chất, cảm thọ, khi mất thân này liền đi tìm thân khác để tiếp tục cảm thọ ái dục. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật nói về sự giải thoát của ngài khi chiến thắng ái dục:

                  Lang thang bao kiếp sống

                  Ta tìm nhưng chẳng gặp,

                  Người xây dựng nhà này,

                  Khổ thay phải tái sinh. (Kệ 153)

                  Ôi! Người làm nhà kia

                  Nay ta đã thấy ngươi!

                  Ngươi không làm nhà được nữa.

                  Đòn tay ngươi bị gãy,

                  Kèo cột ngươi bị tan

                  Tâm ta đạt tịch diệt,

                  Tham ái thảy tiêu vong. (Kệ 154)

Người làm nhà là ngã, đòn tay là ái dục, kèo cột là phiền não.

Người tu thiền, khi chứng được tầng thiền đầu tiên (sơ thiền) có tên là “Ly dục sinh hỷ lạc địa”, nhờ xa lìa dục lạc thế gian, tâm an trụ vào vững chắc vào đề mục mà phát sinh hỷ lạc. Cảm giác hỷ lạc này thanh tao nhẹ nhàng hơn cảm giác của ái dục gấp trăm lần. 

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ lòng dâm, cũng chắc lạc vào ma đạo, hạng trên thành ma-vương, hạng giữa thành ma-dân, hạng dưới thành ma-nữ... Nếu không đoạn lòng dâm mà tu thiền định, thì cũng như nấu cát, nấu đá muốn cho thành cơm, dầu trải qua trăm nghìn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng”. Chưa cần tu thiền cực nhọc mà chỉ cần từ bỏ ít nhiều dâm dục thì tâm cũng được nhẹ nhàng sinh lên các cõi trời Dục giới. Nếu thoát ly hoàn toàn ngũ dục qua con đường Thiền quán, nhưng còn sắc thân thì sinh lên cõi trời Sắc giới. Tiếp tục thiền quán xa hơn nữa, không còn sắc thân thì sinh lên cõi trời Vô sắc giới.

A-nan, các người thế gian, không cầu đạo thường trụ, chưa có thể rời bỏ được ân ái với vợ mình, nhưng tâm không buông lung trong việc tà dâm, sau khi mệnh chung ở gần với mặt trời, mặt trăng, một loài như thế gọi là Tứ thiên vương thiên.

Nếu lòng dâm ái với vợ mình ít ỏi thì mệnh chung sinh lên Đao lợi thiên.

Nếu gặp cảnh dâm dục thì tạm hưởng ứng, nhưng qua rồi tâm không nhớ nghĩ tới, trong tâm động ít, tịnh nhiều, thì được sinh lên cõi Tu diệm ma thiên.

Nếu tâm thường thanh tịnh, nhưng khi xúc cảnh dâm dục, chưa chống lại được, thì sinh lên cõi Đâu xuất đà thiên.

Nếu chính mình không có tâm dâm dục, chỉ đáp ứng với người khác, trong lúc đáp ứng cảm thấy là vô vị, thì sinh lên cõi Lạc biến hóa thiên.

Đến khi không còn tâm thế gian, chỉ miễn cưỡng làm việc ngũ dục theo thế gian, mà tâm vẫn thường siêu thoát, thì sinh lên cõi Tha hóa tự tại thiên”.

Chỉ cần từ bỏ ái dục mà đã được lợi ích như thế, nhưng con người vẫn thích ái dục, chìm đắm trong thất tình lục dục, vì không hiểu rõ sự nguy hiểm của nó.

A-nan, phần trong của chúng sinh, nhân vì lòng ái nhiễm phát khởi ra vọng tình, tình chứa mãi không thôi, có thể sinh ra ái thủy; vậy nên chúng sinh, tâm nhớ thức ăn ngon thì trong miệng nước chảy ra; tâm nhớ người trước, hoặc thương, hoặc giận thì con mắt lệ tràn; khi tâm dính vào việc dâm dục thì hai căn nam nữ tự nhiên dịch khí chảy ra. A-nan, các ái đó, tuy khác nhau, nhưng kết quả chảy nước là đồng; thấm ướt không lên được, tự nhiên theo đó mà sa đọa”.

Con người thích ái dục vì bản chất của con người là năm uẩn, và cái sinh ra năm uẩn là tâm vô minh, chấp ngã, ái ngã. Trong năm uẩn, sắc uẩn có nam căn và nữ căn do tâm dục tạo ra. Tâm dính mắc vào sắc thân nên tìm cảm thọ qua xác thân. Sơ khởi vì dính mắc vào sắc và thọ uẩn nên tâm ưa thích dâm dục. Một khi tâm đã nếm mùi khoái lạc của dâm dục qua xác thân, với tưởng uẩn, nó hồi tưởng, nhớ lại những hình sắc, âm thanh, mùi vị, xúc chạm cho ra lạc thọ. Với hành và thức uẩn, tâm thèm khát, suy nghĩ, tìm cách tái diễn lại lạc thọ qua ái dục, dâm dục. 

Con người tái sinh trở lại cõi này cũng do dâm dục. Trước khi tái sinh, Trung ấm thân theo gió nghiệp đưa đẩy, tìm tới cha mẹ tương lai, và khi thấy cha mẹ hành dục thì cũng khởi tâm dâm dục. Nếu tái sinh làm con trai thì thần thức ưa thích người mẹ, muốn nhảy vào chỗ của người cha và liền bất tỉnh nhập thai. Nếu tái sinh làm con gái thì thần thức ưa thích người cha, muốn nhảy vào chỗ người mẹ và liền bất tỉnh nhập thai. Khởi đầu của sự tái sinh là sự hành dục của cha mẹ, (cho ra tinh cha huyết mẹ), cộng với tâm dâm dục của thần thức (hay Trung ấm thân), cho nên khi sinh ra ai cũng có chủng tử dâm dục trong tâm, không nhiều thì ít. 

Ngày nào còn thích ái dục, dâm dục thì ngày đó tâm còn mắc kẹt vào xác thân vật chất, và làm nô lệ cho cảm thọ, cảm giác. Muốn giải thoát mà tâm cứ thích ở trong tù (sắc) và làm nô lệ (thọ) thì làm sao giải thoát?

Hàng Phật tử tại gia nghe tới đây chắc không khỏi phân vân, như vậy thì phải làm sao đây? Phảy từ bỏ việc chăn gối vợ chồng sao? Trên đây là nói về phương diện chân đế. Trên tục đế, người cư sĩ hãy còn gia đình nên không bắt buộc phải sống như người xuất gia. Chỉ cần giữ đúng giới không tà dâm, và tập xả bỏ tâm dâm dục là tốt lắm rồi. Nhờ công phu tu hành, tâm chuyển thì nghiệp sẽ chuyển. Từ từ cả hai vợ chồng cùng học đạo, hiểu đạo, và trở thành bạn đạo, khuyến khích nhau tu hành để cùng giải thoát sinh tử, khổ đau, giống như vợ chồng ngài Ma Ha Ca Diếp khi xưa, cả hai cùng xuất gia tu hành và chứng A-la- hán.

Làm sao từ bỏ ái dục?

Quán bất tịnh

Để từ bỏ ái dục, các kinh sách thường dạy quán về sự bất tịnh của thân thể, bởi vì đối tượng của ái dục là thân hình sắc đẹp. Đàn ông, đàn bà say mê thân hình và sắc đẹp của nhau, rồi từ đó tâm dục phát sinh, hai căn nam nữ bị kích thích, tinh dịch chảy ra và đưa đến sự hành dục. Khi còn thấy thân thể mình và người kia là đẹp và hấp dẫn thì tâm rất dễ khởi dục. Muốn đối trị tâm dục thì phải quán chiếu thấy được sự nhơ nhớp, tanh hôi, thối tha bên trong và bên ngoài của thân thể, như máu, mủ, đờm, dãi, phân, tiểu, gân, xương, thịt, mỡ, ruột non, ruột già, v.v... 

Một người thật đẹp mà nếu không tắm rửa vài ngày thì thân thể sẽ toát ra mùi hôi. Nếu không súc miệng, đánh răng thì mở miệng ra ai nấy đều tránh xa. Mắt, tai, mũi, miệng, đường tiểu và hậu môn là những nơi tiết ra những thứ dơ bẩn, tanh hôi. 

Có thấy rõ được sự bất tịnh nơi thân mình và thân người khác phái thì tâm mới nhàm chán, xa lìa sắc dục. Thời xưa các thầy tỳ kheo phải đi vào những bãi tha ma (thi lâm) để quán các xác chết sình thúi và tan rữa. Nhờ mục kích trực tiếp sự bất tịnh nên lòng dục được nguội lạnh dễ dàng. Còn thời nay khó tìm đâu ra những xác chết để quán chiếu, vì thế nên phép quán bất tịnh tương đối khó thành tựu. Nhưng nếu quyết tâm từ bỏ ái dục thì vẫn quán chiếu được.

Quán biệt tướng

Đa số người ta bị thu hút bởi sắc đẹp vì chỉ nhìn thấy tổng tướng bề ngoài như dáng điệu, mặt mũi, chân tay, mông ngực, da thịt, mà không nhìn thấy được biệt tướng và ẩn tướng bên trong cơ thể. Khi nhìn tổng tướng thì dễ bị mê hoặc, vì thế đức Phật dạy chúng ta tập quán thấy biệt tướng của các pháp. Thí dụ cái gọi là “một” con người thì Phật dạy chúng ta tập thấy đó là danh sắc, tứ đại, ngũ uẩn Thí dụ cái gọi là “tâm” thì đó không phải là “một” tâm mà là tám thức, 51 tâm sở. Thí dụ khi nhìn thấy một người “đẹp” thì hãy ghi nhận đây là một chúng sinh, hoặc một ngũ uẩn và đừng chú tâm vào cái “đẹp”, bởi vì đẹp chỉ là một khái niệm chủ quan của tâm thức gán vào đối tượng.

Tu theo đạo Phật là học và tập nhìn sự vật một cách khác, thoát ra ngoài nhãn quan thường tình thế gian và đi ngược dòng đời. Thế gian thấy đời là vui, đạo Phật thấy đời là bể khổ. Thế gian thấy đời là thường, đạo Phật thấy nó vô thường. Thế nhân thấy có Ta thì Phật dạy không có Ta (vô ngã). Người đời thấy các nữ minh tinh điện ảnh là tuyệt sắc giai nhân thì kinh lại bảo đó là những túi da hôi thúi (xú bì nang) bên trong chứa đầy máu mủ, phân tiểu tanh hôi. Người đời thấy tình yêu là hạnh phúc thì người tu thấy đó là giây oan, v.v...

