- Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
- Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
- Lời Giới Thiệu của Người Dịch
- Giới Thiệu Tổng Quát
- I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
- II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
- III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
- IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
- VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- VIII. TU TẬP TÂM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY
TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
4. VÔ THỦY (KHÔNG CÓ ĐIỂM KHỞI ĐẦU )
(1) Cỏ và Cây
Thế Tôn đã dạy như thế này: “ - Này các Tỷ kheo, cõi luân hồi này là vô thủy (17). Đối với chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ kheo, giả sử có người cắt hết bất cứ cỏ, khúc cây, cành cây, lá cây nào trong cõi Diêm phù đề này (Jambudīpa) (18) và chất lại thành một đống. Sau khi làm như vậy, người ấy đặt chúng xuống, nói với mỗi cành lá rằng:’’ Đây là mẹ tôi, đây là bà ngoại tôi.’’ Chuổi các bà mẹ và bà ngoại của người ấy sẽ tiếp nối không bao giờ chấm dứt, tuy rằng cỏ, khúc cây, cành cây và lá cây trong cõi Diêm phù đề này sẽ cạn kiệt. Vì sao ? Bởi vì, này các Tỷ kheo, cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với các chúng sanh bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ kheo, đã lâu lắm rồi, các ngươi đã chịu đau khổ, sầu não, tai họa, đã làm cho các mộ phần ngày càng chồng chất lớn thêm. Đã quá đủ để các ngươi nhàm chán với tất cả các hành, đủ để các ngươi từ bỏ chúng, đủ để các ngươi giải thoát khỏi chúng”.
( Tương Ưng BK II , Ch. 4, tr 309, 1: Cỏ và Củi)
(2) Những Hòn Đất
“ - Này các Tỷ kheo, cõi luân hồi này là vô thủy . Đối với chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này, các Tỷ kheo, giả sử có một người lấy tất cả đất của quả đất này để viên thành những hòn đất lớn cỡ bằng hạt táo, cầm từng hòn đất đặt xuống và nói với từng hòn đất: ‘đây là cha tôi, đây là ông nội tôi ’. Chuổi các người cha và ông nội của người ấy sẽ tiếp nối không bao giờ chấm dứt, tuy rằng quả đất lớn đã được sử dụng đến mức cạn kiệt. Vì sao ? Này các Tỷ kheo, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với các chúng sanh bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ kheo, đã lâu lắm rồi, các ngươi đã chịu đau khổ, sầu não, tai họa, đã làm cho các mộ phần ngày càng chồng chất lớn thêm. Đã quá đủ để các ngươi nhàm chán với tất cả các hành, đủ để các ngươi từ bỏ chúng, đủ để các ngươi giải thoát khỏi chúng”.
(Tương Ưng BK II, Chương 4, tr 310, 2: Quả Đất )
(3) Núi
Một Tỷ kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn liền ngồi xuống một bên, rồi bạch Thế Tôn : “Bạch Thế Tôn, một kiếp dài đến bao lâu ? ” (19)
“ - Này Tỷ kheo, một kiếp thật dài. Không dễ gì có thể đếm được và nói một kiếp là rất nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm.”
“- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không ?”
“ - Này Tỷ kheo, được chứ ” . Thế Tôn trả lời. “ Này Tỷ kheo, giả sử có một ngọn núi đá lớn dài một do-tuần ( yojana ), rộng một do-tuần và cao một do-tuần, không có lỗ hổng hay khe hở, một khối đá đặc .(20) Cứ sau một trăm năm lại có một người đến đập vào núi này một lần với một tấm vải mịn. Bằng nỗ lực này, ngọn núi đá lớn có thể bị mòn dần và tan biến, nhưng một kiếp vẫn chưa chấm dứt. Này Tỷ kheo, một kiếp dài như vậy đó. Và với những kiếp dài như vậy, chúng ta đã lang thang qua rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp. Vì sao ? Này Tỷ kheo, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy…Cũng vừa đủ để giải thoát khỏi cõi này”.
(Tương Ưng BK II, Ch 4, tr 315, 5: Núi )
(4) Sông Hằng
Tại Vương Xá ( Rājagaha), trong rừng Trúc Lâm ( Veluvana), khu Vườn Sóc, một người Bà-la-môn đi đến Thế Tôn và trao đổi lời hỏi thăm với Ngài. Sau khi chào hỏi và chuyện trò vui vẻ, người ấy ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn,” Thưa Tôn giả Gotama, có bao nhiêu kiếp đã qua và đã trôi qua ?”
“ - Này Bà-la-môn, rất nhiều kiếp đã qua và đã trôi qua. Không dễ gì có thể đếm được và nói có rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp.”
“- Thưa Tôn giả Gotama, ngài có thể cho một ví dụ được không ?”
“ - Này Bà-la-môn, được chứ”, Thế Tôn trả lời. “ - Này Bà-la-môn, Hãy tưởng tượng những hạt cát từ chỗ sông Hằng bắt nguồn đến chỗ nó chảy vào biển lớn; không dễ gì đếm được và nói rằng có rất nhiều hạt cát, nhiều trăm hạt, nhiều ngàn hạt, nhiều trăm ngàn hạt cát. Này Bà-la-môn, những kiếp đã qua và đã trôi qua là còn nhiều hơn thế nữa. Không dễ gì có thể đếm được và nói có rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp.” Vì sao ? Này Bà-la-môn, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy…Cũng vừa đủ để giải thoát khỏi cõi này”.
(Tương Ưng BK II, Ch.4, tr 318-319, 8: Sông Hằng)
(5) Chó Bị Dây Buộc Cổ
“ - Này các Tỷ kheo, cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu.
“ - Này các Tỷ kheo, sẽ có một thời khi biển lớn khô cạn, bốc hơi và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sinh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.
“ - Này các Tỷ kheo, sẽ có một thời khi Sineru (núi Tu-Di), vua các núi, bị đốt cháy và hủy diệt và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sinh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.
“ - Này các Tỷ kheo, sẽ có một thời khi đại địa bị đốt cháy và hủy diệt và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sinh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.
“ - Này các Tỷ kheo, giả sử có con chó bị buộc vào cổ một sợi dây trói chặt vào một cây cột hay cột trụ : con chó sẽ cứ tiếp tục chạy vòng quanh cây cột hay cột trụ đó. Cũng vậy, kẻ vô văn phàm phu xem sắc là tự ngã….thọ là tự ngã….tưởng là tự ngã…hành là tự ngã….thức là tự ngã….Người ấy cứ tiếp tục chạy vòng quanh sắc, vòng quanh thọ, vòng quanh tưởng, vòng quanh hành, vòng quanh thức. Vì người ấy cứ tiếp tục chạy vòng quanh chúng, người ấy không thể giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi hành, không giải thóat khỏi thức. Người ấy sẽ không giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, không giải thoát khỏi khỏi ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn khổ và tuyệt vọng, Ta nói rằng người ấy không giải thoát khỏi khổ đau.”
(Tương Ưng BK III, Ch.5, tr 267, 7: Dây thằng)