- Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
- Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
- Lời Giới Thiệu của Người Dịch
- Giới Thiệu Tổng Quát
- I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
- II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
- III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
- IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
- VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- VIII. TU TẬP TÂM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY
TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
2 . NHỮNG HỆ LỤY CỦA LỐI SỐNG PHÀM PHU
(1) Mũi Tên Cảm Thọ Đau Khổ
“ - Này các Tỷ- kheo, khi kẻ vô văn phàm phu cảm nhận một cảm thọ đau khổ, người ấy phiền muộn, ưu sầu, than vãn, khóc lóc, đấm ngực và đi đến bất tỉnh. Người ấy cảm nhận hai cảm thọ – một cảm thọ về thân và một cảm thọ về tâm. Giả sử có một người bị người khác bắn một mũi tên, rồi ngay sau đó người này bị bắn một mũi tên thứ hai, như thế người này cảm nhận một cảm thọ với cả hai mũi tên. Cũng vậy, khi một kẻ vô văn phàm phu cảm nhận một cảm thọ đau khổ, người ấy cảm nhận hai cảm thọ - một cảm thọ về thân và một cảm thọ về tâm.
“ Khi cảm nhận khổ thọ, người ấy mang lòng sân hận đối với cảm thọ này. Khi người ấy mang lòng sân hận đối với khổ thọ, khuynh hướng sân hận tiềm ẩn bên dưới cảm thọ này.(5) Trong lúc cảm nhận khổ thọ, người ấy đi tìm thú vui trong những khoái lạc giác quan. Vì sao ? Bởi vì kẻ vô văn phàm phu không biết cách nào thoát khỏi cảm thọ đau khổ ngoài hưởng thụ những khoái lạc giác quan.(6). Khi người ấy đi tìm thú vui trong những khoái lạc giác quan, khuynh hướng thèm khát khoái cảm tiềm ẩn dưới cảm thọ này. Người ấy không như thật hiểu rõ sự sinh khởi, sự chấm dứt, sự thỏa mãn, mối nguy hiểm và sự thoát ly ra khỏi những cảm thọ ấy.(7) Khi người ấy không hiểu rõ những điều này, khuynh hướng vô minh đối với bất khổ bất lạc thọ tiềm ẩn dưới cảm thọ này.
“ Nếu người ấy cảm nhận một lạc thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc . Nếu người ấy cảm nhận một khổ thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một bất lạc bất khổ thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Này các Tỳ kheo, đây được gọi là kẻ vô văn phàm phu bị trói buộc với sinh, già và chết, bị dính mắc với ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn phiền, tuyệt vọng, Ta nói rằng người này bị trói buộc với khổ đau.
“- Này các Tỷ- kheo, khi một bậc đa văn thánh đệ tử cảm nhận một khổ thọ, vị này không phiền muộn, ưu sầu, than vãn, khóc lóc, đấm ngực và đi đến bất tỉnh.(8) Vị này chỉ cảm nhận một cảm thọ - là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm. Giả sử có một người bị người khác bắn một mũi tên, nhưng ngay sau đó người này không bị bắn một mũi tên thứ hai, nên người này chỉ cảm nhận một cảm thọ từ một mũi tên mà thôi. Cũng vậy, khi một vị đa văn thánh đệ tử cảm nhận một khổ thọ, vị này chỉ có một cảm thọ mà thôi – đó là một cảm thọ về thân, không phải một cảm thọ về tâm.
“ Khi cảm nhận khổ thọ, người ấy không mang lòng sân hận đối với cảm thọ này. Vì người ấy không mang lòng sân hận đối với khổ thọ, khuynh hướng sân hận không tiềm ẩn bên dưới cảm thọ này. Trong lúc cảm nhận khổ thọ, người ấy không đi tìm thú vui trong những khoái lạc giác quan. Vì sao ? Bởi vì bậc đa văn thánh đệ tử biết cách thoát khỏi khổ thọ khác hơn là đi tìm những khoái lạc giác quan.. Vì vị ấy không đi tìm thú vui trong những khoái lạc giác quan, khuynh hướng thèm khát khoái cảm không tiềm ẩn dưới cảm thọ này. Vị ấy như thật hiểu rõ sự sinh khởi, sự chấm dứt, sự thỏa mãn, mối nguy hiểm và sự thoát ly ra khỏi những cảm thọ ấy. Vì vị ấy hiểu rõ những điều này, khuynh hướng vô minh đối với bất khổ bất lạc thọ không tiềm ẩn dưới cảm thọ này.