Đây là tích chuyện của trưởng lão Mahatissa chuyên quán về bộ xương.

Một hôm nọ ngài Mahtissa rời khỏi nơi ẩn cư trong rừng để vào làng khất thực. Trên đường đi, ngài gặp một thiếu phụ đang bỏ nhà ra đi sau khi gây gổ với chồng. Nhìn thấy trưởng lão, tình ái trong người nàng bộc phát và nhoẻn miệng cười một cách đầy quyến rũ. Khi thấy nàng, trưởng lão không chú ý đến toàn thân mà chỉ chú ý đến hàm răng của nàng. Bởi vì trong lúc đi khất thực, ngài vẫn chuyên tâm quán niệm về đề mục xương, nên toàn thân của nàng đối với ngài chỉ là một bộ xương không hơn không kém. Ngài tập trung vào ấn tướng này và đắc định, chứng quả A-la-hán. Trưởng lão tiếp tục đi khất thực, và trên đường đi ngài gặp chồng của nàng. Người đàn ông hỏi ngài có thấy một người đàn bà diện mạo như thế, như thế không? Trưởng lão đáp rằng ngài có thấy một người, nhưng không biết đó là đàn ông hay đàn bà. Tất cả những gì ngài thấy được chỉ là một bộ xương đang đi thôi.

Cái mà ngài trông thấy thật ra là hàm răng của người đàn bà, nhưng nhờ tâm quán hay quán lực của ngài đã chuyển ấn tướng này vào toàn thân của nàng thành hình ảnh một bộ xương. Nhờ vậy mà tâm của ngài không khởi lên một chút dục vọng nào hết.

Quán vô ngã và chân tâm

Phép quán bất tịnh là quán về đối tượng bên ngoài, nhưng nhiều khi không hiệu nghiệm vì sức quán còn yếu, không đủ mạnh để thấy rõ những thứ bất tịnh. Ngoài ra nếu lòng dục còn mạnh thì nhiều khi biết là bất tịnh nhưng không cưỡng lại nổi sự cám dỗ, do đó cần phải diệt trừ lòng dục bên trong bằng cách quán chiếu về vô ngã và chân tâm.

Vì tâm mê tự cho mình là thân xác, nên mới thèm khát, thích thú thân xác người khác để hành dục, để tìm cảm thọ lạc. Nay tâm nhớ lại mình không phải là thân xác này thì sẽ ngừng lại, không chạy theo sự đòi hỏi của xác thịt.

Tâm (hay chân tâm) bổn tánh vốn tự thanh tịnh, vắng lặng, đầy đủ, vậy cái gì muốn dục??? Cái muốn dục chỉ là một tập khí vô minh của vọng tâm, lăn lộn trong sinh tử, hòa nhập và lún sâu vào vật chất, tưởng mình là xác thịt.

Mỗi khi bị lòng dục cám dỗ, bên ngoài bạn hãy quán thân bất tịnh hay biệt tướng, và bên trong tự hỏi Ai muốn dục? Rồi xoay cái nhìn trở vào bên trong để tìm cái Ai đó. Tìm một hồi thì cái “Ai muốn dục” đó sẽ tan biến. Vì nó chỉ là một vọng tưởng khởi lên dẫn tâm tạo nghiệp, nhưng nếu tỉnh thức quay lại nhìn thì nó biến mất. Nếu không nhìn được cái Ai đó thì nhớ đừng cho ta là thân. Vì cho ta là thân nên mới chạy theo dục.

Quán sự tai hại của sắc dục

Ngoài ra bạn có thể quán thêm về sự tai hại của sắc dục như liếm mật trên lưỡi dao, như khát uống nước muối, như chó gặm xương khô. Có người dùng dao nhúng vào lọ mật để lấy ra phết vào bánh mì, phết xong trên con dao còn dính lại chút mật, đứa con nít khờ dại thè lưỡi ra liếm chỗ mật đó. Mật tuy ngon ngọt nhưng vừa liếm xong là đứt lưỡi. Vị ngọt hưởng chưa tới một giây mà bị đau đứt lưỡi. Người đi trên biển, khát nước bèn múc nước biển mà uống, nước biển là nước muối nên càng uống càng khát, càng khát lại càng múc uống tiếp, uống tới khô cổ mà chết. Có người đồ tể vứt cho con chó một khúc xương khô, không còn dính chút thịt nào, nhưng con chó không biết, cố gặm tới gặm lui, rách răng chảy máu, rồi nó tưởng máu đó từ miếng xương khô mà ra nên ráng gặm nữa, càng gặm càng đói, càng thèm, càng chảy máu răng. Sắc dục cũng như vậy, không bao giờ vừa đủ, càng hành dục thì lòng dục càng tăng trưởng, (huân tập các chủng tử dục vào A-lại-da thức), càng thích thú, càng thèm khát tìm kiếm, nhiều khi rơi vào tội lỗi tà dâm, hoặc hiếp dâm. Hậu quả hiện đời là gia đình tan nát, hoặc bị tù tội, xử tử. Hậu quả đời sau đọa địa ngục hoặc tái sinh làm thú vật để thỏa mãn thú tánh.

Trong tâm con người có Phật tánh và thú tánh. Thú tánh càng nhiều thì Phật tánh càng mờ. Thú tánh giảm bớt thì Phật tánh mới có thể hiển lộ. Ham mê sắc dục thì tâm bị lún sâu vào sình lầy vật chất, tăng cường thú tánh, quên mất Phật tánh. Vì vậy nếu muốn giải thoát thì phải từ bỏ ái dục, sắc dục, dâm dục.

Quán chiếu

Bạn đọc vừa được giới thiệu bốn phép quán để từ bỏ ái dục, trong đó cái nào cũng có chữ quán, nói cho đủ là quán chiếu. Quán chiếu là một phương pháp rất quan trọng trong đạo Phật. Nó là một chìa khóa khai mở trí tuệ, chiếu phá vô minh. Nếu chỉ niệm (ghi nhận) hay chánh niệm suông thì không đủ để giác ngộ giải thoát. 

Thế nào là quán chiếu? Quán là quan sát, theo dõi, nhìn cho kỹ. Chiếu là nương vào một đề mục (hay công án) để nhìn đối tượng. Quán chiếu không phải là quan sát suông, mà là quan sát đối tượng dưới một góc độ đặc biệt để tìm ra tính chất của nó. Thí dụ quán chiếu về vô thường, tức là nhìn và quan sát sự vật để thấy được tính cách vô thường của chúng.

Quán chiếu cần phải được thực tập liên tục cho đến khi thành công. Quán chiếu giống như đưa một chương trình (program) mới vào trong tâm hay A-lại-da thức.

Từ xưa đến nay program “dục” được cài đặt trong tâm, nên mỗi khi sáu căn tiếp xúc sáu trần thì chương trình này tự động nhảy ra làm việc (autorun).  Biết được như thế, bây giờ chúng ta phải ngăn chận nó, không cho nó chạy tiếp và đồng thời tạo ra một chương trình đối lập bằng bốn cách quán ở trên. Khi những program mới tự động nhảy ra một mình thì xem như việc quán chiếu thành công.

Thí dụ trường hợp của ngài Mahatissa ở trên. Ngài đã quán thuần thục về bộ xương, nên khi vừa thấy người đàn bà nhe răng cười, ngài liền thấy ngay toàn thân nàng là một bộ xương. Còn nếu gặp người có sẵn chương trình dục trong tâm thì sẽ thấy người đàn bà là miếng mồi béo bở.

Con đường trở về  

Tâm bất giác vô minh tạo ra cái Ta và năm uẩn, quên mất bổn tánh thanh tịnh, say mê đắm đuối chấp ngã, chấp vào năm uẩn, để rồi lạc lối trong sinh tử muôn kiếp ngàn đời, không có ngày ra. Muốn trở về thì tâm phải xả bỏ, không chấp vào Ta và năm uẩn. Muốn hết chấp Ta thì phải tu vô ngã, đây là con đường chính thống của Phật giáo Nguyên thủy nói riêng và của Phật giáo nói chung. Riêng với Đại thừa Phật giáo thì mục tiêu chính là thành Phật, tức là trở về chân tâm, hay tánh giác. Hai mục đích có vẻ khác nhau, nhưng tu vô ngã cũng chính là trở về chân tâm, bởi vì chân tâm không có ngã, ngã chỉ là một vọng tưởng của tâm. Phật giáo Nguyên thủy nhấn mạnh về vô ngã, còn Đại thừa nhấn mạnh về chân tâm. 

Nhiều người muốn trở về chân tâm, Phật tánh, bổn lai diện mục nhưng không biết tu vô ngã. Tu vô ngã, dẹp trừ được sự chấp ngã chừng nào thì tiến dần về chân tâm chừng nấy. Không tu học vô ngã, lỡ ai đụng vào cái ngã, thì cái Ta nổi sân lên, không sân thì buồn, không buồn thì bực. Bị phiền não sai sử như vậy thì làm sao thấy được chân tâm?

Diệt trừ được ngã chấp thì phiền não không khởi, tâm trở thành thanh tịnh sáng suốt. Một tâm thanh tịnh vô ngã thì gọi là tâm gì? Đó không phải là chân tâm hay sao? Chân tâm là tâm thanh tịnh, không phiền não, không còn bóng dáng của bản ngã. Khi hết mây đen thì bầu trời tự nhiên sáng. Nếu muốn trời trong mà không dẹp mây thì đến bao giờ trời mới sáng?

Tu Vô Ngã hay Tánh Không?

Nhiều người thích học Tánh Không (bát nhã), vì nghĩ đó là một triết lý cao siêu của đạo Phật và không để ý tới vấn đề tu tập vô ngã. Họ bàn luận xem các pháp có hay không, cái bàn, cái ghế có thật hay không có thật, v.v... Nhưng cái bàn có hay không, điều này không quan trọng. Điều quan trọng là cái bàn đối với tôi ra sao? Tôi có ưa thích cái bàn không? Sự vật hay các pháp có thật hay giả không thành vấn đề, vấn đề là tâm tôi phản ứng như thế nào khi tôi tiếp xúc với sự vật. Tôi có ưa thích và ghét bỏ sự vật hay không?

Khi tiếp xúc với sự vật, con người có khuynh hướng phóng ra ngoài để nắm bắt nó qua sự ưa và ghét. Khi mắt thấy sắc đẹp thì cái Ta ưa thích, muốn có cho bằng được, như vợ đẹp, nhà đẹp, xe đẹp, nữ trang đẹp, v.v... Khi mắt thấy cái gì xấu hay không vừa lòng thì Ta ghét bỏ hoặc nổi sân lên. Khi tai nghe âm thanh êm dịu, thoải mái thì Ta muốn nghe hoài. Khi nghe tiếng khó chịu, chê bai, chỉ trích thì Ta tức giận, bịt tai, bỏ đi chỗ khác.

