2. Sự Kiện Nhập Thai và Đản Sanh của Đức Phật

18 Tháng Mười 201711:00(Xem: 7430)

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

II

 NGƯỜI  MANG LẠI ÁNH SÁNG 


2.  SỰ  KIỆN  NHẬP  THAI và ĐẢN SINH CỦA ĐỨC  PHẬT

            1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn đang trú tại thành Xá Vệ (Sāvatthi ), khu Rừng  Kỳ Đà ( Jeta Grove ), thuộc Vườn Cấp- Cô-Độc ( Anāthapiṇḍika ).

            2. Lúc bấy giờ một số Tỷ kheo đang ngồi trong hội trường, nơi họ gặp nhau sau khi đi khất thực về, sau khi ăn xong cuộc thảo luận này khởi lên giữa chúng tăng : «  Thật hy hữu thay chư hiền, thật siêu việt thay đại thần thônguy lực của Như Lai ( Tathāgata) ! Vì Ngài có thể biết được chư Phật thời quá khứ - những vị đã nhập Niết Bàn, đã cắt đứt các chướng đạo, bẻ gãy vòng sinh tử, chấm dứt luân hồi, đã vượt thoát khỏi mọi khổ đau – Ngài biết rằng chư Thế Tôn ấy đản sinh như vậy, danh tánh như vậy, bộ tộc như vậy, giới hạnh như vậy, định lực như vậy, tuệ giác như vậy, trú xứ thiền như vậy, giải thoát như vậy » .

            Khi được nghe như vậy, tôn giả Ānanda nói với các Tỷ kheo : «  Chư hiền,  các bậc Như Lai thật hy hữu và đầy đủ các đức hạnh siêu việt. » (4)

            Tuy nhiên, cuộc thảo luận của chúng Tỷ kheo bị gián đoạn; vì vào buổi chiều sau khi xuất thiền Thế Tôn đã đứng dậy đi đến hội trường, và ngồi xuống trên một chỗ đã được soạn sẵn. Rồi Ngài nói với các Tỷ kheo : « - Này các Tỷ kheo, các ông đang ngồi đây để bàn chuyện gì vậy ? Và cuộc thảo luận gì giữa các ông đã bị gián đoạn ? » 

            « - Bạch Thế Tôn, ở đây chúng con đang ngồi trong hội trường nơi chúng con đã gặp nhau sau khi đi khất thực về, sau khi ăn xong thì cuộc thảo luận này khởi lên giữa chúng con : « Thật hy hữu thay chư hiền, thật siêu việt thay đại thần thônguy lực của Như Lai ! Vì Ngài có thể biết được chư Phật thời quá khứ - những vị đã nhập Niết Bàn, đã cắt đứt các chướng đạo, bẻ gãy vòng sinh tử, chấm dứt luân hồi, đã vượt thoát khỏi mọi khổ đau – Ngài biết rằng chư Thế Tôn ấy đản sinh như vậy, danh tánh như vậy, bộ tộc như vậy, giới hạnh như vậy, định lực như vậy, tuệ giác như vậy, trú xứ thiền như vậy, giải thoát như vậy » . Khi được nghe như vậy, tôn giả Ānanda nói với chúng con : ‘ Chư hiền,  các bậc Như Lai thật hy hữu và đầy đủ các đức hạnh siêu việt ’.  Bạch Thế Tôn, đấy là cuộc thảo luận giữa chúng con đã bị gián đoạn khi Thế Tôn đi đến. » 

            Rồi Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda : « - Đã vậy thì này Ananda,  hãy giải thích đầy đủ hơn về những đức hạnh hy hữu siêu việt của Như Lai. » 