“ Nếu vị ấy cảm nhận một lạc thọ, vị ấy không bị dính mắc . Nếu vị ấy cảm nhận một khổ thọ, vi ấy không bị dính mắc. Nếu vị ấy cảm nhận một bất lạc bất khổ thọ, vị ấy không bị dính mắc. Này các Tỳ kheo, đây được gọi là bậc thánh đệ tử không bị trói buộc với sinh, già và chết, không bị dính mắc với phiền muộn , than vãn, đau đớn, ưu sầu, tuyệt vọng, Ta nói vị này không bị trói buộc với khổ đau.
“ - Này các Tỷ-kheo, đây là điểm đặc thù, sự sai biệt, sự khác nhau giữa bậc đa văn thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu”.
(Tương Ưng BK- IV, tr 336-340 : Với Mũi Tên )
(2) Những Đổi Thay của Cuộc Sống
“ - Này các Tỷ kheo, có tám pháp thế gian giữ cho thế giới này tiếp tục luân chuyển và thế giới xoay quanh tám pháp này. Thế nào là tám ? Thắng lợi và thất bại, danh thơm và tiếng xấu, khen ngợi và chê bai, khoái lạc và đau khổ .
“ Này các Tỷ kheo, kẻ vô văn phàm phu cũng như bậc đa văn thánh đệ tử đều có tiếp xúc với tám pháp hữu vi này. Thế nào là điểm đặc thù, sự sai biệt, sự khác nhau giữa bậc đa văn thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu ? ”.
“ - Bạch Thế Tôn, sự hiểu biết của chúng con về những pháp này bắt nguồn từ Thế Tôn, chúng con nương tựa vào Thế Tôn để được ngài hướng dẫn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của lời nói ấy. Sau khi nghe Thế Tôn chỉ dạy, các Tỷ kheo sẽ ghi nhớ trong tâm”.
“ Này các Tỷ-kheo, vậy hãy lắng nghe thật kỹ, Ta sẽ nói .”
Các Tỷ kheo trả lời, “ Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Rồi Thế Tôn nói như sau :
“ -Này, các Tỷ kheo, khi kẻ vô văn phàm phu được thắng lợi, người ấy không suy nghĩ như sau: ‘ Sự thắng lợi đã đến với ta là vô thường, bị ràng buộc với khổ não, sẽ phải chịu thay đổi’’. Người ấy không như thật hiểu biết về pháp này. Và khi người ấy gặp phải thất bại, được danh thơm hay tiếng xấu, được khen ngợi hay bị chê bai, người ấy không suy nghĩ như thế này:” Tất cả các pháp này đều vô thường, bị ràng buộc với khổ não, và phải chịu thay đổi”. Người ấy không như thật hiểu biết về các pháp này. Đối với hạng người như vậy, thắng lợi hay thất bại, danh thơm hay tiếng xấu, khen ngợi hay chê bai, khoái lạc hay đau khổ xâm nhập tâm của người ấy. Khi được thắng lợi, người ấy vui mừng và khi gặp phải thất bại, người ấy buồn khổ. Khi được danh thơm, người ấy sung sướng, và khi bị tiếng xấu, người ấy khổ sở. Khi được khen ngợi, người ấy khoái trá và khi bị chê bai, người ấy phiền muộn. Khi được khoái lạc người ấy thích thú và khị bị khổ đau người ấy ưu sầu. Như vậy người ấy bị ràng buộc với yêu và ghét, người ấy sẽ không thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, không thoát khỏi ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn khổ và tuyệt vọng, Ta nói rằng người ấy sẽ không thoát khỏi khổ đau.
“ - Này các Tỷ kheo, nhưng khi một bậc đa văn thánh đệ tử được thắng lợi, vị ấy suy nghĩ về việc này như sau;’’ Thắng lợi này đến với ta là vô thường, bị ràng buộc với khổ não, và phải chịu sự thay đổi”. Và vị ấy cũng suy nghĩ như vậy khi gặp phải thất bại …vv . Vị ấy hiểu đúng như thật các pháp ấy, và các pháp ấy không xâm nhập tâm của vị này. vì vậy, khi được thắng lợi, vị ấy không vui mừng và khi gặp phải thất bại, vị ấy không buồn khổ; không sung sướng khi được danh thơm, không khổ sở khi bị tiếng xấu; không khoái trá khi được khen ngợi, không phiền muộn khi bị chê bai; không thích thú khi được khoái lạc không ưu sầu khi bị khổ đau. Như vậy vị ấy đã từ bỏ yêu và ghét, vị ấy sẽ thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, thoát khỏi ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn khổ va tuyệt vọng, Ta nói rằng người ấy sẽ giải thoát khỏi khổ đau.