Do vì không biết bản chất thật sự (thật tánh) của các pháp nên tâm mới chạy theo và phản ứng bằng thái độ ưa ghét. Để hóa giải vấn đề này, giáo lý Tánh Không dạy rằng các pháp (lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều không có thật tánh, chỉ do duyên hợp mà hiện hữu. Nhờ biết các pháp và sự vật không có thật nên Ta sẽ bớt bám víu vào nó. Đây là tu theo Tánh Không. Tu theo cách này là lấy sự vật và các pháp bên ngoài làm đối tượng quán chiếu.

Có cách tu thứ hai là nhìn thẳng vào bên trong tâm mình, quán chiếu thấy rõ không có gì là Ta, là của Ta. Theo cách tu này thì sự vật bên ngoài trở thành thứ yếu, cái bàn có hay không, thật hay giả không thành vấn đề vì không ăn nhằm gì đến cái Ta cả. Nhờ vậy tâm trở về yên lặng. Vấn đề quan trọng ở đây là có làm chủ được tâm hay không? Hay là để tâm vọng động phóng ra ngoài bám víu vào những thứ Ta ưa thích.

Vì thế, trước khi nói các pháp là có hay không thì hãy nên tìm xem cái Ta có hay không? Vì nếu cái Ta có thì chắc chắn các pháp phải có. Khi lỡ thấy cái Ta là “có” rồi thì cố gắng nói các pháp “không có thật” hay “có giả” cũng chỉ là gượng nói, vì cả hai (không có thật và có giả) đều có chữ “có”. Nhiều người học Tánh Không, biết cái bàn không có thật, nhưng vẫn thích cái bàn vì nó có giả. Biết danh lợi là huyễn mộng, không thật nhưng vẫn thích làm chùa to, tượng lớn để người đời biết đến mình. Biết sắc đẹp không có thật, nhưng vẫn thấy hấp dẫn và say mê, giống như ai cũng biết phim ảnh, xi nê là giả nhưng vẫn thích đi xem xi nê. Biết xe hơi không có thật, nhưng mắt vẫn thấy nó đẹp và thích mua xe hạng sang.  

Học Tánh Không mà không học Vô Ngã thì thiếu căn bản.  Khi cái ngã (Ta) chưa trừ thì dù có giảng nói các pháp không có tự tánh, hay không có thật chăng nữa, tâm vẫn thấy các pháp là có thật và dính mắc vào ưa ghét. Vì vậy khi quán chiếu về Tánh Không thì trước hết cần phải quán về Ngã Không cho thuần thục rồi sau đó mới tới Pháp Không. 

Tu tập vô ngã

Tu tập vô ngã có hai cách:

1) Thuần phủ định.

2) Phủ định và xác định.

Phương pháp thứ nhất, thuần phủ định, đó là tu vô ngã theo truyền thống Nguyên thủy. Chỉ cần phủ định, không chấp nhận năm uẩn là ngã (Ta). Phương pháp thường được áp dụng là Thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthana), hay Minh Sát Tuệ (Vipassana).

Phương pháp thứ hai là đưa tâm trở về tự tánh hay bổn tánh của nó, dạy cho nó biết nó không phải là năm uẩn mà là chân tâm thanh tịnh. Khi tâm trở về bổn tánh thì cái ngã (Ta) tự động tan biến. Đây là con đường của Thiền tông, của kinh Lăng Nghiêm, Kim Cang, Viên Giác, Pháp Bảo Đàn, v.v...

Thiền Tứ Niệm Xứ

Đây là phương pháp thiền căn bản của Phật giáo Nam tông, nó xuất xứ từ kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipatthana sutta) là kinh thứ 22 của Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) và kinh Niệm Xứ (Satipatthana sutta) là kinh thứ 10 của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Nội dung của hai kinh này hoàn toàn giống nhau.

Tứ Niệm Xứ là bốn lãnh vực (xứ) quán niệm gồm: thân, thọ, tâm và pháp.

Kinh Niệm Xứ định nghĩa bốn phép quán niệm như sau:

1) Quán niệm thân thể nơi thân thể, tinh chuyên và ý thức rõ ràng về thân thể, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời.

2) Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ, tinh chuyên và ý thức rõ ràng về cảm thọ, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời.

3) Quán niệm tâm thức nơi tâm thức, tinh chuyên và ý thức rõ ràng về tâm thức, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời.

4) Quán niệm các pháp nơi các pháp, tinh chuyên và ý thức rõ ràng về các pháp, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời.

Quán niệm (sati) có nghĩa là tỉnh thức chú tâm quan sát và ghi nhận.

Khi chú tâm quan sát ghi nhận thân thể và những gì liên quan đến thân thể như hít thở, đi đứng, hành động, tứ đại, nội thân bất tịnh, hay xác chết thì gọi là niệm thân.

Khi chú tâm quan sát ghi nhận những cảm thọ sướng, khổ sinh diệt ra sao thì gọi là niệm thọ.

Khi chú tâm ghi nhận và quan sát những trạng thái tâm thức (như tham, sân, si, có khởi lên hay không) thì gọi là niệm tâm.

Khi chú tâm quan sát ghi nhận các pháp đối tượng của tâm gồm ngũ cái, ngũ uẩn, lục căn, lục trần, thất giác chi, tứ thánh đế, thì gọi là niệm pháp.

Hướng tâm quán niệm bốn lãnh vực trên để làm gì? Để thấy được tính chất vô thường, vô ngã của các pháp, để chế ngự tham dục và ưu tư trong cuộc đời, để thoát khỏi khổ đau phiền não. Khi quán niệm với mục đích như thế thì được gọi là chánh niệm (samma-sati).

Dưới đây là vài thí dụ cụ thể tu tập Tứ Niệm Xứ.

1/ Niệm thân

Bình thường khi đi, đứng, cử động, ai nấy đều cho rằng Ta (mình) đi, đứng, cử động. Nhưng nay, mỗi khi đi, hành giả nên niệm (ghi nhận): “Đi, có sự đi” hoặc “chân, bước” hoặc “bước, bước, bước”. Ban đầu bạn có thể không để ý, nhưng sau một thời gian thực tập, bạn sẽ trực tiếp nhận ra chỉ có sự đi là một thực tại, trong đó không có Ai đang đi, không có Ta (Tôi) đang đi! Vì sao thế? Vì đó là một động tác vô chủ, là sự phối hợp chuyển động của thân và tâm. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy trong động tác đi đó, khởi đầu bằng một ý niệm “muốn đi”, và ý niệm này tác động vào thân khiến chân nhúc nhích, di chuyển. Sự phối hợp giữa tâm (ý niệm muốn đi) và thân (chân) tạo ra sự đi. Do đó sự đi vô chủ, không có một ai đi cả! Nếu thấy có cái Ta đang đi thì cái Ta đó ở đâu? Cái Ta đó chỉ là một ảo tưởng của tâm bịa đặt ra rồi gán vào sự đi một tác giả.

2/ Niệm thọ

Khi ngồi thiền lâu, bỗng nhiên cảm thấy đau nhức nơi chân thì bạn ghi nhận: “Có cảm giác đau nơi chân” hoặc “Đau, đau, đau”. Bạn không nên niệm: “Tôi đau chân, hoặc chân tôi đau”. Vì sao? Vì thực tế không có một cái Tôi nào đau chân, và cũng không có cái chân nào là của Tôi!

“Không có Tôi đau chân” vậy Ai đau chân? Không có ai đau chân cả! Chỉ có một cảm giác đau đang phát sinh nơi chân và một cái tâm đang ghi nhận mà thôi!

Khi cảm giác đau phát sinh, nó sẽ trải qua bốn giai đoạn: phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, tan biến. Nếu bạn vững tâm kiên nhẫn quán sát thì sẽ thấy nó đau hơn, rồi từ từ dịu dần và tan biến. Thấy được vậy tức là chứng nghiệm được tính chất vô thường của cảm thọ. Nhưng nếu bạn không chịu nổi cơn đau thì cứ nhẹ nhàng gỡ chân ra hoặc thay đổi tư thế. Điều chính yếu là đừng nhận cảm thọ là Ta (mình, tôi).

3/ Niệm tâm

Trong lúc hành thiền, nếu có một ý niệm nhớ tưởng khởi lên, bạn phải tỉnh giác ghi nhận liền: “Có một ý niệm nhớ tưởng đang khởi lên” hoặc “Có sự nhớ” hoặc “Nhớ, nhớ, nhớ”. Sau khi niệm xong bạn phải chú ý xem ý niệm đó còn hay tan biến. Nếu còn thì bạn tiếp tục ghi nhận sự diễn tiến của nó. Trong sự ghi nhận này không có một cái Ta nào tưởng nhớ và cũng không có Ai tưởng nhớ. Chỉ có một ý niệm nhớ tưởng vừa khởi lên trong tâm mà thôi. 

Với người chưa quen tu tập chánh niệm, theo dõi tâm ý thì khi nhớ tưởng ai hay sự vật gì thì họ cho Ta (mình) là người nhớ tưởng, và chạy theo đối tượng nhớ tưởng. Thí dụ ngồi nhớ tới chồng con, thì hình ảnh chồng con hiện ra trong tâm. Rồi tình cảm khởi lên tiếp theo, và những hình ảnh đó trở nên linh động, lôi cuốn cái Ta vào thương nhớ, giận hờn, v.v...

4/ Niệm pháp

Đang ngồi thiền, bỗng nhiên bên ngoài có tiếng động như tiếng xe hơi, hay tiếng nói chuyện ồn ào, lúc đó hành giả niệm: “Nghe, nghe, nghe” (đó là nương theo nhĩ căn) hoặc niệm: “Có tiếng động” (đó là nương theo thanh trần). Đừng chạy ra nghe xem đó là tiếng gì, tiếng của ai. 

Ngoài giờ ngồi thiền, nếu bị ai mắng chửi thì bạn cũng niệm như trên: “Nghe, nghe, nghe” hoặc “Có âm thanh”.

Có những người nghe dạy là phải niệm thường xuyên, lúc nào cũng phải niệm, cho nên họ niệm như cái máy, lập đi lập lại: đi, đi, đi; đau, đau, đau; nhớ, nhớ, nhớ; nghe, nghe, nghe, v.v... Niệm mà tâm không chú ý vào hành động, cảm thọ, tâm tưởng. Thấy có vẻ niệm đó, nhưng không phải là chánh niệm, vì không có sự tỉnh giác, theo dõi, ghi nhận và biết rằng có sự việc đó đang xảy ra. 