            3. « Bạch Thế Tôn, con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Này Ānanda, chánh niệm và tỉnh giác, Bồ tát xuất hiện trên cung trời Đâu- suất’ (5) Rằng chánh niệm và tỉnh giác Bồ-tát xuất hiện trên cung trời Đâu- suất – đây là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            4. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Chánh niệm và tỉnh giác, Bồ-tát an trú trên cung trời Đâu-suất’. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            5. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘Bồ-tát an trú trên cung trời Đâu-suất trong suốt thọ mạng của Ngài  ’. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            6. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Chánh niệm và tỉnh giác, Bồ-tát sau khi mạng chung  trên cung trời Đâu-suất  đã nhập vào mẫu thai ’. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            7. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Khi Bồ-tát  mạng chung  trên cung trời Đâu-suất  và nhập vào mẫu thai, một hào quang vô lượng  diệu kỳ vượt xa  thần lực của chư thiên, hiện ra khắp thế giới, gồm thế giới của chư thiên, Ma vương, và Phạm thiên, và cả thế giới này của các Sa môn, Bà-la-môn, chư thiênloài người. Và ngay cả trong thế giới tối tăm với những khoảng trống, u ám, và hoàn toàn đen tối, nơi mà mặt trăngmặt trời, cho dù đầy uy lực , cũng không thể chiếu sáng, trong những cảnh giới ấy, đã xuất hiện một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư thiên.(6) Và các chúng sinh tái sanh ở đó nhờ hào quang ấy mà thấy được nhau và nói: ‘ Quả thật cũng có những chúng sinh khác tái sanh ở đây’. Và cả hệ thống mười ngàn thế giới này rung chuyển, lay động, chuyển động, và một lần nữa xuất hiện một hào quang vô lượng  diệu kỳ vượt xa  thần lực của chư thiên, hiện ra khắp thế giới ’.  Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            8. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘Khi Bồ-tát đã nhập vào mẫu thai, bốn vị thiên trẻ tuổi đã đến canh gác bốn phía để cho không một ai, người  hay không phải loài người, có thể làm tổn hại Bồ-tát hay mẹ của Bồ-tát. ’(7) Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            9. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘  Khi Bồ-tát đã nhập mẫu thai, mẹ Bồ-tát tự nhiên giữ giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống các loại rượu men, rượu nấu, chất gây say, vốn là nguồn gốc của sai phạm ’. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            14.  « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Những phụ nữ khác sanh con sau khi đã mang thai chín tháng mười ngày, nhưng mẹ của Bồ-tát thì không phải như vậy. Mẹ Bồ-tát mang thai Bồ-tát  đúng mười tháng rồi mới sanh ’. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            15. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Những phụ nữ khác thường ngồi hay nằm khi sinh con, nhưng mẹ của Bồ-tát thì không phải như vậy. Mẹ của Bồ- tát đã đứng khi sanh Bồ-tát.’ Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            16. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, trước tiênchư thiên đã đón nhận Ngài, sau mới đến loài người.’ Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            17. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, Ngài không chạm đất. Bốn vị thiên nâng đỡ Ngài, đặt Ngài trước mẫu hậu và thưa : ‘ Hoàng hậu hãy vui mừng, Hoàng hậu đã sanh được một bậc vĩ nhân’. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            18. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, Ngài sanh ra thanh tịnh, trong sạch, không bị nước, chất lỏng, máu, hay bất cứ chất dơ bẩn nào làm ô nhiễm. Giả sử có một viên ngọc đặt trên một tấm vải mịn, thì viên ngọc không làm vấy bẩn miếng vải, và miếng vải cũng không làm viên ngọc vấy bẩn. Vì sao ? Vì cả hai đều trong sạch. Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra cũng như vậy. Ngài sanh ra thanh tịnh không bị ô nhiễm’. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            19. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, hai dòng nước từ trên trời rót xuống, một dòng nước lạnh, một dòng nước nóng, để tắm cho Ngài và mẹ Ngài.’ Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            20.  « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Ngay khi Bồ-tát ra đời, Ngài đứng vững hai chân trên mặt đất ; Ngài đi bảy bước hướng về phương bắc, với một lọng trắng che cho Ngài, Ngài nhìn khắp mọi phương và cất tiếng nói như một vị chúa đầu đàn :’’ Ta là bậc tối cao trên đời ; ta là bậc tối ưu trên đời ; ta là bậc tối tôn trên đời. Đây là đời sống cuối cùng của ta, ta sẽ không còn tái sanh nữa. ’(8) Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

            21. « Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy : ‘ Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, một hào quang vô lượng  diệu kỳ vượt xa  thần lực của chư thiên, hiện ra khắp thế giới, gồm thế giới của chư thiên, Ma vương, và Phạm thiên, và cả thế giới này của các Sa môn, Bà-la-môn, chư thiênloài người. Và ngay cả trong thế giới tối tăm với những khoảng trống, u ám, và hoàn toàn đen tối, nơi mà mặt trăngmặt trời, cho dù đầy uy lực, cũng không thể chiếu sáng, trong những cảnh giới ấy, đã xuất hiện một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư thiên. Và các chúng sinh tái sanh ở đó nhờ hào quang ấy mà thấy được nhau và nói:’ Quả thật cũng có những chúng sinh khác tái sanh ở đây’. Và cả hệ thống mười ngàn thế giới này rung chuyển, lay động, chuyển động, và ở đó một hào quang vô lượng  diệu kỳ vượt xa  thần lực của chư thiên, hiện ra khắp thế giới ’.  Rằng khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, một hào quang vô lượng  diệu kỳ vượt xa  thần lực của chư thiên, hiện ra khắp thế giới…. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn. » 

            22. « -Này Ānanda, vì vậy, hãy ghi nhớ việc này như là một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn. Ở đây, này Ānanda, đối với Thế Tôn, khi các cảm thọ sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ ; khi các tưởng sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ ; khi các niệm sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ. (9) Này Ānanda, hãy ghi nhớ điều này như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn. » 

            23. « - Bạch Thế Tôn, vì rằng đối với Thế Tôn, khi các cảm thọ sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ ; khi các tưởng sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ ; khi các niệm sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ. Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn. » 

            Tôn giả Ānanda nói như vậy. Bậc Đạo sư chấp nhận. Các Tỷ kheo hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Ānanda nói.

                        ( TBK III, Kinh số123 : Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, tr 317-328 )
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3529)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10332)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4600)