“ - Này, các Tỷ kheo, đây là điểm đặc thù, sự sai biệt, sự khác nhau giữa bậc đa văn thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu ”.
(Tăng Chi BK III, tr 498-501 :VI.6 Tùy Chuyển Thế Giới)
(3) Phiền Não Do Thay Đổi
“ - Này các Tỷ kheo, Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về phiền não do chấp thủ và không phiền não do không chấp thủ ”(9). “Các ngươi hãy lắng nghe thật kỹ, Ta sẽ giảng”.
“Thưa vâng , bạch Thế Tôn”, các Tỷ kheo đáp. Và Thế Tôn nói như sau :
“ - Này các Tỷ kheo, thế nào là tâm phiền não do chấp thủ ? Này, các Tỷ kheo, kẻ vô văn phàm phu là người không thấy rõ các bậc thánh, không thuần thục và không tu tập theo pháp của các bậc thánh, là kẻ không thấy rõ các bậc chân nhân và không thuần thục, không tu tập theo pháp của các bậc chân nhân, đã xem sắc như là tự ngã, hay là tự ngã có sắc, hay là sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc’’(10). Rồi sắc của người ấy thay đổi và biến hoại. Với sự thay đổi và biến hoại của sắc, thức của người ấy bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của sắc. Phiền não và một chuổi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của sắc vẫn ám ảnh tâm người ấy. Bởi vì tâm bị ám ảnh, người ấy sợ hãi, đau khổ và ưu sầu, và do bởi chấp thủ, người ấy bị phiền não.
“ Người ấy xem thọ như là tự ngã…tưởng như là tự ngã…hành như là tự ngã,…thức như là tự ngã, hay là tự ngã có thức, hay là thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Rồi thức của người ấy thay đổi và biến hoại. Với sự thay đổi và biến hoại của thức, thức của người ấy bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của thức. Phiền não và một chuổi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của thức vẫn ám ảnh tâm người ấy. Bởi vì tâm bị ám ảnh, người ấy sợ hãi, đau khổ và ưu sầu, và do bởi chấp thủ, người ấy bị phiền não.
“ Này các Tỷ kheo, như vậy là tâm phiền não do chấp thủ.
“ - Và này các Tỷ kheo, thế nào là tâm không phiền não do không chấp thủ ?
“ Này các Tỷ kheo, ở đây, bậc đa văn thánh đệ tử là người thấy rõ các bậc thánh, thuần thục và tu tập theo pháp của các bậc thánh, là người thấy rõ các bậc chân nhân, và thuần thục, tu tập theo pháp của các bậc chân nhân, không xem sắc như là tự ngã, hay là tự ngã có sắc, hay là sắc ở trong tự ngã , hay tự ngã ở trong sắc’’(11). Rồi sắc của vị ấy thay đổi và biến hoại. Mặc dù có sự thay đổi và biến hoại của sắc, thức của vị ấy không bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của sắc. Phiền não và một chuổi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của sắc không ám ảnh tâm vị ấy. Bởi vì tâm vị ấy không bị ám ảnh, vị ấy không sợ hãi, đau khổ và ưu sầu, và do bởi không chấp thủ, vị ấy không bị phiền não.
“ Vị ấy không xem thọ như là tự ngã…tưởng như là tự ngã…hành như là tự ngã,…thức như là tự ngã, hay là tự ngã có thức, hay là thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Rồi thức của vị ấy thay đổi và biến hoại. Mặc dù có sự thay đổi và biến hoại của thức, thức của vị ấy không bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của thức. Phiền não và một chuổi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của thức không ám ảnh tâm vị ấy. Bởi vì tâm không bị ám ảnh, vị ấy không sợ hãi, đau khổ và ưu sầu, và do bởi không chấp thủ, vị ấy không bị phiền não.
“ Này các Tỷ kheo, như vậy là tâm không phiền não do không chấp thủ.”
( TƯBK III, tr 35-39 : Chấp Thủ và Ưu Não)