Tu tập đúng đắn Tứ Niệm Xứ, hành giả sẽ có cái nhìn khách quan, không dính mắc đối với sự vật. Không còn cho thân là Ta nên không nâng niu, ái nhiễm nó nữa. Không còn cho những cảm thọ là Ta nên không chạy theo khoái lạc, cũng không xua đuổi khổ thọ. Không còn lầm cho những ý niệm, tư tưởng, suy nghĩ là Ta nên không bị tham, sân, si, vui, buồn, tủi, nhục chi phối. Không còn cho các pháp là của Ta, liên quan đến Ta nên không bám víu, thủ xả, ưa ghét. Nhờ vậy hành giả sống an nhiên tự tại, vượt thoát khỏi tham dục, ưu tư của cuộc đời.

Tứ Niệm Xứ và kinh Vô Ngã Tướng

Cứu cánh của Thiền Tứ Niệm Xứ là chứng ngộ được ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn và các pháp. Chứng ngộ vô ngã là chứng quả A-la-hán, giải thoát sinh tử, đạt được Niết bàn. Nếu chưa chứng quả thì ít ra cũng giảm trừ được rất nhiều phiền não khổ đau do cái ngã gây nên. 

Thông thường khi hành thiền Tứ Niệm Xứ, các thiền sinh không được dạy hay tiết lộ gì về vô ngã, bởi vì các thiền sư muốn để thiền sinh phát triển chánh niệm rồi tự chứng nghiệm lấy một mình, phải thấy rõ tiến trình vô thường, khổ, xảy ra trong từng sát na. Thiền sinh phải trình pháp thường xuyên để được hướng dẫn tiếp. Đây là một điều tốt, nó tránh cho hành giả rơi vào suy luận kiến thức. Khi biết hay thấy được điều gì thì đó là do thực hành chứ không phải do đọc sách hay nghiên cứu mà biết. Đây là phương pháp tiệm tu đốn ngộ, cứ chăm chỉ tu hành thì sẽ chứng nghiệm được vô ngã. Vô ngã là cứu cánh, hành thiền (chánh niệm) là phương tiện.

Tuy nhiên bạn cũng có thể dùng ngay vô ngã làm phương tiện quán chiếu, đó là áp dụng kinh Vô Ngã Tướng vào việc tu tập. Bạn chỉ cần hiểu rõ lý vô ngã và học thuộc lòng mấy câu của đức Phật đã dạy trong kinh đem ra áp dụng vào đời sống hàng ngày. 

Mỗi khi nhìn vào thân thì tự nhủ: thân này không phải là Ta, là của Ta.  

Mỗi khi có cảm thọ vui buồn, thương ghét, giận hờn thì tự nhủ: cảm thọ này không phải là Ta, là của Ta. 

Mỗi khi tưởng nhớ cái gì thì tự giác nói: cái tưởng này không phải là Ta, là của Ta. Nếu nó cứ trở lại hoài thì mời nó đi chơi chỗ khác.

Mỗi khi suy nghĩ điều gì thì phải tỉnh giác nhận ra: những ý nghĩ này không phải là Ta, là của Ta.

Mỗi khi nhận thức, phân biệt điều gì thì tự nhắc: sự nhận thức này không phải là Ta, là của Ta.

Đây có thể được xem như là đốn ngộ tiệm tu, tức là ngộ lý vô ngã rồi đem ra áp dụng tu hành, cho đến khi tư tưởng vô ngã thấm nhuần trong tâm, nhìn vào năm uẩn liền thấy đó không phải là Ta, là của Ta. 

Nhưng tôi khuyên bạn đừng vội ham chữ “đốn ngộ” tiệm tu, vì đốn ngộ ở đây không giống như của Thiền tông, vì đốn ngộ của Thiền tông là nhận ra bổn tánh, không phải do ý thức mà được. Đốn ngộ ở đây chỉ là hiểu và chấp nhận lý vô ngã rồi đem ra áp dụng tu hành ngay từ đầu, không cần phải hành thiền một thời gian rồi mới nhận ra nó.

Cách tốt nhất là phối hợp cả hai kinh Tứ Niệm Xứ và Vô Ngã Tướng vào việc tu hành. Lý thì biết là vô ngã, nhưng sự thì phải hành thiền để chứng nghiệm, thấy rõ trực tiếp thế nào vô ngã. Ngay cả sau khi trực nghiệm được vô ngã cũng chưa phải là xong, bởi vì tập khí chấp ngã còn dầy, sức vô ngã rất yếu nên phải tiếp tục tu hành cho đến khi chứng quả A-la-hán mới gọi là xong.

Trong lúc tu tập vô ngã, bạn nên tránh dùng chữ Ta và của Ta, mặc dù nó là quy ước tục đế. Chỉ trừ khi nào bất đắc dĩ phải nói chuyện với người khác, nhất là người không hiểu biết gì về vô ngã thì mới dùng chữ Ta (tôi) và của Ta. Thí dụ trong một khóa tu về Vô Ngã, mọi người đã được học hiểu chút ít về vô ngã, khi bạn cần uống nước thì có thể nói: xin anh, chị cho (cái thân này) một ly nước, thay vì nói xin cho tôi một ly nước. Khi muốn đi ngủ thì nói: cái thân tứ đại này mệt cần đi ngủ, thay vì nói tôi muốn đi ngủ. Khi bực mình ai thì nói: cái tâm này đang bực, thay vì nói tôi bực. Khi nói về nhà cửa của mình thì nói: cái nhà của thân tứ đại này. Khi nói về cá nhân mình hay người khác thì dùng chữ ngũ uẩn: ngũ uẩn (tên A) này cần nói chuyện với ngũ uẩn B, C, D.

Sau khi quán chiếu thuần thục vô ngã, bạn có thể dùng chữ “Ai?” để làm phương tiện nhắc nhở mỗi khi bị phiền não quấy nhiễu. Thí dụ khi cơn giận nổi lên liền hỏi: “Ai đang tức giận?”, “Không có Ta thì Ai tức đây?” Hãy nhìn thẳng vào cái Ai đó xem nó là ai? Ở đâu? Trong thân hay tâm? Nhìn kỹ một hồi thì nó sẽ biến mất. Bởi vì không có ai tức, chỉ có một ý niệm sân vừa khởi lên trong tâm mà thôi. Nếu không nhận ra nó (niệm sân) thì nó liền trở thành Ta, tâm bám vào niệm sân rồi tưởng là Ta sân. Bạn hãy áp dụng ngay kinh Vô Ngã Tướng: “Cơn giận này không phải là Ta, là của Ta”, “Cái buồn này không phải là Ta, là của Ta”, “Cái ghét này không phải là Ta, là của Ta”, chúng chỉ là những ý niệm (tâm sở) khởi lên một thoáng giây rồi tiêu tan, như những đám mây trên bầu trời.

Chánh niệm

Chúng ta thường nghe rất nhiều về chữ chánh niệm, nhưng cần phân biệt giữa niệm, chánh niệm, và tà niệm. 

Trước hết niệm là gì? Niệm (sati) có nghĩa là nhớ (memory), để ý ghi nhận (notice), và tỉnh thức (mindfulness).

“Niệm là nguồn năng lượng giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại trong thân, tâm và hoàn cảnh. Những điều này nhiều lắm, ta không thể nhận diện được tất cả một lượt. Nhưng ta có thể nhận diện những gì nổi bật nhất, hoặc điều mà ta cần nhận diện. Nếu ta để ý tới hơi thở vào ra và nhận diện được đấy là hơi thở vào ra, đó gọi là phép niệm hơi thở... nếu đang giận mà ta có ý thức được là ta đang giận, đó gọi là niệm cơn giận”.

Nói đơn giản, niệm là tỉnh thức ghi nhận, ý thức được những gì đang xảy ra trong hiện tại.

Nhưng niệm suông, ghi nhận suông, đang làm gì biết mình đang làm cái đó, chưa hẳn là chánh niệm. Đang giận biết là mình đang giận chưa hẳn là chánh niệm. Nhiều người lầm tưởng niệm là chánh niệm, hoặc chỉ cần an trú trong hiện tại là chánh niệm, hoặc cứ thưởng thức (enjoy) những gì mình đang có là chánh niệm.

Một người đang ăn cắp đồ, biết rõ là mình đang ăn cắp và chú tâm làm việc ăn cắp một cách rất “tỉnh thức” để không bị bắt. Như vậy người ăn cắp này có chánh niệm hay không? 

Niệm có chánh và tà. Niệm là một tâm sở trong năm tâm sở biệt cảnh (dục, thắng giải, niệm, định, huệ). Tự nó đứng một mình chưa đủ để gọi là chánh niệm. Niệm được dùng như thế nào, với mục đích gì, và đối tượng của nó là tà hay chánh? Nếu chỉ ghi nhận suông, hoặc ý thức an trú trong hiện tại, đó mới chỉ là niệm chứ chưa phải là chánh niệm, nhiều khi có thể là tà niệm.

Niệm cần phải đi chung với giới (sila), chánh kiến (samma-ditthi) và chánh tư duy (samma-sankappa) mới được xem là chánh niệm (samma-sati). 

Khi tâm có đề mục thiền quán, hoặc có đối tượng “chân chính” để an trụ như bốn niệm xứ nhằm mục đích kiểm soát và chế ngự tham dục, phiền não thì đó mới gọi là chánh niệm. 

Thí dụ: lặt rau, làm bếp là công việc vô hại, không phạm giới, cho nên khi làm việc này tôi chú tâm vào đó, không để cho tâm suy nghĩ mông lung, bậy bạ. Đây có thể gọi là chánh niệm. Nếu tâm phóng đi thì tôi kéo nó trở lại việc lặt rau làm bếp. 

Khi ngồi thiền theo dõi hơi thở, “hơi thở ra vô” trở thành đối tượng của tâm. Tâm luôn theo dõi và ghi nhận hơi thở, để đừng tưởng nhớ, lo âu về quá khứ tương lai. Đây gọi là chánh niệm. 

Nhưng khi đang ăn cắp mà tôi tập trung tâm ý vào việc ăn cắp, biết rõ là tôi đang ăn cắp, và ăn cắp những thứ gì.  Cái này không phải là chánh niệm mặc dù tâm có mặt trong hiện tại và đang tỉnh thức ghi nhận, vì hành động mà tôi đang làm là phạm giới, là tà nghiệp. Sự “an trú trong hiện tại” này không còn là chánh niệm nữa mà là tà niệm. Không thể có sự ăn cắp trong chánh niệm được.

Khi tức giận ai, tôi chửi và biết là mình đang chửi những gì, chửi rất bình tĩnh khéo léo (chửi xéo). Sự bình tĩnh, tỉnh thức biết là mình đang chửi này không phải là chánh niệm, bởi vì hành động chửi là tà ngữ.

Cho nên tỉnh thức biết những gì đang xảy ra trong hiện tại chưa đủ để gọi là chánh niệm. Đang giận mà biết là mình đang giận và muốn chửi lại cho đã nư, không phải là chánh niệm. Đang giận, biết là mình đang giận và biết là không nên chửi hay đánh đá người ta mà cần phải từ bi hóa giải, đó mới là chánh niệm. Bởi vì nó kèm theo chánh kiến và chánh tư duy.  

Đang làm gì và biết là mình đang làm cái đó chưa phải là chánh niệm, vì cái mình đang làm đó thuộc về chánh nghiệp hay tà nghiệp? Nếu là tà nghiệp thì không thể gọi là chánh niệm. Không thể nói cắt cổ gà trong chánh niệm được.

Trong những khóa thiền Minh Sát, thiền sinh sống theo giới luật và nội quy và được thiền sư hướng dẫn trực tiếp cho nên khi thực hành theo dõi, quán sát, chú niệm mọi cử chỉ hành động đều là chánh niệm.

Niệm cần phải có ít nhất là giới, chánh kiến và chánh tư duy đi cùng thì mới gọi là chánh niệm. Giới bao gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Chữ niệm trong kinh Niệm Xứ có mục đích rõ ràng là chế ngự tham dục và phiền não để đạt đến chánh trí, giải thoát. Ngoài kinh Niệm Xứ ra, trong kinh Phân Tích, đức Phật có định nghĩa rõ về chánh niệm như sau:

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ- kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm.

Còn lặt rau mà chú tâm trong việc lặt rau, rửa chén chú tâm trong việc rửa chén, đây chỉ là an trú trong hiện tại, có thể tạm gọi là chánh niệm, bởi vì nó chế ngự tâm, không cho tâm suy nghĩ vọng tưởng, lo âu, phiền não, nhưng chưa đủ để phát sinh trí tuệ đưa đến giải thoát sinh tử.

Trên đây là nói về niệm theo thiền quán. Người tu Tịnh Độ cũng có niệm, đó là niệm Phật. Niệm Phật có nghĩa là nhớ tưởng đến Phật. Đức Phật A Di Đà là đối tượng của sự tu hành, của sự hướng tâm. Khi chú tâm và cột tâm nhớ đến Phật đó cũng là chánh niệm. Khi phóng tâm nghĩ tới chuyện gì khác thì gọi là thất niệm (mất chánh niệm). Tuy nhiên có nhiều người miệng niệm Phật mà tâm không nhớ tới Phật, lại chú tâm vào xâu chuỗi, hoặc chú tâm vào âm thanh, hoặc niệm liên hồi như cái máy theo kiểu nhồi sọ đến nỗi tiếng niệm Phật cứ chạy mòng mòng trong đầu làm cho mất ngủ. Họ tưởng niệm Phật như vậy là đúng, nhưng nó không còn mang ý nghĩa nhớ tưởng đến Phật nữa. Niệm theo thiền là tỉnh giác ghi nhận, theo Tịnh Độ là tỉnh giác nhớ tưởng. Khi thương nhớ ai, chỉ cần nghe đến tên người đó thì hình ảnh người đó hiện ra trong tâm và làm ta muốn tìm đến người đó. Mục đích niệm Phật cũng vậy. Niệm Phật là nhớ tưởng đến Phật và cố gắng làm cho tâm tìm đến Phật. Khi niệm ra tiếng thì đó là tự nhắc nhở mình một cách mạnh mẽ hơn, chứ không phải là nhồi sọ. Tuy nhiên nếu không hiểu mà niệm như cái máy cũng được, nhờ đó mà bớt nghĩ bậy, nói bậy.

Thiền có thích hợp cho cư sĩ không?

Có nhiều người nghĩ rằng tu thiền là phải ngồi thiền, tọa thiền. Người cư sĩ tại gia phải lo làm ăn, buôn bán, sinh sống khó khăn, lấy thì giờ đâu mà ngồi thiền? Vì quan niệm như vậy nên họ cho rằng tu thiền không thích hợp với người tại gia, mà chỉ có pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật mới thích hợp cho cư sĩ. Những người này có lẽ vì quá bận rộn với cuộc sống nên không có thì giờ để ý tìm hiểu thiền thực sự là gì? Thiền không phải là ngồi yên một chỗ, không nhúc nhích, thả hồn phiêu lưu đến một cõi nào đó để tìm sự giác ngộ. Thiền là tập sống ngay trong hiện tại, nhìn thẳng vào khổ đau để tìm hiểu bản chất của nó, để vượt thoát khỏi sự sai sử của vô minh và ái dục. Lịch sử thiền tông cho thấy những việc bình thường như gánh nước, bửa củi, chăn trâu, giã gạo, quét nhà cũng đều là thiền. Hành giả tu thiền trong mọi công việc hàng ngày, trong tất cả động tác, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, động, tịnh. 

Sống có chánh niệm đó chính là thiền. Chánh niệm là tỉnh thức biết những gì đang xảy ra trong hiện tại nơi thân và ngoài thân để làm chủ mọi tham dục. Khi đi biết mình đang đi, đứng biết mình đang đứng, ngồi biết mình đang ngồi, ăn biết mình đang ăn. Thân làm gì, tâm suy nghĩ gì mình đều biết và ghi nhận, đó là thiền, là tỉnh thức không để thân tâm phóng túng. Khi niệm Phật biết mình đang niệm Phật, đó cũng là thiền. Khi trì chú biết mình đang trì chú, đó cũng là thiền. Bất cứ khi nào chánh niệm có mặt là tỉnh giác có mặt. Tỉnh giác có mặt đó là thiền. Nghe qua có vẻ dễ, nhưng đối với người chưa bao giờ tu tập thì rất khó có chánh niệm, vì vậy cần phải tham dự những khóa tu thiền tọa, thiền hành để huấn luyện thân tâm và biết cách áp dụng chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Thiền là một lối sống, lối sống tỉnh thức của Phật và chư thánh tăng. Con người thích sống cẩu thả, buông lung theo thất tình, lục dục, không thích ghép mình vào kỷ luật. Chúng ta mang danh là Phật tử, chẳng lẽ lại không thích sống theo kiểu chánh niệm tỉnh thức của Phật hay sao?  

Một người Phật tử, nếu không biết kiểm soát thân tâm của mình, tức là không có chánh niệm, thì làm sao giữ giới thanh tịnh? Thân làm ác, tâm nghĩ bậy mà không hay biết, không kiểm soát thì sao gọi là tu hành được? Ý thức được thân muốn làm ác, tâm đang nghĩ bậy và ngăn chặn ngay thì đó là có chánh niệm. Có chánh niệm tức là đang hành thiền. Vì thế tu Thiền, Tịnh hay Mật đều có bản chất thiền trong đó. Vấn đề là có biết tu tập để phát triển và duy trì chánh niệm hay không? 

Ngày nay có thiền sư Nhất Hạnh thường nhấn mạnh và giảng dạy về “chánh niệm” cho nên nhiều người nghĩ “thiền chánh niệm” là đặc biệt của thầy Nhất Hạnh. Nhưng chánh niệm đã được dạy trong Bát Chánh Đạo và tất cả pháp môn tu Phật giáo.

Ở Việt Nam có Hòa thượng Thanh Từ dạy thiền “biết vọng không theo”. Trên danh từ có vẻ khác, nhưng bản chất đều giống nhau. Nếu không có chánh niệm thì làm sao biết có vọng tưởng? Khi biết được vọng tưởng tức là có chánh niệm rồi. Nhờ có chánh niệm nên mới thấy được vọng tưởng khởi lên và không theo. Như vậy “thiền biết vọng” là anh em với “thiền chánh niệm”. Và “thiền chánh niệm” là con cháu của “thiền Tứ Niệm Xứ”.

Người tu theo đạo Phật, dù muốn dù không đều phải có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Vấn đề là có ít hay nhiều. Nếu không có một chút gì trong “tám cái chánh” thì không phải là Phật tử. Nếu lỡ có một chút chánh niệm, tức là có dính một chút thiền vị rồi.

Người cư sĩ tu pháp môn nào cũng cần phải có chánh niệm. Có chánh niệm thì mới giữ giới thanh tịnh, không tạo ác. Nhờ có chánh niệm, thấy rõ tâm suy nghĩ bậy, trái với đạo lý nên sửa đổi ngay, đó là có chánh kiến và chánh tư duy. Thấy rõ miệng muốn chửi rủa, liền ngăn chận không cho nó thốt ra lời xấu ác, đó là chánh ngữ. Nhờ tu tập chánh niệm, thường ghi nhận hành động của thân nên không cho thân làm điều ác như giết người, trộm cắp, tà dâm, đó là chánh nghiệp và chánh mạng. Nhờ tu tập chánh niệm nên tâm thường an trú hiện tại không phóng dật vọng tưởng, đó là chánh định. Thấy được sự lợi ích của chánh niệm và thường xuyên tu tập chánh niệm, đó là chánh tinh tấn. Pháp môn nào cũng có đầy đủ bát chánh đạo ở trong đó.

Tóm lại “thiền chánh niệm” hay lối sống chánh niệm không thể nói là thích hợp hay không cho người cư sĩ mà phải nói là tối ư cần thiết cho tất cả Phật tử, tại gia cũng như xuất gia.

Tâm bình thế giới bình

Bạn hãy cố gắng tu tập đưa tâm trở về trạng thái vắng lặng thanh tịnh, bởi vì tâm vắng lặng thì phiền não dứt, tâm khởi vọng tưởng thì phiền não sinh. Khi vọng tưởng khởi lên mà tâm bất giác (không có chánh niệm) đi theo thì nó sẽ tạo ra nhiều lớp mê vọng chồng chất.

Dưới đây là thí dụ về cái giận. 

Đang ngồi yên, bổng nhiên trong tâm (tôi) nghĩ tới ông A. Đây là một lớp vọng tưởng thứ nhất.

Rồi tâm (tôi) nhớ (tưởng) lại những gì ông A đã nói hay chỉ trích tôi. Đây là lớp vọng tưởng thứ hai.

Rồi tôi đâm ra bực mình và ghét ông A. Đây là lớp vọng tưởng thứ ba, và cũng là lớp vọng tình thứ nhất (ghét).

Rồi tôi nghĩ mình sẽ nói lại hay chửi lại ông A những gì. Đây là lớp vọng tưởng thứ tư.

Rồi nếu ông A cãi lại thế này thế nọ thì tôi sẽ nổi giận đánh ông ta một trận. Đây là lớp vọng tưởng thứ năm, và cũng là vọng tình thứ hai (nổi giận).

Rồi nếu tôi đánh mà ông A đánh lại thì tôi điên tiết lên tìm dao hay súng bắn ông ấy. Đây là lớp vọng tưởng thứ sáu, và là vọng tình thứ ba (điên tiết).

Rồi lỡ tôi bắn ông A chết thì sao đây? Phải lo chạy trốn hay thủ tiêu xác ông A chứ, nếu không thì bị ở tù sao? Đây là lớp vọng tưởng thứ bảy và là vọng tình thứ tư (lo sợ).

Nếu không nhận ra tâm đang chạy theo vọng tưởng, vọng tình thì tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ, lo lắng, buồn bực suốt đêm không ngủ được.

Trên đây là thí dụ không gặp cảnh mà chỉ hồi tưởng rồi vọng tưởng. Còn trường hợp gặp cảnh thật thì sao? Thì phải thực tập, chuẩn bị trước, tập cho tâm thường an trú trong sự bình an vắng lặng, đó cũng là tánh thật xưa nay của tâm. 

Niệm, định, huệ

Ngoài việc thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày, bạn cũng nên thực tập định (samadhi) và huệ (prajna).

Khi gặp một đối tượng hay cảnh vật, nếu không có chánh niệm ghi nhận một cách chính xác rõ ràng thì phiền não sẽ phát sinh. Nếu có chánh niệm, biết ghi nhận một cách khách quan, không thêm bớt tình cảm ưa ghét của mình vào thì phiền não không thể xuất hiện. Khi thấy trời nắng thì ghi nhận là trời nắng chứ không phải trời đẹp. Khi nghe ai la lối om xòm thì ghi nhận là mình đang nghe. Khi nghe rõ những lời chửi thì ghi nhận đây là âm thanh. Ghi nhận sự vật đúng như thật sẽ giúp cho tâm không chạy theo ngoại cảnh, không khởi tiếp vọng tưởng, vọng tình. Nhờ chánh niệm, phiền não chỉ bị đẩy xa chứ chưa bị tận diệt.

Định có nghĩa là đứng yên, yên lặng, đồng nghĩa với định là chỉ (samatha), dừng lại. Tu định sẽ ngăn chận vọng tưởng, phiền não bên trong khởi lên. Tu định bằng cách tập ngồi yên, lắng tâm theo dõi hơi thở, lắng nghe và an trụ trong tánh yên lặng của tâm.

Tuy nhiên bấy nhiêu đó chưa đủ để nhổ tận gốc phiền não. Định chỉ làm cho phiền não tạm ngưng, giống như lấy đá đè cỏ. Khi nhấc tảng đá ra thì cỏ mọc lại. Bạn cần phải tu huệ. Tu huệ còn gọi là tu quán (vipassana), tức là quán chiếu nhìn vào tâm, thấy rõ tâm khởi ra sao để dẹp trừ cái ngã và tìm về bổn tánh. Huệ mới nhổ tận gốc phiền não là cái Ta và những thèm khát ngủ ngầm của cái Ta nằm sâu trong tâm thức.

Trở về chân tâm

Tâm bất giác vọng tưởng tạo ra cái Ta (ngã) rồi theo cái Ta trôi lăn trong sinh tử. Bây giờ nói trở về là Ai trở về? Và trở về đâu? Tâm trở về, và trở về bổn tánh của nó, cái tánh thanh tịnh thường hằng. Khi tâm trở về bổn tánh thanh tịnh thì nó được gọi là chân tâm. 

Thiền Tứ Niệm Xứ được trình bày ở trên là phương pháp tu vô ngã chuyên dùng phủ định, nhưng nó cũng là một phương tiện thiện xảo để trở về chân tâm. Mỗi khi hành giả niệm hay ghi nhận một cái gì đó tức là có chánh niệm. Có chánh niệm tức là có sự tỉnh giác. Có tỉnh giác tức là tánh giác đang có mặt. Tánh giác có mặt tức là chân tâm đang làm việc. Do đó thực hành chánh niệm tức là đang trở về chân tâm.

Trong thiền tông có nói về thập mục ngưu đồ, tức là 10 tranh chăn trâu, ngụ ý nói người tu thiền phải kiểm soát tâm của mình giống như kẻ mục đồng chăn trâu. Chăn trâu tức là chăn tâm. Người tu thiền Minh Sát, phải chánh niệm từng giây phút, tỉnh giác ghi nhận không những tâm của mình mà còn phải ghi nhận luôn cả từng tư thế, hành động của thân thể, cảm thọ và các pháp. Đứng về phương pháp tu hành thì cách dụng công của thiền Minh Sát không khác gì chăn trâu của thiền tông. Chỉ có điều là mục đích hơi khác nhau. Mục đích của thiền Minh Sát là chứng ngộ được ba thực tướng của ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, và giải thoát khỏi lậu hoặc, phiền não, đạt đến Niết bàn. Còn mục đích của thiền tông là trở về hợp nhất với chân tâm.

Chân tâm và vô ngã liên quan mật thiết với nhau. Trở về chân tâm thì không còn ngã, cho nên đây là phương pháp thứ hai để tu vô ngã, dùng phủ định và xác định.

Để trở về chân tâm chúng ta có thể tu tập nương theo bốn câu của Lục tổ Huệ Năng nói về bổn tánh trong kinh Pháp Bảo Đàn (xem chương “Tâm”).

1. Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.

2. Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt

3. Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ

4. Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động.

Câu thứ năm, “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”, chúng ta không cần dùng đến, vì đây là cái tánh năng khởi của tâm, chính cái tánh năng khởi này nó làm cho chúng sinh bất giác mê lầm, chạy theo vọng tưởng. Nhưng khi tỉnh giác trở về được bổn tánh thì nó biến thành diệu dụng, thần thông tự tại của chư Phật và Bồ tát.

Tự tánh tức là bổn tánh của tâm, nói tự tánh hay bổn tánh hay chân tâm đều giống nhau. Do đó chúng ta có thể lập ra phương châm dưới đây để tu hành:

1. Chân tâm vốn tự thanh tịnh, nên không ái luyến, nếu ái là ngã ái.

2. Chân tâm vốn không sanh diệt, nên không cần sợ hãi, nếu sợ là ngã sợ.

3. Chân tâm vốn tự đầy đủ, nên không ham muốn, nếu muốn là ngã muốn.

4. Chân tâm vốn không dao động, nên thường vắng lặng, nếu khởi niệm là ngã khởi.

Vai chính trong công việc tu hành là tâm. Khi tâm mê, quên bổn tánh thì nó trở thành vọng tâm, và vọng tâm tạo ra cái ngã (Ta), và ngã tiếp tục tạo ra hậu tánh là những tánh phiền não. Khi tâm ngộ, tỉnh giác, từ bỏ hậu tánh phiền não, tìm về bổn tánh thì tâm trở thành chân tâm. Giống như chuyện đứa cùng tử trong kinh Pháp Hoa. Có một đứa con nhà giàu, nhưng bỏ nhà đi chơi, chạy theo những đứa nhỏ khác rồi quên mất đường về. Từ từ nó quên luôn mình là con ông trưởng giả, sống đời lang thang ăn mày, moi thùng rác, ngủ đầu đường xó chợ. Qua bao năm tháng, ông trưởng giả cho người đi khắp nơi tìm con, cuối cùng tìm được, nhưng vì xa nhà lâu quá nó quên bẵng mình là con nhà giàu nên sợ sệt không dám về nhà. Thấy vậy người cha dụ khéo cho nó vào nhà làm quản gia để nó tập trở lại những thói quen trưởng giả. Dạy cho nó ăn mặc bảnh bao, đi đứng đàng hoàng, nói năng lịch sự. Nhưng ban đầu nó vẫn còn những tập khí ăn mày sau bao năm đi hoang, nên tuy ăn mặc đồ đẹp mà lại ngồi chồm hổm, ngồi bàn sang trọng mà lại vói tay bốc đồ ăn một cách thô lỗ như kẻ chết đói. Mỗi lần như thế, ông trưởng giả lại nhắc nhở nó phải từ bỏ những tánh ăn mày thì mới tiếp tục làm quản gia được. Thế rồi dần dần nó tập được những tánh mới lịch sự, và trở thành một người trưởng giả. Lúc đó ông trưởng giả mới họp tất cả mọi người lại và báo tin nó chính là đứa con đi hoang hồi xưa, nay ông đã tìm lại được và giao hết tài sản sự nghiệp cho nó quản lý.

Chúng ta cũng vậy, vì quên mất bổn tánh nên đi hoang, lang thang trong sinh tử luân hồi giống như đứa cùng tử (con nhà nghèo cùng) không biết gốc gác thực sự của mình là gì. Nay nhờ chư Phật, chư tổ chỉ dạy nguồn gốc của chúng ta chính là chân tâm thanh tịnh, tánh thật của chúng ta không phải là những tánh ái luyến, sợ hãi, ham muốn, dao động vọng tưởng lăng xăng, đó là những tánh ăn mày, là hậu tánh, là tánh ô nhiễm huân tập sau khi đi hoang.  Bây giờ chúng ta phải tập lại từ từ như đứa cùng tử, tập nhớ lại bổn tánh và từ bỏ hậu tánh.

1. Mỗi khi tâm ái luyến, thương người này, ghét người kia, tức người này, giận người nọ, thì hãy nhớ lại bổn tánh vốn thanh tịnh, và tập an trụ trong sự thanh tịnh. Cái hay thương ghét, giận hờn là hậu tánh, là thói quen ăn mày, du côn của cái ngã. Chỉ có cái ngã (Ta) mới ái luyến, yêu ghét, giận hờn, v.v...

2. Mỗi khi tâm sợ hãi, sợ chết, sợ ma, sợ chuột, v.v... thì hãy nhớ lại bổn tánh vốn không sanh diệt. Tâm thực sự vô hình vô tướng, không bao giờ chết, không ai có thể bóp cổ, đâm chém hay giết được tâm. Vậy thì ai sợ hãi? Chính cái ngã sợ, vì vọng tâm chấp cái thân tứ đại là ngã (Ta) nên nó sợ cái thân bị chết, sợ ma bóp cổ cái thân, sợ chuột cắn cái thân. Sợ hãi là một tập khí sâu dày rất khó trừ, nó sâu hơn cả tham, sân, si, vì cái ngã rất sợ bị tiêu diệt.

3. Mỗi khi tâm ham muốn, thèm khát, ưa thích cái này cái kia như tiền của, sắc dục, danh vọng, thì hãy nhớ lại bổn tánh vốn tự đầy đủ, đâu cần những thứ đồ giả tạm, huyễn mộng, phù du này và hãy tập an trụ trong sự an nhàn biết đủ (tri túc thường lạc). Chỉ có cái ngã (Ta) mới thích ham muốn. Ham muốn, thèm khát, mong cầu là tập khí, thói quen của kẻ ăn mày, thiếu thốn. Những người giàu sang tỷ phú, triệu phú, mà tâm còn ham muốn, thèm khát đủ thứ thì đó vẫn là kẻ ăn mày. Tất cả những đồ vật trên thế gian này đều bắt nguồn từ tâm vô minh vọng động mà sinh ra. Tất cả đều do tâm biến hiện, tâm đã có đầy đủ tất cả, chỉ cần trở về bổn tánh, trong đó có vô lượng công đức của Pháp thân, tùy duyên ứng hiện. 

4. Mỗi khi tâm dao động, vọng tưởng suy nghĩ lăng xăng, hết chuyện này đến chuyện nọ, lo cái này chưa xong đã lo tới cái kia, thì hãy nhớ lại bổn tánh vốn không dao động, và tập an trụ trong sự vắng lặng của tâm. Nếu dao động thì đó là ai? Đó là vọng tâm, là ngã (Ta). Cái ngã phải lo làm ăn sinh sống, phải lo đối phó người này, người kia, thương người này, giận người nọ, v.v... Vì ngã lo nên làm tâm bị động, không cho tâm yên nghỉ một giây phút nào. 

Bệnh phiền não thông thường của người đời là tham lam, giận hờn và ganh ghét. Khi tham muốn khởi lên thì hãy nhớ lại bổn tánh của mình thanh tịnh đầy đủ, đâu cần ham muốn cái gì, vả lại cái gì tham? Ai tham, ai muốn? Hãy tập nhận diện ngay cái ngã. Khi giận hờn hay ganh ghét thì hãy nhớ lại bổn tánh của mình vốn thanh tịnh không dao động và cố gắng trở về bổn tánh. Nếu giận thì hãy tự hỏi Ai giận? Và nhận diện ngay chỉ có cái ngã mới biết giận, còn chân tâm thanh tịnh vô ngã làm sao biết giận! 

Muốn trở về chân tâm (vắng lặng) mà sao lại hành động theo vọng tâm, vọng tưởng, để những thói quen, tập khí của vọng tâm dẫn dắt? 

Càng tập nhớ bổn tánh, nhớ những đức tính của chân tâm và áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày thì chắc chắn sẽ loại trừ được phiền não. Luôn nhớ bổn tánh tức là có chánh niệm, là sống với ông chủ, với chân tâm, với Phật tánh, và cùng lúc diệt trừ luôn được cái ngã.

Nghi vấn

1. Có thể nói Ta là chân tâm được không?

-  Đúng ra trong chân tâm không có Ta, nhưng nếu chưa hiểu được giáo lý vô ngã, hoặc chưa từ bỏ được thói quen dùng chữ Ta thì bất đắc dĩ có thể cho Ta là tâm hoặc chân tâm để tự nhắc nhở mình trở về chân tâm. Nhưng cần phải biết đó chỉ là phương tiện tạm thời mà thôi.

Có một anh chàng nọ vừa chết, thần thức bay lên trời. Anh ta đến gõ cửa thiên đàng xin Thượng đế mở cho anh vào. 

Thượng đế hỏi: - Ai đó?

Anh đáp: - Tôi đây.

Thượng đế hỏi: - Tôi là ai?

Anh đáp: - Tôi là tôi.

Thượng đế nói: - Ở đây không có chỗ cho tôi. Anh hãy đi về tu lại.

Anh ta rơi trở xuống trần gian và tu hành tiếp. Sau một thời gian, anh ta chết và thần thức lại bay lên trời gõ cửa thiên đàng.

Lần này Thượng đế cũng hỏi: - Ai đó?

Anh đáp: - Tôi đây.

Thượng đế hỏi: - Tôi là ai?

Anh đáp: - Tôi là ngài.

Thượng đế liền mở cửa cho anh vào thiên đàng.

Thiên đàng là nơi Thượng đế cư ngụ, là chỗ thanh tịnh, sung sướng, không có tranh chấp, cãi vã, hơn thua, ích kỷ. Nếu còn cái tôi, cái Ta (cái ngã) thì làm sao vào thiên đàng được? Nếu những linh hồn vào thiên đàng mà còn cái tôi thì những cái tôi đó sẽ cãi nhau, tranh dành, hơn thua, ích kỷ làm ô uế thiên đàng. Vì vậy khi anh trả lời “tôi là tôi” thì Thượng đế không cho anh vào. Đến khi anh trả lời tôi là ngài, tức là cái ngã của anh không còn nữa, không còn phân biệt ta và người (nhị nguyên), không còn ích kỷ, tranh dành phần lợi cho cái Tôi nữa thì anh mới vào thiên đàng được.

2. Nhà thiền có câu công án “vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?”, có nghĩa là thế nào?

- Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ? Nghĩa là muôn pháp trở về một, một trở về đâu?

Câu trả lời là nhất quy vạn pháp. 

Cái nhất (một) chính là tâm. Các pháp đều quay trở về tâm, vậy thì tâm trở về đâu? Tâm trở ra các pháp.

Ban đầu tâm khởi vọng sinh ra các pháp, muôn loài muôn vật, thế giới và chúng sinh, rồi theo đó trôi lăn trong sinh tử lầm than. Đến khi tỉnh ngộ, tâm biết tu hành tìm đường trở về bổn tánh tức là trở về chính mình. 

3. Khi tâm trở về được với chính mình rồi thì sao? 

- Khi tâm hoàn toàn trở về bổn tánh thì nó trở thành Pháp thân (Dharmakaya). Pháp thân tuy vô hình tướng, nhưng không phải hư không vô tri vô giác, ù lì mà thường năng khởi ra muôn vàn diệu dụng, biến hiện ra Báo thân (Sambhogakaya) to lớn trang nghiêm để hóa độ chư Bồ tát trong các thế giới tịnh độ, và biến hiện ra Ứng hóa thân (Nirmanakaya) để hóa độ các loài chúng sinh trong sáu cõi luân hồi. 

Ngộ không là vấn đề

Tu tập trở về chân tâm, có cần nhận ra bổn tánh hay kiến tánh không? 

Thiền tông thường nhấn mạnh về “ngộ”. Nhưng ngộ là ngộ cái gì? Chữ ngộ có nghĩa là hiểu hay nhận ra. Vậy ngộ là ngộ đạo hay là kiến tánh?

Ngộ đạo nghĩa đen có nghĩa là nhận ra con đường, nghĩa bóng là nhận và hiểu được lý đạo hay kiến tánh. Nếu là con đường thì đức Phật đã tìm ra rồi, chúng ta đâu cần phải khổ công đi tìm làm chi nữa, chỉ cần nương theo lời dạy của Phật mà thực hành, tu tập thì sẽ giải thoát. Cho nên không cần phải “ngộ” mới giải thoát. Nếu bạn hiểu, tin và đang thực tập tu hành theo lời Phật dạy thì xem như bạn đã ngộ đạo rồi, tức là đã nhận ra con đường giải thoát.  

Nếu ngộ là kiến tánh (thấy tánh), vậy tánh đó là tánh gì?  Đó là bổn tánh, tánh của chân tâm.

Kiến tánh cũng có nghĩa là nhận ra bản lai diện mục. Bản lai diện mục (mặt thật xưa nay) của chúng ta đơn giản là cái tâm (hay chân tâm). Nhưng nhận ra được (chân) tâm rồi thì sao? Thành Phật liền chăng?

Nhiều người tu thiền lo đi tìm “ngộ” mà quên tu, quên sửa những tập khí chấp ngã, ái dục, phiền não. Họ tưởng một phen “ngộ” rồi thì bản ngã, ái dục, phiền não tự nhiên biến mất, khỏe ru khỏi phải mất công tu hành cho cực.

Ngộ không phải tự nhiên mà có. Phải tu (học) mới ngộ (hiểu). Sau khi ngộ rồi vẫn phải tu (thực hành) tiếp. Đúng theo truyền thống thiền tông thì phải ngộ trước, tức là nhận ra bổn tánh, chân tâm, rồi sau đó tập an trú chân tâm đến khi hoàn toàn ở trong và sống theo chân tâm thì gọi là chứng nhập chân tâm. 

Chúng sinh do thói quen lâu đời nhiều kiếp chạy theo ngoại cảnh nên việc nhận ra bổn tánh không phải là dễ. Cho nên nếu chờ phải kiến tánh mới tu thì tới kiếp nào mới kiến tánh? Và nếu chưa kiến tánh thì không tu sao? 

Dù ngộ hay không cũng vẫn phải tu. Ngộ chỉ là một chặng đường ngắn trên con đường dài. Điều quan trọng là có đi và tiếp tục đi cho tới đích không? Người kiến tánh rồi phải tu tiếp, gọi là đốn ngộ tiệm tu, cho tới khi nhập chân tâm. Người chưa kiến tánh thì cứ nương theo lời chư tổ dạy về bổn tánh mà tu thì cuối cùng cũng ngộ.

Hòa thượng Thanh Từ có nói lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu. “Người học đạo không phải ngộ một lần là xong. Trong nhà Thiền thường nói rằng đại ngộ ít ra cũng ba, bốn lần còn tiểu ngộ thì vô số”. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật cũng nói “năm ấm ấy vốn trùng điệp sinh khởi; sinh, nhân Thức ấm mà có; diệt, từ Sắc ấm mà trừ; lý thì ngộ liền, nhân cái ngộ đều tiêu; sự không phải trừ liền, theo thứ lớp mà diệt hết”. 

Pháp tu “biết vọng không theo” (tri vọng) của Hòa thượng Thanh Từ có khác gì pháp lau bụi của ngài Thần Tú? Mỗi vọng tưởng là một hạt bụi. Một vọng tưởng khởi lên bị chánh niệm nhận biết liền tan biến, giống như lau đi một hạt bụi.

Theo Đốn giáo thì tất cả chúng sinh đều đã là Phật rồi, có đầy đủ Phật tánh, đức tướng của Như Lai, nhưng vì bị vô minh, phiền não che lấp lâu đời lâu kiếp nên Phật tánh không hiển lộ. Bây giờ tu là lau chùi, tháo gỡ những lớp bụi vô minh, phiền não đó ra. Đến khi những lớp bụi đó không còn nữa thì Phật tánh hiển lộ. Bài kệ của ngài Thần Tú rất ích lợi và thiết thực cho việc tu tập khi ngài nói tâm như đài gương sáng, nhưng bị bụi bám lâu ngày, cần phải lau bụi thì gương sẽ sáng trở lại. Do đó chúng ta không cần phải “ngộ” để thành Phật mà cần lau bụi vô minh, ái dục, chấp ngã thì sẽ thành Phật. Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng là nói về thể tánh chân không của tâm, thanh tịnh không hề dính bụi. Còn kệ của ngài Thần Tú là nói về sự tướng, tâm động bị dính bụi phải lau chùi. Lý thì Huệ Năng, nhưng sự phải Thần Tú. Lý tuy đốn ngộ, nhưng sự phải tiệm tu.

Phật giáo Tây Tạng dịch chữ Phật (Buddha) là Sangyé, có nghĩa hoàn toàn trong sạch (completely purified). Do đó người muốn thành Phật phải tu tập đủ mọi cách để tẩy trừ bụi vô minh, ái dục, chấp ngã. Tẩy sạch nhiều chừng nào thì thành Phật sớm chừng đó. Tẩy bụi chính là tu tập các phương pháp mà Phật để lại.

Phật là người đã tìm ra con đường và chỉ dạy phương pháp tu hành. Lục tổ đã kiến tánh và nói rõ bổn tánh (chân tâm) ra sao. Chúng ta chỉ cần nương theo đó mà tu tập, diệt trừ dần dần những hậu tánh thì bổn tánh sẽ hiển lộ. Đây là tiệm tu mà đốn ngộ.

Tiến trình giác ngộ

Giác (sáng suốt) hay tánh giác là Phật tánh (Buddhata) sẵn có xưa nay nơi tâm chúng sinh. Tánh Phật này nơi chúng sinh bị phiền não, chấp ngã che lấp nên còn gọi là Như Lai tạng (Như Lai tại triền). Ở nơi Phật thì nó hiển lộ chiếu sáng khắp pháp giới nên gọi là Pháp thân (Dharmakaya).

Từ lúc biết được tánh giác (ngộ) cho tới khi hoàn toàn giải thoát phải trải qua bao lâu, hay vừa giác ngộ là thành Phật ngay?

Ngài Mã Minh (Asvaghosa), đại luận sư Ấn độ và cũng là thiền tổ thứ 12, trong Đại thừa khởi tín luận, có nói về năm loại giác: bản giác, bất giác, thỉ giác, phần giác, cứu cánh giác.

1. Bản giác: tánh giác sẵn có xưa nay nơi tâm chúng sinh.

2. Bất giác: tuy sẵn có tánh giác, nhưng tâm mê, không tự nhận biết mình là tánh giác.

3.Thỉ giác: nhờ tu học nên nhận ra tánh giác sẵn có.  Đây là mới giác ngộ.

4. Phần giác: tiếp tục tu hành, thanh lọc tâm ý, Phật tánh hiển lộ từng phần.

5. Cứu cánh giác: giác ngộ rốt ráo, Phật tánh hiển lộ hoàn toàn, tức là Phật.

Theo tổ Mã Minh thì từ lúc giác ngộ tánh giác hay Phật tánh hành giả vẫn phải tiếp tục tu hành trải qua phần giác (giác ngộ từng phần) rồi mới tới cứu cánh giác. Do đó, nếu chưa ngộ thì phải tu học để nhận ra tánh giác. Ngộ rồi thì cũng phải tu tiếp cho tới khi thành Phật mới xong.

Nhiều người tu Thiền nghe nói “kiến tánh thành Phật” nên rất ham cầu đốn ngộ qua sự nghe băng, giảng kinh mà quên đi luật nhân duyên, quên các phương tiện tu hành như tụng kinh, sám hối, bố thí, cúng dường, v.v... Tất cả pháp đều do nhân duyên sinh, phải có nhân duyên (phước đức) đầy đủ mới ngộ được.

Ví như chất lửa trong cây là chánh nhân của lửa. Song, nếu không có trợ duyên là người biết lấy lửa, dùng các phương tiện như bùi nhùi, công người cọ xát, v.v...thì lửa kia không thể tự phát sinh ra được.

Cũng vậy, chúng sinh tuy sẵn có Phật tánh (tánh giác) là cái nhân chánh để thành Phật, nhưng nếu không có ngoại duyên là gặp các đức Phật, Bồ tát, Thiện tri thức, v.v... dẫn dắt chỉ dạy phương pháp tu hành thì hành giả cũng không thể tự mình đoạn trừ phiền não và tu chứng Niết bàn được.

Trái lại, nếu chỉ có ngoại duyên mà không có Phật tánh là cái nhân chánh huân tập bên trong thì hành giả cũng không thể tự mình chán khổ sinh tử, cầu vui rốt ráo Niết bàn được.

Bởi thế nên phải có nội nhân và ngoại duyên đầy đủ, bên trong nhờ Phật tánh làm chánh nhân, bên ngoài nhờ đức từ bi và đại nguyện của Phật, Bồ tát giúp làm trợ duyên thì hành giả mới chán khổ sinh tử, tin có Niết bàn và phát tâm tu tập các pháp lành”.

Tánh giác (chân tâm) giống như ngọc kim cương, bản chất của nó trong sạch sáng suốt, nhưng còn bị lẫn lộn trong khoáng nhơ bẩn. Nếu hành giả chỉ lo quán tánh giác mà không dùng các phương tiện để tẩy trừ phiền não và tu các hạnh lành thì chất trong sạch sáng suốt của tánh giác không hiển lộ được. Giống như người chỉ nghĩ đến chất ngọc trong suốt mà không dùng đến các phương tiện như lọc khoáng, mài dũa, đẽo đục, v.v... thì không bao giờ có được viên ngọc kim cương đắt giá.

Phương tiện tu hành:

1. Quán vô ngã và chân tâm, để diệt trừ bản ngã, trở về chân tâm thanh tịnh.

2. Ngăn ngừa việc ác: biết xấu hổ, ăn năn sám hối tội cũ, và ngăn ngừa việc ác phát sinh.

3. Nuôi lớn căn lành: siêng năng lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, cúng dường Tam Bảo, tùy hỷ việc lành, tán thán công đức, giúp đỡ tha nhân, v.v...

Hạnh bố thí

Người Phật tử mới vào đạo, đức Phật dạy cho họ hạnh bố thí, cúng dường Tam Bảo. Đức Phật và chư tăng đi khất thực cũng là gieo duyên cho chúng sinh tập bố thí. Phật tử Nam tông rất quen thuộc với hạnh bố thí, cúng dường chư tăng, nhưng phần đông làm để cầu phước báo đời sau. Phật giáo Bắc tông dạy lục độ ba la mật, trong đó Bố thí ba la mật là hạnh đầu tiên của hàng Bồ tát. Hành giả Bồ tát muốn thành Phật thì trước tiên cũng phải tu hạnh bố thí. Bố thí là hạnh đầu tiên cho hàng Phật tử sơ cơ và hàng Bồ tát sơ phát tâm, nhưng cũng là mục đích cuối cùng của Phật Đạo. 

Ý nghĩa thông thường của bố thí là ban ra, cho ra, làm ơn cho kẻ khác, nhưng ý nghĩa sâu xa của hạnh bố thí là xả, xả ngã và ngã sở. Xả tiền tài, của cải thân mạng là xả ngã sở. Xả tâm niệm xan tham, bỏn sẻn, ích kỷ, chỉ biết lợi mình là xả ngã. 

Khi mới vào đạo thì Phật tử tu bố thí để cầu phước đức, nhưng khi hiểu sâu lẽ đạo, muốn giải thoát thì phải xả cái ngã và ngã sở. Để trở về chân tâm thì Phật tử lại càng phải tu bố thí nhiều hơn nữa, vừa tu bố thí vừa quán vô ngã, đó là bố thí ba la mật, tức là bố thí đi kèm với trí tuệ, nhờ đó sinh ra công đức. 

Cùng một việc bố thí mà sinh ra phước đức hay công đức khác nhau. Nếu không hiểu vô ngã, chỉ do lòng tin hoặc từ bi mà bố thí thì sinh phước đức, đời sau giàu sang, phú quý. Nếu hiểu vô ngã, bố thí để xả ngã, ngã sở, tâm san tham, thì sinh ra công đức. Công đức khác với phước đức ở chỗ đưa hành giả đến giải thoát sinh tử, còn phước đức khiến cho hành giả được hưởng sung sướng trong kiếp vị lai.

Có nhiều người trí thức, hiểu biết giáo lý kinh điển, cho việc tự tu tự lực, kiến tánh, giác ngộ là quan trọng, còn việc bố thí, cúng dường, làm phước là việc tầm thường dành cho đàn bà con nít, tâm tính yếu đuối hay cầu cạnh tha lực. Nhưng đó là chưa hiểu ý nghĩa thâm sâu của hạnh bố thí. 

Tâm chúng sinh quen chấp ngã, ngã sở nên không biết bố thí, mà ngược lại thích vơ vét ôm đồm mọi thứ cho nên rất cần phải tu bố thí. Ban đầu tu bố thí, bạn tập cúng dường vài đồng, rồi từ từ lên tới vài trăm, vài ngàn mà không thấy tiếc của. Kế tiếp, trong lúc bố thí bạn tập quán chiếu trên đời này không có cái gì thực sự là của Ta hết, tất cả chỉ là vay mượn, do nhân duyên đến rồi đi, cho ra được tức là xả bỏ ngã chấp. Càng cho ra nhiều thì ngã chấp càng nhẹ đi, càng mau giải thoát, cho nên hàng bồ tát tinh tấn thực hành bố thí. Tiến xa hơn nữa, hành giả thực hành bố thí thân mạng, xả bỏ đầu, mắt, tay, chân, như trong chuyện tiền thân của Phật Thích Ca lúc còn làm bồ tát. Trong sự chấp ngã, chấp thân là Ta là cái chấp nặng nhất, lớn nhất, rất khó trừ cho nên làm được tức là đã tiến rất xa trên Bồ tát đạo. Ở đây tôi không nói bạn phải tu bố thí tới mức đó, mà chỉ khuyên bạn nếu chưa phát tâm tu hạnh bố thí thì hãy bắt đầu. Nếu đã biết bố thí và bố thí một cách tự nhiên thì nên tiếp tục và quán chiếu thêm vô ngã để sinh ra công đức giải thoát. 

Trong việc bố thí, người nữ thường bố thí dễ dàng hơn người nam. Trong xã hội, người nam thường có bổn phận đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, nên có thói quen đem tiền về nhiều hơn là đem tiền ra. Còn người nữ với chức năng người mẹ, thường cho ra, cho con bú, cho con ăn, con đòi gì cũng cho dễ hơn cha, nên dễ bố thí. Người nam không quen bố thí tiền của, nhưng lại dễ bố thí công sức, sẵn sàng ra công giúp chùa, xây cất, đào hồ, cắt cỏ, trồng cây, đúc tượng, v.v... Dù bố thí dưới hình thức nào đi nữa, bố thí là một hạnh tu đáng được khen ngợi và cần thiết trên con đường tu hành giải thoát.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2166)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8178)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3008)